• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

ƯỚC MƠ và HIỆN THỰC

Tội đồ Lenin chết đã 70 năm vẫn bị người Nga căm hận, trừng phạt.

Tội đồ Lenin chết đã 70 năm vẫn bị người Nga căm hận, trừng phạt.

Không biết loài vật có ước mơ như loài người không? Tôi chắc loài vật cũng có những ước mơ, những mộng mơ như loài người. Như con hổ bị bắt nằm trong chuồng sắt ước mơ được trở lại rừng thẳm, như con chim bị nhốt trong lồng tre ước mơ được tung cánh tự do bay ngoài trời rộng. Tôi nghĩ ước mơ không phải là một khả năng riêng của loài người.

Con người khi đau khổ ước mơ được sung sướng, khi thiếu thốn ước mơ được có những gì mình cần có. Riêng tôi, tôi thấy tôi thường có những ước mơ thật tầm thường. Như trong lúc 5 giờ một buổi chiều mùa nắng năm 1977 trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân Sài Gòn của bọn Công An Việt Cộng Chuyên Bắt Nhân Dân, khi bọn cai tù đi điểm số tù nhân xong, chúng đóng tất cả những ô cửa gió trên những cửa sắt sà-lim, tôi đứng áp má vào cửa sắt ghé mắt nhìn qua khe cửa gió ra ngoài trời.

Lúc ấy trời Sài Gòn  vàng ánh nắng chiều, qua khe cửa gió tôi nhìn thấy những ngọn cây sao vệ đường Chi Lăng lả ngọn trong gió chiều. Tim tôi bỗng chan hòa thương nhớ.

Lenin bị dân Nga cưa đầu, bỏ trong xe rác.

Lúc ấy tôi bồi hồi nhớ thời gian vợ chồng tôi sống túng thiếu năm 1964. Ðó là những tháng sau khi nhật báo Sàigònmới, nhật báo Ngôn Luận – hai sở làm chính của tôi – bị đóng cửa, tôi về làm nhật báo Ngày Nay, chủ nhiệm Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, chủ bút Vũ Khắc Khoan, được vài tháng thì báo Ngày Nay chết vì không bán được, vì báo hết vốn. Vợ chồng tôi phiêu dạt vể sống trong một căn nhà nhỏ ở Hẻm Chuồng Bò.

Bẩy, tám, chín, mười mươi năm xưa, chắc cũng như Bến Tắm Ngựa đường Yên Ðổ, như Khu Chuồng Chó ở Ngã Ba Chuồng Chó, nơi này trước kia có một hay nhiều chuồng bò nên có tên là Khu Chuồng Bò. Có hai đường vào ra Khu Chuồng Bò, một ngả ra đường Hai Mươi, bên kia đường là rạp xi-nê Long Vân và trường Phan Sào Nam, một ngả ra đường Petrus Ký, chỗ bến xe đò đi Ðàlạt.

Ðang làm được đến 20.000 đồng mỗi tháng, đến giai doạn đời tôi đi vào chu kỳ đen hơn mõm chó mực ấy, tôi kiếm được mỗi tháng khoảng3.000 đồng, làm gì mà vợ chồng tôi không vất vả, tiền nhà đã mất mỗi tháng 800 đồng. Ðói thì không đói nhưng vất vả, thiếu thốn thì quả là có. Có những buổi chiều có tiền, hai, ba trăm thôi, vợ chồng tôi đưa ba con chúng tôi ra đầu đường Pétrus Ký ăn cơm tấm. Gánh cơm tấm vỉa hè thật sạch, thật ngon, thật rẻ, khoảng 5 giờ chiều mới được gánh ra. Những buổi chiều mùa nắng xa xưa ấy ba con tôi còn nhỏ, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi. Các con tôi đã tắm, thay quần áo mới, trông chúng sạch, xinh, dễ thương làm sao. Gió chiều thổi có thể nói là lồng lộng trên Ngã Sáu Lý Thái Tổ.

Những buổi chiều xưa cùng vợ con ăn cơm tấm vỉa hè ấy tôi không biết là tôi sung sướng, tôi được ban ân phúc. Buổi chiều trong sà-lim Việt Cộng, đứng áp má vào cửa sắt nhìn qua khe cửa gió ra ngoài trời, nhớ những buổi chiều cùng vợ con ăn cơm tấm vỉa hè Ngã Sáu Petrus Ký vào giờ này năm xưa, tôi nghẹn ngào muốn khóc, đến lúc ấy tôi mới biết những buổi chiều xưa ấy đời tôi tràn đầy hạnh phúc.

Và lúc ấy, lúc áp má vào cửa sắt sà-lim, nhớ lại như thế, tôi nồng nàn ước muốn tôi được trở về với hè phố Sài Gòn thân yêu của tôi, tôi ước giờ này tôi được đi trên đường Lê Lợi đầy nắng vàng, hưởng làn gió mát từ sông thổi đến. Ði thế thôi. Chỉ được đi như thế tôi đã sung sướng. Mặïc mẹ ảnh anh Già Hồ cười toe trên những bức tường thành phố, kệ bố bọn cán Cộâng muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, tôi chỉ cần được đi trên vỉa hè đường Lê Lợi trong buổi chiều nắng vàng đẹp như chiều nay..

Biết rồi! Tù! Khổ! Kể rồi. Sốt ruột! Thưa vâng. Không kể chuyện tù đày nữa, xin chỉ nói đến những ước mơ. Ước mơ và hiện thực, tưcù sự thực, đời thực. Ước mơ thường không đi đôi với sự thực trong đời. Vì thế cho nên có những trường hợp con người tự làm cho những ước mơ của mình trở thành hiện thực.

Những người ấy là những công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa những năm 1976, 1977. Có thể nói tất cả nhân dân Việt Nam Cộng Hòa thù ghét bọn Việt Cộng – số người ưa bọn Việt Cộng ít đến không đáng kể – đến những năm 1976, 1977, ngoài nỗi thù ghét, những người dân VNCH còn khinh bỉ bọn Việt Cộng. Người ta thù ghét bọn cộng sản vì chúngï tàn ác, người ta khinh bỉ chúng vì chúng ngu dốt, vì chúng làm những trò bỉ ổi, bẩn thỉu quá đỗi. Người ta ước mơ “quân ta trở về..” Ước gì quân ta trở về! Ôi..Quân ta mà trở về thì ta sung sướng biết chứng bao! Người ta ước mơ như thế và người ta làm ước mơ ấy thành sự thực, người ta loan truyền nhau những tin hấp dẫn: quân ta ở trong rừng rất đông, quân ta mở cho chúng nó vào Sài Gòn để diệt gọn chúng nó, chúng nó sẽ không có đường chạy, lần này ta đuổi chúng nó về Bắc, lãnh thổ của ta sẽ ra đến Ðèo Cả, Thanh Hóa, rằn ri xuất hiện bên Cát Lái, phi cơ Mỹ thả dù đồ tiếp tế cho quân ta mỗi đêm, dân chúng ở Dốc Mơ, Ðàlạt bắt được nhiều hộp thực phẩm Mỹ thả dù từ phi cơ xuống, quân ta phục sẵn trong thành phố, sẽ ngoài đánh vào, trong đánh ra…

Trên ghế tiệm hớt tóc, tôi được anh chủ tiệm vừa lách tách cây kéo cắt tóc cho tôi vừa nói nhỏ:

_ Chúng nó chết cả đống đến nơi rồi…

Anh chủ là trung sĩ truyền tin, nhà anh mở tiệm hớt tóc, anh không bị đi tù cải tạo, anh nói:

_ Thằng Lê Duẩn phải ký cam kết rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa…

Tôi hỏi:

_ Ký ở đâu? Cam kết với ai?

_ Ký trong hội nghị mật. Cam kết với những nước Anh, Mỹ, Pháp. Lê Duẩn nó xin quốc tế giữ bí mật cho bọn chúng nó yên ổn rút về..

_ Sao anh biết?

Anh quan trọng trả lời:

_ Chúng tôi biết.

_ Sao không thấy Vê Ô A, Bê Bê Xê loan tin gì cả?

Vẫn rất đầy đủ thẩm quyền, anh đáp:

_ Hội nghị bí mật mà, bọn ký giả đâu có biết…

Chán ngấy, tôi muốn nói: “Thôi ông ơi. Chuyện vớ vẩn. Bọn ký giả Anh Mỹ chúng nó không biết mà ông biết..” Nhưng tôi không nói. Nói làm gì. Mình biết đó là chuyện vớ vẩn thì thôi, đừng làm cho người ta mất hứng, mất hy vọng. Làm cho người ta mất hy vọng là độc ác, là có tội. Người ta ước mơ chuyện đó xẩy ra, người ta làm như chuyện đó sắp xẩy ra thật. Thế rồi một tối Lê Trọng Nguyễn nói với tôi:

_ Mày tin không? Có người gặp Hùng Sùi đi bán bánh chưng, bánh giò..

Ðó là thời gian Sài Gòn có tin những người chống Cộng đã kết hợp được với nhau thành tổ chức ở ngay trong thành phố, đông lắm, súng đạn đủ cả, chỉ còn chờ ngày giờ nổi dậy. Tôi thán phục đàn anh nào đó trong phe ta bịa ra chuyện Hùng Sùi tối tối xách giỏ đi bán bánh chưng, bánh giò. Phải công nhận đàn anh có tài sáng tác tuyệt vời, đàn anh sành tâm lý nữa. Ðể làm cho người nghe chuyện ta có những tổ chức võ trang chống Cộng ở ngay trong thành phố là chuyện tin được, chuyện có thật, không gì bằng cho Trung Tá Hùng Sùi tối tối xách giỏ đi bán rong bánh giò, bánh chưng. Không cần phải phụ đề Việt ngữ từ em nhỏ lên ba đến cụ già chín bó khi nghe chuyện cũng thấy, cũng biết liền một khi như thế là Trung Tá Hùng Sùi của quân ta không đi học tập cải tạo, Trung Tá Hùng Sùi giả làm ông bán bánh chưng, bánh giò đi liên lạc, cho tin, trao lệnh cho những kháng chiến quân trong thành phố. Nếu Trung Tá Hùng Sùi mà đi bán bánh giò, bánh chưng thì đúng là ta có “quân ta” ở ngay trong thành phố rồi!

Năm 1977 không khí Sàìgòn sôi động lên vì cái gọi là “Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt”. Người ta nói Thông Cáo này được dán trên bảng Cáo Thị trước cửa cái gọi là – lâu quá quên mất tên gọi đúng – Sở Phụ Trách Ngoại Kiều ở đầu đường Nguyễn Du. Anh Việt Cộng tên là Năm Thạch là chủ nhiệm cái sở này. Mấy năm sau có tin anh bị mất chức rồi bị giết chết. Vụ giết anh bị cho chìm suồng. Thông Cáo được dán ở đó chừng nửa buổi thì bị nhân viên trong Sở ra bóc đi mất. Nhưng có người chép được cái Thông Cáo ngàn vàng ấy. Ðại ý nó như sau:

“Sẽ cho ra đi ồ ạt những nhân viên chính quyền cũ, các sĩ quan quân đội cũ và những người có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ. Thứ tự ưu tiên những thành phần được ra đi như sau:

_ Hồi chánh viên

_ Sĩ quan.

_ Công chức cao cấp

_ Dân biểu, thẩm phán

_ Nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ…”

Tôi được một ông bạn cho xem bản Thông Cáo ấy, bản đánh máy, ngôn từ đại khái như trên. Tôi nhớ bốn tiếng “Ra đi ồ ạt” và “Hồi chánh viên” đứng ưu tiên số một.

Khi nghe nói về cái Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt đó tôi không tin lắm nhưng tôi cũng không thể nói đó là chuyện bịa. Người ta mơ ước được Ra Ði Ồ Ạt, người ta bịa ra Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt. Tôi thán phục đàn anh nào trong cái năm u tối ghê gớm 1977 sáng tác ra bản Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt ấy.

“Ði được thì cái cột đèn nó cũng đi..” Nghe nói đó là lời Nghệ sĩ Trần Văn Trạch nói ở Paris. Toàn thể nhân dân Quốc Gia VNCH không muốn sống với bọn Việt Cộng, gần như tất cả nhân dân VNCH muốn được đi khỏi nước mình. Và không ai bảo ai người ta đã vượt biển ra đi, hàng hàng lớp lớp, liên miên không dứt, bất kể sống chết, nam như nũ, trẻ như già, giầu và nghèo rớt. Bất chấp những chuyện bị bọn Việt Cộng bắt, cho đi tù khổ sai, chuyện phụ nữ bị hải tặc hiếp, chuyện đàn ông, con trai bị hải tặc quăng xuống biển, chuyện thuyền chìm, thuyền vỡ, chuyện thuyền vượt biển lênh đênh  trên biển, đói khát, người phát điên nhẩy xuống biển, người ăn thịt người.., người dân VNCH cứ người sau, kẻ trước xuống những con thuyền ọp ẹp làm cuộc vượt đại dương. Họ làm cho người thế giới phải xúc động, phải kinh ngạc, họ cung cấp cho ngôn ngữ Anh Mỹ danh từ  Boat People. Ước mơ đi khỏi nước để không phải sống với bọn Việt Cộng sôi sục mãi trong trái tim những người dân VNCH.

Những năm 1982, 1983 Sài Gòn có tin “chính phủ Úc nhận dân Việt di cư sang Úc.”  Người ta hân hoan bảo nhau không cần vượt biên nữa, chỉ cần ghi tên di cư sang Úc là được sang Úc. Ði bằng tầu biển, mỗi chuyến tầu ngoại quốc đến tận nơi chở đi 5.000 người. Ði đàng hoàng, đi công khai. Việc ghi tên đơn giản và dễ dàng, chỉ cần làm danh sách ghi tên vợ chồng, con cháu, dâu rể – một gia đình bao nhiêu người cũng được – số nhà, kèm theo một bản in ảnh căn cước tất cả những người có tên trong danh sách, nộp cho người nào đó biết chỗ nộp đơn, không phải đóng qua một đồng lệ phí nào cả, cứ ở nhà chờ, sẽ có người trong tổ chức, được gọi là Tổ Trưởng, một Tổ trưởng phụ trách mấy chục gia đình, đến nhà cho tin, hẹn ngày xuống tầu.

Chuyện di dân sang Úc hấp dẫn vì người đi không phải đóng qua một đồng lệ phí nào, do đó người ta tin nó không phải là chuyện bịp. Tôi không tin cái chuyện di dân sang Úc ngon lành quá cỡ thợ mộc đó nhưng tôi cũng không có tư cách gì để nói đó là chuyện vớ vẩn. Không thể bảo đó là chuyện bịp vì những tổ chức nhận đơn không lấy tiền của ai. Người ta nộp danh sách, nộp ảnh, và người ta nuôi giấc mộng một ngày đẹp trời có người đến nhà bảo:

“Ði..! Ra bến Sài Gòn, ra Vũng Tầu, ra Nha Trang…lên tầu sang Úc..”

Chuyện thần tiên cứ sôi âm ỉ như thế cho đến năm 1983 bọn Công An Việt Cộng xuống tay càn quét những tổ chức nhận đơn di dân sang Úc.

Một trong những tổ chức nhận đơn nổi tiếng nhất là tổ chức của một nhân vật có tên là Năm Biểu, hay Năm Bửu. Tôi không gặp Năm Biểu lần nào, nhiều ông bạn tôi, trong số có các ông bác sĩ, kỹ sư, thẩm phán,  từng gặp Năm Biểu và rất mê tín Năm Biểu. Nhiều ông cho tôi biết:

“Ông Năm”, tức Năm Biểu,  từng lên máy bay sang Úc trao danh sách di dân, ký nhận đất với chính phủ Úc, được Thủ Tướng Úc chào đón, rồi lại bay về Sài Gòn để lo cho đồng bào đi.

Tôi théc méc tại sao chính phủ Úc không nhờ Công An Việt Cộng làm việc nhận đơn xin di dân mà lại giao việc cho một nhân vật tôi chưa từng nghe nói đến tên bao giờ là Năm Biểu, ông bạn tôi trả lời tại chính phủ Úc không tin bọn Công An Việt Cộng, sợ nhờ  bọn nó sẽ cho toàn những tên đảng viên và những tên thân Cộng đi, vì “Ông Năm” là nhân vật được Thủ Tướng Úc và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ Úc, Quốc Hội Úc,  biết, tin cẩn..v…..v..

Ra toà, Chủ Chốt Năm Biểu bị Việt Cộng phạng 10 năm tù, hai ông phụ tá của Năm Biểu mỗi ông 6 quyển lịch Tam Toong Méo. Tôi quen một ông trong hai ông phụ tá ấy. Ông bị nó tó năm 1983, tháng Năm năm 1985 tôi vào Phòng 10 Khu ED Lầu Bát Giác Chí Hòa, thấy ông ở trần, quần sà-lỏn, trong Phòng 9 cùng khu. Năm tháng qua, tôi được biết bây giờ ông sống với vợ con ông ở Cali, sau cùng ông cũng ra đi Trong Vòng Trật Trầy Orderly Departure Program sang Mỹ như mọi người, ông không có sang Úc, sang Iếc chi cả.

Cũng nghe nói năm xưa ấy ông Nhạc sĩ Lê Thương là một trong những người nhận đơn di dân sang Úc, ông nhận đơn gần như công khai ở nhà ông, có Nữ ca sĩ Mộc Lan giúp ông làm việc ấy. Nghe nói ông chỉ bị bọn Công An Thành Hồ đến nhà tịch thu hết hồ sơ và bắt ông lên sở khai báo liền ba, bốn ngày, nhưng ông không bị bắt giam ngày nào.

Những ngày như lá, tháng như mây… Thời gian vỗ cánh bay như quạ… Năm 1990…, 13 năm sau năm 1977, năm Sài Gòn có bản Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt, Chương Trình Ra Ði Trật Tự ODP – Orderly Departure Program – được thực hiện. Ðúng như lời đã được báo trong Thông Cáo năm 1977: các sĩ quan, công chức cao cấp, các dân biểu, thẩm phán VNCH được ra đi, được chính phủ Mỹ cho mượn tiền mua vé máy bay, được chính phủ Mỹ cho người đón, giúp đỡ. Có thể nói là “ra đi ồ ạt” vì nhiều chuyến phi cơ bay từ Sai Gòn sang Mỹ có chuyến đông tới 200, 300 di dân tị nạn Việt Nam. Người đi những chuyến phi cơ đông đến như thế, trung tâm ODP ở Sàigòn ngày nào cũng có cả nghìn người đến làm thủ tục phỏng vấn để ra đi, chẳng “ra đi ồ ạt” thì còn là gì?

Tôi thán phục tác giả bản “Thông Cáo Ra Ði Ồ Ạt” năm 1977. Ðại ca ơi, xin Ðại ca nhận lời thán phục của đàn em! Ai bảo ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực? Vẫn biết ở đời mười chuyện thì có đến bẩy, tám chuyện ta không được vừa ý. Nhưng ta đừng đòi hỏi nhiều hơn. Mười chuyện mà có đến hai, ba chuyện ta được hài lòng tôi thấy cũng là đã lắm rồi.

Những ngày như lá, tháng như mây.. Thời gian vỗ cánh bay như quạ.. Ba năm, rồi năm năm, rồi bẩy, tám năm qua đi trên thành phố Sài Gòn nặng những ưu phiền, những khổ nhục, những thù hận. Những mùa mưa đến theo những mùa nắng.. Những nàng trinh nữ hết còn là trinh nữ, những nhan sắc tàn phai, nhưng niềm ước mơ “quân ta trở về” vẫn không phai nhạt một ly ông cụ nào trong tim những người dân VNCH. Người ta thù ghét bọn Việt Cộng đến cái độ có người nói ra miệng”

“Ước gì Mỹ nó thả bom nguyên tử xuống cho chết mẹ chúng nó hết đi..”

Nếu có ai nói:

“Mỹ nó thả bom nguyên tử chúng nó chết mình cũng chết..”

Người đó sẽ được nghe tiếp câu nói xanh rờn:

“Mình chết cũng được, miễn là chúng nó chết..”

Những chuyện kháng chiến quân, phục quốc quân vẫn cháy âm ỉ trong lòng nhân dân, từ lâu rồi người ta ước mơ “quân ta” có tiếng nói, tức “quân ta” có đài phát thanh; bẩy, tám mùa lá rụng đã qua, bây giờ đến lúc người ta không còn ước mơ nữa, người ta đòi hỏi “quân ta” phải có tiếng nói, tức “quân ta” phải có đài phát thanh, “quân ta” ở đâu cũng được, “quân ta” chưa kéo về cũng được, nhưng “quân ta”, nếu thực sự có “quân ta”, và nếu “quân ta” mạnh đến cái độ có thể đuổi bọn cán binh Bắc Việt Cộng chạy về Bắc không kịp vác theo cái tượng anh Già Hồ trước Tòa Ðô Chính, thì quân ta phải có đài phát thanh, quân ta phải có tiếng nói để nói chuyện với nhân dân. Ðầu năm 1984 ước mơ và đòi hỏi ấy của nhân dân trở thành hiện thực.

Ðầu năm 1984, ra Tết được mấy ngày, có tin “ ta “ có đài phát thanh! Vài người ở Nha Trang tình cờ bắt được tiếng nói của quân ta, tin ấy truyền nhanh vào Sài Gòn. Tôi là một trong số những người Sài Gòn đầu tiên bắt được tiếng nói của quân ta trong radio. Ðó là Tiếng Nói Ðài Phát Thanh Hoàng Cơ Minh, phát thanh về nước từ biên giới Thái Lan hay ở đâu đó ngoài nước, một ngày 5 buổi phát thanh. một buổi một giờ đồng hồ. Buổi phát thanh cuối cùng trong ngày vào lúc 10 giờ khuya, giờ Sài Gòn. Vợ chồng tôi vỡ tim khi nghe Thái Thanh hát Quê Em;

_ Quê em miền trung du
Ðồng quê lúa xanh rờn
Giặc tràn lên đốt phá
Anh về quê cũ, đi diệt thù giữ quê
Giặc tan đón em về..

Năm 1984 Thái Thanh ở Sài Gòn. Không biết có lần nào cô nghe đài phát thanh Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh không, không biết nếu cô nghe tiếng hát của cô từ nơi xa lắm vẳng đến tai cô, cô có cảm nghĩ gì, vợ chồng tôi đã nghe cô hát Quê Em nhiều lần, khi nghe tiếng cô hát Quê Em qua đài phát thanh Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh vợ chồng tôi vỡ tim.

Tim chúng tôi vỡ thật sự, sau đó chúng tôi nhặt nhạnh, chắp nối, vá víu, dán hồ, dán băng keo những mảnh tim vỡ của chúng tôi lại, nhưng thật sự là khi nghe cô hát Quê Em những đêm xưa ở Sài Gòn, tim chúng tôi vỡ.

Và thời gian lại qua đi… qua đi..! Có những ước mơ thành sự thực, có những ước mơ mãi mãi chỉ là những ước mơ. Trong những ước mơ không bao giờ thành sự thực ấy có ước mơ “quân ta trở về”. Than ôi… Quân ta không bao giờ trở về cả! Một đi là quân ta đi luôn. Năm 1989 ở Trại Lao Ðộng Khổ Sai Z 30 A Xuân Lộc, Ðồng Nai, tôi được tin bọn Tầu Cộng đàn áp, bắn giết người Tầu biểu tình chống chúng ở Thiên An Môn, tin nhân dân Lỗ-ma-ni nổi dậy đập phá gông cùm cộng sản, lôi cổ vợ chồng tên Sô-sét-cu, Ðảng trưởng Ðảng Cộng Sản Lỗ ra, dí súng vào đầu bắn bỏ, tin nhân dân Ðức hai miền Tây, Ðông đập phá bức tường ô nhục Berlin!

Anh em tù chúng tôi “phấn khởi, hồ hởi.” Riêng tôi chưa bao giờ tôi ước mơ tôi được thấy chủ nghĩa cộng sản bị liệng vào thùng rác của nhân loại, như mọi người tôi chỉ mong bọn đảng viên cộng sản giảm bớt những hành động tàn ác của chúng, vậy mà trong đời tôi tôi đã thấy bọn đảng viên cộng sản, sau một thời hoành hành, bị nhân dân nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít đưổi đi, tượng đá, tượng đồng những tên đầu xỏ cộng sản bị nhân dân lôi cổ xuống, kéo ra nằm ở những bãi rác…

Cộng sản nó đổ ở nhiều nơi, cộng sản nó chưa đổ ở đất nước tôi, nhưng mà rồi thì cộng sản nó cũng phải đổ ở đất nước tôi thôi. Chuyện ấy chắc như bắp rang, chắc như gỗ lim, chắc như cua gạch, gốc nó đã thối, nó chỉ là cái cành èo uột, nó không sao có thể sống được. Chỉ có điều thế hệ chúng tôi có tuổi xuân thì bay bướm những năm 1960, năm nay đã là năm 2003, chúng tôi không còn có mặt bao lâu nữa ở cõi đời này, chúng tôi muốn được thấy cộng sản nó chết trước khi chúng tôi ra đi, nên chúng tôi sốt ruột…

Tôi tin chắc một điều
Một điều tất yếu
Là ngày mai mặt trời sẽ chiếu.
Tôi lại nghĩ một điều
Một điều sâu thẳm
Là đêm tàn Cộng sản tối tăm
Có thể kéo dài hàng mấy mươi năm
Và như thế sẽ buồn lắm lắm
Cho kiếp người sống chẳng bao lăm.

Năm 1969 sống trong ngục tù miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã biết, đã nói, chắc hơn bắp rang, chắc hơn cua gạch, bọn cộng sản sẽ bị nhân dân bợp tai, đá đít đuổi đi, Thi sĩ chỉ hơi lo về chuyện bọn cộng sản có thể kéo dài thời gian hấp hối của chúng đến vài chục năm rồi mới chịu ngã ra chết. Tôi cũng sốt ruột ghê lắm chứ, nhưng tôi nghĩ…

Bọn cộng sản không có thể nào sống lâu hơn được nữa, cho chúng nó sống, chúng nó cũng không sống được. Cộng sản đã rẫy chết từ năm 1969 khi nhà thơ tù ngục làm những dòng thơ trên về nó. Như thế cái gọi là “đêm tàn Cộng sản tối tăm” đã kéo dài, đã ngắc ngoải từ ấy đến nay, năm 2003, là hơn 30 năm. Hơn thế nữa, ngay từ lúc nó mới sinh ra đời, nó đã rẫy chết. Nó ra đời ở Nga năm 1920, nó rẫy chết tới nay là 83 năm rồi còn gì! Nó đã chết từ mười mấy năm nay ở Nga, ở Ðức, ở Ba Lan, Hung, Tiệp, nó đã chết ở Tầu, ở Cuba, ở CuBốn, ở Việt Nam, ở khắp mọi nơi. Chỉ còn cái xác nó nằm thoi thóp đấy thôi.

Một ước mơ lớn của chúng ta, của cả loài người, đã thành hiện thực: bọn Cộng sản đã chết! Ai bảo ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực? Mấy thằngViệt Cộng ngắc ngoải sống cũng như đã chết.

o O o

Năm 1981 ở tù về tôi gặp Dương Hùng Cường. Bị bọn Bắc Việt Cộng bắt  tù vì tội là sĩ quan Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, Cường về trước tôi một năm. Cường bảo tôi:

_ Có Trần Tam Tiệp, trước làm thơ khôi hài đăng ở Con Ong, ký tên Ðạo Cù, hiện ở Paris, gửi thuốc về cứu trợ anh em. Tôi đã báo cho Tiệp biết ông về và cho Tiệp địa chỉ của ông. Kỳ quà tới sẽ có ông đấy.

Trần Tam Tiệp là Trung Tá, anh ở Không Quân, nhưng hình như anh không bay mà có thời giữ về an ninh phi trường. Tiệp ở Paris, năm ấy anh là Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Văn Bút Quốc Tế giúp cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại một số tiền để cứu trợ những văn nghệ sĩ Việt Nam trong nước, Tiệp dùng số tiền ấy, và những khoản tiền anh quyên được, mua thuốc Tây gửi về cho chúng tôi. Trong mấy năm liền, một số anh em chúng tôi nhận được đồ cứu trợ do Tiệp gửi cho đều đều. Hai, ba tháng một lần chúng tôi được giấy gọi đến nhà phát đồ nước ngoài ở đường Cô Giang nhận những thùng thuốc Tây từ Paris gửi về. Những hộp giấy carton một ký, hai ký của Bưu Cục Pháp trông thật đẹp.

Tôi được biết Trần Tam Tiệp từ đấy. Tôi gọi anh là Dượng Ba, Cường cũng quen gọi anh là Dượng Ba. Rồi Cường và tôi bị bọn Công An Phản Gián Cộng Sản bắt năm 1984. Cường chết trong tù. Năm 1990 tôi trở về mái nhà xưa, Tiệp không còn hoạt động trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Năm 1994 vợ chồng tôi đến Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Từ Paris Tiệp gọi điện thoại đến tôi một lần, hai lần, rồi im luôn. Sau đó tôi được tin Tiệp bị kích ngất, Tiệp bị liệt. Tôi biệt tin của Tiệp.

Tám năm qua thật mau. Mới đây nhờ ông bạn Mai Trung Ngoc, chủ Nhà Sách Nam Á ở Paris, tôi được nói chuyện qua phone với Trần Tam Tiệp. Sau đó tôi được thư của Tiệp.

Paris, 15 hay 16.4.2003 sắp sửa Paques Chúa sống lại

Anh chị Hoàng Hải Thủy ơi

Thật là cảm động khi được nói chuyện trực tiếp dù qua điện thoại với ông bà. Tám năm rồi, ngày 13.5.2003 là 8 năm đó, đầy đau thương nhưng tôi vẫn sống được, nhờ con và các cháu nó có lòng thương

Hôm nọ gặp Mai Trung Ngọc, chủ nhà xuất bản Nam Á, biết nhà tôi, lên lầu chơi, cho ngồi xe lăn đưa đi ăn phở rồi gọi điện thoại cho ông. Cám ơn ông nhiều, tôi cũng đã đọc lại cuốn “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” do Việt Cộng viết năm 1992 và bây giờ do ông viết trả lời chúng. Sau đó tôi đọc cuốn “Sống và Chết ở Sàigòn”. Thật là kỳ thú. Cuốn “Sống và Chết ở Sàigòn” gợi nhớ lại dĩ vãng ít ỏi còn sót lại trong tôi. Tôi nhớ lại khi bị Tây bắt rồi đến 1950 được thả đi khóa 1 Nam Ðịnh nhưng bị sốt thương hàn nên được hoãn lại đi khóa sau tức là khóa II Thủ Ðức. Vào Sàigòn được gặp lại bạn volley ở sân Tòa Thị Chính Hà Nội trong những ngày đợi đi khóa II Thủ Ðức, có gặp được Phan Lạc Phúc, vào Thủ Ðức có gặp Phúc Khàn cùng trung đội, có cả Ðỗ Việt sau đó gặp lại trên tàu đi Tây học, chỉ có cái chưa gặp và quen ông thôi.

Bạn bè quen biết chết cũng nhiều, năm 1987 hay tin buồn, vợ chồng Dương Hùng Cường chết để lại 6 con gái, một con trai, tôi nghe nói chúng nó nay khá, cũng mừng cho các cháu.

Ðược tin ông bà hoài, vì ông viết cho nhiều nơi thỉnh thoảng lại được đọc, vẫn mong một ngày nào được diện kiến ông và nhất là bà Alice. Hôm nói chuyện với ông qua điện thoại chùa của Nam Á, bà Alice cho biết cháu Kiều Giang mới qua với ông bà được vài ngày. Thôi thế cũng mừng gia đình đoàn tụ. Tôi từ khi bị tai biến nói năng khó, mất trí nhớ bây giờ nhớ lung tung chả ra sao nhưng vẫn nhớ Trần Ðức Uyển, cháu Trần Ðức Uyển năm 92 có viết cho tôi là Trần Ðức Uyển mới về và cám ơn tôi đã gửi đồ cho cậu Uyển. Nhân đọc “Sống và Chết ở Sàigòn” tôi có đọc được đoạn ông viết về Trịnh Viết Thành làm tôi nhớ thằng con đầu của nó, cháu tên Kim, năm 1991 tôi sang Hoa Kỳ chơi, ở nhà Bồ Ðại Kỳ, em rể Nguyên Sa, cháu Kim có vẽ cho tôi một bức hình mà tôi còn giữ được đến bây giờ. Ðó là một kỷ niệm thật quí  đối với tôi. Cũng có nhiều kỷ niệm của Ðằng Giao gửi cho tôi kể cả một đại tự Phúc to tổ bố mà năm Hợi Ðằng Giao nhờ thày Tầu ở Chợ Lớn viết rồi gửi cho tôi.

Ông Thủy ơi, có chuyện muốn nhờ ông. Chúng ta mất nước năm 1975, phải chạy ra ngoại quốc. Việc Việt Cộng chiếm được miền Nam là do ý đồ của Hoa Kỳ nhưng có một cái tôi không thể nào chịu được là chúng nó mang tên một thằng mật thám cho Pháp sát hại người quốc gia mà đặt Sài Gòn thành Hồ Chí Minh, thật thối không thể ngửi được lại thần thánh hóa một cách rẻ tiền, vì thế tôi xin ông cùng những ai còn nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến Hòn Ngọc Viễn Ðông, tổ chức một chiến dịch đòi Việt Cộng phải trả cái tên Sài Gòn lại cho Sài Gòn của nhân dân. Xin các ông làm việc ấy để cho con cháu mình không phải gọi thành phố thân yêu bằng cái tên của một tên làm bồi cho Tây ngày xưa.

Muốn viết nhiều cho ông nhưng chữ viết chưa được rõ nét và cũng còn thiếu ý nữa Công Tử Hà Ðông gắng đọc.

Chúc ông bà và Kiều Giang được hưởng một Lễ Phục Sinh hoàn toàn.

Ông có liên lạc được với Ký Giả Lô Răng cho tôi hỏi thăm hắn.

Thân mến
Trần Tam Tiệp    

Ơi… Dượng Ba thân mến của chúng tôi. Dượng yên tâm. Lâu rồi tôi ít khi hứa nhăng, hứa cuội với ai, lâu rồi tôi cũng không còn quả quyết một chuyện gì là hoàn toàn đúng, là nhất định đúng, là nhất định sẽ xẩy ra hay nhất định sẽ không xẩy ra, nhưng chuyện cái tên anh già lưu manh Hồ Chí Minh sẽ bị nhân dân ta quăng vào thùng rác, cái tên nhảm nhí đó sẽ không còn được khoác lên thành phố Sài Gòn thương yêu của chúng ta tôi đoan chắc với Dượng là chuyện sẽ xẩy ra. Trăm phần trăm. Tôi vẫn viết “chăm phần chăm” nhưng hôm nay, với Dượng, tôi phải viết nghiêm chỉnh trăm phần trăm. Dượng còn nhớ chuyện bọn Bôn-sơ-vích Nga đặt tên Lenin cho thành phố  Thánh Peter ở Nga chứ? Trong nửa thế kỷ thành phố Peterbourg bị gọi là Leningrad. Ðể rồi đến những năm cuối thế kỷ tượng Lenin, Thánh Tổ Sư của bọn cộng sản, bị nhân dân Nga tròng xích sắt vào cổ, kéo xuống, cho ra nằm ở bãi rác. Không kèn, không trống, một ngày đẹp trời thành phố Peterbourg trở lại là thành phố Peterbourg, thành phố Sài Gon thương yêu của chúng ta rồi cũng thế thôi.

Bọn đảng viên cộng sản Nga đã bị nhân dân Nga bợp tai, đá đít đuổi đi ở Nga, bọn đảng viên cộng sản Việt rồi cũng sẽ bị nhân dân Việt bợp tai, đá đít đuổi đi! Dượng yên tâm, Dượng Ba ơi… Những gì đã xẩy đến với bọn đảng viên cộng sản Nga sẽ – chắc hơn bắp rang, chắc hơn cua gạch – xẩy đến với bọn đảng viên cộng sản Việt, như trong câu vè tuyên truyền của chính bọn đảng viên cộng sản Việt tôi thấy ở Sài Gòn những năm 1991, 1992:

Liên Xô trước cũng như ta
Mai đây ta cũng như là Liên Xô!

Vợ chồng, bố con tôi vẫn nhớ ơn Dượng, chúng tôi vẫn nhớ, vẫn nhắc đến Dượng luôn. Chúng tôi cầu xin Ơn Trên ban cho Dượng ân phúc bình an. Riêng tôi, tôi mong đêm tàn của bọn cộng sản Việt Nam không kéo dài lâu hơn nữa, tôi mong Dượng và tôi sẽ thấy “Nó” chết trong một ngày gần đây, tôi mong chúng ta thấy “Nó” chết trước khi chúng ta đi khỏi cõi đời này.

Ký giả Lô Răng hiện ở thành phố Sydney, Úc-đại-lợi. Bài Viết ở Rừng Phong này của tôi được đăng ở nhiều báo, trong số có tờ Nhân Quyền ở Úc, tôi chắc “hắn” sẽ đọc bài này và “hắn” sẽ biết Dượng hỏi thăm “hắn”.

7 Responses

  1. Kính chào nhà văn Hoàng Hải Thuỷ

    Thấy ở trong này đăng bài viết của bác, mà họ lại đưa nguồn link sai

    http://vanviet.info/tu-lieu/tieu-thuyet-phoi-o-tng/

    Tiểu Thuyết Phơi-Ơ-Tông

    . Tui ghét cái trò VC ưa chơi trò “nhiễu tin”, làm lệch lạc sai tin tức . Không tôn trọng sự thật . Hình như bác chí đăng bài trên blog này . Vậy thì họ nên nói trích nguồn từ đây chứ

    Tiểu sử

    Kính chúc bác sức khoẻ

    Vòi Voi

  2. KÍnh thưa bác Hoàng Hải Thủy, nhờ có trang này mà con được đọc nhiều bài viết của bác. Vợ chồng con là bạn của anh Hoàng Hài Triều, con trai của bác lúc chúng con còn là thanh niên , chúng con cùng nhóm với anh tại nhà thờ Trần cao Vân trước khi nhà thờ bị chính quyền đóng cửa và trưng dụng, rồi chúng con thất lạc nhau rất lâu…..Biết anh Triều đã lập gia đình và có một đứa con trai, chúng con nhiều lần đến thăm nhưng không thể gặp anh vì chúng con phải lên máy bay đi Mỹ theo diện di dân……Nếu bác tin tức hay số phone của anh Triều hay trang Face book của anh, xin cho chúng con được biết, cam rơn bác rất nhiều…..Cầu xin sức khỏe tràn đầy, bình an dư dật và thịnh vượng đến trên đời sống của bác và chị Kiều Giang cùng mọi người thân yêu trong gia đình.
    Kính chào bác và gia đình.
    Phượng Hoàng
    Email của con là heavencitizens8@gmail.com

  3. Bài này viết ngày 7/ 11 /2016 nên xin báo tin cho nhà văn HHT.biết là
    ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc mới qua đời ở Úc,cách nay vài tháng,
    Trân trọng.

  4. Kinh chao nha van Hoang Hai Thuy

    Thay doan cuoi anh nhac den ky gia Lo rang, xin thong bao cho anh mot tin buon la ky gia Lo rang Phan Lac Phuc cung da ra di ve coi vinh hang cung gan hay hon mot nam roi tai Sydney.

    Xin anh lien lac voi anh Lo ben bao Nhan Quyen de ro them.

    Than men

  5. […] Nguồn : Hoàng Hải Thủy […]

Leave a comment