• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Paris Tháng Năm 45*

Người Chinh Phục Hitler dơ cao giò nện những gót giày kiêu hãnh, thỏa mãn trên đường phố Paris Đầu Hàng 70 năm xưa.

Sau 4 năm sống trong đồng đất 4 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Thái Nguyên, năm 1950 tôi trở về Hà Nội. Tôi trở lại trường học – Trường Văn Lang, đường Phạm Phứ Thứ, sau Chợ Hàng Da, Giáo sư Hiệu Trưởng Ngô Duy Cầu, ông đã tự sát ở Sài Gòn Ngày 30 Tháng Tư 1975, các Thầy Nghiêm Toản, Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Ðột – và những rạp xi-nê Hà Nội. Năm ấy, năm 1950, không nhớ trên màn ảnh rạp xi-nê nào : Majestic, Eden, Philharmonique, tôi thấy đoạn phim thời sự-tài liệu ghi cảnh Hitler chiến thắng vào Paris Ðầu Hàng.

Như quí vị thấy trong tấm ảnh tôi đăng cùng bài này: Hitler, Người Chinh Phục Paris, kiêu hãnh dậm những gót giầy chiến thắng trên đất Paris.

Cảnh hiện ra chỉ thoáng trong vài nháy mắt, nhưng ở mãi trong trí nhớ của tôi. Những ngày như lá, tháng như mây.. Dòng thời gian dài một ánh bay.. Sáu mươi năm sau ..Sống ở xứ người tình cờ tôi tìm thấy trên Internet bức ảnh Hitler dậm những gót giày chiến thắng trên đất Paris bẩy mươi năm xưa, tôi cảm khái, tôi nghĩ đến chuyện viết bài này.

Tháng 8 năm 1944, một cô Đầm bị cạo trọc đầu dẫn đi riễu phố vì "tội lấy Đức".

Thế rồi trong Library toà nhà dành cho Old Seniors Low Income – Người Già Thu Nhập Thấp – nơi vợ chồng tôi sống lui cui bên nhau những ngày cuối đời, lại tình cờ tôi tìm được tờ báo ParisMatch Số Ðặc Biệt kỷ niệm Ngày Paris Thoát Ách Ðức Quốc Xã **. Số là trong những ông bà già gần như đủ mọi quốc tịch hằm bà lằng sáng cấu qui tụ từ bốn phương trời Virginia, Mỹ Quốc về sống trong tòa nhà dành cho người Già Nghèo này có một bà người Pháp, người thân của bà ở Pháp gửi những tờ báo Pháp sang cho bà, đọc xong, bà để báo trong Library cho người khác đọc, và tôi chăm chăm vào Library chờ đón những tờ báo Pháp ấy. Trong tờ ParisMatch tôi thấy giữa những tấm ảnh ghi cảnh dân Paris cầm súng xuống đường tấn công quân Ðức, chiếm lại Paris trước khi quân Anh Mỹ vào Paris, có mấy ảnh ghi cảnh mấy cô Ðầm can tội lấy Lính Ðức, bị dân Pháp lôi ra làm nhục: các cô bị cạo trọc đầu, bị dẫn đi bêu trên phố, có cô bị lột truồng dẫn đi.

Chuyện 70 năm xưa dân Pháp làm nhục những phụ nữ Pháp lấy người Ðức để trừng trị, đúng ra là để trả thù – « Trả thù dân tộc ??? » – tôi nhớ lại tôi từng đọc trong tiểu thuyết Pháp chuyện những cô Ðầm nạn nhân ấy. Có những cô Ðầm bị hạ nhục nhẩy lầu, nhẩy vào xe lửa đang chạy tới để tự tử. Năm xưa khi đọc những chuyện ấy trong tiểu thuyết Pháp tôi chẳng suy nghĩ gì, nhưng 50 năm sau, trong những ngày cuối đời sống ở xứ người, chuyện những nguời Pháp hạ nhục mấy cô Ðầm vì Ðói mà lấy người Ðức làm tôi trạnh lòng thương sót. Tôi théc méc:

Tại sao đàn ông Pháp – gọi là đàn ông Paris cho tiện – từ lâu nổi tiếng là loại dân « galant » nhất thế giới, « galant » : Nịnh Ðầm, công khai ca tụng phụ nữ, dzành « iu tin » cho phụ nữ, chiều chuộng phụ nữ, phụ nữ là Nhất – tại sao Tháng Tám năm 1944, khi quân Ðức Quốc Xã bị quân Anh Mỹ đánh, thua liểng xiểng trên khắp các mặt trận, quân Ðức tơi tả rút chạy về nước Ðức, người dân Pháp nhân dịp chiếm lại Paris, lại đối xử tàn tệ đến như thế với những cô Ðầm Pháp???? Tàn tệ đến cái độ « man rợ »: lôi đàn bà ra vỉa hè cạo trọc đầu, lột truồng dẫn đi riễu phố ! Từ năm 1940 đến năm 1945, Quân Ðức Quốc Xã chiếm đóng nhiều nước ở Châu Âu, làm chủ nhiều thành phố thủ đô lớn, quân nhân Ðức chiến thắng làm chủ thân xác nhiều phụ nữ các nước Châu Âu. Ðâu phải chỉ có riêng nước Pháp bị quân Ðức chiếm đóng, đâu phải chỉ riêng có phụ nữ Pháp lấy người Ðức, hay để người Ðức lấy. Nhưng phụ nữ các nước Châu Âu khác đâu có bị đàn ông nước họ trả thù, hạ nhục tệ lậu, đê tiện, tàn ác đến như đàn ông Pháp trả thù phụ nữ Pháp??

Mà người phụ nữ Pháp lấy Lính Ðức thì họ có tội gì ? Những cô Ðầm cho lính Ðức hưởng thân xác để đổi lấy bánh mì, sữa, đường, bơ, thuốc lá, cà phê. Có nhiều cô phải làm việc đó vì có bố mẹ già, đói, bệnh, chuyện chắc chắn là các cô làm thế không phải vì các cô có cảm tình với lính Ðức mà vì các cô đói. Các cô làm thế vì quy luật có từ ngày Trái Ðất có Loài Người :

« Ðàn bà luôn luôn, đời nào cũng vậy, thuộc về những người đàn ông mạnh, thắng trận, những anh đàn ông yếu, lép vế, nghèo – đặc biệt là bọn đàn ông bại trận – đời nào cũng bị đàn bà bỏ rơi. »

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, Nhà Mồ Già Hồ sẽ bị đập phá, Tượng Già Hồ sẽ ra nằm ở bãi rác, đó là quy luật. Quy luật đó và quy luật « Ðàn Bà thuộc về Ðàn Ông mạnh » không bao giờ thay đổi.

Tháng Sáu 1944 quân Anh Mỹ đổ bộ lên bãi biển Normandie nước Pháp. Dân Paris sôi nổi mong muốn, chờ đợi quân Anh Mỹ vào Paris : « Dzô Paris mau mau, mấy ông ơi.. ! » « Mấy anh dzô Paris, chúng em chờ.. Dzô lẹ đi mấy anh.. !» Nhưng mục tiêu của Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Ðồng Minh – Tổng Tư Lệnh là Tướng Eisenhower – là tiến gấp vào Berlin. Tiến mau, tiến mạnh, không vững chắc cũng tiến : vào Berlin nhanh nhanh, chậm bước để cho Hồng Quân Liên Xô nó chiếm hết Berlin, nó chiếm trọn nước Ðức, thì các Tướng Anh Mỹ – kể cả Tổng Thống Mỹ, Thủ Tướng Anh – chỉ có nước méo mặt nhìn nhau mà khóc ròng ngoài quan ải ! Quân Anh Mỹ phải bỏ qua Paris để tiến vào Berlin vì Hồng Quân Liên Xô đánh vào nước Ðức từ phiá Ðông, đang có lợi thế vào Berlin trước quân Anh Mỹ đánh tới từ phiá Tây.

Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai có cái gọi là Tứ Cường, bốn nước mạnh làm cái việc gọi là chung lưng, đấu cật đánh Phát-xít Ðức: Tứ Cường : Anh, Mỹ, Nga, Pháp – có khi là Trung Hoa – nhưng trên thực tế chỉ có Tam Cường : Anh, Mỹ, Nga. Pháp bại trân, đầu hàng có Tướng De Gaulle lập chính phủ Pháp Lưu Vong ở Anh Quốc, có một số binh sĩ chừng 500 người, có khoảng 20 xe tăng, xe thiết giáp, do Ðại Tá Leclerc chỉ huy. Nhưng Tướng De Gaulle, người đại diện Pháp Quốc bại trận, không một lần được ngồi họp bàn chuyện thế giới với ba nhà lãnh đạo ba cường quốc là Hoa Kỳ, Anh và Nga Xô : Roosevelt, Churchill, Stalin. Ðơn vị lính Pháp lưu vong ở Anh Quốc đặt dưới quyền chỉ huy, điều động của Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Ðồng Minh. Không được lệnh của Tướng Eisenhower, Ðại Tá Leclerc – thân phận con rơi ăn nhờ, ở đậu, mọi thứ cần để sống èo uột đều do Mỹ cung cấp – không thể dẫn đơn vị quân Pháp lưu vong còm cõi, lẻ loi tiến về Paris dù biết nhân dân Paris đang nóng lòng chờ đợi.

Ngày 19 Tháng Tám, 1944 dân Paris – không chờ lâu hơn được nữa – làm cuộc xuống đường dùng võ khí tấn công quân Ðức chiếm lại Paris. Khi ấy Tướng Ðức trấn thủ Paris là Tướng Choltitz được lệnh của Hitler :

« Tử thủ Paris, làm Paris trở thành pháo đài, nếu cần phá hết các cầu sông Seine, phá những Thư Viện, Viện Bảo Tàng, hủy hết những bảo vật, làm Paris thành hoang địa

Nhân dân Paris nổi dậy ngày 19 Tháng Tám 1944, họ bắn nhau với quân Ðức trong thành phố đến ngày 23 Tháng Tám, 1944, đơn vị quân Pháp lưu vong do Ðại Tá Leclerc chỉ huy, với 10 xe tăng, 10 xe bọc sắt, 200 binh sĩ, tiến vào Paris. Ngày 25 Tháng Tám, 1944, quân Ðức ở Paris đầu hàng, Tướng Choltitz không tuân hành lệnh hủy diệt Paris của Hitler, ông đầu hàng và bị bắt, 1.500 dân Paris bị chết sau những trận xung đột, 71 binh sĩ Ðức tử trận, thủ đô Paris còn nguyên. Và đàn ông Paris mừng chiến thắng bằng cách lôi những cô Ðầm lấy Ðức ra cạo đầu, lột truồng, làm nhục.

Việc đó, theo tôi, là một việc làm dân Paris – nói riêng – và dân Pháp – nói chung – phải xấu hổ. Xấu hổ đến đời chắt, đời chút, đời chít. Những anh đàn ông Paris làm những việc ấy là những anh hèn. Cho đến nay, sau 60 năm tôi thấy họ làm cái việc trả thù hèn, tàn ác và kỳ cục ấy tôi vẫn không hiểu tại sao dân Pháp nổi tiếng « gallant » hào hoa, nịnh Ðầm, hun tay, nâng váy, bưng đít Ðầm tự đời ông cố, ông sơ, lại có thể đối xử với phụ nữ nước họ dã man như thế.

Tù binh Ðức cúi đầu đi khỏi Paris, những chàng Dzi Ai – GI : Lính Mỹ – dzô Paris. Những chàng lính Mỹ quân phục trẻ, đẹp, sạch boong, khoẻ mạnh, dzô Kinh Thành Ánh Sáng với bột mì, thịt hộp, bơ, sữa, đường, sà-bông, thuốc điếu, suynh-gôm, sô-cô-la. Không cần kể Ðô-la Mỹ. Chỉ từng ấy món ăn chơi đã dư đủ làm cho các cô Ðầm Pháp tự nguyện, không cần mời gọi, đem thân đến với các chàng GI Mỹ. Như các nàng từng đến như thế với những người lính Ðức.

Các sử gia ghi nhận : Lần thứ nhất trong lịch sử chiến tranh của Nhân Loại có một Quân Ðội đi chinh phục nước ngoài mà các quân nhân sạch hơn, khoẻ hơn, no đủ hơn dân nước bị chinh phục. Quân đội đó là Quân Ðội Mỹ. Trước họ, những đoàn quân đi chinh phục đầy những lính đói rách, râu ria, hôi hám, ghẻ lở, chấy rận đầy người, tàn ác, man rợ, đi đến đâu là mang bệnh tật đến đó, họ chuyên cướp lương thực của dân địa phương để ăn, chiếm nhà dân địa phương để ở. Chuyện giết người, hãm hiếp, cướp của là chuyện thường. Lính GI Mỹ 1945 là những binh sĩ thứ nhất trong lịch sử vào những nước Âu châu bị chiến tranh tàn phá mà mang thực phẩm, thuốc men, kỹ thuật cơ khí hiện đại đến cứu dân Âu châu, xây dựng lại Âu châu.

Tình cảnh dân Nhật bại trận có thể còn thê thảm hơn tình cảnh dân Ðức bại trận. Sĩ quan Nhật không chịu nhục đầu hàng, dùng đoản kiếm tự mổ bụng. Sĩ quan Nhật ở Sài Gòn làm hara-kiri lền khên. Họ tự sát nhiều đến nỗi Nhật Hoàng phải ra lệnh :

« Không được tự sát ! »

Khoảng năm 1960 có lần tôi đọc bản Hiệu Triệu thần dân năm 1945 của Nhật Hoàng, bản dịch sang tiếng Pháp, đăng trên Tạp Chí Selection. Bản Hiệu Triệu thật cảm động, tôi còn nhớ một câu :

« Chúng ta phải sống cảnh sống không thể sống được, chúng ta phải chịu đựng cái không thể chịu đựng được. »

Những phụ nữ Nhật chiều chiều bận những bộ y phục đẹp nhất mà các nàng còn giữ được, đến cổng những trại Lính Mỹ, đứng chờ lính Mỹ ra chọn, dắt đi. Nghe nói những năm sau Thế Chiến ấy có những phụ nữ Nhật, phụ nữ Ðức đem thân phục vụ Lính Mỹ chỉ để lấy vài gói thuốc lá, vài thếp sô-cô-la.

Năm 1952 tôi xem phim RashomonToshiro Mifune, Machiko Kyo – trên màn ảnh rạp Xi-nê Majestic, Sài Gòn. Phim Nhật, đen trắng, làm năm 1950, đánh dấu cuộc mở đầu Sống Lại của nước Nhật bại trận. Hình ảnh đẹp, diễn xuất tuyệt vời, cốt truyện Rashomon làm tôi ngơ ngẩn. Những năm 1985, 1986, 1987 trong Nhà Tù Chí Hòa, có đến ba, bốn lần tôi kể chuyện phim Rashomon cho anh em tù nghe trong những buổi tối. Việc kể chuyện này được gọi là Chiếu Phim.

Hôm nay, một chiều Tháng Năm 2010, tôi kể chuyện phim Rashomon với quí bạn. Rashomon là một truyện cổ của Nhật, được viết vào khoảng Thế kỷ 16 hay 17. Ðây là sơ lược chuyện phim, chuyện xẩy ra trong thế kỷ xưa :

Vào phim, ông tiều phu vào rừng kiếm củi, thấy xác một thanh niên quí tộc chết trong rừng. Nhà quí tộc này chết vì vết thương ở bụng. Nhà chức trách sở tại được ông tiều phu báo tin, tìm được bà vợ nhà quí tộc đi lang thang trong rừng. Rồi họ bắt được tên du đãng bị nghi là đã can tội đánh lưà nhà quí tộc vào sâu trong rừng, đánh lén, trói nạn nhân lại, cưỡng hiếp bà vợ rồi giết nhà quí tộc.

Trong cuộc xử án nơi làng quê Nhật xưa, tên côn đồ – Toshiro Mifune – kể :

– Chuyện khởi đầu bằng một cơn gió. Nếu buổi trưa hôm ấy trời không có cơn gió ấy hôm nay không có tôi ở đây. Trưa hôm ấy, tôi nằm ngủ ven con đường qua rừng. Trời nóng quá. Tôi đang ngủ thì có cơn gió thổi qua. Mát ơi là mát. Cơn gió làm tôi hé mắt nhìn lên…

Ðúng lúc tên cướp nhìn lên, vợ chồng nhà quí tộc trẻ tuổi đi qua trên đường. Ông chồng đi bộ dắt ngựa, bà vợ – Machiko Kyo – ngồi trên ngựa. Nàng không ngồi xoạc hai chân mà ngồi để cả hai chân về một bên.

Tên côn đồ kể :

– Tôi nhìn lên ..Gió thổi làm gấu váy của nàng bay lên. Chút thôi, nhưng cũng đủ cho tôi thấy hai bắp chân nàng. Tôi nẩy ra ước muốn dâm dục. Lừa cho ông chồng vào sâu trong rừng dễ thôi..

Tên côn đồ chạy tắt qua rừng, đón đường, làm bộ ngu ngốc nói với nhà quí tộc :

– Ông ơi ..Trong kia có ngôi mộ, trong có mấy thanh kiếm cổ đẹp quá. Ông vào lấy đi. Ông lấy được. Tôi lấy người ta bắt tôi. Ông lấy kiếm, ông cho tôi ít tiền. Ði đi. Ði theo tôi.

Tên cướp đưa vợ chồng nhà quí tộc vào sâu trong rừng, Gã bất ngờ đánh ngã ông chồng, trói lại, để ngồi đó, gã hãm hiếp bà vợ. Nàng chống cự nhưng không thoát tay gã. Gã kể sau khi bị gã hiếp, bà vợ nhà quí tộc ngỏ ý muốn đi theo gã, nhưng gã không chịu, gã chê :

– Bọn đàn bà quí tộc ..chán thấy mẹ. Yếu sìu. Kém xa gái quê..

Rồi gã bỏ đi. Ðến lượt bà vợ nhà quí tộc khai trước toà. Nàng kể :

– Nó năn nỉ tôi đi với nó. Nó hưá nó sẽ yêu thương tôi, quí trọng tôi, chiều chuộng tôi, nhưng tôi nhổ vào mặt nó. Nó đi rồi, tôi đến cởi trói cho chồng tôi. Ánh mắt khinh bỉ chồng tôi nhìn tôi làm tôi kinh sợ, tôi biết chồng tôi khinh tôi vì tôi bị thằng khốn nó hiếp. Uất hận, tôi kêu lên:

– Sao anh lại khinh tôi ? Anh không bảo vệ được vợ anh, anh để nó hiếp vợ anh trước mặt anh, anh mới là người đáng khinh. Tôi là nạn nhân. Anh phải thương tôi chứ ? Sao anh lại khinh tôi, sao anh kết tội tôi ?

Nàng kể trước toà ánh mắt khinh bỉ của ông chồng làm nàng không chịu nổi. Nàng nói :

– Tôi còn con dao, tôi giết chồng tôi..

Bà vợ khai xong, tòa án nhờ thầy pháp gọi hồn nhà quí tộc về nhập vào con đồng, hồn nhà quí tộc kể không ai giết ông cả, ông tự sát vì truyền thống võ sĩ đạo không chịu sống nhục.

Cùng một chuyện, ba người kể khác nhau. Người nào kể về mình cũng kể mình hay, mình tốt. Người ngoại cuộc không thể biết người nào nói thật, người nào nói dối. Xem phim từ năm 1952, đến năm 1960 tôi mới nghe nói Ðạo diễn Akira Kurosawa làm phim Rashomon để nói với đàn ông Nhật những năm 1946, 1947:

« Ðừng khinh những người đàn bà Nhật. Các anh mới là những người đáng khinh

o O o

Những đêm buồn năm 1976, 1977, tình cảnh những người đàn bà thời loạn làm tôi thương xót. Tôi nhớ những lời Thơ:

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân

Thuở trời đất nổi con gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên..

Cảm khái và bi phẫn, tôi làm bài thơ :

Hỏi Trời

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Thiên phủ cờ hồng, thiên đỏ mặt.
Ðịa trùm áo sám, địa xanh da.
Phong trần nát cỏ, tàn hoa.
Hồng nhan có tội gì mà đa truân ?
Hồng quân với khách hồng quần
Chẳng thương thì chớ còn dần cho đau.
Cuối đời nhớ Trước, thương Sau.
Sao ta chỉ thấy một mầu tang thương ?
Có Thiên Ðường, có Tây Phương.
Sao ta chỉ thấy một đường Âm Ty !
Ðêm tàn nằm đọc cổ thi
Ta nghe tiếng khóc A Tỳ quanh ta.

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

___________________________________________________

* Ðúng ra là PARIS THÁNG NĂM 44, tôi để là PARIS THÁNG NĂM 45 cho dễ viết.

** Tôi cố ý không dzùng tiếng « Giải phóng.» Tôi khó chịu khi thấy có người viết ở Mỹ dzùng những tiếng ngu ngốc của bọn VC, như : « in ấn, chi trả, diện, khâu, đỉnh điểm, khẳng định, khiếu kiện.. » Bố khỉ. Ðã « in » còn « ấn » dzô cái lỗ nào !

*** Trên ghế Bà Ðầm ngoi đít Vịt.
Dưới sân Ông Cử ngỏng đầu Rồng.

Ông cha tôi dzùng tiếng Bà Ðầm, Cô Ðầm thật hay, phiên âm từ tiếng Dame, Madame : Ðầm. Ðầm chứ không Ðam. Tôi théc méc tại sao ông cha tôi không sài tiếng Ông Mông – Monsieur – đi đôi với tiếng Bà Ðầm – Ông Mông, Bà Ðầm – hay Ông Sừ, Bà Ðầm, mà lại sài tiếng Ông Tây, Bà Ðầm. Tôi có nghe mấy ông Chủ tiệm Giày ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, dùng tiếng Giầy Sừ để gọi giày của đàn ông, Giầy Ðầm là giầy của ai sì quí pạn đã piết dzồi, tôi khỏi cần viết rõ.

Mời quí pạn « thiếm sực » hay « đét-se » một chuyện dzui dzui tui nghe được năm xưa : Thời Quân Quốc Xã Ðức chiếm đóng nước Pháp, có những người Ðức kết bạn với những người Pháp. Một ông Ðức hỏi ông Pháp :

– Tôi thấy dân Pháp các anh thật là ….Dân Ðức chúng tôi khi gặp nhau, chúng tôi nói chuyện văn học, nghệ thuật, tôn giáo, dân Pháp các anh khi gặp nhau toàn nói chuyện bơ, sữa, đường, cà phê, thuốc lá.

Ông Pháp trả lời tỉnh queo :

– Chuyện thường. Ở đời thằng nào thiếu cái gì thì hay nhắc đến cái đó. Có gì lạ.

64 Responses

  1. « Ðàn bà luôn luôn, đời nào cũng vậy, thuộc về những người đàn ông mạnh, thắng trận, những anh đàn ông yếu, lép vế, nghèo – đặc biệt làøbọn đàn ông bại trận – đời nào cũng bị đàn bà bỏ rơi. »

    Sông có thể cạn, núi có thể mòn, Nhà Mồ Già Hồ sẽ bị đập phá, Tượng Già Hồ sẽ ra nằm ở bãi rác, đó là quy luật. Quy luật đó và quy luật « Ðàn Bà thuộc về Ðàn Ông mạnh » không bao giờ thay đổi

    Đời viết văn của CTHĐ, ắt có câu này là đáng đi vào lịch sử nhất !

  2. Ở Sàigòn những năm xa xưa ấy, lần đầu tiên tôi xem phim do tài tử Toshiro Mifune của Nhật bổn đóng là phim Soleil Rouge, hay là Red Sun. Phim chiếu ở Eden hay Rex chi đó, hình như Eden thì phải, có bác nào kiểm chứng dùm? Trong phim này Toshiro, không đóng vai côn đồ như trong phim Rashomon Công Tử đã kể trong bài viết này mà ngược lại, thủ vai samurai cuối mùa, nghĩa là cái “róp” samurai của chàng sắp sửa bị tan biến đi trong xã hội Nhật vào cuối thế kỷ 19, lúc bấy giờ nước Nhật đang trên đường canh tân kỹ nghệ xứ sở dưới thời Minh Trị Thiên hoàng.

    Trong phim, kiếm sĩ Toshiro có nhiệm vụ tìm lại thanh bảo kiếm nạm hột xoàn, kim cang bị lấy mất đi từ một trận cướp xe lửa miền viễn Tây Huê kỳ mà chàng ta có nhiệm vụ hộ tống nó. Sau vụ cướp, trên người chàng chỉ còn vỏn vẹn có mỗi … cây kiếm và thời hạn 7 ngày để tìm lại thanh kim cang bảo kiếm do Nhật hoàng gửi tặng tổng thống Huê kỳ. Trong 7 ngày sau đó là những màn đấu trí, đấm đá, múa kiếm, súng béng đoèng đoèng … giữa ba tài tử Nhật, Pháp và Mỹ. Thế thì, cuối cùng chàng có tìm lại được thanh kiếm quí ấy hay là sẽ hara-kiri để lòi hết tim gan phèo phổi ra?! Xin mời quí vị lên Amazon.com, với 19 tì lẻ, để biết kết cục truyện phim!!

    Phim Red Sun là một phim thuộc dạng quốc tế, đúng nghĩa quốc tế. Ngoài Toshiro Mifune từ Nhật, còn có tài tử Pháp quốc đẹp giai Alain Delon mà thời bấy giờ được mấy em choai choai mê tít thò lò, mê như điếu đổ, bây giờ thì có lẽ các em này đã trở thành mấy bà, mấy cô xồn xồn không dưới năm bó lẻ! Vai chính là Charles Bronson, cao bồi và dân chơi Mỹ quốc chính hiệu, khỏi cần phải quảng cáo thêm cho đỡ mất thì giờ. Để tăng cường nồng độ tình cảm ướt át thêm cho phim là nàng kiều nữ Ursula Andress, đến từ Thụy Sĩ, mà nhiều vị nam nhân thường đùa cợt đổi tên người đẹp lại thành Ursula “Undress”, vì nàng có lối phục sức rất mát mẻ ở trong phim, mặc dù … ngoài kia tuyết rơi … rơi. Đạo diễn Terence Young, chính gốc Ăng Lê, cũng đã từng làm phim James Bond Dr. No, quay phim Red Sun lấy ngoại cảnh ở Spain. Và hình như trong lịch sử phim ảnh quốc tế, chưa có phim nào quốc tế hơn phim Red Sun!!

    [Trích Quy Luật VN và quy luật quốc tế của CTHĐ]

    Sông có thể cạn, núi có thể mòn, Nhà Mồ Già Hồ sẽ bị đập phá, Tượng Già Hồ sẽ ra nằm ở bãi rác, đó là quy luật. Quy luật đó và quy luật « Ðàn Bà thuộc về Ðàn Ông mạnh » không bao giờ thay đổi.

    [Ngưng trích Quy Luật của CTHĐ]

    Quy luật quốc tế « Ðàn Bà thuộc về Ðàn Ông mạnh » ở trên cũng được áp dụng vào trong phim Red Sun của đạo diễn Terence Young. Không tin mấy bác thử lên Amazon mà xem!

    Trong thời gian ngồi nhà thưởng thức lại phim Red Sun của Sàigòn năm xửa năm xưa, chúng ta có thể rung đùi chờ cái quy luật VN đang và sắp xẩy ra ở VN, nghĩa là mấy tấm hình già Hồ “lộng kiếng” treo trên tường sẽ được mỗi nhà ưu ái cho vào sọt rác chờ mấy chú ba tầu cộng buôn ve chai tới từng nhà thu mua!!

  3. Kính Hoàng Lão Công Tử.

    Tôi cũng vô cùng khó chịu giống như Hoàng Lão công Tử mỗi khi gặp những chữ ngu ngốc của Việt cộng viết trên báo,dù bài viết rất hay nhưng,tôi dẹp ngay tức khắc vì bị dị ứng.
    Xem lại những gì mình đã viết cho bạn bè thì mới biết là mình cũng đã…khẳng định.
    Thật đáng trách vô cùng!Từ nay tôi sẽ không để những từ ngữ ngu ngốc đó hiện trên những lá thư của tôi nữa.
    Tôi rất mong một ngày nào đó tôi sẽ được cái may mắn là người được “in” hình của tôi đứng cạnh xác “bóc hồ” lúc tôi đang “ấn” thằng nhỏ của tôi
    vào cái miệng của lão.

    Kính chào Hoàng Lão Công Tử và Phu nhân.
    Kính chúc Hoàng Lão Công Tử và Phu nhân những ngày thật Bình An – Vui – Khỏe!!!

    Topa

  4. Bác NamPhuc mạnh giỏi .

    Hổm rày bận sửa nhà ,lót lại cái sàn nên hông rãnh ghé thăm các bác.

    Nhân bác nói đến phim RedSun làm tui nhớ đến cái thời tui còn…trinh quá bác. Cái thời Cơm Cha Áo Mẹ Ơn Thầy ,tay trắng mộng đầy(lẵng tẵng) bất chợt hiện về như một cuốn phim quay chậm , cảm khái cách gì !!!

    Theo trí nhớ mòn mõi của tui, thì tui xem phim này với…người anh em cùng vợ của tui ở rạp VănHoa Đa Kao trên đường Trần Quang Khải ,Q1, Sè gòn. Phim về tới Dakao là mất thời gian tính rồi mà vẫn cứ đông nghẹt vì quá hay.

    Cái màn mà tui chịu nhứt và nhớ cho tới bi giờ là cái lúc kiều nữ Undress đi một đường..undress trước mặt chàng cao bồi Charles Bronson khiến chàng cao bồi…tỉnh bơ còn…anh em cùng vợ của tui muốn té ra khỏi ghế !! Em chỉ cho thấy tí xíu cái lưng khi thay áo thôi mà…mèn ơi trên đời sao lại có…người..đẹp đến như thế. Cái vé xi la ma đắt thế chứ đắt gấp đôi gấp ba cũng đáng đồng tiền bác gạo. Không biết bác xem của Amazon hết 19 tì có thấy gì gì hơn không ,xin cho biết.

    Bác có xem phim Seven Samurai không. Một phim đen trắng xuất sắc của điện ảnh Phù Tang cho dù sau này các phim Ninja với kỹ xão tối tân tôi cũng thấy phim này là nhất. Điện ảnh Mỹ sau này cọp py để làm ra phim Bẩy tên giết mướn, tiếng phú lang sa Lơ sết Mẹc sơ ne lừng lẩy một thời, cùng một thời trốn học đi xem… Ôi cảm khái quá chời..mấy bác ơi !!!!

  5. Chào bác Backy54,

    Cám ơn bác đã có lời hỏi thăm. Phải vất vả thân trai lót sàn nhà để phu nhân đi cho êm chân như bác thì cũng là một điều hiếm có thời nay, tháng này lên điểm vù vù, bác nhỉ?

    Bác đã xem phim Red Sun ở Văn Hoa Đakao thì tôi có thể đoán ra phim này đã được chiếu ở Rex, chứ không phải ở Eden. Chủ rạp Rex và Văn Hoa hình như là bồ tèo. Thông thường phim chiếu ở Rex hai, ba tuần chán chê thì về tới Văn Hoa, rồi sau đó chủ rạp chiếu cho phim đến nhão ra mới chịu đem bán lại cho những rạp hạng ba như Mô-đéc hoặc Kinh Thành trong khu Tân Định, thời gian chờ đợi những phim loại này có thể lên tới hai, ba năm!! Tôi nhớ đã xem phim Rebel Without A Cause (Tuổi Trẻ Ngông Cuồng) do James Dean đóng ở rạp Mô-đéc gần chợ Tân Định, phim này đã được Công Tử nhà ta nhắc đến trong cuốn truyện phóng tác Nổ Như Tạc Đạn, đang coi giữa chừng đến đoạn gây cấn thì … phụp … đứt phim, đèn trong rạp được mở sáng lên để chuyên viên còn thấy đường “dán” lại phim trước khi chiếu tiếp, giá vé mỗi phim hình như được ấn định trên số đoạn bị đứt ngang trong lúc chiếu phim.

    Bên trái của rạp Văn Hoa Đakao là Cà phê Văn Hoa, chắc bác đã từng ghé chân qua. Từ đây thả bộ trên đường Trần Quang Khải về hướng Tân Định – Phú Nhuận trước khi đến đường Hai Bà Trưng hình như là quán cà phê Nhớ, vào quán này phải mặt đối mặt, cách nhau một gang tay mới nhận ra nhau, vì khói thuốc mờ mịt còn dầy đặc hơn cả sương mù Đà Lạt, các bà các cô thường ít chịu lui tới những chỗ này. Tuy nhiên, khu Đakao của bác cũng có nhiều địa danh khá nổi tiếng, thường được quí vị phụ nữ chiếu cố rất tận tình. Một là Thạch chè Hiển Khánh sát bên rạp Casino Đakao ở góc Đinh Tiên Hoàng – Hiền Vương, đây cũng là nơi bắt đầu của nhiều mối tình học sinh, sinh viên. Một chỗ khác nữa là Bánh cuốn Tây Hồ nằm trong chợ Đakao, sau này hình như dọn ra đường lớn Đinh Tiên Hoàng. Nếu nàng là một người có tâm hồn … ăn uống, sau khi thưởng thức xong hương vị Tây Hồ, bác có thể đưa nàng ngược lại quán Đậu đỏ Huỳnh Thị Ngà góc Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật (không sure lắm), mặc dù đây chỉ là một cái quán cóc, nhưng trước giờ học và giờ tan trường thì nam thanh, nữ tú ngồi chờ, đứng chờ chật cả góc đường vì đậu đỏ bánh lọt ở quán này hình như còn nổi tiếng hơn cả quán đậu đỏ bánh lọt xế cổng chùa Xá Lợi của bác Tbui nữa!!

    Lâu lâu ôn chuyện cũ với bác để nhớ lại một thời Sàigòn đẹp nhắm …!!!

  6. @ bác Nam Phục

    Cám ơn nhã ý bác đã nhắc đến quán đậu đỏ bánh lọt xế cổng chùa Xá Lợi “của tôi”.Còn một tiệm thạch chè Hiển Khánh ở Phan Đình Phùng nữa bác , cách tiệm này có tiệm bán mũ Thiên Trúc , mũ của tiệm này thiệt là unique ,hồi đó tôi cũng xí xọn lắm , để dành tiền mua mũ ở đây đội chứ không mua mũ chợ.

    Cùng các bác

    Tôi thật là ganh tị với các bác nam nhi , thời buổi nào, lúc nào cũng được hưởng thụ hơn nữ nhi , chẳng bị cha mẹ canh chừng như đám con gái , lúc nào cũng bị canh giữ ,chắc chỉ sợ lơ là một chút là mang ba lô ngược .:)

    Vào thời điểm bọn con gái chúng tôi vừa lớn (16 tới 20 tuổi )là lúc bọn cộng sản Bắc Việt đem quân ồ ạt vào đánh miền Nam , bọn tay sai mặt trận giải phóng và nằm vùng liên tục đánh lén ,pháo kích , ném lựu đan vào chợ búa ,trường học , rạp ciné … Bố mẹ đã khó khăn với con gái , kiểm soát gắt gao , ngoài giờ đi học đi đâu cũng phải xin phép , nay lại thêm cộng nô phá hoại ,xin đi xem film thể nào cũng nghe các cụ bảo ” vc ném lựu đạn vào chỗ đông người hoài , nhỡ nó ném vào rạp ciné con đang xem thì sao ? chạy dẵm đạp lên nhau , bị thương què quặt tàn phế xấu , ai mà ” cưới “, khổ cả đời…thế là huề , ở nhà ấm ức , chửi bọn vc sao mà dã man .
    Nói vậy chứ thỉnh thoảng film hay , ông cụ biết nội dung trong sáng cũng cho đi xem , bà cụ dặn ” nhớ ngồi gần cửa ra vào nghe con , có gì dễ thoat thân ” thê thảm không các bác .

    Nhờ ông cụ nới lỏng giới nghiêm một chút , tôi được xem các film romantic như Roman Holiday, Romeo and Juliet,Blue Hawaii… và các film Lý Tiểu Long đóng .

    Sang đến Mỹ , tôi đã tìm xem được những film mà ngày xưa hụt xem .Cám ơn các bác điểm film để tôi thấy thiếu film nào sẽ tìm xem , âu đó cũng là một cách hoài niệm thời thiếu ,thanh nữ , còn trong trắng chưa vướng bụi đời.

    • Bác Tbui, may là ngày xưa ông bà cụ của bác nghiêm cấm, gắt gao với bác như thế mà hễ chúng tôi kể phim nào ra bác cũng biết tường tận, đến nơi đến chốn phim ấy, chứ giá mà khi xưa hai cụ lỏng lẻo một chút thì giờ này chúng tôi lại là những người ganh tị mí bác, ngồi chờ nghe bác điểm phim cho chúng tôi xem!!

      Có một dạo Sàigòn chiếu mấy phim tình cảm ướt át do cô đào Michèle Mercier đóng trong loạt phim Angelique, không biết bác Tbui đã xem chưa? Qua đây tôi mua lại được bộ Angelique Collection (3 DVDs, tổng cộng 5 phim), nếu bác miss mấy phim này ở SG có thể cho chuột chạy vào Amazon ẵm về một bộ xem chơi, để so sánh MM của Tây với MM của Mỹ (Marilyn Monroe).

  7. Bác Namphuc thân ,đọc bài của bác lòng già tui bồi hồi quá xá. Cảm khái quá trời.

    Là người có tâm hồn ăn uống như tui mà bác cứ nhắc đến mấy địa điểm “Hương gây mùi nhớ ” này khiến tui nhớ lại một thời ăn uống xa xưa mà…thèm.

    Cách nay độ chừng ba bốn niên tôi có về thăm gia đình và rảo đi thăm lại những đường xưa lối cũ. Con đường Trần khắc Chân nơi tôi từng sống thay đổi nhiều quá. Đứng trước con hẻm có nhà mình từng sống trong đó ,tôi không tìm thấy bất cứ một nét gì của thời xa xưa vẫn còn lưu giử trong lòng anh già xa xứ như tôi. Bồi hồi và xúc động ,tôi quay lưng đi luôn ,không vào nhìn lại căn nhà xưa vì tôi biết đã chắc gì tìm lại được những hình ảnh xưa trong quá khứ?
    Ôi ! Thương hải biến vi tang điền. Cảm khái cách gì !

    Tiệm bánh cuốn Thanh Trì( nói theo kiểu của mẹ tôi là bánh quấn Thanh Trì ,bà cụ nói cuốn mà nghe cứ như là quấn ,vui và thấy hay hay thế nào ấy ) hiện nay tọa lạc trên góc Đinh tiên Hoàng và Huỳnh Khương Ninh(?)Không biết tên đuòng có đúng là H K Ninh không nhưng trên đường này có trường tư thục tên Huỳnh Khuong Ninh , nơi trước 75 nổi tiếng về thầy cô giáo là vc nằm vùng. Bánh ăn cũng được nhưng thực khách không được thanh lịch như xưa. Họ ồn ào ăn uống và bàn thảo chuyện gia đình cứ như là ở tại phòng khách nhà mình. Cái tế nhị và lịch sự của người Saigon xưa đâu rồi? Đổi đời nên người ta đổi cả lối sống hay chăng?? Hay là mình quá già , lão hóa rồi nên không hợp với thời đại mới?

    Có việc bà chủ nhà nhờ làm gấp , phải tuân lịnh. Hẹn gặp lại các bác tối nay.

  8. Tưởng chuyện gì ghê gớm mà bà chủ của tôi réo gọi ghê quá ,chỉ là cái máy ATM bị kẹt giấy rì xíp. Ba mươi giây là xong !.Lại tiếp tục cùng các bác.

    Nhân đây cũng có một théc méc nho nhỏ muốn hỏi các bác. Phụ nữ theo tôi thấy là sinh vật tuyệt vời của thượng đế ,thông minh kiêm nhớ dai vô cùng. Phe ta có làm điều gì cần phải dấu diếm thì chỉ cần một hai câu vặn vẹo là các vị ấy biết được ngay khỏi cần phải tra tấn nhục hình gì sốt cả. Còn nhớ dai thì khỏi bàn nhất là những việc phe ta làm bậy. Bà chủ nhà tôi là một điển hình. Tôi có nói đi nói lại là nếu bị kẹt giấy thì phải làm từng step từng step như thế này thế này , thế mà mỗi khi trỡ ngại(tí nữa thì viết sự cố rồi )là cứ anh ơi anh hỡi om xòm cả lên vì làm không được ! Thật ra “cổ” cũng có làm mà làm trật. Xế nà xế lào?? Hay là phụ nữ không hợp với máy móc và…vì lúc nào cũng có người xai biểu ??? Các bác thấy đấy ,phe ta đâu phải lúc nào cũng dài lưng tốn vải? Phe ta cũng được việc lắm đấy chứ phải không các bác ??

    Phải công nhận bác Namphuc là thổ công khu Dakao ,Quận Nhất ,Sègon . Tản mạn với bác về kỹ niệm xưa nên nhớ đâu nói đó , không có chổ nào đầu chổ nào đuôi ,bác thông cảm.

    Từ bên Dakao muốn sang Gia Định phải qua cầu. Có hai cầu để sang là cầu Sắt bên hông chợ Dakao nối với đường Bùi Hữu Nghĩa và cầu Bông nối vô đường Lê van Duyệt. Nếu bác là dân Dakao chắc biết bài hát vui của đám con nít thập niên 60-70 mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hổng thể nào quên. Kỷ niệm mà bác. Xin phép chép lại để mấy bác đọc chơi , cười tí chút :

    Em đang đi trên Cầu Bông ,té xuống sông…Ướt cái quần nylon
    Vô đây em ,dù trời khuya anh cũng đưa em dzìa…..

    Xin bàn loạn một tí xíu. Ở đây chỉ với ba chữ “Vô đây em ” là ta thấy cái chân thật và thương người của anh con trai miền Nam ,chứ không quanh co rắc rối như con cháu booc hù. Em vào đây sưởi ấm một chút cho bớt lạnh chờ quần áo khô rồi dù trời khuya cỡ nào anh cũng hộ vệ đưa em về tới nhà em cho dù em ở tuốt nơi đâu xa lắc.Cảm động cách gì.

    Ở Dakao còn một địa danh khá nổi tiếng mà bác quên chưa nhắc tới. Đó là chùa Ngoc Hoàng nằm trên con đường nhỏ ăn thông từ chợ Dakao ra đường Phan Thanh Giản mà tôi không nhớ tên đường gì. Chùa này theo tôi đoán có lẽ do người Hoa xây lên. Bởi vì chùa tuy nằm trên khu thị tứ đông vui nhưng khi bước qua cổng vào bên trong khuôn viên chùa là cảnh vật khác liền. Nó mang một cái vẻ vừa cổ kính vừa âm u huyền bí ghê ghê như con người mấy chú ba tàu.
    Đằng sân sau của chùa có một hồ rộng ,nước hồ lúc nào cũng xanh lè và rêu không. Trong hồ có thật nhiều rùa ,rùa lớn rùa bé dể cũng cả trăm con ,lưng phủ rêu xanh. Bọn con nít chúng tôi thời ấy ,mắt xanh mắt đỏ với nhau rằng té xuống hồ này là kể như làm mồi cho rùa ăn thịt. Nên thưở ấy bon trẻ con chúng tôi ít khi vào chơi đùa trong ấy tuy rằng chả có ai cấm.
    Lấy gì bảo đảm lỡ vui không lọt xuống hồ ???

    Sát bên Thạch chè Hiển Khánh là rạp chớp bóng Casino Dakao sau này bọn vc đổi tên thành rạp Cầu Bông nghe vừa quê vừa ngu như chúng nó. Kỳ sau sẽ kể về những kỉ niệm về nơi này với bác. Xin ngừng, hy vọng mang chút hình ảnh quê hương thương mến đến bác và các bác trên trang nhà Công Tự

    Xin cảm ơn CTHD và BacThan đã cho chúng tôi có nơi tâm sự.Kính, Backy54.

  9. @ bác Bacthan.

    Trên đường Trần Quang Khải đi về hướng Đường Yên Đỗ bác sẹ gặp một ngã tư. Ở ngã tư này ,tay phải là dường Trần khắc Chân ,tay trái là đường Trần văn Thạch dẫn ra chợ Tân Định và rạp chớp bóng Modern , trên đường này có tiệm chả cá nổi tiếng mà Công Tử có nhắc tới ,thú thật tôi chưa có dịp vào ăn nên không biết thế nào. Đường Trần khắc Chân khá dài, chạy thẳng một lèo từ Trần quang Khải đến tận bờ sông ,ranh giới giữa Quận Nhất và Gia Định. Khu tôi ở đuọc xây dựng lai sau vụ hỏa hoạn thời TT Diệm khá khang trang rộng rãi. Nhà được cất đối diện nhau bằng một con hẽm rộng 4 thước thẳng băng xe hơi ra vô được. Nhà giống nhau 4m x 8 m với gác suốt bên trên và ban công phía trước . Lần tôi về thăm lại chốn cũ thấy người ta lên lầu, cái cao cái thấp lòi ra thụt vào chả ra làm sao. Kỷ niệm xưa bị giêt chết tiêu ,buồn quá bác.

    • Kính bác Backy54,

      Rạp Moderne có phải là rạp “Kinh Đô” sau này, có gắn máy lạnh ? Ba tôi dắt tôi đi xem “Nữ Hoàng Cleopatre” ở đó năm tôi 14 tuổi. Phim do Liz Taylor, Rex Harrison và Richard Burton thủ diễn các vai chính.

      Phim hay vĩ dại, công phu và đắt tiền nhất thời đó ! Coi một lần là nhớ cả đời !

      Nhưng, thương nhhớ nhất vẫn là Sài gòn và những kỷ niêm niên thiếu năm nào !

  10. Xin lỗi các bác ,tôi viết sai xin các bác sửa lại dùm. Bánh cuốn Tây Hồ chứ không phải bánh cuốn Thanh Trì. Xin các bác thứ lỗi cho lầm lẫn…không chết người này. Đa tạ. Bk54

  11. Các bác, với trí nhớ xệu xạo của tui hổng chắc trúng ,nhưng đâu khoảng trước (hay sau?) Mậu Thân , Saigòn bị mấy trận lụt quá xá quà xa ,vì các kiều nữ Saigon rơi lệ cảm thương khi xem phim Doctor Zhivago do hai kiều nữ Geraldine Chaplin ,Julie Chritie(tui chịu nàng này hơn ,cái bộ liều mạng,quậy quậy )và nam tài tử Omar Sharif thủ vai chánh. Mèn ơi ,báo hại đám đàn ông con trai Sè gòn tốn tiền đậu đỏ bánh lọt ,khô bò ,bún riêu….để..chống lụt. Tội nghiệp mấy chàng hết biết. Không biết bác Tbui khi đó có tham gia làm…lụt lội đường phố Saigon hay không? Nếu chưa , bác nên tìm xem phim này để cho nước Mỹ biết thế nào là…ngập lụt .!!!

    @ bac Phuongle , thưa đúng ,ban đầu rạp toàn ghế gỗ ,bon con nít chúng tôi đập rầm rầm mỗi khi đứt phim. Hạnh phuc biết bao khi được bố dẫn đi xem phim. Với tôi đó chỉ là niềm mơ ước.Cả gia đình tôi phải di cư vào Nam 54 khi cs giết bố tôi. ……

    Ngoài ra ,trên đường Hai bà Trưng gần tới ngã tư Yên Đỗ ,Trần quang Khải có rạp cine Kinh Thành. Rạp này là top of the line của khu Dakao(tính từ bên dưới tính lên) . Rạp cung cấp miễn phí…rệp cho bọn con nít gãi đã luôn. Đặc biệt có lẽ để dụ khị đám con nít vào để nuôi rệp nên rạp thường có màn “Hai phim chiếu chung một xuất” ,coi mệt nghĩ. Đôi lúc ,ngưng chiếu phim để các gánh cải lương hay kịch về đây trình diễn. Rạp này có bà con với rạp Cao Đồng Hưng bên khu chợ Bà Chiểu.

    Nhớ cái gì viết cái đó ,không đầu đuôi,các bác thông cảm cho tuổi già ,như bác Tbui từng cảm thán. Lại nhớ đến phim Ben Hur một phim kinh điển của điện ảnh Cờ Hoa về dàn dựng vĩ đại thể loại chiến tranh xen lẫn tôn giáo được chiếu đâu khoảng những năm còn Tổng Thống Diệm.Chú nhi đồng backy con bỏ vô lon kêu chít chít, được ông anh cả dẫn đi xem ,chú mê tơi khoái chí , chú đâu cần biết chuyện phim , miễn có phi ngựa mù trời ,gươm giáo tưng bừng ,khung cảnh vĩ đại thỏa mãn trí tưởng tượng của chú là chú chịu dzồi.Giống như các chú nhi đồng khác ,chú backy con cứ tưởng mình là vai chính trong phim ,chú ngất ngư con tầu đi vì…sướng. Năm nay chú đã là ông già ,ngồi nhớ lại quá khứ cảm khái cách gì.

    Bác Tbui chắc không thèm để ý phim này vì không phải xài đến khăn tay. Dù sao bác cũng thử xem cho biết để thấy cái vĩ đại của diện ảnh nước bác đã có từ thập niên 50-60 chứ không phải mới bây giờ. Bác có thể vào Utube bấm Ben Hur.

    Chúc tất cả các bác một ngày vui vẻ. Bk54.

    • Julie Christie có cặp môi mọng đỏ như trái dâu chín. Cặp môi ấy hơi trề, nhưng lúc nào cũng như mời mọc ! Hễ nhìn là chỉ muốn… “cắn” !

  12. Em nhớ phim Alice in Wonderland coi thấy sợ quá! Chắc là tại vì lần đầu tiên coi xi-nê loại thần thoại giả tưởng. Nếu chỉ có ca sĩ đứng hát hoặc diễn viên móc súng ra bắn nhau thì chắc là không sao.

    Ngoài ra em còn nhớ đi coi cọp phim Cleopatra đoạn có người bỏ tay vào bình rượu bị rắn hổ mang cắn. Từ đó cho đến giờ em chưa một lần thò tay vào hũ mà không biết trong đó có gì bao giờ.

    Không biết các bác có ai còn nhớ loại phim thùng đặt trên xe đạp hay không? Phim chiếu trong thùng, ở mấy bên mặt thùng có lỗ để áp mắt vào xem. Trả tiền thì lỗ mở ra xem thấy phim; không thì áp mắt vào thấy đen thui không có hình ảnh gì. Phim thường là khủng long hoặc cao bồi cỡi ngựa cà lọc, cà lọc … Có lần em đang chổng đít coi thì bị ông già em đi nhà thờ về thấy ngứa mắt đá cho một cái giầy bốt vào đít.

    • Nếu có vị đạo diễn nào quay một phim về VN, tôi nhất định phải đề nghị đạo diễn cho vào phim cái cảnh nhi đồng VN coi phim thùng, bởi vì không có cảnh nào VN hơn, Á châu hơn cái cảnh này!! Tôi không chắc lắm đã từng thưởng thức qua loại phim thùng này hay chưa, nhưng bác vừa mới nhắc đến phim thùng thì hình ảnh này, có lẽ đã nằm sâu từ trong đáy tiềm thức của tôi, vội vàng nhẩy xổm ra ngay.

      [Trích “Phim Thùng” của Bắc Thần]

      … Có lần em đang chổng đít coi thì bị ông già em đi nhà thờ về thấy ngứa mắt đá cho một cái giầy bốt vào đít.

      [Ngưng Trích]

      Không biết chuyện bác kể có bao nhiêu phần trăm trúng trật, nhưng cũng không quan trọng lắm bởi vì câu chuyện này như vừa mới tặng tôi vài trăm liều thuốc bổ!! Tôi ôm bụng cười rũ từ sáng đến giờ mỗi khi tưởng tượng ra cái cảnh một chú nhóc đang chổng … vó, say sưa dán mắt vào cái thùng gỗ đặt trên yên sau chiếc xế đạp của anh chủ rạp Phim Thùng, thì bỗng đâu một vật gì là lạ tương vào mông chú ấy một cái như trời giáng … Tôi không có ý cười cợt trên sự đau khổ của bác đâu, mặc dù chuyện này đã xẩy ra mấy chục năm rồi, nhưng cảm giác của bác lúc ấy chắc phải … ấn tượng lắm, nên bác mới còn nhớ đến giờ này?

      • Heehee , bác viết dzui ghê , nhớ ngày bé tôi cũng đã từng dẫn mấy đứa em đi xem film thùng này , thú thật tôi không có xem vì thấy con gái mà chổng mông xem nó kỳ quá .Tôi nhớ ông chủ rạp chiếu film thùng này còn thêm income bằng cách bán kẹo bánh treo toòng teng trên ghi đông xe đạp .

        “Thương nhớ Sài gòn và những kỷ niêm niên thiếu năm nào quá “

  13. Chào các bác xin gởi lời thăm hỏi đén mọi người
    hóng chuyện vủa mấy bác em chỉ nhớ rất là lờ mờ,xin hỏi bác TBUI cổng sau của trường GL là đường Bà Huyện Thanh Quan đúng không ?
    còn tịêm chè HK có phải gần trường Trương Vĩnh Ký?
    còn một théc méc mà em muốn hỏi là quán cà phê Năm Dưỡng có ai nhớ không? em ở khu ngã ba ông tạ thành thử không biết gì nhiều lâu lâu mói được lên SG. Khu Ông Tạ của em chỉ có thuốc lào và thịt chó nhả em thì gần nhà ông Ngạn, boring lắm, cả khu hình như chỉ có quán cafe Thăng Long là tạm dược

    • Thạch chè Hiển Khánh trên đường Phan Đình Phùng ,Quận 3 Saigon .

      Tiện đây tôi xin đính chính tên tiệm mũ gần chè HK tên Thanh Trúc không phải Thiên Trúc,lại một lỗi của tuổi già .

    • Bác TT, quán cà phê Năm Dưỡng, nếu tôi không nhầm, nằm trên đường Phan Đình Phùng khu Bàn Cờ chuyên bán cà phê lọc từ “bít tất”, nghe nói rất nổi tiếng vì ngon. Không nổi tiếng thì tại sao bác là người cùng quê với bác Ngạn ở Ông Tạ lại biết đến quán này? Tôi chưa được thưởng thức qua nhưng cũng đoán là ngon, nhưng còn hương vị thì không dám bảo đảm!! Khu Bàn Cờ thuộc vùng kiểm soát của tư lệnh Tbui, có lẽ bác ấy biết rõ hơn?

      • Ồ tôi không biết quán café Năm Dưỡng , biết có café Gió Nam ở đường Phan Đình Phùng cũng khá nổi tiếng . “Tư lệnh Bàn Cờ ” không nhớ giỏi bằng ” tham mưu trưởng ” NP . À mà phải thôi , vì tôi nhớ có lần bác NP viết bác cũng rành khu này lắm vì vì vì…

  14. @ tt

    Trường GL có 3 cổng , cổng 1st. là chính trên đường Phan Thanh Giản ,dành cho giáo sư , nhân viên của trường VÀ các nữ sinh đi học bằng xe đạp hay xe gắn máy vào , ra .Cổng 2nd. trên đường Bà Huyện Thanh Quan , ngó sang Chùa Xá Lợi , dành cho nữ sinh đi bộ .Cổng này là nơi có xe bán đậu đỏ bánh lọt ( nổi tiếng ? ), xe bán bò bía , là nơi các ” chàng ” hay đứng ngấp nghé chờ các người đẹp tan trương để em tan trường về …., cửa này ít bị các cô giám thị để ý nhiều nên mới là điểm chờ của các chàng .Cổng 3rd. trên đường Ngô Thời Nhiệm, cổng này không bao giờ mở , ngay đó là sân tập thể dục .

    tt học trường nào ? chắc còn bé lắm ?

  15. chào Bác TBui
    Dạ em cũng không bé lắm đâu, nhưng chắc là bé hơn bác,nhớ lại năm xưa đạp xe đi học ở trường sinh ngữ Nguyẽn Ngọc Linh tuần 3 ngày,đi ngang qua chùa Xá lỡi xém leo lề mấy lần,gần nhà có một cô học GL cô ta kiêu lắm khinh tụi này ra mặt,thành ra cứ gặp mấy cô bên GL là phát sợ chỉ đúng đàng xa mà ngắm cho thỏa cõi lòng.
    30 năm rồi mình chưa bao gời trở lại chốn xưa thành ra khó nhớ vô cùng cả đến xóm cũ cũng phai nhạt dần trong trí nhớ biết sao bây giờ

  16. Kính chào namphục, TBui à các bạn,
    Phan mỗ lúc này chỉ đọc ké bài của các bạn, và cười tủm tỉm một mình mà thôi, vì thấy mình lực bất tòng tâm! Nhưng nay, đọc ý kiến của bác namphuc ở Thị Mịch ngày xưa, nên bắt chước Hoàng Trung, vác đao ra trận một phen ( chỉ mới xin ra trận thôi, chứ chưa chắc được đi!). Nhưng trước tiên, Phan mỗ xin chào sân bằng việc trả lời là Phan mỗ có đến Cà phê Nam Dưỡng vài lần ( khoảng từ 61 đến 65). Quán này nằm trên đường Nguyễn Sơn Hà (tên mới), gần Ngã Sáu Cộng Hoà. Các bạn già chắc biết Phở Hiệp Lợi, tiêm Phở đầu tiên trên đường Lý Thái Tổ (từ Ngã Sáu đi lên Phan Đình Phùng). Đường NS Hà là đường nhỏ gần Hiệp Lợi, trổ ra Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng, Ng.Thượng Hiền (đường xe lửa hồi trước 75) song song với Hồng Thập Tự. Cà phê Năm Dưỡng nằm giữa Lý Thái Tổ và Ng Thiện Thuật, phía bên phải nếu từ LT Tổ đi vào.
    Nếu tiếp tục đi sẽ gặp đ. Bàn Cờ và Cao Thắng ( chắc là sau 75 mới thông đường này). Qua đường Cao Thắng chừng 100m là nhà Ca sĩ Thanh Thuý (bên trái).
    Các bạn có thể mở Google Maps, bấm Ho chi minh city, VN và zoom lên khu Ngã Sáu Công Hoà (góc NTminh khai,Lý Thái Tổ, Ng Thiện Thuật) thì gặp.
    Còn một càphê Năm Dưỡng nữa ở đường Nguyễn Kim, gần góc Trần Quốc Toản (3/2 bi giờ),nhưng quán này không nổi tiếng bằng. Sở dĩ Phan mỗ rành khu này là vì lúc đó Phan mỗ đi học ở Petrus Ký, rồi Sư Phạm Saigon. Nhưng sau 65 thì bôn ba bốn (xin lỗi ba thôi)vùng chiến thuật nên không bảo đảmlà Café Năm Dưỡng còn hay không sau đó.
    Café Gió Bắc ở chọ Vưòn Chuối, gần đưòng xe lửa. Tại hạ có đến uống 1 ly phin đen (năm 61?), hồi đó chưa có tên “cái nồi ngồi trên cái cốc”(!) và nhớ kỹ vì thức trắng 2 đêm, tưởng là “xí lắc léo” rồi! Sau đó nghe nói Gió Bắc đóng cửa, và có Gió Nam…Lý do uống càphê đen vì anh bạn “mết” côchủ quán, cứ đến ngắm nhìn và khen, nên Phan mỗ động lòng hiếu kỳ, đến ngắm cho biết. Các bạn nào đọc Điệu Ru Nước Mắt chắcbiết chuyên này, còn Phan mỗ thì sau này khoác áo chinh y nên uống cà phê đen hai ba ly là sự thường. Xin hẹn kỳ sau sẽ tiếp. Chào các bạn.

    • Kính chào Phan tiên sinh,

      Cám ơn tiên sinh đã dành thì giờ đi một đường Google maps, chấm tọa độ cho mọi người biết vị trí chính xác của Cà phê Năm Dưỡng thời trước 75. Tôi chưa từng có hân hạnh được đặt chân đến quán này nhưng đã nghe nhiều người quen nhắc đến. Thì ra quán Năm Dưỡng nằm trên đường nguyễn sơn hà, cái tên đường này chắc lại là tên của một vị “anh hùng” vớ vỉn nào đó, đại khái như anh hùng nhóc tì lê văn tám, tự tẩm lửa như cây đuốc rồi chạy nước rút một mạch 500 thước nhẩy vào cái “can” xăng để đốt kho xăng của địch quân, một người hùng tưởng tượng của bọn vc!!

      Khi (không phải Nếu) VN không còn bóng dáng một tên vc nào nữa thì một trong những việc đầu tiên mà chính quyền mới cần phải làm là thay tất cả những tên đường vô duyên bị vc đổi tên hiện nay ở Sàigòn lại thành những tên đường thời trước 75, kèm theo một bản đối chiếu tên đường cũ và mới. Nhiều nhà tiên tri nổi tiếng trên thế giới tiên đoán là điều đó sẽ xẩy ra trong thập niên này!! Bởi vì dạo gần đây mấy tên đầu sỏ vc bị sao quả tạ chiếu cố hơi kỹ.

      Hiện nay báo chí Úc đang cho nổ lớn vụ Securency và sẽ điểm mặt chỉ tên bọn “ma cô quốc tế” đã dắt mối, đưa anh tổng thống khùng điên Hugo Chavez của xứ Venezuela đến với Sucurency, công ty in tiền nhựa Polymer của Úc, để ăn tiền cò, sơ sơ cỡ vài chục triệu đô la tươi chứ không phải tiền hồ thổ tả!! Nghe nói trong danh sách bọn ma cô quốc tế này có tên chủ tịt nhà nước nguyễn minh triết và tổng bí thư nông đức mạnh của vc. Sáu triết chuyến này chẳng cần phải ngủ gà ngủ vịt để canh giữ hòa bình thế giới gì cả mà tự nhiên vẫn cứ “nổi tiếng” như cồn, cái mặt ngáo của sáu ấy chẳng bao lâu sẽ long trọng xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo quốc tế. Và anh tư mạnh tày lần này chỉ có nước về nhà bầm cám lợn cho vợ thôi!!

      Còn số phận của thủ trưởng nguyễn tấn dũng cũng không được sáng sủa gì cho lắm. Báo chí Mỹ đang phanh phui vụ anh con rể Henry Nguyễn của thủ dũng hoạn lợn đã đặt tiền cọc mua ngôi biệt thự kiểu Versailles ở bang Florida sắp xây xong với giá 75 triệu USD, phần còn lại sẽ trả bằng tiền tươi!! Tiền ở đâu ra mà lắm thế không biết, thảo nào thủ dũng cứ lo ký gấp dự án đường xe lửa cao tốc Bắc Nam để có thêm tì mua biệt thự!!

      Hy vọng sao quả tạ lần này giáng xuống đầu mấy tên bán nước hại dân này sơm sớm một chút, để Phan tiên sinh cùng tất cả mọi người có cơ hội trở về nhâm nhi cốc cà phê Năm Dưỡng nằm trên đường …, đường gì nhỉ, bác Tbui?

  17. Sorry nghe Bác Nam Phục. Chỉ đường mà không biết tên cũ, lôi cái tên nguyễn sơn hà ra làm Bác “nổi sùng”, Phan mỗ thật áy náy. Nhưng, khác với lê văn tám, nguyễn văn trỗi, minh khai…chúng ta còn biết chút đỉnh những chuyện dóc tổ đó ( thí dụ như chuyện dóc về lê văn tám, chuyện anh trỗi bị xử bắn còn bảo đừng bịt mắt, và ho ” Boóc hồ muốn nằm” (với minh khai)..v.v… Còn cái chú hà này, anh huỳnh văn bánh, chị lý thị tét, cô Sạch sành Sanh,…thì bố bảo ai biết họ là ai ! Thành ra mình cũng quên béng luôn sự cẩn trọng trong việc gọi tên đường ở Sài Gòn ( thí dụ bảo anh xe ôm đi Hòng Thập Tự, Gia Long, thay vì Điên Biên Phủ, minh khai,v.v…rồi cũng tại vì vậy mà anh xe ôm hỏi thăm ” mới về hả chú?”” Bên Mỹ, Úc vui không chú?” để cuối cùng thì:” Chú cho bao nhiêu cũng được mà!”… Còn vụ đổi tên đường trở lại tên cũ, cộng thêm một số tên mới nữa là chuyện đương nhiên. Tôi mong đến ngày ngồi uống càphê Năm Dưỡng, nhìn bảng đưòng tên Nguyễn Đình Bảo, hay đường Phan Thanh Giản, Petrus Ký, v.v… mà lòng tràn ngập một vui khó tả…

  18. Than gui den Bac HHTT va Cac ban
    Bai hay ve Dakao va Tan Dinh cua tac gia Tran Dinh Phuoc

    Thứ bảy, 09.18.2010, 08:02:00am (GMT-7)
    Tân Định – Đa Kao Dễ Thương & Những Con Đường Vẫn Như Xưa

    Trần Đình Phước

    Cho đến bây giờ, dù đã xa Tân Định và Đa Kao nhiều năm, nhưng trong tôi hai cái tên Tân Định và Đa Kao lúc nào cũng là một nỗi nhớ khôn nguôi. Chúng cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm qua, tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi đó, chỉ biết đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi. Tôi cứ hẹn đi, hẹn lại, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ này. Rồi một dịp tình cờ đưa đến. Vào tháng 5, năm 2010, tôi đã toại được ý nguyện. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú là tên nhiều con đường trong khu vực này vẫn như cũ.

    Thật vậy, sau 30 tháng 04 năm 1975, một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên xa lạ. Nay được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa kao không bị thay đổi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và niềm sung sướng vô cùng.

    Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm của khu Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu và không bao giờ phôi pha, dù năm tháng có qua đi.

    Trước hết, xin bắt đầu là Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài Gòn. Khoảng đường này bên tay phải có hẻm vựa gạo, bác sĩ khám mắt tên Kính, tiệm bán bông cườm, thuốc cam Hàng Bạc và tiệm cà phê Hải Nàm. Phía bên phải có hẻm bán chó, tiệm trà Phật Tổ và tiệm bán xe đạp Đoàn Văn Thẩm.

    Quẹo trái ở ngả ba là đường Trần Quang Khải. Phía tay trái là con đường nhỏ dẫn vô hẻm có tiệm bánh cuốn Thanh Trì ngay đầu ngỏ, đối diện là Hãng Sáo Công Ty, rồi tới trường Việt Nam Học Đường và trường Văn Lang số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Thầy mất đúng ngày 30 tháng 04, năm 1975. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác.

    Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hãng gạch bông Vân Sơn. Nhìn sang bên đường là trường Trung Học Tân Thạnh của Thầy Phan Út . Trước khi vào cổng trường, phải đi ngang bảo sanh viện Ngô Liêng. Bảo sanh viện này mang luôn tên bà.

    Đi tiếp khoảng hai trăm thước sẽ gặp một ngả tư. Đường Bà Lê Chân bên tay phải. Ngay góc đường bà Lê Chân là quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Đối diện là đình Phú Hoà, nơi các đoàn hát bộ và cải lương tập dượt. Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này chạy ngang phía sau chợ Tân Định. Phía đầu đường Bà Lê Chân là ngả ba Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân. Nằm ngay góc là Y Viện Tân Định.

    Từ đình Phú Hoà nhìn sang bên kia đường là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị Ngà nổi tiếng một thời, nằm ngay góc ngả tư đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Đường này chạy dài tới khu nông cơ cũ. Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ đâm ngang qua. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới. Trên đường Trần Nhật Duật, hẻm số 21 có tiệm ảnh Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh, thích chụp hình chân dung, nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà. Bà Huỳnh Thị Ngà là một phụ nữ giỏi và đảm lược. Bà biết chèo chống và điều hành ngôi trường Huỳnh Thị Ngà, mà kế bên có nhiều trường trung học tư thục khác, lúc nào cũng sẳn sàng cạnh tranh với trường của bà. Nhờ thế trường của bà mới có thể tồn tại hơn hai mươi năm. Bà mất khoảng cuối năm 1992 tại tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ). Đối diện trường Huỳnh Thị Ngà, xéo về đường Đặng Dung là nhà giáo sư khiêu vũ, phía trước nhà có cây me to. Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Pháp Văn Huỳnh Văn Mỹ. Thầy Mỹ nổi tiếng về dạy Pháp Văn và là một trong những võ sư sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không nghe nói về vợ thầy, chỉ thấy thầy đi chợ môt mình, hai tay xách cái gà mên. Thầy qua đời ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nể sợ thầy. Trong giờ của thầy dạy, không em nào dám hó hé vì thầy Mỹ rất nghiêm và khó. Ngoài ra, thầy cũng là thầy dạy cô hiệu trưởng Huỳnh Thị Ngà hồi nhỏ.

    Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngả năm, phía bên phải là phòng nha khoa của một đôi vợ chồng. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định (Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân). Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một depot rác nhỏ. Đối diện là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện hiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.

    Khi đến ngả năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn xéo về phía tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh. Căn nhà nằm ngay góc đường của ông Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hỏa Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn phi Khanh, ngả ba đầu tiên là đường Huyền Quang, có đình Sơn Trà. Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang, quẹo trái lá Chả cá Lã Vọng. Ngả ba kế tiếp là Lý Văn Phức, có một depot rác rất lớn, nơi mà các công nhân vệ sinh đưa rác về đây, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài Gòn đều nhắc đến. Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao, tiệm may Cao Minh và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diện là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang Quế Anh và kế bên là tiệm Phúc chuyên làm con dấu, thêu cờ và huy hiệu. Nếu quẹo phải sẽ gặp Đền Thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

    Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải, ta thấy có Pharmacy Duyệt, rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi đây các bà bầu khu Đakao và Gia Dịnh thường đến để khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên là nhà của bà thầy bói mập, chuyên môn coi bói bài, tiếp đó có hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung. Đi thêm một chút nữa sẽ gặp Đình Nam Chơn. Trước đình có thờ hình ông Cọp. Bên trái cổng vào trong sân đình có cây đa to, có lẽ đã trên trăm tuổi. Thêm vài bước nữa cũng có một Phật đường nhỏ, thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông. Được gọi tên là Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành, cũng nổi tiếng về Bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và bánh mứt. Trước 1975, bà Bảo Thành là chủ thầu các bãi giữ xe hai bánh lớn nhất Sàigòn như: Trường Đại học Luât khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, rạp hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi… Cách một căn là tiệm cơm Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.

    Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cục cảnh sát Tân Định. Kế bên là đình Công Thành Ban, chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình cũng có thờ một ông cọp, kế bên là một ngỏ hẻm, đi ra được đường Trần Khắc Chân. Sau đó sẽ đến một dãy phố, có tiệm quay Ronéo Lửa Hồng, nơi đây quay ronéo và photocopy bài vở cho các học trò và thầy cô giáo. Ngoài ra cũng bán nhạc quay roneo sẵn, giá rất bình dân. Cách đó vài căn là một tiệm hòm. Có tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa. Nổi tiếng ở đoạn này là tiệm cầm đồ bình dân có tên là Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga hay Bạch Tuyết sắp lên sân khấu trình diễn. Nơi đây lúc nào cũng đông khách vì tiệm cho cầm và chuộc đồ với giá tương đối dễ thở và thủ tục thì đơn giản hơn so các nơi khác. Cách khoảng mười căn nhà, bên trái có một con hẻm lớn, nổi tiếng nhất vùng Tân Định – Đa Kao. Đó là hẻm xóm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ. Mỗi lần có hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng kết quả chẳng đi đến đâu, vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, chằng chịt. Lực lượng kiểm soát cũng không muốn vào chỗ này, vì không an toàn cho lắm. Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị viên thành phố Sài Gòn.

    Ra khỏi hẻm, quẹo trái là ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp hát này đã từng một thời là một rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi để bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi. Cũng nên nói thêm ở đây, cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Đó là cà phê Văn Hoa. Quán được trang bị dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán. Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có khối anh đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thưởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia dình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California) vì phu quân cô có công việc làm thích hợp ở đây.

    Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội, chuyên phục vụ cho giới bà con lao động, xe ba gác, xe xích lô, công tư chức và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ duy nhất năm đồng. Thức ăn gồm ba món, thay đổi mỗi ngày. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no thì thôi. Ngoài ra, còn được tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói. Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá cha truyền con nối là Tấn Phát và Tâm Long. Nay chỉ còn tiệm Tâm Long tiếp tục, địa chỉ số 8 Trần Quang Khải, có lẽ cửa hàng đã hơn nửa thế kỷ. Một chút nữa thì bỏ sót tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân và hiệu ảnh Ngọc Chương ở kế bên. Hết đường Trần Quang Khải thì gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Quẹo trái sẽ găp một quán bán thịt gà, thịt vịt và thịt heo quay. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia đường là tiệm may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Tiệm may Thanh Châu rất nổi tiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay tiệm may Thanh Châu vẫn còn và có rất nhiều khách đến may mỗi ngày. Kế bên là tiệm bán và đóng giầy Đông Hưng.
    Bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ bán đậu đen. Bà bán chè, người miền bắc di cư. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là ngồi chồm hổm ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài gòn, vì không có ghế cho khách.

    Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi, mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn có tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che mưa. Bên phải có Tín Nghĩa Ngân Hàng. Khi chiều đến, có quán cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam giới, còn nữ giới thì bà cho đợi mút chỉ cà tha. Cô hay bà nào không chờ được thì đi kiếm chỗ khác. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà sẽ từ chối, không bán.

    Đường Nguyễn Huy Tự rất ngắn, khoảng chừng ba mươi thước, chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác, nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên chùa Ngọc Hoàng. Đặc biệt, trong chùa có một cái hồ lớn và sâu. Nhà chùa thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên.

    Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Nếu quẹo phải sẽ găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường. Pharmacy mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt dăm bông và ba tê rất độc đáo. Trên con đường này còn có trường trung học Huỳnh Khương Ninh. Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ gặp đường Phan Liêm. Đường chạy dài, dọc theo bên hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi. Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. Ngoài ra cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phả cà phê Saigon trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đều làm bằng inox từ phin, muỗng, tách đựng đường, đựng sữa và quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng.

    Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên vẫn như cũ là: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai trường trung học công lập Trưng Vương, Võ Trường Toàn và hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Nguyễn Thành Ý, đường Phan Kế Bính có Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch, đường Mạc Dĩnh Chi với Billards Trường Cang, nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận 1, đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Đường này cũng là một con đường đẹp, có nhiều lá me bay của Saigon.

    Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên là: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tịnh Của. Một đường nữa là Đinh Công Tráng, với món bánh xèo nổi tiếng, trường Tân Thịnh, Les Lauries, Văn Minh và tiệm chụp hình Duy Hy. Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên. Phía đối diện là trường Thiên Phước, nhà thờ Tân Định và cách nhà thờ Tân Định khoảng hơn mười thước là cà phê Thu Hương danh tiếng một thời. Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Nơi đây có nhiều tiệm phở, có quán cà phê Hồng và có viện Pasteur, chiếm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to đến nổi năm, sáu người ôm vẫn không xuể. Ngay ngả ba Nguyễn Đình Chiểu và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải toả, nhìn đối diện là ngỏ hẻm vô trường Anh Văn Khải Minh.

    Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ năm nào.

    Một lần nữa Tân Định & Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta.

    Trần Đình Phước

    (San José – California 2010)

  19. Kinh CTHD,
    Goi ban Nguoiquanmot,
    Xin duoc bo tuc doi dieu ve Tan Dinh & Da Kao :
    – Tiem Thuoc Cam Hang bac ten la Nhan Phong Duong, ong chu tiem co nha tren duong Dang Dung. O mai o day ngon ‘het xay’
    – Hang gach bong Van Son khoang dau thap nien 60 la Tiem bi-da Van Son
    – Noi co Chua Van Tho duoc goi la ‘Xom Chua’ de ddo^’i lai voi ‘Xom Cau Moi’, ca 2 xom deu co nhieu ‘tay choi giang ho’
    – Giao Su Khieu vu ten la Nguyen Trong, sau nay co mo ‘Course de Dance’ tai goc duong TND va Dang Dung
    – Nha hang Casino la mot tiem com Tay binh dan do nguoi Viet Nam lam chu, con La Cigale o goc Duong Dinh Tien Hoang va Phan Dinh Phung la do mot ‘tay choi dao Corse lam chu (Ong chu nay quen voi ong gia toi, nen toi hay theo ong gia den tiem nay).
    – Tiem Ca Phe Van Hoa la cua Ba Nha^n (chong ten Nhan), em gai ba chu rap cine Van Hoa. Hai co TBD va TBH deu la em gai, ke ca co TBY ban ve ci ne Van Hoa, phu ban ca phe cho ba chi. Toi cung la mot trong nhung nguoi trong cay si co THB. Ong ba Nhan va cac co nay cung voi ba Me va anh em trai, o trong can nha tren duong Tran Quang Khai gan tiem Hom (toi cung quen ten) va tiem cam do Kim Ngan ma ban Truong da nhac toi (Nha nay vao dip Trung Thu con ban banh Trung Thu nua). Khoang cuoi thap nien 60, ca phe Van Hoa don sang ben kia duong, khoang doi dien nha ho o va tiem Hom, mo lon hon nhung toi khong con uong ca phe o do nua ma uong o Thu Huong va Quan co Hong o Pasteur.
    – Ca Phe Han moi mo sau nay khoang cuoi 60, dau 70. Khi gia dinh toi di cu vao Nam, o trong ngo hem so 24 Dinh Tien Hoang (ben canh nha sau nay mo Ca Phe Han va luc do nha nay la nha o binh thuong) gan La Cigale. O do co mot tiem may ao dai dan ba, cung noi tieng, nhung toi khong nho ten. Ong chong cua ba chu cung la mot ‘tay choi’ co hang va 2 vo chong co ho voi chu can nha sau nay mo Ca Phe Han.
    Kinh,
    Tien Phung

    • Kính CTHD,
      Gởi bạn Nguoiquanmot,

      Xin được bổ túc đôi điều về Tân Định & Da Kao :

      – Tiệm Thuốc Cam Hang bac tên là Nhan Phong Duong, ông chủ tiệm có nhà trên đường Đặng Dung. Ô mai ở đây ngon ‘hết xẩy’

      – Hảng gạch bông Vân Sơn khõang đầu thập niên 60 là Tiệm bi-da Vân Sơn

      – Nơi có Chùa Vạn Thọ được gọi là ‘Xóm Chua’ để đo^’i lại với ‘Xóm Cầu Mới’, cả 2 xóm đều có nhiều ‘tay chơi giang hồ’

      – Giao Su Khiêu vũ tên là Nguyễn Trọng, sau này có mở ‘Course de Dance’ tại góc đừờng Trần Nhật Duật và Đặng Dung

      – Nhà hàng Casino là một tiệm cơm Tây bình dân do người Viet Nam làm chủ, còn La Cigale ở góc đường Đinh Tiên Hòang và Phan Đình Phùng là do một ‘tay chơi đảo Corse làm chủ (Ông chủ này quen với ông già tôi, nên tôi hay theo ông già đến tiệm này).

      – Tiệm Cà Phê Văn Hoa là cũa Bà Nha^n (chồng tên Nhan), em gái bà chủ rạp cine’ Văn Hoa. Hai cô TBD và TBH đều là em gái, kể cả cô TBY bán vé cine’ Van Hoa, phụ bán cà phê cho bà chi. Tôi cũng là một trong những người trồng cây si cô THB. Ông bà Nhân và các cô này cùng với ba Me và anh em trai, ở trong căn nhà trên đường Trần Quang Khải gần tiệm Hòm (tôi cũng quên tên) và tiệm cầm đồ Kim Ngân mà bạn Truong đã nhắc tới (Nhà này vào dịp Trung Thu còn bán bánh Trung Thu nữa). Khõang cuối thập niên 60, cà phê Văn Hoa dọn sang bên kia đường, khõang đối diện nhà họ ở và tiệm Hòm, mở lớn hơn nhưng tôi không còn uống cà phê ở đó nữa mà uống ở Thu Hương và Quán cô Hồng ở Pasteur.

      – Cà Phê Hân mới mở sau này khõang cuối 60, đầu 70. Khi gia đình tôi di cư vào Nam, ở trong ngõ hẽm số 24 Đinh Tiên Hòang (bên cạnh nhà sau này mở Cà Phê Hân và lúc đó nhà này là nhà ở bình thường) gần La Cigale. Ở đó có một tiệm may áo dài đàn bà, cũng nổi tiếng, nhưng tôi không nhớ tên. Ông chồng cũa bà chủ cũng là một ‘tay chơi’ có hạng và 2 vợ chồng có họ với chủ căn.

      Kinh,
      Tien Phung

  20. @Bạn Tiên Phung mến.

    Trích : ” Noi co Chua Van Tho duoc goi la ‘Xom Chua’ de ddo^’i lai voi ‘Xom Cau Moi’, ca 2 xom deu co nhieu ‘tay choi giang ho’ ” …..

    Bạn ạ ! Ngày trước khi mang tên đường Nguyễn Cảnh Chân có tên là đường xóm Chùa, chứ không phải là để đối với xóm Cầu Mới đâu.

    Còn “cao bồi du đãng” ở xóm Chùa, xóm cầu Mới, khu Huỳnh Thị Ngà, Văn Hiến, Văn Hoa chỉ để chứng tỏ ta đây thôi. Chẳng có gì là ghê gớm cả. Hồi đó tôi học ở Văn Lang đụng độ mấy lần cho biết mặt nhau, sau đó là êm ru bà rù. Thành “bà con, anh em” cả.

    Ngày xưa, du đãng coi vậy có nghĩa khí lắm, chứ không mất nhân tính như bọn giang hồ, xã hội đen thời bây giờ. Họ rất trọng tình, trọng nghĩa.

    Đến năm 1965 tôi nhập ngũ, đến khi mãn khóa về thăm trường cũ, họ gặp lại thân tình thăm hỏi, còn bao ăn uống phủ phê nữa. Đã lắm.

    Thân mến

    • “Cao bồi, du đãng” thời VNCH năm xưa xét ra còn biết cách ăn ở, có tình có nghĩa, có trước có sau… còn hơn cả bọn côn đồ tự xưng là lãnh đạo của Đảng và nhà nước VN hiện nay. Ngay cả bọn “lãnh đạo” này không đủ tư cách và đạo đức để xách dép cho những tay “cao bồi, du đãng” ấy !

  21. Mời bác Tien Phung xài cái này để gõ tiếng Việt có dấu ,phê lắm :

    http://www.angeltech.us/viet-anywhere/

    Cảm ơn hai bác về bài viết nhắc nhỡ tới khu Dakao xưa của chúng ta(cho tui ké mí ). Kính ,Bk54.

  22. Thấy quý Bác nhắc đến khu akao xưa, nhưng chỉ phớt qua Viện Nhu đạo Quang Trung xế xế đối diện với chùa Ngọc hoàng của ngươi Tầu.

    Cái chùa này đi sâu vào trong nó âm u, bí hiểm như thế nào ấy. Cho trẻ con vào tôi cam đoan là không nổi da gà về nằm mơ toàn ác mộng là tôi không ăn tiền.

    Nói cho ngay, người Tầu họ ở phần lớn rất là ẩm mốc và tối tăm. Tôi có mấy người bạn là người Tầu, phần nhiều bạn tôi đều con nhà khá giả cả. Nhà của haọ đều dài ngoằng, nên tối tăm lắm, ở trên mái ngói hoặc tôn đều khoét một chỗ để thay vào bằng tấm kính trong cho có ánh sáng, nên tạo ra một không khí và không gian nó làm sao ấy … thiếu tự nhiên, trông thấy ghê ghê làm sao.

    Còn vế con đường thẩm mỹ, thời trang và nhất là khoản vệ sinh thời họ rất tệ. Cho nên người mình thường chê là : Cứ như là đồ ba Tầu vậy !

    Năm 1964, tôi đang theo lớp đệ Nhị, Thụ khóa nhu đạo đầu tiên là ngày (tôi không bao giờ quên) 01-04-1964. Viện nhu đạo do hòa thưọng Thích Tâm Giác làm viện trưởng. Cụ đương kim đệ huyền đai đệ tam đẳng do chính viện Nhu đạo Nhật Bổn cấp (tức là của quốc tế hẳn hòi) thời cụ và thượng tọa Thích Thanh Kiểm du học ở Nhật.

    Một cụ theo võ, còn cụ kia thì theo về mỹ thuật (cắm hoa và văn chương). Nhìn vào những lọ hoa do chính tay cụ Thanh Kiểm, đố ai có thể ngờ do chính tay một vị sư rất ư là nhà quê cắm. Phải nói là tuyệt đẹp. Nó đẹp mà thanh nhã nữa.

    Trong viện nhu đạo có (hình như) 4 vị võ sư huyền đai đệ nhị đẳng, còn lại là toàn huấn luyện viên mà thôi. Trong số đó có thầy Ngọc là thiếu úy Nhảy Dù (đệ nhất đẳng) nên thầy chỉ có mặt trong thời gian ngắn đầu tiên mà thôi.

    Nhìn dáng dấp rất oai phong. Mũ đỏ, bộ quân phục ngay ngắn, dáng đi hiên ngang. Vì hình ảnh này mà sau đó hai năm, khi mãn khóa ở Thủ Đức tôi tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù.

  23. Ban Phuong men,
    Nam 1960, nha toi don tu Da Kao ve Tan Dinh, o duong Tran Khanh Du, giua Xom Chua va Xom Cau Moi. Vi vay nen toi nghi la ho dat ten doi nhau vay thoi. Toi da nghi lam.
    Ban noi dung, luc do du dang o 2 xom nay rat co nghia khi. Nha toi bi mat mot cai cap da co nhieu giay to, nhung nho quen voi mot ‘Dai Ca’ o ‘Xom Chua’, anh ta tim dum va bao dan em tra lai.
    Luc moi don toi, toi moi co 12, 13 tuoi, hay di thut bi da o tiem Van Son va mot tiem khac o truoc cua rap Kinh Thanh, khong co ten va do mot cu gia trong coi. Cu nay co mot ong con trai la tho may Tay o tren Saigon, cung la dan choi lam.
    Vai nam sau, khi len De Tam, toi bat dau uong Ca Phe Van Hoa va trong cay si co TBH. Co TBH nay xinh that, nhung o nha do co co^ TBY, ban ve xi ne Van Hoa, co le lon hon toi may tuoi , luc do da hon 20 tuoi roi, nguoi trong rat hap dan. Noi theo CTHD (Trong Vong Tay Du Dang) la ‘Nguc cua Nang phai di truoc nguoi Nang ca gang tay’
    Sau do, khi len Dai Hoc, moi tinh si cung phoi phai va toi khong uong ca phe o day nua, ma uong o Thu Huong va quan co Hong Pasteur.
    Cung la ky niem cua thoi moi lon.
    Than
    Tien Phung

    • Bạn Phương mến,

      Năm 1960, nhà tôi dọn từ Đa Kao về Tân Định, ở đường Trần Khánh Dư, giữa Xóm Chùa và Xóm Cầu Mới. Vì vậy nên tôi nghĩ là họ đặt tên đối nhau vậy thôi. Tôi đã nghĩ lầm.

      Bạn nói đúng, lúc đó du đãng ở 2 xóm này rất có nghĩa khí. Nhà tôi bị mất một cái cặp da có nhiều giấy tờ, nhưng nhờ quen với một ‘Đại Ca’ ở ‘Xóm Chùa’, anh ta tìm dùm và bảo đàn em trã lại.

      Lúc mới dọn tới, tôi mới có 12, 13 tuổi, hay đi thụt bi da ở tiệm Vân Sơn và một tiệm khác ở trước cửa rạp Kinh Thành, không có tên và do một cụ già trông coi. Cụ này có một ông con trai là thợ may Tay ở trên Saigon, cũng là dân chơi lắm.

      Vài năm sau, khi lên Đệ Tam, tôi bắt đầu uống Cà Phê Văn Hoa và trồng cây si cô TBH. Cô TBH này xinh thật, nhưng ở nhà đó có cô TBY, bán vé xi nê Văn Hoa, có lẽ lớn hơn tôi mấy tuổi , lúc đó đã hơn 20 tuổi rồi, người trông rất hấp dẫn. Nói theo CTHD (Trong Vòng Tay Du Đãng) là ‘ ngực cũa Nàng phải đi trước người Nàng cả gang tay’

      Sau đó, khi lên Đại Học, mối tình si cũng phôi phai và tôi không uống cà phê ở đây nửa, mà uống ở Thu Huong và quán cô Hồng Pasteur.

      Cũng là kỹ niệm cũa thời mới lớn.

      Thân
      Tien Phung

      • @ Bạn Tien Phung mến.

        So với tôi bạn sướng ghê. Nhà tôi rất nghèo, nên tôi không được đi chơi bi-da hoặc thưởng thức cái thú uống cà phê nghe nhạc khi còn đi học.

        Mãi sau này, tôi rớt năm dự bị đại học, phẫn chí đi lính, vả tôi rất ham và mê đi lính lắm. Nếu bây giờ cho tôi làm lại, tôi vẫn tình nguyện đăng lính như thường.

        Có chút tiền lương còm của lính, tôi mới thực sự được hưởng cái thú uống cà phê Mai Hương (Pasteur), Thu hương ở Hai Bà Trưng nơi có sân nhỏ trải sỏi trắng và có chuồng chim bồ câu. Hân ở Đinh Tiên Hoàng với cái filtre nửa cà phê nửa nước. Lần đầu uống là về miễn ngủ, thức trắng con mắt thời thôi.

        Đối diện bên kia là Duyên Anh, nhưng tôi lại ít ngồi, vì bàn thì thấp mà ghế thì cao không phù hợp với tướng ngồi của tôi. Hồng ở cuối đường Pasteur thì tôi không thích mà không hiểu tại sao tôi không thích.

        Còn món bi da bi thịt thì tôi nhát lắm. Vì chơi thế nào cũng bị gài độ. Đến bây giờ tôi cũng rất dốt về món này bạn ạ.

        Sau khi “cải tạo” về Saigon rồi, đi đến đâu uống cà phê cũng có bàn cờ, mà đánh cờ là môn tủ đệ nhất hạng của tôi, tôi cũng không còn DÁM ham nữa. Bởi tất thẩy đều gài độ cả.

        Mà nói đến cờ bạc là tôi run còn hơn cầy xấy, mặt xanh còn hơn tầu lá nữa. Thế là tôi bỏ đánh cờ luôn, chỉ về lấy sách tự gài thế để giải một mình. Ấy là tôi bị “lậm” cái nghèo từ thuở còn nhỏ nó sinh ra như thế.

        Với lương lính chiến (rất xa nhà và xa thường xuyên)mà tôi còn cố gắng gửi về phụ bố mẹ để nuôi các em đi học nữa thì hỏi làm sao mà tôi không nhát như cáy cho được phải không ạ.

        Rất chân thành cám ơn Công tử Hà Đông đã tạo ra khoảnh đất thi vị này và cũng cám ơn tất cả các bác đã từng đôi lần hàn huyên với tôi. Khiến tôi như được sống lại thời quá xa xưa nhưng thật đẹp, dẫu rằng tôi rất nghèo.

        Thân mến.

  24. @Bạn Tien Phung mến.

    Tên đường Xóm Chùa là tên chính thức trên bản đồ đó bạn ạ. Không phải do huyên truyền với nhau đâu.

    Khoảng năm 1966 (tôi không nhớ rõ) mới đổi tên là đường Nguyễn Hữu Cảnh cho đến ngày hôm nay. Bạn nhắc tới xóm cầu Mới tôi mới nhớ lại là năm 1967 có cô ca sĩ mới (tập tành) là cô Lan Ngọc. Lúc mới hành nghề, cô hát cho đài truyền hình chương trình Thép súng.

    Từ khi biết có cô ca sĩ tên là Lan Ngọc cho đến nay (cô sinh năm 1949), tôi không hề có chút thiện lẫn ác cảm nào. Dù cô này có vẻ đứng đắn (luôn luôn vận áo dài) chứ không luông luồng.

    Ở gần đầu đường Trần Khắc (cẳng) Chân, có ngôi nhà của võ sư Watanabé Hồ Cẩm Ngạc. Con ông là Hồ Cẩm Đức (cũng là một võ sư – chống cộng ba chê). Anh đã từ trần cách nay khoảng 8 năm. Nhà rất nghèo, con lại đông. Anh kém tôi gần 10 tuổi, người rất vạm vỡ và khí vũ hiên ngang lắm, không hề coi việt cộng là cái gì hết.

    Thân mến.

  25. Bac CTHD va cac ban than men !

    Co suu tam duoc hinh rap hat Van Hoa Da Kao ngay xua , muon gui de Bac va cac ban thuong lam nhung khong biet lam the nao de e mail buc anh ? Mong Bac va cac ban chi giup cho .

    Than men

    • Trong khi bác BacThan chưa đưa ra giải pháp nào, tôi đề nghị bác nguoiquanmot chế ra một account mail mới (nếu bác nguoiquanmot không muốn đưa email riêng của mình ra public), rồi đưa account đó cho mọi người cùng biết, ai muốn có hình gửi vô mail đó, rồi bác nguoiquanmot gửi trả lại hình,
      Giải pháp này chỉ xài được nếu ít người gửi tới hỏi xin hình, còn nhiều quá thì chắc bác nguoiquanmot không trả lời nổi tất cả, nhưng có còn hơn không.
      Có phải khu Vạn Chài là ở cầu Sắt không? Tôi bây giờ trí nhớ kém lắm.

  26. Chiều hôm qua 6-10-10 tôi nhận được trên các trang net :

    Theo tường thuật của phóng viên tại SVĐ Mỹ Đình, vụ nổ xảy ra lúc 11h30. Khói đen vẫn đang bốc lên kèm theo rất nhiều tia pháo hoa.

    Cột khói cao phát ra từ SVĐ Mỹ ĐÌnh, nhìn thấy từ cách xa hàng kilomet. Đứng từ cổng chính của sân vận động thấy những đám khói trắng và đen ùn ùn lên kèm tiếng nổ rất lớn.
    Phía trong khu vực sân vận động, nhiều người dân dự lễ hội diều ùn ùn vào xem, mỗi khi có tiếng nổ lại dáo dác chạy.
    Anh Lê Chí Dũng, nhân viên công ty CMC Mỹ Đình cho biết: Đang ngồi làm việc ở tòa nhà CMC Mỹ Đình thấy có vụ nổ lớn pháo hoa bắn lên, lúc này đang bốc khói nghi ngút ở sân vận động.

    Theo nhận định của nhân chứng Lê Chí Dũng, có lẽ đây là vụ nổ pháo hoa vì thấy rất nhiều pháo hoa và khói.
    Theo tường thuật của phóng viên PV, khói vẫn bốc rất cao, liên tục có tiếng nổ phát ra từ trong SVĐ và những tia pháo hoa bắn lên. Rất nhiều đám cỏ cách hàng rào sân vận động 5m bị cháy.

    Bảo vệ sân vận động rất nghiêm không cho ai vào.
    2 xe cứu thương và 1 xe cứu hỏa vừa đến hiện trường.
    Tiếp tục cập nhật…

    heo tường thuật của phóng viên tại SVĐ Mỹ Đình, vụ nổ xảy ra lúc 11h30. Khói đen vẫn đang bốc lên kèm theo rất nhiều tia pháo hoa.

    Cột khói cao phát ra từ SVĐ Mỹ ĐÌnh, nhìn thấy từ cách xa hàng kilomet. Đứng từ cổng chính của sân vận động thấy những đám khói trắng và đen ùn ùn lên kèm tiếng nổ rất lớn.
    Phía trong khu vực sân vận động, nhiều người dân dự lễ hội diều ùn ùn vào xem, mỗi khi có tiếng nổ lại dáo dác chạy.
    Anh Lê Chí Dũng, nhân viên công ty CMC Mỹ Đình cho biết: Đang ngồi làm việc ở tòa nhà CMC Mỹ Đình thấy có vụ nổ lớn pháo hoa bắn lên, lúc này đang bốc khói nghi ngút ở sân vận động.

    Theo nhận định của nhân chứng Lê Chí Dũng, có lẽ đây là vụ nổ pháo hoa vì thấy rất nhiều pháo hoa và khói.
    Theo tường thuật của phóng viên PV, khói vẫn bốc rất cao, liên tục có tiếng nổ phát ra từ trong SVĐ và những tia pháo hoa bắn lên. Rất nhiều đám cỏ cách hàng rào sân vận động 5m bị cháy.

    Bảo vệ sân vận động rất nghiêm không cho ai vào.
    2 xe cứu thương và 1 xe cứu hỏa vừa đến hiện trường.
    Tiếp tục cập nhật…

    Việt Nam Net :

    Theo tường thuật của phóng viên VietNamNet tại SVĐ Mỹ Đình, vụ nổ xảy ra lúc 11h30. Khói đen vẫn đang bốc lên kèm theo rất nhiều tia pháo hoa.

    Đứng từ cổng chính của sân vận động thấy những đám khói trắng và đen ùn ùn lên kèm tiếng nổ rất lớn.
    Phía trong khu vực sân vận động, nhiều người dân dự lễ hội diều ùn ùn vào xem, mỗi khi có tiếng nổ lại dáo dác chạy.
    Anh Lê Chí Dũng, nhân viên công ty CMC Mỹ Đình cho biết: Đang ngồi làm việc ở tòa nhà CMC Mỹ Đình thấy có vụ nổ lớn pháo hoa bắn lên, lúc này đang bốc khói nghi ngút ở sân vận động.
    Theo nhận định của nhân chứng Lê Chí Dũng, có lẽ đây là vụ nổ pháo hoa vì thấy rất nhiều pháo hoa và khói.

    Cột khói cao phát ra từ SVĐ Mỹ ĐÌnh, nhìn thấy từ cách xa hàng kilomet
    Theo tường thuật của phóng viên VietNamNet, khói vẫn bốc rất cao, liên tục có tiếng nổ phát ra từ trong SVĐ và những tia pháo hoa bắn lên. Rất nhiều đám cỏ cách hàng rào sân vận động 5m bị cháy.
    Anh Quang Anh, một người dân đi qua đây và chứng kiến sự việc cho biết, khoảng hơn 11h, anh đang chụp ảnh lễ hội diều ở khu vực sân vận động Mỹ Đình thì giật mình bởi nhiều tiếng nổ lớn, kèm theo nhiều luồng khói trắng.
    Nhiều người dân khác cho biết, nhà ở tại khu vực này đã bị rung giật.

    Anh Quang Anh cho biết, sau khi có tiếng nổ, phía sân vận động Mỹ Đình có một cột khói trắng bốc lên nghi ngút. “Cùng với tiếng nổ và khói trắng là tiếng nổ nhỏ hơn của pháo hoa” – anh Quang Anh cho biết.
    Sau khi nghe tiếng nổ, nhiều người dân đang tập trung tại lễ hội diều ở Mỹ Đình đã hoảng hốt bỏ chạy. Xung quanh khu vực vụ nổ xảy ra, nhiều căn nhà đã bị rung, vỡ cửa kính. Bệnh viện Thể thao ngay gần đó cũng bị vỡ cửa kính vì ảnh hưởng sức nổ.
    Hiện trường đã bị phong tỏa, không ai được vào phía trong.
    2 xe cứu thương và 1 xe cứu hỏa vừa đến hiện trường. Thông tin mới nhất chưa được kiểm chứng cho biết, có ít nhất 2 người bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Thể thao gần đó. Hiện các cơ quan chức năng đã tạm thời khống chế được tình trạng.

    Theo lịch trình của Đại lễ, tối 10/10, Hà Nội sẽ bắt pháo hoa nghệ thuật tại Sân vận động Mỹ Đình. Đây là màn pháo hoa công nghệ cao với nhiều điểm khác biệt. Pháo hoa được nhập từ Italia, Mỹ và Trung Quốc với số lượng 3 container và sẽ được bố trí thành 176 trận địa, thành 5 vòng.
    Theo kịch bản, 20 phút trình chiếu sẽ tái hiện toàn bộ lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa. Màn hình nước cùng nghệ thuật trình diễn pháo hoa, hiệu ứng lửa và tia laze sẽ thể hiện về truyền thuyết Rồng thiêng.
    Trong tối 10/10, Hà Nội còn bắn pháo hoa tầm cao tại 4 điểm là Hồ Gươm (trước Bưu điện Hà Nội và trụ sở báo Hà Nội Mới), vườn hoa Lý Tự Trọng, công viên Thống Nhất, hồ Văn Quán. Ngoài ra, 24 điểm được bắn pháo hoa tầm thấp tại trung tâm các quận, huyện.

    Báo Tuỗi trẻ

    Nổ tại bãi pháo hoa sân vận động Mỹ Đình, 1 người tử vong

    TTO cập nhật – Khoảng 11g40 sáng nay 6-10, tại khu vực bãi cỏ chứa pháo hoa trong khuôn viên sân vận động Mỹ Đình, cách khán đài sân vận động khoảng 40m, nơi có hàng nghìn người đang xem thả diều ở đại lộ Lê Đức Thọ trước cổng sân vận động Mỹ Đình thì nghe hàng loạt tiếng nổ vang lên kèm theo những cột khói bốc cao ngùn ngụt.
    Nguồn ảnh: Nick Amidas – vozforums.com

    Nguồn ảnh: Nick Amidas – vozforums.com Theo nguồn tin từ công an huyện Từ Liêm cho biết thì 1 người bị thiệt mạng, hiện vẫn chưa xác định được số người bị thương.
    PV TTO có mặt tại hiện trường sau vụ nổ khoảng 10 phút chứng kiến khu lán trại khoảng 10 gian trong khuôn viên sân Mỹ Đình bị sập và cháy đen. Hiện tại thỉnh thoảng vẫn xuất hiện vài tiếng nổ và một vài cột pháo hoa bay lên.
    Bãi cỏ rộng hàng nghìn m2 ngay cạnh đó cũng bị cháy sém.
    Tại hiện trường vụ nổ, 1 container hàng hóa gần đó cũng bị nổ tung, đất cát và sắt văng tung tóe.
    Nhiều xe cứu hỏa được điều đến dập lửa, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để tiếp cận dập lửa và đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu.
    Hiện nguyên nhân vụ nổ đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra.

    4,5 tỷ USD cho ngày đại lễ nghìn năm Thăng long cho dân thủ đô và các nơi khác kéo về ăn chơi phù phiếm.

    Song song lúc đó miền Trung bị hại nặng cả ngàn tỷ vnđ và chết hơn 40 ngưòi (tính đến ngày hôm qua).

    Tôi cũng có chút tiền thừa đi dự hội, nhưng không bao giờ tôi đi. Mặc dầu Hà nội là của chung dân tộc ta, không của riêng ai. Là nơi tôi đã sinh ra và đi học được mấy lớp trưóc khi di cư vào Nam. Mặc dầu tôi vẫn còn yêu Hà nội lắm.

    Nhưng … thôi không đi là thượng sách.

    Ai ngờ lại chứng kiến những cảnh tượng não lòng, đau đớn cùng lúc diễn tiến trên quê hương Việt Nam mình.

    Tôi kính xin Ông Hoàng Hải Thủy cho tôi được mượn diễn đàn này, để bày tỏ chút lòng yêu mến đất nước và thương xót đến đồng bào chúng ta.

    Kính.

  27. Bác Bacthan ơi ! Giúp bác nguoiquanmot đi ! Cảm ơn bác nhiều lắm.

    Gì chứ hể nghe nhắc tới Dakao là tui thấy lòng nao nao. Kỹ niệm xưa kéo về dồn cục. Cảm khái quá chừng chừng các bác phuong, tienphung ….ơi.

    khu Dakao có xóm nghèo tên là Xóm Vạn Chài ,bác nào biết xin kể cho anh em nhớ với.

    • Chuyện gì thế các bác? Em xin lỗi mấy hôm nay bận quá nên không đọc hết comments được. Có phải là chuyện gửi hình không? Cách tốt nhất là zip nó lại rồi gửi bằng megaupload hay rapidshare.

      Các bước như sau (nếu dùng PC, Mac thì em đành chịu):

      1. Right click on the folder and then select Send To > Compressed (zipped) Folder. Máy sẽ tạo một zip file có tên là FolderName.zip

      2. Lên Web đến site http://www.megaupload.com, bấm nút Browse và chọn file FolderName.zip ở trên rồi click Send.

      3. Tuỳ theo kích thước, sau khi upload xong thì nó sẽ cho mình một cái link. Copy và gửi cái link đó cho mọi người cùng download về.

  28. @Bác nguoiquanmot ,không biết tui có nhớ lộn không , chứ tui nhớ là người xì gòn ít nghe ai nói quận một lắm , thường kêu là quận Nhứt không hà. Nếu tôi lầm bác bỏ qua nghe bác nguoiquan nhut !Đùa chút chơi nghe bác.

    À ,bác dùng link nàY gõ tiếng Việt có dấu hay lắm. Các bác phe ta chỉ tui đó :

    http://www.angeltech.us/viet-anywhere/

    Thân. Bk54.

    • Thân Backy54

      Đúng rồi bác còn nhớ tuồng cải lương ông cò quận nhứt do Út Trà Ôn đóng . Mình sài chữ quân một thường nên dùng vậy thôi . Cám ơn ông bạn .

    • @Bác Backy54 ạ.

      Bác nói đúng đấy. Quận Nhất, quận Nhì, quận Tư mà thôi. Bởi vậy mới có ông cò Nhứt, Cò Nhì là vậy.

      Sau này khoảng thời gian năm 1969 đổ đi xe Honda 50cc tràn lan, nên mới cho ra bảng số SG I, SG 2, SG 3 v.v… Còn xe trên 65cc thì mang bảng số là EA, EB, EC, ED cứ thế tiếp đến EH thì dứt đường tơ.

      VÀ cũng từ đó mới gọi là Saigon Một, Saigon Hai là vì thế. Chứ không có nạn quận một, quận hai như bây giờ.

      Thân mến.

    • Lam on chi ro tung viec phai lam de viet chu co dau o day. Toi van khong viet duoc. Cam on. CTHD

    • CtHaong, on October 7, 2010 at 1:04 pm Said:
      Lam on chi ro tung viec phai lam de viet chu co dau o day. Toi van khong viet duoc. Cam on. CTHD

      • Kính Công Tử Hà Đông,

        Sau khi vào trang Web Angletech chỉ dẫn cách đánh chữ Việt của bác Backy54 như link ở trên, Công Tử dời “chuột” vào trong ô trắng lớn ở giữa trang Web rồi left-click. Xong, Công Tử bắt đầu đả tự không dấu như bình thường và bỏ dấu theo một trong ba cách Telex, VNI hoặc VIQR như chỉ dẫn phía bên phải của ô trắng lớn giữa trang. Trang Web Angeltech này có thể nhận ra bất cứ cách thêm dấu nào mà Công Tử dùng. Thí dụ Công Tử chọn cách bỏ dấu VNI (dễ nhớ nhất, theo ý riêng NP) thì khi viết chữ “Nàng” Công Tử sẽ type “Na2ng” trên keyboard, bởi vì số 2 trên keyboard là dấu huyền theo cách đánh VNI, như sau.

        1 – Dấu sắc
        2 – Dấu huyền
        3 – Dấu hỏi
        4 – Dấu ngã
        5 – Dấu nặng
        6 – Dấu mũ (â, ê, ô)
        7 – Dấu móc cho ơ, ư (thí dụ “tơ, tư”)
        8 – Dấu móc cho ă (thí dụ “tặng”)
        9 – Dấu ngang cho chữ Đ

        Thí dụ một fan nào đó của CTHĐ muốn đánh câu dưới đây.

        Công Tử Hà Đông, đệ nhất danh sĩ miền Nam Việt Nam, là một khuôn mặt rất quen thuộc trong thi văn giới từ thời Đệ nhất Cộng hòa và hiện nay trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

        Thì fan ấy sẽ đánh trên keyboard như thế này.

        Co6ng Tu73 Ha2 D9o6ng, d9e65 nha61t danh si4 mie62n Nam Vie65t Nam, la2 mo65t khuo6n ma85t ra61t quen thuo65c trong thi va8n gio71i tu72 tho72i D9e65 nha61t Co65ng Ho2a va2 hie65n nay trong co65ng d9o62ng ngu7o72i Vie65t ha3i ngoa5i.

        Nếu Công Tử sợ bị mất phần mới đánh xong, CT có thể bấm 2 keys [Ctrl] [A] cùng một lúc (để select những phần vừa đánh xong) rồi bấm cùng lúc [Ctrl] [C] để copy, xong mở một cái Word file chẳng hạn, rồi [Ctrl] [V] để paste vào đấy lưu lại, sau này sửa chữa hoặc dùng lại.

        Giải thích hơi lủng củng, nếu CT có thắc mắc thêm điều chi thì đã có chuyên viên bỏ dấu là bác Backy54 giải thích hộ. Còn nếu như một tuần lễ sau CT đánh được 90 chữ Việt trong vòng một phút thì xin CT thưởng cho mọi người một bài viết mới ạ.

        Cám ơn Công Tử.

      • Kính CT
        Bác namphục chỉ cách dùng VNI, tôi xin chỉ cách dùng Telex. Bác thích cách nào thì dùng, tôi khoái Telex hơn vì theo ý riêng tôi, nếu đánh 10 ngón và muốn đánh nhanh, dùng Telex chính xác hơn vì hàng số ở trên cao, đưa ngón tay lên đánh dễ đánh nhầm số. Còn nếu vừa đánh vừa nhìn bàn phím thì chậm lắm
        Dùng Telex:
        Dấu mũ: đánh 2 lần, thí dụ â = aa, ô = oo, ê = ee
        Dấu móc: ư = w, ơ = [ (đánh 1 lần)
        Dấu sắc: chữ s, thí dụ á = as, cất = caats
        Dấu huyền: chữ f, thí dụ à = af, lào = laof
        Dấu hỏi: chữ r, thí dụ mở = m[r
        Dấu ngã: chữ x, thí dụ nhã = nhax
        Dấu nặng: chữ j, thí dụ họ = hoj
        Dấu ngang của chữ đ: đánh 2 lần chữ đ, thí dụ đi = ddi

        Ví dụ: câu
        Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa
        Sen tàn cúc lại nở hoa
        thì đánh là
        Phaans thwaf hw[ng cux booij phaanf xots xa
        Sen tanf cucs laij n[r hoa

        Nói chung trăm hay không bằng tay quen, bác sử dụng rồi sẽ thấy mê. Đánh tiếng Việt mà không dấu dễ hiểu lầm và khó đọc lắm
        Chúc bác thành công

  29. Bác Backy54

    Trước năm 1975 tôi có dạy ở Bình Dương , ngày xưa gọi là Thủ Dầu Một , chứ không Thủ Dầu Nhất , riêng ở Saigon có tên Tân Sơn Nhất , chứ không Tân Sơn Một. Bác CTHD và các bạn có biết tại sao gọi vậy ?

    • Trích ở Wikipedia:
      1. Trong thế kỷ 17-18, vùng Bình Dương-Lái Thiêu là nơi định cư của nhiều dân triều Minh chạy trốn triều Thanh, phần đông làm nghề gốm, ít học vấn. Họ gọi vùng đất nầy là Thụ Dầu Mục hoặc Thú Dầu Mục, vì vùng này có mọc nhiều cây có tên địa phương là Thù du mộc (茱萸木). Dân Bình Dương gọi hai loài thực vật, một cây ngắn ngày là bụp giấm (Hibiscuss abdarffa) và cây thầu dầu (Ricinus communis) bằng cùng một tên là cây Thù du. Đây là nguyên nhân có từ Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương.
      2. Có giải thích khác là nơi có cây Dầu Một, là “cây dầu đứng một mình ở đầu con đường”. Không hợp cách đặt tên của miền Nam. Trường hợp này sẽ gọi là: ngã ba, ngã tư Cây Dầu, nếu có đất gò thì gọi Gò Dầu.

      Quý vị nào có biết cách giải thích khác xin chỉ giáo

  30. Bác NamPhuc thân ,lâu ghê mới thấy bác lên tiếng chắc bận check mấy cái Ắc cao (nhấn mạnh ,mấy chứ hông phải một nghe !) coi còn có chổ chứa nữa không chứ gì???. Hehe !

    Bác chỉ như dậy là hay quá xá rồi còn gì. Ngu nhất Backy ,ngu nhì Đông Dương là tui ,mà tui còn gõ được thì Với Công Tử của ta là chuyện nhỏ như em gái nhỏ xỏ lỗ tai ,là chuyện dễ như lể ốc gạo vậy.

    Công Tử HĐ Kính mến ,
    Tuy nhiên ,theo kinh nguyệt của tui ,xin Công Tử bỏ dấu theo kiểu VNI là dễ ăn nhứt và gõ xong chữ rồi mới bỏ dấu sau cùng là khỏi sợ lộn. Thí dụ Công Tử muốn khoe là có nữ độc giả ,” nàng đương yêu tôi ra rít,tha thiết lắm ” thì Công Tử sẽ gõ rằng thì là :

    Nang2 duong97 yeu6 toi6 ra rit1 ,tha thiet61 lam71 , là mọi người sẽ biết là…Công Tử đang …được yêu liền hà .

    Chúc Công Tử thành công ,và như bác NamPhuc đã…offer ,mong sẽ đọc được bài viết có dấu của Công Tử trong mục Ý kiến Ý cò. Kính, Bk54.

  31. @Bác nguoiquanmot mến.

    Đúng có Thủ Dầu Một chứ không hề có Thủ dầu Nhất. Nhưng trước 1975 Saigon có TÂN SƠN NHỨT chứ chưa hề có TÂN SƠN NHẤT. Bởi vậy người Mỹ thời đó họ không phát âm được âm NH nên họ đọc là TAN – SON – NỤT

    Sở dĩ không có Tân Sơn Một là vì chỉ có tới Tân Sơn Nhì mà thôi. Tân Sơn Nhì có Nha Khí tượng ở cuối đường Nguyễn Minh Chiếu gần tới lăng Cha Cả.
    Theo người miền Nam thì từ thứ mười một người ta chỉ nói gọn là MỘT mà thôi.

    Vì dụ : Mình thường nghe trong những gia đình rất đông con có Chú (cậu, cô, dì v.v…) MỘT.

    Ngày xửa ngày xưa, thời hồng hoang nào đó. Cái thời mà dân xứ Thủ còn phải làm bẫy thú dữ gần nơi cư trú, thì là có nhiều Thủ Dầu lắm. Nên chia ra Thủ dầu nhứt, nhì, tam, tứ, ngũ … nhưng không hiểu sao lại không hề nghe có lục, thất, bát, cửu, thập mà chỉ có thấy Thủ Dầu Một mà thôi.

    Không ngờ “thằng út” mà lại được ở nơi đắc địa, nên thành danh đến tận ngày hôm nay trở thành thủ phủ của Bình Dương. Làm lu mờ hết thẩy những anh chị Thủ Dầu từ Nhất đến Ngũ. Và tất cả đều không còn lưu lại danh tánh trên “giang hồ” phong trần cho tới nay nữa.

    Tôi là người Việt gốc Tàu. Từ đời ngũ lục đại nhà tôi từ miệt Hà tiên – Kiên giang thường bị giặc thổ (Cao miên) phá phách, nên ông cố tụi tôi kéo hết lên Đồng nai rồi vô xứ Thủ Dầu.

    Hồi ông nội tôi còn tỉnh táo, lúc đó đâu như là tôi đã 11 tuổi (1950 – Tôi đang học trường Chánh Tâm – Nguyễn Minh Chiếu – xã Phú Nhuận – quận Tân bình – Tỉnh Gia định. Nay là quận Phú nhuận) ông nội tôi có giảng giải hết lượt cho tất cả con cháu nghe.

    Thiệt tình, tôi chỉ có biết vậy.Còn đúng hay trật ra sao thì tui hoàn toàn không rành. Kể cả nhà văn Sơn Nam đã từng giải thích rất nhiều địa danh ở trong miền Nam này thẩy đều không khiến tôi khâm phục.

    Tỷ như ông ta trả lời phỏng vấn trên HTV9 rằng Sài Gòn là do xứ này có nhiều cây bông gòn (Trời?) – trong miền Nam này tỉnh nào không có cây bông gòn ! Còn Sài có nghĩa là cây. Bởi vậy người ta mới gọi đất này đất Sài Gòn. Thiệt là cẩu thả hết sức.

    Tôi nhớ có lần đọc của một ông nào đó tôi không nhớ tên. Trong bài của CTHĐ nói về đường Lý TRần Quán. Ông này có giải thích (tôi nghe thấy rất hữu lý) về nguồn gốc tên của Saigon như sau :

    Xưa xứ sở này có tên là SÀI CÔN (theo Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim). Nhưng người Pháp đọc chữ C thành chữ G. Ví dụ SECONDE (sơ công – nhưng đọc là sơ gông). Tương tự Sài Côn dễ trở thành SAI GÔNG (SAIGON). Từ đó ngưòi mình đọc theo luôn cho tới ngày nay là SÀI GÒN.

    Mến.

  32. Đang buồn quá, đọc thấy mấy bác nói về địa danh. Tôi bèn xin hỏi Mấy Bác Bắc kỳ nhà mình với nhau. Còn người Trung và Nam thì không biết rồi.

    Bây giờ Việt cộng thường dùng : ÁCH TẮC GIAO THÔNG. Trong mình thường nói : KẸT XE là đủ. Hoặc cho có văn chương : TẮC NGHẼN GIAO THÔNG.

    Vậy – Tôi xin đố mấy bác chữ ÁCH này có nghĩa là gì và nguồn gốc của nó.

    Đố chơi cho mấy Bác vui cửa vui nhà với nhau. Chứ tôi không dám có ý gì khác. Thành thật mà nói, câu này tôi ra tận Hà nội hỏi mấy tay khoa bảng thứ thật cũng muốn khóc với tôi luôn.

    Thân mến.

    • @Bác Phương thân mến.

      Dốt thì tôi vẫn, nhưng dám xin có ý kiến về câu hỏi của bác được không ạ !

      Số là như thế này, ngôn ngữ của các dân tộc (people) trên thế giới nói chung và Việt Nam mình nói riêng, thường có phần sử dụng nó phát xuất bởi những giới bình dân, thậm chí ít học cho đến mù chữ.

      Ví dụ như ngày nay ở Việt Nam hay dùng chữ ZIN để nói tình trạng của đồ vật ấy, hoặc con người ấy còn nguyên vẹn, còn trinh trắng v.v…

      Nó lại phát xuất từ chữ ORIGINE. Trước 1975 mấy anh thợ sửa xe thường nói là O – RIN. Các bà nhà quê Bắc kỳ nhà mình (mù chữ nhưng thuộc Kiều như cháo hơn cả những người có đi học) đọc là O – LA – DIN.

      Ngày còn nhỏ, người lớn thường mắng tôi là mày ăn học không ra gì chỉ có nước đi ẮC-Ê mà thôi. Hồi đó tôi không hiểu đi ắc ê nghĩa là gì. Sau này học Pháp-văn tại Centre culturel nghe tụi Tây, đầm nó đọc chữ UN – DEUX mình mới té ngửa là do chữ đó mà ra chữ ắc ê. Nếu nghe người Việt mình nói un, deux thì không thể hiểu được tại làm sao.

      Thợ sửa xe gọi cái tay quay trong moteur là TAY DÊN. mình cũng chịu chết chả biết là chữ gì. Trong đá banh chạm tay cứ hô là ME. Bóng rổ bóng chạm chân gọi là DÊ. Mình càng mù tịt. Mãi sau mới biết là do chữ BIEN, MAIN và PIED.

      Bắc kỳ nhà mình thì cứ đọc là biên, manh, pi-ê. Từ đó tôi mới nhớ lại ngày trưóc 1975 có ông gác gian ở Nha Khảo Thí đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm giữa hai trường Nam Trung Học Võ-Trường-Toản và Nữ Trung Học Trưng-Vương.

      Ông này trước kia đi lính Pháp. Một chữ bẻ đôi không biết, nhưng nói tiếng Tây (dĩ nhiên là bồi) thì còn hơn gió cuốn mây trôi. Người nào không biết Pháp ngữ phải le lưỡi khi nghe ông ấy kể truyện thời đi lính Pháp.

      Trong những câu truyện ông ta kể có đoạn ông đứng gác và hô lên khi gặp kẻ lạ mặt xâm phạm khu quân-sự :

      ÁCH TÀ LÀ CHIU BIU. Tôi nhờ có bác Hòa là công chức già làm ở phòng Nhân viên của Nha Trung học giải thích rằng là do chữ ; HALTE LÀ QUI VIE. Tôi mới giật mình … nhớ lại ngày xưa thầy Hoàng Cung giáo sư Pháp Văn có dạy mình rồi. Nguồn gốc chữ HALTE là của Đức mà ra.

      Nhưng người Pháp thường cho chữ H là câm nên họ không đọc là HAN mà đọc là AN. Nên mấy anh lính nghe ba chớp ba nháng đọc là ÁCH là do thế.

      Và từ đó cánh Bắc kỳ nhà mình đâm “nghiện”. Cứ hễ muốn ngăn, chặn, hoặc nói lên sự dừng thì đều gọi là ách cả.

      Những vì tôi có chút nợ với Ông Hoàng-Hải-Thủy mà chưa biết là sao để trả, nay cám ơn bác tạo cơ hội cho tôi được phép.

      Cái nợ này cũng trong phạm vi ngôn ngữ thời xưa, nhất là trong nghề nghiệp báo chí mà từ trước kia đến khi đọc bài viết của Ông nên tôi mới được dịp mở mang.

      Rất cám ơn Ông Hoàng-Hải-Thủy và mến chào bác Phương.

      • Cám ơn bạn Van Toan nhắc lại câu ÁCH TÀ LÀ… làm tôi nhớ đén một kỷ niệm , lúc tôi còn bé, đi xem diễn kịch ở trường, các anh HS lớp lớn diễn một vở musical, có cảnh một anh lính gác” ách tà là” một người qua đường, và ca câu sau:” Halte là qui vive, vous ne passerez pas c,à. Halte là qui vive, vous ne passerez pas…” Câu này được ca nhiều lần theo điệu kèn của lính (theo vở kịch Tây) mà tôi kh6ng nhớ tên vỏ kịch. Theo như suy đoán của tôi, hình như là cảnh trong vở kịch ” Carmen” thì phải? Xin CTHĐ hay quý vị tiền bối giải toả ” théc méc” dùm.

        Còn chữ TAY DÊN hay LỘT DÊN ( máy bị lột dên) à do chữ BIELLE ( thanh truyền ) . Còn tay quay các xe thời xưa là MANIVELLE ( chưa có DÉMARREUR như xe ngày nay). Tôi còn nhớ mỗi lần Ông Ngoại tôi đi đâu là chú tài xế phải dùng manivelle để quay khởi động máy xe. Cảnh này tôi còn thấy vào những năm cuối 50 ( 55-59) ở các tỉnh nhỏ, các xe đò đi về quận, hiệu Hochkick (?), trước khi chạy, các anh lơ phải quay cho máy nổ. Nhớ lại mà còn mệt dùm cho anh lơ lẫn hành khách ! (vì có khi quay hoài mà máy vẫn êm ru!).
        Đang ngồi gõ mà nghe một anh Mỹ nói tiếng Việt ( trong Paris By Night 100 ) kể chuyện tiếu lâm. Anh nói ở VN, anh đọc trên panel quảng cáo EAU DE TOILETTE được dịch ra là NƯỚC CẦU TIÊU ! Hết nước nói !

      • Cám ơn bạn Phan Sinh vô cùng. Bạn viết rất đúng, trong lúc ba chớp ba nháng giữa
        Tây thật và tây đui nên lẫn với chư BIEN. Chữ viết này hiện ở ngoài Bắc rất thông dụng, tôi sai theo một cách vô ý thức.

        Vâng, viết như bạn là trúng hoàn toàn BIELELE mới ra chữ ZÊN được.

        Vô cùng cám ơn.

        Thân mến.

  33. Bác nguoiquanmot thân ,nói cái này cũng là nói vui để cười nghe bác. Lần đầu tiên thấy tên bác thì tui lại đọc là Người Quan Một chứ hổng phải là người quận một , nên ,” xời ơi, quan tư ,quan năm còn chả ai sợ , ở đó quan một mà…phe(khoe) !!! Nhưng sau thấy bác nói tới Dakao ,quận nhứt thì mới biết ra bác nói bác là người quận một. Bác thấy có chán cái thằng tôi ,ngu nhất backy ,ngu nhì Đông Dương không chứ ?

    Nhân nói đến chữ ” chán ” ,chợt nhớ đến một kỹ niệm nho nhỏ xin kể lại các bác xem chơi không thôi lại quên mất. Số là vào khoảng những năm đầu 60 ,gia đình tôi sống tại hẽm 102 đường Trần khắc Chân, Tân Định ,gần sát bờ sông,bên kia bờ là tỉnh Gia Định. Buổi trưa mùa hè , không phải đi học , ngoài trời thì nắng ,trong nhà thì…nóng. Lần quần trên gác ,hổng biết làm gì cho hết buổi trưa, thiệt chán ơi là chán. Đang chán đời muốn chết mà bổng nhiên giữa buổi trưa hè êm ắng cất lên tiếng rao hàng của một bà cụ người Bắc bán dạo bánh Tráng nướng ,nghe xong lời rao của cụ ,cái chán đời trong tui đang bằng cái cốc chợt phình to bằng cái lu và tui chỉ muốn…đi tu. Bà cụ rao như thế này :
    —Ai Chán..án…án…án…Không? Ai Chán…án…án…án…nào !!

    Chán là bánh Tráng đấy ,nhưng nghe sao mà…chán đời quá ,nhất là giữa buổi trưa hè oi ả ,nóng nực mà lại tăng cường thêm…cái quạt điện bị hư thì quả thật Đời đáng….chán thiệt các bác!!!!

    Bác nguoiquanmot hỏi câu này nghe phê à nghe ,tui cũng tính giải thích cho bác biết tại sao nhưng thấy hổng….chắc ăn nên ngu gì nói. Để bác nói chắc ăn hơn. Đâu bác thử giải thích coi có giống…ý tui không nghe ? Thân mến.Bk54.

  34. Bác Backy54

    Theo tôi thì Thủ Dầu Một là tên của một nhóm từ tiếng Việt gồm chữ Thủ là chữ Hán Việt có nghĩa là đồn canh của lính giữ gìn an ninh một địa phương như Thủ Ngữ một chức quan giữ cửa biển . Thủ Đức , Thủ Thiêm còn Dầu Một là tên đất nơi có một loại cây Dầu . Chẳng hạn như Trảng Bàng ( một khu đất có nhiều cây Bàng , Gò Vấp ( nơi có nhiều cây Vấp ) hay Gò Dầu ( Tây Ninh ) nơi có nhiều cây Dầu.
    Theo tôi biết tên Thủ Đầu Một có được là ở Bình Dương tôi còn thấy nhiều cây Dầu trong thành phố.

  35. Vietnamese accents added by EasyVN at http://www.easyvn.com/

    Bác Backy54

    Nhân Bác kể chuyện vui làm tôi nhớ về tiếng rao hàng , mà rao vui nhất là

    người bán trứng vịt lộn. Tôi ở Cholon khi nhỏ là nơi bán rao trứng vịt lộn nhiều nhất. Đêm nào nằm ở nhà trên đường Đồng Khánh , cũng nghe ” Hô… vi lô đơi…” (hột vịt lộn đây). Có hôm mệt mỏi, chỉ nghe một tiếng rao tắt: ” lộn đơi “… Chữ “lộn” do nguyên tắc hài thanh, khi rao nghe tục nhưng mà thanh, vừa buồn cười vừa thú vị.

  36. PS gỏi các bạn một chuyện tiếu lâm miền bắc XHCN ( nên kh6ng có máy nghe dànhcho người điếc). Chuyện như sau:


    Người điếc nghe chuyện cháy nhà

    Có một anh chồng điếc ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Hôm ấy, thấy một đám cháy xa trong thành phố, đêm lên giường hỏi vợ: – Hồi tối cháy ở đâu thế?
    Chị vợ thường nói chuyện với anh chồng điếc bằng cách ra dấu, mới quẹt một ngón tay vào “của quí” của mình rồi đưa lên mũi chồng.
    Anh chồng ngửi qua rồi gật gù nói: – Cháy ở phố Hàng Mắm à? Mà cháy nhà nào thế?
    Chị bèn sờ lên đôi ngọc hành của chồng, anh chồng hiểu ngay: – Ừ! Cháy nhà lão Hai Viên, nhưng lão ta có nhà hay đi đâu vắng mà để xảy ra thế?
    Chị vợ trả lời bằng cách vuốt ngược “của quí” của chồng, anh chồng liền nói: – Lão ta đi mạn ngược à. Thế nhà bị cháy những gì đáng kể?
    Chị vợ cầm tay chồng xoa đi xoa lại trên “của quí” của mình, anh chồng chắc lưỡi bảo: – Thuốc lào đang lên giá mà cháy cả bao nhiêu thuốc lào thì tai hại thật!

  37. Ha ha, doc chuyên bô’n nãm tru’ó’c mà không nhi.n du’o’.c cu’ò’i !!! Hi hi !

Leave a reply to Backy54 Cancel reply