• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Sớm Mai Xõa Tóc

Ở đời gặp chuyện ưu phiền
Sớm mai xõa tóc, thả thuyền ta chơi…

Thơ Lý Bạch: Nhân sinh tại thế bất xứng ý.. Minh triêu tán phát lộng thiên châu.. Những đêm dài đen sâu hun hút trong ngục tù cộng sản, những ngày u ám buồn lạnh hiu hắt ở Sài Gòn hấp hối những năm 1981, 1982, mỗi lần nhớ câu thơ trên đây của Lý Bạch, tôi lại thấy muốn hỏi Thi sĩ:

Lấy gì ăn, lấy gì chơi?
Cho ông xõa tóc cả đời ông đi..?

Gặp chuyện không vừa lòng, quăng mũ, xõa tóc, thơ thới xuống thuyền đi chơi. Ai lại không muốn làm như thế. Nhưng chỉ những người được đời chiều đãi, có đầy đủ rượu thịt, không lo cơm áo, không có vợ gầy rách vú móp, mông teo, không có bầy con lóc nhóc đói da xanh như tầu lá chuối non, chỉ những người no đủ như nhà thơ lớn Lý Bạch mới có thể mỗi khi gặp chuyện không vừa lòng, tìm quên lãng trong men rượu hay ngao du sông hồ, người thường không thể có thái độ thản nhiên như thế.

Mặc người mưa Sở, mây Tần… Những mình nào biết có xuân là gì… Hôm nay — Tháng Chín 2009 — nhớ ra tôi đã sông ở Kỳ Hoa Đất Trích 14 mùa lá vàng, tuyết trắng.

Thời gian qua mau.. Chuyện đó ai cũng biết dzồi, khỏi cần nói nữa. Nhưng cảm khái thì vẫn cứ phải đi vài đương cảm khái vì thời gian qua mau.

Quân lịch Huê Kỳ quân bất dĩ
Ngã du Mỹ Quốc, ngã do liên
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Giai nhân, thi sĩ đối sầu miên…

 Huê Kỳ Em vẫn là Em
Anh sang Mỹ Quốc đêm đêm anh buồn
Một đi hoàng hạc đi luôn
Giai nhân, thi sĩ đối buồn nằm mơ…

***

Em đến Hoa Kỳ Em vẫn đẹp
Anh sang Mỹ Quốc tội anh buồn
Hoàng Hạc đi rồi, Lầu Hạc khép
Giai nhân, thi sĩ cũng lơi hồn.

Ly BachCảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ… Cây khô xuống nước vẫn khô.. Người buồn đi đến chỗ mô cũng buồn.. Em ơi.. Anh nhớ những năm 1981, 1982 ở Sài Gòn — vèo trông lá rụng đầy rừng.. ái ân trần thế có từng ấy thôi.., thấm thoắt dzậy mà đã ba mươi năm cuộc đời — những năm 80 xưa ấy anh sống ở Sài Gòn không có em, anh nhớ Em và anh thèm viết quá, anh viết một số bài kể chuyện linh tinh tâm sự, nhớ thương, sinh ly, tử biệt, kẻ ở, người đi, và anh viết về đời sống cơ cực của nhân dân Sài Gòn dưới ách cộng sản, anh viết và gửi những bài viết ấy ra hải ngoại, tất nhiên anh ký tên rởm dưới những bài viết ấy: Ngụy Công Tử, Hồ Thành Nhân, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Yên Ba, Văn Kỳ Thanh vv.. Trong những bài ấy anh nhiều lần viết dặn em:

Nếu em đọc bài này em sẽ biết anh là ai và em là ai..” Anh đặt tên cho những bài viết ấy là “Viết cho Người Yêu.” Viết cho người anh yêu, cho người yêu anh, viết cho những người yêu nhau trên cõi đời này. Em từng đọc những bài Viết Cho Người Yêu của anh hai mươi năm trước, Em nhớ không Em?

Trời không chớp biển, chẳng mưa nguồn… Đêm nảo, đêm nao anh cũng buồn. Đêm qua anh buồn, sáng nay anh buồn hơn đêm qua. Ngồi vào bàn viết, anh định viết một bài về Thơ Trong Tù của những người làm Thơ Trong Tù: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Văn Hương, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Chí Thiện, Hồ Chí Minh. Mở đầu anh kể Thơ Lý Bạch “nhân sinh tại thế bất xứng ý..,” bỗng anh nhớ đến Cao Bá Quát, Thi sĩ làm Thơ Trong Tù rất tuyệt mà lâu nay anh đã bỏ quên. Những ngày xưa sống mòn mỏi ở Sài Gòn, thành phố thủ đô ta bị đổi tên là Thành Hồ — những năm không phải sống quanh quẩn trong góc phòng tù anh sống quẩn quanh trong xó nhà tối — nhiều hôm, nhất là vào những buổi chiều tà, anh muốn phát điên vì buồn, vì tù túng, anh muốn đi chơi, đi khỏi nhà nhưng anh không thể đi đâu được. Anh thấy Lý Bạch sung sướng vì mỗi khi gặp chuyện khó chịu Thi sĩ quăng mũ. xõa tóc, xuống thuyền đi chơi. Anh nhớ tình cảnh của Cao Bá Quát khi Thi sĩ làm thơ:

Tích du vô kế, phục đăng lâu
Tà ỷ lan can vọng bích lưu
Quân diệc đa tình đáo yên thủy
Ngã do di hận mãn đinh châu..

Muốn đi không được, lại lên lầu.. Dựa lan can ngắm dòng nước biếc.. Em đa tình em đến nơi khói nước.. Anh ôm mối hận đầy trên bãi sông..

Ba mươi năm trước trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, anh đã xúc động vì những câu thơ trên của Thi sĩ , hôm nay liêu lạc ở xứ người, những câu thơ ấy làm anh xúc động gấp nhiều lần.. Sáng mùa thu vàng, thật vàng, Em đi chơi trên ngựa qua rừng lá biếc ở Florida.. Rừng thu từng biếc chen hồng.. Nghe chim em có động lòng tương tư.. Thư Em viết cho anh trên giấy viết thư đắt tiền của những khách sạn lớn ở New York, Miami, Honolulu. Trong khi ấy anh như Cao Chu Thần:

Nhật tà thiên địa song bồng mấn
Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu…

Chiều tà tóc trắng phơi trời đất
Xuân tĩnh sông hồ lẻ cánh âu

Chiều tà đôi mái tóc sương phơi giữa nơi trời đất.. Em hãy tượng tượng cảnh người HO gầy ốm, đen đủi, chỉ còn da với xương như con trâu già, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt cằn cỗi in hằn những vết roi đời, đi một mình trong bóng chiều đang xuống qua Rừng Phong. Người lưu vong đứng một mình bên dòng sông Potomac, buồn nhìn cánh chim bạch âu cô đơn bay trong dáng chiều…

Dao tưởng đương niên hành lạc xứ..
Tần mai không tự cố cung đầu..

Nhớ Em người ấy nhớ lại những nơi y đã được yêu em năm xưa ở Sài Gòn, nhớ hàng dừa xa lộ đêm trăng, nhớ những buổi trưa vàng nắng trên hồ bơi Ngọc Thủy, Thủ Đức, hàng ăn La Plage ven sông Đồng Nai, nhớ đôi mắt Em sáng long lanh những giờ tình tự, nhớ những chiều Em chờ anh ở cửa tòa báo Saigònmới, những hai, ba giờ sáng chia tay nhau không dứt ở đường Ngô Tùng Châu đèn vàng, đường Ngô Tùng Châu Gia Định của ta những năm 60 cũng đèn vàng chứ bộ, má em đầm đìa nước mắt..

Hôm nay Thơ Cao Bá Quát gợi cho anh nhớ lại những tình duyên xưa, những yêu thương cũ. Anh thấy không phải Cao Chu Thần mà là chính anh làm bài thơ này:

Cổ nhân bất thức kim nhân hận
Tài đáo thương ly thuyết tận tình
Minh nhật dục từ Nam Phố đạo
Hà nhân cánh xướng Bắc cung thanh
Hàn y cô quán phong sương thiểu
Vụ hợp thâm thôn trúc thụ bình
Tiếu sát Tầm Dương túy Tư Mã
Thanh sam hà sự lệ tung hoành ?

Người đời xưa không biết mối hận của người đời nay lớn đến như thế nào. Người đời xưa chỉ vừa mới hơi buồn vì ly biệt đã kể lể bao nhiêu là nỗi niềm. Ngày mai ta muốn đi khỏi con đường Nam Phố này, biết ai sẽ lại hát cho ta nghe giọng ca cung Bắc. Trời rét, nương thân trong quán lẻ cũng đỡ gió sương, chiều tối sương mù bao phủ xóm nhà xa, cây cối đều im lặng. Đáng cười chết cái ông Tư Mã say ở bến Tầm Dương, xa nhau việc gì mà phải khóc đến nước mắt ướt áo xanh?

Thi sĩ Ta ngạo Thi sĩ Tầu: chia tay với một em ca kỹ lạ hoắc, em với mình không có tí ti tình ngãi gì trước cả, có gì đáng để phải khóc đến ướt cả tay áo? Lệ ai chan chứa hơn người? Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh. Thi sĩ Ta chê đúng quá. Và ta thấy ta cảm khái vì bài thơ “bến Tầm Dương canh khuya đưa khác” ấy là ta trẻ con. Phụ nữ lấy chồng ai cũng thế thôi, không có lý em là ca nữ, thời em trẻ em đàn ngọt, em hát hay, em có nhan sắc, em có nhiều đàn ông mê em là bắt buộc em phải có chồng hào hoa tài tử, đời em phải có hạnh phúc. Không được thế là em đau khổ, em đáng thương, em than thở. Chồng em là nhà buôn, nó không mải buôn chè sớm tếch ngàn khơi, nó cứ ở nhà ôm đít em, em với nó lấy gì mà ăn? Em không thương nó vất vả thì thôi, em lại coi như nó có tội bỏ bê em, không nên nhất là em kể tội chồng em với đàn ông lạ, đã chắc gì anh đàn ông lạ ấy thương em bằng một góc tình chồng em thương em. Ít nhất anh chồng nhà buôn của em cũng lấy em làm vợ. Bọn đàn ông mà em thấy là hào hoa kia chỉ thương em, chỉ lấy em có trong một đêm. Đúng ra họ “muốn” em, họ “thương” gì em. Thi Sĩ Tư Mã Tầu đáng trách ở chỗ không giảng phải trái cho em thấy, không nửa lời bênh vực anh chồng em thì chớ, Thi sĩ vào hùa với em, Thi sĩ lên án chồng em, Thi sĩ quá mau nước mắt…

Em trở lại Sài Gòn sau mười lăm năm Em đi. Anh gặp lại Em ở Sài Gòn sau hai lần anh tù tội. Hàng dừa xa lộ của chúng ta không còn nữa, cũng không còn Ngân Đình Tửu Gia ngày xưa, Ngân Đình những năm 1960, Ngân Đình của chúng ta xưa đã mất, thay vào đó là một hàng ăn được xây tường chung quanh kín mít như pháo đài, người ta nhẩy đầm trong đó.

Mười năm sau nữa ta gặp lại nhau bên dòng Mississippi, trong thành phố New Orleans anh và em đã thấy trên màn ảnh rạp Vĩnh Lợi Sài Gòn năm Em còn trẻ. Em nhớ không Em? Chiều thứ bẩy năm xưa, xa như tiền kiếp, gần như hôm qua, lúc ba giờ, trời Sài Gòn nắng nóng, oi mưa, cơn mưa lớn đang đến trên thành phố, chúng ta vào tránh nắng, tránh mưa Sài Gòn trong rạp Vĩnh Lợi. Xi-nê pẹc-ma-năng, phim The Secret Life of Walter Mitty, kép Danny Kaye, đào Virginia Mayo. Phim mầu Technicolor đã chiếu ở rạp Majestic năm 1950, anh đã xem phim này năm 1950 ở rạp Majestic Hà Nội khi anh mới từ vùng kháng chiến trở về, khi em ở Huế và em còn trinh, em 15 tuổi. Anh đã xem phim một lần còn em chưa xem phim này lần nào. Chiều xưa ấy ở rạp Vĩnh Lợi, Sài Gòn, anh xem phim The Secret Life of Walter Mitty lần cuối, em xem phim ấy lần đầu. Phim có cảnh hai nhân vật chính gặp nhau trên chiếc thuyền chạy trên sông Mississippi bằng vòng quạt nước ở sau thuyền. Chuyện xẩy ra khoảng năm 1850. Anh nói nhỏ bên tai Em ngày nào sang Mỹ anh sẽ đến thăm New Orleans. Sao anh thích thành phố này quá. Ba mươi nhăm năm sau buổi trưa Vĩnh Lợi Sài Gòn ấy bánh xe tị nạn đưa anh đến New Orleans, anh gặp lại Em ở thành phố ven sông ấy, thành phố từng là thuộc địa của Pháp nên có nhiều đường phố, nhà cửa giống Sàigòn – Chợ Lớn. Ba mươi năm xưa có bao giờ chúng ta hẹn gặp lại nhau ở New Orleans! Anh nhìn Em.. Rõ ràng em đấy mà ngờ chiêm bao!

Chiếc thuyền chở du khách đi chơi trên sông Mississippi vẫn có guồng quạt nước đằng sau, em nóiù cháu gái em gọi Em là bà ngoại vừa lấy chồng, con nhỏ là bác sĩ. Nghe Em nhắc lại chuyện xưa sau, anh nhớ lời thơ, ý thơ của Cao Chu Thần: Chàng Tư Mã Giang Châu chỉ mới nghe tiếng đàn, nghe chuyện đời nàng kỹ nữ Tầm Dương — Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.. Bản đàn mấy tiếng dạo qua.. Dẫu chưa trọn khúc… — đã khóc lệ rơi ướt áo, nếu chàng và nàng từng yêu nhau như anh và Em không biết chàng còn khóc đến đâu.

Mời Em nghe tiếng Thơ này:
Cộng thán tương phùng vãn
Tương phùng thị khách trung.
Quản huyền kim dạ nguyệt
Hương quốc kỷ thu phong
Lệ tận tôn nhưng lục
Tâm hôi chúc tự hồng
Cựu du phương lạc lạc
Nhất khúc mạc từ chung !

Cùng than thở gặp nhau đã muộn, mà gặp nhau lại ở nơi đất khách. Tiếng đàn, tiếng sáo buồn trổi dưới ánh trăng, quê hương xa cách đã qua mấy độ gió thu. Nước mắt dù cạn, rượu còn trong bình. Lửa lòng đã tắt, ngọn đèn vẫn cháy. Bạn cũ không còn mấy người. Hẹp chi mà không cho nhau nghe trọn khúc ca.

Tiếng hát Em tim anh nức nở.. Hai chục năm trời thanh chửa thôi.. Năm 1980 anh làm hai câu thơ trên, tính thời gian từ lúc tiếng Em hát làm tim anh nức nở đến đó là hai mươi năm, lại từ năm 1980 đến đêm nay, thời gian đã qua bốn mươi năm: Tiếng hát Em tim anh nức nở.. Bốn chục năm trời thanh chửa thôi..

Rừng Phong, chiều xuống ngoài trời Virginia, chiều lên trong tim người.

Leave a comment