• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Chuyện Ruồi Bâu

Trên trang báo này tôi đã viết 3 bài về chuyện những ông Phóng Viên Việt Nam Thông Tấn Xã Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà viết những bài báo tự đề cao giá trị siêu chuyên nghiêp văn minh hiện đại của mấy ông – và ghi công ông Nguyễn Ngọc Linh, ông Nguyên Giám Ðốc Việt Nam Thông Tấn Xã những năm trên duới năm 1965, nhân vật siêu cừ khôi đã đào tạo những chàng phóng viên VTX ưu tú làm đẹp mặt cho làng báo Sài Gòn – Theo lời các ông Phóng Viên VTX thì  cái làng báo Sài Gòn trước khi có những ông Phóng Viên VTX tài tuấn là một làng báo bệ rạc, nham nhở, bần tiện, dzơ dzáy, đểu giả,  ngu độn, bọn ký giả đê tiện của những tờ báo bẩn ấy chuyên làm tiền, chuyên dùng ngòi bút và tờ báo vào việc đâm thuê, chém mướn.., một làng báo hạ cấp gồm toàn những thằng phóng viên vô học, ngu dzốt, một chữ cắn làm đôi không biết.

"Quân sư" Như Phong Lê Văn Tiến

Những bài báo trên đăng trong Nguyệt san Hồn Việt, Số 325, phát hành Tháng 10, 2010 ở Cali.

Là một trong số những anh ký giả Sài Gòn ngu dzốt, tôi viết mấy bài kể lể, lời lẽ đã yếu sìu lại lòng thòng – tôi kể không phải để chạy tội – vì bọn ký giả Sài Gòn trong có tôi trước năm 1965 là năm có những ông phóng viên VTX ưu tú cùng mình hiên ngang đi vào làng báo, chúng tôi ngu dzốt thật, chúng tôi bị chửi là ngu dzốt không oan một ly ông cụ nào, tôi kể cũng không phải để cãi trong bọn ký giả Sài Gòn xưa cũng có nhiều tên không đến nỗi ngu dzốt và đê tiện quá như các ông phóng viên VTX có ăn có học làm báo kết tội, tôi muốn nói đến chuyện bọn ký giả Sài Gòn xưa – xưa trước năm 1965 là năm có những chàng phóng viên VTX đàng hoàng xuất hiện đem một luồng sinh khí mới vào làng báo Sài Gòn, làm cho làng báo Sài Gòn sạch đẹp, đàng hoàng hẳn lên – bọn ký giả Sài Gòn xưa sống, làm báo và kiếm ăn như thế nào. Tôi muốn viết lên chuyện bọn ký giả Sài Gòn không thể dùng tờ báo của các ông chủ báo để “làm tiền người ta”. Tôi muốn trình bày qui luật báo chí của nước nào là sản phẩm của nuớc ấy. Dân, xã hội nước nào tiến bộ, văn minh thì nền báo chí, văn học của họ tiến bộ, văn minh. Và ngược lại. Ðó là qui luật. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, tượng Già Hồ sẽ ra nằm chổng mông trước chợ Bến Thành, hay nằm ngửa dưới chân tượng Quách Thị Trang, là chuyện chắc hơn bắp rang, nhưng qui luật báo chí nước nào là sản phẩm của tình trạng xã hội nước ấy không bao giờ thay đổi.

Tôi muốn kể với quí vị vài chuyện “ký giả Sài Gòn trước năm 1975 làm săng-ta, tức làm tiền..” dzễ và khó ra nàm thao, bị gài bẫy, bị bắt, tù tội như thế nào. Ký giả làm tiền bị bắt ra tòa bị các ông Tòa phang án mấy năm???  Nhưng khi ngồi vào viết chuyện ấy, tôi thấy chán, tôi thấy tôi viết ba bài về những chuyện “ruồi bâu, kiến đậu” như dzậy là đủ rồi. Tôi ngưng không viết nữa.

Hôm nay quí vị đọc bài này vì trong những bài viết vừa kể của tôi, có mấy lần tôi kể chuyện trong cuộc họp báo thứ nhất của ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Nguyễn Cao Kỳ, ông Kỳ tuyên bố chính phủ của ông “đóng cửa tất cả các nhật báo, tuần báo Sài Gòn, sẽ cứu xét và cho xuất bản lại sau.” Tôi viết tôi nghi cái trò ruồi bâu “đóng cửa tất cả các báo” của ông Kỳ là do ông Quân Sư Quạt Giấy Rách Như Phong Lê Văn Tiến mớm cho. Ðúng như tôi nghi. Quí vị đọc bài dưới đây của ông Nguyễn Ngọc Linh sẽ thấy.

Ông NGUYỄN NGỌC LINH bút hiệu Râu Cáo, viết trên  Bán Nguyệt San NGÀY NAY. Houston, Ngày 15 Tháng 6, 2007.

Bài NÀY KIA KIA NỌ.

Trích: Ngày 10 Tháng 6 là Ngày Quân Lực của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày này năm nào cũng nhắc cho tôi một số những kỷ niệm vui buồn khó quên. Này nhé, vì bất đồng chính kiến giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát nên chính quyền dân sự ra tuyên cáo giao trả quyền lãnh đạo quốc gia cho quân đội. Do đó, một Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia được thành lập gồm các tướng lãnh, Ủy Ban giao phó cho Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ trọng trách lập chính phủ.

Ông Kỳ muốn có một chính phủ chuyên viên trẻ có đủ các thành phần Nam, Trung, Bắc nhưng ông không quen biết nhiều người trong giới dân sự nên phải dựa vào mấy ông ngoài quân đội làm cố vấn tìm người. Cho đến hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao năm xưa ấy ông Kỳ lại đến nhà Luật sư Ðinh Trịnh Chính để lập chính phủ mặc dù ông không quen biết ông Chính. Ngày đó ông Chính là Bộ Trưởng Bộ Thông Tin trong chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát, chính phủ mới từ nhiệm, tôi là Tổng Giám Ðốc Việt Nam Thông Tấn Xã và là bạn ông Chính.

Vì ông Chính cũng không giao thiệp nhiều với giới nhân sĩ dân sự nên việc cố vấn cho ông Kỳ phải nhờ đến một ông bạn của cả hai chúng tôi, là Nhà Báo Kỳ Cựu Như Phong Lê Văn Tiến. Dù chưa quen và cũng chưa lần nào gặp ông Kỳ nhưng khi được ông Kỳ hỏi, ông Như Phong trình bày tiểu sử, thành tích, khả năng của một số nhân vật một cách rõ ràng, chi tiết, tin được nên gần như ông Như Phong giới thiệu nhân vật nào là được ông Kỳ chọn ngay làm Bộ Trưởng. Mỗi khi có ông được ông Kỳ  mời vào chính phủ là ông Chính, hay tôi, lo việc liên lạc và cho đón ngay ông “Tân Bộ Trưởng” đến gặp Thủ Tướng Nguyễn cao Kỳ.

Thủ Tướng Nguyễn cao Kỳ quyết định sẽ ra mắt chính phủ vào ngày 19 Tháng 6, ông Như Phong viết diễn văn để ông Kỳ đọc; diễn văn gồm 6 chính sách, 19 chương trình hoạt động. Tôi không nhớ rõ ai là người đề nghị lấy Ngày 19 Tháng 6, là ngày trình diện Ðại Hội Ðồng Quân Lực, Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương làm Ngày Quân Lực Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Kể từ năm 1966 Ngày 19 Tháng 6 chính thức trở thành Ngày Quân Lưc.

Ngày 24 Tháng 6 Nội Các Chiến Tranh Nguyễn cao Kỳ họp báo. Ông Kỳ năm ấy mới 34 tuổi, không có kinh nghiệm chính trị, chính trường lại rất bốc đồng. Khi ông Kỳ từ Phủ Thủ Tướng đi bộ qua đại lộ Thống Nhất để đến Hội Trường Diên Hồng bên kia đường họp báo, không hiểu vì lý do gì, ông Kỳ nói với cụ Tổng Trưởng Ngoại Giao Trần Văn Ðỗ là:

“Việt Nam phải đoạn giao với Pháp.

Lời nói lúc qua đường ấy khiến đương kim Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle, khi được hỏi ý kiến về quyết định  (VNCH đoạn giao với Pháp) của ông Kỳ đã châm biếm mà chơi chữ rằng “Qui est Ky?” ( Kỳ là ai?)

Chắc đã nghe ông Như Phong đề nghị, với sự đồng thuận của ông Chính, tân chính phủ nên có vài quyết định mạnh bạo để gây tiếng vang, đánh dấu một giai đoạn mới, nên trong cuộc hội báo, Tân Thủ Tướng Kỳ tuyên bố “đóng cửa tất cả các báo trong nước để xét lại giấy phép xuất bản” khiến phần đông đại diện báo chí hiện diện, theo gương ông Ký giả Tô Văn, lớn tiếng phản đối rồi bỏ ra về và ngày hôm sau các báo tẩy chay không tường thuật cuộc hội báo. Mấy ngày sau ông Kỳ rút lại quyết định này.

Quí vị vừa đọc một đoạn chuyện thời sự nước ta 50 xưa do ông Nguyễn Ngọc Linh kể; ông Nguyễn Ngọc Linh năm 1966 là Tổng Giám Ðốc Việt Nam Thông Tấn Xã, là một nhân viên trong Ban Tham Mưu của ông Nguyễn Cao Kỳ. Lời kể của ông NN Linh  cho thấy ông Như Phong Lê Văn Tiến là người lập ra cái gọi là Uỷ Ban Hành Pháp do ông Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch. Cũng rất có thể, ngoài việc súi ông NC Kỳ làm cú ngoạn mục Tây gọi là “Cú rơ-tăng-tít-săng” là cái việc “phé-mê bu-tích hằm bà lằng các báo Sài Gòn,” ông Như Phong còn là người súi ông Nguyễn Cao Kỳ gọi chính phủ của ông Kỳ là Uỷ Ban Hành Pháp, bắt chước một cách ngu ngốc những cái Ủy Ban Lá Ða cỉa bọn Cộng Hà Nội. Về vài điểm nào đó ông Như Văn Phong Lê Văn Tiến là một thứ Lã Bất Vi Quan Hoạn của Quốc Gia VNCH.

Ký giả Tô Văn

Chuyện ông NN Linh kể làm tôi nhớ lại một ngày xa xưa. Năm xưa ấy là năm 1966. Thấm thoát dzậy mà đã 50 mùa thu lá bay kể từ ngày ấy. 50 năm qua ông Cựu Tổng Giám Ðốc Việt Nam Thông Tấn Xã, người đã sống 35 năm kể từ Tháng Tư 1975 ở Hoa Kỳ, mới kể lại chuyện xưa làm tôi cảm khái và tôi nhớ lại.

Ðời người có “Ba vạn chín nghìn ngày” : 39.000. Từ năm 1966 đến nay đã có – khoảng – 16.000 – Mười sáu Ngàn – Ngày Xanh, Ðêm Thắm – và những Ðêm Tối Om Mõm Chó Lá Ða Lá Vông trong Nhà Tù Cộng Sản – trôi qua đời tôi. Thực tình tôi không muốn viết lại chuyện “Nguyễn Cao Kỳ năm 1966, vừa lên chức Thủ Tướng, trong cuộc họp báo ra mắt quốc dân, hung hăng con bọ xít ra lệnh đóng cửa tất cả các nhật báo trong nưc, chinh phủ sẽ cứu xét cho ra lại sau”, một quyết định ngu dzốt Số Một trong suốt 21 năm hiện diện của Chế độ Cộng Hòa Quốc Gia Việt Nam – từ 1954 đến 1975 – tôi đã viết về chuyện ấy hai, ba lần. Nay ông Nguyễn Ngọc Linh viết về chuyện ấy, và vì Nguyễn Cao Kỳ nói phét, tự đề cao y một cách láo lếu, nên tôi bắt buộc phải viết thêm bài này.

Năm 1966 khi sự việc Ruồi Bâu Cao Cầy Ðóng Cửa Tất Cả Các Báo xẩy ra tôi mới có 30 tuổi. Ðúng ra là 34, 35 nhưng cứ viết là 30 cho cõi lòng thêm tê tái thương đau. Tôi nhớ hình ảnh tôi trong buổi chiều năm xưa ấy tôi đến Nhà Hội của chính phủ ở Ðường Thống Nhất, dường như tòa nhà Số 2, bên phải từ Sở Thú đi tới Dinh Ðộc Lập, dự cuộc hội báo của Tướng Kỳ, người vừa được đưa ra làm  Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

Tháng 2 năm 1964, nhật báo Sàigònmới bị bức tử. Chỉ vì báo bán chạy nên bị bọn cầm quyền – Nguyễn Khánh, Ðỗ Mậu – chụp cho cái tội “cấu kết với nhà Ngô” và bắt phải chết. Sau 7 năm làm nhân viên nhật báo Sàigònmới, viết tiểu thuyết cho nhật báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, kiếm được nhiều tiền, đời sống yên ổn, ăn chơi phơi phới, cùng với việc chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, đời tôi đi vào chu kỳ xuống dzốc. Ðã “xuống dzốc” mà còn là “xuống dzốc không phanh.” Tôi dzạt sang làm nhật báo Ngày Nay của anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Nhật báo Ngày Nay do anh Nguyễn Hoạt làm chủ nhiệm, anh Vũ Khắc Khoan làm chủ bút, anh Vũ Hoàng Chương giữ mục Thơ Khôi Hài, anh Hiếu Chân viết báo, anh Vũ Khắc Khoan viết văn, không ông nào biết làm nhật báo. Một số ông nhà giầu góp tiền, tôi nghe nói là một triệu đồng, cho hai ông làm nhật báo Ngày Nay. Báo sống được khoảng 10 tháng thì tiêu tan triệu bạc. Không ai dám bỏ tiền ra nữa và báo Ngày Nay chết. Anh Nguyễn Mạnh Côn ra nhật báo Tin Báo, tôi về làm với anh Côn. Báo nghèo quá. Có thể nói Tin Báo là tờ báo nghèo nhất thế giới. Nhân viên tòa soạn chỉ có anh Côn và tôi. Ðang kiếm được mỗi tháng 20.000 đồng, lúc này mỗi tháng tôi chỉ có được khoảng 3.000 đồng. Tôi không có cả cái xe Mobylette làm chân để đi làm.

Tôi đến dự cuộc hội báo chiều hôm xưa đó với tâm trạng chán chường, mặt mũi rầu rĩ. Tôi nhớ buổi chiều ấy Sài Gòn có cơn mưa, đất trời xanh sám. Không phải vài ngày sau chính phủ Nguyễn cao Kỳ mới hủy bỏ lệnh “đóng cửa tất cả các báo” mà lệnh đó được hủy ngay trong đêm hôm đó. Ra lệnh rồi hủy lệnh ngay, như trò con nít.

Viết thêm: dường như trong cái gọi là dziễn dzăng Ra Mắt, Chủ Tịch NC Kỳ chỉ loan báo Uỷ Ban sẽ đóng cửa các báo nhưng chưa ký lệnh đóng cửa. Do đó hôm sau các nhật báo Sài Gòn vẫn phát hành như thường. Nhật báo Tin Báo của anh Côn nhân vụ ấy tự chết luôn.

Tháng 6 năm 1966. Sau 3 năm, kể từ ngày lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm, những người làm báo ở Sài Gòn được tự do gần như thả dzàn trong việc đả kích, xuyên tạc việc làm, lời nói, kể cả lăng mạ những viên chức trong chính phủ Ngô Ðình Diệm, rồi họ đả kích luôn những nhân vật ra nắm chính quyền sau cuộc đảo chính. Họ được những người có quyền chức nể sợ. Nhiều người trong chính quyền sợ bị bọn làm báo “kết tội hoảng là tay sai Nhà Ngô, hay cấu kết với Nhà Ngô.” Bọn ký giả Sài Gòn câm mõm suốt trong thời gian chính phủ Ngô Ðình Diệm tại quyền, nay được dzịp chửi văng tê, chửi văng xích chó những người cầm quyền. Họ không sợ chính quyền nữa. Họ thi nhau chửi người nhà nước. Do đó, khi ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn cao Kỳ đọc diễn văn công bố chính sách của chính phủ, đến quyết định:

– Ðóng của tất cả các nhật báo, tuần báo đang phát hành, sẽ cứu xét từng báo và cho phép ra lại sau.

Lúc ấy tôi ngồi gần ký giả Tô Văn, cũng ngồi gần chỗ chúng tôi là Ðại Tá Phạm Văn Liễu, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia. Vưà nghe ông Kỳ tuyên bố, Ký giả Tô Văn đứng ngay lên.

Gần 50 năm đã qua, chiều nay ngồi viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi thấy ẩn hiện hình ảnh phòng hội, dẫy bàn chủ tọa dài ngồi đến 10 ông, ông Kỳ ngồi giữa, có ông Nguyễn Ngọc Linh ngồi bên. Chiều trời muốn mưa, ánh chiều xanh sám. Tôi nghe vẳng tiếng Tô Văn:

– Ðóng cửa tất cả các báo? Nó có coi mình ra cái gì đâu! Không họp nữa. Ði ra.

Ðúng ra Tô Văn chỉ nói lên ý nghĩ của anh, anh không có ý kêu gọi anh em cùng anh bỏ cuộc hội báo để phản đối. Nói xong, anh đi ra. Dù anh em không ai đi theo, anh cũng đi ra khỏi phòng hội. Tôi đi theo anh. Nhiều anh em khác ra theo. Chúng tôi đứng lớ ngớ bên đường, chẳng ai biết mình phải làm gì. Cuộc hội báo trong Nhà Hội vẫn tiếp tục. Phóng viên truyền hình Mỹ có quay phim và phỏng vấn vài người đứng ngớ ngẩn ngoài đường.

o O o

Ðây là lời kể của ông Tạ Văn Tài, tôi tìm được tài liệu này trên Internet:

Tạ Văn Tài kể:

Anh Như Phong cùng Ðại Tá Phạm Văn Liễu, lúc đó là Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát – Công An Toàn Quốc, có dẫn Trần Nhu Tráng và tôi vào “Dinh Tân Sơn Nhứt” của Thủ Tướng Kỳ để bàn việc quốc sự . Tôi ngồi nghe mà thôi. Lúc đó Tướng Nguyễn Chánh Thi , Tư Lệnh Quân Ðoàn I, đang được Phật Gíáo Miền Trung ủng hộ, và Phật Giáo đòi chính phủ  tổ chức bầu cử quốc hội để sọan Hiến Pháp mới. Ông Kỳ ngồi trong ghế bành, ngước mắt lên trời, nói:

“Thằng cha Thi mà găng, tôi sẽ cho Miền Trung thành biển lửa.”

Rồi  bà Kỳ đi ra,  quàng tay ôm  cổ ông Kỳ, nói :

“Anh ơi, đi ngủ đi!”

Tôi nghĩ: Cha này chẳng coi sinh mạng nhân dân ra quái gì và bàn việc nước như rỡn chơi.

Sau này anh Tráng cho tôi hay ông Thủ Tướng Kỳ làm việc nước mà nói trước, quên sau, đến nỗi anh Tráng phải mỗi ngày làm một bản ghi nhớ cho ông Kỳ:

“Hôm qua ông tuyên bố như thế này.., thế này..”

Hết bài viết của ông Tạ Văn Tài.

Ðây là lời kể của nhân vật Lý Quí Chung trong Hồi Ký Không Tên:

Lý Quí Chung: …Vào lúc sắp kết thúc tập hồi ký này, tháng 2-2004, một sự kiện tình cờ nhiều ý nghĩa với tôi xảy ra: Tại TP. HCM tôi gặp lại ông Nguyễn Cao Kỳ. Nếu tính từ cuộc gặp ông lần đầu khi tôi mới vào làng báo thì đến nay 40 năm đã trôi qua.

Qua trung gian là Quỳnh Nga, người vợ đầu của tôi, ông Kỳ và tôi có một buổi ăn trưa tại nhà hàng An Viên của Quỳnh Nga, chúng tôi gặp nhau trước một ngày ông Kỳ rời TP. HCM trở về Mỹ. Ðây là chuyến về thăm quê hương đầu tiên của ông Kỳ sau khi ông rời Sài Gòn ngày 29-4-1975.

Những năm khởi đầu cuộc đời làm báo (1964-1965) tôi đã có dịp gặp ông Kỳ, lúc ấy ông là Thủ tướng Sài Gòn. Tôi dự buổi ăn sáng của Thủ tướng Kỳ tổ chức tại nơi làm việc của ông trên đường Thống Nhất. Mỗi tuần ông đều tổ chức một lần ăn sáng với các ký giả báo chí để trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự. Trước ông và sau ông không có một Thủ tướng nào ở Sài Gòn làm thế. Nhưng các buổi ăn sáng này chỉ kéo dài trong vài tháng. Tôi có dự cả buổi họp báo ông Kỳ công bố quyết định đóng cửa tất cả các báo Sài Gòn hồi năm 1965 – một chuyện có một không hai trước 1975 tại miền Nam. 2

Trong lúc gặp nhau, nhắc lại chuyện xảy ra 40 năm về trước, ông Kỳ còn kể lại cho tôi nghe một chi tiết bên lề cuộc họp báo:

“Khi tôi vừa công bố quyết định đóng cửa tất cả các báo để tái lập trật tự thì ở gần cuối phòng họp một nhà báo Việt Nam đứng dậy hô to “Ðả đảo độc tài” và hô hào các đồng nghiệp mình bỏ phòng họp ra về. Nhà báo đó, tôi còn nhớ là Tô Văn. Tôi nói to hướng về Tô Văn:

“Mời anh ngồi lại. Nếu anh bỏ phòng họp ra ngoài vào lúc này tôi sẽ có biện pháp giữ anh lại”.

Ngưng trích Hồi Ký Không Tên.

Tôi – CTHÐ – một tên ký giả ngu dzốt của làng báo Sài Gòn – làng báo theo lời tả của các ông Phóng Viên Việt Tấn Xã – gồm toàn những thằng làm báo ngu dzốt – hôm nay, một chiều cuối năm ở Rừng Phong, Xứ Tinh Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi viết:

“ Nguyễn Cao Kỳ nói phét!”

“Lý Quí Chung viết láo.”

Anh Lý Quí Chung không có mặt mốc trong cuộc hội báo Ruồi Bâu ấy. Bởi vì nếu anh có mặt, anh đã thấy, anh phải thấy, anh Nguyễn Cao Kỳ nói phét.

Khi Nguyễn Cào kỳ nói chuyện đóng cửa báo, Ký giả Tô Văn đứng lên, không hô “Ðả đảo độc tài độc ác” gì cả, anh cũng không kêu gọi ai bỏ phòng họp đi ra, anh chỉ nói – vừa đủ lớn cho mấy người quanh anh nghe:

“Nó có coi mình ra cái gì đâu. Không họp nữa. Ði ra.”

Trên bàn chủ toạ lúc ấy ông Chủ Tịch UBHP Nguyễn Cao Kỳ – không biết ông có thấy phản ứng của mấy anh ký giả không, hay ông không thấy – vẫn đọc tiếp bản diễn văn.

Không có chuyện lúc ấy NC Kỳ nói:

“ Mời anh ngồi lại. Nếu anh bỏ phòng họp ra ngoài vào lúc này tôi sẽ có biện pháp giữ anh lại .”

Nói phét mà không thấy ngượng mồm. Tất nhiên. Tất cả những thằng nói phét trên cõi đời này đều là những thằng nói phét không ngượng mồm. Vì lẽ dziản dzị nếu nói phét mà ngượng mồm, chúng đã chẳng nói phét.

Nói phét và ngu. Việc anh Thủ tướng đang họp báo tuyên cáo chính sách với quốc dzân đồng hồ mà bị người phản đối, bỏ họp, kéo ra đường, là chuyện quan trọng, chuyện đáng xấu hổ. Không có gì đáng nói trong việc bọn cầm quyền đe doạ đàn áp người dân biểu lộ ý kiến. Mà lúc đó anh Kỳ “có biện pháp” thì anh làm ký gì? Ra lệnh cho Xếp Cảnh sát Phạm Văn Liễu chĩa súng lục vào bụng Ký giả Tô Văn, bắt Ký giả ngồi lại? Hay còng tay ký giả đưa đi?

Trong 21 năm sống của Quốc Gia VNCH chỉ có một lần một Thủ tướng ậm oẹ đòi đóng cửa tất cả các báo, chỉ một lần vì toàn dân VNCH chỉ có một anh ngu như anh Nguyễn Cao Kỳ.

Trong 21 năm từ 1954 đến 1970 Sài Gòn có cả trăm cuộc hội báo, chỉ có cuộc hội báo của Nguyễn Cao Kỳ bị ký giả Sài Gòn phản đối công khai, ngay tại chỗ, ký giả bỏ phòng hội, ra đứng đường.

Ruồi bâu!

Tôi gọi những chuyện tôi vừa kề là “chuyện ruồi bâu.”

Tôi kết thúc “Chuyện Ruồi Bâu” ở đây.

11 Responses

  1. “Nói phét mà không thấy ngượng mồm. Tất nhiên. Tất cả những thằng nói phét trên cõi đời này đều là những thằng nói phét không ngượng mồm. Vì lẽ dziản dzị nếu nói phét mà ngượng mồm, chúng đã chẳng nói phét.” Bác Hòang ơi, khi nói về lũ nói phét, không có câu nào có thể hay hơn. Miền Nam với những kẻ cầm quyền như vậy mà không thua mới là lạ. Chỉ tội cho dân lành và binh sĩ vì bắt buộc phải “tuân lệnh” bọn hèn hạ đó mà phải chịu chết oan và tù oan. Óan khí ngất trời.

    • December 3, 2010. Toi viet trong bai: ” Nhung thang noi phet khong bbit nguong mom, neu nguong mom chung da chang noi phet” Hom nay toi viet lai:” Nhung thang noi phet du thay nguong mom nhung chung van cu noi phet. ” CTHD

  2. “ruồi bâu” hiện diện ở mọi nơi,mọi thời Bác Hoàng ơi! còn chuyện “nói phét” của bọn nhà báo và bọn con buôn chính trị như phép toán cọng 1 với 1 là 2,nếu bọn đó mà không “phét” mới là chuyện lạ.

  3. Xin bạn ta đừng vơ đũa cả nắm,không phải ai cũng hèn như bạn nói đâu
    QLVNCH. dù có thế nào đi nữa cũng chưa hèn đén độ bán đất dâng biển cho tụi tầu,chỉ tiếc một điều chúng tôi không có chiến lược,chỉ biết tùy cơ ứng biến,thủ nhiều hơn công,nếu Quân Dân miềnnam hiểu rõ bản chất của việt cộng thì tôi vẫn ở SG. đoc sách của Công TỬ

  4. Khá lâu nay tôi không có dịp gõ lên vài chữ.

    Vì bạn Võ Hương nói hơi hơi không đúng lắm, nên phải mạnh dạn má ý cò chút đỉnh.

    Thành thật mà nói, trong đám ký thật hồi đó, chúng tôi những thằng đánh gịăc mờ người, tối mắt. Nhất là sau khi kết thúc hành quân Lam Sơn 719, về đến Huế mới đọc được mấy bài báo quất một câu không chút trádch nhiệm nào … thấy tủi thân và đau lòng hết sức.

    Họ bảo tụi tôi thua. Thì họ bảo sao mà chả được. Ừ thì thua. Tôi hỏi ông đau không ? Họ có ra tận mặt trận, họ có từng thấy chúng tôi đánh đấm lì lợm đến cỡ nào không ?

    Đạn dược, thuốc men, thậm chí cả nước uống còn thiếu thốn, nói chi đến gạo thóc để bỏ bụng cho có sức mà chiến đấu. Tụi tôi phải lật xác của đồng đội để bòn từng viên đạn một mà bắn, những ông ký thật ấy có biết không ? Có thấy không, mà dám bảo chúng tôi thua.

    Không những thế, họ không hề nói đến chút xíu gì về những tổn thất mà chúng tôi đã gây ra cho quân thù. Bởi họ biết con khỉ khô gì ! Vậy mà dám quăng lên báo cho cả mấy triệu người ở hậu phương đọc. Dĩ nhiên độc giả tin họ như sấm, như sét rồi.

    Sau khi từ Hạ Lào về chưa kịp lấy lại sức, thì lại có lệnh hành quân tiếp tục để tăng viện cho QK II. Lại oằn người xuống để mà cày ải.

    Mãi mấy tháng sau Lam sơn 719 mới được về Saigon để dưỡng quân. Gia đình tôi ôm lấy tôi rồi nắn, rồi bóp sao mày khỏe không ? Mày gầy rộc và đen hẳn ra đấy. Rồi khóc v.v…

    Mấy ông ký thật đó có bao giờ nói được một lời giản dị và dễ dàng đến độ con nít nó cũng nói được ở trên mặt báo của họ bao giờ chưa ?

    Vậy họ có đáng được gọi là ăn nói chân thực ? Dĩ nhiên, ở đây tôi không dám bóp đũa cả nắm. Có thể chúng tôi đi hnh quân liên miên và bất tận, nên không được mấy khi thấy được mặt ngang mũi dọc các tờ nhật trình nó ra răng.

    • Kính gửi ông Van Toan
      Thực sự tôi hơi ngạc nhiên khi thấy tên mình được nêu lên bởi một người đọc khác, sau khi đọc bài viết của ông (xin được gọi bằng ông, thực tình tôi muốn gọi là bạn), cảm giác của tôi là một sự ân hận sâu xa, chỉ vì sơ xuất (có thể gọi là thiếu ý thức), tôi đã dùng một chữ không nên dùng, đã làm ông (và có thể rất nhiều người khác) buồn lòng, cám ơn ông đã nhắc nhở tôi việc này và tôi thành thật xin lỗi ông cũng như tất cả qúy vị khác.
      Ngay sau khi đọc xong bài viết của ông, tôi đã lập tức viết xin lỗi ngay, may mắn thay, trước khi gửi đi tôi đã ngồi đọc lại từng chữ từng câu để tránh sai sót lần nữa, tôi đã nhận thấy bài trả lời đó không thích hợp lắm, nó có thể gây không khí căng thẳng không đáng có trên diễn đàn của Bác Hòang và có thể gây phiền cho các qúy vị độc giả khác, tôi đã xóa bài viết đó đi, suy nghĩ thêm để viết lại, vì vậy đã trả lời ông hơi muộn, có thể đã mất thời gian tính, nhưng tôi hy vọng ông cũng như qúy vị độc giả khác không trách vì sự chậm trễ này.
      Nhân đây tôi xin đuợc lạm bàn thêm về vấn đề chữ nghĩa và cách dùng chữ nghĩa, ông bà xưa hay nói “…Lựa lời mà nói…” bởi vì “Một lời nói một đọi máu”, nếu khi nói cần phải “uốn lưỡi bảy lần” thì khi viết cũng cần “chỉnh bút bảy lần”, nhất là đối với những bài viết cho công chúng “quan trên trông xuống…”, chỉ vì không để ý mà tôi đã dùng sai chữ, có cái sai có thể cứu chữa, có những cái sai không thể cứu vãn. Sau khi suy nghĩ kỹ (kỹ theo ý tôi, có thể với người khác thì chưa có thể gọi là kỹ), tôi nghĩ tôi nên nói như các bạn tôi hay nói, nên nói là “…miền Nam bị mất nước…”, hay như một số bạn khác “trời sập”. Tôi nhớ có lần nói chuyện với một bác lớn tuổi, tôi nói theo thói quen “…trước giải phóng…”, bác nhẹ nhàng nhắc tôi “…phải nói là trước ngày mất nước chứ…”, lời nhắc này không bao giờ tôi quên và từ sau đó tôi đã từ từ sửa được lỗi này, tuy không hết hẳn nhưng đã hết được đến hơn 90%, cám ơn bác đã giúp tôi. Tôi lại nhớ đến bài phỏng vấn cựu Tướng Đỗ Kế Giai (Bác Hòang có trích đăng trên diễn đàn này : https://hoanghaithuy.wordpress.com/2009/05/22/noi-chuyen-voi-cuu-thieu-tuong-do-ke-giai/ ). Tôi xin mạn phép trích lại :
      PV Trẻ: “Cảm ơn bác đã trả lời. Xin hỏi bác đã đi “cải tạo” bao nhiêu năm?”
      CTTĐKG: “Tôi không có đi cải tạo. Tôi đi tù.”
      PV Trẻ: “Xin lỗi bác, cháu chỉ muốn dùng lời nói cho nó nhẹ nhàng thôi!”
      CTTĐKG: “Ngày tôi đi phỏng vấn ở Trụ Sở ODP để sang đây, có người thông dịch viên cũng hỏi tôi một câu như thế. Tôi cũng trả lời rõ ràng như thế. Và ông nhân viên Mỹ nói luôn với tôi: “Mời ông ký giấy tờ để hoàn tất thủ tục.”

      PV Trẻ: “Bác tù ở ngoài Bắc 17 năm. Khi trở về Nam, bác thấy miền Nam sau 17 năm kiểu cộng sản “giải phóng” thế nào?”
      CTTĐKG: “Tôi không thích tiếng: giải phóng”!
      Bác Giai im lặng-hồi tưởng. Mọi người im lặng-chờ đợi. Ở đây chỉ có những người trẻ làm thiện nguyện là đến trung tâm sinh hoạt cao niên này để phục vụ người già. Trong thái độ, ánh mắt, giọng nói của những người lính cũ, tôi cảm nhận được sự kính trọng Tướng Giai của họ như ngày họ còn tấm thẻ bài lính chiến trên ngực. Hình như với những người lính cũ, kỷ luật quân đội vẫn sống trong họ.
      Bác Giai nói tiếp: “Hôm đó trong trại tù, một người thuộc Mặt Trận Giải Phóng miền Nam nói với tôi: “… Trong Quốc ca của các anh có câu: Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…, thì hôm nay chúng tôi đã giải phóng cho các anh rồi! Còn thắc mắc gì nữa!” Tôi nghe anh ta nói câu đó thì tức đến chết được, để rồi tôi nói cho các anh nghe về lịch sử bài quốc ca của Quốc Gia VNCH…”

      Tôi hỏi: “Cơm ngon không bác? Cháu thấy món thịt kho rất ngon.”
      Ông trả lời nhẹ nhàng: “ Ngon hơn cơm tù.”
      … “Từ ngày tôi ra tù đến nay, không bao giờ tôi bình phẩm về món ăn.”

      CTTĐKG: “Từ những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, sau khi Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đã rời Sài Gòn thì ngày 28, 29 Tháng Tư, tướng Times bên Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp tôi đưa cả gia đình tôi đi ra nước ngoài. Nhưng tôi quyết định ở lại vì trách nhiệm.”
      PV Trẻ: “Bác có ân hận về quyết đnh ở lại đó với 17 năm tù và về sau chót?”
      CTTĐKG: “Không. Tôi đã làm tròn trách nhiệm của một Tướng lãnh với Tổ Quốc, với Quân đội, với đồng bào và đồng đội. Qua 17 năm tù tôi vẫn giữ tác phong, danh dự của Quân Lực VNCH. Những người bắt tôi còn đó, họ có thể không thích tôi nhưng họ không có gì để khinh tôi.”
      PV Trẻ: “Đối với bên kia, thì đã rõ về tác phong của bác. Nhưng đối với đồng đội, đặc biệt là với các vị Tướng đã bỏ nước ra đi vào những phút chót dầu sôi lửa bỏng, Bác nghĩ gì về họ?”
      CTTĐKG: “ Tôi quyết định ở lại vì tôi thấy hành động như vậy là đúng. Nhưng không phải vì vậy mà tôi công kích những người ra đi Tháng Tư năm 1975. Bởi vì trường hợp mất Nam Việt Nam thật đặc biệt, không thể qui trách cho những người cầm súng giữ nước. Các đơn vị quân đội vẫn hiên ngang chiến đấu, chúng ta không hề bỏ chạy trước cộng quân. Quân đội phải buông súng vì lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Do đó, nếu quí vị Tướng có ở lại trong nước thì trước sau các ông cũng vô tù như tôi. Hơn nữa nhờ có một số chiến hữu thoát được ra hải ngoại nên về mặt chính trị mới có cơ hội tranh đấu cứu vãn những người còn kẹt lại. Về mặt kinh tế, những người đi trước đa số đã thành công trong việc xây dựng được cuộc sống ổn định ở nước ngoài, nhờ đó ta có thể có thể tương trợ lẫn nhau. Bây giờ không nên nói nhiều nữa về chuyện đi hay không đi, đi trước- đi sau, mà mọi người nên, và phải cùng chung lưng xây dựng một lực lượng vững mạnh cả chính trị và kinh tế nơi thế hệ tương lai của người Việt tại hải ngoại.”
      Và một đọan khác về Tướng Đỗ Kế Giai trên một website khác http://www.generalhieu.com/danhtuong-u.htm
      … Độ 10 phút sau, lại có điện thoại của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ Dinh Độc Lập. Ông Hạnh nói Tổng Thống nhắc lại : Lệnh của Tổng Thống là các đơn vị ở đâu ở đó, buông súng không chiến đấu và đợi phía “cách mạng” đến để bàn giao. Tôi dằn giọng trả lời: “Tôi biết” và cúp máy!
      Khoảng 1 giờ sau, tôi lại được báo điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu gọi. Trên đầu giây, ông Mẫu bảo tôi là lệnh của Tổng thống, tôi lên ngay Bộ Tổng Tham Mưu thay thế Trung tướng Vĩnh Lộc để bàn giao cho phía bên kia. Tôi trả lời ông Mẫu, tôi không thi hành lệnh này và nhờ ông Mẫu trình với Tướng Dương Văn Minh, đây là lần đầu tiên tôi không thi hành lệnh của thượng cấp! Và nếu tôi biết trước rằng quý vị sẽ hành động như ngày hôm nay mà quý vị vừa ra lệnh cho tôi thì … (!!!!) Ông tiếp, tuy nhân chứng Vũ Văn Mẫu đã qua đời nhưng còn các sĩ quan khác của tôi đang có mặt tại Hoa Kỳ đã chứng kiến cuộc điện đàm của tôi và ông Mẫu vào hôm 30-4-1975 lúc 12giờ 30.
      … Phạm Huy Sảnh: Qua cuộc đối thoại, tôi thấy Thiếu tướng có một trí nhớ đặc biệt. Thiếu tướng có định viết hồi ký?
      Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Không! Tôi dứt khoát là không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời là đối với tôi điều nầy khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết, nói thật, mọi sự việc mà tôi nghe, tôi biết, tôi thấy. Như vậy e rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề nầy tôi xin bày tỏ quan niệm tôi qua hai câu của người xưa:
      BẠI BINH CHI TƯỚNG, BẤT KHẢ NGÔN DŨNG
      VONG QUỐC CHI ĐẠI PHU, BẤT KHẢ NGÔN TRÍ.
      Vài lời “…dông dài… mua vui…” để mong được chuộc lỗi. Viết xong những giòng này tôi thấy lòng mình được nhẹ nhõm hơn một chút.
      Một lần nữa, thành thật xin lỗi ông, Bác Hòang và tất cả qúy vị. Xin trân trọng kính chào và gửi đến ông cùng Bác Hòang và quý vị lời chúc vạn an. Nếu có sơ sót gì ngòai ý muốn trong bài viết này, kính xin tất cả qúy vị lượng thứ.
      Võ Hương (huvo000@hotmail.com).

      • Kính gửi ông Võ Hương.

        Thâm tạ tất cả những gì ông đã viết.

        Nhân mùa Giáng sinh sắp đến kính chúc ông cùng quý quyến được an khang và hạnh phúc.

      • Kính gửi ông Võ Hương.

        Ông ạ, chẳng qua là tôi vẫn còn canh cánh một nỗi vô cùng uất hận của một người chiến binh thất trận và của một người dân vong quốc.

        Nỗi uất hận này có lẽ mãi mãi theo tôi tới ngày nhắm mắt (ngày ấy chắc chẳng còn xa là mấy).

        Không ngờ làm ông lại phiền muộn đến vậy. Những xin ông xí xóa cho.

        Ngày còn trong quân ngũ, thật lòng tôi và các bạn đồng ngũ đều ước ao và khao khát hòa bình vô cùng.

        Vì hàng ngày phải chứng kiến biết bao tang thương, bao đau khổ, bao tàn phá mà dân mình phải gánh chịu, Có lẽ ngày đó tôi quá ngây thơ nên hy vọng vào hòa đàm Ba Lê.

        Chẳng mất nhiều thì giờ sau đó, chúng tôi chứng kiến chiến tranh trở nên khủng khiếp hơn hồi chưa ký kết nữa ông ạ.

        Từ ngày còn là một thanh niên đang độ tuổi của mộng của mơ, phải tuân theo nhiệm vụ và bổn phận của một công dân trong một đất nước có chiến tranh. Đến nay đã là một lão ông tròm trèm bảy bó, chợt thấy cuộc đời quả là một giấc ngủ trưa.

        Một lần nữa xin ông đừng để bụng làm gì ông ạ. Nếu có thể xin ông tha lỗi cho.

        Cũng bắt chước bác Phụng kính chúc ông và gia quyến được hưởng trọn ơn phước trong mùa giáng sinh sắp đến.

        Kính.

  5. Ông Van Toan nói đúng. Tôi cũng thấy vậy.

    Ở Saigon sướng thấy mẹ, muốn chửi tong-tong cũng được, mun phảm chiến cũng xong. Muốn ca ai cũng tốt.

    Xin lỗi ông Hoàng Hải Thủy tôi không có ý nói đụng chạm đến đồng nghiệp của ông. Nhưng tôi thấy hồi đó có nhiều nhà báo … hại quá. Báo hại là báo hại chúng tôi, những thằng từ ngày này qua ngày khác, từng năm này qua năm khác không thấy được ánh đèn màu của nơi phố thị. Chỉ biết miệt mài với rừng xanh, với bom đạn. Và nhất là đói và khát.

    Bởi vậy, khi vô tù cải tạo, mấy ông lính văn phòng là khổ thê thảm. Chịu phong sương, kham khổ không thấu. Kể cũng tội hết sức. Cho nên trong đó hầu hết những thằng lính tác chiến tụi tui là mấy ổng thương và nể lắm.

    Bởi cỡ nào tụi tui cũng cdày cho hết, mà còn biết cách lụm, mót rau hoang mà thêm thắt vô khẩu phần chết đói.

    Tôi ở Phú nhuận gần trường Hoài An (gần nhà thờ Phú nhuận và với quán nhậu của (xin lỗi) thằng Phương Đại (trong tam ca Sao băng). Có ông nhà báo (thật hay giả tui không rành). Tôi không ưa cha này chút xíu nào.

    Tu6i thừong cảm tình với mấy ông nhà văn thì nhiều. Có lẽ bởi thầy tui là thầy Trần Bích Lan chăng !?!

    • Kính gửi bác Van Toan

      Ấy chết sao bác lại quá lời như vậy, anh em chúng mình chẳng may sinh vào thời buổi nhiễu nhương, vạn sự bất như ý, giờ đây lưu lạc tha phương ngâm thơ Đặng Dung “… Thời lai đồ điếu thành công dị, Vận khứ anh hùng ẩm hận đa…”, may nhờ có diễn đàn của bác Hòang để cùng nhau vui câu thơ bài viết tâm sự cho qua ngày đọan tháng, chẳng có gì nghiêm trọng lắm bác Toan ạ. Mong rằng anh em mình còn nhiều dịp trao đổi ý liến ý cò cho vui. kính chúc Bác và gia đình, bác Phụng và gia đình, tất cả qúy vị bạn đọc cũng như bác Hòang và gia đình : Giáng sinh vui vẻ, năm mới may mắn hạnh phúc, nhất là luôn khỏe mạnh để diễn đàn càng ngày càng đông vui.
      Thân

  6. NHỮNG TE6NM HỒ NỔI TIẾNG Ở VIỆT NAM MÌNH.

    ———————————————————————-

    Rộng lớn nhất: hồ Ba Bể.
    Yên ổn nhất: hồ Trị An.
    Buồn tẻ nhất: hồ Than Thở.
    Chậm chạp nhất: hồ Con Rùa

    Thơm tho nhất: hồ Xuân Hương.
    Sính ngoại nhất: hồ Tây.
    Sắc nhọn nhất: hồ Gươm
    Hữu nghị nhất: hồ Hòa Bình

    Nổi danh nhất: hồ Dầu Tiếng.
    Quậy nhất: hồ Lắc.
    Nghiêm khắc nhất: hồ Cấm Sơn.

    Bạc bẽo nhất: hồ Tam Bạc.
    Ướt át nhất: hồ Thủ Lệ.
    Thư thái nhất: hồ Thanh Nhàn.
    Khốn nạn nhất – đểu cáng nhất – lưu manh nhất: hồ … chí minh !

    Sưu tầm.

Leave a reply to CtHaDong Cancel reply