• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

ĐỨC MẸ LA VANG

Tượng Đức Mẹ La Vang ở Maryland, Hoa Kỳ.

Tượng Đức Mẹ La Vang ở Maryland, Hoa Kỳ.

Năm 1955 – sau Ngày Đất Nước Việt chia đôi – Sài Gòn có hai nhật báo của dân Bắc Kỳ di cư: Nhật báo Tự Do và nhật báo Ngôn Luận.

Nhật báo Ngôn Luận do Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng làm chủ nhiệm. Thời gian đầu Ngôn Luận có chủ bút là Hà Đức Minh. Khoảng năm 1960 Hồ Anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Ông Hà Đức Minh từ trần ở Canada khoảng năm 2000.

Tôi viết phóng sự, tiểu thuyết cho Ngôn Luận trong nhiều năm nhưng tôi mù tịt về việc thế lực chính trị nào yểm trợ cho Hồ Anh ra nhật báo, Hồ Anh lấy tiền đâu mà mở nhật báo, tuần báo, lập nhà in riêng ở đường Lê Lai, Sài Gòn. Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong sống vững trong nhiều năm. Tôi thấy Hồ Anh hoàn toàn làm chủ nhật báo Ngôn Luận. Trong lúc nhật báo Tự Do là của chính quyền, mấy lần phải tạm ngưng ra báo để thay đổi nhân viên, nhật báo Ngôn Luận trong bao nhiêu năm chỉ có Hồ Anh làm chủ. Từ ngày ra đời cho đến ngày bị cái gọi là chính phủ quân nhân bức tử – nôm na là xiết cổ, cắt tiết – Ngôn Luận không tự đình bản để chấn chỉnh nội bộ lần nào. Ngôn Luận  với báo Sàigònmới, báo Đồng Nai cùng bị Đỗ Mậu bóp chết trong một ngày vì tội “cấu kết với nhà Ngô.”

Tượng  Đức Mẹ MARIA ở Nhà Thờ La Vang, Quảng Trị. Ảnh năm 2000.

Tượng Đức Mẹ MARIA ở Nhà Thờ La Vang, Quảng Trị. Ảnh năm 2000.

Có hai ông ký giả đã làm nhân viên tòa soạn nhật báo ở Hà Nội trước năm 1954 ở trong tòa soạn nhật báo Ngôn Luận từ Ngôn Luận Số 1. Hai ông Thái Lân, ông Thái Linh. Hai ông cùng Thái, hai ông cùng là ký giả Hà Nội di cư, hai ông cùng làm nhân viên nhật báo Ngôn Luận từ số đầu, rồi nhật báo Chính Luận, dzài dzài, liên tiếp từ năm 1955 đến Tháng Tư năm 1975. Hai ông cùng chạy thoát khỏi Sài Gòn trước Ngày Thổ Tả 30 Tháng Tư Đen Hơn Mõm Chó, hai ông cùng đến Kỳ Hoa Đất Trích. Nhưng hai ông Thái này có hai cuộc sống ở xứ Mỹ  khác hẳn nhau. Khi tôi – CTHĐ – tới Kỳ Hoa năm 1995 ông bạn đưa vợ chồng tôi đến thăm ông Thái Linh trong một Nursing Home ở thành phố Falls Church nơi chúng tôi đến ngụ. Ông Thái Linh bị bại liệt nửa người đã 10 năm. Sau  20 năm không gặp nhau, ông vẫn nhận ngay ra tôi khi tôi vào phòng ông. Hai tay ông còn viết được, bên giường ông có cái TiVi. Ông mở xem chương trình I love Lucy – nữ diễn viến Lucille Ball – ông nói:

“Tôi thích xem loại phim đàng hoàng này.”

Ông Thái Linh trăm năm hồng lệ khoảng năm 1998. Ông Thái Lân sống bình an, khoẻ mạnh ở Cali. Năm nay – 2013 – ít lắm ông Thái Lân cũng Tám Bó lẻ Năm, Sáu Que. Ông là ký giả thâm niên, cao tuổi nhất trong số loe ngoe vài ông ký giả Ngôn Luận, Chính Luận còn sống: Ký giả Hồng Dương bị Azheimer ở Santa Ana, ký giả Tô Ngọc ở  Sacramento, ký giả Thanh Thương Hoàng ở San José. Ngôn Luận, Chính Luận còn ký giả Vân Sơn ở Sài Gòn. Ngày tôi đi khỏi Sài Gòn năm 1995 Vân Sơn sống với tiệm tạp hóa ngay nhà ông. Hai mươi mùa thu lá bay, nay tôi không biết Vân Sơn còn ở Sài Gòn hay không.

Tôi kể dzài dzòng vế hai ông Thái ký gỉả để nói lên chuyện tôi coi hai ông là Tư chức Ký Giả, hay Ký Giả Tư Chức. Đa số ký giả Sài Gòn có những tật chung là ngồi cà phe đấu láo cả nửa ngày, ăn tục nói phét, cờ bịch, tình nhân, vợ bé vv..vv..Riêng hai ông Thái không vướng những tật chung ấy. Một tật hai ông cũng không vướng. Hai ông đến toà soạn, ra khỏi tòa soạn đúng giờ, hai ông làm trọn phần việc của hai ông.

Chuyện tôi muốn kể về hai ông Thái là hai ông có việc làm, có tiền lương đều từ năm 1955 đến năm 1975. Hai ông chỉ có khoảng thời gian ba tháng nằm nhà. Đó là ba tháng năm 1963 sau khi nhật báo Ngôn Luận bị đóng cửa, trước khi nhật báo Chính Luận ra đời. Còn tôi, trong 20 năm làm báo, viết truyện của tôi, tôi có 2 khoảng thời gian tôi đói dzài, đói dzẹt.

Năm 1954 tôi làm nhân viên nhật báo Sàigònmới, lương tháng 3.000 đồng. Tôi đòi lên lương 4.000 đồng, bà Bút Trà không cho, tôi bỏ Sàigònmới. Lâm, bạn tôi, làm Sở Mỹ, đưa tôi đi làm nhân viên Sở Mỹ. Lâm nói trước với anh Lê Minh Thịnh, Phó Phòng Nhân Viên Toà Đại Sứ Mỹ, người phụ trách nhân viên Việt của Toà Đại Sứ. Tôi đến gặp anh Thịnh. Anh hỏi tôi mấy câu:

“What is your name? How old are you?”

Anh đưa tôi dịch một Memo chữ Mỹ ra chữ Việt. Anh cấp giấy giới thiệu tôi đến USOM, Số nhà 35 đường Ngô Thời Nhiệm. Bà Trưởng Phòng Nhân Viên USOM nhận tôi vào làm ngay. Sở USOM — United States Operation Mission — là tiền thân của USAID. Tôi làm junior clerk, Travel Section, chuyên việc đi đến các Toà Lãnh Sự xin visa cho nhân viên, đi mua vé máy bay cho nhân viên, đưa đón những New Arivals: nhân viên Mỹ mới đến ở phi trường Tân Sơn Nhứt.  Năm 1955 Mỹ bắt đầu thế chân Pháp, can thiệp vào Việt Nam, việc Mỹ viện trợ kinh tế, quân sự cho Việt Nam được mở rộng; tuần nào cũng có năm, bẩy nhân viên USOM từ Mỹ đến Sài Gòn.

Lương tôi một tháng 6.500 đồng, cộng thêm nhiều giờ overtime. Công việc cho tôi có điều kiện đi khỏi sở cả buổi. Cùng lúc ấy tôi được mời viết tiểu thuyết cho Ngôn Luận, cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi có hai lương: lương USOM, luơng nhà báo. Cuối năm 1956 tôi chán làm nhân viên USOM, tôi bỏ việc USOM ngang xương. Tôi nói với vợ tôi:

“Anh không muốn làm thư ký Sở Mỹ, anh muốn viết tiểu thuyết.”

Vợ tôi muốn tôi cứ làm Sở Mỹ:

“Anh làm Sở Mỹ có lương tháng vững chắc, em không phải lo tiền hàng tháng. Làm USOM anh vẫn viết được mà. Sao anh lại bỏ USOM?”

“Anh muốn thử xem anh có thể sống được với việc viết truyện hay không.”

lavang3Chỉ với tiền viết Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền Phong, vợ chồng tôi đủ sống. Nhưng cái gọi là Série Noire của tôi đến. Trong số người viết cho Văn Nghệ Tiền Phong có vài anh em ghét tôi. Họ toa rập nhau mạt sát tôi ngay trên báo Văn Nghệ Tiền Phong. Họ chế nhạo tôi “ăn cắp văn Vũ Trọng Phụng,” Tôi tự ái bỏ ngang phóng sự tôi đang viết trên Văn Nghệ Tiền Phong, bỏ ngang cả tiểu thuyết tôi đang viết trên Ngôn Luận. Tuần báo Kịch Ảnh ra đời, tôi làm nhân viên Kịch Ảnh, lương tháng 5.000 đồng.

Với số lương tháng 5.000 năm 1956 vợ chồng tôi đã phải sống eo hẹp. Rồi đến cuối năm, Kịch Ảnh ra số cuối cùng là tự đình bản. Báo lỗ, tiêu hết vốn. Tết đến, ông bà nhạc tôi đi Đàlạt ăn Tết, vợ chồng tôi đi theo xe ô tô. Tôi không dám nói cho vợ tôi biết chuyện ăn Tết về là tôi thất nghiệp, tôi không có báo làm, tôi không kiếm được một đồng bạc.

Tôi lo quá là lo. Ngồi trên xe trên đường từ Đàlạt về Sài Gòn ngày Mùng Bốn Tết, nhìn thấy những nhà thờ Công giáo hai bên đường vùng Hố Nai, tôi nghĩ đến chuyện xin Đức Mẹ Maria cho tôi có việc làm. Mỗi nhà thờ tôi đọc nhẩm trong tim ba Kinh Kính Mừng. Nhà Thờ hai  bên đường nhiều đến nỗi tôi phải ghi số nhà thờ lên đốt ngón tay để nhớ mà đọc kinh.

Sáng Mồng SáuTết, Ký giả Nguyễn Ang Ca trên xe gắn máy ngưng trước cửa nhà tôi, gọi vào:

“Hoàng Hải Thủy! Bà Bút Trà nhắn tin trên Sàigonmới mời toa đến toà báo. Biết chưa?”

Tôi đã viết về chuyện tôi trở lại làm nhân viên nhật báo đầu năm 1957. Gần 50 năm sau hôm nay tôi chỉ viết mấy dòng: tôi làm nhân viên Sàgònmới từ năm Tháng Hai 1957 đến Tháng Tu7 năm 1964: Bẩy năm phong độ nhất đời tôi.

Dòng thời gian dài những lá vàng bay. Năm 1991, cô em văn nghệ của tôi ở Mỹ gửi về cho tôi lá thư:

“Em viết thư cho PEN Club Mỹ nhờ họ can thiệp cho anh, họ trả lời vì chính phủ họ khôngt bang giao với Việt Nam Cộng Sản nên họ không giúp anh được. Em gửi kèm đây thư Em gửi họ và thư họ trả lời Em.

“Em không có đạo. Người bạn em nói ở Maryland có Grotto of Lourdes rất đẹp, Đức Bà Maria ở đấy rất thiêng. Em đến xin Đức Bà ban ân cho anh chị. Đây là ảnh Em đến Grotto. “

Năm 1995 vợ chồng tôi đến Virginia,  chúng tôi đến Grooto cám ơn Đức Bà. Từ đó mỗi năm chúng tôi đến viếng Động ít nhất là một lần. Năm 2013 chúng tôi thấy Tượng Đức Bà La Vang Việt Nam được dựng trên đường núi đi vào Động. Tượng Đức Bà La Vang ở Maryland làm theo mẫu Tượng Đức Bà La Vang ở Quảng Trị, Việt Nam. Tượng được làm ở Việt Nam. Trước Tượng Đức Bà La Vang trên đất Kỳ Hoa, tôi nhớ lại một ngày năm 1959 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến nhà thờ La Vang ở Quảng Trị, tôi là ký giả nhật báo Sàigonmới, tôi ở trong đoàn ký giả theo Ngô Tổng Thống đến Nhà Thờ La Vang. Năm 1959 tôi 30 tuổi.

Đây là truyền thuyết về việc Đức Bà Maria hiện xuống La Vang năm 1798.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cầu nguyện trong Nhà Thờ La Vang đổ nát vì bị pháo kích. Ảnh năm 1972.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cầu nguyện trong Nhà Thờ La Vang đổ nát vì bị pháo kích. Ảnh năm 1972.

Trở về thời xa xưa, La Vang là nơi rừng núi hẻo lánh có nhiều cây “lá vằng”, có thú dữ, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị, bốn cây số và cách Phú Xuân, tức Kinh Ðô Huế, 58 km về phía Bắc. Theo địa bộ của làng Cổ Vưu được lập đời nhà Lê và được quản tu lại đời Gia Long có ghi tên “Phường Lá Vằng.” Sở dĩ gọi vậy là vì nơi đó có nhiều lá vằng, một loại cây mà người phụ nữ lúc sinh đẻ thường nấu nước, có vị đắng, để uống như một vị thuốc, rồi đọc trại ra là La Vang.

Dở lại những trang sử đau thương của đất nước từ năm 1765-1801, nhận thấy trăm họ lầm than, dân tình khổ sở vì nạn đói kém, chiến tranh. Ðối với người Công Giáo lại còn bị bắt bớ, tù đày, giết chóc. Theo truyền thuyết thì Ðức Mẹ đã hiện ra tại La Vang trong thời gian đen tối đó, tuy không rõ năm nào, nhưng theo truyền khẩu, nhiều người cho rằng Ðức Mẹ đã hiện ra dưới thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn vào năm 1798.

Ngày 17-08-1798 vua Cảnh Thịnh, con của vua Quang Trung, ra sắc dụ cấm đạo từ Phú Xuân đến Bắc Hà, lệnh cho tiêu diệt đạo Giatô, là đạo ngoại quốc, phải triệt hạ các đạo đường, đạo quán và tróc nả các đạo trưởng. Ðể trốn tránh sự bắt đạo của quan quân Tây Sơn, giáo dân xứ Trí Bưu (Cổ Vưu), xứ Thạch Hản… đã trốn vào  “Phường Lá Vằng”. Họ phá rừng làm rẫy,  làm trại để sống. Và theo truyền thuyết, đêm đêm họ họp nhau đọc kinh lần chuỗi. Vào một đêm, họ thấy một bà đẹp, tay bồng chú bé xuất hiện nơi một cây đa cổ thụ, có hai vị cầm đèn chầu. Họ nhận ra đó là Ðức Mẹ Maria bồng Chúa Hài Ðồng. Ðức Mẹ đã ngỏ lời an ủi họ, bảo họ hái lá cây xung quanh nấu nướx mà uống sẽ được lành bệnh và hứa rằng ai đến cầu khẩn tại chốn này Ngài sẽ ban ơn. Ðức Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần…

Ngưng trích Internet.

Dưới Tượng Đức Bà La Vang, Maryland có tấm bảng ghi:

Gift of Mr & Mrs Duong Tran and Kim Hoa T Tran. In Loving Memory of their parents.

Rừng Phong, Ngày 22 Tháng 10, 2013.

2 Responses

  1. […] – DỌC MIỀN TRUNG (1)   –   DỌC MIỀN TRUNG (2) (Nguyễn Trọng Tạo). – ĐỨC MẸ LA VANG (Hoàng Hải Thủy). – “Điểm yếu của biên tập viên là sợ bóng sợ gió”  […]

Leave a comment