• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Gió Tanh Mưa Máu

Vẫn tưởng chỉ từ những năm 1960 khi tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung vào ngự trị trên những trang nhật báo Sàigòn ngôn ngữ ta mới có tiếng “mưa máu, gió tanh.” Hai mươi năm sống mỏi mòn trong những nhà tù cộng sản ở quê hương không nghe nói đến “mưa máu, gió tanh”, năm 1995 bánh xe lãng tử đến Cali, lại nghe nói đến “gió tanh, mưa máu.” Nguyên Sa dậy:

— Đồng ý là Cali mưa máu, gió tanh, đồng ý là đồng bào mày nó nhỏ nhen, nó chia rẽ, nó không ra làm sao cả, nhưng nó là đồng bào của mày. Mày là thằng viết văn, mày phải sống với đồng bào của mày mày mới viết được.

Hĩm nói với một người đàn bà:

— Ở đây mưa máu, gió tanh. Đưa nó đi đâu thì đi… Đừng để nó ở đây.

Mai Thảo nói trong buổi họp mặt gặp lại thân hữu và bạn đọc:

— Chúng ta đòi hỏi Công Tử Hà Đông về đây sống với chúng ta.

Sau đó ông nói:

— Mày ở Virginia vậy mà hay đấy.

“Mưa máu, gió tanh” trong tiểu thuyết Kim Dung là những âm mưu và những trận tàn sát nhau để chiếm ngôi minh chủ võ lâm của những bang phái, là những trận kịch đấu kinh hồn, táng đởm như trận Kiều Phong đánh với quần hùng ở Tụ Hiền Trang, “mưa máu, gió tanh” ở Cali là những trận chửi nhau tưới hột sen trên báo của những người Việt làm báo. Nhưng thành ngữ “mưa máu, gió tanh” không phải chờ đến tiểu thuyết Cắm Dzùng ta mới có, ngôn ngữ ta có “gió tanh, mưa máu” từ lâu, chỉ có tôi không biết đó thôi.

Tháng Tám 2003, trong Tạp chí KBC Hải Ngoại, số tháng 11, 2002, có một đoạn trong bài “Lá Cờ” do Phan Nhật Nam viết:

Chúng ta hôm nay cũng tương tự tình cảnh của những người Việt lưu vong đầu thế kỷ 20 ở Sa Khôn, Thái Lan, với tấc lòng đau xót như một lần được Tú Tài Đặng Thúc Hưá, đồng chí của nhị vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, diễn đạt khi nhớ về quê nhà đang trong cơn điêu linh nhục thảm:

Vùng Quế Hải gió tanh, mưa máu, án ba đào vì tình thế xui nên.
Cõi Viêm Bang núi thịt, cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa có.

Ngoài ngàn dặm trông về cố quốc, non sầu, bể thảm, quặn ruột gan chín khúc tơ vò.
Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm, cỏ uá, hoa rầu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ rỏ!

Trang 91 Tạp Chí KBC Hải Ngoại Tháng 11, 2002, đăng:

BIA ĐÁ ĐEN TƯỞNG NIỆM
DÂN – QUÂN – CÁN – CHÍNH VNCH
BỊ GIẾT HOẶC ĐẦY ẢI ĐẾN CHẾT
TRONG CÁC TRẠI TẬP TRUNG CỦA CSVN

L.T.S. : KBC Hải Ngoại tiếp tục đăng danh sách các Cựu Dân – Quân – Cán – Chính VNCH bị Cộng Sản lùa vào những trại tập trung để đầy đọa cho đến chết.

Nếu không có sự can thiệp và đòi hỏi của chính quyền Hoa Kỳ, đặc biệt nhiệm kỳ Tổng Thống Ronald Reagan, thì có lẽ danh sách này sẽ dài vô cùng.

Rất may, thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã lưu tâm đến việc “tắm máu” êm đềm của Cộng Sản Việt Nam khi đã cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, nên Cộng Sản VN đã phải ngừng tay đồ tể.

Danh sách này chỉ là sự sưu tập hạn chế của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Và KBC Hải Ngoại được biết: ngay và sau ngày 30 – 4 – 75, khi Cộng Sản tràn chiếm Miền Nam VN, bọn chúng đã truy lùng, tàn sát từ cá nhân đến tập thể các anh hùng Diện Địa: Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, các viên chức hạ tầng cơ sở, Cán bộ XDNT, đảng phái chính trị, tín đồ giáo phái vv… vùi lấp trong những hố chôn tập thể dẫy đầy trên toàn quốc, hơn cả mấy mươi lần vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968.

KBC Hải Ngoại rất mong quí chiến hữu, quí vị cựu tù nhân chính trị, quí bạn hữu, thân nhân, gia đình, đoàn thể… của các nạn nhân duyệt xét lại và bổ túc thêm để tập danh sách này có thể góp trong hồ sơ TỘI ÁC CỘNG SẢN.

Mọi đóng góp ý kiến, tài liệu bổ túc xin gửi về Toà soạn KBC Hải Ngoại hoặc địa chỉ của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị: Đào Văn Bình, P.O. Box 1808, San Jose, CA 95109. E-mail: TonghoiTCT@aol.com.

(tiếp theo Số 10/02)

– Đại uý Nguyễn Ra – BCH/CSQG Quảng Ngãi – Tự sát khi Cộng Quân tiến vào Quảng Ngãi ngày 25-3-1975.
– Nguyễn Văn Ran – Không rõ cấp bậc cùng đơn vị, chết tại trại tù Đồn Cây Khế, xã Việt Cương. Không rõ năm.
– Thượng sĩ Lê Văn Răng – Bộ phận F ĐặcBiệt/BCH/CSQG Kiến Hoà – Chết tại Trại Tù Suối Máu năm 1979.
– Đại Úy Lương Văn Rành – Chỉ huy trưởng CSQG Lái Thiêu – Bị VC tử hình cuối năm 1975 tại Trại Tù Bến Cát, Bình Dương.
– Đại uý Sanh – Không rõ đơn vị. Tuyệt thực chết tại Trại Tập Trung Nam Hà năm 1980.
– Cảnh Sát viên Minh Sanh – CSQG/ Phượng Hoàng/Vũng Tàu – Bị VC đem thủ tiêu ở núi Bờ Trao, Bà Riạ, Phước Tuy, sau ngày 30-4-75.
– Đại Uý Nguyễn Trường Sanh – An Ninh Quân Đội – Tổ chức Phong Trào Đòi Nhân Quyền, bị bắt nhốt kiên giam đến chết ở Trại Tù Mễ, Nam Hà năm 1981.
– Trung Tá Sáng – Phó Tỉnh Trưởng Nội An Vĩnh Bình – Chết tại Trại Tập Trung 229 Tiên Lãnh – Đà Nẵng.
– Linh Mục Nguyễn Ngọc Sáu – Tuyên Úy Sư Đoàn 7 Bộ Binh – Bị giết cùng 50 người khác sau biến cố vượt ngục tại Khám Lớn Kiến Hoà vào đêm Noel năm 1978.
– Thiếu Uý Hà Minh Tánh – Không rõ đơn vị – Chống đối, bị VC bắn chết ngay tại Trại Tập Trung Trảng Lớn, Tây Ninh năm 1977.
– Trung Tá Nguyễn Văn Tạo – Công Binh – Chết trong Trại Tập Trung ở Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt. Không rõ năm.
– Đại Uý Tâm – Không rõ đơn vị – Vượt ngục tại Trảng Lớn, Tây Ninh, bị đánh đến chết rồi cột dây thừng vào cổ kéo về trại chứ không cho khiêng, khoảng tháng 10, 1976.
– Thiếu Tá Hoàng Tâm – Không rõ đơn vị – Chết trong trại tập trung ở Hốc Môn, Gia Định, năm 1976.
– Ông Lê Công Tâm – Phó chủ tịch Hội Đồng Tỉnh An Giang – Chết tại trại giam Kinh 7 Ngàn, tỉnh Chương Thiện.
– Cai Tổng Nguyễn Duy Tâm – Bến Tre – Bị xử bắn tại sân banh Thạnh Phú, Bến Tre, ngày 25-4- 1979.
– Trung Úy Nguyễn Duy Tâm – Không rỡ đơn vị. Chết đưối tại trại tập trung A 30 năm 1980.
– Thiếu Uý Nguyễn Văn Tân – An Ninh Quân Đội – Bị kết án tử hình ở Trại 1 Tiên Lãnh và đem bắn ở sân vận động năm 1981.
– Trương Thanh Tân – Không rõ cấp bậc và đơn vị – Chết tại An Điềm, Quảng Nam.
– Thiếu Tá Tấn – Bộ Binh, không rõ đơn vị. Chết vì bệnh lao phổi tại Trại 7 Hoàng Liên Sơn ngày 5-9-1976.
– Thiếu Tá Trần Ngọc Tấn – Quận Trưởng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Chết trong trại tập trung không rõ năm.
– Đại uý Trương Văn Tến – Phòng 2 Tiểu Khu An Giang – Vượt ngục, bị xử tử ở Trà Nóc, Cần Thơ, năm 1976.
– Trung Úy Thạch – Trường Bộ Binh Thủ Đức – Chết tại Trại Tập Trung Bổ Túc, Tây Ninh, năm 1977.
– Sử Hồng Thạch – Phó Xã trưởng Phú Tâm. Chết tại Trại Cồn Cát, Sóc Trăng, năm 1977.
– HQ Thiếu Tá Nguyễn Quang Thái – Trưởng Phòng An Ninh Hạm Đội. Chết tại Trại Hoàng Liên Sơn năm 1979.
– Ô. Nguyễn Văn Thái – Xã Trưởng Hoà Lương, quận Hiếu Đức. Chết năm 1978 tại Trại Tù An Điềm, Đà Nẵng.
– Thiếu Úy Phạm Văn Tham – Cảnh Sát QG Vũng Tàu, chết tại trại Nam Hà A, năm 1979.
– Ô. Phạm Minh Thám – Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chết ở trại Hà Tây năm 1978.
– Trung Tá Thanh – Pháo Binh – Chết ở Trại Hoàng Liên Sơn.
– Trung Tá Cù Khắc Thanh – Quân Vận Tiểu Khu Long An. Bị kết án chung thân, thả về thì chết liền ngày 2-9-95.
– Đại Uý Kim Um – Đã giải ngũ, trước phục vụ ở Sóc Trăng. Chết ở Trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai Kontum năm 1980 vì kiệt sức.
– Đỗ Văn Ưng – Không rõ đơn vị, cấp bậc. Chết tại Trại Tù Đồn Cây Khế, xã Việt Cường, không rõ năm.
– Trung úy Hoàng Ứng – Biệt phái Ty Canh Nông Đắc Lắc, Ban Mê Thuột- Chết tại Ty Công An Đắc Lắc.
– Ô. Võ Văn Ứng, thường gọi là ông Bầu Ứng, chủ nhà hàng Nam Đô, Sàigòn, ông bầu đội Túc Cầu VNCH. Chết tại Trại Hà Tây, không rõ năm.
– Trung Úy Văn – Trưởng Cuộc Cảnh Sát xã Kinh Cùng – Bị bệnh nặng, tha về đến nhà thì chết.
– Đại Úy Nguyễn Công Văn – Cảnh Sát QG. Chết tại Trại Hoàng Liên Sơn. Không rõ năm.
– Đại Tá Lữ Phụng Vân – Cựu Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Pleiku (1956). Đứt mạch máu (?), bại liệt, được đưa từ Trại Long Giao về đến nhà thì chết, năm 1975.
– Đại Uý Nguyễn Văn Vân – Cảnh Sát QG. Chết tại Trại Tân Lập, Vĩnh Phú.
– Nhà báo Huy Vân – Chủ bút Nhật Báo Tiền Tuyến. Nhóm Thi Văn Tao Đàn. Chết ở Trại K 4 Vĩnh Phú.
– Trung Tá Lương Vận – Quận Trưởng Quận An Phước, Ninh Thuận. Chết tại Trại Sông Cái, Phan Rang, năm 1978.
– Giáo sư Nguyễn Duy Xuân – Cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ – Chết tại Trại Nam Hà, Bắc Việt, tháng 4 năm 1986.
– Trung tá Huỳnh Như Xuân – Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Đàlạt. Chết tại trại tù miền Bắc.
– Đại Uý Nguyễn Xuân – Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận 1 – Chết tại Trại 3 Cẩm Nhân – Đoàn 776, Liên Trại 4.
– Đại Uý Nguyễn Xuân – Trưởng Kho Xăng Qui Nhơn- Chết ở Trại Tù Tây Ninh năm 1979.
– Trung Tá Phạm Minh Xuân – Thiết Giáp – Cướp tầu vượt trại không thành, bị bắt nhốt kiên giam, tự cắt đứt mạch máu ở cổ tay tự sát tại Trại 3 Liên Trại 1, Hoàng Liên Sơn (Nghĩa Lộ) năm 1976.
– Thượng Sĩ Lê Văn Xảnh – Chủ Tịch Hội Đồng Xã An Hiệp, Ba Tri, Kiến Hoà – Mổ bụng tự sát ở Trại Tù Xuân Phước, tỉnh Phú Khánh năm 1982.
– Thiếu Tá Yên – Quân Vận Tiểu Khu Kiến Hoà – Chết vì bệnh phù thũng ở Trại Xuân Phước, Phú Khánh năm 1982.
– Trưởng Ấp tên An – Không rõ địa danh. Trước ngày 30-4-75 bỏ trốn theo Việt Cộng, sau đó bị Việt Cộng trở mặt, đập đầu cho đến chết tại bìa rừng Bến Giá, tỉnh Cửu Long.

Chỉ là một trang danh sách trong không biết bao nhiêu trang danh sách những công dân Quốc Gia Việt Nam CH bị bọn Bắc Việt Cộng giết hại trong những nhà tù khổ sai. Sẽ không bao giờ những người Việt Nam sẽ đến cõi đời này biết được đích xác số người Việt Nam ông cha họ bị cộng sản giết chết trong những nhà tù, cũng như họ sẽ không bao giờ biết đích xác con số người Việt chết trên biển đông trong cuộc bỏ nước ra đi vì ghê tởm chế độ cộng sản.

Trong danh sách trên tôi được quen biết hai người: Ông Bầu Ứng và anh Huy Vân. Ông Bầu Ứng bị đi tù cộng sản vì ông là nhân sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi từng làm việc chung với anh Huy Vân trong những năm 1966, 1967 khi tôi ở trong tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến. Dường như năm 1975 anh là Đại Uý.

Tôi xin góp tên của 3 người đã chết tôi biết rõ:

– Anh Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn, chết ở Trại Tù Xuyên Mộc năm 1979. Bị bắt tháng 3 năm 1976 trong đợt chúng bắt những văn nghệ sĩ Việt Nam CH, sau 3 năm tù, anh Côn đòi Việt Cộng phải thả anh, không được, anh tuyệt thực. Bọn Cai Tù Bắc VC ở Trại Tù Xuyên Mộc, bắt chước bọn Cai Tù Nga Cộng, Tàu Cộng, trấn áp và giết chết người tù chính trị tuyệt thực Nguyễn Mạnh Côn bằng cách giam riêng anh một phòng, tàn nhẫn và lạnh lùng không cho anh uống nước cho đến lúc anh chết. Việc không cho tù tuyệt thực uống nước, bắt tù tuyệt thực phải chết, là lệnh của bọn đầu xỏ Công An VC, không phải là việc làm riêng của bọn Cai Tù ở những nhà giam. Sau khi anh Nguyễn Mạnh Côn chết bọn Cai Tù Xuyên Mộc còn làm cái việc đểu giả, hèn hạ là đọc cho tù nhân nghe cái mà chúng gọi là “đơn xin nhận tội và xin được ăn” mà chúng bảo là do tù nhân tuyệt thực Nguyễn Mạnh Côn viết. Khi chết Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn khoảng 60 tuổi.

– Anh Dương Hùng Cường – Trung Úy, văn nghệ sĩ quân nhân, bút hiệu Dê Húc Càn. Trung Úy Dương Hùng Cường bị đi tù cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền” 4 năm. Anh bị bắt lại năm 1984 vì tội “viết và gửi ra nước ngoài những bài về cuộc sống khổ sở của người Việt Nam dưới ách cộng sản. Bị nhốt trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân của bọn Công An Thành Phố Hồ chí Minh, anh đột ngột chết trong đêm. Khi bọn Cai Tù mở cửa sắt sà-lim cho anh em tù vào khiêng xác ra, anh Cường đã chết cứng, người tím đen. Khi chết Trung Úy Dương Hùng Cường khoảng 50 tuổi.

– Ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, nhà văn, nhà báo, nhà giáo. Bị bắt tháng 7 năm 1984 trong nhóm văn nghệ sĩ bị Công An VC gọi là bọn “Biệt Kích Cầm Bút,” ông Hiếu Chân chết trong Nhà Tù Chí Hoà năm 1987. Bị cao áp huyết, không có thuốc điều trị, không chịu nổi sự ồn ào trong phòng giam quá đông người, ông ngất đi và tắt thở lúc nửa đêm. Khi chết ông Hiếu Chân khoảng 60 tuổi.

Và đây là những người bị chết tôi gặp, tôi biết trong những năm tù đày của tôi:

– Ông Vũ Bảo Trâm, trạc 70 tuổi, thành viên một tổ chức chống Cộng, chết năm 1985 trong Phòng Giam Tập Thể số 10, Khu ED, Nhà Tù Chí Hoà. Ông VB Trâm bị cao huyết áp. Ông ngất đi lúc nào không ai biết. Đến 10 giờ đêm, kẻng ngủ, không thấy ông dậy mắc mùng, người bạn tù nằm bên ông mới biết ông đã tắt thở. Rất nhiều tù nhân có tuổi, bị cao huyết áp, đang ngồi ngã ra chết, nằm rồi không trở dậy, trong những phòng giam quá đông tù của Nhà Tù Chí Hoà.

– Luật sư Phạm Quang Cảnh, người bị coi là cầm đầu một tổ chức chống Cộng, gồm nhiều y sĩ, kỹ sư, giáo sư. Vụ này ra toà, ông Phạm Quang Cảnh bị tử hình. Ông hy sinh đền nợ nước năm 1987, tuổi ông khoảng 60, 65.

– Ông Nguyễn Quốc Sủng, giáo sư. Người đứng thứ hai trong tổ chức chống Cộng, sau ông Phạm Quang Cảnh. Ông Nguyễn Quốc Sủng bị án tù chung thân. Ông qua đời khoảng năm 1994, 1995 ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai, năm mất ông 80 tuổi.

Trong tổ chức của các ông Phạm Quang Cảnh, Nguyễn Quốc Sủng có Lê Công Minh, kỹ sư Phú Thọ, Trưởng Ty Công Chánh. Lê Công Minh và những thành viên trong tổ chức của anh bị bắt trước bọn Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi một năm, Năm 1984, có chừng một tháng LC Minh ở sà-lim số 9, tôi ở sà-lim số 10 Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Hai chúng tôi thường đứng ở cửa gió nói qua, nói lại với nhau. LC Minh cho tôi biết trước khi bị bắt, anh và một số anh em trong tổ chức của anh, truyền nhau đọc quyển “Tầng Đầu Địa Ngục” do tôi dịch từ tác phẩm “The First Circle” cuả Alexandre Solzhenytsin. Anh nói: “Quyển đó giúp tôi sống đỡ khổ nhiều lắm trong những ngày tôi mới bị chúng nó bắt..” Bị bắt năm 1983, ra toà năm 1986, tên ngồi xử LC Minh hỏi anh:

— Ba năm trước anh viết anh không đội trời chung với cộng sản. Bây giờ anh nghĩ sao?

Người tù Lê Công Minh trả lời:

— Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế.

Trong cáo trạng, án của LC Minh được tên gọi là “Ủy viên Công tố viện” đề nghị là “tù chung thân”. Khi LC Minh trả lời câu xanh rờn một cây như trên, tên chánh án tay sai sám mặt, sượng mặt, cay cú phang ngay án tử hình cho LC Minh. Sau đó vì lý do “nhân đạo”: một vụ án không nên có hai bị cáo bị tử hình, án tử hình của LC Minh được giảm xuống án tù chung thân. Khi lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, tôi gặp Lê Công Minh, anh lên đó trước tôi. Lần này mới là “gặp”, trước đó tôi chỉ nghe tiếng LC Minh nói mà không thấy mặt anh. Chúng tôi đối diện nói chuyện với nhau. Anh cho tôi biết trong Tuyên Ngôn của tổ chức anh có câu:

— Bọn cộng sản khác với bọn phát-xít. Bọn phát-xít yêu thương, quí trọng nhân dân chúng, bọn phát-xít đàn áp, bóc lột, giết chóc dân những nước khác, bọn cộng sản đàn áp, bóc lột, giết chóc nhân dân của chính chúng…

Tôi thấy lạnh nơi xương sống khi nghe người bạn tù nói câu đó. Tôi từng nghe nhiều lời kết tội cộng sản, chưa bao giờ tôi nghe một câu kết tội sâu sắc, đúng đến như thế. Bọn Cộng sản Nga đàn áp, bóc lột, giết người Nga, bọn cộng sản Tầu đàn áp, bóc lột, giết người Tầu, bọn cộng sản Việt đàn áp, bóc lột, giết người Việt. Tôi thấy chưa ai chỉ ra tội ác của bọn cộng sản đúng, và rõ, như lời kể tội, lời lên án bọn cộng sản trong Tuyên Ngôn Chống Cộng cuả tổ chức của ông Phạm Quang Cảnh. Cảm khái và bùi ngùi, tôi nói với LC Minh:

— Các anh vạch tội chúng nó đúng đến như thế, các anh đánh trúng tử huyệt của chúng nó, chúng nó phải giết các anh thôi!

***

Về những tên đểu giả ông cha ta thường nói “bọn chó má, đồ chó má..” Con “chó” đã tệ rồi, con “má” còn tệ hơn. Con chó không ăn thịt chó, không ăn xương chó, thấy người giết chó, thấy người ăn thịt chó, con chó thường bỏ đi chỗ khác dù nó đói, con má vẫy đuôi đớp thịt chó, nhai xương chó do người ăn thừa quẳng cho. Con chó là chó mà còn biết xót thương đồng loại của nó, ở đời có những thằng người dửng dưng trước những cái chết thê thảm của những bạn quân nhân đồng ngũ một thời với chúng, chúng le lưỡi liếm đít bọn giết những người từng là bạn của chúng, những người từng ở trong phe chúng. Bị kẻ thù không phải là nhổ mà là đái vào mặt, chúng vẫn nhơn nhơn không biết nhục, chúng vẫn lép nhép kêu gọi “làm hoà” với kẻ thù, “bắt tay thân thiện” với kẻ thù! Những thằng ấy không phải là “chó”, chúng là “má”.

One Response

  1. Kính thưa quý vị
    Gia đình chúng tôi tìm tung tích của Cố Thiếu úy Nguyễn Văn Hợp. Nguyên Trưởng cuộc CSQG Thị xã Thuận Giao, Lái Thiêu, Tỉnh Bình Dương. Truuoc học tại TT CSQG Rạch Dừa. Mất tích vào 40/04/1975. Quý vị nào có thông tin gì về chú của tôi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, xin vui lòng cho gia đình chúng tôi biết tin. 41 năm gia đình chúng tôi vẫn đi truy tìm thông tin. Chân thành cảm ơn.

Leave a comment