• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

TIỂU THUYẾT SÀI GÒN 1992.

Ðầu năm 1990 – Tết Nguyên Ðán qua được một tháng – tôi mãn án Tù Khổ Sai Cộng Sản 6 năm. Tôi ra khỏi Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, Xuân Lộc lúc 9 giờ sáng. Người Tù Khổ Sai Án 20 Năm Lê Mạnh Thát đưa tiễn tôi ra cổng trại.

CÔNG TY RỬA TIỀN. Hoàng Hải Thủy dịch năm 1992 ở Sài Gòn. Nguyên bản THE FIRM của JOHN GRISHAM.

Trại Tù giờ ấy vắng tanh, tù nhân đi ra ngoài làm khổ sai, Người Tù Lê Mạnh Thát ở nhà làm việc dịch sách nên tôi được ông đưa tiễn.

Các con tôi mướn chiếc xe Jeep Dân Sự đến cổng trại đón tôi về. Khoảng ngày này năm trước tôi từ Nhà Tù Chí Hoà đến Trại Tù Khổ Sai này cùng khoảng 30 bạn tù trên xe cam-nhông của Nhà Tù Chí Hoà, tù ngồi trên sàn, còng một chân vào cây sắt dài,  năm nay nhờ các bạn tôi ở Mỹ, Úc, Pháp – và hai tổ chức Văn Bút Phần Lan – PEN Finlande – Chi Hội Ân Xá Quốc Tế Melbourn, Úc – Amnesty Intern. – gửi tiền về giúp, vợ tôi có tiền. Vợ tôi mướn nguyên chiếc xe Jeep gần như mới toanh cho con tôi lên Trại đón tôi về. Chuyến xe đi về trong nửa ngày năm ấy là 100.000 đồng tiền Hồ. Vợ tôi mua cái TiVi Sanyo Mầu mới toanh để sẵn cho anh chồng đi tù về xem.

Ngày tôi đi tù – lần thứ hai – một sáng Tháng Năm 1984, Sài Gòn rách te tua, nghèo lõ đít, cả Sài Gòn chưa có cái gọi là đầu Máy Video nào. Sáu năm sau, hôm nay tôi về, Sài Gòn đầy máy TiVi Mầu, đường phố Sài Gòn cứ cách 300 mét có một nhà cho mướn đầu máy và phim Video.

Trong số những người bạn đến nhà thăm tôi sớm nhất có hai anh Bút và Lê Kiêm. Bút trước 75 có làm báo, được gọi là Bút Pác-ke – Bút Parker – Lê Kiêm được Bút giới thiệu là con trai Nhà Văn Lê Văn Trương. Hai anh trẻ hơn tôi khoảng 10 tuổi.

Bút và Lê Kiêm nói:

– Nay anh có thể sống với việc viết truyện được rồi. Bây giờ tiểu thuyết, truyện dịch được xuất bản dài dài. Có anh lái sách là Văn Cứ, ở đường Hồng Thập Tự, biết chúng tôi quen anh nên nhờ chúng tôi nói với anh: hắn muốn nhờ anh viết tiểu thuyết để hắn xuất bản.

Tôi nghe mà mừng quá là mừng. Từ Tháng Năm năm 1975 không một lần tôi mơ có ngày tôi lại được viết tiểu thuyết ở Sài Gòn. Phải kể ngay về tình trạng xuất bản tiểu thuyết ở cái gọi là “Thành Phố Hồ chí Minh năm 1990.” Trước năm 1988 toàn cõi Việt Nam Cờ Máu không có tiểu thuyết – thứ tiểu thuyết giải trí người đọc – Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tượng Lenin, Tượng Stalin ra nằm sấp, nằm ngửa ở những bãi rác, chủ nghĩa cộng sản bị vứt vào hố xí, bọn Cộng Hà Nội bị bắt buộc phải làm vài trò đổi mới. Ðể có tiền sống, bọn Cộng Trung Ương thay vì rót tiền cho bọn Cộng các Tỉnh, nay bắt bọn Cộng các Tỉnh, Quận phải tự kiếm tiền, tự nuôi, không những chỉ để sống mà còn phải có tiền nộp cho Trung Ương Ðảng. Do đó về cái gọi là “văn hoá xã nghĩa thổ tả” xẩy ra tình trạng kỳ cục và đáng tởm là những phim video Khiêu Dâm của Âu Mỹ, những phim bị coi là đồi trụy bị cấm chiếu ở nhà dân, bị tịch thu ở những nhà cho muớn phim video, nhưng được chiếu ở những nhà Văn Hoá Tỉnh, Văn Hoá Quận. Cán bộ văn hoá chiếu phim Video Con Heo – gọi riễu là Phim Chăn Nuôi, xuất từ tiếng Pháp Cinema Cochon – cho dân xem để lấy tiền. Phải chiếu phim Con Gái Nhà Nghèo Thiếu Quần Áo dân mới đến xem, dân có đến xem cán bộ mới có tiền. Nhà Văn Hoá chiếu phim Bác Hồ ngồi gù lưng dịch Lịch Sử Ðảng Cộng Sản Liên Xô ở Hang Pắc Bó, chó nó cũng không thèm xem.

Mỗi Ty gọi là Văn Hoá Tỉnh có một nhà xuất bản sách. Mỗi năm những nhà xuất bản này được quyền xuất bản một số sách tiểu thuyết. Những anh gọi là cán bộ văn hóa được giao quyền xuất bản tiểu thuyết ở những nhà xuất bản này mù tịt về tiểu thuyết, các anh về Sài Gòn bắt mối với những người Sài Gòn có tiền, có hiểu biết về tiểu thuyết, biết giao tiếp với những người viết được tiểu thuyết để cộng tác xuất bản. Và nhất là những người Sài Gòn này có điều kiện, có kinh nghiệm phát hành sách, đưa sách đến với người đọc khắp nơi.

Những nguời Sài Gòn này được gọi là “Lái Sách.” Lái Sách là người dân Sài Gòn chân chính, họ làm việc xuất bản tiểu thuyết để kiếm tiền. Họ tìm gặp một số Thợ Viết Sài Gòn trước 1975 nay còn viết được, đặt những tay Thợ Viết này viết truyện, in ra, đem bán. Trả tiền sòng phẳng, chỉ với điều kiện là người Thợ Viết nổi tiếng, hay có đi tù vì tội phản động, không được dùng tên, bút hiệu của mình trước năm 1975, mấy trự phải để tên tác giả mới. Họ trả một số tiền trên mỗi quyển tiểu thuyết cho bọn cán bộ đứng tên Nhà Xuất Bản, tiền này gọi là “Xuất bản phí.” Bọn Cán Cộng Văn Hóa có khoản tiền mà không phải làm gì cả.

Lái Sách Văn Cứ có cửa tiệm ở đường Hồng Thập Tự. Một số vi-la ở đường này cho mở những quán nhỏ ở đằng trước vi-la làm tiệm sách. Văn Cứ là người Lái Sách thứ nhất tôi gặp và mua truyện tôi viết, chi tiền cho tôi ở Sài Gòn sau 1975.

Tôi gặp Văn Cứ, nói chuyện, giao hẹn với anh xong, việc đầu tiên của tôi là mua cái máy đánh chữ. Cái máy chữ hiệu Brother có dấu Hỏi, Ngã do Tòa báo Tiền Tuyến tặng tôi năm 1968 đã bị bọn Công An Thành Hồ đến nhà bắt tôi lần thứ nhất – năm 1977, cái may chữ của tôi bị coi là tang vật trên đó tôi phạm pháp – viết bài tả oán, tả khổ gửi ra nước ngoài – lấy đi mất.

Truyện thứ nhất của tôi được Văn Cứ mua và xuất bản năm 1990 là tiểu thuyết sáng tác “Trên Ðỉnh Tình Yêu.” Rồi truyện dịch “Không Tìm Thấy Mộ.” Truyện này nguyên là truyện phơi-ơ-tông “Tiếng Ca Cá Sấu” tôi phóng tác theo bản truyện tiếng Pháp “Le Chant d’Alligatore” của tiểu thuyết gia người Mỹ Harry Whittington. “Tiếng Ca Cá Sấu” đã được tôi phóng tác, đăng báo và xuất bản khoảng năm 1970. Nay tôi viết lại, để tên là “Không Tìm Thấy Mộ ” theo tên nguyên bản tiếng Mỹ là “Never find Sanctuary.”

Rồi việc viết tiểu thuyết bán cho Lái Sách Sài Gòn đưa tôi đến gặp hai anh Minh và Nam. Minh là thanh niên Hà Nội, vào Sài Gòn làm ăn, Minh có biệt hiệu là Minh Bắc. Nam là thanh niên Sài Gòn, là nhân viên Nhà Xuất Bản của Minh. Hai anh trạc tuổi các con tôi, ra đời những năm 1956, 1957. Hai anh rất trọng tôi. Hai anh gọi tôi là chú. Minh nói tôi có lối nói, cử chỉ rất giống ông thân của anh, ông thân anh đã qua đời. Nam vừa đi làm vừa học thi cử nhân Anh văn, Kinh tế. Trong cuộc đời bán tiểu thuyết, dịch truyện Âu Mỹ lấy tiền công của tôi, Minh và Nam đối với tôi tốt nhất, làm tôi ấm lòng nhất.

Tiền công dịch được tính theo số trang quyển truyện tiếng Mỹ: 7.000 đồng tiền Hồ một trang. Quyển truỵện 300 trang nhân với 7.000 đồng. Trước năm 1975 tiền công dịch của tôi được trả trên bản đánh máy chữ Việt của tôi. Nay Minh đưa cho tôi một quyển truyện mới được xuất bản ở Mỹ, do người của Minh mua từ Mỹ gửi về, trả trước ngay cho tôi khoảng một nửa tiền công dịch: giả như là 100.000 đồng. Mỗi ngày tôi dịch khoảng 10 trang. 30 ngày dịch xong, tôi mang bản thảo vào giao cho Minh. Anh chi tôi 100.000 đồng, và đưa cho tôi dịch quyển khác. Có những lần Nam dắt xe Honda của tôi từ trong nhà ra đường, đạp xe cho máy nổ rồi mới đưa xe cho tôi đi. Tôi cẩn thận để bọc tiền trong cái sắc, cho vào trong cái giỏ sắt trước ghi-đông xe, khoá nắp giỏ lại rồi mới lên xe thơ thới phóng về nhà. Những buổi sáng đi giao truyện, lấy tiền như thế tôi thường đi khỏi căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi trong Cư Xá Tự Do lúc 9 giờ sáng, tôi về nhà lúc gần 12 trưa. Vợ tôi đang nấu ăn duới bếp. Lịch kịch dắt xe vào nhà, dựng  xe xong, tôi báo tin vui cho vợ tôi:

– Có truyện mới.

Có truyện mới để dịch là tháng ấy tôi có việc làm, tiếng máy chữ gõ lách tách reo vui trong nhà tôi, và tháng sau vợ chồng tôi có 200.000 đồng tiền Hồ.

Từ năm 1992 đến hết năm 1994 vợ chồng tôi vĩnh biệt Sài Gòn để sang Hoa Kỳ, tôi dịch cho Minh và Nam khoảng 5, 6 bộ truyện Mỹ: Công Ty Rửa Tiền – The Firm của John Grisham, Bản Báo Cáo Bồ Nông – The Pelican Brief của John Grisham, Mang Xuống Tuyền Ðài – The Chamber của John Grisham, Hắc Lâm Cuồng Nộ – A Rage in Harlem của Chester Himes, Tiếng Kêu của Máu – Red Dragon của Thomas Harris.. .. ..

Truyện The Chamber – Mang Xuống Tuyền Ðài – làm tôi cảm động. Truyện tả tình gia đình, tình ông cháu, tình cô cháu. Truyện xẩy ra trong một tỉnh miền Nam Hoa Kỳ, nơi trước năm 1960 có nạn kỳ thị Ðen Trắng rất nặng. Ông già Cayhall bị giam trong tù, bị xử án tử hình vì tội đặt bom làm chết người, vụ án kéo dài nhiều năm, nay án tử sắp được thi hành. Adam, một luật sư trẻ tuổi vừa ra trường, cháu nội của ông già Cayhall, về tỉnh này để cứu ông nội anh khỏi bị người ta giết. Ông bố của Adam tự tử chết, bà mẹ của Adam đi lấy chồng khác, Adam có bà cô ruột là cô Lee ở thành phố có nhà tù giam ông già Cayhall. Cô Lee Cayhall sống ly thân – nhưng không ly dị – với ông chồng chủ ngân hàng, vợ chồng cô có anh con trai nhưng anh này là dân Gay, tiếng Sài Gòn xưa gọi là Pê Ðê, anh sang Hà-lan làm bồi nhà hàng và sống như vợ chồng với một gã đàn ông.

John Grisham không tả rõ, tôi đọc và dịch The Chamber, tôi thấy và tôi cảm động vì mối tình của Cô Cháu Lee- Adam. Cô Lee muốn có anh con đàng hoàng như Luật sư Adam, Adam cô đơn ao ước có bà mẹ đẹp, hiền như cô Lee. Tôi nhắc lại: tác giả John Grisham không viết rõ như thế, tôi đọc và tôi cảm thấy như thế.

Mời quí vị đọc đoạn truyện tả khi Adam còn nhỏ, ông bố Adam tự tử, cô Lee đến dự tang lễ và thăm chị dâu, hai cháu: Adam cháu trai, Carmen cháu gái.

Mang Xuống Tuyền Ðài. Trích:

Trong tang lễ ở nhà thờ, người ngồi cạnh Carmen là một thiếu phụ xa lạ và kỳ bí được gọi là cô Lee. Ðến lúc này anh em Adam mới biết cô Lee là cô em ruột ông bố của họ. Cô sống ở Memphis, lấy chồng giầu sang, có một người con trai. Cô rất ít giao thiệp với ông anh Eddie vì những nguyên nhân nào anh em Adam không được biết.

Cô Lee đến California dự đám tang ông anh. Cô ở lại hai tuần và làm quen với cháu trai, cháu gái. Anh em Adam mến cô vì cô đẹp, lịch sự, dễ thương. Cô dáng người thon thon, cô hay mặc quần jeans xanh, áo thun Tee. Cô thích đi chân không trên bãi biển. Cô giải thích nhiều lần với hai cháu tại sao cô không đến thăm cha mẹ chúng và chúng từ trước. Cô nói cô rất muốn đến nhưng cha chúng, ông anh cô, không bằng lòng cho cô đến. Khi Adam hỏi tại sao, cô trả lời mơ hồ là tại vì vài chuyện rắc rối của người lớn.

Cô Lee ngồi với Adam trên cầu tầu nhìn ra cảnh mặt trời vàng ối dần dần xuống trên biển Thái Bình Dương. Trong một buổi hoàng hôn hai cô cháu ngồi với nhau như thế, cô Lee kể cho Adam nghe về nhân vật Sam Cayhall, ông bố của cô, ông nội của Adam. Lẫn với tiếng sóng biển vỗ nhẹ dưới chân, chú thiếu niên lần đầu tiên nghe nói về lai lịch gia đình chú. Câu chuyện cô Lee kể có nhiều lỗ hổng lớn nhưng nói chung cô cũng thành công trong việc trình bày cho anh cháu biết đại khái và sơ lược nguồn gốc và tai hoạ trong gia đình cô.

Khi mặt trời hoàn toàn chìm khuất và gió biển bắt đầu trở lạnh, hai cô cháu ngồi sát vào nhau. Cô ôm lấy cháu và cháu muốn lấy thân che gió cho cô đỡ lạnh.

Những buổi chiều hai cô cháu ra ngồi ở cầu tầu trở thành thông lệ trong những ngày cuối cô Lee ở đây. Trên đường ra biển, hai cô cháu ghé tiệm thực phẩm mua bịch nho hay bịch hạt điều, gói đậu phụng, hộp bích-qui, lon nước ngọt. Cô cháu ngồi bên nhau ngắm biển, ăn uống lai rai, nói chuyện cho tới khi trời tối sẫm và gió biển trở lạnh.

Lee đi cũng im lặng và đột ngột như khi nàng đến. Nàng đến không báo trước, nàng đi không một lời từ biệt, không một cái ôm hôn, không một lời hẹn hò gặp lại. Một bình minh nàng lặng lẽ ra khỏi nhà Adam. Hai ngày sau nàng gọi điện thoại cho Adam và Carmen. Nàng khuyến khích hai cháu viết thư cho nàng, nhưng rồi những lá thư cũng thưa dần..

Mùa hạ năm Adam tốt nghiệp Pepperdine, chàng và một người bạn học lái xe đi chơi xuyên mấy bang. Họ dừng lại Memphis, ở hai ngày, hai đêm trong nhà cô Lee. Cô sống một mình trong căn nhà rộng trên đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông. Buổi chiều cô Lee ngồi với Adam và anh bạn trên ban-công, ăn pizza do cô làm, uống bia và ngắm những chiếc bè di chuyển trên sông. Họ nói với nhau về đủ mọi thứ chuyện trên đời. Trong lần gặp này, Adam không nói gì với cô Lee về chuyện gia đình. Chàng đang tính học Luật. Cô Lee hỏi cháu về dự định tương lai. Cô sốt sắng, vui vẻ, niềm nở, nói nhiều. Cô là bà chủ nhà tuyệt vời và là bà cô lý tưởng. Khi họ chia tay, mắt cô ưá lệ. Cô ôm cháu thật lâu và bắt anh hưá anh sẽ trở lại.

Khi là luật sư, Adam về Memphis lo cứu ông nội chàng thoát án tử hình, nhưng chàng không cứu được ông. Trong mấy ngày cuối trước khi ông già Sam Cayhall lên ghế điện, cô Lee biến mất. Cô có tật nghiện rượu, cô đã bỏ rượu nhưng vì bị căng thẳng thần kinh, cô lén uống lại, cô bị cảnh sát bắt khi cô say lái xe loạng quạng trên đường, cô phải vào dưỡng đường cai nghiện.

Adam đưa ông nội chàng đến cửa phòng tử hình. Nửa đêm. Chàng lái xe đi lang thang ban đêm trong thành phố. Chàng đến nghĩa trang nơi người ta sẽ đem xác ông nội chàng đến chôn. Chàng uống bia, chàng say, chàng dựa lưng vào tấm bia trên mộ bà nội chàng mà ngủ đến sáng.

Ðây là những trang cuối của truyện The Chamber.

Mang Xuống Tuyền Ðài.

Có tiếng xe chạy đến rồi dừng lại trên con đường có rặng phi lao xanh rì dưới kia. Tiếng cửa xe mở đóng. Adam không nghe thấy những tiếng ấy. Chàng lại nhắm mắt và chàng lại nhìn thấy ông già trong bộ quần áo mới, đi đôi giày mới, ngồi trong lòng ghế  điện, đôi mắt mở lớn nhìn chàng.

Có người đi đến. Adam không nghe, không biết. Người đến bước nhẹ đến gần chàng. Một nhánh cây khô gẫy dưới gót giầy làm Adam mở mắt nhìn lên.

Cô Lee đứng bên chàng. Chàng nhìn cô rồi quay mặt đi.

Lee duyên dáng hạ đầu gối xuống rồi ngồi sát bên anh cháu, tay nắm cánh tay anh cháu, ngả đầu vào vai anh cháu.

– Cô đến đây làm gì?

Adam hỏi. Lee không trả lời.

– Nửa tháng rồi cô đi đâu?

– Cô ở bệnh viện.

– Ở đâu cô cũng phải phôn về chứ? Tai sao lại không?

– Ðừng giận cô mà. Cô đang cần con yêu thương cô.

Lee áp má vào cánh tay anh cháu.

Vẫn còn hờn giận, Adam nói:

– Con không biết phải nghĩ sao về cô. Việc cô làm không thể nào tha thứ được.

– Ông có muốn gặp cô không? Ông có nói gì đến cô không?

– Ông con muốn gặp cô lắm. Ông bảo con nói với cô là ông yêu thương cô, ông nhớ, ông nghĩ đến cô thật nhiều trong những phút chót. Nhưng cô có nghĩ gì đến ai đâu, cô chỉ biết cô thôi.

– Tội nghiệp cô mà, Adam. Cô sống dở, chết dở trong bệnh viện. Cô muốn chết, con ơi.. Cô yếu đuối lắm.. Cô cần được yêu thương, được nâng đỡ..

Thấy Lee nhìn hai lon bia chưa mở, Adam vội quăng hai lon bia đó ra xa.

– Cô không uống nữa đâu.

Lee nói như van xin, như năn nỉ. Giọng nói của bà nghe thật đáng thương. Khuôn mặt đẹp của bà có vẻ mệt mỏi.

– Cô có tới để gặp ông. Lee nói.

– Hồi nào?

– Tối qua. Nhưng muộn quá, người ta không cho cô vào.

Trái tim Adam dịu lại. Chàng chẳng nên làm cho bà cô thân yêu của chàng phải khổ thêm. Bà là người đáng thương, cô đơn, chồng con không ra làm sao cả, bà nghiện rượu, bà yếu đuối nhưng bà vẫn phấn đấu để bỏ tật xấu và để sống đường hoàng. Và bà là bà cô ruột của chàng, cô Lee yêu dấu. Giọng nói của chàng dịu lại:

– Ðến phút cuối cùng ông con còn nói đến cô. Ông dặn con nói với cô là ông yêu thương cô lắm.

Lần truớc chàng nói với cô câu này bằng giọng nói giận hờn, trách móc. Lần này chàng nói bằng giọng nói trìu mến pha lẫn kiêu hãnh: trong dòng họ Cayhall vẫn có tình yêu thương, tình huyết thống, vẫn có những người Cayhall yêu thương nhau.

– Ông con không trách gì cô vì cô không đến.

Lee khóc. Bà khóc êm, khóc sạch, và bà khóc thật lâu.

.. .. ..

Lee ngừng khóc. Mặt trời vượt lên trên những vòm cây. Nắng bắt đầu làm cho hai cô cháu thấy nóng.

– Cô rất vui vì con đã về cứu ông – Lee nói – Không hỏi cô cũng biết việc con về làm ông vui lắm.

– Con thất bại, cô ơi. Con về hay không ông con vẫn thế.

– Con đã làm hết sức của con. Con đừng ân hận. Ðêm đầu tiên khi con về đây, con có nói với cô là việc cứu ông sẽ rất khó, nhưng con vẫn lo cứu ông. Con đã đi đến cùng với ông. Thế là đủ. Ở đời không phải cứ đấu tranh là nhất định phải thắng. Xong rồi. Con hãy bình yên trở về Chicago sống cuộc đời của con.

– Con không về Chicago đâu.

Cô Lee ngạc nhiên:

– Con đi đâu?

– Con ở lại đây.

– Con ở lại đây làm gì?

– Con vẫn hành nghề luật sư nhưng con không làm công cho những công ty lớn. Con mở văn phòng riêng của con, chuyên lo việc đại diện cho những người tù án tử hình.

Lee mở lớn đôi mắt đen còn ướt nước mắt nhìn anh cháu. Bà mừng vì Adam sẽ sống gần bà nhưng cùng lúc bà lại nghi ngại:

– Con suy nghĩ kỹ đã rồi hãy quyết định. Cô sợ con sống không nổi ở đây.

Adam không biết chàng cũng bướng và cứng đầu như ông nội chàng khi chàng nói:

– Không nổi cũng phải nổi.

Ngưng trích.

CT Hà Ðông: Tôi chọn cái tên Mang Xuống Tuyền Ðài choThe Chamber vì nhân vật ông già Sam Cayhall không phải là thủ phạm vụ đánh bom làm chết người. Ông là tòng phạm. Năm xưa khi bị bắt, ông không khai ra thủ phạm. Ông chịu chết mà không khai.

Tôi gửi lời cám ơn đến Minh và Nam, hai anh  hiện sống ở Sài Gòn.

Tôi tặng bài viết này cho những bạn thích đọc những  tiểu thuyết phóng tác, tiểu thuyết dịch của tôi.

Những năm 1992, 1993, khi dịch The Chamber ở Sài Gòn, nhiều đoạn truyện làm tôi xúc động ưá nước mắt. Hôm nay, một ngày cuối đời tôi ở xứ người, khi viết bài này, những đoạn truyện tả tình cảnh cô cháu Lee-Adam vẫn làm tôi xúc động.

Chiều nay đọc lại bài này, nước mắt tôi ứa ra.

Khi dịch The Chamber – Mang Xuống Tuyền Ðài – tôi không phải là Công Tử Hà Ðông, tôi là

HOÀNG HẢI THỦY

8 Responses

  1. Bai nay hay lam !Ong dung viet ve nhung thu han nam xua nua.Nhung bai ”thu han” cua ong doc qua la mat hut .Nhung bai nhu the nay no con am vang mai trong toi.Toi da doc ong tu nam 82,83 luc ong con la “Nguy cong tu” khi ong gui qua Uc cho ong Nhat Giang

    • những năm đó công tử còn nghèo,cần tiền để trang trải cuộc sống nên bị Nhất Giang lợi dụng.Tôi đặt một giả thiết là nếu công tử mà biết rõ Nhất Gian(g) là loại người nào thì một người có lập trường trước sau như một như công tử thì chẳng đời nào cọng tác với hũi”.Bạn chỉ cần nói bạn chơi với ai thì tôi có thể đoán biết bạn thuộc thành phần nào”thưa ông NV Bang.

  2. Mr Bang ,
    Don’t stop HHT what He wants
    The Best’s still the best

  3. 3/6/2012

    Làm sao mà CTHĐ quên đi được chuyện tù đầy khổ ải năm xưa trong gông cùm cộng sản, tha thứ thì có thể có mà làm sao rộng lượng được với bọn
    mafia cs đang hành hạ dân oan thâu tóm quyền lực tài sản quốc gia chia chác nhau và sẵn sàng làm đầy tớ trung cộng để nó tha cho cái đảng mạt hạ nay thành phường lưu manh trộm cướp dân lành.

    Chúng ta phải đấu tranh đến khi thắng lợi mang dân chủ dân quyền về cho Việt Nam. Các bài viết của CTHĐ có giá trị rất lớn giáo dục giới trẻ hiểu được cơn ác mộng của thế giới-độc đảng cs cầm quyền tai hại như thế nào
    và nếu còn yêu nước Việt, thì ta phải làm gì. Chứ đừng nay cơm no ấm cật, nơi ăn chón ở yên lành rồi thì trồn tránh sự thật quên đi, đừng để nó diễu cười bon “tạch tạch sè” chúng mình, đau lắm.

  4. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA Luật Sư LÊ DUY SAN:
    *1/ Việt Cộng chết hết và chết một cách thảm khốc.
    *2/ Thân Cộng chết hết và chết một cách thảm thương
    *3/ Những kẻ có những lời nói, hành động làm lợi cho Việt Cộng hay gây chia rẽ hàng ngũ người Việt Quốc Gia, mạ lỵ những ngưòi chống Cộng cũng chết hết và chết một cách thảm hại.

    • Chúng ta cùng góp lời cầu nguyện(và có hành động) cho lời cầu nguyện sớm thành thực tế

  5. Ông luật sư này muốn cầu nguyện ai để 4.5 triệu việt cộng, 15 triệu người việt thân cộng chết thảm khốc ? Chúa hay Phật ? Ông quả là có lòng thương dân yêu nước !

  6. Dung la chu HHT cu viet het nhung su that cuoc song duoi che do cb de cho con chau thoi nay va ngay sau doc duoc nhung toi ac cua cs bac viet

Leave a reply to william michael Cancel reply