• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Giải Pháp Bảo Đại

hoanghaunamphuong.jpgNgày xưa xa lắm ở bên Tầu..

Đời Vua Đường, ông Bạch Cư Dị đỗ tiến sĩ, làm quan to, có tài làm thơ. Ông đã sống ở đời này cả ngàn năm với những bài thơ của ông; hai bài nổi tiếng nhất là bài Trường Hận Ca và bài Tì Bà Hành. Đề tài Trường Hận Ca là cuộc tình “dzài lâu hơn Trời Đất” của Dương Quí Phi và Đường Minh Hoàng:

Thiên trường, địa cửu hữu thời tận
Thử hận mang mang vô tuyệt kỳ
Trời rộng, đất dài có ngày hết
Hận này không có bao giờ tan..

Có thời Bạch Cư Dị bị đầy đi làm quan ở nơi xa sôi, hoang vắng, nơi thường được gọi, văn huê là “chân trời, góc biển, hải giác thiên nhai”, nôm na là chỗ “khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối, người ăn sắn.” Ngày xưa ấy ở bên Tầu, việc những người làm quan bị triều đình đầy đi những nơi hoang vắng gọi là bị biếm trích, nơi các ông bị đầy gọi là trích địa. Nơi đất trích Bạch Thi sĩ phải sống có cái thành gọi là Thành Tầm Dương, Thành Tầm Dương có con sông Tầm Dương và sông Tầm Dương có bến đò tên là Bến Tầm Dương.

Một buổi tối mùa thu, Bạch Thi sĩ đến bến Tầm Dương đưa tiễn ông bạn.

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu..

Theo thông lệ tiễn biệt của quân tử Tầu cuộc tiễn đưa có tiệc rượu, tiễn người đi bằng thuyền thì tiệc được bày ở dưới thuyền, cũng theo thông lệ quân tử Tầu khi uống rượu thường có kỹ nữ đàn hát, chuốc rượu, tức mời rượu. Tối ấy trong con thuyền trên bến Tầm Dương, tiệc rượu suông, tức có rượu nhưng không có kỹ nữ, chủ khách đang buồn thì nghe tiếng đàn tì-bà thánh thót từ một chiếc thuyền gần bên vẳng tới. Cả năm sống ở nơi cùng tịch không được nghe tiếng đàn tì-bà, Bạch Thi sĩ cả mừng bèn cho mời người kỹ nữ gẩy đàn sang thuyền mình. Người kỹ nữ trạc Bốn Bó tuổi đời, có nhan sắc, đàn hay. Thi sĩ nghe nàng đàn, cám ơn nàng rồi hỏi về thân thế nàng; nàng kể thời trẻ nàng là kỹ nữ nổi tiếng ở kinh đô, hết xuân làm vợ một người lái buôn, chồng nàng đi xa buôn hàng, nàng ở nhà một mình, buồn, nhớ thời xuân xưa. Nàng kể rồi nàng lại khẩy đờn, tiếng đàn buồn làm những người trong tiệc rơi nước mắt. Quan Tư Mã Giang Châu Bạch Cư Dị là người khóc nhiều nhất, nước mắt ướt cả tay áo xanh.

Ngã văn Tì-bà dĩ thán túc,
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức.
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
Ngã tòng khứ niên từ đế kinh,
Trích cư ngọa bệnh Tầm Dương Thành

Thơ dịch:

Nghe đàn ta đã trạnh buồn,
Lại sầu vì nỗi nỉ non mấy lời.
Cùng một lứa bên trời lận đận.
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Từ xa kinh khuyết bấy lâu
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai..

Tỳ Bà Hành, Thơ Việt – nghe nói của ông Đoàn Tư Thuật – với tôi hay hơn nguyên bản. Thơ Tầu: “Trích cư ngọa bệnh Tầm Dương Thành“: Bị trích nằm bệnh ở Thành Tầm Dương. Thơ Việt: “Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai..” buồn thương hơn, gợi cảm hơn.

Kể chuyện “Tầm Dương đất trích” để nói lên chuyện tôi sống ở góc trời Kỳ Hoa này cũng buồn như Thi sĩ Bạch Cư Dị sống ở thành Tầm Dương. Họ Bạch cả năm không được nghe đàn tì-bà chơi nhạc kinh đô Lạc Dương, tôi liêu lạc ở xứ người mười mùa thu vàng không được nghe tiếng nhạc Sài Gòn Xưa. Nhớ ơi là nhớ. Tuy sống gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tiếng Mỹ là Oắt-dzing-tôn Đi Xi, nhưng Rừng Phong ở góc thành đô xa vắng, tôi lại quê mùa, miệng lưỡi không khéo nên khó kết giao, nên không có bạn, không có cả sách báo văn chương. Lâu lâu vớ được một, hai văn phẩm từ Cali Đất Văn Học trôi giạt đến tay thì quí hơn vàng, hơn ngọc.

Bởi dzậy, mới đây tôi may mắn có được tờ báo Xuân Mậu Tý Thời Luận đến từ Cali Đất Vàng Y, bèn chong đèn nằm đọc suốt đêm thâu. Chao ơi.. Toàn những bài hay. Không chỉ hay suông mà hay quá là hay. Nhưng “Văn bất khả hưởng tận”. Đọc được bài văn hay tôi không dzám hưởng một mình, xin kể lại với quí vị đồng hương, đồng tộc, đồng quốc, đồng lưu vong, đồng biệt xứ ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca.

Đây là bài Chuyện chưa được kể về Cựu Hoàng BẢO ĐẠI, người viết Trần Đức Thanh – Phong. Bài đăng trên Báo THỜI LUẬN XUÂN MẬU TÝ

TRÍCH: Bảo Đại Vị Hoàng Đế Cuối Cùng Trong Ván Bài Cuối Cùng.

Câu chuyện về một “Giải pháp Bảo Đại” năm 1973 là một trang sử rất ít được biết đến. Những người tham dự trực tiếp vào kế họach này khi việc bất thành đã chọn im lặng vì vấn đề tế nhị quốc tế có thể gây khó khăn ngoại giao cho một số chính trị gia cao cấp, đặc biệt ở Nhật Bản dính líu đến 2 vị đương kim Thủ Tướng Nhật (1973) và một vị Cựu Thủ Tướng Nhật Bản.

Trang sử này được viết theo dạng kể chuyện về một nhân vật lúc sinh tiền thường bị chê bai nhưng chết rồi thì có khi được khen là một quân tử, một gentleman, không đố kỵ, không trách cứ ai kể cả những người đã gây tai hại cho bản thân mình ( .. .. .. ) Đây là việc đóng góp thêm một giai thoại về một con người mang tiếng là nhu nhược trước việc lớn và mê muội trước người đẹp.

Đây là câu chuyện về ông Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, “The Last Emperor” trong một nỗ lực cứu quốc cuối cùng.

Nhiều người chê bai ông nhưng không ai có thể buộc tội ông đã hại dân, hại nước hay đã hành động gây chết tróc cho dân chúng.

Ông Bảo Đại được sinh ra để đóng một vai trò bất đắc dĩ trong một đất nước bị ngoại bang đô hộ. Cái khuyết điểm dễ thấy nhất của ông là nhu nhược và mê gái.

Ông sinh ngày 23-10-1913, được đặt tên là Vĩnh Thụy, người con duy nhất của Vua Khải Định. Du học Pháp Tháng 5 năm 1922, lúc mới 9 tuổi. Tháng 11 năm 1925 Vua Cha chết, ông về nước lên ngôi, lấy đế hiệu là Bảo Đại, trở lại Pháp du học tiếp, đến Tháng 9 năm 1932 thì về nước trị vì.

Tháng 3 năm 1934 Vua Bảo Đại kết hôn với cô Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan, có tài liệu ghi là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Hào, có quốc tịch Pháp, theo Ki-tô-giáo, ái nữ một đại điền chủ Nam Kỳ. Bà được phong là Nam Phương Hoàng Hậu, bà sinh Ngày 14 Tháng 12 năm 1914, mất Ngày 15 Tháng 9 năm 1963 trên đất Pháp.

Vua Bảo Đại có 4 vợ, một bà người Bắc được gọi là Thứ Phi Mộng Điệp, bà thứ ba – nghe nói – là bà Lý Lệ Hà; bà thứ tư và là bà cuối cùng của Vua, là bà đầm Pháp, tên là Monique Baudot. Bà này năm nay, 2008, còn sống ở Pháp.

Tác giả bài viết về Cựu Hoàng Bảo Đại là ông Trần Đức Thanh-Phong. Và ông Trần Đức Thanh Phong – thay vì xưng tôi – viết về nhân vật Trần Đức Thanh-Phong trong Bi Hùng Kịch Cựu Hoàng Bảo Đại Cứu Quốc như sau:

Trích:

Anh TP (tác giả bài này) được trao trách nhiệm dò hỏi vận động sự hợp tác của Nhật. Anh trở lại Nhật để thực hiện kế hoạch. Cũng cần ghi nhận là anh TP qua Nhật năm 1943 để theo học về quân sự. Khi Nhật bại trận, anh chuyển sang ngành kỹ thuật thuần túy, vừa đi học vừa đi làm tại Đại Bản Doanh Quân Chính Đồng Minh Chiếm Đóng Nhật Bản.

Tác giả Trần Đức Thanh-Phong đặt câu hỏi:

Trích:

Nhưng “ai” và “từ đâu” có thể đứng ra móc nối, dàn xếp, thuyết phục 3 phe khác biệt này: Cựu Hoàng Bảo Đại, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và phe quốc gia? Ai hay nước nào có thể đóng vai trò trung gian? ( .. .. .. )

Sự kiện khác được coi như xác nhận là công tác đã bị lộ khi có lệnh bắt anh TP. Số là hôm 27.1.1973, ngày Hiệp Định Paris được ký kết thì ở Sài Gòn anh TP nhận được tin từ Tokyo là ông Bảo Đại cho biết đã sẵn sàng lên đường qua Nhật. Còn 6 ngày nữa là Tết. Hôm 29.1.1973, có tin từ anh em bên Trung Ương Tình Báo cho biết là có lệnh bắt anh TP. Lệnh này được anh em giữ lại để anh TP tìm cách xuất ngoại.

Vì là cận Tết, hơn nữa vì có cái đám cưới con gái ông Thiệu mà cả ngàn người có máu mặt đã nhận được hồng thiếp, không khí tấp nập gởi quà cưới và quà Tết tại Phủ Tổng Thống đã làm lu mờ mọi sự, kể cả những trận đánh ác liệt ở chiến trường vẫn tiếp tục không đếm xỉa đến những chữ ký còn ướt mực ở Paris, cũng nhờ thế mà lệnh bắt anh TP bị chìm đắm bởi cuộc vui thú của gia đình TT. Thiệu. Thật là may. Đúng 30 Tết anh TP đã rời Việt Nam. Tôi xin phép không diễn tả sự đào thoát này vì là một sự kiện tế nhị. (…)

Tôi quên mất ngày nào, khoảng vài ba hôm sau khi ông Bảo Đại tới Nhật thì Ngoại Trưởng Kissinger công du Trung Cộng trên đường về đã ghé nghỉ chân một ngày ở Tokyo. Từ đó Tòa Đại Sứ Việt Nam CH đã báo cáo là có buổi họp mật Bảo Đại-Kissinger. Tin thất thiệt này đã khơi mào cho một chiến dịch chống Bảo Đại ở Sài Gòn với sự tham dự rộng rãi của “lữ đoàn gia nô quốc hội.” (…)

Nhưng chuyện không ai biết là “Giải Pháp Bảo Đại” đã đột ngột chấm dứt ngay khi ông Bảo Đại còn có mặt ở Tokyo. Một yếu tố bất ngờ đã phá tan kế hoạch mất hai năm chuẩn bị, một kế họach nếu thực hiện được thì Miền Nam đã đi vào một giai đoạn sáng sủa lấy nghị trường làm nơi tranh đua xây dựng đất nước. Không ai phải bỏ nước đi tìm tự do. Những người yêu nước chót theo Mặt Trận DTGPMN đã tránh được sự vắt chanh bỏ vỏ và trừng trị của đảng cộng sản Việt Nam.(…)

Xin trở lại với câu chuyện để kết thúc bài này với giai thoại “Tại sao Giải Pháp Bảo Đại thất bại?”

Ông Bảo Đại hằng đêm nói chuyện qua điện thoại nhiều giờ với ai đó bên Pháp và bên Hong Kong. Ngươi đó là bà Monique, bà vợ Pháp của ông.

Cái đêm định mệnh đó, vào lúc 2 giờ sáng, tại lobby khách sạn New Otani, một phụ nữ người Âu đã sách va-li tới nơi ghi danh (registration) với một giọng thiếu kiên nhẫn đòi nói chuyện với “Prince Vĩnh Thụy.” Cố nhiên nhân viên khách sạn trả lời không biết vì cả khu dành cho ông Bảo Đại được giữ kín, có người canh gác cẩn thận. Người đàn bà Âu này đã tự mình vào thang máy lên thẳng tầng lầu và tìm tới phòng của ông Bảo Đại đập cửa rầm rầm. Lính canh Nhật lúng túng không biết phải phản ứng như thế nào vì đối tượng là một người đàn bà da trắng thì ngay lúc đó cửa phòng mở và chính ông Bảo Đại đã kéo người đàn bà này vào phòng.

Tiếp theo là cảnh ong vỡ tổ, nhân viên an ninh chạy ngược xuôi, báo cáo bằng máy cầm tay đã nhanh chóng đánh thức nhiều người để đối phó với tình trạng khủng hoảng. Khi tôi tới hotel vào lúc 7 giờ sáng mới biết là bà Monique không biết vì lý do gì đã tự tiện qua Tokyo và tới thẳng phòng ông Bảo Đại.

Nhưng quan trọng hơn là phía người Nhật với bản chất bài ngoại nhất là với người da trắng. Họ rất nhậy cảm và nhẩy vào kết luận là tình báo Pháp đã gài người vào kế hoạch này. Họ quyết định cắt đứt ngay mọi việc, rút hết sự canh gác an ninh. Ông M đưa cho tôi một sấp tiền Yen, bảo tôi đưa cho anh bí thư của ông Bảo Đại để lo cho ông ấy về Pháp. Và thế là “Vị Hoàng Đế Việt Nam Cuối Cùng” âm thầm rời nước Nhật.

Những người bạn Nhật không hề trách cứ tôi. Họ chỉ nói về ông Bảo Đại rằng: “Ông ấy ở Pháp lâu quá rồi, không còn tư cách một vị lãnh đạo Á Châu.” Câu chuyện này tôi thường nghĩ đúng là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc không thành chỉ trách Ông Trời, con người đều đã hết lòng. Cũng không nên trách ông Bảo Đại, ông chỉ có thế.

Nói cho đúng thì một phụ nữ Pháp đã vô tình thay đổi một trang sử Việt Nam dù trang sử đó chưa biết sẽ được viết như thế nào.

Trần Đức Thanh-Phong
Little Saigon, Mùa Lễ Giáng Sinh 2006.

Quí vị vừa đọc một số đoạn trích trong Hồi Ký của ông Trần Đức Thanh-Phong. Tôi không thể đăng lại hết Hồi Ký hay trích nhiều hơn nên khi đọc có thể có nhiều vị thấy sự việc tối om, khó hiểu. Xin tóm tắt: ông TĐ Thanh-Phong là người được trao trách nhiệm tổ chức đưa Cựu Hoàng Bảo Đại về nước cứu nước năm 1973. Ông không cho độc giả biết thế lực nào, những chính phủ nào, những quốc gia nào trên thế giới trao cho ông nhiệm vụ ấy. Qua lời ông kể, ta thấy những chính khách Nhật là lực lượng chính trong việc mưu toan đưa Cựu Hoàng Việt Nam về nước cứu dân Việt, cứu nước Việt. Cựu Hoàng được người Nhật đón đến Tokyo, được long trọng mời ngụ trong Khách Sạn Quốc Tế 20 Sao ngoại hạng của Tokyo. Chưa thấy Cựu Hoàng làm gì cả ngoài việc đêm đêm Ngài Ngự nói chuyện nhiều giờ qua điện thoại với ai đó ở Hong Kong và bên Pháp. Tuy nhiên sự việc dziễn ra êm ru như hòn bi thép lăn trong vòng mâm roulette cho đến một đêm bà Đầm Vợ Ngài Ngự, từ Pháp, xách va-li đến ô-ten tìm Ngài Ngự. Bà Đầm Monique Baudot xuất hiện, các chính khách Nhật dzẫy nẩy lên. Đến lúc này họ mới biết Cựu Hoàng có vợ Đầm, họ cho bà Vợ Đầm của Cựu Hoàng là bằng chứng Cơ quan 2ème Bureau – Phòng Nhì Pháp – cài người bên cạnh Cựu Hoàng. Họ buông rơi Cựu Hoàng cái rụp.

Tuy buông, người Nhật, vẫn còn tử tế, họ đưa tiền Yen cho ông TĐ Thanh-Phong để ông mua vé máy bay cho Cựu Hoàng từ Nhật bay về Pháp. Và thế là dân Việt Nam mất cơ hội bằng vàng y được Cựu Hoàng về nước cứu cho thoát khỏi nạn cộng sản.

Trước năm 1975 quân đội nước tôi có ông Tướng Trần Đức Thanh-Phong. Tôi không biết Tướng Quân TĐ Thanh-Phong 40 năm xưa có phải là ông TĐ Thanh-Phong tác giả hồi ký này hay không. Chắc không phải. Tôi nghe nói ông TĐ Thanh-Phong tác giả Hồi ký này là Giáo sư.

Nhân bài viết của ông TĐ Thanh-Phong về Cựu Hoàng Bảo Đại về nước cứu dân, tôi nhớ lại chuyện một số ông tôi quen biết ở Sài Gòn, năm 1983, bị bọn Công An VC Thành Hồ cho đi tù năm, bẩy niên vì tội “huê mỹ là phấn khởi, hồ hởi, nôm na là hí hửng loan tin Cựu Hoàng về nước và hân hoan chuẩn bị cung nghênh Cựu Hoàng.”

Những năm 1964, 1965, nhiều nhật báo ra đời loạn cào cào ở Sài Gòn. Trong số những tờ báo ra đời sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị đảo chính có tờ Tranh Đấu của ông Ngô Đức Mão. Ông Chu Tử, khi chưa có nhật báo Sống, có thời mướn măng-xét báo Tranh Đấu để ra báo nhưng chỉ vài tháng là tờ Tranh Đấu – tên thứ hai là Trâu Đánh – bị Bộ Thông Tin thu hồi giấy phép. Tôi được quen biết sơ sơ ông Ngô Đức Mão từ những ngày báo Tranh Đấu-Trâu Đánh ấy.

Gần hai mươi năm qua – 1965/1983 – sau cuộc trời long, đất ngả nghiêng, tôi lại nghe nói đến ông Ngô Đức Mão. Ông là nhân vật Bảo Hoàng kịch liệt nhất, trung kiên nhất trong số những ông Việt Nam Bảo Hoàng, tức các ông mê tín Cựu Hoàng Bảo Đại, các ông muốn thấy Ngài Ngự trở lại chấp chính, các ông tin chắc Ngài Ngự mà trở về nước – chỉ cần Ngài về nước làm Quốc Trưởng thôi – là các chính phủ thế giới sẽ đồng tình ủng hộ Ngài. Họ – các vị lãnh đạo quốc tế – đã quá chán ngấy bọn Việt Cộng ác ôn. Bọn Việt Công còn cầm quyền là họ còn không giúp, còn cấm vận Việt Nam. Họ chỉ tín nhiệm Cựu Hoàng. Có thể nhân vật Bảo Hoàng Ngô Đức Mão là người thứ nhất ở Sài Gòn loan tin Cựu Hoàng hồi loan, vì ông, với tư cách là nhân vật Bảo Hoàng Trung Tín, vẫn có liên lạc mật thiết với Hội Đồng Hoàng Tộc ở Huế.

Lại nghe nói trước Ngày 30 Tháng Tư Oan Nghiệt vợ con ông Ngô Đức Mão chạy thoát, ông ở lại Sài Gòn một mình, cũng nghe nói thôi, tôi không được đến nhà ông lần nào, năm 1983 ông có bà vợ trẻ phơi phới xuân tình, ông sống phây phây nhờ đô-la, thuốc Tây, vải lụa của các con ông ở nước ngoài gửi về. Ông tổ chức thường xuyên những buổi ăn nhậu tại nhà ông, khách của ông là những ông bạn cùng có lòng Bảo Hoàng tôn quân như ông.

Thế rồi tôi nghe tin ông Bảo Hoàng Ngô Đức Mão và nhóm Bảo Hoàng bị bắt. Tin ấy không làm tôi chú ý bao nhiêu vì lúc ấy tình trạng tôi cũng rách hơn cái lá đa ca dao, đen hơn mõm chó mực, nói huỵch toẹt là tôi đang sợ tôi cũng sắp bị bắt.

Rồi một sáng Tháng Tư năm 1984 tôi xách túi đi trở vào Khu C 1 Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của Sở Công An Thành phố Hồ chí Minh. Bốn năm trước, tôi đã sống trong Nhà Tù này 2 niên, tôi ra khỏi Nhà Tù này cuối năm 1979. Qua ô cửa gió Xà-lim Số 10 nhìn sang tôi thấy ông Ngô Đức Mão đứng sau song sắt cửa Phòng Giam Tập Thể Số 3 ở trước mặt. Ông nghe anh em tù nói có tôi mới dzô xà-lim, ông ra cửa chờ tôi ló mặt ở cửa gió xà-lim nhìn sang, ra hiệu chào tôi và nói ông sẽ tìm cách gửi sang cho tôi chút đồ ăn mặn cho tôi đỡ khổ.

Rồi tôi từ giã phòng biệt giam, xách túi sang Phòng Giam Tập Thể số 6 cùng khu. Tại đây tôi nằm cạnh anh Tôn Thất Lộc. Chúng tôi làm quen nhau. Anh hơn tôi 2 tuổi. Năm ấy anh 60, tôi 58. Anh là sĩ quan, cấp Đại Úy hay Thiếu Tá tôi không nhớ đúng. Anh từng đi tù cải tạo sĩ quan trở về. Anh kể anh vào lính từ những năm 1947, 1948. Anh không lên cấp được như các sĩ quan khác, anh bị đì vì anh là sĩ quan dòng Tôn Thất không chịu ký giấy tự nguyện truất phế Cựu Hoàng Bảo Đại trong cuộc Truất Phế Bảo Đại năm 1955.

Anh biết rất nhiều chuyện về đời tư các Tướng người miền Trung, như Tướng Tôn Thất Đính, Tướng Nguyễn Văn Truân. Anh kể Tướng Nguyễn Văn Truân, khi còn hàn vi, tức nghèo, kiêm đói và rách, được bà vợ quê tần tảo buôn bán nuôi cho ăn học, khi là Tướng, Tướng Truân bỏ bà vợ quê, lấy bà vợ mới trẻ đẹp. Anh kể về Tướng Tôn Thất Đính:

– Năm 1948 tôi làm việc ở Tiểu Khu Đà Lạt. Một hôm đi làm bằng xe đạp, tôi gặp thằng Đính trong bọn tù được cho ra quét đường. Tôi dừng lại hỏi chuyện nó. Được biết nó là a-dzăng pô-lít Đà Lạt, can tội dính líu với bọn Việt Minh nên bị Tây nó bắt. Tôi tìm cách cứu cho nó ra khỏi tù. Rồi nó đi lính Việt Binh Đoàn, bà chị nó nói với tôi: “Người trong họ tôi cứ đi lính là làm Tướng, rồi thằng Đính nó làm Tướng cho ông coi.” Khi nó làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 ở Pleiku, tôi cũng làm việc ở Tiểu Khu Pleiku. Tôi ra vô tư dinh nó gần như mỗi ngày. Khi nó chơi bậy, tai tiếng, tôi chửi nó. Nó ra lệnh cho lính canh cấm cửa không cho tôi vào dinh. Tôi đứng ngoài cổng tôi kêu tên nó tôi chửi.

Anh kể anh bị bắt cùng với ông Ngô Đức Mão. Anh là Tổng Thư Ký Hội Đồng Hoàng Tộc. Có lần Bà Từ Cung bảo anh mời nhân vật Bảo Hoàng Ngô Đức Mão ra Huế gặp bà để bà cám ơn ông có lòng nhớ đến Nhà Vua. Do đó anh và ông Mão quen biết nhau khá thân. Anh đoan quyết với tôi việc Cựu Hoàng trở về cứu nước là chuyện thật, bọn Bắc Cộng bắt buộc phải mời Cựu Hoàng về nước chấp chính để được sự ủng hộ và viện trợ kinh tế của các nước dân chủ-tư bản. Anh quả quyết bọn Cộng sản không thể làm gì khác ngoài việc mời Cựu Hoàng về nước. Anh nói: “Bọn Cộng sản Việt Nam nay rơi vào tình trạng đứng lại là chết, tiến lên cũng chết, lùi lại cũng chết. Anh tin tôi đi. Tôi nói dối anh làm gì. Nhất định Cựu Hoàng sẽ về, anh em mình sẽ không còn phải khổ nữa. Không lâu đâu, chỉ trong năm nay thôi.”

Nhân vật Bảo Hoàng thứ ba bị tó tôi quen biết là ông Nguyễn Hữu Lương, dịch giả tác phẩm Thanh Cung Mười Ba Triều của Hứa Tiếu Thiên. Anh Lộc và tôi nằm Phòng 6, ông Lương nằm Phòng 7 cùng Khu C 1.

Còn bốn hay năm ông Bảo Hoàng nữa trong nhóm ông Ngô Đức Mão bị tó nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu. Tôi không quen biết những ông này. Dường như trong năm 1983 hay 1984, Cựu Hoàng Bảo Đại có sang Hoa Kỳ, được ông Thị Trưởng San Francisco đón tiếp, tặng Chià Khóa Vàng Thành phố. Việc này càng làm cho những ông Bảo Hoàng ở Việt Nam thêm tin tưởng rằng chính phủ Hoa Kỳ phải mời Ngài Ngự sang Mỹ thương thảo để Ngài chịu trở về Việt Nam.

12 tháng nằm phơi rốn của tôi trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu trôi qua. Năm 1985 anh Tôn Thất Lộc sang Nhà Tù Chí Hòa trước tôi. Chúng tôi xa nhau. Năm 1990 mãn án tù tôi trở về mái nhà xưa, anh Lộc đã ở tù về trước tôi. Chúng tôi gặp lại nhau. Anh nói: “Chúng nó lừa ông già..” Tôi hiểu anh muốn nói Cựu Hoàng bị lừa. Tôi không hỏi mà anh cũng không nói gì thêm về chuyện Cựu Hoàng trở về cứu nước. Anh và tôi cùng buồn. Những người trong nhóm Bảo Hoàng Ngô Đức Mão bị tù người 3 năm, người 5 năm. Năm 1990 tất cả các ông đều đã từ ngục tù CS trở về những mái nhà xưa dzột nát và vòng tay không ấm cũng không lạnh, chỉ èo uột, của các bà vợ vừa già vừa gầy, chỉ có Cựu Hoàng Bảo Đại là không về.

Người sĩ quan Tôn Thất Lộc không đi HO sang Kỳ Hoa. Ông không đi, như Trung tá Nguyễn Quang Tuyến, tức Nhà Văn Văn Quang, không phải vì có tình với bọn CS mà là vì những lý do tình cảm riêng. Không biết có tất cả bao nhiêu ông sĩ quan quân đội tôi không đi HO? Có đến 10 ông không? Trong số những ông sĩ quan ở lại quê hương ấy tôi quen biết hai ông: Đại Úy Tôn Thất Lộc, Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến.

Mời quí vị xem những bức hình xưa đăng cùng bài viết này. Ảnh 1: Vua Bảo Đại, cầm can, đi với Hoàng Hậu Nam Phương và Quan Khâm Sứ Pháp. Hoàng Hậu ta bận y phục đầm, cắt tóc ngắn, đội mũ đầm – không biết tóc Bà có friser/uốn quăn hay không – nên khi Bà bận y phục Việt Nam – áo dài – bà không thể vấn tóc, đội khăn được, nhưng không lẽ Hoàng Hậu, xuất hiện trong những quốc lễ, lại để đầu trần, Bà chế ra Khăn Vành Dây – khăn là dây lụa, dây gấm, nhiễu, quấn lại nhiều vòng – Như vậy Hoàng Hậu Nam Phương là người sáng chế ra Khăn Vành Dây. Từ đấy các cô dâu Việt lên xe bông về nhà chồng đều đội Khăn Vành Dây, người ta cho các cô nữ sinh đóng vai Bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị trong những cuộc Lễ Tưởng Niệm Hai Bà ở Hà Nội, rồi Sài Gòn, cưỡi voi Sở Thú, bận áo vàng, đội Khăn Vành Dây của Hoàng Hậu Nam Phương.
 
vuabaodai1.jpg

Lời ghi dưới Hình 2 “Vua Bảo Đại xuất hiện trong một nghi lễ chính thức với quan chức Pháp năm 1930” là không đúng. Vua Bảo Đại chỉ về nước chính thức làm Vua năm 1934. Tôi đăng ảnh xưa này để quí vị thấy cái Nón Cối – Quan Tây gọi là – casque colonial – cát cô-lô-nhần, được các quí quan Đại Pháp đội vào nước ta từ những năm 1880, 1890. Ông Tây, bà Đầm từ giã 3 nước Đông Pháp, Nón Cối của quí quan Đại Pháp ở lại với người An-nam Bắc Kỳ mãi cho đến nay. Người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không dùng Nón Cối. Chủ Tịt Hồ chí Minh đáng được chính phủ Pháp ghi công là “người có công bảo tồn Nón Cối, di sản Văn Minh Phú-lăng-sa ở Đông Dương.”
 
vuabaodai2.jpg

Ông Trần Đức Thanh-Phong đã viết chắc chuyện phải đúng, người đọc chỉ có vài théc méc là: thế lực nào giao cho ông việc mưu toan đưa Cựu Hoàng Bảo Đại về nước, không lẽ các chính khách Nhật không biết Cựu Hoàng có bà vợ Đầm, để đến khi Bà Đầm xách đồ đến Tokyo với Cựu Hoàng các ông mới biết, và việc biết muộn màng ấy làm các ông nhẩy nhổm lên; cũng không có lẽ sau khi đón Cựu Hoàng đến Tokyo, chỉ còn chờ ngày đưa Cựu Hoàng về Sài Gòn, các ông chính khách Nhật mới thấy: “Ông ấy ở Pháp lâu quá rồi, không còn tư cách một vị lãnh đạo Á Châu.”

Tác giả Trần Đức Thanh-Phong hạ bút: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Đúng vậy. Than ôi.. Trời chẳng chiều người. Ông Thanh-Phong mất bao nhiêu công lao, ngày tháng, chịu bao nguy hiểm: tí síu nữa thì ông bị Mật Vụ bắt do lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, may nhờ đám cưới cô con của Tổng Thống, và nhờ những người anh em của ông trong Cơ Quan Tình Báo Trung Ương – tức Nha CIV: Central Intelligence Vietnam, anh em cùng bố khác mẹ với Cơ quan CIA – bao che nên ông thoát sang được nứơc Nhật. Khi ông đến Tokyo thì cuộc mưu sự đã vỡ tan rồi, tan đến không có tan nào có thể tan hơn, vỡ đến không còn cứu vãn, chắp vá, hàn gắn gì được nữa. Tiếc lắm thay. Nhân dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, trong số có tôi, chỉ vì cái Bề Hê của Bà Đầm Monique Baudot mà mất cơ hội trăm năm một thưở được Cựu Hoàng ra tay cứu vớt khỏi cảnh bị bọn Công Sản Ác Ôn nó cho quằn quại trong dầu sôi, lửa bỏng, nó dzìm dưới hầm tai họa, nó nướng cháy queo trên ngọn lửa hung tàn.

Bài học Luân Lý Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu tôi rút được từ Hồi Ký Giải Pháp Bảo Đại của người viết Trần Đức Thanh-Phong là:

– Đức Bề Hê mạnh lắm thay, ta nên kính sợ mà lánh xa.

Tôi buồn năm phút. Buồn năm phút xong tôi lại càng buồn.

Kêu “Than ôi..” mãi cũng thấy mình dzô dzuyên nhưng sự đời như cái lá đa, không kêu Than ôi không được. Biết dzô dzang mà vẫn cứ phải kêu:

Than ôi..
Mưu sự tại Thanh-Phong,
Phá sự tại Mô-ních.
Thanh-Phong định như thử
Mô-ních nhi vị nhiên.

Mưu sự tại Thanh-Phong,
Làm hỏng việc tại Mô-ních.
Thanh Phong định như thế,
Mô-ních không chịu cho.

Chuyện xưa, nhắc lại cho lòng thêm tiếc nuối. Định mệnh an bài. Số phận mình đen hơn mõm chó thì Hoàng Đế, Hoàng Thượng, Đức Vua, Đệ Nhất Công Dzân, Cố Vấn Tối Cao, Cựu Hoàng, Quốc Trưởng, Ngài Ngự, Phế Đế, L’Empereur, Sa Majesté, Chef d’Éùtat có thương mình đến mấy đời mình cũng nát như cái mền Sakymen.

Thôi thì đành chấp nhận số phận với tiếng thở dzài ai oán và đành viết lời cuối cho vơi đi niềm uất hận buồn thương cho số kiếp:

Hoàng Đế Bảo Đại cả đời chẳng làm được công việc gì đáng kể, không những thế Ngài Ngự còn làm việc chi cũng thất bại não nùng. Tại sao thế? Chỉ tại vì cái tên Bảo Đại của Ngài. Cái tên tiền định: Bảo Đại: Bại Đảo. Đã Bại còn Đảo, vương nghiệp Nhà Nguyễn đến Ngài là tiêu tán thoòng. Đúng thôi!

Đến đây tạm chấm dzứt Chương Trình Văn Nghệ Tạp Lục của Ban Tùm Lum.

4 Responses

  1. Bà Hoàng hậu gì mà ốm quá là ốm! Không phải là bác sĩ em cũng đoán được là bà bị bịnh anorexia hay là bulimia gì gì đây.

  2. Duyên Nợ Hoàng Triều Cương Thổ của cậu học sinh tiểu học Huế
    Kể từ tháng 9 năm 1949 tôi là thầy giáo dạy giờ ở hai trường Khải Định và Đồng Khánh Huế. Đặc biệt với một tổ hợp học sinh nhỏ xíu thân thương chân ướt chân ráo gia nhập Trung học, gọi là Tập Thể KĐ-ĐK 48-55 trong những ngày tháng mà tỉnh Thừa Thiên là vùng xôi đậu, và thành Phố Huế là chốn giao liên. Nơi đây, tôi không những hành nghề dạy Toán Lý Hóa mà lãnh một một cái duyên nợ tiền kiếp tạm mệnh danh cộng nghiệp Hương Bình. Tuy sau nầy tôi hành nghề Kỹ Sư Công Chánh nhưng nhưng cái nghiệp thầy nó đeo đuổi tôi mãi đến bây giờ. Nôm na Nghề thầy là dạy cuối tháng lãnh lương là xong, còn Nghiệp Thầy là Quả báo (ác có thiện có gọi là ác báo hay thiện báo) mà tôi phải lãnh đủ, bây giờ và mai sau. May quá tôi qui y từ nhỏ nên biết Pháp môn Tịnh Độ Đới Nghiệp Vãng Sanh; nói cách khác, Đức A Di Đà cho phép mang nợ quả báo vào chốn an tịnh. Tịnh Thổ là một loại ký túc xá đặc biệt giúp tất cả chúng sinh muôn loài tu học thành Phật. Nếu ai biết thành tâm niệm A Di Đà (Vô Lượng Quang hay Vô Lượng Thọ – Ánh Sáng vô lượng và đời sống không cùng = Lumière et Vie éternelle) thì chứng Sự Thật Bát Nhã và đắc Từ Bi Tâm (Vérité et Compassion). Câu “Nhất cú Di Đà vô biệt niệm, Bất lao Đàn Chỉ Đáo Tây Phương”nghĩa là với một lòng niệm “A-Di-đà Phật quanh năm, Tây phương thẳng đến nhọc nhằn gì đâu (như búng ngón tay)”. Trước đây, hồi còn ở Đại Học Vạn Hạnh (1965- 1975) tôi thích Thiền Tông Suzuki và Mật Tông Lama Anarika Govinda, mong giải nghiệp tức thời bằng Thiền đốn ngộ mà quên rằng mình đang còn say mê văn nghệ tình cảm, khoa học lượng tử, thế trí biện thông, v,v nên chỉ lo học quên tu mê đọc kinh luận mà không hành trì bao nhiêu. Nhờ chút thiện nghiệp nào đó nên tôi chưa đến nỗi ứng cảm theo Ma Vương để bị tẩu hỏa nhập ma điên diên dại dại. Hôm nay tôi hướng về Pháp môn Tịnh Độ mong được đới nghiệp vãng sanh.
    Tuy nhiên, tôi có một cái biệt nghiệp, thiện ác không biết như thế nào, nhưng có thể nói đó là bản tính thích ưa nghe chuyện vua chúa Việt Nam thương dân tộc chống Tàu như thời Trưng Vương, Lý, Trần, Lê Lợi Quang Trung.
    Vua tôi nhà Nguyễn tuy chống thực dân Pháp nhưng về sau kém về nhiều mặt (chính trị, quân sự, ngoại giao) nên bị Việt Gian thân Pháp phá hỏng sự nghiệp của các 9 vị Chúa Nguyễn dày công đức xây dựng.
    Nói tóm, thời gọi là phong kiến với nền văn hóa dân tộc Việt được truyền thừa, không bao giờ lừa bịp dân như Hồ Chí Minh với văn hóa vô sản “Kách mệnh”, đu dây bán nước cho Pháp, rồi Nga, Tàu và nhất là không bao giờ có những vụ diệt chủng với cái Tết Mậu Thân 1968 tại cố đô Huế.
    Bản tính phong kiến dân tộc ấy xui tôi đầu thai vào xứ Huế Thần Kinh, tại phường Thái Trạch Thành Nội, tỉnh Thừa Thiên ở góc đường Tôn Nhơn, cạnh Tam Tòa trụ sở Cơ Mật Viện (xem hình các Đại Thần Cơ Mật Viện thời vua Duy Tân gồm từ trái sang phải (Các Cụ Tôn thất Hân bộ Hình (Ông nội của Tôn Thất Đát bạn cùng tuổi ở Thượng Tứ Paul Bert và Tôn Thất Thiện lớn tuổi hơn, bạn sau này ở Thiên Hựu Providence và Vạn Hạnh Sàigon), Nguyễn hữu Bài bộ Công, Huỳnh Côn bộ Hộ, An Thành Vương Đệ nhất phụ chánh, Lê Trinh bộ Lễ, Đệ nhị phụ chánh, Cao xuân Dục Bộ Học)). Cơ Mật Vụ đặt dưới quyền bảo hộ chặc chẽ của phủ Toàn Quyền Pháp qua trung gian Tòa Khâm Sứ ở bên kia cầu Trường Tiền, bên bờ sông Hương cạnh Khách sạn Morin. Thân sinh tôi cho biết Các Cụ Đại Thần Cơ Mật Viện ăn lương Nam triều không bao lăm, chỉ có chức cao và đức trọng mà thôi.
    Tôi đi học Tiểu Học Trường Paul Bert (sau này là Thượng Tứ) ngó sang bên kia Hương Giang, thấy xa xa các trường Trung Học oai lắm, nào là các trường Hồ Đắc Hàm, Khải Định, Đồng Khánh và cuối cùng là trường Pellerin, còn trường Providence ở ngã xa hơn, gần cầu Lò Rèn (Nhà Đèn) bắt qua một nhánh sông Hương hướng về An Cựu gọi là sông An Cựu. Chị tôi học Trung học Đồng Khánh trong khi các em gái tôi học trường Tiểu Học Thành Nội, hoặc trường Bồ Đề sau này..
    Mỗi lần đi học tôi thường đi băng qua Cơ Mật Viện để ra cửa Thượng Tứ, trước khi vào tiểu học Paul Bert. Cơ Mật Viện tuy là cơ quan tối quan trọng trên nguyên tắc nhưng lại bù nhìn trên thực tế thành thử không cần ai canh gát cả; nhờ vậy học sinh chúng tôi mỗi khi đi học tắt vào Tam Tòa, có cơ hội hái bông Kèn màu đỏ. Nhưng khi ra đến vòng thành nội phải gặp lính Khố Đỏ canh gát thông thường khá lỏng lẻo các cửa như Thượng Tứ, Đông Ba, cửa Hữu, cửa Tả, cửa An Hòa v.v. Vua ở trong Hoàng cung có lính Khố Vàng bảo vệ hiền hơn khỏa đỏ. Cửa vào Đồn Mang Cá thì do lính Khố Xanh trực thuộc Quân đội Pháp, vũ khí tối tân hơn; họ kiểm soát và canh phòng đường đi biển Thuận An.
    Mỗi năm nhân lễ Vạn Thọ các quan chức Việt Pháp đến chúc Thọ Vua, học trò các trường được các Cô Thầy hướng dẫn vào Hoàng cung phất cờ hô to ba lần : “Hoàng Đế Vạn Tuế” rồi đi vòng ra cửa Hiển Nhơn và được các mệ phát mỗi trò một hộp bánh trước khi tan hàng rã đám. Tôi và một số bạn hữu cùng xóm ù té chạy thẳng về nhà một mạch. Tôi ở số 17 Tôn Nhơn (nay đổi thành 17 Đinh Công Tráng) bên hông đường Âm Hồn; ở nhà ra ngõ thấy cửa Hiển Nhơn ở cuối đường Tôn Nhơn.
    Tôi thường gặp Ngài ngự ra vào cửa Thượng Tứ và vui mừng khôn xiết mổi khi gặp hàng lính khố đỏ rút lưỡi lê cắm vào nghe lắc cắc và sắp hàng trước trạm gát; họ nghiêm chỉnh chờ xe ngài qua cổng bèn hô lệnh đưa súng lên chào. Hình ảnh đơn sơ nhưng vui nhộn ấy được lập đi lập lại qua năm tháng tiểu học đã in sâu vào trí nhớ non dại của tôi mãi đến bây giờ. Quả thật tôi không sợ Hoàng Đế chút nào cả, chỉ thấy ngài rất oai, cao lớn và đẹp trai và được mọi người thương mến từ Bắc chí Nam. Ở Huế gọi Ngài là Ngài Ngự, ngoài Bắc gọi là Vua Bảo Đại còn trong Nam gọi là Ông Dua. Tôi theo cha mẹ vào Nam năm 4 tuổi học trường Như Vân rồi trường con trai Cần Thơ 1930. Về Huế tôi ở với Bà Nội và đầu tiên, khi lên 8 mẹ dẫn tôi đi xem đốt pháo bông nhân ngày ông Vua đám cưới tháng 3 năm1934; đâu ngờ đúng 12 năm sau Nhật đảo chánh Pháp tháng 3 năm 1945 và 9 tháng sau đó vợ chồng Ông Bà Vua xa cách nhau muôn trùng. Nam Phương Hoàng hậu mới 31 tuổi đời phải qua Tiềm Để tức An Định Cung cạnh sông An Cựu ở với mẹ chồng (Bà Từ Cung) nuôi con dại khá đông theo thứ tự tuổi tác như sau: Thái Tử Bảo Long 9 tuổi, Công chúa Phương Mai 8, Phương Liên 7, Phương Dung 3, Hoàng Tử Bảo Thăng 2. Nam Phương hoàng hậu là một công dân thiết tha với đất nước. Thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hoàng hậu Nam Phương cùng các con sang Pháp.
    Tài liệu dặc biệt “Nói về lòng yêu dân tộc Việt Nam của Nam Phương Hoàng Hậu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949
    Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại cung An Định bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
    “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
    Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”
    Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách… Bảo Đại có đến thăm bà vài lần. Tháng 1 năm 1962, công chúa Phương Liên thành hôn với một người Pháp, Bernard Soulain. Bảo Đại cũng đến dự và đám cưới đó là một sự kiện của vùng.
    Bà mất ngày 16 tháng 9 năm 1963. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.
    Đám tang của bà được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ. Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Trong suốt thời gian tang lễ Cựu hoàng Bảo Đại cũng không có mặt.
    Hoàng Hậu Nam Phương được chôn cất tại nghĩa địa Chabrignac. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp:
    Bia chữ Hán:
    ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ
    (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)
    Bia chữ Pháp:
    ICI REPOSE L’IMPÉRATRICE D’ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN
    (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan)
    Ai cũng phải công nhận Nam Phương Hoàng Hậu rất xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương, nhưng bà theo Thiên Chúa giáo nên gặp Hoàng Tộc phản đối. Nhưng Ngài ngự nhất quyết cưới Bà: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình. ” Tài liệu nói trên chứng minh Ngài đã chọn đúng ý trung nhân : Nam Phương Hoàng Hậu thiết tha yêu dân tộc Việt Nam. Nàng cũng như chồng, một lòng với câu của công dân Vĩnh Thụy “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ!”
    Ba tài liệu sau đây chứng minh về sự thông minh hay hiểu biết về thời cuộc của Ngài Ngự mà ai cũng cho là kém cỏi, không ra gì, Ngài bị thực dân Pháp và Việt Minh dèm pha đủ điều. Đảng Cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp chống phong kiến nói xấu Ngài đã đành mà một số đảng viên Cần lao nhân vị của Ngô triều cũng bôi bác thêm vào. Ngài thoái vị trao ấn kiếm cho Việt Minh để làm công dân một nước độc lập với câu “Dân vi quý” bất hủ. Trước năm 1945, Ngài đã mời Tổng Ðốc Ngô Đình Diệm giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại kiêm thư ký Ủy Ban Hỗn Hợp Việt Pháp là một quyết định đúng. Đến năm 1945 Ngài ra chiếu chỉ bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thượng Thư Bộ Hình trong chính phủ độc lập đầu tiên Trần Trọng Kim là một quyết định đúng thứ 2. Nhưng sau đó Thượng Thư Ngô Đình Diệm biết trước thời cuộc bèn cải trang ra Đà Nẳng trốn Pháp, Nhật và Việt Minh. Trong tác phẩm Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế trang 197 Tổ Đình Hải Ngoại tái bản 1993 có đoạn “Ngài ( Mật Hiển) cũng đã giúp cho Thượng Thư Ngô Đình Diệm ẩn náu tại Tổ Đình Từ Hiếu trong lúc đang bị chính phủ bảo hộ truy lùng. Và, cũng chính ngài đã dẫn cho vị Thượng Thư này thoát ra khỏi tỉnh Thừa Thiên để về Đà Nẳng cải trang với tư thế một tu sĩ Phật Giáo”. Nguyên cụ Ngô Trọng Lữ (thân sinh tôi) thường làm việc với các quan chức Nam Triều về vấn địa bộ đất đai, đối với ông Ngô Đình Diệm là chỗ quen biết xưa nay chống Pháp. Ngoài ra cụ Lữ trước đây có mua trả góp xe của người bạn là ông Võ Văn Đạt chủ hãng sửa xe ô tô ở Tourane. Cụ bèn nhắn với ông Đạt cho xe ra Huế gặp ngay Ngài Trúc Lâm để đưa một nhà sư gia đình vào Tourane. Đó là lý do
    Sau Hiệp Định Geneve 1954 Ngài Quốc Trưởng Bảo Đại tiếp tục chọn Ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ Tướng là một quyết định đúng thứ 3 vì Cụ Trần Trọng Kim mất tại Đà Lạt năm 1953, rồi Ngài âm thầm chấp nhận luôn sự kiện Thủ Tướng Diệm trở thành Tổng Thống Diệm qua trưng cầu dân ý 1955 cũng đúng luôn. Ngài lưu vong không một lời chống đối vì Ngài quá biết tính của Thủ Tướng Diệm có ác cảm với Pháp không muốn lệ thuộc vào Pháp thực dân. Dân miền Nam mừng Tổng Thống Diệm vì đã quá chán một ông quốc trưởng bù nhìn, ăn chơi phóng đãng, tai tiếng. Tổng Thống dẹp nạn Bình xuyên với Kim chung, Đại thế giới, một loại mafia Việt nam. Từ việc quét dọn rác rưởi do Thực dân Pháp để lại đến việc cải tổ chính trị, quân sự, giáo dục, kinh tế miền Nam, Tổng Thống Diệm đã tạo được một không khí yên vui thanh bình ở miền Nam mặc dầu còn thiếu tự do dân chủ nhưng dân chúng chấp nhận được lúc ban đầu khi so sánh với chế độ tàn khốc Hà Nội. Hồ chí Minh, cáo già đại bịp, điều nghiên những sơ hở nặng của Tổng Thống về vấn đề tôn giáo và gia đình hầu tung cán bộ gián điệp cao cấp vào ngay Phủ Tổng Thống và nắm chủ động mọi trạng huống. Nếu Cộng sản vô ơn đối với Cố Vấn Vĩnh Thụy, đó là hành sử đương nhiên của Cáo Hồ, nhưng rất tiếc Quốc Gia cũng bạc nghĩa khá nặng với cựu Hoàng. Ai từng đời như Tổng Thống Diệm nho phong đạo đức mà lại giao cho Pháp tùy nghi trợ cấp hàng tháng cho Cựu Quốc Trưởng Việt Nam. Cựu Cố Vấn Vĩnh Thụy còn được Hồ Chí Minh tinh ranh gửi tiền sang Hong Kong cấp dưởng, trong khi Cựu Quốc Trưởng Vĩnh Thụy phải sống lưu vong chết đói sau khi phung phí khánh tận gia sản.
    Ngoài ra Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì quá tin ngoại bang nên thà chết chứ không chịu nhượng bộ áp lực nguy hại của Hoa Kỳ. Uy tín quốc gia còn nhưng quốc dân tan nát. Cụ tin vào Quốc Hội mà phần lớn là gia nô hoặc phản trắc, với câu: “Sau lưng tôi còn có Hiến Pháp”. Âu đó cũng là nhân quả, lỗi tại Cụ. Tổng Thống không bảo vệ dân tộc bằng một chính thể vững mạnh mà tin vào lời hứa của các Tổng Thống Mỹ Eisenhower hay John Kennedy và nhất là tin vào lời thề trung thành của một số tướng lãnh. Do đó, nhờ vắng bóng cá nhân Cụ, Cộng Sản có cơ hội tha hồ xâm nhập sát hại dân vô tội. Chính Cộng sản thật sự đã giết cụ, Cáo già Hồ thương tiếc Cụ với giọt nước mắt cá sấu! trước khi tung quân vượt sông Bến Hải làm “nghĩa vụ quân sự quốc tế diệt quốc gia”.
    Hoàng Đế Bảo Đại nhờ rút kinh nghiệm với thực dân Pháp rồi cộng sản quá nhiều nên Ngài ưu tiên lo bảo vệ dân tộc, tránh nạn ngoại bang lợi dụng. Trong những năm tháng cuối đời ở hải ngoại, đối với Ngài một hộp sửa, một ổ bánh mì của bạn bè tặng là quí lắm rồi, “Hãy để cho tôi được sống và chết trong bình yên!”. Như mưa dầm thấm đất, qua sự tuyên truyền rỉ tai của cộng sản nên ai cũng tin rằng Ngài là một ông Vua chỉ biết ăn chơi, hoàn toàn vô dụng…Qua ba tài liệu quan trọng sau đây tôi xin trình bày rõ giá trị tinh thần quốc gia dân tộc của ông vua cuối cùng Nhà Nguyễn.
    Tài liệu(1) “Nói Chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp” của Thụy Khuê;
    Cụ (Trần Trọng Kim) cho biết rằng cụ nhận được cái giấy của ông Bảo Đại, mời cụ về để hỏi ý kiến; cũng nhân tiện để có thể về thăm bà con và ở lại Việt Nam, cho nên cụ cũng nhận về, chứ cụ nói với tôi (tức Hoàng Xuân Hãn) như thế này: “Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì!” Cụ nói với tôi rõ ràng như thế.
    Tôi nói: “Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau.” Cụ bảo: “Thế nào tôi cũng phải ở lại đây vài ngày, nhất là vợ tôi đã tới đây. Tôi sẽ gặp.” ……..
    Ngay sáng hôm sau thì Phạm Khắc Hòe đưa cụ vào thăm ông Bảo Đạị…….
    Đến lúc ra, cụ gặp tôi, cụ bảo: “Lạ lắm!”
    “Chuyện gì lạ?”
    “Tôi vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải ngốc như người ta nói” Cụ Kim nói với tôi như thế. Thấy cụ có cái sympathie lạ lắm.
    Tài liệu(2) Một Cơn Gió Bụi” của Trần Trọng Kim.
    Từ trước tôi không biết vua Bảo Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mồng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những lời đúng đắn…..
    Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.” ……..
    “Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”
    Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng: … (hết trích)
    Trở lại bản tính cá nhân, tôi ưa vua chúa, và tôi mến Vua Bảo Đại một nhân vật lịch sử (sinh 22 tháng 10,1913 – mất 31 tháng 7, 1997) . Vua có công hay tội xin để lịch sử phán xét, tôi chỉ thấy điểm tốt nhất của Ngài là Hiếu sinh, trong thời gian đất nước bị Pháp rồi Nhật đô hộ, ngài không ra tuyên chiếu xữ tử bất cứ một người dân nào cả, huống hồ nhờ Nhật giết vài ngàn Việt Cộng trên toàn quốc. Vì vậy Ngài từ chối đề nghị của Đại sứ Yokoyama để tránh nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang.
    Tài liệu(3) lời của sử gia Trần Gia Phụng: “Đây là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ với một lực lượng nhỏ dưới 5.000 đảng viên mà Việt Minh cộng sản cướp được chính quyền và thao túng đất nước.
    Trong lúc vua Bảo Đại nao núng vì Pháp không chịu công khai tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, và các nước Đồng minh lại không đáp ứng nguyện vọng độc lập của người Việt do nhà vua đưa ra, thì Việt Minh đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Vị đại sứ Nhật ở Huế là Yokoyama đến gặp vua Bảo Đại đề nghị dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt Việt Minh, vì tuy thất trận trên thế giới, quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, dư sức đàn áp Việt Minh. Lo sợ nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của Yokoyama.
    Không nhận lời đề nghị của Yokohama, vua Bảo Đại quyết định thoái vị theo lời yêu cầu của Việt Minh. Tại Huế, nội các Trần Trọng Kim họp phiên cuối cùng ngày 23-8, rồi giải tán. Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8. Lễ thoái vị diễn ra ngày 30-8 tại cửa Ngọ Môn (Huế). Nhà vua trao bảo kiếm và quốc ấn, tượng trưng uy quyền của triều đình cho đại diện Việt Minh từ Hà Nội vào là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (tức thi sĩ Huy Cận). Nhà vua trở thành “công dân thứ nhất” của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tên khai sinh là “Vĩnh Thụy.” Tôi có mặt hôm Ngài thoái vị từ đó nước mắt đoanh tròng khi ra vào cửa Thượng Tứ thấy có chiếu chỉ thoái vị dán trên tường gạch. Hoài nhớ lại mới cách đây 4 tháng, tôi cũng đứng trước Ngọ Môn nghe Ngài và tuyên bố độc lập với Chính Phủ Trần Trọng Kim, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ngày 17 tháng 4 năm 1945.
    Thành phần Nội các gồm các ông: Trần Trọng Kim Thủ Tướng ,Trần Văn Chương Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo, Hoàng Xuân Hãn Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ, Vũ Văn Hiền Bộ trưởng Tài chính, Phan Anh Bộ trưởng Thanh niên, Lưu Văn Lang Bộ trưởng Công chính, Vũ Ngọc Anh Bộ trưởng Y tế, Hồ Tá Khanh Bộ trưởng Kinh tế, Nguyễn Hữu Thí Bộ trưởng Tiếp tế, Phan Kế Toại Khâm sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm Khâm sai Nam bộ,
    Đốc lý Hà Nội. Trần Văn Lai. Mặc dầu chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 chính phủ này cũng đã làm được nhiều việc quan trọng :1- là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam; 2- Bộ Trưởng Hồ Tá Khanh dùng học sinh tình nguyện hộ tống chuyển tải gạo ra Bắc cứu đói bằng ghe bè nếu cầu xe hỏa bị bom phá sập (xin nhắc rằng 2 triệu nông dân chết đói vì thực dân Nhật-Pháp liên kết buộc dân chúng phải trồng cây đay (Kenaf) thay thế lúa); 3- chương trình học bằng tiếng Việt thay chương trình học bằng tiếng Pháp (GS Hoàng Xuân Hản biên soạn cùng Tự điển Khoa Học trước đó).
    Anh em sinh viên học sinh chúng tôi đã nghe và đáp ứng ngay tiếng gọi xếp bút nghiên của chính phủ Ngài vừa thành lập, có thể nói là tốt nhất so với sau này. Tôi còn nhớ Trung Úy Phan Tử Lăng, ở sau đường kiệt sau nhà tôi song song với đường Tôn Nhơn, được Ngài giao tổ chức một trung đội Thanh Niên Tiền Tuyến gồm các sinh viên đại học Hà Nội. Sau khi vào đại nội trình diện với Ngài, họ được cấp tốc huấn luyện vài tháng để tổ chức những đoàn Giải phóng quân Nam tiến gồm thanh niên phần đông là học sinh Khải Định. Tôi về nhà xin ba má nhập ngũ với người bạn chị tôi là Trung đội trưởng Võ Quang Hồ, sinh viên trường Thuốc, cậu vợ của KTS Ngô Viết Thụ. Hồ đối với tôi rất tốt, y cho phép tôi từ mặt trận Xóm Bóng Nha Trang về Huế xin tiền nhà mua kính cận thị bị bể sau trận tấn công đồn gát Nhật. Khi tôi chỉ huy Tiểu đội đại liên Hotchkis do hai anh cựu khố xanh Lương và Lê sử dụng) tại Hầm Số Một và bị thương ở đùi, Đại đội Trưởng Võ Quang Hồ (dưới quyền Tiểu đoàn Trưởng Hà Văn Lâu chỉ huy mặt trận) cho tải thương tôi về Tuy Hòa điều trị dã chiến bằng chiếc xe Citroen đen độc nhất của mặt trận. Tôi tình cờ tôi được Bác sĩ Hoàng Mộng Lương (bạn thân ba tôi ở cùng xóm trên đường Âm Hồn Huế) và được BS cho đi xe lữa về nhà thương Bồng Sơn để gặp Cô ruột tôi Nữ hộ sinh tại đó. Nơi đây tôi chứng kiến 2 cảnh thương tâm: Dượng tôi, Trần Gia Thoại, Thanh tra Bưu điện cựu thành viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí hội đồng thời cũng là bạn của thi sĩ Quách Tấn, bị Việt Minh bắt, để lại một bầy con dại trong đó có sử gia Trần Gia Phụng mới lên hai. Cảnh thương tâm thứ 2 là khi tôi xuống chân cầu Bồng Sơn để đi sông thì gặp hai tấm mồ đắp sơ sài bằng đá đường rầy với hai thánh giá đề tên: Khương Hữu Tài và Tạ Thu Thâu. Tạ Thu Thâu thì tôi nghe danh biểu tình trước điện Elysée phản đối việc xử tử Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Nam Quốc dân đảng ở Yên Bái. Tôi thất vọng về đường lối vắt chanh bỏ võ của Việt Minh từ đó và cũng là lý do khiến tôi xuất ngoại năm 1949. Cô tôi cũng rất đau khổ về cái chết của nhà cách mạng Tạ Thu Thâu và nói tôi dầu sao cũng nên tiếp tục kháng chiến chống Pháp vì quân thực dân mới thật là kể thù của mọi người Việt Nam.
    Bản tính tôi ưa vua chúa nói chung và say mê phong kiến Việt Nam nói riêng. Sau này tôi mới thấy cái dại canh tân mà quên ôn cố như nhóm Tự Lực Văn đoàn trào phúng quá đà đối với phe Nam Phong Tạp chí, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ích Hữu v.v. Chính những tài hoa tân học và thi văn bậc nhất ấy đã dùng ngòi bút châm biếm thời phong kiến qua những hình ảnh khôi hài đã giúp Việt Minh giết những Lý Toét, Xã Xệ thật thà chất phát rất cần thiết cho trật tự nông thôn. Từ đấy tàn sát luôn những Bang Bạnh, Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu ngoài Bắc và Đốc Phủ trong Nam và Thượng Thư Phạm Quỳnh. Thật là nguy hại cho dân tộc nếu làm cách mạng mà chưa ôn cố đến nơi đến chốn như những Cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, thì những Cụ Phạm Quỳnh phải chết trong những ngày đầu tiên với cách mạng đấu tranh hủy diệt dân tộc Việt. Thưa quý Vị, chính nền phong kiến vô cùng độc đáo của dân tộc Việt đã bảo vệ cái mà Cụ Luật Sư Nguyễn Khắc Chính, gọi là văn minh Tre (sắp xuất bản) có từ thời xa xưa, cái mà các Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Lương Kim Định, Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích v.v mở đường trở về triết Đông cho các Đại Học Sài Gòn, Vạn Hạnh và Huế. Thật vậy thế giới ngày nay sửng sốt về tính chất tiến bộ vượt thời gian của Luật Hồng Đức của văn minh Tre khi so với Luật Trung Hoa và nhất là Luật Tây Phương cùng thời. Luật Hồng Ðức cũng vượt qua về một số điểm quan trọng khác khi so sánh với Hiến Chương Liên Hiệp quốc về khía cạnh nhân quyền. Tiền nhân ta đã thiết lập được một thể chế thực sự dân chủ từ thời rất xa xưa…. cùng thời với các trống đồng Đông Sơn…
    Quan niệm này có thể là lạc hậu đối với nhiều người trẻ tuổi Tây học, nhưng theo tôi, lạc hậu hay không cũng tùy hướng đi mà thôi. Lo tri tân mà không ôn cố cũng tai hại như lo ôn cố mà quên tri tân vậy. Nhưng ngòa ra, điều quan trọng không phải hướng đi của bộ óc tính toán hơn thiệt mà chính là hướng lòng dung hóa mọi lý trí phân hai tranh chấp. Chính hướng lòng đặc biệt của dân tộc Việt đã tạo ra Văn Hóa Đông Sơn làm nền tảng cho Văn Minh Tre phát triển. Hướng lòng là hành động tạo nghiệp.
    Nghiệp xấu đi từ lòng ham công danh phú quí đến mộng công hầu khanh tướng, mưu bá đồ vương, có nghĩa là say mê bành trướng cái ngã của mình mà quên mất sự tai hại gây ra cho thiên hạ quanh mình. Trái lại nghiệp tốt đi từ lòng thương người lo bố thí, đến tâm từ bi bác ái, cứu nhân độ thế, hộ Quốc, hộ Pháp hộ dân. Câu “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” lợi hại thế nào cũng tùy hướng lòng, nhưng quí vị nên nhớ rằng chính “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” mới thật là lợi hại hơn nhiều.
    Hướng vào ác đạo, với một tướng tài thắng nhiều trận giết rất nhiều người rồi cũng có ngày sa cơ thất trận và bị tướng tài khác giết đi, “cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Dầu cho vô địch đi nữa cuối cùng cũng phải chết già thôi. Hướng vào Tà đạo, cái lưỡi không xương mới là tai hại hơn nhiều, vì chính lưỡi là cơ quan tạo ngôn ngữ, rồi nhờ đó tư tưởng, ý thức hệ cho muôn đời. Cái lưỡi của tay ma đạo, nhờ Thế Trí Biện Thông (TTBT) đưa nhân loại vào chốn Ma Vương, Ác Quỷ. TTBT của ác đạo. Đó là pháp nạn đáng ngại nhất trong Bát nạn Phật giáo. Ác đạo gồm đủ loại quốc doanh của CHXHCN ngày nay bao gồm tôn giáo, tín ngưỡng mê tín, ý thức hệ đấu tranh vũ lực, khoa học kỹ thuật chiến tranh, văn nghệ v.v. quốc doanh trong nước và ra nước ngoài với Nghị Quyết 36 ngày 24-4-2004.
    Tuy nhiên theo thiểm ý thì không có gì đáng lo đối với Vị nào nếu biết huân tập Thiện nghiệp và nhất là Cận Tử Nghiệp, khi gặp bế tắc mâu thuẫn, tức gặp Hố thẳm tư tưởng (Abground) gặp Bát Nạn. Khi ấy,TTBT biết hướng về Thiện nghiệp, gặp bước đường cùng, buộc lòng nhảy vào Tánh Không không thể nghĩ bàn. Để có chút khái niệm về “Nhảy” thế nào, (không có vấn đề thiện hay ác ở đây) chương trình TV Discover vừa rồi tường trình một thí nghiệm khoa học về trí nhớ như sau: Họ dùng điện toán nối liền các mạch điện computer với các phần trí nhớ não bộ liên hệ của một phi công liều mạng lái máy bay sát mặt đất rồi vút lên cao, hoặc của tay vô địch lái xe đua quyết vượt qua mặt kỳ phùng địch thủ. Tất cả não bộ của các nhân vật này tự động sáng tạo biến chế hàng vạn lần nhanh hơn thường lệ để tự cứu lấy mạng sống. Có thể nói rằng họ sống nhiều (nhanh) đến nổi thời gian đi chậm lại. Nhờ vậy mà một võ sĩ tránh né hay đánh đá địch thủ nhanh hơn người thường : Họ thấy mọi cử động chậm lại, giúp đủ thời gian giải quyết hết!!! Nói một cách khác, muốn giải quyết một vấn đề khó thì nên để trí óc làm việc sáng tạo biến chế, giải quyết không ngừng với mọi vấn đề phụ càng khác nhau càng tốt. Đến khi nào bộ óc mệt nhừ chịu hết nổi thì có ánh sáng hiện ra, fiat, ainsi soit-il, sáng tác ra giải pháp cứu nguy. Mozart qua đời lúc 35 tuổi, đã sáng tác 600 nhạc phẩm. Tất cả các Vị đi tù cải tạo cộng sản hay hiền thê đi thăm nuôi chồng đều biết rõ đoạn trường gian truân ai oán, ai có qua cầu mới hay. Chính Einstein cũng nhờ dùng phương pháp này mà kiếm ra thuyết tương đối về thời gian và chuyển động (How would you see the problem from this new perspective. Einstein imagined riding on a beam of light to come up with his theory of relativity, so this technique has been known to work.) http://www.increasebrainpower.com/problemsolvingtechniques.html
    Tài liệu(4) Bảo Đại Vị Hoàng Đế Cuối Cùng Trong Ván Bài Cuối Cùng.của Trần Đức Thanh – Phong. Bài đăng trên Báo THỜI LUẬN XUÂN MẬU TÝ (2008)
    Tác giả bài viết về Cựu Hoàng Bảo Đại là ông Trần Đức Thanh-Phong. Và ông Trần Đức Thanh Phong – thay vì xưng tôi – viết về nhân vật Trần Đức Thanh-Phong trong Bi Hùng Kịch Cựu Hoàng Bảo Đại Cứu Quốc như sau: Trích:
    Anh THANH-PHONG (tác giả bài này) được trao trách nhiệm dò hỏi vận động sự hợp tác của Nhật. Anh trở lại Nhật để thực hiện kế hoạch. Cũng cần ghi nhận là anh THANH-PHONG qua Nhật năm 1943 để theo học về quân sự. Khi Nhật bại trận, anh chuyển sang ngành kỹ thuật thuần túy, vừa đi học vừa đi làm tại Đại Bản Doanh Quân Chính Đồng Minh Chiếm Đóng Nhật Bản.
    Tác giả Trần Đức Thanh-Phong đặt câu hỏi:
    Trích:
    Nhưng “ai” và “từ đâu” có thể đứng ra móc nối, dàn xếp, thuyết phục 3 phe khác biệt này: Cựu Hoàng Bảo Đại, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và phe quốc gia? Ai hay nước nào có thể đóng vai trò trung gian? ( .. .. .. )
    Sự kiện khác được coi như xác nhận là công tác đã bị lộ khi có lệnh bắt anh TP. Số là hôm 27.1.1973, ngày Hiệp Định Paris được ký kết thì ở Sài Gòn anh THANH-PHONG nhận được tin từ Tokyo là ông Bảo Đại cho biết đã sẵn sàng lên đường qua Nhật. Còn 6 ngày nữa là Tết. Hôm 29.1.1973, có tin từ anh em bên Trung Ương Tình Báo cho biết là có lệnh bắt anh TP. Lệnh này được anh em giữ lại để anh THANH-PHONG tìm cách xuất ngoại.
    Vì là cận Tết, hơn nữa vì có cái đám cưới con gái ông Thiệu mà cả ngàn người có máu mặt đã nhận được hồng thiếp, không khí tấp nập gởi quà cưới và quà Tết tại Phủ Tổng Thống đã làm lu mờ mọi sự, kể cả những trận đánh ác liệt ở chiến trường vẫn tiếp tục không đếm xỉa đến những chữ ký còn ướt mực ở Paris, cũng nhờ thế mà lệnh bắt anh THANH-PHONG bị chìm đắm bởi cuộc vui thú của gia đình TT. Thiệu. Thật là may. Đúng 30 Tết anh THANH-PHONG đã rời Việt Nam. Tôi xin phép không diễn tả sự đào thoát này vì là một sự kiện tế nhị. (…)
    Tôi quên mất ngày nào, khoảng vài ba hôm sau khi ông Bảo Đại tới Nhật thì Ngoại Trưởng Kissinger công du Trung Cộng trên đường về đã ghé nghỉ chân một ngày ở Tokyo. Từ đó Tòa Đại Sứ Việt Nam CH đã báo cáo là có buổi họp mật Bảo Đại-Kissinger. Tin thất thiệt này đã khơi mào cho một chiến dịch chống Bảo Đại ở Sài Gòn với sự tham dự rộng rãi của “lữ đoàn gia nô quốc hội.” (…)
    Nhưng chuyện không ai biết là “Giải Pháp Bảo Đại” đã đột ngột chấm dứt ngay khi ông Bảo Đại còn có mặt ở Tokyo. Một yếu tố bất ngờ đã phá tan kế hoạch mất hai năm chuẩn bị, một kế họach nếu thực hiện được thì Miền Nam đã đi vào một giai đoạn sáng sủa lấy nghị trường làm nơi tranh đua xây dựng đất nước. Không ai phải bỏ nước đi tìm tự do. Những người yêu nước chót theo Mặt Trận DTGPMN đã tránh được sự vắt chanh bỏ vỏ và trừng trị của đảng cộng sản Việt Nam.(…)
    Xin trở lại với câu chuyện để kết thúc bài này với giai thoại “Tại sao Giải Pháp Bảo Đại thất bại?”
    Ông Bảo Đại hằng đêm nói chuyện qua điện thoại nhiều giờ với ai đó bên Pháp và bên Hong Kong. Ngươi đó là bà Monique, bà vợ Pháp của ông.
    Cái đêm định mệnh đó, vào lúc 2 giờ sáng, tại lobby khách sạn New Otani, một phụ nữ người Âu đã sách va-li tới nơi ghi danh (registration) với một giọng thiếu kiên nhẫn đòi nói chuyện với “Prince Vĩnh Thụy.” Cố nhiên nhân viên khách sạn trả lời không biết vì cả khu dành cho ông Bảo Đại được giữ kín, có người canh gác cẩn thận. Người đàn bà Âu này đã tự mình vào thang máy lên thẳng tầng lầu và tìm tới phòng của ông Bảo Đại đập cửa rầm rầm. Lính canh Nhật lúng túng không biết phải phản ứng như thế nào vì đối tượng là một người đàn bà da trắng thì ngay lúc đó cửa phòng mở và chính ông Bảo Đại đã kéo người đàn bà này vào phòng.
    Tiếp theo là cảnh ong vỡ tổ, nhân viên an ninh chạy ngược xuôi, báo cáo bằng máy cầm tay đã nhanh chóng đánh thức nhiều người để đối phó với tình trạng khủng hoảng. Khi tôi tới hotel vào lúc 7 giờ sáng mới biết là bà Monique không biết vì lý do gì đã tự tiện qua Tokyo và tới thẳng phòng ông Bảo Đại.
    Nhưng quan trọng hơn là phía người Nhật với bản chất bài ngoại nhất là với người da trắng. Họ rất nhậy cảm và nhẩy vào kết luận là tình báo Pháp đã gài người vào kế hoạch này. Họ quyết định cắt đứt ngay mọi việc, rút hết sự canh gác an ninh. Ông M đưa cho tôi một sấp tiền Yen, bảo tôi đưa cho anh bí thư của ông Bảo Đại để lo cho ông ấy về Pháp. Và thế là “Vị Hoàng Đế Việt Nam Cuối Cùng” âm thầm rời nước Nhật.
    Những người bạn Nhật không hề trách cứ tôi. Họ chỉ nói về ông Bảo Đại rằng: “Ông ấy ở Pháp lâu quá rồi, không còn tư cách một vị lãnh đạo Á Châu.” Câu chuyện này tôi thường nghĩ đúng là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc không thành chỉ trách Ông Trời, con người đều đã hết lòng. Cũng không nên trách ông Bảo Đại, ông chỉ có thế.
    Nói cho đúng thì một phụ nữ Pháp đã vô tình thay đổi một trang sử Việt Nam dù trang sử đó chưa biết sẽ được viết như thế nào.
    Trần Đức Thanh-Phong
    Little Saigon, Mùa Lễ Giáng Sinh 2006.
    Tháng 2 năm 1972, khi đã tiêu pha hết cả tài sản, Hoàng Đế Bảo Đại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại 30 tuổi. trở thành “Hoàng hậu Monique”. Sự kiện này chứng minh có bàn tay bí mật muốn loại trừ giải pháp Bảo Đại trước khi Hội Nghị Paris được ký kết năm 1973. Biết tính Vua Bảo Đại tuy hiếu sinh đồng thời lại có tính hiếu sắc ham đào trẻ trong khi hết tiền, nên Monique Baudot là con cờ của là của bàn tay bí mật mà lịch sử sẽ phanh phui. Theo tôi thì việc loại trừ giải pháp Bảo Đại rất có lợi cho Cộng Sản nhưng vô cùng tai hại cho dân tộcViệt từ sau 30 tháng 4 năm1975 cho đến ngày nay.
    Câu nói cuối cùng của Ngài thấm nhuần tư tưởng xả ly Phật giáo: “Hãy để cho tôi được sống và chết trong bình yên”. Tuy Ngài lên ngôi không do dân bầu, không đủ quyền lực để làm việc lớn cho dân nhưng có tấm lòng trọn vẹn vì dân. Thật vậy, ngoài đức tính hiếu sinh của Phật giáo, Ngài có tấm lòng độ lượng khoan dung tha thứ truyền thống của dân tộc Việt. Theo tôi nghĩ, Ngài đã nhờ phần nào vào thiện nghiệp tiền kiếp nên biết Dung hóa việc đời bằng đạo Như Thật, nghĩa là thành thật với mình và có tâm Từ Bi. Việt Minh nhờ Ngài hiếu sinh từ bi mà thoát khỏi tay Đại sứ Yokoyama , nhưng lại vô cùng lo sợ đức tính Như Thật của Ngài ghét cái nói dối của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản… Cũng vậy, thế giới chính trị không ngán bản tính nói láo của thế giới cộng sản vì nói láo thì thế nào cũng lòi mâu thuẫn, dấu đầu hở đuôi rất dễ đối phó, nhưng rất sợ Hitler vì nhà độc tài này nói thật làm thật và nhờ vậy lôi kéo dân chúng cho đến phút cuối cùng (Mein-Kampf by Adolf-Hitler). Nhưng Hitler nói thật chưa đủ cần phải biết thương người mới có có Trí tuệ Bát nhã được. Như nói ở trên, phải có Trí Bát nhã mới thấy Nghiệp được, ngay cả trí thông minh của các nhà thông thái cũng trong vòng thế trí biện thông mà thôi hông thấy nghiệp được. Khổng tử lúc 34 tuổi (chưa ngũ thập tri thiên mệnh và cũng chưa đến mức tận nhân lực) tầm sư học đạo quân tử với Lão Tử. Lão Tử không dạy (Đạo khả Đạo phi thường Đạo) mà dạy đi kiếm “quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu” mà học hỏi. Câu chuyện này nên so sánh với sự kiện Cụ Hoàng Xuân Hãn yêu cầu Cụ Trần Trọng Kim đi gặp Ngài Bảo Đại “ xem có ngu không” trước khi cụ nhận lập nội các. Ở đời có nhiều chuyện trái ngược như vậy; ví dụ nếu mình muốn đi kiếm sự thật về hạnh phúc chẳng hạn, tôi khuyên quý Vị đọc lại bài tiểu học để nhớ lại câu chuyện người sung sướng không có áo! Ai bảo chăn trâu là khổ?
    Theo tôi nghĩ, chắc chắn Ngài chịu ảnh hưởng của bà mẹ là bà Từ Cung Hoàng thái hậu, khuê danh Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định, vị Hoàng thái hậu cuối cùng của Việt Nam. Năm 1925, vua Khải Định băng. Năm 1926, Nguyễn Phước Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Sau khi lên ngôi, ông phong cho mẹ mình làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, nhưng mọi người vẫn thường gọi bà là “đức Từ Cung”. Năm 1945, vua Bảo Đại giao ấn kiếm cho Việt Minh, tuyên bố thoái vị, đức Từ Cung cùng bà Nam Phương và con cháu hoàng gia rời hoành thành dọn ra cung An Định ở bên bờ sông An Cựu. Nhưng khi bà bị Việt Minh đuổi nhà chiếm đất năm 1975, bà dọn về số nhà 79 Phan Đình Phùng và ở đây cho đến cuối đời. Kể từ thời gian đó đến lúc băng hà, bà không một phút giây nào rời khỏi Huế. Bà nguyện sống cả đời ở đây để giữ gìn nơi thờ phụng các bậc tiên đế, các bảo vật của triều Nguyễn… Năm 1980, Bà Từ Cung qua đời, an táng gần lăng Khải Định. Nói tóm Đức Từ Cung vẫn là một phụ nữ ngoại thành bình thường gốc Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
    Năm 1939, vua Bảo Đại xây ngôi chùa đầu tiên trên đất Buôn Mê Thuột, lấy hai chữ đầu trong hiệu của phụ mẫu (Khải Định – Đoan Huy) ông đặt tên cho ngôi chùa là “Khải Đoan”.
    Năm 1955 tôi về Việt Nam theo tiếng gọi cha tôi (Ngô Trọng Lữ, Giám Đốc Nha Địa Chánh Huế) về giúp chính phủ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đang cần chuyên viên. Tôi được Bộ Công Chánh phái ngay lên Hoàng Triều Cương Thổ với Nha Công Chánh Cao Nguyên Trung Phần ở Đà Lạt, Buôn Mê Thuột (1955-62), rôi Huế, Đà Nẳng (1962-1964), và SaiGon (1964-75) cuối cùng ở tù cải tạo (1975) và đi sang Mỹ theo diện ODP (1984) đến San Francisco (1985) gặp lại cha tôi cho đến ngày ông qua đời (1986).
    Tôi đến Buôn Mê Thuột năm 1955 đúng lúc gặp HT ThíchTrí Thủ (sau này bị Cộng Sản vắt chanh bỏ vỏ giết ngày 1-4-1984). Lúc ấy Ngài được bầu làm Ủy viên Giáo dục của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đồng thời được giao nhiệm vụ Giám viện Phật học viện Nha Trang, thành lập tại chùa Hải Đức trên núi Trại Thủy. Ngài yêu cầu của tôi giúp chùa Khải Đoan xây cất từ A tới Z một trường Trung Học Bồ Đề hợp pháp đối với Bộ Quốc Gia Giáo Dục và sự đồng thuận của địa phương (Cụ Đại Biểu Cao Nguyên là Thân Trọng Thuận rất thể thao vui tính. Trường xây xong năm 1961 chưa kịp khánh thành thì Phi công Phạm Phú Quốc (em chú bác nhà tôi, cháu nội Phạm Phú Thứ) dội bom dinh Độc lập ngày 27 tháng 2 năm 1962, nên sáng sớm ngày 28 tháng 2, tôi nhận công điện Từ Phủ Thổng Thống ra lệnh dọn dẹp về Huế gấp và được Ông Thân Trọng Thuận, một thành viên cần lao trong sạch, họp anh em hội quần vợt mở tiệc tiển đưa tôi tại nhà hàng lớn Buôn Ma Thuột. Ông Thuận cười nói với tôi : “Toa xây Trung Học Bồ Đề thì khỏi làm Bộ Trưởng, một số cần lao ghét toa dèm pha đó”. Sau này tôi thầm nghĩ một cách khôi hài: Âu cũng theo luật nhân quả, vì nếu Phi công Phạm Phú Quốc (1935-1965) người em bên vợ phá sập Dinh thì KTS Ngô Viết Thụ (1926-2000) người anh bên chồng sẽ xây Dinh lại cho Tổng Thống ngay. Đúng như vậy, KTS Thụ được Tổng Thống gọi cùng với một số chuyên viên Công chánh (trong đó có Kỹ sư Phan Đình Tăng) và Công Binh lên Đà Lạt thiết kế trong vòng một tuần đồ án Dinh Độc Lập hoàn toàn mới. Thụ là anh em chú bác với tôi cùng tuổi (Thụ học chữ nho trường làng, rất mê mệ Công TằngTôn Nữ Tư Tề hiện ở Pháp (em nhạc sĩ Ưng Lang (vừa mất) ở trọ nhà tôi cùng với thân sinh là Cụ Hồng Khanh), Thụ tự học chữ Nho, tự học Tú Tài Toán, tự học họa viên kiến trúc, được Nha Công Chánh Cao Nguyên bổ dụng. Ông Trưởng Kỹ Sư Pháp thấy Thụ xuất sắc bèn đặc cách cấp học bổng sang Pháp học trường Beaux Arts Paris năm 1949 và đoạt Khôi Nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) năm 1955 được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mời về nước ngay. Chúng tôi cùng làm việc chỉnh trang lãnh thổ ở Hoàng Triều Cương Thỗ trên 6 năm rồi cùng vào trại tập trung cải tạo năm 1975, nhưng anh về trước tôi 3 năm để sửa chữa Dinh. Năm 1980 tình cờ tôi gặp lại cựu sinh viên tiền tuyến Võ Quang Hồ trong nhà Ngô Viết Thụ trong tình thân bà con mà thôi, không nói gì khác vì thời ấy tai vách mạch rừng kín miệng là tốt nhất. Lúc ấy tôi thấy Hồ đeo lon Thiếu Tướng còn Thụ thì đau sạn thận sắp được sang Pháp chửa bệnh nhờ vị trí “trang trí viên” cho chế độ của Thụ.
    Một hôm Thụ khôi hài nói với tôi: “Dinh Độc lập được xây mà không ai ở cả, bây giờ Việt Cộng không dám ở nên dùng Dinh làm một Bảo Tàng Viện bất đắc dĩ! Moa xây Dinh với hình chữ Vương 王 hay chử Chủ 主 không có nghĩa là Vua hay Chúa mà ngụ ý là người cai trị dân phải theo vương đạo, lấy đức nhân mà tạo thịnh vượng cho dân,” Tôi nghĩ thầm lời Thụ e có lẽ đúng vì kể từ khi khởi công (1962) đến nay không có vị nào lấy đức nhân mà tạo thịnh vượng cho dân cả. Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cho công chánh và công binh xây dinh nhưng không kịp ở để thi thố đức nhân, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu muốn ở lâu dài nhưng thiếu đức phải ra đi, Tổng Thống bất hợp hiến Dương Văn Minh ngồi chờ giao Dinh cho Việt Cộng rồi bị chúng ăn cháo đá bát, lủi thủi ra về nhà riêng. Rất tiếc Hoàng Đế Bảo Đại là nhân vật duy nhất có đức nhân nhưng lại không bao giờ muốn ở Dinh mà chỉ muốn ở biệt thự, trong cũng như ngoài nước. Biết đâu, một ngày đẹp trời nào đó, chế độ Quân Chủ Lập Hiến được thực hiện tại Việt Nam và có một ông Vua nhân từ vào Liên Hiệp Quốc bên cạnh các chế độ Quân Chủ lập hiến khác (Constitutional Monarchy) như Bĩ, Đan-Mạch, Hoàng Gia Anh và Ái Nhĩ Lan, Liechtenstein, Luxembourg, Monaco, Netherlands, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Afghanistan, Bhutan, Brunei, Cambốt, Nhật, Mã Lai, Mông Cổ, Nepal, Thái lan, và (kể từ ngày 10 tháng Ba năm 2008) quốc gia Miến Điện Myanmar sắp bầu quốc hội.
    Khi ấy vong linh Thụ sẽ được an ủi vì đất nước có thể chế vương đạo, và Hoàng Gia vào Dinh ở lâu dài.
    Tâm Tràng

    • kính thưa bác Ngô Trọng Anh,
      Cháu là một hậu học (lớp 11 năm 1975) ở miền Nam tự do, lớn lên và trưởng thành từ khổ nạn sau chính biến 1975, cháu đã tìm tòi nhiều sách vở tài liệu cũ thời quốc gia và hiện (tháng 8/2013) đang đọc Tập San TƯ TƯỞNG (cháu có đủ bản photocopy các số từ 1967 – 1975)…trong đó có nhiều bài viết của bác từ 1969 nhất là bài ‘”Tư Tưởng Hoa Nghiêm về Con Người Xã Hội”, trang 119, TƯ TƯỞNG số 3 ngày 1 tháng 8, 1969 (chủ đề: Những Vấn Đề của Xã Hội Học và Chính Trị Học” do GS Tôn Thất Thiện phụ trách) mà cháu rất tâm đắc và vô cùng tán thán công đức bác bởi những bổ ích mà bác đã trình bày, trải qua hơn bốn chục năm nay vẫn còn nguyên giá trị (2013).

      Qua mấy dòng comment nhỏ này cháu mong ước sao bác nếu có ghé lại nơi đây, xin bác bỏ chút thì giờ email cho cháu:
      Lê Tùng Châu, hoianguitarist@gmail.com
      (cháu cũng có làm từ 2009 trang Weblog này: letung chau.blogspot.com)
      Cháu thật vạn hạnh nếu được nhận email của bác và có cơ hội học hỏi trao đổi thêm với một tiền bối đáng kính ngưỡng!

      Cháu cũng xin có lời biết ơn nhà văn Hoàng Hải Thủy đã lập trang Blog này để bác Ngô Trọng Anh có thể xuất hiện như lòng mong mỏi của biết bao hậu học đang còn ở quê nhà khổ nạn.

Leave a comment