• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Chìm dưới biển dâu

THANH NAM. Ảnh ghi tại Sài Gòn năm 1970.

Mặc Thu. Thơ làm trong ngày tiễn Trần Dạ Từ sang Hoa Kỳ.

Ngươi đi bốn biển vui hò hẹn.
Ta ở đây chìm dưới biển dâu.
Thôi.. Ngươi đi nhé, đừng quay lại
Ta khóc đây, ngươi có biết đâu!

Khi làm bài thơ Tiễn Trần Dạ Từ sang Mỹ, Mặc Thu sống ở Sài Gòn. Khi Trần Dạ Từ và Nhã Ca đi chưa có chuyện HO, chưa có chuyện những sĩ quan, những công chức Việt Nam Cộng Hòa bị bọn Bắc Cộng bắt đi tù được chính phù Hoa Kỳ đưa sang sống ở Hoa Kỳ.  Vài năm sau ông Mặc Thu, có thời là sĩ quan, và gia đình ông đi HO sang Hoa Kỳ. Sống ở Cali, ông đưa tiễn Mai Thảo đến nghĩa trang, rồi vài năm sau nữa ông về sống ở Sài Gòn. Ông qua đời ở Sài Gòn.

Có ba ông văn nghệ sĩ sống ở Hoa Kỳ nhiều năm rồi bỏ Hoa Kỳ trở vế sống và chết ở Sài Gòn. Đó là các ông Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh, Tạ Tỵ.

Ông Lê Văn Vũ Bắc Tiến làm báo từ những năm 1950 ở Hà Nội. Ông là chồng bà Thu Nhi, nữ diễn viên đoàn Kim Chung. Năm 1954 bà Thu Nhi giải nghệ. Ông Lê Văn đi chui, sang sống ở San Diego, Cali. Khoảng năm 1980 ông bỏ Hoa Kỳ vế sống nghèo với vợ con ông trong căn nhà nhỏ dưới chân cầu Trương Minh Giảng. Ông qua đời ở dó.

Mặc Thu. Thơ làm ở Cali, Hoa Kỳ trong buổi tiễn biệt Mai Thảo.

Sân ga một đám đứng chờ tầu,
Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.
Tầu chật, có người lên được trước.
Chậm chân, kẻ đợi chuyến tầu sau. 

Một đi là chẳng quay đầu lại.
Áo trắng trên người đủ kín thân.
Ra đi giống thưở ai vừa đến,
Tầu suốt trăm năm chỉ một lần.

Sân ga thấp thoáng bóng người già
Họ sẵn sàng về cõi thật xa.
Hình như trong đám trông chờ ấy,
Có bạn thân tình, có cả ta.

Mời bạn đọc Thơ Nhã Ca làm ở Hoa Kỳ trong Tháng Tư 1999

Thơ giỗ đầu Nguyên Sa

Một mình, một ngựa ra vào
Trường văn, trận bút, trận nào cũng vui.
Nhớ anh, giấy mực bồi hồi,
Lại nghe chữ nghĩa một đời râm ran.
Nén nhang chung cháy đã gần
Câu thơ lục bát, đôi vần tử sinh

*

Nguyên Sa

Nhớ anh xưa mũ đội đầu
Mũ Tây, mũ Mỹ, mũ Tầu, mũ Ta.
Mũ Tây Độc, mũ Đông Tà
Mũ Ông Thầy, mũ Chú Ba… cười cười.

Một mình một ngựa.. Ôi thôi..
Bao nhiêu là mũ rụng rời. Anh đi.
Mũ nan, mũ dạ, mũ ni..
Hôm nay Anh đội mũ gì quá quan?


Thơ Phùng Quán: Đêm Nghi Tàm đọc Thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích…
Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…
Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan…
Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng Già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!…
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết…
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!…
Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!…
Vụng về… tôi dỗ vợ:
”Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương…”
Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt…
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.
Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm


đợi bạn

Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen

Thơ Mai Thảo. Tôi không phải là người bạn Mai Thảo mở cửa sẵn, để đèn sáng ở cầu thang, chờ đến vào lúc nửa đêm, song cũng có một lần tôi đến với Mai Thảo ở căn phòng ấy. Tôi đã lên cầu thang ấy, đi vào khung cửa ấy trong một ngày Tháng Chạp năm 1994 — những ngày như lá, tháng như mây. Thơ Thanh Nam — thời gian thấm thoắt đã 20 năm. Ngày ấy vợ chồng tôi đến Hoa Kỳ được một tháng, một số bạn tôi giúp phương tiện cho chúng tôi sang thăm Quận Cam, Cali, thủ đô của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ.

Tôi đến gập Mai Thảo trong căn phòng anh ngụ sau tiệm ăn Song Long. Cầu thang gỗ, phòng nhỏ, một bàn, một ghế, một giường. Cái giường — như giường nhà thương — chỉ nằm được một người. Tôi ăn bữa trưa hôm đó với Mai Thảo ở Song Long. Và đó là lần cuối cùng tôi gập mặt Mai Thảo.

Sáng mùa hạ nắng vàng ở Rừng Phong, tôi muốn viết về những bài thơ tứ tuyệt của Mai Thảo. Như bài “Ðợi bạn” trên đây. Tôi vẫn kính mộ Thơ Ðường Tứ Tuyệt, tôi vẫn nghĩ chẳng có người nước nào làm Thơ Tứ Tuyệt có thể so sánh với Thơ Ðường Tứ Tuyệt, nhưng hôm nay tôi so sánh bài Tứ Tuyệt “Ðợi bạn” của Mai Thảo với bài “Ước khách” của Triệu Sở Tú đời Ðường.

Ước khách

Hoàng mai thời tiết gia gia vũ
Thanh thảo trì đường xứ xứ oa
Hữu ước bất lai qua dạ bán
Nhàn sao kỳ tử lạc đăng hoa

Thơ dịch của Nguyễn Bính

Khách hẹn

Ao hồ tiếng ếch gần xa
Mai vàng tiết lạnh nhà nhà hoa rơi
Nửa đêm cái hẹn qua rồi
Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn.

Cùng cảnh nửa đêm đợi bạn, Triệu Sở Tú đợi bạn ở đời Ðường, Trung Hoa, cách nay hơn ngàn năm, Mai Thảo đợi bạn nửa đêm ở California, Hoa Kỳ, một đêm cuối Thế kỷ 20.

Ðợi bạn làm tôi xúc động hơnƯớc khách.” Mỗi bài hay một cách riêng. Không thể nói bài nào hay hơn, nhưng tôi nghĩ tôi có thể nói bài thơ “Ðợi bạncủa Mai Thảo hay ngang với bài thơ Ước khách” của Triệu Sở Tú.

Rất nhiều người viết tiểu thuyết tôi được quen biết trong thời trẻ tuổi của họ, thời họ mới viết, có làm thơ. Khi trở thành người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp gần như tất cả những người này bỏ không làm thơ nữa. Tôi chắc Mai Thảo ở trong số người này. Anh chỉ làm thơ sau năm 1975.

Ðây là trường hợp Vật bất đắc kỳ bình tắc minh.” Ngắn gọn là “Bất bình tắc minh — lời Hàn Dũ trong Bài tựa Tiễn Mạnh Ðông Dã”

Trích Cổ Văn Trung Quốc, bài của Âu Dương Tu, Nguyễn Hiến Lê dịch.

Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên. Cây cỏ không có tiếng, gió xáo động thì nó phát ra tiếng. Nước không có tiếng, gió trấn động thì nó phát ra tiếng; đập nó thì nó bắn vọt lên; ngăn nó thì nó chảy dồn lại; nấu nó thì nó sôi sùng sục. Kim, thạch không có tiếng, gõ nó thì nó phát ra tiếng. Người, xét về lời nói thì cũng vậy; có điều bất đắc dĩ rồi sau mới nói: ca đó là có điều nhớ nhung, khóc đó là có điều buồn thảm…

Ngưng trích.

Ngàn năm trước Âu Dương Tu viết: “Không phải thơ làm cho người ta khốn cùng, chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay.” Không hẳn là một định luật đúng trăm phần trăm nhưng thường là như vậy. Mai Thảo có danh văn sĩ ngay từ những năm 1955, 1956 với Ðêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non, rồi chủ trương Tạp chí Sáng Tạo, viết và có sách xuất bản đều cho đến ngày 30 Tháng Tư 75. Rất có thể nếu không có Ngày 30 Tháng Tư 1975 và những đau thương do ngày đó gây ra, cuộc đời này đã không có bài thơ tứ tuyệt “Ðợi bạn” của Mai Thảo.

Những tháng đầu sau khi Bắc Việt Cộng vào Sài Gòn, Mai Thảo gập Nhị Ca, một người bạn văn nghệ của anh năm xưa, nay là cán bộ văn nghệ quân đội Bắc Việt Cộng. Trong một cuộc gập ở nhà Duyên Anh, Nhị Ca nói với Mai Thảo:

— Trong những buổi nói chuyện về văn hóa, văn nghệ Sài Gòn tôi đều nghe họ kể tên ông đứng đầu nhóm văn nghệ sĩ phản động. Tôi sợ cho ông đấy.

Ba người tôi vừa nhắc đến tên: Mai Thảo, Duyên Anh, Nhị Ca nay đều không còn ở cõi đời này.

Sống lêu bêu suốt một năm trời trong thành phố cũ nay đầy cờ đỏ có lần Mai Thảo nói với tôi:

— Tao mà đến Mỹ được tao sẽ lên đài VOA tao nói tung hết. Ðâu có thể để chúng nó quên nhân dân Việt Nam Cộng Hòa như thế này được.

Tháng Ba năm 1976 Cộng sản Hà Nội tung ra chiến dịch bắt tù những văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa; chiến dịch này nằm trong Tổng Chiến Dịch Dẹp Bỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính phủ Giải Phóng Miền Nam. Mai Thảo không có số ở tù nên bọn Công An Thành Hồ rất muốn bắt anh mà không bắt được anh. Anh trốn lánh từ Tháng Ba 1976 đến khoảng Tháng Tư, Tháng Năm 1978 — hơn kém hai năm sống lẩn trốn và bị Công An Việt Cộng lùng bắt gắt gao ở giữa lòng Sài Gòn — anh mới vượt biên đi thoát.

Trong tập “Ta thấy hình ta những miếu đền” không thấy có bài thơ nào Mai Thảo làm ở Sài Gòn trong suốt ba năm trời thần kinh căng thẳng ấy, toàn là thơ làm trên đất Mỹ.

Bờ cõi khởi đầu

Sau những phố xá chập chùng tới những ngã ba nghìn phương. Sau những ngã ba viễn phương tới những tàng cây lục lục…

Tả cảnh trời đất Mỹ :

Trên loài người cách biệt:

Phi cơ bay qua Hồ Lớn Michigan. Tám ngàn trên mặt biển. Phi cơ bay qua mõm biển Long Island..” Thơ Mai Thảo chỉ nói đến hiện tại, không vương vấn nhiều quá khứ. Cũng có nhưng chỉ thấp thoáng quê hương và mơ hồ thương nhớ như trong bài:

năm thứ mười

Nhánh hương thắp nửa này trái đất
Bay đêm ngày về nửa bên kia
Nửa đường hương gẫy trên nghìn biển
Rụng xuống mười xuân đã đứt lìa

cành

Cành đứt lìa mong ngày ghép lại
Vào thân hồng thủy ở rừng xa
Mười lăm năm chỉ niềm mong ấy
Cháy bỏng trên từng đốt ngón ta.

Tôi thấy mấy bài thơ tứ tuyệt của Mai Thảo đúng là tuyệt:

không tiếng

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Ðêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy

trừ tịch

Bước một mình qua ngưỡng cửa năm
Nhân gian tịch tịch tiếng mưa thầm
Chợt đâu vẳng tiếng gà lai kiếp
Báo vẫn đêm dầy ở cõi âm

*

Thiên nhai phương thán dị hương thân
Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân
Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt
Túy tinh hà xứ các chiêm cân.

Thơ tứ tuyệt “Ðông Dương tửu gia tặng biệt” của Vy Trang.

Tặng Thơ giã biệt ở Quán rượu Ðông Dương.

Ðang than thân sống nơi chân trời, đất lạ
Lại hướng về chân trời từ biệt bạn cũ
Sáng mai canh năm vừng trăng cô đơn chiếu trên quán trọ
Tỉnh say ai cũng khóc nước mắt ướt khăn.

…..

Chân trời xứ lạ ngậm ngùi thân
Lại ở chân trời biệt cố nhân
Sớm mai quán lẻ trăng soi lạnh
Tỉnh say ai cũng lệ đầm khăn

Và Cao Thích “Biệt Ðổng Ðại“:

Thập lý hoàng vân bạch nhật huân
Bắc phong suy nhạn, tuyết phân phân
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân ?

…..

Mây vàng trải xa mười dặm, ngày sáng đẹp
Gió bắc thổi nhạn bay, tuyết rơi tơi tả
Ðừng sầu nơi đi tới không có người tri kỷ
Thiên hạ ai là người chẳng biết anh.

…..

Mười dặm mây vàng, trời đã xanh
Nhạn bay gió bắc, tuyết rơi nhanh
Thôi sầu đường tới không tri kỷ
Thiên hạ ai người chẳng biết anh.

Thi sĩ đời Ðường tiễn biệt nhau nơi chân trời, nơi xứ lạ, nhưng dù là chân trời, dù là xứ lạ thì cái chân trời, cái xứ lạ ấy vẫn ở trong đất nước Trung Hoa của họ. Một ngàn năm sau thời Ðường, những thi sĩ Việt Nam tiễn nhau ở những chân trời, những quê người ở một đất nước xa sôi mãi bên kia biển, bên kia trái đất.

Thanh Nam Trần Đại Việt, sinh ở Hà Nội, sống ở Sài Gòn, Việt Nam, chết ở Seattle, Hoa Kỳ, trong cuộc lưu lạc tha hương làm thơ tiễn bạn một đêm ở Seattle:

Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lại nương nhờ chốn viễn phương
Trăm hận nghìn đau nào sánh nổi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương !

…..

Hãy uống cho say trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương
Rồi đây hiu hắt thân bèo dạt
Trôi nổi quê người ai nhớ thương

Bài thơ dài 42 câu, trên đây tôi trích tám câu: bốn câu đầu, bốn câu cuối. Và đây là nguyên bài thơ:

Khúc ngâm trên đất tạm dung

Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lại nương nhờ chốn viễn phương
Trăm hận nghìn đau nào sánh nổi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương
Ta như giông bão tan rồi hợp
Trôi dạt còn hơn sóng đại dương

“..Lận đận bên trời chung một lứa..”
Say càng chua xót, tỉnh càng thương
Tháng năm xa mãi thời hoa mộng
Râu tóc thêm gần với tuyết sương
Trên đất tạm dung, đời tạm trú

Còn gì ngoài mối hận mênh mang…
Tuổi già ví tựa thân tơ mỏng
Cuộc sống trăm cơn gió bạo cuồng !
Ôi bạn, ôi ta, chiều đã xế
Phù sinh thương mình ly rượu xuông.
Uống đi, uống cạn cơn cuồng nộ
Rót hết cho nhau những bẽ bàng…

…..

Rót hết cho nhau những bẽ bàng
Những buồn cơm áo, nhục tha hương
Bốn năm đã thấm trò dâu biển
Một cõi lưu đầy rộn nhiễu nhương
Ác mộng không rời người biệt xứ
Quê xa còn ngút lửa hung tàn
Ði đâu hoặc có về đâu nữa
Cũng gái phong trần, trai gió sương

Thân ái nghìn trùng ..Ôi bạn hữu..
Uống cùng ta nhé rượu bi thương !
Ngục tù bỗng hiện qua màn lệ
Ðêm tối nào như thưở hỗn mang
Dằn chén, lòng đau, thương tích rợn
Gào trên da thịt xích siềng vang
Bàn tay bất lực che ngang mặt
Người ơi, người ôi, sao đoạn trường…

…..

Chim bỏ trời xanh đau cánh gẫy
Ngựa lìa chiến địa nhớ yên cương
Mượn men tủi hận làm phong vũ
Mơ thửơ đầu xanh dựng tuổi vàng.

…..

Hãy uống cho say, trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương
Rồi đây hiu hắt thân bèo dạt
Trôi nổi quê người ai nhớ thương ?

Thấm quá Thanh Nam ơi. Vì mày đã chết nên khi viết những dòng này tao định gọi mày là “bạn,” xưng “tôi,” nhưng tao nghĩ: lúc mình sống mình thân mật mày tao, tại sao khi mình chết mình lại gọi nhau là “anh toi”? Bây giờ tao gọi mày là “bạn” cũng được thôi nhưng tại sao mình lại phải đổi cách xưng hô sang “bạn bạn, tôi tôi” chỉ vì một thằng đã chết, một thằng còn sống ? Ngày gập lại nhau mình sẽ mày tao mà !

Mày làm những lời thơ này năm 1979 — Năm 1979 tao đang nằm trong Nhà Giam số 4 Phan đăng Lưu. Chiều nay mày đã về trong đất mười sáu năm, tao đọc thơ mày mà cảm khái, tưởng nhớ mày, thấy hiển hiện hình ảnh mày, tay cầm ly rượu, đứng cũng rung đùi; nhớ những lần chúng mình cùng Trịnh Viết Thành lên Quang Minh Ðỉnh, những đêm mưa mình ngồi uống bia 33 ở cái quán bên Chợ Ðũi… Sài Gòn… Ngày xưa..

Trịnh Viết Thành đi tù hơn mười năm, từ trại Lao Cải Xuyên Mộc mang thân tàn trở về nhà in Nam Sơn đường Nguyễn An Ninh, đã chết năm 1991.

Thanh Nam ơi.. Thơ mày thât hay, thật thơ, làm tao cảm động. Ôi… Những buồn cơm áo, nhục tha hương. Mày đi trước 30 Tháng Tư 1975, mày còn may mắn, ít nhất cũng may mắn hơn tao. Ði thoát hay kẹt lại chúng mình cùng chung cái nhục bại trận, nhục bỏ chạy, nhục đầu hàng. Tao kẹt lại tao chịu cái nhục cúi mặt trước kẻ thù, và sau mày đến hai mươi mùa lá rụng tao theo mày chịu cái nhục tha hương. Ở xứ người bốn năm mày thấm trò dâu biển, hôm nay tao đã ở xứ người bẩy năm!

Mời bạn cùng tôi đọc Thơ Tứ Tuyệt của Thanh Nam:

Mộng cũ

Nửa khuya nghe động tiếng mưa buồn
Mái lạnh hiên người giọt giọt tuôn
Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng
Dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn.

Thanh Nam thường làm những bài thơ dài. Hai bài thơ nổi tiếng nhất của anh là hai bài Hành: Bài Hành đón tuổi Bốn Mười — làm năm 1970 ở Sài Gòn — và bài Thơ Xuân Ðất Khách — làm năm 1977 ở Seattle, Hoa kỳ. Thời gian sống ở Sài Gòn tôi có được đọc Thơ Xuân Ðất Khách nhưng không trọn bài. Hai muơi năm sau bánh xe tị nạn đến Mỹ Quốc tôi mới có tâp Thơ Xuân Ðất Khách của Thanh Nam. Trong tập chỉ có ba bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Tôi vừa kể một bài, tôi sắp kểø bài thứ hai. Tôi không biết bạn có cảm nghĩ gì, tôi thấy Thơ Tứ Tuyệt của Thanh Nam, như Thơ Tứ Tuyệt của Mai Thảo, thật tuyệt:

Thư nhà

Tuyết đổ dầy thêm, đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà giọt lệ tuôn.

 

THÁNG BẨY 54

Hoa Gạo

Anh đã từng đi khắp bốn phương,
Tháng Ba, anh có thấy trên đường
Những hoa gạo đỏ tươi như máu
Nhầu nát như người lính tử thương ?

Anh ạ, tôi buồn khôn xiết nói
Cánh Tình đã rụng tự đêm qua.
Một khi Tình rụng như Hoa rụng,
Máu đỏ lìa Tim, dạ xót xa.

Thơ Nguyễn Bính

Tháng Bẩy 2017 ở Virginia, trời nắng nóng không khác mấy trời nắng nóng Tháng Bẩy ở Sài Gòn.

Căn phòng tôi có cửa sổ mở ra hướng Đông Nam. Tôi thường dậy lúc 5 giò sáng. Pha ly cà phê tôi mang ra ngồi trước cửa sổ, nhâm nhi – cà phê không có thuốc điếu cùng đi – tôi bỏ thuốc điếu từ năm 1992, hai năm sau ngày tôi đi tù lần thứ hai, ngày tôi lần thứ hai từ nhà tù Việt Cộng trở về mái nhà xưa và vòng tay của người vợ hiền – Nhìn qua cửa sổ ra rừng phong, sáng vào khoảng 6 giờ, tôi thường thấy hai con sóc chuyền cành trên hàng cây. Loài sóc chuyên đi trên cây. Sóc không ăn sâu bọ, sóc ăn trái cây. Những vòm cây trước phòng tôi không cây  nào có trái, tôi không biết những con sóc tôi thấy đó ăn gì để sống.

Tôi không nhớ có lần nào tôi nhìn thấy sóc ở quê hương tôi không; tôi không biết nước Việt Nam của  tôi có loài sóc hay không.

Sáng nay – buổi sáng ngày 12 Tháng Bẩy 2017 – TiVi nhắc lại ngày này Tháng Bẩy năm 2002 anh Mỹ Đen John Allen Muhamad dùng súng bắn chết một người đàn bà ở parking – nơi đậu xe của Nhà Home Depot – Trước khi bắn người đàn bà này, Muhamad đã bắn chết mấy người.

Tên sát nhân bắn người vì thích giết người. Y giết người mà không có lý do. Nhà Home Depot này ở trong vùng nhà tôi, từ nhà tôi đến Nhà Home Depot này chỉ mất  3 phút chạy xe. Tôi từng đến đứng ở parking Home Depot, tưởng tượng cảnh Muhamad bắn người, hắn đứng chỗ nào, nạn nhân đứng chỗ nào.

Ngày 12 Tháng 7, 2002, Ngày 12 Tháng 7, 2017…

Dòng Thời Gian dài một ánh bay..
Những ngày như lá, tháng như mây…

Tháng Bẩy 1954.. Xe ô tô tư nhân từ thành phố Sài Gòn ra thị trấn Vũng Tầu chỉ đi và về được trong hai ngày trong tuần: ngày thứ bẩy và ngày chủ nhật. Trong hai ngày ấy xe ô tô tư nhân, xe car chở khách, phải tụ lại lúc 6 giờ sáng ở Thủ Đức, chờ xe của Lực Lượng Bình Xuyên dẫn đường ra Ô Cấp. Năm xưa ấy dân Sài Gòn quen gọi thị trấn biển ấy là Cấp, theo tên tiếng Pháp Cap Saint Jacque. Xe tư nhân từ Cấp về Sài Gòn cũng phải có xe Bình Xuyên mở đường và dẫn đường. Lực Lượng Bình Xuyên bảo đảm an ninh trên con đường ấy.

Chiến tranh chưa ngừng, chưa có Hiệp Định Geneve, đất nước ta chưa bị cắt đôi. Thị trường tiểu thuyết Sài Gòn năm xưa ấy có loại tiểu thuyết in từng tập, mỗi tập là một tờ giấy báo gấp lại thành 16 trang, giá bán 2 đồng. Loại truyện này bị gọi là tiểu thuyết ba xu, nhưng có nhiều người mua đọc. Truyện ba xu bán chạy nhất là truyện Bàn Tay Máu của Phi Long.

Phi Long là một bút hiệu của anh Ngọc Sơn, một chuyên viên Truyện Phơi-Ơ-Tông của nhật báo Tiếng Chuông. Tôi thấy anh Ngọc Sơn đúng là nhà văn Phơi-Ơ-Tông chân chính. Với bút hiệu Ngọc Sơn anh từng viết những truyện phơi-ơ-tông nổi tiếng trên nhật báo Tiếng Chuông: Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu..v..v.. Năm 1963 anh Ngọc Sơn giải nghệ. Từ đó anh không viết phơi-ơ- tông nữa.

Năm nay – 2017 – tôi không biết anh Ngọc Sơn còn sống ở Sài Gòn hay không. Anh hơn tôi khoảng năm, sáu tuổi.

Đó là chuyện những năm 1952, 1953. Tiểu thuyết từng tập phát triển quá mạnh. Nó lấn át các nhật báo, tuần báo. Nó làm cho các báo không bán được. Nhiều vị chủ nhật báo kêu ca. Năm 1954 Nha Thông Tin Nam Phần cấm xuất bản loại tiểu thuyết Ba Xu này.

Năm 1953 tôi viết hai truyện tiểu thuyết Ba Xu. Mỗi tập 16 trang tôi được ông chủ Nhà In Ban Mai trả 300 đồng. Như vậy mỗi tháng tôi có 1200 đồng.

Tháng Bẩy 1954 Alice và tôi sống ở Cấp. Buổi sáng chúng tôi ăn sáng ở Chợ Vũng Tầu. Tôi đến sạp báo, trên tờ Tiếng Chuông tôi thấy hàng chữ bản tin chạy 8 cột:

Chiến Tranh Đông Dương chấm dứt.
Nước Việt Nam chia đôi!

Từ buổi sáng đó đến buổi sáng hôm nay, 62 năm…


Tôi thích sống ở biển. Những năm 1970 tôi có ý định ra sống luôn ở Vũng Tầu, trong một căn nhà ven biển. Từ nhà tôi đi qua đường là xuống biển. Trong căn nhà đó tôi sống và viết. Tôi gửi bài viết về những tòa báo ở Sai Gòn bằng Bưu Cục. Khoảng nửa tháng tôi về Sài Gòn một lần. Tôi về lấy tiền ở những nhà báo, nhà xuất bản. Tôi chỉ cần mua thuốc điếu Mỹ – Lucky, Pall Mall – mang ra Vũng Tầu.

Tội nói :

– Chúng mình yêu nhau đã sáu mươi năm!

Alice nói;

– Sáu mươi hai năm.

Một buổi sáng Tháng Bẩy Sáu Mươi Hai Năm Xưa, chúng tôi ngồi bên nhau trong vườn nhãn một căn nhà trong thị xã Vũng Tầu. Nàng 22 tuổi, tôi 24. Nàng trẻ, Nàng đẹp. Nàng như bông hoa chớm nở. Nay Nàng là bà già Tám Mươi..

Tôi không thể diễn tả Nàng bây giờ, khi Nàng tám mươi tuổi.

Ngày xưa Nàng nói:

– Em thích nhất là khi em vào chỗ nào có mấy bà, mấy cô. Một bà giới thiệu “Đây là chị Hoàng Hải Thủy,” Em thấy mắt các bà, các cô ấy sáng lên.

Mùa thu mây trắng xây thành
Tình Em mầu ấy có xanh da trời?
Hoa lòng Em có về tươi?
Môi Em có thắm suốt đời vì Anh?

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình Ta nước biển một mầu như xưa.
Yêu bao giờ, đến bao giờ?

Thời Gian nào rộng cho vừa Tình Ta?
Lòng Em hoa vẫn tươi hoa.
Môi Em thắm đến Em già chưa phai.
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai.
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài Em yêu!

Sau hai lần ngã phải vào bệnh viện, Nàng đi lại khó khăn. Lần ngã nặng thứ hai cách hôm nay 5 năm. Bị ngã quá nặng, khi nằm trong ICU – Intensive Care Unit – Phòng Cấp Cứu – Nàng nói;

– Xin Chúa tha tội cho Em.

Tôi nói;

– Em có tội gì? Mà em có tội gì, Chúa cũng tha cho Em rồi.

Bên giường nàng, tôi xin Đức Bà Maria:

– Xin Bà cho vợ con sống với con 5 năm nữa.

Tới hôm nay – một ngày Tháng Bẩy 2017 – vợ tôi đã sống với tôi 7 năm

Kính mừng Maria đầy ân phúc.
Đức Chúa Trời ở cùng bà.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Jesus, con của bà, đầy phúc lạ.
Bà Thánh Maria, xin Bà cầu cho chúng tôi, khi nay và trong giờ lâm tử.


Tháng Bẩy 1954 tôi đang viết truyện Tình trong Hang Máu, tiểu thuyết Ba Xu, xuất bản từng tập 16 trang,

Ra Cấp, ngoài những giờ ở bãi biển, tôi ngồi nhà viết Tình trong Hang Máu

Alice ngồi bên tôi, tôi viết xong trang nào, Nàng đọc trang ấy.

Khi ấy chúng tôi tình trong như đã..Như trong tấm ảnh chúng tôi ghi ở Long Hải năm ấy, chúng tôi đứng bên nhau nhưng không nắm tay nhau. Chúng tôi chưa nói những tiếng;

– Anh yêu Em.

– Em yêu Anh.

Ảnh này đến với chúng tôi từ 60 năm trước. Dưới ảnh là xác khô của hai cánh hoa Orchid, thường được dân Sài Gòn gọi là hoa Forget Me Not

Tháng Bẩy 1954, Long Hải.

 

Thời gian qua mau… Những ngày như lá, tháng như mây..

Tháng Bẩy 2017, chúng tôi nói với nhau:

– Tại sao Em yêu Anh?

– Tháng Bẩy năm 1954, trong vườn nhãn ở Cấp, Em thấy mắt Anh nhìn Em, Em nghĩ:

“Làm vợ người này, mình sẽ được yêu thương nhiều lắm.”

Từ Sài Gòn, Văn Quang viết cho tôi:

“Cuộc Tình của vợ chồng mày cho thấy ở đời này có những người yêu nhau từ trẻ đến già.”


Đêm xuống trong bệnh viện, Nàng nói nhỏ, như tiếng thì thầm:

– Ở lại với Em. Đừng về.

Đêm khuya, Nàng khó thở, tiếng Nàng thở hít khò khè, tôi báo với cô y tá trực đêm. Cô mang dàn máy dưỡng khí vào cho Nàng thở.

Là người tỵ nạn chính trị, chúng tôi được hưởng những benefits như những sĩ quan: chúng tôi có Medicaid, Medicare, Foodstamp, đi khám bệnh, đau nằm bệnh viện không phải trả tiền.

Đặc biệt trong Sở Xã Hội Quận Fairfax, nơi vợ chồng tôi sống, có vị nhân viên người Việt có sáng kiến cung cấp những bữa cơm Việt Nam cho chúng tôi. Sở nhờ Nhà Hàng Hương Bình ở Trung Tâm Eden làm công việc này. Có những vị tự nguyên đến Nhà Hàng mỗi ngày lấy cơm đưa đến tận phòng cho chúng tôi. Những phần cơm canh đựng trong những hộp mob. Mỗi phần ăn chúng tôi phải trả 1 đồng. Như vậy tiền cơm của chúng tôi mỗi tháng là 80 đồng. Mỗi người 40 đồng.

Dường như trên khắp nước Kỳ Hoa không thành phố nào có việc Sở Xã Hôi cho nhân viên đem phần cơm đến tận nhà cho những người già như chúng tôi.

Tôi cám ơn các vị thiện nguyện.

Biết chuyện Cơm Canh của chúng tôi, Thanh Thương Hoàng, ở San Jose, nói:

– Ở đây tao cũng có cơm xã hội, mỗi bữa 3 đồng. nhưng tao phải đến ăn ở tiệm ăn Việt Nam, chúng mày sướng quá.

 Anh đã từng đi khắp bốn phương,
Tháng Ba, anh có thấy trên đường
Những hoa gạo đỏ tươi như máu
Nhầu nát như người lính tử thương ?

Anh ạ, tôi buồn khôn xiết nói
Cánh Tình đã rụng tự đêm qua.
Một khi Tình rụng như Hoa rụng,
Máu đỏ lìa Tim, dạ xót sa.


Hoàng Cầm, Bên Kia Sông Đuống

Em ơi! Buồn làm chi 
Anh đưa em về sông Đuống
 
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
 

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
 
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
 
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
 
Ngô khoai biêng biếc
 

Bên kia sông Đuống 
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
 
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
 

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
 
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
 
Những hội hè đình đám
 
Trên núi Thiên Thai
 
Trong chùa Bút Tháp
 
Giữa huyện Lang Tài
 
Gửi về may áo cho ai
 
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
 
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
 
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
 
Những em sột soạt quần nâu
 
Bây giờ đi đâu, về đâu?
 

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
 
Những cô hàng xén răng đen
 
Cười như mùa thu toả nắng
 
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
 
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
 
Những nàng dệt sợi
 
Đi bán lụa mầu
 
Những người thợ nhuộm
 
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
 
Bây giờ đi đâu, về đâu?
 

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
 
Em mặc yếm thắm
 
Em thắt lụa hồng
 
Em đi trẩy hội non sông
 
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.


Tôi không biết miền Trung, miền Nam Việt Nam có cây hoa gạo hay không. Cây hoa gạo ở miền Bắc thường có ở những bờ đê. Giống cây này ít lá, nên không bị gió cuốn, rễ cây lớn nên dù bão thổi cũng không bật rể, không đổ cây, cây bảo vệ đê tốt nhất.

Tôi thấy cây hoa gạo ở trên đê sông Đuống quê tôi. Bài Thơ Hoa Gạo của Nguyễn Bính tả loài hoa này thật tuyệt. Loài hoa này không liên can gì đến gạo, tại sao nó có tên là hoa Gạo? Hoa cánh đỏ, có những sợi tơ trắng. Tơ hoa gạo thường bay theo gió.

Một buổi tối mùa thu năm 1947 tôi đi trên đê sông Đuống. Trời sáng trăng. Từ trên đê tôi đi xuống cánh đồng để về làng tôi. Tất cả đất trời lúc ấy chỉ có mình tôi.

Và vầng trăng vàng.

Tối mùa thu ấy tôi 14 tuổi. Trên đường qua cánh đồng lá ngô reo sào sạc, tôi nghĩ:

– Ngày nào ta ba mươi tuổi, ta sẽ trở về đây, ta sẽ đi một mình qua cánh đồng này như tối hôm nay ta đi. Ta sẽ nhớ lại buổi tối hôm nay ta đi như thế này.

Tối ấy khi tôi về đến nhà tôi, thầy mẹ tôi và các em tôi còn thức. Sáng trăng chiếu trải trên thềm nhà. Có rổ khoai lang vừa luộc xong.

Mùa thu 1948 tôi là nhân viên Ban Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm, tôi được lên Thái Nguyên dự Khóa Huấn Luyện. Thái Nguyên là địa đầu của Việt Bắc. Học viên từ nhiếu Liên Khu về học. Vì giữ bí mật nên các học viên không được dùng tên thật, dù là bí danh. Vào trường, chúng tôi xếp hàng. Tôi ít tuổi nhât, thấp nhất, đứng đầu hàng. Điểm số, tôi Số Một. Tôi có tên là chú Một. Mấy chị đứng sau tôi là chị Hai, chị Ba v..v…

Một lần chúng tôi được về thực tập ở thị xã Thái Nguyên. Phi cơ Pháp bay đến. Báo động. Mọi người từ trong thị xã kéo lên sườn núi. Trong rừng thông tôi thấy một gia đình tản cư. Ông bố, bà mẹ như bố mẹ tôi, con ông bà mấy người như anh em tôi. Nhìn họ tôi nhớ bố mẹ tôi, tôi nhớ các em tôi quá.

Buổi chiều, tôi ngồi trên thềm nhà, một chị cũng về học như tôi, hỏi tôi:

–  Sao chú buồn thế?

Chiều hôm ấy tôi nhớ thầy mẹ tôi, nhớ các em tôi, mà tôi không biết.

Năm 1947 anh Dũng, Ủy Viên Thanh Niên Gia Lâm, tổ chức ban kịch tuyên truyền lưu động đi diễn ở những đình làng trong phủ. Ban Kịch có 5 diễn viên, trong số có Xuân Cang, và tôi. Chúng tôi cùng ở vào số tuổi 14, 15. Xuân Cang nay là nhân viên Tòa Soạn báo Người Lao Động ở Hà Nội.

Một tối anh Dũng đưa anh em tôi đến thăm mấy anh Vệ Quốc Quân.

Sáng trăng. Chúng tôi ngồi ngoài sân nhà. Giữa chúng tôi là rổ khoai lang luộc. Anh Đội Trưởng nói với chúng tôi:

– Các anh chiến đấu dành độc lập. Nhưng các anh sẽ không hưởng hạnh phúc được sống độc lập. Các em sẽ hưởng.

Đó là đêm sáng trăng năm 1947 ở Gia Lâm, Bắc Ninh.

Đêm sáng trăng năm 1948 ở một làng ven thị xã Thái Nguyên, giữa chúng tôi có một rổ sắn luộc, anh thanh niên nhìn tôi:

– Anh thương em. Anh đi kháng chiến là nhiệm vụ của các anh. Còn em, em và những em cùng tuổi với em, các em đang tuổi đi học. Lẽ ra các em phải được sống yên bình, trong tình yêu thương của bố mẹ. Nhưng các em cũng đi chiến đấu như các anh.

Bẩy mươi mùa thu lá bay qua đời tôi. Nhanh thật là nhanh.

Vẫn biết Thời Gian qua nhanh, chỉ không ngờ nó qua nhanh đến thế.

Mới ngày nào, như mới hôm qua, tôi là chú thiếu niên 14 tuổi…

Hôm nay tôi 84.

Tôi không một lần trở về cánh đồng trăng thu năm xưa.

Nhưng chú thiếu niên 14 tuổi năm xưa sống mãi trong tôi. Chú không già đi, với tôi chú mãi mãi 14 tuổi.

Tôi vừa nhìn thấy chú đi qua cánh đống lá ngô reo sào sạc trong buổi tối mùa thu trăng vàng..

Chàng ơi, đừng hỏi tại sao
Những nàng môi thắm, má đào nay đâu?
Tại sao khúc nhạc này sầu?
Sao không thắm lại mái đầu như tơ?
Tuyết trắng ngày xưa…
Tình Yêu, Tuổi Trẻ, bây giờ ở đâu?

NHẠC SẦU THÁNG SÁU

Kỳ Hoa Đất Trích. Tháng Sáu 2017.

Tôi nhớ lại những sáng năm xưa tôi trở dậy trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi nhừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng, ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá.., những sáng trong tù mà không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng xà-lim xưa ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

Tại sao những sáng năm xưa ngồi trong xà-lim, với ca nước lanh trước mặt, tôi không buồn, tôi không cảm thấy tôi tuyệt vọng?

Tại vì: Những sáng năm xưa ấy tôi Năm Mươi tuổi. Năm Bó.

Tôi buồn, tôi tuyệt vọng vì năm nay tôi Tám Mươi tuổi. Tám Bó.

Tôi tìm được một số chuyện về Chết trên WEB. Mời quý vị đọc:

Chết (Huy Cận)

Chân quấn quít rồi đến ngày nghỉ bước;
Miệng trao lời rồi đến buổi làm thinh;
Thân có đôi chờ lúc ngủ một mình,
Không bạn lứa cũng không mền ấm nóng;

Tai dưới đất để nghe chừng tiếng sóng
Ở trên đời; – đầu ấy ngửng lên cao
Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào;
Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí,

Một dáng điệu suốt trăm nghìn thế kỷ!
Ngày sẽ về, gió sẽ mát, hoa tươi,
Muôn trai tơ đi hái vạn môi cười,
Làn nắng ấm vào khua trong lá sắc;

Nhưng mắt đóng trong đêm câm dằng dặc,
Còn biết gì trời đất ở bên kia;
Bướm bay chi! tay nhậy đã chia lìa;
Tình gọi đó, nhưng lòng thôi bắt mộng.

Bỏ chung chạ để nằm khô một bóng;
Chẳng ai vào an ủi nắm bàn tay:
Khổ bao nhiêu cho một kẻ hằng ngày
Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!


Nhạc Sầu (Huy Cận)

Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế !
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường
Phố đìu hiu màu khói cũ lên sương
Sương hay chính bụi tàn phai lả tả
Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá
Chim vui đâu cây đã gãy vài cành
Ôi chiều buồn ! Sao nắng quá mong manh
Môi tái nhạt nào mà cười héo vậy ?

Ai chết đó? trục xoay và bánh đẩy
Xe tang đi về tận thế giới nào ?
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó
Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ
Trần gian sao? Đây thành phố đang quen
Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền
Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy !

Và ngựa ơi, đi nhịp đằm chớ nhảy
Kẻo thân đau chưa quên nệm giường đời
Ai đi đưa, xin đưa tận cuối trời
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi
Người đã chết- Một vài ba đầu cúi
Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ
Để cho hồn khi sắp xuống hư vô
Còn được thấy trên mặt người ấm áp
Hình dáng cuộc đời từ nay xa tắp

Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh
Không gian ơi, xin hẹp bớt mông mênh
Ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt !
Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết
Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn
Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế…

Ai chết đó? nhạc buồn chi lắm thế !
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời ? ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ !
Sầu chi lắm! trời ơi, chiều tận thế !


CTHĐ tôi đọc bài Thơ Nhạc Sầu năm tôi mười tuổi – 1942, 1943. Trong bẩy mươi năm bài Thơ vẫn sống trong tôi. Nhưng tôi không nhớ toàn bài. Sáng nay tôi tìm được bài Thơ trên Internet. Tôi gửi tặng Bạn – Bạn, người đang đọc những dòng chữ này….

o O o

Điện thư Văn Quang gửi từ Sài Gòn, ngày 20 Tháng Hai 2016.

* Rất buồn nhận được mấy lá thư của mày về tình trạng bà Alice. Bà Ngân nhà tao dân dấn nước mắt khi vừa đọc xong thư mày. Tao an ủi nhưng bà ấy không cầm được nước mắt, chỉ lắc đầu không nói được câu nào. Tao biết tâm trạng rối bời đau thương của mày. Nhưng người đi được ra đi bên chồng con trong lúc tuổi già cũng là một Hạnh Phúc. Tao với vợ chồng mày là bạn thân thiết nửa thế kỷ rồi.  Dù thế nào vợ chồng tao cũng luôn cầu nguyện cho bà Alice.

Văn Quang+Ngân

o O o

Điện thư của Văn Quang, gửi từ Sài Gòn ngày 22/2/2016

Hoàng Hải Thủy ơi,

Hôm nay là Ngày Rằm Tháng Giêng và là Ngày Giỗ Bà Mẹ tao (bà mất ở Mỹ.) Tao nhận được meo này của mày khi tao đang ngồi ở Cafe với mấy đứa cháu. Tao mừng quá vội trả lời cho mày bằng cái iPhone của thằng con út tao cho, iPhone có viber để hai bố con nói chuyện với nhau và nhìn thấy nhau mà không mất xu nào. Mail không có dấu nên tao đánh vội vài câu. Bây giờ về nhà mới gửi meo đàng hoàng này cho mày và cho bà Ngân đọc mail của mày luôn. Bà ấy nói em vừa cúng Mẹ vừa cầu nguyện cho bà Alice. Được biết bà Alice từ bệnh viện về nhà, ăn được, đi lại được, Bà Ngân mừng lắm. Tao thấy Bà Alice còn ăn được mỗi bữa vài muỗng cơm và đi được vài bước là sẽ còn sống mí mày lâu, yên tâm đi, bà Alice sẽ khỏe lại. Tao tin thế.

Văn Quang

*

CTHĐ: Tháng Hai 2016 vợ tôi đau, nằm liệt mấy ngày. Phạm Thông, người chủ trương tờ báo tháng Con Ong, ở Houston, Texas, tưởng vợ tôi đã ra đi vĩnh viễn, gửi điện thư chia buồn với tôi:

* Đau đớn chia buồn cùng anh và các cháu. Chúng tôi cầu nguyện cho chị. Và xin anh bình tĩnh. Trước sau chúng ta cũng ra đi thôi.

Phạm Thông.

o O o

Bây giờ là 4 giờ sáng ngày 22 February 2016 ở Virginia. Câu Thơ về Luật Vô Thường đến với tôi:

Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường
Nhưng khó ngăn dòng Lệ Tiếc Thương.

Thơ của ông Trần Văn Khê. Ông làm những lời Thơ này khi người đàn bà ông yêu thương ra đi lần cuối.

Câu Thơ này đến với tôi đã lâu, mấy ngày nay tôi mới thấm nó. Nguyên bài Thơ:

Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường
Nhưng khó ngăn dòng Lệ Tiếc Thương.
Những tưởng phượng loan vầy một tổ,
Đâu ngờ cầm sắt rẽ đôi đường.
Tiễn Em chấp bút lau dòng lệ,
Điếu bạn nâng đàn đốt nén hương.
Cầu nguyện Phật Trời mau tế độ.
Dẫn Em siêu thoát tận Tây Phương.

Đoạn văn ông Trần Văn Khê viết trong Hồi Ký Một Gánh Nhạc, Một Cuộc Đời. Nguyên văn:

Ngày 10 Tháng Ba, 1997, tôi nhận được hung tin Em Đoan từ giã cõi đời. Lúc đó tôi vẫn chưa biết tôi có được thị thực nhập cảnh Mỹ hay không, đành giở lại hình ảnh những buổi cùng nhau du ngoạn ở Pháp, bên Mỹ, đọc lại vài bức thư của Em rối viết bài thơ phúng điếu, thắp nén hương, đờn lại những bản mà lúc sinh tiền Em thích nghe. Tôi đọc bài thơ qua điện thoại cho em gái của Đoan ghi lại để đọc trước lúc tẩm liệm:

Vĩnh Biệt Em
Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường…

o O o

DANH NGÔN VỀ CHẾT

* Chúng ta không thể xóa đi nguy hiểm, nhưng chúng ta có thể xóa đi nỗi sợ. Chúng ta không được hạ thấp sự sống bằng việc đứng ngẩn ngơ nhìn cái Chết.

We cannot banish dangers, but we can banish fears. We must not demean life by standing in awe of death.

David Sarnoff       

* Người bạn công bằng: Cái Chết, vị thần bất tử duy nhất đối xử với chúng ta ai cũng như nhau; lòng thương, sự yên bình và che chở của Ngài dành cho tất cả – dù trong trắng hay vấy bẩn, dù giàu hay nghèo, dù được yêu thương hay bị chối từ.

The Impartial Friend: Death, the only immortal who treats us all alike, whose pity and whose peace and whose refuge are for all–the soiled and the pure, the rich and the poor, the loved and the unloved.

Mark Twain       

* Cuộc sống là một điều lạ lùng. Tại sao người ta lại khát khao cuộc sống như vậy? Đó là trò chơi mà không người nào thắng. Sống là lao lực vất vả và chịu đựng khổ đau, cho tới khi tuổi già trườn tới và chúng ta đặt tay xuống tro lạnh của lửa tàn. Sống thật khó khăn. Đứa trẻ đau đớn hít hơi thở đầu tiên, người già đau đớn hổn hển hơi thở cuối cùng, và tất cả ngày tháng tràn đầy rắc rối và buồn thương; và vậy mà con người tiến vào vòng tay rộng mở của cái chết, loạng choạng, ngã díu, đầu quay về sau, chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Và cái chết đầy tử tế. Chỉ cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng.

Life is a strange thing. Why this longing for life? It is a game which no man wins. To live is to toil hard and to suffer sore, till old age creeps heavily upon us and we throw down our hands on the cold ashes of dead fires. It is hard to live. In pain the babe sucks his first breath, in pain the old man gasps his last, and all his days are full of trouble and sorrow; yet he goes down to the open arms of death, stumbling, falling, with head turned backward, fighting to the last. And death is kind. It is only life and the things of life that hurt. Yet we love life and we hate death. It is very strange.

Jack London       

* I carry Death in my left pocket. Sometimes I take it out and talk to it: “Hello, baby, how you doing? When you coming for me? I’ll be ready.”

Tôi mang cái Chết trong túi áo trái. Đôi khi tôi lấy nó ra và nói với nó: “Chào cưng, dạo này cưng thế nào? Khi nào thì cưng đến với ta? Ta sẽ sẵn sàng.”

Charles Bukowski       

* Con người mù quáng đi trên đường đời, lờ đi cái chết giống như những người dự tiệc ngốn ngấu đồ ăn ngon. Họ không nghĩ đến việc sau đó sẽ phải đi vệ sinh, nên chẳng buồn tìm xem liệu có nhà vệ sinh không. Khi tự nhiên đòi hỏi, họ chẳng biết phải đi đâu, và trở nên rối loạn.

People go through life blindly, ignoring death like revellers at a party feasting on fine foods. They ignore that later they will have to go to the toilet, so they do not bother to find out where there is one. When nature finally calls, they have no idea where to go and are in a mess.

Ajahn Chah       

* Nếu con người bất tử, anh ta chắc chắn sẽ chứng kiến cái ngày mà mọi thứ anh ta tin tưởng sẽ phản bội anh ta, và, nói ngắn gọn, cuối cùng cũng tiến tới đau khổ tuyệt vọng. Anh ta rốt cuộc sẽ sụp đổ, giống như mọi cơ đồ, giống như mọi vương triều, giống như mọi nền văn minh. Thay vì điều này, chúng ta có cái chết.

If man were immortal he could be perfectly sure of seeing the day when everything in which he had trusted should betray his trust, and, in short, of coming eventually to hopeless misery. He would break down, at last, as every good fortune, as every dynasty, as every civilization does. In place of this we have death.

Charles Sanders Peirce       

* Để chống lại cái Chết, bạn không cần quá nhiều ở cuộc sống, chỉ một cuộc sống chưa kết thúc là đủ rồi.

To combat Death you don’t need much of a life, just one that isn’t yet finished.

Herta Müller       

* Linh hồn không mang gì theo nó sang thế giới bên kia, ngoài nền tảng giáo dục và văn hóa. Ở điểm khởi đầu của cuộc hành trình sang thế giới bên kia, nền tảng giáo dục và văn hóa có thể trở thành trợ giúp lớn nhất, hoặc nếu không sẽ thành gánh nặng lớn nhất của người vừa qua đời.

The soul takes nothing with her to the next world but her education and her culture. At the beginning of the journey to the next world, one’s education and culture can either provide the greatest assistance, or else act as the greatest burden, to the person who has just died.

Plato       

* Nếu bạn sợ bệnh, nếu bạn sợ chết thì hãy quán sát xem chúng từ đâu đến. Chúng đến từ sự sinh. Thế nên, đừng buồn khi có người chết. Cái khổ của họ trong đời này đã hết rồi. Chết là một chuyện tự nhiên thôi. Nếu bạn muốn buồn thì hãy buồn khi có người sinh ra đời: “ Tội nghiệp thay! Họ lại đến nữa rồi. Họ sắp phải đau khổ và sẽ phải chết nữa ”.

If you’re afraid of illnesses, if you are afraid of death, then you should contemplate where they come from. Where do they come from? They arise from birth. So don’t be sad when someone dies – it’s just nature, and his suffering in this life is over. If you want to be sad, be sad when people are born: “Oh, no, they’ve come again. They’re going to suffer and die again!”

Ajahn Chah       

* Cái Chết không dập tắt ánh sáng; nó chỉ là việc tắt đèn đi vì bình minh đã đến.

Death is not extinguishing the light; it is only putting out the lamp because the dawn has come.

Rabindranath Tagore       

* Ngay khi bạn sinh ra trên thế giới này, bạn đã đủ già để chết.

Once you are born in this world you’re old enough to die.

Soren Kierkegaard      

* Và tốt hơn biết bao khi chết trong thời gian hạnh phúc của tuổi trẻ còn chưa nản chí, sống hết mình trong ánh sáng rực rỡ, hơn là nhìn thể xác kiệt quệ và già nua và vỡ mộng.

And how much better to die in all the happy period of undisillusioned youth, to go out in a blaze of light, than to have your body worn out and old and illusions shattered.

Ernest Hemingway       

* Người hiểu biết phải ý thức rằng mọi pháp trên thế gian không có bản thể trường cửu. Bởi vậy, Người hiểu biết không vui hay buồn vì họ không bị cuốn trôi theo các pháp thế gian luôn luôn biến đổi này. Trở nên vui là sinh. Trở nên buồn là tử. Chết rồi lại được sinh ra, và sinh ra lại chết nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luân lưu bất tận của vòng sinh tử.

The “one Who Knows” clearly knows that all conditioned phenomena are unsubstantial. So this “One Who Knows” does not become happy or sad, for it does not follow changing conditions. To become glad , is to be born; to becomes dejected, is to die. Having died, we are born again ; having been born . we die again . This birth and death from one moment to the next is the endless spinning wheel of samsara.

Ajahn Chah       

* Cái chết không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy đến cho con người.

Death is not the worst that can happen to men.

Plato       

* Trong mỗi cái chết đều có sự hân hoan; trong mỗi khoái lạc đều có chút chết chóc.

In every death is a celebration; in every ecstasy, one little death.

Norman Mailer       

* Sinh và tử của ta chỉ là một. Bạn không thể có cái này mà chẳng có cái kia. Người ta buồn rầu than khóc khi có ai chết, và vui cười hớn hở khi thấy một đứa trẻ sinh ra đời. Thật khôi hài làm sao! Đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nếu muốn khóc, hãy khóc lúc có ai sinh ra. Hãy khóc từ cái gốc, vì không có sự sinh thành, cũng sẽ không có cái chết. Bạn hiểu được không?

Our birth and death are just one thing. You can’t have one without the other. It’s a little funny to see how at a death people are so tearful and sad, and at a birth how happy and delighted. It’s delusion. I think if you really want to cry, then it would be better to do so when someone is born. Cry at the root, for if there were no birth, there would be no death. Can you understand this?

Ajahn Chah       

* Ngọt ngào sao tình yêu chân thực được trao đi trong vô vọng, ngọt ngào sao cái chết lấy đi những khổ đau.

Sweet is true love that is given in vain, and sweet is death that takes away pain.

Alfred Tennyson       

* Cái chết chỉ đơn giản là sự lột xác của thể xác cũng như con bướm chui ra khỏi kén. Nó là sự chuyển tiếp sang một trạng thái nhận thức cao hơn, mà ở đó bạn tiếp tục quan sát, nhận thức, cười, có thể trưởng thành, và thứ duy nhất mà bạn mất đi – cái mà bạn không còn cần nữa, đó chính là thể xác bạn. Điều này giống như việc bạn cất áo ấm khi mùa xuân tới và bạn biết cái áo đã trở nên quá mòn sờn và bạn không còn muốn mặc nó nữa.

Death is simply a shedding of the physical body like the butterfly coming out of a cocoon. It is a transition into a higher state of consciousness, where you continue to perceive, to understand, to laugh, to be able to grow, and the only thing that you lose is something that you don’t need anymore, and that is your physical body. It’s like putting away your winter coat when spring comes and you know that the Coat is too shabby and you don’t want to wear it any more.

Elisabeth Kubler-Ross       

* Tôi hy vọng cái chết sẽ là hạnh phúc lớn lao, hạnh phúc lớn lao như tình yêu, tình yêu thỏa nguyện.

I hope death will be a great happiness, a happiness as great as that of love, fulfilled love.

Hermann Hesse       

* Việc dễ nhất trên thế gian này là Chết. Việc khó nhất là Sống.

It is the easiest thing in the world to die. The hardest is to live.

Eddie Rickenbacker       

* Đức Phật dạy Ngài Ananda quán sát sự vô thường, quán tưởng cái chết trong từng hơi thở. Chúng ta phải hiểu sự Chết. Chúng ta chết để được sống. Câu nầy có nghĩa gì? Chết là chấm dứt mọi hoài nghi, mọi vấn đề và sống ngay trong hiện tại. Không phải ngày mai chúng ta mới chết, chúng ta phải chết ngay bây giờ. Bạn có thể làm được điều này không? Nếu làm được, thì chẳng còn vấn đề gì nữa và bình yên tĩnh lặng sẽ đến với bạn.

The Buddha told his disciple Ananda to see impermanence, to see death with every breath. We must know death; we must die in order to live. What does this mean? To die is to come to the end of all our doubts, all our questions, and just be here with the present reality. You can never die tomorrow; you must die now. Can you do it? If you can do it, you will know the peace of no more questions.

Ajahn Chah       

* Cái chết gần gũi với ta như hơi thở.

Death is as close as our breath.

Ajahn Chah       

* Nếu biết tự luyện và thực hành đúng cách thì bạn sẽ không sợ hãi mỗi khi bị bệnh và không còn đau buồn trước cái chết của người thân. Khi phải vào bệnh viện chữa trị thì hãy tự xác quyết rằng: Lành bệnh thì tốt mà không lành bệnh cũng tốt thôi. Nếu bác sĩ cho biết tôi bị ung thư và sẽ chết trong vài tháng thì tôi sẽ nhắn nhủ bác sĩ rằng: “ Hãy cảnh giác, cái chết cũng đang đến tìm ông đó! Vấn đề là ai đi trước và ai đi sau mà thôi! ”. Bác sĩ không thể chữa trị và ngăn ngừa cái Chết. Chỉ có Đức Phật mới làm được việc này. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không dùng thuốc của Đức Phật?

If you trained properly, you wouldn’t feel frightened when you fall sick, nor upset when someone dies. When you go into the hospital for treatment, determine in your mind that if you get better, that’s fine, and that if you die, that’s fine, too. I guarantee you that if the doctors told me I had cancer and was going to die in a few months, I’d remind the doctors, “Watch out, because death is coming to get you, too. It’s just a question of who goes first and who goes later.” Doctors are not going to cure death or prevent death. Only the Buddha was such a doctor, so why not go ahead and use the Buddha’s medicine?

Ajahn Chah       

* Chúng ta sợ hãi cái Chết, ta run rẩy trước sự bất ổn định của cuộc đời, ta đau khổ khi thấy hết đóa hoa này đến đóa hoa khác héo tàn, và lá cây rụng xuống, và trong trái tim, ta biết ta cũng chỉ là một thoáng phù du và sẽ sớm tan biến. Khi người nghệ sĩ vẽ tranh và nhà tư tưởng tìm kiếm quy luật và hình thành tư duy, cũng chính là để cướp lấy thứ gì đó từ vũ điệu vĩ đại của cái Chết, để tạo ra thứ gì đó trường tồn hơn bản thân chúng ta.

We fear death, we shudder at life’s instability, we grieve to see the flowers wilt again and again, and the leaves fall, and in our hearts we know that we, too, are transitory and will soon disappear. When artists create pictures and thinkers search for laws and formulate thoughts, it is in order to salvage something from the great dance of death, to make something last longer than we do.

Hermann Hesse       

* Và một ngày nào đó, sẽ chẳng có gì còn lại của những thứ đã vặn vẹo cuộc đời tôi, không ngừng khiến tôi chất đầy đau khổ. Một ngày nào đó, trong cơn mệt mỏi cuối cùng, sự bình yên sẽ đến và đất mẹ sẽ đón tôi về nhà. Đấy không phải là kết thúc, chỉ là một cách để tái sinh, sự đắm chìm và giấc ngủ nơi những người già nua nằm xuống, nơi người trẻ bắt đầu hơi thở. Và rồi, với những suy nghĩ khác, tôi sẽ bước dọc theo những con phố, và lắng nghe các dòng chảy, và nghe điều bầu trời nói vào buổi chiều, không ngừng nghỉ.

And some day there will be nothing left of everything that has twisted my life and grieved it and filled me so often with such anguish. Some day, with the last exhaustion, peace will come and the motherly earth will gather me back home. It won’t be the end of things, only a way of being born again, a bathing and a slumbering where the old and the withered sink down, where the young and new begin to breathe. Then, with other thoughts, I will walk along streets like these, and listen to streams, and overhear what the sky says in the evening, over and over and over.

Hermann Hesse       

* Với sự trang nghiêm bao la, cái Chết là ánh sáng khiến những đam mê lớn lao, cả tốt và xấu, đều trở nên trong suốt, không còn bị giới hạn bởi vẻ bề ngoài.

Because of its tremendous solemnity Death is the light in which great passions, both good and bad, become transparent, no longer limited by outward appearences.

Soren Kierkegaard       

* Khi không hiểu được sự Chết thì cuộc sống này có nhiều lẫn lộn.

When one does not understand Death, life can be very confusing.

Ajahn Chah       

SỐNG, HỌC, LÀM, CHƠI

Tôi thích đọc chữ Nho – tên khác là Chữ Hán, Chữ Tầu – nên năm 1967 tôi mua sách dậy Chữ Nho về tự học. Hai lần tôi tự học Chữ Nho, hai lần tôi bỏ cuộc. Chữ Nho khó tự học quá. Khi ấy tôi đã có vợ con, có việc làm, tôi lại ham chơi hơn học. Tôi đã tưởng như vậy là thôi, là trọn đời tôi không có Chữ Nho.

Tôi từng thu xếp Đời Sống của tôi với ba Việc chính: Làm, Học và Chơi. Ba việc có liên can với nhau: Tôi Làm để có thể Học và Chơi, tôi Học để có thể Làm việc kiếm sống, tôi Chơi để có thể Học và Làm. Tôi ham Chơi nên phần Chơi trong đời tôi luôn luôn lấn sang phần thời giờ tôi dành cho Làm và Học.

Tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn trong một sáng mùa xuân. Mùa xuân ấy tôi mười tám tuổi.

Năm tôi 14 tuổi – năm 1948 – tôi đi kháng chiến chống Pháp. Đã hơn một lần tôi viết “Tôi đi kháng chiến cho “oai.” Thực ra việc làm thứ nhất có tiền lương trong đời tôi là việc làm liên lạc viên cho cơ quan Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm. Tôi có tiền lương tháng 120 đồng tiền Việt Minh; tôi ăn cơm trong cơ quan 50 đồng một tháng. Năm 1950 tôi trở về Hà Nội. Tôi đi học lại. Năm 1951 tôi vào Sài Gòn.

Năm 1951 tôi đọc trong một nhật báo Sài Gòn lời nhắn tìm người dịch bài chữ Pháp ra chữ Viêt của một ông bác sĩ. Tôi tìm đến phòng mạch của ông bác sĩ tôi không nhớ tên. Phòng mạch ở đường Verdun. Sau năm 1956 đường Verdun là đường Hàm Nghi. Người tiếp tôi là ông thư ký của ông bác sĩ. Ông đưa tôi một tờ chữ Pháp đánh máy cho tôi dịch. Hôm sau tôi mang bản dịch đến nộp cùng bản tên và địa chỉ của tôi. Tôi đề nghị tiền công tôi dịch một trang chữ Pháp như thế là 5 đồng.

Vài ngày sau tôi được phòng mạch bác sĩ gọi đến giao việc dịch. Ông bác sĩ cho tôi quyển Danh Từ Khoa Học, quyển tự điển tác giả là ông Hoàng Xuân Hãn. Tập tài liệu chữ Pháp khoảng 30 trang, tôi dịch được 150 đồng. Tiền trả ngay. 150 đồng là khoản tiến tôi kiếm được thứ nhất trong đời tôi. Năm 1950 giá tiền tô phở Bắc ở Sài Gòn là 5 đồng, vé xi-nê hạng bét là 8 đồng.

Vì cần tiền tôi bỏ học đi tìm việc làm.

Nhiều năm sau, tôi có việc làm, có vợ con, tôi vẫn thích Học. Tôi thích đọc Chữ Nho. Nhưng, như tôi đã viết, hai lần tôi tự học Chữ Nho, hai lần tôi bỏ cuộc.. Đầu năm 1968 tôi đọc trong mục Rao Vặt của một nhật báo lời rao:

“Học trong hai tiếng đồng hồ có thể tự đọc được Chữ Nho.”

Khoảng 3 giờ chiều một ngày Thứ Bẩy tôi đến trường Đức Trí, đường Cao Thắng. Trong một lớp học ở trường này lần thứ nhất tôi gập thày Đào Mộng Nam. Ông trạc tuổi tôi. Chờ ông dậy xong tôi gặp ông, tôi tự xưng tên tôi, kể với ông việc tôi tự học Chữ Nho mấy lần mà đều phải bỏ cuộc.

Thầy Đào Mộng Nam cho tôi một tập bài học chữ Nho in ronéo. Ông hỏi địa chỉ của tôi. Khoảng tuần sau ông ghé nhà tôi. Ông chỉ cho tôi cách đếm nét chữ tìm âm và nghĩa của chữ. Những âm và nghĩa này có ghi ở dưới bài chữ Hán..

Sáu mươi năm qua, nay tôi vẫn nhớ những lời ông nói:

– Anh tự học Chữ Nho không được là vì anh phải nhớ nhiều quá. Anh phải nhớ mặt chữ, nhớ âm và nghĩa của chữ. Nay học theo phương pháp của tôi mỗi ngày anh học một bài trong sách. Anh mở sách, tìm âm, tìm nghĩa của những chữ trong sách, dịch toàn bài sang tiếng Việt. Xong anh gập sách, anh đi làm việc khác. Anh quên bài học đi. Hôm sau anh mở sách học bài tiếp. Bài tiếp này có mấy chữ bài trước, và mấy chữ mới. Anh quên, anh lại xét mặt chữ, tìm âm, tìm nghĩa của nó. Bài học tiếp có một số chữ anh đã học. Hai, ba lần như thế, anh sẽ nhớ. Chỉ cần mỗi ngày anh học một bài. Học một bài cả trong ngày chủ nhật. Đừng bỏ học ngày nào.

Năm ấy Thầy Đào của tôi đi xe bốn bánh. Cứ khỏang mười ngày Thầy ghé nhà tôi một lần, hỏi có chữ khó nào tôi không tìm được âm-nghĩa không. Nếu có ông bảo tôi viết chữ đó, đếm nét chữ, rôi tra tự điển.

Hiếm có những ông thầy đã dậy không lấy tiền còn đến nhà học trò chỉ dậy thêm, như Thầy Đào Mộng Nam.

Ông chỉ cho tôi đến chỗ mua quyển Tự Điển Thiều Chửu. Tự điển này không bán ở Nhà Sách Khai Trí mà bán trong một nhà tư nhân gân rạp xi-nê Nam Việt. Đường gì tôi quên mất tên; chỉ nhớ tên Pháp là đường Chaigneau. Tôi nhớ quyển Tự Điển Thiều Chửu tôi mua năm xưa ấy là 30 đồng.

Tôi có tới hai, ba quyển Tự Điển Thiều Chửu. Nhưng nay tôi chỉ giữ một quyển. Quyển Tự Điển Thiều Chửu, ảnh kèm theo bài, tôi có từ năm 1968.

Nhờ Thầy Đào Mộng Nam, tôi có Chữ Nho. Tôi nhớ ơn Thầy.

Tôi vừa tìm thấy bài viết về Giáo Sư Đào Mộng Nam trên Intenet.

Thầy Đào Mộng Nam.

Tóc thường để dài, cột sau gáy, trang phục thường xuề xòa, mắt nhìn ngây thơ, cử chỉ dịu dàng, tính trầm mặc, ưa lặng lẽ, khi lên tiếng thì lời vi diệu, đầy ẩn mật, cho thấy những suy nghĩ lạ lẫm nhưng cổ kính,  ngôn ngữ trau chuốt nhưng thơ mộng… và cũng bất ngờ khi anh chợt đến, khi anh chợt đi. Đó là hình ảnh của giáo sư, và cũng là nhà thơ, Đào Mộng Nam.

Nhà văn Nguyễn Tiến Văn ghi nhận trên mạng Talswas.org hôm 1-9-2006, qua bài “Đào Mộng Nam, Về..…” với những dòng chữ mở đầu như sau:

“Đào Mộng Nam vừa qua đời tại California, hoàn toàn đơn độc tại trai phòng chỉ có bồ đoàn, máy vi tính, ấm trà, những bản thảo dịch thơ Cao Bá Quát và những tập bản thảo sưu tập các giai thoại về Bùi Giáng…”

Đào Mộng Nam đã sống một cuộc đời đầy những hồn thơ, kể cả khi lặng lẽ từ trần trong thư phòng, phòng chất đầy quanh tường và các kệ sách là Thơ của Cao Bá Quát và Bùi Giáng.

Người ta một thời gặp anh Đào Mộng Nam thường xuyên trên các phố Bolsa, nhưng vài năm gần đây thì ít gặp anh hơn. Những công trình anh muốn làm thì nhiều hơn việc làm của một đời người. Khi gặp nhau, khi được hỏi về các vấn đề cổ học, về Hán học, hay ngay cả về văn chương hiện đại, chúng ta thường nghe anh nói với những kiến thức đời thường ít gặp, ít thấy… Anh đọc nhiều hơn rất nhiều người, và đọc một cách sâu sắc lạ thường.

Khi hỏi chuyện riêng tư, thì anh thường cười và quay mặt đi. Chỉ thỏang khi chúng ta mới gặp vài ngôn ngữ nồng thắm tư riêng của anh. Thí dụ, như thử trích mấy câu thơ sau trong bài “Đồi Cỏ” của Đào Mộng Nam:

“Xin hãy cùng em bước lên đồi cỏ dại
Thế giới thủy tinh màu nắng là màu xanh
Thoảng nhẹ âm thanh chỉ tiếng gió thì thào
Ta riêng một cõi tạm quên đời dâu bể…”

Bài thơ nhiều đọan này về sau được một số bạn hữu đưa vào một CD Tuyển Thơ của nhiều nhà thơ.

Nhưng dấu ấn lớn nhất của Đào Mộng Nam đối với văn học Việt Nam là vai trò một nhà Hán học của anh. Rất nhiều sinh viên của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh thời trứơc 1975 không thể nào quên công trình quảng bá chữ Nho của Đào Mộng Nam.

Giáo Sư Đào Mộng Nam có một phương pháp dạy và học chữ Hán mới hơn, giúp học sinh tiếp cận văn học chữ Nho nhanh hơn và nhớ hơn các lối học truyền thống. Trước đây, nhà văn Hòang Hải Thủy từng viết rằng chỉ nhờ học chữ Hán theo phương pháp của Đào Mộng Nam trong 5 tháng là đã có thể tự đọc được Tam Quốc Chí bằng Hán văn. Hiển nhiên, như thế là phi thường kinh khủng.

Nếu chúng ta hình dung ra cơ sự tương tự mới thấy được cái hay của phương pháp tiếp cận mới đó: chỉ cần học Anh ngữ trong 5 tháng là có thể đọc được văn của Shakespeare hay Charles Dickens. Có lẽ, với Shakespeare thì 5 tháng chưa đủ, nhưng với Charles Dickens thì có thể phần nào, nếu có ai học Anh ngữ với một năng khiếu phi thường.

Thế đấy, hiển nhiên là, Đào Mộng Nam đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên nổi với rất nhiều người từng một thời say mê chữ Hán hay cổ học.

Nhà thơ Khế Iêm hôm Thứ Sáu cũng gửi một điện thư tới tất cả các nhà thơ từng góp mặt trong Tạp Chí Thơ để tưởng niệm Đào Mộng Nam, trích:

“…Học giả Đào Mộng Nam là người đã cộng tác với Tạp chí Thơ ngay từ số ra mắt với những bài thơ dịch thơ Cao Bá Quát. Chỉ có thế thôi cũng đủ để chúng ta biết ơn, và hân hạnh đựơc sự cộng tác của ông. Ông là lớp nhà Nho hiếm hoi của thời đại chúng ta. Ông sống lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ, để lại nơi chúng ta nỗi ngậm ngùi. Chúng tôi xin gửi đến quí anh chị bản tin này và mong quí anh chị đã từng cộng tác với Tạp chí Thơ và website www.thotanhinhthuc.org hãy để ra 1 phút để tửơng niệm Đào Mộng Nam, một ngừơi mà suốt cuộc đời phục vụ cho nền văn học Việt…”

Trở lại với nhà văn Nguyễn Tiến Văn trên Talawas.org, nơi đây cuộc đời Đào Mộng Nam được kể như sau:

“…Từ giữa thập niên 60, Đào Mộng Nam mở lớp dạy Chữ Nho cho các sinh viên Y khoa Đại học Huế trong chương trình kết hợp Đông và Tây; dưới sự tôn vinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, và lời thề với Y tổ này thay cho lời thề Hippocrate của Tây y. Đồng thời anh phát triển các khoá dạy chữ Nho tại Đại học Vạn Hạnh, Đại học Minh Đức, dạy miễn phí cho công chúng tại trường Đức Trí, đường Cao Thắng, quận 3 mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật. Cũng như xuất hiện trên truyền hình để quảng bá việc học chữ Nho theo cách mới đến mọi tầng lớp.

Năm 1966 cùng với thân hữu, anh chủ trương Nhà Xuất Bản Nguồn Sáng, phát huy quốc học và chủ trương dung hòa Đông Tây. Nxb Nguồn Sáng, ngoài việc xuất bản bộ Chữ Nho tự học của Đào Mộng Nam, còn cho ra đời những bộ sách giá trị như Nho văn giáo khoa toàn thư của bác sĩ kiêm Đông y sĩ Nguyễn Văn Ba, tủ sách Việt Nho của Lương Kim Định, những sách dịch như Ấu học quỳnh lâm, các tiểu thuyết của Dostoievski như Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám, Đầu xanh tuổi trẻ, tiểu thuyết của Han Su-yin (Hàn Tố Âm), của Heinrich Bull, thơ của Tagore, Kahlil Gibran… và tủ sách thiếu nhi gồm các danh tác thế giới và Việt Nam, trong đó đặc sắc là bộ Phiêu lưu trên lưng ngỗng của Selma Lagerloff do Lý Quốc Sinh dịch…

Ra nước ngoài từ 1975, Đào Mộng Nam định cư ở Hoa Kì, trôi nổi từ miền Đông sang miền Tây, sau cùng cố định ở Westminster, California… Cộng tác với các tạp chí ở hải ngoại như Hợp lưu, Văn học, Văn, Tạp chí Thơ, Khởi Hành… ở Hoa Kì, và Trăm Con ở Canada, Đào Mộng Nam hăng hái cổ xuý cho sự kết hợp phương pháp rung nhịp của hơi thở thiền định với tiết điệu của thơ, nhất là thể loại lục bát truyền thống của dân tộc qua ca dao,Truyện Kiều, Lục Vân Tiên..v.v.. Đào Mộng Nam dịch và xuất bản tập Nhã ca (tương truyền của vua Salomon trong Kinh Thánh Do Thái và Cựu Ứớc của Kitô Giáo) in kèm với tranh của họa sĩ trừu tượng của Nga là Marc Chagall.

Ước vọng cuối cùng của Đào Mộng Nam là dịch toàn bộ Thơ Cao Bá Quát, khoảng 2.000 bài. Thơ CBQ chữ Hán. Anh mới thực hiện được vài trăm bài thì từ giã chúng ta. Hi vọng sẽ có người nối chí anh để hoàn tất công cuộc đó vì Cao Chu Thần là đỉnh cao của cả ngàn năm văn học kinh điển Việt Nam. Có lẽ, Đào Mộng Nam đã dịch gần hết Thơ của Cao Bá Quát,

Báo Văn Nghệ ở Hà Nội, trong một số báo gần hai năm trứơc, có ghi nhận về công trình nghiên cứu và dịch thuật của Đào Mộng Nam về Thơ Văn Cao Bá Quát – với người viết là Nguyễn Huy Thuận và tựa bài viết là “Biết thêm về Cao Bá Quát”, trích như sau:

“Ngày 16-12-2004, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thuộc Hội Nhà văn đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và Hội thảo khoa học về Cao Bá Quát. Đông đảo các nhà nghiên cứu văn học, các chuyên gia Hán, Nôm, các nhà văn và bạn đọc đã đến dự. Giáo sư tiến sĩ Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm đã ôn lại chặng đường 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc, đặc biệt là các công trình lớn về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, về từ điển Tiếng Huế… Trong công việc thầm lặng vô cùng khó khăn này, với sự cộng tác tâm huyết của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước, Trung tâm đã sưu tầm, bổ sung nhiều tài liệu đặc biệt quý hiếm, chẳng những có giá trị về văn chương mà còn là những chứng tích rực rỡ về lịch sử, chính trị, dân tộc học, ngôn ngữ học… Vừa công phu lật tìm trong bụi phủ của quá khứ vừa chạy đua với thời gian, vì có nhiều chuyên gia lớn về Hán, Nôm đã trên dưới 100 tuổi, công phu, chuẩn xác, năng động, sáng tạo, chặng đường 10 năm của Trung tâm là một điển hình đẹp đẽ đầy tâm huyết với văn hoá dân tộc… Văn nghệ xin giới thiệu bài “Biết thêm về Cao Bá Quát “của tác giả Nguyễn Huy Thuận trong Ban Quản lý Di tích Phú Thị, quê hương Cao Bá Quát.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, sinh viên đại học, cao học về làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) tìm tư liệu về Cao Bá Quát và quê hương Phú Thị. Đặc biệt có giáo sư Đào Mộng Nam, nhà nghiên cứu Đông Phương ở hải ngoại về Phú Thị thăm và giới thiệu công trình của ông đã dịch trên 1.400 bài thơ chữ Nho của Cao Bá Quát ra quốc ngữ. Ông đã phát hiện ra “thần lực” trong thơ Cao Bá Quát và từ khởi điểm này ông đang xây dựng một công trình văn hoá: “Nét đặc trưng văn hoá Việt Nam và tiến bộ khoa học hiện đại”. Ông đã đánh giá rất cao Cao Bá Quát:

– Nhà thơ vĩ đại nhất Á Đông.
– Bậc thi bá duy nhất tập đại thành cả 3 nghìn năm tư tưởng thi ca Đông Á.
– Thi sĩ, chiến sĩ cách mạng, thi sĩ tiên tri.

Ông có đọc cho các bạn ông nghe bài thơ “Nguyên Tiêu Khóc Cao Bá Quát ” trong đó có 2 câu:

Vạn thuở văn chương còn chẳng nát
Muôn đời thần khí lẽ nào tan…”

Đúng vậy, thật sự là như thế. Giấy rồi sẽ ra bụi, mực rồi sẽ phai mờ, nhưng văn chương không thể hư nát. Và thần khí lẽ nào tan…

Khi bạn đọc những dòng chữ naỳ, tang lễ của Giaó Sư Đaò Mộng Nam đã hoàn tất. Nhưng hình ảnh nhà thơ họ Đào vẫn còn đi lại quanh đây với chúng ta, còn thật lâu…

Phải chăng hình ảnh Đào Mộng Nam thương khóc Cao Bá Quát cũng là một cái nhìn tiên tri về chính cuộc đời của nhà thơ Đào Mộng Nam – người cũng y hệt như họ Cao, “suốt đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” như một dòng thơ cổ lưu lại của họ Cao.

Nhân vật thứ hai trong Viết ở Rừng Phong đến với bạn đọc tuần này là Cư sĩ Thiều Chửu.

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Kha, ra đời trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ, nay thuộc quận Đống  Đa, Hà Nội. Thân phụ của ông là ông Nguyễn Hữu Cầu, người cùng thời quen gọi là cụ Cử Đông Tác, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị thực dân Pháp bắt tù, đày đi Côn Đảo. Cụ nội của ông là ông Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý.

Ông kể về tuổi thơ của ông: “Nhà nghèo, chị em tôi 7-8 tuổi phải chăn bò, cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm, nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố tôi bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ tôi sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ tôi đã phải đi làm đồng.”

16 tuổi, Hữu Kha đến Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên ông mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, có lúc phải đi ăn xin. Hai năm trời cực khổ ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ, cứu người của đạo Phật.

Cuối năm 1920, cụ Cử Cầu ra tù, ông về giúp cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở. Ông học được nghề thuốc Nam và trở thành vị lương y suốt đời chữa bệnh không lấy tiền. Ông lấy hiệu là Tịnh Liễu (Tịnh: trong sạch, Liễu: hiểu biết), ông bắt đầu tự học đạo Phật và ngoại ngữ. Được bà nội và bác ruột dạy chữ Hán, cùng đức tính kiên trì tự học, dần dà ông đã am hiểu chữ Hán, Nho giáo và Phật giáo, lại thông thạo các tiếng Anh, Pháp, Nhật.Tu theo Phật giáo, ông lấy hiệu là Thiều Chửu, có nghĩa là “cái chổi quét bụi,” thể hiện  tâm nguyện của mình là “cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình”. Ngoài ra, “hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp”. Ông không trở thành tu sĩ mà chỉ là một cư sĩ, tu tại gia.

Ông thôi việc hiệu thuốc để giúp bà chị ông mưu sinh bằng nghề cho thuê đòn tang. Lúc 28 tuổi, ông giúp cậu em họ kiếm sống bằng cách cùng mua một máy in dập chân, thuê nhà số 36 phố Sinh Từ mở hiệu sách Hòa Ký, tên hiệu lấy từ phương châm Lục Hoà của Phật giáo.

Sau thời gian nghiên cứu Phật giáo, ông cho ra đời bản dịch Khóa hư lục, “bộ kinh cứu khổ cho đời” mà theo ông tác giả là vua Trần Nhân Tông, vị tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Thiều Chửu góp công lớn trong việc sáng lập Hội Phật Giáo Bắc Kỳ (1934), nhưng khi Hội mời vào Ban Trị sự thì ông lại do dự vì thấy Ban này có mấy vị quan cai trị. Sau cùng ông nhận lời với ý nghĩ có thể lợi dụng Hội này để thực hành cái chí cải tao cái tệ nạn  thối nát của nhà chùa thời đó.

Sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1934 và ra báo Đuốc tuệ, Thiều Chửu nhận lời làm quản lý và biên tập cho tờ báo. Ông tham gia thành lập Hội Truyền Bá Quốc Ngữ vào năm 1938.

Năm 1936, ông cùng bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyển) đồng sáng lập Hội Tế Sinh và làm Tổng Thư ký Hội. Ngay năm sau Hội mở cuộc cứu giúp nạn nhân trận lụt Đinh Sửu.

Ông kể: “Chính vì chung một chí nguyện chịu khổ sở nhọc nhằn để giúp đỡ đồng bào, cả đời không ăn ngon mặc đẹp, không ai có gia đình riêng, nên chúng tôi được nhiều người tin yêu. Rất nghèo mà Hội cần tiền bao nhiêu cũng có.”.

Năm 1937, lụt ngập đồng đất hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngoài việc góp sức  cứu trợ nhân dân, ông cùng bà Cả Mọc còn  đi xin tiền, xin quần áo; rồi cùng ông Hoàng Đạo Thúy, ông Trần Duy Hưng hàng ngày đem thuốc, tiền, quần áo đi tới từng nhà nạn nhân giúp cho đến khi họ sống được. Những nhân viên của Hội đã đi cứu tế ba tháng liên tục cho đến lúc lúa chín.

Năm 1941, khi trường Phật Học Phổ Quang được mở, ông đảm nhận việc dạy chữ Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ mà nhiều học viên sau này trở thành các bậc tu hành có uy tín như Hòa thượng Thích Tâm Tịch, đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1946 ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, ông viết và dịch sách.

Trong Cải cách ruộng đất, do việc tố cáo của đội cải cách ruộng đất ở xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, Thiều Chửu bị quy là địa chủ và bị đưa ra xỉa xói mắng nhiếc, ông bị vu cho là người làm đủ các tội ác. Bị vu cáo, cộng với sự thương cảm nhiều nông dân bị hàm oan trong Cải cách ruộng đất mà thấy mình bất lực, ông đã tự vẫn ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ, ngày 15 tháng 7 năm 1954,  trên dòng sông Cầu chỗ đập Thác Huống, tại xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trước khi mất, Thiều Chửu thức trắng đêm viết thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chí Minh, và thư dặn các học trò ông phấn đấu thực hiện cuộc Kháng chiến chống Pháp đến cùng, ông viết lời kết bản Tự Bạch như sau:

“Cái án “mạc tu hữu” (tức vu cáo, ông viết chữ Nho) mà ông Nhạc Phi phải chịu đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn sống làm sao được nữa.”

Ông nhẩy xuống sông Cầu tự vận.

Cái chết của ông đã gây ra nỗi chấn động và tiếc thương vô hạn trong dân chúng địa phương và giới Phật tử cả nước.

Ni sư Thích Đàm Ánh, một học trò của Thiều Chửu kể: Thiều Chửu dặn đừng vớt xác ông, cứ để xác ông theo dòng sông trôi đi, nhưng người trong gia đình ông và học trò ông không nỡ làm thế. Sau năm 1954, họ trân trọng rước hài cốt ông về Hà Nội mai táng. Hiện nay mộ ông đặt tại nghĩa trang Thanh Tước, số mộ 170-C3.

Thiều Chửu để lại 93 tác phẩm viết và dịch. Ngoài bộ Hán Việt tự điển có giá trị vượt thời gian, ông dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư. Các sách  khác của ông có thể kể: Vì sao tôi tin Phật giáo, Phật học cương yếu, Tây du ký…

Ông viết nhiều sách về Phật học như Sự tích Phật tổ diễn ca, Nhòm qua cửa Phật, Cải tà quy chính, Khóa tụng hàng ngày, Con đường Phật học thế kỷ 20.

Năm 1943, ông soạn cuốn Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, chủ yếu dùng triết lý Phật học để giải thích. Ông coi tập thơ Nôm khuyết danh đó là kinh Phật chứ không chỉ là một tác phẩm văn chương.

Tác phẩm cuối cùng của ông là “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX ” xuất bản năm 1952, tác phẩm thể hiện quan điểm của một Phật tử chân chính, yêu nước

YÊU VỢ NHẤT ĐỜI

Trích HOA TƯƠNG TƯ, người viết Nhà Văn Nữ HỒNG THỦY

Hoàng Hải Thủy người đàn ông yêu vợ nhất trên đời

Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ: một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ  đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong những bài Thơ HHT tôi đoc được Tình Yêu của Anh Chị. Cuộc Tinh đã thắm đượm trong 60 năm.

Mở đầu tập Thơ là ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa.  Hình này chị chụp khi tóc chị đã điểm sương, nhưng trông chị còn đẹp. Trên tấm ảnh là giòng chữ:

“Tặng Alice. Washington DC Cuối Thu 94.”

Chữ ký Hoàng Hải Thủy rất bay bướm. Có bông hoa dưới chữ ký.

Trang tiếp theo là 4 câu Thơ Alice 54

Mùa thu mây trắng xây thành
Tình em mầu ấy có xanh da trời
Hoa lòng em có về tươi
Môi em có thắm nửa đời vì anh?

Thu 1954

Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm;  HH Thủy làm bài thơ này ngày 15 tháng 10 năm 1977  trong Phòng Biệt Giam Nhà Tù  Số 4 Phan Đăng Lưu. Trong ngôn ngữ ngục tù Cộng sản, Phòng Biệt Giam – gọi theo Tầu – là phòng giam một người; tiếng Pháp của Phòng Biệt Giam là xà-lim: cellule.

Yêu Hoài Ngàn Năm

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình Ta nước biển một mầu như xưa
Yêu bao giờ, đến bao giờ
Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
Lòng em hoa vẫn tươi hoa
Môi em thắm đến em già chưa phai
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em
Mặt trời có lặn về đêm
Sáng mai em dậy bên thềm lại soi
Cuộc đời có khóc, có cười
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay
Thu về trời lại xanh mây
Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu
Càng yêu, yêu lại càng nhiều
Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em

Ðọc bài thơ này tôi chắc nhiều người cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến như thế nào.

Những ngày ở tù  buồn khổ, cơ cực, Tình Yêu tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng

Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương em nhạt phấn, phai đào
Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình
Ngủ đi em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu

*

Nằm trong khám tối nghe mưa
Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
Thương nhau nên ngủ không đành
Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi
Anh nghe từng tiếng lệ rơi
Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…

Làm trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu năm 1976

o O o

Mới 10 tuổi chú nhi đồng Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ.  Ngay năm 10 tuổi anh mê đọc Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những Ông Trời trong những tác phẩm của các ông. Các ông có quyền tạo ra các nhân vật, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó.

Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952, anh dự cuộc thi Truyện Ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Truyện được chọn đăng báo là tác giả được nhà báo trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi.

Năm 1952, Truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh được Giải Nhất.  Tiền thưởng là 3.000$.  Ông Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi ba người trúng giải Nhất, Nhì, Ba bữa tiệc cao lâu, rồi đưa mỗi người một tấm check – ngân phiếu.

Đi lãnh tấm chi phiếu thứ nhất trong đời ở Ngân Hàng, về nhà anh biếu thầy mẹ anh 500$, anh chia cho các em anh một phần.  Anh đi may cho anh bộ complet đầu tiên với giá 700$. Bộ complet bằng tiền của anh.

Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh  hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như  Như Truyện Thần Tiên, Tìm Em nơi Thiên Đường, Định Mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.

Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Xà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.

Người bạn tù hỏi qua song cửa
Phải anh là Hoàng Hải Thủy
Anh viết truyện Kiều Giang?
Kiều Giang …!
Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng
Làm bố vỡ tim và hồn nức nở
Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở
Nghe tên con giữa chốn lao tù
Những đêm dài ngục tối âm u
Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ
Bố yêu con trong từng hơi thở
Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ
Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ
Con có run da thịt đêm nay?
Bố cho con trọn máu xương này.

Anh chị có 3 người con 2 trai 1 gái.  Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều ở Sài Gòn. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh quen biết anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc, ở Hoa Kỳ, có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh, trên thảm cỏ có những chiếc lá vàng, quanh anh chị là cả một rừng lá thu vàng.

Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên tình tứ Virginia is for Lovers.

Anh chị chọn Virginia vì ở Virginia anh chị có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ, người hết lòng giúp đỡ những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn.

Thời gian đầu anh chị  thường dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác, anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, anh sợ chị sẽ bỏ anh đi trước. Chị bị ngã mấy lần. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị.

Tôi trêu anh: tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi nhớ một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tôi tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia.  Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp nhau. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh, nói:

– Anh về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây em biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.

Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi.  Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà cùng cư ngụ trong tòa nhà.

Một hôm tôi tới thăm anh chị đúng lúc anh đi đón chị ở nhà thương  vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của các bà cùng sống trong nhà để sẵn ở cửa phòng để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.

Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.

Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tàu nghỉ mát, mướn nguyên một Villa. Anh họ của chị – con ông bác –  là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu.

Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm với nhau.

Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi  ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy trên trang nhất giòng chữ 8 cột:

Hiệp Định Geneve ký kết. Hết chiến tranh, chia đôi đất nước.

Ngày anh chị quyết định kết hợp cuộc đời là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.

o O o

CTHĐ: Một Ngày Tháng Ba 2017 tôi đến dự Buổi Ra Mắt tác phẩm Hoa Tương Tư của Nhà Văn Nữ Hồng Thủy.

Buổi Ra Mắt thành công quá đep, quá vui. Hội trường đầy người. Tác giả và tác phẩm được chào đón nồng nhiệt.

Xin chia vui với Nhà Văn Nữ Hồng Thủy.

Thân tặng Nhà Văn Nữ Hồng Thủy bài thơ Chiều Xa Quê. Thơ của Kiều Giang, con gái tôi.

CHIỀU XA QUÊ (KIỀU GIANG)

Bước lên xe bus mỗi chiều
Bước vào đời mới ít nhiều ngạc nhiên.
Một đô một chỗ bình yên
Ngoài kia thiên hạ nổi chìm mặc ai.
Xe đi không vội đường dài
Mang theo mình những mặt người lạ nhau.
Tóc và da đủ sắc mầu
Cùng đau chung một nỗi đau quê người.
Ngang qua góc vắng bồi hồi
Một giàn mướp đẹp nắng phơi sắc vàng.
Thiếu con bướm trắng bay ngang,
Thiếu câu thơ cũ
, hoa vàng vô duyên.
Xe ngừng, kẻ xuống, người lên.
Buồn se áo nỉ, buồn tênh tiếng giầy.
Đèn đêm khép lại một ngày.
Trời thu sầu lạnh vai gầy xác xơ.
Nửa đời bỏ lại hững hờ
Nửa đời sau có bao gi
lại yêu.

Sống buồn như thể sống vờ.
Sống vui như thể cơn mơ kéo dài.

Houston 2005.

o O o

CTHĐ: Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng, ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá.., tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

Đây là bài thơ Buồn tôi làm ở Sài Gòn năm 1976.

Năm 1976 vợ chồng tôi líu ríu sống bên nhau trong căn nhà nhỏ trong xóm nhà được gọi là Cư Xá Tự Do – cư xá ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền.

Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp, người đông.
Nhà Em, nhà Anh cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
Em đứng não nùng trước dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con đợi trông.
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn trời qua chấn song.
Anh đứng trông mây, Em đứng trông chồng.
Vắng chồng con bế, con bồng, Em mang.
Cái bống là cái bống bang.
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường.
Bên Anh tuyệt vọng, đoạn trường bên Em.
Ngày qua ngày, đêm theo đêm
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha.
Buồn từ trong cửa buồn ra
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
Ta đang sống, ta đang mê,
Hay ta đang chết não nề, Em ơi ?

 

Hoa Tương Tư, Tập Truyện, Nhà Văn Nữ Hồng Thủy.
400 trang. Giá 20 Mỹ Kim. Nhà Xuất bản Kỷ Nguyên Mới.Liên lạc: Hồng Thủy
12234 McDonald Chapel Dr
Gaithersburg
. MD 20878

tvhongthuy@gmail.com

TẮM MÁT SÔNG ÐÀO

Một trong những lạc thú ở đời của tôi là đọc những bài, những truyện tôi viết đăng trên báo. Ngày xưa, những năm tôi còn xuân sắc, tôi thường để dành việc ấy để làm vào những giờ khuya. Sàigòn chín, mười giờ tối, đi chơi về, tắm, mặc bộ đồ ngủ còn thơm mùi nắng, ủi láng coóng – những năm từ 1958 đến 1963, thời kỳ phong độ nhất cuả đời tôi, thời tôi làm nhân viên toà soạn nhật báo Sàigònmới, thời tôi viết tiểu thuyết phóng tác, phóng sự cho nhiều báo, tôi quen chỉ mặc bộ pijama một đêm, tối hôm sau bận bộ pijama khác, vì bộ pijama tôi măc ngủ đêm hôm trước không còn thẳng nếp – tôi vào giường nằm, hút năm, bẩy điếu Philip Morris Vàng hay Lucky Ba Hàng Chữ, mở tờ báo có bài của tôi ra đọc. Tôi khoan khoái nhìn những dòng chữ tôi viết hiện lên trên giấy bằng chữ in, gọn, ngăn nắp, sáng đẹp.

Ðấy là chuyện tôi đọc những bài tôi viết in trên báo những năm xưa, những năm vàng son của đời tôi trước 1975. Từ ngày nón cối, giép râu, lính cái đít bự như cái thúng, ngơ ngáo kéo vào Sàigòn, tôi mất cái lạc thú đó, lạc thú được đọc bài viết của tôi đăng trên báo. Có thể nói là tất cả các văn nghệ sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà đều bị Bắc Việt Cộng cấm viết, không những chỉ bị cấm viết mà thôi, nhiều người còn bị bắt đi tù.

Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! Chuyện tù đày kể mãi chẳng ai còn muốn nghe. Hai mươi ba năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, liêu lạc ở xứ người, hôm nay, tôi viết bài này để nói lên một chuyện.

Ðó là chuyện những năm 1920, 1922, khi bọn Nga Cộng, ngày đó được gọi bằng cái tên là bọn Bôn-sê-vích, chiếm quyền ở nước Nga, cái gọi là “bức màn sắt” lập tức được buông xuống bao trùm nước Nga khốn khổ khốn nạn. Không một tin tức nào từ trong nước Nga được thoát ra thế giới bên ngoài, trừ những tin do bọn Nga Cộng truyền đi. Người thế giới gần như hoàn toàn không biết gì về những sự kiện xẩy ra trong nuớc Nga, về tình cảnh khổ cực dưới ách cộng sản của người dân Nga. Tình trạng câm nín, mù mịt ấy kéo dài từ năm 1920 mãi cho đến những năm đầu thập niên 1960 – 40 năm sau – mới có lẻ tẻ vài ba truyện ngắn có tính cách chống Cộng được viết trong nước Nga lọt qua được bức màn sắt ra thế giới bên ngoài. Tính cách chống Cộng sản trong những văn phẩm ngắn ấy mờ nhạt, không có gì đáng kể. Vào thời ấy, những năm 1950, 1960, một truyện ngắn được viết trong nước Nga Xô-viết  không ca tụng chủ nghĩa cộng sản, không nâng bi bọn đảng viên cộng sản, không trình bày cuộc sống tươi đẹp đầy hướng đi lên cuả người dân Nga đã được người thế giới tự do coi là “truyện có nội dung chống Cộng”. Tiêu biểu là một truyện vưà của Vladimir Dutdinsev, được dịch ra tiếng Anh với cái tên ‘A New Year Fable’: Chuyện Ðầu Năm. Tôi đọc A New Year Fable năm 1961, trong đó tôi chỉ thấy có tí ti chống Cộng như sau:

Hai người yêu nhau đi chơi trong miền quê. Tâm trạng linh tinh của nhân vật “Chàng.”  Chàng hỏi nàng:

– Em có yêu chồng em không?

Nàng không trả lời.

Chàng lại hỏi:

– Em có yêu Ðảng Cộng sản không?

Nàng cũng không trả lời. Tác giả không cho nữ nhân vật trả lời nhưng người đọc cũng dễ dàng biết câu trả lời của nàng. Tất nhiên nàng không yêu chồng nàng nên nàng mới ngoại tình với chàng, nàng không yêu chồng nàng mặc nhiên nàng cũng không yêu Ðảng Cộng sản.

Năm xưa ấy, năm 1961, sự hiểu biết của tôi về chính trị đựng không đầy cái lá mít, nhưng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Vladimir Dutdinsev dám viết mấy câu như thế. Tôi nghĩ sống trong chế độ cộng sản, tất cả mọi người đều yêu Ðảng Cộng sản, tại sao Vladimir Dutdinsev dám cho nhân vật trong truyện đặt câu hỏi “Có yêu Ðảng hay không?” Hỏi như thế là phản động, là chết. Phải mười năm sau, năm 1970, thế giới mới thấy Nga Xô-viết có một nhà văn chống Cộng thực sự, nhà văn đó là Alexandre Solzhenytsin.

Cộng sản Tầu chiếm Trung Quốc năm 1948, bức màn tre lập tức buông xuống bao phủ Trung Quốc. Trong 50 năm không có một tiếng nói, một văn phẩm chống Cộng nào từ trong bức màn tre Tầu lọt được ra thế giới. Mãi đến thập niên 1990 mới có vài ba nhân viên ngoại giao Tầu Cộng sang làm việc ở Âu châu, bỏ nhiệm sở, xin tị nạn, ở lại, viết một số bài lên án Tầu Cộng. Những nhân vật Tầu ấy viết chống Tầu Cộng ở những nước tự do dân chủ Pháp, Anh; trước sau, cho đến năm 1990, ngay cả đến bây giờ năm 2003, tôi không thấy có tác phẩm văn nghệ nào, dù chỉ là một truyện ngắn, một bài tiểu luận, chống Tầu Cộng, viết  từ trong nước Tầu gửi ra ngoài.

Với Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà tình hình khác hẳn. Bắc Việt Cộng kéo vào Sàigòn, đường liên lạc bằng thư từ giữa Sàigòn với Paris, London, New York, Sydney..vv..không bị đứt ngang. Chỉ một tháng sau ngày 30 Tháng Tư 1975 những cánh thư từ các nước dân chủ Âu Mỹ đã tới tấp bay về Sàigòn, và những cánh thư của người Sàigòn đã bay loạn cào cào đi khắp nơi. Chỉ một năm sau, năm 1976, đã có những bài viết mô tả cuộc sống tuyệt vọng, đau thương của những người Sàigòn được viết từ Sàigòn gửi ra nước ngoài. Những bài viết ngắn thôi, nhưng có ngôn từ chống Cộng mạnh và rõ rệt; trong những bài viết ấy không chỉ có những cảnh sống cực khổ, tuyệt vọng cuả nhân dân VNCH, những việc làm tàn ác của những người Bắc Việt Cộng đối với nhân dân Quốc gia VNCH bại trận, mà còn mô tả sự thù ghét, nặng hơn nữa là sự khinh bỉ những người cộng sản cuả nhân dân Quốc Gia VNCH. Trong số những người viết những bài ấy ngay từ năm 1976 có tôi.

Năm 1976, 1977, sau hai năm tù vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài, khi trở về mái nhà xưa tôi còn viết bài gửi ra nước ngoài nhiều hơn trong những năm 1982, 1983. Tôi viết bài, gửi ra ngoại quốc qua đường bưu cục như mọi người, gửi đi mà không biết chắc thư mình gửi có đến tay những người bạn mình ở nước ngoài hay không. Và trong 20 năm sống mỏi mòn ở Sàigòn tôi không được hưởng niềm sung sướng được đọc những bài tôi viết in sáng đẹp trên giấy. Hai mươi năm sau năm 1975 bánh xe lãng tử đưa tôi đến Hoa Kỳ, tôi vẫn không được đọc những bài tôi viết gửi sang Hoa Kỳ những năm 1981, 1982. Những năm ấy tôi ký tên rởm dưới những bài tôi viết: Con Trai Bà Cả Ðọi, Yên Ba, Ngụy Công Tử, Văn Kỳ Thanh, Hồ Thành Nhân, tôi gửi bài nhiều nhất cho hai tờ Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh, và tờ Ðất Mới do Thanh Nam chủ biên ở Seattle. Năm 1994 khi tôi đến Hoa Kỳ, tờ Ðất Mới đã đình bản từ lâu, Thanh Nam đã qua đời, tôi không có điều kiện lục tìm trong những kho báo cũ những bài tôi viết ở trong nước từ mười mấy năm trước.

Mới đây Nhà Văn Nữ Trùng Dương, chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần năm xưa ở Sàigòn, gửi cho tôi bài chị viết về một, hai bài viết của tôi chị đọc ở Mỹ những năm 1977, 1978. Tôi đăng lại bài viết của Trùng Dương như một bằng chứng về việc tôi đã viết và gửi tác phẩm ra nước ngoài ngay từ năm 1977.

o O o

TRÙNG DƯƠNG đọc “Tắm Mát Ngọn Sông Ðào”

Sàigòn nói riêng và Việt Nam nói chung, với tôi, luôn là một người tình mà tôi đã không được sống chung. Ðịnh mệnh, hay ai đó muốn gọi bằng một cái tên nào khác tùy ý, đã cưỡng gả Sàigòn vào bàn tay thô bạo của Cộng sản. Và tôi đã phải ôm mối hận lòng ra đi; song lòng vẫn hướng về đó, dõi theo từng bước đổi đời, ngóng nghe từng chút tin về đời sống của người yêu dấu.

Vào năm 1979 tôi đã được đọc Hoàng Hải Thủy qua “Phần Dư Tập” của anh viết vào tháng 5-77 gửi ra từ Việt Nam trước khi anh bị bắt, và Tạp Chí Thời Tập đã đăng (Thời Tập, Số 1, Tháng 4 năm 1979). Hoàng Hải Thủy không viết về Sàigòn bằng xương, bằng thịt. Anh viết về mối cảm hoài nhân đọc lại Nguyễn Du. Nhưng cả bài viết đã bàng bạc cái thân phận đã sa cơ, lỡ thế của Người Tình Sàigòn của tôi. Tôi đã lạnh người đến tê tái khi đọc bài “Tại sao” của họ Hoàng khi anh  cảm xúc vì bài thơ “Ðộc Tiểu Thanh ký” Nguyễn Du làm để “khóc người thiếu phụ đã chết tự bao giờ nhưng bút thơ và thiên tài còn để lại”. Và, với cái trào lộng cố hữu cộng thêm nỗi uất hận đúc kết từ sau biến cố 75, họ Hoàng đã hạ bút kết:

“Có điều tôi biết chắc là nếu anh hồn Tố Như còn cảm, còn biết đời có kẻ khóc ông, thì với những gì đang xẩy ra bây giờ, Tố Như có thể nói: Thôi! Khổ lắm, chúng mày đừng khóc tao nữa, để tao khóc chúng mày!”

Nếu “Phần Dư Tập” của Hoàng Hải Thủy là bức tranh mang tính cách trưù tượng mô tả Sàigòn từ sau cuộc cưỡng duyên 75 thì tập “Tắm mát ngọn sông đào” do Nhà Xuất Bản Lá Bối ấn hành lần thứ nhất năm 1981 tại Paris, qui tụ những bài thơ, văn, nhạc sáng tác từ quốc nội sau 1975, chính là những bức tranh hiện thực sống động với thật nhiều mầu sắc và cũng đầy những bi thương.

Bằng mọi hình thức văn nghệ, những người cầm bút tại miền Nam hơn bao giờ hết vẫn tiếp tục ghi chép lại những đổi thay của đời sống hàng ngày quanh họ. Họ ghi nhận không vì nhu cầu lợi danh hay vì đó là cái “nghề” hay cái “nghiệp”. Họ ghi chép bởi vì hơn bao giờ hết, đặc biệt trong một xã hội đầy dẫy sự nghi kỵ và do thám lẫn nhau, hở môi là đi tù như bỡn, văn nghệ trở thành ngưòi bạn tri kỷ. Cũng như tác giả “Tiếng vọng từ đáy vực”, họ viết vì nhu cầu tâm sự. Những bài văn, thơ, nhạc có đến tay người đọc hay không, đó không phải là điều họ quan tâm khi họ đặt bút viết. Và có lẽ chính vì thế mà những áng thơ văn của họ có được cái tinh khiết của những đợt nắng ban mai làm xốn xang những người như tôi có được cái may mắn chiêm ngưỡng những đưá con tinh thần của họ. Bằng cách nào những bài văn đã được chuyển ra nước ngoài, tôi không biết. Nhưng tôi có thể hình dung ra nỗi niềm đòi đoạn cuả những người mẹ, người cha đã chắt bóp những của cải sau cùng để những đưá con của mình xuất ngoại hầu cho chúng được nhìn thấy ánh sáng tự do. Tôi xin được mở rộng vòng tay của tâm hồn đón những đưá con tinh thần của những người cầm bút, và nói với những người Việt hải ngoại về sự hiện diện đầy tình cảm sứ điệp của chúng.

Trước hết, mời bạn đọc theo chân ký giả Con Trai Bà Cả Ðọi trở về thăm lại Sàigòn 1981 qua bài phóng sự “Chà đồ nhôm” kê khai tất cả những nghề hiện được dân Sàigòn làm để kiếm sống qua ngày.

Tại sao người viết ký tên “Con Trai Bà Cả Ðọi”, chắc nhiều độc giả tự hỏi.“Ðọi”, tiếng lóng cuả miền Bắc, có nghĩa là đói, là rách, là nghèo. Danh từ “Bà Cả Ðọi” là câu để gọi tầng lớp dân nghèo luôn chiếm đại đa số ở Việt Nam. Hồi trứơc 1975 trong một hẻm đường Nguyễn Huệ, Sàigòn, có một quán ăn không tên, do một bà có tuổi người Bắc di cư làm chủ, bán cơm rất rẻ và cũng khá ngon. Bà chủ quán có một cái tính đặc biệt: bà đối với thực khách như..con cháu trong nhà. Thức ăn bỏ thưà nhiều là bà không bằng lòng, bà tỏ ý bất bình ra mặt. Khách hàng của bà không thiếu dân làm báo, viết văn, vốn là những người “họ hàng gần xa với Bà Cả Ðọi”. Quán ăn của bà vì không tên nên đã được giới viết văn, làm báo gọi là quán Bà Cả Ðọi. Tôi không được biết quán ăn Bà Cả Ðọi ở Sàigòn nay có còn không. Nhưng hiển nhiên anh Con Trai Bà Cả Ðọi vẫn ngược xuôi đi lại khắp Saigòn để chúng ta có dịp đọc bài “Chà Ðồ Nhôm” hôm nay. Và cũng để cho xứng đáng với bút hiệu, Con Trai Bà Cả Ðọi đã có một cái nhìn trào lộng cười ra nước mắt rất độc đáo của anh.

Tôi đã nghe, và đọc, nhiều bài nói và viết về đời sống ở thành phố Hồ chí Minh, của những người mới vượt biên hoặc của những ký giả ngoại quốc được phép đến thăm Sàigòn. Có một điều mà chỉ khi đọc “Chà Ðồ Nhôm” (viết vào tháng 7-1981) của Con Trai Bà Cả Ðọi, tôi mới biết một hiện tượng chưa hề được nhắc tới, đó là ở thành phố Hồ chí Minh ngày nay, nhờ ơn Bác và Ðảng “từ năm 1980 trong cuộc sống của một nước xã hội chủ nghĩa đang lên, non trẻ, đầy sức sống, xổ số không phải chỉ nửa tháng một kỳ mà là một ngày ba kỳ”.

Trích Tắm Mát Ngọn Sông Ðào, trang 88, 90:

Ở thành phố Hồ chí Minh hiện nay (1980) người ta xổ số mỗi ngày hai lần, có những ngày đặc biệt sổ ba lần, kể cả ngày chủ nhật. Một tháng trung bình 80 kỳ xổ số. Kỹ nghệ phồn thịnh này do nhà nước chủ trương và khai thác. Nó phát triển sâu rộng khắp miền Nam, đi sâu vào mọi ngõ ngách, vào từng nhà, ở thành cũng như ở tỉnh. Người ta nói một trong những nguyên nhân làm cho giá giấy đắt, học trò thiếu tập chép bài – một quyển vở một trăm trang giấy đen hiẹân giá bốn đồng – là vì nhà nước dùng quá nhiều giấy để in vé số và giấy ban khen, tuyên dương công nhân tiên tiến (…) Ngành xổ số hiện cung cấp công ăn, việc làm cho cả trăm ngàn người dân thành Hồ (,,,) Vì xổ số phát hành đều mỗi ngày nên kỹ nghệ phụ của nó là Xổ Ðề, đánh Ðề cũng theo nó bành trướng mạnh. Dân Thành Hồ có câu “cả nước xổ số, toàn dân đánh đề” nói lên một cách rất đúng hiên thực xã hội thời đại này. Trẻ con cũng chơi đề, nuôi số đề, và việc chơi đề, nói lái là “chê đời, đời chê”, đem lại niềm vui, an ủi và hy vọng cho nhiều triệu người ở miền Nam.

Bên cạnh nghề bán mua xổ số, huyện đề, chơi đề, sau đây là những nghề mới cũ do xã hội và thời cuộc tạo ra mà Con Trai Bà Cả Ðọi đã thu bắt được: những thùng bán thuốc lá đầy lề đường, cứ khoảng trăm thước lại có một chỗ sửa xe đạp ( vá một lỗ: 2 đồng, bơm hai bánh xe: 50 xu); nghề bơm mực vào bút bi cho học trò ở các cổng trường (1 đồng tiền bơm mực vào một bút bi trong khi giá một cây Bic ngoại quốc là 8 đồng), nghề bơm gaz vào những hộp quẹt gaz thứ dùng hết gaz là vứt đi, nghề bới rác  kiếm bao nylon, giấy, nghề đồ cũ đổi đồ mới, dĩ nhiên có các thêm tiền. Ðấy là những nghề ít vốn. Những nghề cần nhiều vốn, nhất là cần đến nguồn cung cấp ngoại viện, thì có thể kể như mở tiệm ăn, cà phê, chè đường, trái cây có nước đá bào gọi là cocktail, mua bán quần áo cũ ở những chợ trời, bán đồ xe đạp, thuốc tây, radio, cassette, quần áo ngoại quốc ..v..

Những nghề kể trên “đều là những nghề ít nhiều đã có từ trước ở Sàigòn”, tác giả viết tiếp: “Trước 1975 người Sàigòn đã bán xổ số, đánh đề, làm đĩ, ăn cướp, ăn xin, móc thùng rác, bán quần áo cũ, bán chợ trời, đạp xích lô, mua ve chai..vv..Chỉ có trước 1975 dân Sàigòn bị Mỹ Ngụy kìm kẹp nên có ít người làm những nghề đó, nay thì được làm thả dàn.”

Sau đó, tác giả liệt kê những nghề “chỉ Sàigòn xã hội chủ nghĩa hoặc thành phố Hồ chí Minh mới có, Sàigòn tiền 75 không có”, đó là : “nghề đứng ở cửa nhà Bưu Ðiện để mua lại thuốc tây của những người đi lãnh đồ”, mua để cung cấp thẳng cho các bác sĩ “vì y sĩ Saìgòn hành nghề được quyền bán thuốc tây cho khách”, và “bán thuốc tây là nguồn lợi chính của y sĩ, không phải tiền coi mạch hay khám bệnh”; kế là nghề cho vay tiền đóng thuế lãnh đồ ở Bưu điện và Kho Hàng Nước Ngoài ở Phi cảng Tân Sơn Nhất, dĩ nhiên là xanh xít, đít đui, 500 trả thành 600, 1000 trả thành 1200; nghề mua đồ đạc cũ, đồ điện cũ về sơn phết, sửa sang để bán lại; nghề ve chai cũng bị dân Thành Hồ hớt tay trên các chú thím Ba Tầu. “Ngày nào trong các xóm cũng có cả chục người đi rao mua đủ thứ: kiếng bể, kiếng mi-ca, ống nước, cây sắt, tôn cũ, nệm mousse mới cũ, lọ cổ, tranh sơn mài, dây điện, dây kẽm gai.” Một hôm buồn tình, Con Trai Bà Cả Ðọi ngồi gãi râu trên căn gác nhỏ, nhìn xuống con đường hẹp  trong cư xá nghèo, thấy các em đi mua đồ, bèn làm một bài Sẩm Xoang:

Tay Em xách túi,
Trên đầu Em đội cái mũ Dzăng-gô
Em vào xóm hẹp mua đồ.
_ Tivi, tủ lạnh, ra-dzô
Bếp ga, nồi điện, đồng hồ, máy may
Dây chuyền, cà rá, bông tai
Tiền xưa, lọ cổ, sơn mài.. Bán.. Mua..!
Nhà anh đà nhẵn như chuà
Còn anh, em có chịu mua thì mời..!
Mua đồ, em chẳng mua người.
Trao nhau đôi nửa nụ cười, Em dông.
Anh ra anh đứng bờ sông
Anh ôm cây sắt, anh tông xuống sình.
Cây sắt nặng, cây sắt chìm
Còn anh quá nhẹ lình bình anh trôi..
Ối Em ơi… cuả nặng hơn người!

Sau nghề ve chai Sàigòn còn một nghề độc đáo chắc chắn không thành phố nào trên thế giới có là nghề cho người ta đứng lên cân lấy tiền. Lý do là tất cả các tiệm thuốc tây bị đóng cửa hết, những bàn cân trong các tiệm thuốc tây đều không còn, người Sàigòn không còn cách nào đo đạc để xem mình nặng nhẹ bao nhiêu ký, một số người đem mấy cái bàn cân nhỏ, loại để trong phòng tắm những nhà sang, ra ngồi ở công viên, sở thú, đầu chợ, những nơi đông người qua lại, cho người ta đứng lên cân, để kiếm bạc cắc.

“Nghề coi bói, tử vi, gọi hồn, đồng cô, xác cậu, Quan Công, Ðức Thánh Trần, trừ tà, bắt ma, chữa bệnh…”, theo Con Trai Bà Cả Ðọi, “vẫn còn nhưng không khá mấy vì những trò này bị cấm”. Tuy nhiên “nghề đạp xích lô rất phổ biến ở Thành Hồ…Ðể tiết kiệm xăng dầu và giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố, xích lô đạp là cần thiết. Quận nào cũng có quyền cấp giấy phép cho ra xe xích lô mới. Người ta chế tạo xe xích lô khắp nơi. Xe mới được cải tiến, tiếp thu kinh nghiệm năm mươi năm xích lô đạp ở xứ này nên bây giờ xe xích lô mới rất đẹp. Giới đạp xích lô bây giờ lại là giới kiếm được tiền hơn nhiều người nhà cao, cửa rộng. Hai bố con có thể khai thác ngày đêm một chiếc xích lô: anh con đạp xe từ bốn giờ sáng đến 2 giờ trưa, ông bố đạp xe từ 2 giờ trưa đến 11 giờ đêm. Giá chế tạo một xe xích lô mới tinh là 7.000 đồng, vẫn rẻ so với giá vàng. Một cây vàng 18.000 đồng có thể làm được ba chiếc xích lô mới.” Ngưng trích.

Thế nhưng, theo Con Trai Bà Cả Ðọi, tất cả những nghề trên chưa thấm vào đâu với cái nghề rất ly kỳ là nghề “Chà Ðồ Nhôm”, một cái nghề “ai cũng có thể làm được dễ dàng”, một nghề hoàn toàn không cần vốn và “có thể kiếm được vài ngàn trong một buổi sáng.” “Chà đồ nhôm” là “chôm đồ nhà”. Từ sau 1975, ngôn ngữ nhân dân Sàigòn có thêm hai câu tiếng lóng “chôm chiã, mánh mung”, “chôm” là lấy, lấy bừa, có thể là lấy trộm, lấy mà người có của không biết hoặc biết mà không bằng lòng nhưng cũng không ngăn được, “chôm” thường đi với tiếng “đồ: chôm đồ”, “chiã” là cướp, chĩa dao, dí dao vào bụng người ta để cướp đồ, lột tiền. “Chôm đồ nhà, chà đồ nhôm” là lấy đồ ở nhà mình, hoặc nhà người quen, đem đi bán. Sau ngày VC vào Sàigòn, dân Sàigòn hành nghề chà đồ nhôm hơi đông. Và đến năm nay – 1981 – mà còn chà đồ nhôm được là một điều may mắn.

Ði đâu bỏ con ở nhà?
Hỏi Em, Em nói đi chà đồ nhôm.
Ði đâu tay xách, nách ôm?
Hỏi Em,. Em nói đi chôm đồ nhà!

Cũng với giọng trào phúng, mỉa mai đó Con Trai Bà Cả Ðọi viết tiếp bài “Em đi Anh ở lại thành”, một thể ký sự pha lẫn phóng sự, hay đúng hơn, phải gọi đây là một bài tiểu luận kiểu phóng sự, xen kẽ những bài thơ ngắn làm theo lối Phong Dao cuả Tản Ðà mà tác giả gọi là “Phóng Dao” vì “mỗi bài như một lưỡi dao phóng vào cuộc đời, trước nhất là phóng vào trái tim người sáng tác..”

Nội dung “Em đi Anh ở lại thành” nói lên nỗi niềm chua xót, bâng khuâng cuả người ở lại, tình nguyện hoặc kẹt lại, ở Sàigòn, sau khi người thân yêu của mình đã đi ra nước ngoài. Tác giả viết đề tài của những bài Phóng Dao “quanh quẩn ở mấy chuyện quen thuộc của người Thành Hồ: nhớ thương, ly cách, kẻ ở, người đi, nhắn tin, đi lãnh đồ, đi chui ..vv..Sự kiện đó rất logic và có tính biện chứng. Bác Hồ đã nói: “Xã hội nào thì có văn chương ấy!” Bác nói chí lý thay. Câu nào Bác nói cũng đúng, cũng ngời ngời chân lý!

Sau đây là vài câu Phóng Dao tiêu biểu, nói về chuyện vượt biên, vượt biên có lẽ là đề tài thường hằng nhất hiện nay tại xứ sở nơi mà “cái cột đèn mà biết đi nó cũng đi vượt biên” :

Thái Lan đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con.
Thái Lan đi có, về không.
Biển xanh mộ vợ, mồ chồng là đây.

Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Băng Cốc, Mã Lai thì về.

Nhớ Anh cũng muốn vê bê
Sợ thằng hải tặc nó bề lại thôi.

Nhớ Anh Em cũng muốn chui
Sợ thành hải tặc nó dùi, Anh chê.

Lòng rằng lòng chẳng sợ ai
Sợ thằng hải tặc làm dai đau lòng.

Muốn mau thì chịu đò đông
Em muốn sang Mỹ lấy chồng thì chui.

Một cây mười mấy ngàn đồng
Em tui chắt bóp cho chồng Em chui.
Chồng Em sang Xứ Chồn Lùi
Nó lấy vợ khác, Em tui mất chồng.

Lầu nào cao bằng lầu Ông Chánh?
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông?
Anh thương Em từ thủa Mẹ bồng
Bây giờ sang Mỹ lấy chồng bỏ Anh!

Từ giã bầu không khí trào lộng mặn đắng, mặn chát của Con Trai Bà Cả Ðọi, ta bước vào thế giới của thi sĩ Yên Ba qua bút ký “Áo Vàng Hoa”. Nơi đây chỉ có sự thinh lặng đan vào với nỗi chua xót tận cùng của kẻ sa cơ lỡ thế, đến nỗi những phẫn nộ cũng trở thành một phản ứng thưà thãi chỉ tổ làm hao mòn thêm chút sinh lực tàn. Nhưng cũng chính ở thái độ thâm trầm điềm tình dẫu rất não nề của người viết mà người đọc có thể đo lường được tính chất xác thực của những sự việc ông trình bày.

“Áo Vàng Hoa” thực ra là những trang nhật ký viết cách nhật, ghi lại những cảm nghĩ, những việc xẩy ra ở những nơi tác giả sống cũng như những nơi tác giả đặt chân đến ở Sàigòn, xen kẽ là những bài thơ tác giả sáng tác, điều mà từ lâu tác giả không làm vì – theo lời tác giả “không còn thì giờ và tâm hồn để làm thơ nữa” hoặc “chỉ thỉnh thoảng tôi mới làm vài câu thơ nhưng cũng không ra hồn”. Thế nhưng, “từ 1976 bỗng dưng tôi làm thơ. Tôi không có gì khác hơn hai mươi triệu người Việt Nam bỗng dưng làm thơ từ sau 1975. Hay hoặc dở, tôi không nói. Chỉ biết rằng có rất nhiều người trước kia chẳng để ý gì đến thi ca, văn nghệ, từ mấy năm nay, bỗng làm thơ, người vài chục bài, người vài ba câu. Và tôi thấy rằng Thơ là tiếng nói cao đẹp nhất của tâm hồn con người, Thơ là hình thức cao nhất, là tinh hoa của văn nghệ..(…) Không phải Thơ làm cho người làm thơ khốn khổ, chính vì có khốn khổ mới thành Thơ”. (Ghi trong nhật ký ngày 19.4.81.)

Như đa số những người cầm bút miền Nam sau 75, Yên Ba bị cưỡng bách “về hưu” vì chế độ xã hội chủ nghĩa không có chỗ cho họ chen chân. Ðời sống đó đã được thi sĩ mô tả qua bài “Cực Tả” (có thể hiểu theo cả hai nghĩa: cực tả chân dung mình, và cực tả chủ nghĩa, có nghĩa là nghèo hơn cả vô sản chính thống.)

Cửa đóng, màn che đã mấy thu
Ðời tàn ngõ hẹp, sống như tù.
Quẩn quanh học lại Thiền Ðông độ,
Vào ra luyện mãi Pháp Tây du.
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng,
Nẫu nà Từ Thức đứng xoa khu.
Ăn chỉ rau cà, chê thịt cá,
Số chẳng tu hành cũng hoá tu!

Thi sĩ thương mình sa cơ, thất thế, lâm cảnh cùng quẫn, thương người vợ hiền phải vất vả vì lo cơm áo cho các con, chẳng còn biết nói gì, đành thương xót vỗ về, an ủi nhau:

Dìu nhau vượt Suối Ưu Phiền
.. Anh non tay chống cho thuyền Em chao!
Thương thì thôi, xót xa nhau.
Cho nhau trọn kiếp, kiếp sau anh đền!

Niềm vui duy nhất, mà cũng thảm nhất, của những người ở nhà bây giờ là mong chờ bác phát thư đi qua với hy vọng bác sẽ ngừng xe đạp trước nhà mình để đưa cho mình tấm giấy báo đi lãnh đồ ở Bưu Ðiện:

Anh không biết ngày xưa Em trẻ,
Khi Em yêu, Em đợi, Em chờ
Có bao giờ Em buồn như thể

Sáng nay Em trong cửa mong thơ.

Niềm hy vọng trong Em chợt hé,
Người phát thư xe đạp đi qua.
Chưa bao giờ thấy Em buồn thế,
Khi nghiêng vai Em trở vào nhà.

……

Niềm mơ ước sáng nay thật bé
Em chờ mong chỉ một thùng đồ!

Nhưng thỉnh thoảng vợ chồng thi sĩ cũng vớ được mảnh giấy gọi đi lãnh đồ ở Bưu Ðiện. Nhưng niềm vui chưa trọn thì nỗi chua chát đã thành hình khi thi sĩ nhìn thấy những hoạït cảnh quanh mình ở nơi lãnh đồ, chen lẫn trong đó là nỗi bồi hồi trước những tấm tình của những người  xa nước gửi  về:

Xú cheng, si-líp, sơ-mi,
Quần jeans, soa Pháp, bút bi đủ mầu.
Thuốc Tây, thuốc Mỹ, thuốc Tầu
Tình yêu từ khắp năm châu gửi về!

Hoặc:

Một lọ thuốc, hai lọ thuốc, ba lọ thuốc
Em nói Em yêu Anh bằng tiếng Bécozym ngọt lịm.
Em hôn Anh bằng những nụ hôm Alka-Seltzer.
Anh ngửi mùi da thịt Em trong những mét soa,
Anh uống từng giọt nước mắt Em trong lòng cây bút Bic!

Có lẽ chưa có đời sống nào, thời nào, ở đâu, thê thảm bằng đời sống ngày nay ở Thành Hồ, thành phố mà nơi nơi, chỗ chỗ đều ghi dấu cảnh sinh ly, tử biệt. Ngay cả những vật vô tri dường như cũng chia sẻ nỗi đau khổ  của con người, như những chiếc bàn Bưu điện, nơi những bà mẹ già, những người vợ trẻ, bận rộn, chen chúc gửi những gói quà nuôi chồng con ở những trại cải tạo, nơi những thiếu phụ ngồi cắm cúi viết thư. Mặt những chiếc bàn gỗ ở nhà Bưu Ðiện Sàigòn loang lổ vết hồ dán tem. Thi sĩ mơ mộng và thấy mặt bàn hoen vết nước mắt của những người vợ, người tình trẻ bị chia ly ấy. Và dường như tình yêu cuả họ đặt trên bàn quá nặng lamø cho thi sĩ thấy những chiếc bàn ấy nghiêng đi trong bóng chiều…

Em viết thư cho người tình cũ
Cho chồng Em phiêu bạt sông hồ
Người bên kia biển, người ngồi rũ
Trong lao tù? Người sống tự do?
……….
Bao nhiêu đau khổ, bao ly tán
Nhiều nhớ thương và ít lãng quên
Ðã về trên mặt bàn Bưu Ðiện
Tự thủa trời long, đất ngả nghiêng.

Em thưng sầu, Em thấy không Em?
Lệ Em rơi nên mặt bàn hoen.
Vì Em trên giấy nghiêng âu yếm
Nên mặt bàn Bưu Ðiện cũng nghiêng!

Dù xót xa, dù tuyệt vọng, người đọc vẫn thấy phảng phất trong lời thơ những nét sáng ngời của viên ngọc tình người: lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, những hình ảnh đẹp như kỷ niệm về chiếc Áo Vàng Hoa mà thi sĩ đã mua tặng vợ từ trước 75, chiếc áo được vợ chàng thỉnh thoảng đem ra ngắm như thể qua đó, nàng nhìn thấy được cả một thời dĩ vãng xa xưa. Nhưng liệu nàng có thể giữ tấm Áo Vàng Hoa ấy đến bao giờ trong cảnh cùng quẫn lo chạy gạo từng bữa cho các con của họ? Nếu phải bán áo, lấy đâu Áo Vàng Hoa để thi sĩ mặc cho vợ khi nàng trở về tiên giới như chàng đã mơ mộng hưá với nàng:

Em lại hỏi có ngày ta phải
Chia áo này cho các con ta?

Em yêu dấu… Em ơi đừng ngại
Mặc cho đời tháng lại, ngày qua
Trong xương thịt ta còn giữ mãi
Những cái gì riêng của đôi ta!
Khi Em nằm xuống, khi tàn lửa
Trong hào quang của những tiên nga
Khi xe hạc vàng nhung đến cửa
Ðón Em về xa cõi trời xa
Anh sẽ mở hồn Anh lấy áo
Mặc cho Em chiếc Áo Vàng Hoa!

Ngưng trích bài viết của Trùng Dương

o O o

Trong “Sổ Tay Trùng Dương” viết khoảng năm 1982, bài “Anh không chết đâu anh” có đoạn:

Trùng Dương viết:

“Nói về Thơ, từ bước vào làng văn, làng báo, và quen biết với nhà văn Hoàng Hải Thủy, tôi (Trùng Dương) chưa hề được đọc một câu thơ nào của anh và cũng không biết được bên dưới tài viết báo, nghệ thuật phóng tác tiểu thuyết tuyệt vời của họ Hoàng còn có một nhà thơ với những bài thơ đã làm tôi ưá nước mắt. Cũng như Yên Ba, họ Hoàng đã “không có gì khác hơn hai mươi triệu người Việt Nam bỗng dưng làm thơ sau 1975”. Khác với Yên Ba tâm sự với vợ con, với những người phụ nữ không quen biết anh gặp ở nhà Bưu Ðiện đang lo viết thư gửi cho chồng, cho người yêu đang bị tù đày hay đang sống tha hương, Hoàng Hải Thủy làm thơ tâm sự với người xưa như Tố Như Nguyễn Du hoặc Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu. Một trong những bài thơ của họ Hoàng đã làm tôi chua xót đến ngẩn ngơ nhiều ngày; đó là bài “Tại sao?”, có đoạn như sau:

Hỡi ơi…!
Hà kỳ nhất bách dư niên hậu
Ngã đoạn trường bi khốc Tố Như!

Ai ngờ trăm lẻ năm sau
Ðoạn trường ta khóc, ta sầu Tố Như.
Tại sao, sao lệ ngàn xưa
Ngàn năm chảy mãi bên bờ thời gian?

Tố Như ơi… Biết cùng chăng
Tại sao ngọc nát mà vàng lại phai?
Tại sao còn một chút này
Chẳng cầm cho sạch lại giày cho dơ?

Tại sao Thơ đoạn trường Thơ?
Tấm lòng trinh bạch bao giờ mới thôi?”

Thơ làm ngày 2 Tháng 7, 1977 ở Sàigòn.

Ngưng trích bài viết của TRÙNG DƯƠNG

Một bài trong Tập ‘SÀIGÒN trong trái tim  tôi’, sắp xuất bản.

SÔNG ĐÀO TẮM MÁT

NOTRE DAME de PARIS, quyển sách đến với tôi – HHT – ở Sài Gòn năm 1952, trong hình này tôi ghi ngày tháng và ký tên trên sách Tháng Năm 1956. May 1956

Sông Đào trong bài này không phải là dòng sông tên là sông Đào, như sông Hồng, sông Hương, mà là dòng sông do người đào lên. Như Nhuệ Giang, dòng sông chẩy qua tỉnh lỵ Hà Đông, thành phố thời thơ ấu của tôi, là sông đào, sông nhân tạo, sông do người đào làm thành sông.

Đời tôi có hai con sông đào, một là sông Nhuệ, ở Hà Đông, sông thứ hai là con sông chẩy qua cánh đồng làng quê tôi – làng Linh Quy, tổng Kim Sơn. Phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh – sông này bắt nguồn từ đâu, kết thúc ở đâu, tôi không biết. Tôi chỉ biết nó là dòng sông nhỏ, nhiều chỗ nông người có thể sắn quần lội qua được.

Viết rõ hơn: người ta có thể sắn quần mà lội qua sông, nước sông có chỗ chỉ đến đầu gối. Vì sông là sông đào nên sông không có tên, hay sông ngày xưa có tên mà tôi không nhớ.

Không phải thời gian đã qua 50 năm mà là 70 năm kể từ lần cuối cùng tôi lội qua  con sông đào này để sang làng Trân Tảo gặp anh bạn tôi năm xưa ấy.

Người bạn tôi năm xưa ấy nay là Nhà Văn Xuân Cang, nhân viên tòa soạn báo Lao Động, Hà Nội.

Muốn tắm mát thì lên ngọn con sông Đào.
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Lần cuối cùng tôi lội qua con sông đào  tôi 14 tuổi.Năm ấy là năm 1947.

Năm nay, sống những ngày cuối đời – ông bà tôi thường gọi là những ngày “gần đất, xa trời” – năm 2017, tôi 84 tuổi.

Tôi có trí nhớ tốt. Năm nay tuổi đời Tám Bó Lẻ 4 cây, tôi nhớ những chuyện xẩy ra trong đời tôi năm tôi 10 tuổi. Như chuyện năm tôi học Lớp Ba Trường Tự Đức Hà Đông. Trong lớp có em học trò  tên là Xuân. Em trạc tuổi tôi. Bọn bạn trong lớp gán cho Xuân là vợ  tôi.

Một hôm trên bảng đen có hàng chữ phấn:

Xuân Hạ Thu Đông

Tên bạn tinh nghịch nào đó sửa chữ Hạ ra chữ Hải. Xuân Hạ thành

Xuân Hải.

Em Xuân mách thầy giáo:

– Thưa thầy, anh Hải anh ấy cứ viết bậy tên con với tên anh ấy trên bảng.

Tôi bị thầy Giáo Kiên véo tai.

Thưở nhỏ tôi không khôn ranh tí ti ông cụ nào. Không những tôi không khôn ranh, tôi đần, dzốt, ngu, ngớ ngẩn, chậm hiểu. Bị oan tôi không biết kêu oan, tôi không biết cãi, chỉ có nói:

– Con không viết bậy, thằng nào nó viết.

Chỉ nói thế thôi với ông thầy giáo tôi cũng không nói được. Bị oan, bị thầy véo tai,  tôi mếu rồi tôi ấm ức khóc.

Năm 1960 tôi gặp lại cô bạn học tên Xuân ở Sài Gòn. Nhìn vóc dáng bồ tượng của cô, bộ mặt tròn xoe của cô, cặp má bánh đúc cũng của cô, tôi bùi ngùi. Tôi nghĩ tôi với cô mà thành vợ chồng, chắc tôi cực kỳ đau khổ.

Năm 1944 ở Bắc Kỳ có bệnh dịch gọi là “đau màng óc” – dường như tiếng Pháp là bệnh Meningitis – năm xưa ấy bệnh đau màng óc không có thuốc chữa. Có thể nói năm ấy mười người đau màng óc, sưng màng óc, bị chết cả mười.

Những ngày như lá, tháng như mây
Dòng Thời Gian dài một ánh bay.

Bệnh đau màng óc ở Bắc Kỳ năm xưa ấy toàn đánh vào những thiếu niên trên dưới 15 tuổi. Tôi nhớ tôi không thấy những người lớn bị đau màng óc. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến nỗi những nhà thương công phải dành một nhà riêng cho người đau màng óc nằm. Chỉ có bố mẹ người đau, và người nhà mang cơm nước, được vào nhà bệnh này.

Lúc ấy 5 giờ chiều tôi còn tỉnh, chị tôi cho tôi một su, tôi mua kẹo kéo ăn. Bỗng tôi thấy tôi ngất ngư, tôi chóng mặt. Tôi vào giường nằm. Chiều ấy mẹ tôi lên nhà ông ngoại tôi. Khi mẹ tôi về, nằm trong giường tôi rấm rứt khóc.

Bẩy mươi năm qua hôm nay tôi nhớ lời nói của mẹ tôi khi bà đưa tay sờ trán tôi:

– Con trai gì mà hơi một tí là khóc.

Đó là câu nói cuối cùng tôi nghe, tôi hiểu trước khi tôi mê.

Nhà Thương Hà Đông năm ấy có ông docteur người Pháp, và ông medecin phụ tá người Việt. Thầy tôi mời ông y sĩ Việt đến nhà. Ông y sĩ quyết định đưa tôi vào nhà thương ngay.

Nhà thương khi đó đã có một gian riêng dành cho bệnh nhân đau màng óc. Khi tôi được đưa vào phòng này, phòng đã có chừng 10 bệnh nhân. Mẹ tôi vào chăm nom tôi. Mẹ tôi nằm ngủ cùng giường với tôi. Tất nhiên là cả đêm mẹ tôi ngủ chập chờn.

Bên giường bệnh của tôi là giường một thiếu nữ trạc tuổi tôi. Cô là con ông bác sĩ Thú Y trong tỉnh. Người trông nom cô là bà mẹ cô. Hai bà – bà mẹ cô và bà mẹ tôi – làm thân với nhau. Mẹ tôi kể hai bà hứa hẹn – bà mẹ cô và bà mẹ tôi – nếu hai trẻ sống sẽ cho chúng làm vợ chồng.

Hai trẻ cùng sống, nhưng không có chuyện vợ chồng chi cả – cùng sống ra khỏi nhà thương, không một lần chúng tôi gập lại nhau.

Sống sót tôi phải nghỉ học ba tháng. Tôi phải sống một minh trong một căn phòng nhỏ, để khỏi làm các em tôi bị lây bệnh.

Sau ba tháng nghỉ học, thầy tôi hỏi tôi:

– Le soleil là gì? La terre là gì??

Tôi không trả lời được.

Một bạn đọc của tôi, bạn DHD, ở Toronto, gửi I-Meo cho tôi:

– Tôi muốn mua lại tủ sách của ông. Ông cho tôi biết giá tiền. Nếu tôi mua được tôi sẽ gửi tiền ông trước, ông cứ giữ sách. Khi nào ông bảo tôi đến lấy sách, tôi sẽ đến lấy.

Thư của bạn DHD làm tôi cảm khái.

Tôi gọi tủ sách  của tôi là Phong Lâm Tàng Kinh Các. Phòng của vợ chồng tôi trong một nhà dành cho những ông bà già nghèo tiền – văn huê là “ thu nhập thấp” – không có đủ chỗ để nhiều sách – trong 20 năm sống trong nhà này đã hai lần tôi phải cho đi, bỏ đi một số sách

Tôi không thể đánh giá tiền tủ sách của tôi. Tôi không biết số sách tôi hiện có ở Kỳ Hoa trị giá bao nhiêu tiền.

Cùng đi với bài này quí vị thấy trang bìa hai quyển sách. Quyển Notre Dame de Paris tôi mua ở Sài Gòn năm 1952, quyển Truyện Thúy Kiều tôi mua ở Sài Gòn cùng năm 1952.

Mấy tháng cuối năm 1988, ở Nhà Tù Chí Hòa, tôi đã ra tòa, đã có án, tôi nằm ở phòng tù chờ đi trại khổ sai. Vợ tôi gửi vào tù cho tôi quyển Truyện Thúy Kiều. Quyển này theo tôi lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, theo tôi sang Mỹ. Hiện nó nằm bên computer của tôi khi tôi viết những dòng chữ này. Sách ra đời năm 1950, đến nay nó đã 70 tuổi. Sách đã ở bên tôi 68 năm.

Tôi có quyển Truyện Thúy Kiều này trước khi tôi có Alice. Truyện Thúy Kiều đến với tôi năm 1952, Alice đến với tôi năm 1954. Nay Truyện Thúy Kiều và Alice cùng sống với tôi trong một căn phòng ở Kỳ Hoa Đất Trích.

Tôi cho phép tôi kiêu hãnh: trên đời này chắc không có người tù Nhà Tù Chí Hòa nào có  quyển Truyện Thúy Kiều để đọc trong Nhà Tù, rồi mang quyển Kiều đó theo anh tù sang Kỳ Hoa Đất Trích.

Hai mươi năm sống và viết ở Kỳ Hoa Đất Trích, từ năm 1995 cho tới nay Tháng Ba 2017 – tôi đã viết khoảng một ngàn bài Viết ở Rừng Phong – 1000 bài VoRP – nay nhiều hôm tôi thấy tôi muốn viết về một chuyện văn thơ, lát sau tôi nhớ ra tôi đã viết về đề tài ấy rồi. Nay có viết lại, tôi viết bài mới nhạt hơn bài xưa.

Tôi mời bạn quý đọc bài viết này:

o O o

MARIE KHÁNH NGỌC

Trích TRƯỜNG ĐỜI. Tiểu thuyết của LÊ VĂN TRƯƠNG

Sáng hôm sau, Trọng Khang ra đứng ở cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho mình để lại thăm Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi ngựa, chân đi giầy ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một chiếc roi ngựa bằng sừng hiêu từ phía chợ đi lại.

Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra một người bạo dạn. Trọng Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu.

Trong khi Trọng Khang nhìn nàng, thì nàng nhìn con ngựa. Rồi nàng quay lại nói với tên người nhà đi theo sau :

– Con ngựa đẹp quá mà cao quá nhỉ!

Nàng rảo cẳng đến trước mặt Trọng Khang hỏi bằng tiếng Pháp :

– Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một tí không?

Trọng Khang thấy bực tức, về chỗ một người đồng loại nói với một người đồng loại mà lại không dùng tiếng mẹ đẻ, hơn nữa cái người nói ấy lại là một người đàn bà. Chàng tự nhủ: ngữ này có lấy chồng cũng chẳng qua là để hưởng khoái lạc, chớ không phải là để làm vợ, làm mẹ. Tuy lòng chàng khó chịu như thế, nhưng sắc đẹp vốn có cái sức mạnh bắt buộc người ta phải lịch sự. Trọng Khang cũng trả lời một cách rất lễ phép, song bằng tiếng ta. Đó cũng là một cách phản đối, nhưng cái lối phản đối ấy người con gái không để ý đến :

– Vâng xin mời cô cứ xem.

Người con gái lại gần vỗ vào cổ ngựa, nhìn kỹ từ đầu đến chân rồi hỏi, cũng vẫn bằng tiếng Pháp, với cái giọng của một người xưa nay chưa hề bị trái ý bao giờ :

– Ngài bán con ngựa của ngài cho tôi nhé? Bao nhiêu tôi cũng mua. Tôi không kỳ quản về đồng tiền đâu, ngài muốn bao nhiêu ngài cứ nói thật đi.

Lúc này Trọng Khang không thể chịu được nữa. Lâm vào cảnh nghèo, chàng mới cảm thấy tất cả sự sỗ sàng của người giàu sang. Vẫn bằng tiếng ta, giọng hơi gay gắt vì khinh mạn, chàng đáp :

– Thế thì cô không phải là người biết chơi ngựa rồi. Bởi vì một người biết chơi ngựa bao giờ cũng hiểu rằng một khi người ta có con ngựa hay như thế này, người ta không bán bao giờ. Thứ nhất ở trên chốn rừng núi này, con ngựa này là một người bạn đồng hành trung thành và tận tâm nhất.

– Tôi trả ngài năm trăm. Ngài bảo sao?

Vẫn bằng tiếng ta, Trọng Khang trả lời :

– Tôi đã bảo rằng thì tôi được lãi ba trăm rưỡi, vì tôi mua nó có một trăm rưỡi. Nhưng ba trăm rưỡi cũng không bù được với những công việc nó đã giúp ích cho tôi và tấm lòng tôi mến nó.

– Nếu tôi tăng giá nữa thì ngài nghĩ sao?

– Tôi nghĩ rằng lòng mến là một thứ không thể đem đánh giá bằng tiền được.

Cái nhìn của người con gái lúc bấy giờ mới đặt một cách chăm chú lên khuôn mặt của Trọng Khang :

– Tôi xem ra ngài cũng giàu và không cần đến tiền thì phải.

Trọng Khang nhếch một nụ cười :

– Tôi hiện nghèo lắm, ngày mai chưa biết sống bằng gì?

– Thế tại làm sao ngài không bán con ngựa của ngài đi?

Trọng Khang cau mặt :

– Thì tôi đã bảo lòng mến là một thứ không thể đem ra đầu cơ trong lúc túng thiếu được cơ mà.

Người con gái cười, để lộ hàm răng trắng như ngà :

– Ngài là một người hơi kỳ quái. Thôi tôi xin lỗi ngài nhé.

Nói xong, người con gái tháo chiếc “găng” bằng da, giơ tay bắt tay Trọng Khang. Cái cử chỉ thành thật và bồng bột ấy làm cho Trọng Khang xuê xoa được sự ghét bỏ gây ra bởi sự ăn nói lố lăng của nàng. Bất giác, chàng trả lời bằng tiếng Pháp :

– De rien, mademoiselle.

Câu tiếng Pháp của chàng lúc này có một sức phản động đột ngột. Nó làm cho người con gái nghĩ ngay đến cái chỗ lúc nãy mình toàn hỏi bằng tiếng Pháp mà người ta chỉ trả lời bằng tiếng Nam.

Nàng tủm tỉm cười rồi, lần này, hỏi Trọng Khang bằng tiếng ta

– Việc tôi nói tiếng Pháp chắc làm ngài khó chịu lắm nhỉ?

Trọng Khang phác một cử chỉ để chối.

Người con gái gặng lại :

– Không. Chắc là ngài khó chịu lắm, cho nên ngài một niềm trả lời tôi bằng tiếng ta.

Một ý nghĩ đến ngay trong óc Trọng Khang: “Người này vì hoàn cảnh mà sinh ra lố lăng, chứ bản tâm vẫn là một con người tốt”.

– Vâng, tôi không giấu cô. Thoạt tiên tôi thấy một người Nam nói với một người Nam mà không dùng tiếng mẹ đẻ thì tôi hơi khó chịu thật. Người Pháp họ nói với nhau có dùng tiếng “Ăng-lê” bao giờ. Họ quý tiếng họ lắm. Tại sao mình lại không?

– Tôi vì du học ở Pháp, nên quen mồm.

Trọng Khang tủm tỉm :

– Biết đâu sự quen mồm ấy chẳng cũng là để tỏ cho người ngoài biết rằng mình là một người học thức.

Người con gái cũng cười :

– Non, ce n’est pas de la vanité, mais c’est peutêtre du snobisme. Ấy chết, tôi lại nói tiếng Pháp rồi. Tôi quen nghĩ bằng tiếng Pháp, vả chữsnobisme, tiếng Nam không biết dịch là gì. Thế thì có lẽ tôi là một người Việt Nam không tốt.

Trọng Khang xốc khẩu súng lục đeo ở lưng :

– Cô đã biết nghĩ thế, thì cô bây giờ là người Việt Nam rất tốt rồi.

– Chà, khẩu súng lục ngài đeo sao to thế? Hình như nặng lắm thì phải. Đến vài cân.

– Chả mấy. Hơn ba cân.

– Thế thì lúc bắn thế nào?

– Dùng nó quen đi. Tôi cho là không nặng. Chúng tôi sống cái đời ở rừng núi, phải cần đến thứ súng Mauser này mới bắn được xa. Chứ thứ súng của cô, không bắn xa được mấy.

– Súng của ngài bắn xa được bao nhiêu?

– Có thể được một hai cây số.

– Thế cơ à? Bao nhiêu phát?

– Hai mươi bốn phát. Sang đến đất Tàu, những thứ súng này cần lắm. Bên đó giặc cỏ như rươi.

– Ba tôi cũng đem đi mười mấy khẩu súng trận. Sang đến địa phận Tàu lại có lính của chính phủ Vân Nam đón chúng tôi. Như thế cũng chả ngại. Ông có thể cho tôi xem khẩu súng của ông được không?

– Xin vâng, nhưng xin mời cô vào trong này.

Người con gái mạnh bạo theo Trọng Khang vào trong nhà, chẳng một chút e lệ. Trọng Khang tháo khẩu súng đưa cho người con gái xem.

– Súng này có một cái lợi là nếu muốn bắn xa và bắn lâu thì tháo cái bao gỗ này lắp vào như một cái báng.

Người con gái cầm khẩu súng giơ lên :

– Trời ôi! Sao nặng thế này. Tôi thì tôi chịu đấy. Ba tôi có lẽ cũng chịu. Họa chăng anh François mới dùng đến. Nhưng cũng vị tất, vì anh ấy cũng chẳng khỏe hơn tôi nào. Ông bắn có giỏi không? Ở nhà, tôi với anh François cũng tập bắn bia đến hơn 100 phát, nhưng cũng chưa lấy làm gì tin lắm. Mười phát cũng còn sai đích đến ba bốn.

– Bắn bia khác, bắn thật khác. Bắn bia thì người ta không bị xúc động. Tôi đã biết lắm người bắn bia rất giỏi mà lúc bắn thật thì trúng rất ít. Sự bắn giỏi hay không là một vấn đề thần kinh hệ. Người nào trấn tĩnh được lòng mình thì người ấy có thể bắn giỏi. Ở đất Tàu có nhiều giặc cỏ, cô sang mà không sợ à?

Người con gái nhún vai, trả lời một cách rất tự nhiên :

– Không. Có lẽ vì nghe người ta nói thế, nên tôi nhất định nèo ba tôi phải cho đi kỳ được.

Hai người còn đang trò chuyện thì có người nhà đến mời cô con gái ông chủ thầu về ăn điểm tâm.

Trọng Khang đứng dậy, tiễn ra tận cửa.

Trước khi quay đi, người con gái còn lại gần ôm cổ con ngựa, hôn một cái rồi nói bằng một giọng tiếc rẻ :

– Tôi yêu con ngựa này quá. Tôi tiếc rằng ông cũng yêu nó quá mà không chịu bán cho tôi.

– Tôi cũng rất tiếc là không chiều cô được…

– Tôi cũng có mua ở Phố Lu mấy con, nhưng xoàng cả. Biết thế này, tôi buộc ba tôi phải đem con ngựa của tôi lên đây.

– Đem lên đây chỉ trong vài tuần lễ nó sẽ ngã nước chết. Mà dù có khỏi thì nó cũng không quen đường núi, như thế rất nguy hiểm cho tính mệnh người cưỡi.

– Thôi thế là đành rằng trong thời kỳ tôi ở trên này, tôi không có được một con nào vừa ý như ngựa của ông.

Nhìn Trọng Khang bằng cái nhìn rất “đàn bà”, nàng tiếp :

– Tôi mong ông đổi ý.

Trọng Khang cười, lặng im.

– Nếu ông đổi ý thì… nhà tôi ở trước chợ, ông nhớ lại nhé.

Nói xong, giơ tay bắt tay thật chặt, rồi đi thoăn thoắt. Trọng Khang nhìn theo một lát bỗng gọi giật lại :

– Này cô!

Người con gái tươi cười vội quay lại :

– Ông đã đổi ý rồi ư? Sung sướng cho tôi quá!

– Không. Nhưng tôi có thể chiều cô một lát được. Tôi cho cô mượn cưỡi về nhà, rồi cô lại cho người đem đến đây trả tôi.

– Ồ! Quý hóa quá! Vừa rồi, tôi cũng đã toan hỏi ông như thế.

o O o

Quý vị vừa đọc một đoạn trong tiểu thuyết Trường Đời của Nhà Văn Lê Văn Trương.

Trương Đời được viết và xuất bản trong loại sách có cái tên lạ và dài là “Phổ Thông Bán Nguyệt San.”

CTHĐ bàn loạn:

Đoạn truyện này có những sự việc vô lý – không phững chỉ vô lý suông mà còn là chuyện tối vô lý, chuyện không thể xẩy ra được.

Trong thời Việt Nam thuộc quyền cai trị của Thực Dân Pháp – trước năm 1945 – chính phủ Bảo Hộ Pháp cấm dân Việt dùng súng lục. Súng trường bắn chết người lại càng bị cấm ngặt. Không làm gí có chuyện một ông Lái Gỗ – ông buôn gỗ cây trên rừng thả bè trên sông Hồng trôi về Hà Nội – có súng lục, công khai dùng súng lục. Súng lục của ông này – ông Trọng Khang Trường Đời – không phải là loại súng lục thường, mà là súng Mauser bắn xa 3 cây số, thường gọi theo Tầu là súng Pặc Khoọc. Ông Lái Gỗ thì dùng súng làm gì? Cướp nó có điên nó cũng không đến cướp gỗ của ông. Sống trong một thành phố nào đó ở gần biên giới Tầu, thời Pháp bảo hộ, thanh bình 500/100, không có lý do gì để ông phó thường dân Trọng Khang đeo súng lục Pặc Khoọc bên hông đi khơi khơi trong thành phố.

Chính phủ Bảo Hộ nào cho phép ông Lái Gỗ Việt dùng súng lục ?

Cô Khánh Ngọc không có tư cách gì để có một khẩu súng lục  đeo toòng teng bên mông.

Không thể có chuyện mở cuộc đấu thầu ở Hà Nội để làm một con đường ở bên Tầu.

Chuyện vô lý đến hết nước nói như vậy mà vẫn được ông Lê Văn Trương viết ra, ông Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình sáng giá nhất năm xưa ấy, khi phê bình Trường Đời cũng tỉnh queo không viết gì về chuyện hai thanh niên Việt Nam công khai có súng lục những năm 1935.

Chiều nay, một mình ngồi viết ở xứ người, tôi thắc mắc: Ông Vũ Ngọc Phan có biết  chuyện súng lục vô lý ấy không? Hay ông không biết?

Phi ní lô đia. Hết nước nói.

MỘT NGÀY TRONG ĐỜI

Alexandre Solzhenytsin trước máy chữ, ảnh ghi khoảng năm 1970.

Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì ?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,
Ta biết xuân nhau có một thì !

Một ngày trong đời được diễn tả trong bài Viết ở Rừng Phong Tháng Ba 2017 không phải là một ngày trong đời Nhà Văn Solzhenytsin mà là một ngày trong đời người viết những dòng chữ này – Công Tử Hà Đông.

Tháng 12 năm 1946 chiến tranh Việt Pháp nổ ra ở Hà Nội, gia đình tôi từ thị xã Hà Đông chạy loạn về làng quê tôi – làng Linh Quy, tổng Kim Sơn, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh – năm 1947 tôi ở trong Ban Văn Nghệ Gia Lâm. Gọi là Ban Văn Nghệ cho oai, thực ra cái gọi là Ban Văn Nghệ này chỉ có một việc làm là đi diễn kịch tuyên truyền ở những làng chưa bị quân Pháp tấn công, chưa có đồn bót của quân Pháp trấn đóng, chưa là “làng Tề,” một thứ làng quê có đồn bót của quân Pháp đóng ở gần làng, Ban ngày lính Pháp trên đồn kiểm xoát những làng này, ban đêm nhiều làng có Việt Minh về hoạt động. Làng phải có chính quyền xã – thường là do quân Pháp chọn người và cho làm đại diện dân làng – ban đêm những ông “đại diễn bất đắc dĩ” này phải ứng phó với Việt Minh. Các ông ở trong tình cảnh “một cổ hai tròng.” Ngôn ngữ Việt Nam ở Bắc Việt thời ấy có thành ngữ “Ấm ớ Hội Tề” là do tình trạng những ông làng Bắc Kỳ phải cùng một lúc làm vừa lòng những người Việt Minh kháng chiến và người Pháp chiếm đóng.

Cái gọi là Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Gia Lâm có anh Dũng làm Ủy Viên Ban Thanh Niên. Tất nhiên anh Dũng là bí danh của anh. Anh trạc 30 tuổi, chưa vợ, người không phải là dân vùng quê tôi. Anh đến sống trong làng quê tôi, anh thành lập cái gọi là Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi Gia Lâm.

Cái gọi là Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi Gia Lâm này có 5 thiếu niên, trong số có tôi và Xuân Cang, một thiếu niên bằng tuổi tôi. Làng của Xuân Cang là làng Trân Tảo, cách làng Linh Quy của rôi một cánh đồng và một con sông đào.

Năm 1947 quân Pháp hành quân qua vùng Làng tôi. Cái gọi là Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi Gia Lâm chỉ  có  5 chú thiếu niên, chú nào cũng trạc 14, 15 tuổi. Trong số những chú này có tôi. Chúng tôi diễn toàn kịch cương, tức kịch không có kịch bản, không có đối thoại. Tôi có cái kèn harmonica, dường như là kèn Butterfly. Tôi thổi cây kèn này khi các bạn tôi hát bài Tiến Quân Ca mở đầu buổi diễn kịch.

Năm 1945, 1946 tôi ở trong đoàn Hướng Đạo Đống Đa. Tôi có chừng 10 số báo Thẳng Tiến của Hướng Đạo Việt Nam. Trong những số Thẳng Tiến xuất bản mỗi tháng một kỳ này có khoảng năm, bẩy vở kịch của Hướng Đạo. Những vở kích ngắn, ít vai, dễ diễn, thường được diễn trong những đêm lửa trại của Hướng Đạo. Tôi kể cốt chuyện những vở kịch Hướng Đạo này cho các bạn tôi nghe, chúng tôi diễn cương theo ý những vở kịch ấy. Toàn là kịch vui.

Quân Pháp hành quân qua vùng, Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi Gia Lâm tan rã, anh Dũng đi qua sông Đuống sang vùng Bắc Ninh chưa bị quân Pháp đánh tới. Năm ấy những vùng đất như thế được gọi là Vùng Tự Do. Từ đó tôi không một lần được gập lại anh Dũng.

Những làng vùng quê tôi có tên chữ Hán, có tên tiếng Nộm: như tên làng tôi là Linh Quy, tên Nôm là Làng Vụi, làng Xuân Cang là làng Trân Tảo, tên Nôm là Làng Táo. Có những ngày mùa thu năm 1947, ở quê thường ăn cơm trưa sớm. Khoảng 10 giờ sáng ăn cơm xong tôi đi qua cánh đồng sang làng Xuân Cang. Đi đường tắt cho gần. Ông bố của Xuân Cang là ông nhà giầu trong làng. Bà Mẹ của Xuân Cang là bà hai, hay bà ba của ông. Bà được ông chồng lo cho một nhà riêng. Những ngày tôi đến nhà Xuân Cang, bà mẹ anh thường di chợ buôn bán vắng nhà.

Tôi đến, mỗi ngày Xuân Cang cho tôi ăn một miếng khoai lang khô, cho tôi đọc một tập truyện Ba Người Lính Ngự Lâm Pháo Thủ.

Truyên Les Trois Mousquetaires do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch, xuất bản từng tập 30 trang. Xuân Cang cho tôi biết bộ truyện do ông anh của Xuân Cang mua, ông anh của Xuân Cang đi kháng chiến.

Năm 2010 tôi tìm thấy Xuân Cang trên Internet. Hiện nay Xuân Cang làm việc trong tòa soạn Báo Lao Động ở Hà Nội. Anh là nhà văn có nhiều tác phẩm. Tôi không biết Xuân Cang có nhớ tôi, người bạn cùng tuổi anh, từng đến nhà anh đọc truyện, ăn khoai khô năm xưa hay không.

1947 – 2017.. Tôi không biết năm nay, sống ở Hà Nội, Xuân Cang có nhớ tôi không – sống ở Kỳ Hoa, tôi còn nhớ Xuân Cang. Tôi mong Xuân Cang đọc những dòng chữ này.

Những chuyện tôi vừa kề xẩy ra năm 1947. Đã hơn 60 năm trôi qua đời tôi kể từ ngày ấy. Hôm nay một buổi sáng nắng vàng mùa Xuân ở Virginia, Miền Đất của những Người Yêu – Virginia is for Lovers – trong những ngày cuối đời tôi, tôi viết về những chuyện 50. 60 năm xưa. Với tuổi tác – năm nay, 2017, tôi 84 tuổi – tôi còn nhớ nhiều chuyện, tôi đã quên nhiều chuyện.

Một buổi chiều năm 1947, anh Dũng đưa anh em chúng tôi đến gập mấy anh bộ đội – Vệ Quốc Quân –  vừa ghé về đóng trong làng. Các anh đãi chúng tôi món khoai lang luộc. Chúng tôi ngồi quanh rổ khoai trêm thềm nhà. Anh Đại Đội Trưởng nói với chúng tôi:

– Các anh chiến đấu dành độc lập, nhưng các anh sẽ không hưởng cái hạnh phúc độc lập ấy. Các em sẽ hưởng.

Một đêm sáng trăng ở Thái Nguyên, ngồi quanh rổ sắn luộc, một anh Việt Minh trạc 30 tuổi nói với mấy chú thiếu niên liên lạc viên, trong số có tôi:

– Các anh chiến đấu là bổn phận của bọn anh. Nhưng các em đang tuổi đi học. Lẽ ra ở tuổi này các em sống  yên vui trong gia đình các em, sống trong tinh yêu thương của cha mẹ các em. Nhưng các em cũng đi chiến đấu cho đất nước như bọn anh.

Anh không nói, chúng tôi biết anh thương chúng tôi.

Ban Văn Nghệ  do anh Dũng thành lập có  5 chú thiếu niên, chú nào cũng trạc 14, 15 tuổi. Trong số những chú này có tôi. Chúng tôi diễn toàn kịch cương, tức kịch không có kịch bản, không có đối thoại.

Năm 1984 tôi bị bọn Công An Thành Hồ bắt, tôi bị chúng cho nằm phơi rốn 5 mùa lá rụng ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu và Nhà Tù Chí Hòa. Cùng bị bắt với tôi với cùng một tội: “gửi tác phẩm văn nghệ ra nước ngoài” là các anh Doãn Quốc Sĩ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, Duy Trác, Trần Ngọc Tự, cô Lý Thụy Ý, cô Nguyễn Thị Nhạn.

Trong thời gian bị giam dài đến 4 năm ở Nhà Tù Chí Hòa, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, anh Dương Hùng Cường bị chết thảm.

Năm 1988 chúng tôi – Doãn Quốc Sĩ, Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn và tôi bị đưa ra tòa xử. Người làm chánh án trong phiên tòa xử chúng tôi là một người đàn bà. Tôi nhớ tên bà ta là Nguyễn Thị Thu Phước. Khi vừa tuyên án xong, bà ta gập tập hồ sơ lại, đứng lên, đi ngay ra khỏi phòng.

Năm 1993 vợ chồng tôi, ba con tôi, ngồi chờ quyết định của nhân viên ODP. Ông Trưởng Ban ODP nói:

– Ông bà này – ( ông đọc tên vợ tôi, tên tôi ) – được nhận sang Hoa Kỳ, được coi là tỵ nạn chính trị. Mấy người kia không được xét đến.

Nói xong, ông gập tập hồ sơ lại, đi ngay ra khỏi phòng.

Nhiều năm qua tôi vẫn nhớ hình ảnh hai lần người ta tuyên án về số phận vợ chồng tôi và các con tôi. Vừa tuyên án xong, người ta gập ngay hồ sơ, đi ngay ra khỏi phòng.

Vợ chồng tôi sang Mỹ năm 1994. Ba con tôi không được cùng sang Mỹ với chúng tôi vì năm đó các con tôi không sống trong cùng một nhà với chúng tôi. Năm 2003 nhờ Thượng Nghị Sĩ John McCain đệ trình Quốc Hội Tu Chính Án cho phép con những người đi HO vì không ở cùng nhà với bố mẹ nên không được sang Mỹ, nay được sang Mỹ. Hai con chúng tôi sang Mỹ, một con chúng tôi ở lại Sài Gòn.

Chính phủ Hoa Kỳ chỉ nhận đón sang Kỳ Hoa những người Việt bị Công Sản bắt đi tù từ 3 năm trở lên vì “tội là ngụy quân, ngụy quyền.”

Tôi và vợ con tôi được sang Hoa Kỳ như các ông sĩ quan đi HO vì tôi là nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, và tôi bị CS bắt tù 2 lần, tất cả là tù 8 năm.

Nhân Viên ODP cho vợ chồng tôi hưởng tiêu chuẩn tỵ nạn chính trị. Chúng tôi không xin, chúng tôi có xin cũng không được.

Năm 1993 tôi được giấy của cơ quan USIA – Cục Thông Tin Hoa Kỳ –  cho biết tôi và vợ con tôi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận cho sang Hoa Kỳ với tư cách tỵ nạn chính trị.

Vợ chồng tôi làm hồ sơ xin đi. Trong khi chúng tôi chưa biết chúng tôi nên xin đến sống ở thành phố Hoa Kỳ nào, chúng tôi được thư của ông bà Anh Ngọc, ông bà sang Hoa Kỳ khoảng năm 1990. Trong thư có tấm ảnh ông bà ngồi trên thảm cỏ xanh, quanh ông bà là những chiếc lá thu vàng. Ông bà ghi những tấm ảnh này ở Virginia.

Nhìn ảnh, vợ chồng tôi bảo nhau:

– Đẹp quá. Chúng mình đến Virginia nhé.

Cùng những ngày ấy tôi thường nghe những buổi phát thanh tiếng Việt của Đài VOA. Tình cờ tôi nghe được buổi ông Nguyễn Ngọc Bích phỏng vấn bà Khúc Minh Thơ, bà Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị. Bà Khúc Minh Thơ, ông Nguyễn Ngọc Bích cùng sống ở Virginia, Thành phố Falls Church, Quận Fairfax, Thủ đô Wasington DC nằm trong bang Virginia.

Tôi gửi thư xin bà Khúc Minh Thơ làm sponsor – người bảo lãnh cho vợ chồng tôi. Và một buổi trưa Tháng 11 năm 1994 vợ chồng tôi líu ríu dắt nhau vào phi trường Reagan. Bạn hữu đến đón chúng tôi thật đông.

Bà Khúc Minh Thơ giúp vợ chồng tôi và các con tôi thật nhiều. Vợ chồng tôi không bao giờ quên Tình và Ân của Bà Khúc Minh Thơ.

Những ngày như lá, tháng như mây…

Thấm thoắt vậy mà đã 23 năm…

Cảm khái cách gì!

Đến thành phố Falls Church, tôi được quen Thi sĩ Thái Thụy Vy. Anh sống trong một tòa nhà có nhiều phòng do Sở Xã Hội Quận Fairfax mướn và cho những người già có tiền thu nhập thấp mướn lại. Sở Xã Hội mướn nhà khoảng 1000 Đô một tháng, người nghèo như vợ chồng tôi chỉ phải trả tiến nhà bằng 1/3 số tiền SSI của chúng tôi. Thái Thụy Vy chỉ cách cho vợ chồng tôi xin mướn nhà cùng nhà anh ở. Nhà này gần Trung Tâm Eden. Những ngày thu dịu nắng nhiều ông bà trong nhà chúng tôi có thể đi bộ ra Trung Tâm Eden. Trong hai, ba năm đầu Thái Thụy Vy sốt sắng đưa vợ chồng tôi đi khắp nơi trong Virginia. Anh cư xử thật tốt với vợ chồng tôi.

Không đi làm việc một ngày ở Mỹ, không từng đóng một đồng thuế, tiền SSI của vợ chồng tôi, hai người, là 1200 Đô, chúng tôi trả tiền nhà mỗi tháng là 320 Đô, tiền điện nước ở trong 320 Đô. Chúng tôi được cấp Medicaid, Medicare.

Căn phòng vợ chồng tôi sống líu ríu bên nhau có khung cửa sổ lớn nhìn ra hướng Đông Nam. Buổi sáng mặt trời hồng lên ở bên tay trái tôi, nắng sáng chiếu vào tận bếp phòng tôi. Đêm trăng, nửa đêm tôi thấy trăng qua khung cửa sổ, nằm giữa phòng tôi.

Đến sống ở nhà này tôi gặp lại ba người quen cũ.

Tôi quen với Trần Kính năm 1954 ở Sài Gòn, tôi gập lại anh năm 1956 khi anh là huấn luyên viên Thể Dục ở thành phố Nha Trang. Anh là một trong số những ông bạn đến phi trường đón vợ chồng tôi khi chúng tôi đến Mỹ. Anh sống nhiều năm trong cùng tòa nhà gọi là Nhà Già với vợ chồng tôi. Anh qua đời vì bệnh khoảng năm 2008.

Người tôi quen cũ thứ hai tôi gập lại trong Nhà Già là ông Lê Phùng Thời. Ông này nguyên là dân biểu thời TT Ngô Đình Diệm. Dường như vì chống chính quyền Ngô Đình Diệm, có nhiều năm ông Lê Phùng Thời phải sang sống ở Nam Vang, Cao Miên.

Ông LP Thời sống một mình trong Nhà Già. Rồi ông bỏ Virginia, ông đi sống ở nơi khác.

Người quen xưa tôi gặp lại ở Nhà Già này là bà Tuấn. Những năm 1947, 1948 bà là nhân viên Ban Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm. Bí danh của bà là Cô Tú. Tôi năm ấy hoạt động cùng một cơ quan với bà, tôi gọi bà là chị.

Sáu mươi năm sau tôi tình cờ gập lại bà trong tòa Nhà Già này ở Virginia. Tôi nhớ bà là chị Tú của tôi năm xưa. Nhưng bà không nhớ tôi. Gợi chuyện bà nói bà nhớ có thời gian đi kháng chiến bà ở Bắc Ninh, nhưng bà không nhớ tôi là ai. Nay bà đã rời nhà này, tôi nghe nói bà về sống với con gái của bà.

Đọc sách mười năm học lấy quên 
ta, đêm Hồng Thủy dạo con thuyền
giận công trác tuyệt trời khai thác
tay cuốn dòng sông, nổi sóng lên
ruộng đất đã nguôi lòng thảo dã
mặc ta rừng núi khóc lâm tuyền
thơ đâu? chẳng nói lời yêu hoặc
vẽ mặt sầu nhân, nét bút điên? 

ĐINH HÙNG

Tôi không học Quên. Nhưng đến Tuổi Già – Tám Bó – tôi Quên như mọi Ông Già Tám Bó trong cõi đời này. Tôi Quên nhưng tôi Quên Vừa Phải thôi, tật Quên của tôi chưa có gì tai hại nhiều cho tôi. Nay tôi quên những chuyện mới xẩy ra, quên ký trả bill, quên những việc tôi phải làm..v..v.. Tôi nhớ những chuyện đến với tôi sáu mươi, bẩy mươi năm trước.

Trong Nhà Già vợ chồng tôi sống từ 23 năm nay có bà già 91 tuổi, bà Năm Hầu. Trước đây khoảng năm, sáu tháng, sau vài phút nhìn mặt và nhớ lại, bà còn gọi đúng tên vợ tôi, tên tôi. Nay bà ngày ngày ra nhà khách ngồi nhìn người qua lại nhưng bà không còn nhớ tên ai.

Nhà già của vợ chồng tôi có hai ông già, ông nào cũng trên 90 tuổi: ông Phan Vỹ và ông Lương Tuất.

Ông Phan Vỹ là thành viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông bị tù khổ sai nhiều năm ở quê nhà. Ông ăn chay trường. Hai, ba năm trước ông hoạt động mạnh, ông luôn đi dự những hội nghị chống Cộng, ở New York, ở London. Ngoài 90 tuổi tâm trí ông vẫn sáng, vẫn nhớ, ông không Quên, ông vẫn chăm đi Lễ Chùa.

Ông Lương Tuất nguyên là doanh gia ở Sài Gòn. Ông là chủ nhân Nhà Hàng Queen Bee ở tòa nhà Eden Sài Gòn. Ông từng nghiên cứu Khoa Châm Cứu, ông là tác giả bộ sách về Khoa Châm Cứu dầy cả ngàn trang.

Viết đấn đây tôi thấm mệt. Bài Viết ở Rừng Phong này phải gửi qua tòa báo ở Cali trong tối nay. Tôi mời quí bạn đọc bài này:

Trích TẠI NGỤC VỊNH KIỀU, Viết cho Người Yêu

Về mục nhà ông Viên Ngoại họ Vương được tả là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Công tử Hà Đông bèn có thơ rằng:

Thâm nghiêm kín cổng, cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oan
h học nói trên cành mỉa mai…
Mỉa mai nó mỉa mai ai?
Thâm nghiêm có cái mặt ngoài mà thôi.
Bề trong thì chán mớ đời
Cô em trong trắng quá chời là trong!
Dưới hoa em kết giải đồng,
Cuối tường em lộn nẻo thông mới rào.
Sắn tay em cho nó mở khóa động đào,
Rẽ mây em cho nó trông tỏ lối vào thiên thai.
Con oanh nói mỉa, nói mai
Mỉa mai nó mỉa: “Nhà này thật thâm…”

Khi Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thì lúc đó trăng đã nhặt thưa gương rọi đầu cành, tức là vào khoảng 7, 8 giờ tối, giờ Tây Dương – đêm trăng ấy lên sớm.

Đến lúc đôi tình nhân diễn trò thề thốt dưới trăng thì trăng đã vằng vặc giữa trời, tức là trăng đã lên đến đỉnh trời. Thúy Kiều ở lại đó thề thốt, ký văn tự, đàn ca, uống rượu, đưa đầy với Kim Trọng mãi cho đến khi bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, tức là khi ánh trăng đã nhạt trên những tàu lá chuối trong vườn.

Thời gian lúc trăng nhạt, trăng lặn đó phải là 3, 4 giờ sáng, giờ Tây Dương. Như vậy là Thúy Kiều đã qua gần một đêm trắng với Kim Trọng. Nếu không có tên gia đồng vào gửi tin nhà mới sang thì ta có thể nói mà không sợ mang lỗi vu oan cho nàng là nàng sẽ passnight với Kim Trọng. Không những chỉ qua đêm mà thôi, nàng còn có thể ở đó tới trưa hôm sau mới trở về cái gọi là đài trang hết sức thâm nghiêm kín cổng cao tường của nàng.
Việc Thúy Kiều chui rào qua nhà Kim Trọng vào cái năm Gia Tĩnh triều Minh cách nay cả năm sáu trăm năm ấy là một việc những thiếu nữ lương thiện đời nào cũng không nên làm. Nhưng việc Thúy Kiều lẻn sang nhà Kim Trọng vào buổi chiều và vào lúc nửa đêm cũng chưa ly kỳ bằng sau khi được tin “… thúc phụ từ đường. Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. Liêu Dương cách trở sơn khê, Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang…”, Kim Trọng đã cũng chui rào, hoặc leo tường, phăng phăng vào tận phòng ngủ của Thúy Kiều để chia tay. Tự do cứ như là nhà Thúy Kiều không còn một người nào khác ngoài Thúy Kiều. Luông tuồng đến như vậy nhưng mỉa mai thay, tòa nhà Viên Ngoại họ Vương vẫn được mô tả là:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

Về mục nhà ông Viên Ngoại họ Vương được tả là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Công tử Hà Đông bèn có thơ rằng:

Con oanh nó mỉa, nó mai

Thâm nghiêm kín cổng, cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oan
h học nói trên cành mỉa mai…
Mỉa mai nó mỉa mai ai?
Thâm nghiêm có cái mặt ngoài mà thôi.
Bề trong thì chán mớ đời
Cô em trong trắng quá chời là trong!
Dưới hoa em kết giải đồng,
Cuối tường em lộn nẻo thông mới rào.
Sắn tay em cho nó mở khóa động đào,
Rẽ mây em cho nó trông tỏ lối vào thiên thai.
Con oanh nói mỉa, nói mai
Mỉa mai nó mỉa: “Nhà này thật thâm…”

Khi Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thì lúc đó trăng đã nhặt thưa gương rọi đầu cành, tức là vào khoảng 7, 8 giờ tối, giờ Tây Dương – đêm trăng ấy lên sớm. Đến lúc đôi tình nhân diễn trò thề thốt dưới trăng thì trăng đã vằng vặc giữa trời, tức là trăng đã lên đến đỉnh trời. Thúy Kiều ở lại đó thề thốt, ký văn tự, đàn ca, uống rượu, đưa đầy với Kim Trọng mãi cho đến khi bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, tức là khi ánh trăng đã nhạt trên những tàu lá chuối trong vườn. Thời gian lúc trăng nhạt, trăng lặng đó phải là 3, 4 giờ sáng, giờ Tây Dương. Như vậy là nàng đã qua gần một đêm trắng với Kim Trọng. Nếu không có tên gia đồng vào gửi tin nhà mới sang thì ta có thể nói mà không sợ mang lỗi vu oan cho nàng là nàng sẽ pass night với Kim Trọng. Không những chỉ qua đêm mà thôi, nàng còn có thể ở đó tới trưa hôm sau mới trở về cái gọi là  “đài trang hết sức thâm nghiêm kín cổng cao tường” của nàng.

Việc Thúy Kiều chui rào qua nhà Kim Trọng vào cái năm Gia Tĩnh triều Minh cách nay cả năm sáu trăm năm ấy là một việc mà những thiếu nữ lương thiện đời nào cũng không nên làm. Nhưng việc Thúy Kiều lẻn sang nhà Kim Trọng vào buổi chiều và vào lúc nửa đêm cũng chưa ly kỳ bằng sau khi được tin “… thúc phụ từ đường. Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. Liêu Dương cách trở sơn khê, Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang…”, Kim Trọng đã cũng chui rào, hoặc leo tường, phăng phăng vào tận phòng ngủ của Thúy Kiều để chia tay. Tự do cứ như là nhà Thúy Kiều không còn một người nào khác ngoài Thúy Kiều. Luông tuồng đến như vậy nhưng mỉa mai thay, tòa nhà Viên Ngoại họ Vương vẫn được mô tả là:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

Viết ở Sài Gòn năm 1991.

Viết ở Kỳ Hoa Tháng Ba 2017

Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì ?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,
Ta biết xuân nhau có một thì !

Cảm khái cách gì.

BA BÓ, TÁM BÓ

Buổi sáng đầu năm ở quê người, trước khung hình computer,  tôi buồn vời vợi. Buồn và tuyệt vọng. Cuộc sống không còn có gì cho tôi vui. Mùa đông Virginia, tuyết làm duyên, vườn đất Virginia mùa đông cũng có tuyết, nhưng tuyết làm cảnh, tuyết thoáng qua, như  không lẽ Virginia Mùa Đông lại không có tuyết.

Trong phòng ấm, ly cà phê nóng, màn ảnh TiVi trình diễn những khuôn mặt phụ nữ Mỹ trẻ, duyên, hấp dẫn, những chuyên viên xướng ngôn TiVi tiếng Mỹ được gọi là những anchor; người đàn bà sống với tôi trong 60 năm ngồi với ly cà phê bên tôi.

Lúc 5 giờ sáng, trong căn phòng Housing for Seniors Low Income  – tôi trở dậy. Tôi pha ly cà phê cho tôi, tôi làm sẵn ly cà phê đợi vợ tôi dậy là pha nước sôi. Chúng tôi bắt đầu một ngày sống bên nhau. Có nàng sống chung,  tim tôi vẫn nặng. Tim tôi nặng vì tôi biết tôi không còn được sống với nàng bao lâu nữa. Chúng tôi có thể vĩnh biệt nhau bất cứ lúc nào. Một sáng nào đó trong căn phòng người lưu vong già đầy ắp kỷ niệm, nàng không dậy nữa.

Nàng không dậy nữa…!

Thế là xong. Tôi biết cảnh đó sẽ đến, sắp đến, nó có thể đến với tôi trong bất kỳ buổi sáng nào, nhưng tôi không thể tưởng khi nàng không trở dậy, đứng bên giường nàng tôi sẽ nghĩ gì, tôi sẽ làm gì. Tôi sợ tôi phải sống không có nàng. Tôi không thể sống không có nàng.

Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng. Tôi bị bắt giam hai lần. Lần thứ nhất tù trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, hai năm, lần thứ hai tù sáu năm, trong số có 4 năm tù trong Nhà Tù Chí Hòa.

Tôi nhớ những buổi sáng tôi  ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá, tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng trong sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

Buổi sáng hôm nay, tôi vào kho Ký Ức, tìm lại hình ảnh những người bạn tôi đã từ bỏ cõi đời này kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng tận, năm cùng, Tết đến. Viết về những Người Bạn Đã Chết – theo tôi – là đúng Sách Vở. Tôi núp sau câu “Sinh Dữ, Tử Lành.” Ông cha tôi nói theo kinh nghiệm:

Di ảnh Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh.

Di ảnh Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh.

“Nói chuyện Sinh Đẻ là không nên, nói chuyện Chết là tốt.”

Tại sao ông cha tôi lại quả quyết như thế? Tôi không biết.

Người bạn nào của tôi ra đi trước nhất sau Tháng Tư 1975? Tôi nhớ có thể không đúng. Đành nhớ ai viết về người ấy, đành nhớ chuyện gì viết về chuyện ấy.

“Tuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..”

Anh Già Tám Bó vất vả gượng nhớ, gượng kể những chuyện xẩy ra từ 40, 50 năm xưa. Những chuyện xưa quá rồi, làm sao anh kề đúng chăm phần chăm? Nếu có kể sai, xin bỏ qua. Cám ơn.

Trước năm 1975 tôi đưa tiễn hai người đến nơi an nghỉ cuối cùng: anh Nguyễn Đức Quỳnh, và anh Từ Chung. Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh là đàn anh tôi. Tôi không được thân với anh. Nên khi đưa anh đến nơi anh an nghỉ ngàn đời, tôi không có gì đáng gọi là xúc động, Đám tang anh có đông văn nghệ sĩ đi đưa.

Những năm 1968, 1969 – Tết Mậu Thân – tôi sống trong căn nhà nhỏ cạnh nhà Duy Sinh – Nhà  Số 19 hay nhà Số 21 đường Hồ Biểu Chánh – có lần anh Quỳnh đến ở chơi nhà Duy Sinh, con anh. Duy Sinh thường gọi tôi sang ăn cơm với anh. Một lần anh Quỳnh bảo tôi:

“Tôi nghe tiếng máy đánh chữ của anh; biết anh đang viết, tôi rất thích.”

Tôi bằng tuổi Duy Sinh, tôi mày tao với Duy Sinh. Lẽ ra tôi phải gọi anh Quỳnh là bác, nhưng anh vẫn  cho tôi gọi anh là anh. Ngôn ngữ trong giới văn nghệ là như thế. Mày tao với anh con, anh tôi với ông bố bạn.

Duy Sinh kẹt lại ở Sài Gòn, anh và gia đình vượt biên sang Mỹ khoảng năm 1978. Nghe nói những năm đầu Duy Sinh nổi tiếng với danh vị chủ báo. Năm 1995 tôi đến Cali, gặp lại nhiều anh em, nhưng tôi không gặp lại Duy Sinh. Từ mấy năm nay tôi nghe nói Duy Sinh yếu, lãng trí, hay mặc áo thun, quần cụt đi ra đường.

Qua Duy Sinh tôi được quen với Lê Trọng Nguyễn. Từ năm 1980 đến năm 1984 là năm Lê Trọng Nguyễn và vợ con anh sang Mỹ. Nguyễn và tôi rất thân nhau. Gần như chiều nào chúng tôi cũng gặp nhau. Chúng tôi thường trên hai xe đạp, đến ngồi uống rượu ở quán rượu nghèo ven đường xe lửa Cổng Số 6. Quán rượu này có thể được gọi là quán rượu nghèo nhất thế giới.  Rựơu đế 1 đồng một ly, nhâm nhi với lạc rang 1 đồng một gói. Mỗi chiếu-tối ngồi quán nghèo như thế chúng tôi chi khoảng 10 đồng: 4 ly rượu, 4 gói lạc rang.

Tôi có mấy câu thơ tặng Nguyễn:

“Xót mày dạ trúc, lòng tơ
Họa cung đàn mọi bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu.
Thương thì đã muộn mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiều mà gặp trời mưa thì phèo. “

Vợ Nguyễn được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, Nguyễn đi theo vợ con. Năm 1995 khi vợ chồng tôi đến Cali, Nguyễn chỉ phone nói chuyện với tôi, tôi không được gặp lại Nguyễn ở Mỹ.

Từ Chung từng là bạn mày tao với tôi từ thời nhật báo Ngôn Luận. Ngôn Luận bị đóng cửa,  Nhật báo Chính Luận ra đời, Từ Chung và tôi xa nhau. Đời anh lên hương, lên dốc, đời tôi xuống dốc không phanh. Từ Chung có Chính Luận, tôi mấtSa2igoonmoi. Trong đám người đưa tiễn Từ Chung, tôi thấy tôi là người xa lạ, người khách không được trọng, người bạn bị bỏ quên.

Chính Luận là tờ báo duy nhất kể từ ngày Việt Nam có nhật báo cung cấp dịch vụ y tế cho nhân viên. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời làm y sĩ điều trị cho nhân viên báo Chính Luận. Nhân viên Chính Luận đau ốm được đến phòng mạch của BS Phiếm, khám chữa bệnh miễn phí. Nhà báo đài thọ chi phí thuốc men cho nhân viên. Nhà báo vẫn tháng tháng trả lương Cố Thư Ký Tòa Soạn Từ Chung cho bà vợ của Từ Chung. Trả lương đều cho đến ngày bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Trong lịch sủ nhật báo Việt Nam chỉ có nhật báo Chính Luận trả lương tháng cho vị Thư Ký Sáng Lập đã chết.

Cảm giác bị đời bỏ quên năm xưa ấy trở lại với tôi trong buổi ký giả Phạm Trần tổ chức buổi gặp lại anh Huyền Vũ. Trước ngày Nhật báo Sàigonmới bị bóp cổ chết – Tháng Tư 1964 – ký giả Huyền Vũ là biệp tập viên mục Thể Thao Nhật báo Sàigònmới. Mỗi tuần ít nhất là hai, ba buổi sáng tôi được gặp anh Huyền Vũ ở tòa soạn báo. Anh đến tòa báo viết tin. Anh đi khỏi Sài Gòn trước Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ anh sống ở Ocean City, một thị trấn ven biển cách Washington DC khoảng ba giờ chạy xe. Ngày tôi mới đến anh gọi điện thoại hỏi thăm tôi.

Ngày tháng qua mau. Trong buổi gặp lại anh, tôi tưởng trong số người được ban tổ chức mời kể vài kỷ niệm xưa với anh Huyền Vũ thể nào cũng có tôi. Tôi là người duy nhất trong số người đến gập anh lần cuối ấy từng làm việc với anh trong một tòa báo. Nhưng tôi đã bị bỏ quên. Người ta mời nhiều người kể kỷ niệm với anh Huyền Vũ, người ta không mời tôi. Hôm ấy tôi đến gần anh Huyền Vũ, cúi xuống bên anh, nói nhỏ:

“Anh Huyền Vũ, tôi là Hoàng Hải Thủy. Anh nhớ tôi không?”

Anh nói bốn tiếng:

“Làm sao quên được.”

Anh ra đi vài tháng sau đó.

Dương Hà, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, Thủ Đức năm 2005. Dương Hà nay sống bình yên ở Thủ Đức.

Dương Hà, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, Thủ Đức năm 2005. Dương Hà nay sống bình yên ở Thủ Đức.

Một trong những người bạn đồng nghiệp của tôi ra đi sớm nhất sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Trọng Nguyên. Anh cùng làm việc với tôi nhiều năm trong tòa soạn nhật báo Sàigònmới. chúng tôi trạc tuổi nhau. Khoảng năm 1976 gặp lại nhau, Trọng Nguyên cho tôi biết anh bị ung thư phổi. Tôi đến Bệnh Viện Hồng Bàng thăm anh. Rồi tôi đến Bệnh Viện Bình Dân thăm anh khi anh  đến đấy chờ giải phẫu. Lần thứ nhất tôi vào Khu Ung Thư Bệnh Viện Bình Dân thăm Trọng Nguyên. Khi ấy tôi đã sống 24 tháng trong phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, tôi thấy Khu Ung Thư, ở trên lầu Bệnh Viện Bình Dân, không khí ghê rợn hơn ở những phòng giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Ở phòng giam tù có mùi hơi người, mùi lông tóc, mùi mồ hôi, mùi cống, ở phòng Ung Thư Bệnh Viện có đủ những thứ mùi vừa kể, thêm mùi máu, mùi mủ, những người bệnh đàn ông ở trần, khoác cái khăn trước bụng.

Buổi tối, tôi đến Tang Nghi Quán Quảng Đông chào vĩnh biệt Trọng Nguyên. Linh cữu Trong Nguyên quàn ở đấy. chị Trọng Nguyên kể:

“Buổi sáng nhà tôi bảo tôi mở tủ, lấy ra cái máy chữ và mấy quyển tiểu thuyết của anh, anh ngồi yên nhìn ngắm. Anh đi lúc bẩy giờ tối.”

Năm 1980 ở tù hai năm trở về, tôi được tin Minh Đăng Khánh bị liệt. Nghe kể anh hút điếu thuốc lào, bị sốc, ngã xuống, tỉnh lại, bị liệt nửa người bên trái. Anh ngã xuống là không tự đứng lên được,  anh vẫn lết chân trái đi lại được, nhưng đi rất chậm và vất vả. Anh vẫn dậy vẽ ở nhà. Anh nói ngọng nhưng còn nói được:

“Tao vào tiệm phở, người ta cho tiền tao. Tao nói: “Cám ơn.. Tôi không phải là ăn mày.”

Đưa đám Minh Đăng Khánh, tôi đứng bên anh Thiếu Lang. Anh hỏi tôi:

“Cậu có biết Hoàng Hải Thủy bây giờ ra sao không?”

Biết anh tưởng lầm, tôi hỏi lại anh:

“Anh thấy tôi là ai?”

Anh trả lời:

“Cậu là Hoàng Anh Tuấn chứ ai!”

Mạc Tử, kém Trọng Nguyên và tôi hai, ba tuổi,  làm phóng viên báo Sàigònmới cùng thời với chúng tôi. Tháng Tư 1964 Sàigònmới bị Nguyễn Khánh, Đỗ Mâu đóng cửa. Anh em chúng tôi tản lạc. Mạc Tử đi quân dịch. Tôi nghe kể trong một cuộc hành quân, người lính Mạc Tử bị tên VC bắn sẻ bắn trúng tim. Mạc Tử chết ngay. Mạc Tử không vợ, không con

Anh bạn bị bại liệt thứ hai của tôi là Văn Minh, chủ nhiệm Tuần Báo Con Ong. Xước danh của anh là Minh Vồ, dù cả đời anh chẳng vồ cái gì của ai. Minh bị nằm liệt khoảng ba năm trước khi hết nợ đời.

Trong đám tang Văn Minh, chị Minh bảo tôi nói lời vĩnh biệt anh. Đứng bên quan tài Minh, tôi nói:

“Minh ơi.. Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.”

o O o

Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị bại liệt khoảng năm 2000. Chú là người viết tiểu thuyết duy nhất kiếm được tiền đủ sống cho riêng chú trong kìm kẹp cộng sản. Sau 30 Tháng Tư 1975 chú bị bắt tù cùng một số ký giả Sài Gòn. Được thả ra khoảng một năm sau, chú bắt tay ngày vào việc đi xe đạp sáng sớm lấy bánh tiêu, bánh bò trong lò bánh của người Tầu ở Chợ Lớn, đạp xe đem đi giao khắp thành phố,  buổi chiếu chú đạp xe đi thu tiền. Rồi chú làm chủ tủ bán thuốc lá lẻ vỉa hè. Chú ngồi sau tủ thuốc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Chú kiếm tiền tuy không nuôi được vọ con chú nhưng nuôi được thân chú.

Khoảng năm 1981, hay 1982, vợ tôi không ăn được cơm. Khoảng 8 giờ tối, tôi thường xách cái gà-men ra xe hủ tíu ở vỉa hè Ngã Ba Ông Tạ mua cho vợ tôi 10 đồng hủ tíu. Một tối trời mưa lất phất, đang đứng chờ lấy hủ tíu, tôi nghe tiếng người:

“Có tiền cho tôi..”

Tôi nhận ra ngay người xin tiền tôi là Bình Đô. Anh là một trong những người sống bằng việc viết truyện ngắn bán cho tuần bào Phụ Nữ Ngày Mai trong những năm tuần báo này bán chạy nhất. Bình Đô trạc tuổi tôi. Kể từ ngày nhật báo SGM bị đóng cửa Tháng Tư năm 1964 đến tối nay tôi mới gặp lại Bình Đô. Tôi hỏi anh:

Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.

Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.

“Ở đâu?”

Anh trả lời:

“Ở vỉa.”

“Ở vỉa” là đêm ngủ trên vỉa hè.

Phụ Nữ Ngày Mai là tuần báo của anh Sáu Khiết, anh con thứ sáu của bà Bút Trà. Sáu Khiết có cái tốt – tôi thấy  anh là người chủ báo tốt nhất trong đời viết, bán truyện tiểu thuyết của tôi: anh mua truyện ngắn, ký bông trả tiền ngay nhưng không đăng ngay, mua để dành. Truyện ngắn mua xong anh đưa cho Dương Hà giữ. Mỗi truyện ngắn được trả 500 đồng.

Nhiều lần ký bông trả tiền xong, Sáu Khiết bảo tôi:

“Anh đưa truyện cho Dương Hà dùm tôi.”

Dương Hà là người được giao việc nhận và sắp xếp những truyện đăng trên tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai.

Tôi giữ truyện, đổi tên truyện, khoảng hai, ba tuầu sau tôi lại đem truyện ấy, với tên truyện mới, bán cho Sáu Khiết, anh dễ dàng ký bông trả tiền.

Dương Hà giữ truyện của chúng tôi nhiều đến nỗi nhiều lần anh bảo:

“Truyên của chúng mày tao giữ nhiều quá. Chúng mày đến tao, tao đưa lại cho.”

Dương Hà sống nhiều năm trong một phòng cho mướn trên lầu một tòa nhà nhiều phòng ở đầu đường Hàm Nghi. Từ nhà này anh chỉ đi trăm bước là tới tòa báo SàiGònMới. Dương Hà sống với vợ ở nhà ấy trong nhiều năm. Rồi chắc nhờ công thu vén của vợ anh là Kim Lệ, vợ chồng anh có căn nhà mặt tiền đường Cao Thắng, trước cửa rạp xi-nê Cao Đồng Hưng. Khoảng năm 1980 Kim Lệ sang sống bên Pháp. Dương Hà và các con sống trong căn nhà Cao Thắng này. Tôi nghe nói khoảng năm 1995 Dương Hà bán căn nhà này, chia tiền cho các con, anh gửi số tiền của anh vào ngân hàng, tháng tháng lấy tiền lời để sống. Anh sống yên bình ở vùng Thủ Đức, sáng, trưa, chiều, tối anh ngồi quán, quanh năm anh uống bia, ăn hột vịt lộn, tôm chiên, không ăn cơm.

Dưng Hà thành công, nổi tiếng ngay với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, tiểu thuyết phơi-ơ-tông đầu tay của anh. Bên Dòng Sông Trẹm đăng khoảng năm 1950 trên báo Sàigònmới. Từ đó anh viết truyện đều cho SGM đến khi báo bị đóng cửa.

Tôi gặp, quen Văn Quang khoảng năm 1955, 1956, khi anh là Trung Úy. Ngày chúng tôi mất nước, Văn Quang là Trung Tá. Anh – có thể – là vị sĩ quan Quân Đội VNCH duy nhất không đi Hát Ô sang Mỹ. Ở lại Sài Gòn, vào khoảng năm 2000 Văn Quang viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi sang đăng ở những tờ báo Việt ngữ hải ngoại. Nhờ Internet, anh dễ dang gửi bài viết ra nước ngoài, rõ hơn là sang Mỹ, Canada, Úc. Văn Quang là văn sĩ Sài Gòn trước 1975 thứ nhất viết và gửi tác phẩm  ra nước ngoài. Văn Quang sống được với công việc ấy. Anh là nhà văn Việt Nam Cộng Hòa kiếm được nhiều đô-la Mỹ nhất với việc Viết ở Sài Gòn Cờ Đỏ.

Tạ Quang Khôi cùng viết với tôi trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Số 1, tuần báo ra đời năm 1956. Trên Văn Nghệ Tiền Phong Tạ Quang Khôi viết tiểu thuyết “Mưa Gió Miền Nam,” tôi viết “Vũ Nữ Sài Gòn.”

Nửa thế kỷ trôi qua, nay Tạ Quang Khôi tuổi đời Tám Bó Tám Que. 88 tuổi. Dòng đời đưa đẩy, nay Khôi và tôi cùng sống trong một nhà dành cho người già thu nhập thấp. Anh ở Lầu Ba, tôi ở Lầu Hai. Một mình trong phòng vắng, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, Tạ Quang Khôi ngồi trước computer, moi móc tìm, rị mọ viết, gửi và nhận e-mail.

Nghe tôi nói tôi sợ tôi không sống được nếu cuộc đời này không còn vơ tôi, TQ Khôi nói:

“Mày tưởng chỉ có mình mày yêu vợ ư? Sau ngày mất nước, vợ tao chết, tao quyết định chết theo. Đêm khuya tao sắp uống thuốc để sáng mai không dậy nữa, tao nghe tiếng con tao:

“Bố ơi… Con khát nước..”

Tiếng thằng con út của tao Năm đó nó mới bẩy, tám tuổi. Tỉnh lại, tao vứt thuốc. Sáu tháng sau tao đưa các con tao vượt biên đi thoát.”

Đây là bài Thơ Cuối Đời của Tạ Quang Khôi:

Buổi tối vào giường chỉ ước mong
Sáng mai không dậy nữa là xong.
Cuộc đời lắm nỗi buồn tê tái,
Tha thiết chi cho nát cõi lòng.

Bao giờ tôi chết, xin đừng khóc
Để níu chân tôi vướng cõi trần.
Xin hãy cười vui giờ vĩnh biệt,
Mừng tôi đã thoát nợ gian truân.

Cảm khái cách gì.

Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích.. Chiều  5 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn Nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi.

Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:

– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!

Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.

Năm nay tuổi đời qua giới hạn Bát Thập – nôm na là Tám Bó Lẻ Bốn Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.

Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở hai túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic, mặt đen, mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi – 500 đồng năm ấy là giá tiền một chỉ vàng –  trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.

Cảm khái cách gì!

MÙA XUÂN MƯỜI TÁM

Phụ nữ Gia Lâm qua cầu sông Hồng sang Hà Nội.

Phụ nữ Gia Lâm qua cầu sông Hồng sang Hà Nội.

Tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt Pháp nổ ra ở Hà Nội, tôi theo thầy mẹ tôi về làng quê tôi – làng Linh Quy, tổng Kim Sơn, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh – trước đó gia đình tôi đã về làng quê mẹ tôi – làng Hòa Xá, phủ Vân Đình, tỉnh Hà Đông.

Khi rời tỉnh Hà Đông, thầy mẹ tôi – như nhiều người Việt thời ấy – tưởng chúng tôi sẽ chỉ phải đi khỏi tỉnh Hà Đông chừng vài tháng là lại trở về. Nhưng sau khi gia đình tôi sống tạm ở Hòa Xá chừng hai tháng, thầy mẹ tôi thấy gia đình tôi phải về quê nội tôi mới có thể sống được lâu ngày.. Thầy tôi có nhà, có vài mẫu ruộng ở làng quê Linh Quy; về đấy ít nhất chúng tôi cũng có gạo ăn, không đến nỗi khổ vì đói cơm.

Từ Hòa Xá gia đình tôi trở lại căn nhà của chúng tôi trong thị xã Hà Đông. Từ Hà Đông muốn về làng quê tôi, ở Gia Lâm, Bắc Ninh, chúng tôi phải đi qua thành phố Hà Nội, qua cầu Doumer. Nhưng khi đó chiến tranh đã xẩy ra ở Hà Nội, chúng tôi phải đi sang Văn Điển, rồi rẽ trái, đi đò qua sông Hồng, đi bộ qua hai cánh đồng, qua đường Số 5, về làng tôi.

Bảng ghi ngày tháng xây cầu: Khởi công : Năm 1899, hoàn thành năm 1902, hãng thầu DAYDE & PILLE. Paris

Bảng ghi ngày tháng xây cầu: Khởi công : Năm 1899, hoàn thành năm 1902, hãng thầu DAYDE & PILLE. Paris

Những ngày như lá, tháng như mây…

Năm ấy tôi mười ba tuổi. Năm nay – Tháng Giêng năm 2017, tôi Tám Bó tuổi đời – không cần nhắm mắt hồi tưởng, tôi thấy ẩn hiện trong ký ức tôi cảnh mẹ con tôi đi ngang cánh đồng, nhìn thấy những chiếc phi cơ Spitfire của quân Pháp bay lượn, nổ súng xuống những vùng quanh phi trường Gia Lâm.

Làng tôi có một tổ gọi là Tình Báo. Mấy anh tình báo này ở trong nhà bác tôi. Bốn anh. Tôi đến và thân với các anh ngay. Các anh đều dùng bí danh. Anh Trưởng Ban là anh Tường Lan, trạc 30 tuổi. Anh để bộ râu như râu ông Hồ Chí Minh. Ba anh kia là các anh Quốc Bảo, Quốc Khánh và Trần Trung Thành. Anh Thành thường được gọi là anh Ba Tê.  Anh nào cũng dễ thương.

Tôi mến anh Tường Lan, anh mến tôi. Anh cho tôi đi theo anh trong những chuyến anh đi công tác. Cho đến một ngày anh nói với tôi:

– Anh đổi công tác. Anh đi nơi khác. Em có muốn đi theo anh không?

Tôi làm cuộc ra đi ngày ấy gọi là “thoát ly gia đình,” tôi lặng im ra đi. Tất nhiên tôi không thể thưa với thầy mẹ tôi chuyện tôi bỏ nhà ra đi làm cuộc gọi là “đi kháng chiến.” Thầy tôi có thể để tôi ra đi nhưng mẹ tôi thì không thể.

Tôi được nhận vào làm nhân viên Ban Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm. Tôi có lương tháng: 120 đồng tiền Việt Minh một tháng. Những anh có vợ con lương 180 đồng một tháng. Tôi ăn cơm trong cơ quan mỗi tháng 50 đồng.

Đêm, tôi theo anh Tường Lan qua sông Đuống. Anh đưa tôi đến trụ sở của Ban Tình Báo Gia Lâm ở một làng huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tôi quên tên làng.

Anh Tường Lan sống ở đây chừng hai tháng, anh lại ra đi. Mấy năm sau tôi nghe tin anh hoạt động ở Lạng Sơn, anh qua đời vì bệnh lao phổi.

Năm 1948 tôi được đưa về sống ở làng Hương Canh. Làng này ở bên đê sông Hồng, nhìn sang bãi Phúc Xá và bờ sông Hồng bên kia là Chèm Vẽ.

Đội Tình Báo có một ống viễn vọng kính: loại ống nhòm to tổ bố tên tiếng Pháp là longuevue. Ở Hương Canh công việc của tôi là ngày ngày ôm cái ống nhòm vào một ụ súng ở ven đê, đặt ống nhòm nhìn về cầu sông Cái, nhìn xem số quân xa đi qua cầu, ghi vào sổ để làm báo cáo.

Ngay từ những năm ấy, những năm tôi mười bốn, nười lăm tuổi, gần như chưa có qua một kinh nghiệm nào về đời sống, tôi đã thấy việc ngồi suốt ngày trong ụ súng, ghi số xe chạy qua cầu sông Hồng là chuyện cà chớn. Tôi thường dùng ống nhòm tìm cảnh những cô gái bãi Phúc Xá ra tắm sông hơn là nhìn và ghi số quân xa chạy qua cầu.

cau2Lâu lâu tôi ghi đại vào sổ những chuyện như:

– 10 giờ. 2 Jeep, 2 GMC từ Hà Nội sang Hải Phòng.

– 12 giờ 2 GMC từ Hải Phòng sang Hà Nội.

Khoảng 5 giờ chiều về nhà, tôi nộp sổ ghi này cho anh Trưởng Ban. Anh có căn cứ trên những con số tôi ghi để làm báo cáo hay không tôi không biết.

Năm 1949, tôi được Ban Tình Báo tổ chức đưa vào Hà Nội. Khi ấy gia đình tôi đã từ làng quê Linh Quy về Hà Nội được một năm. Tôi được đưa về làng Gia Quất. Làng này có một ông làm công chức sở Hỏa Xa, ông đi làm bằng xe đạp, sáng đi chiều về. Tôi có số nhà thầy mẹ tôi ở Hà Nội. Tôi viết thư nhờ ông mang đến nhà cho thầy mẹ tôi. Sáng hôm sau…

Tết ra được ít ngày. Buổi sáng khoảng 8 giờ tôi còn ngủ, thầy tôi từ Hà Nội sang đón tôi. Thầy tôi sang bằng xe xích lô.  Ông mang cho tôi cái áo sơ-mi, cái áo sợi vì trời còn lạnh, cái quần tây, đôi giép săng-đan, tôi bỏ lại bộ quần áo nâu, theo thầy tôi lên xe xích-lô vào thị trấn Gia Lâm.

Những năm ấy người muốn vào Hà Nội phải có giấy gọi là Laissez-passer, giấy do Pháp cấp. Thầy tôi đưa tôi vào sở công an làm đơn xin giấy Laissez-passer.

Đơn xin nộp buổi sáng, giấy Laissez-passer được phát vào lúc 4 giờ chiều. Mọi người đều được giấy phép, nhưng giấy của tôi – giấy của anh Dương Trọng Hải không thấy có – Thầy tôi hỏi, người ta chỉ cho ông vào văn phòng của ông Trung Úy Pháp.

Nhiều năm về sau khi đọc hồi ký của ông Vương Hồng Sển, tôi thấy ông kể chuyện có thời ông làm thông ngôn cho ông Xếp Tây Chủ Tỉnh, ông được gọi vào văn phòng ông Xếp Tây và ông ‘ đứng bàn thông dịch.”

Chuyện nhỏ thôi nhưng tôi nhớ khi thầy tôi, viên thư ký được gọi vào làm phiên dịch, đều đứng trước bàn viên Trung Úy. Không ai được ngồi. Thời Pháp viên chức thông ngôn không được ngồi trong văn phòng Xếp Tây.

Có lúc người thông ngôn – một thư ký trạc 30 tuổi – thông dịch một câu gì không đúng, thấy tôi sửa, bằng tiếng Pháp. Người thư ký có vẻ giận, ông nói với thầy tôi:

– Ông nói được, sao ông không nói? Nhờ tôi làm gì?

Thầy tôi nói:

– Xin lỗi ông. Tôi nói kém lắm. Nhờ ông giúp cho.

Ông Trung úy Pháp hỏi tôi sao tôi không cùng về Hà Nội với gia đình tôi, tôi nhanh trí nói tôi sang bên kia sông Đuống, huyện Tiên Du, để theo trường học.

Chắc vì thấy tôi mới 13, 14 tuổi, mặt non choẹt, không thể là cán bộ Việt Minh, sau cùng ông Trung Úy ký Laissez-Passer cho tôi đi vào Hà Nội.

Khi ấy cầu sông Hồng đã cấm xe qua lại, nhưng người đi bộ vẫn còn được đi qua. Bố con tôi lên cầu lúc 5 giờ chiều. Khi đi đến một doạn cầu tôi nhìn về bên phải, thấy mờ xa con đê và xóm làng với những lũy tre xanh, tôi tưởng như tôi nhìn thấy làng Hương Canh, và ụ súng ven đê

Đến lúc ấy tôi mới hỏi thầy tôi:

– Sao thầy không nói tiếng Pháp?

Thầy tôi trả lời:

– Thầy sợ thầy nói tiếng Pháp con không biết thầy nói gì.

Nhiều năm sau tôi kể chuyện đó với anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh nói:

– Chỉ có người làm cha thương con mới nghĩ được và nói được như thế.

Bố con tôi đi bộ qua cầu. Sang Hà Nội thầy tôi đưa tôi vào tiệm tạp hóa Tầu, mua cho tôi khăn mặt, bàn chải đánh răng, tuýp kem đánh răng Gibbs.

Như vậy là tôi đi xa thành phố đến 4 năm. Tôi trở lại với đèn điện, nước máy, xe điện, xe đạp, phở, kem, trường học và những rạp xi-nê. Sau bốn năm tôi thấy đời sống  Hà Nội không thay đổi gì nhiều. Có hai cái mới là những chiếc áo đi mưa bằng nylon, và loại bút bi được gọi là bút nguyên tử, bút Bic.

Năm 1976 tôi bị bắt đi tù 2 năm. Trở về mái nhà xưa, tôi thấy Sài Gòn không có gì mới đáng kể.

Tôi bị bắt đi tù lần thứ hai – 6 năm, từ năm 1984 đến năm 1989 – từ nhà tù trở vế lần này tôi thấy Sài Gòn có cái mới là đầu máy video. Những năm xưa ấy đường phố nào của Sài Gòn cũng có nhà cho mướn đầu máy và phim video.

Kể từ năm 1956 năm năm đến những ngày gần Tết tôi đều viết một, hai bài,  gọi là bài Tết, bài Xuân. Năm nay Tết đến, tôi không viết bài Xuân nào cả.

Xuân Gà đến, không sẵn Truyện Xuân Gà, tôi mời quí bạn đọc bài Xuân Chuột:

o O o

HỒNG LÂU MỘNG, tác phẩm tiểu thuyết của Tào Tuyết Cần, viết vào những năm 1750. Truyện Tình, gia đình quí tộc đời Thanh. Hai nhân vật chính của Hồng Lâu Mộng là Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðai Ngọc.

Khi chuyện Hồng Lâu Mộng bắt đầu, Bảo Ngọc và Ðại Ngọc ở vào số tuổi 14, 15. Họ là anh em con cô, con cậu, bà mẹ của Ðại Ngọc là em ruột Giả Chính, ông thân của Bảo Ngọc. Phong tục Trung Hoa cho phép những người là anh em con cô, con cậu được kết hôn với nhau.

Cha mẹ Ðại Ngọc qua đời sớm, Ðại Ngọc mồ côi, về Nam Kinh sống trong Phủ Ninh với Bà Ngoại nàng. Ðại Ngọc là người y dược học Trung Hoa gọi là “tiên thiên bất túc”, ngay khi được sinh ra đời đã không đủ sức khỏe. Bản chất yếu đuối, thêm cảnh ngộ mồ côi phải sống nhờ họ hàng bên ngoại, Lâm Ðại Ngọc buồn phiền nên đau yếu kinh niên. Nàng được Tào Tuyết Cần tả là “người vừa sinh ra đã uống thuốc”, và “yếu như không mang nổi áo.”

Giả Bảo Ngọc yêu Lâm Ðại Ngọc. Hai người có thể thành vợ chồng không có gì khó nhưng Ðại Ngọc đau ốm, nàng bị lao phổi, bệnh không thể chữa, người bị bệnh lao sẽ phải chết trẻ. Gia đình Bảo Ngọc không thể để cho Bảo Ngọc lấy người vợ đau bệnh nan y, thêm bệnh trầm cảm, dễ khóc, dễ tủi thân, như Ðại Ngọc, dù mọi người trong họ Giả đều thương Ðại Ngọc.

Cùng thời gian đó trong Phủ Ninh Quốc Công có nàng Tiết Bảo Thoa. Nàng này là con bà chị ruột của bà mẹ Bảo Ngọc. Như vậy Tiết Bảo Thoa là con dì, con già với Giả Bảo Ngọc. Bảo Thoa, Bảo Ngọc là chị em họ nhưng vẫn có thể thành vợ chồng.

Tiết Bảo Thoa mạnh khỏe, đẹp, công dung, ngôn, hạnh đều có. Chỉ có điều là Giả Bảo Ngọc yêu Lâm Ðại Ngọc, không yêu Tiết Bảo Thoa. Thảm kịch đến khi họ Giả làm đám cưới cho Bảo Ngọc, nói dối cô dâu là Ðại Ngọc, nhưng cô dâu lại là Bảo Thoa. Cả ba người Bảo Ngọc, Ðại Ngọc, Bảo Thoa đều đau khổ.

Năm 2005, ờ Rừng Phong, Xứ Tinh Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi viết lại Hồng Lâu Mộng đăng báo cùng lời bàn luận của tôi. Khi đăng Hồng Lâu Mộng, tôi bỏ qua những đoạn các nhân vật ăn tiệc, uống rượu, xem hát, làm thơ trong Hồng Lâu Mộng, những đoạn này quá dài.

Mời quí vị đọc một đoạn trong Hồng Lâu Mộng.

Giả Nguyên Xuân, người chị ruột của Giả Bảo Ngọc, được tuyển vào cung làm Quí Phi. Nhân dịp Giả Nguyên Phi được vua ban ơn cho về nhà thăm cha mẹ, Phủ Ninh làm cả một khu vườn hoa lệ để đón nàng về thăm nha trong một ngày. Ðó là Vườn Ðại Quan. Nhiều căn nhà đẹp được làm trong Vườn. Ðón Giả Phi xong, anh em Bảo Ngọc được vào mỗi người ở riêng một nhà trong Vườn Ðại Quan. Bảo Ngọc ở Di Hồng Viện. Ðại Ngọc ở Tiêu Tường Quán. Ðây là đoạn tả buổi trưa, trời mùa thu, Bảo Ngọc đến Tiêu Tương Quán thăm Ðại Ngọc.

HỒNG LÂU MỘNG. Trích:

Ðại Ngọc đang nằm ngủ trưa. Bọn a hoàn đi chơi cả, trong nhà im lặng như tờ. Bảo Ngọc vén rèm thêu bên giường, cúi xuống, lay nhẹ vai Ðại Ngọc:

– Em vừa ăn cơm trưa xong đã ngủ à?

Ðại Ngọc mở mắt:

– Anh đi chơi đi, lát nữa trở lại. Cho tôi ngủ. Ðêm qua tôi mất ngủù.

– Không được đâu. Vừa ăn xong ngủ ngay, không bệnh cũng thành bệnh. Tôi sẽ làm em vui, để em quên đau và quên buồn ngủ.

– Tôi không ngủ, chỉ nằm nghỉ một lúc thôi. Anh đi đi.

– Tôi đi đâu bây giờ?

Ðại Ngọc bật cười:

– Không đi thì ngồi đấy, nghiêm chỉnh, muốn nói gì thì nói.

– Nhưng thấy em nằm, tôi cũng muốn ngả lưng.

– Anh muốn nằm thì đi tìm cái gối vào đây mà nằm.

Bảo Ngọc lại ngẩn ngơ:

– Tôi biết đi tìm gối ở đâu bây giờ?

– Nhà ngoài có gối đấy.

Bảo Ngọc đi ra nhưng trở vào ngay:

– Gối của mấy bà già canh nhà, hôi quá, làm sao tôi gối được?

– Anh đúng là Sao Thiên Ma trong số tử vi của tôi. Ðây. Gối đây. Mời ông nằm.

Ðại Ngọc đưa cái gối nàng đang gối sang bên giường, lấy gối khác để gối. Bảo Ngọc nằm vào giường, đối diện nhau. Ðại Ngọc thấy trên má Bảo Ngọc có cái vết đỏ bằng khuy áo, nàng lấy ngón tay sờ và hỏi:

– Bị móng tay ai cấu thế này?

Bảo Ngọc cười:

– Làm gì có ai cấu. Hồi sáng đun sáp để lọc, bị sáp nóng bắn lên một giọt.

Ðại Ngọc lấy khăn lụa của nàng lau má cho Bảo Ngọc:

– Thật là quái gở. Công tử nào lại đi làm cái việc nấu sáp để lọc cho bọn a hoàn dùng bao giờ. Anh có thích làm những việc đó thì cũng đành đi, nhưng đừng có làm lộ liễu quá, người làm họ thấy, họ nói anh không ra gì đâu. Chuyện anh nấu sáp mà đến tai cậu thì anh lại khổ thôi.

Bảo Ngọc nghe nhưng chẳng biết Ðại Ngọc nói gì, mùi thơm trong ống tay áo của Ðại Ngọc làm chàng ngây ngất, chàng kéo tay áo nàng lại, ngửi rồi nhìn vào xem nàng mang trong đó thứ hương gì. Ðại Ngọc cười:

–  Ở trong nhà ai đeo hương làm gì.

– Không đeo hương sao thơm quá thế?

– Không biết. Hay là mùi hương của áo.

– Không phải. Mùi hương này của em lạ lắm, không giống mùi hương xông y phục đâu.

– Chắc anh ngửi mùi hương của ai, hương còn trong mũi anh, đến đây anh tưởng là mùi hương của tôi.

– Tôi nói chuyện tử tế, em cứ nói rỡn, phải phạt em mới được.

Chàng dùng ngón tay cù vào sườn nàng. Ðại Ngọc cười ré lên, co rúm người lại:

– Ối.. ối.. Em lậy anh, em không dám thế nữa.

– Không dám thế là làm cái gì?

– Em không dám nói rỡn nữa.

– Ðược. Tha cho em lần này.

Hai người nằm im bên nhau. Rồi Bảo Ngọc nói:

– Tôi kể chuyện ngày xưa cho em nghe nhé? Nhưng em nghe mà không được ngủ ạ.

Chàng kể:

– Nguyên trước đây ở Ðộng Lâm Tử, núi Hương Ngọc, có một đàn chuột tu thành tinh. Tháng ấy, gần đến Tết Nguyên Ðán, bầy chuột hội họp trong động bàn định kế hoạch kiếm thức ăn để vui Tết, đón xuân.

Lão Chuột Ðộng Chủ ngồi trên ngai bằng đá trên cao, truyền phán những việc phải làm:

– Ngày mai là ngày Hai Mươi Ba Tháng Chạp, người ta làm lễ tiễn Táo Quân về trời. Lễ tiễn Ông Táo, rồi Tết Nguyên Ðán năm nay nhờ được mùa, cả nước thanh bình, nên sẽ lớn lắm. Quân do thám của ta cho biết năm nay trong kho phủ đường có nhiều thực phẩm, có năm thứ: gạo, đậu, hạt dẻ, đậu phụng, khoai thơm. Ðộng ta đang cần năm thứ đó.

Lão Chuột giơ lên một lệnh tiễn:

–  Ðứa nào tình nguyện vào kho trộm gạo?

Một Chuột Tinh bước ra xin đi, nhận lệnh tiễn, đi luôn. Một Chuột Tinh khác nhận lệnh tiễn đi trộm đậu, rồi hai Chuột Tinh nhận đi lấy trộm hạt dẻ, đậu phụng. Khi Lão Chuột Tinh hỏi ai đi lấy trộm khoai thơm, có một Chuột Con Gái bước ra xin đi.

Lão Chuột Tinh thấy nó là gái, ít tuổi, lại yếu đuối, sợ nó không làm được việc, nên ngần ngại không muốn trao lệnh tiễn cho nó.

Chuột Gái nói:

–  Xin Ðộng Chủ tin tôi, xin cho tôi đi, tôi quyết làm tròn nhiệm vụ. Tôi tuy nhỏ tuổi nhưng có pháp thuật không thua ai, tôi lại khéo ăn nói, có cơ mưu. Ði chuyến này không thành công, tôi xin chịu tội.

Lão Chuột Tinh nói:

– Ngươi nói nghe hay lắm, nhưng ta muốn biết lọt được vào kho, ngươi sẽ làm cách gì để lấy trộm khoai đem về đây?

Chuột Gái nói:

– Có gì khó. Vào kho thì dễ thôi. Vào trong kho rồi tôi thi triển pháp thuật, xoay mình một cái, biến thành củ khoai thơm, tôi lẩn vào trong đám khoai. Bọn lính canh không thể nhìn ra tôi. Mùi thơm của tôi thơm hơn mùi thơm của bọn khoai. Ngửi mùi thơm của tôi, chúng sẽ mê tít. Cứ thế tôi rủ lũ khoai ra khỏi kho, theo tôi về động ta. Chúng sẽ mê mẩn đi theo tôi. Chẳng phải là hay ư?

Cả đàn chuột tinh nhao nhao lên tỏ ý tán thành việc biến thành khoai để lấy trộm khoai của Chuột Gái. Lão Chuột Tinh lại nói:

– Mưu của ngươi nghe được đấy. Nhưng ta vẫn muốn biết pháp thuật của ngươi ra sao. Ngươi thử biến hóa vài đường cho chúng ta coi.

Chuột Gái nói:

– Dễ thôi. Tôi biến thành củ khoai thơm cho các vị xem. Coi nè.

Chuột Gái xoay mình, biến thành một thiếu nữ thật đẹp, mắt phượng, mày ngài, tóc mây, y phục thướt tha, trông như tiên nữ.

Ðàn chuột cười ầm lên, chúng tranh nhau nói:

– Ê.. Tầm bậy.

– Nói biến thành củ khoai thơm mà lại biến ra cô gái?

– Thế là thế nào? Rỡn hả?

Chuột Gái lại xoay mình, từ thiếu nữ trở lại là chuột, nói:

– Các người kém lắm. Các ngươi không biết tôi vừa biến thành Tiểu thư Lâm Ðại Ngọc, Lâm Tiểu thư  là Thần Nữ Khoai Thơm. Da thịt cô có mùi khoai thơm. Nay cô vào kho chứa khoai thơm, bọn khoai ngửi thấy mùi khoai thơm của cô, biết cô là Nữ Chúa của chúng, cô bảo chúng đi theo cô, là chúng đi theo hết. Cơ mưu của tôi chẳng phải là thần diệu ư?

Ðại Ngọc vừa cười vừa đưa tay cù Bảo Ngọc:

– A.. Anh bảo tôi là Chuột hả?

Ngưng trích.

Ðoạn truyện thật vui. Tôi trích để quí vị đọc cho vui trong những ngày Xuân trên Ðất Khách.