• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Sài Gòn Mưa

 

Dinh Độc Lập trong Mưa Sài Gòn, Thủ Đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1960.

“Trước năm 1975, Khu Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, nơi Công Tử Hà Ðông sống mấy chục năm, mùa mưa đến thường bị ngập nước, khu nhà tôi sức mấy. Bây giờ Công Tử sống ở Virginia, Hoa Kỳ, nơi chàng vẫn gọi là Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, sức mấy mà mưa làm ngập lụt nơi chàng ở, còn tôi ở khu Nguyễn Thiện Thuật, Quận Ba, Sài Gòn, mùa mưa đến khu nhà tôi nước ngập quá xá..”

Quí vị vừa đoc lời Thuyền Trưởng Ða Tầu Văn Quang, người sống bền với Sài Gòn từ năm 1954 đến năm nay – những năm 2000 – ông vẫn sống ở Sài Gòn, viết trong bức thư mới nhất của ông. Thuyền Trưởng viết đúng thôi. Trước năm 1975, Thuyền Trưởng ngụ cùng nhà với ông Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến, chức vụ cuối cùng của Trung Tá, tức đến 11 giờ trưa ngày 30 Tháng Tư năm 1975, là Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến là anh em cùng vợ – đúng ra là “anh em cùng nhiều vợ” – với Thuyền Trưởng Ða Tầu kiêm văn sĩ tiểu thuyết phơi-ơ-toong diễm tình Văn Quang Chân Trời Tiếm, Tiếng Khóc Học Trò. Nhà, phải gọi là tư gia, nâng bi là tư dinh, của Trung Tá ở trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, Sài Gòn, là nhà lầu, mới xây, đầy đủ tiện nghi, tô-lô-phôn, máy lạnh, phòng khách sa-lông Tây bọc da, phòng ăn bàn ghế gỗ cẩm lai, phòng ngủ kiểu Tây riêng biệt, có cửa đóng kín. Bốn mươi, năm mươi năm xưa Cư Xá Chu Mạnh Trinh là một trong những cư xá khang trang, thanh lịch nhất Sài Gòn, đặc biệt là Cư Xá Chu Mạnh Trinh có nhiều văn nghệ sĩ cư ngụ nhất Sài Gòn. Trước năm 1975 mỗi khi mùa mưa đến, Cư Xá Chu Mạnh Trinh chẳng bao giờ bị ngập nước. Nhưng đấy là chuyện trước năm 1975.

Trước năm 1975 Sài Gòn của tôi rất đẹp, chỉ sau năm 1975 bọn Bắc Việt Cộng nón cối, dzép râu, lính cái đít bự hơn cái thúng, khiêng ảnh Lão Già Hồ vào Sài Gòn, đổ khoai lang vào đường Tự Do, Sài Gòn của tôi mới xấu đi, mới bẩn đi. Trước năm 1975 mỗi năm khi mùa mưa đến với những trận mưa lớn đầu mùa – đồng bào tôi gọi là những “cây mưa” – mưa lớn quá nước mưa chẩy ra sông không kịp, Sài Gòn của tôi cũng có vài con đường bị ngập nước, nhưng rất ít. Như đường Lê Lai, nơi có tòa soạn Nhật báo Ngôn Luận tôi thường đến hàng ngày – đến đưa bài tiểu thuyết phơi-ơ-toong – nhưng dù mưa có lớn đến đâu, dù có bị ngập nước mấy đi nữa chỉ hai giờ đồng hồ sau khi dứt mưa là đường Lê Lai lại khô ráo, sạch boong, nước đã rút hết. Thành phố Sài Gòn yêu thương của tôi chỉ bị nạn nước mưa ngập không thuốc chữa từ sau ngày bọn Bắc Việt Cộng vào chiếm Sài Gòn.

Trước 1975 – đúng ra là từ năm 1970 – Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến, Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, ở nhà lầu, nhà lầu của ông, không phải nhà mướn, cũng không phải nhà Nhà Nước cho ở, ông đi xe tu-bin Toyota Corolla, hút thuốc điếu Winston Ðầu Lọc, xài bật lửa gaz Dupont. Một tháng sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 Ðen Hơn Mõm Chó – Ngày 1 Tháng 5, 1975 Rách Hơn Lá Ða Ca Dzao – ông xách túi, từ biệt bà vợ hiền – bà vợ hiền thứ tư của ông – ông theo tiếng gọi – đúng ra là “Lệnh” – của cái gọi là “Ủy Ban Quân Quản”, cái ủy ban mà người dân Sài Gòn năm 1975 gọi là “Ủy Ban Quanh Quẩn,” ông lên đường đi “học tập cải tạo”. Ngày xa xưa ấy, một sáng Tháng Năm năm 1975, chắc ông, cũng như nhiều vị sĩ quan quân đội tôi, nghĩ rằng ông chỉ đi xa tòa nhà lầu của ông trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh nhiều lắm là năm, bẩy tháng rồi ông lại trở về nhà đó và về trong vòng tay ấm của bà vợ hiền của ông; vì vậy ông đi tù cộng sản mà ông mang theo cái bật lửa gaz Dupont và hai tuýp gaz Dupont dzin để sạc bật lửa!

Như thị ngã văn. Tôi nghe như thế. Chuyện ông sĩ quan Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến mang hộp quẹt Dupont đi tù cải tạo là do chính ông Trung Tá kể cho tôi nghe trong những năm 1991, 1992, khi chúng tôi gặp lại nhau sau những năm tù đày. Nhưng sự đời thảm não tơ vương không có chuyện các ông sĩ quan bị bọn Cộng gọi là “ ngụy quân” đi tù cộng sản vài tháng rồi lại thơ thới trở về mái nhà xưa êm đẹp như ông Trung Tá quân ta tưởng. Bắc Việt Cộng nó cho ông đi tù mười mùa lá rụng. Khi ông trở về thành phố cũ, vỉa hè xưa, bà vợ hiền của ông đã đi một đường không sang sông mà là vượt biển tự bao giờ, tòa nhà lầu của ông bị bọn Bắc Việt Cộng chiếm mất, một thằng cán bộ Bắc Việt Cộng làm chủ ngang xương tòa nhà lầu của ông trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh. Vắn tắt, tóm lại, đại khái cuộc sống của ông Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến ở Sài Gòn những năm 1991, 1992.. không có một ly ông cụ nào khác với cuộc sống của không biết bao nhiêu ông sĩ quan quân đội nước tôi tan hàng, kẹt giỏ, bị bọn Bắc Việt Cộng nó bắt đi tù, những ông tù may mà sống sót, buồn tủi trở về thành phố cũ. Cuộc sống ấy đã được một ông Tầu từ ngàn năm xưa miêu tả đầy đủ trong mấy câu :

Nhà mình nó ở, xế mình nó đi, vợ mình nó chí chạt, con mình nó đưa sang Kampuchia lấy xác bón cây thốt nốt..”

Cuộc sống của các ông sĩ quan bại trận đen hơn mõm chó mực, rách hơn cái lá đa ca dao, bèo nhèo hơn cái mền Sakymen, xưởng máy bên Cầu Bình Triệu. Ông Trung Tá đi tù về trên răng dưới không có lựu đạn, quả đáng tội trên răng dưới ông cũng có đôi giép, không nhà, không vợ con – lại phải nói cho đúng ông có nhà, có vợ con, cái gì chứ vợ con thì ông có hơi nhiều, nhưng ông bị mất nhà, mất vợ con, ông về sống trong một nhà cho mướn ở đường Sư Vạn Hạnh. Căn nhà này có nhiều phòng nhỏ được làm để cho những em lấy Mỹ mướn những năm 1965, 1970. Năm xưa ấy khi chủ nhân căn nhà chia nhà ra làm nhiều phòng nhỏ chỉ là để cho các em lấy Mỹ mướn thôi, chủ nhà đâu có ngờ rằng chẳng mấy mùa cóc chín sau khi các em lấy Mỹ không còn khứa Mỹ nữa những căn phòng nhỏ đó lại có khách mướn. Lần này khách mướn không phải là Me Mỹ mà là các ông sĩ quan đi tù về. Hai ông Trung Tá ở chung một phòng, mỗi ông một cái giường sắt cá nhân, không ông nào có vợ con chi, bữa mô ông ni cần tiếp khách – khách đàn bà – thì ông tê phú lỉnh đi khỏi phòng chừng ba, bốn tiếng đồng hồ mới trở về. Rồi ông Trung Tá dạt về sống trong Cư Xá Nguyễn Thiện Thuật. Mỗi năm mùa mưa tới, những cây mưa lớn đổ xuống Sài Gòn, con đường Nguyễn Thiện Thuật nước ngập như sông, nước ngập cả ngày, cả đêm, 24 tiếng đồng hồ nước chưa rút đi hết, bọn trẻ nhỏ trong khu phố có dịp ở truồng chạy ra đường nghịch nước.

Sài Gòn hiện nay có đến 100 chỗ bị ngập nước trong mùa mưa. Một chỗ ngập nặng là đường Trần Quốc Toản của ta, nay bị bọn Việt Cộng gọi bằng cái tên không giống con giáp nào là “Ðường 3 Tháng 2.” Ðoạn đường này mỗi trận mưa lớn nước ngập lên cả thước. Nghe nói bọn Việt Cộng xây cái gọi là Nhà Hát Hòa Bình của chúng ngay trên cửa cống chính của đường Trần Quốc Toản, bít luôn ống cống nên đường này mới ngập nước nặng đến như thế. Từ năm 1980, mùa mưa năm nào Sài Gòn cũng có cả chục người chết thảm vì bị nước cuốn vào những miệng cống.

Liêu lạc bi tiền sự… Sống buồn ở nước Mỹ, quê người Mỹ, chuyện mưa Sài Gòn làm tôi nhớ Sai Gòn quá chời, quá đất. Bây giờ là Tháng Năm Tây, bây giờ là Tháng Tư Ta. Tháng Tư đầu mùa hạ, tiết trời thật oi ả… Năm nào Tháng Tư Ta Sài Gòn cũng oi mưa, nóng bức, khó chịu trong cả tháng. Rồi trận mưa đầu mùa đến Sài Gòn, sấm vang, chớp giựt đùng đùng, loang loáng, đất trời Sài Gòn chuyển động, nháng lửa, gió lớn, cây lá vặn mình, những đường dây điện Sài Gòn đong đưa nhẩy Tuýt, cả thành phố nín thở chờ đợi, bầu trời vỡ bung, nước đổ xuống sầm sập. Mưa..! Mưa..! Không khí nhẹ đi. Mát rượi. Người Sài Gòn thở ra khoan khoái. Ôi.. phải được sống ở Sài Gòn người Việt Nam mới có cái thống khoái chờ, và thấy, và hưởng cái khoái lạc khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống…

Những cây mưa đầu mùa Sài Gòn…! Những năm 1960 tôi từng viết: “Sài Gòn sau cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp mới tắm xong…” Từ ấy đã năm mươi mùa mưa đi qua đời tôi, những nàng trinh nữ năm ấy nay đã thành những bà cụ già, nhiều nàng có thể còn đa tình, trái tim còn sống mạnh nhưng già thì các nàng vẫn già. Hôm nay nhớ lại chuyện xưa tôi lấy làm lạ tại sao một anh cả đẫn ngớ ngẩn như tôi lại viết được một câu gợi cảm đến như thế về thành phố Sài Gòn của tôi sau cơn mưa lớn:

Sài Gòn sau cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong!”

Mai sau – ba bốn, năm bẩy trăm năm sau – nếu có chàng trai Việt hào hoa, phong nhã nào ngửi da thịt người đàn bà chàng yêu thương vừa mới tắm xong, thơm phức, và nói: “Em sạch như thành phố Sài Gòn ngày xưa sau cơn mưa lớn…” thì một nửa câu nói tình tứ ấy là của tôi!

Ở đây thép rỉ, son mòn… Xa quê hương, tôi nhớ những mùa mưa tôi nằm trong phòng tù Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu ở quê hương tôi.

Những phòng tù Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, bốn tường kín mít, mái tôn, không có trần, nhốt 20 người đã khó thở nhưng thường là nhồi nhét đến 40 người tù. Những tháng mùa nắng phòng tù nóng như lò nướng bánh mì. Bọn tù chúng tôi rôm sẩy đầy mình, nải chuối sứ hãy còn xanh được treo trên tường phòng tù chỉ sau một đêm bị om hơi người sáng hôm sau đã chín vàng rọm. Trận mưa lớn đổ xuống, có tên cai tù tốt bụng mở cửa phòng tù cho tù chạy ra sân tắm mưa ở ống máng, chỉ hai phút tắm mưa bao nhiêu rôm xẩy lặn hết.

Tôi nhớ những trận mưa lớn ở Nhà Tù Chí Hòa.

Nhà Tù Chí Hòa có nhiều chuột cống. Bọn chuột cống biết bọn tù chúng tôi bị nhốt trong phòng, không động đến cái lông của chúng được nên tối xuống, khi cửa sắt hành lang đã đóng, đã khóa, bọn chúng đàng hoàng kéo nhau ra hành lang, đưổi nhau, đùa rỡn, nhẩy măm-bô, nhót tăng-gô, nựng nhau, cắn nhau, bọn tù chúng tôi đứng sau hàng song sắt suỵt suỵt dọa nạt chúng, chúng tỉnh queo, chúng coi như pha, chúng không thèm chấp. Chúng còn dương mắt nhìn khinh bỉ chúng tôi, chúng tôi nghe tiếng chúng nói:

“Chúng mày tù, chúng mày làm gì được chúng ông? Suỵt soạt ký gì?”

Nên khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống, nước thoát đi không kịp, các ống cống đầy nước, bọn chuột cống phải chạy lên sân nhà tù, chúng tôi thích thú khi thấy anh em tù nhân được ra làm những việc chia cơm, quét dọn, vây đuổi, đập chết cả mấy chục con chuột.

Và sau những trận mưa lớn đầu mùa, đêm xuống, nằm thao thức không ngủ được trên nền xi-măng phòng tù Chí Hòa, tôi ngạc nhiên nghe tiếng ếch nhái kêu vang suốt đêm. Tôi tự hỏi trong cả bẩy, tám tháng trời nắng nóng vừa qua, bọn nhái bén, chẫu chàng, chẫu chuộc trốn nấp ở đâu, làm sao chúng sống qua cả bẩy, tám tháng trời nắng nóng để đêm nay, trời vừa đổ cơn mưa lớn, chúng kéo nhau lên mặt đất đồng ca vang rân ca ngợi cuộc sống như thế?

Tôi nhớ mùa mưa thứ nhất tôi nằm trong Sà-lim Số 15 Khu B Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Mùa mưa năm 1977, đây là những tháng thứ nhất tôi bị tù trong đời tôi. Một đêm mưa lạnh, nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà, nhớ đủ thứ, tôi làm Thơ:

Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương Em nhạt phấn, phai đào
Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình.
Ngủ đi Em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là Tình bấy nhiêu.

***

Nằm trong khám tối nghe mưa.
Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh.
Thương nhau nên ngủ không đành,
Nhớ nhau nhưng mộng không thành, em ơi.
Anh nghe từng tiếng lệ rơi.
Biêt em đang khóc nên trời đổ mưa.

Một đêm mưa năm 1976 tôi trên xe đạp đi lang thang trong thành phố không đèn tối đen, tôi làm thơ:

Ở đấy mộ người toàn cỏ trắng
Riêng mộ người yêu cỏ sắc xanh.
Ðêm mưa, đèn tắt, thành xưa vắng
Thương nhớ tình ta chỉ một anh.
Em đi mùa ấy mưa hay nắng?
Ðời vắng khanh đời chỉ nhớ khanh.
Lầu vàng, nhà cỏ rồi yên lặng
Phố chợ, rừng hoang cũng vắng tanh
Người yêu, người ghét đều quên lãng
Chẳng còn anh cũng chẳng có em
Mồ em cỏ ấy vàng hay trắng?
Anh biết mồ anh cỏ sắc xanh!

Em yêu dấu… Anh kể Thơ Mưa của những thi sĩ chính hiệu con nai vàng em nghe nhé. Thơ Việt của chúng ta có nhiều Thu và Mưa. Trong thơ ta Mưa cũng nhiều nếu không nói là nhiều hơn Thu. Thuyền Trưởng Văn Quang nhắc đến bài Thơ “Mưa Sàigòn, Mưa Hà Nội” của Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, Thơ do Nhạc sĩ Phạm Ðình Chương phổ nhạc:

Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn, gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương mầu áo ngà. thương mắt kiêu sa, hiền ngoan thiết tha…
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà Thành trước kia thường thường về chung lối đường
Khi mưa ướt lạnh mình chung nón dìu bước thơm phố phường…
Mưa ngày nay như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài?
Giăng mắc heo may! Sầu rơi ướt vai, hồn quê tê tái…

***

Mưa mùa thu, năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông Hồng Hà
Ôi còn đâu vàng son mùa thu hiền hòa
Ðau lòng Tháp Rùa, Thê Húc bơ vơ, Thành Ðô xác xơ
Cô liêu trong nỗi u hoài, lòng người sống lạc loài, thê lương mềm vai gầy
Bao oan trái dâng lên tê tái, cho kiếp người héo mòn tháng ngày
Mưa còn rơi, ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời
Vang trời tiếng cười, ấm niềm tin hồn người, mây trắng vui tươi
Tình quê ngút khơi, Tự Do phơi phới…

Bài thơ trên đây được đặt tên là “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” nhưng cứ theo ý ngu không có một xu teng văn nghệ, văn gừng nào của tôi, kẻ viết bài này, thì nó chẳng có một ly ông cụ nào là “Mưa Sài Gòn”, nó chỉ là “Mưa Hà Nội”. Năm xưa ấy, năm 1956, 1957 khi thi sĩ sáng tác nó, có thể vì ông sống ở Sài Gòn mà mần thơ nhớ riêng mưa Hà Nội trong khi Sài Gòn cũng có mưa mà ông không nhắc nhở gì đến Mưa Sài Gòn cả, sợ chuế nên thi sĩ móc ba tiếng “Mưa Sài Gòn” vào cho bài thơ có tí mầu sắc Sài Gòn. Cũng dễ hiểu thôi, năm 1956, 1957 đất nước ta mới bị chia cắt, thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Ðình Chương còn trẻ, hai ông mới xa Hà Nội Thơ Mộng của hai ông có hai, ba niên nên hai ông nhớ thương Hà Nội của hai ông. Hai ông cảm khái nên ông ni mần thơ, ông tê phổ nhạc bài thơ nhớ thương Hà Nội đó. Hai mươi năm sau, năm 1975, người ta thấy cả hai ông – thi sĩ, nhạc sĩ – không ông nào còn nhớ thương Hà Nội nữa, khi có thể về thăm lại “Thành Ðô yêu mến..” hai ông bỏ chạy có cờ!

Trở lại với Mưa trong Thơ, anh kể một lô Thơ Mưa em nghe nhé!

Ðây là Thơ Mưa Trần Huyền Trân:

Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa.
Có người về khép song thưa
Ðể rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.

***

Ta trở về đây không gối chăn
Một mình ly rượu rét căm căm
Không là lính thú sầu lên ải
Cũng thấy lòng chia dưới cát lầm.
Lên thang nghe gió nhủ, mưa thầm
Gác trọ không đèn hết cố nhân…

Ðây là Mưa trong Thơ Thâm Tâm:

Ngoài phố mưa bay, xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
– Ới ơi.. bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về!

Tôi không nhớ bài thơ dưới đây của thi sĩ nào:

Nửa khuya tỉnh giấc lòng đau
Nửa mong tảng sáng, nửa cầu thâm khuya.
Tiếng chuông ở giáo đường kia
Hay trong chùa nọ, sầu chia sang người.
Biết mưa đang đổ nên lười
Nằm nghe lá rụng tơi bời rung cây.
Em ơi… Buồn lạnh thế này
Cùng ta chẳng có một ngày nằm đôi…

Cơm nhà, quà vợ như tôi, chân chính, thuần thành, thâm niên, trung kiên, tuyệt đối… Dzậy mà đọc bài thơ trên tôi cũng muốn kêu lên… “Em ơi… Buồn lạnh thế này… Cùng ta chẳng có một ngày nằm chung, xin lỗi, nằm đôi.”

Cảm khái cách gì. Chắc chít, chặc chịt!

Mới đây một bạn đọc viết cho tôi:

– Ðọc đoạn ông tả cuộc chia tay với người đẹp độc giả buổi trưa đường Thống Nhất Sài Gòn, nắng vàng lung linh, tôi cảm khái cách gì…

“Cảm khái cách gì..” Bạn ơi..Ðọc chuyện tôi bạn “cảm khái cách gì”, tôi đọc hai câu Thơ “Em ơi buồn lạnh thế này.. Cùng ta chẳng có một ngày nằm đôi..” tôi cũng “cảm khái cách gì..” Mèn ơi..! Cảm khái quá đi mất! Cảm khái ơi là cảm khái.

Giời mưa ướt áo làm gì..?
Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng
Tuổi son má đỏ, môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Hôm qua mưa gió đầy trời..

Thơ Nguyễn Bính có nhiều Mưa:

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…

Huế có nhiều thi sĩ, tôi thấy Thi sĩ Bắc Kỳ Nguyễn Bính làm Thơ Mưa Huế tuyệt nhất:

Mấy tuần ròng rã gió mưa
Bên lầu đò lạnh, gió lùa nước dâng.
Ngược xuôi, mưa gió dãi giằng
Nằm đây nhớ nửa vầng giăng chốn nào.
Mưa rào rào, gió ào ào
Trùm chăn say khói thuốc lào đê mê.
Học sinh mấy buổi đi về
Quần cao, nón thấp ê chề gió mưa.

***

Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày..
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say.
Nón lá, áo tơi ra quán ruợu
Chơ vơ trên bãi nước sông đầy…
Sầu nghiêng mái quán, mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều hành viện, những đêm say…

Mưa trong Thơ Huy Cận:

Người ở bên trời, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, nhớ phương nầy
Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên, núi tiếp mây
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.

Ðến đây là những dòng Thơ Mưa tôi cảm khái suốt một đời: Thơ Mưa Vũ Hoàng Chương

Ðàn rưng rưng lệ, phách dồn mưa
Tiếng hát tàn rơi hận thuở xưa.
Bụi nhuốm Thiên Thai mờ hứng ruợu;
Ðời sau say giúp mấy cho vừa!
Cô đơn men đắng sầu trăng bến
Ðất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa.
Nhịp đổ càng mau nghe ríu ríu
Tê rời tay ngọc lúc buông thưa.

***

Tóc sõa tơ vàng nệm gối nhung
Ðây chiều hương ngát lả hoa dung
Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo
Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay
Buồn mưa trăng lạnh, nắng hoa gầy
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say.
Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi lửa tắt, bình khô rượu
Ðời vắng em rồi, say với ai?

***

Ôi thân mến! Nhắc làm chi thuở ấy
Ðêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn..
Khóc chia lìa, ai níu gọi than van?
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối.
Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa, mưa hoài! Rượu chẳng ấm lòng đau.
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay mầu đôi mắt biếc?

Chao ôi.. Cơm nhà, quà vợ từ hằng hà sa số kiếp, một chai la-ve 33 ăn nói đã loạng quạng, vậy mà cũng hiu hiu tiêu sái gõ nhịp sầu ca “Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Ðời vắng em rồi, say với ai..?” Cả đời chỉ biết có một người đàn bà, vậy mà cũng đắng cay “..Mưa, mưa hoài, rượu chẳng ấm lòng đau. Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau. Vàng son có thay mầu đôi mắt biếc..?” Cảm khái cách gì!

Còn nhiều dòng Thơ Mưa Vũ Hoàng Chương nhưng đêm có khuya, ngày có rạng, người viết dù hứng khởi, dù cảm khái, bài viết cũng không thể quá dài, trang báo có hạn, trang báo còn phải dành cho bài viết của người khác và cho quảng cáo, em cùng anh sang Thơ Mưa Ðinh Hùng:

Tình đến bên người, núi chắn ngang,
Tà dương mái tóc ngút mây vàng
Bỗng nghe lạc trận mưa ngàn đổ
Cả một mùa thu đã quá giang…

Sóng tóc rừng mưa gợn trập trùng
Nghẹn ngào từng tiếng nấc thu không
Sương pha áo mỏng, gầy non bạc
Chiều lặng soi gương, xót má hồng.

Chiều lại chiều mưa, nước ngập đồng
Mộng vàng hoa trắng rụng ven sông
Ðợi em từ mấy phương bèo rạt
Mưa lọt chiêm bao, tóc rối bồng.

Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa
Gối chăn như hải đảo vô bờ
Sóng dâng hồn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa.

***

Mênh mang sóng mắt
Ngờ biển dâu
Núi non nhìn ta vừa nghiêng đầu
Hình như hội ngộ
Từ ngàn thâu.
Ta tỉnh hay mơ? Chiều nay trăng khép
Hàng mi sầu
Hay tà dương thu
Mưa rơi mau?

Thơ của ai tôi cũng có thể phụ đề Việt ngữ, thường là tâng bốc, suýt xoa, hít hà hay quả là hay, hay quả, quả hay, cảm khái ơi là cảm khái, đến Thơ Mưa Ðinh Hùng thì tôi thôi không ca tụng nữa. Ca tụng, tâng bốc là thừa. Tôi fi-ní lô đia – Fini l’eau dire – tôi hết nước nói.

Giữa đêm lòng bỗng hoang vu
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san.
Bước thu chừng sớm lìa ngàn,
Nhớ giây nguyệt lạnh, cung đàn thương hoa.
Em về rũ tóc mưa sa
Năm canh chuốt ngón tỳ-bà khói sương.
Rời tay nhịp phách đoạn trường
Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?
Sầu che nửa mặt chiêm bao,
Dòng mưa, thu lệ chìm vào phấn son.
Nét mày cong vút núi non,
Mông mênh xiêm trắng linh hồn vào thu.

***

Có kẻ nghe mưa trạnh mối sầu
Vắt tay nằm mộng suốt đêm thâu.
Gió từ sông lại, mưa từ biển
Không biết người yêu nay ở đâu?
Tôi ngủ bâng khuâng một gối buồn
Giường lênh đênh nổi giữa băng sơn.
Xoay mình giận mảnh chăn hờ hững.
Tuyết phủ, sương dâng một nửa hồn.

Người ta xa lánh cả tôi rồi!
Trở gối, nghe hồn động biển khơi.
Xa bạn, xa lòng, xa mắt đẹp,
Gió mưa dòng tóc, đắng vành môi.

Dĩ vãng dầm mưa lén bước về
Áo trùng, mây tỏa, mặt sầu che.
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
Thương những con đường mưa cuốn đi

Bài viết đã dài mà Mưa còn nhiều. Ðành ngừng ở đây thôi. Ngừng nhưng còn tiếc nên Mưa thêm vài cơn Mưa nữa..

Những Thơ Mưa trên đây đều là Thơ Mưa trước năm 1945. Từ ấy, tức từ năm 1945 đến nay, ta có Thơ Mưa Quang Dũng:

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài.
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề…

Em nhớ không em, những tiếng Ca Mưa chúng ta cùng nghe ngày xưa khi chúng ta còn trẻ:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng mãi nơi giang đầu?

Và:

Em đến thăm anh một chiều mưa, đường trơn ướt tiêu điều..
Em đến thăm anh chiều đông giá, em đến thăm anh chiều mưa gió, đường xa lạnh lùng..

Những lời Ca Mưa chìm trong dĩ vãng nhạt nhòa, hình ảnh Sài Gòn trong mưa thấp thoáng hiện về, cả thành phố trắng xóa nước mưa, Sài Gòn dưới cây mưa đầu mùa như người đàn bà đẹp nằm chịu cơn lạc thú, cây mưa đầu mùa Sài Gòn như gã đàn ông quằn quại trên thân thể người đàn bà đẹp, những con đường ngập nước như những dòng sông.

Mưa ở Sài Gòn – những năm 1960 – mới là Mưa. Và Sài Gòn năm 1960 sau cơn mưa lớn mới như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong. Bây giờ tôi không biết ở những nơi khác trên xứ Kỳ Hoa mưa ra sao, tôi thấy Mưa Virginia không trận nào ào ạt lớn, mạnh, đại lượng, ban phát khoái lạc, oai nghiêm mà hiền hòa như những trận Mưa ở Sàin Gòn, nhất là những trận Mưa đầu mùa mưa, như những trận mưa sắp đổ xuống Sài Gòn tháng này, tháng sau.

Ðành phải tạm ngừng thôi..

Mưa, mưa hoài! Rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay mầu đôi mắt biếc?

Em về rũ tóc mưa sa
Năm canh chuốt ngón tỳ-bà khói sương

Gió từ sông đến, mưa từ biển
Không biết người yêu nay ở đâu?

Cảm khái cách gì!

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

______________________________________________________

Viết ngày 31 Tháng Năm, 2010. Những ngày này Sài Gòn đang nóng kinh người. Mùa mưa sắp đến Sài Gòn. Thuyền Trưởng Văn Quang, sau mấy năm tung hoành trên nhiều báo giấy, báo điện hải ngoại thương ca với loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự,” giữa năm 2009 bị bọn Công An Thành Hồ “cấm viết.” Thấm thoắt dzậy mà “Lẩm Cẩm Sài Gòn Văn Quang” đã ngừng “Lẩm cẩm” được một niên.

Tôi thương Văn Quang. Năm 2005, trả lời phỏng vấn của một Website Việt ở Mỹ, Văn Quang nói:

Tôi sẽ viết mãi cho đến ngày nào cõi đời này có mộ bia với hàng chữ “Văn Quang chi mộ.”

Ý ông muốn nói là “ông sẽ viết “Lẩm Cẩm Sài Gòn..” mãi cho đến ngày ông hai năm mươi.” Nhưng nói như thế là ông quên mất ông đang sống trong gông cùm của bọn Bắc Cộng; sống trong kìm kẹp cộng sản, ông không thể tự do viết theo ý ông. Ngày nào Cộng sản nó để cho ông viết, ông viết, ngày nào nó cấm ông viết, ông hết viết. Nó cấm, ông cứ viết, nó bỏ tù ông. Nghe nói sau khi bị “cấm viết”, ông Văn Sĩ Lẩm Cẩm nhờ một phòng dịch vụ du lịch ở Sài Gòn làm hồ sơ cho ông đi Úc chơi, bọn Công An Thành Hồ không cho ông đi.

Về thành phố Sài Gòn, tôi mong Cơn Mưa Ðầu Mùa đến Sài Gòn năm nay sẽ là một Cây Mưa Ðầu Mùa thật lớn. Tôi không biết tôi mong ước gì cho Văn sĩ Văn Quang tác giả Lẩm Cẩm Sài Gòn. Tôi từng sống trong kìm kẹp của bọn Bắc Cộng, tôi từng viết những bài than thân, trách phận, thương nhớ kẻ ở, người đi, kể nỗi buồn của người Sài Gòn, ký tên dzởm, gửi bài ra nước ngoài. Vì tôi làm việc ấy, bọn Công An Thành Hồ bắt tôi 2 lần, giam tù tôi 2 lần, 8 năm.

Ông Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến, và người anh em cùng nhiều vợ với ông là ông Văn sĩ Văn Quang, vì những lý do riêng không đi tị nạn HO sang Kỳ Hoa. Ở lại Sài Gòn, từ năm 1995 ông viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi qua Inernet ra các nước ngoài. Ðề tài những bài Lẩm Cẩm là những chuyện hình sự, thời sự : cướp, hiếp dâm, giết người, lừa đảo, tham nhũng, ăn chơi đăng đầy trên các báo Sài Gòn. Ông chỉ có việc đọc, lấy ra, viết lại. Bài của ông được đăng trên nhiều báo giấy, báo điện hải ngoại. Ông sống phây phây ở Sài Gòn Cờ Ðỏ. Ông giúp ích được nhiều người. Từ năm 2005, uy tín ông lên cao. Nhiều đài phát thanh ở Mỹ, Úc, Pháp phỏng vấn ông. Nhiều người Việt gửi đô-la về nhờ ông chia cho anh em thương phế binh. Nhà ông anh em thương phế binh đến nườm nượp. Một sáng, bọn Công An Thành Hồ đến nhà ông, lấy đi dàn mày computer của ông. 300 bài Lẩm Cẩm ông viết trữ trong máy bị chúng lấy mất. Bọn Công An cấm ông viết. ông ngừng viết. Nhà ông không còn ai đến nữa. Ðang viết nhiều, viết đều, ông bỗng ngáp ruồi suốt ngày. Những anh Thợ Viết ở Sài Gòn trước vẫn ghen ghét ông nhưng vẫn phải chịu ông có tài hơn họ, nay thấy ông họ nghoảnh mặt nhìn đi.

Ông Văn Sĩ Thuyền Trưởng Ða Tầu Ða Tình ơi, tôi biết nỗi buồn ông đang chịu, nhưng tôi không biết tôi phải chúc ông chuyện tốt lành gì bi giờ. CTHÐ

12 Responses

  1. Sang Thu

    Hue^. Thu

    Tỉnh tan giấc mộng, lòng đau
    Nửa mong tảng sáng, nửa cầu thâm khuya
    Tiếng chuông tận giáo đường kia
    Hay trong chùa nọ, sầu chia sang người
    Biết sương đang đổ nên lười
    Nằm nghe lá rụng đôi hồi gió Thu…

    http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=1121

  2. “Sài Gòn sau cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong!”

    CTHĐ viết trong truyện NVMT nè :

    ” Buổi sáng mùa mưa sau những cơn mưa lớn, thành phố sạch và láng như một nàng thiếu nữ vừa mới tắm xong trong bộ quần áo mới.”

    Trời ơi , nó gợi cảm làm sao !!

  3. KInh Hoang Cong Tu

    Hanoi cua chung no da ngap tu lau roi, chung no lai lam cho Saigon cua chung ta ngap lut
    Co mot bai hat cua chung no ‘ Ha Noi mua vang nhung con mua’ ma cac cau mo ca si Hai Ngoai cung ‘ca ke’ da duoc mot nguoi dat la ‘Ha Noi mua lam nhung con mua’:

    Ha Noi mua nay lam nhung con mua
    Cai ret dau dong, chan em run vi ngam nuoc lanh
    Hoa Sua thoi roi, em toi bo+i ca chieu tren pho
    Duong Co Ngu xua, gio ngap nuoc song Hong

    Ha noi mau nay troi khong co nang
    Pho vang nuoc len thanh ra song
    Quan coc nuoc dang ngap qua mo^ng
    Ho Tay gio khong thay bo

    Ha Noi mua nay long bao dau don
    Ta nho hom nao lanh doi tay
    Cho den hom qua lanh doi chan
    Gio day, lanh khap toan than

    Kinh

  4. SaiGon cua chung ta kg co duoc nhu ngay xua nua bon bac cong va dam tay sai da lam ban Saigon va ca nuoc VNCH cua chung ta . hy vong mot ngay nao do bon bac cong va dam tay sai se bi quet sach va cai thay ma hochi minh se bi quang vao ho rac. hy vong

  5. xin chia buon cung Trung Ta VanQuang

  6. Kinh bac Hoang Hai Thuy,
    Nhin buc hinh dau trang,thay ben duoi de la Dinh Doc Lap khoang nam 1960 sao ma giong Dinh Tong Thong duoc xay lai sau bien-co Dinh Doc Lap bi tha bom nam 1962 vay, co the co su lam-lan dau day chang.
    Tran Van Lau

    • The construction of the new Independence Palace started on 1 July 1962. Meanwhile, Diệm and his ruling family moved to Gia Long Palace (today this is the Ho Chi Minh City Museum). However, Diem did not see the completed hall as he and his brother and chief adviser Ngo Dinh Nhu were assassinated after a coup d’état led by General Duong Van Minh in November 1963. The completed hall was inaugurated on 31 October 1966 by the chairman of the National Leadership Committee, General Nguyen Van Thieu, who was then the head of a military junta. The Independence Hall served as Thieu’s home and office from October 1967 to 21 April 1975, when he fled the country …

      http://en.wikipedia.org/wiki/Reunification_Palace

    • Kinh gui Ong TV Luu. Ong ban noi dung. Toi de caption sai. Toi cung khong nhin ra Anh Troc NTQ. Cam on ong ban. CTHD

    • Kinh Ong TV Lau. Ong ban noi dung. Hinh nay la Dinh Doc Lap nam 1965. 1966 vi coùTT TT Quang tuyet thuc o do. am on ong. CTHD

  7. Tôi nhận dạng được người đứng trú mưa bên gốc cây là anh chàng Thích trí Quang (thời gian anh ta sách động biểu tình đem bàn thờ Phật xuống đường ). Như vậy có sự lầm lẫn thời gian về bức hình trên.

  8. Trích : … “Sài Gòn dưới cây mưa đầu mùa như người đàn bà đẹp nằm chịu cơn lạc thú, cây mưa đầu mùa Sài Gòn như gã đàn ông quằn quại trên thân thể người đàn bà đẹp” … (ngưng trích).

    Tôi đọc mà nhắm mắt, rùng mình. Bởi vì Công tử diễn tả tuy có táo bạo, nhưng quả khôngxa sự thật là mấy.

    Tuy nhiên, mưa Sài gòn nghe như không còn ướt át và gợi tình như những năm xưa nữa ! Mà nghe như… , xin lỗi các bạn, nghe như tiếng khóc của nàng trinh nữ bị một tên thảo khấu hiếp dâm bạo hành. Tên thảo khấu này đã cướp nhà nàng, đày cha mẹ nàng, giết anh em nàng, bắt cóc nàng và ép nàng phải lấy hắn. Ba mươi lăm năm sau khi bị tên thảo khấu cướp bóc và ép duyên, và được hắn bù đắp lại bằng những bôi son trét phấn diêm dúa lên khuôn mặt diễm lệ của nàng, hắn tưởng nàng đã quên nỗi nhục năm nào nên vẫn hỏi nàng một câu thô bỉ “Có yêu anh không?”.

    Nàng chỉ khóc và khóc, vì câu trả lời cũng chỉ là “không” !

    Nhưng làm sao tên cướp có thể buông tha nàng? Hắn đã biến nàng thành một con điếm khả dĩ đem về cho hắn không biết bao nhiêu là lợi nhuận, tiền tài…

    Ôi, mưa Sài gòn chính là tiếng khóc của một thân phận tù đày không lối thoát !

    Tên thảo khấu ấy là ai, bạn có cần tôi phải nói đích danh của hắn hay không?

Leave a comment