• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Chí Phèo Ông Cụ

Thị nở, Chí Phèo

Tôi đọc truyện “Chí Phèo” của Nam Cao năm tôi mười, mười một tuổi. Năm xưa ấy  những truyện “Trường Ðời” của Lê Văn Trương, “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng hấp dẫn tôi, làm tôi ngây ngất, mê mẩn, thán phục. Tôi cũng đọc nhưng tôi không thích lắm những truyện có những nhân vật tôi thấy là ấm ớ hội tề như truyện “Chí Phèo” của Nam Cao, truyện “Tắt Ðèn” của Ngô Tất Tố. Những nhân vật như Chí Phèo, Chị Dâu trong “Tắt Ðèn”, không hấp dẫn tôi, không gợi cho tôi tưởng tượng gì về họ. Tôi không có cảm tình với họ, tôi không giao thiệp với họ, tôi không gặp họ trong đời sống của tôi. Họ không có ánh hào quang lãng mạn như Trọng Khang, Khánh Ngọc trong “Trường Ðời”, họ không có cái vẻ giang hồ ăn chơi cũng lãng mạn hiện thực ra rít như Vạn Tóc Mai, Ông Già Hải Vân, họ không có cái vẻ dâm dâm gợi dục như Tuyết, Thị Mịch trong “Giông Tố”.

Tôi lạnh nhạt với truyện “Chí Phèo” – nguyên tên là “Ðôi Lứa Xứng Ðôi” – của Nam Cao, truyện “Tắt Ðèn” với nhân vật Chị Dậu của Ngô Tất Tố. Những ngày như lá, tháng như mây.. Một chiều đầu mùa hạ năm 2003, năm mươi năm sau ngày tôi đọc Chí Phèo Nam Cao ở Hà Ðông, thành phố thời thơ ấu của tôi, một truyện ngắn của Nam Cao đến với tôi ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích.

Ông bạn về thăm Sài Gòn, biết tôi thích sách, khi trở lại Hoa Kỳ gửi cho tôi quyển “Truyện Ngắn Xuất Sắc về Chiến Tranh” ông mua ở Sài Gòn. Trong tập đó chỉ có truyện “Ðôi Mắt” của Nam Cao và truyện “Không biết tại sao đêm nay tôi buồn” của Vũ Bằng là đáng để tôi đọc và đi vài đường bình loạn.

Hôm nay mưa rơi trên Rừng Phong, giữa Tháng Sáu đêmVirginia còn lạnh. Mời quí vị đọc một số những điều tôi nghĩ về Nam Cao và truyện ngắn “Ðôi Mắt” của Nam Cao. Tôi sẽ viết về truyện “Không biết tại sao đêm nay tôi buồn” của Vũ Bằng trong một bài khác.

HỒ CHÍ PHÈO. Tiểu thuyết do Ban Ðăïc Vu 36 Kiểu Tranh Thủ Người Việt Hải Ngoạ xuất bản. Toà Ðại Sứ Bắc Cộng ở Washington, DC, Toà Tổng Lãnh Sự Bắc Cộng ở San Francisco, Toà Lãnh Sự Bắc Cộng ở Houston biếu không sách này cho người Việt. Người đến lấy sách tặng nhớ đem theo tấm hình trên đây.

Trước hết xin viết về thân thế nhà văn Nam Cao: ông tên thật là Trần Hữu Trí, sinh năm 1917, mất năm 1951, nổi tiếng với truyện tiểu thuyết đầu tay “Ðôi Lứa Xứng Ðôi”, thường được gọi là truyện “Chí Phèo”, xuất bản lần đầu năm 1941. Sau 1945, Nam Cao theo Việt Minh, từng làm thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc, trúng đạn chết năm 1951, năm ấy Nam Cao 34 tuổi.

Chí Phèo là con hoang, bị mẹ đẻ ra, bỏ lại trong một lò gạch đổ nát giữa đồng. Ðược ông đi thả ống bắt lươn trông thấy, đem về làng, bán cho người nọ, người nọ bán cho người kia. Năm hai mươi tưổi Chí Phèo làm công cho Lý Kiến, một ông nhà giầu trong làng. Truyện không tả rõ vì lý do gì Chí Phèo bị đi tù, chỉ thấy bỗng nhiên Chí Phèo đi tù. Bẩy, tám năm sau Chí Phèo mãn hạn tù, trở về làng, trở thành một tay du côn ngang ngược, rượu be bét, chuyên gây sự chửi bới tất cả mọi người. Người bị Chí Phèo cà khịa, bắt nạt nhiều nhất là Lý Kiến, nay là Bá Kiến. Một trong những nguyên nhân làm Chí Phèo gây sự với Bá Kiến là vì Bá Kiến giầu tiền, cứ mỗi lần Chí Phèo đến cổng nhà gây sự là Bá Kiến phải nộp cho gã tiền để gã ăn nhậu.

Dù có cảm tình với người nghèo hay không, người  suy nghĩ theo lẽ phải rất thường thôi đều thấy Chí Phèo là một gã lưu manh miệt vườn, một mẫu người cặn bã của xã hội, người sống bê bối như Chí Phèo nếu không đáng ghét thì cũng chỉ đáng thương, nhưng những anh cà chớn trong cái gọi là văn học xã hội chủ nghĩa đề cao Chí Phèo, coi gã là một biểu tượng của cái gọi là tính đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, là một nhân vật điển hình của giai cấp nghèo khổ bị giai cấp thống trị, tức giai cấp giầu tiền, bóc lột, bị đàn áp, bị vu hãm, bị dồn ép vào đường tù tội, công khai lên án kẻ thù giai cấp. Bọn chúng thi nhau tô vẽ cho Chí Phèo thành một thứ người không phải là “người hùng” nhưng là người có quyền sống và hành động ngang ngược bất chấp lẽ phải, bất kể mọi người.

Chí Phèo gặp Thị Nở, một chị gái quê ngẩn ngơ, mặt mũi xấu đến nỗi không có anh đàn ông nào nhìn đến. Ðêm trăng mùa hè, Thị Nở ra sông gánh nước, khi đi ngang khu vườn trước căn lều của Chí Phèo, chị mệt nên ngồi nghỉ, dựa lưng vào gốc chuối. Gió hiu hiu, chị ngủ thiếp đi. Chí Phèo đi uống ruợu về, thấy Thị Nở tênh hênh nằm đó, bèn hiếp dâm Thị. Thị Nở được hiếp, chịu, về sống chung với Chí Phèo như vợ chồng. Nhưng rồi Thị cũng bỏ Chí Phèo. Cuối cùng Chí Phèo dùng dao đâm chết Bá Kiến rồi tự đâm cổ chết nghẻo.

Ðó là đại khái truyện”Chí Phèo” của Nam Cao. Bọn làm văn hoá Việt Cộng đề cao ra rít truyện Chí Phèo nhưng không anh nào dám viết nửa dòng về sự kiện ngay cả Thị Nở, người đàn bà cùng giai cấp với Chí Phèo, cũng không thể chịu nổi Chí Phèo, cũng phải bỏ Chí Phèo. Thái độ của Thị Nở không có sự trung tín giai cấp, nói theo kiểu cộng sản, Thị Nở đã chê bỏ người tình cùng giai cấp của Thị. Bọn cộng sản tô vẽ cho Chí Phèo thành một nạn nhân của chế độ thối nát cũ. Không có gì lạ, bọn cộng sản mạt sát tất cả những chế độ xã hội, chúng cho tất cả các chế độ xã hội đều thối nát, bất công, chỉ có xã hội cộng sản của chúng mới công bằng, trong sáng, tốt đẹp.

Sau mấy chục năm bọn cộng sản chiếm quyền ở nhiều nước, từ em nhỏ lên ba đến cụ già chín bó trên khắp thế giới đều đã biết cái chế độ xã hội chủ nghĩa do bọn đảng viên cộng sản dựng lên, còn thối nát, còn tàn ác, còn bóc lột và hành hạ con người gấp nghìn lần cái chế độ chúng đã phá hủy, đã mạt sát, đã kết án. Trong những làng quê Việt Nam,  làng quê Tầu, những làng quê ở bất cứ nước nào bị bọn cộng sản chiếm quyền, không nơi nào những anh Chí Phèo, Chí Meo có thể sống được nửa ngày. Ở làng quê Bắc Việt những năm 1930 gã du côn miệt vườn, gã bần cùng khố giây Chí Phèo có thể ngang nhiên chửi anh lý dịch trong làng là Bá Kiến, chửi vô tội vạ, chửi mà Bá Kiến phải nộp tiền, ở làng quê miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, thời đại Hồ Chí Meo, đừng nói chuyện công dân lưu manh Chí Phèo cất tiếng chửi thằng Chủ Tịt Xã hay nói xa gần đến đời tư thằng Bí Thư Xã, chưa chửi bọn chúng đã gô cổ Chí Phèo đưa đi tù muôn năm không trở về làng.

Xuân Sách làm thơ về Nam Cao:

Anh còn đôi mắt ngây thơ,
Sống mòn mà vẫn đợi chờ tương lai.
Thương cho Thị Nở đời nay,
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo!

“Ðôi mắt” là tên truyện ngắn của Nam Cao, “Sống mòn” là tên một tiểu thuyết dài của Nam Cao, xuất bản năm 1956 ở Hà Nội. “Sống mòn” được Nam Cao viết những năm 1948, 1949, trước năm nhà văn chết. Tôi chắc thế. “Sống mòn” không có gì đặc sắc nên không được ai nói đến. Nói đến Nam Cao người ta chỉ thấy có Chí Phèo là đáng kể.

Trong cái xã hội có cái tên lòng thòng giải rút là “xã hội xã hội chủ nghĩa” mà cũng có em Thị Nở ư? Người hỏi câu đó là người ngớ ngẩn, người hỏi câu đó không phải là người Việt Nam. Cụ già chín bó, em nhỏ lên ba đều biết từ khuya rằng dân Việt Nam có 40 triệu đàn ông, đàn bà, thì bọn Việt Cộng làm cho 20 triệu anh đàn ông trở thành Chí Phèo, 20 triệu chị đàn bà trở thành Thị Nở.

Năm xưa khi bọn Việt Cộng chưa chiếm quyền, Chí Phèo có thể chửi Bá Kiến mà vẫn sống, không những chỉ sống mà còn được người bị chửi nộp tiền uống ruợu, Thị Nở mò cua, bắt ốc, xay gạo, giã gạo mướn mà có tiền mua rượu cho người tình uống, thời bọn Việt Công chiếm quyền Chí Phèo bị chúng cho đi tù mút chỉ, Thị Nở bị chúng bắt cày cuốc, xúc đất, đẩy xe khổ cực hơn trâu bò, bị chúng cho ăn đói, sức mấy mà Thị có tiền mua ruợu làm say Chí Phèo.

Nam Cao viết “Ðôi Mắt” năm 1948. Tác giả kể ông đến thăm vợ chồng một người bạn tản cư trong một làng quê. Ðây là đoạn mở đầu.

Ðôi Mắt. Nam Cao. Trích:

Anh thanh niên làng chỉ một cái cổng gạch nhỏ, quay lại bảo tôi:

– Ngõ này đây, ông Hoàng ở đây.

– Cám ơn anh nhé. Lát nữa tôi sẽ sang nhà anh chơi.

Tôi vỗ vai anh bảo vậy. Tôi toan vào. Anh vội ngăn tôi lại:

– Khoan đã. Anh để em gọi cho anh trong nhà xích con chó lại. Con chó to và dữ lắm.

Tôi mở to đôi mắt, khẽ reo lên một tiếng thú vị. Tôi nhớ đến những lần đến chơi nhà anh Hoàng ở Hà Nội. Bấm chuông xong, bao giờ tôi cũng phải nhờ anh Hoàng thân hành ra nắm chặt cái vòng da ở cổ một con chó tây to bằng con bê, dúi đầu nó vào gầm cái cầu thang rồi tôi mới cò đủ can đảm bước vội qua dằng sau cái đuôi nó để vào phòng khách.

Tôi rất sợ con chó giống Ðức hung hăng ấy. Sợ đến nỗi một lần đến chơi, không thấy anh Hoàng ra đứng tấn để giữ nó mà lại buồn rầu báo cho tôi biết nó chết rồi, thì mặc dầu có làm ra mặt tiếc với anh, thật tình tôi thấy nhẹ cả người.

Con chó chết vào giữa cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình. Không phải chết vì chủ nó không tìm nổi mỗi ngày vài lạng thịt bò để nó ăn. Anh Hoàng là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất tài tình. Khi chúng tôi đến nỗi chỉ còn một dúm xương và rất nhiều bản thảo không biết bán cho ai, anh Hoàng vẫn phong lưu. Con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào. Nhưng xác người chết ngập thành phố. Nó chết có lẽ vì chén phải thịt người ươn hay là hút phải nhiều xú khí. Thảm hại thay cho nó!

Thế mà bây giờ đến thăm anh Hoàng ở chỗ gia đình anh tản cư về, cách Hà Nội hàng trăm cây ố, tôi lại được nghe nói đến một con chó dữ. Thật là thú vị!

Ngưng trích.

Người sợ chó không có gì thú vị cả khi nghe nói đến con chó dữ. Cốt truyện “Ðôi Mắt” gầy guộc, tong teo, tác giả nó nhét vào nó những sự kiện không ăn nhập gì đến cốt truyện. Chó berger là loại chó được huấn luyện, dù cho có không được dậy đi nữa con chó dữ và ngu đến đâu khi chủ nó đã ra đón khách, đã quát một tiếng ra lệnh: “Im. Nằm yên..” đều thôi không sồ ra cắn khách nữa. Con khuyển nào ông chủ đã ra lệnh nằm yên mà vẫn cú hung dữ nhẩy vào cắn khách thì con đó ôm riềng mẻ vào nằm trong nồi sớm. Loài chó không ngu đến như ông nhà văn Nam Cao tưởng bậy.

Ðó là chuyện nhỏ. Chuyện cần nói ở đây là khoảng ba, bốn tháng sau ngày những tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Pháp nổ ở Hà Nội, chính phủ Việt Minh ra lệnh cho dân phải giết hết chó, lý do ban đêm bộ đội hành quân qua làng, bọn chó trong làng đánh hơi thấy người lạ, sủa ran, Tây nó biết, bộ đội không đánh đồn Tây ban đêm được. Tất nhiên không có lịch sử nào ghi chuyện loài chó bị tàn sát tập thể vào những tháng ba, tháng tư năm 1947 ở những làng quê đồng bằng Bắc Việt. Những tháng ấy, năm ấy, loài chó ở Bắc Kỳ bị một tai kiếp diệt chủng khủng khiếp. Từ ngày trái đất có loài chó chưa lần nào, chưa ở đâu loài chó bị loài người cắt cổ, mổ bụng dữ dội đến như ở xứ Bắc Kỳ, nước Việt Nam, năm 1947.  Trong vòng một tháng tất cả những con chó, hằm bà lằng síu oắt, vàng, vện, mực, bông, đực cái, già trẻ, sồn sồn, lớn bé, mập ốm, bị cắt cổ, mổ bụng, cạo lông, thui, nấu, nướng. Nhiều vụ người và chó tử biệt thê thảm diễn ra, nhiều người thương con chó của mình, không thể giết nó mà giữ cho nó sống thì không được, đành khóc mà giao nó cho người khác, để người khác giết nó, nhiều con chó biết chúng sắp phải chết, chúng rỏ nước mắt khóc. Chiến dịch giết chó được chính phủ Hồ Chí Minh gọi là “triệt để thủ tiêu chó.” Thời đó nhân dân có chuyện khôi hài:

Người dân hỏi anh Chủ Tịt Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Xã:

– Ðồng chí Chủ Tịt đi đâu đấy?

Chủ Tịt đáp:

– Tôi đi triệt để chó đây.

Có nghĩa là anh ta đi hô hào, thúc đẩy dân chúng trong xã làm cái việc triệt để thủ tiêu chó.

Không thể biết năm xưa ấy có bao nhiêu con chó bị giết ở xứ Bắc Kỳ. Chỉ biết những tháng đầu năm ấy ở những làng quê Bắc Kỳ, theo lệnh của Hồ Chủ Tịt, nhà nhà giết chó, người người ăn thịt chó, cả nước ăn thịt chó. Năm 1990, ở làng Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, có ông thầy thuốc ta chết một ngày, con cháu bận lao động chưa kịp khiêng ra tha ma thì sống lại. Ông Lang Vườn kể chuyện ông bị bắt xuống Âm Ty, đã bị tống vào khám Ðiều Tra Tội Ác nhưng khi làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú thì phát hiện sai tên nên được thả về duơng thế, ông kể ông thấy Hồ Chủ Tịt ở dưới Âm Ty bị loài chó kiện về tôi diệt chủng nên Chủ Tịt bị hành hạ rất khổ. Bọn chó chết oan thay phiên nhau lôi cổ Chủ Tịt ra cắt cổ, mổ bụng, thui, nấu nướng, để trả thù Chủ Tịt đã ra lệnh giết chúng năm xưa. Chuyện ấy có thật, bọn nhà báo Bắc Việt Cộng biết chuyện nhưng, dù đã được Tổng Bí Ðái Nguyễn Văn Linh cởi trói, tháo rọ mõm, vẫn sợ, không anh nào dám đưa chuyện có thật ấy lên báo.

Nam Cao viết về con chó của nhân vật Hoàng: “Con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào. Nhưng xác người chết đói ngập thành phố. Nó chết có lẽ vì chén phải thịt người ươn hay là vì hút phải nhiều xú khí..” Nhà văn nổi tiếng gì mà viết một câu thiếu nhận xét đến như thế! Con chó được chủ cho ăn mỗi ngày vài lạng thịt bò, chưa bị đói bữa nào, nó không mò ra đường ăn thịt người chết đói. Thịt người ươn? Bộ có thịt người tươi hay sao? Chó chết vì ngửi phải mùi người chết, còn người thì  sao? Chó ngửi người không ngửi à? Chó ngửi mà chết người ngửi không chết à? Khỉ lắm!

Trong “Ðôi Mắt”, Nam Cao viết về việc làm của nhân vật Hoàng ở Hà Nội những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, thời gian quân đội Tầu ở nước ta để giải giới quân đội Nhật:

Ðôi Mắt. Trích:

…Vào cái hồi quân đội Ðồng Minh vào giải giáp quân Nhật ở nước ta, một số gái kiếm tiền trút bộ áo đầm ra để mặc bộ áo Tầu. Còn anh bạn của tôi, chẳng biết bám được ông má chín nào, ra một tờ báo hàng ngày để chửi vang. Chửi hết mọi người rồi anh mới lôi đến một số bạn cũ của anh ra. Toàn là những người hiền lành, xưa nay chưa hề chạm đến một sợi tóc của anh. Nhưng tên họ trên những tờ báo của phong trào giải phóng quốc gia được hoan nghênh là ngứa mắt anh. Anh hằn học gọi mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách, áo ôm đã đến ngày mả phất, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ. Tôi cười nhạt. Không phải tôi khó chịu vì những lời vu cáo của anh. Tôi khó chịu chính vì thấy đến tận lúc ấy mà vẫn còn môt số nhà văn Việt Nam dùng ngòi bút của mình để làm những việc đê tiện thế.

Ngưng trích.    

Bậy. Không có anh Việt Nam bám được “một ông má chín” Tầu nào mà có thể ra được nhật báo ở Hà Nội trong năm 1946. Trong năm ấy ở Hà Nội chỉ có tờ nhật báo Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, một cơ quan thông tin-ngôn luận duy nhất không phải là của Việt Minh. Nhà văn Khái Hưng viết mục “Chuyện Lẩn Thẩn”, ký tên Chàng Lẩn Thẩn trên nhật báo Việt Nam. Năm ấy Việt Minh đưa ra một anh Tướng tên là Thiết Hùng. Vài lần báo Cứu Quốc đăng ảnh Tướng Thiết Hùng mặc quân phục kaki Mỹ, đội mũ calot Mỹ, xuất hiện đây đó. Chàng Lẩn Thẩn báo Việt Nam phang anh Tướng Phường Chèo này một bài, ví anh với cái tên Thiết Hùng của anh, là cái thùng sắt tây rỗng. Thùng rỗng kêu to. Sau bài báo ấy anh Tướng Thiết Hùng của Việt Minh biến mất không kèn, không trống.

Ðôi Mắt nhắc đến Vũ Trọng Phụng:

Ðôi Mắt. Trích:

Muốn lảng chuyện, tôi hỏi:

– Lúc này nhiều thì giờ thế, chắc anh viết được. Anh đã viết được cái gì thú chưa?

– Chưa, bởi vì ngay đến một cái bàn viết ra hồn cũng không có nữa. Nhưng thế nào chúng mình cũng phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này.  Nếu khéo làm còn có thể hay bằng mấy cái “Số Ðỏ” của Vũ Trọng Phụng, Phụng nó còn sống đến lúc này thì phải biết.

Ngưng trích.

Không thể nói là ngây thơ, phải nói là ngốc. Làm sao Vũ Trọng Phụng có thể sống được sau khi bọn đảng viên cộng sản cướp được chính quyền ở Hà Nội! Tuy có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, ngay từ những năm 1935, 1936, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều bài chính luận lên án bọn cộng sản Nga là bọn chuyên môn gây những cuộc rối loạn trên thế giới để thủ lợi, đã gọi đích danh Mốt-cu là sào huyệt cuả tội ác quốc tế. Người viết Vũ Trọng Phụng không thể nào sống được với Việt Minh, nếu không qua đời trước năm 1946 chắc hơn bắp ông cũng bị Việt Minh, bắt, giam tù, cho đi mò tôm, như trong năm ấy chúng đã giết những ông Khái Hưng, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai…

Trong Ðôi Mắt, nhân vật Hoàng là một anh tiểu tư sản thành thị phản động, anh có không phải là ác cảm mà là có thái độ chính trị đối nghịch với Việt Minh, đi tản cư anh ta nhìn đâu cũng thấy những người, những việc ngu ngốc, ngớ ngẩn, người như anh, từng làm chủ báo chống Việt Minh, nhất định không thể được Việt Minh để cho sống mà chửi chúng, miệt thị chúng, nhưng ấm ớ nhất là tác giả Ðôi Mắt lại cho anh tiểu tư sản phản động Hoàng nâng bi, bốc thơm ra rít nhân vật “Ông Cụ”.

Ðôi Mắt. Trích:

Tôi cười nhạt:

– Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta đến hỏng à?

Anh chộp lấy câu nói của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột:

– Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ vì tôi tin vào Ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể ra cũng khổ cho Ông Cụ lắm. Anh tính tượng trưng cho phong trào giải phóng cả một cái đệ tứ cuờng quốc là Ðại Pháp, mà cũng chỉ có đến thằng Ðờ Gôn.

Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến cũ của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ Gôn. Anh lắc đầu:

– Bằng thế nào được Hồ Chí Minh!

Và anh tiếp:

– Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, Ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 thì đến chính thằng Mỹ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp Ông già nổi. Thằng Pháp thì nghĩa lý gì? Bệt lắm rồi. Không có thằng Mỹ xui thì làm gì Pháp trở mặt phản Hiệp định mồng 6 tháng 3? Mình cho nó như vậy đã là phúc đời nhà nó rồi. Ðáng lẽ nó phải bám chằng chằng lấy chứ?

Ngưng trích.

“Bằng thế nào được Hồ Chí Minh!” Ðúng dzậy. Trong Ðôi Mắt, Hồ Chí Minh được âu ái, tức âu yếm và ưu ái – hoặc ưu yếm, ưu ái và âu yếm, hoặc ái yếm, tức ưu ái và âu yếm, hoặc yếm ái ..vv.., chữ mới của CTHÐ – gọi là “Ông Cụ”, dù năm ấy, năm 1946, “Ông Cụ” chỉ mới có Năm Bó lẻ ba que. Muốn so sánh với ”Ông Cụ”, người ta phải đưa ra Pol Pot, có miệt thị “Ông Cụ” lắm người ta cũng phải đưa ra Sô-sét-cu, Chủ Tịt Ðảng Cộng Lỗ. Nhưng mà lâu rồi, với nhân dân nước Việt Nam bất hạnh, không may, khốn khổ khốn nạn, từ cụ già chín bó đến em nhỏ lên ba đều biết nếu họ không có “Ông Cụ”, họ đã được độc lập êm ru bà rù từ năm 1945, họ được độc lập, tự do, hạnh phúc mà họ không phải đổ một giọt máu, họ không phải khóc một giọt nước mắt, họ đã biết chính Ông Cụ là người mang oan khiên, tang tóc, khổ đau đến cho họ, cho con cháu họ.

Biết rồi..! Khổ lắm..! Nói mãi..! Xin được nói vài câu nữa thôi. Trước khi Ðại Chiến Thứ Hai kết thúc, tại những Hội Nghị Postdam, Yalta, các chính phủ đồng minh đã đồng ý, đã ký kết quyết định sau chiến tranh tất cả những quốc gia bị ngoại quốc thống trị trên thế giới sẽ đuợc độc lập. Hai nước Anh, Pháp có nhiều thuộc địa không hoan hỷ gì với quyết định ấy nhưng không muốn họ cũng vẫn cứ phải chịu. Thực dân Hoà Lan ọ ẹ toan trở lại làm chủ đất nước Nam Dương như cũ nhưng bị quốc tế phản đối, tiu nghỉu dẹp tuồng, về nước luôn. Riêng ở Việt Nam nhân vật “Ông Cụ” của Chí Phèo Nam Cao vác lá cờ đỏ sao vàng vào Hà Nội làm Hoa Kỳ dẫy nẩy lên.. Lúc ấy Hoa Kỳ vưà xây sẩm, không phải xây sẩm sau khi sỉn mà xây sẩm khi thấy Nga Cộng chiếm mất một lô quốc gia Ðông Âu. Nga Cộng bành trướng dữ quá. Mỹ mất bao nhiêu công của, bao nhiêu xương máu mà đánh ngã Ðức, Nhật rồi, tưng hửng, ngơ ngác thấy mình thua to. Phải ngăn chặn làn sóng đỏ bằng mọi giá, không cho nó tiến chiếm thêm nưã, Mỹ bằng lòng cho Pháp, giúp Pháp trở lại Ðông Dương. Ngăn chặn bọn cộng sản chiếm Ðông Dương trước đã, chuyện các quốc gia Ðông Dương được độc lập tính sau. Và như thế là chỉ vì “Ông Cụ” của Nam Cao Chí Phèo đưa lá cờ đỏ vào Hà Nội mà dân Việt Nam phải chịu 50 năm chiến tranh, phải chết oan 12.564,789 mạng, phải đổ phí 250.623.945 lít máu, phải đau rỏ 38.734.554. 734 gịot nước mắt…

Những kẻ giống nhau thường ca tụng nhau, Công Tử Hà Ðông bèn có phóng dao:

Nem Keo thổi đít Tám Keo
Chí Phèo cùng với Chí Meo một phường!

Ðến đây chấm dứt chuyện Chí Phèo Ông Cụ!

One Response

  1. Thằng hình chí meo này điếm có tiếng, hồi nó vào Liên khu tư ( 1947 ), nghe kể lại luôn mặc áo 4 túi, ra ngoài gặp gỡ dân chúng, hắn móc bao thuốc Bastos ra mời, đến đêm về nhà nghỉ, thì hắn hút toàn thuốc lá mỹ Phillip Morris thơm râu. Nên không chi lạ, nó dậy cả lũ đàn em sau này lường gạt gian dối là số một. Chưởi mãi mỏi mồm lắm, chi bằng cứ tut quần ra là thấy bộ mặt nó và cái đảng mafia vc, thế là cứ tồ tồ tống khứ bọn nó ra ngoái, thất thống khoái: nhưng thú vị nhất là hot boy 3 Dũng cứ trốn ở phía sau, làm mình phải bỉn một cái mới hấy lòi mặt ra, thối rùm trời! Thôi đừng treo đầu heo mà bán thịt chó đi, quay đầu là bờ, nhưng quá trễ rồi, người dân VN sẽ vùng lên, cái chết của chúng bây là nay đã là chén kiểu rồi thì sao chơi lại với chén sành. Âu cũng là quả báo nhãn tiền.

Leave a comment