• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

SÀI GÒN VANG BÓNG

collage

Tuyết sương lạnh ngắt sự đời
Trên Trang Web đọc chuyện người ngày xưa.

Hotel Catinat, Sài Gòn 1970. Tranh Vẽ những Nhân vật VNCH trong bài này là của Họa sĩ Ớt.

Hotel Catinat, Sài Gòn 1970.
Tranh Vẽ những Nhân vật VNCH trong bài này là của Họa sĩ Ớt.

Tháng Chạp Ta, Tháng January Mỹ2014. Tuyết, Lạnh xuống New York, Boston, Tuyết, Lạnh cũng xuống Virginia nhưng siu sìu ển ển như mọi năm: cũng có nhưng không đến nỗi dữ dội. Nhớ lời ông bạn Tạ Quang Khôi một buổi chiều 20 mùa đông Mỹ trước, khi kẻ viết những dòng chữ này mới tới Virginia được vài ngày:

“Mùa đông Virginia có tuyết, nhưng tuyết Virginia là thứ tuyết làm duyên. Không lẽ mùa đông không có tuyết. Tuyết Virginia chỉ để làm cảnh thôi.”

Ông Nhà Văn cho biết thêm:

“Hồi Mỹ lập quốc, người Mỹ chọn Washington DC làm thủ đô vì Wasington DC ở Virginia, nơi khí hậu ôn hòa nhất Mỹ Quốc. Virginia không có những nạn như bão tuyết, cháy rừng, nước ngập, động đất, mùa hạ không nóng lắm, mùa đông không lạnh lắm.”

Thấm thoắt dzậy mà đã hai mươi mùa thu lá bay. Sáng nay tuy Tuyết, Sương Virginia sìu sìu ển ển nhưng cứ cho là “lạnh ngắt sự đời,” trong phòng ấm, yên tĩnh năm chăm phần chăm, tôi lò mò lọ mọ tìm tòi, moi móc trên Web, tình cờ tìm thấy cái ảnh Hotel Catinat năm xưa.

Hotel Catinat ở Sài Gòn năm xưa của ông Trần Quí Phong. Tôi viết năm xưa ông Trần Quí Phong là chủ nhân Hotel Catinat vì từ ngày 30 Tháng Tư 1975, Hotel Catinat không còn là của ông Trần Quí Phong nữa, bọn Bắc Cộng cướp Hotel Catinat. Tôi – nghe nói – ông Trần Quí Phong bị đi tù khổ sai vì ông là Nghị viên Hội Ðồng Ðô Thành Sài Gòn. Những ông bà nghị viên Hội Ðồng Ðô Thành Sài Gòn bốn mươi năm xưa thường được gọi là Dân biểu. Dân biểu Trần Quí Phong bị đi tù khổ sai, bị đưa ra tù ngoài Bắc như các vị sĩ quan. Nghe nói có thời ông tù cùng trại với ông Khuất Duy Trác. Lại nghe nói từ khoảng năm 2000 ông Trần Quí Phong sống ở thành phố Atlanta.

Tấm ảnh Hotel Catnat làm tôi nhớ những ngày năm xưa tôi lui tới đó. Tôi đếm trong ảnh: Hotel Catinat cao 11 tầng, kể cả sân thượng là 12 tầng. Ở tầng 11, tầng cao nhất của Hotel Catnat, trọn tầng lầu là Phòng Tập Thể Dục Thẩm Mỹ của Hotel. Phòng Tập có tên là Golden Heath Club. Người đến phòng tập phải đóng tiền tháng, ông Trần Qúi Phong cho tôi cái carte permanente Hội Viên Danh Dự của Heath Club, Hội Viên Trọn Ðời, tất nhiên là không phải đóng tiền tháng. Tôi đến đó tập, nhiều lần tôi đưa con trai tôi đến tập. Trọn một tầng lầu cao bầy những dụng cụ để luyện tập thành lực sĩ. Những quả tạ, những dàn máy tập đều có hàng chữ Golden Heath Chutb mầu vàng. Những dụng cụ này đều nhập từ ngoại quốc. Ðó là Phòng Tập Thể Dục đẹp nhất tôi được đến tập trong đời tôi.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Cảm khái cách gì.

Bốn mươi mùa sầu riêng, trái cóc xưa khi được chủ nhân Golden Health Club cho tấm carte, tôi đã cảm ơn ông. Hôm nay, liêu lạc xứ người, tấm ảnh gợi chuyện xưa, tôi cảm ơn ông Trần Quí Phong lần thứ hai.

Từ ông Trần Quí Phong, tôi nhớ đến bà Trần Kim Thoa. Bà này là nghị viên Ðô Thành như ông Trần Quí Phong. Bà là chủ Nhà In Tín Ðức Thư Xã; nhà in ở đường trước năm 1956 là đường Sabourain, sau năm 1956 là đường Tạ Thu Thâu. Tín Ðức Thư Xã do ông thân của bà Trần Kim Thoa lập nên, chuyên xuất bản loại Truyện dịch truyện Tầu: Phong Thần, Ðông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc..vv .. Thời làm nghị viên đô thành, bà Nghị Trần Kim Thoa được các ký giả nhật báo Sài Gòn gọi là Bà Nghị Nín Ðé. Trong một cuộc họp hội đồng đô thành, bà Nghị Trần Kim Thoa than phiền cả thành phố Sài Gòn không có một nhà tiểu tiện làm cho chị em bán hàng rong phải nhịn đái.

Không biết sau Tháng Tư 1975 bà Nghi Trần Kim Thoa có bị đi tù như ông Nghị Trần Quí Phong hay không?

Từ bà Trần Kim Thoa tôi lan man nhớ đến bà Dân Biểu Hạ Viện Kiều Mộng Thu. Sau Tháng Tư 1975 bà Kiều Mộng Thu tuyệt tích giang hồ. Tôi không biết bà có bị đi tù vì bà là Dân Biểu Hạ Viện Quốc Gia VNCH hay không. Vì mù tịt về thân thế, tông tích bà Kiều Mộng Thu, tôi mượn đoạn anh Ký Giả VC Nằm Vùng Huỳnh Bá Thành viết về bà:

Huỳnh Bá Thành. Ký Ức Nhân Vật. Nhà Xuất Bản Trẻ, Sài Gòn, ấn hành năm 2002.

Kiều Mộng Thu

Ðồng bào lao động Ðông Ba không chọn lầm người.

Những ai từng được biết bà vợ ông Phó Tỉnh trưởng Nguyễn Chánh Sắc chắc chẳng bao giờ nghĩ bà ấy có ngày là Nữ dân biểu Kiều Mộng Thu.

Những ai từng biết cô nữ sinh tươi trẻ, lãnh mạn, hay làm thơ Tình của tỉnh An giang chắc cũng chẳng ai ngờ có ngày cô nữ sinh ấy lại là một nhân vật đối lập chính quyền nổi tiếng một thời.

Nữ dân biểu Kiều Mộng Thu tên thật là Trương Ngọc Thu, sanh năm 1941 tại Long Xuyên, học lực tú tài, đã dậy học, viết báo, làm thơ nhiều năm trước khi trở thành dân biểu. Bà Thu đã cắt tay lấy máu viết bức huyết thư trong Lễ Ra mắt của Mặt Trận Nhân Dân Cứu Ðói.

Tập Thơ “Lá đổ trên mười đầu ngón tay” của bà Kiều Mộng Thu được biết và nói đến nhiều khi được xuất bản trong thời bà làm dân biểu.

Huỳnh Bá Thành viết về ông:

Ðặng Văn Tiếp

Dân biểu Ðặng Văn Tiếp sanh năm 1934 tại Liên tỉnh Nam Trực- Nam Ðịnh, theo Phật Giáo. Trong khoảng thời gian 1951-1960 ông Tiếp tốt nghiệp cử nhân Luật khoa, là sĩ quan ông phục vụ trong Không quân Nha Trang, Ðiện tử Không quân ở Hoa Kỳ.

Từ 1953 – 1964 trong thời gian tại ngũ, ông Tiếp đã phục vụ tại các đơn vị, Trường Võ bị Quốc Gia, Sư đoàn 1 Không quân, Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Chỉ huy Không chiến, Trung tâm Kiểm báo Ðà nẵng, Liên đoàn Kiểm báo Sài Gòn.

Từ 1964 – 1971, Thiếu tá Không quân Ðặng Văn Tiếp được biệt phái phục vụ tại Bộ Thanh Niên Phủ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Phủ Phó Tổng thống.

Ông Tiếp là một sĩ quan chống Cộng. Phải viết rõ ông Tiếp là một sĩ quan không tham nhũng và thuộc vào hạng tài tử chịu chơi.

Kế đến, ông Tiếp là người cầu học. Vừa đi lính vừa học để đậu cử nhân, nay là luật sư, ông Tiếp là người có chí.

Là sĩ quan Không quân, ông Tiếp lúc trước rất thân thiết với nhóm ông Nguyễn Cao Kỳ, bằng cớ là ông đã từng làm việc tại Phủ Chủ tịch UBHPTU và Phủ Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.

Trong nhóm Quốc Gia, có nhiều tay dân biểu thuộc loại “đầu bò” chỗ nào nguy hiểm nhất cũng dám nhẩy vô không ngần ngại. Và những tay được kể tới là Vũ Công Minh, Ðặng Văn Tiếp.

Vũ Công Minh đã “học gồng” theo đối lập khi mười mấy ông dân biểu Hòa Hảo khác theo Nhà nước, và ông Minh đã học gồng tố sát ván  mấy tay ác ôn vùng Long Xuyên-Châu Ðốc.

Ðặng Văn Tiếp cũng không kém. Việc làm để đời của ông Tiếp trong phiên họp sửa hiến pháp ngày 19-1-1974 là việc ông nhẩy qua bàn họp kéo máy vi âm từ phe thân chánh về chỗ cụ Huyền để cụ này phát biểu ý kiến, trong khi đó đám gia nô đằng đằng sát khí và ông Lắm thì đã nhỏ nhen muốn buộc cụ Huyền phải rời chỗ ngồi của cụ để đến vòng vây của phe ta mà ăn nói. Cái màn giựt máy vi âm của ông Tiếp là lời sỉ mạ nặng nề đối với hành động làm khó đáng ghét của ông Lắm khi ông này đối xử tệ bạc với cụ Huyền. Và cái màn giựt máy đó cho thấy ông Tiếp không chịu thua ai, anh hùng giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng dung.

Ngoài tánh xông xáo dám chơi. Ðặng Văn Tiếp còn là người chí thú với anh em. Nghe nói Nguyễn Văn Binh rất chịu ông Tiếp ở điểm này.

Kỳ lộn xộn ở Huế vừa qua, chính Ðặng Văn Tiếp đã xung phong ra ngoài đó để tiếp ứng Cha Thanh. Bao nhiêu chi phí tiền bạc cần cho công cuộc hoạt  động của anh em, cái nào lo được ông Tiếp không từ nan.

Ðặng Văn Tiếp dù rất hung hăng và “du côn” đối với những tay gia nô ma giáo nhưng lại rất dễ thương và đẹp trai trong nhóm Dân biểu Quốc Gia.

Bài trên đăng ngày 24 – 9 – 1974.

CTHÐ: Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, ông Ðặng Văn Tiếp đi tù khổ sai. Theo lời kể của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ – Hồi ký Tôi phải sống – ông Ðặng Văn Tiếp vượt ngục, bị bắt, bị bọn Cai Tù đánh chết.

HB Thành viết về:

Dương Vy Long

Sinh năm 1936 tại Hà Nam. Trong nhiệm kỳ 1967-1971, dân biểu Dương Vy Long đắc cử tại Châu Ðốc, năm 1971 ông đắc cử tại Cần Thơ.

Điều xuất quỉ nhập thần là ông Long không hề biết Châu Ðốc cũng như ông không sống ở Cần Thơ ngày nào. Thế mà ông vẫn ứng cử và đắc cử dân biểu ở hai nơi đó.

Lần thứ nhứt ông Long đắc cử nhờ thế lực của Tướng Nguyễn Ngọc Loan, lần thứ hai ông đắc cử nhờ uy danh và thế thần của một dân biểu có công với phe thân chánh.

Ông Long là cao thủ trong làng thân chánh như các ông Nguyễn Duy Tuệ, Nguyễn Văn Thống, Hoàng Thông và Mặc Giao.

Bước đầu tiên vào làm chính trị, ông Long theo cánh của Tướng NCK và khi Tướng Râu xuống thế, ông Long dĩ nhiên cũng theo hướng gió mà nghiêng về phía mạnh hơn.

(.. .. .. )

Dáng người thâm thấp, mắt láo liên, ông Long thuộc vào hàng thầy của Dân biểu Nhữ Văn Úy về bản lãnh thâm, về học thức cũng như về sự khôn ngoan. Từ lúc làm dân biểu tới nay, ông Long làm ăn khấm khá, cũng xe hơi, nhà lầu, tiền băng và vệ sĩ như ai.

Bài trên đây đăng ngày 26 – 5 – 1974.

CTHÐ: Tôi nghe nói ông Dương Vy Long đi thoát trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, ông hiện sống ở thành phố Houston, Texas. Ông nguyên là văn nghệ sĩ, lâu lắm tôi không thấy ông viết gì.

HB Thành viết về:

Nhữ Văn Úy

Người đã có vài chục “tê” bỏ túi.

Nhữ Văn Úy sinh ngày 16 – 8 – 1938 tại xã Lai Xá, quận Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Về phần học hành, chẳng thấy Nhữ Văn Úy ghi là học tới đâu nhưng cũng có lúc ông ta di dạy ở các trường trung học tư thục.

Năm 21 tuổi, ông Úy tới lập nghiệp ở xã Trung Mỹ Tây, Hóc Môn, ông từng làm giám đốc một vài trường tư ở đây.

Năm 27 tuổi, Nhữ Văn Úy đi làm báo với bút hiệu Thanh Chiêu. Năm 1969 Nhữ Văn Úy làm chủ nhiệm tuần báo “Muỗi Sài Gòn.” Năm 32 tuổi, ông đắc cử nghị viên Gia Ðịnh, năm 1971 ông đắc cử dân biểu hạ viện. Có lúc ông làm Phó Trưởng khối Ðộc Lập và làm Chủ tịch Ủy Ban Thông tin Chiêu hồi Hạ viện 1972-1973.

Tới nay, điều làm ông Úy vui nhất là việc ông đã có vài chục triệu bạc bỏ túi và cái ve áo “bất khả xâm phạm” để lúc nổi nóng ông muốn chửi ai thì chửi.

( .. .. .. )

Môt lần đi xe ở Quang Trung bị quân cảnh chặn phạt, ông Úy đưa súng ra hăm he, ông bị anh em quân cảnh Quang Trung “sửa lưng.” Ông Úy viết thư cho Tướng Ðoàn Văn Quảng bắt lỗi ông Tướng này đã để cho quân nhân dưới quyền làm hỗn. Ông Úy viết trong thư: Dân biểu như ông phải được “tiếp đón như Trung Tướng Tư Lệnh Quân Khu.”

Dù đòi được dối xử như Trung Tướng nhưng Dân biểu Nhữ Văn Úy lại rất nhát. Còn nhớ hồi năm 1969 khi tuần báo “Muỗi Sài Gòn” của ông Úy hăm he một ông Tá nào đó, chỉ cần ông Tá tới nhà hỏi ông Úy “cần” gì, tiền hay lựu đạn? Thế là ông Úy la làng, đòi được bảo vệ, đòi tuyệt thực. Ðại Tá Trần Văn Hai, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát– Công An hồi đó phải đích thân bảo đảm tính mạng cho ông Úy, ông Úy mới dám về nhà ông.

CTHÐ: Ông Nhữ Văn Úy – tức Ký Giả Thanh Chiêu – dường như là ký giả chuyên nghiệp duy nhất trở thành dân biểu. Nghe nói sau Tháng Tư 1975 ông Úy là người đề xướng và cổ võ việc người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ đòi trở về Việt Nam. Một số khoảng 500 người Việt trở về nhưng không có ông Nhữ Văn Úy trong số người này.

HB Thành viết về:

Ông Nguyễn Văn Chức được coi như một trí thức biết tự trọng. Ông là người đứng ra kiện Luật Ủy quyền với ly do Luật ấy vi hiến, ông có mặt trong số những luật sư biện hộ cho Trần Ngọc Châu. Về vụ “đường lậu” và “áp-phe Công ty Ðường Việt Nam,” ông Nguyễn Văn Chức biết rất nhiều chuyện động trời vì ông là luật sư biện hộ cho những bị can trong hai vụ đó.

CTHÐ: Ông Nguyễn Văn Chức hiện ở thành phố Houston, Texas.

CTHÐ:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương.

Hotel Catinat có hai cửa vào: một cửa đường Tự Do, một cửa đường Nguyễn Huệ. Trong Hotel có Piscine Neptuna. Piscine nhỏ, sạch. Từ năm 1951 đến 1960 tôi nhiều lần đến Piscine Neptuna.

Nay – 2000 – bọn Bắc Cộng đổi tên Hotel Catinat là Hotel Catina. Chúng sợ tiếng Catinat sui, vì tiếng cuối cùng là “Nat.”

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó, người đây luống đoạn trường.

Sài Gòn Vang Bóng 2012

Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích Ngày 4 Tháng 9, 2012, tôi – CTHÐ – nhận được thư này. Thư đến từ Canada:

Thưa Chú H.H. Thủy,

Con nhỏ tuổi hơn chị Kiều Giang, có lẽ tuổi con xấp xỉ bằng tuổi Anh Hoài Nguyên, con trai Chú Thủy.

Mil Mascaras, Ðô Vật một thời được ái mộ ở Sài Gòn.

Con có đọc những bài Chú viết trên internet.  Con rất mừng được biết Chú còn giữ được các sách Chú viết.  Con muốn biết Chú có vui lòng nhường lại các sách này cho ai không?  Con sanh trưởng trong một gia đình rất quí trọng sách báo.  Con biết là Chú quí những sách báo mà Chú đã tưng tiu, gìn giữ như những kỷ niệm thân yêu. Con hết sức cám ơn Chú nếu Chú đồng ý giao những sách nầy cho con giữ.  Xin Chú cho biết giá tiền và tên các sách.  Nếu Chú còn muốn tiếp tục giữ sách, một ngày nào Chú thấy chú muốn nhường lại những  sách này cho một người khác, xin Chú nhớ tới con!  Con hết sức say mê và quí sách báo. Con muốn được cái hân hạnh tiếp tục gìn giữ các sách của Chú Hoàng Hải Thủy.

Con xin phép được gởi Chú đôi lời mộc mạc, nhắc vài chuyện cũ con nhớ về Chú.  Mong gợi lại vài kỷ niệm đẹp.  Những chuyện con viết đây hoàn tòan theo trí nhớ, có điều chi không đúng, xin Chú rộng lượng không trách.

Con là người Nam.  Xin Chú cho phép trò chuyện cùng Chú bằng ngôn ngữ miền Nam cho tự nhiên và thân mật.  Con rất thương ngôn ngữ miền Nam nên muốn luôn sử dụng tiếng nói miền Nam.

Con là một độc giả rất trẻ của Chú.  Thời Chú viết văn ở Sài Gòn,  con còn nhỏ nên chưa đủ trình độ để thưởng thức văn tài của Chú.  Nhưng con có biết Chú.  Ba con và Anh con rất mê sách báo, con có nghe Ba và Anh nhắc tên tác giả Hoàng Hải Thủy.  Ba con và Anh con mua, đọc và giữ rất nhiều sách báo.  Trong tủ sách gia đình con có đầy đủ các sách của Bình Nguyên Lộc, Chu Tử, Lê Xuyên, Nhã Ca, Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long và Hoàng Hải Thủy v.v  và rất nhiều sách Chưởng.

Trên kệ sách nhà con có  nhiều sách Chú phóng tác như Kiều Giang, Môi thắm nửa đời, Nổ như tạc đạn, Ngoài cửa thiên đường, vv và vv. Hồi đó con còn nhỏ, chưa tới tuổi đọc tiểu thuyết nên con không đọc.

Fred Blassie – Lão Ðô Vật Ðánh Bẩn và Ðánh Dữ.

Con đọc bài Chú viết lần đầu trên tuần báo Quyết Sống.  Lúc đó con đương học lớp Tư tiểu học.  Con thích coi đô vật trên đài truyền hình băng tần 11 của Quân đội Hoa Kỳ nên say mê theo dõi mục Ðô Vật do Chú phụ trách với bút hiệu là Thương Hoài Nguyên.  Anh con nói Thương Hoài Nguyên là Hoàng Hải Thủy.  Con nghe Anh con nói thì con biết vậy!  Chớ ngày đó con đâu có biết gì về Hoàng Hải Thủy! Ngoại trừ chuyện ổng là một văn sĩ.  Chú viết mục Ðô Vật rất ngộ và có duyên.  Chú chia đô vật ra làm hai phe, “đánh bẩn” và “đánh sạch”.  Phe đánh sạch là những đô vật tôn trọng Luật Ðô Vật, không ăn gian, không đánh bậy.  Phe đánh bẩn là những kẻ xài những manh khoé ăn gian để hạ đich thủ.  Phe đánh sạch có những đô vật như Mil Mascaras – Người Muôn Mặt – Rocky Johnson, đô vật da den với ngọn song phi thần tốc, Peter Martin, chàng đô vật một thời đeo đai vô địch. Phe đánh bẩn gồm những đô vật như Kojika, đô vật Nhựt hay quì lạy đối thủ rồi thình lình đánh lén, Freddie Blassie đô vật già, tóc trắng hay cắn địch thủ vv..  Anh chàng đô vật đánh bẩn Kojika ngoài trò quì lạy còn có  ngón đòn “bẩn” là quăng muối vô mắt địch thủ.  Cũng vì chuyện nầy mà con nhớ có một chuyện tức cười trong mục trả lời độc giả do Chú phụ trách.  Có một độc giả gởi thơ cho Chú để “giải thích” cho Chú hiểu về trò quăng muối của Kojika.  Theo anh độc giả thì có một vị giáo sư quen anh ta cho biết là Kojika không có quăng muối vô mắt địch thủ.  Sự thực là Kojika luyện karate tới trình độ cao thâm.  Anh ta có khả năng búng chỉ phong vô mắt địch thủ.  Những lúc mà Chú tưởng là Kojika quăng muối chính là những lúc anh tung chỉ phong làm mờ mắt địch thủ.  Con nhớ Chú trả lời anh độc giả này là “Tôi không dám “kiêu ngạo” vị giáo sư khả kính của em đâu!  Nhưng rõ ràng là ông ta giải thích theo truyện kiếm hiệp.  Nếu quả thật Kojika có tài đề khí, phi thân, tung chỉ phong thì anh ta chỉ cần đánh nhẹ một cái cũng đủ hạ địch thủ rồi.”  Con thấy tức cười quá!  Sau con thấy Chú khi trả lời một độc giả, Chú xác nhận  Hoàng Hải Thủy, Thương Hoài Nguyên và Gã Thâm là một người.  Chừng đó con mới biết chắc Thương Hoài Nguyên chính là Hoàng Hải Thủy.  Sau Chú ra tuần báo Ðô Vật chuyên về đô vật.  Con có đọc các số báo Ðô Vật nầy.  Khi đài truyền hình Mỹ ngưng phát hình chương trình đô vật.  Tuần báo Ðô Vật đình bản.  Và con cũng không còn đọc tuần báo Quyết Sống.  Do đó, Con cũng ít còn dịp đọc bài của Hoàng Hải Thủy.

Thỉnh thoảng con có đọc vài bài Chú viết về Truyện chưởng hay Tuồng chưởng.

Ba con rất thích đọc Truyện Chưởng Kim Dung, ba con cũng có đọc bài Chú viết về Kim Dung và truyện Kim Dung.  Con nhớ ba con nói:

“Thằng cha Hoàng Hải Thủy khoái bộ Cô Gái Ðồ Long lắm!  Thằng chả hay nói là thương nhau như Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố thương nhau”.  Có lẽ Chú viết là “yêu nhau” nhưng Ba con là ngườiNam nên nói là “thương nhau”.  Con lúc đó đã thích đọc truyện chưởng nên nhớ câu nói này của Ba con.  Ba con lớn hơn Chú khoảng chừng 25 tuổi.  Trên đây là lời nói của Ba con về Chú.  Con thành thât kể lại với Chú.

Và cũng vì mê truyện chưởng nên con có dịp đọc bài của Chú viết.  Ðây là những lời Chú kể lần đầu Chú nghe nói đến Kim Dung  Chú kể là khi Chú gặp mấy nhà văn như Mai Thảo và một số vị khác, thường nghe họ bàn tán sôi nổi về chuyện Cô Gái Ðồ Long, đăng trên các nhựt báo Sài gòn hồi đó. Chú thắc mắc khi nghe những tên “lạ hoắc” như Trương Vô Kỵ, Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố.  Rồi Chú nghe có ngưới hỏi diễn tiến vụ sáu đại môn phái bao vây Quang Minh Ðỉnh ra sao?  Chú hỏi nhà văn Mai Thảo về Kim Dung.  Mai Thảo chỉ giản dị nói với Chú là tiểu thuyết Kim Dung đặc biệt lắm đọc thử rồi biết.  Chú viết là bộ chưởng đầu tiên Chú đọc của Kim Dung là bộ Cô Gái Ðồ Long do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch.  Chú nói Chú bắt đầu say mê câu chuyện khi Dư Ðại Nham xuất hiện.  Chú tỏ ra khâm phục Kim Dung sáng tạo ra nhơn vật Tạ Tốn rất sống động.  Chú kết luận bài viết về Kim Dung bằng cách lập lại lời nhà văn Mai Thảo “tiểu thuyết Kim Dung đặc biệt lắm!  Ðọc rồi mới biết cái hay”.

Rocky Johnson, Ðô Vật có cú đá Song Phi.

Con có đọc vài bài khác Chú viết về các diễn viên Phim chưởng.  Chú so sánh các tài tử Phim chưởng như Vương Vũ, Khương Ðại Vệ, Ðịch Long, Lý Tiểu Long.  Chú viết Khương Ðại Vệ và Vương Vũ đều ốm yếu,  không lực lưỡng như Lý Tiểu Long và Ðịch Long. Nhưng theo Chú thì Khương Ðại Vệ thích hợp với Phim chưởng hơn Vương Vũ. Chú chê tài tử Vương Vũ không hợp với các vai anh hùng, đại hiệp.  Theo Chú thấy, mặt Vương Vũ con nhà giàu, công tử quá, Vương Vũ chỉ nên đóng các phim xã hội, tình cảm. Chú viết  Chú thấy mặt Khương Ðại Vệ giống nhà văn Mai Thảo.  Rồi Chú diễu:

“Chừng nào Thái Thanh đóng phim kiếm hiệp, chúng ta sẽ thấy mặt Mai Thảo. Còn bây giờ, ai muốn biết mặt Mai Thảo ra sao cứ dòm Khương Ðại Vệ sẽ biết!”.

Con còn nhớ có đọc một truyện ngắn Chú viết trong tap chí Thứ Tư hay Chọn Lọc.  Mấy chục năm rồi, con không nhớ rõ.  Con nhớ Chú viết về “Con ve và con kiến” phỏng theo tựa chuyện ngụ ngôn La Fontaine.  Nhưng khác với La Fontaine, Chú viết là Chú ghét con kiến, Chú thương con ve.  Chú viết “con kiến bần tiện, ích kỹ chỉ biết lo cho bản thân mình”, “con ve là một nghệ sĩ vô vị lợi, ca hát làm vui cả mùa hè mà không đòi hỏi được trả công”.  Chú kể câu chuyện “con ve và con kiến” thứ thiệt mà Chú đã chứng kiến ngoài đời.  Có hai anh em Chú biết từ hồi học chung ở tiểu học.  Người anh tánh giống con kiến, siêng năng, chăm chỉ nhưng ích kỹ không bao giờ giúp đỡ bạn bè.  Người em trai tánh tình cởi mở, dễ chơi.  Sau nhiều năm, khi đã trưỏng thành, Chú gặp lại hai anh em này thì biết người Em – con ve –  thành công trong cuộc sống, có cuộc sống sung túc.  Ngược lại, người Anh – con kiến – bị hết thất bại này tới thất bại khác, nghèo khổ.  Người anh lại tỏ ra bất mãn vì  hạnh phúc của em mình.  Con nhớ Chú viết: “À thì ra, bây giờ con kiến lại ganh tị với con ve”.  Con nhớ bài này vì con đồng ý Chú là con ve dễ thương hơn con kiến, khác với điều các sách luân lý dạy con kiến là tấm gương nên theo.

Ngoài ra con còn đọc vài cuốn tiểu thuyết gián điệp 007 do Chú phóng tác.

Con có đọc cuốn “Bỏ súng bên trời” Chú phóng tác. Ðiệp viên Hoàng Giang cùng cận vệ Ðặng Dao hộ tống nhà tỉ phú Dương bạch Long, cô thơ ký và luật sư Trần Thịnh chống lại các âm mưu ám sát.  Con nhớ hai đoạn trong cuốn này, có lẽ vì Chú viết trúng ý con.  Ðoạn một, Hoàng Giang nghĩ thầm có bao nhiêu người chết vì lý tưởng cao đẹp thì cũng có bao người khác chết vì  lý tưởng sai lầm.  Hoàng Giang sau khi tham gia  thế chiến thứ hai, chàng có cái sung sướng chiến đấu cho một lý tưởng mà chàng tin là cao đẹp.  Nhiều năm sau, chàng lại có thêm cái sung sướng  thấy cái lý tưởng mình theo đuổi đúng và đẹp.  Ðoạn hai, nhà tỉ phú Dương Bạch Long kể câu chuyện về Hồ ly tinh.  Có một Hồ ly tinh thắc mắc vì sao loài người lại sợ các Hồ ly tinh?  Theo như Hồ ly tinh này thì “chỉ có đồng loại mới có thể hại được đồng loại. Kẻ thù đáng sợ nhứt của con người là con người.  Và địch thủ đáng sợ nhứt của hồ ly tinh là một hồ ly tinh khác.”.  Khi đọc đoạn truyện này, con còn là vị thành niên nên thấy những điều này ngộ lắm.  Và nhớ luôn tới bây giờ!

WRESTLING, Nguyệt San Ðô Vật.

Sau con thấy Anh con có mua cuốn chuyện ma “Hồn ma đa tình” do Hoàng Hải Thủy phóng tác.  Con có đọc cuốn này  và nhớ vài chuyện như “Ðầu người Bô Rô,” trong đó có một người da trắng bị ám ảnh vì cái đầu một thổ dân bộ lạc Bô rô.  Người Bô rô này bị anh da trắng mướn kẻ giết mướn giết và cắt đầu ướp khô.  Ít lâu sau, anh da trắng này bị ám ảnh thấy cái gì cũng thành cái đầu đẫm máu của anh thổ dân Bô Rô.  Sau cùng anh ta lấy dao cạo ra cắt cổ mình khi dòm vô kiếng để cạo râu vì thấy mặt mình là mặt người Bô Rô. “Hồn ma đa tình” – chuyện một phụ nữ trẻ thích cầu cơ với một hồn ma mà Chú kêu là “phụ đồng chén”.  Sau hồn ma này giết chồng người phụ nữ này và cô ta hóa điên luôn.  Con nhớ cuốn chuyên ma này và thích lắm.  Như Chú biết ở đâu có, Chú cho con biết.

Tới 1975, khi tụi Việt cộng Bắc kỳ chiếm miền Nam của mình, con chỉ biết chút đỉnh về Chú: – những bài viết về đô vật, sách chưởng, tuồng chưởng, hai ba cuốn tiểu thuyết chuyện ma, hoặc gián điệp.  Còn những sách nổi tiếng do Chú viết con chưa đọc.

Chừng qua Canada, con được tin Ba con còn ở Việt Nam cho biết, bao nhiêu sách, báo của gia đình con đều bị đốt sạch!!!  Con tiếc quá!  Nhưng biết sao đây?  Dân miền Nam lúc đó chỉ còn là những con cá nằm trên thớt mặc sức cho tụi Việt cộng Bắc kỳ muốn làm gì thì làm! Họ đem cho dân miền Nam hai đai họa,Cộng sản hóa và Bắc kỳ hóa!!!

Những năm đầu ở Canada, con sống với Anh con.  Anh con lại tiếp tục thú chơi sách.  Tuy tủ sách Anh con không còn đồ sộ, phong phú như tủ sách gia đình hồi còn bên Việt nhưng cũng có khá nhiều sách.  Con khi đó còn đương đi học nên chưa có tiền mua sách.  Nhưng nhờ ở với Anh con, nên con có dịp đọc các sách Chú phóng tác như “Ðen hơn bóng tối, Ðỉnh gió hú, Kiều Giang, Ngoài cửa thiên đường, Tìm em nơi thiên đường.”  Chừng đó, con mới thưởng thức được tài viết văn của Chú.  Con đọc lại mấy cuốn tiểu thuyết gián điệp Hoàng Giang.  Trong cuốn “Thầy Nô”, có đoạn này Chú phóng tác rất ngộ.  Chú cho điệp viên Hoàng Giang nghĩ thầm về nàng Mật:

“Anh cứ tưởng là nhà văn Kim Dung bịa đặt ra A Tử, không ngờ rằng em là một A Tử thật ở cõi đời này!  Có điều em còn hơn cả A Tử.  A Tử phải cần tới Bích ngọc vương đỉnh mới luyện được Hóa Công đại pháp còn em chỉ cần nhìn là cũng đủ làm công lực anh tiêu tan.”

Chú viết thấy tức cười quá!  Trong cuốn Ðen hơn bóng tối, Chú viết một điều làm con rất thích, con nhớ Chú có nhận xét về tiếng “ngộ” của người Nam.  Chú viết là tiếng “ngộ” hay hơn tiếng “hay” nhiều và gợi cảm hơn. Chú  có nhắc tới chữ “thương” của người Nam, trong một cuốn tiểu thuyết khác, Chú viết “ngoài Bắc, thì thương là thương hại, thương xót nhưng trong Nam thì thương là yêu”.  Con đọc mấy nhận xét nầy của Chú mà thấy như mở cờ trong bụng.  Con rất thích các nhận xét này của Chú vì thấy Chú tuy là người Bắc nhưng biết thương, biết tôn trọng những đặc thù của người Nam. Khác hẳn với với một số đông người Bắc như tụi Việt Cộng Bắc kỳ.  Tụi nham nhở này luôn kiếm cách đồng hóa người Nam!

Con nhớ là đọc trong cuốn “Bây giờ tháng mấy” con  thấy tên thiệt của Chú là Dương Trọng Hải.  Hai người con của Chú là Kiều Giang và Hoài Nguyên.  Chú cho biết là tên người trong gia đình Chú đều có “chấm thủy”.  Té ra Chú biết đọc chữ Hán nữa!

Trong những năm 1980, theo dõi tin tức bên Việt Nam, con  biết là Chú đương bị ở tù Việt Cộng.  Ba con lúc đó đã qua Canada khi nghe tin Chú bị  Việt Cộng bắt tù thì ngậm ngùi nói:

“Như vậy là chết rồi!”

Những năm đó, con có nghe nhiều tin xấu, tin dữ về các văn nghệ sĩ của miền Nam tự do.  Các tin đồn nầy có tin trúng nhưng cũng có tin trật.  Như con có nghe là các nhà văn Duyên Anh, Nguyễn mạnh Côn đều chết trong trại tù Việt Cộng.  Khi nghe là Chú bị  Việt Cộng giam tù, con chắc là Chú Hoàng Hải Thủy rồi đây cũng  chịu cùng chung số phận với các ông Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn.  Trong những năm đó tai họa xảy ra dồn dập cho mọi người dân Việt.  Nào là người vượt biên chết trên biển, bị cướp!  Nào là tàu tị nạn Việt Nam bị xua đuổi không cho vào bến! Nào  là người vượt biên thoát chết tới trại tị nạn rồi cũng chưa chắc được yên thân! Không có nước nào chịu chứa!  Nào là thân nhơn còn có người kẹt bên Việt!  Nào là có thân nhơn vượt biển rồi mất tích luôn!  Do đó, những tin xấu về các văn nghệ sĩ ở Việt Nam bị chìm đắm trong các tin khác và ít gây chú ý trong dư luận người Việt ở ngoại quốc.

Trong khoảng thời gian này, con qua một thành phố khác ở Canada để tiếp tục đi học. Vì bận học, thi, lại không còn ở chung với anh con, vả lại con còn đi học, chưa có tiền mua sách nên con không còn dịp đọc sách báo Việt trong một thời gian nhiều năm.

Bẳng đi trong nhiều năm, trong lúc con không còn để ý tới sách báo Việt.  Con tình cờ đọc một bài Chú viết trên tạp chí nào con không nhớ rõ.  Con mới biết là Chú đã thoát khỏi “thiên đường”  Việt Cộng. Sau đó, con có đọc nhiều bài Chú viết đăng trong vài tờ báo.  Chú  kể chuyện vụ các văn nghệ sĩ Sài Gòn bị kêu đi họp vơi các công an văn nghệ Việt Cộng. Chú kêu mấy văn nghệ sĩ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản như Trịnh công Sơn, Phạm trọng Cầu là  tụi « phi cầm, phi thú ».  Chú kể vụ Chú viết phiếm luận “Ðen hơn mõm chó” chửi  “thiên đàng cộng sản”, bị tui công an văn nghệ Việt Cộng biết, chúng bắt Chú bỏ tù. Chú kể là chú ở tù chung phòng giam với Ông Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Chú kể khi chú kể chuyện “Cô Gái Ðồ Long” cho các ông bạn tù nghe, ông Lê Mạnh Thát cho Chú biết “Hân Tố Tố” thiệt ra là “Ân Tố Tố”.  Sau Chú kiểm lại thì thấy quả thiệt là Ân Tố Tố.

Con nhớ Chú có viết là Chú đồng ý với nhận xét là giới văn sĩ Sài Gòn cũ có một lỗi nhỏ và đông thời họ cũng có một công nhỏ. Lỗi nhỏ đó là trong cuộc chiến đấu sanh tử với Cộng sản, các văn sĩ Sài Gòn có thái độ thờ ơ, thụ động.  Coi như cuộc chiến sanh tử chống Cộng để bảo vệ tự do không liên quan gì tới mình.  Còn cái công nhỏ là họ đã không về hùa với Việt Cộng sau khi tụi nó chiếm được miền Nam tự do.  Cái “lỗi nhỏ” đó, theo con nghĩ, không riêng gì giới văn sĩ Sài Gòn mà có lẽ  ngoài các chiến sĩ trong Quân đội ngày đêm hy sanh xương máu để bảo vệ miền Nam, còn đại đa số người dân miền Nam tự do đều mắc phải.  Sống trong sự tự do của miền Nam, có người ra vẻ “ta đây” đứng ngoài và đứng trên cuộc chiến.  Tời chừng Việt Cộng chiếm miền Nam, những kẻ “đứng ngoài, và đứng trên” đó cũng chịu chung số phận với những chiến sĩ tự do chống Cộng.  “Lưng chừng” và “phản động”  đều bị tan xương như nhau dưới chế độ Việt cộng!   Trong cuốn hồi ký cải tạo “Ðáy địa ngục“, Ông Tạ Tỵ cho biết một anh quản giáo nói với ổng:

“Các anh chỉ lo tranh giành quyền lợi riêng cho các anh.  Nhưng không anh nào nghĩ tới chuyện giữ cái miếng đất, cái chế độ đã đem các quyền lợi đó cho các anh!”

Ông Tạ Tỵ viết là ổng  nghĩ anh quản giáo nầy có lý! Còn về cái “công nhỏ”, con  nhớ  Chú có  kể vụ tụi công an văn nghệ Việt Cộng xúi Chú viết phóng sự kể xấu các chánh khách trong chế độ cũ.  Chú giả đò ừ, ào cho qua chuyện rồi không viết gì hết.

Sau này, gặp Anh con, Anh con cho biết là “Hoàng hải Thủy có viết lợi rồi!” Anh con có mua đầy đủ các sách Chú xuất bản bên Mỹ. Anh con  cho con biết là Chú nay có một số tiểu thuyết phóng tác mới.

Con có đọc bài “Thiên long bát bộ luận anh hùng” Chú viết, không nhớ trong báo nào. Trong bài nầy, con thấy Chú viết trật hai chỗ!  Thứ nhứt, Chú viết Ðoàn Dự khi nhảy xuống một thung  lũng, vì không có thức ăn chàng ăn hai con Mãng cổ chu cáp và do đó chàng có “Chu cáp thần công”.  Sự thực không phải vậy!  Hai con Mãng cổ chu cáp là của Chung Linh – hồi đâù chuyện Chung Linh là con gái Chung Vạn Cừu – cho Ðoàn Dự để chế ngự mấy con rắn Kim Linh và Thanh Linh. Chung Linh vì thương Ðoàn Dự nên cho Ðoàn Dự mượn hai con rắn và cái hộp đựng Mãng cổ chu cáp.  Ðoàn Dự bỏ cái hộp có hai con Mãng cổ chu cáp vô túi thì không có rắn nào làm hại được.  Khi Ðoàn Dự và Mộc Uyển Thanh bị Ðoàn Diên Khánh – Ác quán mãn doanh bắt – hai người lúc đó  tưởng họ là hai anh em cùng bố là Ðoàn Chính Thuần – bị ăn nhằm thuốc Âm dương hòa hợp tán là thuốc khích dâm.  Ðoàn Dự vì sợ làm hại em gái mình nên lấy hai con Mãng cổ chu cáp ra ăn để tự tử.  Không phải như Chú nhớ trật!  Thứ hai, Chú viết nhà văn Kim Dung đặt ra nhơn vật Lý Diên Tông cứu Ðoàn Dự và Vương Ngọc Yến trong nhà máy xay lúa nhưng không có giải thích Lý Diên Tông là ai!  Ðiều nầy Chú nhớ trật và nói oan cho Kim Dung.  Thiệt ra Kim Dung có cho biết Lý Diên Tông là ai nhưng tới gần hết chuyện mới cho biết.  Chú nhớ lúc Mộ Dung Phục quăng Ðoàn Dự xuống giếng để qua Tây Hạ cầu hôn với công chúa.  Anh ta có cho Ðoàn Dự và Vương Ngọc Yến biết là chính anh ta đã hóa trang thành Lý Diên Tông khi đến cứu ho ở nhà máy xay lúa. Con đọc bài Chú viết này nhiều năm rồi, bữa nay con mới có dịp cải chánh với Chú và minh oan cho Kim Dung.

Vài năm gần đây con thấy mấy bài Chú viết trên Internet.  Con mừng thấy Chú còn tiếp tục viết.  Ðọc các bài Chú viết, con  thấy được hình ảnh thân yêu của Sài Gòn cũ.  Con thấy Chú có vẻ buồn khi viết về cuốn “Hồi ký một thằng hèn” của Tô Hải.  Chú nghĩ là độc giả cũ của Chú có lẽ đã quên Chú!  Thưa Chú, Con nghĩ là Chú đừng lo! Chắc chắn có những độc giả thầm lặng còn nhớ, còn thương các văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ.  Như con đây là một thí dụ!

Kể lể lẩm cẩm các chuyện xưa bây nhiêu chắc Chú đọc cũng mệt rồi! Bây giờ, con đã ra trường và đi làm nhiều năm.  Con muốn mua tất cả các sách của Chú.  Nhưng  thị trường sách báo của Sài Gòn cũ ngày càng khan hiếm.  Ðộc giả không còn bao nhiêu! Hết nhà sách này tới nhà sách kia đóng cửa.  Con chỉ còn biết vét chợ chiều.  Còn bao nhiêu sách Sài Gòn  thì con mua bấy nhiêu.

Con xin nhắc lại câu hỏi mà con viết ở phần đầu lá thơ này:

“Chú Hoàng Hải Thủy có muốn bán lại các sách do Chú viết cho con không?   Nếu bây giờ Chú còn muốn  giữ các sách đó xin chú cứ giữ, con nghĩ đến một lúc nào đó Chú cũng nên giao chúng cho một người khác tiếp tục giữ, thương yêu các quyển sách đó.  Con xin Chú nhớ tới con khi nào Chú muốn nhường lại các sách của Chú.” 

Mong tin Chú và chúc Chú luôn sáng suốt, mạnh giỏi.  Ðược đọc bài Chú viết là được thấy lại Sài Gòn thân yêu của mình và được sống lại cái tuổi thơ hồn nhiên mấy chục năm trước.

Con,

DTD

o O o

CTHÐ Hoàng Hải Thủy gửi Em DTD.

Cám ơn Em đã đọc những truyện tôi viết, đã nhớ và viết cho tôi. Thư của Em làm tôi cảm động. Sách của tôi, trước 1975 ở Sài Gòn, nay ở Mỹ, không có nhiều và không có giá trị văn học. Khi tôi đi tầu suốt, Kiều Giang sẽ giữ vài quyển. Cám ơn Em đã coi trọng và muốn được giữ số sách của tôi.

Một tối trong Phòng 10, Khu ED, Nhà Tù Chí Hòa, tôi kể chuyện Hân Tố Tố – Trương Thúy Sơn – Tạ Tốn cho anh em tù nghe, Người Tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát bảo tôi:

“Ân Tố Tố, không phải Hân Tố Tố. Người Tầu không có họ Hân.”

Người Tù Trí Siêu không đọc Kim Dung, không đọc Truyện Kiều, không biết một bài Thơ Ðường.

Ðồ Long – Ỷ Thiên:

Ðêm. Nằm ôm nhau trên thuyền đi lên biển Bắc, Tố Tố nói với Thúy Sơn:

“Em muốn ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, lúc nào đôi ta cũng gần nhau.”

Tôi – CTHÐ – thấy câu nói của Tố Tố là “Tuyệt Ðỉnh Yêu Thương.” Tôi thường viết về Tình Yêu của Ân Tố Tố: “TÌNH YÊU viết hoa cả năm chữ, Hoa luôn dấu Huyền, dấu Mũ.”

Ðô Vật đánh sạch, đánh bẩn không phải do tôi đặt ra. Người Mỹ tường thuật những trận Wrestling chia các võ sĩ ra hai loại “Clean Wrestler” và “Dirty Wrestler.” Luật Wrestling cấm võ sĩ không được đấm, đá – khi đá phải nhẩy cả hai chân lên, không được dùng một chân để đá, đạp, không được móc mắt, không được bóp cổ. Dirty Wrestler thường có hình thể xấu, bụng phệ, mặt mũi hung hãn. Clean Wrestler là những lực sĩ bô trai, thân hình đẹp, được khán giả ái mộ. Clean Wrestler cũng có khi bị đánh thua nhưng thua là do đối thủ Dirty Wrestler đánh bậy mà trọng tài không thấy. Nhưng các trận đấu Wrestling của Mỹ toàn là những cuộc biểu diễn: các võ sĩ đã tập luyện với nhau nhiều lần, lên đài họ đánh nhau, khoá tay nhau,  quăng quật nhau như thật.  Có chuyện tôi thấy lạ là tới nay những trận biểu diễn Wrestling vẫn đông người xem. Và người mê xem Wrestling không phải chỉ là thiếu nhi mà có nhiều người lớn.

Những năm 1972 tôi có tài liệu để viết về Ðô Vật Mỹ – ta xem nhờ trên TiVi của Quân Ðội Mỹ – là nhờ Lâm, anh bạn tôi. Năm ấy Lâm làm cho một Sở Mỹ. Anh nhờ ông bạn Mỹ gửi mua những số báo Wrestling, Wrestlers mới và cũ ở Mỹ cho tôi. Những tờ báo này toàn là ảnh những võ sĩ Ðô Vật. Tôi lấy ảnh phụ đề tiếng Việt, đưa lên báo. Năm 1972 quân đội Mỹ rút về nước, TiVi Mỹ đóng cửa, khán giả Việt mê xem Ðô Vật Mỹ trên TiVi hết còn được xem Wrestling. Tôi hết viết về Ðô Vật.

Một thời chỉ còn vang bóng.

Viết đến đây tôi bùi ngùi nhớ đến người bạn cùng tôi làm tờ Ðô Vật 40 năm xưa. Anh tên là Ngô Xinh. Anh mua những tập Ðô Vật của tôi, trả tôi mỗi tập 10.000 đồng, anh in và phát hành Ðô Vật. Năm xưa ấy chưa có computer, tôi làm những tập Ðô Vật trên máy đánh chữ. Ngô Xinh đem chụp lại và in. Ngô Xinh xuất bản truyện Ðen Hơn Bóng Tối của tôi.

Một tối năm 1976 hay 1977, tôi không nhớ đúng, trời Sài Gòn lất phất mưa, thành phố tắt điện, tôi trên xe đạp lầm lũi đi trên đường phố tối đen, tôi đi trong dòng người như đoàn người đi xuống Ðịa Ngục. Chợt có tiếng gọi, Ngô Xinh từ quán vỉa hè chạy ra:

“Vô đây nhậu với em.”

Tôi từ chối, nói tôi đi lâu quá rồi, tôi phải về, vợ tôi thấy tôi đi lâu quá không về cứ nghĩ là tôi bị bắt ở ngoài đường. Ngô Xinh ôm tôi, hôn má tôi:

“Anh giữ sức khoẻ. Cho em gửi lời hỏi thăm chị.”

Ðó là  lần cuối cùng tôi gặp Ngô Xinh. Những năm sau không thấy anh, tôi hỏi thăm, nghe nói Xinh vượt biên và mất tích.

Tôi ngừng viết ở đây.

Sách mới: Sài Gòn Vang Bóng !!!!!

Ðã có bán. Giá 15.00 Mỹ kim + 5 Mk tiền gửi Bưu Ðiện

Chi phiếu xin đề: SAIGON NHO

13881 Seaboard Circle, Garden Grove. CA 92843

Tel: (714) 265-0800

Mua 3 quyển trở lên không phải trả tiền bưu điện.

HỘI HỨA LÈO QUỐC TẾ và SÀI GÒN VANG BÓNG

Hội Hưá Lèo Quốc Tế – The HUALEO Intern. – trong phiên họp bất thường của Ban Ðiều Hành Thường Trực, Tháng Tư 2011, ra biên bản:

Xét rằng: Hội viên H2T đã vi phạm Tôn Chỉ và Nội Quy của Hội trong việc “hưá xuất bản tác phẩm SÀI GÒN VANG BÓNG nhưng đã không “hưá lèo” mà hưá rồi làm thật.”

Bằng chứng:

 

SÀI GÒN VANG BÓNG đã được layout và gửi đi in.

Xét rằng: Hội viên H2T đã phạm Nội Quy, theo Luật Hội phải bị trừng phạt nặng, nhưng

Lại Xét rằng: Trong nhiều năm qua, dễ đến 50 năm kề từ ngày H2T 20 tuổi tình nguyện gia nhập Hội Hưá Lèo, đương phạm đã từng Hứa Lèo rất nhiều lần, từng bị tả tơi hoa lá nhiều lần vì Hưá Lèo nhưng vẫn trung kiên với việc Hưá Lèo, nên:

Hội Hưá Lèo Quốc Tế khoan hồng cho H2T, tha không trừng phạt, không khiển trách, không Ghi Sổ Ðen.

Biên bản làm trong Tháng Tư 2011.

o O o

SÀI GÒN VANG BÓNG đã được gửi sang in ở nước bạn Taiwan. Việc in thì nhanh nhưng việc gửi SÀI GÒN VANG BÓNG từ Taiwan về Kỳ Hoa bằng tầu biển thì mất đến mấy tháng lận.

Ngày có sách sẽ được thông báo sau.

Saigonmới Ngày Xưa

Ảnh Số 1: Nhật báo Sàigònmới bị đóng cửa năm 1964, trong trang báo Sàigònmới trên đây đăng tin “Tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi cơ năm 1970.”

Trước năm 1956 đường tên là đường Colonel Grimaud, tên một sĩ quan Pháp tham dự trận chiến Pháp xâm lược Nam kỳ hơn 100 năm xưa. Từ năm 1956 đến năm 1975, đường tên là đường Phạm Ngũ Lão.

Ðường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, khởi đầu từ Ngã Ba có Rạp Xi-nê Khải Hoàn, Trụ Sở Hội Dục Anh, nơi gặp nhau của ba đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Ðường có chợ Thái Bình, rạp xi-nê Thanh Bình, toà soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Ðình Vượng, xóm Sáu Lèo, một đoạn đường một bên là dẫy tường Nhà Ga Hoả Xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, toà soạn nhật báo, tuần báo. Ở đoạn đường này những năm 1970 có nhà in Thư Lâm Ấn Quán của ông con rể ông Ðông Hồ, toà soạn tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, với Thi Ðoàn Bạch Nga, một thời đặt trong nhà in Thư Lâm, toà soạn nhà in tuần báo Ðiện Ảnh của ông Mai Châu, toà soạn nhà in tuần báo Kịch Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, toà soạn-nhà in Thế Giới của ông Nguyễn Văn Hợi..vv… Trong những năm từ 1965 đến 1975 đường Phạm Ngũ Lão tập trung nhiều toà báo-nhà in báo nhất trong lịch sử báo chí Sài Gòn.

Toà soạn – nhà in nhật báo Sàigòn Mới ở số nhà 39 cuối đường Phạm Ngũ Lão, đoạn đường này nằm lửng lơ con cá vàng giữa ba đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Ðạo và Hàm Nghi. Dẫy nhà một tầng lầu, toà báo Sàigòn Mới gồm ba căn, ba căn tầng trệt là nhà in, bà căn tầng lầu là toà soạn và nơi cư ngụ của ông bà Bút Trà. Tuy có vi-la ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, sau năm 1963 đổi tên là đường Thích Quảng Ðức, ông bà Bút Trà vẫn sống ở toà báo đường Phạm Ngũ Lão.

Tại sao hôm nay, buổi chiều mùa thu, sống ở xứ người xa Sài Gòn, xa đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, không phải là một mà hai biển lớn, tôi bỗng dưng lại thấy hiển hiện bầu trời Sài Gòn chuyển mưa xanh sám buổi chiều những năm 1960?? Những năm tôi đang thời son trẻ, những năm phong độ nhất của đời tôi! Năm muơi năm xưa rồi còn gì?

Sáng nay, buổi sáng cuối năm ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Ðốn, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi đi môt đường cảm khái nhớ Sài Gòn xưa, nhớ toà báo cũ, là vì mới đây trong một bài viết của tôi, tôi đăng bức ảnh chụp trang nhất tờ nhật báo Sàigònmới.

Từ ngày sang Hoa Kỳ, tôi vẫn để nhiều thì giờ tìm trên Internet những tài liệu về tờ nhật báo Sàigònmới năm xưa. Nhưng tôi thất vọng. Có thể nằm ở đâu đó trong kho Internet Khổng Lồ Thế Giới có những tài liệu, hình ảnh về những tờ nhật báo của Sài Gòn trước năm 1975, như những tờ báo hàng đầu Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tia Sáng, Trắng Ðen, Bút Thép, Ðại Dân Tộc. Xong tôi không tìm thấy gì cả. Ngay cả một tấm ảnh của bà Bút Trà, bà chủ nhiệm nhật báo Sàigònmới, tôi cũng không tìm thấy trên Intrenet. Rõ hơn: tôi không có ảnh bà Bút Trà.

Ðã vài lần trong những bài viết của tôi, tôi ngỏ lời mong quí vị người đọc bốn phương vị nào có tài liệu về nhật báo Sàigònmới xin gửi cho tôi.

Tôi nhận được bản chụp trang nhất nhật báo Sàigonmới – tôi ghi ảnh này Số 1 – Sau khi đăng ảnh lên, xem kỹ lại tôi thấy có sự vô lý: Tuớng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi cơ trên mặt trận Cao Miên Ngày 19 Tháng Năm, 1970, nhật báo Sàigònmới bị chính phủ Nguyễn Khánh đóng cửa Tháng Tư 1964, làm sao báo Sàigonmới chết năm 1964 đăng được tin một vị Tướng Quân Ðội VNCH tử nạn năm 1970?

Một người nào đó đã làm giả tấm ảnh Nhật báo Sàigonmới Số 1 đăng cùng bài này. Vì vô ý tôi đã không thấy ngay sự vô lý của tấm ảnh ấy.

Tôi nêu thắc mắc đó lên. Tháng 11, 2010, bạn T.V. ở thành phố Milipitas, Cali, gửi cho tôi tấm ảnh nhật báo Sàigònmới Số 2. Cám ơn bạn T.V.

Ảnh Số 2: Trang nhất nhật báo Sàigonmới Tháng Giêng năm 1958: Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến thăm Ban Mê Thuột.

Và tôi nhận được thư của một bạn đọc:

Phạm Lộc,  August 19, 2010

Năm  1982 đi tù Lính về,  một hôm tôi đến đứng trước Nhà In Nguyễn Ðức, số 39 đường Pham Ngũ Lão. Tôi ngậm ngùi khi thấy nét chữ Nhà In Nguyễn Ðức đã phai mờ nhưng còn đọc được. Tôi nhìn lên cầu thang dẫn lên tầng trên nơi có tòa soạn báo Sàigonmới. Tôi nhớ lại chỗ này trước 1975 có Nhà Sách Lê Phan, Hàng Ăn Thanh Bạch. Bà má tôi là giáo viên dậy ở Trường Bình Dân Học Hội ở số 266 đường Tôn Ðản của BÀ BÚT TRÀ. Tôi phải viết hoa BÀ BÚT TRÀ vì nhờ mẹ tôi có việc làm ở trường của bà nên mẹ tôi mới có tiền nuôi tôi ăn học, tôi có bằng Tú Tài, vô lính lên đến Ðại Uý.

Tôi vẫn cám ơn BÀ BÚT TRÀ và cầu nguyện mong Bà được yên vui trong cõi vĩnh hằng.

Mong được CTHÐ cho đọc thêm về chuyện Nhà Báo Sàigonmới.

Hết thư của bạn Phạm Lộc.

Vì vậy chiều nay tôi viết bài này:

Lúc 11 giờ trưa ngày 11 Tháng 11, năm 1961, hay ngày 1 Tháng 11 năm 1961, khi những ông sĩ quan làm đảo chính Nguyễn chánh Thi, Vương văn Ðông, Phạm văn Liễu..vv.. đã lên phi cơ bay sang Nam Vang, một tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính được đưa tới toà báo Sàigòn Mới.

Tướng Nguyễn Viết Thanh, vị Tướng tử nạn phi cơ trực thăng trên mặt trận Miên năm 1970.

Tuyên cáo do một số nhân sĩ ký tên, trong số có các ông Nguyễn Tường Tam, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Ðán .. Báo Sàigònmới đăng Tuyên Cáo này hay không? Người quyết định đăng hay không là ông Bút Trà. Ông nói nhà báo không ủng hộ phe nào cả, có tin là nhà báo đăng. Và nhật báo Sàigòn Mới đã đăng bản Tuyên Cáo ấy.

Hình như cả làng báo Sài Gòn hôm ấy chỉ có báo Sàigòn Mới đăng Tuyên Cáo ủng hộ phe Quân Nhân Làm Ðảo Chính. Những người ký tên trong Tuyên Cáo ủng hộ phe đảo chính, không phải nhật báo Sài Gòn Mới ủng hộ, nhưng vì đăng bản Tuyên Cáo đó báo Sàigòn Mới “có tội” với chính phủ. Báo không bị đóng cửa nhưng bị một phen xính vính.

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị bắn chết, buổi trưa ngày hôm sau Tượng Ðồng Hai Bà Trưng ở Công Trường Mê Linh bị đám đông kéo xuống, Tượng Hai Bà bị cưa cổ, đầu Tượng bị cho vào xe xích lô chạy diễu trên đường Tự Do, cùng lúc ấy toà báo Sàigòn Mới bị một nhóm người kéo đến đập phá. Một anh nào đó, anh này mới thực là quân sư quạt mo, trong bọn cố vấn cho đám tướng lãnh làm đảo chính, biết lời chỉ thị của Lenin: “Khi ‘cách mạng’ thành công, nếu nhân dân có vì căm thù mà trả thù bọn cầm quyền cũ hay bọn nhà giàu thì đừng cấm. Cứ để họ làm.” Nhân dân Sài Gòn không căm thù, không trả thù thì bọn đảo chính cho bọn tay sai đi phá phách.

Khi bọn đập phá kéo vào toà báo Sàigònmới, chị hầu của bà Bút Trà đưa cho bà cái nón lá, bà đội nón theo chị đi ra khỏi toà soạn. Những người đi phá phách chắc cũng không hãnh diện chi lắm với việc làm của họ, nên họ chỉ đập phá qua loa rồi rút êm. Chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa nhật báo Sàigòn Mới. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa một nhật báo nào của Sàigón, chỉ có tờ báo Cách Mạng Quốc Gia tự đóng cửa.

Bốn tháng sau, khoảng Tháng Ba, Tháng Tư năm 1964, Nguyễn Khánh làm cuộc binh biến gọi là chỉnh lý. Trong cuộc họp báo thứ nhất của nhóm chỉnh lý, ủy viên của nhóm là Ðỗ Mậu – hình như lúc đó còn là Ðại tá – đọc lệnh đóng cửa ba nhật báo Sàigòn Mới, Ngôn Luận, Ðồng Nai vì “tội cấu kết với Ðộc Tài Nhà Ngô.”

Nhật báo Sàigòn Mới, nhật báo Ngôn Luận, hai tờ báo chính của tôi, bị đóng cửa, thời phong độ của tôi chấm dứt, cuộc đời tôi bắt đầu đi xuống.

Ơi.. Người đọc những dòng chữ này ở tám phương trời, mười phương đất, tôi mời Người đọc: TRUYỆN NGƯỜI THỢ NỀ VƯƠNG THỪA PHÚC, tác giả Hàn Dũ, theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê:

Nghề thợ nề hèn mọn mà lại khó nhọc. Có người làm nghề đó mà vẻ mặt lại như tự đắc, nghe lời nói thì giản ước mà thấu triệt. Hỏi thì đáp họ Vương, tên Thưà Phúc, đời đời làm nghề nông ở đất Tràng An, hạt Kinh Triệu. Hồi loạn Thiên Bảo, làm lính mộ, cầm cung tên mười ba năm, có công lao, có thể được thăng quan, nhưng bỏ mà về nhà; vườn ruộng mất hết, làm nghề thợ nề để nuôi thân, đã trên ba chục năm. Ở trọ một nhà tại chợ, mà trả tiền nhà, tiền cơm đều phải chăng. Tuỳ tiền nhà, tiền cơm đắt hay rẻ mà tăng hay hạ tiền công thợ nề, có dư thì cho những kẻ nghèo đói, phế tật.

Người thợ nề ấy nói:

– Nghề thợ nề dễ làm, tuy khó nhọc mà không có gì phải thẹn, lòng tôi được yên. Dùng sức thì dễ, dùng tâm thì khó mà cần có trí. Kẻ dùng sức để người ta sai khiến, kẻ dùng tâm sai khiến người, cũng là đáng vậy. Tôi chọn làm cái nghề dễ làm mà không xấu hổ.

Ôi..! Tôi cầm bay vô các nhà phú quí đã nhiều năm rồi. Có nhà tôi tới một lần, lần sau đi qua thì đã thành đất hoang, có nhà tôi tới hai, ba lần, lần sau đi qua thấy không còn nữa. Hỏi người láng giềng, có người nói: “Ôi..! Chủ nhà bị tội, chết rồi!” Có nơi đáp: “Chết rồi! Con cháu không giữ được gia sản.” Có người nói: “Chết rồi. Gia sản bị tịch thu!” Tôi lấy đó mà ngẫm thì chẳng phải ăn mà làm biếng nên bị vạ trời đấy ư? Chẳng phải là gắng dùng trí mà không đủ sức, không biết xét tài năng có xứng không mà mạo hiểm làm đấy ư? Chẳng phải là làm nhiều điều đáng xấu hổ, biết là không nên mà cứ làm đấy ư? Hay là phú quí khó giữ vì công lao thì ít mà hưởng thụ lại quá hậu chăng? Hay là thịnh suy có thời, hết thịnh đến suy không thể thịnh hoài được chăng? Nghĩ vậy tôi sợ lắm, cho nên tôi lựa cái nghề vừa sức tôi mà làm. Thích giầu sang mà ghét nghèo hèn, tôi nào có khác chi người.

Lại nói:

– Kẻ công lao nhiều thì cung phụng cho mình cũng nhiều; vợ con đều trông vào ta mà sống. Sức tôi yếu mà công tôi nhỏ, tôi không có vợ con cũng phải. Hạng người lao lực mà có vợ con thì thêm lao tâm. Một thân mà gánh vác hai việc, bực Thánh cũng không làm được.

Hàn Dũ tôi thoạt nghe còn nghi hoặc, sau ngẫm kỹ thì thấy người đó là bực hiền, là hạng mà người ta gọi là “độc thiện kỳ thân.” Nhưng tôi có chỗ chê người đó là vị mình thì quá nhiều, vị người thì quá ít. Người đó cho việc có gia đình là lao tâm, không chịu nhọc tâm để nuôi vợ con thì có khi nào chịu lao tâm vì người không? Tuy nhiên so với bọn người đời chỉ lo đắc thất, mong thoả mãn dục vọng một đời, tham tà mà quên đạo đến nỗi táng thân, thì người thợ nề đó còn hơn xa. Tôi lại nghĩ lời người đó có thể răn tôi được nên tôi chép lại truyện này.

Ngưng trích Hàn Dũ.

Từ năm 1960 khi tôi – CTHР– bắt đầu “ghi nhận được chuyện đời,” tôi thấy ở nước tôi không có nhà nào giầu sang được hai đời. Hai đời thôi, không lâu đến ba đời, nước tôi không có chuyện nhà quyền quí truyền đến năm đời như những nhà công hầu quí tộc thời Ðông Chu bên Tầu. Ở  nuớc tôi như nhà họ Hoàng, ông bố Hoàng Cao Khải, ông con Hoàng Trọng Phu, hai đời Tổng Ðốc Ðại Thần, nhưng đời Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu không được trọn vẹn. Chính quyền Nam Triều và Nhà Nước Bảo Hộ Ðại Pháp tiêu tán thoòng, quay cu lơ, ngủm cù đeo, phe lơ mò năm 1945 khi Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu còn sống. Năm 1942 ông Tổng Ðốc Hà Ðông Hoàng Trọng Phu về hưu, nhường chức Tổng Ðốc Hà Ðông cho ông Vi văn Ðịnh, rồi ông Hồ đắc Ðiềm. Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu qua đời không kèn, không trống ở Ấp Thái Hà năm 1946.

Sau năm 1945 những nhà giầu nước tôi, giầu thôi, không nói sang, không lâu được một đời. Như ông bà Bút Trà chủ báo Sàigòn Mới. Tờ nhật báo Sài Gòn ra đời từ những năm 1925, 1926, sau năm 1945 đổi tên là báo Sàigòn Mới. Báo sống được nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản mầu đủ thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sàigòn Mới tăng vọt số báo bán. Anh con thứ sáu là Sáu Khiết xuất bản Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Tiền đổ vào nhà Sàigòn Mới như nước. Bà Bút Trà xây và làm chủ Rạp Xi-nê Kim Châu đường Nguyễn Văn Sâm.

Giang sơn Sàigòn Mới chỉ thịnh được có bẩy, tám năm, từ 1957 đến đầu năm 1964. Rồi tan. Rồi nát. Rồi không còn qua một dấu vết. Sau ngày tờ báo bị bức tử, ông Bút Trà đi sống với bà vợ nhỏ, bà Bút Trà về sống với nhà bảo sinh có từ trước của bà ở gần Trường Tiểu Học Bàn Cờ đường Phan đình Phùng. Tôi nghe nói sau năm 1975, khoảng năm 1985, ông Bút Trà chết trong nghèo đói.

Ông bà Bút Trà không làm việc gì gian tham, thất đức, ông bà, những anh con của ông bà, không lười biếng, không phải là hạng người chỉ ăn mà không làm, không phải là những người làm mà không lượng sức, cũng không làm những trò gian dâm, không mê cờ bạc, không nghiện hút, không cả uống rượu, nhưng cuộc giầu có của họ vẫn không được bao năm. Ôi… Phải chăng như lời ông Thợ Nề Vương Thưà Phúc nói: “Thịnh suy có thời, không thể thịnh mãi!” Tôi chỉ ngậm ngùi vì chuyện ở đời tôi những thời gian Thịnh của những người sống cùng thời với tôi sao ngắn quá!

Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích năm 2010.. Chiều cuối năm, 4 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi. 

Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:

– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!

Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.

Năm nay tuổi đời qua giới hạn Thất Thập – nôm na là Bẩy Bó Lẻ Mấy Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.

Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi, trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.  

Cảm khái cách gì!

Sài Gòn Vang Bóng 11.2010

Ðại Sứ Bắc Cộng Ðinh Bá Thi, người bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ vì liên can trong vụ gián điệp Trương Ðình Hùng. Về nước, Ðinh Bá Thi bị “chết vì tai nạn xe ô tô” ở Bình Tuy.

Từ ngày những bài viết của tôi được đăng trên các báo, tôi có cái Thú, cái Sướng Khoái mà Ông Tầu Kim Thánh Thán không có. Ðó là cái Thú đọc những bài tôi viết được đăng trên trang báo, những dòng chữ in đen, gọn, sắc, sáng, rõ nét, ngay ngắn trên trang giấy trắng.

Bài nào tôi viết tôi muốn đọc lại thường là bài tôi viết hay. Nhiều bài tôi không sốt sắng muốn đọc lại, nên khi phải đọc lại những bài ấy trên báo tôi thấy chán ngắt. Ðó là những bài tôi viết dở. Thường thì bài viết nào của tôi đọc lại tôi thấy hấp dẫn là bài đó có nhiều người đọc cho là hay.

Từ ngày có computer, tôi không còn phải cắt giữ bài tôi viết để đọc lại, với computer bài viết được ghi trong Web, bất cứ lúc nào tôi muốn đọc lại là chỉ vài phút sau bài viết hiện rõ trên màn hình. Sáng, đẹp hơn bài trên trang báo.  Trang báo, trang sách có thể bị khô, ngả mầu vàng, rách vì thời gian, trang chữ trên Internet thì không.

Tháng 10, 2010, tôi viết một bài SÀI GÒN VANG BÓNG về Luật sư Trương Ðình Dzu và về vụ người con trai của ông là ông Trương Ðình Hùng, bị Cơ Quan FBI bắt về tội làm gián điệp cho Việt Cộng năm 1978 ở Virginia, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Bài viết đăng lên, tôi đọc lại và thấy trong bài có đoạn làm hôm nay tôi phải viết bài ngày.

Mời quí vị đọc vài đoạn trong bài tôi viết về Luật sư Trương Ðình Dzu:

“Những năm 1960 trời đất Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa yên bình, Sài Gòn an ninh, có hai Hội Quốc Tế ở Sài Gòn, một hội là Hội Lyons – Lyons Club – hội thứ hai là Hội Rotary – Rotary Club – Luật Sư Trương Ðình Dzu là Hội Trưởng Hội Rotary Việt Nam. Có thời ông là Thống Ðốc Hội Rotary Ðông Nam Á. Ông ra ứng cử chức vụ Tổng Thống hai lần. Lần thứ nhất ông tranh cử với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, lần thứ hai ông tranh cử với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Lần tranh cử thứ hai, liên danh của ông về nhì, ông bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bắt, kết tội “Làm suy yếu tinh thần chống Cộng,” cho ông vào tù một thời gian. Ông nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa.

(.. .. ..)

Một buổi chiều năm 1967, Ứng cử viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu họp báo ở Khách sạn Continental. Là phóng viên nhật báo Sàigònmới tôi đến dự. Tôi từng khó chịu khi thấy những ông ứng cử viên Tổng Thống ăn không nên đọi, nói không nên lời, trả lời mấy câu hỏi vẩn vương của ký giả Việt thôi mà đã ngắc ngứ. Tôi ngượng mặt khi tôi phải thấy những ông chính khách Việt mở cuộc hội báo khi bị bọn phóng viên Mỹ, Pháp hỏi mặt cứ ngẩn tò te. Tôi thán phục tài hùng biện của Ứng cử viên Trương Ðình Dzu khi tôi thấy ông trả lời bọn phóng viên Pháp Mỹ; ông nói thao thao, đường hoàng. Phóng viên Mỹ hỏi, ông trả lời bằng tiếng Anh xong, ông chuyển sang nói tiếng Pháp. Phóng viên Pháp hỏi, ông trả lời bằng tiếng Pháp, xong ông chuyển sang nói tiếng Anh. Tôi có cảm tưởng ông nói – mà không cần nói – với bọn nhà báo Pháp, Mỹ:

“Các anh hỏi tôi một, tôi nói thêm cho các anh biết hai, ba chuyện nữa.”

Rõ ràng ông áp đảo thiên hạ. Buổi chiều ấy, trong phòng khánh tiết Continental, tôi nghe, nhìn ông nói mà thấy tôi kiêu hãnh. Năm ấy tôi 35 tuổi, Luật Sư Trương Ðình Dzu khoảng 55 tuổi.

Ngưng trích.

Câu trong bài: “Một buổi chiều năm 1967, Ứng cử viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu họp báo ở Khách sạn Continental. Là phóng viên nhật báo Sàigònmới tôi đến dự.” làm tôi théc méc. Viết về những chuyện xẩy ra bốn mươi, năm mươi năm xưa, có những chuyện tôi nhớ sai. Vì nhớ sai nên tôi viết lại không đúng. Một nguyên do chính làm tôi không nhớ đúng nhiều chuyện xưa là năm xưa chẳng bao giờ tôi tự nhủ: “ Mình phải nhớ kỹ chuyện này để mai sau khi có thể mình viết ra cho đồng bào mình cùng biết.” Nhưng những chuyện tôi viết sai không nhiều. Năm nay – 2010 – tôi Bẩy Bó sem sém Tám Bó Tuổi Ðời; tính sổ vắn tắt và  giản dzị: từ 1955 đến 1975, 20 năm ăn chơi trác táng, phung phí không xót thương tuổi trẻ và sức khoẻ, từ 1975 đến 1995, 20 năm sống u uất, tủi nhục, trong số có 8 mùa lá rụng nằm phơi rốn trong ngục tù cộng sản.. Ðến nay – sang Kỳ Hoa sống thấm thoắt đã 15 năm – tôi còn nhớ được một số chuyện xưa, tôi viết sai in ít và viết lại  được như thế này tôi cho là tôi may mắn.

Buổi chiều năm 1967 tôi không thể là “phóng viên nhật báo Sàgònmới ” đến dự cuộc họp báo của Ứng cử viên Tổng Thông Trương Ðình Dzu vì một lẽ giản dzị là “năm 1967 thủ đô Sài Gòn không còn tờ nhật báo Sàigònmới.”

Nhật báo Sàigònmới của ông bà Bút Trà, Sàigònmới cũng là tờ báo của tôi, đã chết từ Tháng Tư năm 1964. Sau cuộc đảo chánh 1963, Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ giữ nguyên tình trạng báo chí Sài Gòn. Trừ nhật báo Cách Mạng Quốc Gia không còn, không nhật báo tư nhân nào bị chính phủ mới đóng cửa. Cuộc gọi là “chỉnh lý” xẩy ra – Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền, 5 tướng đảo chính Ðôn, Kim, Ðính, Vỹ, Xuân bị Tướng Khánh đưa lên giam lỏng ở Ðàlạt. Trong cuộc họp báo thứ nhất, đại diện của phe quân nhân làm chỉnh lý là Ðại tá Ðỗ Mậu loan báo chính quyền mới đóng cửa ba nhật báo Ngôn Luận, Ðồng Nai và Sàigònmới về “tội cấu hết với nhà Ngô.”

Nhật báo Sàigònmới chết từ ngày đó. Trong những năm 1964, 1965, Sáu Khiết, anh con bà Bút Trà, có làm vài toan tính làm sống lại nhật báo Sàigònmới dưới cái tên khác. Nhưng mọi toan tính đều vô ích. Chỉ mất tiền toi. Tiền đây là tiền nộp cho thiên hạ để xin giấy phép ra báo. Toàn thể – chăm phần chăm – nhân viên, ký giả nhật báo Sàigònmới lâm vào cảnh thất nghiệp. Tôi đói dzài, đói dzẹt suốt năm 1964. đến giữa năm 1965 tôi mới được vào làm trong toà soạn nhật báo Tiền Tuyến.

Nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến vào thị trường báo thương mại như các báo của tư nhân. Tiền Tuyến lúc đầu có Ðại úy Phan Lạc Phúc làm chủ bút, ký giả Trịnh Viết Thành làm thư ký tòa soạn. Báo ra chừng nửa năm, Trịnh Viết Thành được mời sang làm tờ nhật báo – dường như, tôi không nhớ rõ tên báo – Dân Chủ Mới của chủ nhiệm Vũ Ngọc Các. Trước khi đi Thành đề nghị báo Tiền Tuyến cho Hoàng Hải Thủy làm thế chỗ anh. Nhờ Thành, tôi được vào toà soạn Tiền Tuyến.

Năm 1966, cuối năm, hay đầu năm 1967, tôi sang làm toà soạn nhật báo Dân Tiến. Nay nhớ lại, năm 1967 tôi đến dự cuộc hội báo của Ứng cử viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu với tư cách nhân viên nhật báo Dân Tiến. Tôi có dự cuộc họp báo ấy, tôi nhớ và viết lại đúng những cảm nghĩ của tôi, tôi chỉ viết sai ở chuyện tôi chiều hôm ấy tôi nghe Ứng cử viên Trương Dình Dzu nói chuyện với tư cách là nhân viên nhật báo Dân Tiến, không phải nhân viên nhật báo Sàigònmới.

Mời quí vị đọc một số tài liệu về Luật sư Trương Ðình Dzu trên Vikipedia. Tôi đăng ở đây vài đoạn nguyên bản tiếng Anh để quí vị yên tâm là tôi không bịa ra những chuyện này, và để quí vị biết người Mỹ năm xưa ấy nghĩ gì, viết gì về những nhà lãnh đạo và những chính trị gia của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà:

WIKIPEDIA: Trương Ðình Dzu (1917–mid-1980s) was a Vietnamese lawyer and politician who unsuccessfully ran as a candidate for the presidency in the 1967 elections against Nguyen Van Thieu and his running mate Nguyen Cao Ky, who were the leaders of the incumbent military junta. In a poll rigged by Thieu and Ky, Dzu won 17% of the vote on a platform of negotiating with the communist Viet Cong, having remained silent on his policies until his candidacy was registered—politicians advocating coexistence with communists were not allowed to run. Dzu and other opposition candidates alleged vote fraud after the poll, but he was arrested after the election on grounds of making illicit currency transactions and jailed by a military court for five years of hard labor. Due to international criticism, he was release1961.

 (.. .. .. )

After this was done, he campaigned with the dove as his emblem, urging negotiations. Dzu gained a reputation for being the most dynamic and eloquent of the 11 presidential candidates.

( .. .. ..)

 While others also advocated peace deals, Dzu was the most vigorous in disseminating his message, making competitors such as the aged Phan Khac Suu and Tran Van Huong, who had briefly served as president and prime minister respectively under the junta’s supervision in 1964–65, appear lethargic.

With 17% of the vote, he came second behind the ticket of General Nguyen Van Thieu, Dzu’s success caught observers by surprise. Two weeks before the poll, a study by US Embassy officials privately estimated that he would only get around 4% of the vote and come fifth on the popular vote.

( .. .. .. )

Along with two other failed presidential candidates, Phan Khac Suu and Hoang Co Binh, Dzu held a media conference accusing Thieu and Ky of engaging in election fraud. Ky had not hidden his distaste for Democracy or his opponents during the campaign and had “described the civilian candidates as ‘ordure’ [dirt, filth, excrement], ‘traitors’, and ‘destroyers of the national interest'”

( .. .. .. ).

After the election, Dzu claimed to be leader of the opposition to Thieu and Ky. Dzu’s performance was regarded to be a sign of the public discontent with the military rule of the Army of the Republic of Vietnam officers, rather than an endorsement of his policies. Nevertheless, Thieu was embarrassed by the results and had him arrested for illicit currency transactions. Dzu was arrested and brought before a Special Military Court on July 26, 1968 and sentenced to five years of hard labour, but due to public pressure in South Vietnam and abroad, he was released after only five months.

After the fall of Saigon in 1975, the victorious communists sent Dzu to a reeducation camp. He died in the mid-1980s.

Phỏng dịch:

Ông Trương Ðình Dzu ( sinh 1917 – mất giữa năm 1980) là một luật sư Việt Nam và là một nhà chính trị, người đã ra tranh cử chức vụ Tổng Thống nhưng không thành công trong cuộc tuyển cử năm 1967, ông tranh cử với Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ là hai nhà lãnh đạo nhóm quân nhân đang cầm quyền. Trong cuộc bầu phiếu gian lận bởi ông Thiệu, ông Kỳ, ông Dzu được 17% tổng số phiếu bầu với lập trường thương thảo với Việt Cộng, ông Dzu giữ kín lập trường thương thảo với Việt Cộng cho đến khi đơn tranh cử của ông được chấp nhận – những nhà chính trị chủ trương chung sống với cộng sản không được tranh cử. Sau cuộc bầu cử, ông Dzu và một số ứng cử viên đối lập tố cáo có gian lận trong cuộc bầu cử, ông Dzu bị bắt giam ngay sau cuộc tuyển cử vì tội chuyển ngân bất hợp pháp và bị kết án 5 năm tù khổ sai. Nhờ sự chỉ trích của quốc tế, ông được thả khỏi tù năm 1961.

 (.. .. .. )

Khi được ra tranh cử, ông Dzu tranh cử với với biểu hiệu Chim Bồ Câu và hô hào thương thảo. Ông Dzu được coi là người năng động và  biện luận hay nhất trong số 11 ứng cử viên Tổng Thống.

( .. .. .. )

Trong khi nhiều ứng cử viên khác cũng chủ trương thương thuyết hòa bình, ông Dzu là người mạnh mẽ nhất trong việc loan truyền thông điệp của ông, làm cho những vị tranh cử già lão khác như ông Phan Khắc Sửu và ông Trần Văn Hương, một ông từng là Quốc trưởng, một ông từng là Thủ tướng dưới quyền kiểm xoát của nhóm quân nhân trong những năm 1964-65, có vẻ đờ đẫn.

Với 17% tổng số phiếu bầu, ông Dzu về nhì sau Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Việc có 17% tổng số phiếu bầu của ông Dzu làm cho những nhà quan sát phải ngạc nhiên. Hai tuần trước ngày bầu cử, cuộc nghiên cứu riêng của nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ước tính ông Dzu sẽ chỉ được 4% tổng số phiếu bầu và sẽ đứng hạng tư về số phiếu bầu của dân. 

( .. .. .. )

Cùng với hai ứng cửa viên Tổng thống bị thất bại, ông Phan Khắc Sửu và ông Hoàng Cơ Bình, ông Dzu mở cuộc hội báo kết tội ông Thiệu, ông Kỳ gian lận trong cuộc bầu cử. Ông Kỳ không che dấu sự khinh mạn – ( ác cảm, ghê tởm )- cái gọi là Dân chủ và những đối thủ của ông trong cuộc tranh cử, ông gọi những ứng cử viên dân sự là bọn “ rác rưởi “ ( dơ, bẩn, cứt ) bọn “ phản bội “ và bọn “ phá hoại quyền lợi quốc gia.” 

( .. .. .. )

Sau bầu cử, ông Dzu tự nhận ông là người lãnh đạo nhóm đối lập với hai ông Thiệu, Kỳ. Thành quả của ông Du được coi là một dấu hiệu của sự bất mãn của nhân dân đối với việc các quân nhân cầm quyền hơn là sự ủng hộ lập trường chính trị của ông Dzu. Tìng trạng ấy làm ông Thiệu khó chịu nên ông Thiệu đã bắt giam ông Dzu về tội chuyển ngân bất hợp pháp.

Ông Dzu bị đưa ra trước Toà Án Quân Sự Ðặc Biệt ngày 26 Tháng Bẩy năm 1968 và bị xử phạt án 5 năm tù khổ sai, vì áp lực của công chúng miền Nam và ngoại quốc, ông Dzu được thả sau 5 tháng tù.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, những người Việt Cộng chiến thắng cho ông Dzu vào trại cải tạo. Ông qua đời giữa năm 1980.

o O o

Năm 1961 trong cuộc tuyển cử Tổng Thống Thứ Nhất của Quốc Gia VNCH, Luật sư Trương Ðình Dzu ra tranh cử với Tổng Thống đương nhiệm Ngô Ðình Diệm. Nhưng ông rút lui khỏi cuộc tranh cử này.

Ông Trương Ðình Dzu có người con trai bị bắt ở Hoa Kỳ về tội làm gián điệp cho chính phủ Hà Nội.

Ðây là bản tin về vụ Gián điệp Trương Ðình Hùng:

Espionage Suspect Truong Dinh Hung Being Escorted by Officials

Original caption: Alexandria: Espionage Arrest. Ronald Louis Humphrey (L), a USIS officer, and Truong Dinh Hung, a Vietnamese national, arrive at their bail hearing in Alexandria, Va., Jan. 31st, following their arrest for espionage in what appears to be America’s first spy case involving the postwar Hanoi government. The indictment charges them with passing “documents, writings, notes and information relating to the national defense” to the Communist government of Vietnam.

IMAGE: © Bettmann/CORBIS

DATE PHOTOGRAPHED: January 31, 1978

LOCATION: Alexandria, Virginia, USA

Phỏng dịch:

Nghi can gián điệp Trương Ðình Hùng bị nhân viên công lực áp giải.

Lời hình: Hai nghi can gián điệp bị bắt là Ronald Lewis Humphrey, một nhân viên USIS, và Trương Ðình Hùng, một người Việt Nam, đến toà án ở Alexandria, Va, ngày 31 Tháng Giêng. Ðây là vụ gián điệp bị bắt thứ nhất liên can đến chính phủ Hà Nội sau chiến tranh. Bản truy tố ghi hai người này can tội đưa những “ tài liệu, bài viết, bản ghi và những tin liên can đến quốc phòng” cho chính phủ cộng sản Việt Nam.

Ảnh ngày 31 Tháng Giêng, 1978 tại Alexandria, Virginia, Hoa Kỳ.

o O o

Khi bắt đầu bài Viết ở Rừng Phong này, tôi định viết về hai chuyện tôi đã nói ở bài trước:

“Có thật ở Sài Gòn những năm trước 1965 bất cứ ai muốn làm báo là chỉ việc nhẩy vô làm báo?”

Bọn ký giả Sài Gòn trước năm 1975 “làm tiền thiên hạ” – bắt người ta phải nộp tiền – có dzễ không?”

Tôi có ý viết về hai chuyện trên sau khi đọc những bài viết của một sốâ quí ông Phóng Viên Việt Nam Thông Tấn Xã của Quốc Gia VNCH ngày xưa – ngày xưa là trước năm 1975 – bọn ký giả Sài Gòn – không xuất thân từ Việt Tấn Xã – những năm 1960, 1970 bị mạt sát tàn tệ trong những bài viết này – mời quí vị đọc một đoạn:

 Ông Phóng viên VTX viết. Trích:

“Một sớm một chiều, nếu muốn hành nghề, ông có thể trở thành ký giả. Chỉ cần biết đọc, biết viết. Ðúng hơn, chỉ cần biết đọc, còn viết, trong nhiều trường hợp xin phải xét lại.

“Môi trường báo chí hỗn loạn, hỗn loạn như xã hội Viêt nam. Bên cạnh những nhà báo khả kính, có kiến thức cao, có lương tâm nghề nghiệp, coi làm báo như một sứ mạng cao quý, có những ông nếu nói một chữ cắn làm đôi không có thì cũng hơi quá, nhưng trình độ văn hoá rất đại khái, rất mơ hồ, rất tượng trưng, 9 bỏ làm mười, nhất là không có một gramme lương tâm nghề nghiệp, coi viết báo như một cơ hội để làm ăn với những người có quyền thế, doạ nạt, “bắt địa”, đâm thuê, chém mướn. Ðâm thuê, chém muớn bằng ngòi bút, cố nhiên, nhưng nó còn tệ hại hơn đâm thuê, chém muớn bằng dao búa. Bởi vì cái bệ rạc văn hóa nó tai hại và.. ..bệ rạc hơn cái bệ rạc xã hội.”

Ngừng trích.

Theo đúng cái tật viết lang bang, tuỳ hứng, chuyện nọ dzọ chuyện kia, tôi mở đầu bài này bằng chuyện năm 1967 Luật sư Trương Ðình Dzu ra tranh cử Tổng Thống. Cuộc tranh cử này là cuộc tranh cử lớn nhất, quan trọng nhất, đông người ứng cử nhất, sôi động và gây chấn động dư luận công chúng nhất trong Lịch Sử 20 Năm của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài Liên Danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ, cuộc tranh cử Tổng Thống 1967 có 7 liên danh, kể cả Luật sư Trương Ðình Dzu là có 16 ứng cử viên. 

Trong khoảng ba tháng vận động tranh cử, một số ký giả nhật báo Sài Gòn, trong số có tôi, kẻ viết bài này, được “Tổ đãi, được Thánh cho ăn lộc dzài dzài..” Không cần phải dọa nạt ai, chúng tôi cứ ngồi bình yên, nhàn nhã  ở tòa soạn mà được “bổng lộc mùa tranh cử ” đưa đến ngon lành.

Muốn biết sự tình bọn ký giả Sài Gòn trước năm 1975 bị những ông Phóng Viên Việt Tấn Xã chửi là “ngu dzốt, một chữ cắn làm đôi không biết” “được Tổ đãi, được Thánh cho ăn lộc” ngon lành ra sao, xin đọc bài sau phân giải.

Sài Gòn Vang Bóng 2010

Luật sư Trương Đình Dzu trong một cuộc hội báo ở Sài Gòn năm 1968.

Ngày xưa..

Như mới toanh đấy thôi, như mới tháng trước, dzậy mà thời gian đã qua một thế kỷ, nôm na là một trăm năm..

Những năm 1900, ở thành phố Nam Ðịnh, một tên khác là Ðất Vị Xuyên, xứ Bắc Kỳ, Nhà Thơ Lớn Tú Xương làm bài Thơ Tứ Tuyệt:

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào, hay cái ấy.
Có chăng chừa rượu với chừa trà.

Sáng nay, buổi sáng 100 năm sau ngày ông Nhà Thơ làm bốn câu Thơ trên đây về ba cái ông gọi là “ba cái lăng nhăng” nó quấy ông, kẻ lưu vong biệt xứ u buồn là tôi sống ở Kỳ Hoa Ðất Trích, ngồi với ly trà và tờ nhật báo Mỹ, bỗng nhớ ông và bài thơ của ông. Nhà Thơ Lớn đất Vị Xuyên qua đời sớm, ông làm bài thơ trên khi tuổi đời ông khoảng Hai Bó Lẻ Năm, Sáu Que hay vừa tròn Ba Bó, nếu ông sống đến năm ông Bẩy Bó – như tôi bây giờ – rất có thể ông sẽ làm bài thơ thứ hai về “Ba cái lăng nhăng.” Lời thơ có thể sẽ như vầy;

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào, hay cái ấy.
Có chăng chừa rượu với chừa trà.

Thơ ấy Thơ ta khi ta trẻ,
Chẳng phải Thơ ta lúc tuổi già.
Ta già ba cái ta không bỏ,
Ba cái lăng nhăng nó bỏ ta.
May lắm ta còn trà với rượu,
Bỏ ta trước nhất là đàn bà.

Tôi không thích lắm trà với rượu, cà phê thì trong những năm từ 1960 đến 1975 tôi nghiện nặng, uống mỗi ngày sáu, bẩy ly đen, xong tôi cũng chỉ nghiện cà phê như mọi người, tôi không hưởng thụ cà phê với sự sướng khoái, đàn bà đẹp, đa tình thì tất nhiên là tôi thích, nhưng chỉ thích lơ mơ, thích trong vòng pháp luật như cả tỉ anh đàn ông đĩ mồm nhưng là dân cơm nhà, quà vợ trung thành, những anh đàn ông muốn nhưng không dám làm sống cùng thời với tôi trên trái đất này. Tôi nhớ và tôi kể bài Thơ Ba Cái Lăng Nhăng của Nhà Thơ Tú Xương vì tôi thấy khi đi vào tuổi già, ta không cần phải bỏ cái gì cả, nhiều cái sẽ bỏ ta. Từ năm tôi Bẩy Bó tôi không còn thích rượu nữa, cà phê tôi cũng bỏ luôn, buổi sáng, ngồi nhìn ra Rừng Phong nắng vàng hay tuyết trắng, tôi nhâm nhi ly trà nóng. Với tôi bây giờ, sống những ngày cuối đời ở Kỳ Hoa, buổi sáng có ly trà nóng là đủ.

Bà vợ ông Trương Đình Dzu với biểu ngữ phản đối vụ ông chồng bà bị bắt.

Và tôi đọc tờ nhật báo The Washington Post. Mỗi sáng có người mang tờ báo này đến tận cửa phòng tôi. Mười mấy trang báo không có qua một tin gì liên can đến tôi, không có chuyện gì tôi cần biết, nhưng theo thói quen mỗi sáng tôi vẫn đọc tờ nhật báo Mỹ, dù chỉ là đọc sơ qua. Tuy vậy lâu lâu cũng có một vài tin trên báo làm tôi chú ý, xúc động, vui, buồn. Như mấy hôm nay, những ngày đầu Tháng Giêng Mỹ năm 2008, có tin một người đàn ông Việt Nam, tên là Lâm Lương, hành nghề bắt tôm biển, ở một thị trấn bang Alabama, chở 4 đứa con nhỏ của ông ta trong xe ô tô, trong số có em gái mới ra đời có 4 tháng, lên cây cầu quăng 4 em xuống sông. Cũng mới đây báo đăng chuyện xẩy ra ở gần Rừng Phong, Virginia, cảnh sát vào một nhà kia thi hành án lệnh trục xuất người ngụ trong nhà, vì không trả tiền mướn nhà. Cảnh sát tìm thấy trong nhà 4 xác em nhỏ chết từ cả mấy tháng trước. Bốn em là con người đàn bà Mỹ Ðen chủ nhà. Bà này, chắc là bị điên, khai bốn đứa con bà tự nhiên chết. Cảnh sát thấy bằng chứng cả bốn em đều bị giết.

Bánh xe lãng tử – đúng ra là bánh xe tị nạn, bánh xe lưu vong, bánh xe thất quốc – đến Mỹ hơn 10 năm, năm nay, 2008, tôi mới chú ý đến cuộc tra nh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Có hai người ra tranh cử tôi có cảm tình là bà Hillary Clinton, ông John McCain. Sau hôm bị thua phiếu bầu làm đại diện Ðảng Dân Chủ ra tranh cử ở Iowa, tuần trước, trên báo, trên TiVi, tôi thấy Nữ ứng cử viên Hillary Clinton mặt buồn so, nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào muốn khóc. Thế rồi qua cuộc bầu sau đó hai ngày ở New Hampshire, Hillary Clinton thắng phiếu Obama, tôi thấy bà Hillary tươi như hoa, tôi thấy Ứng cử viên Obama, mới mấy hôm trước thắng cử mặt tươi rói, khi thua phiếu chỉ sau mấy ngày và một đêm, như già đi cả mười tuổi.

Việc Ứng cử viên John McCain thắng phiếu làm đại diện Ðảng Cộng Hòa ra tranh cử làm tôi vui. Nhìn ông cười – có vẻ hiền hậu – trên màn ảnh TiVi, dáng người, khổ người ông, tuổi tác của ông, làm tôi nhớ đến Luật Sư Trương Ðình Dzu, một ứng cử viên Tổng Thống của nước tôi 50 năm trước.

Dòng thời gian dài một ánh bay.. Những ngày như lá, tháng như mây.. Như mới hôm qua đây thôi mà năm tháng đã dài một nửa thế kỷ. Nhiều người Việt, ở nước ngoài, ở trong nước, năm nay tuổi đời Bốn Bó, Năm Bó, kể cả người tuổi đời Sáu Bó, chẳng biết nhân vật Trương Ðình Dzu là ai, từng làm gì. Nhưng tôi, một người Việt Bẩy Bó tuổi đời, từng sống 40 năm trong thành phố Sài Gòn, tôi biết nhân vật Sài Gòn Trương Ðình Dzu.

Tôi đang viết và soạn tập SÀI GÒN VANG BÓNG, ghi lại những sự việc đã xẩy ra ở Sài Gòn, những cơ sở nổi tiếng của Sài Gòn, những nhân vật nổi bật đã sống ở Sài Gòn những năm từ 1950 đến 1975, như những nhà Kim Chung, Ðại Thế Giới, Nhà Bình Khang, Khám Lớn Sài Gòn đường Gia Long, Nhà Tù Chí Hòa, Photo Stop đường Catinat, Cháo Cá Chợ Cũ, Phở Hòa Pasteur, tiệm Cơm Bà Cả Ðọi, Phở Minh Casino, đường Xe Ðiện Sài Gòn – Chợ Lớn, Bà Trần Lệ Xuân, Ông Ðạo Dừa, ông Ba Cụt, Cô Quách Thị Trang, cô Hồ Thị Qườn đốt chồng, Em Khuy Nút Thị Gần, Thầy Tướng Số Khánh Sơn, Vũ Nữ Cẩm Nhung bị tạt át-xít, Nữ nghệ sĩ Bích Hợp, Nghệ sĩ Huỳnh Thái, Phong Trần Tiến, Phúc Lai, Tư Vững, Hoàng Vĩnh Lộc, Dương Hà, Chú Tư Cầu Lê Xuyên, Kim Vá v..v.. Luật Sư Trương Ðình Dzu là một người trong số những người được kể trong SÀI GÒN VANG BÓNG.

Những năm 1960 trời đất Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa yên bình, Sài Gòn an ninh, có hai hội quốc tế ở Sài Gòn, một hội là Hội Lyons – Lyons Club – hội thứ hai là Hội Rotary – Rotary Club – Luật Sư Trương Ðình Dzu là Hội Trưởng Hội Rotary Việt Nam. Có thời ông là Thống Ðốc Hội Rotary Ðông Nam Á. Ông ra ứng cử chức vụ Tổng Thống hai lần. Lần thứ nhất ông tranh cử với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, lần thứ hai ông tranh cử với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Lần tranh cử thứ hai, liên danh của ông về nhì, ông bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bắt, kết tội “Làm suy yếu tinh thần chống Cộng,” cho ông vào tù một thời gian. Ông nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa.

Những năm 1960 chừng hai, ba tháng Rotary Club có một cuộc họp, hay làm một công việc gì đó, tin này được đăng trên tờ nhật báo Pháp Le Journal d’Extrêm Orient. Bà Bút Trà, chủ nhiệm nhật báo Sàigònmới, là thân chủ của Luật Sư Trương Ðình Dzu. Nhiều vụ nhật báo Sàigònmới bị kiện cáo đều do Luật sư Trương Ðình Dzu biện hộ.  

Mỗi lần nhật báo Le Journal d’Extrêm Orient đăng tin về hoạt động của Rotaty Club, Ls Trương Ðình Dzu thường gọi phone nhắc bà Bút Trà cho đăng tin ấy, bà Bút Trà bảo tôi dịch tin ấy trên báo Pháp, đăng trên báo Sàigònmới.

Một hôm bà Bút Trà bảo tôi ông Luật sư Trương Ðình Dzu muốn gặp tôi. Tôi hỏi bà;

– Ông ấy cần gặp tôi có việc gì ạ? Ông ấy cần tôi làm gì, ông ấy cứ nói với bà, bà bảo tôi làm là xong.

Thưở ấy, những năm 1960, tôi đang ăn chơi đến ngất ngư con tầu đi, tức ăn chơi xả láng, tôi đang ở trên đỉnh thang phong độ cao nhất đời tôi, tôi chia thời gian sống của tôi ra làm 3 Việc:

1 – Làm.
2 – Học.
3 – Chơi.

Tôi phải Làm Việc để có tiền sống và chơi. Tôi phải Học để có thể làm việc. Tôi chơi vì tôi ham chơi và tôi chơi để tôi có thể làm việc và học. Chia thời gian ra 3 phần đều nhau như thế nhưng vì ham chơi, phần Chơi của tôi luôn lấn vào phần Học, còn Làm thì tôi bắt buộc phải Làm để có Tiền. Vì vậy tôi không muốn đến gặp ông Luật sư Trương Ðình Dzu, vì tôi biết đến gặp ông tôi sẽ bị ông nhờ làm việc gì đó cho ông. Thấy tôi có vẻ không muốn đến văn phòng Luật sư Trương Ðình Dzu, bà Bút Trà nói gần như năn nỉ:

– Anh chịu khó đến gặp ổng đi mà.

Văn phòng Luật Sư Trương Ðình Dzu ở đường Pellerin, xế cửa rạp xi-nê Casino de Saigon. Từ tòa soạn báo Sàigònmới đường Phạm Ngũ Lão đi bộ đến văn phòng Luật sư Trương Ðình Dzu đường Pellerin chỉ mất chưa đầy 5 phút. Lúc 11 giờ một buổi trưa, tôi vào văn phòng ông Luật sư Trương Ðình Dzu. Giờ này ông Luật sư thường ở toà án về văn phòng. Văn phòng kiểu Pháp, tường gắn gỗ nâu, bàn tủ toàn đồ gỗ nâu gụ, ghế da nâu, đặc biệt phòng trải thảm dầy, đèn vàng, máy lạnh. Luật sư Trương Ðình Dzu com-lê xanh đậm, tiếp tôi trong văn phòng ông, Ông nói lời cám ơn tôi về những bản tin Rotary Club tôi dịch, đăng trên báo Sàigònmới, ông đưa cho tôi tập tài liệu:

– Tôi nhờ ông Thủy dịch dùm tôi.

Tôi xem qua tài liệu. Ðó là bản Nội Quy, Ðiều Lệ Rotary Club bằng tiếng Anh, bản sơ lược tiểu sử Hội bằng tiếng Pháp. Tôn chỉ của Hội, những điều kiện để làm hội viên, thời gian họp đại hội, thể lệ bầu cử, ứng cử..v..v.. Không có gì khó dịch. Tôi dịch hai tài liệu ấy trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Khi làm việc ấy tôi nghĩ: “Dzễ ợt. Người thư ký của Hội cũng làm được việc này. Bộ Rotary Club hay văn phòng ông ấy không có thư ký nào biết tiếng Anh, tiếng Pháp hay sao mà ông ấy phải nhờ đến mình?”

Tuần sau tôi trở lại văn phòng trải thảm dầy của Luật Sư Trương Ðình Dzu, nộp ông hai bản dịch. Ông xem qua rồi hỏi tôi:

– Ông Thủy cho tôi biết tôi phải đưa ông bao nhiêu?

Tôi nói:

– Thưa ông.. Ông làm giúp cho bà chủ tôi nhiều việc, tôi là người làm công của bà chủ tôi, ông cho tôi bao nhiêu cũng được.

Ông nói:

– Ðâu được. Công khó của ông Thủy, tôi phải đền bù xứng đáng công khó của ông.

Tôi vốn không được thông minh, kiêm không nhanh trí, có thể nói là ngu đần, nhưng có lẽ vì hiền lương nên đôi khi tôi được Thánh cho ăn lộc. Khi nghe ông Luật sư Trương Ðình Dzu nói như thế, bỗng dzưng tôi nghĩ: “À thì ra ông ta muốn cho mình số tiền trả công mình dịch tin Rotary, nhưng ông ta lịch sự, không đưa thẳng tiền cho mình mà bầy ra chuyện nhờ mình làm để chi cho mình.” Tôi nói:

– Thưa ông, nếu ông nói thế, ông cho tôi 10 ngàn.

10 ngàn đồng Việt Nam năm 1960 là 2 cây vàng. Một đôi giày Trinh Shoes đường Tự Do, đắt nhất Sài Gòn, 500 đồng: một chỉ vàng. Ông Trương Ðình Dzu kéo ngăn kéo bàn, lấy tiền, cho vào phong bì, đưa cho tôi.

Tôi nhắc lại: 10.000 đồng Việt Nam Cộng Hòa năm 1960 là 2 cây vàng. Công tôi dịch hai tập tài liệu mỏng dzính nếu được chi 1.000 là tôi bằng lòng. Ông Trương Ðình Dzu có thể gọi tôi đến văn phòng ông, đưa cho tôi vài nghìn đồng, không cần cho tiền vào phong bì, nói ông cám ơn tôi, ông chi tôi ít tiền sài chơi, tôi cầm tiền không chút mặc cảm. Tôi là người làm công, tôi sống bằng việc làm của tôi, người ta trả tiền công tôi làm việc cho người ta. Tôi biết ơn ông Luật Sư Trương Ðình Dzu vì ông đã đối xử với tôi thật tốt. Số tiền cho là quí nhưng quí hơn là cách cho tiền người nghèo, cho tiền người làm giúp  mình việc gì  đó. Việc nhỏ thôi nhưng người ta phải có lòng quí trọng người khác, nhất lá trọng những người nghèo hơn minh, phải mất công, việc nhỏ mà ít người chịu làm hay làm được. Trong cuộc đời làm công của tôi, tôi nhận tiền trả công từ nhiều người, rất ít người làm tôi ấm lòng như Luật sư Trương Ðình Dzu.

Rất tiếc tôi không tìm được ảnh Luật Sư Trương Ðình Dzu. Ðây là một tài liệu về ông tôi tìm được trên Internet:

During last September’s elections in South Viet Nam, Truong Dinh Dzu was a “peace candidate” for President, and he advocated a coalition government with the Communists. He came in second, after President Nguyen Van Thieu. Later he was arrested, charged with “actions which weakened the will of the people to fight against the Communists,” and last month was sentenced to five years in prison. Last week Dzu’s lovely daughter Monique Dinh Dzu, 22, a teaching aide at U.C.L.A., arrived in Chicago with an appeal for the Democratic Convention to condemn that action. In a press conference at Senator Eugene McCarthy’s headquarters, she presented a petition urging the Democrats to write a platform plank demanding her father’s release. First signer: Senator McCarthy.

Dịch đại khái: Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Tháng Chín ở Nam Việt Nam, Trương Ðình Dzu là “ứng cử viên hoà bình”. Ông chủ trương thành lập chính phủ hoà hợp với Cộng sản. Ông về nhì trong cuộc tranh cử, sau Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau cuộc bầu ông bị bắt, bị kết tội “có những hành động làm suy yếu tinh thần diệt Cộng sản của nhân dân”. Tháng vừa qua ông bị kết án 5 năm tù giam. Tuần trước, Monique Ðình Dzu, cô con khả ái của ông, 22 tuổi, một phụ giảng viên U.C.L.A, đến Ðại Hội Ðảng Democrat ở Chicago, đưa ra lời phản đối việc ông thân của cô bị bắt giam. Cô yêu cầu Ðại Hội lên án việc làm đó. Trong cuộc hội báo ở Trụ sở của Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy, cô đưa lời kêu gọi những người Ðảng Democrat lên tiếng đòi trả tự do cho ông thân của cô. Thượng Nghị Sĩ McCarthy là người đầu tiên ký vào bản yêu sách ấy.

o O o

Chuyện đã qua. Không những đã qua mà còn là qua lâu rồi. Chỉ còn vang bóng và vang tiếng. Chẳng còn mấy ai nhớ. Tôi kể lại thế thôi. Khoảng chín, mười tháng sau Tháng Tư 1975, một buổi sáng tôi thấy ông bà Trương Ðình Dzu, đi trên chiếc xe hơi Honda 500, đến Nhà Bưu Ðiện Sài Gòn. Ông bà đến đó nghe điện thoại từ nước ngoài gọi về, hay để gọi điện thoại ra nước ngoài. Bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn lập tức dẹp hết hệ thống điện thoại.  Tôi chờ bên cửa khi ông bà ra về để chào ông. Biết ông không nhớ tôi là ai, tôi nói ngay:

– Thưa ông Luật sư, tôi là ký giả nhà báo Sàigònmới năm 1960 có đến văn phòng ông. Tên tôi là.. ..

Không biết ông có nhớ tôi là ai không, ông cười, bắt tay tôi:

– Ông Thủy, ông vẫn được bình an?

– Thưa vâng.

Gián điệp Trương Đình Hùng, người áo đen, bị nhân viên FBI áp giải ra tòa.

Chỉ thế thôi. Chúng tôi không có gì để nói với nhau nhiều. Ông chúc tôi bình an, tôi chúc ông bà bình an. Chúng tôi bắt tay nhau từ biệt và vĩnh biệt. Từ ấy tôi không bao giờ gặp lại ông nữa. Nghe nói ông bà bị đưa về Bắc, ông qua đời trong yên lặng và trong quên lãng ở Hà Nội.

Như vậy là Luật sư Trương Ðình Dzu trước năm 1975 có hai người con ở Hoa Kỳ: anh David Trương Ðình Hùng, người dính trong vụ gián điệp VC Ðinh Bá Thi, và cô Monique Trương Ðình Dzu.

Một buổi chiều năm 1967, Ứng cử viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu họp báo ở Khách sạn Continental. Là phóng viên nhật báo Sàigònmới tôi đến dự. Tôi từng khó chịu khi thấy những ông ứng cử viên Tổng Thống ăn không nên đọi, nói không nên lời, trả lời mấy câu hỏi vẩn vương của ký giả Việt thôi mà đã ngắc ngứ. Tôi ngượng mặt khi tôi phải thấy những ông chính khách Việt mở cuộc hội báo khi bị bọn phóng viên Mỹ, Pháp hỏi mặt cứ ngẩn tò te. Tôi thán phục tài hùng biện của Ứng cử viên Trương Ðình Dzu khi tôi thấy ông trả lời bọn phóng viên Pháp Mỹ; ông nói thao thao, đường hoàng. Phóng viên Mỹ hỏi, ông trả lời bằng tiếng Anh xong, ông chuyển sang nói tiếng Pháp. Phóng viên Pháp hỏi, ông trả lời bằng tiếng Pháp, xong ông chuyển sang nói tiếng Anh. Tôi có cảm tưởng ông nói – mà không cần nói – với bọn nhà báo Pháp, Mỹ:

 “Các anh hỏi tôi một, tôi nói thêm cho các anh biết hai, ba chuyện nữa. Rỏng tai lên mà nghe này.”

 Rõ ràng ông áp đảo thiên hạ. Buổi chiều ấy, trong phòng khánh tiết Continental, tôi nghe, nhìn ông nói mà thấy tôi kiêu hãnh. Năm ấy tôi 35 tuổi, Luật Sư Trương Ðình Dzu khoảng 55 tuổi.

o O o

Và..dòng thời gian dài một ánh bay…. Những ngày như lá, tháng như mây… Tôi viết bài trên đây về Luật sư Trương Ðình Dzu năm 2008. Khi viết bài tôi ngỏ ý tiếc tôi không có tấm ảnh nào của ông TD Dzu. Tôi cũng không biết gì về việc làm của ông Trương Ðình Hùng ở Hoa Kỳ những năm 1976, 1977, những việc làm cho ông bị FBI Hoa Kỳ bắt và kết “tội làm gián điệp cho Cộng Sản Hà Nội.” Năm xưa ấy tôi chỉ biết rất lơ mơ về nhân vật điệp viên Trương Ðình Hùng như sau:

Một tối lúc 9 giờ, trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, tôi nằm cạnh cái radio nghe Ðài Phát Thanh BBC loan tin trong mục Ðài gọi tên là “Tạp Chí Ðông Nam Á.” Mỗi tuần BBC chỉ có mục “Tạp Chí  Ðông Nam Á” một lần vào tối ngày thứ năm. Mục này loan nhiều tin về Việt Nam. Cái radio Sony của tôi đã quá lão, nhiều tiếng rè, cho tôi nghe tin :

“Ở Hoa Kỳ người con trai của Luật sư Trương Ðình Dzu, tên là Ðinh Viết Hùng, bị FBI Hoa Kỳ bắt vì tội làm gián điệp..”

Nghe tin tôi ngạc nhiên: “Con trai ông Trương Ðình Dzu sao lại tên là Ðinh Viết Hùng? Kỳ dzậy??” Cả 5 phút sau tôi mới biết BBC loan tin “tên là David Hùng” nhưng vì radio bị rè tôi nghe ra là “Ðinh Viết Hùng.”

Hôm nay, một ngày đầu thu năm 2010, tôi tìm được trên Internet ảnh Luật Sư Trương Ðình Dzu và bản tin về Gián điệp Trương Ðình Hùng, tôi viết thêm đoạn này. Bài viết hôm nay về Luật sư Trương Ðình Dzu có ảnh ông và ảnh người con trai của ông.

Ðây là bản tin về vụ Gián điệp Trương Ðình Hùng:

Espionage Suspect Truong Dinh Hung Being Escorted by Officials

Original caption: Alexandria: Espionage Arrest. Ronald Louis Humphrey (L), a USIS officer, and Truong Dinh Hung, a Vietnamese national, arrive at their bail hearing in Alexandria, Va., Jan. 31st, following their arrest for espionage in what appears to be America’s first spy case involving the postwar Hanoi government. The indictment charges them with passing “documents, writings, notes and information relating to the national defense” to the Communist government of Vietnam.

IMAGE: © Bettmann/CORBIS
DATE PHOTOGRAPHED: January 31, 1978
LOCATION: Alexandria, Virginia, USA

Phỏng dịch: Nghi can gián điệp Trương Ðình Hùng bị nhân viên công lực áp giải.

Lời hình: Hai nghi can gián điệp bị bắt là Ronald Lewis Humphrey, một nhân viên USIS, và Trương Ðình Hùng, một người Việt Nam, đến toà án ở Alexandria, Va, ngày 31 Tháng Giêng. Ðây là vụ gián điệp bị bắt thứ nhất liên can đến chính phủ Hà Nội sau chiến tranh. Bản truy tố ghi hai người này can tội đưa những “tài liệu, bài viết, bản ghi và những tin liên can đến quốc phòng” cho chính phủ cộng sản Việt Nam.

Ảnh ngày 31 Tháng Giêng, 1978 tại Alexandria, Virgiinia, Hoa Kỳ.

o O o

Tôi không biết Gián điệp Trương Ðình Hùng bị toà án Hoa Kỳ xử tù bao nhiêu năm, tôi nghe nói khi mãn hạn tù, ông Hùng sang sống ở Pháp.

Hôm nay, 40 năm sau ngày tôi đến Phòng Khánh Tiết Nhà Continental dự cuộc hội báo của Ứng Cử Viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu, tôi nhớ lại năm xưa khi biết Ứng Cử Viên Trương Ðình Dzu loan báo nếu làm Tổng Thống chính sách của ông sẽ là : “Hòa Bình.” Một trong những việc ông làm để chấm dứt chiến tranh là “ Mời Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam về hợp tác, cho MTGPMN tham gia chính phủ..”  tôi nghĩ:

“Mời bọn Giải Phóng Miền Nam vào chính phủ?? Không thể được.”

Chuyện đã xẩy ra, kể chuyện xưa mà nói “nhưng, nếu..” chỉ thêm ngậm ngùi. Nhưng nếu năm 1968 Ứng Cử Viên Trương Ðình Dzu đắc cử Tổng Thống, ông thi hành chính sách Hoà Bình của ông, biết đâu trong bọn MTGPMN đã chẳng có một số người về hợp tác với chính quyền Quốc Gia, bọn Bắc Cộng khó ngăn được những người MTGPMN trở về, bọn Bắc Cộng sẽ mất lý do giúp bọn VC miền Nam gây bạo loạn, và nếu như thế biết đâu sinh mệnh của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà đã chẳng đổi khác, đã không như năm 1975..

Biết đâu đấy!

Rừng Phong, 25 Tháng Mười 2010.

Một Thời Oanh Liệt

Đội Tuyển Túc Cầu VNCH
 
Đúng ra là Hai — 2 — Hai Thời Oanh Liệt của Thể Thao Việt Nam Cộng Hòa — những năm 1950 những ông Ký giả Thể Thao Sài Gòn viết là “Thể Tháo”, Tháo dấu Sắc, như Tào Tháo.

Oanh Liệt 1: Năm 1956 Đội Tuyển Bóng Bàn VNCH — Table Tennis, Ping Poong — đoạt chức Vô Địch Toàn Đội Thế Giới ở Tokyo, Nhật Bản.

Việt Nam-Nhật Bản vào chung kết. Huề 2-2, trận quyết định thắng bại được tranh giữa Mai Văn Hoà và hảo thủ Nhật. Tay vợt Nhật này vừa đoạt chức Vô Địch Đơn Nam Thế Giới.

Mai Văn Hoà thắng 3-2, mang Cúp Vô Địch Toàn Đội Bóng Bàn Thế Giới về cho Việt Nam Cộng Hoà.

Oanh Liệt 2: Năm 1959 Đội Tuyển Túc Cầu VNCH đoạt Huy Chương Vàng — Vô Địch — Giải Túc Cầu SEA Games — Thế Vận Đông Nam Á.

Năm 1966, Đội Tuyển Túc Cầu VNCH đoạt Cúp Vô Địch Giải Merdeka ở Miến Điện.

Tháng Chín 2008, trong một bài 4 Món Ăn Chơi, tôi kể chuyện ông Topa, một vị đọc www.hoanghaithuy.com, kể rằng những năm 1976, 1977 xa xưa mịt mù trong dzĩ dzãng, trong biệt thư của ông Tôn Ngọc Chắc, số 41 đường Lê Quí Đôn, Sài Gòn, nhiều lần ông gặp ông Nguyễn Văn Ngôn, cầu thủ nổi tiếng của Đội Tuyển Túc Cầu VNCH Xưa, tôi lại kể chuyện một buổi sáng không nhớ tháng mấy năm 2005, tôi ngồi trong Tiệm Phở Nguyễn Huệ, Bolsa St, Cali, một ông đến nói:

– Em là Ngôn, Minh Ngôn, Bóng Tròn xưa. Em đồng ý với tất cả những gì anh viết.

Ông chỉ nói có câu đó, ông bắt tay tôi rồi ông đi.

Dây cà ra dây muống, cà cuống xuống cà ri, hòn bi dzi cục đá, rau má quá rau rấp, chuyện đăng lên báo, lên Com, một trong những người đọc www.hoanghaithuy.com kỹ nhất là Cô Vương Ngọc HV, gửi cho tôi câu hỏi:

Túc Cầu VNCH có 2 ông Ngôn: Nguyễn Văn Ngôn, tiền đạo, và Lại Văn Ngôn, hậu vệ. Không biết ông Ngôn nào đã ra chào bác ở Phở Nguyễn Huệ, Bolsa?

Tên Người Hỏi không phải là Vương Ngọc HV, tôi gọi cô là Vương Ngọc HV, vì như Nàng Vương Ngọc Yến, Thiên Long Bát Bộ, biết hết các Bí Kíp Võ Công trong thiên hạ, cô HV — cô không cho tôi số phone, cô chỉ cho đời biết tên Web, Net của cô là HV — cô HV biết hết tất cả những Net, Com trong thiên hạ. Có gì théc méc, hỏi cô là cô giải thích ngay, cần tài liệu gì, nhờ cô tìm cho là có ngay. Vì vậy tôi gọi cô là Vương Ngọc HV. Sau khi hỏi “Ông Ngôn Cali là ông Ngôn nào?“, cô cho tôi bản tin về thời oanh liệt của Đội Tuyển Túc Cầu VNCH 50 năm xưa. Mời quí vị đọc:

  • Tiền đạo cánh trái Nguyễn Văn Ngôn (tức Ngôn I): đi bảo lãnh gia đình tới Mỹ năm 1990 hiện ở Florida.
  • Hậu vệ Lai Văn Ngôn (Ngôn II): vượt biên tới Mỹ năm 1982, định cư tại Quận Cam, California, cựu chủ biên Tuần báo Khỏe Đẹp.

Đây là bài kể lại thành tích của Đội Tuyển Túc Cầu VNCH dự Giải Túc Cầu Merdeka Năm 1966:

Huấn Luyện Viên Weigang sắp xếp đội hình:

  • Thủ Môn: Châu
  • Hậu Vệ: Hiển, Có, Tam Lang, Ngôn II
  • Tiền vệ: Vinh, Thanh
  • Tiền đạo: Ngôn I, Chiêu, Đức, Chánh

Trận chung kết, 40,000 khán giả ngồi kín Sân Vận Động Quốc Gia Merdeka với sự chủ tọa của Quốc vương Mã Lai và Thủ Tướng Abdulraman.

Đội tuyển VNCH ra sân trong áo vàng, quần trắng, vớ vàng, được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Malaysia, nhất là Tiền vệ Đỗ Thới Vinh, người dễ nhận ra nhất trong đội hình Việt Nam. Với cái đầu hói và những pha lừa bóng điệu nghệ cùng những cử chỉ pha trò có duyên của anh trên sân cỏ đã thu được cảm tình của khán giả và báo chí nước chủ nhà.

Với ý chí quyết tâm, toàn đội Việt Nam đã “ăn miếng trả miếng” đội chủ nhà một cách xuất sắc. Hiệp Một chấm dứt mà không bên nào mở được tỉ số. Vào hiệp Hai, cơ hội bằng vàng đến với Đội Tuyển VNCH ở phút 72 của trận đấu.

Từ đường chuyền của Thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang, Nhà Ảo thuật Đỗ Thới Vinh khéo léo dẫn banh qua hai cầu thủ Miến Điện, mở xuống vừa đúng tầm Trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống. Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành Miến Điện trước sự ngỡ ngàng của Đệ nhất Thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho Đội Tuyển Việt Nam.

Bàn thắng này là bàn thắng duy nhất của trận đấu và cũng là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa Đội Tuyển VNCH lên ngôi Vô Địch Giải Túc Cầu Merdeka 1966.

22 nhân vật trong Đoàn Túc Cầu VNCH tham dự giải Merdeka 1966 nay ai còn, ai mất, hiện sống ở đâu?

Năm người đã vĩnh viễn ra đi:

  • Ký giả Lão thành Huyền Vũ, rời Việt Nam Tháng Tư 1975, định cư tại Virgina Beach, Virginia, Hoa Kỳ, mất tại đây Tháng Chín 2005.
  • Trọng Tài Quốc Tế Hồ Văn An, được Hiệp Hội Ký Giả Thể Thao Việt Nam bầu chọn là Chiếc Còi Vàng năm 1972, tức Trọng tài Hay nhất trong năm, đã ra đi âm thầm ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, năm 2003.
  • Huấn Luyện Viên Trần Văn Thông qua Mỹ đoàn tụ gia đình cuối năm 1980, định cư tại California, qua đời năm 1995.
  • Tiền vệ Đỗ Thới Vinh mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là nhân vật tên tuổi trong giới Túc Cầu được nhiều người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại. Thế mà anh âm thầm ra đi trong hoàn cảnh đơn chiếc, túng thiếu.
  • Trung phong Nguyễn Văn Chiêu, người ghi bàn thắng duy nhất trước Miến Điện để Đội Tuyển VNCH đoạt Giải Merdeka 1966, đã vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thương tâm, chỉ có người vợ hiền cùng mấy người con khóc nghẹn trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong một góc vắng của thị xã Long Thành. Đám tang anh vội vã, không kèn không trống. Mộ phần không tiền xây cất, đắp đất sơ sài. Sau này, Tuyển thủ Võ Thành Sơn từ Mỹ về quyên góp những bạn hữu được một số tiền mang xuống Long Thành xây đắp mộ phần cho anh.

Trung phong Nguyễn Văn Chiêu và Tiền vệ Đỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết cùng chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi vào quân ngũ đá cho Đội Tổng Tham Mưu. Giải ngũ, cả hai trở về Đội Quan Thuế và cùng đá trong Đội Tuyển Quốc Gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau. Tại Giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, hai anh kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một lời ai điếu nhắc lại thời huy hoàng của hai anh trên sân cỏ.

Xin hai anh đừng buồn, xin hãy ngậm cười nơi chín suối vì những bạn đồng đội thân thương và những người mộ điệu còn trên cõi tạm này vẫn mãi mãi ghi nhớ hình bóng của hai anh.

8 người còn ở lại Việt Nam:

  • Thiếu Tá Cao Văn Phước: Nhà Dìu dắt Đội Tuyển Túc Cầu VNCH, cấp bậc sau cùng là Đại tá (Cục Quân Vận). Đi tù cải tạo về, tuổi cao, từ chối ra đi theo diện HO. Anh hiện đang sống những ngày xế chiều với gia đình anh ở Việt Nam.
  • Hậu vệ Cánh Trái Phạm Văn Lắm: đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não, hoàn cảnh gia đình rất túng thiếu.
  • Trung vệ Phan Dương Cẩm (tự Hiển): đang ở Việt Nam với cuộc sống bình thường.
  • Trung vệ Nguyễn Văn Có: hiện ở Việt Nam, sống khó khăn.
  • Trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang: hiện ở Việt Nam đang huấn luyện cho Câu lạc bộ Thành Phố HCM ở Giải Vô Địch Hạng Nhất.
  • Tiền vệ Quách Hội: hiện ở Việt Nam đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não.
  • Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh: đang ở trong tình trạng đau ốm triền miên, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
  • Thủ môn Hồ Thanh Chinh: hiện ở Gò Vập, nghề nghiệp chính là dạy quần vợt.

9 người định cư tại nước ngoài:

  • Thủ môn Lâm Hồng Châu: rời Việt Nam Tháng Tư năm 1975, định cư tại tiểu bang Maryland.
  • Tiền đạo Cánh Trái Nguyễn Văn Ngôn (tức Ngôn I) gia đình bảo lãnh, tới Mỹ năm 1990, ở Florida.
  • Trung phong Quang Kim Phụng: tới Mỹ qua sự bảo lãnh của người em ruột là Tuyển thủ Quang Đức Vĩnh, hiện sống ở Virginia.
  • Tiền đạo Cánh Phải Nguyễn Văn Xê: qua Mỹ theo diện bảo lãnh của gia đình, hiện định cư tại Houston, Texas.
  • Tiền đạo Cánh Phải Trần Chánh: vượt biên năm 1978 hiện ở Đức cùng với gia đình.
  • Tiền đạo Lê Văn Đức: sang Pháp, gia đình bảo lãnh, năm 1980 hiện sống tại Paris.
  • Hậu vệ Nguyễn Văn Mộng: qua Mỹ năm 1988 định cư tại San Jose, California, hiện mở Trung Tâm Huấn Luyện Căn Bản Bóng Tròn mang tên Đa Phước ở Cần Giuộc, Việt Nam.
  • Hậu vệ Lại Văn Ngôn (Ngôn II): vượt biên tới Mỹ năm 1982, định cư tại Quận Cam, California, cựu chủ biên tuần báo Khỏe Đẹp, hiện nay về hưu và sống bình yên với gia đình.
  • Huấn Luyện Viên Weigang: hiện đang huấn luyện cho một Câu lạc bộ Bóng Tròn chuyên nghiệp hàng đầu của Malaysia.

Đây là chuyện về chiếc Cúp Vàng Merdeka, ký giả Sĩ Huyên, ở mục Hậu Trường Thể Thao của Tuoitre Online, ghi lại lời kể chuyện của Túc Cầu Lão Tướng Quách Hội, 73 tuổi, về chiếc Cúp Merdeka ấy:

Ông Quách Hội kể:

Năm 1995, một sáng tôi đi ngang một tiệm bán đồ lạc-xon trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tình cờ tôi nhìn thấy, bày trong số đồ bán của tiệm, chiếc Cúp Vô Địch Giải Túc Cầu Merdeka mà Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà, trong đội có tôi, đoạt được năm 1966 tại Malaysia.

Người chủ tiệm nói chắc giá 5 triệu đồng. Không có tiền, tôi đứng trước tiệm lạc-xon ấy từ sáng đến trưa với hi vọng có bạn đồng đội cũ nào đi ngang thì báo tin để kêu gọi anh em góp tiền mua lại chiếc Cúp. Chờ mãi không gặp được ai, tôi đi về mà nước mắt ưá ra vì tiếc cho Kỷ Vật ghi lại Chiến Tích Một Thời của anh em chúng tôi. Không biết giờ này chiếc Cúp Vô Địch Merdeka của anh em chúng tôi lưu lạc về đâu.

—–

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường?
Tới nay thấm thoắt mấy tinh sương!
Sài Gòn nước cũ hồn mê cảm,
Kỳ Hoa đất mới dạ thê lương.
Người vẫn sống mòn cùng tuế nguyệt.
Nước đà chết mỏn với tang thương.
Chuyện trăm năm trước xem trên Web.
Cảnh đó, người đây luống đoạn trường!

 

 

RỪNG PHONG. 22 Tháng Chín, 2008.

Hướng Dương Em Có Như Hoa?

Nhớ ơi, Tân Định, Bàn Cờ,
Sài Gòn Em có bao giờ nhớ Anh?
Anh đi, Em ở lại thành,
Cái dzưa thì khú, cái hành thì thâm.

Làm sao tôi không nhớ Tân Định cho được, tôi nhớ Tân Định đến những kiếp sau, kiếp sau, kiếp sau X 25.456.976.329.000. Ở đấy, ở Tân Định, ở đường Mayer Hiền Vương, năm tôi 24 tuổi — 1954 — tôi gặp TÌNH YÊU — TÌNH YÊU viết Hoa 7 chữ, Hoa cả dzấu Huyền, dzấu Mũ.

Có những đêm tha hương — Kỳ Hoa Đất Trích — tôi không ngủ được, tôi nhớ lan man, nhớ loạn cào cào, tôi nhớ Tây Thi, tôi làm Thơ :

Câu Tiễn ngồi trên ngai vàng,
Có bao giờ nhớ đến Nàng — Tây Thi.
Sang Ngô mờ vết xe đi.
Cô Tô Đài có còn gì nữa đâu!
Đêm tha hương, giấc ngủ sầu,
Trong mơ xanh biếc một mầu Tây Thi!

Mơ màng, tôi nhớ chuyện tình Truơng Chi-Mỵ Nương, qua lời thơ trong chuyện mẹ tôi kể cho tôi nghe những năm tôi bốn, năm tuổi, những đêm đông tôi nằm trong lòng mẹ tôi:

Ngày xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay.
Cô Mỵ Nương vốn ở Lầu Tây,
Con quan Thưà Tướng, ngày rầy cấm cung.
Anh Trương Chi vốn ở dưới sông,
Chèo đò ngang doc đêm đông dãi dầu.
Đêm thanh vắng anh mới hát một câu,
Gió đưa văng vẳng tới lầu cô Mỵ Nương.
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương.
Hồ trông thấy mặt anh chường lại chê.
Anh Trương Chi tức giận ra về,
Cắm sào cho chặt, anh mới thề một câu:
– Kiếp này đã dở dang nhau,
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.

Đêm khuya, đã đêm khuya mà còn là đêm thu, xứ người — xứ người thật sự xứ người, không phải cái xứ người quanh quẩn trong nước Nam như xứ người Vuờn Thanh, xứ người Nam Kỳ, xứ người Phủ Ly, xứ người Phủ Lạng Thương của các ông Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương tám, chín chục năm xưa; xứ người của tôi ở tận bên kia biển lớn — đêm khuya không ngủ được tôi xúc động vì mối tình của anh Lái Đò Trương Chi.

Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương 100/100 là chuyện Tình Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao trách cô Mỵ Nương “Trách ai khinh nghèo quên nhau..” là không đúng. Cô Mỵ Nương không chê anh Trương Chi vì anh Trương Chi nghèo, cô là con quan Tể Tướng, cô cần lấy chồng giầu làm chi, cô mê tiếng hát của anh nhưng cô không thể yêu con người anh được, anh xấu trai quá. Anh Trương Chi tưởng cô Mỵ Nương yêu tiếng hát của anh là tự nhiên, tất nhiên cô yêu cả con người anh, cô phải là vợ anh, anh phải là chồng cô. Anh chết là chết oan thôi. Chuyện anh mơ kiếp sau trở lại dương trần, anh sẽ ô-tô-ma-tít vợ chồng với cô là không thể có.

Tôi thương anh, thương những người yêu mà không lấy được người yêu làm vợ trên cõi đời này, tôi mần thơ:

– Kiếp này đã dở dang nhau.
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.
Kiếp này đã chẳng Em, Anh.
Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi.
Kiếp này biết kiếp này thôi.
Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau.
Kiếp này đã chẳng cùng nhau,
Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi!

Có đêm quê người tôi mơ tôi trở về Sài Gòn, thành phố thủ đô xưa của tôi, thành phố thơ mộng thời tôi hoa niên, thành phố thương yêu tôi đã không giữ được. Tôi bồi hồi sống lại Đêm Giáng Sinh năm 1954, trong căn nhà 78/5 Mayer-Hiền Vương, sau khi đi Lễ Nhà Thờ Tân Định về, tôi ngủ, tôi mơ thấy tôi đi trên đường Duy Tân, đoạn đường sau Nhà Thờ Đức Bà, đường đầy hoa, những bông hoa vàng lên đến đầu gối tôi. Đó là một giấc mơ đẹp trong đời tôi. Năm mươi năm qua, tôi vẫn nhớ!

Tôi nhớ một buổi sáng Tháng Năm năm 1976 — Sài Gòn đau thương, tang tóc, ly tan vừa được một năm — tôi đứng trên vỉa hè bên này đường nhìn sang Chợ Tân Định bên kia đường. Lúc 10 giờ sáng, nắng vàng, mùa soài, nắng tô vàng những sạp soài vàng đẹp ơi là đẹp. Tôi xúc động trong ngậm ngùi.

Tôi mần Thơ:

Mình anh ăn trái soài này.
Năm năm soài chín, nhớ ngày Em đi.
Phải cùng chăng, tiếc làm chi!
Năm năm soài chín, chợ thì vắng Em.
Tưởng Em xa nước, Em thèm,
Còn anh soài đỏ, soài đen, quản gì!

Chúng ta vùi một cơn mê.
Có bao giờ tỉnh, còn gì là ta!
Hướng dương Em có như hoa.
Vườn anh nắng đã chiều tà, Em ơi.
Có còn nhau nữa hay thôi!
Yêu nhau ta hãy hẹn lời: Kiếp sau!

Mới đấy thôi, tưởng như hôm qua.. Vậy mà đã 13 năm tôi sống ở quê người — biệt xứ, lưu vong, lưu đày, tha hương, tha phương, thất quốc, thất thổ, thất thểu, thất đủ thứ — Tháng Tám 2008, một lá thư từ Sài Gòn bay đến Rừng Phong, trong thư có tấm bản đồ Thành Phố Hồ chí Minh 2008. Đêm qua, trải tấm bản đồ trên bàn, dưới ánh đèn vàng điện Mỹ, tôi thả hồn trở về những đường xưa, lối cũ trên tấm bản đồ. Mười ba năm xa nhau, tôi ngậm ngùi tưởng tượng hình ảnh thành phố thương yêu trên những đường nét, những hàng chữ trên trang giấy.

Tôi in ở đây bản đồ vài khu phố từng được viết đến trong những bài Sài Gòn Vang Bóng, để tặng những bạn đã đóng góp những bài viết, những ý kiến về thành phố Sài Gòn Xưa của Chúng Ta.
 

 cho Tan Dinh

Tôi gửi những bản đồ này đến các bạn www.hoanghaithuy.com và đến Bà Già Trầu, người tự khai là cư dân Tân Định chính cống, thuần thành, đầy thẩm quyền — Bà Già Trầu Tân Định đến không ai có thể Tân Định hơn Bà — mời Bà quá bộ, trong vài phút, trở về khu Nhà Thờ Tân Định trên bản đồ này.

Thưa Bà, nó vẽ bản đồ Khu Bà láo toét: đường Đinh Công Tráng không đi thẳng tới trước Nhà Thờ Tân Định, mà lại đi quàng sang đường Nguyễn Hữu Cầu, tức đường Trần Văn Thạch xưa. Nó cũng không đề tên đường Đinh Công Tráng. Nó láo đến thế thì thôi! Bà có thể tha tội cho nó không? Tôi thì tôi không thể.

Tôi già dzồi. Chắc tôi sẽ không được nhìn thấy cảnh nhân dân Sài Gòn lôi cổ Tượng Lão Ma Hồ Xiết Cổ Thiếu Nhi ở trước Toà Đô Chính xuống, kéo ra cho nằm ngửa ở Công Trường Chợ Bến Thành. Nhưng Bà, nhiều lắm là năm nay, năm 2008, bà Năm Bó, Bà đương xuân, Bà như các ông Hoàng Hải Hồ, Phan Sĩ Nghị, và nhiều ông thanh niên Sài Gòn khác từng ra dzô www.hoanghaithuy.com, có nhiều cơ may chứng kiến ngày cái gọi là Thành phố Hồ chí Minh trở lại là Sài Gòn. Ngày ấy, khi Bà quăng cái bảng tên đường Thạch Thị Thanh vào thùng rác, bà gắn lên cột đèn bảng tên đường Lý Trần Quán, xin Bà thầm nhớ đến tôi.

Bà thầm gọi cho một lời thì hay lắm:

– Ông Công Từ Hà Đông ở đâu? Về mà xem bảng tên đường Lý Trần Quán trở về đường Lý Trần Quán.

Bà gọi thì tôi cám ơn. Bà không gọi cũng không sao. Lúc ấy, nếu Bà để ý nhìn, Bà sẽ thấy trên vỉa hè đường Lý Trần Quán có một chàng thanh niên trạc 25 tuổi, chàng không đẹp trai chi cho lắm nhưng cũng không đến nỗi xí trai, chàng có vẻ người thanh, gầy, bụng lép, như tài tử James Dean, chàng là một thứ James Dean Giao Chỉ: sơ-mi hai túi ngực, mỗi túi dắt một bút Parker, bút mực đen, bút mực đỏ, 1 túi để gói Philip Morris Vàng, hay gói LucKy Strike, gói Pall Mall, bật lửa để ở tuí riuêng nơi cạp quần, quần mầu sám lông chuột — gris souris — giầy Trinh’s Shoes mầu nâu nhạt, giá 500 đồng, 1 chỉ vàng Sài Gòn năm 1960. Chàng thanh niên James Dean Giao Chỉ ấy từ vùng trời Đâu Xuất nào đó trở về xem cảnh bảng tên đường Thạch thị Thanh bị quăng vào thùng rác, xem cảnh bảng tên đường Lý Trần Quán lại được gắn lên trên đường Lý Trần Quán, Tân Định, vùng cư ngụ tuyệt vời của chàng khi chàng còn sống. Bảng tên đường gắn lên xong, chàng còn lần chần đứng đó, như tiếc rẻ không muốn đi ngay. Nhưng khi bà nghi, bà định hỏi:

– Công Tử Hà Đông, phải không?

Chưa kịp hỏi thì Bà chớp mắt. Khi bà nhìn lại, chàng James Dean Giao Chỉ Sài Gòn 1960 không còn đó nữa.

Từ năm 1956 đến năm 1968 Thi sĩ Đinh Hùng sống ở đường Trần Văn Thạch, trên tầng lầu nhất ở giữa con đường, khu này những năm 1955-1960 có một cô Tầu nặng ký, mỗi lần cô ục ịch qua đường là xe cộ phải dừng lại nhường đường cho cô đi, những năm 1953, 1954 trong chợ Tân Đinh có quán phở Bắc. Bà chủ quán hơi mập nên quán phở được gọi là Phở Mụ Béo. Phở Mụ Béo khi ở trong chợ thì ngon nổi tiếng, nhưng khi phấn phát, ra tiêm ngoài đường, nhà gần Ngã Tư Hai Bà Trưng-Hiền Vương, thì phở lại dở. Mở tiệm mặt tiền đướng ít lâu, tiêm Phở Mụ Béo âm thầm đóng cửa.

Những năm 1928, 1929 ông Nhà Văn Phan Khôi sống ở khu nhà trước chợ Tân Định. Ở chỗ xe búyt đậu có con đường đi vô, bên trong là một khu nhà đối mặt nhau. Bà Già Trầu Tân Định có lần nào vào khu nhà này không? Nhà Văn Phan Khôi 90 năm xưa từng ở một căn nhà trong khu nhà đó.

Thưa Bà Già Trầu. Ngày nào Bà quăng bảng tên đường Thạch Thị Thanh vào thùng rác, xin Bà nhớ gọi thằng nào vẽ, thằng nào in bản đồ này — tấm bản đồ ghi đường Đinh Công Tráng không thẳng tới đường Hai Bà Trưng mà lại quẹo sang đường Trần Văn Thạch, đường Đinh Công Tráng những năm 1960 có nhà cô Nguyệt Ho Coi Bói Bài Tây, đường Lý Trần Quán có nhà ông Diễn Viên Điện Ảnh Đoàn Châu Mậu, có tiệm Giặt Ủi ông chủ là ông thân sinh Kịch sĩ Tùng Lâm, có Nhà Chả Cá Sơn Hải, Hàng Ăn Như Ý — Bà gọi hai thằng vẽ, in bản đồ này đến, Bà đánh cho mỗi thằng hai cái bạt tai dzùm tôi. Cám ơn Bà.

Trước năm 1954, Tân Định là khu của người Bắc. Chợ Tân Định là chợ của người Bắc, bán toàn thức ăn của người Bắc. Tôi biết trước Nhà Thờ Tân Định có Tiệm Vàng của Bà Cả Bài. Gọi là tiệm vàng nhưng chỉ có một tủ kính nhỏ bán vàng bạc, nữ trang. Đặc biệt Tân Định có nhà Poste, ở cạnh tiệm Cà phê Martin, trước Nhà Thờ. Tân Định có hai rạp xi-nê, hai Pharmacie. Một nhà thuốc ở bên nhà xi-nê Moderne, một nhà ở trước rạp xi-nê Kinh Đô, nhà thuốc này tên là Thanh Quỳnh. Bà Già Trầu có nhớ nhà thuốc Tây của gia đình bà là nhà nào không?

 kham Chi Hoa

Internet có nhiều ảnh Nhà Tù Hoả Lò Hà Nội, có cả ảnh Nhà Tù Côn Đảo, tôi không thấy có tấm ảnh nào chụp Nhà Tù Chí Hoà. Mời quí vị xem bản đồ trên: Theo tôi nhớ đường Hoà Hưng là đường từ đường Lê Văn Duyệt đi thẳng vào cổng lớn Nhà Tù Chí Hoà. Nhà Danh Ca Ngọc Long, nhà ông Vũ Tài Lục ở đường này. Trong bản đồ này, tôi không thấy Nhà Tù Chí Hoà đâu cả.

Quí vị có dzịp về thăm Sài Gòn, nếu có thể, xin quí vị đến chụp dzùm tôi vài pô cái Cổng Nhà Tù Chí Hòa. Tôi cám ơn.

 khu Le Quy Don

Quí vị đã đọc chuyện tình Pháp Việt Thế Kỷ 19 Barbé-Thị Ba trong một bài Sài Gòn Vang Bóng trước bài này, xin quí vị đi trở lại đường Lê Quí Đôn. Chuà Khải Tường ở khu giữa đường Trần Quí Cáp (Võ văn Tần) và đường Hồng Thập Tự.

Một chiều gần tối hơn 100 năm xưa, Đại Úy Barbé một mình, một súng, trên ngựa từ Đồn Lính Tây trong Chuà Khải Tường, đầu đường Lê Quí Đôn, phóng đi cứu Người Yêu. Ông bị quân Nam phục kích, đâm chết ở đoạn đuờng Hiền Vương gần Công Trường Dân Chủ.

khu banh mi Hoa Ma

Có bản đồ Tân Định, ắt phải có bản đồ Bàn Cờ, không có sợ quí vị nhân sĩ Bàn Cờ buồn. Tôi in bản đồ này chỉ để thưa với quí vị Bàn Cờ là từ tiêm Bánh Mì Hoà Mã nhìn sang, Tam Tông Miếu — Miếu, không phải Chuà — ở trong khu bên kia đường Phan Đình Phùng, không phải ở trong khu Vườn Chuối ngay trước mặt tiêm Bánh Mì. Sư Ông sáng lập và chủ trì Tam Tông Miếu là Ông Ba, ông anh ruột bà Bút Trà, bà chủ báo Sàigònmới của tôi, bà chủ tôi là Bà Tư, tôi từøng được đến Miếu dự tiệc chay đôi lần. Dzì dzậy tôi biết chắc, nên tôi dám cá với quí vị: nếu tôi đúng, quí vị chi tôi 100 USD, nếu tôi sai, tôi sốt sắng, tôi vui vẻ chi quí vị cái vé máy bay từ Mỹ, từ Úùc, từ Canada, từ Pháp, từ Đức, từ Ý, từ Congo, từ Dzimbabuwe, từ bất kỳ đâu trên trái đất, về Sài Gòn, Việt Nam. Tôi lấy của quí vị 100 USD cho quí vị vui thôi, tôi biết chắc tôi ăn 1000/100, tôi lấy nhiều tiền của quí vị làm chi.

Tôi từng ngồi trong tiệm Phở Nghi Xuân nhìn sang toà nhà Cho Mướn Truyện Cảnh Hưng. Toà nhà ấy 9 tầng lầu. Chỉ cho mướn truyện thôi mà ông bà chủ tiệm lên 9 tầng lầu. Người Sài Gòn nghiện đọc truyện võ hiệp, nôm na là Truyện Chưởng, những năm 1960-1970, thường đi mướn truyện về đọc, đọc xong mang trả đổi bộ truyện khác, ít người mua cả bộ truyện mới, vì không cần thiết, truyên võ hiệp đọc qua là bỏ, là quên. Mà truyện võ hiệp thường dài 6 tập, 8 tập, 10 tập, ngắn nhất cũng 4 tập. Sài Gòn lại có quá nhiều bộ truyện võ hiệp. Nhà Cảnh Hưng mua từ 20 đến 30 bộ tiểu thuyết mới ra lò, để dành thay thế những bộ cho mướn lâu ngày bị rách, nát, bị xé mất trang. Nhà Cảnh Hưng không chỉ có sách truyện võ hiệp mà có cả những sách văn học đàng hoàng, những ông Nhà Văn như ông Nguyễn Mạnh Côn đôi khi cần đến quyển sách cũ của ông có thể đến tìm mua lại bản mới toanh được lưu trữ trong kho sách Cảnh Hưng. .

Cảnh Hưng là nhà cho muớn Truyện lớn nhất, nhiều sách nhất Đông Dương kể từ ngày 3 nước Đông Dương Việt-Miên-Lào có nhà cho muớn truyện. Không biết sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ông bà chủ tiệm Cảnh Hưng làm cách nào tiêu hủy số sách trong tiệm. Bao nhiêu chuyến xe cam-nhông chở sách đi, xe ba bánh chở đi mấy tháng cho hết sách, đem đi đốt ở đâu, hay giao nộp ở đâu?

Bà chủ Cảnh Hưng son phấn, ông Chủ Cảnh Hưng hít tô phe, ông chuyên bận pijama khi xuống cửa tiệm. 33 năm rồi, không biết năm nay — 2008 — sau cơn dâu biển, ông bà có còn ở trong toà nhà 9 tầng đó không.

Tôi nhớ ông chủ Tiệm Xôi-Miến Gà đường Lê Văn Duyệt, trước cửa Nhà Dây Thép Gió, trước lối vào khu Bắc Hải. Ông là dân Bắc Kỳ Di Cư chân chính. Tôi nghe nói ông vượt biên sang nước nào đó ở Bắc Âu: Thụy Điển, Na Uy hay Đan Mạch, Phần Lan. Nhà ông bị nó lấy làm Cửa Hàng Ăn Uống. Ông làm gì ở Bắc Âu? Phải chi ông sang Mỹ, ông mở tiệm Xôi-Miến Gà ở Bolsa. Số Dzách. Tôi không có điều kiện ghé Cali nhiều, nhưng nếu có tiệm của ông ở đó, lần nào đến Cali tôi cũng phải đến tiệm ông, trước là thăm ông, người cùng quê Ngã Ba Ông Tạ-Nhà Dây Thép Gió, sau là để thưởng thức món Xôi-Miến Gà độc đáo của ông, vưà ăn vừa nhớ lại những ngày tôi hãy còn tóc xanh, chỉ mới lấm tấm muối tiêu, ở Sài Gòn Xanh Xưa.

Tôi nhớ Sài Gòn trong những cơn mưa lớn. Những trận mưa đầu muà gọi là những Cây Mưa. Đẹp nhất là những trận mưa đêm. Mua ào ào đổ xuống trong khoảng một giờ. Mưa đi qua, trăng lên trên thành phố, trời trong, mát dịu. Nhiều đêm đi chơi khuya về sau cơn mưa, tôi thấy Sài Gòn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong.

Nhưng đấy là Sài Gòn sau Mưa những năm trước năm 1960.

Tôi nhớ, tôi buồn. Tôi tạm biệt quí vị.
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG
.
.
.

Nhắn tin: Thầy HHH. Vancouver. Ngày 15 Tháng Tám, tôi đến Toronto. Tôi sẽ ở đấy 5 ngày. CTHĐ

Chả Cá Lý Trần Quán

be chuoi troi song Sài Gòn, Thủ Đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, có đặc điểm là “không người Việt nào biết cái tên Sài Gòn từ đâu mà ra, tại sao Sài Gòn lại có tên là Sài Gòn, Sài Gòn nghiã là gì?” Nhiều người tìm hiểu nguồn gốc cái tên Sài Gòn, nhiều người giải nghĩa cái tên Sài Gòn, nhưng cho đến nay tất cả đều chỉ là giả thuyết — người cho Sài Gòn xuất từ cái tên Sai Pregor: Rừng Gòn của người Miên, người bảo Sài Gòn do tiếng Tây Cống: đất dâng cho Tây, của người Tầu, tiếng Tầu là Đề ngạn — giả thuyết nào cũng khập khiễng, không có giả thuyết nào đáng tin.

Sau khi Thực dân Pháp đến, nước ta mới có Sài Gòn. Người Pháp lập Thành phố Sài Gòn năm 1865. Chỉ mới 150 năm ta có Sài Gòn, lịch sử Việt đã mù mờ về cái tên Sài Gòn, nói chi đến vài trăm năm nữa. Nghìn năm sau sẽ không bao giờ người Việt Nam biết Sài Gòn nghĩa là gì, tại sao lại có tên Sài Gòn.

Đặc điểm thứ hai của Sài Gòn là tên những đường phố Sài Gòn, thoạt đầu, đều do người Pháp đặt. Trước năm 1956, 1 triệu người Sài Gòn thì 1 triệu 574.890 người không biết những cái tên Charner, Bonard, Galliéni, Paul Blanchy, Colonel Boudonnet, Colonel Grimaud, Général Lizé, Kitchener, Jaureguiberry là ai, từng làm gì ở Sài Gòn, sống chết hồi nào. Tất cả những tên đường phố Sài Gòn — từ ngày có Sài Gòn đến Tháng 3, 1955 — đều là những tên người lạ hoắc.

Ngày 22 Tháng Ba, năm 1955 Chính phủ Ngô Đình Diệm — khi ấy ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng — làm cuộc đổi tên những đường phố Sài Gòn. Một Ủy ban lo việc đổi tên đường được thành lập ở Tòa Đô Chính Sài Gòn, thời ông Đô Trưởng Nguyễn Phú Hải. Tôi không biết thành viên ủy ban ấy là những ai, ai là Chủ tịch, tôi thấy ủy ban làm việc thật hay, lấy tên những danh nhân đặt tên cho những đường phố Sài Gòn thật đúng, công bằng, gần như không có thiếu xót, không có khuyết điểm nào đáng kể. Sẽ có nhiều trang SÀI GÒN VANG BÓNG viết về những tên đường Sài Gòn Xưa.

Việc đổi tên đường Sài Gòn là việc làm nói lên chuyện Sài Gòn trở thành thành phố của người dân Việt Nam. Trước năm 1956, Sài Gòn, với những tên đường toàn tên người Pháp, là của người Pháp. Nói cách khác, nhẹ hơn, trước năm 1956 người Pháp làm chủ Sài Gòn, từ năm 1956 Sài Gòn là của người Việt, Sài Gòn là thành phố của người Sài Gòn.

Từ Tháng Ba năm 1955, Sài Gòn có những đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Tản Đà, Tú Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Cao Vân, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Đồ Chiểu, Nguyễn Thái Học, Ký Con, Cô Giang, Cô Bắc, Bùi Thị Xuân, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La. Nhiều nữa, không thể kể hết trong một trang báo. Từ năm 1956 đến năm 1975, ta hỏi 1 triệu người Sài Gòn thì có 999.999 người biết những danh nhân được đặt tên đường đó là ai, từng làm gì cho đất nước, cho dân tộc; dân Sài Gòn quen biết, yêu kính những danh nhân ấy.

Thế rồi bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Bắt chước bọn Nga Cộng đổi tên thành phố Saint Peterburg ra Leningrad, bọn Bắc Cộng đổi tên Sài Gòn ra tên Hồ chí Minh, chúng đưa một lô tên Việt Cộng lên những bảng tên đường Sài Gòn. Tình trạng người Sài Gòn xa lạ với những tên người–tên đường những năm 1930, 1940, 1950 lại xẩy ra sau năm 1975.

Sau năm 1975, nếu ta hỏi 1 triệu người dân Sài Gòn:

– Võ thị Sáu, Mạc thị Bưởi, Nguyễn thị Minh Khai, Lê thị Hồng Gấm, Nơ trang Long. Hoàng văn Thụ, Huỳnh văn Bánh, Nguyễn văn Đậu là ai?

Sẽ có 1 triệu 999.999 người Sài Gòn trả lời:

– Những thằng cha cà chớn, những con me cà cháo. Tôi đâu có biết chúng là ai! Tôi chỉ biết chúng là bọn Việt Cộng.

Tôi vừa kể ba đặc điểm của Sài Gòn:

  1. Không ai biết tên Sài Gòn từ đâu ra, Sài Gòn nghĩa là gì.
  2. Trong 25 năm hai lần Sài Gòn đổi tên đường: lần 1 năm 1955, lần 2 năm 1975.
  3. Hai lần, thời Pháp bảo hộ, và thời Bắc Cộng đàn áp, bóc lột, người Sài Gòn không biết những nhân vật được đặt tên đường là ai, từng làm gì.

Hôm nay tôi chọn trong thành phố Sài Gòn trước 1975 hai đường:

  1. Đường Lý Trần Quán, Tân Định, tên Pháp trước năm 1956 là đường Barbier.
  2. Đường Lê Quí Đôn, Quận 3, tên Pháp trước năm 1956 là đường Barbé.

Mời quí vị đọc chuyện đời tư của hai nhân vật Lý Trần Quán, Barbé.

*****

Năm xửa, năm xưa..

Chiều nay ở xứ người, nhớ lại, cứ tưởng như chiều hôm qua..

Rời cửa chợ Tân Định, tôi đi trên đường Trần Văn Thạch bên chợ. Bác sĩ Trần Văn Thạch bị Việt Minh, tên trước năm 1960 của bọn Việt Cộng ác ôn, bắn chết ở Sài Gòn năm 1945. Mãi đến năm 2007 ở Hoa Kỳ, nhờ Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu kể trong hồi ký của ông, tôi mới biết tên Việt Cộng Trần văn Giầu là tên giết ông Trần Văn Thạch. Thi sĩ Đinh Hùng ở đường Trần Văn Thạch từ năm 1956 đến sau ngày ông qua đời năm 1968, bà vợ ông dọn nhà sang ở bên Khánh Hội. Trước năm 1955 tên tiếng Pháp của đường Trần Văn Thạch, Tân Định, là đường Vassoigne.

Trên đường Trần Văn Thạch, qua rạp Xi-nê Moderne, tôi đến đường Lý Trần Quán, đường này từ đường Hiền Vương — tên tiếng Pháp là Mayer — đến đường Trần Văn Thạch, tên tiếng Pháp của đường Lý Trần Quán là đường Barbier.

Đây là chuyện về nhân vật Lý Trần Quán được ghi trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí:

Năm Bính Ngọ, quân Tây Sơn đánh vào thành Thăng Long. Đoan Nam Vương Trịnh Khải chạy lên Sơn Tây, bị bắt, dùng dao đâm cổ tự tử. Lý Trần Quán có can dự vào việc chúa Trịnh Khải bị bắt. Trước khi kể chuyện Lý Trần Quán-Trịnh Khải, tôi viết về tiếng “Chúa” trong ngôn ngữ Việt ta.

Người Tầu có hai tiếng “đế” và “vương“, ta theo người Tầu, dùng hai tiếng “đế, vương“, nhưng ta chỉ có một tiếng “vua” để gọi cả hai tiếng “đế, vương“; như đời Trần Vua là Hoàng Đế phong cho ông Trần Quốc Tuấn là Hưng Đạo Vương, đời Nguyễn Vua Tự Đức là Đại Nam Hoàng Đế, phong tước Vương cho các ông Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương. Tôi chắc tiếng “Chúa” có trong ngôn ngữ nước ta từ đời Vua Lê, Chúa Trịnh. Vua Lê phong “Vương” cho các ông Tể Tướng họ Trịnh, dân không thể gọi Vua Lê là Vua mà cũng gọi các ông tước Vương họ Trịnh là Vua, nên dân gọi các ông Trịnh Vương là Chúa. “Chúa” là tiếng Việt của tiếng “Chủ“. Thiên Chủ — Chủ Trời — ta gọi là Thiên Chúa, Chủ nhật: Chúa nhật, Chủ Công — nôm na là Ông Chủ — các ông Việt dịch truyện Tam Quốc Chí gọi là “Chúa Công”. Tiếng Chúa có nhiều quyền uy hơn tiếng Chủ. “Vắng Chúa nhà, gà mọc đuôi tôm” nguyên là “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm“. “Vắng Chúa nhà” nghe hay hơn là ” Vắng Chủ nhà”. Như “Ăn cơm Chúa, múa tối ngày, Bà Chúa đứt tay, ăn mày đổ ruột, Chồng Chúa, vợ tôi, Nợ như Chúa Chổm, Trạng chết Chúa cũng ra ma. Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.”

Cùng trường hợp đó, người Tầu có trâu và bò nhưng chỉ có một tiếng “ngưu” để gọi cả trâu và bò. Vì vậy người Tầu có tiếng thanh ngưu, thủy ngưu: ngưu xanh, ngưu nước để gọi trâu, có hoàng ngưu: ngưu vàng để gọi bò, bò lông mầu vàng.

Đoan Nam Vương Trịnh Khải bỏ kinh đô Thăng Long, chạy lên Sơn Tây, Chuá không còn quân đội, chỉ còn một số người theo hầu. Lý Trần Quán đang giữ một chức quan ở Sơn Tây, ra đón Chúa, rồi sai một học trò của ông là Nguyễn Trang bảo vệ Chúa, đưa Chúa đi trốn. Ông không cho Nguyễn Trang biết người ông sai hắn đưa đi là Đoan Nam Vương. Trang bắt Chúa Trịnh giao cho quân Tây Sơn.

Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Truyện Sử. Ngô Gia Văn Phái viết.

Quán từ biệt Chúa, trở về nhà riêng. Còn Trang thì cùng bọn thủ hạ đi bảo vệ Đoan Nam Vương, nhưng Trang lại đưa Chúa về nhà riêng của hắn, tra hỏi Chúa:

– Ông là Đoan Nam Vương thì nói thực đi. Ông dấu tôi, có chuyện gì xẩy ra, đừng trách tôi.

Chúa nói:

– Sao anh lại đoán xằng như vậy? Ta là quan Tham Tụng Bùi Huy Bích.

Trang nói:

– Ông đừng nói dối. Cái bộ điệu Chúa tôi nửa kín, nửa hở của các ông tôi thấy rồi. Ông mà không phải là Đoan Nam Vương thì còn là ai nữa. Chuyện đế vương còn mất là chuyện thường, tôi khuyên ông nên chịu hàng đi, cho đỡ khổ thân, trước sau gì ông cũng bị bắt.

Chúa nổi gịận:

– Ta là Đại Nguyên Soái Đoan Nam Vương. Ta chết là do mệnh trời. Mày muốn làm gì thì làm.

Trang cho người đi báo với quân Tây Sơn. Tất cả những người đi theo Chúa đều bị bắt giữ.

Quán nghe tin có biến, đến chỗ Chúa bị giam giữ, quì lậy, rập đầu xuống đất, nói:

– Làm Chúa đến nỗi này là tội của tôi.

Chúa Trịnh an ủi:

– Khanh nào có tội gì.

Quán lậy rồi lui ra, nói với Trang:

– Chúa là Chúa chung của mọi người. Chúa là Chúa của ta mà cũng là Chúa của anh, ta là thầy học của anh, ta từng dậy anh vua tôi nghĩa lớn, sao anh nỡ phản Chúa?

Trang nói:

– Tại sao ông không cho tôi biết ông ấy là Đoan Nam Vương, nếu ông nói, tôi có thể từ chối việc ông bảo tôi làm. Nếu tôi đưa ông ấy trốn thoát, người Tây Sơn biết chuyện, đời nào họ để cho tôi được sống? Khi ấy ông có thể giảng nghĩa vua tôi để cứu tôi khỏi chết không? Sợ Chúa, sợ Thầy không bằng sợ Giặc, yêu Chúa không bằng yêu thân mình. Ông đừng nói lôi thôi.

Khi Chúa bị Trang giải đi, Quán quì bên đường, lậy, khóc, kêu lớn:

– Trời ơi..! Tôi giết Chúa tôi..!

Chúa đứng lại, nói lời an ủi:

– Lòng trung của khanh “cô” đã biết, khanh đừng tự oán như thế.

Trên đường đi, trời nắng, Chúa Trịnh được cho vào ngồi nghỉ trong một quán nước bên đường. Chúa vớ được con dao của nhà hàng, cầm dao đâm vào cổ. Trang dằng được dao. Vết thương không lớn, Chúa dùng ngón tay móc cho vết thương lớn ra. Một lúc sau, Chúa đòi uống nước lạnh. Trang lấy nước cho Chúa uống. Chúa uống xong là gục xuống chết. Trang khiêng xác Chúa đến nộp cho quân Tây Sơn. Xác Chúa bị phơi ở cửa Tuyên Vũ thành Thăng Long cho mọi người thấy. Ngày Chúa Trịnh Khải chết là ngày 26 Tháng Sáu năm Bính Ngọ, 1786.

Quán đưa tiễn Chúa đến Hạ Lôi, ông ở lại đó mà không về nhà. Ông nói với ông chủ nhà trọ:

– Bề tôi mà làm hại vua, tội đáng chết. Nếu tôi không chết, không lấy gì tỏ được lòng tôi với Trời Đất. Nhờ ông giúp tôi: mua cho tôi một cỗ quan tài, mười vuông vải trắng, để tôi làm theo cái chí của tôi.

Chủ nhà hết sức can ngăn, Quán nói:

– Tôi đã muốn chết thì không thiếu gì cách chết. Ông nên giúp cho tôi được chết đường hoàng, sạch, đẹp. Tôi chịu ơn ông.

Biết không thể ngăn Quán, chủ nhà đành làm theo lời Quán. Quán nhờ người đào cái huyệt, cho quan tài xuống huyệt, xé vải trắng làm khăn và dây lưng. Quán chít khăn trắng, thắt dây lưng, quì hướng về phía nam, lậy hai lậy, rồi xuống huyệt, nằm vào quan tài, bảo chủ nhà đậy nắp lại rồi lấp đất.

Đã nằm trong quan tài, Quán nói lời cuối:

– Tôi có câu này, ông nói dùm với con cháu tôi:

Tam niên chí hiếu dĩ hoàn.
Thập phần chi trung vị tận.

Nhờ ông bảo con cháu tôi viết hai câu ấy mà thờ tôi.

Lại nói:

– Đa tạ ông chủ. Vĩnh biệt ông.

Chủ nhà và năm, sáu người nhà cùng sụp lậy Quán trước huyệt, rồi đậy nắp áo quan, lấp đất. Hôm ấy là ngày 29 Tháng Sáu năm Bính Ngo, 1786, sau khi Chúa Trịnh Khải chết hai ngày.

Lý Trần Quán người làng Văn Canh, huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khóa Bính Tuất, 1766, tính nết giản dị, chất phác, rất hiếu thảo. Trong khi chịu tang mẹ, Quán làm lều ở bên mồ ba năm liền, không ăn thịt cá, thân xác gầy rạc, chỉ còn da bọc xương.

Ông thường nói:

– Những việc ta làm trong đời ta chỉ có ba năm chịu tang là gần với đạo làm người.

Tam niên chí hiếu dĩ hoàn.
Thập phần chi trung vị tận.
Đạo hiếu ba năm đã trọn.
Chữ trung mười phần chưa xong.

Đấy là chuyện ông Lý Trần Quán, người có tên đường ở khu Tân Định, Sài Gòn. Ông chết vì Chúa Trịnh, ông không chết vì nước. Cái chết của ông có mầu sắc Quân Tử Tầu. Qua mấy ngàn năm lịch sử phong kiến Tầu, có nhiều ông Quân Tử Tầu chết những cái chết nếu không lảng nhách thì cũng lảng xẹt. Nhưng vì những cái chết lảng ấy tên tuổi các ông được ghi trong lịch sử. Xong không thấy có ông Quân Tử Tầu nào chết cái chết ly kỳ như ông Quân Tử Việt Lý Trần Quán.

Còn sống, tự vào nằm trong quan tài, cho người lấp đất, chịu ngạt thở cho đến chết. Khó lắm. Ai làm được như thế? Chỉ có ông Việt Nam Lý Trần Quán. Trung với Chúa là trung với Vua, đời xưa trung với vua là trung với nước, trung với dân. Người đời sau kính trọng ông Lý Trần Quán vì lòng trung của ông, lấy tên ông đặt tên đường. Giặc Cộng vào Sài Gòn, bỏ tên đường Lý Trần Quán, thay vào đó là cái tên Mụ Việt Cộng Thạch thị Thanh, người Miên.

Với tôi, đường Lý Trần Quán mãi mãi là đường Lý Trần Quán, năm 1954 tôi hai mươi tuổi, tôi và người yêu đến đường Barbier ăn Chả Cá Sơn Hải, ăn phở, ăn miến gà Nhà hàng Ngọc Sơn; năm 1970 tôi bốn mươi tuổi, tôi và vợ tôi đến đường Lý Trần Quán ăn Chả Cá Sơn Hải, — Ông chủ tiệm Sơn Hải tôi quên tên, từng làm Steward Air France, Sơn Hải Chả Cá còn có món Ốc Hấp Lá Gừng đặc biệt Bắc Kỳ tuyệt cú mèo, và món Miến Cua, Cháo Cua; Chả Cá chân chính là phải có Cà Cuống, Bà Chủ Sơn Hải tự tay dùng compte-goutte rỏ từng giọt Cà Cuống vào chén mắm tôm ở bàn ăn trước mặt khách, Cà Cuống Chả Cá Sơn Hải là Cà Cuống Chính Cống, Thiên Nhiên, Thiên Tạo, được tính tiền từng giọt — Ngày nào Sài Gòn trở lại là Sài Gòn, người Việt sẽ gỡ bảng tên đường Thạch thị Thanh quẳng vào hố rác cùng với bảng tên Thành phố Hồ chí Minh, ngày ấy người Việt lại treo lên bảng tên đường Lý Trần Quán.

Mời quí vị đọc tiểu truyện về Đại Úy Pháp Barbé, người có tên đường ở Sài Gòn; năm 1956 đường Barbé trở thành đường Lê Quí Đôn. Đường Lê Quí Đôn từ đường Hồng Thập Tự sang đường Hiền Vương, chạy sau Trường Nữ Học Marie Curie; Vila số 8 đường Lê Quí Đôn năm 1975 là Nhà USIS — United States Information Service — Sở Thông Tin Hoa Kỳ. Lúc 5 giờ chiều ngày 29 Tháng Tư, 1975, người anh em cùng vợ với tôi là Hoàng Hải Thủy cùng vợ con anh ra khỏi Nhà USIS; anh đưa vợ con anh đến đấy chờ người Mỹ đưa đi khỏi Sài Gòn, nhưng, chuyện xưa quá dzồi, đã kể nhiều lần..

Tiểu truyện Đại Uý Barbé là một chuyện tình. Đây có thể là Cuộc Tình Pháp Việt Thứ Nhất trong Lịch Sử Việt Nam. Một chuyện Tình Bi Thảm — viết hoa 3 chữ T, B, T — Chuyện xẩy ra năm 1860, quân Pháp mới chiếm Sài Gòn — khi ấy Sài Gòn chưa có tên là Sài Gòn — vùng này hoang vắng, toàn gò rạch và cây cỏ như rừng. Quân Pháp đóng trong mấy cái chùa của ta ở khu trung tâm về sau là những đường Hồng Thập Tự, Tự Do, Nguyễn Huệ, quân ta đóng ở vùng Kỳ Hòa, tức vùng sau này là Nhà Tù Chí Hòa, chợ Hòa Hưng, Trường Đua Phú Thọ. Đại Úy Barbé đóng quân trong chùa Khải Tường, chùa này năm xưa ấy ở khoảng đầu đường Lê Quí Đôn, gần đường Hồng Thập Tự.

Một hôm dẫn lính đi tuần ở ven sông. Đại Úy Barbé thấy một bè chuối trôi sông, trên bè có một người đàn ông Việt, một thiếu phụ Vịệt, cả hai cùng bị trói. Bè chuối rạt vào bờ sông, Đại Úy Barbé cho lính mang hai người từ bè chuối lên bờ, người đàn ông đã chết, người thiếu phụ hấp hối. Ông cho lính khiêng thiếu phụ về đồn, tức về chùa Khải Tường, nhờ y sĩ Pháp cứu cấp.

Thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông thoát chết. Chuyện truyền khẩu trong dân gian kể Nàng tên là Thị Ba, có nhan sắc, bị ép làm vợ một ông Lãnh binh Việt Nam. Trước khi làm vợ ông Lãnh binh, nàng có người yêu. Có chồng rồi nàng và người tình vẫn lén gặp nhau, họ bị ông Lãnh rình, bắt lúc họ đang tình tự, ông Lãnh trói họ, cho họ lên bè chuối, thả trôi sông cho chết.

Bè chuối trôi sông là một hình phạt ngày xưa: người có tội bị lột quần áo, trói tay chân, nằm trên bè chuối thả trôi trên sông. Bè chuối làm bằng những thân cây chuối. Thường là những cặp nam nữ can tội gian dâm bị trừng phạt bằng cách cho lên bè chuối, thả bè trôi sông, chịu nắng đói, khát mà chết.

Thị Ba được y sĩ Pháp cứu thoát chết, nàng sống trong đồn Khải Tường của quân Pháp. Đại Úy Barbé yêu nàng. Một thời gian sau nàng xin Đại Úy cho nàng về thăm nhà, Đại Úy cho nàng đi. Ông như phát điên khi được tin người ông yêu bị quân Việt Nam bắt. Ông ân hận vì ông đã cho phép nàng ra khỏi đồn. Ông tung người đi tìm xem nàng bị giam ở đâu để đến cứu nàng.

Một chiều gần tối, có người đến đồn báo Thị Ba trốn khỏi nơi giam giữ, đi về đồn Khải Tường nhưng bị quân Việt bắt lại ngay tại một chỗ gần đồn. Được tin, Đại Úy Barbé một mình, một súng, nhẩy lên ngựa, phi đến chỗ ông được cho biết là nơi người yêu của ông đang bị giữ. Từ đồn Khải Tường, Đại Úy tới khoảng về sau là Công Trường Dân Chủ, Ngã Sáu Hiền Vương- Yên Đổ — Trần Quốc Toản- Lê Văn Duyệt thì lọt vào ổ phục kích. Quân Việt xông ra dùng dáo, mác đâm ông chết. Sáng hôm sau lính Pháp mới tìm thấy xác ông.

Chuyện dân gian không cho biết về sau số phận người thiếu phụ Việt tên là Thị Ba ra sao, chỉ biết chuyện Đại Úy Barbé bị quân Việt giết chết là chuyện thật. Chính quyền Pháp đặt tên con đường có Chùa Khải Tường-Đồn Lính Pháp là Đường Barbé. Chùa Khải Tường, cùng hai, ba chuà khác trong vùng, sau đó bị phá.

Năm 1955 đường Barbé đổi thành đường Lê Quí Đôn. Năm 2008, một người Việt Nam tị nạn cộng sản, sống đời biệt xứ ở Hoa Kỳ, viết lại chuyện ông Lý Trần Quán, chuyện tình Pháp Việt Barbé-Thị Ba, trong tập hoài niệm tên là SÀI GÒN VANG BÓNG.

.

.

.

————————————————————————–

Phụ lục:

Tháng Sáu 2008, một tin trên Web nhắc đến Chuà Khải Tường.

Bản tin tiếng Anh:

* During a trip to Ho Chi Minh City, Ambassador Michael Michalak visited the Museum of Vietnamese History to observe restoration of some of the museum’s Buddha statues through the Ambassador’s Fund for Cultural Preservation. Among 17 Buddha statues whose restoration was funded under this project, the one that impressed the delegation the most was the 19th century, Amitaba-wood statue from Khai Tuong Pagoda. This large statue, 196cm height and 135 cm in width, was carved out of the jackfruit tree and covered in red lacquer and emulsified gold. This statue was created at the behest of Emperor Minh M?ng (1820-1840). The Kh?i T??ng pagoda was formerly located in the area of the current Museum of War Memorials. The pagoda was destroyed by the French colonists in the 19th century.

* Trong chuyến đến Thành phố Hồ chi Minh, Đại sứ Michael Michalak đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam để xem việc tu bổ một số Tượng Phật được thực hiện qua Quỹ Bảo Tồn Văn Hoá của ông Đại sứ. Trong số 17 bức Tượng Phật được tu bổ theo Quỹ nói trên, bức tượng làm phái đoàn Mỹ chú ý nhất là Tượng Phật Amitaba, nguyên là tượng của chuà Khải Tường. Bức tượng lớn này, cao 196 cm, bề ngang 135 cm, được tạc từ gỗ mít, sơn son, thếp vàng. Tượng này được làm theo lệnh của Vua Minh Mạng(1820-1840). Chuà Khải Tương trước nằm trong khu nay có Nhà Bảo Tàng Chiến Tranh; chùa bị những ngưòi thực dân Pháp phá hủy trong Thế kỷ 19.

Théc méc: Tượng bằng gỗ mít cao 2 thước Tây không có chi lạ, nhưng có cây mít nào thân cây lớn đến 1 thước 50 phân không? CTHĐ