• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

AO THẢ VỊT 2013

Toà báo Sống bị một nhóm người biểu tình phá, đốt năm 1966.

Toà báo Sống bị một nhóm người biểu tình phá, đốt năm 1966.

Sáng đầu mùa thu, mưa thu trên Rừng Phong. Trên Internet thấy chuyện Naked Streaking như sau:

Chủ nhật Tháng 10, ngày 6, 2013, cô Kimberley Webster, 23 tuổi, làm cuộc “Chạy Truồng” qua sân Golf đang giờ đánh Gôn ở thành phố Dublin, Ohio. Bản tin trên Internet có ảnh cô Webster chạy qua sân Golf với quốc kỳ Mỹ bay trên đầu. Cô Webster kể:

Cô Kimberley  Webster “Chạy truồng” Tháng 10, 2013 ở Ohio, Hoa Kỳ.

Cô Kimberley Webster “Chạy truồng” Tháng 10, 2013 ở Ohio, Hoa Kỳ.

“Hôm trước tôi và mấy người bạn tôi nói chơi về chuyện lâu lắm không có cuộc “Chạy truồng” nào. Một người bạn tôi nói: “You làm đi.” Về nhà, tôi tra kiểm trên Internet thấy mấy cuộc Streaking ở Mỹ đều do đàn ông thực hiện. Tôi nghĩ cần có một cuộc Streaking phụ nữ để gọi là thay đổi không khí. Tôi bèn thực hiện ý định. Và tôi đã hoàn thành niệm vụ.”

Cô Webster dùng tiếng “Mission accomplished.”  Như tiếng TT Bush đã dùng ngày nào khi ông cho quân Mỹ đánh vào Irak.  Gần như trần truồng chăm phần chăm, hai tay cầm quốc kỳ dương trên đầu, cô Webster chạy đẹp qua sân golf. Cô kể cô chạy qua sân golf rồi cô mới bị cảnh sát bắt. Cô không bị cảnh sát còng tay. Vì cô trần truồng nên cảnh sát cho cô mặc cái áo đặc biệt của cảnh sát dùng để giữ chặït hai tay của những người điên lên cơn hung dữ. Cô bị đưa thẳng đến Toà án Dublin. Tại toà án cô bị kết tội “có hành đông gây rối: – Disorderly conduct – “Cô nói:

And I walked away with $100.”

“Tôi ra khỏi toà với 100 dô-la. “

Như vậy phải chăng là cô bị phạt tiền, cô không bị đưa ra toà vì tội chạy truồng nơi công chúng, cái tội mà Pháp Luật Quốc Gia VNCH gọi là “tội công súc tu sỉ.” Năm xưa ông Vũ Văn Mẫu dịch câu “cơng súc tu sỉ” từ tiếng Pháp “attentat à la pudeur publique.”

Cô Webster nói cô chỉ tiếc cô bị mất lá quốc kỳ khi cảnh sát tóm cô.

Cuộc Chạy Truồng của cô người Mỹ làm tôi nhớ  một Cuộc Chạy Truồng năm xưa ở Sài Gòn. Năm xưa đây là những năm 1966, 1967.

Cuộc Chạy Truồng ở Sài Gòn Xưa do ông Chu Tử, Chủ nhiệm Nhật báo Sống tổ chức.

Tôi, Công Tử Hà Ðông, đã nhiều lần viết về Nhà Văn — Nhà Báo Chu Tử  Chu Văn Bình. Bài viết dưới đây  tôi viết Tháng Tư 2009, có thể là bài cuối cùng tôi viết về Nhà Báo Chu Tử.

“Tôi không là nhân viên Tòa soạn Nhật Báo Sống, tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông “Người Yêu, Người Giết” cho Nhật báo Sống trong thời gian Nhật báo Sống có nhiều người đọc nhất, khoảng những năm 1967, 1970. Năm 1965, 1966 quân Mỹ ồ ạt kéo vào Việt Nam. Cùng trong một ngày 3 vụ ám sát chính trị xẩy ra trong thủ đô Sài Gòn:

  1. Lúc 8 giờ sáng, Chủ nhiệm Nhật Báo Sống Chu Tử, từ nhà riêng trong Cư Xá Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe ô tô để đến tòa báo đường Gia Long. Bọn ám sát chờ sẵn trước cửa nhà ông, bắn ông nhiều phát đạn qua cửa kính sau xe ô tô của ông. Chủ Nhiệäm Nhật Báo Sống bị trúng đạn vào ót, tiếng Bắc là gáy, đạn xuyên từ sau cổ ông sang miệng ông. Nhưng ông không chết.
  2. Lúc 1 giờ trưa cùng ngày, Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Nhật Báo Chính Luận, từ tòa báo đuờng Võ Tánh về nhà riêng trong Cư Xá Nguyễn Tri Phương. Bọn ám sát bắn ông khi ông ra khỏi xe. Ông chết ngay tại chỗ.
  3. Cùng ngày, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Giáo, bị đặt mìn dưới xe, hay trong  xe ô tô. Mìn nổ, Thượng Tọa chỉ bị thương nhẹ. Có thể thế lực nào đó chỉ muốn cảnh cáo mà không muốn làm TT. Thiện Minh thiệt mạng.

Sau khi ông Chủ Báo bị bắn, bị thương nặng, nhưng không chết, nhật báo Sống có nhiều người đọc, người mua, trở thành một trong mấy tờ nhật báo nhiều người đọc, có thế lực nhất làng báo Việt Nam thời ấy. Trong một bài Ao Thả Vịt, ông Chu Tử, với bút hiệu Kha Trấn Ác, viết về vụ ông bị bắn và vị Thượng Tọa bị đánh mìn:

“Có người bạn vừa gửi cho ATV câu đối:

Chu Bình sứt miệng bình,
Thượng Toạ mẻ bàn toạ.

Cái miệng của ATV được ví với bàn toạ của Thượng Toạ là một vinh hạnh cho ATV.”

Từ khi ngồi sau xe Lambretta do Minh Vồ chạy, bị xe taxi đụng gẫy cổ chân phải, đi khập khiễng, ông Chu Tử lấy bút hiệu Kha Trấn Ác ký mục Ao Thả Vịt trên nhật báo Sống. Nhưng ông vẫn tự xưng là ATV trong bài viết.

Năm 1967 tôi viết truyện Người Yêu, Người Giết trên nhật báo Sống, phóng tác truyện La Seconde Souffle của José Giovanni, tiểu thuyết gia người Ý. Tháng thứ nhất tôi đến tòa soạn lấy tiền nhuận bút. Sau khi bị bắn, tay anh Chu Tử run, chữ anh viết thật lớn, anh viết bằng bút Bic trên trang sau của tờ tin Việt Tấn Xã, chỉ ba, bốn hàng chữ, mỗi hàng ba, bốn chữ là kín một trang. Tôi đến trước bàn anh:

– Anh cho tôi tiền tiểu thuyết.

Ngưng viết, anh hỏi tôi:

– Anh muốn lấy bao nhiêu?

Câu hỏi của anh làm tôi sững lại. Viết phơi-ơ-tơng từ năm 1956, tới lúc đó là 10 năm, chưa ông bà chủ báo nào hỏi tôi một câu như thế. “Muốn lấy bao nhiêu tiền?” Tôi ngần ngừ. Nói ra con số sợ quá nhiều, không được chi thì ngượng, mà nói ít thì tiếc. Thấy tôi ngần ngừ, anh Chu Tử nói:

– Anh muốn lấy bao nhiêu anh cứ nói. Báo tôi bây giờ khá rồi.

Tơi nói:

– Nếu anh nói thế, anh cho tôi mỗi tháng 20 ngàn.

Anh viết ngay xuống trang giấy Việt Tấn Xã:

“Ðưa anh HH Thủy mỗi tháng 20 ngàn.”

Quản lý báo Sống là ông Cao Ðắc Tín, các ký giả báo Sống gọi ông là ông Cao Hắc Ín vì nước da của ông, người giữ két báo Sống là Ðông, vì trẻ tuổi và nhỏ con nên được anh em thân mật gọi là Ðông Con. Trong 2 năm cuối của báo Sống, ông Cao Ðắc Tín nghỉ hưu, người quản lý mới, và cuối cùng của báo Sống là Vũ Ðạo Doanh. Vượt biên sang Mỹ khoảng năm 1980, Vũ Ðạo Doanh đã trăm năm hồng lệ ở Houston.

Ðưa tờ giấy VTX có chữ viết của ông Chủ Báo Sống Chu Tử cho Ðông Con là tôi có ngay 20 ngàn đồng. Tôi đưa nguyên 20.000 đồng bạc VNCH tiền nhuận bút Người Yêu, Người Giết tháng thứ nhất ấy cho Alice. Nàng đi mua cái máy may Sinco mới tinh ở nhà đại lý Sinco đường Trần Hưng Ðạo. Ðặt mua máy may Sinco giá năm ấy là 17.000 đồng, 3 tháng sau có máy; muốn lấy máy ngay thì sang cửa hàng bên cạnh, có máy sẵn, giá 19.000 đồng. Alice chi ngay 19.000 đồng, đưa máy lên xích-lô về nhà. Máy may Sinco mua năm 1967, được dùng cẩn thận, giữ kỹ nên đến năm 1975 còn gần như mới nguyên.

Sau 5 năm đồng bạc Quốc Gia bị lạm phát với tốc độ không phải là “phi mã” mà là “phi long,” năm 1972 giá một máy may Sinco là 100.000 đồng, tiền nhuận bút phơi-ơ-tông của tôi mỗi tháng cao nhất vẫn là 20.000 đồng, có báo chỉ trả 10.000 đồng một tháng.

Năm 1966, 1967 — trước Tết Mậu Thân — là những năm nhật báo Sống bán chạy nhất. Báo Sống năm 1967 có Kha Trấn Ác — bút hiệu của anh Chu Tử — viết Ao Thả Vịt, anh Nguyễn Mạnh Côn viết “Tuyên Ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng,” Tú Kếu giữ mục Thơ Ðen, anh Anh Hợp viết tiểu thuyết “Cõi Chết,” Nguyễn Thụy Long viết “Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Ðen”, anh Hoàng Ly viết “Giặc Cái,” anh Bùi Giáng viết một tiểu thuyết võ hiệp tôi không nhớ tên, và tôi viết truyện “Người Yêu, Người Giết.” Ðằng Giao làm thư ký tòa soạn. Phóng viên Nhật Báo Sống có Trần Tử, Anh Quân.

Tác giả Bùi Giáng viết phơi-ơ-tông mà người đọc không ai hiểu anh viết gì cả, anh cho nhân vật, nhất là nhân vật nữ, trong truyện của anh, luôn miệng nói hai tiếng  “liên tồn, tồn liên.” Như:

“Nàng thu bảo kiếm, chắp tay, hé miệng anh đào, nói:

– Ða tạ đại hiệp đã có dạ liên tồn.”

Hoặc:

– Ơn tồn liên ấy thiếp không bao giờ quên..”

Hay

“Chàng nhớ mãi nụ cười liên tồn của nàng.”

Chủ nhiệm Nhật báo Sống tất nhiên cũng rất muốn báo mình có trang Rao Vặt như báo Chính Luận, nhưng anh không sao có được, Rao Vặt của Sống chỉ èo uột không đầy nửa trang báo, mà đa phần lại không đúng là Rao Vặt. Cho đến một ngày chúng tôi thấy xuất hiện trong mục Rao Vặt của Sống một mẩu nhắn tin khá đặc biệt mà chúng tơi gọi là tin “Tý Con Em.”

“Tý Con Em: Nửa tháng không thấy nhau, ra vào thấy gối giường, quần áo, rơi lệ, TRẤU CẮN, BUỒN chịu vậy, biết nói cùng ai. TƠ DUYÊN sao đứt. Em đừng tin lời NGƯỜI TA. HAI hay BA cũng xấu. Rắn HỔ MANG. Miệng lằn, lưỡi mối. Em hết giận hờn không lâu. HIỂU LẦM. THƯƠNG QUÍ nhau hơn. Chồng Em mong Em về. Thương Em.”

Anh chồng Tý Con cứ đăng nhắn tin lẩm cẩm như thế trong mục Rao Vặt báo Sống, ba bốn ngày thay một bản tin, dài dài đến bốn, năm tháng. Mỗi lần đến tòa soạn Sống đưa bài, lấy tờ báo qua ngồi đọc ở xe cà phe bên kia đường, tôi thường hỏi các bạn:

– Tý Con Em có gì mới không?

Có hôm tôi nghe nói anh Chu Tử vừa bị An Ninh Quân Ðội hỏi thăm về chuyện Tý Con. Số là báo Sống đăng bản nhắn tin:

TÝ CON EM

Cần gặp em thanh toán mấy việc. Công nợ phải trả. Ðừng để MANG TIẾNG. Hãy xứng đáng con nhà GIA GIÁO, LƯƠNG THIỆN. TRỐN TRÁNH không đi đến đâu. Hẹn gặp Thứ Bẩy ở nhà bác Tư Cao, ấp Trung Mỹ Tây. Ðừng sai hẹn. Nhớ đem Sổ Gia Ðình trả cho người ta. Chồng Em.”

Năm ấy là năm trước Tết Mậu Thân, VC hay đánh mìn những bin-đinh Mỹ. Vài ngày sau ngày báo Sống đăng tin anh chồng Tý Con hẹn gặp Tý Con ở ấp Trung Mỹ Tây, một bin-đinh Mỹ ở Sài Gòn bị đánh bom, An Ninh Quân Ðội nghi bản nhắn tin “Tý Con Em”trên báo Sống có thể là tin của đặc công VC nhắn nhau đi đánh bom bin-đinh Mỹ nên hỏi Chủ nhiệm Sống.

Ngày tháng qua đi, một sáng ở xe cà phê trước tòa soạn báo Sống, trên báo Sống tôi đọc thấy:

“Trả lời: Ðừng đăng báo vô ích. Tôi khơng bao giờ trở về. Tôi trả hết nợ rồi. Sổ gia đình để ở nhà bác Cả Bi. Ðịnh mệnh đã an bài. Vĩnh biệt. TÝ CON.”

Tôi kêu lên với Nguyễn Thụy Long:

– Ê.. Tý Con trả lời này.. Nhất định không về. Cắt đứt luôn.. Ðịnh mệnh đã an bài. Vĩnh biệt!

Và thế là hết. Thư trả lời ngắn gọn của Tý Con chấm dứt cuộc tình “Rao Vặt Tý Con Em” trên báo Sống. Từ đó anh chồng Tý Con ngưng không nhắn tin cà kê dê ngỗng mong Tý Con trở về nữa. Anh im luôn. Ðúng là vĩnh viễn. Tôi nhớ mãi chuyện Tý Con, tôi cảm khái vì “Cuộc Tình Tý Con Em.” Tôi dùng câu “Ðịnh mệnh đã an bài” làm tên một tiểu thuyết phóng tác của tôi .“

Các anh tôi vừa kể trên đây: Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Cao Ðắc Tín, Vũ Ðạo Doanh, Bùi Giáng, Hoàng Ly, Anh Hợp, Duyên Anh, Minh Vồ, Anh Quân, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Ðông Con, Trần Tử, Anh Quân nay đều không còn ở cõi đời này.

Năm 1969, hay năm 1970, tôii không nhớ đúng, chỉ nhớ là sau Tết Mậu Thân, báo Sống đang sống mạnh, sống vui thì bị chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đóng cưả. Nguyên nhân: báo Sống làm một phóng sự về Căn Cứ Quân Sự Mỹ ở Cam Ranh. Bán đảo Cam Ranh, giải đất nhô ra biển, được VNCH nhượng cho người Mỹ làm căn cứ quân sự. Người Mỹ xây lên trên giải đất này một bến tầu biển, một phi trường phi cơ phản lực. Tầu biển Mỹ, phi cơ Mỹ đến đi, xuống lên căn cứ này không phải xin phép cũng không phải báo cho chính quyền Việt Nam biết, giải đất bán đảo này thời gian ấy gần như một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Ban đêm căn cứ đèn điện sáng choang, phi cơ phản lực quân sự Mỹ trắng như bằng bạc, sáng đèn cả trăm cửa sổ, lên xuống như cảnh phi trường bên Mỹ. Thường dân Việt, kể cả viên chức chính quyền Việt, không được vào căn cứ. Có chuyện rắc rối không ai ngờ là Căn Cứ US Cam Ranh không “cắm dzùi” trọn bán đảo, còn một khoảnh đất ở đầu bán đảo phiá ngoài biển ở ngoài hàng rào căn cứ. Một số dân nghèo Viêt dựng lều trên khoảnh đất ấy, họ sống với việc bán “Sì ke” cho lính Mỹ. Đôi bên mua bán qua hàng rào dây thép gai. Quân Cảnh Mỹ trong căn cứ đến đuổi và phá mấy túp lều của dân Việt. Nhật báo Sống làm lớn vụ này, cáo buộc đây là “hành động quân Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”

Phóng sự của báo Sống bị kết tội “gây chia rẽ giữa Việt Nam và quân đội Ðồng Minh.” Nhật báo Sống bị thu hồi giấy phép. Nguyên nhân chìm của vụ này là Chủ nhiệm báo Sống Chu Tử bị nhiều người trong phe Phó Tổng Thống Trần Văn Hương thù ghét, họ chờ dịp đập cho báo Sống chết luôn, họ làm mọi cách cho Nhà Văn Chu Tử hết còn được làm chủ báo. Ông Trần Văn Hương còn là Phó Tổng Thống VNCH, ông Chu Tử còn không được làm chủ báo.

Nhật báo Sống một chết là chết luôn. Năm 1972 tôi đọc trên Tạp Chí Playboy bài phỏng vấn một Ðại Tá Mỹ từng tham chiến ở ViệtNam. Ðại Tá này – về hưu, sống ở Mỹ – phản đối một số việc làm ông cho là phạm pháp của chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trong số có việc nặng nhất là cho CIA tổ chức những vụ ám sát nhân sĩ Việt Quốc Gia và đổ cho là doViệt Cộng giết. Ðại Tá giải ngũ, về Mỹ, nạp đơn kiện chính phủ Mỹ. Ông nói  trong cuộc phỏng vấn của Playboy:

– Tôi không bày đặt kiện cáo để lấy tiếng. Là quân nhân, tôi bắn đối thủ trên chiến trường nhưng tôi không thể làm việc ám sát. Bọn CIA không có chức vụ gì chính thức, với những cái tên dzởm Bob, Ted, chúng có quyền chỉ huy sĩ quan chúng tôi. Tôi phản đối chúng thực hiện những vụ ám sát các nhân sĩ, tu sĩ Việt Nam, giết người giữa đường rồi để bản án Tử Hình của Việt Cộng lại bên xác chết, đổ lỗi giết người cho Việt Cộng, để dân Việt căm thù Việt Cộng.

Ông Ðại Tá Mỹ nói về Ngoại Trưởng Henry Kissinger:

– Anh chàng đó là thứ người gì mà có nhiều quyền và được tâng bốc đến như thế? Tôi chắc hồi hắn đi học, có ai lấy cái xe máy của hắn, hắn cũng đứng im, không dám nói gì cả.

Tôi kể với anh Chu Tử về những lời ông Ðại Tá Mỹ nói trong Tạp Chí Playboy, có thể anh cũng nghĩ như tôi là vụ bắn anh, bắn Từ Chung, gài mìn xe của Thuợng Toạ Thích Thiện Minh, là do CIA gây ra, để dư luận dân Việt Nam quên đi việc lính Mỹ đang ào ạt kéo vào Việt Nam lúc ấy. Tôi hỏi anh:

– Cho đến bây giờ anh có biết ai bắn anh không?

Anh trả lời:

– Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết ai bắn tôi.

Trên “Ao Thả Vịt” Nhật báo Sống 50 năm trước, Chủ nhiệm Chu Tử loan báo Nhật báo Sống sẽ trao giải 100.000 đồng cho ai đối được câu đối:

“Bố cạn tiền rồi, anh cán bộ.”

Cho đến nay chưa có ai đối được câu đối trên đây.

o O o

Tôi kể cuộc Chạy Truồng của cô Mỹ Kimberley Webster, vụ Chủ Nhiệm Nhật báo Sống Chu Tử bị bắn để kể chuyện này:

Khoảng năm 1960 không biết ai là người thứ nhất bầy ra trò Naked Streaking trên thế giới; người Mỹ hay người Pháp, người Anh, người Ý, người Ðức là người đầu tiên “chạy truồng” nơi công chúng. Thường là một, có khi hai người, một nam, một nữ, bỏ hết quần áo, chạy qua một khu phố, hay chạy qua sân đá banh, sân tennis. Họ chỉ chạy chơi thế thôi. Và thường là họ chỉ bị phạt tiền.

Một sáng – năm 1966 hay năm 1967 – tôi đọc mục Ao Thả Vịt trên Nhật báo Sống – ATV Sống do Chủ báo Chu Tử viết :

“Ðể hưởng ứng phong trào Chạy Truồng trên thế giới. Sài Gòn cũng có cuộc Chạy Truồng. ATV tiết lộ: Lúc 10 giờ sáng chủ nhật.. ..sẽ có cuộc Chạy Truồng được thực hiện ở Sài Gòn. Người Chạy Truồng gồm Nữ Minh Tinh Thẩm Thúy Hằng, Nữ Dân Biểu Kiều Mộng Thu và ATV. Cuộc Chạy sẽ diễn ra vào giờ nói trên từ cổng Sở Thú đến cổng Dinh Ðộc Lập, hay từ cửa chợ Bến Thành đến cửa Nhà Quốc Hội, đường Tự Do. Ban Tổ Chức phải chọn 2 đường có thể chạy để tránh sự ngăn chặn của cảnh sát.”

Bài Ao Thả Vịt năm xưa còn nhiều chuyện, CTHÐ chỉ nhớ có từng ấy. Ðó là chuyện Ao Thả Vịt Việt Nam hay nhất, đúng chuyện Vịt nhất, có duyên nhất tôi được đọc trong đời tôi.

Năm mươi năm!!

Tưởng như mới sáng hôm qua.

Cảm khái cách gì!

8 Responses

  1. bác Hoàng ơi,
    Năm mươi năm!!

    Tưởng như mới sáng hôm qua.

    Cảm khái cách gì!

    đọc bài này em cũng chợt thấy …cảm khái cách gì … nên lật đật viết mấy giòng … bốc thơm Bác …Ngày ấy em mới là một cậu học trò nhỏ lớp Đệ Ngũ Đệ Tứ gì đó, em cũng được đọc báo Sống vì Ba em thích Chu Tử … em còn nhớ báo Sống hình như số ra mắt có 1 hình vẽ hí họa lớn gần nguyên một trang đầu, có một câu” con cá sống nhờ nước, con báo sống nhờ … rồi có một số báo đăng bài tường thuật buổi trao trả Việt cộng về miền Bắc bằng cách … thả dù, có mụ thân cộng nào đó (em không nhớ rõ, không biết có phải bà Ngô Bá T không) lo lắng hỏi: không biết nhẩy dù có nguy hiểm không? Bác Chu Tử trả lời: không nguy hiểm đâu, nhảy dù sướng lắm đấy … mụ này lườm Bác Chu và hỏi người khác: báo nào đấy? có người trả lời: tác giả “Yêu” đấy. – “Yêu” gì mà đểu thế … nói thật lúc đó em còn … ngây thơ quá nên chưa hiểu hết ý nghĩa … em còn nhớ ATV có kể chuyện phở 79, vì tòa báo hình như ở gần đó nên thấy cảnh một quan ông quan bà và các công tử tiểu thư đi ăn phở nhưng có một tài lọt chạy vào tiệm phở trước mang theo khăn trải bàn và tô, đũa muỗng riêng … còn nhiều nhiều chuyện khác mà năm mươi năm qua rồi em không nhớ nổi …

    Thêm một chuyện cần phải khen Bác Hoàng lần nữa (khen Phò Mã tốt áo), bác Hoàng có biệt tài kể đi kể lại một chuyện nhiều lần mà đọc vẫn thấy hấp dẫn, về phương diện này có lẽ chỉ có … Kim Dung có thể tạm sánh được, nhưng Bác Hoàng kể lại chuyện cũ 100%, Kim Dung chỉ có thể kể những chuyện tương tự, những con tương cận, em chợt nhớ ngày học lớp Đệ Lục có bài học Vạn vật về con mèo, ông thầy đọc: những con tương cận với con mèo là con báo, con hổ, chấm chấm xuống hàng … nhưng ông thầy là người miền trung giọng hơi nặng nên cả lớp viết thành … con hổ chầm chậm xuống hang …

  2. […] – AO THẢ VỊT 2013 (Hoàng Hải Thủy). […]

  3. […] – AO THẢ VỊT 2013 (Hoàng Hải Thủy). […]

  4. […] Buôn Gió). – Trần Trung Đạo: Bàn về tẩy não (DLB). – Chuyện Satan (DLB). – AO THẢ VỊT 2013 (Hoàng Hải Thủy). – Những cái “quẫy đuôi”. (Phi Vũ). – Nhân nghĩa đạo […]

  5. […] Trung Cộng và Đài Loan: cá mè một lứa. -(Phi Vũ)   —Những cái “quẫy đuôi”. –(Phi Vũ)   —-AO THẢ VỊT 2013  – (Hoàng hải Thủy) […]

  6. […] Trung Cộng và Đài Loan: cá mè một lứa. -(Phi Vũ)   —Những cái “quẫy đuôi”. –(Phi Vũ)   —-AO THẢ VỊT 2013  – (Hoàng hải Thủy) […]

  7. Bác Bắc Thần ơi,sao trang Ý Kiến Ý Cò lại :”There are no public comment…”Bác có thể coi xem có vấn đề gì không?

  8. Nguyễn Đình Đông tức Đông con để phân biệt với ông
    Nguyễn Hữu Đông to hơn.Cả 2 đều là người cùng làng
    HN.với tôi ở Quảng Bình.

Leave a comment