• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Người Tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát

tuesi.jpg 

Năm 1982, ở tù hai năm trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, qua anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, tôi được quen anh Cao Hữu Đính. Anh Đính đã qua đời năm 1992 trong căn nhà của anh ở khoảng giữa nhà thờ Bùi Phát và cổng xe lửa số 6 đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Anh nguyên là Tổng Thư ký Liên Ban Tôn Giáo Chống Độc Tài Ngô Đình Diệm năm 1963, nhà nghiên cứu Phật giáo và là giáo sư Đại Học Vạn Hạnh. Anh hơn tôi gần hai mươi tuổi.Tôi gặp anh Cao Hữu Đính lần đầu ở nhà anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Năm ấy – năm 1982 – ở tù lần thứ nhất trở về, tôi viết một số bài kiểu Tạp Ghi kể chuyện linh tinh về cuộc sống của nhân dân ta ở Thành Hồ Cờ Đỏ, tôi gửi những bài viết này sang Mỹ, Pháp, Úc. Tôi đưa vài bài để anh Đính đọc. Anh nói:

Trước kia tôi có nghe tên anh nhưng tôi không đọc anh. Tôi vẫn tưởng anh chỉ viết được tiểu thuyết, không ngờ anh viết chính luận được quá.

Từ đó anh Đính mến tôi, hay đến nhà tôi, đưa tôi đi ăn những chỗ anh thấy có thức ăn ngon, anh chị giúp đỡ vợ chồng tôi tất cả những gì anh chị có thể giúp. Anh chị Cao Hữu Đính những năm ấy sống tương đối thoải mái hơn nhiều người, anh chị có bẩy, tám người con, năm người sống ở nước ngoài, tất cả các con anh chị đều thành đạt.

Là nhà nghiên cứu Phật giáo và tích cực tham gia phong trào chấn hưng đạo Phật từ những năm 1940, anh Đính biết khá nhiều về giới giáo sĩ Phật giáo ở miền Trung Việt Nam. Những lúc vui chuyện anh kể cho tôi nghe những chuyện về tiểu sử, đời tư, hạnh kiểm, hành động, cá tính của nhiều vị lãnh đạo Phật Giáo như Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, các vị Thượng Tọa Thiện Minh, Quảng Độ, Đức Nhuận, Trí Quang, Nhất Hạnh vv…

Là người ngoại đạo, tôi nghe những chuyện trên rồi quên ngay. Tháng 3 năm 1984 anh Đính cho tôi biết:

Lại có chiến dịch khủng bố Phật Giáo đồ. Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích Nữ Trí Hải bị bắt hôm qua. Cả ba cùng bị bắt trong một buổi sáng. Chưa biết còn những ai bị bắt nữa.

Anh nhấn mạnh:

Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Trí Hải là.. la crème du Bouddhisme… tinh hoa của Phật giáo..

Vài ngày sau anh cho tôi biết thêm về vụ bắt bớ lớn ấy:

Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Trí Hải là những người con cưng của Hòa Thượng Trích Trí Thủ. Tuệ Sĩ, Trí Siêu bị bắt ở Chùa Già Lam, Phú Nhuận. Cô Trí Hải đang lập một tịnh xá ở Hố Nai, làm chỗ cư trú cho những tăng ni, phiêu dạt trong cuộc biển dâu năm 1975, không có tên trong sổ hộ khẩu chùa nào cả. Công an Thành Hồ đi xe đến tận nơi mời cô Trí Hải về Sài Gòn. Buổi sáng Hòa Thượng Thích Trí Thủ được mời đến Trụ Sở Mặt Trận Tổ Quốc. Trong lúc Hòa Thượng đi khỏi chùa Già Lam, Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị bắt. Ở Trụ Sở Mặt Trận Tổ Quốc, Hòa Thượng Trí Thủ được mời nghe cuộn băng ghi tiếng nói của một tăng sinh can tội phản động bị bắt. Tăng sinh này khai Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát và Ni cô Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo tổ chức phản động. Nghe nói tổ chức này lớn lắm, định lập chiến khu, gây bạo động ở thành phố, có súng. Khi Hòa Thượng Trí Thủ trở về đến chùa, nghe báo Tuệ Sĩ, Trí Siêu Lê Mạnh Thát bị bắt, Hòa Thượng ứa nước mắt.

Tai họa dồn dập đến với những phật tử Việt Nam. Khoảng bẩy ngày sau anh Đính cho tôi biết Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Pháp Chủ Phật Giáo Việt Nam, đột ngột tạ thế. Đấy là những ngày cuối tháng Ba năm 1984. Tình trạng cá nhân tôi cũng đen tối không kém. Nhiều sự kiện xẩy đến làm tôi lờ mờ cảm thấy xe bông của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh lại sắp sửa đến nhà tôi rước tôi đi lần nữa.

Tháng Giêng năm 1984 chúng tôi bắt đầu nghe tin mới có một đài phát thanh chống Cộng phát thanh từ hải ngoại. Tết năm ấy một số người ở Nha Trang tình cờ bắt được tiếng nói của đài phát thanh này. Tin ấy truyền về Sài Gòn. Đầu tháng Hai 1984 anh Đính bắt được đài trước, anh truyền bí kíp tìm đài cho tôi, và tôi nghe được đài. Đó là Đài Phát Thanh Mặt Trận Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh.

Từ ngày ấy đến khi tôi viết những dòng này ở Rừng Phong, Hoa Kỳ, thời gian đã gần ba mươi năm. Thật nhanh. Tôi nhớ Đài Phát Thanh Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh năm ấy phát thanh mỗi ngày năm lần, mỗi lần một giờ. Đài yếu. Rất khó bắt. Người nào có duyên với đài thì may tay có lời, bắt được tiếng nói ngay bất kể máy thu thanh xấu tốt. Nhiều người ra-đi-ô thật sịn loay hoay mò cả nửa tiếng cũng không bắt được đài. Một giờ phát thanh quá lâu. Đài phát thanh bằng băng thâu sẵn. Ba, bốn ngày mới thay một băng. Tin tức không có. Gần như toàn những bài viết đả kích cộng sản. Những ngày đầu vợ chồng tôi náo nức tìm nghe, chúng tôi xúc động khi nghe nhạc hiệu của đài, bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông“,– bản nhạc, lời ca thật hay nhưng đã bị vợ chồng tôi từ lâu quên lãng– chúng tôi xúc động hơn khi nghe tiếng hát Thái Thanh hát bài Quê Em: ..” Quê em miền trung du..Đồng quê lúa xanh rờn.. Giặc tràn lên cướp phá.. Anh về quê cũ.. Đi diệt thù giữ quê.. Giặc tan đón em về..”

Một tối, lúc 11 giờ đêm, tôi nghe đài kháng chiến. Cái ra-đi-ô Sony cũ rích nằm bên tôi trên căn gác lửng, Alice nằm tình tang trên cái võng mắc dưới nhà lại nghe tiếng nói phát ra từ máy rõ hơn tôi. Nguyên do là hệ thống truyền âm trong căn nhà nhỏ của chúng tôi khá ly kỳ. Đêm ấy vợ chồng tôi cùng nghe một bài bình luận của Đài Kháng Chiến. Tôi chắc một văn nghệ sĩ nào đó có trình độ hiểu biết khá cao là tác giả bài đó. Đại ý của bài là trước 1975 các văn nghệ sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa có cái lỗi là không tích cực chống Cộng, nhưng sau 1975 họ có cái hay là không một người nào cộng tác với cộng sản.

Đây là nguyên văn một câu trong bài chúng tôi nghe được đêm hôm đó:

… trong năm 1983 chúng ta đã được đọc văn thơ chống Cộng của Hoàng Hải Thủy, Bùi Hoàng Cầm, Nguyễn Chí Thiện..

Tôi bồi hồi xúc động với những cảm giác vui, lo, kiêu hãnh, sợ hãi lẫn lộn. Tôi được kể tên trước Hoàng Cầm, thi sĩ tôi rất ái mộ. Hết giờ phát thanh, tôi lọ mọ xuống gác, nói với vợ tôi:

Em nghe rõ tên anh chứ? Chắc chúng nó phải bắt anh thôi, chúng nó không để anh yên đâu.

Nhiều người nghe được bài ấy trên đài phát thanh Hoàng Cơ Minh. Một sáng, anh Nguyễn Văn Đạt, nguyên Trung tá, nguyên Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Định những năm 1953-1954, anh phải đi tù 5 năm ở miền Bắc, đi chiếc xe đạp mi-ni đến nhà tôi. Tôi được quen anh Đạt qua anh Đính. Anh Đạt đi cải tạo ở miền Bắc về năm 1980. Sáng ấy anh đến chào từ biệt tôi, anh nghe đài kháng chiến gọi tên tôi và anh biết tôi sắp bị bắt. Vợ chồng tôi cám ơn anh và tiễn anh ra tới hàng ba. Dừng lại bên cửa với chiếc xe đạp mi-ni anh nói với vợ chồng tôi lời cuối:

Chị đừng buồn. Chị làm vợ một người chồng có tài, chị phải chịu cái tai của anh ấy.

Vợ chồng tôi bồi hồi nhìn theo anh đạp xe ra khỏi cư xá. Đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh, nghe tiếng anh nói. Năm 1990 khi tôi từ nhà tù trở về mái nhà xưa, anh Đạt đã qua đời.

*****

Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ, cô Trí Hải bị bắt ngày 30 tháng 3, 1984, chừng một tuần sau ba vị tu sĩ bị bắt Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch. Hai giờ sáng rạng ngày mùng 2 tháng 5 năm 1984 Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đem xe bông đến nhà rước tôi đi.

Tôi lại trở vào cái gọi là Trại Tạm Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, trung tâm thẩm vấn của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi bốn năm trước tôi đã sống hai năm và đã ra thoát. Trở vô lần này tôi lại vào biệt giam Khu C Một. Lần trước tôi nằm phòng biệt giam — xà-lim — số 6 cũng khu này, lần thứ hai này tôi nằm phòng biệt giam số 10.

Sau thời gian chịu thẩm vấn, cai tù đưa tôi sang phòng tập thể số 6 cùng khu. Vào phòng tôi được xếp nằm cạnh một thanh niên trạc ngoài ba mươi tuổi. Chú kém tôi đến mười tuổi nên tôi gọi chú là chú, chú gọi tôi là bác. Nằm bên nhau chúng tôi nói chuyện làm quen. Khi nghe chú nói chú là tu sĩ chùa Già Lam, tôi vội hỏi tên chú — Anh Đính có cho tôi biết tên người tăng sinh chịu không nổi khổ cực vì bị nằm sà-lim dài hạn nên đã phải cung khai — khi biết chú không phải là tăng sinh cung khai, tôi cho chú biết tin Hòa Thượng Trí Thủ đã viên tịch.

Chú không biết tin ấy, chú cũng chỉ lờ mờ biết dường như hai ông Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát mới bị bắt. Chú cho tôi biết chú bị bắt đã ba năm, năm đầu chú bị giam ở đây – Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu — năm thứ hai chú sang Nhà Tù Chí Hòa và bây giờ chú mới được đưa từ Nhà Tù Chí Hòa về đây khoảng một tuần nay để lại bị thẩm vấn. Chú bị đưa trở lại đây chịu thẩm vấn thêm vì công an vừa bắt Tuệ Sĩ, Trí Siêu và Ni cô Trí Hải. Nghe tôi nói linh tinh và nói vanh vách về những chuyện Phật giáo, phật tử ..vv..chú hỏi tôi:

Bác không phải là phật tử, sao bác biết những chuyện ấy?

Ông Cao Hữu Đính cho tôi biết — Tôi trả lời — Tôi hay gặp ông ấy.

Nhờ anh Đính kể, tôi được biết một nhóm tu sĩ Phật giáo và phật tử liên kết với một số tín hữu Thiên Chúa Giáo — đa số là người Việt miền Trung — thành lập một tổ chức chống Cộng có tầm cỡ khá lớn. Nhiều người trong tổ chức đã bị bắt từ ba năm trước — 1981 — nhưng họ không chịu khai ra những người lãnh đạo họ. Vì họ không chịu khai nên họ cứ bị VC giam mãi. Mới đây một người trong nhóm bị nằm xà-lim mút chỉ ba năm trong Nhà Tù Chí Hoà, không được nhận đồ gửi vào nuôi, ta gọi là tiếp tế, không được ở phòng tập thể có anh, có em, chịu không nổi đã cung khai. Lời khai của người này được thâu vào băng, Hòa Thượng Trí Thủ đã được công an Sài Gòn mời đến Trụ Sở Mặt Trận Tổ Quốc nghe cuộn băng cung khai. Do đó Tuệ Sĩ, Pham Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni cô Trí Hải bị bắt.

Trại Tạm Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, cạnh Tòa Tỉnh Trưởng Gia Định, nhìn sang Chợ Bà Chiểu và Lăng Ông, là trung tâm thẩm vấn của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Gần như tất cả những người Sài Gòn bị bắt đều bị đưa vào đây thẩm vấn. Đặc biệt trung tâm này chỉ có những tù chính trị, tù vượt biên, tù xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tức bọn cán bộ ăn cắp của công, không có tù hình sự, tức tù trộm cướp, giết người, hiếp dâm.

Nhóm Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi bị bắt sau Tổ Chức Chống Cộng Già Lam một tháng. Chúng tôi ở Số 4 Phan Đăng Lưu 12 tháng: anh Doãn Quốc Sĩ ở khu C Hai, Khuất Duy Trác ở Phòng Tập Thể 1 khu C Một, Dương Hùng Cường Phòng Tập Thể 3 khu C Một, Trần Ngọc Tự Phòng Tập Thể 5 và tôi ở Phòng Tập Thể 6 khu C Một. Nhóm Già Lam đi sang Nhà Tù Chí Hòa trước chúng tôi.

Tháng Năm 1985 tôi đặt chân xuống Thánh Địa Chí Hòa. Buổi trưa, tôi tay ôm, tay xách hành lý: quần áo, mùng mền, chiếu, theo các bạn bước vào trung tâm Thánh Địa. Đứng trong sân tôi ngửng nhìn, chỉ thấy song sắt và song sắt.. A.. Người Sài Gòn bị bắt đi tù nếu chưa vào Khám Chí Hòa thì vẫn chưa biết tù đày đích thực là gì. Nhìn lên những tầng lầu cao tôi bồi hồi tự nhủ: “Đây Chí Hòa.. Với người tù Sài Gòn Nhà Tù Chí Hòa là Trường Đại Học giống như Đại học Harvard của sinh viên Mỹ, Eton của sinh viên Anh, Sorbonne của sinh viên Pháp..” Tâm trạng tôi lúc ấy như dòng suối cuồn cuộn trôi. Tôi sợ hãi và tôi kiêu hãnh. Sống dưới cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa đi tù vì tội chống đối bọn cộng sản là một thành tích tốt. Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, tôi đã sống, đã hưởng thụ, đã để cho những người khác chết, để cho vợ con những người khác khóc. Bằng những năm tháng tù đày này tôi trả được một phần nào cái nợ sống, được đóng góp một phần công nhỏ của tôi trong công cuộc chống Cộng chung của dân tộc. Tôi chỉ là một người tù rất thường như cả trăm ngàn người tù chống Cộng khác. Nhiều người tù đã chết trong nhà tù lớn nhất Đông Dương này. Rất có thể và chẳng có gì lạ nếu tôi sẽ không còn sống mà đi ra khỏi những vách tường này nhưng ngày nào trở ra được, ngày nào sống ở ngoài tôi sẽ thầm kiêu hãnh vì tôi từng sống trong Nhà Tù Chí Hòa.

Bẩy anh em chúng tôi — anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã sang Chí Hòa tháng trước — Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Lý Thụy Ý, Nguyễn thị Nhạn và tôi cùng từ Số 4 Phan Đăng Lưu sang Thánh Địa Chí Hòa trong một chuyến xe. Vào Khu ED — Ơ Đê — cai tù chia chúng tôi ra và đưa chúng tôi mỗi người vào một phòng.

Khu ED là khu giam tù chính trị, tù vượt biên, tù xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tức tù ăn cắp của công, biển thủ công quĩ, hối lộ, buôn trầm, vàng.. Những năm 1985, 1986.. Phòng 2 Khu ED, ở dưới đất, là phòng giam những người bị bắt từ năm 1975. Cộng sản không đưa những vị tù Phòng 2 khu ED Chí Hòa đi trại cải tạo, không đưa ra tòa, các vị cứ bị giam miệt mài đã cả mười năm. Tháng Năm 1985 ở Phòng 2 đó có các ông Vũ Tiến Hỉ, Thái Lăng Nghiêm, Như Phong Lê Văn Tiến, Nguyễn Đan Quế, Trần Thành và chừng hai mươi vị khác.

Sau chừng nửa giờ đoàn tụ ở trên tù xa anh em chúng tôi lại tan hàng, Lý Thụy Ý, Nguyễn thị Nhạn vào hai phòng nữ 3 và 4 ở dưới đất, ni cô Thích Nữ Trí Hải đang ở một trong hai phòng nữ ấy. Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự vào hai phòng lầu Hai, Khuất Duy Trác vào phòng 9, tôi vào phòng 10 lầu Ba, anh Doãn Quốc Sĩ lên lầu Bốn, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, từ Số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà Tù Chí Hòa trước chúng tôi một tháng, ở phòng 9 Lầu Ba khu ED.

Tôi gặp Trí Siêu Lê Mạnh Thát trong phòng 10 khu ED. Lê Mạnh Thát, cùng nhóm Già Lam, sang Chí Hòa trước tôi một tháng. Hai chúng tôi có chung một người bạn tù rất tốt. Anh bạn tù trẻ của chúng tôi là tu sĩ Thiên Chúa Giáo: Lê Văn Bẩy đã học xong nhưng không được Việt Cộng cho thụ phong linh mục. Bẩy ăn chung, nằm cạnh tôi ở Phòng 6 Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Bẩy sang Chí Hòa cùng chuyến xe với Lê Mạnh Thát. Bẩy quí mến Lê Mạnh Thát còn hơn Bẩy quí mến tôi. Bẩy đang ăn chung, nằm cạnh Thát nên nhờ Bẩy, vừa vào phòng 10, tôi được ngay người quen đón tiếp, lo cho đủ thứ. Tôi ăn chung, nằm cạnh Bẩy và Thát.

Tôi gọi Lê Mạnh Thát là thầy, Thát gọi tôi là bác. Thát kém tôi khoảng mười tuổi, có khổ người nhỏ nhắn đúng kiểu bạch diện thư sinh, nước da trắng hơn da con gái, mắt sáng, chưa phải dùng kính lão khi đọc báo, môi hồng, răng trắng đều đặn và còn tốt nguyên, thông minh thì khỏi nói. Tôi thấy con người Thát đẹp trai, hào hoa phong nhã.

Tôi trở thành người bạn đồng tù thân thiết nhất của Lê Mạnh Thát ở Nhà Tù Chí Hòa. Trong sáu năm tù lần thứ hai của tôi, chỉ có một năm đầu ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu tôi và Thát không sống chung phòng, từ 1985 đến 1989 chúng tôi sống gần nhau, sống chung, sống sát nhau suốt ngày, suốt đêm: 4 năm ở Phòng 10 Khu ED Nhà Tù Chí Hòa, một năm ở Trại Lao Động Cải Tạo Z30A. Sự kiện đặc biệt tôi thấy ở con người Lê Mạnh Thát là suốt năm năm trời sống sát bên nhau tôi không thấy Thát bị qua một lần cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, đau răng, ho hen nào, cũng không một lần ghẻ ngứa. Anh em tù ghẻ lu bù kèn, riêng tôi năm nào cũng bị hai lần ghẻ ngứa, mỗi lần kéo dài khoảng hai tháng, vào thời gian thời tiết thay đổi — nhưng Thát thì không. Ở tù như mọi người nhưng cả mấy mụn ghẻ còm Thát cũng không có. Thát rất ham đọc sách báo. Ở vào số tuổi ngoài bốn mươi mắt Thát vẫn sáng nguyên, vẫn đọc sách không biết mỏi và không phải dùng kính lão.

Sau một năm chung sống trong Phòng 10 Lê Văn Bẩy, người bạn trẻ của chúng tôi ra tòa. Lãnh án 8 năm, Bẩy từ biệt chúng tôi và Phòng 10 ED để qua khu FG chờ đi Trại Lao Động Cải Tạo. Thát và tôi ở lại bên nhau. Anh em tù cũ ra khỏi phòng, anh em tù mới vào phòng rồi ra khỏi phòng, Thát và tôi cứ ở lại đấy mãi. Đến năm 1988 Thát là người tù thâm niên nhất Phòng 10, tôi là người tù thâm niên thứ hai.

Gia đình Lê Mạnh Thát chỉ có một mình Thát là con trai, Thát tu hành từ năm mới mười một, mười hai tuổi. Năm 1964 Thát sang Hoa Kỳ học ngành y khoa — ở tiểu bang Wisconsin — Học xong Thát từng làm việc mấy năm trong trường đại học Thát tốt nghiệp ở Wisconsin. Năm 1974 Thát trở về Sài Gòn. Tháng Tư 1975 đến, Thát có sẵn re-entry permit của Hoa Kỳ và vé máy bay nhưng không đi. Thát có bà mẹ già và cô em ở Sài Gòn. Cờ đỏ vào Sài Gòn, nhiều tu sĩ Phật giáo bị bắt, bị chết trong tù như Thượng Tọa Thiện Minh, nhiều ông bị bắt, được thả về, bị bắt lại, bị đưa về nguyên quán quản thúc, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương vẫn sống bình yên trong chùa Già Lam cho đến Tháng Ba 1984.

Lê Mạnh Thát giỏi chữ Hán, ít nhất Thát cũng giỏi chữ Hán hơn tất cả những người tù biết chữ Hán từng ở chung phòng tù với Thát và tôi. Tù Nhà Tù Chí Hòa bị cấm dùng giấy bút, anh em tù chế ra những tấm bảng viết bằng giấy: lấy những tờ giấy bao thăm nuôi dán nhiều tờ lại thành một miếng dầy như các-tông, xoa mỡ nước và sà-bông lên mặt giấy, đặt miếng nylon lên, viết bằng que cán chổi. Viết xong bóc miếng nylon, nét chữ mất.

Lê Mạnh Thát không đọc Kiều, không nhớ một bài thơ chữ Hán nào cả, tôi đọc cho Thát viết mấy bài thơ chữ Hán tôi thuộc, như:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên…

Hay Thơ Tố Như:

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Độc đáo song tiền nhất chỉ thư..

Tôi đọc, Thát viết chữ. Chúng tôi giúp nhau qua ngày giờ trong tù.

Thời gian cứ thế lê thê trôi qua… Ở Nhà Tù Chí Hòa thời ấy có những người tù bị giam đến sáu, bẩy năm mà không “được” đưa ra tòa xét xử, không “được” đưa đi trại lao động, không được ai hỏi đến, không được báo tin về nhà, không được thăm nuôi. Cứ ở tù riết như bị bỏ quên, như hồ sơ bị mất. Guồng máy tư pháp cộng sản hoạt động rất ì ạch. Một trong những nguyên nhân làm cho cái gọi là bộ máy tư pháp cộng sản nặng nề, han rỉ, mất đinh ốc, không dầu mỡ hết sức cồng kềnh ấy chạy cà ạch cà đụi là việc những người cộng sản Việt Nam giam những người Việt Nam mà không cần đưa ra tòa xét xử, giam cho chết luôn là chuyện rất thường.

Theo lệ kể từ năm 1985 những vụ án chính trị, tổ chức vượt biên, vẫn được đưa ra tòa xử, hay giải quyết bằng cách đưa can phạm đi trại lao cải sau ngày bị bắt khoảng hai năm. Vụ văn nghệ sĩ phản động bị gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi bị giam tới bốn năm mới đem ra xử, vụ Tổ Chức Già Lam phản động có Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩõ Phạm Văn Thương, Ni cô Thích Trí Hải, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận trong ban lãnh đạo — những người bị bắt đầu tiên năm 1980, những người bị bắt cuối cùng khoảng cuối Tháng Năm 1984 — bị ngâm tôm ở Nhà Tù Chí Hòa đến bẩy năm mới đưa ra tòa.

Đúng ra vào đầu năm 1986, trước kỳ họp Đại Hội Đảng lần 6, công an Thành Hồ đã quyết định đưa nhóm bị chúng gọi là Bọn Biệt Kích Cầm Bút ra tòa xử, lệnh ra tòa đã được đọc cho anh em chúng tôi nghe, hai tờ tuần báo Công An Thành Hồ và Tuổi Trẻ đã om xòm loan tin về vụ xử và đăng những bài viết kể tội chúng tôi. Lần ấy họ khép chúng tội vào tội Gián Điệp, mức án phạt tội Gián Điệp tối thiểu tù 12 năm, tối đa tử hình. Nhưng đến phút cuối cùng họ hoãn xử. Một năm rưỡi sau — 1988 — họ mới lại đưa anh em chúng tôi ra tòa xử. Lần náy họ đổi tội danh của chúng tôi sang tội “Tuyên truyền chống chính quyền cách mạng”, mức án phạt tối thiểu tù 2 năm, tối đa tù 12 năm. Lãnh án 8 năm tôi ôm chiếu, xách giỏ, rời khu ED sang khu FG, nằm chờ kháng án lên cái gọi là tòa trên.

Sau vụ xử chúng tôi chừng ba tháng, vụ Già Lam ra tòa. Can phạm trong tổ chức Già Lam đến hai mươi người. Chỉ nội cái việc người tù phải đứng nghe đọc lý lịch và cáo trạng kết tội từng người cũng đã mất một ngày. Tòa phải xử đến hai ngày. Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương bị án tử hình, nhiều người 20 năm, 15 năm, Thượng Tọa Đức Nhuận lãnh án 10 năm, Ni cô Trí Hải 4 năm.

Trong buổi chiều ngày xử thứ hai T.T. Đức Nhuận quá mệt, ngất sỉu. Hai tên công an vào phòng xử khiêng ông ra ngoài. Những tu sĩ Già Lam sau đó trở về Nhà Tù Chí Hòa mà không có Thượng Tọa cùng về trên xe. Mọi người yên trí là bọn công an áp giải tù đã đưa Thượng Tọa đi bệnh viện hay đưa ông về bệnh xá Nhà Tù Chí Hòa để điều trị. Nhưng Thượng Tọa không được cai tù cộng sản chú ý đến như thế. Mãi trưa ngày hôm sau chúng tôi thấy cai tù đưa Thượng Tọa về phòng giam. Thì ra ông bị bỏ quên trong xe chở tù

Xe chở tù, nghe nói, tôi không được đi xe này khi tôi ra tòa, của Liên Xô viện trợ, có ngăn riêng kín mít để nhốt tù tử hình hoặc những tù làm dữ, la hét, nguy hiểm. Khi Thương Tọa Đức Nhuận ngất sỉu bọn công an không đưa ông đi bệnh viện mà cũng chẳng chạy chữa, cứu cấp gì cả, chúng khiêng Thượng Tọa ra xe bỏ ông vào ngăn nhốt tù nguy hiểm, khóa cửa lại. Xe chở tù từ Tòa Án về Nhà Tù Chí Hòa, chẳng thằng nào nhớ có ông sư tù còn ở trong xe, chúng bỏ quên ông luôn, những người Già Lam thì yên trí chúng đưa ông đi bệnh viện nên chẳng ai hỏi.

Thượng Tọa Đức Nhuận ngồi cả đêm trong ngăn tù xa. Ông không thể kêu cứu được, có kêu tiếng ông cũng không vang ra được ngoài. Ông cứ ngồi trong đó mà niệm kinh suốt đêm cho đến sáng. Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát chắc là nghe tiếng ông nên đến cứu ông. Thấy trên trần xe có lỗ thông hơi, T.T. thò bàn tay qua cái lỗ đó ra ngoài, vẫy vẫy. Có tên công an đi qua chỗ xe đậu nhìn thấy bàn tay vẫy vẫy, đi lấy chìa khóa xe lên xe mở ngăn tù xa “giải phóng” cho Thượng Tọa trở về phòng tù.

*****

Khi tuyên án tử hình Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, những người cộng sản đã tính trước. Họ biết thế nào hàng giáo sĩ và Phật Giáo đồ, trong nước, ngoài nước, cũng lên tiếng phản đối bản án và đòi giảm án, nên họ chơi đòn “giơ cao, đánh khẽ”, cứ tuyên án thật nặng chờ xin là giảm án. Làm như vậy họ được cái lợi: vừa có vẻ nhân đạo, làm thỏa mãn số người xin khoan hồng — giảm án rồi còn đòi hỏi gì nữa? — vừa vẫn giáng được những cái án nặng lên đầu hai can phạm. Đành rằng tổ chức Già Lam có mua được mấy khẩu súng nhưng chưa bắn phát đạn nào, chưa làm nổ một trái mìn, chưa giết chết một tên công an VC nào, làm cái gì mà phang họ những hai án tử hình, mà giết đến hai người trong tổ chức? Nếu họ có những hành động nặng hơn thế thì lấy mức án gì mà xủ? Đến tử hình là hết mức án rồi. Nếu tổ chức gây bạo động, cho nổ mìn, bắn chết năm bẩy tên công an VC ác ôn thì chắc là sẽ phải tuyên án tru di tam tộc hay bắn chết hết tất cả những người sống cùng khu phố với can phạm?

Theo thông lệ — vì số vụ án dồn đọng quá nhiều, không giải quyết được đúng thời hạn theo luật — những vụ án chính trị, hay vượt biên, phải chờ ít lắm là sáu, bẩy tháng mới được đưa ra xử lại. Vụ Già Lam được xử lại chỉ sau hơn một tháng, đúng ra là 45 ngày. Trí Siêu, Tuệ Sĩ được đưa từ khám tử hình Chí Hòa trở ra tòa. Lần nay hai người tử tội Già Lam được giảm xuống án 20 năm tù.

Theo luật của chính Việt Cộng án tử hình chỉ có thể giảm xuống án tù chung thân, VC đã phớt lờ luật của chính họ để cho hai tử tù Già Lam từ tử hình xuống thẳng án 20 năm, bỏ qua án chung thân. Cộng sản Việt Nam bắt chước hai đàn anh Nga Xô, Trung Cộng, thường tuyên những cái án thật nặng để rồi sau đó giảm án dần dần mỗi năm ở Trại Lao Động Cải Tạo, gọi tắt là Trại Lao Cải. Người lãnh án tù 20 năm khi ở trại Lao Cải nếu chịp ép một bề, chịu làm theo lệnh và tỏ ra sốt sắng làm đúng chỉ tiêu, có thể được giảm án mỗi năm ba tháng. Người án tù chung thân cũng phải đi trại làm khổ sai như những người tù khác nhưng không được giảm án hàng năm. Chỉ sau khoảng từ tám, chín đến mười, mười một năm khổ dịch người tù chung thân mới được phá án, được xuống án 20 năm, đến khi xuống án tù 20 năm đương sự mới được giảm án hàng năm. Trung bình người án tù chung thân phải ở tù từ 15 đến 17 năm.

Khi sống trong Khám Lớn Chí Hòa, anh em tù chúng tôi thường bàn tán với nhau về cái tiểu sử nhà tù chúng tôi cư ngụ. Tôi có ý định khi trở ra ngoài tôi sẽ tìm biết Nhà Tù này được kiến trúc sư tên là gì, người nước nào, vẽ kiểu, ai phụ trách xây dựng Nhà Tù lớn này, Nhà Tù được bắt đầu xây cất ngày nào, hoàn thành ngày nào, tháng nào, năm nào, hết bao nhiêu tiền vv..?

Khi trở về khu Ngã Ba Ông Tạ và đường phố Sài Gòn tôi thấy Nhà Tù Chí Hòa chỉ quan trọng, chỉ đáng được tìm hiểu với những người tù đang sống trong lòng nó. Những người chưa từng một lần đem thân vào Nhà Tù Chí Hòa chẳng cần biết gì về nó. Những thân chủ của Nhà Tù Chí Hòa khi ra khỏi những bức tường kiềm tỏa của nó, khi bỏ những hàng chấn song sắt, những cửa sắt lại sau lưng, cũng quên nó luôn.

Vì vậy, tôi chỉ mô tả rất sơ lược về kiến trúc Nhà Tù Chí Hòa. Nhà Tù Hỏa Lò Hà Nội đã tiêu rồi.. Một ngày nào đó Nhà Tù Chí Hòa cũng sẽ biến mất.

Mai sau dầu có bao giờ…

Một trăm năm sau — hãy nói một trăm năm sau, đừng đao to, búa lớn nói ba, bốn trăm năm sau. Tố Như théc méc thế thì được.. Tam bách dư niên hậu.. Hà nhân khấp Tố Như.. Mình tính chuyện ba trăm năm là không được — trong số những người Việt Nam đến cõi đời này sau tôi có thể có vài người đọc những dòng chữ này tò mò muốn biết nhiều hơn về Nhà Tù Chí Hòa, nơi từng giam giữ ông cha họ ngày xưa, nơi họ không được thấy.

Ngày xưa.. những năm 1950, 1951.. thành phố Sài Gòn còn ít cư dân, khi những con đường Sài Gòn còn viền những hàng cây xanh — đường Bonard có những bốn hàng cây xanh, không phải hai — khi người Pháp còn làm chủ Sài Gòn.. Nhà tù Sài Gòn được nhân dân gọi là Khám Lớn và Khám Lớn Sài Gòn nằm ở ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn: mặt tiền đường Gia Long, tường sau đuờng Lê Thánh Tôn, nơi bây giờ là Thư Viện Quốc Gia.

Thời xa xưa ấy — cách nay hơn nửa thế kỷ — người Sài Gòn phạm pháp bị bắt về Bót Catinat — đầu đường Tự Do gặp đường Nguyễn Du — Bót Catinat là nơi tạm giam và thẩm vấn tội phạm — Thời Pháp thường thì thời gian thẩm vấn ở Bót Catinat chỉ kéo dài mười lăm ngày. Người bị bắt vừa đưa dzô là tra tấn ngay, đánh cho khai ra đồng đảng. Nhưng chỉ khai thác trong khoảng nửa tháng là cho năm yên. Từ Bót Catinat can phạm được đưa sang Khám Lớn Sài Gòn ngay gần đấy. Cái gọi là Sở Lục Hình — nơi lưu trữ hồ sơ lý lich các tội phạm — nằm ở sau Tòa Aùn Sài Gòn, cạnh Khách sạn Embassy. Người tù được còng tay đi bộ từ Khám Lớn sang Sở Lục Hình ngay gần đó, khi ra tòa người tù cũng chỉ cần đi qua đường Gia Long là vào được Tòa Aùn bằng lối cửa bên cạnh.

Trong những năm đầu Thế kỷ 20 nhà tù Sài Gòn nằm ngay cạnh tòa án Sài Gòn là hợp lý, tiện lợi. Sau năm 1945 dân Sài Gòn ngày một đông hơn, thành phố phát triển, nhiều nhà dân quanh Khám Lớn Sài Gòn trở thành nhà lầu. Người sống trên những nhà lầu đường Lê Thánh Tôn có thể dễ dàng nhìn vào giữa sân Khám Lớn. Người ta không còn có thể cứ để mãi khám lớn nằm chình ình ngay giữa đô thành.

Nghe nói Nhà Tù Chí Hòa được các quan Đại Pháp quyết định xây và “đặt viên gạch đầu tiên” và được các quan Đại Nhật khánh thành. Từ năm 1940 đất nước chúng ta có nhiều thay đổi lớn, thành phố Sài Gòn cũng vậy. Quân đội Nhật Bản làm binh biến hạ bệ người Pháp, các quan Đại Pháp bị quân Nhật bắt đi bộ lếch thếch vào những trại tập trung, chiến tranh thế giới chấm dứt, người Pháp theo chân người Anh trở lại Sài Gòn, những anh Tây lai cô-lô-nhần từng bị khổ nhục trở thành bọn Sureté Tây, chúng thẳng tay bắt bớ, tra tấn, hành hạ người Việt, bọn Tây lai này đối xử với người Việt tàn tệ, dã man, táng tận, đểu giả hơn cả những người Pháp. Theo tôi sự đểu giả của bọn lai Tây trong chiến tranh Việt Pháp là nguyên nhân làm cho người Việt đa số không ưa những người con lai giống…

Nhà Tù Chí Hòa — tôi nghe nói — được làm xong khoảng những năm 1945-1946, bắt đầu đón khách từ những năm 1946,1947. Nhưng Khám Lớn Sài Gòn đường Gia Long, trở thành nhà tù nhỏ so với Khám Lớn Chí Hòa, vẫn được giữ. Trong thời gian này người Sài Gòn bị bắt vẫn bị giam, bị thẩm vấn ở Bót Catinat, vẫn sang Khám Lớn Gia Long nằm chờ ra tòa án bên kia đường, chỉ sau khi có án người tù Sài Gòn mới được đưa vào nằm dài ngày trong Nhà Tù Chí Hòa.

Năm 1952 Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm ra lệnh phá nhà tù đường Gia Long. Trong một buổi lễ được coi là long trọng và mới lạ Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm đọc bài diễn từ ngắn, cầm búa “đập viên gạch đầu tiên” phá nhà tù. Khi đó tôi là phóng viên nhật báo Ánh Sáng, tôi có cái vinh hạnh được dự lễ phá nhà tù này. Lễ xong, Ông Lớn lên xe về dinh, chàng phóng viên mới vào nghề là tôi tò mò đi một vòng xem nhà tù.

Thời gian qua.. Chiều nay ở quê người tôi tưởng tượng lại hình ảnh tôi, chú phóng viên trẻ măng năm xưa đứng ngoài hiên nhìn qua song sắt vào những phòng giam không có người, những phòng giam cửa mở, chật hẹp, tối tăm, dơ bẩn, hôi hám, lạnh lẽo. Và tôi những năm 1985, 1986, tóc bạc, gầy ốm, đứng sau hàng song sắt Nhà Tù Chí Hòa nhìn ra.

Được phá bỏ từ năm 1952 khu đất trước là Nhà tù Sài Gòn dầu dãi nắng mưa mãi đến thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xây nên tòa nhà Thư Viện Quốc Gia.

Từ năm 1980 những người cộng sản Việt Nam sau khi ăn hết, vơ vét hết, phá hết, phung phí, tẩu tán hết của cải của đất nươcù và của nhân dân, phải bắt chước đàn anh cộng sản Tầu thi hành chính sách gọi là “mở cửa”. Cũng như nhiều công sở khác Thư Viện Quốc Gia được mở cửa cho Ba Tầu vào mở cao lâu, rõ hơn là cho Ba Tầu Chợ Lớn mướn nguyên một tầng làm hàng ăn. Vào năm 1994, 1995 nhiều người dân Sài Gòn vẫn đến Thư Viện Thành Phố nhưng không phải để đọc sách mà là để ăn cưới.

*****

Từ sau hai hàng song sắt Phòng 10 Khu ED trong bốn năm trời ròng rã tôi ngày đêm trông thấy Khu Tử Hình ở bên kia sân.

Khu đó vắng bóng người, tối tăm, ảm đạm hơn những khu khác. Tôi kinh sợ khi tưởng tượng tôi phải vào khu đó. Tôi càng sợ hơn khi nghe những chuyện kể về cảnh sống của người tử tù chờ chết trong Khu Tử Hình Khám Chí Hòa. Người tử tù bị còng chân suốt ngày, suốt đêm. Ba, bốn giờ sáng cai tù vào đánh thức, cho ăn bữa cuối cùng, thường là cái bánh bao, chai nước ngọt, hai điếu thuốc có cán. Người tử tù bị bịt mắt, bị tọng giẻ, trái chanh hay trái cóc vào miệng, đưa lên xe bít bùng chạy lên bãi bắn ở Thủ Đức. Nghe nói tử tù bị đưa lên đứng trên những thùng phuy đổ đầy đất để chịu bắn nên anh em tù thường nói đùa câu “lên thùng phuy”. Cũng nghe nói nhiều người tù bị nhét trái chanh, trái cóc quá lớn vào miệng nên chết ngạt trước khi bị bắn chết.

Tử tù Thành phố Hồ chí Minh bị bắn vào lúc năm giờ sáng, xác họ được chôn ngay ở khu đất cạnh bãi bắn. Thân nhân tử tù có thể đến đấy nhận mộ nhưng nếu muốn đăït bia trên mộ, bia phải có hàng chữ “Tội……. Chịu án ngày…..”

Những chuyện CSVN giết người Việt Nam tôi được nghe trong ngục làm tôi nhớ một bài viết về chị Võ thị Sáu, người được CSVN suy tôn là liệt sĩ, bị người Pháp hành quyết ở Côn Đảo. Khoảng những năm đầu thập niên 1980 tôi tình cờ đọc được bài viết ấy trong một tập sách Văn dậy học sinh trung học. Bài viết tả cảnh người nữ tử tù Võ thị Sáu trên đường đi ra pháp trường đã dừng lại, cúi xuống “ngắt bông hoa hồng dại bên đường đưa tặng người lính Bắc Phi sẽ bắn chị..”

Ôi..! Tác phong của người cộng sản Võ thị Sáu mới hào hùng, cao đẹp làm sao! Cho đến lúc sắp bị kẻ thù giết chị vẫn sống đẹp, sống hùng, chị vẫn yêu thương người, chị vẫn tha thứ! Đây là bài trong sách giáo khoa, không phải bài đăng lăng nhăng trên báo. Người viết bài ca tụng ấy phạm hai tội, một là ngu, hai là coi thường người khác. Có thể y can cả hai tội. Có ngu tận mạng và coi thường mọi người y mới viết những chuyện như thế. Y còn can tội phản tuyên truyền, bôi bác chế độ xã hội chủ nghĩa, y tả người tù Võ thị Sáu khi bị cai tù Pháp đưa đi bắn ở Côn Đảo được cho đi ung dung, thoải mái, không bị bịt mắt, không bị nhét trái chanh hay cục giẻ vào miệng, không bị còng tay, xích chân, bằng chứng là đang đi chị có thể dừng lại, cúi xuống, ngắt bông hồng dại bên đường, đưa cho người lính Bắc Phi sẽ bắn chị…

Tình cảnh những người tử tù chính trị Việt Nam bị những người cộng sản Việt Nam đưa đi bắn có thể nói là cực kỳ thê thảm. Tôi không ngu đến cái độ nghi ngờ chuyện chị Võ thị Sáu hái bông hồng trên đường ra bãi bắn Côn Đảo là chuyện không có thật, tất nhiên đó là chuyện bịa, tôi chỉ lấy làm lạ tại sao một bài viết lếu láo, ngu si đến như thế lại có thể được những ngưiời cộng sản cho vào sách giáo khoa. Người viết bài có thể ngu, có thể coi thường mọi người nhưng còn bao nhiêu người cộng sản khác?

*****

Từ khu tử hình Khám Lớn Chí Hòa Trí Siêu và Tuệ Sĩ xách giỏ sang khu FG sau khi được bỏ án tử hình. Hai tu sĩ Phật giáo ở tù không có gì hơn anh em Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi — không hay hơn cũng không dở hơn — nhưng hai người hơn anh em chúng tôi một chuyện: họ đã vào Khu Tử Hình Khám Chí Hòa.

Chia tay với Lê Mạnh Thát ở Phòng 10 Khu ED tôi ôm chiếu, xách giỏ sang khu FG trước Thát, nhưng duyên nghiệp giữa Thát và tôi chưa hết. Khoảng bốn tháng sau Thát và Tuệ Sĩõ từ Khu Tử Hinh lại ôm chiếu, xách giỏ sang ở cùng một phòng Khu FG với tôi.

Đã có án những người tù đồng vụ không còn bị chia ra ở nhiều phòng nữa, những người tù phản động Già Lam nay được sống chung một phòng. Ni cô Trí Hải ra toà lãnh án 4 năm tù, ở tù vừa đủ án kể từ ngày bị bắt, ni cô được về chùa ngay. Đoàn tụ với nhau trong một phòng tù chừng hai tháng nhóm Già Lam được đưa đi trại lao động cải tạo. Lần thứ hai tôi chia tay với Lê Mạnh Thát. Thát đi khỏi Nhà Tù Chí Hòa vào một buổi sáng cuối năm 1988.

Nằm lại Chí Hòa tôi được tin nhóm Già Lam lên Trại Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Cơ may của tôi được đến Z30A là 5/5.

Ngày 18 Tháng Giêng Ta là ngày giỗ ông thân tôi. Ngày này cũng là ngày tù phòng tôi được nhận đồ nuôi, tôi được ăn xôi vò, chè đường, hai thứ mẹ tôi làm rất ngon. Hai ngày sau, ngày 18 Tháng Giêng Ta, mùa xuân mới đến trên thành phố thân thương, tôi ôm chiếu, xách giỏ lên tù xa rời Thánh Địa.

Bị còng chân ngồi sát cánh với anh em trên sàn xe, nhìn lên qua những song sắt cửa sau xe tôi thấy những ngọn cây, những cột đèn, những đường dây điện, những mái nhà thành phố..

Con đường xưa tôi đi… Như vậy là trước sau tôi đã ba lần bị còng tay đi trên con đường này — tôi ra tòa hai lần — để ra tòa và đi trại cải tạo.

Xe ra xa lộ. Khoảng 11 giờ trưa xe ngừng. Tôi theo anh em xuống xe trước cổng trại Z30A, khi xe rời quốc lộ ở Ngã Ba Ông Đồn để chạy vào con đường nhỏ, chúng tôi đã biết chúng tôi đến trại Z30A.

Năm năm trời sống tù túng trong những phòng giam tôi sung sướng đặt chân lên mặt đất đỏ Xuân Lộc. Việc làm đầu tiên của tôi là vào bãi cỏ bên cổng trại khoan khoái đi một đường tiểu tiện. Thoải mái rồi tôi trở lên ngồi chồm hổm xếp hàng với anh em chờ, văn huê là cán bộ quản giáo, nôm na là cai tù, ra lãnh vào trại. Tôi phì phèo điếu thuốc rê thở khói xanh lên những cành bạch đàn, sung sướng cảm nhận làn gió mát ve vuốt trên má, cảm nhận hơi ấm của nắng trưa trên tóc, trên vai áo, tim tôi rưng rưng vì tiếng chim, tiếng lá bạch đàn rì rào, năm năm rồi tôi không được nghe tiếng chim…

Đến Z30A tôi gặp lại gần tất cả những bạn tù đã sống cùng phòng với tôi ở Chí Hòa, đã quen biết tôi, trò chuyện, chia ngọt, xẻ bùi với tôi: Mã Thành Công, giáo sư Sử, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài, tù 10 năm, Lê Công Minh, kỹ sư, tù chung thân, Sáu Vui, tổ chứ vượt biên, tù 14 năm. Cũng tại đây tôi gặp người tù độc đáo Lê Vĩnh Xuân. Xuân từng có thời làm nhân viên Sở Thông Tin Hoa Kỳ — USIS — Xuân bị bắt từ năm 1976, bị nghi là nhân viên CIA được CIA gài lại, bị giam mút chỉ cà tha từ đó mãi đến năm 1992 mới được thả. Trong giấy ra trại, tức lệnh tạm tha của Xuân, ghi cái tội danh hết sức ly kỳ là “Can tội: Thông dịch viên”.

Và ở Z30A tôi gặp lại tất cả những người trong nhóm Già Lam, tôi lại ở chung một phòng tù với Lê Mạnh Thát. Đến hết năm 1989 tôi đã ở tù cùng một phòng với Lê Mạnh Thát đúng 5 năm liền.

Tôi đến Z30A ngày 18 Tết, một năm sau hết án, tôi ra khỏi Z30A ngày Mùng 7 Tết. Lúc 9 giờ sáng tôi ra về. Anh em đi làm hết, trại vắng tanh, Lê Mạnh Thát tiễn tôi ra đến cổng trại.

Đây là lần thứ ba tôi chia tay với Lê Mạnh Thát. Chúng tôi đã ba lần hợp: một ở Phòng 10 ED Nhà Tù Chí Hòa, một ở Phòng 20 Khu FG Chí Hòa, một ở trại lao cải Z30A– ba lần tan. Hôm nay nhớ lại những ngày tù đày và những người bạn tù ở quê hương tôi bồi hồi tự hỏi không biết duyên tình giữa tôi và Lê Mạnh Thát đã hết chưa? Không biết cuộc đời có dàn xếp cho hai chúng tôi hợp tan một lần nữa hay không?

Tôi đã sống gần sát Trí Siêu Lê Mạnh Thát năm năm, tôi đã thấy một số những cái hay, cái dở — những cái văn huê là sở trường, sở đoản — của con người Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Tù và túng. Trong tù người ta thường chỉ thấy những sở đoản của nhau, nhiều lúc tôi cũng coi thường, cũng bực bội vì Thát.

Đầu năm 1990 tôi về Sài Gòn, Thát vẫn ở Z30A. Ngay thời đó mỗi lần nhớ Lê Mạnh Thát tôi vẫn định có dịp sẽ nói với Thát:

– Khi ở gần núi Thái Sơn thấy Thái Sơn cũng thường thôi, cũng không có gì cao lắm. Khi xa Thái Sơn mới thấy Thái Sơn — dù sao cũng vẫn — cao hơn nhiều núi khác.

Tuệ Sĩ mỗi ngày chỉ ăn một bưã, quá ngọ là không ăn nữa, Trí Siêu ăn chay thật bền và điều độ, bữa nào cũng ăn hết phần cơm tù. Chúng tôi quen lệ ngày được nuôi là bỏ cơm tù, ăn toàn thức ăn người nhà gửi vào, Lê Mạnh Thát trong ngày được nhận đồ nuôi vẫn từ tốn ăn hết bát cơm tù, sau đó mới ăn đôi chút quà cáp người nhà gửi vào.

Có những lúc Thát và tôi ở trần, bận quần sà lỏn, đứng ghếch chân bên song sắt, nói chuyện nho nhỏ với nhau cả giờ. Ngoài phòng giam là một hành lang rộng, ngoài hành lang ấy còn một hàng song sắt nữa, chúng tôi phải nhìn qua hai hàng song sắt mới thấy mảnh trời nhỏ trên cao. Một tối mùa mưa chúng tôi đứng đó, trời vừa mưa lớn nhưng lúc ấy đã tạnh và có trăng. Chúng tôi không nhìn thấy mặt trăng nhưng nhìn thấy bóng vừng trăng in trong vũng nước đọng trong hành lang.

— Này thầy — tôi nói với Thát — Thầy thấy bóng trăng kia chứ? Nó là ảo ảnh nhưng tôi nghĩ tôi có thể cho nó là thật, vì tôi biết có vầng trăng thật trên trời kia, vì có vầng trăng thật trên trời nên mới có bóng vầng trăng trong vũng nước này.

Trong tù tôi thấy có nhiều anh em đêm đêm ngồi thiền, tất cả những tu sĩ Già Lam ở chung phòng tù với tôi đều không ai ngồi thiền hay tĩnh tọa. Tôi cũng chẳng thấy ai trong họ tụng kinh hay làm những cử chỉ, hành động chứng tỏ họ là sư sãi.

— Khi ở xa Thái Sơn tôi thấy quả thật Thái Sơn có hơn nhiều núi khác.

Ý tôi muốn nói là trong 5 năm trời sống gần — phải nói là quá gần — Trí Siêu Lê Mạnh Thát, có nhiều lúc tôi coi thường Lê Mạnh Thát, khi xa và nhớ lại tôi thấy con người, cuộc sống của Lê Mạnh Thát, ở một tầm cao hơn con người và cuộc sống của nhiều người tôi đã gặp.

Ở Phòng 10 Khu ED Nhà Tù Chí Hòa, Trí Siêu Lê Mạnh Thát nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm :

– Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người là cái gì ? Chỉ có ăn mày mới lê gót, người đàng hoàng ai mà lê gót.

Và nói về Chủ Tịt Hồ chí Minh :

– Lich sử Đảng Cộng Sản Liên Xô Sịt-ta-lin nó cho viết láo. Vậy mà cũng cong lưng ngồi dịch. Chí Minh cái gì, chí ngu thì có.

Boóc Hồ kể chuyện thời ở Hang Pắc Bó Bác dịch Lịch Sử Sản Cộng Sản Liên Xô qua bài thơ :

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, canh măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch Sử Đảng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG

——————————————————-

Tôi viết bài trên năm 2000. Hôm nay, ngày 18 Tháng Hai, 2008, tôi viết thêm:

Năm 1989 khi anh Doãn Quốc Sĩ và tôi đến Trại Z 30 A, Linh mục Nguyễn Công Đoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam, đang tù ở đây. Linh mục bị án tù 14 năm, ông có điều kiện giúp cho nhiều người tù già lão đỡ khổ cực, như ông tổ chức Tổ gọi là Tổ Đan Lát cho những ông tù già ngồi đan giỏ nệm. Lát được xe chở từ Sài Gòn lên, sản phẩm các ông tù làm được mua chở về Sài Gòn. Tiền mua nộp cho trại. Quản Đốc Z 30 A không thể để cho tù, dù là tù già, yếu, bệnh hoạn, ngồi không mà không làm gì. Linh Mục Nguyễn Công Đoan vẽ chuyện đan lát cho các ông tù già làm ở nhà, sản phẩm của các ông chỉ để vứt đi. Khi thấy anh Doãn Quốc Sĩ đến trại, Linh mục Đoan tổ chức cái gọi là Ban Dịch Thuật để anh Sĩ, Trí Siêu, Kỹ sư Mã Thành Công và tôi làm. Chúng tôi ở nhà dịch sách. Sách do nhóm Linh mục Trương Bá Cần cung cấp. Tiền công dịch của chúng tôi, cũng do nhóm Linh mục Trương Bá Cần chi, là 1 triệu đồng tiền Hồ một tháng, nộp hết cho trại. Nhờ việc làm này, buổi sáng đầu năm 1990 khi tôi ra khỏi Z 30 A, người tù Lê Mạnh Thát mới có thể đưa tiễn tôi ra đến cổng trại.

Mới đây có tin hai Tu sĩ Tuệ Sĩ, Trí Siêu nay cộng tác với chính quyền cộng sản. Có người thấy tôi từng ở tù với hai vị tu sĩ, muốn tôi viết về hai ông. Tôi không biết gì về việc hai ông làm hiện nay. Tôi không thể viết về hai ông được. Tôi đăng lại bài này để ghi lại một thời hai vị tu sĩ Già Lam chống đối quyết liệt bọn cộng sản và hai ông đã bị bọn cộng sản đàn áp đến như thế nào.

——————————————————-

Các bài thêm về Tu sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát:

11 Responses

  1. Kinh gửi ông HH Thủy mà Cụ Cao Hữu Đính gọi là Eau de Mer hồi đầu thập niên 80.
    Cám ơn ông bài nầy đã giúp tôi thêm nhiều chi tiết cho bức thư cũ của ông gửi từ Sài Gòn ngày 24-4-84 cho Bác Trịnh Sâm chuyển trước khi qua đời), Đọc đoạn chót ông viết “Mới đây có tin hai Tu sĩ Tuệ Sĩ, Trí Siêu nay cộng tác với chính quyền cộng sản. Có người thấy tôi từng ở tù với hai vị tu sĩ, muốn tôi viết về hai ông. Tôi không biết gì về việc hai ông làm hiện nay. Tôi không thể viết về hai ông được. Tôi đăng lại bài này để ghi lại một thời hai vị tu sĩ Già Lam chống đối quyết liệt bọn cộng sản và hai ông đã bị bọn cộng sản đàn áp đến như thế nào.”
    XIn đính chính một vài chi tiết về thời gian cách đây trên 30 năm nhò bức thư xưa của ông::
    “Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ, cô Trí Hải bị bắt ngày 25 tháng 3, 1984. Chừng một tuần sau ba vị tu sĩ bị bắt, xe công an đến Già Lam chở Hòa Thượng Thích Trí Thủ đi bệnh viện ngày 1-4-1984 và chở trả lại xác ngày 2-4-84).
    Rất tiếc tôi không gặp ông ở nhà Cụ Đính hay nhà cụ Hiếu Chân ví tôi đi cải tạo đến năm 1980 mới về và được đi ODP đòn tụ gia đình cuối 1984.
    Về vụ Ngài Trí Thủ bị giết theo tôi vì Cộng Sản rất thù HT vì
    1- Ngài là Bình Phong Số một để duy trì Mật Đạo Pháp và bảo vệ Mật Dân Tộc.
    2- Cộng sản phải ra tay khi Hòa Thượng Đôn Hậu công khai bảo vệ Đạo Pháp và Dân Tộc chống đối đường lối của HT Trí Thủ. Cộng Sản muốn CHUYỂN Đạo Phật thành Đạo Xã Hội Chủ Nghĩa Vô Thàn đấu tranh giai cấp để lấy cớ bán nước diệt dân nuôi đảng
    3- Diệt xong HT Trí Thủ phải diệt hết Hai Bình Phong còn lại: Đó là HT Minh Châu bắch cách dùng mua chuộc Vợ con, anh em ruột thịt gia đình dòng họ – Tất cả đề là đảng viên cao cấp cộng sản.
    Đó là HT Trí Tịnh. bằng cách dùng một ngân khoản gần 300 triệu Dollars kèm với bổn tính không ưa người Trung và người Bắc.
    4- Còn lại là 3 hậu sinh nguy hiểm do HT Trí Thủ che chở.
    Cộng sản phải dùng mọi thủ đoạn ác dộc : Dùng Tăng diệt Tăng, dùng đệ tử được HT Trí Thủ yêu quí nhất để GIẾT CHẾT HT một lần thứ hai. tức dùng GHPGVNTN tiếm danh để giết chết GHPGVNTN ngay bây giờ, khi 2 Ngài Huyền Quang và Quảng Độ còn tại thế.
    5- Theo tôi thì 2 TT Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đang bị áp lực Quốc tế vô cùng nặng nề của Tư Bản Xanh mạnh về thông tin lừa gạt, giúp ngầm Tư Bản Đỏ mạnh về Công an đàn áp
    Đó là Ni Sư Trí Hải đệ tử Sư Bà Diệu Không va con cưng của HT MInh Châu. Ni sư bị nạn Ô tô 17 giờ chiều Chủ Nhật, 7 tháng 12 năm 2003, cùng 2 Sư Cô trên con đường Hàm Tân (Phan Thiết – Long Hai)

  2. Ngo Trong Anh la ai ma viet van ngu the, khong co mach lac,
    y tu lung tung, kien thuc lon xon, lam doc gia doc ma chang
    hieu no muon noi gi,… ngu nhu the ma cung bay dat reply!

  3. What a ***, ***, you are *** Bắc Cộng. Know how to reverse that words? Chỗ này người ăn học nói chuyện, đi đầu thai cho lẹ, kiếp sau làm người – nhớ đi học và đừng chăn trâu- rồi đứng dựa cột mà nghe . You’re ***, ***! NGU mà tưởng khôn, thằng ranh con!

  4. Sorry, those words, lỗi đánh máy lẹ. Dung à, người có học biết mình sai thì xin lỗi và sửa sai, chỉ có thằng ngu đến chết cũng không biết sửa đổi và hối cải. Đi chỗ khác chơi đi, mày vào lộn chỗ rồi!!

  5. Chính trị các người thì cứ phải giết chóc mới đạt được mục đích. CS giết, các vị cũng giết, có khi còn nhiều hơn. Oải, tôi sẽ không làm chính trị!

    Thời ông tôi, nhà tôi có người bị đánh chết vì không đóng thuế thân cho Pháp. Thời bố tôi, các bác bị chết đói vì tay Nhật. Sau CMT8, nhà cũng có người tự treo cổ vì bị quy kết là đại địa chủ, em của bà tôi di cư vào Nam trước đó thì cũng có hai chú bị 10-59 chém cổ. Bố tôi được “động viên” đi lính, bao nhiêu lần suýt chết, cũng may trở về dù bị thương chứ không như các bạn bè cùng lứa trong làng (các chú ấy hi sinh hết, mà có chú bị bắt làm tù binh rồi cuối cùng bị đánh chết trong tù nữa)… Chẳng lẽ cứ phải giết hết người ta thì mình mới hả dạ, mới hạnh phúc hay sao?

    Thế hệ tôi sinh sau đẻ muộn, bảo là biết rõ về ngày xưa thì không. Tuy vậy tôi chỉ nghe kể đã thấy sợ chiến tranh, sợ thực dân, đế quốc (mà là nghe từ nhiều phía) cũng như “độc tài cộng sản”. Chúng tôi giờ chỉ thích yên bình, chỉ muốn nước mình ngày một giàu mạnh. Bảo tôi chống ai hay ủng hộ ai, tôi cũng không biết nữa. Tôi không phải Đảng Viên. Tôi chỉ tự hào là người Việt Nam, và mong muốn đất nước này mãi trường tồn, thế thôi.

    Kính.

  6. Gớm! Muốn điềm nhiên tọa thị để được hai chữ bằng yên thì cứ mũ ni che tai, chứ có ai bắt ép mình làm gì đâu mà phải phân bua cơ chứ?

  7. Tui bay la mot lu an khong ngoi roi.Qua khu da la qua khu ,khong the thay doi duoc . Tai sao khong hy vong cho dat nuoc va cuoc song giau dep yen binh hon,khong can biet do la che do gi di nua.Nhung o do chung ta co cuoc song ngay mot tot hon thi chung ta cung can phai suy nghi lai ,va huong den tuong lai.

    • Tui may la mot dam an hai dai nat. Ngoi om cung cai ghe lanh dao Viet Nam Tui bay la mot dam ngu si va dot nat. Bon bay tham nhung, hot day tui tham, cai tri dan bang bao luc He ai bao tui may xe dit di va xuong di thi cum so tam mang den cum tay nhu luat su Le Cong Dinh moi vua bi bon cong an chung may hot vao kham Dan VN chung tao chi mong bon chung may di khuat mat di, cho dong bao chung tao nho va cac the he VN sau nguong mat voi the gioi chu khong nhu ong tong giam muc Ha Noi da tung than tho cam cai ho chieu cua dang va nha nuoc chung, phai ho then voi nguoi ngoai Xuong di may ta’m

    • Tại sao mà ăn nói ngu như vậy? Hãy nhìn kìa! Trung Cộng bây giờ đã vào lập thành làng ở Hải Phòng, Quảng Nam, Tây Nguyên. Biên giới phía Bắc thì bị chúng lấm chiếm. Biển Đông thì chúng cấm tàu của ngư dân đánh cá. Chúng bắt tàu của ngư dân ở Quảng Ngãi. Chúng dùng tàu lón đánh đắm tàu của ngư dân Việt Nam. Tấ cả những vấn nạn này là vì đâu? Vì cái bè lũ Cộng Sản ngu xuẩn vì quyền lợi nhỏ bé của đảng Cộng Sản” thổ tả” và quên mất quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc. Đất nước Việt Nam là do tiền nhân dày công bồi đắp, xây dựng và mở mang và để lại cho dân tộc Việt Nam chớ đâu phải để lại cho cái đảng Cộng Sản thổ tả này. Hãy mở rộng mắt mà nhìn! Hãy căng cái đầu bò ra mà suy nghĩ đúng sai? Sao mà ngu quá như vậy? So sánh với bò cũng còn tội cho con bò. Còn tệ hơn bò nữa! Quân đốn mạt ngu xuẩn!

  8. Đúng là cách nói của các đại ca… đứng đường thật. Ở đây người phát biểu gồm đủ mọi thành phần, đủ moị lứa tuổi, thí dụ như bác Thuỷ thì cũng đã trên bảy bó, vậy có lẽ chúng ta nên vâng lời cha mẹ dạy một tí nhé, nghĩa là phải ăn nói cho đàng hòang, lễ phép, đừng bắt chước theo kiểu con nhà tôm… cứt lộn lên đằng đầu nhé, chả ai làm gì được mình cả vì chả ai biết mình là tên ranh con nào nhưng người ta …cười chết. Nghe lời nói và nhìn cử chỉ người ta cũng có thể phần nào đánh gía được tư cách của một con người, có phải thế không hở các bác???

Leave a reply to phivu56 Cancel reply