• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Nguyễn Đình Toàn viết về Hoàng Hải Thủy

Hoang Hai Thuy

 
HOÀNG HẢI THỦY.

Người viết: NGUYỄN ĐÌNH TOÀN.

VIET TIDE Số 389. Ngày 31 Tháng 12, 2008.

Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.

Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.

Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.

Có phải như vậy chăng?

Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết , đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông. Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ “vưỡn“, “em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít.” Trong ngôn ngữ miền Bắc của chúng ta, hai từ “mí nị“, cũng có người nói là “mí lỵ” là hai tiếng “mới lại” được phát âm trẹo đi. Hoặc, những tiếng “ê, a” không có nghĩa gì, nhấn mạnh vào những chữ ấy chỉ để chê bai, chọc quê. Nghe một người con gái nói: “Em vưỡn yêu anh” thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn “Em vẫn yêu anh” có gì khác.

Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó.

Đọc “Sống và Chết ở Sài Gòn” người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng toạ Trí Siêu ( Lê Mạnh Thát ), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao.. .., về Trại Giam Phan Đăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải nhiều năm tù.

Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được Nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Người ta nhớ lại những năm sau 1975, hầu hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũ, đều bị bắt giam.

Hoàng Anh Tuấn sau khi được thả, đã được thân nhân bảo lãnh ra khỏi nước. Hoàng Hải Thủy có mấy câu thơ gửi Hoàng Anh Tuấn được các bằng hữu của ông thỉnh thoảng nhắc lại:

Hai chuyến xe hoa về đất mẹ,
Bây giờ xa-lộ sáng đèn chưa ?
Ở đây thì chán, đi thì nhớ,
Sài Gòn mưa mà Mỹ cũng mưa.

Hẳn nhiều người đều biết Hoàng Anh Tuấn ngoài việc làm thơ còn là một đạo diễn điện ảnh. “Hai Chuyến Xe Hoa” “Đất Mẹ” và “Xa Lộ Không Đèn.” Hoàng Hải Thủy nhắc trong bài thơ tên những cuốn phim Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện.

Sống và Chết ở Sài Gòn được viết theo kiểu tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đấy.

Chương ông viết về việc ông bỏ lỡ chuyến di tản năm 1975 là một chuyện cười ra nước mắt.

Khi đó, Hoàng Hải Thủy đang làm việc cho USIS tức Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trước ngày 30/4 ông Giám đốc USIS cho biết sẽ cho nhân viên đi nhưng con trai các nhân viên phải dưới 17 tuổi mới được đi theo bố mẹ. Nhân viên phàn nàn, ông nói ông phải làm theo lệnh của chính phủ Việt Nam, không thể làm trái luật pháp, cũng khhông thể nhận diện em nào trên hay dưới 17 tuổi. Ngay lúc đó Hoàng Hải Thủy thật thà không hiểu câu nói của ô. Giám đốc Alan Carter, ý ông muốn bảo “các anh cứ khai các con anh 16 tuổi chứ tôi có cần các anh chứng minh đâu“. Y hệt như câu thơ của T.T.K.H, “đến khi tôi hiểu thì tôi đã” muộn mất mấy chục năm rồi.

Trong cuốn sách Hoàng Hải Thủy có nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ, nhiều chi tiết về những năm đen tối, khốn khổ sau 1975 mà người dân miền Nam đã phải trải qua.

Được biết cuối năm 2002 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội/Hà Nội đã cho xuất bản cuốn “Hai Mươi Nhăm Năm Một Vùng Tiểu Tuyết” ý muốn nói tiểu thuyết ở miền Nam, nội dung đề cập tới tiểu thuyết miền Nam từ 1887 tới Hồ Biểu Chánh rồi nhẩy vọt qua tiểu thuyết từ 1975 đến 2000 đề cao những tác giả cộng sản nhất là các tác giả từ miền Bắc vào. Tất cả văn học miền Nam ( từ 1954-1975 ) không có một dòng.

Nhà văn Đặng Trần Huân viết: “Với chủ trương rõ ràng của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay như thế, thử hỏi nếu không có những bộ sách như Văn Học Miền Nam của Võ Phiến hay những tạp bút như Sống và Chết ở Sài Gòn thì sau này lấy đâu ra tài liệu về văn học và đời sống của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà ? Ta phải cám ơn Võ Phiến, cám ơn Hoàng Hải Thủy đã giúp ta tài liệu để còn nhớ không quên những văn nghệ sĩ một thời sáng chói, dù nhớ cách nào đi chăng nữa.”

Các văn nghệ sĩ của chúng ta sống ở miền Nam trước 1975, cho đến nay, đã mất đi nhiều lắm. Người chết trong tù, chết trong nước, người chết già, chết bệnh, người chết nơi xứ lạ, quê người, số còn lại e rằng ít hơn số đã mất.

Và, trong số những người còn lại, Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết và viết được một cách đều đặn. Cách viết của ông gần như không có gì thay đổi, pha trộn văn chương với phóng sự, nửa đùa, nửa thật. Nhưng với cái nhìn sâu sắc của người đã ở ngoài cái tuổi “cổ lai hy”, đọc ông, người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời đều hình như lúc nào cũng có ha mặt, một mặt bi thương và một hài hước.

Nói đến mọi sự trên đời, bởi vì, Hoàng Hải Thủy đề cập tới rất nhiều chuyện trong các bài viết của ông, bằng hữu, nghề nghiệp, kỷ niệm, tình yêu, chính trị, thời sự, tù đầy, cảm khái trước cái đẹp của thiên nhiên, thời tiết, kiếp sống tha hương.

Loạt bài mới nhất của ông cho đăng trên các báo chí gần đây, những phê phán chua chát của ông đối với chế độ cộng sản, sách báo của các tác giả ở trong nước và những người ông cho là đến bây giờ vẫn còn bị cộng sản mà mắt, được rất nhiều người đọc. Dù có cùng quan niệm với ông hay không, người ta vẫn thấy ở ông một tấm lòng thiết tha với đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự thật.

Tập Đất Hồ Ngàn Năm của Hoàng Hải Thủy cho xuất bản mới đây gồm tám đoản văn: Huyền thoại Vương Chiêu Quân, Giang Tả Cầu Hôn, Rồng Nằm, ngựa chạy, Sự Tất Như Thử, Trăm Năm Binh Lửa, Thơ và Sự Khốn Cùng, Mơ Ngày Về Vẽ Lông Mày, Thiên Long Tình Sử.

Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.

Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa.

Đoản văn về “Thơ và Sự Cùng Khổ” của Hoàng Hải Thủy gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Hoàng Hải Thủy viết đoản văn này sau khi đọc một bài thơ của Nguyễn Du trong “Bắc Hành Thi Tập”, chắc Nguyễn Du đã sáng tác trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh và qua nơi có ngôi mộ Đỗ Phủ.

Thi hào Đỗ Phủ trong một chuyến đi xa đã nhuốm bệnh và chết trên một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo, vợ con không đưa được ngay di hài ông về quê nhà, phải tạm chôn ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp mới rời được hài cốt Đỗ Phủ về Yểm Sư, mai táng trên núi Thú Dương, thuộc Hà Nam.

Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ do viên Huyên lệnh Lỗi Dương họ Nhất xây để tưởng niệm nhà thơ lớn.

Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả các nhân vật họ kính trọng.

Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế nhưng suốt đời nghèo khổ, nghèo đến độ không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn.

Nguyễn Du đặt câu hỏi, ông (Đỗ Phủ) cùng khổ đến thế phải chăng vì thơ ? Phải chăng ta có thể quy tội làm ông khổ là thơ ?

Chính Đỗ Phủ khi nhớ tới Lý Bạch, nhớ tới Khuất Nguyên tự trầm mình ở sông Mịch La đã than thở: “Làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch mà cuộc đời khổ sở đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt. Văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.”

Bàn về thơ và sự cùng khổ Âu Dương Tu, một danh sĩ khác của Trung Quốc viết: “Không phải thơ làm người ta cùng khổ. Chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.”

Đỗ Phủ nói: “Văn chương ghét mệnh.”

Nguyễn Du cho rằng: “Làm gì có chuyện văn hương ghét mệnh. Làm gì có chuyện trời ghen với người.”

Nhưng trong truyện Kiều Nguyễn Du lại viết :

Lạ gì bỉ sắc, tư phong.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Hoàng Hải Thủy viết: “Đây không phải một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của thi sĩ. Không phải Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng. Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.”

Hoàng Hải Thủy lấy trường hợp của ông để nói thêm về câu hỏi được nêu ra: Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không ?

“Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyên. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đo Quốc Gia Việt Nam Cộng hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết. Dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Thơ có làm cho người làm Thơ cùng khổ hay không ?”

Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi thi sĩ nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần.”, “ngu si hưởng thái bình.”

Người có tài thường gặp tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời và trong thời loạn.

Tôi chịu câu nói của Âu Dương Tu: “Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ. Chính vì có cùng khổ thơ mới hay.”

7 Responses

  1. Bài nhận định văn học cũa nhà văn Nguyễn Đình Toàn quá hay Ông thẩm thức văn chương HHT như chuyện tri kỹ giữa Bá Nha và Tử Kỳ Ai đã qua thập tử nhất sinh, ai đã từng bị đày đoạ vì CS, và đủ thứ đủ loại truân chuyên cũa năm mươi năm qua, sẽ thâ’y mình thấp thoáng đâu đó trong tạp văn cũa HHT Như đọc truyện Kiều thấy hay, vì thi ca ngôn ngữ đã hay, mà còn thâ’y thấp thoáng thân phận con người cũa chính mình trong thi ca Nguyễn Du Hai mươi chín Tết ở đất trích Houston (mượn chứ cũa anh em cùng vợ CTHD) được đọc NDT và HHT cũng đũ thấy hạnh phúc cũa tháng giêng đang vang vang trời vào Xuân (mượn chử nhà thơ Thanh Tâm Tuyền)

  2. Thấm thoát một năm lại hết rồi,
    Nhắn người Công Tử Hà Đông ơi :
    Đường trần còn mấy mà cay đắng ?
    An hưởng Rừng Phong, thuận lẽ trời.

  3. Hoạ bài vè của ” Hậu m…thức thời “!, xin quý vị tham gia.

    Đời có là bao, sắp tịch rồi!
    Thức Thời ta hãy gấp, bạn ơi !
    Bắt chước Cao Cầy xơi mướp đắng!*
    Âm Ty gặp Bác **, chắc kêu Trời!

    * ” Mạt cưa gặp mướp đắng, kẻ cắp gặp bà già”
    ** Bác nào? Xin hỏi thằng cháu nhỏ Hậu sinh hết thời!

  4. Loạn thế anh hùng nào bỏ mặc
    Kẻ khờ say rượu bàn tương lai
    Rớt ba chiếc lá đong thành tuổi
    Luận bàn gì đó, hay là ngây?

    — riêng tặng Hậu Sinh… Tức Thời…

  5. Tôi đọc văn HHT đã lậu Từ thời báo Ngôn Luận cũa Đệ Nhất Cộng Hoà miền Nam VN Sau đó là trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong Đọc chỉ giái trí và đáng giá những tác phẩm này chỉ thuộc loại phơi-giơ-tông, loại “sến” Theo thời thượng lúc bấy giờ, văn chương phải nhuốm màu hiện sinh, chữ nghĩa rối rắm, khó hiểu bắt người đọc phải nặn óc ra mà “thưởng thức” Loại văn chương này đầy dẫy trong các tác phẩm cùa TTT, DNM, NTH, NXH, PCT,… HHT đã vẫn được liệt vào văn phóng sư, mua vui cũng được một vài trống canh, thế thôi Hưởn thì đến nhà thuê sách Cảnh Hưng thuê về nhà đọc xong rồi trả, không thể xếp sác cũa ông vào “tủ sách gia đình được” Rồi đứt phim 1975, đầu 80 nghe tin ông bị bắt vào tù CS vì gửi nhiều bài viết ra hải ngoại Một số bài đã đăng trên tuyển tập Tắm Mát Ngọn Sông Đào Nhưng vẵn chưa mặn mà với văn chương cũa ông Thích vì những bài viết này chửi bọn CSVN đọc thấy quá đã thế thôi Rồi ông tị nạn Hoa Kỳ Đất Trịch lâu lâu vớ vài bài t.p văn cũa ông, vưỡn chưa thấy giá trị văn chương gì sất Vẫn thíchh tạp văn cũa tác giã BBT đăng trên Thư Gửi Bạn Ta, nhưng, bổng một ngày thấy mùi vị những bài văn này nhàn nhat. Bởi tác giả BBT đi vào đường xưa lối củ cũa chính ộng Phong cách mòn củ mùi vị nhàn nhạt vì thiếu chất sống hay kinh nghiệm đời sống Đọc đầu bài đã đoán được cuối bài kết thúc ra sao, thì còn gì la kỳ thú cũa người đọc nửa Một cách tình cờ đọc được bài viết về học giả VHS cũa HHT đăng trên bá Con Ong Ở Houston. Kinh ngạc vì HHT dẫn dắt người đọc cũa Saigon Năm xưa đi khắp mọi miền quá khứ, và đặc biệt HHT dắt mình đi theo bằng ngòi bút lôi cuốn cũa riêng HHT. Giã sử lấy một đoạn bài viết cũa ông ra “đố vui đễ học” thì ai cũng nhận ra là “Made IN HHT” Đồng ý vớ nhà văn NDT, ông là đại cao thủ của tạp văn bây giờ Ba Muơi Tết ở Houston, xin mượn câu thơ cũa NDT, “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” vì đọc bài viết quá hay cũa nhà văn NDT.

  6. Tại sao nhà văn Nguyễn Đình Toàn tri kỹ nhà văn Hoàng Hải Thuỷ đến như thế? Xin mời đọc trích đoạn bài viết của ca sĩ Quỳnh Giao về nhà văn NDT, “Nguyễn Đình Toàn, dẫn em vào nhạc” như sau:

    “Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

    Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.

    Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”

    Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì… ai mà nhịn được!”

  7. Chu Toan Kinh!

    Chac chu ngac nhien khi xem nhung chu chau goi den chu . Chau la co gai lam viec o Buu Dien Tp chu con nho khong? Da lau va rat lau lam roi. Tu luc chau song dau kho 6 nam cung cac chu DTr. Bac DQS….Chau nhac den day chac chu se nho phai khong? Bao nhieu su yen lang cua chau va chau cung da nghe rat nhieu sau bong den trong cuoc doi chau…Bay gio chau da quen tat ca noi dau va quen het moi dieu ….. Chau dinh sang Paris ngay that gan . vai tuan Hy vong co dip gap chu mot vai gio …… Cho chau goi loi tham tat cam cac chu va cac bac. Chau N

Leave a comment