• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Đừng bao giờ ngừng Hy Vọng

Bưu thiếp của Amnesty International gửi gia đình Hoàng Hải Thủy, Tháng 12 năm 1985.

Bưu thiếp của Amnesty International gửi gia đình Hoàng Hải Thủy, Tháng 12 năm 1985.

Tôi nhìn thấy “Nó” vào một buổi sáng đầu năm 1986 trong phòng người tù gập mặt thân nhân trong Nhà Tù Chí Hòa.

“Nó” đây là tấm bưu thiếp của Amnesty International – thường được gọi tắt là Amnesty Intern – tên Việt Nam là Ân Xá Quốc Tế. Những người Việt thường nói đến Amnesty Intern là những người Việt Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa bị bọn Bắc Cộng giam tù, và vợ con họ.

Tôi bị bắt Tháng Tư năm 1984. Sau một năm ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của bọn Công An Thành Hồ, bọn Công An VC đưa tôi sang nằm phơi rốn chờ ra tòa trong Nhà Tù Chí Hòa.

Theo thủ tục giam giữ tù nhân của bọn Bắc Cộng, người tù chưa ra tòa, chưa có án, không được gặp mặt vợ con. Nhưng vợ con người tù biết chạy mánh: “có tiền, tìm gặp cán bộ, biếu xén quà cáp..v..v..” vẫn có thể xin được giấy phép vào Nhà Tù Chí Hòa gập người tù. Giấy phép này do bọn cán bộ ở Tòa Án Sài Gòn cấp. Một nhân viên Tòa Án giữ hồ sơ của một số tù nhân Chí Hòa. Nhân viên này có quyền phát giấy cho phép thân nhân người tù Nhà Tù Chí Hòa gập mặt người tù, dù người tù chưa có án.

Mấy tháng cuối năm 1985 mấy ông bị bắt cùng với tôi: Doãn Quốc Sĩ, Duy Trác, Trần Ngọc Tự.. đều được ra gặp mặt vợ con nhân Ngày Thăm Nuôi. Tôi nóng lòng muốn phát điên vì tôi muốn, tôi thèm gặp vợ con tôi mà tôi không được gập.

anxa4Gần đến ngày tôi phải ra tòa, tôi nhắn vợ tôi:

“Bằng mọi giá, cho anh được gặp mặt em.”

Năm 1990, mãn án tù 6 năm, trở về mái nhà xưa, vợ tôi kể:

“Em hỏi các bà ấy bằng cách nào xin được giấy phép gặp mặt, xin ở đâu. Không bà nào chịu nói. Sau Giang nó hỏi dò được biết giấy phép gặp mặt tù phải xin ở tòa án. Giang tìm được chị cán bộ giữ hồ sơ của anh. Nó làm quen với chị này, biếu quà..”

Nhờ con gái tôi, một buổi sáng đầu năm 1986 tôi nhìn thấy “Nó” trong Nhà Tù Chí Hòa. “Nó “đây là tấm bưu thiếp của Amnesty Intern – Ân Xá Quốc Tế – Vơ tôi – đứng bên kia lưới sắt – nhìn quanh thấy tên cai tù giải tù ra gặp mặt vợ con không để ý, nàng để tấm bưu thiếp lên tấm gỗ lưới sắt. Qua lưới sắt chia cách, tôi nhìn tấm thiếp mầu xanh, và – năm ấy mắt tôi còn sáng – tôi đọc được hàng chữ:

Never give up Hope, because we never will.”

Vợ tôi cất tấm thiếp đi ngay. Nếu tên cai tù trông thấy, nó sẽ tịch thu tấm thiếp. Tôi sẽ bị nó xét hỏi. Vợ tôi có thể bị cấm gửi thức ăn cho tôi vì “tội liên lạc với  tổ chức phản động  nước ngoài.”

Tôi được gặp vợ tôi trước ngày tôi bị đưa ra tòa. Qua lưới sắt, vợ tôi cho tôi thấy tấm thiệp Amnsety Intern. nàng nói với tôi:

“Anh nhớ nhé. Ra tòa dù chúng nó có tuyên án anh bao nhiêu năm tù, dù em có khóc, có ngất đi, anh cũng đừng xin chúng nó khoan hồng. Chúng nó sẽ đưa lời xin của anh lên báo.”

Anh Sáu Khôi, một bạn tù cùng phòng với tôi, đứng cạnh tôi, anh nghe được lời vợ tôi nói. Trưa ấy, trong lúc anh em tù ăn cơm, anh Sáu Khôi nói cho cả phòng cùng nghe:

“Làm vợ người làm chính trị phải như bà vợ ông Thủy. Bà ấy dặn ông chồng không được xin khoan hồng khi ra tòa. Vợ mấy ông khi gặp chồng thì khóc, trách làm chi để vợ con khổ, được cái gì..”

Những ngày như lá, tháng như mây..Buổi sáng năm xưa, năm1986 trong Nhà Tù Chí Hòa. Nay, khi tôi viết những dòng chữ này là 11 giờ đêm Tháng Mười năm 2015, tôi viết trong một tòa nhà dành cho người già thu nhập thấp ở Virginia, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi vừa ghi tấm thiếp vào computer của tôi. Tôi còn cái computer này, tôi còn “Nó”: Tấm thiếp Amnesty Intern.

December 1985 To the family of Hoang Hai Thuy. From Cristine Goyma, a member of Group 17 ( Geelong ) Australian Section of Amnesty International. Never give up Hope, because we never will!

December 1985
To the family of Hoang Hai Thuy.
From Cristine Goyma, a member of Group 17 ( Geelong ) Australian Section of Amnesty International.
Never give up Hope, because we never will!

1986 – 1996 – 2006 – 2015 ….Ba mươi năm.. Tấm thiếp Amnesty Intreen gửi đi từ thành phố Melbourn, Australia, đến nhà tôi trong Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, vào Nhà Tù Chí Hòa gặp tôi, nay đến với tôi ở Virginia, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Kiều Giang gửi thư cho tôi:

“Con mới tìm lại được tấm thiếp này trong số giấy tờ của con. Còn đã tưởng mất nó.”

Cùng với tấm thiếp là bức thư của cô Christine Goyma gửi cho tôi năm 1996 khi mãn tù tôi trở về mái nhà xưa. Cô Goyma cho tôi biết chi hội của cô được Tổng Đàn Ân Xá Quốc Tế chỉ định giúp đỡ người tù Hoàng Hải Thủy. Chi hội giúp tôi về tinh thần và cả tiền bạc. Biết vợ con tôi không có điều kiện gửi thực phẩm tiếp tế cho tôi, các vị trong chi hội góp tiền, tháng tháng gửi cho vợ tôi. Cô Goyma được các vị trong chi hội ủy quyền đại diện liên lạc với vợ con Hoàng Hải Thủy. Năm 1998, tôi được các bạn tôi bên Úc giúp phương tiện cho sang Sydney, Melbourn. Người bạn tôi ở Melboun đưa tôi đến trụ sở Amnesty Intern.

Năm 1986 những vị trong Amnesty Intern Melbourn đều làm việc tự nguyện, không có tiền lương. Nhân viên Amnesty Intern. trên khắp thế giới năm ấy chắc đều làm việc không lương như thế. Năm 1998, nhân viên Amnesty Intern — ở Úc — có lương tháng. Rất tiếc cô Goyma không còn ở Melbourn. Những vị trong chi hội năm xưa — chừng 10 vị — ký tên trong thư gửi tôi, đều đã chuyển đi làm việc và sống ở những nơi khác.

Amnesty International được thành lập ở Anh quốc năm 1961.

Người thành lập Amnesty Intrern là ông Peter Benenson, một luật gia người Anh. Lúc đầu hội chỉ lo việc xin khoan hồng, xin ân xá cho những người tù vì lương tâm, vì tranh đấu cho nhân quyền trong nước Anh. Năm 1963 hội phát triển trên khắp thế giới. Hiện có tới 1000 chi hội Amnesty Intern. hoạt động trên toàn cầu.

Ông Peter Benenson được gọi là:

“The man who fought for the forgotten.”

Người tranh đấu cho những người bị bỏ quên.

Ông Peter Benenson nói về biểu tượng của Amnesty Intern: Ngọn nến cháy trong vòng dây thép gai:

The candle burns not for us, but for all those whom we failed to rescue from prison, who were shot on the way to prison, who were tortured, who were kinapped, who “disappaered.” That what the candle is for.

Once the concentration camps and the hell-hole of world were in darkness. Now they are lit by the light of The Amnesty Candle, the candle in barbed wires.

When I first lit the Amnesty candle, I had in mind the old Chinese proverb:

“Better light a candle than curse in the darkness.”

Phỏng dịch:

Cây nến không cháy cho chúng ta, nó cháy cho những người mà chúng ta đã không cứu ra được từ những nhà tù, những người bị bắn trên đường đến nhà tù, những người bị hành hạ, những người bị bắt cóc, những người “biến mất.” Ngọn nến cháy cho những người đó.

Có thời những trại tập trung và những nơi là địa ngục của thế giới chìm trong bóng tối. Nay những nơi đó được soi sáng bởi ánh sáng của cây nến Ân Xá Quốc Tế, cây nến trong những vòng dây thép gai.

Khi tôi lần đầu thắp sáng ngọn nến Ân Xá, tôi nhớ câu cách ngôn Trung Hoa:

“Nên thắp sáng một cây nến hơn là nguyền rủa trong bóng tối.”

Peter Benenson.

Thư của Writers in Prison Committee – International PEN, gửi gia đình Hoàng Hải Thủy.

Thư của Writers in Prison Committee – International PEN, gửi gia đình Hoàng Hải Thủy.

Tháng Giêng  năm 1990 mãn hạn tù 6 năm, trở về mái nhà xưa, tôi được thư của cô Christine Goyma;

5 March 1990.

Dear Mr Thuy

How overjoyed I was to receive your letter written from freedom !..!. I was overwhelmed with happiness for you and your family. On behalf of the other friends you have here in Geelong we send our love and very best wishes to you and your family. Words can not adequately express our elation and joy upon your news.

I shall write to the other fiends you have to inform them of your home – coming, and will wait eagerly to receive more news from you.

I must ask, did your dear wife receive two amounts of money ( cash ) we sent her via Vietnam Diffusion? We are hesitate about sending more in case the other has not arrived safely.

What are your plans now? I have been making inquiries on your family’s behalf concerning the US, ODP. Is it your wish to seek a legal departure, or you wish to remain in your home? I hope it is safe to ask such questions in this letter.

How is your health? How is your wife’s health? I had so many questions to ask. Maybe one day we can meet in person and exchange stories about what have passed.

I remain your friend  always.

Christine Goyma.

Phỏng dịch:

Ngày 5 March 1990

Ông Thủy thân.

Tôi mừng quá khi tôi nhận được bức thư ông viết trong tự do. Tôi quá vui  cho ông và gia đình ông. Nhân danh những người bạn ông ở Geelong tôi gửi tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi đến ông và gia đình ông. Lời nói không đủ để diễn tả nỗi mừng vui của chúng tôi khi nhận được tin ông.

Tôi sẽ viết thư ngay cho những người bạn của ông để báo cho họ biết ông đã về nhà, chúng tôi mong nhận được nhiều tin khác của ông.

Tôi phải hỏi, bà vợ ông có nhận được hai khoản tiền ( tiền mặt ) chúng tôi gửi bà qua Vietnam Diffusion? Chúng tôi do dự trong việc gửi thêm vì ngại số đã gửi không đến nơi an toàn.

Nay ông có những dự định gì? Tôi đã hỏi, nhân danh gia đình ông, Hoa Kỳ và ODP. Ông muốn ra đi hợp pháp hay ông muốn sống trong nhà ông? Tôi mong không có gì phiền nhiều cho ông khi tôi hỏi ông những câu trong thư này.

Sức khỏe của ông ra sao? Sức khỏe của bà vợ ông ra sao? Tôi có nhiều câu để hỏi ông. Mong có ngày chúng ta gập nhau và nói cho nhau nghe những gì đã xẩy ra.

Tôi mãi mãi là bạn của ông.  

Christine Goyma.

Như đã viết: 8 năm sau ngày tôi nhận được lá thư của cô Chritine Goyma, tôi đến Melbourn, nhưng tôi không được gặp cô. Tôi rất tiếc.

Đây là thư của PEN Intern.

INTERNATIONAL P-E-N
Writers in Prison Committee
38 King Steet, London, England.

Mme Hoang Hai Thuy

259/29 A Cach Mang Thang Tam. Quan Tan Binh, Ho Chi Minh City.

Dear Madam,

The Writers in Prison Committee is anxious for news of your husband, anh hope that there is some way in which you can tell us how he is and how often you are able to visit him? We know that he is not at all well even in 1984, and we would like to know if there are any medecines which you need and which we could send you?

With best wishes to you and your family.

Yous sincerely.

K.V. Simson

Thưa bà,

Tiểu ban Văn Sĩ bị Tù lo âu muốn biết tin về ông chồng bà, chúng tôi mong bằng cách nào đó bà cho chúng tôi biết nay ông ấy ra sao, và bao nhiêu lâu bà được thăm gập ông ấy? Chúng tôi bết ông ấy không được khỏe lắm từ năm 1984, chúng tôi muốn biết những thứ thuốc bà cần mà chúng tôi có thể gửi đến bà?

Chúc bà và gia đình bà những lời chúc tốt đẹp nhất.

K.V. Simson

Là người tù Việt Nam được các vị trong Hội Amnesty Intern, Hội PEN Intern, thương và cứu giúp, tôi cám ơn các vị.

CTHĐ

Le Parisien: Hoang Hai Thuy a refusé de se taire

Dưới đây là bản dịch bài báo viết về “Biệt kích dzăng bút Hoàng Hải Thủy” đăng trên nhật báo Le Parisien, Tháng Tư năm 1988. Người viết là Nữ ký giả Catherine Monfazon:

Đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới – L’Association Reporters sans frontières – 38 cơ sở truyền thông Pháp quốc đã nhận bảo lãnh mỗi cơ sở một ký giả bị tù vì làm tròn công việc của mình. “Le Parisien” tự chọn tranh đấu cho sự tự do của Hoàng Hải Thủy, ký giả Việt Nam, hiện đang bị bỏ quên trong một trại lao động cải tạo.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp quốc không những chỉ vận động để đưa ông Thủy ra khỏi nhà tù mà còn, theo sự đòi hỏi của gia đình ông ta, đưa ông ta ra khỏi quốc gia của ông ta…

Hoàng Hải Thủy không chịu câm miệng

Đừng nói đến cái tên Hoàng Hải Thủy ở Việt Nam, nói đến cái tên đó trong điện thoại, đường dây sẽ bị cắt, trong đường phố những đôi mắt sẽ nhìn xuống đất. Được nhờ đến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được coi như là một động lực của công cuộc đổi mới của Việt Nam, sẽ bực bội gạt bạn sang Bộ Tư pháp, một cách từ chối, không tiếp khéo léo.

Hoàng Hải Thủy năm mươi chín tuổi, đêm đêm nằm ngủ trên tấm ván rộng năm mươi phân giữa ba ngươi người bạn tù chung phòng giam trong trại cải tạo Xuân Lộc, một nơi cách thành phố HCM (Sàigòn) một trăm hai mươi cây số. Những lời buộc tội thật mơ hồ “Lên tiếng chống chủ nghĩa cộng sản” Người ta trách ông ta đã gửi ra nước ngoài những bài thơ, bài viết không sao có thể đăng được trong những tờ báo Việt Nam bị rọ mõm.

Hoàng Hải Thủy biết rất rõ những người cộng sản. Bên cạnh họ ông đã tham gia kháng chiến năm 1945. Nhưng kề từ đó ông chỉ đi theo một con đường: nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, ký giả, dịch giả: ông được nhiều người biết vì tính tình hay nói thẳng, vì niềm hăng say tố cáo những sự bất công. Ông tự ý làm những việc ấy. Trước năm 1975 ông công khai chỉ trích chế độ cũ trên những tờ báo châm biếm như tờ Con Ong (nghĩa đen là con ong chuyên châm chích). Ông cũng là viên chức của Trung tâm Thông Tin Hoa Kỳ, USIS.

Năm 1974, ông dịch “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez. Bản dịch truyện này bị cấm xuất bản. Bản dịch “Quần đảo ngục tù” (Archipel du Goulag) cũng bị cấm. Lần này là đảng cấm. Sau năm 1975 Hoàng Hải Thủy phải sống nhịn nhục. Nhưng ông từ chối không chịu im tiếng. “Ông ấy không thể im lặng trước những đau khổ của đồng bào ông. Ông ấy tức giận khi thấy bọn cán bộ kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính chúng lại sống như vương giả”. Đấy là lời một người bạn của Hoàng Hải Thủy nói về ông.

Năm 1977 ông ta đã bị bắt lần thứ nhất, bị giam hai mươi ba tháng trong nhà tù Chí Hòa. Vừa ra khỏi tù, ông lại cầm bút. Ông bị bắt lần thứ hai năm 1984. Năm 1988, ông bị xử ở tòa án. Người bạn của ông nói tiếp về ông:

“Trong phiên xử, ông ấy có nói ông không viết vì thù hận chính quyền mà viết để chống lại tất cả những kẻ dối trá từ trong trái tim…”

Bị tuyên án sáu năm tù Hoàng Hải Thủy chỉ được trả tự do vào tháng Năm năm 1990. Ông còn phải chịu đựng nhiều tháng sống trong trại cải tạo vì thái độ tự do tư tưởng của ông, một thái độ mà cái chính phủ vẫn tự nhận là đã mở nắp nồi và đổi mới vẫn không thể chấp nhận được.

Nữ ký giả Catherine Monfazon
Nhật báo Le Parisien

Quý vị vừa đọc bản dịch bài báo của nữ ký giả Catherine Monfazon, Nhật báo Le Parisien, ấn hành ở Paris. Năm 1988, nữ phóng viên Monfazon đi Bắc Kinh, Trung Quốc, rồi đến Hà Nội và thành phố HCM. Vì nhật báo Le Parisien nhận bảo trợ và đòi trả tự do cho người viết Hoàng Hải Thủy, cô Monfazon tìm đường đến gặp vợ con Hoàng Hải Thủy. Khi cô thất vọng hoàn toàn và sắp lên phi cơ về Paris tình cờ cô gặp một người bạn của Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy cô đến được căn nhà nhỏ của vợ chồng Công Tử Hà Đông trong Cư xá Tự Do giữa Ngã ba Ông Tạ và Ngã tư Bảy Hiền.

Đây là bài báo Nữ ký giả Monfazon viết về vợ con Hoàng Hải Thủy đăng cùng trên trang báo Le Parisien với bài báo trên.

Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu ông ấy

Hoàng Hải Thủy và cả gia đình ông phải trả giá đắt vì niềm khao khát tự do của họ. Nhưng họ vẫn sát cánh với nhau và họ hy vọng.

Đêm đen như mực ở thành phố HCM. Cô con gái của Hoàng Hải Thủy, Giang, ba mươi hai tuổi, di chuyển vòng vèo giữa rừng xe đạp và xe xích lô trên chiếc xe gắn máy mua trả góp. Cô dừng xe trong một xóm đông dân cư. Con đường trở nên sình lầy. Im lặng. Giang dựng xe trước cửa vào nhà, cạnh mấy chuồng gà. Anh con và bà vợ Thủy chờ đón chúng tôi. Vài cái ghế, hai cái giường không nệm, một tủ lạnh rỉ sét, sân nhà lát gạch bông đỏ trắng rất sạch: tất cả toát lên một sự nghèo túng được che dấu cẩn thận.

Mái tóc bạc được chải tươm tất, xanh xao, rất gầy, rất đường hoàng, bà vợ của Thủy nói tiếng Pháp lần thứ nhất từ hơn hai mươi năm nay.

Một bức ảnh rất đẹp của ông chồng trang hoàng bức tường lở vôi, bên cạnh hai tờ thông cáo tuyên truyền của cộng sản mà nhà nào cũng phải dán. Đỗ Thị Thủy không được gặp mặt chồng từ hai tháng nay. “Ông bố tôi mạnh khỏe, bà mẹ tôi mới chịu không nổi. Bà mất mười ký lô,” anh con trai hai mươi tám tuổi nói nhỏ.

Họ nói đến ông bố và ông chồng của họ với niềm kiêu hãnh, họ nhắc đến những bài ông đã viết, những bài này đều bị công an tịch thu, những gì ghi lại nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ và cái đói của nhân dân. “Ông ấy nói ít, viết nhiều”. Bà Đỗ nói. Tôi hỏi:

 “Có bao giờ bà yêu cầu ông ấy đừng viết để cả nhà được an ninh không?”

“Không bao giờ…” bà trả lời ngay, gần như bà giận dữ vì câu hỏi ấy. Bỗng bà mỉm cười dịu dàng, xúc động:

“Chúng tôi đói, chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả những cái đó. Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu thương ông ấy, chúng tôi kiêu hãnh vì sự can đảm của ông ấy.”

Cái giá của sự tự do tư tưởng của Thủy là một giá đắt. Để có thể sống, họ phải bán hết. Nữ trang, đồ đạc, quần áo. Đến cả ba ngàn quyển sách của Thủy, từ tủ sách lớn ấy, họ còn giữ được khoảng trăm quyển cất kỹ trong một ngăn tủ nhỏ. Camus, Nabokov, Nietzche, Zola, Sacha Guitry… Những sách này đều được những người con của Thủy đọc đi, đọc lại. Từ nhiều năm nay các con của Thủy bán bánh ngoài đường. Tất cả việc học của họ đều bị cấm. Hiện nay họ đang muốn tin vào việc Thủy sắp được trả tự do. Rồi sau sẽ ra sao? Họ lo âu.

“Ông ấy lại sẽ bị kiểm soát, bị theo dõi khắp nơi. Lại có sợ hãi. Ông ấy có thể lại bị bắt. Chính phủ phải để cho chúng tôi ra đi. Không có tờ báo nào ở đây nhận cho ông ấy làm việc. Với cái tên ấy, ông ấy sẽ bị từ chối ở khắp nơi. Chúng tôi chỉ có thể có tự do ở một miền đất khác. Cô có thể làm gì được không? Ở đây người ta chỉ cho phép chúng tôi im lặng…”

Xin viết cho rõ: Người dịch The Gulag Archipelago của Alexandre Sozhenytsin ra bản Việt ngữ “Quần đảo Ngục tù” là Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú. Anh đã từ trần trong trại cải tạo Phú Khánh khoảng năm 1980. Tôi – HHT – dịch The First Circle của A. Sozhenytsin, “Tầng đầu Địa ngục,”” ấn hành ở Sài Gòn năm 1973.

Năm 1977 đến năm 1979, thời gian là hai mươi ba tháng tôi bị bắt lần thứ nhất ở trại giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Bị bắt lần thứ hai năm 1984 tôi sống bốn mùa lá rụng ngoài song sắt trong Thánh thất Chí Hòa. Nữ ký giả Monfazon viết nguyên văn trong bài “…la presse muselée vietnamienne…” tạm dịch: “… nền báo chí Việt Nam bị rọ mõm…

Năm 1994 nữ phóng viên Catherine Monfazon lại đến Sài Gòn, lần này tôi được gặp cô, được ăn với cô một bữa tối trong nhà hàng Mini của bà Nguyễn Phước Đại đường Nguyễn Du.

Từ năm 1990 tình hình kinh tế tài chánh của những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ ở Sài Gòn có vẻ khá hơn, tôi vẫn dùng xế đạp đi lại loanh quanh khu Ông Tạ, nhưng tôi đã có cái Honda 91. Tôi dùng Honda đến khách sạn đón cô Monfazon, chở cô trở lại căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, nơi cô đã đến năm năm trước. Cô kém Kiều Giang con gái tôi hai tuổi, cô nói thông thạo tiếng Anh. Catherine Monfazon là một trong những người đã đối xử ân cần và giúp đỡ vợ chồng tôi trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng tôi vẫn nhớ ơn cô.

Chúng tôi như những người sắp chết đuối vớ được cái phao – chúng tôi được ấm lòng và có thêm hy vọng để không chết nhờ rất nhiều người, những người bạn ở nước ngoài. Trong khi bọn Việt Cộng thù hận chúng tôi, chúng chỉ muốn chúng tôi khóc mếu, khổ sở, sợ hãi, hèn mạt, chúng cố tình đầy ải cho chúng tôi phải chết hoặc dở sống, dở chết, phải quỳ gối lậy van chúng, những người bạn không quen biết từ xa ngoài vạn dặm đã gửi tình thương cho chúng tôi.

Xin cảm ơn tất cả.

6 Responses

  1. Kính thăm Công Tử Hà Đông.

    Chờ bài viết của Ông hơn 2 tuần rồi.

    Vẫn hy vọng mọi chuyện Êm Xuôi đến với Ông Bà.

    Thân kính.

    thanhthuy

  2. Hổm rày nhà văn có khỏe không? Sao không thấy viết được nhiều? Em VLTK.

    • Dec16, 2015. Cám ơn quí vị hỏi thăm. Hồi nay tôi quên nhiều. Tôi sắp không còn viết được nữa. Chúc quí bạn Vui Lễ Giáng Sinh. HHT

    • Rừng Phong Dec 17, 2015. Cám ơn các bạn hỏi thăm. Năm 2016 tôi 84 tuổi, Năm nay tôi quên nhiều. Chắc tôi sắp không còn viết được nữa. Thân chúc quí bạn hưởng Lễ Giáng Sinh Vui. HHT

  3. Lâu rồi không hỏi thăm bác Hoàng Hải Thủy vẫn mạnh khoẻ!

Leave a comment