• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

NGƯỜI, BIỂN và CÁ

NGƯỜI trong bài Viết ở Rừng Phong này là “Người Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.”

Tôi – CTHà Ðông –  viết rõ như thế vì từ lâu – từ năm 1954 –  tôi vẫn coi trên cõi đời này có hai Nước Việt: Nước Việt Nam Cộng Hoà và Nước Bắc Việt Cộng Sản. Từ lâu, và trọn đời tôi, tôi coi như thế.

Tháng Sáu 2012 bạn tôi ở Paris gửi cho tôi quyển “Biển và Chim Bói Cá,” tiểu thuyết của Nhà Văn Bắc Việt Cộng Bùi Ngọc Tấn. Tìm trên Net, tôi thấy bài viết của ông Lê Diễn Ðức dưới đây. Tôi trích đăng bài, viết của ông Lê Diễn Ðức về tiểu thuyết “Biển và Chim Bói Cá “và về tác giả Bùi Ngọc Tấn.  Mời quí vị đọc:

Ledienduc’s blog –  Ngày 8 tháng 4, 2012, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn  được Giải Thưởng Henri Queffenlec tại Liên Hoan “Sách và Biển” năm 2012 (Festival Livre et Mer) của Pháp tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/4/2012.

Giải thưởng Henri Queffenlec trao cho tác phẩm “Biển Và Chim Bói Cá” của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá ” bản Việt ngữ  538 trang, được Dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp 514 trang, Nhà Xuất Bản L’Aube phát hành năm 2011, có tựa đề là “La Mer et le Matin-pêcheur“.( CTHÐ: Tên tiếng Pháp của Chim Bói Cá là Martin-Pécheur.)

“La Mer et le Matin-pêcheur” đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp của Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và giành Giải Thưởng Lớn (Grand Prix),

Giải thưởng của Festival mang tên Nhà văn Henri Queffélec, một trong những tác giả nổi tiếng nhất viết về Biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20 và là người sáng lập Giải Văn Học uy tín này.

Dịch giả Tây Hà, người dịch tác phẩm “Biển và Chim Bói Cá” sang chữ Pháp,  thay mặt Nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong Lễ Trao Giải, phát biểu cảm tưởng.

Tây Hà: “Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Là dịch giả tôi thay mặt tác giả.  Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo. Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Ðại Hội đã dành cho “Biển và Chim Bói Cá”. Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.

Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả Bùi Ngọc Tấn đã nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.

Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết.

Dịch giả Tây Hà đọc lời chào mừng của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến Festival:

Tôi chào mừng Ðại Hội Biển và Sách. Ðạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về Biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này .

Lê Diễn Ðức: Tôi biết Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” và năm 2002 mới được đọc nó nhờ một người bạn mua ở Mỹ gửi qua Ba Lan cho, vì cuốn sách không được xuất bản tại Việt Nam.

Chuyện Kể Năm 2000” được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến khá rộng rãi. Cuốn tiểu thuyết thực chất là hồi tưởng của Nhà văn về cuộc sống trong 5 năm (1968-1973) bị tập trung cải tạo oan ức và bất công chỉ vì những chính kiến khác với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước các nghịch lý và bất công xã hội.

Cuộc sống trong tù đơn điệu, nhàm chán đã được Nhà văn Bùi Ngọc Tấn mô tả trong “Chuyện Kể Năm 2000” một cách sống động, cuốn hút qua ngòi bút tài tình của mình. Trong những khoảnh khắc bi kịch nhất, có lúc tia sáng chợt loé thúc dục cho con người vươn tới sự sống, sự tồn tại bằng hình ảnh lãng mạn và đẹp tuyệt vời của tình yêu với người vợ thuỷ chung. Cả cuốn sách đầy ắp tính nhân văn chứa đựng liên tiếp những bi kịch, những nụ cười chảy nước mắt của những tù nhân trong hoàn cảnh cùng cực và bi thương về vật chất và tinh thần.

Tháng 7 năm 2009, cô bạn nhà báo Lan Hương ở Moscow cho tôi hay cô đã hoàn tất thủ tục mời Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sang thăm nước Nga.

Ðến thăm nước Nga là niềm mơ ước lớn không chỉ của Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn, mà của nhiều người trong giới cầm bút ở miền Bắc, những người đã sớm làm quen với tác phẩm của những cây cổ thụ văn học thế giới như L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, A. Sakharov, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, K. Pautovsky, M. Sholokhov….

Tháng 9 năm 2009, tôi từ Ba Lan bay qua Nga, Lan Hương và Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tàu từ Moscow tới, điểm hội tụ là thành phố Saint Petersburg.

Thấy nhau là tay bắt mặt mừng ngay vì chúng tôi đều cùng đã nghe về nhau, chỉ chưa có cơ hội gặp nhau mà thôi, chúng tôi lại có người bạn chung là Nhà văn Vũ Thư Hiên, nên tôi xin phép gọi bằng “anh” cho thân mật và gần gũi, mặc dù “anh” thuộc tuổi cha chú của tôi.

Tôi và anh được Lan Hương tiếp đón trên cả mức tận tâm, tận tình. Anh Tấn và tôi đêm nào cũng trò chuyện tới khuya. Ban ngày, với kinh nghiệm nhiều năm ở Nga, chỉ trong 5 ngày mà Lan Hương đã cho chúng tôi đi thăm gần hết những nơi nổi tiếng nhất và đẹp nhất của St. Petersburg. Ban đêm chúng tôi đưa anh đi thưởng thức các món ăn dân tộc Nga, đặc biệt là thịt trừu nướng với than cây bạch dương…

St. Petersburg nằm trên sông Neva đổ ra biển Baltic phía Bắc, có khoảng 1000 chiếc cầu ngang dọc với kiến trúc muôn hình, muôn vẻ, được Peter Ðại đế (Peter The Great) khởi công xây dựng từ năm 1703, tổng hợp theo kiến trúc của các trường phái từ Paris, Roma, Vienna… Rất nhiều cổ vật tinh hoa của các nền văn hoá thế giới bao gồm cả Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư… đã được Peter Ðại Ðế và các triều đại Nga kế tiếp mua về trang điểm và làm giàu cho St. Petersburg.

Từ khi Putin, người xuất thân từ St. Petersburg, lên làm Tổng thống Nga năm 2000 và nhất là từ đợt chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, đón các nguyên thủ quốc gia G8 vào năm 2006, các di tích lịch sử, bảo tàng được Nhà Nước Nga bỏ tiền tu sửa rất nhiều. Vào một buổi chiều tối chúng tôi đi tàu dọc sông Neva ngắm toàn cảnh thành phố lung linh dưới ánh sáng đủ màu hắt lên mặt nước, đẹp không thua kém bao nhiêu thủ đôParis trên dòng sông Seine.

Chuyến gặp nhau ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi hình ảnh một Nhà Văn rất quý mến, thân thiện, với vóc dáng nhỏ bé, nét mặt khắc khổ, hiền lành, nhận hậu mà can đảm, nhẫn nhịn mà luôn giữ nhân cách trong sáng.

Tôi đã mời và hứa sẽ tìm cách “lo liệu” cho anh sang thăm Ba Lan một chuyến nhưng chưa thực hiện được.

Anh Tấn cho tôi tất cả các thông tin cá nhân của anh ở Hải Phòng: địa chỉ nhà, số điện thoại, email, nhưng từ lúc chia tay anh, tôi không liên lạc với anh. Anh đã trải qua những tháng ngày quá đau khổ, giờ chỉ muốn sống yên tĩnh đến cuối cuộc đời, như một người ở ẩn. Tôi muốn tránh cho anh vì những liên hệ với tôi mà có thể gặp những rắc rối, phiền toái không cần thiết từ phía nhà cầm quyền.

Do vậy, anh không qua Pháp tham dự Festival Livre et Mer và nhận giải thường Henri Queffenlec không biết vì nhà cầm quyền Việt Nam gây khó hay là do sức khoẻ yếu. Năm nay anh 78 tuổi rồi. Hồi qua St. Petersburg anh bị đau khớp chân nặng, nhiều lúc anh phải vịn vai tôi nhích từng bước trong những buổi đi chơi hoặc thăm thú các viện bảo tàng, di tích lịch sử. Ðể kết thúc bài viết, tôi chép lại một đoạn giới thiệu trên bìa cuốn “Biển Và Chim Bói Cá” mà anh đã ký tặng tôi hồi tháng 9/2009 tại St. Petersburg:

“Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu biến động của Lịch Sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của Dân Tộc“.

Vâng, rất nhiều biến cố lịch sử sẽ qua đi, nhạt nhoà, phôi pha theo thời gian. Nếu những người cầm bút không nỗ lực làm việc và tạo ra các tác phẩm có giá trị thì nhiều thế hệ sau sẽ không biết được cha ông đã từng trải qua một quá khứ bi kịch, hãi hùng như thế nào dưới thời cai trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam.”

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn nói đúng:

“Phải trung thực khi cầm bút. Chỉ với sự trung thực, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, thì các tác phẩm tạo ra mới tồn tại và được quý trọng qua mọi thời gian.”

Ngày 9/4/2012

© 2012 Lê Diễn Ðức – RFA Blog

o O o

Mời quý vị đọc một bài viết khác về “Biển và Chim Bói Cá.”

Người viết : Dương Tường

Trong số năm tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn đã viết, “Biển và Chim Bói Cá” là quyển duy nhất đến được với công chúng mà không gặp trục trặc gì. Ba cuốn đầu, hoàn thành trong những năm 1960, bị tịch thu từ lúc còn ở dạng bản thảo, do đó không bao giờ được chào đời. Cuốn thứ tư, “Chuyện kể năm 2000,”tác phẩm đã khiến ông được mệnh danh là Soljenitsyne Việt Nam, bị thu hồi và tiêu hủy một tuần sau khi phát hành.

Biển và Chim Bói Cá” mà một số nhà phê bình văn học chào đón như xuất bản phẩm hay nhất của mùa sách này, là câu chuyện rã đám của một công ty quốc doanh đánh cá biển. Với một cấu trúc dứt khoát phi tuyến tính, không cốt truyện, cũng chẳng có nhân vật chính, cuốn tiểu thuyết 500 trang này bày ra hỗn độn tung tãi những mẩu đời vụn của những người làm công ăn lương cố sống cố chết bám lấy cái xí nghiệp đang ngoi ngóp trong nguy cơ “đắm tầu.” Những câu chuyện kỳ cục khiến ta vừa phì cười vừa muốn khóc

Những con người cùn mằn tội nghiệp – nhân viên văn phòng, cạo giấy, thủy thủ – chạy ngược chạy xuôi đôn đáo, dùng mọi mánh xoay xở thảm hại để kíếm sống qua ngày. Một chồng chất hỗn độn những nhân vật tuy khắc họa sắc nét, thậm chí đôi khi nổi bật như tác phẩm điêu khắc, nhưng hòa trộn thành một khối vô dạng hình qua đó lấp ló sự suy tàn không tránh khỏi của cả một hệ thống.

Một sử thi của tan rã, tôi muốn nói như thế.

Dương Tường. Viết ở Hà Nội.

o O o

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG:

Từ ngày bánh xe tị nạn khấp khểnh sang Kỳ Hoa – năm 1995 – tôi không đọc những truyện dài 500, 600 trang nữa. – Không đọc được hay không muốn đọc cũng là không đọc. Tôi chắc nhiều vị đồng tuổi với tôi – năm nay 2000, Bẩy Bó, Tám Bó tuổi đời – cũng không còn đọc những truyện dài như tôi. Ðêm ở Rừng Phong, tôi nằm đọc lướt qua những trang “Biển và Chim Bói Cá.”

Lâm Ngữ Ðường viết: “Người Tầu nằm đọc tiểu thuyết.” Không là người Tầu, tôi nằm đọc tiểu thuyết từ ngày tôi 10 tuổi.

Tôi không viết bài này như bài phê bình truyện “Biển và Chim Bói Cá.” Tôi thấy những gì ba ông Lê Diễn Ðức, Tây Hà, Dương Tường viết về “Biển và Chim Bói Cá” là đã đủ. Tôi viết bài này để nói đến:

“Tình cảnh thê thảm của những Văn Nghệ Sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà sau năm 1975.”

Bà Nhà Văn Trần Thị Bông Giấy phê:

“Hoàng Hải Thủy: hằn học, ghen tị.”

Tôi không “ghen tị” khi tôi thấy những ông bà Nhà Văn  Việt Nam, từ sau năm 2000, được mời sang những nước Dân Chủ Pháp, Mỹ, các ông bà được chào đón, được rong chơi ở những thủ đô Âu Mỹ. Như Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn. Ông Nhà Văn này đã đến Boston, đã đến Washington D.C.

Tôi không “ghen tị”, tôi “ngậm ngùi.”

Tôi ngậm ngùi thương nhớ Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn chết vì khát và đói ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, tôi ngậm ngùi tưởng nhớ người viết truyện Dương Hùng Cường chết lạnh trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu – DH Cường Dê Húc Càn – chết vì bài “Nếu anh Trương Chi đẹp trai ” gửi sang Paris năm 1982 – tôi ngậm ngùi tưởng nhớ anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết lạnh trong Nhà Tù Chí Hoà, nhớ Cô Em Văn Nghệ Lý Thụy Ý bị án tù 5 năm khổ sai vì bài thơ cô làm trong có 2 câu:

“Tôi kiêu hãnh vì Tôi là Ngụy.”

“Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?”

Tôi ngậm ngùi nhớ Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ. Là văn nghệ sĩ Quốc Gia VNCH Nhà Văn đã phải đi tù khổ sai 5 năm. Năm 1980 trở lại Sài Gòn, ông viết một số bài diễn tả đời sống u ám, tuyệt vọng, oán hận của người dân Sài Gòn. Vì những bài này, gửi từ Sài Gòn ra nước ngoài, ông bị bọn Công An Thành Hồ bắt năm 1984, kết án 8 năm tù khổ sai.

Sau ngày Tượng Lenin, Stalin bị dân Nga kéo đổ, cho ra nằm ở bãi rác, bọn đảng viên Cộng Sản bị dân Lỗ, Tiệp, Balan, bợp tai, đá đít, đuổi đi, bọn Cộng Hà Nội sống sót nhờ bọn Cộng Bắc Kinh giết dân Tầu ở Thiên An Môn, bọn chúng – bọn Cộng Hà Nội – phải nhẹ tay đàn áp nhân dân, chúng nới lỏng những Rọ Mõm Văn Nghệ, chúng để cho một số văn nghệ sĩ đi  ra nước ngoài.

Hai tình cảnh khác hẳn nhau. Hai thời gian cách nhau 20 năm. Những năm 1980 tất cả những văn nghệ sĩ miền Bắc Xà Nghĩa đều bị rọ mõm, nín khe. Họ chỉ dám viết Sự Thật – chút chút, mơn mơn mụn nhọt – sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh của họ “cởi trói” cho họ.

Những văn nghệ sĩ Quốc Gia VNCH bị nhục mạ, bị đàn áp, bị giam tù, bị chết thảm trong tù trong thời gian bọn Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Tố Hữu đang say men chiến thắng, đang hung hãn đặt gông cùm Cộng Sản lên nhân dân cả nước. Ðó là những năm Lê Duẩn huynh hoang sùi bọt mép:

“Chủ nghĩa Mác-Lê nin bách chiến, bách thắng muôn năm.

“Yêu Nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội.

“Toàn dân phấn khởi hồ hởi tiến lên Xã Hội Xã Hội Chủ Nghiã.”

Ðó là thời bọn Cán Cộng nói ra rả trên Ðài, trên báo:

“Ðấu tranh không khoan nhượng với bọn phản động.”

Trong những năm 1980 chỉ cần người văn nghệ sĩ VNCH liên lạc bằng thư với những văn nghệ sĩ VNCH ở Mỹ, Pháp, Úc là đủ để bị chúng bắt giam. Dù những người này không viết gì tố cáo những tội ác của bọn CS, chúng cũng bắt giam họ, chúng làm vậy để chặt chém những mầm chống đối có thể đến. .

Biết thế nhưng ngậm ngùi tôi vẫn ngậm ngùi.

Tim tôi nặng như cục đá khi tôi viết những dòng này:

“Không chỉ những văn nghệ sĩ nước tôi, nước Việt Nam Cộng Hoà nay bị quên lãng, mà hôm nay – Tháng Sáu 2012 – toàn thể Quốc Gia VNCH đã trôi vào Quên Lãng.”

o O o

Biển và Chim Bói Cá ” viết về những người Việt hành nghề đánh bắt cá trên biển. Chuyện không có gì lạ, tình trạng này đã xẩy ra, đã làm sụp đổ dàn máy thống trị của bọn Cộng sản trên thế giới: tầu, xăng dầu, lưới của Nhà Nước, người đánh bắt cá là những công nhân lương tháng; bao nhiêu cá nộp hết vào kho Nhà nước. Tiền lương không đủ sống làm công nhân phải ăn cắp. Là công nhân đánh bắt cá, họ chỉ có thể ăn cắp cá. Cá được bán cho con buôn gần như công khai khi tầu về gần đến bến. Trưởng Tầu phải bán cá lấy tiền chia cho công nhân, tiền nộp cho Giám Ðốc để được làm Trưởng Tầu.

Biển và Chim Bói Cá. Trích:

“Tôi hỏi thật hai ông nhé? Ở dưới tầu thuyền trưởng, máy trưởng có ăn cắp cá không?”

Câu hỏi đánh độp, tung ra bất ngờ. Ông không dùng chữ lấylấy cá, mà ăn cắp, ăn cắp cá. Gọi sự việc đúng tên của nó. Cả hai lặng đi. Lê Mây còn chưa biết trả lời ra sao trước câu hỏi vừa thân mật vừa sỗ sàng, vừa nghiêm túc ấy, Fa Ra Day đang đưa chén rượu lên môi, chợt ngừng lại, nghiêm mặt trả lời:

“Báo cáo thủ trưởng có ăn cắp chứ. Không ăn cắp sống sao được!”

o O o

CTHà Ðông: Công nhân tầu đánh cá ăn cắp cá, thủy thủ tầu đi ngoại quốc chở hàng lậu về nước, bọn công an, hải quan bắt bọn thủy thủ đem hàng ngoại về phải nộp tiền.

Biển và Chim Bói Cá. Trích:

Lập vẫn đầy ấn tượng về cách quản lý của các xếp hải quan, xuýt xoa:

“Khoán gọn. Hay. Công nhận.”

Ðay bảo:

“Khoán gọn là không chạy đi đâu được với xếp. Vì thế chúng nó rất dễ tính, để anh em mang hàng lên nhiều. Càng mang lên nhiều, càng thu nhập nhiều. Mô nô hai mươi nghìn. Xít te bốn mươi nghìn. Ti vi tám mươi nghìn. Ðầu vi đê ô một trăm nghìn. Hoa nhỏ thì một bánh xà phòng cộng một bao thuốc hay một lọ dầu xanh cộng một lọ dầu gội đầu. Mà làm rất thô. Ði qua chỗ chúng nó gác cứ tự giác bỏ vào túi du lịch của chúng nó mở toang hay để ngay bên.

“Lập vẫn gật gù khen khoán gọn, hay, Ðay bảo:

“Ngày hải quan còn chia ca kíp gác, đến tối chúng nó chia nhau ở câu lạc bộ mới buồn cười. Anh nọ bảo anh kia thăn thiến, suýt đánh nhau. Chúng tớ đi qua vẫn đù mẹ, đù cha chẳng ý tứ gì.”

o O o

CT Hà Ðông: Ðọc “Viết về bè bạn” của Bùi Ngọc Tấn, tôi khó chịu khi thấy nhiều đoạn có những tiếng “Ngụy, Ngụy quân đầu hàng.” “Biển và Chim Bói Cá” còn làm tôi khó chịu hơn.

Biển và Chim Bói Ca. Trích:

Xác lính ta, lính ngụy chết thối rừng. Những đoàn lính ngụy bị bắt làm tù binh mới tiều tụy làm sao. Quần áo tả tơi. Ống quần cắt cụt, xẻ toang tới đũng để vừa đi vừa đái, bởi trong khi đang áp giải trên đường thì không một tù binh nào có thể dừng lại.”

“Anh bao nhiêu tuổi? “

“Dạ con năm mươi hai.”

“Sao già thế còn đi lính cho nó?”

“Dạ con trốn nhưng không được. Con đâu có ủng hộ chính phủ Thiệu.”

Vưà lúc ấy một chiếc máy bay bay qua, người lính Sài Gòn kêu lớn:

“Máy bay ông Thiệu đấy!”

Và biết mình lỡ lời, anh ta hét lên:

“Máy bay thằng Thiệu đấy.”

Rồt hát rất đúng điệu, rất hùng hồn:

“Thề cứu lấy nước nhà
Thề hy sinh đến cùng
Việt Nam anh dũng xông tới
Việt Nam đã đến rồi..”

Ngưng trích “Biển và Chim Bói Cá.”

CTHÐ: Người lính Sài Gòn – Lính Quốc Gia VNCH – bị bắt làm tù binh, năm mươi hai tuổi, xưng “con” với lính Bắc Cộng, một tên bằng tuổi con của ông.

Tội nghiệp Người Lính Quân Ðội Nước Tôi. Tôi tội nghiệp cho cả tôi nữa. Không biết những ông người Việt ở Virginia mời Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn từ Boston xuống chơi Washington D.C, đãi đằng chu đáo, hào phóng, văn nhã, lịch thiệp  – Trong số người chào đón, nghe nói, có vài ông Cựu sĩ quan Quân Ðội Quốc Gia VNCH – có ông nào thấy tê tê trên mặt vì đoạn chuyện trên đây không?

Tôi thấy tôi Nhục.

7 Responses

  1. bác Hoàng = Khuất Nguyên.
    Khắp mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch la…

  2. 25/6/2012

    Tôi lại thấy kiêu hãnh hơn bao giờ hết, chứ không như CTHĐ. Đúng như nhà văn Lý thụy Ý đã nói, chính Miền Nam Cộng Hòa của chúng ta đã giải phóng miền Bắc lạc hậu, chứ không bỗng dưng phải “đổi mới” theo đuôi Kinh tế thị trường. Bọn bắc cộng, nó nhục lắm chứ, nó đau lắm chứ, nhưng là cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, nó đâu chịu hạ mình mà nhận đã thua Miền Nam, cả một hệ thống tư tưởng xhcn bị sụp đổ mà, đau như hoạn đấy chứ, Khi Đông Âu và Liên bang Xô Viết tan rã, trong thâm tâm chúng thấy không xong rồi, cái màn lường gạt người dân lộ tẩy rồi. Tất cả người dân miền bắc đều rõ hết, nhưng đã sống quen đóng kịch với nhau quá lâu rồi, thì thôi nương tựa nhau sống cho qua ngày, chứ Miền Bắc vẫn nhìn về Miền Nam như miền đất khác lạ như muôn thưở, đừng có mà mơ là một nhà. Nay mà có biến cố xảy ra, Trung quốc sẽ lấy cớ bảo vệ kiều dân khai thác mỏ ở Tây Nguyên mà mang quân vào ngay ( Như vụ Nga xô vao Hung gia Lợi 1956 vậy ). Thành ra tất cả cái trò văn nghệ văn gừng cởi trói hiên nay hay là đối kháng thì thầm chút đỉnh củng chỉ tỏ rõ hèn nhat khiếp nhược của đám văn nghệ sỉ quốc doanh, làm sao so sánh đươc với khí phách đảm lược của Văn Nghệ Sĩ VNCH dám nói thẳng nói thật dù đang trong gông cùm cộng sản. Cuối cùng chúng ta, VNCH vẫn là người chiến thắng, tụi bắc công đau lắm, chúng nó biết VNCH vẫn khinh thường chúng ( Miền Nam đã dậy Miền Bắc sống thế nào là văn minh con người) dù chúng nó nay có quyền và tiền, Tôi biết.

  3. nói cho cùng bọn bắc cộng dù có bày trò ‘phản tỉnh’ này nọ gì đi nửa thì tới chết cái mồm chúng nó vẫn thối mùi bắc cộng. chánh hay ngụy chẳng qua chỉ là danh xưng. còn ai chánh ai tà dân thấy rất rỏ. chỉ có mấy tay dư cơm rửng mỡ mới bày trò chiêu đãi mấy thằng văn nô cộng để hít bã của chúng.

  4. Thưa bác HHT ,bác cần thêm vào chi tiết mới nhất ,khi hỏi một bác sĩ VC ,nói về những bao thư “lót tay” :không nhận những bao thư này thì chúng tôi chết đói.Không ăn cắp sống sao được. Thật là não nề.Hai tiếng ngậm ngùi của bác đã làm rơi lệ nhiều người .Cám ơn lòng khí khái ,thủy chung của một người quốc gia chân chính.

  5. cảm ơn bas Thiên Nga đọc bài của bác thấm thía vô cùng ,đúng vậy bác ạ tui bắc cộng dù sao đi nữa vẫn bị mặc cảm ngu dốt,mà bọn chúng ngu tiet bác ơi,khôn nhà dại chợ,cũng chỉ vì hèn mà đi làm tay sai cho tàu cộng

  6. Tôi – CTHà Ðông –  viết rõ như thế vì từ lâu – từ năm 1954 –  tôi vẫn coi trên cõi đời này có hai Nước Việt: Nước Việt Nam Cộng Hoà và Nước Bắc Việt Cộng Sản. Từ lâu, và trọn đời tôi, tôi coi như thế.=======> Chan ly !!!

  7. Tôi không cảm thấy có gì là nhục nhã khi bị gọi là ngụy cả, mà chỉ cảm thấy khinh thường bọn bắc cộng/đảng CS VN khi họ cảm thấy hãnh diện và tự hào về những hành vi và ngôn từ vô giáo dục !

Leave a comment