• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu

Những năm 1965, 1966, thời cực thịnh của Tiểu Thuyết Kim Dung ở Sài Gòn, anh Đinh Hùng nói với tôi:

– Các cậu đọc truyện Kim Dung, các cậu ca tụng Băng Hỏa Đảo, các cậu không biết tôi đã từng viết một cái đảo như thế trong Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu.

kynugoonkhau.jpg
Những ngày như lá, tháng như mây.. Năm xưa 1965, 1966.. Năm nay 2007.. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh Hùng trong một chiều xanh ở Sài Gòn xưa. Thực ra trong bao nhiêu năm chẳng bao giờ tôi bị thắc mắc nhiều vì câu nói của anh Hùng. Không biết vì sao trong mấy tháng nay, sống cô liêu ở xứ người, tôi nhớ câu nói tôi nghe từ gần 50 năm trước, lời anh Đinh Hùng nói về chuyện anh từng viết về một hải đảo trong tiểu thuyết Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu của anh như Băng Hỏa Đảo trong tiểu thuyết Đồ Long Đao Ỷ Thiên Kiếm của Kim Dung. Năm xưa khi nghe ông đàn anh văn nghệ nói thế, tôi có đôi chút áy náy vì tôi đã không đọc truyện của anh, nhưng mặc cảm ấy chỉ thoáng qua, tôi quên ngay.

Như đã viết, năm nay, qua bao nhiêu mùa lá rụng, bao nhiêu dâu biển, sống buồn ở xứ người, lòng nhớ những chuyện xưa, không biết vì sao, câu nói của anh Đinh Hùng trở lại với tôi, ray rứt tôi: tôi đã có lỗi vì tôi không đọc Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, tôi thấy nay tôi phải đọc Kỳ Nữ Gò Ôn Kháu xem cái hải đảo do anh Đinh Hùng sáng tạo trong đó nó ra sao.

Những năm 1955, 1956 Đinh Hùng giữ mục Thơ Trào Phúng Đàn Ngang Cung trên nhật báo Tự Do, làm thơ khôi hài anh ký tên Thần Đăng – Thần Đèn – anh viết tiểu thuyết cho Tự Do,ký tên Hoài Điệp Thứ Lang, trước sau hai truyện Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La. Đăng xong trên báo, hai truyện được Nhà Nguyễn Đình Vượng – Nguyệt san VĂN – xuất bản khoảng năm 1957. 1958. Năm xưa tôi không đọc cả hai truyện ấy, truyện đăng báo tôi không đọc, truyện in thành sách tôi cũng không đọc.

Năm 2007, ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi tìm đọc truyện Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu để xem đàn anh Đinh Hùng của tôi viết những gì về hải đảo tiểu thuyết của anh, hải đảo anh nói là giống như Băng Hỏa Đảo của Kim Dung, nhưng theo lời anh nói, anh đã viết trước Kim Dung 10 năm.

Những năm 1990, hai tiểu thuyết Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La của Đinh Hùng được tái bản ở Sài Gòn. Hai truyện được bán trong một nhà sách Việt ở Cali. Tôi gửi mua Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu.

Tôi kể về Băng Hỏa Đảo Kim Dung trước. Tôi kể chuyện theo trí nhớ của tôi, tôi đọc Đồ Long – Ỷ Thiên một lần, chỉ một lần, năm 1962. Đây là những gì tôi nhớ:

Sân khấu Đồ Long Đao mở với cuộc tình của Trương Thúy Sơn – Ân Tố Tố. Trên đường hành hiệp giang hồ, Dư Đại Nham, một trong bẩy hiệp sĩ của phái Võ Đang – Võ Đang Thất Hịệp – tình cờ gặp cây đao Đồ Long, một bảo đao mà giới võ lâm thời ấy đồn là chìa khoá mở một bí kíp, ai có bí kíp đó có thể làm bá chủ võ lâm:

Đồ Long bảo đao
Võ lâm chí tôn
Hiệu lệnh thiên hạ
Thùy cảm bất tòng

Bảo đao Đồ Long, vật quí nhất trong võ lâm. Có đao, ra lệnh cho mọi người, ai dám không tuân theo…

Dư Đại Nham lấy được đao Đồ Long nhưng ngay sau đó chàng bị bọn muốn chiếm bảo đao ám toán, chàng bị trọng thương, được đưa về núi Võ Đang, chàng không chết nhưng nằm liệt. Trương Thúy Sơn, người thứ bẩy trong Võ Đang Thất Hiệp, được Sư Phụ Trương Tam Phong, Chưởng môn Võ Đang, cho xuống núi, đến Hàng Châu điều tra tìm bọn nào đã ám hại Dư Đại Nham.

Trương Thúy Sơn gặp Ân Tố Tố trên sông Tiền Đường, chàng 20, 21 tuổi, nàng 16, 17, cả hai cùng trẻ đẹp, họ xứùng lứa, vừa đôi nhưng chàng là đệ tử danh môn chính phái, nàng là ái nữ của Ân Thiên Chính, Giáo Chủ Bạch Mi Giáo, một giáo phái bị gọi là ma giáo, tà giáo. Đôi người trẻ tuổi ở hai phe chính, phe tà, hai võ phái thù địch nhau. Lẽ ra họ không nên yêu nhau, yêu nhau họ sẽ khổ,. Định mệnh cho họ gặp nhau. Họ yêu nhau. Họ sung sướng và họ đau khổ. Định Mệnh an bài.

Ân Tố Tố yêu Trương Thúy Sơn trước. Nàng chủ động trong Tình Yêu của nàng. Ân Tố Tố yêu Trương Thúy Sơn hơn Trương Thúy Sơn yêu Ân Tố Tố. Tố Tố biết Thúy Sơn đến Hàng Châu điều tra vụ ám toán cướp đao Đồ Long, Bạch Mi Giáo của nàng là thủ phạm vụ ám toán Dư Đại Nham, nhưng nàng không thể nói với chàng nàng là một người có trách nhiệm trong vụ ám toán Dư Đại Nham. Vì yêu chàng, nàng không nói sự thật. Vì yêu chàng, nàng dụ chàng xuống thuyền của nàng. Chàng vừa xuống thuyền, thuyền lập tức ra giữa sông, xuôi dòng ra biển.

Ân Tố Tố đưa Trương Thúy Sơn ra đảo Vương Bàn Sơn ngoài biển đông dự Hội Dương Đao Lập Oai, Hội do Bạch Mi Giáo tổ chức để tuyên cáo cho võ lâm biết Bạch Mi Giáo nay làm chủ đao Đồ Long.

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn xuất hiện trong Hội Dương Đao Lập Oai ở Vương Bàn Sơn, Họ Tạ đoạt cây đao, kể tội nhiều người, phóng tay giết người, rồi dùng Thần Công Sư Tửù Hống, hú lên mấy tiếng, người bị nghe tiếng Sư Tử hú ngã ra bất tỉnh, sau đó trở thành điên, không nhớ được chuyện cũ, tức không ai nhớ là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đã đến đảo, đoạt Đao Đồ Long.

Trước khi dùng Thần Công Sư Tử Hống, Tạ Tốn bảo Thúy Sơn, Tố Tố đi ra xa, bịt tai lại để không bị chấn động. Rồi Tạ Tốn nói:

– Ta sẽ ra một hải đảo với cây đao này, ta cần yên tĩnh một thời gian để tìm hiểu tại sao cây đao này có thể chỉ huy được võ lâm, tại sao ai làm chủ cây đao này lại là bá chủ võ lâm. Ở hoang đảo ta cần có bạn, hai người cùng đi với ta ra đảo.

Kim Dung có một cái dở, một cái hay trong đoạn truyện này. Bạch Mi Giáo mở Đại Hội Dương Đao Lập Oai nhưng Giáo Chủ Ân Thiên Chính, Thanh Dực Bức Vương, nhân vật thứ hai của Bạch Mi Giáo, không đến dự Hội, để cho cô gái 16, 17 tuổi chủ trì Đại Hội. Ân Tố Tố không thể là đại diện của Bạch Mi Giáo. Đại biểu những võ phái khác đến dự hội toàn là những chú trẻ tuổi lấc cấc, gà tồ, không giống ai. Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn là một Pháp Vương trong Tứ Đại Pháp Vương của Bạch Mí Giáo, vì mái tóc mầu đỏ nên có biệt hiệu là Kim Mao Sư Vương, nhưng họ Tạ đến đảo phá Đại Hội của Bạch Mi Giáo, khơi khơi cướp bảo đao, giết người và không tỏ ra có chút tình niên trưởng đồng môn nào với cô cháu Ân Tố Tố.

Chắc Kim Dung cunõg biết truyện viết như thế là dở nhưng không tránh được, vì nếu Giáo Chủ Ân Thiên Chính hay Thanh Dực Bức Vương của Bạch Mi Giáo đến đảo chủ trương Đại Hội thì Tạ Tốn không thể đến đó giết người, đoạt bảo đao dễ như thế.

Cái hay trong đoạn truyện này của Kim Dung là cho Tạ Tốn dùng Thần Công Sư Tử Hống làm mọi người trên đảo phát điên, hai chứng nhân Thúy Sơn, Tố Tố bị bắt đi theo, ai là người kể cho võ lâm biết chuyện Tạ Tốn cướp đao? Người kể là Bạch Qui Thọ, một giáo chúng Bạch Mi Giáo. Tạ Tốn đánh Bạch Qui Thọ chết ngất trước khi hú Thần Công Sư Tử, nên Bạch Qui Thọ không bị tiếng hú làm cho điên loạn, mất trí nhớ. Tạ Tốn đi rồi, Bạch Qui Thọ tỉnh lại, kể cho quần hùng nghe chuyện Tạ Tốn đến đảo cướp đao.

Tạ Tốn đưa Thúy Sơn, Tố Tố xuống thuyền. Chiếc thuyền lớn, nhiều lao công phục vụ dưới thuyền. Tất cả những người này đều bị Kim Mao Sư Vương làm cho câm, để không thể nói được chuyện của Sư Vương với người đời.

Thuyền dong buồm ra khơi. Gió nổi, buồm căng gió, trôi trên sóng. Cuộc hành trình đi vào Tình Yêu và Thương Đau của đôi người trẻ tuổi bắt đầu. Trong hoạn nạn, họ sát lại gần nhau. Họ sát nhau đến họ ôm nhau thật chặt trong vòng tay nhau. Sau cuộc ái ân thứ nhất, chàng và nàng nằêm bên nhau trong một góc thuyền ấm, tối, huyền ảo, thơ mộng, nồng nàn, nàng nói:

– Anh yêu.. Em muốn..

– Em muốn gì ?

– Em muốn ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, lúc nào chúng ta cũng gần nhau.

Ân Tố Tố nói, Trương Thúy Sơn không đa tình, không sâu sắc như nàng, nói theo:

– Anh cũng muốn nói với em một câu như thế.

Tôi gọi Đồ Long Đao là truyện của Tuyệt Đỉnh Yêu Thương và Thù Hận. Câu nói của Ân Tố Tố là Tuyệt Đỉnh Tuyên Ngôn của Tình Yêu.

Phiêu lưu lên Bắc Cực mới thật là phiêu lưu. Cần gì biết đi đâu, lo gì ngày mai, họ yêu nhau, họ có nhau là họ sống được. Không chỉ sống được, họ sống hạnh phúc. Ân Tố Tố sung sướng nhất. Nàng biết cuộc tình của nàng với Thúy Sơn sẽ khó bền nếu họ sống trong đất liền. Hai phe chính, tà kình chống nhau sẽ không để yên cho nàng yêu Thúy Sơn.

Thuyền càng lên phía bắc, trời càng lạnh. Giờ đây trên biển có những tảng băng trôi xuống phía nam. Trong một đêm, đôi tình nhân thấy Tạ Tốn ngồi ở góc thuyền bên kia, vừa đánh đàn vừa ca. Guọng ca bi thảm, tiếng đàn não nuột. Bỗng Tạ Tốn nổi cơn hung dữ, nhẩy đến tấn công Thúy Sơn. Võ công của Thúy Sơn không thể địch lại Tạ Tốn. Chàng ngồi xếp bằng trên sàn thuyền, hai tay đưa lên đỡ hai tay Tạ Tốn đánh xuống. Tố Tố kinh hoàng thấy Thúy Sơn sắp chết dưới công lực của Tạ Tốn. Nàng phóng ra hai mũi phi tiêu, bắn trúng hai mắt Tạ Tốn.

Tạ Tốn hét lên, phóng chưởng rầm rầm, Thúy Sơn dắt Tố Tố tránh né. Trong cơn kinh hoàng ấy bỗng có tiếng ầm ầm nổi lên. Bão đến. Gió sóng đánh vỡ thuyền. Ba người rời thuyền nhẩy lên những tảng băng trôi quanh thuyền. Đến sáng tạnh bão, Thúy Sơn, Tố Tố lên được một hoang đảo, Tạ Tốn đã lên đó trước. Lúc này Tạ Tốn đã mù.

Hải đảo họ lên đó là Băng Hỏa Đảo. Đảo ở Bắc Cực nhưng có núi lửa bốc lửa giữa đảo nên không khí ấm, cây cỏ xanh tốt. Đảo không người ở. Ba người quên chuyện họ xung đột dưới thuyền, kết làm anh em, họsống trên đó cho đến lúc Tố Tố sinh Vô Kỵ. Tạ Tốn mù, ngày ngày ngồi lặng trước thanh đao Đồ Long, suy nghĩ, nhưng năm tháng qua vẫn không khám phá được sự bí mật của Đồ Long Đao. Khi Vô Kỵ ba, bốn tuổi, Tạ Tốn nói với vợ chồng Thúy Sơn:

– Ta với vợ chồng hiền đệ có thể sống mãi trên đảo này, nhưng chúng ta không thể để cho thằng Vô Kỵ nó sống như chúng ta. Chúng ta phải cho nó về đất liền để nó sống với mọi người, cho nó sống như mọi người.

Họ chặt cây, đóng bè, thả theo gió, sóng trôi về nam. Phút cuối, Tạ Tốn chặt đứt dây buộc bè, một mình ở lại đảo với bảo đao Đồ Long..

Đó là Băng Hỏa Đảo Đồ Long Kim Dung.

Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu đến Rừng Phong. Đêm, phòng vắng, đèn vàng, an ninh năm chăm phần chăm, tôi nằm đọc Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, đọc để tìm Băng Hỏa Đảo Kỳ Nữ Hoài Điệp Thứ Lang. Tôi tìm không thấy, tôi tìm không thấy vì trong Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu không có cái đảo nào cả, hải đảo giống như Băng Hỏa Đảo Đồ Long Kim Dung lại càng không có.

Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu là tiểu thuyết dã sử, xẩy ra trong đời nhà Trần, những nhóm dũng sĩ Việt chiến đấu ngăn chặn, tiêu diệt bọn quân Nguyên Mông và tay sai đến thám thính nước ta ở vùng rừng núi Lạng Sơn. Chuyện xẩy ra trên đất liền, làm sao có đảo? Chỉ có một đoạn các dũng sĩ Việt đi vào một thung lũng có cây xanh, hoa thắm, suối trong, có tòa cổ tự, trong chùa có Sư Ông. Thế thôi.

Tôi không thất vọng vì trong Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu không có hải đảo. Rất có thể anh Đinh Hùng không đọc Đồ Long, anh chỉ nghe nói đến Băng Hỏa Đảo, anh tưởng thung lũng Hoa Thơm, Suối Ngọt trong Kỳ Nữ của anh giống như Băng Hỏa Đảo Đồ Long Kim Dung.

Ngày nào gặp lại anh Đinh Hùng, tôi sẽ nói với anh;

– Ông ơi, sang Mỹ tôi tìm kỳ được Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu để đọc xem cái hải đảo ông tả trong đó ra sao. Nhưng Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu có cái đảo nào đâu.

Một chiều xưa, ở Nhà Hàng Ngân Đình bên sông Sài Gòn, Mai Thảo nói với tôi:

– Mày biết tại sao Tạ Tốn bắt Thúy Sơn với Tố Tố lên thuyền đi lên biển Bắc không? Tạ Tốn yêu Tố Tố. Tạ Tốn muốn bắt Tố Tố đi theo nhưng bắt riêng một mình Tố Tố thì kỳ quá, nên bắt luôn Thúy Sơn đi theo.

Tôi thấy chuyện ấy rất có thể. Tạ Đại hiệp trạc 35, 40 tuổi, Tố Tố trạc 16, 17 tuổi. Đại hiệp không thể yêu một em nữ sinh ở tuổi con gái mình. Không thể nhưng Đại hiệp cứ yêu. Trên Băng Hỏa Đảo, có lần Tạ Tốn nổi cơn điên, toan hiếp dâm Tố Tố. Thúy Sơn lại phải liều mạng tử chiến với Tạ Tốn. May sao lúc ấy Tố Tố đẻ, tiếng thằng nhỏ Vô Kỵ oe oe khóc làm cho Tạ Tốn tỉnh cơn điên. Tạ Tốn là nghĩa phụ của Vô Kỵ.

Đêm mới yêu nhau trong hải thuyền trôi trên biển lớn, nằm ôm nhau, Ân Tố Tố nói với người yêu:

– Anh ơi..Em muốn ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, lúc nào chúng ta cũng sống gần nhau.

Ôi.. Cảm khái cách gì..! Cảm khái quá chời!

Chiếc bè đưa Thúy Sơn, Tố Tố,ø Vô Kỵ trở về trung thổ, nôm na là về đất liền, lại tức về đất Tầu. Vừa về đến biển Nam, bè gặp thuyền của Dư Liên Châu, người thứ hai trong Võ Đang Thất Hiệp. Dư Liên Châu được Sư Phụ giao trách nhiệm đi đến những hải đảo ngoài khơi tìm tung tích Trương Thúy Sơn. Trên thuyền lớn, Dư Liên Châu bảo Trương Thúy Sơn:

– Hiền đệ hãy để cho hiền muội và cháu nhỏ về Tổng Đàn Bạch Mi, hiền đệ theo ta về Võ Đang gặp Sư Phụ, thưa với Sư Phụ chuyện vợ con của hiền đệ, chờ Sư Phụ dậy ra sao, cho đón hiền muội và cháu nhỏ về núi sau.

Lúc ấy Thúy Sơn đã định nói “Thưa vâng..” Chàng nhìn Tố Tố, thấy nàng đưa mắt nhìn lên trời, rồi nhìn xuống đất, chàng nhớ lại lời nàng nói:

– Em muốn ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, lúc nào chúng ta cũng gần nhau.

Chàng nói với Dư Liên Châu:

– Xin đại ca cho vợ con em được cùng em về núi lậy chào Sư Phụ.

Truyện viết như thế các nhà bình luận văn chương Tầu gọi là “phục ba”, tức làn sóng trở lại. Kim Dung viết có cốt truyện, khi cho Tố Tố , nằm với Thúy Sơn trong thuyền, nói : “Anh ơi..Em muốn.. ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, lúc nào chúng ta cũng gần nhau..” Kim Dung đã tính khi cho đôi tình nhân đó trở về trung thổ, Tố Tố sẽ nhắc cho Thúy Sơn nhớ câu nàng nói, nhớ lời họ đã nguyện cùng nhau.

Ân Tố Tố, không phải Hân Tố Tố. Người Tầu không có họ Hân.

9 Responses

  1. Con chào bác ạ!
    Dạ, con là học viên cao học trường ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh.
    Con đang làm luận văn về Đinh Hùng nhưng hiện nay cháu chưa tìm được tác phẩm này.
    Bác có thể giúp cháu không ạ? Cháu thật sự biết ơn bác. Cảm ơn bác rất nhiều!

    email của con: mytrieunhan@gmail.com

    Con chân thành cảm ơn bác!

  2. toi nam nay 64 tuoi. Ngay con be, toi doc truyen cua ong Dinh Hung tuc Hoai Diep Thu Lang va toi con cat bao truyen cua ong Dinh Hung nua. Do la truyen “Nu Hai Tac” toi khong nho la nam 56 hay 57 tren bao Ngon Luan. trong truyen ba chua cuop bien bat 1 quan trieu dinh xong bi bao troi giat den mot hon dao xa xoi va vo cung lanh leo. Ong Dinh Hung noi dung nhung la truyen “Nu Hai Tac”. Xin gop y kien.

    • Thấm thoát từ lúc tôi cmt năm 2011 đến bây giờ đã hơn 5 năm, lúc đó tôi không biết bỏ dấu. Giờ biết bỏ dấu tôi xin được nói thêm về những tác phẩm võ hiệp lịch sử tiểu thuyết của ông Hoài Điệp Thứ Lang tức thi sĩ Đinh Hùng. Những ai mê đọc truyện kiếm hiệp tức truyện chưởng hay dị ứng với truyện kiếm hiệp do những nhà văn Việt Nam viết, nhưng với tôi truyện của ông Đinh Hùng có thể so sánh với những ông Tàu. Thi sĩ Đinh Hùng có thể nói ngoài thơ ra ông viết truyện kiếm hiệp rất hay, hấp dẫn vô cùng, đọc không chán. Truyện ông viết có hòn đảo là truyện Nữ Hải Tặc, rồi Người đao phủ thành Đại La, đường gươm họ Lý…ông viết cả sang truyện anh chị thời Pháp nhưng mới đăng được một tháng thì ngưng, tôi tiếc ngẩn ngơ vì hay lắm.

  3. Bác ChuongVu ơi, bác có thể vui lòng giúp con được không ạ? Con đang rất cần tài liệu về tác phẩm của Đinh Hùng.
    Xin bác vui lòng liên lạc với con qua địa chỉ email:
    mytrieunhan@gmail.com

    Con chân thành cảm ơn bác ạ!

  4. Con chào bác Hoàng Hải Thủy,
    Bác ơi, bác có thể vui lòng cho cháu bộ sách photocopy “Kỳ nữ gò ôn khâu” của tác giả Đinh Hùng được không ạ? Cháu nghe nói bộ sách này rất hay mà cháu tìm các tiệm sách cũ ở Sài Gòn mà không hề có.

    Xin bác vui lòng liên lạc với cháu qua địa chỉ email:
    bichthuy200976@yahoo.com

    Cháu cám ơn bác rất nhiều.

  5. To Chanh Tam ( blinhxanh@gmail.com )
    thật may tôi đã đọc truyện Kỳ nữ gò Ôn Khâu của Hoài Điệp Thứ Lang – Đinh Hùng vào trước giải phóng do ông chú tôi có, tôi nhớ khi đóng bìa sách ở nhà sách Văn Lang con ông chủ giấu nhẹm mấy ngày chờ coi xong rồi mới trả cho chú tôi khiến chúng tôi bất bình.Khi sau giải phóng gia đình tôi về vùng kinh tế mới vì điều kiện tủ sách không có nên bảo quản không được tốt kết quả mối đã ăn rách toàn bộ tác phẩm trên ( khổ sách 25x 15 rất dày và chia làm 02 cuốn ) .Loại chuyện tiểu thuyết lịch sử thời nhà Trần chống Nguyên Mông trong đó lồng ghép mối tình rất nên thơ của công tử cháu quan trấn thủ nghệ an Trần Kiện ( bán nước cầu vinh ) là Trần Bảo Ngọc và cô tiểu Thư Trần Duyên Hương ở gò Ôn khâu Lạng sơn.
    Đó là một cuốn sách quý và rất hay nếu ngày nay mà các nhà sản xuất điện ảnh dựng thành phim thì đó là một kịch bản tuyệt vời. Rất mong liên hệ được với gia đình nhà văn Đinh Hùng xin cho tái bản cuốn tiểu thuyết trên cùng với Người đao phủ thủ thành Đại La.

  6. Chào bạn, mình đã tìm khắp nơi các tác phẩm của Đinh Hùng thi sĩ mà rất khó để sưu tầm lại được. Nếu bạn có tác phẩm này, rất mong bạn hào hiệp mà chia sẻ cho mình vì mình rất hâm mộ thi sĩ ạ.

    Xin cảm tạ bạn rất nhiều ! Email của mình là: b@nguyenquocbinh.com ạ.

  7. Quý vị vào link này đọc truyện Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu thử xem nhé

    http://vietmessenger.com/books/?title=kynugoonkhau

  8. Tôi là người rất may mắn . Tôi đã được đọc , không phải : được nghe truyện ” Kỳ nữ gò Ôn Khâu” của Hoài Điệp Thứ Lang. Nghe là hồi đó năm 1963 tôi học lớp Nhất ( Lớp 5 bây giờ ) trường Đào duy Từ ở Tam Tòa, Đà Nẵng( Bây giờ đổi tên là trường Hoàng Diệu )  . Năm đó thầy giáo tôi là thầy Tôn thất Chân Tu, một thầy giáo người Huế , rất đẹp trai . Vào những lúc không có bài thầy thường kể cho chúng tôi nghe truyện này . Một câu chuyện dã sử Việt Nam trong thời tao loạn lồng trong một tình yêu thật đẹp . Đến bây giờ , 55 năm sau tôi vẫn hình dung được thấy Tu và câu chuyện hào hùng đó .
    namvu72a@gmail.com

Leave a comment