• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Đại Tá Vũ Lăng Vũ Trọng Khanh

vulang.jpgTháng 2, tháng 3 năm 1976/ Tháng 2, tháng 3 năm 2008.. Thấm thoắt dzậy mà thời gian đã qua 33 mùa lá rụng.. Những năm 1975, 1976 tôi sống những ngày buồn thảm, u tối, tuyệt vọng giữa lòng Sài Gòn, thành phố thủ đô đau thương của tôi.

Biết dzồi.. Khổ lắm.. Kể mãi..! Vâng, không tả oán nữa, xin nói ngay vào chuyện. Một tối Phù Hư, người bạn văn nghệ của tôi, ghé nhà tôi, anh nói:

– Tôi mới gặp anh con trai của ông Vũ Trọng Phụng. Anh ta mới ở Hà Nội vào. Tôi hẹn gặp lại anh ta sáng mai.

Anh hỏi tôi:

– Anh có muốn gặp con trai ông Vũ Trọng Phụng không? Muốn gặp thì sáng mai đi với tôi.

Từ lâu tôi biết Nhà Văn Vũ Trọng Phụng không có con trai, ông chỉ có một người con gái. Gần như tất cả những người đọc những tiểu thuyết Giông Tố, Số Đỏ, Cơm Thầy Cơm Cô của Nhà văn Vũ Trọng Phụng đều biết ông chỉ có một người con gái. Nay ở đâu ra anh con này của Nhà Văn? Mạo nhận ư? Nhưng mạo nhận là con Nhà Văn để làm gì? Tôi không tin người nào đó là con trai của Nhà Văn nhưng vì buồn quá đỗi, buồn đến có thể chết được, phần vì không có việc gì làm, tôi theo Phù Hư đi gặp anh ta.

Những tháng đầu tiên bọn Bắc Cộng rước hình Chủ Tịt Hồ chí Minh của chúng vào Sài Gòn, dzân Sài Gòn — thất nghiệp không phải chăm phần chăm mà là năm chăm phần chăm — toàn dzân không ai có việc gì làm, người ta đổ ra đường kiếm ăn Chợ Trời, Chợ Đất, nhiều người Sài Gòn ra Chợ Trời cho đỡ buồn, nhiều người mở hàng cà phe vỉa hè. Hàng họ thật giản dzị, vài cái bàn, vài cái ghế thấp tè đóng bằng gỗ ván thùng, vài phin cà phe, một ấm cà phe bí tất, nửa ký cà phe, nửa ký đường, bán gần hết chạy đi mua, 1 phích nước, dăm cái ly, cái muỗng, thế là thành một tiệm cà phe vỉa hè Sài Gòn Thất Thủ Lủ Khủ Lù Khù. Sáng hôm ấy tôi theo Phù Hư đến một tiệm cà phe như thế trên vỉa hè đường Gia Long. Đúng giờ hẹn người tự nhận là con trai của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng đến.

Người thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, bận bộ đồ bà ba đen mới may. Tôi không có khả năng nhận xét sắc xảo gì nhưng nhìn anh tôi biết chắc anh không phải là dân Sài Gòn, anh là người miền Bắc mới vào Sài Gòn nhưng anh không có cái vẻ cù lần của bọn thanh niên Hà Nội Bắc Kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa, những kẻ được dân Sài Gòn tả trong câu dzân dzao 1975:

Trai Sài Gòn như chim anh vũ,
Trai Hà Nội như củ khoai lang.

Phù Hư đãi anh ly cà phê đen giá 1 đồng, 1 đồng tiền Hồ là 500 đồng bạc Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi nói với anh thanh niên :

– Tôi tưởng ông Vũ Trọng Phụng không có con trai ?

Rất lễ phép, và có vẻ đầy đủ thẩm quyền, coi như chuyện người thiên hạ không biết Nhà Văn Vũ Trọng Phụng có con trai là chuyện thường, là những người không biết đáng thương hại, anh ta nói :

– Thưa bác.. Bố cháu có cháu và em gái cháu. Tên cháu là Vũ Trọng Khanh.

Lần thứ nhất tôi nghe cái tên Vũ Trọng Khanh là trong một buổi sáng cuối năm 1975, hay đầu năm 1976, trên vỉa hè đường Gia Long, Sài Gòn.

Sau ly cà phe, vài điếu thuốc lá, Phù Hư và tôi chia tay với Vũ Trọng Khanh. Ngoài việc xưng là con trai Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, người nói tên mình là Vũ Trọng Khanh không ba hoa chích chòe khoe khoang, không nói lời gì với ý định lừa gạt hay lợi dụng Phù Hư và tôi. Anh cũng không hỏi nhà chúng tôi, không nói chỗ anh ở, công tác anh làm, không hẹn gặp lại. Từ đấy tôi không gặp lại anh, tôi cũng không nghe ai nói đến anh.

Năm 1975, 1976 tôi 40 tuổi, người tự nhận là Vũ Trọng Khanh, con trai Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, trạc 30 tuổi. Nếu anh là con ông Vũ, anh phải ra đời trước năm 1939 là năm ông Vũ từ trần, ít nhất anh phải ra đời trong những năm 1934, 1935, năm 1975 anh phải gần 40 tuổi, anh phải già, phải via tông-keng bằng tôi, anh không thể trẻ đến như thế. Tôi không tin anh là con Nhà Văn Vũ Trọng Phụng nhưng tôi chẳng bắt bẻ anh làm gì. Tại sao lại cố ý moi móc để chứng tỏ người ta nhận vơ ? Mà người ta nhận vơ người ta là con ông Nhà Văn sì đã nàm thao? Hại gì ai ? Nhà văn Vũ Trọng Phụng có nổi tiếng, có được người đời trọng mến, mới có người nhận là con. Ở đời thiếu gì anh con từ bố, chối bố hay xấu hổ khi có ai nói anh là con của ông bố anh.

Những năm 2000, 2001, ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi nghe nói :

– Ở San José có người nhận là con trai Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, tên là Vũ Trọng Khanh.

Tôi nghe qua rồi bỏ. Tự nhiên tôi không tin nhân vật Vũ Trọng Khanh San José 2000 là nhân vật Vũ Trọng Khanh tôi gặp năm 1975, 1976 trên vỉa hè đường Gia Long, Sài Gòn. Lại một người nhận vơ.. ! Mà người ta nhận vơ sì đã nàm thao? Người ta nhận vợ kệ người ta, mình không nhận vơ, mình không tin chuyện người ta nhận vơ thì thôi. Có gì quan trọng mà cứ phải vạch ra là người ta nhận vơ.

Ngày tháng qua đi.. Tháng 2 năm 2008, liêu lạc ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, sau hơn 30 mùa lá rụng vật đổi, sao dời, người tù rạc, người đi, người ở, người về, người ra nghĩa địa, người vào lò thiêu, tôi gặp lại cái tên Vũ Trọng Khanh, tôi lại nghe nói đến ông Vũ Trọng Khanh. Ông Vũ Trọng Khanh tôi thấy ở Kỳ Hoa Đất Trích trên màn ảnh truyền hình SBTN năm 2008 không phải là anh thanh niên Bắc Kỳ đẹp trai Vũ Trọng Khanh tôi gặp ở Sài Gòn cuối năm 1975 hay đầu năm 1976. Như vậy : trước sau, trong vòng 40 năm, tôi thấy cuộc đời này có hai ông Vũ Trọng Khanh. Ông Vũ Trọng Khanh thứ nhất tôi được gặp, được nói chuyện ở Sài Gòn năm 1975 không có chức vụ, không cấp bậc gì cả, ông Vũ Trọng Khanh thứ hai tôi chỉ được nhìn thấy dung nhan trên màn hình Internet trong cuộc phỏng vấn của Hệ Thống Truyền Thông SBTN. Ông Vũ Trọng Khanh San José 2008 được Đài SBTN giới thiệu bằng cái tên có cấp bậc quân đội là Đại Tá Vũ Lăng.

Ông Vũ Trọng Khanh Đại Tá Vũ Lăng San José 2008 trạc Sáu Bó tuổi đời, bận quân phục, tôi nhìn không rõ đó là quân phục Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa hay quân phục Quân Đội Hoa Kỳ. Ông có vẻ đau yếu, dường như ông ngồi không vững, ông nói khó khăn, ông có bà vợ trẻ ngồi bên đỡ lời, nói dùm. Trong cuộc phỏng vấn ông nói ba, bà nói bẩy. Chuyện kỳ lạ là, như tôi đã viết trên đây, gần như tất cả những người Việt Nam từng đọc tiểu thuyết của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, từng biết, dù biết ít, biết lơ mơ, về đời tư của Nhà Văn, đều biết Nhà Văn không có con trai, nhưng ký giả SBTN — không lẽ không biết — không đặt câu hỏi :

– Có gì chứng minh ông là con trai Nhà Văn Vũ Trọng Phụng ?

Ký giả phỏng vấn, dường như tên là ông Tường Thắng, phăng phăng la tuy-líp coi người được phỏng vấn đúng là ông con của Nhà Văn. Ông ký giả cũng phoong phoong gọi người được phỏng vấn là Đại tá.

Ông Vũ Trọng Khanh Đại Tá Vũ Lăng San Jose, và bà vợ, kể nhiều chuyện kỳ cục quá đỗi là kỳ cục. Không những chỉ kỳ cục, đó còn là những chuyện dựng đứng. Không chỉ chuyện dựng đứng thường mà là chuyện dựng đứng năm chăm phầm chăm. Tôi nghe chuyện ông bà kể mà chịu hổng có nổi. Tôi kể lại những lời ông bà nói như sau, tất nhiên tôi chỉ kể đại khái thôi, tôi không thể kể hết hay kể thật đúng từng tiếng trong những lời ông bà nói, nhưng tôi kể không sai.

Ông Đại Tá Vũ Lăng kể ông bị bọn Bắc Cộng bắt sống năm 1961, ông bị tù giam 22 năm ở Bắc Việt, năm 1982 ông trở về Sài Gòn, năm 1985, 1986 ông vượt biên bằng đường bộ sang Thái Lan, người ta đón ông sang Hoa Kỳ. Trong thời gian chịu tù đày ở Bắc Việt, ông bị bọn Cai Tù Bắc Cộng tra tấn, chúng đánh ông thủng ba lỗ ở đầu, rút hết 10 móng tay ông.

Ông kể :

Lúc đầu Bộ Trưởng Công An Bùi Thiện Ngộ và Thiếu Tướng Công An Dương Thông hỏi cung tôi, rồi đến ông Đại Tá Bùi Tín. Khi nghe tôi nói tôi là con Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, Đại Tá Bùi Tín đập bàn, quát :

– Mày nói láo. Nhà Văn Vũ Trọng Phụng làm gì có thằng con phản động như mày !

Tôi nói :

– Ông Bùi Bằng Đoàn cũng làm gì có thằng con mất dậy như Bùi Tín.

Ông ấy móc súng Côn ra dọa bắn nát đầu tôi nhưng rồi ông ấy không dám bắn.

Khi ông Thầy Châm Cứu Bùi Duy Tâm ở San Francisco tổ chức chào đón Đại Tá Việt Cộng Bùi Tín đến San José, tôi đến nơi gặp ông. Thấy tôi, ông Bùi Tín mặt xanh rờn, tôi vỗ vai ông ta, nói :

– Đại Tá đừng sợ, đây là đất tự do, ông và tôi cùng là người đi tìm tự do.

Ông xin tôi tha lỗi, tôi nói :

– Đại tá yên tâm, tôi không trả thù ông đâu.

Đại Tá Vũ Lăng kể Vũ Trọng Phụng không phải là tên thật của Nhà Văn, tên thật của Nhà Văn là Vũ Văn Tý. Tên của bà mẹ ông, bà vợ Nhà Văn, là Phụng, ông Vũ Văn Tý ghép tên bà thành bút hiệu Vũ Trọng Phụng. Ông kể bà vợ Nhà Văn, bà mẹ ông, là em gái Luật Sư Trần Văn Tuyên, em cùng cha, khác mẹ. Ông kể năm ông 9 tuổi, Luật Sư Trần Văn Tuyên nói với bà mẹ ông là đưa ông sang Pháp, nhưng ông TV Tuyên lại đưa ông sang Vân Nam bên Tầu. Ông sống ở đất Tầu mấy năm cho đến khi ông gặp ông Nguyễn Mạnh Côn, ông nói rõ :

– Người về sau là Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn.

Ông kể ông Nguyễn Mạnh Côn đưa ông từ Vân Nam về Hong Kong rồi đưa ông xuống tầu biển về Singapore. Không thấy ông nói rõ ông Nguyễn Mạnh Côn có cùng về Singapore rồi Sài Gòn với ông hay không. Chỉ biết ông kể tới đây là mất tích ông Nguyễn Mạnh Côn. Chính quyền Singapore giúp phương tiện cho ông về Sài Gòn. Từ Sài Gòn ông lên Tòa Thánh Tây Ninh.

Ông kể :

Ở Tây Ninh tôi gặp lại ông Trần Văn Tuyên. Ông ấy đang là Cố vấn Pháp Luật của Đức Hộ Pháp Pham Công Tắc. Ông ấy bảo tôi: “Mày đừng nói với ai mày là cháu tao. Ở đây chúng nó kỳ thị, chúng nó thù ghét Bắc Kỳ. Đừng nhận họ để khi nếu nó giết tao thì nó không giết mày, nó giết mày thì nó không giết tao.”

Tôi được Tướng Trịnh Minh Thế nhận là em nuôi, cho tôi đi học Khóa 4 Trường Sĩ Quan Đà Lạt. Năm ấy (1952) tôi nhớ Thiếu Tá Lefort là Hiệu Trưởng. Mỗi khóa Trường Võ Bị Đà Lạt cho các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo được cử 10 người theo học. Những năm 1960, 1961 có một số cán bộ, binh sĩ Việt Cộng gài lại trong Nam sau Hiệp Định Geneve được đưa ra Bắc chỉnh huấn, Tình Báo tổ chức cho tôi nhập vào những toán đó để ra Bắc hoạt động. Tôi ra Bắc năm 1961, bị bắt, bị tù đến năm 1982 mới trở về Sài Gòn.

Ngưng lời kể của Đại Tá Vũ Lăng.

***

Ai thì tôi không dzám quả quyết chứ Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn thì tôi tự cho tôi có thể nói chắc là cả đời ông — Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn — không một lần đi ra khỏi nước Việt Nam. Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, tác giả những văn phẩm nổi tiếng một thời của Văn Chương Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Mối Tình Mầu Hoa Đào, Ba Người Lính Nhẩy Dù Lâm Nạn, Kỳ Hoa Tử..vv.. bị bọn Bắc Cộng bắt Tháng Ba 1976, năm 1979 ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, Nhà Văn đòi bọn CS phải trả tự do cho ông, chúng không chịu trả, ông tuyệt thực. Bắt chước cách đàn áp tù nhân của bọn Nga Cộng, Tầu Cộng, bọn Cai Tù Xuyên Mộc không cho ông uống nước đến chết. Nhà Văn chết ở Trại Tù Xuyên Mộc.

Cố Luật Sư Trần Văn Tuyên có ông con là Trần Tử Thanh. Năm 1988 Trần Tử Thanh nằm phơi rốn trong Phòng 10 Khu ED Nhà Tù Chí Hòa cùng Tu sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát và người anh em cùng vợ với tôi là Hoàng Hải Thủy. Năm ấy ông Trần Tử Thanh, cùng ông em là Trần Vọng Quốc, bị Phản Gián P 25 nó tó vì tội làm tình báo, tình bổ chi đó. Hai anh em ông cùng nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa. Tôi, qua điện thoại, hỏi ông Trần Tử Thanh về chuyện ông Đại Tá Vũ Lăng San José nói bà mẹ ông ta là em gái Cố Luật sư Trần Văn Tuyên, tức bà là bà cô ruột của ông, và như dzậy Đại Tá Vũ Lăng Vũ Trọng Khanh San José là anh em con cô, con cậu với ông, ông Trần Tử Thanh cũng đã biết về cuộc phỏng vấn của Đài SBTN, ông kêu :

– Làm gì có chuyện đó. Bà vợ ông Vũ Trọng Phụng đâu phải là em ông cụ tôi. Ông cụ tôi có bao giờ đến Tòa Thánh Tây Ninh đâu. Hoàn toàn bịa đặt. Anh em chúng tôi sẽ phải lên tiếng về vụ này.

Ông Trần Tử Thanh gửi cho tôi bức thư ngỏ :

THƯ NGỎ

Đồng kính gửi :

– Các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, các mạng Internet.

– Quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quí vị chủ tịch các đảng phái quốc gia, quí vị Chủ Tịch Công Đồng, các Tổ Chức, Hội Đoàn người Việt Quốc Gia tại hải ngoại.

– Bà con thân thuộc và Bằng Hữu của Gia Đình Cố Luật Sư Trần Văn Tuyên.

Mới đây trong cuộc phỏng vấn kéo dài 4 phần trên Đài Truyền Hình SBTN ở Quận Cam và được báo Việt Nam Exodus đưa lên mạng, có một người xưng là Vũ Trọng Khanh, tự Vũ Lăng, Cựu Đại Tá QLVNCH, tốt nghiệp Khóa 4 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt ( ? ), con của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng ( ? ) — không hiểu vì lý do gì, đã mạo nhận là cháu của Luật Sư Trần Văn Tuyên.

Vì sự việc có liên quan đến thân phụ và giòng tộc chúng tôi, chúng tôi xin minh xác :

1 — Họ và tên người này nêu ra trong cuộc phỏng vấn để chứng minh liên hệ với gia đình Luật Sư Trần Văn Tuyên là hoàn toàn xa lạ với gia đình chúng tôi và không có trong gia phả của giòng họ Trần.

2 — Những sự kiện liên quan đến thân phụ chúng tôi là những sự kiện hoàn toàn bịa đặt một cách trắng trợn.

Tất nhiên khi tạo dựng những sự kiện nêu trên, người được phỏng vấn hẳn có mưu đồ đen tối nào đó.

Vì vậy, chúng tôi xin gửi bức thư ngỏ này thông báo tới toàn thể bà con trong gia tộc, các bằng hữu quen biết gia đình chúng tôi, cùng mọi giới để cảnh giác đề phòng và tránh mọi ngộ nhận trong tương lai.

Thay mặt gia đình Cố Luật Sư Trần Văn Tuyên.

Luật Sư Trần Tử Huyền, Trưởng Nam.

California, ngày 17 Tháng Hai năm 2008.

***

Trước năm 1975 giới ca-ve Sài Gòn có cô Lan, biệt hiệu Lan Khùng, nói cô là con ông Nhà Văn Lê Văn Trương. Năm 1980 ở Sài Gòn có ông Lê Khiêm nhận là con Nhà Văn Lê Văn Trương.

Năm 1990 ở Hà Nội có ông Mạc Can, ông này viết tiểu thuyết, nghe nói là con Nhà Văn Lê Văn Trương.

Năm 1976 ở Sài Gòn Cờ Đỏ tôi gặp người xưng tên là Vũ Trọng Khanh, nhận mình là con trai ông Nhà Văn Vũ Trọng Phụng.

Năm 2008 ở Kỳ Hoa, tôi thấy ông Vũ Trọng Khanh thứ hai tự nhận mình là con trai Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Ông Vũ Trọng Khanh San José còn tự nhận ông là Đại Tá và là cháu ruột Cố Luật Sư Trần Văn Tuyên.

Tôi đã kể những gì tôi biết về nhân vật Vũ Trọng Khanh. Xin để quí vị có ý kiến về vụ này. Chỉ xin viết vài chuyện cho đỡ ngứa ngáy:

– Ông Vũ Trọng Khanh nói ông là “bạn vong niên của Nhà Thơ Nguyễn Bính.” Ông kể năm ông 9 tuổi, khoảng những năm 1940, 1941 ông Trần Văn Tuyên đưa ông từ Hà Nội sang Vân Nam, khoảng những năm 1949, 1950 ông Nguyễn Mạnh Côn đưa ông từ Vân Nam đến Hong Kong rồi về Singapore, ông đến Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh, ông đi học Khóa Sĩ Quan Đà Lạt, năm 1961 ông ra Bắc, ông bị tù trên đất Bắc 22 năm. Thời gian nào ông là “bạn vong niên” của Nhà Thơ Nguyễn Bính. Ít nhất khi Nhà Thơ 40 tuổi, ông phải 20 tuổi, khi Nhà Thơ 60 tuổi, ông 30, ông mới có thể là “bạn vong niên” của Nhà Thơ. Năm Nhà Thơ 30 tuổi, ông 9 tuổi, nàm thao ông có thể là “bạn vong niên” của Nhà Thơ? Nhờ ông tí!

– Ông kể ông bị bọn Bắc Cộng giam tù 22 năm. Khi giả làm Việt Cộng miền Nam ra Bắc năm 1961 cứ cho cấp bậc của ông là Trung Úy đi, trong 22 năm tù ông “ô-tô-măng-tít”, tức ông tự động thăng cấp? Trở về Sài Gòn năm 1982 ông là Đại Tá? Năm 1982 các ông Tướng của quân đội tôi ông thì ngồi tù, ông thì ở nước ngoài, ông về ai phong cấp Tá cho ông? Sôi sì ông tự phong cấp Tá cho ông cũng được đi, kỳ cục là chuyện mấy ông TV SBTN phây phây giới thiệu ông là Đại Tá.

Những năm 1961, 1962 ông bị bọn Cai Tù Bắc Cộng tra tấn, hỏi cung, bọn Bắc Cộng đã làm gì có Bộ Trưởng Công An Bùi Thiện Ngộ với Đại Tá Bùi Tín!

Ở Sài Gòn tôi có người bạn văn nghệ trẻ có bút hiệu lạ là Phù Hư. Hôm nay kể chuyện xưa nhắc đến Phù Hư, tôi nhớ ở Kỳ Hoa tôi có người bạn văn nghệ trẻ bút hiệu là Hư Vô.

Hai cái tên Phù Hư, Hư Vô giống nhau quá đi mất. Hai người cùng Hư, một người Hư Phù, người kia Hư Vô. Hư Phù hay Hư Vô cũng là Hư. Xong Hư Phù đỡ Hư hơn Hư Vô, Hư Phù còn tí ti hư để mà phù, Hư Vô thì vô luôn, không còn tí hư nào để mà vô cả.

Ở quê hương tôi hôm nay là Ngày Hai Mươi Tết, Tết Nguyên Đán vừa qua được hai mươi ngày. Ông bà tôi thường nói là: “Ra Giêng..”, tức sang Tháng Giêng. Chiều nay ở Kỳ Hoa đã là cuối Tháng Hai Tây. Mưa tuyết trên Rừng Phong. Tuyết này là Tuyết Hoa — Tuyết nhẹ, mỏng, khô, tan ngay — trong bài viết này tôi nhắc đến Phù Hư, viết xong tôi nhớ anh, nhớ hình ảnh anh năm xưa. Anh đưa tôi đi gặp Vũ Trọng Khanh một buổi sáng ở Sài Gòn năm 1976. Cà phê vỉa hè đường Gia Long. Sài Gòn buồn ơi là buồn. Năm ấy Phù Hư ba mươi, tôi bốn mươi.

Tôi mong Phù Hư, hiện sống ở Sài Gòn, sẽ đọc bài viết này của tôi.

Tôi gửi bài này tặng Hư Vô ở Kỳ Hoa.

Tôi đố quí vị biết Hư Vô là nam hay nữ?

Lại viết thêm vài dòng nữa: Ối.. ông Đại Tá Vũ Lăng ơi.. Lộng giả thành chân có thế thôi..! I can You. I xin You. Ông định làm trò lộng giả thành chân nhưng không được đâu, nhiều khi lộng giả không thành chân, thành cẳng mà là thành dzởm! Ông dựng đứng lên những chuyện không thật, chúng tôi biết những chuyện ông nói không thật, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng.

Chúng tôi không ai nói gì, mấy ông Nhà TiVi SBTN có thể bảo nhau:

– Bọn “sì-péc-ta-tưa” của mình chúng nó ngu lắm. Mình cho người kể chuyện dzởm năm chăm phần chăm về Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, Luật Sư Trần Văn Tuyên mà chúng nó im re, không thằng nào, con nào nói gì cả!

Tội chúng tôi quá, mấy ông ơi!

6 Responses

  1. Rất vui vì còn đọc được những lời phân tích từ người am hiểu về quá khứ như bác.

  2. Vào những năm 1985, Ông Vũ Trọng Khanh đã xuất hiện ở San Jose, hoạt động chống cộng. Tôi có gặp, tới apartment của ông ở Oakland, và nói chuyện khá nhiều lần. Ông hơn tôi khoảng 20 tuổi. Hồi ấy ông rất khoẻ mạnh, không thân tàn ma dại như bây giờ. Người vợ của ông rất hiền lành, không nói câu nào, không giống như bà xuất hiện trên TV. Con gái của ông ấy hồi ấy gần hai tuổi, tôi còn nhớ có tên là Bé Lan. Hồi ấy, ông có kể cho tôi nghe, và tôi biết về ông, như thế này: Ông là sĩ quan tình báo, cấp bậc Trung Tá, cùng khoá với tướng Nguyễn Trọng Chinh (nhất Thắng nhì Chinh…) Ông cũng là võ sư nhu đạo, (tôi có thấy sách tự học nhu đạo của ông có bán ngoài tiệm Tú Quỳnh) Ông cũng đi vài bài quyền cho tôi coi. Năm 1975, VC vào, tra tấn ông kinh khủng. Ông có cởi áo cho tôi coi, người chằng chịt thẹo. Đầu ông có mấy vết lủng. Một lóng ngón tay út bị rụng vì theo ông, bị CS rút móng tay và bị thối. Ông là đảng viên VNQDĐ. Hồi ấy, ông tính lập một mặt trận với một số đảng viên cấp nhỏ của VNQDĐ nhưng không thành công. Các vị rank-and-file trong Quốc Dân Đảng không coi ông có thế giá. Trong tiểu sử tự khai, ông cũng nhận mình là có Tiến Sĩ Triết Học ở Nhật. Ông khoe ông lưu lạc qua Tàu từ nhỏ, tôi thử hỏi ông tiếng Tàu thì ông không biết vì “quên rồi”. Ông kể, các cụ cách mạng muốn qua Tầu thì hay giả dạng làm lái buôn, rồi vào chuà, kiếm một đứa trẻ mồ côi như ông rồi dắt theo, để qua mặt thực dân Pháp. Ông qua Tàu bằng cách đó, khi 10 tuổi. Ông có tật nghiện Budweiser. Tôi có đưa ông tới đám cưới một người bạn tôi, và ông uống say nhũn người, nói năng huyên thuyên, nhưng gần sáng, ông ngồi dậy luyện nội công sư tử hống thật ồn ào, rồi tỉnh táo khoẻ mạnh. Khi tôi hỏi ông về bất cứ nhân vật nào, ông trả lời gốc gác người ấy thật rành rẽ, và đều nói có quen biết họ. Nhưng khi tôi kiểm chứng thì thấy những điều ông ấy nói không đúng. Thí dụ, nếu tôi hỏi ông, “anh có quen ông Hoàng Hải Thuỷ không?”, thì câu trả lời sẽ đại khái như thế này: “Tôi chơi với bố ông ấy, là cụ Hoàng Hải Hồ khi tôi còn tập võ ở gần nhà cụ ấy ở phố hàng Trống. bố ông ấy hơn tôi chục tuổi. Cụ Hải Hồ dậy tôi viết văn đấy….” Đại khái như thế và khi kiểm chứng thì không hề thấy có chuyện ông Hoàng Hải Thuỷ có thân phụ là cụ Hoàng Hải Hồ ở phố hàng Trống…. Bây giờ gặp lại ông ấy ở TV, tôi thấy trừ chuyện ông nhận là con Vũ Trọng Phụng, tất cả các chi tiết về ông trên SBTN khác biệt hoàn toàn với những gì tôi biết về ông cách đây 20 năm.

  3. Sao toi nghe noi nha van Hoang Hai Thuy cung giong Pham Duy luc sau nay? Sau 1975 (nhung nam con nho, toi rat hay doc di doc lai cac tac pham cua ong HHT nhu: Mau den vang do, Yeu tien, Diep vu Hoa Cau….). That dang tiec!

  4. Tôi không biết tiếng Việt nên tôi đang sử dụng dịch, do đó, xin lỗi nếu nó không được rõ ràng, nhưng những gì NguyenKhanhTrung nói là đúng sự thật. Tôi cũng biết Vũ Trọng Khánh, nhưng tôi câu hỏi nếu Vũ Trọng Khánh thực sự là con trai của Vũ Trọng Phụng, hoặc nếu đó là tất cả một lời nói dối. Ông thường nằm rất nhiều, và làm cho câu chuyện, một trí tưởng tượng hoạt động quá mức tôi có thể nói không? Vì vậy, như tôi đã nói, rất khó để tin rằng những gì là đúng và cái gì không. Mặc dù ông không lặp lại các câu chuyện cùng một câu chuyện, cùng chính xác – mỗi lần ông nói với nó, về việc bị một đại tá, và là con trai của Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Khánh đã có một vết lõm trên trán – đó là nguyên nhân chấn thương mắt – và một cái gì đó một cụt hồng hào cho là liên quan đến đại tá, tôi đã không quá rõ ràng của câu chuyện đó. Ông cũng biết võ thuật. Tôi biết nhiều hơn về cuộc sống riêng tư của Vũ Trọng Khánh, nhưng tôi không thích nói về điều đó.

  5. Nói láo mà chơi … Nghe láo chơi (Cô vọng ngôn chi, cô thính chi – Bồ Tùng Linh – tựa Liêu Trai Chí Dị – Tản Đà dịch)

Leave a comment