• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Châu Ro

Châu Ro ơi..! Xa rừng quê, núi cũ
Tù nơi đây buồn lắm, phải không anh?

                                                 Tố Hữu

Chuyện Kể Năm 2000. Hồi ký Ngục Tù của Bùi Ngọc Tấn. Trích:

Chí Lồng Sếnh không nói. Suốt thời gian ở cùng toán, trừ cái tối xử án con chuột, hắn chỉ nghe một lần Chí Lồng Sến nói. Ðó là một đêm nghe tiếng nai gộ ở thung lũng, Chí Lồng Sếnh trở mình nằm sấp, nhìn ra phía bìa rừng ánh trăng bàng bạc, khe khẽ một mình:

— Con nai về ăn lá sắn non đấy.

Hỏi Ngày Tết có nhớ nhà không, Chí Lồng Sếnh chỉ cười. Chí Lồng Sếnh cười rất đẹp. Mặt trái xoan, răng đều, lông mày thanh mà dài, cong cong. Lông mi rợp. Nhưng khi cười đôi mắt Chí Lồng Sếnh càng buồn. Ðôi mắt u sầu như mắt Châu Ro…

Một đoạn trong “Chuyện Kể Năm 2000” — CKN2000 — của Bùi Ngọc Tấn, Tập 2, trang 160, Nhà Xuất Bản Tuổi Xanh. Truyện tù đày ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Chí Lồng Sếnh là một người tù dân tộc thiểu số. Ðôi mắt buồn của người tù Chí Lồng Sếnh gợi cho tác giả “Chuyện kể năm  2000” nhớ đến “Châu Ro,” tên người tù dân tộc thiểu số trong một bài thơ của Tố Hữu làm từ 60, có thể là làm từ 70 năm xưa, những năm 1938, 1940.

TỐ HỮU năm 30 tuổi và TỐ HỮU năm 60 tuổi.

Rừng Phong, đêm khuya, phòng ấm, đèn vàng, yên lặng. Xa rồi cả trong không gian và thời gian, đã quên nỗi ám ảnh thường trực tôi có trong nhiều năm ở Sài Gòn, thủ đô quốc gia đã mất của tôi, nỗi ám ảnh mỗi đêm trước khi ngủ là trong đêm khuya nghe tiếng đập cửa, bàng hoàng trở dậy, nhìn ra thấy lố nhố bọn đầu trâu, mặt ngựa đến bắt mình đi tù.

Ðêm ở Rừng Phong, xứ người, tôi nằm thoải mái đọc Chuyện Kể Năm 2000. Ðến câu tả người tù trong ngục tù cộng sản có “Ðôi mắt u sầu như đôi mắt Châu Ro..”

Tôi ấp quyển sách lên ngực, mắt nhắm lại, mơ màng: “Châu Ro.. Châu Ro..” Hai âm thanh gợi lên trong tôi một trời kỷ niệm. Lâu lắm, đã 60 năm tôi không nghe hai tiếng “Châu Ro,” tôi  không đọc thấy hai chữ “Châu Ro” trên trang sách, trang báo nào…

Châu Ro ơi.. Xa rừng quê, núi cũ
Tù nơi đây buồn lắm, phải không anh?

Hai câu thơ xưa trở lại với tôi. Tôi tưởng tôi chỉ nhớ được có hai câu đó; tôi đọc bài thơ Châu Ro năm 1946, năm tôi 14 tuổi; từ đó đến nay không một lần tôi đọc lại bài thơ Châu Ro. Tôi mở Ký Ức của tôi  và tôi nhớ:

Châu Ro ơi… Xa rừng quê núi cũ
Tù nơi đây buồn lắm, phải không anh?

Người Mọi già đang mải ngó xa xanh
Với đôi mắt dại đờ trong tuyệt vọng,
Bỗng quay lại, cơ chừng nghe xúc động

Cả một trời thương nhớ dưới chiều đi…
Anh nhìn tôi đau đớn rồi thầm thì:
Ðau cái bụng.. Ui chui cha.. Tức lắm..!

Sáu mươi mùa lá thu tàn rụng, lá thu vàng rơi trên đường đời tôi.. Bài thơ tôi đọc năm tôi mười bốn tuổi – tuổi ngọc, tuổi hồng – đến năm tôi gần đất, xa trời, tuổi đời tôi Bẩy Bó Gập, không ngờ tôi vẫn còn nhớ được từng ấy.

Khi đọc CKN 2000, tôi định viết một vài cảm nghĩ của tôi về tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, nhưng theo  thông lệ kiêm quy luật “tâm viên, ý mã”, hồi ký CKN 2000 nhắc đến Châu Ro — người tù dân tộc thiểu số trong Thơ Tố Hữu – làm tôi nhớ đến bài thơ Châu Ro, từ Châu Ro tôi nhớ đến Tố Hữu.

Anh tôi có hoa tay, viết chữ thật đẹp, anh lại mê sách, mê thơ. Có ông bạn ông anh tôi nói về ông anh tôi:

“Nó mê sách hơn mê gái.”

Trước 1945 anh tôi muợn các tập thơ về nhà chép lại. Nhờ anh, ngay trong tuổi ngày xưa còn bé, tôi đã được đọc nhiều thơ. Tôi đã thuộc lòng nhiều bài Thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương. Sau ngày 19 Tháng Tám 1945 tôi mới được đọc Thơ Tố Hữu.

Câu thơ làm tôi cảm khái trong bài Châu Ro là câu “Cả một trời thương nhớ dưới chiều đi..”

Nhiều năm sau có những chiều buồn trong tù, tôi nhìn thấy không biết bao nhiêu là Châu Ro ở tù cùng với tôi, tôi cảm thông với các Châu Ro những lúc các anh thấy cả một trời thương nhớ. Và cũng như Châu Ro, trong những ngày tù đày của tôi, có nhiều buổi chiều trong tù tôi thấy cả một trời thương nhớ!

Một bài thơ khác của Tố Hữu – bản ông anh tôi chép tay — đọc từ ngày xa xưa ấy tôi còn nhớ:

Ly Rượu Thọ

Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ,
Ngựa rung bờm vang hí giữa tàn quân.
Ải quân xa bốc khói, đỉnh non gần
Ðã khuất phục dưới lá cờ quân Nhật!
Trán kiêu hãnh lần đầu trông xuống đất,
Mã nghẹn ngào: “Thôi hết… Mãn Châu ơi..!”
Rồi buông cương, nín lặng chẳng nên lời…

Rồi từ đó gươm vàng và võ phục,
Rồi cừu hận và lòng sôi rửa nhục
Mã chôn sâu trong một cuộc đời riêng,
Ðem nhành thơ rủ nhúng suối ưu phiền,
Cốt tráng sĩ khoác mầu tro ẩn sĩ.
Rượu cứ rót cho say sưa, lạc hỉ,
Ðàn cứ vang cho át tiếng đầu rơi!
Dưới gươm thiêng loang loáng ánh xanh trời
Mãn Châu Quốc gượng kêu, lời hấp hối:
— Chiếm Sơn đâu, cứu quốc, Chiếm Sơn ơi..!

Bài thơ Mã Chiếm Sơn không có trong những tập thơ của Tố Hữu. Khi làm bài thơ ấy vào những năm 1941, 1942, những năm đầu cuộc Thế Chiến Thứ Hai, khi quân đội Nhật mới  chiếm Mãn châu, Tố Hữu không nắm vững lập trường giai cấp: Không biết Mãn châu những năm 1940 có Tướng quân Mã Chiếm Sơn thật hay không; và nếu có Mã Tướng Quân thì Tướng Mã có lãnh đạo quân dân Mãn kháng chiến chống quân Nhật xâm lăng hay không, song cứ cho là Mãn châu năm xưa có Mã Chiếm Sơn thật đi, người cộng sản không ủng hộ, không ca tụng Mã Chiếm Sơn vì họ Mã thuộc giai cấp “quí tộc đại địa chủ kiêm sứ quân-lãnh chúa-quân phiệt.” Mã có thể là nhà lãnh tụ của nhân dân Mãn châu chống Nhật nhưng những người cộng sản không đề cao kẻ thù giai cấp của họ. Với những người cộng sản người lãnh đạo cuộc cứu nước Mãn Châu phải là đảng viên cộng sản, hay là nông dân Mãn. Việc Tố Hữu làm thơ ca tụng nhân vật quí tộc Mã Chiếm Sơn là việc những người cộng sản cho là sai lầm.

Tôi chỉ nhớ đoạn đầu bài thơ  Ly Rượu Thọ, tiếp những câu thơ tôi vừa kể là chuyện đến ngày sinh nhật của bà mẹ, Mã Chiếm Sơn dâng bà ly rượu mừng thọ – Me ngồi yên như cốc nước e tràn – Bà cụ hỏi Mã tại sao Mã có thể ăn chơi, đàn hát, rượu, hưởng thụ đàn bà trong lúc đất nước bị ngoại nhân chiếm, nhân dân bị đày đọa, khổ cực. Bà cụ hất đổ ly rượu:

— Rượu thọ ấy, Chiếm Sơn…, là rượu nhục!

Mã Chiếm Sơn thức tỉnh, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật, bài thơ kết:

Và xuân ấy năm ngàn quân của Mã
Ðánh tan xương quân Nhật một sư đoàn..!

Không có mùa xuân nào năm ngàn quân Mãn châu đánh tan xương mười ngàn quân Nhật, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy, thơ tuyên truyền có quyền không đúng sự thật, miễn là bài thơ làm nức lòng người đọc, làm cho những anh con Bà Cả Ðọi tưởng bở, tiết vịt hăng lên, xông vào chỗ Chết.

Sau khi Phát-xít Nhật bại trận sẽ có hai việc xẩy ra ở Mãn châu quốc:

Một: Tướng quân Mã Chiếm Sơn sẽ treo cổ bọn bần cố nông Mãn đòi làm chủ ruộng đất.

Hai: bọn Cộng Mãn, dựa vào súng đạn của bọn Nga Cộng, sẽ lôi Mã Tướng quân và toàn gia họ Mã, kể cả  bà mẹ 90 tuổi, ra treo cổ trước chợ.

Ơi.. Những ông bạn tuổi đời Bẩy Bó trở lên lưu lạc, lưu lạc tha hương, sống ở tám phương trời, mười phương đất xa sôi bên trời, góc bể, có ông nào  nhớ trọn hai bài thơ Châu Ro, Ly Rượu Thọ của Tố Hữu hay không?

Ông bạn nào nhớ, làm ơn cho tôi xin. Tôi cám ơn.

Bài thơ Châu Ro cũng không có trong những Tập Thơ Tố Hữu. Trong bài thơ có lời Châu Ro kể:

Có con bò thì Ông bắt mất tiêu
Ðể con đói với vợ nghèo trong núi..

Năm Tố Hữu làm bài thơ Châu Ro, y ở số tuổi 25 đến 30. nhưng y không biết người Thượng không cày cấy, người Thượng không nuôi bò để bò bị Ông Hổ bắt.

Năm năm trời sống quanh quẩn giữa ba bức tường, hai hàng chấn song sắt Nhà Tù Chí Hòa, một câu thơ khác của Tố Hữu thường đến với tôi:

Ðây con tầu im lặng vượt thời gian…

Cuộc sống trong phòng tù chỉ là những chuỗi ngày, đêm, tháng, năm nối nhau, người tù không đi đâu cả trong không gian, người tù chỉ sống qua thời gian. Gọi phòng tù là “con tầu im lặng vượt thời gian” thật hay. Tuyệt. Không biết đây là ý thơ của Tố Hữu hay Tố Hữu lấy ý thơ này từ một bài thơ tù của ai. Cả bài thơ dài tôi chỉ nhớ có một câu:

Ðây con tầu im lặng vượt thời gian..

Tôi tìm nhưng không thấy bài thơ có câu thơ trên trong những tập Thơ Tố Hữu hiện nay tôi có. Ông bạn nào có bài thơ ấy, làm ơn gửi cho tôi.

Câu “đa thọ, đa nhục” tỏ ra thật đúng với những anh cộng sản đầu xỏ Phạm văn Ðồng, Tố Hữu, những anh Cộng không được chết trong thời bọn Cộng toàn thế giới đang hung hăng con bọ xít thừa thắng xông lên những năm 1975, 1980; các anh phải sống lê lết để thấy chủ nghĩa cộng sản bị nhân dân thế giới rủa xả, vứt bỏ, thấy những thần tượng của các anh – Stalin, Lenin..vv.. – bị người đời lôi cổ cho ra nằm ở bãi rác, những lãnh tụ cộng sản mà các anh ca tụng bị người đời phỉ nhổ. Sau 1985, bị hạ bệ, Tố Hữu làm thơ chửi bọn cộng sản Hà Nội là bọn cộng sản giả hiệu:

Anh bộ đội đi mua đồng hồ.
Sợ đồng hồ giả, anh rất lo.
Anh hỏi cô hàng, cô tủm tỉm:
“Giả mà như thật, khó chi mô!”

Bài thơ trên được nhắc đến nhiều trên các báo Việt ở hải ngoại, tôi thấy lạ ở điểm chẳng ông văn nghệ Việt hải ngoại nào  thấy, chỉ ra, cái ngớ ngẩn kiêm vớ vẩn của bài thơ: anh bộ đội đi mua đồng hồ, anh sợ mua phải đồng hồ giả nên anh nhờ cô hàng chỉ dùm, thay vì nói anh yên chí, thật hay giả tôi sẽ chỉ cho, cô hàng lại nói giả mà làm như thật có gì khó đâu.

Ðúng ra bài thơ phải như vầy mới đúng ý;

Anh bộ đội đi bán đồng hồ,
Ðồng hồ anh giả, anh rất lo.
Anh nhờ cô hàng, cô tủm tỉm
“Giả làm ra thật khó chi mô!”

Khi Liên Bang Xô Viết, thành trì của chủ nghĩa vô sản thế giới chưa xụp đổ, Tố Hữu làm thơ ca tụng đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc tuyệt vời trong các nước cộng sản. Sang thăm đất nước anh em vô sản Ba Lan, thấy nông dân Ba Lan dùng ngựa kéo cầy, Tố Hữu làm thơ, bài Em Bé Ba Lan:

Ngựa đã gọi đồng lên hợp tác.
Ðường ta đi tươi đẹp vô cùng.

Những năm 1990, cũng vẫn Tố Hữu, vẫn người cộng sản ấy, làm thơ:

CHO XUÂN HẠNH PHÚC ÐẾN MUÔN NGƯỜI
Báo Sàigòn Giải Phóng Xuân 1997.

Vui sướng thật, ta muốn cao tiếng hát,
Lòng ơi, sao khắc khoải mãi lo âu.
Anh thương binh áo bạc mầu, rách nát
Trên vỉa hè chống nạng đỡ chân đau.
Xóm thợ đó, lều tre, ổ chuột
Làng quê nghèo sơ xác, cháo cầm hơi.
Hỡi em bé đánh giày trong gió buốt
Có no cơm, ấm cật, được vui cười?

Ôi đời vẫn còn rơi bao nước mắt,
Bao bất công còn đau thắt lòng ta.
Sao lắm kẻ gian tà, giấu mặt,
Vàng đầy kho, ngạo nghễ, xa hoa!
Không..! Không thể nhân dân mình khổ thế,
Giặc hung tàn ta đánh đã tiêu tan.
Có lẽ nào dân tộc ta lại để
Cơ đồ ta xây dựng chịu suy tàn?

Ðồng bào ơi, đồng chí chúng ta ơi
Nỗi căm giận hãy tung cơn gió lốc
Quét sạch ngay bầy sâu bọ tanh hôi
Cho nhựa sống mùa xuân này nẩy lộc,
Cho mùa xuân hạnh phúc đến muôn người!

Không phải chuyện tức cười mà là chuyện làm người đọc phát tởm: anh Cộng Già bị chính bọn đồng đảng của anh, bọn Cộng đàn em từng tung hô anh, công kênh anh, nay chúng hạ bệ anh, chúng cho anh xuống chó; anh mất hết quyền lực, anh bị khinh bỉ, anh làm thơ  gọi những tên Cộng đàn em cùng thời với anh là “bọn sâu bọ tanh hôi !”

Kể từ khi Tổ Sư Lê Nin gọi những  đối thủ chính trị của Y là “bọn sâu bọ”, bọn đảng viên cộng sản có thói quen gọi tất cả những người không phải là đảng viên cộng sản là “sâu bọ”. Trong Thơ Tố Hữu bầy sâu bọ không phải là sâu bọ xuông mà là “sâu bọ tanh hôi” – Tố Hữu kêu gọi bọn Cộng – “Cộng chân chính” – và nhân dân nổi loạn lật đổ bọn Cộng đang cầm quyền. Bọn Cộng mà anh cho là “Cộng giả hiệu” đang cầm quyền coi anh chẳng còn ra cái thớ gì nên chúng mặc cho anh nói lảm nhảm.

Thơ Tố Hữu ca tụng Nguyễn Du:

Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu!
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày!
Hỡi nguời xưa của ta nay
Khúc vui xin được so dây cùng Người.

Tố Hữu nhận Nguyễn Du cùng phe với Y. Em nhỏ lên ba, cụ già chín bó đều biết từ khuya nếu Nguyễn Du mà vô phúc sống và làm thơ ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào những năm từ 1945 đến 1960 ông bị bọn cộng sản Việt Nam bỏ tù mút mùa Ðạm Tiên, Tam Hợp kiêm mút chỉ Kiều Thúy, Kiều Vân là cái chắc.

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày…

 Thật cảm khái. Thơ ca tụng Nguyễn Du như thế là nhất. Chỉ có điều là Tố Hữu tưởng bở, chưa chi đã vội mời Nhà Thơ Lớn về chung vui với bọn Y – Nguyễn Du đàn địch vui thú gì nổi khi nhân dân dưới ách cộng sản còn đau khổ, cơ cực gấp ngàn lần thời ông sống hai trăm năm trước – Tôi thấy hai câu thơ cuối trong bài thơ trên của Tố Hữu:

Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin được so dây cùng Người.

cần sửa một chữ:

Hỡi nguời xưa của ta nay
Khúc Ðau xin được so dây cùng Người.

Khi có quyền hành, Tố Hữu huyênh hoang khoe cái chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa của Y là toàn tốt, là tuyệt đẹp, Y vênh váo mời Nguyễn Du về Hà Nội so dây gẩy khúc đàn Vui với Y. Khi ấy Y nói với Nhà Thơ:

“Nhân dân Việt Nam dưới chế độ xã hội do Ðảng chúng tôi dựng lên sung sướng lắm, no ấm lắm lắm, tư do, hạnh phúc lắm lắm, không một ai khổ cả, mời Thi sĩ về vui với nhân dân.”

Ðến khi mất quyền hành, bị khinh bỉ, cũng anh Tố Hữu ấy làm thơ than thở nhân dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa khổ hơn chó. Y quên rằng so với đời sống của nhân dân Thái Lan, Ðài Loan, Nam Dương thì đời sống của nhân dân Việt Nam hiện nay quá thấp, quá khốn nạn, nhưng trong thời bọn Trường Chinh, Lê Duẩn, Tố Hữu nắm quyền đời sống nhân dân Việt không phải là khổ cực gấp trăm mà là gấp ngàn lần đời sống của nhân dân Việt thời Xã hội Chủ nghĩa Giả Cầy hiện nay.

Nếu hồn thiêng của Nguyễn Du có về thăm đất nước, thấy nhân dân Việt Nam quằn quại trong gông cùm cộng sản, Nguyễn Du chỉ có thể khóc!

41 Responses

  1. Xin Bác HHT xem 2 bài thơ Châu Ro và Ly rượu thọ theo link sau đây.Google : “Châu Ro,Tố Hữu”.Chọn link Hoa Học Trò .Cũng vậy,Google :”Ly rượu thọ,Tố Hữu”,chọn link LY RƯỢU THỌ PHANTOM.Kính.

  2. Cháu vô Google tìm được mấy bài thơ bác CTHĐ muốn đọc lại :

    1 )Ly Ruou Tho

    Tố Hữu

    Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ
    Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân
    Đồi phong xa bốc khói, đỉnh non gần
    Đã khuất phục dưới lá cờ binh Nhật.
    Trán kiêu hãnh lần đầu trông xuống đất
    Mã nghẹn ngào: “Thôi hết, Mãn Châu ơi!”
    Và quân binh cúi lặng chẳng nên lời…

    Rồi từ đó, và gươm vàng võ phục
    Và cừu hận và lòng sôi rửa nhục
    Mã chôn sâu trong một cõi trời riêng
    Buông hồn đau, liễu rủ suối ưu phiền.
    Cốt oanh liệt đã khoác màu ẩn sĩ
    Rượu cứ rót cho say sưa lạc hỉ
    Đàn ca lên cho át tiếng đầu rơi
    Dưới gươm bay vun vút loáng xanh trời.
    Mãn Châu quốc đang những giờ hấp hối
    Gượng kêu lên, hỡi ôi lời trăn trối:
    “Chiếm Sơn đâu, cứu nước, Chiếm Sơn ơi!”
    Thì nơi kia Mã vén trướng, tươi cười
    Cúi lạy mẹ chúc mừng ly rượu thọ.
    Đào xuân thắm dâng hương vào cửa sổ
    Bạc xuân trong rắc trắng mái hành lang.

    Mẹ ngồi yên, như cốc nước e tràn
    Không dám động – và nhìn con lặng lẽ
    Nhưng mắt yếu bỗng rưng rưng ngấn lệ
    Trán nhăn nheo bỗng ửng máu tim già
    Và bàn tay run rẩy đỡ ly ngà
    Bỗng quật xuống nền hoa: ly rượu vỡ!
    Ly rượu vỡ tan tành. Ôi bỡ ngỡ
    Ôi hãi hùng. Mã tướng run toàn thân!

    Lần đầu tiên, Mã tướng run toàn thân!
    Ngoài chiến địa, Chiếm Sơn hằng ngạo nghễ
    Trông lửa đạn là trò chơi con trẻ
    Mà hôm nay Mã tướng run toàn thân
    Mà hôm nay Mã tướng chết hai phần!
    Nét nghiêm khắc cong vòng cung môi mỏng
    Nghe sôi sục cả linh hồn nóng bỏng.
    Người mẹ già thét lớn: “Mã Chiếm Sơn!”
    (Mã run lên) “Đâu giọt rượu căm hờn?
    Mãn Châu quốc nghe không mày, rên rỉ
    Dưới gót sắt của Phù Tang ích kỷ
    Đang mang quân giày xéo cả Trung Hoa
    Nước Trung Hoa yêu dấu của lòng ta
    Đã thống khổ bởi bao xiềng ngoại quốc!
    Chưa vừa ư những tai ương thảm khốc
    Đã đè trên dân tộc nước non mày!
    Có chi vui sông núi đỏ tràn thây
    Mà Mã tướng ngày nay dâng rượu cúc?
    Rượu cúc ấy, Chiếm Sơn, là rượu nhục!”

    Rừng phương xa loáng bạc nắng lung lay
    Hoa đào bay, trước cửa, hoa đào bay
    Trong hoa tuyết trắng ngần rơi lả tả…
    Và xuân ấy năm nghìn quân của Mã
    Đánh tan xương của Nhật, một sư đoàn.

    Xuất bản lần đầu năm 1949

    2) Quanh quẩn

    Có ngang dọc mới hiễu buồn quanh quẩn
    Khổ vô biên của ngày tháng khô khan.

    Đây con tàu im lặng vượt thời gian
    Toa lớn nhỏ quanh năm vừa chật chỗ.
    Khách chen chúc trên hai hàng sập gỗ
    Một lối đi vừa rộng giữa bờ xai
    Những tường cao và những chấn song gài
    Chuồng tiêu giữa hai ô phòng nhỏ nhỏ
    Giản tiện quá: chơi, nằm, ăn, ỉa đó.
    Đủ ba mùi: vôi, cứt với mồ hôi
    Trộn hoà nhau làm nên một thứ mùi
    Cay nồng nặc của bọn người khốn nạn
    Mà muỗi rệp cũng hè nhau đốt cắn
    Mà đến loài chí rận cũng không tha!

    Mỗi người đi khi lãnh vé vào toa
    Là cảm thấy mình sa vào địa ngục
    Nơi phải nuốt chua cay và tủi nhục
    Trọc lóc đầu, số áo đã thay tên
    Bàn tay trơn còn đâu nữa tự quyền
    Còn đâu nữa mênh mông đường hoạt động!
    Thân giam cấm như con thuyền biễn rộng
    Sống loanh quanh trong một vũng ao tù
    Đời lặng thầm không một tiếng vang to
    Trăm ý nghĩ không ngoài khuôn chật hẹp
    Ngày cứ thế, vươn lên rồi cửa khép:
    Nghĩa là trưa; lại mờ: nghĩa là chiều
    Rồi là đêm, cửa khoá. Ngọn đèn treo
    Bật cháy sáng. Thì thầm rồi yên tĩnh
    Toa tàu đổi làm một căn phòng bệnh
    Những chăn đơn phủ kín những hình hài…
    Rồi lại mai, trưa, chiều, tối: một ngày mai
    Tuy khác đến, nhưng để rồi lại cũ.
    Mùa đổi áo trên những cành gội nhỏ
    Một khung trời mưa nắng, bốn tường câm.

    Ga thời gian, từng chặng, mắt vừa tầm
    Khách đôi kẻ trông ra ngoài tính nhẩm…
    Ngày đi chóng bởi không chờ, tháng chậm
    Khách dài lâu ngao ngán rủa bâng quơ
    Ở ngoài kia, bao kẻ đợi người chờ!
    Bao đồng chí, những ai còn ai mất?
    Trái đất hỡi, sao mà mi vẫn chật!
    Đừng ai vô thêm nữa, bạn đời ơi
    Rát mắt trông ra, cửa sắt ngăn trời
    Ôi đêm tối những nơi nào lửa đỏ?

    Nếu đôi lúc ta hát thầm nhỏ nhỏ
    Dưới gầm xai, hay cười nói huyên thuyên
    Như một thằng trẻ dại, một thằng điên
    Là để khổ trong những giờ im lặng
    Để nuốt bọt với bao nhiêu mật đắng
    Của một đời cách biệt khối đời chung
    Đả nao nao với những mộng khôn cùng
    Để cháy ruột mơ những ngày hoạt động.

    Lao Thừa Thiên, tháng 6-1939
    Nguồn: Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003

    3) Châu Ro

    Châu Ro ơi, xa rừng quê núi cũ
    Tù nơi đây buồn lắm phải không anh?
    Người Thượng già đương mải ngó xa xanh
    Với đôi mắt dại đờ trong tuyệt vọng
    Bỗng quay lại, cơ chừng nghe xúc động
    Cả một lòng thương nhớ, dưới chiều đi
    Anh nhìn tôi, đau đớn, rồi thầm thì:
    “Tôi nhớ lắm, chui cha, tôi nhớ lắm!”

    Ôi tiếng nhớ sao mà nghe buồn thảm
    Nó kéo dài như một tiếng dê kêu
    Lạc bầy đi ngơ ngác dưới sương chiều…
    Tôi để lặng nghe nỗi lòng đau khổ
    Của anh bạn, trong khi sầu não đó
    Kể bên tai, bằng một giọng rừng non:
    “…Mấy năm rồi, xa cái vơ cái con
    Tôi nhớ lắm! Nhớ cái nhà cái cửa
    Nhớ cái rẫy nhiều khoai, nhiều bắp lúa
    Nhớ con bò to, nhớ mấy con heo
    Không biết còn, hay Ông bắt chết queo
    Để con đói với vợ nghèo trong núi?”
    Rồi bỗng lặng trầm ngâm anh rã rượi
    Há hốc mồm như để gió rừng xa
    Của quê hương đem lại chút hơi nhà…

    Và dưới bóng mày đen, trong hộc tối
    Như hang đá chiều hôm dày khí núi
    Đọng sương mờ trên đôi mắt chứa chan
    Bao nhớ nhung, thờ thẫn, ngó lên ngàn…
    Anh không khóc nhưng vì đâu chẳng biết
    Có lẽ bởi bao nhiêu điều nhớ tiếc
    Trong lòng anh hun lại khối căm hờn
    Những bàn tay độc ác đã chia tan
    Tổ yên ấm trên đầu ngàn ngọn núi
    Tôi bỗng thấy chớp loè lên dữ dội
    Lửa thù trong đôi mắt tối chiều đông
    Đôi vành môi thành một lưỡi dao cong
    Anh nghiến chặt hai hàm răng lẩm bẩm:
    “Đau cái bụng, ui chui cha, tức lắm!”

    Và hồi lâu, bên ngưỡng cửa song tù
    Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro:
    “Đau cái bụng, ui chui cha, tức lắm!”

    Lao Bảo, mùa đông 1940
    Nguồn: Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003

    • june 4, 2011. Cam on cac ban. Toi khong biet ta co the tim tren Net nhung bai tho ay cua To Huu. Cam on cac ban lan nua. CTHD

  3. Bác CTHĐ,

    Cảm ơn Bác đã cho cơ hội được dịp đọc lại bài thơ “Mã Chiếm Sơn”. Tôi được cô giáo dạy học thuộc lòng bài thơ này khi còn là học sinh lớp Nhất (sau này gọi là lớp Năm) khoảng năm 68 ở trường tiểu học Ng~Tri Phương, khu Ng~ Lâm, Ng~ Kim bên cạnh sân đá banh Cộng Hòa gần Chợ Lớn. Trong ký ức của tôi chỉ nhớ lờ mờ bài thơ rất hay (cùng với một số bài thơ học thuộc lòng mà cô giáo yêu thơ cao hứng bắt học sinh phải học). Không ngờ qua Bác mới biết bài thơ này là của Tố Hữu. Sau năm 75 tôi còn kẹt lại, là học sinh lớp 12 lúc đó nên cũng phải tập đọc rất nhiều thơ ” Cách mạng” trong đó có khá nhiều thơ của Tố Hữu. Giữa năm 79 vượt biển một mình qua được Nam Dương và nhờ ông anh ruột qua Mỹ trước bảo lãnh nên mau chóng được vào sống ở xứ Cờ Hoa. Job đầu tiên ở Mỹ là thợ hàn ở xưởng đóng tàu NASSCO, San Diego để mau chóng kiếm tiền gửi về cho mẹ và khá nhiều anh chị em còn kẹt lại ở VN…

    Trong những lúc làm việc cực khổ hy sinh tối đa để mưu cầu viêc lớn (giúp gia đình), những vần thơ ” Kách miệng” len lỏi trong tiềm thức, và tôi đã tự so sánh mình phải cố gắng thật nhiều để vươn lên mặc dù những vần thơ “tranh đấu” của Cộng Sản và chuyện lao động cực nhọc ở Mỹ không ăn nhập gì với nhau. Sau này qua báo chí, sách báo hải ngoại mới biết Tố Hữu là “Tố Nịnh”. Khách quan mà nói Tố Hữu là nhà thơ có tài, nhưng đáng tiếc tư cách con người cá nhân của Tố Hữu là chuyện hoàn toàn trái ngược và đóng phần không nhỏ vào tội ác giúp Cộng Sản xúi biết bao thanh niên VN vào chỗ chết một cách mù quáng…

    Bác CTHĐ có trí nhớ thật siêu đẳng và có tài khêu dậy những ký ức của con người một cách tuyệt diệu. Tôi hân hạnh được đọc truyện đầu tiên của Bác qua tác phẩm phóng tác “Chiếc Hôn Tử Biệt” tình cờ khi bà mẹ ở Saigon thuê truyện đọc (may mắn bà cụ, năm nay đã 88 tuổi vẫn còn vui sống với con cháu ở San Diego, Calif.). Sau đó là ” Đỉnh Gió Hú”, ” Kiều Giang”, “Định Mệnh Đã An Bài”, ” Như Chuyện Thần Tiên” v.v… Và cũng nhờ những phiếm luận trên báo chí hải ngoại sau này của Bác mà tôi có dịp biết thêm ít nhiều về cuộc sống và giai thoại của nhà văn Ngọc Thứ Lang qua tác phẩm ” Bố Già” mà tôi hằng ngưỡng mộ. Lập trường và những nhận định của bác CTHĐ về thời sự lúc nào cũng chính xác, ít nhiều trào phúng của con người đã sống, từng trải qua khá nhiều kinh nghiệm vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ trong cuộc sống và nhất là rất thật và nhiều lý thú. Đọc những bài viết của Bác tưởng chừng như được có dịp trò chuyện với vài thế hệ của Saigon xưa từ thời 50, 60 qua 70, 80 kéo dài cho đến bây giờ, của đời sống đang ngụp lặn trong thế giới thiên đàng tư bản ở Hoa Kỳ. Hiểu đựợc tâm tư của cuộc sống của mấy thế hệ Saigon như vậy cũng chẳng sướng sao?

    Trở lại bài thơ ” Mã Chiếm Sơn”, tinh thần của bài thơ đó nếu được giới trẻ ở VN hiện nay được đọc và hun đúc (tôi ngờ chuyện này lắm) để giúp nước, giữ vững bờ cõi giang sơn của cha ông trước hiểm họa xâm lăng đồng hóa của người Tàu và sự tiếp tay “nối giáo cho giặc” của bọn cầm quyền tại Hà Nội thì đất nước cũng được an tâm phần nào. Vì bài thơ đọc lên là thấy lửa, khơi dậy nỗi đau thương uất nhục của cả một dân tộc bị chèn ép. Văng vẳng đâu đây lời kêu gọi : “Chiếm Sơn đâu, cứu nước, Chiếm Sơn ơi!”.

    Bác CTHĐ quả là tuyệt vời.

  4. Nếu Nguyễn Du sống trong cái thời kỳ đồ đểu thì tôi tin là Nguyễn Du cũng sẽ … đi tù
    Tôi có nghe ở đâu hay đọc ở chỗ nào có một câu nói rất hay: nếu Mác mà sống dưới chế độ Cộng sản thì Mác cũng sẽ bị bắt vì … chống chủ nghĩa Mác.

    • Người phát biểu câu này là LM. Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm đang chịu án tù của VC vì tội dám nói sự thật. Thật vậy, bọn cộng dù tố cáo chế độ tư bản thời Marx gian ác, độc đoán và tàn bạo đến đâu cũng chỉ làm cho người dân thấy rõ một điều là CHÚNG TÀN ÁC VÀ ĐỘC ĐOÁN HƠN CHẾ ĐỘ TƯ BẢN THỜI MARX GẤP MẤY NGÀN LẦN !

      Nếu các chính quyền nước Anh và nước Đức thời đó mà độc đoán và tàn ác như bọn cộng bây giờ thì cả Marx lẫn Engels đừng hòng sống sót và viết lách linh tinh, nói chi đến chuyện đi khua môi múa mỏ để rêu rao chủ nghĩa cộng sản !

    • Quý bác Backy54, Tây độc, Langthang, Phương Lê, Tpham, TVguyễn, TTLan-Paris, Nam Phục, Tư Nhiều …

      Cùng quý vị thân hữu của diễn đàn.

      Trong non một tháng rưỡi vừa qua, tôi cùng các thân hữu và các gia đình theo thông lệ hàng năm là ra Bắc để tảo mộ các cụ tổ tiên trong họ. Tự coi là đi phép thường niên sau bao tháng ngày quần quật với đồng áng, vườn tược.

      Sau nữa là viếng các chiến trường xưa để tưởng niệm và cầu nguyện đến các chiến sĩ đã vị quốc vong thân. Các đồng bào vô tội là nạn nhân chiến cuộc của bọn cộng sản dã man.

      Trong thời gian vừa qua tôi phải đi xa, nên không sao góp mặt với quý vị thân hữu trong điện báo hoanghaithuy.worldpress.com được. Cũng là một nhớ nhung.

      Trong suốt thời gian ấy, tôi không thường đọc được những ý kiến của qúy bác thật là tiếc lắm. Nhưng, sau khi về đến nhà chịu khó lục lại thì đọc được. Thật là thú vị lắm vậy !

      Bác Tây độc thân mến.

      Tuy tôi không lưu những comments của bác. Nhưng tôi cũng nhớ được chút chút. Đại khái là, bác bày tỏ nỗi uất hận với bọn bán nước bằng lời lẽ và tâm huyết của người xưa.

      Thì có một người lấy đó mà bới bèo ra bọ. Bới cái nọ ra cái kia. Tóm tắt là anh ta tỏ rõ sự nhỏ nhặt đến ti tiện quá mức cần thiết.

      Bác Langthang thở dài sao mà não nuột làm vậy ? Tại bác không ở trong chăn nên mới không biết con rận nó béo hoặc gầy thế thôi. Bác no nắng nàm chi. No mưa nà dzừa bác ạ !

      Ông bạn thân mến Phương Lê của tôi và Madame TTLan-Paris. Quý vị có đôi hàng với một người bên kia vỹ tuyến. Vậy, cho tôi xin được đôi lời :

      Đi xa về không có chút gì làm quà, thì nay tôi xin góp vài câu truyện có thật “chăm phần chăm “ em ơi ! Để làm quà hầu quý vị vậy. Vả lại, đi xa về nhà hay nói khoác. Cái vụ này e rằng tôi có khoác lác đến mấy nữa cũng khó lắm quý bác ạ !

      Số là như thế này.

      Hàng năm, chúng tôi phải ra Bắc để tảo mộ tổ tiên, ông bà hai bên nội ngoại. Đó là một lý do. Thêm nữa, chúng tôi vốn trước kia từng là dân lính chiến thường di chuyển gần như không ngừng. Nên cái tật đó hầu như đã thấm tận từng thớ thịt, gân cốt từ đời kiếp nào rồi không rõ nữa.

      Vì thế, lợi dụng những chuyến ra Bắc như vậy (chỉ bằng xế nổ hai bánh), chúng tôi thường la cà đây đó cho thêm phần hiểu biết với người đời. Đã có tật la cà, thời dễ có tật hay hóng chuyện thiên hạ lắm. Chúng tôi cũng không ngoại lệ.

      Quý bác có tưởng tượng, cả đi lẫn về năm nào cũng thế phải hơn 5 ngàn cây số, thì phải biết là khối chuyện để nghe, lắm việc để nói để bàn. Thậm chí có cả tranh luận nữa.

      Thường vào độ tuổi (thanh niên sống lâu như chúng tôi) thì ít ai còn chú ý đến thị phi làm gì nữa. Nhưng, chúng tôi vốn là dân miền Nam mà rong ruổi ra Bắc, lại là dân di cư năm mươi tư nữa. Nên càng lắm chuyện kinh khủng. Găp bất cứ ai xa lạ, họ đều hỏi mấy bác có phục vụ trong chính quyền Cộng hòa ?

      Dĩ nhiên là chúng tôi rất ư là hãnh diện đến độ vênh váo : Có chứ ! Thế là từ đó mới nảy ra nhiều điều thật là hay. Theo cả nghĩa bóng, nghĩa đen lẫn nghĩa lờ mờ.

      Đó là chuyện mấy năm trước kia. Đến năm nay, chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ … vì chẳng phải tranh luận hay biện bác một chút nào cả. Hầu như chúng tôi chỉ được quyền nghe, quyền gật … gù, hầu như không có được quyền nói chút nào hết vậy !

      Trời đất đã xoay vần rồi chăng ? Nhân tâm quá ly tán rồi chăng ? Thế sự đã tới lúc sắp sửa tận cùng của sự bĩ rồi chăng ? Hay là, tất cả thiên hạ đều điên loạn hết rồi vậy ?

      Chúng tôi xin minh định chữ “thiên hạ” được dùng ở đây.

      Thiên hạ đây có nghĩa là tất cả những ai mà chúng tôi đã gặp suốt chiều dài Nam – Bắc và Bắc – Nam (ngược lại). Kể cả thân lẫn sơ. Trong đó có cả những người hoàn toàn xa lạ. Họ hoàn toàn tình cờ trên đường đi gặp gỡ chúng tôi. Và con số này thì rất nhiều, rất rất nhiều. Đến nỗi 99% là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại được họ nữa – dẫu có ý muốn tái ngộ. Còn những ai chúng tôi không gặp thì chúng tôi không đề cập đến.

      Vì khuôn khổ của một lần góp chuyện có giới hạn, nên tôi xin được ngắt ra làm nhiều đợt. Mong quý bác thông cảm cho.

      (còn nữa).

    • Tôi nhớ ông Nguyễn Hưng Quốc nói rằng :

      Trích : “Sau khi viết xong bài “Tự do phát biểu và sân chơi dân chủ”, tôi đọc được một số bản tin rất thú vị trên báo chí tiếng Anh về hiện tượng Trung Quốc bỏ tiền thuê một lực lượng nhân viên đông đảo chỉ để làm mỗi một việc là viết các ý kiến phản hồi bênh vực cho đảng và chính phủ trên internet (1). Tôi gọi đó là lực lượng lính đánh thuê trên mạng.

      …………………………………………………… “ . Ngưng trích.

      Đấy quý bác thấy đấy. Tàu nó mần được thì diệc cộng đâu có ngu ngơ đến độ mà không bắt chước ?! Nó có ngu tới cỡ mấy đi chăng nữa, như có hơi tiền thì cũng khôn hơn hẳn chúng ta mấy ngàn bực.

      Trên mạng internet vừa loan tin có gạo giả, là chẳng bao lâu sau đó, ở Việt Nam mình cũng đâu thua kém … làm một phùa tạp lục cấp kỳ. Cũng hiên ngang bán gạo cao su như ai.

      Bên tàu phù có sữa (cái gì nin nin, tôi không rõ). Ở Việt Nam cũng mần cấp tốc liền một khi. Bọn con buôn Việt Nam còn chơi cha nó nữa. Nhập của nó về, vừa bán một mớ, rồi lấy đó làm con giống mà phăng xi lô ra thêm một mớ bộn thiệt là bộn. Rồi cứ đổ thừa là hàng của chung cuốc, chung sẻng gì đó thế là huề tiền một cái vèo.

      Huống hồ ba cái thứ CAM. Bây giờ bọn CAM nó siêu lắm nhé. Đã qua mấy mươi niên, nó được chính phe ta viết ra, người thì kể lể, người thì giãi bày tâm sự. Ôi thôi đủ kiểu, đủ loại.

      Bọn CAM chúng nó mới rắp tâm học sao cho thuộc lòng, rồi sau đó trà trộn vào những tờ báo phe mình để cốt đích làm loạn phe mình rồi sẵn đó mà huyênh hoang khoác lác cho phe nó. Ổn. Nếu bị lật tẩy thì cũng chả chết thằng tây nào hết.

      Nhưng thiên bất dung gian. Mấy chú CAM hoặc nói một cách khác theo ông Nguyễn Hưng Quốc : Lính đánh thuê trên mạng. Dẫu mấy chú có nhập nhằng đánh lận con đen, hoặc xập xí, xập ngầu làm dân VNCH siêu tới cỡ nào đi chăng nữa cũng bị lòi kèn là XẠO ngay cấp kỳ !

      Có một lần tôi đã nói với mấy chú rằng : Ở đây coi vậy mà lắm thành phần lắm đó. Đừng có tự nhận bừa, nhận vơ, nhận ẩu mà lộ tẩy.

      Xin quý bác Backy54, Tây độc, Tư Nhiều, Quốc Việt cứ bình tĩnh. Mình cứ thủng thẳng, chờ xem bọn CAM nó phét lác, huênh hoang ra răng. Rồi trong diễn đàn này thể nào chả có vị trúng tủ. Vị ấy khơi khơi “dĩ dật đãi lao” quất cho một chưởng là bọn chúng sẽ ê càng mà nín khe thôi ấy mà !

      Rồi bọn chúng lại về nhà học lại bài … bản cũ sẽ được soạn lại. Bổn cũ sẽ được xào nấu lại. Đâu vưỡn hoàn y chang đó. Chán phèo !

      Đường đi thì lắm lối. Nhưng nói dối dễ cùng đường lắm. Mấy chú hãy nằm lòng.

      (còn nữa)

    • (tiếp theo phần 2)

      Trở lại câu chuyện làm quà của chúng tôi.

      Như phần đầu chúng tôi có nói là mấy năm trước còn phải biện bác, tranh luận, lý lẽ đủ thứ bà dằn. Nhưng mấy năm trở lại đây. Và nhất là năm nay … chúng tôi chỉ được quyền gật … gù, gục gặc cái đầu mà thôi. Không sao có chút ý kiến, ý gương gì cả. Khổ vô cùng quý bác ạ !

      Sau mỗi lần chia tay với họ – những người mình chưa bao giờ được quen biết, nhưng hồ như đã tin nhau và gần gũi nhau lắm rồi. Chúng tôi chỉ biết cười trừ, chỉ biết nắm chặt tay họ mà không sao thốt được lời nói nào, cho dẫu hết sức đãi bôi.

      Đi đến đâu, họ cũng than, đến đâu họ cũng chửi. Chửi tất, chửi hết cả, không chừa một tên nào. Thậm chí còn chửi (xéo thôi) ông già nữa. Ông già là chữ họ thường dùng để thay thế cho pork hồ.

      Ông bạn Đơ-dèm Cùi-bắp của chúng tôi luôn là người hăng tiết vịt để đấu khẩu với bất kỳ ai. Kể cả những ai có ý thiên tả, đừng nói thiên cộng. Nhưng lần này bác ấy đành phải nín lặng, và luôn lộ vẻ đăm chiêu, suy tư lắm.

      Chúng tôi có thuê thuyền đi chơi vài hang động, những tưởng được bữa khuây khỏa, nhàn tản. Nào ngờ, cô lái đò, tuy tuổi vẫn còn trẻ nhưng đã sớm biết trằn trọc vì thế sự. Câu chuyện thường được mào đầu bằng những câu hỏi những tưởng vu vơ, hoặc có ý khen khách du lịch, vốn người miền trong.

      Thực ra, họ đã có sẵn tiềm tàng từ lâu bao câu hỏi, bao thắc mắc, bởi những so sánh về hai xã hội Nam – Bắc của thuở trước 75 mà sau này họ ngày càng được biết rõ. Nay đã đến lúc họ được dịp tuôn trào … có thể nói không ngoa là “lai láng”.

      Từ đó, chúng tôi thấy rõ bao công khó mà bọn cộng sản dày công tạo dựng những bức màn che mù người dân, nay hầu như đã bị vô hiệu. Đứng bên ngoài, chúng ta cũng không nên quá coi nặng những khẩu hiệu, những chiến dịch mà bọn bạo quyền ngày ngày ra rả, rêu rao trên các phương tiện truyền thông cũng như báo chí.

      Người dân họ vốn bị phong tỏa tứ bề bởi biết bao mưu ma, chước quỷ của cộng sản. Bởi bao gánh nặng của cơm, áo, gạo, tiền v.v…

      Nhưng, chúng tôi không dám lạc quan hão mà vội cho rằng toàn dân ta nay đã sáng mắt sáng lòng rồi. Chúng tôi chỉ biết ghi nhận, lắng nghe để thấu hiều rằng, đại đa số trong dân chúng ngày nay không còn là những con cừu con ngu ngơ, là những con nai tơ vàng ngơ ngác nữa. Có chăng là những thành phần còn được hưởng những bổng lộc (dẫu) tối thiểu nào đó của chế độ cộng sản mà thôi.

      Những bọn này, nếu không bám vào chế độ cộng sản, thì họ biết lấy gì để mà hốc vào họng, biết cái gì để mà táp vào mồm ??? Bởi vậy, chúng tôi thấy rõ, biết rõ, chỉ có đám ký sinh của cộng sản mới ra rả bênh vực và nói tốt cho cộng sản mà thôi.

      Thậm chí, trong số họ, đã có nhiều người (chúng tôi đã tiếp xúc) “cực kỳ phản động” rồi. Ít nhất cũng đã có “ý khác” lắm rồi vậy.

      Ngược lại, tất cả những ai là người mà chúng tôi được nghe họ – xin được tạm gọi là CHỬI. Vì ngoài chữ này, chúng tôi không làm sao có thể hình dung ra một chữ khác, khả dĩ thay thế cho bớt phần nặng nề cho được. Tất cả họ đều là những người “ngoài nhà nước” cả. Tức, họ đều là những thậm nghèo, họ phải tự bương chải để có cuộc sống hằng ngày để lo cho gia đình.

      Đến nỗi các cháu tuổi trẻ của chúng tôi, sau khi nghe họ CHỬI xong. Ra về chúng nhận xét : Chúng cháu cảm tưởng là đang ở với những người của “ngụy” vậy !

      Từ rất lâu, chúng tôi không ai còn thấy bài thơ Tức cảnh đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan là hay được nữa. Dẫu rằng, nó vẫn còn đó, những nét duyên riêng của nó. Chỉ có đèo Ngang mới có mà thôi, tuy không đáng gọi là kỳ vĩ.

      Hồi những năm đầu thập kỷ 90, đèo Ngang dài 6 cây số, 3 cây lên, 3 cây xuống. Nam, phụ, lão, ấu đứng dọc theo đèo mà vừa lạy, vừa vái rồi xòe hai bàn tay để xin ăn. Những hành khách trên các xe đò Bắc – Nam đều quăng tiền xuống dẫu ít nhiều. Có khi cả thức ăn được gói cẩn thận.

      Người già thì quần áo rách tả tơi. Trẻ nhỏ không còn gì để che thân. Thậm chí đàn bà cũng không còn nguyên vẹn để khỏa lấp được những phần cần thiết. Tất cả, da dẻ đen đủi, tiếng Việt nói không rõ … phần nhiều họ đều là sắc tộc thiểu số. Cũng có người Kinh lẫn trong đám ăn xin đó.

      Chúng tôi không dám phóng đại hay điêu toa. Sự thực hoàn toàn 100 phần trăm. Nếu trong quý độc giả ai là đã ít nhất một lần đi qua đèo Ngang bằng đường bộ vào năm 1990 đến khoảng năm 1995 thì đều đồng ý với chúng tôi cả.

      Thời kỳ đó chúng tôi chỉ có 6 người ngồi trên 3 xe Honda cà là mèng để ra Bắc. Nên thấy rất rõ, hiểu rất rõ và nhớ cũng rất rõ.

      (còn nữa)

  5. (tiếp theo và hết)

    Hàng năm chúng tôi phải tốn khoảng thời gian (cả đi lẫn về cộng với những nơi danh thắng khác để đi lung tung beng) chừng tháng rưỡi mới về nhà. Nhưng cách đây mấy ngày (rạng sáng 04, 05-06-11), mấy cháu phải ở nhà (Saigon) để trông nom gọi điện thoại xin ý kiến về một vụ biểu tình sẽ xảy ra vào sáng 05-06-11.

    Chúng tôi rất biết ơn các cháu. Bụng bảo dạ : Biểu tình thời cộng sản bán nước chấm com mà hô hào nhau từ ngày hôm trước. Đáng tin tưởng lắm ?!?

    Và rất tỉnh táo mà khuyên rằng : Đừng hấp tấp, coi chừng cò mồi đấy, đừng dở hơi mà ra cái điều ta đây đấy nhé ! Tù đày bây giờ chả còn ý nghĩa gì. Nhưng cầm Q cho chó đé là NGU.

    Rồi chúng tôi phải mau chóng về Saigon ngay. Năm nay về hơi sớm so với chương trình dự trù ban đầu. Đành vậy !

    Cuộc biểu tình này được những trang “lề trái” hoan nghênh và cổ võ lắm. Nhưng chúng tôi, những người còn ở trong cái chăn đầy những rận là rận, nên không lấy gì đáng làm hân hoan cho lắm. Vẫn biết đa nghi là tật xấu của trang nam tử.

    Chỉ thấy thương và yêu cho tuổi trẻ. Các cháu học sinh, sinh viên quá nhiệt huyết với bọn tàu cộng ác ôn, với những khiếp nhược đớn hèn của bọn bạo quyền cộng sản mà thôi.

    Trong suốt thời gian khoảng hơn 20 ngày ở miền Bắc, chúng tôi được tiếp rất nhiều thành phần. Nghe được không biết bao đề tài để thiên hạ xúm nhau vào chửi cho mà gật gù, gục gặc. Tai cứ ngỡ đến điếc đặc mất. Chúng tôi chả là thá gì trong xã hội loài người còn biết được, còn nghe được, còn thấy được. Huống hồ bọn cầm quyền. Chúng biết cả đấy. Nhưng không sao cứu vãn được nữa rồi. Chỉ còn biết nhìn nhau, rồi thi đua với nhau mà đục khoét cho đến khi đổ xụm xuống mà thôi.

    Chúng tôi gặp hai vợ chồng đứng tuổi, ngồi ăn cơm trong một quán cơm bình dân ở Nam Định. Miệng cứ oang oang chửi xéo đến lão già – tức pork hồ đấy quý bác ạ ! Vậy mà thiên hạ trong quán cứ vểnh tai lên mà nghe cho … đã. Đúng là đã cách gì (mượn ngôn ngữ của Hoàng lão tiên sinh).

    Còn biết bao nhiêu là chuyện, là điều đáng nói khác nữa. Nhưng đến bao giờ cho hết ?

    Hôm nay đã về mái nhà xưa (nói cho có tí chút văn huê !). Nhẩn nha ngồi nhấm nháp các comments của quý bác mà lòng thấy ấm cùng. Rồi cùng nhau bàn loạn tào lao. Tôi (Van Toan) thấy ngứa tay mà thay mặt các bạn già ngồi gõ keyboard hàn huyên truyện đường xa mắt mờ với quý bác cho thỏa cái nghiện Hoàng Hải Thủy chấm com.

    Kính.

    • Chúa ơi ! Đọc mấy bài của bác, thấy sao mà… “sướng rên mé đìu hiu” đến thế !

    • Tôi thấy thiệt là kỳ. Đọc văn của ông Van Toan không hề thấy có chủ đề gì rõ rệt. Không có gì là đặc sắc. Nói ngắn gọn là không có gì.

      Nhưng đọc hoài vẫn còn thấy là ít là ngắn. Không lẽ nào văn ông này có á phiện trong đó sao? Không biết độc giả có nhận thấy như tôi không?

      Ít nói

    • Tôi chờ đợi bài viết của bác từ rất lâu. Thời gian lâu sau bác mới trả lời cho mọi người. Tự thấy hơi buồn. Trong bài đóng góp ý kiến bác có nói rằng đi xa. Nên thông cảm cho bác nhiều. Cũng như trên các trang mạng khác tôi rất ít có ý kiến. Nhưng trong lòng vẫn cầu chúc bác luôn được mạnh khỏe để viết lên những bài hoặc những hình ảnh mà bấy lâu nay bác thường làm.

      Tôi thương mến bác vì chỗ lính tráng mình với nhau. Văn bác viết rất bình dân nhưng dễ đọc và dễ làm tôi gần gũi thân tình với bác. Tôi cũng già rồi, hồi còn học hành cũng không được đầy đủ. Sau đó nhập ngũ, chữ nhớ chữ quên không thể gửi bài ý kiến này nọ được. Nhưng ham đọc những ai đã một thời là lính thì tôi càng yêu mến hơn. Vì họ nói thẳng, không nói xa gần, móc méo nhức đầu. Không biêt đâu là thực đâu là giả. Thời buổi giả thực thực giả vàng thau lẫn lộn. Tôi đọc bài của bác nhiều và từ lâu rồi. Càng đọc càng thích bởi chất lính của bác và những người bạn của bác nữa.

  6. Kính thưa Bác Van Toan,

    Lâu lắm rồi mới thấy Bác xuất hiện trên trang mạng HHT, thiệt là mừng hết biết. Nhưng chuyện Bác kể lại ngắn quá , đọc không đã chút nào.

    Mong Bác VT cùng Bác Pham(Cholon) viết thêm nhiều nhiều chút nữa. Đọc comments của các Bác cũng phê như đọc bài của Bác CTHĐ vậy.
    (Ý kiến riêng của cháu).

    Cháu hy vọng rằng những gì Bác Đồ Ngu tiên đoán sẽ sớm thành sự thật.(Chế độ CS sẽ sụp đổ trong vòng 5 năm hoặc ít hơn )

    • Bạn TPham thân mến.

      Trích : “ Nhưng chuyện Bác kể lại ngắn quá , đọc không đã chút nào.”

      Giời ạ ! Thế mà ông bảo là còn ngắn ư, gõ keyboard mỏi nhừ hết đít đoa rồi ở đó mà ông cho là chưa đã nữa sao ông ?

      Nghe đồn (mà chắc trúng ngay chóc quá) mấy người đẹp giai thường ác lắm thì phải ? Sao Ông nỡ ác với nhau làm gì ? Ấy may là tôi biết gõ “đít đoa” đấy, nếu mổ cò thì có nước … xí lắc léo không còn mong chi sống.

      Vả lại, dân nhà nông mà bạn, nói theo ngôn-ngữ người miền Tây Nam phần : Tôi hổng có gảnh để dzít được nhìu đâu bạn ơi. Thông cổm dùm cho gã thanh niên sống lâu năm này nhé ! Bạn nhé !

      Còn nếu không thì … chắc tôi phải lận thêm chút ít cô cầy trong bài viết để may ra bạn được “phê phê” tí nào chăng ?

      Bạn T Pham ạ, bác Pham(cholon) nhà chúng tôi bây giờ đã trở thành 1 vị (gần như là) tu sĩ rồi ông ạ. Bởi niềm vui cũng như nỗi buồn để sống của bác ấy không còn nữa. Bác ấy đã “thế sự thăng trầm quân mạc vấn rồi” !

      Rất vui khi được bạn T Pham đón nhận những gì tôi và các bạn tôi viết. Cám ơn bạn vô cùng tận.

      Thân mến.

      • Bác T Pham nói phải đấy! Chuyện trong nước đọc mãi vẫn muốn biết thêm, nhất là những chuyện thuộc loại “ngày tàn của bạo chúa”.

        Nhân thể, xin thành thật gởi lời chia buồn cùng bác Pham (cholon). Vẫn nhớ và mong được đọc bài của bác ấy luôn. Kính mến.

      • “Ấy may là tôi biết gõ “đít đoa” đấy, ”

        Bac oi go dit doa la gi chau khong biet. Dy cho chau di.

        Chau thanks bac nhieu

      • Cháu Trọng Chinh mến.

        Thời trước còn máy đánh chữ với ruban, giấy carbon. Người ta lập ra một phương pháp đánh máy bằng 10 ngón tay, nên gọi là méthode de dix doigts. Phương pháp này do người Pháp dạy dân mình nên dân mình gọi phương pháp đó bằng tiếng Pháp là thế. Những người không học phương pháp đó nên không biết sử dụng đủ cả 10 ngón nên gọi là mổ cò.

        Nếu dùng đủ 10 ngón thì tiếng máy gõ nghe rất vui tai, cứ tưởng như mưa rơi. Nhưng với key board bây giờ mình không dùng đủ 10 ngón đâu cháu ạ. Nhưng vẫn sử dụng theo phương-pháp đó thì âm thanh phát ra từ bàn phím cũng rất hay hay.

        Thân mến.

      • Hai bạn TPham và Phương Lê thân mến của tôi.

        Trên diễn đàn này, ít nhất là hơn một lần tôi có nói rằng :

        Chúng tôi ở bên này không lo “cái” ngày đó. Mà thực sự là rất lo “cái sau” của ngày đó. Không phải riêng tôi đâu bạn ơi ! Tại tôi là “ngụy” đi. Thế còn bao nhiêu chục triệu con người khác, trong đó có mấy triệu đảng viên nữa bạn ạ.

        Để không phụ lòng hai bạn Phương Lê và TPham tôi xin kể hai cuộc đối thoại của chúng tôi với (một là) mấy người trong họ (họ hiện là đảng viên – đương kim hiệu trưởng 1 trường Trung học tại Hà nội – tức thủ đô đình huỳnh đấy nhé !).

        – Mấy chú thím nhận xét gì về vụ Cù Huy Hà Vũ.

        Họ dứt khoát và quả quyết trả lời :

        – Bọn em coi ông Hà Vũ là người hùng của dân tộc ! Bọn em luôn đứng sau lưng gia đình ông.

        – Thế ư ?!

        – Bác thấy. Ông ấy không sợ tù đày, ông không nói cho dân, cho nước thì còn ai dám nói nữa. Bỏ cả vợ đẹp, con khôn, bỏ cả giàu sang chức quyền để vào tù. Ông xứng đáng là người hùng của dân tộc Việt Nam.

        Câu chuyện thứ nhì. Với mấy vị từng một thời là giáo sư, giảng viên đại học Hà Nội (đương nhiên họ cũng là đảng viên cộng sản cẩn thận đấy nhé !) :

        – Bẩn ! Bẩn quá ! Hèn hạ và đốn mạt đến thế là cùng. Bọn này sắp tàn đến nơi rồi ông ạ. Không thể nào còn tồn tại được nữa đâu !

        Ối giời ! Tưởng chuyện gì, chứ những chuyện tự như thế, tôi chả cần phải tưởng tượng đề bịa với các bạn của tôi làm gì cho nhọc xác phàm. Nó đầy rẫy, không sao kể cho hết được đâu.

        Một người đàn ông trung niên nọ kể cho chúng tôi nghe : Anh có người cha và mẹ từng là đảng viên nay về già không thèm xin ra khỏi đảng mà xé thẻ. Anh lấy làm hãnh diện vô cùng. Các bạn có thể tin được không ?

        Bởi vậy tôi thấy các bạn có lần phản ứng với 1 vị nhè nhẹ thôi , (hình như là cu dan hanoi thì phải) mà thấy thương cho anh ta quá. Họ nói thật đấy các bạn ạ !

        Tôi (Van Toan) thay mặt bạn bè dơ tay thẳng lên trời mà cam đoan với hai bạn rằng :

        THỀ KHÔNG GIAN DỐI !

        Thân mến.

        Chỉ mong các bạn hãy chú tâm và dụng tâm vào những ngày, tháng, năm sau khi cộng sản té nhào mà thôi. Còn cái ngày tàn mạng của chúng là đương nhiên.

        Chúng tôi ở bên này thực lòng lo cho thời kỳ hậu cộng sản ghê lắm. Không những lo mà còn sợ nữa.

      • Cám ơn Bác VanToan đã viết thêm để phe ta đỡ ghiền chút chút…

        Như Bác VT cũng thấy đấy , rất nhiều người thích đọc các bài viết của Bác , có cả các Cô, các dì ( phe kẹp tóc… ),nên Bác cho cháu là đẹp giai thì….cháu cảm thấy lo cho Bác VT quá sức.

        Mỗi ngày cháu đều vô đây để xem có bài mới nào của Bác HHT không ??? Trung bình 1 tuần có 1 bài mới, như vậy cũng là nhiều lắm rồi nhưng vẫn chưa đủ cho cháu, bởi vậy nếu được đọc thêm các comments của các bác khác (càng dài càng tốt) thì cũng rất thích.

        Tất cả các bác viết đều hay cả, mỗi người mỗi văn phong riêng. Thế nhưng các bác ít chịu viết. Chỉ khi nào có các chú CAM lén lút chui vô đây sủa vài tiếng thì các bác mới chịu trổ văn tài. Uổng …Bác VT có nhận thấy như vậy không???

  7. @ bác Van Toan
    Cảm ơn bác đi chơi về kể nhiều chuyện đã quá. Tôi rời VN năm 1995, lúc đó người dân trong nước cũng đã sáng mắt lắm rồi nhưng mà đụng đến thằng già dê vẫn là chuyện cấm kỵ. Bây giờ dân chúng dám chửi thằng đó ở nơi công cộng thì đã thiệt. Bác có gặp bác Pham(cholon) thì cho tôi hỏi thăm. Chúc bác sức khỏe
    @ bác Phương Lê
    Cái thằng già mà bác nói tới (trong bài khác, không phải bài này) là thằng “Chính mi bán nước Chí Minh ơi”, “Chính mi quỷ dữ Chí Minh ơi…”

  8. Mừng bác Van Toan trở về nhà bình an và viết chia sẻ với cả làng hành trình xuốt Bắc Nam! Đọc thật là thú vị, thật là thấm thía, sau bao nhiêu chờ đợi mong ngóng người đi xa đã trở về với chúng ta! Trước cảnh đau lòng ở Đèo Ngang, làm bài thơ này để kính tặng CTHĐ, bác Van Toan và các đại ca đồng hành. Ngẫm nghĩ chắc Bà Huyện Thanh Quan mà nhìn thấy cảnh này sẽ đau lòng không ít !
    Tức cảnh Đèo Ngang
    TTLan 09/06/11

    Ghé đến Đèo Ngang, mắt cố nhìn
    Đám người lầm lũ đứng ăn xin…
    Trẻ con quơ quét lượm vài múi,
    Bố lão van lơn được mấy xìn…

    Cảnh mới quặn hồn người đi trước,
    Thơ cũ chạnh lòng kẻ hậu sinh,
    Đèo Ngang ngóng đợi người cứu nước,
    Thoát cảnh lầm than, thoát ngục hình !…

    • Madame TTLan – Paris thân mến.

      Tôi vừa nhận được một email của một người bạn – Anh nguyên trước kia là một cựu tù nhân (cải tạo tại miền Bắc). Một sĩ quan rất đẹp trai và hiền lành dễ mến.

      Một bài thơ rất hay như sau :

      Thưa Quý Vị, Quý NT và CH …

      Chuyển đến Quý Vị một bài thơ của một Chiến Sĩ Mũ Đỏ QLVNCH trả lời cho một nhà thơ Việt cộng…
      Bài thơ thật hay, thắm thía, nhưng không nặng mùi hận thù như văn, thơ của những tay thợ viết vẹm…
      Bởi vì Phạm Đức Nhì là một Chiến Sĩ , là một con dân Việt Nam Cộng Hòa..với tấm lòng chan chứa tình người…

      Xin mời Quý Vị đọc bài thơ hay….

      Kính,

      BMH
      Washington, D.C

      BỜ VẪN QUÁ XA

      (Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa.
      Trịnh Anh Đạt, một nhà thơ chưa vào Đảng,
      chưa vào Hội Nhà Văn nhưng đã đoạt nhiều giải thưởng thơ giá trị ở Việt Nam, lúc sang Mỹ dự đám cưới con gái có điện thoại hỏi tôi “Chiến tranh đã khép lại hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?”)

      Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
      năm 75, 29 tháng tư
      khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
      chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải
      thương cha mẹ già, đàn em dại
      tôi bước lên bờ
      ở lại quê hương
      nhưng cha mẹ già chưa được gặp
      cũng chưa thấy mặt đàn em
      các anh, những người chiến thắng
      súng dí sau lưng
      đẩy tôi vào trại tập trung

      rồi bằng những lời dối trá
      trái tim vô tình
      tia nhìn thù hận
      các anh cướp mất của tôi
      những tháng năm đẹp nhất cuộc đời

      tôi có người bạn
      đói lòng moi mấy củ khoai
      các anh đập nát xương bàn tay
      mãi mãi mang thương tật
      một người khác
      lâu ngày thèm thịt
      chụp vội con nhái bên đường
      bỏ vào mồm nuốt chửng
      báng súng AK
      các anh lao vào ngực, vào bụng
      cho đến khi con nhái phòi ra
      con nhái lúc vào màu xanh
      lúc ra thành màu đỏ

      tôi trở về trên đôi nạng gỗ
      nhìn nhà dột, cột lung lay
      cha chết đọa đày
      các em tứ tán
      mẹ tuổi già, sức yếu
      vẫn giãi nắng dầm sương
      tôi cắn răng lìa bỏ quê hương
      tìm sự sống

      trở về thăm quê mấy lần
      trên đường từ Nam ra Bắc
      tôi cũng đôi khi nếm được
      chút dư vị của chiến tranh
      tôi gặp cả thương binh
      từ hai phía
      kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn
      kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ
      họ buồn tủi vì phải sống đời nghèo khổ
      nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn
      với họ, giữa chiến trường
      “ chuyện thường tình mũi tên hòn đạn.”

      ở Mỹ, tôi quen hai vợ chồng người Hoa
      vợ cô giáo,, chồng luật sư
      yêu nhau tha thiết
      nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt
      cô vợ bị hiếp dâm
      ít lâu sau đẻ thằng con
      đen như cột nhà cháy
      anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại
      chạy ra khỏi phòng sanh
      vợ tay nắm chặt thành giường
      ngất lịm

      trở về nhà
      cô vợ trẻ người Hoa
      đã có thể cho đi đứa con khác màu da
      để mỗi ngày người chồng
      khỏi thấy vết thương lòng
      bị chà đi, xát lại

      nhưng các bạn tôi
      làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?
      làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?
      nên mỗi lúc trở trời,
      đau đớn
      lại nhớ đến các anh
      không giống những thương binh
      ( mũi tên hòn đạn vô tình )
      các bạn tôi mang thương tật
      bởi đôi tay độc ác
      bởi trái tim độc ác
      của các anh

      sau chiến tranh
      đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến
      nhưng cùng tiếng nói, màu da
      biết bao nhiêu phương cách đưa ra
      các anh chọn phương cách tàn độc nhất
      các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách
      nay lại ngồi chễm chệ trên bờ
      í ới vẫy chúng tôi qua
      tiếc rằng…… bờ vẫn… quá xa.

      Viết xong tháng chạp năm Canh Dần (tháng 1 năm 2011)

      Phạm Đức Nhì

      • Cám ơn Đại ca Van Toan vô cùng! Bài thơ thật hay! Và Bờ vẫn thật xa! Thật xa chia ra hai bến giữa những ngừơi Quốc Gia và những ngừơi Cộng Sản! Dù những ngừơi theo VC mỗi ngày một thưa dần đi, thằng cầm quyền cs lại mỗi ngày một cứng rắn trong các biện pháp quản thủ kiểm soát ngừoi dân! Than ôi, ngừơi chống Cộng trong nứơc đang trở thành “đám đông thầm lặng” (majorité silencieuse/silent majority) mà không dám làm gì chống chúng nó cả…Trong một chế độ độc tài chuyên chế như CSVN, thì dù có là “đại đa số” đi chăng nữa, mình vẫn bị ức hiếp bởi “Thiểu số bán nứơc” (trích Cu Dan Ha Noi), vì tụi ‘thiểu số bán nứơc’ ấy chúng nắm hết bạo lực, quyền hành, tài chánh…đủ để xiết cổ ngừơi dân chết lúc nào chúng nó muốn!
        Đâm ra quần dân thầm lặng khi tức nứơc vỡ bờ thì chế ra cả một nghệ thuật Chửi! Mà không ai chửi hay như bà Tạ Phong Tần trong bài sau đây:
        http://www.danchimviet.info/archives/36218
        Mời mọi ngừơi đọc cho hỏa dạ! Chị TPT quả là một Nghệ sĩ tột đỉnh trong nghệ thuật ‘Chửi cha cs, ca, xhcn!’. Đọc thật đã đíu!! Thân mến,

  9. @Trong Chinh

    Có lẽ Bác VT muốn nói là “dix doigts” = “đít đoa” = ten fingers.

    Bác CTHĐ có lần viết là Bác ấy dùng Nhất dương Chỉ nhưng cũng nhanh và kêu giòn như những người dùng “đít đoa” , nhưng mình nghĩ Bác CTHĐ dùng Nhất Dương Chỉ on each hand thì mới đánh nhanh được , không biết đúng không???

  10. Chào mừng bác Văn Toan đi chơi xa về nhà nói thiệt,gặp lại anh em.
    Thấy trong Ý kiếng ý gương có bài của bác là mừng quá xá. Đọc một hơi kịp thở. Đã thiệt , bi giờ mới rãnh để hỏi thăm bác và các bác bên nhà mạnh giỏi ,xin thứ lỗi vì bác dziết đọc quá đã nên hết biết gì hết ,hà hà.

    Bạn T Phạm đẹp trai nói đúng đó ,bác phải cần gõ đit đoa không ngừng nghĩ để đáp lại tấm lòng iu mến của chúng tôi dành cho bác bấy lâu nay(kể công chút nghe). Đó là…trách nhiệm và he he..nghĩa vụ của Mr “Đít Đoa” đấy ,bác ạ.Nói riêng mí bác ,tôi chẵng những hông biết gõ đít đoa mà ngay cả việc mổ cò tôi cũng chẳng nên thân nữa bác ạ. Lắm khi đang mổ thì cái chử mà mình cần mổ lại quên béng chả biết nó ở mô để mà mổ , nên phải mở mắt ra tìm rồi mới..mổ. Chán thế đấy bác ạ . THế cho nên(lại Tào Tháo kể công nữa) lắm khi liều mạng ý kiến ý cò góp vui cùng các bác thì đó đúng là ráng hết sức già , là một chiến công nữa của…Hẹc Quyn đó bác.

    Nhân thấy bác nói :”…Ấy may là tôi biết gõ “đít đoa” đấy, nếu mổ cò thì có nước … xí lắc léo không còn mong chi sống.” khiến tôi tự nhiên nhớ đến mấy câu hát vui trong một tuồng cải lương hay hài kịch trước 75 ,trước ngày phỏng dế như sau :

    –Chắc thiếp chết chớ không còn mong chi sống
    –Hổng biết kiếp “chước” thiếp đây làm nên tội gì ?
    –Ối chu choa sao mà đau bên hông ,rồi lại đau sau lưng !
    –Nhức cái…mông !!!!

    Mèn ơi ,ái khanh của Bk tôi mà òn ỉ với tui như thế này thì xin thưa thiệt mí các bác chắc tui cũng không còn mong chi sống nổi các bác ơi. Sá gì trái tim “nai hôn” , 36 “hôn” qua cũng kiếm ra cho khanh liền một khi…! Bác nào nói đúng mấy câu này từ đâu ra thì…tui khen(hà hà) còn nói trật tui cũng khen luôn. Đố vui để cười mà lị.

    Ăn theo Công Tử Hà Đông , bk tui cũng bầy đặt tâm viên ý mã như ai. Nay xin phép bác VT và các bác để nhảy qua phần thời sự nóng hổi vừa thổi vừa lo đang xảy ra tại VN mà các bác mình đều biết. Đó là việc anh chệt phù sâu quảng kiêm ghẻ tàu ,bụng ỏng đít teo đang gia tăng khiêu khích và lấn át chú đàn em răng hô mã tấu,cái đầu khét nắng,cái chân dính phèn ở Biển Đông ngay trong hải phận Việt Nam mình. Là người dân Việt thì dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều căm giận và quan tâm theo dõi. Những cuộc biểu tình chống tàu sâu quảng trong nước và khắp nơi ở hải ngoại đã nói lên lòng dân Việt muôn người như một cương quyết chống bọn tàu..quen. Nhưng than ôi cũng như bao lần trước bọn đầu khét nắng ở bốn miễu (chôm chữ của bác VT) chỉ biết đánh võ mồm , cương quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải bằng…nước bọt. Do vậy bọn “người quen” này được đằng chân lân đằng đầu càng ngày càng lấn tới , vì chúng biết bọn chăn trâu đầu khét nắng sợ chúng như thanh niên lớn tuổi sợ…vợ lớn ,chẳng dám đụng đến cái vẩy ghẻ tàu nói gì đến to gan chống lại thiên triều(chó). Nhục này biết mấy bể rữa cho hết đây ,các bác ?? Còn đâu hào khí ngất trời năm xưa khiến giặc tàu vỡ mật với Bình Ngô Đại Cáo , với Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư , với uy vũ Đức Trần Hưng Đạo ,của Vua Lê Lợi, của Quang Trung Đại Đế ? Khiến dân tàu khi nhắc tới Đại Việt còn run trống ngực ? Theo ý ngu của Bk tôi , đối với bọn cướp chỉ biết bạo lực, ta phải hành xử như chúng nó. Tức là phải biết cầm súng cấm gươm đánh lại chúng như ông cha ta đã từng làm thì chúng mới co vòi mà thôi. Chứ cứ như kiểu mấy thằng chăn trâu này thì mất nước đến nơi rồi các bác .
    Đâu rồi những “anh hùng” đặc công một thời lừng lẫy đánh xập lô cốt cảnh sát ngụy chỉ bằng cú sút cầu vồng tuyệt vời bằng chân phải(gió) quả plastic bằng cái bao diêm vào lô cốt làm xập hết trơn ??? Sao không ra biển Đông hù cho bọn tàu nó sợ. Chỉ cần đặc công ta đứng trước mũi..xuồng hải quân vc là bọn tàu lạ sợ xanh mặt kéo nhau chạy mất. Vì ngu sao ở lại để ăn plastic đá cầu vòng???

    Vài hàng góp ý lăn nhăng nhân dịp mừng bác VT trở về. Chúc các bác nhiều sức khỏe để chống bọn tàu ghẻ xâm lược. Việt Nam Muôn Năm. Kính Bk54.

    P/s: Helo bác Tây Độc mạnh giỏi ,đề nghị bác mang bầy rắn của bác đi ..thủy du một chuyến ra Hoàng, Trường Sa để dậy cho bọn tàu ghẻ bài học để biết thế nào là lễ độ(khi bị rắn cắn !). Đây là vé khứ hồi nè bác :

    http://www.danchimviet.info/archives/35468#comment-28390

    Thân mến , Bk54.

    • Trích<>
      Đoạn này nằm trong 1 vở cải lương diễu có tên là :”Đắc Kỷ Ho Gà”thưa bác Backy 54.
      Cháu nhớ mấy đoạn:
      “Chắc thiếp xí lắc léo chứ không còn mong chi sống,
      Chẳng biết kiếp trước thiếp đây làm nên tội gì?
      Ối,nó nhức nhối trong buồng gan đau buốt.
      Ái,nó nhức nhối trong lòng tôi…”
      Vở này phát trên đài phát thanh và hình như Tuý Phượng đóng vai Đắc Kỷ,cháu không nhớ rõ và không biết đúng không?
      Kính.

    • Bác Backy54 và bạn Tpham thân mến của tôi ơi !

      Trích : “Bạn T Phạm đẹp trai nói đúng đó ,bác phải cần gõ đit đoa không ngừng nghĩ để đáp lại tấm lòng iu mến của chúng tôi dành cho bác bấy lâu nay(kể công chút nghe). Đó là…trách nhiệm và he he..nghĩa vụ của Mr “Đít Đoa” đấy ,bác ạ.”

      Đành là ông TPham vốn đẹp giai từ xưa tới giờ ác cũng được đi. Nay nỡ lòng nào bác vốn dĩ đẹp lão mà cũng ác sao cho đành ??? Bác ui !

      Số là tôi dân nhà nông chính hiệu con nai vàng ngơ-ngác. Và hơn hết, tôi đã từng có lần than thân trách phận rằng : Mình vốn dốt nát, nát là nát bấy nhậy đó bác à. Chứ không phải nát lơ mơ đâu. Cho nên vào trang báo này chỉ để đọc cọp bài của Hoàng lão tiên sinh và các comments của mọi người thôi. Thỉnh thoảng lắm mới dám bàn góp, nói leo.

      Không những thế, sau non tháng rưỡi trời vắng mặt có ní nẽ. Nay dzìa nhà rồi phải biết thân, biết phận để lo vườn, lo tược sao cho đỡ phải mang tiếng “Hỏi rằng quan ấy ăn lương vựa” xấu hổ nhắm mấy bác ạ !

      Song song thời gian hiện tại với ruộng vườn, chúng tôi đang chỉnh bị những hình ảnh và dăm ba lời ghi chú cho chúng, là những nơi chúng tôi đã đi qua. Tôi và các bằng hữu đang thâu thập tất cả những hình ảnh nào mà mình tự phong cho là đẹp nhất để gửi lên những trang mạng bồ tèo xưa nay của chúng tôi.

      Ý của chúng tôi là muốn gửi đến tất cả những độc giả nào có một thời gắn bó với nước nhà, có những thương nhớ, có những kỷ niệm để được hàn huyên thăm viếng, hoặc để ôn lại những gì mà họ đã từng trải qua.

      Song song đó, chúng tôi cũng gửi đến quý độc giả những hình ảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban cho nước Việt chúng mình. Ví dụ như những bãi biển trong xanh, nắng đẹp mây trôi, bầu trời xanh ngắt, biển rộng mênh mông với màu xanh thẫm … tuyệt đẹp !!!

      Những hang động kỳ vĩ, huyền ảo (Phong Nha, Sơn Đoòng, Thiên Đường v.v…)

      Những kiến trúc xứng đáng gọi là bât hủ của Nước nhà, tuy rằng không đủ 1 bàn tay. Ví dụ như ngôi thành toàn bằng đá tảng của vua Hồ Quý Ly, nhà thờ đá của Phát Diệm, cung An Định và các lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn.

      Đặc biệt là lăng và cung An Định của vua Khải Định. Chúng ta có thể hãnh diện rằng vua Khải Định đúng là một nhà kiến trúc tài hoa và lỗi lạc. Đến nay đã qua thời sơ diệp thế kỷ để vào hẳn tiền bán thể kỷ XXI rồi, trong hàng con cháu của vị vua này (tức chúng ta) chưa chắc đã có ai có thể kế tục được. Than ôi !

      Điểm xuyết những hình ảnh có tính cách “phe phang” chút đỉnh đó, chúng tôi cũng gửi đến quý độc giả những ý nghĩ, những cảm xúc đau đớn khi đến Huế.

      Đến đầu cầu Tràng Tiền (hữu ngạn – tức bờ Nam của Huế) thấy lù lù một đống … có một cái tháp phong thánh (lấy tư cách gì để phong thánh. Vả lại trong giáo lý của Phật có cái vụ kỳ quặc, đến quái đản này không ? ) cho mấy người thọ nạn vì 1 quả lựu đạn MK 3 cố tình của bọn phá hoại (CIA hay việt cộng ?). Nó đã nhắc lại trong tôi cả một thời kỳ bi đát nhất của lịch sử VNCH. Cũng từ đó mà chúng ta mới chịu cảnh tang thương ngẫu lục như hiện nay.

      Chúng tôi không thể nén được nỗi đau khi nhớ lại cái gọi là “pháp nạn” của bọn ác tăng cấu kết với ngoại bang và giặc thù là cộng sản dựng lên, ngụy tạo nên mà thành. Thương ôi !

      Thật là kinh khủng ! Cho đến ngày nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều người là Phật tử (vẫn còn) ngây thơ tin rằng Phật giáo đã bị đàn áp dưới thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

      Nhưng, chúng tôi còn e dè chưa thể gửi được. Bởi, thời sự trong nước đang hồi nóng hổi, mình gởi những bài vở và hình ảnh kiểu này sợ trật đường rầy chăng ? Nên thôi, đành nín lặng chờ dịp khác vậy.

      Và cuối cùng xin tâm sự với hai người đẹp (đẹp ác luôn), một đẹp lão, và một đẹp giai bởi vì rằng thì là mà tại và bị :

      Tôi có thể làm một bài luận được điểm cao. Nhưng không hề có ảo tưởng là mình sẽ trở thành một người viết thường xuyên được.

      Rất mong hai vị (tuyệt ác) mỹ nhân thấu cho … A MI PHÒ PHÒ !

      Thân mến.

      • Cháu thấy Bác Van Toan khiêm tốn quá đấy chứ. Các Bác trên diễn đáng này dư sức viết chuyên nghiệp (ít ra là cũng viết blogs thường xuyên được)

        Chừng nào Bác VT có thể gởi những hình ảnh của quê hương lên được thì Bác nhớ cho bà con biết với nha.

        Cháu cám ơn Bác VT trước.

        Cháu không dám nhận đẹp giai cũng như là mỹ nhân đâu ạ (mà lại là tuyệt ác mỹ nhân nữa mới chết chứ )

      • Bạn TPham thân mến.

        Rất cám ơn bạn đã có lời khuyến-khích tinh thần cho một ngôi sao sắp lên nhưng đang tàn.

        Để khỏi phải mang tiếng là quảng cáo một website khác trên diễn đàn này.

        Nhưng vì bạn muốn biết được chút ít những danh thắng của nước nhà, hoặc chút ít hình ảnh quê hương. Tôi kính mời bạn vào 1 trang lính của hải ngoại. Mong rằng bạn biết đó website nào rồi.

        Bởi trang của Hoàng lão tiên sinh mình không gửi hình được, nếu được tôi cũng đã mần rồi bạn ạ !

        Hiện tôi và hai người bạn đang hằng ngày gửi hình và vài lời chú thích đến quý độc giả.

        Nói ra thì xấu hổ bạn ạ. Mới đầu mình gửi hình và lời chú thích, số views có những hơn 500. Rồi dần dần, chỉ còn có hơn 250 views mà thôi. Không biết hôm nay rơi rớt còn bao nhiêu nữa. Thảm hại biết dường nào.

        Dẫu biết loạt bài và hình ảnh còn rất dài (những hơn 5000 cây số chứ ít gì), con số views có xuống thấp đến mấy nữa tôi và các bằng hữu cũng phải đi đến cho tận cùng. Không phải giây xí hổ nó bị đứt hay bị nghẹt như mấy thằng thủ lợn vi xi.

        Vì “má lỡ lầy xìn rùi” bạn ui ! Trót thì phải trét. Chả có dại nào như dại nào là vì thế.

        Đấy là câu giải đáp thành thực nhất cho bạn về khả năng viết lách và tán láo, tán lếu của tôi.

        Thân mến.

      • Bạn TPham thân mến của tôi ơi.

        Nhờ được về Saigon vài ngày để mua thêm một ít nông-cơ-cụ nên tôi mới có chút thì giờ để gửi bài và hình ảnh của chuyến đi ra Bắc tháng 3 ta vừa qua. Vì ở dưới thôn quê chỗ chúng tôi cầy cấy không có internet bạn ạ. Cái thứ, cái đồ Nhà quê nhà mùa mà.

        Mời bạn vào http://baovecovang.wordpress.com/trang-than-huu/. Không dám hy vọng bạn khen, vì tất cả chúng tôi chỉ là những tay mơ về nhiếp ảnh, nên chỉ dám có tí ti hy vọng là giúp bạn đỡ buồn tí nào hay tí nấy mà thôi.

        Lát nữa đây tôi phải rời khỏi Saigon rồi, nên hình-ảnh tôi mới chỉ cố gắng gửi đến phần động Thiên đường thuộc tỉnh Quảng bình mà thôi.

        Chuyến sau về Saigon, tôi sẽ gửi tiếp thêm phần miền Trung nữa. Miền trung là nơi gắn bó nhiều với thời trai trẻ của đời tôi đấy bạn ạ. Bởi đó là những chiến trường hiểm ác nhất, dữ dội nhất nên gọi đó là miền hỏa tuyến. Còn Quảng trị được mệnh danh là hoả đầu giới tuyến là vậy đấy bạn ạ.

        Thân mến

        Ngày xưa trong miền Nam một thời mình hay dùng chữ ÁC. Ví dụ : ngon ác, thơm ác, ngọt ác, chua ác, hay ác và kể cả đẹp cũng ác nốt. Cho nên tin xin gọi bạn và bác backy54 là tuyệt ác mỹ nhân là thế. Chứ không phải ác là ác độc mô rứa !

    • @bác Backy54
      Mấy hôm nay tôi rầu rĩ quá chuyện Hoàng sa, Trường sa nên chẳng lên net làm gì. Tôi có đọc bài của bác chỉ rồi. càng thêm ngán ngẩm về chuyện đất nước nằm trong tay bọn thổ phỉ thì chỉ có ngoan ngoãn dâng đất dâng biển miễn sao bản thân bọn chúng được vinh thân phì gia. Đâu phải chỉ có Việt nam là có biển và biên giới chung với bọn Tàu cộng, nhiều nước khác cũng có mà đâu có nước nào hèn hạ đốn mạt như thằng VNCS đâu.
      Chúc bác khỏe

      • Cháu cám ơn Bác Van Toan đã cho cháu coi những tấm hình thật tuyệt vời , phải nói là vô giá.

        1) Bác VT khiêm tốn quá thôi , những tấm hình này tay mơ không thể nào chụp được. Professional cũng không hơn được.

        2) Những tấm hình các Bác chụp sau này phải được duy trì và bảo tồn để các thế hệ sau biết thêm về văn hóa, di tích lịch sử của quê hương.

        Lũ việt cộng ngu dốt đang tàn phá những di tích lịch sử ấy. Chúng chỉ biết lợi trước mắt mà không nghĩ hại gấp trăm trăm ngàn ngàn lần về sau. (Thật ra trách chúng cũng hơi…oan , cả đời chúng chỉ biết đi phá làng , phá xóm, khủng bố cùng giết người . Học hành thì chỉ tới i-tờ-rít thì biết gì về bảo tồn di tích lịch sử??? Ngay cả tổ sư chúng ,tức pork Hồ, còn gọi là Hồ heo, cũng chưa học hành tới đâu thì bảo sao chúng không ngu dốt sao được )

        Mong các Bác vẫn tiếp tục làm những việc mà thiên hạ coi là dở hơi , lẩm cẩm đấy. Nhưng các thế hệ sau này sẽ biết ơn các Bác vô vàn.

        ***Ngoại trừ trang mạng baovecovang ra, Bác còn tham gia website nào nữa không??? Cho cháu biết để vô đọc cho đỡ ghiền. Cháu không nghĩ Bác Bắc Thần minds đâu***

        ***Lỡ khen rồi thì tới luôn Bác VT ơi. Tuyệt…mỹ nhân thì để cho các con cháu Hai Bà , còn cháu là hậu duệ của vua Hùng mà được phong là tuyệt ác mỹ nhân thì đúng là Bác VT….ác quá.

  11. Trích : “Có chăng là những thành phần còn được hưởng những bổng lộc (dẫu) tối thiểu nào đó của chế độ cộng sản mà thôi.

    Những bọn này, nếu không bám vào chế độ cộng sản, thì họ biết lấy gì để mà hốc vào họng, biết cái gì để mà táp vào mồm ??? Bởi vậy, chúng tôi thấy rõ, biết rõ, chỉ có đám ký sinh của cộng sản mới ra rả bênh vực và nói tốt cho cộng sản mà thôi.”

    Chửi khéo quá. Mấy chú vẹm đọc thấy có đau không nhỉ? Người ta lột trần như nhộng mấy chú như thế phỏng có thấy mình là thành phần khốn nạn của kiếp trâu ngựa không?

    tôi thây bác Van Toan có chủ đê rỏ lắm đó chớ.

  12. Cảm ơn bạn Nam T , bạn nói đúng , xin có lời..khen (hà hà). Nhưng có một diểm bạn làm tôi quê quá , như bác VT đã nói là mấy ngưòi trẻ đẹp trai thì thường ác. Bạn nhớ mấy câu là Đắc Kỷ chỉ đau trong ruột trong bụng thôi , còn anh già tui lại nhớ là đau cái..mông ! !. Hóa ra tôi là anh già dê , nhớ gì không nhớ chỉ nhớ cái…mon. Bạn ác lắm nhe.

    Đùa với bạn chút cho vui. Cảm ơn bạn đã đọc và góp ý. Thân mến ,bk54.

    • Không có chi thưa bác.Cháu không cố ý đâu,vì nhớ được chút nào của ngày xa xưa (1 thời vàng son theo ý cháu)thì cháu nhắc ra vậy thôi!
      Không hiểu sao thời gian 1963-1975 cháu nhớ rất nhiều,từ những vở cải lương,những câu vọng cổ xuống xề dù cháu cũng là Bắc di cư 54(khi trón 1 tuổi)
      cho đến bất cứ những điều linh tinh.Nhưng thời gian 1975-1992 cháu không nhớ nhiều,chỉ nhớ mơ mơ màng màng…không thể giải thích nổi!!!

  13. Quý bác trên diễn-đàn thân mến.

    Trước khi tôi đi vào vấn-đề chính, tôi xin được “mào đầu” tí-tẹo :

    Vì đây là vấn-đề (tạm gọi là) đứng-đắn đàng-hoàng, nên tôi xin mạn-phép được đả-tự bằng phương-pháp chính-tả xưa kia của Việt-nam chúng ta. Tôi phải gõ dấu gạch nối ( – ) giữa các liên-tự (danh-từ, động-từ, tĩnh-từ, trạng-từ kép) để tránh mọi rắc-rối dễ dẫn đến ngộ-nhận không đáng có.

    -o0o-

    Tôi ra tay nhanh không bằng tụi nó – đúng ra là không bằng thằng tầu phù sâu quảng.

    Công-nhận thằng tầu phù này lẹ tay như cắt vậy. Ngày 25/6, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để tạm thời làm lành với nhau.

    Như hôm vừa rồi tôi đã thưa cùng quý bác, tôi bị việt-vị nặng quá, nên tôi xin rút lại “gây sự” mà chỉ chuyên vào hai vấn-đề “ TA SỢ TẦU ? “ hay ‘ TẦU SỢ TA ?” và tại sao ?

    Tôi xin trình-bầy TA SỢ TẦU trước đã.

    Dĩ-nhiên là TA có phần phải e-dè thằng khổng-lồ trên đầu bản-đồ của mình rồi. Không phải chối-cãi. Tôi xin nhấn-mạnh là E-DÈ chứ không phải là sợ. Nếu có sợ chăng là mấy thằng thủ lợn nó mới quá sợ mà thôi. Còn chúng ta không hề biết sợ nó.

    Vẹm nó sợ vì từ lâu đã bị cấy sinh-tử phù vào từng thằng một rồi. Cà-chớn, cứng đầu, khó bảo một tí là nó quăng lựu-đạn thối một đống lên internet, sau đó là mấy báo lá cải làm rùm-beeng … kế đến, tức là sau một thời-gian nào đó, mấy thằng “quan toàn-quyền” sẽ “vi-hành” qua bắc-bộ-phủ mắng-mỏ, kí đầu, pha cà-phê đen không đường, không đá bắt uống cho một thôi. Tiếp-theo, nó nấu nước sôi rồi lấy bột giặt mà cạo cho đờ-mi tăng là một sợi lông cũng không còn mọc nổi nữa.

    Chúng nó sợ là sợ vì vậy.

    Thằng 3 dzuẩn và bè-lũ quá ngu, những tưởng là sau khi thanh-toán được miền Nam, thống-nhất toàn cõi là bảnh lắm. Là thiên-hạ khắp 5 châu, 4 biển phải nể lắm ???

    Quả thực, thằng tầu nó cũng khớp, chứ không phải là không. Bởi thằng việt cộng này tính làm eo, làm óc, làm mình, làm mẩy để đớp hít thêm một mớ viện-trợ, hoặc xù nợ chiến-tranh. Bọn nó mới giãn dây chằng với thằng tầu mà kết friend đậm với liên-xô là vì thế.

    Vẹm nó khôn, nhưng lại khôn lỏi. Tụi bay không có kẻ sĩ để phù-tá, tụi bay không có tướng-tài, những người có-thể làm rường-cột nước nhà thì tụi bay ra tay giết-hại và đày-đọa hết cả rồi. Thế là nước trống không ! Lấy gì mà đối-đáp được với ngoại-xâm !

    Nếu như tụi thủ lợn ba đình, bốn miễu biết khôn khi không chịu theo kế-sách muôn thuở của cộng-sản là trả-thù, bách-hại những người thất-trận. Bọn tầu-phù không vãi đầy quần thì tầu không còn đáng mặt sư-phụ vẹm nữa.

    Ta hãy đặt ví-dụ, giả-tỉ vẹm nó không bách-hại muôn dân VNCH thì nó bị hại hay được hưởng lợi ?

    Xin thưa : Được muôn vàn thứ lợi.

    Cái lợi thứ nhất là bọn lừng-khừng, bọn ăn cơm quốc-gia thờ ma cộng-sản, bọn MTGPMN răm-rắp cúc-cung tận-tụy tôn-thờ.

    Cái lợi thứ nhì : Thu được hết tất cả những tài-lực – vật-lực – nhân-lực đến tận tuyệt thì thôi. Không một ai có thể phản-đối. Có thể nói rằng lúc đó triệu người như một sẽ gắng hết sức, hết lòng mà phụng-sự cho chế-độ mới là cộng-sản.

    Cái lợi thứ ba thực là vô-song : Được muôn dân miền Nam lúc đó sẽ quy-thuận hết lòng, không bao giờ tin được những gì mà người Quốc-gia chống cộng đã nói hoặc tiên-đoán trước kia nữa.

    Cứ thử tưởng-tượng, những tướng-lãnh VNCH với bao nhiêu công-quỹ của Quốc-gia phải hao-tổn để cho các ông ăn học tới thành tài. Biết bao nhiêu là những chuyên-viên về từ-hàn của nơi công-sở, những đơn-vị vô-cùng trọng-yếu của quân-đội VNCH. Biết bao nhiêu là trang tài-tuấn đã chu-du thiên-hạ nơi hải-ngoại. Nay tất cả đều khứng-thuận mà chầu-hầu triều-đại mới để hàn gắn vết thương chiến-tranh, tái-thiết xứ-sở.

    Việt-cộng lúc đó phú-cường biết chừng nào ?! Ta không thề tưởng-tượng hoặc hình-dung nổi đâu ! Được như thế, những thằng tai to mặt LỢN (dấu nặng) giờ này trong ngân-hàng có dăm ba tỷ Mỹ-kim là very small problem.

    (Quý bác thông-cảm, có tí tiếng tây tiếng u vào cho có vẻ trí thức, trí ngủ mà le-lói với thiên-hạ. Bởi dốt nên xính nói chữ ấy mà).

    Tạm có ba điều lợi ấy, việt-cộng muốn xưng bá đồ vương ở Đông-Nam-Á phỏng ai dám cản, ai dám ngăn-trở ? Tầu-phù không chết vì rét đậm, rét hại thì thôi. Đừng nói chi là dám đánh vẹm vào năm 1979.

    Thằng tầu còn xúi dại là bách-hại thêm nữa không hết. Thế là trúng mánh của tầu phù, nó ở Trung-Nam hải mà rung đùi ung-dung phè cánh nhạn ra mà tính sổ bọn tiểu-yêu ngày nào nó ẵm, nó bế cho. Nay toan-tính đi một đường phản-phúc.

    Thằng tầu nó phục-kích đủ thứ trò bần-tiện từ thời hồ lão-tặc, rồi nhẩn-nha theo thời-gian mà gài vô-số bẫy-rập đầy tiểu-xảo khác nữa. Các cậu cứ tình-nguyện ngu-muội mà đút cái đầu heo vào cho nó quay đến chín nhừ mới thôi. Bây giờ há miệng thì mắc cái quai tổ-bố, hết đường cãi chầy, cãi cối.

    Nó giăng bẫy từ khi mới khởi cuộc, nay đã lâm vào thế cờ tàn – hỏi còn cách nào khả-dĩ có-thể chống đỡ. Chỉ có từ bí đến bí mà thôi !

    Thế là TA PHẢI SỢ TẦU là vì thế. TA đây có nghĩa là vẹm chứ không TA là TA.

    Cũng như mọi khi, vì giới-hạn của một comment, nên tôi xin ngắt khúc ra làm nhiều lần. Mong quý bác thông-cảm cho.

    (còn nữa)

  14. (tiếp theo phần 1)

    Hồi hồ lão tặc còn phải lui-tới, ăn dầm ở dề báo cô, báo đời bên Tầu. Mấy thằng Tầu đã nghi nghi rồi. Nên nó mới cấu sinh-tử phù cho lão già dâm, có bổn mặt ó đâm đó mấy phát.

    Thời xưa Tề-Hoàn công nói với công-tử Trùng-Nhĩ :

    Công-tử bôn-ba như vậy, việc khuê-phòng thì mần răng ? Cứ như ta đây, một đêm mà không khai-thông được phát nào là ta thấy tinh-thần không được thơ-thới, hân-hoan, mạnh phẻ cho lắm. Vì vậy mới gả Tề-nữ cho Trùng-Nhĩ.

    Theo sách đó, Mao mới bảo Chu-Ân-Lai đi kiếm con nhỏ nào vừa ế, vừa xí thì gả quách cho thằng con ba họ, con chó ba chùa này đi. Biết đâu sau này có việc cần tới vựa chồng hắn chăng !

    Châu-Ân-Lai thấy chí-lý, bèn xung-phong kiếm cho Lý-Thụy một nường, nường này coi bộ không còn phương nào có thể gả bán gì nữa. Tức là ế sặc máu Anh-Đài. Bèn tác-hợp liền một khi.

    Lý-Thụy tức pork hồ về sau này – bèn lấy làm hân-hoan quá-cỡ thợ mộc. Cu cậu khoái-chí tử mà ra sức hoan-lạc vui-vầy với ả xẩm. Cứ gọi là đêm bẩy ngày ba, vào ra không xuể. Cứ thế mà mê-mệt, sướng-thỏa cõi lòng giá-lạnh của kiếp chó hoang ngoài chợ. Việc này tưởng không cần phải đề-cập chi-tiết.

    Không những vậy, trong sách “Mao-triều cung-cấm liệt-truyện” có cho biết rõ-ràng : Vợ của Châu còn cất công đi tìm một mụ tú nổi tiếng khắp Giang-Nam, đem về để làm huấn-luyện-viên về đường tình-ái cho ả – vành ngoài tám chữ, vành trong 7 nghề. Mấy cái vành này là bí-truyền của tổ-sư Thanh-Tâm tài-nhân làm bảo-bối. Không phải ai cũng có thể lãnh-hội công-phu này được.

    Nhờ vào thời son-trẻ đầy sinh-lực. Ả xẩm được giữ-gìn cẩn-thận (vì ế ẩm mà thôi, chứ chẳng quý-báu gì), nên ả học có một, mà hấp-thụ tinh-túy đến mười. Chứng-tỏ xứng đáng là chân-truyền của tổ-sư. Mụ tú hân-hoan ra mặt, nên càng ra công mà “bồi dưỡng”. Chẳng bao lâu, ả đã tỏ ra có thân-thủ phi-phàm, thân-pháp siêu-đẳng trong ngành chiếu chăn.

    Hỏi sao mà Lý-Thụy không mê-mệt cho đặng. Bởi thế, sau một thời-gian dài thiếu vắng ả xẩm đó, vì bộ chính-trị nó không cho phép tái-hồi Kim-Trọng. Lúc đó đã trở thành pork hồ rồi – ngày mất ngủ, đêm quên ăn. Từng giờ, từng phút tơ-tưởng có bấy nhiêu là chuyện hấp-dẫn về khoản cụp-lạc đó. Pork hồ nhà ta mới bỏ nhỏ với thằng sếp-xòng về công-an : Chú cũng là loài hoa-liễu như ta, vậy chú ráng kiếm cho ta một ả nào đó khiến được hạnh-phúc đêm ngày. Ơn này ta sẽ không quên.

    Vì vậy mới xẩy ra tai-nạn mang tên vụ-án Nông-Thị-Xuân. Cứ nghĩ là xe cán chó, chó cán xe thế là xong chuyện. Ai ngờ ………… Nó lại rùm-beeng cho tới ngày hôm nay.

    Với sách-lược cũ-mèm đó, tụi tầu-phù cứ thế mà áp-dụng dài dài. Hết thằng đầu heo này, tới phiên thằng thủ lợn khác. Trong đó có thằng môi vẩu, răng hô. Có cái bản mặt lưỡi cầy, nom rất chi là hãm-tài : Lê khả phao (câu) là lãnh thẹo nặng nhất. Vì thế mà tụi đầu lợn ở ba đình bốn miễu cứ im-ỉm mà nín, nín y-như nín địt vậy.

    Có một anh tên là Vũ-Minh-Trí, cấp-bực trang-tá bên ngành gián-điệp việt-cộng (chứ không phài là kít), anh này cũng tố-cáo thẳng-thừng : Chí-Vịnh cũng áp-dụng hết mức ăn thua cái phương-sách đó để ngoi lên trong bậc thang công-hầu, khanh-tướng.

    Quả-nhiên, lợi-hại phải kể. Tất cả phải chịu nín-lặng để Chí-Vịnh tha-hồ tung-hoành giữa quan-trường như chốn không người.

    Đó là phần cốt-tủy, phần chết người. Tức những tuyệt-đối bí-mật nhất để nói cho rõ-ràng những ný-nẽ lào mà bọn đầu lợn ở ba đình, bốn miễu lại rét đậm bọn tầu-phù sâu quảng là thế.

    Kỳ-thực, bọn đầu heo ở ba đình, bốn miễu cũng muốn tự-tung, tự-tác lắm ấy chứ. Giang-sơn một cõi vẫy-vùng chả sướng sao !?! Nhưng kẹt quá, thà mất nước còn hơn mất đảng. Còn đảng còn mình là vì thế ! Chó đẻ bốn con thiệt tình luôn.

    (còn nữa)

  15. Ông Van Toan ơi ông cho tôi nịnh ông một cái nha.

    Tôi chưa đọc ai chửi thằng chó đẻ hồ chí meo đã như ông vậy. Quá đã. Xin lỗi bà con mình tui nịnh riêng ông Van Toan theo ý kiến riêng của tôi thôi. Mấy thằng việt cộng khốn nạn mà đọc chắc hộc máu mà chết quá. Quá đã, quá đã. Tụi bây chửi tụi tao này nọ không lại đâu.

    Coi nè, tụi tao chửi thằng hồ chó đẻ thấy đã không.

    Tụi bây đọc coi nghe “Cứ thế mà mê-mệt, sướng-thỏa cõi lòng giá-lạnh của kiếp chó hoang ngoài chợ.” Mà thiệt tình đúng ngay boong tình trạng của hồ chó meo mà, ổng đâu có bịa chút xíu nào đâu.

    Rồi : “Pork hồ nhà ta mới bỏ nhỏ với thằng sếp-xòng về công-an : Chú cũng là loài hoa-liễu như ta, vậy chú ráng kiếm cho ta một ả nào đó khiến được hạnh-phúc đêm ngày. Ơn này ta sẽ không quên.” Cái dzụ này có à nha. Ổng cũng đâu có dóc đâu. Toàn là chuyện có thiệt không hà! Tui khoái cái câu này dữ. Loài hoa liễu tức là loài bị tiêm la hột xoài giang mai lậu mủ cù đinh tiên pháo đó. Hồi đó pork hồ ăn chơi đàng điếm quá mạng nên bị chích thuốc “bi” dzô mà không la trời nữa thôi. Cái vụ này người ta kêu bằng một tiếng kêu cha, ba tiếng kêu chó là dzậy đó. Chửi dzậy mới hay ác luôn.

    Nhiêu đó nói lên đầy đủ đạo đức của con chó hoang đầu đường xó chợ hồ chó meo rồi.

    Tui khoái bài viết này ghê đi. Nói chuyện trên trời dưới đất, luận bàn về thế sự ngược xuôi, thế cờ giữa trệt với Việt Nam mình mà cũng móc họng được mấy thằng vẹm một cú nhẹ nhàng mà đau thấu trời. Thiệt là hết biết.

    Sao ? Sao mấy thằng vẹm nhào dzô đọc thấy sao? Có ứa gan mà hộc máu hông đó. Ổng đâu thèm nói tay đôi với tụi bây đâu. Ông nói chuyện có thiệt trong lịch sử đảng bán nước, bán dân tộc của tụi bay mà. Kakakakaka. Đã quá mạng.

  16. Ông Van Toan.

    Tại sao chỉ thấy (còn nữa) rồi mấy bữa nay im luôn vậy ông? Có gì trục trặc hoặc sức khỏe có vấn đề. Hay là ông không còn hứng viết vậy ông. Đừng hứa lèo làm tui buồn chớ. Mà còn mấy ông khác nữa sao mà không có ai lên tiếng hết vậy kà? Chà làm tui buồn dữ. Uổng gì đâu, đang hồi hay hết biết, rồi cái cúp ngang hông. Nói thiệt tình, tui vừa vui vừa đã cái rồi bị cúp ngang làm tui hổng giò. Tui giờ già quá rồi, ráng còn sống ngày nào thì ráng còn hy vọng ngày đó. Nhờ có ông tui thấy niềm hy vọng của mình càng được vững mạnh thêm.

    Ông Van Toan có thể giải nghĩa dùm cái được không. Cám ơn ông nhiều.

  17. (tiếp theo phần 2 và hết)

    Bạn TPham thân mến.

    Trích : “ (Cho cháu hỏi riêng Bác Van Toan : có cách nào cho cháu được đọc hết những gì Bác Đồ Ngu đã tiên đoán hay không ??? )
    Cám ơn Bác Van Toan đã viết thêm cho mọi người cùng đọc. Hy vọng sẽ có câu hỏi nào làm Bác Van Toan bí chăng ???? “
    Vì bạn cho tôi một câu hỏi thuộc loại “giời đánh” không bằng. Cho nên mấy ngày hôm nay, tôi và các bạn phải bàn-bạc với nhau rất kỹ-lưỡng là nên hay không nên (tạm gọi là) “thổ-lộ” những “sách” của bác Đồ Ngu chúng tôi hay không ?

    Thành-thực mà nói, trình-độ của chúng tôi vẫn còn trong tình-trạng chưa vượt quá khỏi lũy tre làng mấy bước, nên những gì mà bác Đồ Ngu luận-đoán, nghiền-ngẫm … tự thấy còn nhiều điều bất khả lắm. Chúng tôi vẫn còn thấy hình như còn nhiều điều huyễn-hoặc làm sao (?). Hình như nó quá xa vời so với thực-tế.

    Tôi xin lấy một ví dụ để bạn thử suy-ngẫm nhé : Bác ấy nói quả-quyết rằng Trung-cộng sẽ là ân-nhân cho những người Việt yêu nước chân-chính chúng ta và cho cả những dân-tộc Mãn – Mông – Hồi – Tạng nữa (Trời đất ?) – Mặc dù bác ấy đi đến bất cứ đâu cũng hô-hào BÀI HOA qua việc TẨY-CHAY HÀNG-HÓA TRUNG-CỘNG. Bác ấy luôn luôn trong bất-kỳ cuộc đàm-luận, hoặc trò-chuyện nào cũng hết mực chê-bai tầu cộng. Quả là mâu-thuẫn !?!

    Lời giải-thích của bác ấy rất giản-dị. Lá cờ Ngũ Tinh của tầu cộng là tối độc. Nó vận vào nước tầu cộng-sản ghê-gớm và khủng-khiếp lắm.

    Mới đây có một vị học-giả vừa có bài viết về tầu cộng, ông cũng có nhắc tới lá cờ này, gần giống như bác Đồ Ngu nhà chúng tôi đã đề-cập. Tuy ông không chi-ly và kỹ-lưỡng bằng. Nên tôi không cần phải nói nhiều ở đây.

    Nguồn : DI HUẤN ĐỐI NỘI, NGOẠI CỦA MƯU SĨ ĐẶNG TIỂU BÌNH – do tác-giả NVLH (6.2011) http://tintuchangngay4.wordpress.com/2011/06/28/trung-c%E1%BB%99ng-t%E1%BB%A9-b%E1%BB%81-th%E1%BB%8D-d%E1%BB%8Bch/
    Tuy vậy, những gì mà bác ấy đã nghiền-ngẫm và thổ-lộ, ngày càng dần dần được sáng-tỏ một cách không thể ngờ. Chính vì lý-lẽ đó mà chúng tôi càng thêm phân-vân. Không biết là nên hay không nên.

    Vì những điều khả tín thì quá ít, ngược lại những điều bất khả-tín lại quá nhiều. Thế mới chết !

    Thân mến.

    Thưa ông Tư Nhiều :

    Tôi cũng thuộc loại có chút tuổi-tác. Lại thêm tính siêng-năng, nên không chịu ngồi yên một chỗ. Thường ngày hay phụ-giúp các con và các cháu trong công-việc đồng-áng.

    Độ này tôi hơi xìu-xìu, ển-ển trong người. Như ông cũng biết, thời-tiết hiện giờ trong miền Nam là đang vào mùa mưa. Nên bị khật-khừ là cũng thường-tình. Không những thế, tôi lại không thích thuốc-men cho lắm, bởi vậy nó cứ dây-dưa cù-cưa hoài. Mong ông thông-cảm cho.

    Thêm một điều quan-trọng khác nữa :

    Đây vốn-dĩ là một diễn-đàn để cho mọi người vào cùng bù-khú, hàn-huyên với nhau. Giả như tôi lại viết quá nhiều và quá dài (thực ra chỉ là copy & paste của bác Đồ Ngu chúng tôi mà thôi) thì vô-tình trở thành một tay cả gan cướp diễn-đàn chung của mọi người. Không những thế, trên còn có Hoàng lão tiên-sinh, kế đến nữa là BBT web site này. Và sau nữa, nơi đây biết có biết bao vị thức-giả khác nữa.

    Nhân đây tôi cũng xin “giải-quyết” phần (còn nữa) bằng phần (tiếp-theo và hết) rất tóm-lược. Bằng một câu cụt-ngủn, nhưng vô-cùng quả-quyết như sau :

    TẤU CỘNG NÓI RIÊNG VÀ NƯỚC TRUNG-HOA (DÙ LÀ CỘNG-SẢN HAY KHÔNG CỘNG-SẢN) NÓI CHUNG. HỌ RẤT SỢ CHÚNG TA – VÀ RẤT CẦN CHÚNG TA.

    Rất cám ơn ộng đã có những lời khen đầy khích-lệ.

    Kính

Leave a reply to Tư Nhiều Cancel reply