• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Sài Gòn Ngon Lắm, Sài Gòn Ơi!

 

Banh mi
Bánh Mì Sài Gòn…!
Nhất thế gian Ngon
Ở đâu trên Trái Đất Tròn
Có Bánh Mì Thơm, Vàng Ròn
Ngon như Bánh Mì Sài Gòn?
  Banh mi 2
Hình ảnh Bánh Mì thân thương
trên những vỉa hè Sài Gòn xưa

Ông, bà có thể hỏi:

Đặt tít ký gì kỳ dzậy? Sài Gòn Ngon là ký gì? Ký gì của Sài Gòn Ngon?

Thưa: Ký gì của Sài Gòn cũng ngon ráo trọi. Người Sài Gòn Ngon, Đồ Sài Gòn Ngon. Nhưng Sài Gòn Ngon đây là Sài Gòn trước 1975. Sài Gòn trước 1975 mới Ngon. Nếu hỏi 4 triệu ông bà người Việt sống ở hải ngoại thương ca, không chỉ người Việt ở Kỳ Hoa Đất Trích, mà người Việt ở Paris Đất Mẹ Đất Cha Tây Ngày Xưa, người Việt ở London Sông Thames Bốn Mùa Sương Trắng, người Việt ở Sydney có Tòa Nhà Sò Hến, người Việt ở Melbourn, Thành Phố Meo-bần mà người rất sang, rất hào hoa, phong thấp – xin lỗi, hào hoa, phong nhã – ông bà sẽ nghe câu trả lời:

Sài Gòn ký gì cũng ngon. Nhưng phải là Sài Gòn trước 1975 mới Ngon.

Bánh Mì Sài Gòn nổi tiếng ngon từ những năm 1950. Thời gian qua, càng ngày Bánh Mì Sài Gòn càng ngon. Các ông Tây Thực Dzân mang đến cho người Việt Nam – thời xa xưa ấy là người A-na-mít – nhiều thứ thực phẩm như Bơ, Phô-mai, Bắc Kỳ xưa là Phó-mát, Cà-phe, Sữa Đặc Có Đường, Bích-qui, Sô-cô-la, Kem, Cà-rem, Bia – La-Ve, La-dze – Sà-phòng, Sà-bôngBánh Mì. Trong số thực phẩm Tây nhập, Bánh Mì đựơc dân An-nam tiếp nhận nhanh nhất, hoan nghênh nhất. Người dân Việt nghèo không có điều kiện, mà nhiều người có điều kiện, tức có tiền, cũng không thích ăn Bơ, sô-cô-la, uống cà-phe, nhưng người dân Việt giầu, nghèo đều rất thích ăn bánh mì.

Thời gian 60, 70 năm xưa, những năm 1940 Thế kỷ 19, ở xứ Bắc kỳ, Bánh Mì được gọi là Bánh Tây. Thời ấy rất nhiều thứ của các quan Đại Pháp được người dân Bắc Kỳ – Tonkinois: Tông-ki-noa – gắn theo nhãn hiệu “Tây”, như Bánh Tây, Áo Tây, Giầy Tây, Thuốc Tây, Rượu Tây, Cơm Tây, Nhà Tây, Chó Tây, đến loại chuối bự trái, như chuối xứ trong Nam Kỳ, cũng được gọi là Chuối Tây. Và Bánh Mì được dân Bắc kỳ, trong số có kẻ viết bài này, gọi là Bánh Tây.

Bài Viết ở Rừng Phong hôm nay có ba chuyện:

  1. Bánh Mì Sài Gòn Xưa và Nay.
  2. Thi sĩ Lê Minh Ngọc, Chủ Tiệm Bánh Mì-Cà phe Hòa Mã.
  3. Thi bá Vũ Hoàng Chương.

Mời quí vị đọc bài viết về Bánh Mì 2008 ở Sài Gòn.

Người viết Hàm Anh, cư ngụ tại Sài Gòn:

Như bánh cuốn, phở, xôi, bún, bánh mì là thức ăn không thể thiếu của nhân dân Sài Gòn, bánh mì là thứ người ta có thể ăn mọi lúc, ở mọi chỗ, có thể dễ mang theo. Bánh mì có mặt suốt ngày, từ sáng tinh sương đến đêm khuya và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đầu đường, góc phố nào của Sài Gòn. Đêm khuya khi những tiệm ăn đã đóng cửa, không còn hủ tíu, phở, chè, cháo thì xe bánh mì với ngọn đèn leo lét vẫn một mình thức trên vỉa hè đón đợi những người khách cần ăn khuya.

Việt Nam không trồng lúa mì, nhưng dân Việt lại thích ăn bánh mì nên Việt Nam phải nhập cảng bột mì để làm bánh mì và mì sợi. Thông thường, xíu mại, giò lụa, cá mòi, chà bông… xe bánh mì có thể có hay không có cũng được nhưng để làm nên một xe bánh mì lề đường chân chính, đúng sách vở, xe thường không thiếu món thịt ba chỉ buộc dây bó khoanh nhuộm màu đỏ cam. Cùng với một ít mayonnaise, ma-dzi, pâté, đồ chua, dưa leo, cà chua, hành hoa, ớt, tạo nên ổ bánh mì Sài Gòn đặc trưng không giống với bánh mì kẹp thịt những nơi khác.

Bánh mì có thể kẹp với nhiều nhân khác nhau. Một thứ nhân rẻ tiền là bì, như bì ăn với cơm tấm, thứ này không đi với nước tương hay muối tiêu mà phải rưới nước mắm ớt mới đúng điệu. Một ổ bánh mì thịt bình dân, năm 2008, giá 3 hay 4.000 đồng thì bánh mì bì chỉ 2 hay 3.000 đồng, ổ bánh mì không giá 2.000 một ổ. Có những xe bánh mì thịt nướng thường đậu trước cửa trường học hoặc đẩy rong ngoài đường ở những khu dân cư đông dân cư. Thịt bò xay nhỏ xiên que nướng bốc khói thơm phức nhét vào bánh mì với đồ chua, rưới tương đen pha ngòn ngọt, nếu không sợ nguồn gốc thịt chưa kiểm dịch thì ổ bánh mì nướng rong này cũng khá lạ miệng.

Cách đây vài năm, bánh mì thịt nướng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong khu ẩm thực ở những hội chợ. Món này vốn là thịt cừu nhưng sang VN, để hợp với khẩu vị người Việt nên dùng thịt heo, bò hay gà ướp các thứ gia vị lạ, nướng chín trên trục lò xoay tròn, nhét vào ổ bánh mì dòn thơm nóng hổi, thêm ít bắp cải, cà chua, hành tây… cùng với mù-tạt, mayonnaise. Mặc dù ăn khá ngon nhưng không hiểu sao món bánh mì thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ rất thịnh hành ở miền Bắc, vào đến Sài Gòn, ngoài tiệm Như Lan không còn thấy nơi nào bán. Mặc dù luôn thích ứng với các món ăn mới lạ phương xa, thể hiện qua vô số quán ăn Pháp, Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Nga mọc ra khắp nơi, người Sài Gòn vẫn thích ăn bánh mì thịt heo quay quen thuộc từ trước tới giờ hơn bánh mì thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ. Trước kia bánh mì hay bánh hỏi thịt heo quay được coi là trịnh trọng, thường dùng đãi khách hay trong đám giỗ, đám tiệc. Cách đây mấy năm, xe bánh mì thịt quay ở chân cầu Mỹ Thuận được đưa lên báo Tuổi Trẻ khiến chủ nhân là cô Vân Mập trở nên nổi tiếng, du khách khi đi ngang khu này thường ghé mua bánh mì cô Vân. Thế là từ xe bánh mì nhỏ bán vội vàng cho khách qua cầu, sau một thời gian ngắn đã phát đạt thành cửa hàng ăn uống rộng lớn, bán thêm nhiều thứ như kiểu Restaurant mini.

Một số xe chỉ chuyên bán bánh mì thịt quay nằm trên đường Trần Đình Xu (Phát Diệm), Nguyễn thị Minh Khai (Hồng Thập Tự)… Tùy mỗi xe, thịt được thái theo kiểu khác nhau, hoặc thành miếng to, hoặc nhỏ như cây tăm nhưng vẫn đủ ba lớp bì, mỡ và thịt, kẹp thêm dưa leo và chế nước tương.

Nay nhiều xe bánh mì có bếp ga mini để có thể chiên trứng ốp-la tại chỗ. Tại những cửa trường học, do bị đuổi dữ quá nên hàng bánh mì không là chiếc xe đẩy nữa mà bánh mì nằm gọn trong mấy cái giỏ xách dã chiến để khi bị cảnh sát đưổi, bà hàng có thể xách giỏ chạy. Trứng ốp-la, xúc xích, phô mai, bơ Tường An là những mặt hàng quen thuộc của những bà bánh mì giỏ này. Vì sẵn bếp ga nên bà bánh mì giỏ còn có thể bán thêm cơm chiên. Nồi cơm nấu chín sẵn trộn màu vàng vàng, các món dùng để kẹp với bánh mì: trứng, bì, cá hộp Ba Cô Gái cũng dùng cho cơm, học sinh thích ăn cơm chiên, bà xúc cơm, trứng, thịt cho vào chảo dầu chiên chiên, xào xào xong ngay trong chớp mắt. Các món no bụng nóng sốt này, giờ tan học bán không hở tay cho học sinh các trường trung học chưa đủ lớn vào quán xá, vì sau giờ tan học chính quy ở trường, học sinh thường phải ăn vài miếng trước khi chạy qua một lớp học thêm khác, để học đến tận chín, mười giờ tối mới về nhà. Nay Sài Gòn có những tiệm bánh mì với những cô bán hàng trẻ trung ăn bận theo kiểu Teen như tiệm Chop Chop ở đường Cống Quỳnh. Tiệm này khuyến mãi bằng chiêu mua một ổ bánh mì không 2.000 đồng được tặng thêm một ổ. Chop Chop bán ổ bánh mì thịt với giá từ 10.000 tới 15.000 đồng.

Nhiều xe bánh mì ngon trở thành thương hiệu nhiều người biết như bánh mì Lệ, bánh mì đường Bùi thị Xuân, bánh mì góc Lý Tự Trọng-Thủ Khoa Huân…, bánh mì Anh Phán, Hà Nội, Như Lan. Những tiệm bánh mì vừa kể từ chiếc xe vỉa hè thủa nào mới ra nghề tiến lên thành những tủ kính bề thế nằm ở mặt tiền đường phố, người bán hàng mặc đồng phục. Nói đến những tiệm bánh mì lâu năm của Sài Gòn không thể không nói đến tiệm bánh mì Nguyên Sinh trên đường Trần Đình Xu, cửa tiệm xưa, cũ nhưng sạch và sáng, với hai bàn gỗ kê phía trong, tiệm không ồn ào dù đang lúc đông khách, đa số khách là khách quen, sành ăn đến thưởng thức bánh mì với giò chả làm đúng hương vị Bắc kỳ.

Một tiệm bánh mì khác rất đặc biệt của Sài Gòn là tiệm Bánh Mì Hòa Mã trên đường Cao Thắng. Thịt nguội ở đây không lấy mối mà do tự tay gia đình chế biến theo bí kíp gia truyền. Chủ nhân Hòa Mã từ Hà Nội di cư vào Nam năm 1954. Từ 1954, quán được khai trương ở đường Cao Thắng, Sài Gòn và mở cửa, có khách đều đến ngày hôm nay. Bánh Mì Hòa Mã có những ông khách quen đến tiệm từ những năm 1960, dài dài đến 1975 khách bỏ Sài Gòn ra đi, 10, 20 năm sau khách quay về thăm Sài Gòn, khách trở lại tiệm Hòa Mã và khách cảm khái khi thấy tiệm y hệt như năm xưa khi khách bỏ Sài Gòn ra đi. Vẫn sàn nhà mòn đen, mấy cái bàn gỗ cũ, mấy cái ghế sắt tróc sơn. Ngoài bánh mì thịt nguội hương vị độc đáo, cái đặc biệt nhất của Bánh Mì Hòa Mã chính là chủ nhân. Ông chủ tiệm Hòa Mã là Nhà Thơ Lê Minh Ngọc, trước kia từng đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật, bộ môn Thơ. Ông nổi bật trong bộ đồ gấm may kiểu Tàu thường là màu sáng: vàng, cam, hồng…. Mỗi sáng ông ngồi thanh thản đọc báo, ăn điểm tâm trong tiệm nhà. Bạn văn nghệ ghé qua tiệm luôn được ông mời thưởng thức món bánh mì thịt nguội cực ngon với ly cà phê nóng, kèm theo những câu chuyện văn nghệ trải dài từ Bắc vào Nam. Nhà thơ Lê Minh Ngọc nay đã ngoài 90 tuổi xuân.

Những tiệm bánh mì đặc biệt Sài Gòn như tiệm Hòa Mã nay chỉ còn sót lại dăm ba tiệm. Bánh mì từ giã chỗ bán ngoài lề đường đầy khói xe, bụi bặm, dần dần đi vào những cửa tiệm lịch sự, tân tiến. Nay Sài Gòn có những tiệm bánh mì riêng biệt, đàng hoàng như tiệm phở, tiệm cơm tấm, bánh mì không còn phải đóng vai đào phụ bán theo các món ăn khác hay lang thang góc chợ, vỉa hè, gốc cây. Nay ở Sài Gòn những tiệm bánh mì mọc ra như nấm. Một số tiệm chỉ bán duy nhất bánh mì bít-tết bếp lửa hừng hực suốt ngày trên những đường Võ Văn Tần, Đinh Tiên Hoàng, Cao Thắng…. Khách đến nườm nượp. Cửa hàng bánh mì tươi, ở góc đừng Trần Quý Cáp và Mạc Đĩnh Chi, với lò nướng bánh kê ngay ở mặt tiền cửa hàng, chốc chốc cho ra lò những khay bánh mì ròn nóng hổi. Lại có một lô tiệm bánh mì như những tiệm chuyên bán loại “Thức ăn nhanh Âu Mỹ” – Fastfood – như: Tiệm bánh mì Ta (Lê Thánh Tôn), King Baguettaria (Trần Hưng Đạo), Bamizon (Nguyễn văn Chiêm)…. Những tiệm mới mở này bán bánh mì thịt nguội, trứng, cá hộp… kèm cà phê, nước trái cây, nước ngọt…. Hệ thống Bánh Mì B4 hay Queen Bee gồm nhiều cửa tiệm ở khắp các quận đô thành. Ngoài ra còn phải kể đến những cái tên Bami Deli, Bistro, Love Bread, Bon.

Hầu hết những tiệm bánh mì trong thành phố đều có máy lạnh, trang trí tân kỳ, phục vụ chuyên nghiệp, không những chỉ là nơi thưởng thức món bánh mì Sài Gòn ròn, thơm, đúng điệu, ngon lành mà còn là nơi ăn uống sạch, đẹp, văn minh, lịch sự, thích hợp với những cuộc gặp, hẹn, bàn chuyện làm ăn, chuyện tâm tình hay tán gẫu.

Nguyễn thị Hàm Anh

Theo tôi, Bánh Mì Sài Gòn Ngon Nhất Thế Giới. Bài viết của Nguyễn Thị Hàm Anh làm tôi cảm khái vì trong bài nhắc đến một ông bạn văn nghệ của tôi: Thi sĩ Lê Minh Ngọc. Anh là tác giả Tập Thơ Hoa Thề, được Giải Thưởng Văn Chương Việt Nam Cộng Hòa tôi không nhớ vào năm nào. Dường như là một năm trước năm 1963. Lê Minh Ngọc là cư dân làng Hòa Mã, một làng ở bên thành phố Hà Nội, như làng Giáp Bát. Nghe nói thành phố Hà Nội lúc đầu được dựng trên đất làng Hòa Mã, sau phát triển làm mất luôn làng Hòa Mã.

Bánh Mì Hòa Mã Sài Gòn nằm trên đường Cao Thắng, gần Ngã Tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng, đầu ngõ Kỳ Viên Tự, nhìn sang bên kia đường Phan Đình Phùng là Tam Tông Miếu. Tiệm không bán bia, nước ngọt, chỉ có bánh mì và cà-phe. Thực khách chẳng bao giờ quá đông mà cũng chẳng lúc nào quá vắng. Gần ngay tiệm Bánh Mì Hòa Mã là tiệm Bánh Mì Ba Lẹ, đường Phan Đình Phùng. Bánh mì Ba Lẹ nổi tiếng một thời, chỉ bán ổ bánh nhồi thịt, đem đi, không có bàn cho khách ngồi ăn tại tiệm. Sau 1975, Chủ nhân Ba Lẹ sang Mỹ, Bánh Mì Ba Lẹ không còn ở Sài Gòn.

Bánh Mì Hòa Mã là một Sài Gòn Vang Bóng, một hình ảnh của Sài Gòn từ những năm 1960, chủ nhân Hòa Mã Lê Minh Ngọc là một chủ nhân kỳ cựu của giới bán Điểm Tâm của Sài Gòn, năm nay, năm 2008, anh phải, ít nhất, là 86, 87 tuổi. Tôi nhớ những năm 1976, 1977, gặp lại Lê Minh Ngọc, nghe anh nói:

– Cứ ngồi không mà ăn. Sợ thật. Các cụ nói “miệng ăn, núi lở” – Tọa hưởng, sơn băng. Đúng thật.

Sau 1975, toàn thể 3 triệu cư dân Sài Gòn ăn ngày 3 bữa nhưng không ai kiếm ra được một đồng bạc, dù là một đồng tiền Hồ Thổ Tả, nhưng chủ nhân Hòa Mã vẫn mở tiệm bánh mì, vẫn kiếm được tiền. Dù là thời Quốc Gia No Đủ, dù là thời Cộng Sản Đói Rách, người ta vẫn cứ phải ăn. Chỉ có điều thời Quốc Gia người Sài Gòn ăn no, ăn ngon, mặc đẹp, thời Cộng sản người Sài Gòn ăn đói, mặc rách.

Lê Minh Ngọc nói về Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

– Mình có hai câu tặng ông ấy:

Ta đợi Em từ hai mươi năm
Để Em quất mẹ chỗ ta nằm.

Thơ Vũ Hoàng Chương:

Ta đợi Em từ ba mươi năm,
Uổng hoa phong nhụy, hoài trăng rằm.

Lê Minh Ngọc về thăm Hà Nội ngay từ những năm 1977, 1978, trở vào, anh bảo tôi:

– Anh phải về Hà Nội. Anh phải về xem bọn Hà Nội chúng nó sống như thế nào, về để thấy những con vợ nó khinh thằng chồng, những thằng con hỗn láo với bố, thấy những thằng đàn ông hèn. Anh phải về để thấy chúng nó sống dối trá ra sao, để thấy chúng nó mới là ngụy, mình không phải là ngụy.

Chắc tôi không có ngày gặp lại Thi sĩ Lê Minh Ngọc ở Sài Gòn. Xin ông bạn nào trong nước đọc được bài viết này, in ra, mang đến tiệm Bánh Mì Hòa Mã đường Cao Thắng, đưa cho Thi sĩ Lê Minh Ngọc, để Thi sĩ thấy tôi ở bên trời này vẫn nhớ ông, tôi viết về ông. Ông bạn làm dzùm, tôi cám ơn.

Nhớ Bánh Mì Sài Gòn, tôi làm bài Thơ:

Bánh Mì Sài Gòn

Ai bảo Bánh Mì Paris ngon?
Chắc gì hơn Bánh Mì Sài Gòn!
Bánh Mì Sài Gòn Năm-bơ Uon.
Nóng, thơm, bùi, béo lại vàng ròn!
Không giống như Cơm cần cá, thịt,
Càng không giống Phở nước lòn tòn.
Bánh Mì ăn không cũng Ngon.
Ta đi trăm núi, ngàn sông, biển,
Không đâu bánh mì ngon
Bằng Bánh Mì Sài Gòn!
Quan Tây truyền dậy bao nhiêu mánh.
Bánh Mì là mánh Việt nằm lòn!

.

.

.

Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân,
Kỳ Hoa Đất Trích. Tháng Năm 2008.

12 Responses

  1. Nhà tôi ở khu chợ Bàn Cờ, không xa bánh mì Hoà Mã bao nhiêu, nên không lạ gì Hoà Mã. Nhưng tôi đến Hoà Mã chỉ để ăn bánh mì ốp la có lẫn chả lụa sắt sợi, đựng trong cái chảo nhỏ méo mó đít đen xì mồ hóng, vì món này thì bánh mì Hà Nội (đường Nguyễn thiện Thuật) không có. Còn nói về thịt nguội thì Hà Nội ngon hơn, tiệm to hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn.

    Hoàng đại huynh lầm lẫn: Kỳ viên Tự nằm trên Phan đình Phùng, góc đường Bàn Cờ, còn Tam Tông Miếu nằm trên Cao Thắng. Hoà Mã nhìn xéo sang Tam Tông Miếu là đúng, nhưng nói đầu ngõ Kỳ Viên Tự thì không đúng. Kỳ viên Tự nay cũng không còn.

    Điểm làm tôi bồi hồi xúc động khi về thăm Hoà Mã là bác Lê Minh Ngọc không sơn phết sửa sang gì lại quán cả, bảng hiệu Hoà Mã đã mất sơn mất chữ. Chỉ người xưa lớn tuổi mới biết là Hoà Mã. Quán của bác làm tôi nhớ câu thơ:

    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

    Bác không muốn sơn phết lại, và chính vì thế mà tôi yêu Hoà Mã hơn Hà Nội. Hà Nội bây giờ hào nhoáng hơn xưa, to hơn xưa, không còn cho ngồi ăn tại chỗ, chỉ bán mang đi, và bán đủ thứ chứ không phải chỉ có bánh mì thịt nguội. Hoà Mã bé nhỏ, phong sương tiêu điều nhưng vẫn trơ gan cùng nắng bụi Saigon. Ăn không còn thấy ngon như ngày xưa, có lẽ là vì chế độ ăn uống quá dư thừa ở nước ngoài đã thay đổi khẩu vị.

    Tôi không biết bác Ngọc, chỉ ngồi ăn mà mơ hồ tự nghĩ: chủ quán chắc đã mất rôì, nay là con cháu tiếp tục điều hành.

    Hoàng đại huynh lại đem tôi về vùng trời kỷ niệm dấu yêu của Phan đình Phùng/Cao Thắng …nơi tôi ở hơn 30 năm. Cám ơn Huynh.

    • Ngày xưa khi đường Richaud/Phan Đình Phùng chưa được nối dài mở ra đoạn từ Lê văn Duyệt đến Lý Thái Tổ thì cổng của Kỳ Viên Tự nằm trên hẻm bên hông Hòa Mã. Kính.

  2. Chu Thuy oi, Chau phuc chu lam va rat me doc nhung bai viet cua chu nua. He co thoi gio la chau lai tim nhung bai cua chu de doc. Chu lam chau nho Sai Gon qua, du chau moi xa no chi chung hon mot nam thoi.
    Cau chuc chu luon manh khoe o xu TINH NHAN KY HOA DAT TRICH !!!

  3. Tôi cũng đã có thời gian ở khu Bàn Cờ, xin có ý kiến – Ông HHH nói đúng và Ông HHT cũng không sai – Xéo với Tam Tông Miếu bên này đường Cao Thắng chỉ có 1 con hẻm, đầu hẻm là một tiệm ăn Tầu, hẻm này đi vào nhà Bảo Sanh Cô Mười, quá chút nữa là phía sau chùa Kỳ Viên rồi tới đường Bàn Cờ – Chùa KV ở góc Phan Đình Phùng và đường Bàn Cờ – Vài hàng mạo muội, không biết từ 55-56 đến nay, có gì thay đổi không – Cám ơn quý vị đã nhắc tới kỷ niệm cũ – TVT.

  4. Bài viết của Hoàng huynh về bánh mì làm đệ nhớ Sài Gòn quá đi mất! Bạn nào ở Bàn cờ, có nhớ Bánh mì TÁM LỰ không? Vào những năm 60-65, xe bánh mì Tám Lự – không nhớ ở Phan Thanh Giản, gần Bệnh viện Bình Dân, hay ở Phan Đình Phùng, gần chợ Bàn Cờ, hình như chỉ bán ban đêm. Một ổ bánh mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc (hai gang tay) ăn vào no đến sáng. Mà ngon nữa, đầy đủ phụ tùng, ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ (sao hồi đó thèm bơ quá, bây giờ diet không dám ăn một chút xíu, cả đến pâté gan cũng không dám!) còn thêm dưa leo, cọng hành lá,, nước tương hoặc muối tiêu, ớt xắt thành cọng dài, ngò… Đệ mới forward cho Hoàng huynh video clip ” Ta Chẳng Về Chi” mà huynh đưa bài ” Sài Gòn ngon lắm…” lên làm đệ phân vân, khó xử quá! Nhưng thôi, chuyện ăn uống là chuyện nhỏ, “ăn để mà sống” , có khi nhớ còn ngon hơn ăn nữa! Không nhớ rõ có phải tên gọi ổ bánh mì Tám Lự là ” Tàu Lặn” không, hình như chỉ cần nói: ” Cho một chiếc tàu lặn (hay tiềm thuỷ đỉnh?) đi anh Tám!” là sẽ có ngay một ổ bánh mì nóng dòn,thơm phức mùi tàu vị yểu hoà lẫn với mùi pâté gan, bơ Bretel, hơi cay của tiêu ớt bốc lên làm chảy nước miếng (đúng là không khác con chó của ông Pavlov là mấy!). Nhớ khi xưa hơn nữa, vào những năm 50, lúc Hoàng huynh mới vào Sè Goòn, đệ chỉ là cậu bé 10 tuổi, theo ba lên thăm ông ngoại. Ông ngoại làm văn phòng cho Maitre Trương Đình Dzu (mà huynh có biết), có chiếc 2 chevaux, ông sai Dì chạy ra Givral mua bánh, ghé Brodard mua mấy ổ bánh mì nóng. Theo trí nhớ của đệ thì ổ bánh mì Brodard to như ổ bánh Vienna bây giờ, nhưng phải nói là ngon hơn nhiều! Rồi còn pâté foie, hột gà ốp-la, ôm-lết, còn qua đường Galiéni (Trần Hưng Đạo) mua xíu mại ở tiệm hủ tiếu góc Kitchener – Galiéni nữa! Nhà ông ngoại ở kế Yễm Yễm Thư Trang (đường Kitchener-Nguyễn Thái Học bi giờ) mà hồi đó đệ chưa biết là Bà Mộng Tuyết, cũng như Thi sĩ Đông Hồ là chủ nhân của nhà sách này, chỉ nhìn cái tên bảng hiệu mà lấy làm lạ lùng cho cách viết!

    Buổi chiều, qua đường Kitchener, đến rạp ciné Rex ở đường Lefèvre (Nguyễn Công Trứ), khoảng sau Ciné Đại Nam (nay đã dẹp). Rạp Rex này nhỏ xíu, nhỏ hơn Long Thuận ở gần Ga Xe lửa Saigon, rạp hôi mùi thuốc lá, coi xong thì đít nổi mụt ngứa ngáy vì bị rệp cắn! Vậy mà cũng lén đi coi, về còn bị roi mây vào đít ngứa, thật là phi nỉ lỗ đía! Những phim hát ở đó là Cao bồi, Tarzan, Zorro…có khi hát một chút bị đứt phim, phải ngưng để nối, người lớn con nít hút gió, la hét rần rần, không thua lúc Tarzan đu giây đến cứu Jane, hay Zorro phóng ngựa đến giải cứu người đẹp! Có khi đệ nổi hứng, ra đón xe tram (xe điện) đi vào Chợ Lớn chơi. Đến Đại Thế Giới thì xuống xe, đứng xớ rớ gần cửa thì bị đuổi đi vì là con nít, không ai cho vào. Thật ra trong đó có nhiều trò chơi như chạy xe điện, thảy vòng vịt, xổ số trúng đồ chơi…con nít rất mê!

    Trở lại với ổ bánh mì thịt nguội, vào cuối 50, đầu 60, thì đệ đã lên Sài Gòn học, biét ăn bánh mì Thanh Bạch (kế Vĩnh Lợi), ăn Phở Turc (Tuyệt) đường Turc-Nguyễn Văn Thinh), Phở 79 Võ Tánh, Phở Hiệp Lợi Lý Thái Tổ (gần Bồn Binh Ngã Sáu Hồng Thập Tự-Nancy-Hùng Vương). Có con đường nhỏ tên Phạm Viết Chánh mà vào năm 77 Hoàng huynh có trú ngụ tạm gần đó, trong Tổng Nha Cảnh Sát cũ, mà trong thơ HHT huynh có ghi bên dưới. Đệ còn muốn nhắc những kỷ niệm lúc ở Cư xá Bàn Cờ, sau chùa Tam Tông Miếu. Gần chùa ( khoảng 100m) là nhà của Ca sĩ Thanh Thuý (nhà cũ, sau TT về ở đường nhỏ giữa Hồng Thập Tự- Trần Quý Cáp), gần Ciné Việt Long Cao Thắng. Đệ và mấy đứa bạn đang học thi Tú Tài tại căn nhà nhỏ trong Cư xá Bàn Cờ, ngay sau nhà TT. Có một cô gái, từ trong nhà TT đi ra sau nhà theo đường hẽm sát nhà TT, tay cầm một gói giấy nhỏ. Cô đi vào hàng hiên của căn nhà kế hẽm, mặt tiền quay vào đường Cư xá Bàn cờ. Nhà đã đóng cửa, đi làm , cô gái vào làm gì? Nhứt quỹ, nhì ma, thứ ba học trò..nên tụi này theo dõi. Lối năm phút sau, cô gái bước ra, ăn diện đúng mốt thời đó (lúc nãy mặc đồ ngủ), mang guốc cao gót đi thẳng ra cổng Cư xá, tay vẫy một cyclo chạy gần đó. À, thì ra… tụi này biết chuyện, cười quá trời! Thì ra cô trốn nhà đi chơi! Chuyện này xảy ra nhiều lần, hình như mánh này cũng hiệu nghiệm, không bị nhà phát giác nên cô cứ tái diễn. Chị Thanh Thuý có đọc bài này cũng tha thứ mấy đứa nhỏ tò mò, và cô em của chị nữa, nay đẵ tóc bạc da nhăn hết rồi, không còn ai dưới sáu bó đâu, gần bảy bó thì đúng hơn. Còn người bạn của đệ, em trai của chị chủ nhà ở Cư xá Bàn cờ khi đó, đã hy sinh vì Tổ Quốc khi mới 33 tuổi, Cố Đại Uý Hải quân (cơ khí) Nguyễn Thái Bình, bị VC bắn sẻ trên đường công tác tại Cai Lậy, Mỹ Tho.

    Xin tạm ngưng chuyện Bánh Mì Sài Gòn bằng một kỷ niệm buồn. Một phút tưởng nhớ đến mầy, Bình ơi!

  5. Kính ông Trần văn Tốt và HHT đại huynh,
    Bánh mì Hoà Mã nằm trên đường Cao Thắng, ở đầu một con hẻm nối đường Cao Thắng và Bàn Cờ, nghĩa là con hẻm này chạy song song với đường Phan đình Phùng (tên bây giờ là Nguyễn đình Chiểu). Nếu ta từ Cao Thắng đi vào con hẻm này, gặp Bàn Cờ quẹo tay trái, đi tiếp đụng Phan đình Phùng thì gặp Kỳ Viên Tự ngay góc PĐP/BC.
    Kể về tuổi tác, HHT đại huynh đáng tuổi chú tôi, nhưng tôi thích gọi là đại huynh. Vả lại có lần nghe HHT đại huynh nói là ký giả Tô Văn hơn đại huynh mười mấy tuổi mà đại huynh vẫn mày tao vì kg Tô Văn không câu nệ tuổi tác. Riêng tôi thì vẫn thích “xin đừng gọi anh bằng chú” kể cả nữ lẫn nam, để cho mình có cảm giác còn trẻ. 🙂
    Cám ơn huynh PS Nghị đã cho nghe bánh mì Tám Lự, cũng là một cái tên nổi tiếng trong làng bánh mì Saigon.

  6. Kính quan Công-tử,

    Nhờ quan Công-tử cho biết nên… giờ này… tui mới rỏ là tại nàm thao mà tiệm bánh mì hẩu lớ này lại mang cái tên Hòa-Mã… một cái tên đẹp dzà lạ như dzậy…

    Tui nói tiệm này có cái tên đẹp dzà lạ bởi dzì… theo như tui thấy… hồi đó… Sè-Goòng cũng có nhiều cửa hàng, cửa hiệu mang tên đẹp dzà sang… Cũng có nơi, bảng hiệu còn đậm màu Tây u như bistrot Brodard, La pagode, Royal, cà lem Givral, Pôle Nord, tiệm nhảy Tour d’ Ivoire, nhà hàng Arc-en-ciel.. Hay mang hơi hướm Wuê-Kỳ như…phòng chè ca nhạc Queen Bee, Key Hole v.v… woặc đượm mùi xì dầu nước tương con mèo như nhà hàng Soái-kình-Lâm trong Chợ Lớn chẳng hạn…

    Nhưng đó là những cửa tiệm, cửa hàng lớn… chớ còn… theo như tui thấy thời… những hàng quán nhỏ chuyên bán độc một món, một thứ… chủ nhà thường cho danh xưng gọn, tiện, bình dân, dễ đọc, dễ đánh dzần dzà cũng … để… dễ nhớ cho nó tiện thể ba bốn bề…

    Tỉ như : ngắn gọn thời có… tiệm giày Trinh hay còn gọi là Trinh shoe ở gần chợ Tân-Định… Tiện lợi thời có… phở gà Hiền-Vương dzì nó nằm trên đường Hiền-Vương… Dễ đọc dễ nhớ, bình-dân học-dzụ như… bánh bao Cả Cần dzì… có lẽ… hế hế… ông chủ quán là con trưởng, lại mang tên Cần nên có tên Cả Cần chăng ?… Woặc quán phở 79 nằm trên đường Võ-tánh, kế bên nhà hàng bỏ túi Chiều-tím của ông nhạc sĩ Đỗ-Lễ mà quan Bác có nhắc tới đó…! Thiệt toàn là những tên dễ đọc, dễ nhớ ngàn năm. À…! mà chổ này tui cũng có một chút thắc-mắc… hổng biết có phải dzì tiệm phở này hồi nguyên thủy, lúc ông chủ chưa ăn nên mần ra, chưa mua thêm gian nhà kế cận đặng khuếch-trương sự nghiệp tái nạm gầu… thời… căn nhà củ, tiệm củ còn mang biển số 79, đường Võ-Tánh, nên ông chủ phang ngay cái số nhà thành cái bảng hiệu cầu chứng tại tòa…? Cũng may là nhà mang số 79… chớ… nó mà mang số 19 bù trất… chắc… ổng hổng dám đặt tên cho tiệm của ổng… hay… ác ôn côn đồ hơn… nó mà mang số 69 hay băm sáu, băm lăm… hế hế… kẹt dữ thần chớ hổng phải chơi à nghen…?

    Trở lại cái tiệm Hòa-Mã…Ngày xưa, thỉnh thoảng, dzào những buổi sáng đẹp trời nắng tốt, tui hay tấp dzô đây mần một chầu bánh mì thịt nguội cà-phê sữa con chim. Thịt nguội dọn ra cho khách được bày trên một cái đĩa nhỡ cở gang tay gồm: một miếng ba-tê lớn độ hai ngón tay út, một miếng bơ bằng nửa ngón tay cái woặc chừng hơn thìa nhỏ sốt mayonnaise, mấy khoanh xúc-xích thái mỏng như bìa tập học trò, dzài miếng đồ chua…đại khái là dzậy nhưng ăn dzới bánh mì nóng dòn rồi hớp một miếng cà-phê… chà…! nó mới đã mần sao… nhứt hạng là nếu chiếm được cái chổ ngồi ở chái hiên hông tiệm… dzừa nhìn ra đường cáí góc ngả tư Cao-Thắng Phan-Đình-Phùng, mà còn được nghía em đi qua, nàng đi “lợi” trên con đường nhỏ kế bên… Có điều… tọa chổ này thời phải cẩn-thận, lấc-cấc là… hế hế… hổng té lọt mương mà… lọt xuống lòng đường như chơi… bởi, cái chái hiên này nhỏ xíu hà…! nó nhô ra khoảng non thước tây, chạy dài theo hông quán hơn hai thước đâu đó… mà “lợi” cao hơn mặt đường cũng cỡ ngang thắt lưng… chủ quán kê hai cái bàn nhỏ dzới mấy cái ghế… thành thử… cũng dễ lộn nhào chớ hổng phải chơi…

    Nói lăng nhăng quên trất cái tên tiệm mới là chính đề… Thưa quan Công-tử, dạo còn được tới thưởng-thức cái món ăn tây tà này, tui có thắc mắc nhưng để bụng bởi… chưa có dịp hỏi thăm chủ-nhân dzìa cái tên tiệm đẹp dzà lạ này… Giả dụ như tên quán là Hòa-Bình chẳng hạn, thời cũng thường… woặc… Hòa-Hiệp, Hòa-đồng thời lợi có mùi chính chị chính em, hổng lấy gì mần thích hợp dzới tiệm bán bánh mì thịt nguội cho lắm… còn ở đây, tên tiệm là Hòa-Mã, nghe nó dzừa đẹp, dzừa lạ tai…

    Thưa quan Bác, cái điều thắc mắc để bụng non đời người ấy, nay “lợi” được quan Bác cho biết rỏ nguồn cơn, thiệt là cám ơn quan Bác…

  7. Trên báo Pháp Luật của Việt cộng cũng có bài mới về tiệm bánh mì Hòa Mã này các bác. Link này do một độc giả quen thuộc của hoanghaithuy.com cung cấp.

    >> Bánh mì Hòa Mã

  8. Cam on Ong HHT , toi la ” fan cuong ” cua ong thoi VNCH , toi khong bo mot bai viet nao cua ong , toi cung o duong Phan Dinh Phung , gan nga tu Cao Thang tu ngay duoc bo me be di cu vao Nam cho toi ngay phai bo nuoc ra di. Doc bai nay ca mot troi ky niem hien ve , toi con nho nha co Thai Thanh cach nha di toi 3 can , nha di toi la nha may Bich Loc , cach banh mi Hoa Ma 1 con duong nho , hau nhu sang nao toi cung duoc an banh mi Hoa Ma , ke ca nhung nam da hoc trung hoc o truong Gia Long .Nay doc bai hay moi hay banh mi Hoa Ma con , toi se ghe tham khi nao co dip ve VN . Cam on nhung bai viet cua ong ve Saigon , toi yeu Saigon lam ” Saigon la que huong ” cua toi du la toi duoc sinh ra tai Hai Duong.

  9. Tôi nghe nói cách đây vài tháng tiệm Hòa Mã đã được sang bán cho chủ khác và bây giờ pate thịt nguội gì cũng dở ẹc rồi.

  10. Chao anh.
    Rat mung duoc doc lai bai cua anh.Biet anh tu nhung nam cuoi 60’s (qua doc).Toi co nhieu film cua Nhat va Dai-han muon ‘share’ voi anh, xin anh E-mail cho toi .
    Kinh
    D. Tran
    Philadelphia

  11. (Dễ đọc dễ nhớ, bình-dân học-dzụ như… bánh bao Cả Cần dzì… có lẽ… hế hế… ông chủ quán là con trưởng, lại mang tên Cần nên có tên Cả Cần chăng ?… )

    Ông Cả Cần không phải tên Cần, cũng không là con trưởng: Tên thật là Trần Phấn Thắng. Cả Cần là do ông Thắng đặt ra cho tiệm Ông Cả Cần:

    Bánh bao và hủ tiếu mỹ tho là do bà Cả Cần làm ra. Ông Cả Cần (Ông TRẦN PHẤN THẮNG) đặt là Bánh Bao Cả Cần. Ông Thắng mướn Bà Năm Sa đéc (trả tiền hàng tháng) để quãng cáo Bánh bao và hủ tiếu cho tiệm ÔNG CẢ CẦN. Bánh bao Cả Cần và hủ tiếu của tiệm ÔNG CẢ CẦN hoàn toàn do bà Thắng làm ra, không dính dáng đến bà Năm Sa đéc. Tên “ÔNG CẢ CẦN” do ông Thắng đặt ra, không có Ông Hương Cả Cần nào hết.

    Sau 1979, Gia-đình ông Cả Cần di cư cùng tất cả các con qua Canada sinh sống. Hiện nay Ông bà Cả Cần đã mất. Các con ông bà có tất cả 4 tiệm ăn tại thành phố Montréal Canada: Tiệm ÔNG CẢ CẦN, Quán Mỹ Tiên, Tiệm Cô BA, Tiệm Saigon Style. Các con bà vẫn bán mì, hủ tiếu rất đúng gu như còn ở Saigon xưa. Bánh bao thì vừa được bán lại từ tháng 3, 2008 tai quán Mỹ Tiên gọi là Bánh bao Mỹ Tiên (tên con gái lớn Ông Bà Cả Cần).

    Bánh Bao Cả Cần bây giờ ở Saigon:

    – Bánh bao bán lúc sáng: Do tên bồi bàn Tư Lô và con cháu tên Lô này bán. Tên Tư Lô là một bồi bàn cũ của quán Ông Cả Cần, đã cướp một phần của tiệm Ông Cả Cần năm 1979 khi gia đình Ông Cả Cần dọn sang Canada, chế ra bánh bao đề tên bánh bao Cả Cần bán lúc sáng. Do đó, bánh bao này không phải bánh bao Cả Cần. Tên Tư Lô lừa mọi người từ hơn 20 năm nay vì bán tại quán Cả Cần cũ.

    – Bánh bao bán chiều: Do một người bà con của Ông bà Cả Cần bán. Đây mới chính là bánh bao Cả Cần vì được chính bà Cả Cần chỉ làm.

    Hiện nay tại quán Cả Cần củ có bãng đề rõ: Bánh bao Sáng khác, Chiều khác.

Leave a comment