Bài Viết ở Rừng Phong Tháng Năm, 2008, “SÀI GÒN Ngon Lắm, SÀI GÒN ơi” sau khi được đăng báo, được đăng trên Net www.hoanghaithuy.com, có một số điện thư gửi về góp chuyện về thành phố thủ đô xưa, về Tiệm Bánh Mì Hòa Mã và về những tiệm ăn khác của Sài Gòn năm xưa. Mời quí vị đọc mấy bài viết của quí bạn ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoài thương ca.
* Bài viết của bạn Hoàng Hải Hồ:
Nhà tôi ở khu chợ Bàn Cờ, không xa tiệm bánh mì Hoà Mã bao nhiêu, nên tôi không xa lạ gì với tiệm Hoà Mã. Năm xưa, tôi đến tiệm Hoà Mã thường chỉ để ăn bánh mì ốp-lết có chả lụa, chả chiên cắt sợi, chiên với trứng gà trong cái chảo nhỏ méo mó đít đen xì mồ hóng, vì món này thì tiệm bánh mì Hà Nội, đường Nguyễn thiện Thuật ngay gần đó, không có. Còn nói về thịt nguội thì tôi thấy thịt của tiệm Hà Nội ngon hơn, tiệm Hà Nội lớn hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn.
Trong bài Viết ở Rừng Phong SÀI GÒN NGON LẮM, Hoàng huynh có sự lầm lẫn, huynh viết tiệm Bánh Mì Hòa Mã có hai mặt tiệm, mặt tiền ở trên đường Cao Thắng, mặt bên phải ở đầu con hẻm trong có Kỳ Viên Tự, tôi sửa lại: Kỳ Viên Tự ở trên đường Phan đình Phùng, góc đường Bàn Cờ, còn Tam Tông Miếu nằm trên đường Cao Thắng. Tiệm Hoà Mã nhìn xéo sang Tam Tông Miếu là đúng, nhưng nói Hòa Mã ở đầu ngõ Kỳ Viên Tự thì không đúng. Kỳ Viên Tự nay cũng không còn.
Khi từ nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa cách, tôi về thăm Sài Gòn, vừa về tôi trở lại ngay tiệm bánh mì Hòa Mã. Tôi bồi hồi xúc động khi thấy Tiệm Hòa Mã không sơn phết, sửa sang gì cả, bảng hiệu Hoà Mã đã mất sơn, mất chữ. Chỉ người lớn tuổi mới biết đây là Tiệm Bánh Mì Hoà Mã.
Cảnh tượng Tiệm Hòa Mã làm tôi nhớ câu thơ:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.Bác Lê Minh Ngọc giữ Tiệm Hòa Mã của bác y như cảnh tiệm năm 1975, bác không muốn sơn phết, sửa sang lại tiệm, dù bác có thể làm việc đó dễ dàng, và chính vì thế mà khi trở lại tôi yêu Hoà Mã hơn Hà Nội. Tiệm Bánh Mì Hà Nội bây giờ hào nhoáng hơn xưa, lớn hơn xưa, nhưng không còn cho khách ngồi ăn tại chỗ, chỉ bán bánh mì mang đi, và bán nhiều thứ chứ không phải chỉ có bán bánh mì thịt nguội như trước năm 1975. Hoà Mã bé nhỏ, gọn, khiêm nhượng, phong sương với dấu vết thời gian tiêu điều, già lão vẫn cứ trơ gan cùng nắng bụi Sài Gòn. Nhưng tôi ăn món điểm tâm tôi thích năm xưa: chả trứng chiên, không còn thấy ngon như ngày xưa, có thể là vì chế độ ăn uống quá dư thừa ở nước ngoài đã thay đổi khẩu vị của tôi, cũng có thể vì nay tôi không còn là người thanh niên cường tráng như năm xưa.
Tôi không được quen bác Lê Minh Ngọc dù trước đấy tôi có gặp bác nhiều lần, gặp và biết bác là chủ tiệm, nên hôm ấy đến tiệm, tôi không nhìn thấy bác trong tiệm, tôi chỉ ngồi ăn trong tiệm của bác mà mơ hồ tự nghĩ: ông chủ tiệm chắc đã mất rồi, nay tiệm do con cháu ông tiếp tục điều hành.
Với bài Viết ở Rừng Phong về Bánh Mì Sài Gòn, Hoàng huynh đưa tôi trở về vùng trời kỷ niệm dấu yêu của tôi ở khu Phan đình Phùng/Cao Thắng, nơi tôi từng sống hơn 30 năm. Cám ơn Huynh.
* Điện thư của Sarah, May 14th, 2008 at 5:35 am:
Chú Thủy ơi, cháu phục chú lắm và rất mê đọc những bài viết của chú. Hễ có thời giờ là cháu tìm những bài của chú để đọc đi, đọc lại. Những gì chú viết về Sài Gòn làm cháu nhớ Sài Gòn quá, dù cháu chỉ mới phải xa Sài Gòn có hơn một năm thôi.
* Điện thư của bạn Trần văn Tốt, May 16th, 2008 at 3:00 am:
Tôi cũng có thời gian ở khu Bàn Cờ, xin có ý kiến – Ông Hoàng Hải Hồ nói đúng, ông Công Tử Hà Đông cũng không sai – Xéo với Tam Tông Miếu bên này đường Cao Thắng chỉ có 1 con hẻm, đầu hẻm là một tiệm ăn Tầu, hẻm này đi vào nhà Bảo Sanh Cô Mười, quá chút nữa là phía sau chùa Kỳ Viên rồi tới đường Bàn Cờ – Chùa Kỳ Viên ở góc Phan Đình Phùng và đường Bàn Cờ – Vài hàng mạo muội gửi đến tham gia, ghi kỷ niệm về Sài Gòn yêu dấu, không biết từ 1975 đến nay thủ đô Sài Gòn có những thây đổi gì – Cám ơn quý vị đã nhắc tới Sài Gòn cũ – TVT.
* Điện thư của bạn Phan Sĩ Nghi, May 18th, 2008 at 12:57 am:
Bài viết của Hoàng huynh về Bánh Mì Sài Gòn làm đệ nhớ Sài Gòn quá đi mất! Bạn nào từng sống ở khu Bàn Cờ, ngoài Bánh Mì Hòa Mã, Bánh Mì Ba Lẹ, có nhớ Bánh Mì TÁM LỰ không? Vào những năm 1960-1965, xe bánh mì Tám Lự – tôi không nhớ đúng là xe đậu ở đường Phan Thanh Giản, gần Bệnh viện Bình Dân, hay ở đường Phan Đình Phùng, gần chợ Bàn Cờ, hình như xe Bánh Mì Tám Lư ïchỉ bán từ xẩm tối đến đêm kuya. Một ổ bánh mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc, hai gang tay, tối ăn vào no đến sáng. Mà ngon nữa, đầy đủ phụ tùng, ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ – sao hồi đó thèm bơ quá, bây giờ “diet” không dám ăn bơ, dù chỉ ăn chút xíu, cả đến pâté gan cũng không dám đụng đến – còn thêm dưa leo, cọng hành lá, nước tương, muối tiêu, ớt xắt, ngò. Đệ mới “forward” cho Hoàng huynh “video clip” “Ta Chẳng Về Chi” nói lên quyết định không trở về thăm Sài Gòn cờ đỏ mà huynh đưa bài “Sài Gòn ngon lắm” lên Net làm đệ phân vân, nửa muốn về, nửa không muốn, khó xử quá! Nhưng thôi, chuyện ăn uống là chuyện nhỏ, “ăn để mà sống”, có khi nhớ món ăn xưa còn ngon hơn ăn lại món đó! Không nhớ rõ có phải tên gọi ổ bánh mì Tám Lự là “Tàu Lặn” không, hình như ngày xưa khách chỉ cần nói: “Cho một Tàu lặn hay một Tiềm thuỷ đĩnh đi, anh Tám!” là khách có ngay một ổ bánh mì nóng dòn, thơm phức, mùi tàu vị yểu hoà với mùi pâté gan, bơ Bretel, hơi cay của tiêu ớt bốc lên làm chảy nước miếng.
Nhớ khi xưa hơn nữa, vào những năm 1950, 1951 khi Công Tử Hà Đông mới từ Bắc Kỳ vào Sè Goòn, đệ là cậu bé 10 tuổi, có tháng hè được theo ba của đệ lên Sài Gòn thăm ông ngoại. Ông ngoại của đệ là nhân viên văn phòng của Maitre Trương Đình Dzu, người mà Hoàng huynh có biết, ông ngoại có chiếc xe ô tô 2 chevaux, bố con đệ đến nhà, ông sai bà Dì của đệ chạy ra Tiệm Bánh Givral, đường Tự Do, mua bánh ngọt, rồi ghé Tiệm Brodard mua mấy ổ bánh mì nóng, về đãi bố con đệ. Theo trí nhớ của đệ thì ổ bánh mì Brodard to như ổ bánh Vienna bây giờ, nhưng phải nói là ngon hơn nhiều! Rồi còn pâté foie, hột gà ốp-la, ôp-lết, có khi đệ đến đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) mua xíu-mại ở tiệm hủ tiếu góc Kitchener – Galliéni! Nhà ông ngoại của đệ ở kế bên Nhà Sách Yễm Yễm Thư Trang, đường Kitchener – Nguyễn Thái Học bi giờ, hồi đó đệ đâu có biết là Bà Mộng Tuyết, và Thi sĩ Đông Hồ là chủ nhân nhà sách này, chỉ nhìn cái tên bảng hiệu mà lấy làm lạ lùng cho cách viết!
Chiều chiều đệ thường đi qua đường Kitchener, đến rạp Ciné Rex ở đường Lefèvre, sau 1956 là đường Nguyễn Công Trứ, khoảng sau Ciné Đại Nam, rạp Rex này nay đã dẹp. Rạp Ciné Rex 1952, 1953 nhỏ xíu, nhỏ hơn rạp Long Thuận ở gần Ga Xe Lửa Sài Gòn, rạp hôi mùi thuốc lá, ghế gỗ, coi phim xong thì bộ mông ngứa ngáy vì bị rệp cắn! Vậy mà cũng lén đi coi, chiều nào đi chơi quá lâu, về nhà muộn còn bị mấy ngọn roi quất vào bộ mông đã bị rệp ciné Rex cắn. Đúng là phi nỉ lỗ đía!
Những phim xi-nê hát ở Rạp Rex Nguyễn Công Trứ là những phim Cao bồi, Tarzan, Zorro, phim cũ, hát nhiều lần, … có khi hát một lúc, đang hồi gay cấn thì bị đứt phim, phải ngưng để nối phim, đèn sáng lên trong rạp, người lớn, con nít phản đối chuyện phim đứt, húyt gió, la hét rần rần, không thua lúc Tarzan đu giây đến cứu Người Đẹp Jane, hay Zorro phóng ngựa đến giải cứu Người Đẹp Juanito! Có khi đệ nổi hứng, ra đường Galliéni đón xe “tram“, xe điện, đi vào Chợ Lớn chơi. Đến Đại Thế Giới thì xuống xe, đứng xớ rớ gần cửa thì bị ông gác cửa đuổi đi chỗ khác chơi, vì là con nít, không được đi một mình vào sòng bạc cũng không được đứng láng cháng ở cổng sòng bạc. Gọi là sòng bạc nhưng trong nhà Đại Thế Giới có nhiều trò chơi như chạy xe ô tô điện, thảy vòng vào cổ vịt, xổ số trúng đồ chơi, con nít rất mê!
Trở lại với ổ Bánh Mì Thịt Nguội Sài Gòn xưa, vào những năm cuối 1950, đầu 1960, đệ được lên Sài Gòn ở luôn để đi học, nên đệ được ăn bánh mì Thanh Bạch, kế Rạp xi-nê Vĩnh Lợi, đường Lê Lợi, ăn Phở Turc, Tuyệt, đường Turc – Nguyễn Văn Thinh, Phở 79 đường Võ Tánh, Phở Hiệp Lợi đường Lý Thái Tổ, gần Bồn Binh Ngã Sáu Hồng Thập Tự – Nancy – Hùng Vương.
Nhớ chuyện xưa, đệ kể một vài kỷ niệm lúc đệ ở Cư xá Bàn Cờ, sau chùa Tam Tông Miếu. Gần chùa, cách khoảng 100m, là nhà của Ca sĩ Thanh Thuý, nhà cũ, về sau TT về ở con đường nhỏ giữa Hồng Thập Tự – Trần Quý Cáp, gần Ciné Việt Long Cao Thắng. Năm xưa ấy đệ và mấy đứa bạn đang học thi Tú Tài tại căn nhà nhỏ trong Cư xá Bàn Cờ, nhà đệ ở ngay sau nhà Nữ danh ca Thanh Thúy. Bọn đệ nhòm qua cửa sổ thấy đôi khi có một cô gái, từ trong nhà TT đi ra sau nhà, men theo đường hẻm, tay cầm một cái gói. Cô đi vào hàng hiên sau của một căn nhà trong hẻm, mặt tiền nhà này quay vào đường Cư xá Bàn Cờ. Nhà này cả ngày đóng cửa, người trong nhà đi làm tối mới về, cô gái vào hiên sau nhà đó làm gì? Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, bọn đệ rình coi và thấy chừng năm, bẩy phút sau, cô gái bước trở ra, cô ăn diện đúng mốt thời đó, cô đi thẳng ra cổng Cư xá, lên một xe cyclo. Thì ra cô trốn nhà đi chơi! Cô vào đằng sau căn nhà vắng người ấy để thay y phục. Khi ra khỏi nhà cô bận đồ thường, cái gói cô mang theo trong có bộ quần áo mode, giép cao gót. Cô thay đồ, giấu bộ y phục cô bận ở nhà trong góc hiên nhà đó, khi về cô lại vào đó thay đồ rồi mới về nhà. Việc này xảy ra nhiều lần, hình như không bị người nhà phát giác nên vài ba ngày lại thấy cô tái diễn. Và bọn đệ cứ rình coi. Chị Thanh Thuý có đọc bài này xin chị tha thứ mấy đứa nhỏ tò mò bọn em, và tha thứ cô em của chị nữa.
Người bạn của đệ, em trai của chị chủ nhà ở Cư xá Bàn Cờ năm xưa đó, đã hy sinh vì Tổ Quốc khi anh mới 33 tuổi, anh là Cố Đại Uý Hải Quân Vịệt Nam Cộng Hòa (Cơ Khí) Nguyễn Thái Bình, Đại Úy Nguyễn Thái Bình tử thương trong một trận đánh tại Cai Lậy, Mỹ Tho.
Xin tạm ngưng chuyện Bánh Mì Sài Gòn bằng một kỷ niệm buồn.
Một phút tưởng nhớ mầy, Bình ơi! PSNghi.
Ngừng trích Điện Thư của quí vị bạn đọc bốn phương.
Cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Những gì quí vị viết đấy chính là SÀI GÒN VANG BÓNG, những hình bóng vang vọng thật, đúng, không huê mỹ, không tô son, điểm phấn, không mầu mỡ riêu cua. Tôi chắc nhiều quí vị khác cũng có những kỷ niệm đáng kể về Sài Gòn Vang Bóng, nhưng quí vị không viết ra vì một là quí vị không quen viết, hai là quí vị thấy sự việc nhỏ quá, riêng tư quá, nên không muốn viết. Xin quí vị cứ viết, gửi cho tôi, mục Điện Thư Sài Gòn Vang Bóng này không kể ngắn hay dài, điều cần là chuyện thật.
Ngã Tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng, Sài Gòn 1970: Tiệm Bánh Mì Hòa Mã,
Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, Trường Aurore, Tiệm Cháo Giò Heo.
Tôi đã nhớ sai nên viết sai: “Tiệm Bánh Mì Hòa Mã ở đầu con đường nhỏ thông sang đường Bàn Cờ, trong đường nhỏ này có Chùa Kỳ Viên Tự.” Sai vì mặt tiền Kỳ Viên Tự ở đường Phan Đình Phùng, trong con đường nhỏ này là mặt sau của Kỳ Viên Tự. Tôi nhớ Bánh Mì Hòa Mã, Bánh Mì Ba Lẹ, tôi quên Bánh Mì Hà Nội, quên Xe Bánh Mì Tám Lự. Tôi nhớ Rạp Xi-nê Rex năm xưa ở con đường sau Rạp Xi-nê Đại Nam. Sài Gòn Vang Bóng có 2 rạp Xi-nê Rex. Nhiều người Sài Gòn chỉ biết có Rạp Xi-nê Rex ở đường Nguyễn Huệ, xế cửa Tòa Đô Chánh. Rạp Rex đường Nguyễn Công Trứ là một rạp phụ của rạp Xi-nê Majestic. Phim chiếu rồi ở rạp Majestic, năm, bẩy tháng sau, có khi cả năm sau, được mang ra chiếu lại ở Rạp Rex. Bạn Phan Sĩ Nghi viết “Rạp Rex hôi mùi khói thuốc lá.” Tôi viết thêm: Rạp Rex khai mùi nước tiểu vì ngay cửa vào rạp là phòng tiểu của rạp. Khoảng năm 1955 rạp Rex nhỏ này bị phá.
Tôi định sẽ viết về rạp Rex năm xưa ấy trong chương viết về Những Rạp Xi-nê Sài Gòn Xưa trong Sài Gòn Vang Bóng. Như ngoài rạp Rex xưa ít người Sài Gòn biết, Sài Gòn Xưa còn có rạp Cinéma Catinat chiếu permanente – thường trực, liên tục từ 9 giờ sang đến 11 giờ đêm – Đây là Rạp Xi-nê chiếu phìm thường trực thứ nhất ở Việt Nam, và tất nhiên đây là rạp chiếu phìm thường trực thứ nhất ở Đông Dương. Hà Nội trước năm 1954 không có cinéma permanente. Rạp Ciné Catinat vé đồng hạng 10 đồng. Rạp có bán 1 tập 10 vé giá 80 đồng, mua 1 tập 10 vé khán giả lợi được 20 đồng. Rạp nằm trong passage đi từ đường Tự Do – Catinat – sang đường Nguyễn Huệ – Charner. Năm 1952 tôi xem phim Ma Vie est ume chanson ở rạp Catinat. Phim Mỹ, kép Mickey Rooney đóng vai chính. Thời xưa ấy phim Mỹ nhập vào Pháp, chiếu ở Pháp rồi mới sang Việt Nam, nên có phim chuyển âm sang tiếng Pháp, có phim nói tiếng Mỹ và có sous-titre tiếng Pháp, đa số có tên phim bằng tiếng Pháp. Phim Ma Vie est une chan son buồn ơi là buồn. Chuyện phim không có gì gay cấn hay buồn thảm: Mickey Rooney là ông chủ một NightClub, độc thân: chưa vợ, anh yêu cô ca sĩ của Hộp Đêm của anh nhưng cô không yêu anh, cô yêu chàng ca sĩ đẹp trai cùng hát trong Club với cô, anh ca sĩ này không yêu cô, một nữ ca sĩ khác yêu Mickey nhưng không được anh yêu lại. Phim làm tôi buồn vì những bài ca buồn của phim. Đêm khuya Chủ Tiệm Mickey ngồi buồn, nghe những bài nhạc có lời ca buồn tan nát cõi lòng. Buổi xem phim Ma Vie est une chanson xưa ấy – 50 năm xưa, tôi mới 20 tuổi – nghe những lời ca buồn ấy, tôi chưa yêu ai, tôi không thất tình, tôi lây cái buồn của Mickey Rooney, trái tim tôi nát như tương Tầu. Vì không biết tên tiếng Mỹ của phim nên bây giờ ở Kỳ Hoa, tôi muốn xem lại bộ phim xưa ấy mà không thể tìm được.
Vào khoảng năm 1960, miền Nam an bình, thịnh vượng, Sài Gòn đẹp hơn, sang hơn; nhiều rạp xi-nê hiện đại ra đời ở Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn ơi! Những rạp mới này có màn ảnh lớn, gọi là Cinemascope: Đại vĩ tuyến, máy lạnh tối tân, những rạp nhỏ, xưa, máy chiếu lạch xạch, quạt trần, hết khách. Chủ Rạp Cinéma Catinat phá rạp, xây appartment cho mướn tháng. Trường hợp rạp xưa, cổ lỗ, không có khách cũng xẩy ra với rạp Xi-nê Asam ở Dakao. Vào khoảng năm 1965 rạp Asam bị phá đi, xây appartment.
Năm 1960 rạp Xi-nê Kinh Đô được xây mới toanh ở đường Lê Văn Duyệt, chỗ nhìn sang Trụ Sở Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam. Rạp Kinh Đô rất hiện đại, đẹp, máy chiếu, máy lạnh tốt quá là tốt – vợ chồng tôi coi phim Vertigo – Kim Novak, James Stewart – ở rạp Kinh Đô này. Tôi mê mẩn ngất ngư con tầu đi vì nhan sắc cô đào Kim Novak trong chuyện tình Vertigo, tôi xúc động vì cuộc tình của hai người yêu nhau trong phim này. Được biết Đạo diễn Alfred Hitchcock làm phim Vertigo theo tiểu thuyết tên là D’Entre les Morts của tiểu thuyết gia Pháp Boileau-Narcezac, hai ông viết chung, một ông tên là Boileau, ông kia tên là Narcezac, tôi tìm tiểu thuyết D’Entre les Morts, đọc và phóng tác thành truyện “Giữa những người đã chết.”
Khoảng năm 1961 Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mướn rạp Kinh Đô làm nơi chiếu phim cho nhân viên Mỹ và gia đình làm việc ở Sài Gòn đến xem. Khoảng năm 1962, đặc công Việt Cộng cho nổ bom plastic trong rạp này. Có thể gọi đây là vụ đánh bom thứ nhất của ViXi ở Sài Gòn. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bỏ không mướn rạp Kinh Đô nữa. Tòa Đại Sứ xây phòng chiếu phim, hồ bơi, sân tennis, nhà chơi bowling, hàng ăn, dancing, trường học trong khuôn viên Tòa Đại Sứ cho nhân viên Mỹ đến chơi riêng. Rạp Kinh Đô được phá đi, khu đất đó được xây lên tòa nhà USAID nhiều tầng lầu.
Theo tôi nhớ tiệm sách của ông Đông Hồ ở đường Nguyễn Thái Học là tiệm Yiễm Yiễm Thư Trang, nghe nói viết như dzậy nhưng đọc là Diễm Diễm Thư Trang. Không chỉ một mình bạn Phan Sĩ Nghi khó chịu vì hai chữ ấy, nhiều người Sài Gòn, trong số có kẻ viết những dòng chữ này, cũng thấy hai chữ Yiểm Yiểm nó khỉ khỉ làm sao ấy, nhưng thấy khỉ mà ai cũng im ru, chẳng ai dám nói gì.
Sài Gòn Xưa có 2 tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi như bạn Phan Sĩ Nghi kể, tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa soạn Nhật báo Sàigònmới năm xưa người anh em cùng vợ của tôi là anh Hoàng Hải Thủy từng làm nhân viên trong thời phong độ nhất đời của anh ta. Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội, Thanh Bạch có bánh mì bò kho, tức ragout, hủ tíu. Cả hai tiệm Thanh Bạch cùng đông khách.
Sài Gòn Xưa có đường tên là Turc, một đầu là đường Tự Do, đầu kia là đường Hai Bà Trưng. Đường xưa được đặt tên là đường Turc vì đường có Nhà Thờ Hồi Giáo. Tiệm Phở Bắc được bán trong sân Nhà Thờ này, nên có tên là Phở Turc. Những năm 1950, 1951, Tắm Hơi Mát-xa được đưa vào Sài Gòn. Thời ấy người Pháp gọi loại tắm hơi nước nóng này là Bain Turc, người Sài Gòn gọi theo là Banh Tuyếc.
Tiệm Phở Minh, trong khu nhà sau rạp Xi-nê Casino de Saigon, khu nhà toàn là gia đình Bắc Kỳ dzô Sè Goòn từ những năm 1925, 1930, Phở Minh có Phở Gà người anh em cùng vợ của tôi rất chịu. Tiệm Phở Minh có bài thơ do Thi sĩ Trần Rắc tặng. Bài thơ được cắt chữ bằng giấy trang kim, dán trên nền nhung đỏ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài Thơ Phở thật hay, tuyệt nhất trần đời. Ngàn năm trước không có, ngàn năm sau cũng không có bài Thơ Phở nào hay tuyệt như bài Thơ Phở Minh:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu sụn,
Gia vị: hành tiêu, ớt, mắm chanh.
Bài Thơ Luật Đường 8 câu, rất tiếc tôi chỉ nhớ có 4 câu đầu. Những lần nhớ lại bài Thơ này, tôi vẫn ân hận, tôi vẫn thấy là tôi có tội với dân tộc tôi, có tội với văn học sử Việt Nam, vì tôi đã không nhớ trọn bài Thơ. Sôi sì xin hứa nếu Ơn Trên cho tôi mạnh chân, khỏe tay, tôi sẽ làm chuyến trở về Sài Gòn. Tôi về Sài Gòn chỉ để đến Hẻm Xi-nê Casino tìm lại Tiệm Phở Minh, nơi năm xưa hoa niên, nhiều buổi sáng tôi từng đến – nghe nói Phở Minh năm nay, 2008, vẫn mở cửa, – tôi trở lại để xin chủ nhân hiện nay của Phở Minh cho tôi bài Thơ. Hay là thế này: có quí bạn nào hiện ở Sài Gòn, tình cờ đọc bài viết này, đến Phở Minh xin dzùm tôi bài Thơ, gửi cho tôi thì quế hóa lắm, cám ơn lắm lắm.
Thi sĩ Trần Rắc là ông chủ Tiệm Giầy Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, sau Khám Lớn Sài Gòn năm xưa. Tiệm Giầy Trần Rắc, và tất cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào khu nhà có Tiệm Phở Minh. Tôi được biết mặt Thi sĩ Trần Rắc, ông Minh Chủ Tiệm Phở. Hai ông chắc đã ra người thiên cổ từ lâu.
Nói đến Phở Sài Gòn, phải nói đến Tiệm Phở 79 đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952 tiệm Phở 79 mở cửa, nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường; chỉ mấy năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn, làm thành tiệm Phở 79 khang trang, lớn, sạch nhất Sài Gòn. Chuyện này tôi nghe nói thôi, có thể là chuyện thật mà cũng có thể là chuyện bịa, chủ tiệm Phở 79 là anh Tấn – tôi được quen biết anh nên tôi gọi anh là anh – anh Tấn mua xe Mercedes đi chơi. Đêm, thành phố giới nghiêm, xe bị cảnh sát xét giấy, cảnh sát hỏi anh làm nghề gì, anh Tấn trả lời:
– Tôi bán Phở.
Viên cảnh sát théc méc:
– Bán Phở mà đi xe Méc-xê-đét?
Tôi viết chuyện tôi vừa kể có thể là chuyện thật mà cũng có thể là chuyện bịa vì sau khi nghe chuyện người ta kể, vài lần tôi gặp anh Tấn tôi đều quên không hỏi: Có phải anh bị cảnh sát hỏi “Bán Phở mà đi xe Méc-xê-đét?” hay không?
Quí vị xem trong bản đồ thấy có ghi “Tiệm Cháo Giò Heo“. Tôi ghi Tiệm Cháo này vô bản đồ để kể với quí vị thêm một chuyện xưa Sài Gòn Vang Bóng:
Tiệm Cháo Giò Heo trong ngõ đường Phan Đình Phùng, tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhẩy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng. Thời Tướng Nguyễn Cao Kỳ mần Thủ Tướng, Nhạc sĩ Hoài Bắc đi chơi khuya cùng với Văn sĩ Mai Thảo về trên xe ô tô của ông, ông Hoài Bắc lái xe đi vào đường Cao Thắng và quẹo vào đường Phan Đình Phùng để tới ngõ vào tiệm Cháo. Nhưng đường Phan Đình Phùng là đường một chiều, ông Nhạc sĩ chạy xe như thế là chạy ngược chiều. Ông bị cảnh sát chặn xe. Ông nói với người sĩ quan cảnh sát:
– Tôi là Hoài Bắc, bạn của Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Chắc ông Nhạc sĩ tưởng ông nói ông là bạn của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, mà ông là bạn của Tướng Nguyễn Cao Kỳ thật, ông cảnh sát sẽ nể mà để ông đi, nhưng viên cảnh sát tỉnh queo, yêu cầu ông đưa giấy xe. Ông nhạc sĩ hỏi:
– Cả nước biết tôi mà anh không biết tôi à?
Viên cảnh sát nói:
– Cả nước biết ông nhưng tôi không biết ông, ông vi phạm luật lưu thông, tôi mời ông về Quận.
Nghe nói ông Nhạc sĩ, và ông Văn sĩ, bị giữ ở Ty Cảnh Sát Quận Nhì một đêm. Chuyện có thể thật mà có thể là chuyện bịa. Như thị ngã văn: nghe chuyện thế nào, tôi kể thế ấy. Sau khi nghe chuyện nhiều lần tôi gặp hai ông Hoài Bắc, Mai Thảo, chẳng lần nào tôi hỏi chuyện đó có thật không.
Xin sửa: Tam Tông Miếu là Miếu, Tam Tông Miếu không phải là Chùa và không thể gọi là Chùa. Chùa chỉ thờ Phật. Nơi thờ Người là Điện – Đền – hay Miếu. Nguyễn Tuân, người được những ông bà văn sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa suy tôn là “Ngài Tổ Sư Tùy Bút Việt Nam“, nôm na là “Nhà Văn viết Tùy Bút hay nhất” viết “Chùa Đàn” là bậy. Chùa thờ Phật, không có chùa nào thờ cây đàn. “Chùa” thờ cây đàn chỉ có trong tưởng tượng cà chớn của “Tổ sư Tùy Bút” Nguyễn Tuân. Chuyện lạ đáng kể là “Chùa Đàn” có từ năm 1950. Qua nửa thế kỷ chẳng có ông bà văn sĩ Việt Nam nào théc méc vì cái tên “Chùa Đàn” bậy bạ ấy.
Tôi kết thúc nhiều bài Viết ở Rừng Phong bằng câu “Đến đây chấm dzứt Chương Trình Văn Nghệ Tạp Lục của Ban Tùm Lum” bắt chước lời kết thúc chương trình phát thanh năm xưa của Nghệ Sĩ Tùng Lâm. Mới đây, tôi tìm được trên Net ảnh Tùng Lâm và Nữ Nghệ sĩ Kim Vui. Tôi đăng hình ảnh hai nhân vật Sài Gòn Vang Bóng đó trong bài viết này. Tôi nghe nói Nghệ Sĩ Tùng Lâm hiện sống ở Sài Gòn, Nữ Nghệ sĩ Kim Vui sống ở Hoa Kỳ, hay Canada.
Đến đây tạm chấm dzứt Chương Trình Văn Nghệ Tạp Lục của Ban Tùm Lum.
Filed under: Viết Ở Rừng Phong |
Hoàng Đại Huynh ơi,
Khổ quá, huynh vẽ cái bản đồ lại sai nữa rồi. Huynh đã 7 bó rưỡi rồi, lại không ở khu Bàn Cờ, nên huynh không nhớ là phải, nhưng huynh nên tin tiểu đệ, vì đệ mới về thăm bà cụ đầu năm 2007.
Xin nhắc lại: chùa Tam Tông Miếu nằm trên đường Cao Thắng, cùng đường với Hoà Mã nhưng xéo phía trái và bên kia đường của Hoà Mã.
Chùa Kỳ Viên Tự nằm ở ngay góc Phan đình Phùng(Nguyễn đình Chiểu bây giờ) và Bàn Cờ, cổng trước nằm trên PĐP, cổng sau nằm đầu ngõ hẻm thông với bánh mì Hoà Mã. Vẽ bản đồ lại đi huynh.
Thưa Ông Hoàng Hải Thủy,
Xin cám ơn Ông rất nhiều về bài viết “SÀI GÒN Ngon Lắm, SÀI GÒN ơi”. Đọc bài tôi thấy như mình đang trở về quá khứ cua Saigon hoa lệ năm xưa.
Bản đồ Ông vẽ về “Ngã Tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng, Sài Gòn 1970: Tiệm Bánh Mì Hòa Mã, Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, Trường Aurore, Tiệm Cháo Giò Heo” chưa được chính xác lắm. Đường Cao Thắng cắt ngang đường Hồng Thập Tự gần như 90 độ chứ không nối dài như trong hình vẽ. Đường Cao Thắng nằm giữa đường Nguyễn Thiện Thuật và Lê V. Duyệt. Ba đường này gần như song song với nhau và cả 3 đường đều cắt ngang các đường HTT, Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản.
Trong bài Ông có viết về các rạp ciné trong Saigon. Tiện đây xin hỏi rạp Ciné trên đường Cao Thắng gần góc đường Trần Quốc Toản trước 1975 tên là gì ?
Xin thành thật cám ơn Ông.
Rap Dai Dong o Nga Ba Cao Thang – Phan Thanh Gian.
Rap Rex ( nho ) o tren duong Ho Van Nga ( Hamelin ).
Doi dieu…
Kính Hoàng huynh,
Tiểu đệ đã vào GOOGLE EARTH, xem bản đồ Saigon ( HCM City) và đã vẽ tay lại khu ngã tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng với các điểm liên hệ với các bài viết của huynh ( Trường Aurore, Tam Tông Miếu, Kỳ Viên Tự, Bánh Mì Hoà Mã,khu Cư xá Đô Thành, Bệnh viện Bình Dân, Ciné Việt Long, Tiệm Cháo Giò Heo, Bánh Mì Hoà Mã, Bánh mì Tám Lự (ở PĐ Phùng, xéo với Kỳ Viên Tự). Đệ có thêm thắt vào nhà của ca sĩ Thanh Thuý (nhà năm 1960-61 và năm 65 về sau) và một vài điểm khác mà ai cũng biết như Chợ Bàn cờ, chợ Vườn Chuối, BV Bình Dân, tiêm bánh cuốn bánh tôm (60 về sau, nay còn ko?) đầu hẽm gần chợ Vườn chuối. Hẽm này nối liền PĐ Phùng và Trần Quý Cáp. Tiệm bánh cuốn bánh tôm này thường bán đến 3,4 giờ khuya, giới đi chơi đêm, văn nghệ sĩ, ca-ve, hay ghé ăn. Đó là điểm mà tiểu đệ và các bạn thỉnh thoảng đến ăn (khi có địa $) để “nghía” các cô ca sĩ hay ca-ve . Chắc các cô thường đói lắm vào giờ này nên hay “tích cực làm việc” một cách tự nhiên, không cần để ý đến mấy tên “choai choai” đang nhìn lén các cô, đôi khi có một người đẹp mặc xường xám hay mini jupe…ngon lành như miếng bánh tôm vàng rụm và thơm phưng phức! Bên kia đường Trần Quý Cáp (Võ văn Tần bi giờ, nhưng me-xừ này là ai? Khó biết!) kế đường rầy xe lửa là một tiệm cơm tấm “âm phủ”! Tụi bạn đệ đặt tên này là vì khi học bài khuya, đói bụng, tụi này rủ nhau đi kiếm gì bỏ bụng. Đã 1, 2 giờ khuya nên khách đi vào tiệm phải tuân theo một thứ luật lệ tự giác. Tiêm là một gian nhà thấp, lẹp xẹp, bàn ghế gỗ bốc mùi nước mắm lâu ngày không lau chùi sạch đưa lên mũi một mùi hương “typique” của các tiêm cơm loại “Chắc Cà Đao, Bắc Vàm Cống, Mỹ Thuận…” Vậy mà khách phải tuân theo luật “âm phủ” này, gần giống như luật giới nghiêm hay thiết quân luật, đi đứng, ăn uống, nói chuyện nhỏ xíu, không được gây tiếng động (!), nếu không là hàng xóm thưa gởi lên Cảnh Sát, tiệm sẽ bị “fermer boutique”, không còn chỗ ăn đêm cho những con cò nữa! Nói đến tiệm này thì đệ nhớ đến một xe cơm gà Hải Nam trong đường hẽm sau ciné Nam Quang (góc Trần Quý Cáp-Lê Văn Duyệt), bán chiều tối chớ không về đêm như tiệm trên, ăn vừa rẽ lại ngon miệng. Xe này bán đắt nên dẹp sớm, từ 5,6 giờ chiều đến 8,10 giờ tối là chú chệt “cạo thớt”, đẩy xe về…Vùng này khi xưa có là CHỢ ĐỦI (sau 75 chắc sửa lại thành CHỢ ĐUỔI quá!), không biết từ đâu có tên đó.Khi nãy đệ có nói về tiệm bánh tôm đường Phan Đình Phùng, hình như là bên kia đường PĐP là tiệm café GIÓ BẮC mà một thằng bạn của đệ thường ngồi lì ở đó với ly cà-phê phin (sau 75 cũng đổi tên là CÁI NỒI NGỒI TRÊN CÁI CỐC!). Cảnh này được nhà văn DUYÊN ANH tả trong ĐIỆU RU NƯỚC MẮT, nổi tiếng vào các năm 60 (nổi tiếng theo kiểu khác với ĐỈNH GIÓ HÚ, KIỀU GIANG…và trong giới trẻ, bụi đời và có khi “cà chớn” nữa! Tiểu đệ thì khoái ngồi ở Thiên Thai, Mai Hương ăn kem, uống Coke,nghe Dalida, Gloria Glasso hay The Ames Brothers( hát Greenfields, The Green Leaves of Summer) hay Johnny Mathis (Love Is a Many Splendored Thing, A Certain Smile…).
Đệ sẽ cố gắng gởi cái sơ đồ TAM TÔNG MIẾU-BM HOÀ MÃ cho huynh và các bạn xem liền hôm nay, hy vọng OK vì có đệ tử giúp. Mà phải thú nhận là đệ ko biết Hoà Mã, cũng là một thiếu sót cho đệ, chớ đệ đã ngồi uống nước “sắn dây” ở quán nước trong hẽm sau Kỳ Viên Tự, một lần duy nhứt uống thứ nước đó và cũng một lần duy nhứt ghé quán đó mà nay còn nhớ! Xin cám ơn các bạn đã theo dõi. PSN.
Kính Hoàng huynh,
Đệ gởi huynh và các bạn xem sơ đồ khu Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, BM Hoà Mã và v.v… Cám ơn bạn Minh nhắc Ciné Đại Đồng (vẽ thêm vào phút chót). Cám ơn về rạp Rex ở đường Hamelin.
Thêm một chuyện nữa, thấy hình Kim Vui thì phải nhớ đến Kem Trắng Chỉ Hồng LEYNA, một thời nổi tiếng không thua Anh Bảy Chà Kem HYNOS. Cô LEYNA NGUYEN là newsreader của TV Mỹ và từng làm MC cho ASIA đã lấy tên từ kem Leyna. Còn Tùng Lâm còn xuất hiên trong các phim giới thiệu thắng cảnh ở VN, có sự góp mặt của Văn Chung, Văn Hường, Thanh Hoài…Thấy Tùng Lâm bắt nhớ JERRY LEWIS, một thời nổi tiếng trong các phim hề Mỹ ở Saigon.
Thân mến,PSN>
PS: Vấn đề kỹ thuật, đệ phải email sơ đồ cho huynh, chớ không kèm theo đây được. Rồi huynh sẽ upload lên sau. Kính.
Cám ơn Bác đã cho cháu những giây phút thoải mái khi đọc các bài viết, chúc bác nhiều sức khoẽ để cống hiến cho mọi người,ngoài các nhà văn ra bác có thể viết về các nghê sỉ xưa như Duy Khánh , hay Hùng Cường … trong thế giới của bác không, chuyện của bác thật hấp dẩn.
Cám ơn Ông Minh về rạp ciné Đại Đồng, nhưng theo bản đồ thì nó là ngã tư chứ khong phải ngã ba Cao Thắng & Phan Thanh Giản (bây giờ là Điện Biên Phủ).
Thắc mắc tên tiếng Anh của cuốn phim “Ma Vie est une chanson” của ông Hoàng Hải Thủy thì không biết nó có phải là phim “Words and Music” trình chiếu đầu tiên ỏ Mỹ tháng 12 năm 1948 của hãng phim MGM ỏ Hollywood ? Phim có cac tài tử: Mickey Rooney, Gene Kelly (tài tử nổi tiếng ở Mỹ), Janet Leigh, Judy Garland, June Allyson, Lena Horne…
Phim sau đó đuoc trình chiếu bên Thụy Điển 1949 dưới tên “I mitt hjärta det sjunger”, Phần Lan 1950 dưới tên “Laulan ja nauran”, Đan Mạch 1954 dưới tên “I rampelys og stjerneskær” và Pháp (khong rõ năm nào, chắc phaỉ truoc khi chiếu ở Saigon năm 1952 ) dướii tên “Ma vie est une chanson.”
quy vi hay vao dia chi duoi day de xem lai ban do thanh pho Saigon nam 1970…..
SAIGON MAP in 1970Search the Web. Bản đồ Sài Gòn năm 1970. Back to Home Page.
cva.20m.com/SaiGon.html
Cám ơn bạn HAO. Mình upload lại 2 tấm bản đồ Sài Gòn ngày xưa để mọi người cùng tham khảo.
* Bản đồ
* Tên đường
(Xin nhớ click vào hình để phóng to ra hoặc thu nhỏ lại.)
Xin goi URL duoi day xem lai ban do Saigon nam 1965 va hien nay. Xin nho nhan vao hinh de hien to ra hoac nho lai khi xem.
Ban do Saigon 1965 (www.amerasian-childfind.org/maps.asp)
Ban do Saigon bay gio (www.indochinatour.com/vietnam/map/map_hochimin.html)
Saigon truoc 1956 co duong ten Pellerin, sau do duoc doi sang ten Viet qui vi nao biet xin chi ro. Xin da ta.
Sao tôi dưa bản đồ mà không thấy lên.
Xin đưa lên lại
Xin đưa lên hầu quý vị bản đồ khu Cao Thắng
Bác cho em hỏi Bác định đưa lên bằng cách nào? Nếu hình ở trên Web thì đặt link; còn hình ở trong máy thì gửi cho em, em post lên cho.
Thưa ông Bắc Thần :
Xin ông cứ đọc source file tôi vừa mới posted thì thấy file có hình khu Cao Thắng và đưa lên hộ. Có thể đưa “Embed my graphic image trực tiếp lên không ? Xin cám ơn.
À, không embed hình vào comment được đâu Bác. Hình phải được posted ở đâu đó rồi thì mới chèn vào được. Bác cứ gửi hình vào địa chỉ bac_than@yahoo.com đi em post cho.
Thân gởi Bắc Thần,
Vừa email cho bacthan cái sơ đồ khu Tam Tông Miếu- Kỳ Viên Tự để post lên cho các bạn xem. Tôi đã vẽ lại theo bản đồ không ảnh của Google Earth.
Bạn Thế Hùng,
Hồi trước (60-65) chỉ là ngã ba Cao Thắng- Trần Quốc Toản thôi (gần ciné Đại Đồng). Sau này mới làm ngã tư, không rõ năm nào. Về đường Pellerin, tôi đọc một bài của Hoàng huynh, có nhắc đến vụ Hoàng huynh đến gặp Trạng sư Trương Đình Dzu, văn phòng ở đường Pellerin, xéo với ciné Casino (tôi không nhớ rõ trong bài nào, có tìm lại mà ko gặp vì quá nhiều!). Nếu đúng vậy thì Pellerin ngày nay là Pasteur.
Còn phim Ma vie est une Chanson thì đúng là Words and Music, tôi có email cho Hoàng huynh tuần rồi , sau khi vào Wikipedia tìm gặp. Thêm vào một tên nữa là CYD CHARISSE, cũng nổi lắm với mái tóc vàng óng ả và khuôn mặt đẹp, long legs nữa, bạn có nhớ không? Thân mến.
Thưa ông Bac_Than :
Tôi gửi cái bản đồ theo email tới ông rồi.
Tôi lấy 1 phần bản đồ Saigon của ông The Hung rồi vẽ phụ thêm 1 vài địa điểm khu Cao Thắng mà tôi thừơng đi qua.
Tôi nhìn qua wikimapia thấy rõ khu này lắm. Nếu ông thích, tôi sẽ nhờ ông post lên.
Trân trọng.
Thưa ông Thế Hùng :
Đường Pellerin thời Tây là đường Pasteur thời VNCH . Khi VC vào, đổi Pasteur thành Nguyễn thị Minh Khai được vài tháng, rồi sau đó đường này lấy lại tên Pasteur cho tới bây giờ. Bây giờ đường Nguyễn thị Minh Khai lại là Hồng Thập Tự của VNCH.
Thắc mắc tên tiếng Anh của cuốn phim “Ma Vie est une chanson” của ông Hoàng Hải Thủy thì không biết nó có phải là phim “Words and Music” trình chiếu đầu tiên ỏ Mỹ tháng 12 năm 1948 của hãng phim MGM ỏ Hollywood ? Phim có cac tài tử: Mickey Rooney, Gene Kelly (tài tử nổi tiếng ở Mỹ), Janet Leigh, Judy Garland, June Allyson, Lena Horne.
Duoi day la cau tra loi tu trang mang : “http://fr.wikipedia.org/wiki/Ma_vie_est_une_chanson”
Ma vie est une chanson (Words and Music) est un film musical américain de Norman Taurog tourné en 1948. Il est inspiré de la vie du compositeur Lorenz Hart.
Đây là 2 tấm bản đồ khu Cao Thắng mà trang Web hoanghaithuy.com vừa nhận được:
1. Của ông Phan Si Nghi
2. Của ông Nguyen Van My
Đính chính:
Tên hiện nay của đường Phan đình Phùng là Nguyễn đình Chiểu (không phải Nguyễn minh Chiếu)
To HH Hồ,
Đúng rồi, cám ơn bạn, nhưng còn nữa: Hồng Thập Tự là NT Minh Khai; Phan Thanh Giản là Điện Biên Phủ, con đường nhỏ nằm giữa Trần Quý Cáp và Hồng Thập Tự là Nguyễn Sơn Hà (có nhà của nữ ca sĩ Thanh Thuý ). Ng.Sơn Hà là tên hiện nay-nhưng ông là ai?). Café Gió Bắc gần chợ Vườn Chuối, đường PĐ Phùng.,có vẽ mà quên đề tên.!! Sorry, ý là chưa được bảy bó mà còn vậy!!
Trong bản đồ của Ô.Nguyễn văn My, nhà bảo sanh Đức Chính nằm trên đường Cao Thắng, nhưng theo trí nhớ của tôi (năm 67 có thăm cô em sanh tại Đức Chính), thì nó nằm trên đường Phan Đình Phùng, xéo với Tr.Aurore?
PSN vừa đi lạc vào vườn thơ của bạn, bạn “điểm trúng huyệt yêu” rồi đấy,, khi nào rảnh sẽ ghé vào thăm. Đẹp quá, xin có lời khen. Thân mến.
Thưa ông Phan Sĩ Nghi :
Với tuổi 7 bó rưỡi thì trí nhớ tôi kém lắm rồi , tuy nhiên tôi vẫn chắc chắn là nhà bảo sanh Đức Chính ở trên đường Cao Thắng. Sau 75, khu nhà bảo sanh này hình như lại thành trường học.
Góc Cao Thắng + Phan Đình Phùng (về phía tây) có tiệm bán đồ accessories radio của kỹ sư Lưu Văn A .
Đường Phan Đình Phùng bây giờ thành đường Nguyễn Đình Chiểu. Rạp Việt Long đổi tên là Thăng Long (?), không biết trước hay sau 75. Khu này có 3 rạp hát : Việt Long, Đại Đồng như ông vẽ. Rạp Long Vân thì về ở Phan Thanh Giản ( bây giờ là Điện Biên Phủ). Trần Quốc Toản thành đường 3 thán 2 và đường Hồng Thập Tự thành Nguyễn thị Minh Khai nhưng trường Nguyễn thi Minh Khai lại là trường Gia Long xưa.
Tôi có gửi ông Bắc Thần không ảnh chụp góc Cao Thắng + Phan Đình Phùng. Chắc ông Bắc Thần sẽ poster lên. Riêng tòa nhà Tam Tông Miếu tôi cứ ngần ngừ nó là tòa nhà nào trong 2 nhà sát nhau trên không ảnh, nhưng sau nhớ lại thì kiến trúc ấy sát vỉa hè nên tôi chọn tòa nhà như tôi vẽ.
Cám ơn quý ông viết lại Saigon thân yêu.
* Ảnh khu Cao Thắng chụp bằng vệ tinh. ( đã sửa 05-29-08 )
Cám ơn ông Bac Than đưa ảnh lên giúp.
Xin hỏi : Có thể đưa file Ms Word dựoc không ông ?
Tôi gửi cho ông rồi. Nó couvrir 1 vùng rộng hơn.
Kính thư.
Kính thưa Hoàng-Phan-Nguyễn đại huynh,
Thấy cuộc thảo luận về khu Bàn Cờ xưa ngày càng hứng thú, tiểu đệ liền gọi điện thoại về cho Thông Tín Viên Bàn Cờ của tiểu đệ để xác nhận vài tin tức tranh cãi. Thông tín viên này năm nay đã ngoài 9 bó, thường trú khu Bàn Cờ đã nửa thế kỷ, bị bệnh cao huyết áp, cao mỡ máu, thấp khớp, nhưng nhờ trời đầu óc vẫn còn minh mẫn. Chính là mẹ ruột của tiểu đệ. Đây là xác nhận của TTV Đại khứa lão:
– Nhà bảo sanh Đức Chính ngày xưa nằm trên đường Cao Thắng. Nay NBSĐC đã trở thành Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Em Phụ Nữ. Bản đồ của Nguyễn đại huynh đúng.
– Trường mẫu giáo Aurore sau đổi tên là Rạng Đông và bây giờ là Lương Đình Của. (Nhà nước đổi tên xoành xoạch, chừng nào thì trả lại tên thành phố Saigon?)
– Rạp xi nê Việt Long xưa tên bây giờ là Thăng Long.
– Rạp xi nê Long Vân đường Phan Thanh Giản xưa/Điện Biên Phủ nay, đã xây lại thành Trung Tâm Hổ Trợ Sinh Viên.
– Vị trí Tam Tông Miếu của Nguyễn đại huynh có lẽ đúng, cái toà nhà vuông có mái đỏ trong không ảnh cạnh TTM là một trường học.
– Riêng Kỳ Viên Tự, đâù năm 2007 tiểu đệ thấy đang bị đập phá, đệ tưởng là chùa bị phá bỏ, nay thân mẫu nói là đang trùng tu lại chứ không phá bỏ.
Đầu têu ra cái vụ tranh luận lý thú này chính là Hoàng đại huynh. Ai đời cái Tam Tông Miếu uy nghi nằm chình ình trên Cao Thắng mà huynh phóng tay vẽ hoạ đồ, dời nó vô cái ngõ hẻm tối tăm đường Phan Dình Phùng. Tức chịu không nổi 🙂
Thua cac chu cac bac,
Cho toi nam 75, truong Tieu hoc (khong phai Mau giao dau) co 2 ten Rang Dong va Aurore. Chau hoc 5 nam tieu hoc tu lop 1 toi lop 5 truong nay (1970-1975)
Cám ơn ông H.H.Hồ. Tôi xin có lời kính thăm bà cụ. Đoc message của ông posted ngày May 30 tôi mừng là trí nhớ của tôi còn tạm được đôi chút. Đấy là những việc và hình ảnh xa xưa. Bây giờ mổi ngày phải đi tìm kính mấy lẩn dù trong nhà có mấy cặp.
Tòa nhà vuông mái đỏ chắc mới xây sau này hay mới sửa lại. Khi xưa đi qua các phố mình nhìn ngang còn trên không ảnh nhìn từ trên xuống cũng khó nhận ra lắm.
Trân trọng
Kính Nguyễn đại huynh,
Phan tiểu đệ kính thăm đại hynh và chúc mừng huynh có ký ức minh mẵn, dù đã hơn bảy bó. Đệ xin phép gọi huynh vì đã gọi anh Hoàng là huynh rồi, cho các huynh trẻ mãi không già. Đệ xin chịu thua vụ nhà BS Đức Chính (dù đang chờ phone trả lời của cô em ở Cali, và dù cái memory stick trong đầu đệ nó vẫn còn in cái tên nhà BS này trên đường PĐP, thật kỳ!). Đã gần 50 năm rồi ( nửa thế kỷ!!), mà đệ vẫn còn nhớ những kỷ niệm ở khu ngả tư PĐP-CaoThắng , như Phở Minh Chí (ngay góc đường này, nằm trên PĐP), cách đó vài căn là Tiệm giày Thảo (?). Mấy tiệm này có lẽ không được nổ tiếng và “thọ” ,nên chắc ai ở gần vào các năm 59-62 mới biết. Một chuyện của Nguyễn đại huynh mà đệ giống hệch là đi tìm kính (Nam kỳ gọi là kiếng). Đệ có hai cái, một cận thị, mang khi lái xe, và một viễn thị để đọc sách và gỏ computer. Hai mắt có độ không giống nhau, nên khi mua thêm mấy cặp kính rẻ tiền thì không đọc được lâu vì nhức mắt, chỉ dùng đọc tạm vài phút, muốn đọc lâu hơn phải kiếm cái cặp kính của y sĩ nhãn khoa cấp. Muốn cột sợi dây vào cho khỏi lạc mà sợ quê nên phải mất công tìm nó hoài, có khi nó nằm trong túi áo trong (mùa lạnh mặc hai, ba áo, thành trưởng lão 8 túi!) mà tìm hoài không thấy.
Để chuộc lỗi nhớ sai, đệ xin kể một chuyện ,tuy riêng nhưng cũng làm nhớ đến Sài Gòn năm 1962. Chuyện này dính líu đến đường Phan Đình Phùng, góc Mạc Đỉnh Chi (quận Nhứt), gần Hội Việt-Mỹ. Năm đó đệ có ông anh đang dạy học thì nhập ngũ(động viên) khoá 16 Thủ Đức . Người bạn của đệ lấy chiếc xe Taunus của ông già, chở đệ đi thăm ông anh. Trên xe có thêm một ông anh kế của đệ nữa, nhưng điều đáng nói là không ai có bằng lái xe cả. Chuyện thăm viếng ở quân trường diễn ra tốt đẹp, nhưng bận về, trưa nắng nóng như thiêu, tụi đệ vừa nói chuyên cho đỡ buồn ngủ, vừa trông chừng xe Cảnh sát giao thông, tuy đã lựa đường nhỏ để chạy. Từ đầu Phan Đình Phùng đổ xuống để về Bàn Cờ, kiếng xe mở, ve kêu ran dọc đường đi, đệ liếc qua thấy thằng bạn có vẻ như “mơ màng” nên hơi sợ, kiếm chuyện để nói cho nó đỡ buồn ngủ. Ai dè, đến góc Mạc Đỉnh Chi, có một chiếc taxi từ hướng Nhà Thờ Đức Bà chạy vào, nó nhường cho taxi qua, rồi nhấn ga chớ không ngừng lại để nhường một chiếc Harley-Davidson đang đeo dính sau chiếc taxi. Nói thì chậm, nhưng sự việc diễn tiến rất nhanh, chỉ trong tíc tắc. Tôi chỉ nhìn thấy mặt người lái xe Harley, một anh Mỹ, đội nón an toàn, quay nhìn vào đầu xe Taunus, mặt tái xanh vì biết cái gì sẽ xảy ra cho anh ta…Tôi la to: ” Luân, tốp!” nhưng một tiếng “ầm” vang lên ngay sau đó! Anh Mỹ bay lên như con cá dolphin trong hồ phóng lên biểu diễn, và chiếc Harley bay chệch về hướng đường Mạc Đỉnh Chi, quay vòng vòng khi chạm bờ lề đường. Đúng ra tôi nhìn theo anh chàng Mỹ, khi anh rơi xuống , lăn mấy vòng vào ngay góc đường, đầu va vào bờ lề làm nón antoàn sút ra. Anh nằm thẳng cẳng. Tôi và anh tôi chạy ngay đến sau khi bảo Luân lái xe đậu sát lề đường. Hai đứa tôi nâng đầu anh Mỹ lên, mắt anh nhắm nghiền, môi dập, một vệt máu chảy xuống mép. Anh chàng này quá nặng, cỡ trăm ký lô thì có, cao lối 1,8 mét, hai đứa tôi làm sao mà đỡ lên nỗi! Tôi ngó lên, Luân đã chạy xe đi đâu mất tiêu! Chết mẹ rồi, hồi đó chưa biết chữ “hit anh run” nhưng cũng biết là đụng rồi bỏ chạy luôn là phạm lỗi nặng. Thời may, những người đi đường ngừng xe lại, đến tiếp tay và khênh anh Mỹ lên một chiếc xe nhà đậu kế ngã tư. Người lái xe hảo tâm nói với tôi:” Để tôi chở ông ta đến bệnh viên Mỹ, ngang Khách sạn Métropole, Trần Hưng Đạo”. Gần đến bệnh viện, anh Mỹ mở mắt, rên một tiếng rồi ra dấu muốn hút thuốc. OK, có ngay, một điếu Ruby cũng tốt vào lúc này! Tụi tôi mừng quá trời vì thấy anh tỉnh lại, nên khi vào bệnh viện, anh đi vào Phòng Emergency, tôi mới nhớ ra là anh chàng Luân giờ ở nơi mô? Tôi mượn điện thoại gọi về nhà. Thì ra Luân đang ở nhà, và ba Luân, tôi gọi là dượng, đang xài xể anh ta quá cỡ về việc “hit and run”! Ông bảo tôi rán couvrir cho Luân, nhưng ông nói là ông sẽ lo mọi việc, không sao đâu, miễn là anh chàng Mỹ không làm khó dễ. Tôi nghĩ lại, cũng tại tôi mọi đàng, khi không lại rủ bạn lấy xe đi làm chi, bình thường đi xe Lambro (xe Lam ba bánh), xe gắn máy cũng được, tại mình “cà chớn” mới xảy ra cớ sự. Do đó, khi anh chàng Thượng sĩ Không quân (Major Sergeant) Stone từ phòng cứu cấp đi ra, anh cười cười và nói với tôi: ” You drive the car, huh?”, thiì tôi cũng cười méo xẹo và đáp :” Yeah, I’m sorry, very sorry. Are you alright?”. Anh ta nói là không sao, hôm nay anh may mắn lắm, anh phải gọi về cho má anh và vợ anh biết. Tôi mời anh về nhà (nhà dượng tôi) để gọi điện thoại, và để dì dượng tôi biết anh, anh nhận lời. Anh bị mất cái đồng hồ đeo tay (quá đông người lúc đó), tay hơi đau nhưng không bị gảy xương. Về nhà dượng ở góc Lý Thái Tổ- Phan Đình Phùng, anh cầm ly Cocacola tay run làm nước đổ ra ngoài bàn, nhưng anh cười và nói ” Tôi may mắn lắm, cám ơn ông bà và mọi người đã quan tâm! Không sao đâu! I’m alright now”.
Chúa nhật sau, anh đến nhà ăn cơm với một cô bạn gái VN. Dượng tôi tặng anh một cái Movado, anh cám ơn rối rít, và gọi dượng là Papa-san, gọi Dì là Mama-san. Trước đó, Luân và tôi ra Cảnh sát Công lộ, ngang Sở Cứu hoả Đô Thành đường Trần Hưng Đạo, gặp ông Thiếu Tá (hay Trưởng Ty gì đó), ông hỏi:” Thằng nào lái xe vậy? Lần sau nhớ đừng chạy luôn nghe , tội nặng lắm đó. Tao thấy số xe là tao biết của Ba mầy ngay!Có người báo cho Cảnh sát số xe khi vừa xảy ra tai nạn, cũng là lúc Ba mầy gọi lại cho tao. Thôi ra bãi lấy xe Harley về sửa đi, nhớ làm sao cho thằng Mỹ nó êm, nếu không tao không biết á!”. Thì ra hai ông là bạn thân với nhau! Thôi thì “hay chẳng bằng hên”. Hai thằng ngồi trên xe Harley, dòng dây do xe Taxi kéo, chạy từ Sở Cảnh sát Công lộ về Kem Cẩm Bình, ngay góc Lý Thái Tổ-Phan Đình Phùng, tôi nhớ lại mà còn run, không biết sao mà không bị thêm tai nạn nào nữa! Kế Kem Cẩm Bình là tiệm sửa xe mô-tô, chú thợ máy ra nhìn chiếc Harley quẹo cảng, móp bình xăng, gãy ghi-đông…mà lắc đầu nói:” Thiệt hết biết, mấy cậu thiệt hên! Chệt một mắc me là mấy cậu có bằng “Chống Mỹ cứu nước của VC” rồi! Lúc đó Luân là Chuẩn Uý, mới ra trường, mặt xanh và quê quê, nói ú ớ :” Thôi, chú rán sửa lại cho đẹp như cũ cho nó vui”. Còn tôi, khi đó là một giáo sinh Sư Phạm Saigon. Một kỷ niệm để tưởng nhớ Luân, mất năm 2001, tháng 10, tại Ottawa, vì bị stroke. Dượng tôi thì mất năm rồi, 2007, cũng ở Canada, thọ 95 tuổi. Tên ông là T Thành Đô, nên khi tôi ca bản ” Nhớ Thành Đô”, ông hay nói:” Tao chưa chết mà mầy cứ hét lên” Thành Đô ơi, nhớ mãi nhớ nhé…” chi vậy Nghi??”. Xem Asia ” Lá Thư từ Chiến Trường”, nghe DON HỒ hát, tôi lại nhớ đến dượng, và nhớ đến Luân, và nhớ đến những kỷ niệm xưa cũ ở SAIGON một thời vang bóng!!
Thưa quí ông Nguyen Van My và Phan Si Nghi,
Cám ơn quí ông đã chỉ rõ tên đường Pellerin là đường Pasteur thời VNCH. Nếu tôi nhớ không lầm Pellerin là tên của một vị tổng giám mục Công giáo người Pháp coi sóc địa phận miền Trung?
Thời Tây, mỗi miền có một vị tổng giám mục trong coi địa phận Công giáo của mình. TGM Taberd coi sóc tổng giáo phận Saigon, TGM Puginier coi tổng giáo phận Hà Nội, và TGM Pellerin coi tổng giáo phận Huế. Tên của các vị TGM này cũng là tên trường của hệ thống trung học tư thục La San truoc nam 1975: La San Taberd ỏ Saigon, La San Pellerin (sau đổi là La San Bình Linh) ở Huế và Hà Nội trước 1945 có La San Puginier.
Khi CSVN chiếm Hà Nội nam 1945 và cưỡng chiếm miền Nam nam 1975, họ đã tiếm dụng và xóa tên các trường trung học nổi tiếng này.
Nếu Sàigon thời Tây có đường Pellerin chắc có lẽ cũng có đường tên Taberd?
Về cuộn phim “Ma vie est une chanson” xin cám ơn quí ông Phan Si Nghi và Lam Truong Phong đã giúp xác định đúng là phim gốc “Words and Music” năm 1948 của Mỹ. Tôi cũng đoán như thế nhưng còn hồ nghi vì ông Hoàng Hải Thuỷ trong bài trả lời ngày 22/05/08 ở phía trên trong Web Page này về Tiệm Bánh Mì Hòa Mã và về những tiệm ăn khác của Sài Gòn năm xưa có bảo là các bài hát trong phim làm ông ấy “buồn vì những bài ca buồn của phim” và do đó “tim ông nát như tương Tầu” khi mà phim này đuoc phân loại là “musical comedy” (nhạc hài). Không biết quí vị đã xem phim cũng thuộc loại “musical”, nhưng là “drama musical” là phim “Moulin Rouge” (2001), “Chicago” (2002), với các tài tử Reneé Zellweger, Catherin Zeta-Jones (phu nhân tài tử Mike Douglas), John Reilly…
Bay giờ ông HHT có thể vào mạng Amazon.com để đặt mua cuộn DVD phim “Words and Music”. URL cua Website Amazon để đặt mua là: http://www.amazon.com/Words-Music-June-Allyson/dp/B000PAAK5A .
Vâng, thưa ông Nghi, quên nữ tài tử Cyd Charisse trong phim viết trên là một điều thiếu sót. Cô dong dỏng cao, tóc ngắn ôm sát như tóc tém và đôi mắt thật quyến rũ và đa tình. Đôi môi thì quá gợi cảm và mời mọc mình … phạm tội! Người ta bảo “she was born to be a dancer” (sinh ra để nhẩy múa).
Dưới đây là các bản nhạc đã được các tài tử hát trong phim “Ma vie est une chanson / Words and Music”. Không biết bài nào đã làm lòng ông HHT sầu man mác và “tim nát như tương Tầu” ?
“The Lady Is a Tramp”
“Manhattan”
“Where or When”
“I Wish I Were in Love Again”
“Johnny One Note”
“Lover”
“Spring Is Here”
“Where’s That Rainbow?”
“This Can’t Be Love”
“On Your Toes”
“Thou Swell”
“Way Out West”
“Mountain Greenery”
“Blue Room”
“Blue Moon”
“Slaughter on Tenth Avenue”
“There’s a Small Hotel”
Tôi rất phục quí ông dùng không ảnh cuả “Google Earth” nhận ra được các địa danh trên đất, nhất là không search theo một địa chỉ nào trên đường Cao Thắng mà vẫn điều khiển màn ảnh tập trung vào vùng đó. Tôi thì chịu, nhất là Google Earth không cho “zoom in” cận ảnh cho xem rõ vì họ sợ vi phạm luật riêng tư (Privacy law) hoac các luật khác của quốc gia đang nằm dưới tầm ống kính của vệ tinh (satelite) của họ.
Bac Than Men !
Chau la doc gia cua Bac hang tuan , trong bai banh mi Saigon bac khong nhac toi mot kiosque ban banh mi truoc cong Buu Dien Saigon tren duong Tu Do ( duong Catinat thoi Phu Lang Sa ) , doi dien voi nha tho Duc Ba ( xua goi Cathedrale Notre Dame ) , hay con goi la Vuong Cung Thanh Duong , va cong truong Kennedy . Moi lan chau di gui thu o buu dien la ghe lai mua banh mi Buu dien . Sau ngay troi sap kiosque nay khong con nua , khong biet chu cu co con ban banh mi khong nhung sang nuoc Ki Hoa Dat Trich , o vung pho Chet Los Angeles thay co tiem banh mi Buu Dien nhung chac 100% khong phai la chu cu banh mi buu dien ngay xua . Bac co khi nao ghe buu dien an banh mi thi viet cho tui chau doc , Chuc bac luon duoc manh khoe , cong hien cac bai viet rat hay cho hau the .
Kinh Bac
Le Cong Ly
Cám ơn ông Phan Si Nghi đả gửi cho 1 message dài. Tôi cũng có vài kỷ niệm về khu Bàn Cờ sẽ đưa lên hầu quý vị sau.
Thưa ông Thế Hùng :
Thời Tây , Saigon cũng có đường Taberd. Đó là Nguyển Du, một con đường chạy sát phía đông nam của vườn Tao Đàn . Các cạnh kia của đường Tao Đàn là Lê Văn Duyệt (Verdun), Hồng Thập Tự (Chasseloup Laubat) và Công Chúa Huyền Trân (Miss Cawell).
Đường Pasteur của thời Tây là đường Đống Đa (gần đương Thi Sách), đến thời VNCH thì Pellerin được đổi thành Pasteur và Pasteur đồi tên là Đống Đa. Đó cũng là trường hợp của đường Nguyễn Văn Thinh, xưa ở Chợ Lớn, sau mang về đường Adran Saigon.
Trân trọng
Kính ông Nguyen Van My.
Cám ơn ông rất nhiều. Ký ức của ông thật minh mẵn.
Nếu tôi nhớ không lầm thì “Chasseloup Laubat” là tên ông Bộ Trưởng Bộ Hải quân và Thuộc Địa Pháp thập niên 1860?
Ông viết đường Nguyễn V. Thinh (Mạc Thị Bưởi bây giờ) gần khu Bến Nghé, Saigon, thay tên đường Adran làm tôi nhớ đến tên trường “Pháp Việt Adran” ở Chợ Lớn do các thừa sai Paris thành lập, sau nhượng lại cho các sư huynh dòng La San trông coi. Adran là tên một vị giám mục Công giáo. Sau này “Collège d’Adran” được dời ra Đà Lạt và đổi thành trường truong học La San Adran.
Tiện đây, xin đính chính 3 vị: Pellerin, Taberd và Puginier chỉ là các giám mục (tôi đã viết lộn là tổng giám mục trong bài viết trước) tiên khởi của Huế, Sàigon và Hà Nội.
Kính Thư.
Không biết con đường này có phải con đương ngắn nhất Saigon không ?
Đường Nguyễn Thiếp ( Carabelli ) đi từ Nguyễn Huệ tới Tự Do.
Thưa quý độc giả gần xa ta bà thế giới,
Hơn 40 năm trước, khi tôi hãy còn là cậu học sinh trung học đệ nhị cấp Chu văn An, tay trắng mộng đầy, chạy chiếc xe Velo Solex 20cc, made in France, máy nổ xành xạch, thừa kế của bà chị thì Công Tử Hà Đông đã là một trung niên văn sĩ nổi tiếng, chạy chiếc xe Vespa 200cc, made in Italy, máy nổ cành cạch, đi làm việc và ăn chơi khắp hang cùng ngõ hẻm 8 quận đô thành. Nói như thế để quý độc giả thấy rằng Hoàng lão đại huynh là bậc tiền bối của tôi, chắc chắn Hoàng đại huynh phải biết về Saigon nhiều hơn tôi. Ngoài ra, tôi còn phải phục trí nhớ của Hoàng đại huynh. Xuyên qua bao nhiêu bài hồi ký, phiếm luận của Hoàng đại huynh, chắc quý độc giả cũng có nhận xét là Hoàng huynh kể chuyện 40, 50 năm truớc mà cứ như là chuyện xẩy ra tuần trước, tháng trước. Hoàng huynh còn nhớ là huynh mặc áo mầu gì, nàng mặc áo mầu gì, trời hôm đó giăng tơ nắng vàng chứ không phải mưa gió sụt sùi v.v. Nhiều lúc tôi đọc mà phải kêu thầm: “Chời, sao mà ổng nhớ dzai dzữ dzậy? Hay là ổng xịt mắm muối nước tương dzô cho chuyện của ổng đậm đà, sống động?” Chính vì cái trí nhớ phi thường này mà chuyện của Hoàng đại huynh hấp dẫn, vì huynh kể lại những chuyện mà người ta quên từ đời tám tỏng nào rồi, với những chi tiết vô cùng sống động. Chả bù với tôi, chưa đầy 6 bó mà từ dưới nhà đi lên lầu lấy đồ, lên tới lầu thì đứng ngẩn ra không biết mình đi lên lầu để lấy cái gì, chỉ nhớ là mình cần lấy .. cái gì đó !! Năm xưa chở thằng con đi mua đồ ở tiệm, thằng bé xà vào quầy sách báo đọc say sưa, tôi mua đồ xong thơ thới hân hoan lái xe về nhà, về đến nhà vợ hỏi con đâu tôi mới nhớ là bỏ quên con tại tiệm. Ôi, người ta là nghệ sĩ bỏ quên đàn ở nhà người yêu, tôi là đãng trí sĩ bỏ quên con ở tiệm. Nếu dùng ngôn ngữ dân điện toán, memory chip của người thường là 1 gigabyte thì của Hoàng huynh là 3 gigabytes còn của tôi là 0.5 gigabyte hay ít hơn. Nói tóm lại, cả về số năm sống ở Saigon lẫn trí nhớ về Saigon, Hoàng huynh đều hơn tôi.
Ấy thế nhưng nói về khu Bàn Cờ, tôi lại có thể xía miệng vô mà cãi Hoàng huynh được. Bởi vì người ta nói: rừng nào cọp nấy. Không biết Tổng thống Diệm lê gót quê người bao nhiêu năm, nhưng tôi lê gót khu Bàn Cờ hơn 30 năm lận, lê gót thật chứ không phải phóng xe Vespa chạy tới chạy luì như Hoàng huynh, cho nên tôi biết khá rõ. Tôi yêu khu Bàn Cờ của tôi vì tôi sống ở Bàn Cờ lâu hơn tôi sống ở xứ người, nhiều kỷ niệm hơn. Tôi đã từng “hành hương” về phố Quán Sứ, Hà Nội, nơi tôi sinh ra. Nhưng tôi không có cảm giác gì cả. Vì lúc bị bố mẹ “cưỡng bách” di cư vào Nam , tôi mới có mấy tuổi, có biết gì về phố Quán Sứ đâu, có kỷ niệm gì đâu mà xúc động. Giống như một đứa trẻ ở với cha mẹ nuôi từ khi mới sinh ra, mấy chục năm sau có một bà lạ hoắc xưng là mẹ ruột, bảo nó phải thương yêu, dễ gì yêu được. Sinh mà phải nuôi mới có tình. Cho nên đến phố Quán Sứ thì chẳng có cảm giác gì cả, nhưng vừa nhìn lại ngã tư chợ Bàn Cờ thì cảm xúc đã dâng trào. Cho nên hôm nay lại mượn đất của Hoàng huynh để nói thêm về khu Bàn Cờ.
Trước hết bàn về bản đồ của lão đại huynh Nguyễn văn Mỹ. Nhà bảo sanh Đức Chính ngày xưa đúng ra thì nằm gần rạp xi nê Đại Đồng, nghĩa là gần Phan Thanh Giản hơn là Phan đình Phùng. Còn huynh vẽ Xe bò viên vỉa hè ngon nhất Saigon-Cholon nằm trên Cao Thắng, tôi nghĩ là huynh lầm. Xe bò viên đó có 2 cái, 1 cái nằm ở ngõ hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật đầu chợ Bàn Cờ, 1 cái nằm ở ngõ hẻm đường Nguyễn thiên Thuật đi vào chùa Linh Chưởng, tức là đứng ở Nguyễn thiện Thuât thì 1 cái bên tay mặt, 1 cái bên tay trái, 2 cái ngon tương đương với nhau. Còn có xe bánh đúc chiên cạnh đó cũng ngon lắm.
Bản đồ của Phan huynh cũng khá chính xác, ngoại trừ huynh vẽ Tam Tông Miếu hơi chệch quá xa bánh mì Hoà Mã. Nhờ huynh mà tôi biết rằng ngày xưa ca sĩ Thanh Thúy ở khu Trần Quý Cáp/Cao Thắng. Chị TT hay hát Phố Đêm Đèn Dzàng, nghe gầu thúi guột, tôi không phải là fan của chị. Ngược lại cả 2 anh em nhà tôi, anh tôi thì lớn tuổi hơn Thanh Lan, tôi thì nhỏ tuổi hơn, đều mê ca sĩ Thanh Lan quá trời. Anh tôi rước ở đâu tấm hình 8 inches x10 inches đen trắng của chị TL tuyệt đẹp về để .. thờ phượng. Còn tôi mỗi lần nhận được lá thư giấy mỏng màu xanh dương có tẩm nước hoa với nét chữ mềm mại của chị TL là tôi sướng rêm cả người. Tôi tôn thờ chị TL cho đến lúc chị đóng phim phơi cái lưng trần (tôi quên tên phim) và sau đó là nghe tin chị có con với Mr. Dũng nào đó thì .. thần tượng sụp đổ, tôi không còn viết fan mail với chị nữa. 4 thập kỷ rồi, chị vẫn trẻ và đẹp so với số tuổi, quả thật là xứng đáng để anh em tôi tôn sùng một thời.
Ngang trường Aurore tức Rạng Đông tức Lương đình Của là một nhà cho thuê sách rầt lớn, rất sầm uất, nếu tôi không lầm thì tên là Tân Tiến ? Nơi đây tôi thuê truyện điệp viên 007 và tiểu thuyết tình cảm của Hoàng Hải Thuỷ phóng tác đọc say mê (xin lỗi Hoàng đại huynh, ngày xưa học trò nghèo không có tiền mua sách). Ông chủ người cao ráo, quanh năm suốt tháng mặc pyjama làm việc trong tiệm thật thoải mái, cho nên nưóc da tái xanh. Bà vợ ông cũng da trắng, cao ráo đẹp đẽ.
Hoàng huynh nói về bánh mì Hoà Mã mà không nói bánh mì Hà Nội là điều thiếu sót, vì Hà Nội lớn hơn Hoà Mã, ghế ngồi không đau đít như ghế sắt Hoà Mã. Ông bà chủ bánh mì HN tuy không làm thơ như bác Ngọc HM, nhưng ông bà có sản xuất một bài thơ sống, đó là cô con gái tóc demi-garcon, da trắng bóc mắt đen thui, rất giống Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ mà Nguyễn Tất Nhiên mô tả. Da cô trắng tự nhiên, không phải trắng bạch tạng (bệnh) của bà mẹ. Ngày xưa, đôi với tôi cô còn quá nhỏ nên tôi không sơ múi gì, dù tôi cũng biết cô bé này trông ngộ gái (cute). Tôi về thăm tiệm không thấy cô nữa, hay cô đã biến thành Bà Bắc Kỳ To To 5 Bó, tôi không nhận ra?
Ở 1 con hẻm nối đường Bàn Cờ và đường Cao Thắng ngày xưa còn có một cặp vợ chồng bán cháo sườn, phở chua Lạng Sơn ngay trước nhà của họ. Phở chua LS không có nước dùng phở, chỉ có nước sốt chua chan vừa đủ ướt bánh phở. Tôi về thăm thì không còn cặp vợ chồng này nữa và cũng không thấy ở đâu khác có món phở chua Lạng Sơn. Hai mẹ con tôi đành lếch thếch dẫn nhau đi ăn cháo sườn trong chợ Bàn Cờ, không ngon bằng nhưng cũng đỡ cơn ghiền cháo sườn của tôi. 50 năm xưa tôi níu tay mẹ và đi chậm hơn mẹ. Bây giờ thì mẹ níu tay tôi và đi chậm hơn tôi nhiều.
Thôi, chuyện Bàn Cờ của tôi tạm ngưng ở đây, còn nhường đất cho Nguyễn và Phan đại huynh nói tiếp. Xin mời đọc giả xem lại hình ảnh Hoà Mã, Hà Nội, Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu tại website:
http://www.pbase.com/hoangt/my_fascinating_vietnam
Trích<>
Thưa,hình như là phim “Vòng tay học trò”(hình như đạo diễn Hoàng Anh Tuấn).
Cháu xin phép chen vào vì cháu có cùng 1 tâm trạng!!!
Cám ơn ông Hoàng Hải Hồ đã chỉ ra chỗ sai của tôi.
Ông Hải Hồ nói đúng : Bảo sanh Đức Chính gần Phan Thanh Giản hơn.
Về bò viên thì tôi nhớ như sau : Trước 1975, trên Cao Thắng gần rạp Đại Đồng có nhiều xe bò viên. Chỉ có 1 xe rất ngon thôi. Đó là xe của ông Tàu già. Ông tàu này không bán ban ngày và cũng không bán khuya. Đến 10 giờ đêm là con ông ra đẩy xe về ( hay đi gửi đâu đó ). Chính ông Tàu này làm chúng tôi nhớ đến ông Tàu bán lạc rang ở đầu bờ hồ Hoàn Kiếm trước 1954.
Tôi là thân chủ của tiệm thuê sách trên đường Phan Đình Phùng . Sau 30-1975 bao nhiêu sách vở của tiệm mấy tầng lầu này bị chở đi .
Để tôi lục lọi trí nhớ cùn của tôi vẽ lại vị trí các tiệm trong khu này mà tôi nhớ.
Cám ơn Hoàng tiên sinh cho xem mấy ảnh TTM, KVT và tiêm bánh mì Hòa Mã.
Trân trọng
Nguyễn đại tiên sinh ơi,
Tiểu đệ xin lỗi, thế là tiểu đệ chỉ biết bò viên Nguyễn thiện Thuật mà không biết bò viên Cao Thắng. Tiẻu đệ có thấy xe bò viên Cao Thắng, nhưng không thèm ăn, chỉ đến đầu chợ Bàn Cờ ăn vì bàn ghế đàng hoàng hơn, dù nó cũng là cái xe, buổi tối mới bày ra, còn ban ngày là đất chợ buôn bán.
Ngồi lục lọi cái memory chip 0.5 gig đã mòn, tiểu đệ nay mới tìm ra lời giải cho cái chuyện nhớ lộn của Phan huynh: đối diện trường Aurore là nhà bảo sanh HỒNG ĐỨC, nhỏ hơn là nhà bảo sanh Đức Chính (xéo rạp Đại Đồng).
Chắc đã đến lúc lâp ra Nhóm Thân Hữu Bàn Cờ? 🙂
Kính thưa chư liệt vị thân hữu Bàn Cờ,
Sáng nay, Phan mỗ được một cú phone từ San José gọi qua. Cú này giống như “coup de grace” tặng cho người tử tội, nó làm cho Phan mỗ hết còn ảo tưởng với một Nhà BS Đức Chính nằm trên Phan Đình Phùng mà bấy lâu nay mỗi lần chợp mắt là Phan mỗ thấy một tấm bảng lớn chữ đỏ nằm ở đầu con hẽm ,xéo với Trường Rạng Đông , tấm bảng mang chữ “NBS ĐỨC CHÍNH”!!! Trong cú phone , cô em gái của Phan mỗ nói là Nhà BS Đức Chính ở số 75, đường Cao Thắng ( mà bạn Phan mỗ quê ở Quảng Ngữa đọc là Co Théng), trong khai sanh ghi như vậy. Như vậy là đủ rồi, ông xã của cô ấy còn bồi thêm:” Gần ngả tư Cao Thắng- Nguyễn Thiện Thuật đó, anh nhớ ko ?” Trời đất ơi! Xin đọc ca dao mới:
Hai tay ta làm nên lịch sử?
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm!
Nghiêng vai đổ nước ra đồng
Đến chừng khô hạn, chổng mông kêu trời !
Ông Trời ổng bảo Đảng ta,
Lại Ngả tư Cao Thắng-Nguyễn Thuật lãnh quà , con ơi!
Hai đường song song nhau mà gặp nhau được thì hoạ chăng chỉ có Đảng và Nhà nước CS VN mới làm nỗi!
Thôi xin chư quý vị cho qua chuyện NBS Đức Chính là vừa. Bây giờ Phan mỗ xác nhận là Xe Bò Viên đầu hẽm Nguyễn Thiện Thuật (gần ngả tư PĐPhùng-NT Thuật) như Hoàng đệ nói bên trên là ngon số dách. Phan mỗ và tên bạn từng là đồng môn Petrus Ký, nhà ở Lý Thái Tổ ( gần Kem Cẩm Bình) thường qua ăn. Ăn xong, có xe Sâm Bổ Lượng kế bên, làm một ly, riết thành ghiền, không ăn chịu không nỗi. Ngang đó, là chợ Bàn Cờ, đầu hẽm là một đống rác, nhưng đến tối có một gánh cơm tấm dọn ra gần đó. Đệ có ăn nhưng không nhớ ngon dỡ, mà tụi bạn nói lại, có khi ăn vào nửa đêm, bọn nó gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng là thân chủ của gánh cơm tấm ấy. Ngay góc PĐPP-NTT đó, trên đường PĐPhùng, có tiệm bán ô mai ngon nổi tiếng, hình như gần đó là tiệm bán chè thạch (?) cũng ngon. Số là Phan mỗ cócô em gái, nên hay ghé mua chè thạch, ô mai cho cô nên nhớ. Cô này nay ở Paris, thỉnh thoảng gọi phone nói chuyện Sài Gòn, nghe mà bắt chảy nước bọt ! Toàn là nhắc chuyện gì đâu không, hết chuyện ăn khô bò đu đủ ở Viễn Đông (góc Pasteur-Lê Lợi), ăn Pò Pía cũng nơi đó, có khi đem vào trường Gia Long cho cô ấy (nội trú) vì lo học thi không đi ra ngoài được. Thấy cô ấy ngồi khuất vào một góc phòng vắng người, “chơi” một lúc hết 10 cuốn pò pía mà vừa giận, vừa thương! Giận vì tánh tham ăn (!) đem vào phòng sợ phải chia cho mấy nhỏ bạn (bay giờ thì thấy là cô ta có lý), còn tội nghiệp vì lo học thi “sanh tử” nên cô ở lại trường , không ra ngoài Sài Gòn, sợ mất thời giờ! Hình như các ca sĩ Hoàng Oanh, Hồng Vân cũng học cỡ cô em gái của Phan mỗ ở Gia Long, nhưng ngoại trú.
Trong hẽm Nguyễn Thiện Thuật, chỗ xe Bò Viên đi vào 100m, là Ping Pong HỒNG PHƯỚC, bọn tôi cũng thường đến múa vợt với các cô con của chủ bàn. Các cô đánh rất hay, tụi tôi thường lượm banh và chào thua, khi về còn phải trả tiền bàn nữa. Có bạn nào nhớ bàn banh bong (bóng bàn) này không? Và nó còn không? Đã đến giờ Phan mỗ rút lui, nhường sân cho các huynh và các bạn. Thân mến.
Kính các chú,các bác,nhà cháu ngày xưa ở trong cư xá Đô thành phía sau lưng nhà xác của Bv Bình Dân. Chú nói rất đúng, hai chổ bán bò viên rất ngon là bên ngã tư Nguyễn T Thuật và Phan Đ Phùng (cũ) và một chổ nằm đầu con hẻm cụt giửa rạp chiếu bóng Đại Đồng và trường TH Tư Thục Tiền Giang( bây giờ là cao ốc cho nhiều văn phòng thương maị). Còn đầu đường Nguyễn T Thuật ( Ngã ba PhanT Giãn# Nguyễn T Thuật) phía bên trái là cây xăng Esso,nằm tại ngay ngã ba trên Phan T Giãn là Nhà Lầu Năm Từng của Bác Sĩ Tín ( dầu Khuynh Diệp) cho quân đội Mỹ và Đại Hàn mướn. Cháu là HS Petrus Ky nên rất rỏ ràng về chổ nầy
Kính quan Bác Hà-Đông công-tử,
Quan bác mở cái mục: ” Ý-kiến ý cò” này cho bá-tánh thập-phương chín hướng nhào dzô bình loạn Mao-tôn-Cương… thiệt dzui gì đâu…! hế hế…! tui khoái ba cái dzụ như dzầy đó quan Bác… hế hế…!
Thưa quan Bác… Đọc mấy cái ý-cò ở trển… Nếu ta trao chức Thổ-công khu Thiện-Thuật cho thầy Sĩ-Nghi… thời… ta hổng thể hổng gắn lon Thỏ-địa dzùng Bàn Cờ cho thầy Hải-Hồ… Thiệt tình mà nói chớ… hai Thẩy rành rọt đất đai, đường đi nước bước nơi này, như đồ đạc trong túi quần của hai Thẩy đó nghen quan Bác…! Phục gì đâu…! hế hế …!
À… mà có một điều tui hổng đồng ý-cò dzới thầy Hải-Hồ… đó là… nói thiệt… hổng phải tui bưng bợ hay phe phái gì quan Bác chớ… Thảy có ý-cò trách quan Bác rằng thì là : “Tại nàm thao quan Bác dziết dzìa tiệm bánh mì Hòa-Mã nhỏ xíu nằm trên đường Cao-Thắng… mà lợi hổng nói ít lời dzìa cái… “Bu lân dzờ dzi ” Hà-Nội to bành ki tượng, ngự tại mặt tiền nơi đường Nguyễn-Thiện-Thuật…? “.
Thưa quan Bác… nếu hổng có gì phiền, thời quan Bác cho tui được thay quan Bác đặng có ít lời trần-tình, “thanh minh thanh nga” cùng thầy Hải-Hồ…?
Thầy Hải-Hồ nè…! Ngày xửa ngày xưa, trên đường Thiện-Thuật, đoạn bị cắt ngang một đầu bởi đường Phan-Đình-Phùng, bị chặn một đầu bởi đại-lộ Hồng-thập-tự thời… hổng có được mấy nhà to, cửa rộng, như bức hình Thầy dzừa chụp mới đây, đăng bên trang điện-tử của Thầy dzìa cái tiệm bánh mì Hà-Nội hổng có bài thơ, nhưng có nàng thơ thơm như múi mít mà Thầy có tả tường tận chân dung ở trển…!
Thầy Hồ à…! Nếu tui nhớ hổng lầm thời… trước đây, đoạn đường này, nhà cửa hổng lấy gì mần… bề thế cho lắm, chỉ có đầu đường giáp Hồng-Thập-Tự, thời được mấy căn nhà lầu. Sau 75, cái căn phố lầu góc đường này trở thành quán cà-phê nhạc không có bảng hiệu nhưng có tên gọi là Bố già… lớp thanh thiếu-niên chán đời hay tụ tập nghe nhạc hòa-tấu từ mấy cái đĩa nhạc xưa củ của Paul Mauriat, Richard Clayderman…dzân dzân… Rồi cũng chẳng được bao lâu, bọn công-an thành Hồ bắt “phẹc mê bú tít “… Nhích dzô dăm chục thước thời có quán cà phê Năm Dưỡng, cũng tạm gọi là to, bởi có hai gian cửa sắt… nhưng…”lợi” nằm lệch dzô phía con đường nhỏ nằm cắt ngang đường Nguyễn-Thiện-Thuật… rồi tới chút nữa là tiệm bánh mì Hà-Nội, lúc đó vưỡn còn là một căn phố lụp xụp, mặt tiền thời… bề ngang đâu độ… hổng hơn hai thước rưỡi Tây… Đã dzậy, cái tủ kiếng chưng bày thịt thà, nằm chắn ngang hai phần ba mặt tiền tiệm… mần nhìn dzô trong… thấy tối thui như hũ nút à…! Ngồi ăn sáng ở trỏng, tui hổng thấy “sáng” chút nào…! Có chăng là… hế hế… là đi ăn lén dzới dzợ hai thời… hợp tình, hợp cảnh, an ninh “năm chăm phần chăm” như Bác Công-Tử hay nói… hế hế…! À… mà hồi đó, ghế ở đẵng cũng là ghế đẩu chớ đâu đà được ghế nệm, gường Hồng-kông…! ngồi cũng đau bàn tọa bỏ bu… mần gì mà sang, mà lộng-lẫy, nguy-nga, tráng-lệ như bi giờ… Phải chăng… đó là : “… nhờ ơn bác dzà đảng” sáng suốt như “ma đưa lối, quỉ dẫn đường”…? Hay là nhờ… “Khúc ruột già ngàn dặm ” tiếp tế lu bù kèn, triền miên hổng nghỉ… mà… ông bà chủ cửa hàng, cửa hiệu bánh mì “dăm-bông”, “ba-tê” gan heo, giò bò, giò thủ, giò heo, gà, dzịt…” Xúc-xích ” dồi trường Hà-Nội băm lăm phố phường… mần ăn phát tài, phát lộc… mần ăn tấn tới…? hế hế….!
Thầy Hồ mến… Đây là tui chỉ muốn kể rỏ nguồn cơn chớ hổng hề có ý so bì… to, nhỏ, lớn, bé… hay soi mói, vạch váy cái cửa tiệm có người đẹp năm xưa của Thầy cho quan khách chiêm ngưỡng đâu à nghen…! hế hế…!
Còn cái dzụ… Quan Công-Tử chỉ mới kể sơ sịa dzìa cái tiệm bánh mì thịt nguội nóng ròn Hòa-Mã, mà chưa kể đến những tiệm bánh mì thịt nguội nóng ròn khác… điều đó hổng hẳn là… theo thiển-ý cò của tui thời… quan Công-Tử có bụng… “Bên trọng bên khinh” rồi giả tãng, bỏ lờ… mà chẳng qua là… chưa tới phiên, chưa đến lượt đó mà thôi… Thầy ráng chờ chút coi…! hế hế…!
Còn cái “chiện” mà… theo ý Thầy… cái tiệm bí mành Hà-Nội nó to hơn, nó tiện nghi hơn, ghế ngồi êm cái bàn tọa hơn, hổng có thơ nhưng có nàng thơ bằng xương bằng thịt thơm như múi mít Tố-nữ mà lợi hổng được chép dzào sử xanh, ghi dzô “Sài-thành dzang bóng”… là một thiếu sót trầm-trọng thời… Tui xin được phép nhường lời “lợi” cho quan Công-Tử “giả nhời giả vốn” mí Thầy… tui xin rút lui có trật-tự, hổng dám lạm bàn… hế hế…!
Thưa quý cựu thường trú Bàn Cờ,
Bạn Nguyễn Hào, cựu thường trú Bàn Cờ, cho biết tiệm cho thuê sách đối diện trường Aurore trước 1975 tên là Cảnh Hưng, là tiệm cho thuê sách lớn nhất Saigon-Gia Định.
Kính thưa ông Phan Si Nghi.
Trân trọng báo tin … buồn với ông là cô diễn viên chân dài (long-legged) “trường túc bất chi lao” của ông là Cyd Charisse, nổi tiếng trong thập niên 1950 trong các phim “Singin’ in the rain” với nam tài tử đa tài Gene Kelly, “The Band Wagon” với tài tử nổi tiếng Fred Astaire, “Words of Music” với Mickey Rooney, vừa tạ thế hôm nay, thứ Ba ngày 17-06-2008, tại Los Angeles thọ, 86 tuổi.
Xin nhấn vào link này để xem chi tiết về cái chết cũng như hình ảnh xưa và nay của nữ diễn viên một thời lẫy lừng này.
Kính gởi Ông The Hung,
Xin cùng Ông và hải nội chư quân tử- những ai đã từng chiêm ngưỡng dung nhan, đặc biệt là đôi chân dài đáng giá 1triệu đô vào thời điểm 1950 của CYD CHARISSE- mặc niệm một phút và cầu nguyện cho Bà diễn viên kiêm vũ công ba-lê nổi tiếng này được an bình nơi lạc cảnh. Nơi đó, bà sẽ gặp lại Gene Kelly, Fred Astaire, Mickey Rooney…cùng với Ava Gardner, Susan Hayward, Debbie Reynolds , Grace Kelly… à quên, có Frank Sinatra và Dean Martin cùng hát với Elvis Presley nữa! Và họ hỏi thăm Sid (tên hồi còn bé của Cyd) chừng nào Lizzie, Sophia…sẽ lên góp mặt!!
Trở về với “Singin’ in the Rain”, tôi nhớ đã xem ở Long Thuận, ngang ga xe lửa Sài Gòn, cùng với Cyd Charisse, Gene Kelly đã nhảy claquette xem đã con mát luôn! Và trong phim “Anchors Aweigh”, Gene Kelly cùng với Frank Sinatra (ko có Cyd) nhảy múa, ca hát, trong vai trò 2 anh lính Hải quân nghỉ phép và gặp người yêu…
Cuối đời thì Cyd cũng nhận đươc huy chương cao quý nhất trong ngành văn hoá nghệ thuật từ TT Bush năm 2006 ( National Medal of the Arts and Humanities). Một phút tưởng niệm cho Bà.
Thời ẤY khu Bàn Cờ ngoài tiệm Cảnh Hưng cho thuê sách, còn có một tiệm nữa ờ ngõ hẻm Nguyễn Thiện Thuật thông ra chùa Phuoc Hòa, gần cái tiệm thuốc bắc gì khá to. Tiệm này nhỏ hơn Cảnh Hưng nhiều nhưng cũng bỏ túi khá nhiều tiền của mấy anh em tui. Trong ngõ hẻm này gần chùa Phước Trường có ông thày Ba Thới Viên bịnh gì má tui cũng đem tới ổng bắt mạch hốt thuốc đắng nghét cho uống ớn thấy bà cố luôn !
Xéo xéo trường Aurore có một ngõ hẻm *thong qua TQCap) một bên là một tiệm giò chả nho nhỏ còn bên kia chiều tối tới khuya có bán bánh cuốn nhưn thịt của người Bắc giá rẻ và ngon vô củng tận , “quán ” chỉ là vài cái bàn cây cũ xì nằm ngoài trời ,
Tiem cho thue sach nay ten la Nam Phong. Ong chu tiem la nguoi Bac di cu, deo cap kinh can day com, gia hon ong chu tiem cho thue sach Canh Hung.
Welcome SauUt to “Ban Co club” 🙂
Thua ong Hoang Hai Thuy, va tat ca quy vi.
Nhin ban do cua ong Hoang Hai Thuy ve, toi co thac mac mot dieu : Duong Phan dinh Phung,bay gio la Nguyen Dinh Chieu ( mot chieu ) toi ngay nga tu Cao Thang, gocbanh mi Hoa Ma. Tai sao cung mot duong Cao Thang, ma huong ben kia ong Hoang Hai Thuy lai de mui ten viet la Hong Thap Tu ( bay gio la Nguyen thi minh Khai ) ?
Kinh xin ong Hoang Hai Thuy va quy vi giai thich dum. Hay la thoi diem do, doan duong Cao Thang co hai ten !!
K/g bạn Tan Dinh,
Xin trả lời thắc mắc của bạn, cũng như của tôi khi mới xem sơ đồ. Sau đó, tôi hiểu là Hoàng huynh vẽ mũi tên chỉ ra hướng đường Hồng Thập Tự, rồi ghi chú chữ HT Tự ngay trên đường Cao Thắng làm có sự hiểu lầm. Phải chi Hoàng huynh ghi dưới mũi tên trong dấu ngoặc là (500 m) thì ta hiểu là còn 500m nữa đến đường HT Tự. Nói giỡn chơi, Hoàng đại ca mà vẽ overlay kiểu này, đề- lô dễ cho gà cồ nổ lên đầu quân bạn lắm. May là Hoàng huynh chỉ làm Ban 5 của Pháo đội 21(?) ở Sóc Trăng nên …”no star where”.
Toi cung xin co y kien vi toi cung o khu Ban Co . Nha Bao sanh Duc Chinh xe ngay truoc mat rap Dai Dong. Con quan bo vien thi nam phia ben phai cua rap Dai Dong doi dien voi bao sanh vien Duc Chinh. Ngoai ra con co mot truong tu thuc nam giua rap Dai Dong va Tam Tong Mieu ma toi quen mat ten roi.
Trường nầy tên là Trường Trung Học Tư Thục Tiền Giang
Kính goi anh Phan Si Nghi
Cám on anh rất nhiều . cả buổi chiều, và buổi tối nay .Tôi ngồi tìm bản đồ Sài Gòn xưa trên internet, và cả gọi điện thọai về Sài Gòn hỏi chuyện với ông bố vợ ( năm nay cũng 87 tuổi )
Ông già khẳng định không có chuyện đường Hồng Thập Tự nối với đường Cao Thắng . Chỉ có đường Hùng Vương nối với đường Hồng Thập Tự, từ khúc cầu Thị Nghè ra Hàng Xanh ( trước năm75 )
Đúng như anh Phan Si Nghi nói : Hòang đại ca, hay Hòang đại huynh, lúc trước mà đi pháo binh, vẽ sơ đồ, chấm tọa độ kiểu này, thì đề lô chấm pháo tọa độ ở lăng ba đình, mà cho gà cồ nổ lộn lên đầu bộ chính trị có tam đầu chế: Nông đức Mạnh, Nguyễn minh Triết, Nguyễn tấn Dũng, nằm chết thẳng cẳng thì đỡ biết mấy .
Một lần nửa, Xin cám ơn anh Phan si Nghi
Kính ông Hoàng Hải Thuỷ và các quý vị,
Tình cờ đi tìm định nghĩa “Thủ Cung Sa” trên Google thì bắt gặp được trang Saigon Vang Bóng. Thế là đọc mê mải (những mấy lần) và … thich quá. Đọc mà nhớ Saigon quá là nhớ.
Cảm ơn tất cả các quý vị.
Dân Tân Định
Chào tất cả. Chào “BanCo Club”.
Anh ThaiDuong, trường tư thục anh nhắc đến co1 tên gì tôi cũng quên rồi nhưng nó nằm kế tiệm Hòa Mã nghĩa là đối diện với Tam Tông Miếu anh à ! Còn ở giữa Tam Tông Miếu và rạp Đại Đồng dường như có tiệm bán gạch bông khá to.
Dạ ah HH Hồ đúng là tiệm Nam Phong rồi. Còn một tiệm nhò xíu nữa rất ít sách tòan là sách cũ và tiền mướn rẻ rề, là tiệm Quốc Văn ở đói diện truờng hoc Phan Dinh Phùng, anh nhớ tiêm5 này không ? Ông chủ người Bắc già và nóng tính con nít phá phách hay bị ổng chửi “cái đồ bú dzù” .
Thưa Thai Duong, Sau Ut và tất cả hội viên Ban Co Club,
Trường học nằm gần bm Hoà Mã, thời TT Ngô Đình Diệm tên là Hàn Thuyên, thời TT Nguyễn v Thiệu tên là Trí Đức, hiện nay là tiểu học Nguyễn Sơn Hà.
Tin này do chị Hạnh, con gái bác LM Ngọc, đang trông nom điều hành tiệm, cho nên chắc ăn như bắp, không ai cãi cọ được.
Hậu …Sài Gòn vang bóng .
Phải đặt tựa như vậy đễ dễ dàng phân biệt với Saì Gòn vang bóng sau năm 1975.
Tôi đã biết Hoàng Huynh từ những năm 57, 58 . Lúc đó vừa bước vào bậc trung học , nhà tôi ở ngay mặt tiền,góc đường Hiền Vương và Hai bà Trưng, gần mấy tiệm phở gà Hiền Vương. Tôi hay gặp Hoàng Huynh đi, về thương lắm . Thời gian đó Hoàng đại ca đã hơi có tiếng rồi, đâu thèm để ý ba thứ cù lũ nhí như tôi. Nhưng ông già vợ tôi lại quen và biết Hoàng đại huynh khá nhiều .
Đặc biệt, tôi lại có dịp may mắn đã chứng kiến vụ xử án cuội của tụi Việt cộng đối với Hoàng Huynh, Doãn Quốc Sỹ, Khuất Duy Trác, Lý Thuỵ Ý … Và ngay sau đó tôi vượt thoát được qua đây .
Vì công chuyện của gia đình, tháng 07,năm 94. Tôi có mặt ở Sài Gòn hai tuần . Một hôm, vào buổi chiều đi làm mắt kiếng ở tiệm kiếng ngay góc đường Hiền Vương và Hai Ba Trưng, ngồi trước cửa tiệm, nhìn ông đi qua, bà đi lại . Thì tôi vô cùng sửng sốt, nhìn thấy Hoàng Huynh đang đi từ hướng nhà thờ Tân Định tới, bước ngang qua tôi, và rẻ phải ở đường Hùng Vương . ( Hoàng Huynh đầu đội mũ nĩ mà hay nhìn thấy trong hình . Cái kiểu hình như đi thăm dân cho biết sự tình, hay là ” đi đâu loanh quanh cho đời … đỡ mệt ” )
Thật tình lúc đó tôi vui mừng muốn la lên chào anh Hoàng Hải Thủy . Nhưng tôi kịp kềm lại, va` nghỉ ngay, nếu có chào anh, anh cũng sẽ làm ngơ, vì có biết tôi là ai đâu !
Đã mười bốn năm, bây giờ nhắc lại, có thể anh còn nhớ.
Nhắc lại . Như thể la ” Hậu … Sài Gòn vang bóng “
Thưa ông Tan Dinh,
Thấy ông Tan Dinh nhắc đến góc đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương có tiệm kiếng mà tôi suy nghĩ “nát cả óc” suốt từ nãy đến giờ, lục lọi mãi trong trí nhớ vẫn không tìm được tiệm làm kiếng nào cả. Chỉ nhớ mỗi tiệm Kính Tiên ở ngay đầu đường Calmette (Đinh Công Tráng) và Hai Bà Trưng.
Nhân thể nhắc đến Tân Định, bà già trầu tôi xin phép gửi đến các quý vị một bản “kê khai” về Tân Định, một vùng yêu quý không thể thiếu của Saigon Vang Bóng.
Sợ rằng nếu copy hết bài viết vào đây, vào giang sơn của bác Hoàng Hải Thuỷ, làm web nặng thêm nên chỉ xin ghi link thôi ạ.
http://www.khoahoc.net/baivo/bichvan/tandinhcuatoi.htm
Bà già trầu,
Bac Thuy men,
Doc bai TOI NHIN TOI TREN NET nay thay buon va tuc qua, am uc la ho chui sai ma bac Thuy dang bai len xong la phui tay bo di chang co loi phe binh gi ca, bac dut cai rot lam nguoi doc chung hung va cu.t hung den choi dzoi ! Haha ! Y la muon bac Thuy phang cho hai ong Nam Nhan, TXN vai bua chang ? J .
Chau vao Trang Web cua bac doc bai NHAT NGHE TINH, thay vui qua, thich nhat la doc may van tho cam khai cua bac, doc xong cuoi cho da roi .. ua nuoc mat rung rung . Saigon bay gio vat gia leo thang toi tap 1 bo rau muong tu 500 len 4000 trong vong 1 nam, ba con minh chac phai an dua khu thoi . J
A` quen ! Bac nho anh bacthan cai lai cai link dan thang den trang “Tam Su Gui Ve Dau” cho nguoi doc bam vao thay lien thi tien hon: http://khanhly.net/phoxua/tm.asp?m=55393
Chau cam on bac gui bai BO VO VENH VAO, bac ninh dam kheo qua, chi em phu nu chung chau doc xong thay minh tre lai nhu thoi doi muoi J
Bao gio doc bai cua bac xong cung thay vui trong long . Cam on bac nhieu lam, nhieu that nhieu .
Chuc bac va co Alice cuoi tuan vui ve hanh phuc . Nang he dep bac va co di dao khu Eden that vui .
Thuong quy,
hv
Thưa Bà Bích Vân, biệt danh Bà Già Trầu.
Xin mạn phép hỏi Bà tên đường bác sĩ Calmette trở thành tên Đinh Công Tráng từ lúc nào ? Tôi nhớ đường Đinh Công Tráng mà Bà viết ngày xưa là Calmette đâm ra Hai Bà Trưng đã có tên Đinh Công Tráng từ năm 1965 và Calmette vẫn là tên đường của đoạn Trương Công Định nối dài gần bến Bạch Đằng từ xưa đến nay.
Tân Định ngoài trường Thiên Phước còn có trường nam sinh Saint Michel Tân Định, sau đổi tên trung học La San Đức Minh, thuộc hệ thống tư thục La San nổi tiếng miền Nam.
Về việc Bà viết không biết phải chọn café Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định trên khoahoc.net, không biết Bà có nghe nói đến tiệm Thạch Chè Hiển Khánh khu Đa Kao ?
Trân Trọng.
The Hung
– Có chứ ạ, thưa ông The Hung, tiệm thạch chè Hiển Khánh cũng vang danh quá lắm, nên đã là dân Saigon thì làm sao mà chẳng nghe nói tới. Nhưng chè Hiển Khánh thuộc về khu Dakao ạ, cái gốc ngày xưa thì ở bên đấy, như mọi người đã biết. Sau 75 ít lâu thì dọn về đường Hai bà Trưng ở ngay trong cửa hàng Butagaz thì phải, nằm phía đối diện chợ Tân Định, rạp ciné Kinh Thành đi quá quá lên một chút.
– Đường Đinh Công Tráng đâm ra Hai bà Trưng thì chẳng biết được đổi tên từ lúc nào, nhưng lúc còn bé tí cho tận đến lúc di cư sang đây, tôi vẫn nghe gọi là Calmette thường hơn. Vả lại, hình như bảng tên đường Đinh Công Tráng ngày xưa có mở ngoặc, đề thêm bên cạnh là Calmette nữa, tôi nhớ mang máng như vậy. Tôi cũng còn nhớ là đầu ĐCTráng đâm ra đường HBTrưng ở ngay đầu đường bên này là hiệu Kính Tiên, bên đối diện là nhà hòm Vạn Thọ (hình như lâu đời hơn Tobia).
Vụ đổi tên Calmette ra Đinh Công Tráng thì e phải nhờ bác HHThuỷ “giải vây” rồi, vì Bác ở Hiền Vương thì cũng là dân Tân Định mà, phải không ạ, thưa Bác?
Đoạn Calmette trên phố thì đúng ạ, nhưng tôi ít có dịp léo hánh đến vùng ấy nên không biết gì nhiều.
– Vâng, trường La San Đức Minh nổi tiếng không thua gì Taberd, nằm phía sau lưng nhà thờ Tân Định, phía bên đường Hiền Vương. Rất nhiều học sinh của trường Đức Minh là “partenaires ưng ý” cũng của rất nhiều nàng be bé học Thiên Phước, giống như dân Marie Curie phần nhiều chỉ thích “cặp kè” với dân J.J.Rousseau ạ.
Bài viết về Tân Định là cốt để chỉ nhắc đến những gì của riêng Tân Định; và những “kê khai” là những gì còn in đậm trong trí nhớ. Lẽ dĩ nhiên những “đặc sản” của vùng Tân Định thì nhiều lắm, làm sao có thể kê khai hết được, thưa Ông, nên chỉ dám loanh quanh khu vực gần nhà thờ Tân Định thôi ạ. Nội cái khu vực này mà lan man kể lể cũng đủ làm …
Phải xin lỗi nhạc sĩ Cung Tiến vì những “lời chế” lăng nhăng, nhưng thú thật là tôi vẫn thường nghêu ngao ông ổng như thế, mỗi lần nhớ đến Tân Định, và rồi thì là ngẩn ngơ, quặn cả ruột …
Kính,
Bà già trầu,
Thưa Bà già trầu,
Nói đến tiệm thạch chè Hiển Khánh, xin BGT cho tôi xía miệng dzô. Tôi không rõ cái quan hệ giữa HK Dakao và HK Bàn Cờ ra sao, nhưng lúc gia đình tôi di cư từ Hà Nội vào Nha Trang rồi từ Nha Trang vào Bàn Cờ năm 1955 thì đã thấy tiệm Hiển Khánh nằm ở đường Phan đình Phùng (NĐC bây giờ) rồi, nghĩa là HK BC đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Mỗi lần về Saigon, bị cái nóng ẩm điên người tra tấn, tôi chữa trị bằng cách mặc áo lụa Hà Đông, xin lỗi, áo lụa Tự Do (mua ở đường Tự Do) và ăn 2 bát thạch đậu xanh Hiển Khánh.
Coi bộ BGT yêu Tân Định hổng thua gì anh chị em Ban Co Club chúng tôi yêu Bàn Cờ.
Ôi đừng nhắc dến trường Thiên Phước nữa, lại mở ra cả 1 trời kỷ niệm đấy BGT ơi, vì có 1 thằng Chu văn An trong tận quận 5 mà mò ra tới tận Thiên Phước đấy.
Thưa Hoàng đại huynh và quý độc giả gần xa ta bà thế giới,
Nhân trường Thiên Phước Dakao được đề cập, xin kể 1 chuyện tình tam giác lâm ly có thật với 2 cô nữ sinh Thiên Phước.
Cô chị hơn cô em 5 tuổi, cả 2 chị em học trường đầm Thiên Phước. Khi chàng cặp với cô chị, cô em mới 13 tuổi, nên chàng chỉ coi cô em như người em gái nhỏ xinh xắn ngây thơ, vuốt má, xoa đầu, nắm vai và lì xì tiền trong dịp Tết. Nhưng rồi 4 năm thấm thoát trôi qua, chàng thảng thốt nhận ra cô em nay đã thành 1 thiếu nữ 17 tuổi tuyệt trần quyến rũ. Nếu cô chị có vẻ đẹp thanh tú, dịu dàng của Audrey Hepburn trong Vacance Romaine thì cô em có cái vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ, sexy của Brooke Shields trong The Blue Lagoon. Càng ngày chàng càng bị quyến rũ bởi nhan sắc cô em và nhận ra tình yêu của mình với cô chị càng phai nhạt. Rồi một ngày, chàng thú nhận tình yêu của mình với cô em và oái ăm thay, cô em cũng đáp trả tình yêu. Thì ra, những cái vuốt má nắm vai, những cái tiền lì xì ngày xưa, đấy chính là những hạt mầm tình yêu mà chàng đã gieo vào tim cô bé ngây thơ, đấy chính là Ái Phù, tương tự như Sinh Tử Phù trong truyện Cô Gái Đồ Long, đã được chàng cấy vào lòng cô bé năm xưa, nay đã phát huy tác dụng. Mối tình tam giác kéo dài không lâu thì cô chị cũng phát hiện ra. Chàng ngượng ngùng xấu hổ. Chàng bối rối xót xa. Chàng loanh quanh nhấp nhổm như gà mắc đẻ. Làm sao bây giờ? Bỏ thì thương, vương thì hóc. Chàng bèn trách trời trách đất. Trách cô em sao sinh muộn 5 năm. Nếu như 2 chị em sàn sàn nhau, chắc chắn chàng sẽ chấm cô em ngay từ đầu. Trách chàng và 2 chị em sinh sớm mấy chục năm, vì giá như còn thời Pháp thuộc, chàng sẽ chơi trò “yêu hoa đánh cả cụm”, cưới cả 2 chị em cho khỏi nhức đầu, cắn rứt lương tâm. Thế rồi đất nước bể dâu đổi đời, xã hội lộn tùng phèo, nhân dân lầm than khốn khổ, vượt biên đã trở thành ưu tiên số một cho tất cả mọi người, trên hết mọi sự trên cõi đời này. Một ngày, vì chàng không phải là Công Tử Hà Đông nên không nhớ rõ là trời nắng dzàng hay mưa gió hay trời không mưa nhưng có nhiều mây, chàng quyết định từ bỏ cuộc tình tam giác xương gà để dành trọn thì giờ cho công cuộc ra đi tìm đường cứu thân, chàng đến chào vĩnh biệt cả chị lẫn em. Thế là chàng mất cả chị lẫn em, cả chì lẫn chài. Chàng bỏ đi mà đau lòng lắm, xót xa lắm, chứ không phải là tỉnh bơ như Rhett Butler trong Gone With The Wind khi bỏ Scarlett O’Hara mà đi đã nói ” I don’t give it a damn”. Đối với chàng, không những chàng give it a damn, mà còn là big damn.
Cuối cùng chàng cũng thoát ra nước ngoài và vợ chàng cũng là một người đàn bà đẹp, nhưng xét ra chỉ ngang ngửa với cô chị, chứ vẫn không được lộng lẫy sắc sảo bằng cô em.
Đã 30 năm nước chẩy qua cầu. Những lúc trời mưa gió, bên ly cà phê phin Trung Nguyên và khói thuốc Esse, chàng lại nhớ đến cô em nữ sinh áo đầm hồng Thiên Phước, lại nuối tiếc mối tình xưa. Thật đúng là:
Cảm ơn ông HHHồ đã cung cấp cho bà già trầu tôi thêm một dẫn chứng về sự quyến rũ của vùng Tân Định. Vâng, “hấp lực” của vùng Tân Định thì … khủng khiếp lắm, lọ là phải ngôn, phải không ạ. Không chỉ ông chàng Chu Văn An tuốt tận quận 5 phải lặn lội mò đến để ..để … (?) … xin lỗi, tôi phải ngưng suy diễn, chả dám để óc tưởng tượng chạy rông xa thêm ạ.
Bàn thêm về chè Hiển Khánh là tôi bí tị, thưa ông HHHồ, chỉ biết nhiêu đó thôi. Nên gốc thật sự là ở Bàn Cờ hay ở Dakao, xin “chịu”. Có một điều về thạch chè nước hoa bưởi thì, nếu phải so sánh, tôi thấy mấy bà u già ở nhà tôi ngày xưa nấu ngon ba-chê, bằng mấy Hiển Khánh cơ. Nên rất ít khi mò đến Hiển Khánh ạ. Còn để dành bụng ăn các thứ chè khác, ví dụ như chè đậu của bà Mười chẳng hạn. Ông HHHồ mà thấy mỗi chiều (ngày xưa cơ) khoảng 3 giờ giở đi, ở ngay trên lề mặt tiền chợ Tân Định, bà Mười ngồi thon lỏn giữa hơn chục nồi chè to khổng lồ, giời ơi là … hấp dẫn! Tôi cứ thắc mắc mãi là làm sao mà có thể bán hết từng ấy chè mỗi ngày được. Ấy thế mà ra mua trễ trễ một tí là chẳng còn gì. Tôi mê chè can hổng nổi ạ.
Xin bác HHThuỷ cho phép được trích lại trên giang sơn của Bác một vài giòng đề cập đến chè, một thứ quà vặt trứ danh của VN không chỉ dành riêng cho các bà các cô (phải thế không ạ, thưa ông HHHồ?)
“Có lần đứng trước quầy “cơm chỉ”, tôi đã phải tự động nhường chỗ cho đến hơn chục người xếp hàng sau lưng, vì mãi vẫn chưa quyết định được nên “chỉ” món nào vừa lạ lại vừa ngon. Món nào trông cũng thèm, rỏ dãi, tiếc là tôi chỉ có một cái bụng. Nhưng cái bụng dành cho chè Cali thì … mấy cũng không đủ cho cái tật hay ăn vặt của tôi. Tôi có cảm tưởng, nếu (?) tôi định cư ở Cali, tôi sẽ … sống vì chè, nhờ chè, chỉ ăn toàn chè, không thèm ăn món gì khác ngoài chè, đủ mọi loại chè, lung tung thứ chè. Chè đặc có, chè lỏng cũng có, chè của người Bắc có, người Nam có, của Huế cũng có… Chè miền nào cũng có, từ loại thuần túy cổ truyền cho đến … hầm bà lằng xắng cấu mới phát minh ra sau này, sau 75. Làm dân Cali, nhất là cư dân vùng Tiểu Saigon này, kể cũng sướng thật …”
Bà già trầu,
Sao kỷ niệm về cô chị và cô em còn đầy ắp như thế mà ông HHHồ “nỡ lòng nào” bảo rằng thì là Thiên Phước ở bên Dakao là thế nào nhỉ???? lạ nhỉ
Thưa Bà Già Trầu,
Xin tha lỗi cho đãng trí sĩ và xin đính chánh cùng quý đọc giả: trường Thiên Phước ở Tân Định, còn thạch chè Hiển Khánh ở Đakao.
Và cũng xin đọc là :”Trách chàng và 2 chị em đã sinh muộn mấy chục năm …” chứ không phải là “sinh sớm mấy chục năm”.
Căn cứ vào tình cảm tha thiết của Việt kiều dành cho Saigon trước 30/4/1975, một cuốn sách viết về Saigon Thời Chiến Tranh chắc chắn sẽ được hưởng ứng nồng nhiệt.
Chào Cô Ba Khoa-Học chấm nếp,
Thưa Cô, hổm… được Cô cho biết địa chỉ nhà trời, tui có lò mò ghé qua, trước là thăm lợi dzùng Tân-Định năm xưa, sau là bặm gan xin phép… mần quen dzới Cô… bởi, thấy Cô… trên thông thiên-dzăn, dưới sành địa đạo, muôn sự tỏ tường, dzạn dzật dzùng Tân-định cứ như thể… nằm trong… lòng bàn tay của Cô… phục gì đâu…!
Thưa Cô Ba, hổng phải nói nịnh đặng lấy điểm cùng Cô chớ…! Nghe Cô kể, Cô nói… thiệt tình… dzui quá xá là dzui, dzui mừng dzui quá dzui… Chời, thằng nào mà nói dóc, cho bà bắn… chết tiệt cả dòng, cả họ nhà nó cho tui nhờ… Chớ…! từ thuở khai thiên lập địa, từ cái buổi đất trời nổi cơn gió bụi, khách má hồng bao kẻ truân- “chiên”… Tui, thiệt tình à nghen Cô, tui chưa có được nghe bao giờ, nghe một ai, kể hay ho, kể hấp-dẫn như Cô đa nghen…! À…! mà Cô còn dzui tính nữa mới là ngộ chớ…! Đã gì đâu…!
Thưa Cô Ba, nói tới nói lui… hổng qua nói “lợi”… Số là dzầy… nghe Cô kể, có đoạn… Cô biểu là… cái cửa hàng thuốc Ta của Ông Bà nhà… Ấy chết…! thuốc Tây chớ…! Xin lổi Cô dzạn lậy… hổng phải tại tui… tại mấy thằng Dziệt cộng đó… trăm tội tại cái lũ hủi hô đó…! Từ ngày chúng nó dzô Nam, chúng khiêng mẹ nó bao nhiêu thuốc Tây của miền Nam ra Bắc đổ lổ cống… như chúng nói… chổ này hơi nghi ngờ à nghen…? Rồi chúng cho dân miền Nam, trong đó có tui, uống độc một thứ thuốc ta, thuốc tiên, trị bá chứng bịnh của chúng “sáng chế” là: … “Xiên” Tâm Liên… Từ đó, mần tui bị ám ảnh… riết rồi… đói bụng, tui cũng lấy “Xiên Tâm woàn” ra xực… thiệt hết biết…!
Ừa… thuốc Tây, tiệm thuốc Tây, cái “Pharmacie” của ông bà Bô của Cô Ba đó…! Qua lời Cô kể thời… tuy hổng đối-diện dzới tiệm giày da Trinh Shoes… tuy nằm hơi chênh chếch, nhưng… tui nghĩ… hổng nhiều thời ít, hổng ít thời nhiều… là… hổng Cô Ba thời anh hay chị em Cô Ba chắc có lẽ chớ hổng có chẵn… cũng có quen biết qua lợi thân sơ dzới cô Hảo con ông bà chủ tiệm giày da đó… phải hông Cô, Cô Ba…?
Nếu quả đúng dzậy, thời tui mạo muội xin được hỏi thăm ít lời cùng Cô dzìa cái cô bạn hàng xóm láng giềng năm xưa của Cô ấy…! Cô Hảo xoăn đấy…! Cũng chẳng có gì quan trọng lớn lao lắm… cũng chỉ muốn hỏi thăm rằng thời… cái cô bé cao ráo dễ thương mà thương hổng dễ đó… Bi giờ, em cũng đà gần tròn sáu bó, con đàn cháu đống, tay xách nách mang, đứa cõng đứa bồng… Còn đâu cái thuở… mấy cô mấy chú híp-pi choi choi tràn ngập hai địa điểm ca nhạc dành cho giới yé yé Sè-Goòng đẹp lắm Sè-Goòng ơi… Đó là… thứ nhứt, đổ từ Sề-goòng dzìa Chợ-Lớn trên đường Trần-Hưng-Đạo, qua khỏi rạp “xi-cà-la-ma Nguyễn-Dzăn-Hảo, chưa tới mũi tàu Nguyễn-Cư-Trinh+Trần-Hưng-Đạo, bên tay trái là phòng chè mang tên Ritz của ông Jo Marcel, ca sĩ kiêm ông bầu, ông chủ phòng chè … Nơi mà ông Trường-Kỳ, nhà báo, người “chiên” dziết bài phóng-sự, tin tức…dzìa ca nhạc trẻ thời đó, thời 70, trên mấy tờ tuần báo, tạp chí Điện-Ảnh, Kịch-Ảnh, Hồng…dzân dzân… Ổng mượn phòng chè này để tổ chức nhạc sống mổi chiều thứ bảy hàng tuần… Cũng như chương trình ca nhạc sống “Soul Party” mở ở phòng chè “Queen Bee” nằm trên đường Nguyễn-Huệ, thuộc khu thương-xá Eden, đối diện rạp chớp bóng Rex của ông bà Ưng-Thi… là do ông Nam-Lộc, nhạc-sĩ tài-tử đầy máu dzăn-nghệ dzăn gừng… đã mượn của ông bầu kiêm nhạc công Ngọc-Chánh, trưởng ban nhạc Shotgun, cái phòng chè này để tổ chức nhạc cho mấy Yé Yé tới coi từ hai giờ đến năm giờ chiều cũng dzô ngày thứ bảy… Xin lổi Cô Ba tui hơi dài dòng chổ này là bởi… đó là những nơi tui thường thấy có mặt cô Hảo Trinh Shoes…
Ối… Lâu ngày quá rối, tui cũng hổng nhớ rỏ dzìa cổ cho lắm, chỉ có điều… mái tóc dài của cổ xoăn tự nhiên à nghen… dễ nhớ lắm à nghen…! Bởi dzậy, cũng muốn hỏi thăm dzìa cổ dzới cô Ba, nếu Cô biết thời:
“Hảo ở đâu còn bán dép hông…?
Chẳng hay dép ấy hết hay còn…?
Xuân xanh thời hổng còn xanh lắm…?
Chồng đà mấy đứa, mấy lứa con…?
Hế hế…! Cũng chỉ muốn hỏi thăm chút dzậy nhưng… hổng phải tui sợ chồng cổ chém mà… chỉ ngại quan Bác Công-Tử biểu… : “Này…! Chúng mày toan tính giở cái trò ma bùn, ma mãnh gì đây trong căn nhà… đèn vàng an-ninh năm “chăm” linh nhăm phần dầu của ông đấy…? Hay là chúng mày lại muốn biến nó thành… Bàn Giấy “Siêu ” Tầm Thân Nhân Thất Lạc hở…? Ông mà không lên tiếng, dám… được đàng chân, chúng mày lân đàng đầu… mai mốt… nhà ông đây… dám thành… Văn-Phòng Môi Giới Hôn-nhân Cho Người Có Tuổi phỏng…? Ông báo danh truyền đời cho chúng mày biết đấy nhé…! Liệu cái thần hồn nhé…! Ông tương cho một gậy là bỏ bố… là theo ông bà về miền địa đầu giới tuyến cấp kỳ ấy nhé…! đừng có bỡn với Ông nhé…? rỏ Nỡm…! “.
Ấy… tui sợ là sợ dzậy đó cô Ba, cô Ba Khoa-Học chấm nếp… hế hế… !
Tôi không dám ạ, thưa ônh HHHồ, Ông dậy quá lời. Đúng ra là tại tôi, mea culpa, tại tôi có tật méo mó nghề nghiệp Cò không chừa được (http://khoahoc.net/baivo/bichvan/020807-toilamco.htm). Ca frappe aux yeux liền tút xuỵt những gì lạ lạ, nên lỡ lời “phát biểu linh tinh”, xin Ông bỏ quá cho.
Ông HHHồ dùng chữ “tha thiết” dành cho Saigon đúng lắm ạ. Cách đây mấy năm, nhớ Sg quá, tôi cũng đã về một chuyến mặc dù gia đình chẳng còn ai ở VN. Ngay ngày đầu tiên, tôi mò về Tân Định và rồi đứng như trời trồng ở ngay đầu ngõ nhà tôi ngày xưa suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Đứng đó ngơ ngơ ngác ngác như mụ điên, trời thì nắng chang chang vì đang giữa Hè. Hết nhìn xe cộ chạy rầm rập dầy đặc và ngửi khói xe, lại dáo dác nhìn các bảng hiệu xung quanh. Và rồi rơm rớm nước mắt.
Tôi còn nhớ rõ khơi mào cho sự chết lặng và quặn ruột là lúc tôi thấy những chiếc xích-lô với sàn xe cao lênh khênh, khác hẳn hình ảnh những chiếc xích-lô mà tôi vẫn có trong đầu. Tôi thấy rõ ràng nhói một cái trong lòng. Các ông Sg ngày xưa ít ai đi xích-lô nên tôi đoán các ông không thể hiểu nổi những cảm giác sững sờ (intense) của đàn bà chúng tôi khi nhìn thấy hình ảnh quen thuộc bị biến dạng. Và sự biến dạng này nói lên tất cả, phải không ạ.
Và như thế này nữa, kể thì chắc chẳng ai tin, và chắc cũng chẳng ai lẩn thẩn quá mức như thế, nhưng mỗi tối khó ngủ, thay vì đếm cừu như bao nhiêu người “bình thường” khác, tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng đang đi trên đường nào ở Saigon ngày xưa. Đang đi đến khúc nào, ở đó có quán tiệm gì nổi tiếng, nhà của ai trên khúc đường đó. Quẹo trái thì gặp đường nào; quẹo phải đi một hồi nữa thì sẽ đụng đường nào, … cứ thế mà tôi loanh quanh đi miết, đi miết … cho đến khi thiếp đi lúc nào không hay.
Tha thiết với Saigon như thế, lắm khi đâm ra lẩn thẩn ấy chứ. Thậm lẩn thẩn.
Tuy có hơi lạc đề một chút, vì tôi đang ra khỏi phạm vi của Saigon, nhưng tôi biết chắc hầu hết người Việt nào xa xứ cũng đều nhớ quay quắt bất cứ những thứ gì dính dáng đến quê hương VN, chả cứ gì những chuyện của Saigon ạ.
Kính,
Bà già trầu
Rất tiếc, thưa ông GIADAM, tôi chẳng biết gì nhiều về cô bé Hảo ngày xưa để có thể trả lời câu hỏi (thăm) của Ông.
Tuy là hàng xóm khá gần nhưng vì cô bé ấy không bằng vai phải lứa nên tôi chỉ biết về cô ấy đại khái thế thôi. Một cô bé xinh xẻo, ăn mặc hợp thời trang và nhà có tiệm giầy nổi tiếng của Saigon. Và hết.
Bây giờ cô ấy phiêu bạt nơi nao, như thế nào? Dieu seul le sait.
Bà già trầu,
Kính quan Bác Hà-Đông Công-Tử,
Thưa quan Bác… dẫu biết rằng… trả lời riêng tư, nói “chiện” cá nhân trong “căn nhà rừng phong” của quan Bác là điều đại thất-lễ… dễ xa nhau, dễ mần quan Bác buồn lòng… nhưng… tui trộm nghĩ… : “… Mẫu người “ga-lăng” thuộc hàng thượng-thừa dzới phái nữ như quan Bác… Tui chắc chắn như bắp rang rằng : … Quan Bác sẽ còn giận tui gấp ngàn lần hơn nếu tui hổng có… ít lời cám-ơn người nữ đã có lòng tốt mách nước chỉ đường cho hươi chạy… mà người đó là… hổng ai xa lạ… Cô Ba đây… Cô Ba Khoa-Học chấm nếp thân thương… Phải hông quan Bác…? ” hế hế…!
Thưa Cô Ba Khoa-Học chấm nếp,
Cám ơn Cô đã có nhã-ý cho tui cái địa-chỉ tui cần mà bấy lâu nay… hổng biết hỏi ai cho ra… nay được cô mách khéo… thiệt cám ơn gì đâu…!
Thưa Cô Ba, tui hiểu ý Cô Ba chớ…! tui biết câu hỏi của tui kể cũng thuộc hàng “nhạy cảm”, hổng dễ dầu gì, hổng có mấy ai chưa quen chưa biết mà dám nói, dám bày… Dzậy mà… Chỉ mình Cô Ba… thiệt tình… dzới sự thông minh dzốn tính trời ban… đã… khéo léo, dè dặt, thận trọng, kín đáo để không bị mang tiếng “Nối giáo cho giặc” mà… mách nước cho tui được nhờ qua câu tiếng Tây-Lang-Sa… “Dieu seul le sait “… ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa… hàm-súc ý-tứ gì đâu…! Câu này, tui hổng dám dịch ra tiếng An-Nam bởi… Tây nó biểu: “Traduire est trahir “; nghĩa là ngã lìa: “Dịch là phản phé “; nên… tui phải phóng câu ở trển của Cô ra tiếng Nôm cho nó phải đạo… Đó: “Chỉ Trời biết mình ên thôi”… tui phóng dzậy nghe đặng hông Cô Ba… ? hế hế…!
Thưa Cô Ba… Ông Bà mình có câu:
“Bắt thang lên hỏi Ông Trời,
Mang tiền dâng Cộng có đòi được hông…?
Trời già gầm mặt quát rằng:
-Tau còn dính chấu… cở mày kí lô…! “.
Đó…! Ông Bà mình ngày xưa hổng có phương tiện di chuyển tới lui tiện lợi nhanh chóng như bây giờ thành thử… mới đành chịu bắt thang tre lên hỏi Ổng… chớ… bi giờ… thời buổi nguyên-tử… phi thuyền lên xuống sao Trăng, sao Wỏa hà rầm… chỉ cần dzớt một cái dzé máy bay là có thể… đi đến nơi, dzìa đến chốn cấp kỳ… Mà tui nghe nói… muốn dễ gặp Ông Trời… hổng gì bằng… chơi ngay cái dzé “Air Dziệt Cộng ” là bảo đảm chắc cú gặp Ổng mà khỏi cần xin cái hẹn trước… Thiệt đó à nghen Cô, Cô Ba…! Bữa, có nghe tin tức rằng: “… Có cái máy bay hàng-không dân-sự Dziệt-Cộng do phi-cộng lái… lúc bay qua dzùng trời mấy nước Đông-Â… mấy ổng rủ nhau mần giấc “La sét”… là ngủ trưa đó… rồi để cho máy bay tự bay “Ô tô ma lắc” nghĩa là… hông người lái đó Cô…! Lúc đó… ở dưới đất, thấy máy bay lạ, họ điện lên hỏi… hổng ai trả lời trả dzốn gì xất…! Tức mình, họ định tặng cho một quả hỏa-tiển xài chơi… cũng may… mấy chả thức dậy kịp thời… bằng không… coi như khỏi cần bắt thang… cũng gặp Ông Trời ngon ơ…! Cô há…?
Thưa Cô Ba, dzậy là tui sẽ mần theo lời mách khéo của cô đó Cô Ba… tui sẽ:
“Cỡi mây lên hỏi Ông Trời,
Hỏi rằng: ” – Hảo “sú ‘s” kiếm chồng đặng chưa…? “.
Hế hế… biết đâu, dzui miệng, Ổng cũng mách nước cho tui giống như cô Ba đã giúp tui dzậy đó…!
“Trời già bóp trán phán rằng:
Năm xưa Ẻm chổng có chừa,
Năm sau Ẻm quất một hơi ba chồng,
Năm qua ba đứa đi đoong,
Năm nay tính sổ… chậc…! coi như chửa chồng…” hế hế….!
Tới luôn bác tài… hế hế …!
Thôi chào Cô Ba hén…!Cám ơn Cô Ba hết biết luôn à nghen….!
Ý mà khoan…! Bữa nào quỡn… Cô cho phép tui hỏi thăm ít câu dzìa cô Tuyền con ông tài-tử Đoàn-Châu-Mậu… Cô Tuyền ở cùng khu Tân-Định của Cô đó…! Hồi xưa Cổ đàn ghi-ta sô-lô… Cổ chơi trong ban nhạc nữ ” The Blue Stars” đó…! Rồi sau đó… ban này rã gánh… Cổ lập thêm ban nhạc nữ khác lấy tên là… The Rabbits… Đúng là thỏ… ban nhạc gì đâu mà đông dữ thần… chẳng bì dzới ban trước… có năm mạng… Ban sau… đâu độ… gần đủ tá… mần có lần… thấy mấy cổ trình diễn trong chương-trình nhạc-trẻ “Soul Party” ở phòng chè “Queen Bee” chiều thứ bảy hàng tuần… Ở đó, sân khấu chỉ đủ chổ cho một ban nhạc năm sáu người… đằng này… mấy cổ hơn chục mạng… nào là… Đàn ghi-ta có ba cô phụ-trách, đàn “ọt-gan ” một cô… một cô chơi trống… Dzậy là dư ăn rồi…! Hổng hiểu sao… mấy cổ còn cố chen thêm… nào là cô đập “Tambourin”… nào là cô lắc “Castagnettes”…dzân dzân… Mấy cổ đứng chen chúc thiếu điều… đòn đòn lên dzai mà diễn… Dzui gì đâu… hế hế…
Nhớ nghen Cô, Cô Ba…! Bữa nào cho phép tui hỏi thăm ít lời nghen Cô Ba Khoa-Học chấm nếp…! Cho tui gởi lời cám- ơn Cô trước nghen Cô Ba…! À…! mà tui có nói gì sái quấy mần phiền lòng Cô… thời… xin Cô bỏ quá cho tui nghen Cô… đừng trách tui mần tui… hế hế…! tổn thọ nghen Cô Ba… hế hế…!
Kính chào Hoàng Tiên Sinh,
Xin tiên sinh tường thuật lại diễn biến vụ nổ súng đêm năm xưa tại Nhà hàng Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) góc mủi tàu đường Trần Hưng Đạo & Bùi Viện thời VNCH đã ghi lại 1 điểm son xác định chủ quyền VN của mình đối với người bạn (?) đồng minh (còn gọi là vụ Thiếu tá Nguyễn Viết Cần) để kẻ hậu sinh được biết rõ hư thực ra sao?
Một người dân Sài Gòn.
Thưa ông CTHĐ.
Là cựu học sinh trường tiểu học Trương Minh Ký sát rạp Đại Nam nên tôi rành cái rạp Rex này lắm,nó nằm ngay góc đường Hồ văn Ngà và Yersin,đối diện là mặt sau của garage Nguyễn văn Hảo,rạp còn có tên là Rex Long Duyên,còn trên đường Nguyễn Công Trứ tôi chắc không có rạp ciné nào cả.
Tôi tốt nghiệp tiểu học năm 1962 thì Rex Long Duyên vẫn còn chứ không như ông nói đã bị phá sau 1955.
Xin bổ túc một chút về Sàigòn của chúng ta trong hoài niệm.