• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

ĐIỆU VŨ TRONG BÓNG MỜ

pearl1

Ngày 7 Tháng 12, 1941 khi Không Quân Nhật Bản bay đến đánh bom căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở nơi có cái tên Tầu huê mỹ là Trân Châu Cảng – dịch từ cái tên Pearl Harbor – tôi 7 tuổi. Tôi mù tịt về Trân Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai.

pearl2

Ngày 7 Tháng 12, 2014, khi tôi viết về Thế Chiến II, tôi 80 tuổi. Tôi viết bài này như người nhẩy điệu Valse trong căn phòng tối mờ. Ký ức tôi về Thế Chiến Hai như căn phòng tối. Tôi chỉ nhớ hai chuyện về Thế Chiến Thứ Hai:

Những năm từ 1940 đến 1945 mỗi năm ông thân tôi về làng quê một lần. Ông cho tôi đi theo ông trong những lần về làng quê ăn giỗ ấy. Từ thị xã Hà Đông, bố con tôi ngồi tầu điện ra Hà Nội. Từ Bờ Hồ, Hà Nội, ông bố tôi mướn xích lô đạp về làng quê chúng tôi. Xe được mướn cả ngày. Làng chúng tôi cách Hà Nội 20 cây số. Buổi chiều chúng tôi ngồi xích lô đạp về Hà Nội. Khoảng 5 giờ chiều một ngày chúng tôi trở về Hà Nội như thế – tôi không nhớ năm bao nhiêu, có thể là năm 1942, 1943, năm tôi 10 tuổi – xe xích lô đưa bố con tôi lên cầu Sông Cái. Tôi nhìn lên trời Gia Lâm: trời chiều có đến mấy chục chiếc phi cơ Nhật lượn vòng chờ đáp xuống phi trường Gia Lâm. Toàn phi cơ khu trục một động cơ. Tôi nhớ mãi cảnh ấy. Trong tâm trí thơ dại của tôi, tôi thấy không quân Nhật Bản mạnh quá đỗi.

pearl3

Chuyện thứ hai: sau ngày 9 Tháng 3, 1945, tôi đứng bên đường nhìn chiếc quân xa Nhật đưa vị sĩ quan Nhật đi một vòng thăm thành phố. Nhật vừa đảo chính Pháp. Có tin đồn Nhật sẽ chiếm một số nhà dân trong thị xã cho lính Nhật ở. Tôi sợ nhà tôi bị chiếm. Nhưng lính Nhật đóng trong thị xã Hà Đông không nhiều. Họ chỉ chiếm tòa nhà của Công Sứ Pháp.

Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn  bị phi cơ Đồng Minh – tức phi cơ Mỹ – nghe nói từ căn cứ Côn Minh, Trùng Khánh, bay sang đánh bom. Hà Đông không bị tổn thất gì cả. Viết rõ hơn là không bị phi cơ Mỹ đánh bom. Thị xã Hà Đông những năm 1944, 1945 là nơi nhiều người Hà Nột tránh bom vào tạm trú. Chú nhỏ mười tuổi là tôi chỉ một lần nhìn thấy hai phi cơ Mỹ bay qua thị xã. Loại phi cơ gọi là phi cơ hai thân. Sau Thế Chiến, tôi không còn thấy loại phi cơ Mỹ này.

Ký ức của tôi như căn phòng mờ tối trong có những cặp dìu nhau đi trong nhịp nhạc Valse.

pearl4

Tôi kể hai bộ phim Đen Trắng về Thế Chiến Một và Thế Chiến Hai.

Phim Điệu Vũ Trong Bóng Mờ.

Phim được làm trong năm 1940 với tên tiếng Mỹ là The Waterloo Bridge – cái tên vô duyên, cái tên phim nhạt nhẽo không gợi lên trong tâm ý khán giả một hình ảnh đẹp nào – chuyển sang tên Pháp là La Valse dans l’Ombre, sang tên Việt là Điệu Vũ Trong Bóng Mờ. Ông người Việt nào đặt tên cho phim thật hay.

Chuyện Tình Điệu Vũ xẩy ra không phải trong Thế Chiến Thứ Hai mà là trong Thế Chiến Thứ Nhất.

Phim được chiếu ở Sài Gòn, Hà Nội khoảng năm 1950. Nhiều người Việt năm nay – 2014 – tuổi đời sáu bó, có thể chưa từng được xem phím này, không biết gì về bộ phim nổi tiếng này,.

Trên cầu Waterloo ở London, Roy, chàng sĩ quan tình cờ gặp Myra, nàng vũ công ballerina. Hai người yêu nhau ngay từ phút đấu tiên họ gặp nhau. Roy muốn làm lễ kết hôn với Myra trước khi chàng lên đường sang tham chiến ở Âu Châu. Nhưng định mệnh ngăn cản không cho hai người thành vợ chồng hợp pháp. Để làm vợ Roy, Myra bỏ việc trong ban vũ. Một hôm nàng đọc báo, thấy tên Roy trong danh sách những quân nhân Anh tử trận ở Âu Châu. Tuyệt vọng, không việc làm, nàng sa ngã. Nàng trở thành gái chơi đón khách ở nhà ga.

Nhưng báo loan tin sai: Roy không chết. Chàng trở về London và gặp Myra đứng đón khách ở nhà ga. Chàng vẫn yêu nàng, nhưng Myra thấy nàng không còn xứng đáng với tình yêu của Roy, nàng bỏ đi.

Cảnh đầu và cảnh cuối của phim diễn ra trên cầu Waterloo. Phim buồn nhẹ và êm kết thúc với cảnh chàng sĩ quan đi tìm người yêu trên cầu Waterloo, nơi lần đầu chàng gặp nàng.

Phim làm người xem cảm động nhất là cảnh hai người yêu nhau – Roy Robert Taylor, và Myra Vivien Leigh – dìu nhau đi trong điêu nhạc Valse. Bản nhạc này là bài Joyeux Au Revoir mà các đoàn viên Scout hát khi chia tay nhau. Trong phim tiếng nhạc thật buồn.

Giờ đây anh em chúng ta chia tay ra về lòng còn quyến luyến…

Chúng ta lại họp cùng nhau, anh em ta ơi, buồn rầu mà chi.

pearl5

Mời quí vị nhớ lại phim Tant qu’il y a des hommes.

Tên phim tiếng Mỹ là From Here to Eternity. Phim làm năm 1953. Diễn viên Montgomery Cliff, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed. Chuyện phim xẩy ra trong một căn cứ quân sự Mỹ ở Hawai. Thời gian chuyện xẩy ra là ít ngày trước Ngày Không Quân Nhật Bản bất thần tới đánh phá Trân Châu Cảng. Phim làm theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ James Jones. Tiểu thuyết bán được 3 triệu cuốn ở Mỹ trong năm xuất bản thứ nhất.

Tôi xem Tant qu’il y aura des hommes khoảng năm 1956, 1957 ở Sài Gòn. Xem phim trên màn ảnh rạp xi-nê nào, tôi không nhớ. Những cảnh tôi nhớ của phim này là cảnh anh lính kèn Monty Cliff thổi kèn đồng truy điệu anh lính trơn Frank Snatra bị chết, và cảnh Deborah Kerr, vợ một sĩ quan ngoại tình với Trung sĩ Burt Lancaster, và Donna Reed, cô gái bán bar trong căn cứ quân sự Mỹ, đứng bên nhau trên tầu biển về Mỹ. Hai nàng nhìn thành phố Honolulu lần cuối. Deborah Kerr buông bó hoa trên tay xuống biển. Nhìn bó hoa theo sóng dạt vào bờ, Deborah Kerr nói:

“Người ta nói nếu bó hoa của mình trôi vào bờ, đó là điềm bác trước mình sẽ trở lại Hawaii.”

Donna Reed đóng vài cô gái Mỹ bán bar trong căn cứ. Cô và anh Lính Kèn Monty Cliff yêu nhau. Trận Không Quân Nhật Bản tấn công Pearl Harbor xẩy ra trong lúc anh Lính Kèn – phạm kỷ luật – đang sống trong phòng cô bán Bar. Tiếng bom nổ rung chuyển thành phố. Cô níu anh lại nhưng anh cứ chạy về căn cứ. Anh về để thi hành bổn phận người lính chiến của anh, anh về để cùng sống chết với các bạn đồng đội. Thành phố đang có thiết quân luật; anh Lính Kèn bị quân cảnh Mỹ bắn chết trên đường phố.

Những năm 1951, 1952 tôi được xem một số phim ghi lại cảnh những trận tấn công của Lính Mỹ lên những hải đảo là căn cứ quân sụ của Nhật ở Thái Bình Dương. Phim ghi những hình ảnh chiến đấu trong tuyệt vọng của những chiến binh Nhật giữ đảo. Họ bị bao vây nhiếu ngày, bị tấn công dữ dội, họ bị thương, họ thiếu đạn, thiếu thuốc, thiếu ăn, nhưng họ không chịu đầu hàng. Lính Mỹ phải dùng súng phun lửa bắn lửa vào những lô-cốt Nhật. Những chiến binh Nhật tử thủ trong những lô-cốt xác cháy đen thành than. Tôi nhớ cảnh một chiến binh Nhật đứng trên sườn núi, dơ tay vẫy những chiến binh Mỹ đi ngang dưới núi, hô lớn rồi nhẩy xuống tự sát. Tôi kính phục tinh thần chiến đấu của họ.

Waterloo Bridge, From Here to Eternity là hai phim đen trắng. Phim thứ ba tôi kể hôm nay là một phiam mầu Technicolor, một phim có kết cục gọi là Happy-End: Tên Pháp của phim này là “Dieu seul le sait.” – Chỉ có Trời biết.

Deborah Kerr và Robert Mitchum giữ hai vai chính trong phim. Phim có cái tên tiếng Mỹ vô duyên là “Heaven knows, Mr Allison.”

Chuyện phim diễn ra trên một hải đảo trong biển Thái Bình thời Thế Chiến Hai. Robert Mitchum trong vai một chiến binh Mỹ được tầu ngầm Mỹ đưa đến gần một hải đảo. Tiểu đội của Robert được lệnh lên đảo lập một đầu cần quân sự. Nhưng khi tầu ngầm nổi lên mặt biển, khi đội Lính Mỹ đang lên suồng vào đảo, chiến hạm Nhật ập đến. Tầu ngầm Mỹ phải lặn xuống. Chỉ có một mình anh lính Robert vớ được cái phao, trôi giạt vào đảo.

Lên đảo, anh lính gặp một nàng nữ tu Deborah Kerr. Nguyên trên đảo có một số dân có đạo, có một nhà thờ công giáo. Nữ tu Deborah – chưa chính thức là nữ tu – cùng một linh mục đến đảo. Hai người được một số dân trên đảo đón tiếp. Nhưng ngay lúc đó chiến hạm Nhật đến ngoài khơi, nã pháo lên đảo. Đám thổ dân chạy lên núi. Ông linh mục chết, cô nữ tu sống một mình trong nhà thờ nhỏ.

Anh lính Mỹ gặp cô trong nhà thờ. Anh sống trong nhà thờ với cô. Chưa được mấy ngày thì lính Nhật đổ bộ lên đảo. Anh Lính đưa nàng nữ tu chạy vào một hang núi. Hai người sống trong đó. Đêm đến anh Lính mò vào mấy trại quân của Nhật lấy trộm thức ăn. Một đêm anh lấy được mấy chai rượu sake. Anh uống và anh say. Anh nói với nàng nữ tu anh yêu nàng. Nàng sợ, nàng chạy ra khỏi hang đá. Trời mưa lớn. Anh Lính bồng được nàng về hang. Nàng nóng sốt dữ dội. Anh săn sóc nàng.

Chiến hạm Mỹ đắm ngoài khơi, nã đại bác lên đảo và chuẩn bị đổ bộ. Anh Lính phá hoại những hầm súng của quân Nhật ở bờ biển, làm cho quân Mỹ không bị tổn thất khi họ lên đảo. Đoạn kết: Anh Lính bị thương, được lính Mỹ khiêng trên cáng xuống tầu. Nàng nữ tu xinh đẹp chạy theo cáng. Trong những ngày đêm sống với nhau trên đảo, anh Lính và nàng Nữ tu có làm tình với nhau không?

Anh không nói, Nàng không kể, không người ngoài nào biết. Câu trả lới của phim là “Chỉ có Trời biết. Dieu seul le sait.”

o O o

Trận Không Quân Nhật Bản tấn cong Trân Châu Cảng làm 2400 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 1718 người bị thương.

Từ năm 1942 khoảng 120.000 người Mỹ gốc Nhật – đa số sống ở California – bị đưa vào những trại tập trung. Họ sống trong những trại tập trung có đủ tiện nghi: bệnh viện, trường học v..v.. Họ được tiếp tục làm những nghề riêng của họ. Khoảng năm 1970 chính phủ Mỹ bồi thường bằng tiền cho một số người Nhật bị tập trung ấy. Mỗi người được hưởng khoản tiền 20,000 Mỹ Kim.

o O o

Từ lâu, những nam nữ diễn viên trong ba bộ phim tôi vừa kể đều đã không còn sống ở cõi đời này.

13 Responses

  1. Kinh Bac CTHD,
    Toi nam nay moi sau bo sau que, nhung da duoc xem cac phim bac noi o tren vi duoc chieu lai khong cuoi 60’s, dau 70’s o cine Vinh Loi va cine Catinat. Tant qu’il y aura des hommes co ten Viet la “Thoi Doi’ va La Valse dans l’Ombre khi toi xem, toi con nho co ten Viet la ‘Lua^n Vu trong bong mo”.
    Kinh chuc bac va gia quyen mot Noel vui ve va mot nam moi tran day suc khoe, an khang, hanh phuc va van tiep tuc viet deu deu.
    Kinh,
    Tien Phung

  2. Bác ơi…Tài tử điện ảnh VNCH có ai tên Anh Tứ không?

    • Gửi bạn Pham Lộc. Diễn viên Anh Tứ ở Hà Nội, đóng phim trước năm 1954. Tôi nhớ dường như ông đóng trong phim Kiếp Hoa. Phim do đoàn Kim Chung thực hiện. Ông Anh Tứ không di cư vào Nam.

    • Gửi bạn Phạm Lộc. Ông Anh Tứ đóng trong phim Kiếp Hoa. Ông ở lại Hà Nội mà không vào Nam năm 1954. Tôi không được biết nhiều về ông. HHT

  3. Xin chúc nhà văn HHT.và gia đình nhiều sức khoẻ
    cũng như may mắn trong Năm Mới 2015 này.

  4. Kính ông HHT,
    Cảm khái cách gì, ông ơi! Ông có biết/nhớ ai dịch tên phim Elle n’a dansé qu’un seul été thành Tóc em chưa úa nắng hè không?
    Ôi Hà Nội, ôi Sài Gòn trong hồn tôi, trong tim óc da thịt tôi.
    Kim Bồng

    • Kính ông Kim Bồng.
      Năm phim Elle n’a dasé…đến Việt Nam, tôi sống ở Sài Gòn. Tác giả ” Tóc Em chưa úa nằng hè” ở Hà Nội, nên tôi không được biết tên ông. HHT

  5. Xin phép Bác cho con share trên facebook.

  6. Thưa ông Hoàng Hải Thuỷ,
    Phim La Valse Dans L’ombre ( Waterloo Bridge ) là truyện tình trong Thế Chiến Thứ Nhì, chứ không phải thứ NHẤT.

    • Unable to find work in London at the height of World War I, American chorus girl Myra Deauville resorts to prostitution to support herself. She meets her clients on Waterloo Bridge, the primary entry point into the city for soldiers on leave. During an air raid, she meets fellow American Roy Cronin, a member of the Canadian Army, and he joins Myra in her apartment.

  7. Chỉ là một ý kiến của bạn nick phan 1941 khi bạn cho là truyện xảy ra vào thế chiến thứ hai
    , đây là một ý kiến khác của tôi At the onset of World War I, British officer Roy Cronin (Robert Taylor) and ballerina Myra (Vivien Leigh) meet and fall in love tức là truyện tình trong thế chiến thứ nhất. Phim này là remake của phim năm 1931 và ra mắt khán giả năm 1940 tức là sau chiến tranh thứ hai 1 năm. Năm 1931 hợp với cốt truyện vì lúc đó chưa có thế chiến thứ hai 1939-1945 tức là 9 năm sạu mới có chiến tranh, vậy có 2 giả thuyết 1) chuyện tình xẩy ra thế chiến thứ nhất và 2) chuyện tình xẩy ra thế chiến thứ hai vì nhà làm phim muốn sửa cốt truyện cho nó mang tính thời sử nóng hổi vì trình chiếu ngay trong đệ nhị thế chiến. Cần xem lại khung cảnh của phim xem có phải là khung cảnh của thế chiến thứ nhất hay thứ hai như cách ăn mặc, xe cộ, phục sức

Leave a comment