• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Vạn Sự Như Ý

Van Quang

From: Hai Ban Co
Saturday, February 13, 2010 11:50 PM

Bây giờ là 12 giờ 00 Đêm Giao Thừa Năm Canh Dần ở Việt Nam

Chân thành kính chúc các bạn cùng gia quyến:

– MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC

– VẠN SỰ NHƯ Ý

– AN KHANG – THỊNH VƯỢNG

– PHÁT TÀI PHÁT LỘC

Văn Quang – Sài Gòn

Chủ nhật 14 Tháng Hai Mỹ, 2010 — Mồng Một Tết Canh Dần — mở computer thấy Lời Chúc Tết của ông bạn ở Sài Gòn, cảm khái mà viết những lời này:

Cám ơn bạn. Bạn sống ở quê nhà Tết Hổ đến với bạn cùng trăm đắng, ngàn cay, Đêm Ba Mươi bạn còn nhớ đến chúng tôi ở nơi góc bể, chân trời này! Một lần nữa tôi cám ơn bạn, nhưng tôi phải nói Lời Chúc Tết của bạn làm tôi ngậm ngùi.

Vạn Sự Như Ý??? Người già mất nước, khuôn mặt in hằn những vết roi đời, cả người toát ra vẻ khó khăn, sầu não, u ám, chỗ nào đang dzui mà có Héng dzô là người ta thấy khó chịu, vẻ mặt, dáng người đã hãm tài, dzô dzuyên ăn nói còn như chọc vào tai người ta, lại có cái tật cứ hay xét lỗi của người khác, lại cứ hung hăng con bọ xít chửi rủa những tên sống ở Mỹ mà cong lưng, dzí mõm, hểnh mũi ngửi đít bọn Cộng Việt mà khen thơm.. Héng là Tôi đó, bạn ơi. Từ 12 giờ Trưa Ngày 30 Tháng Tư 1975 đến nay, tôi chỉ có “Một Mong Ước” thôi, Một “Mong” thôi mà cũng không được Như Ý, nói làm chi Vạn Sự để lòng thêm cay đắng!

Bạn chúc An Khang tôi xin nhận. Tám mươi tuổi đến có ai ngờ! Tuổi Tám Bó dzồi, thương lắm thay. Tôi mong cặp vợ chồng già cộng chung 16 Bó chúng tôi được an khang là mong trong những năm tới chúng tôi sẽ không kẻ nào bị bại liệt nằm một đống, chúng tôi không phải não lòng đưa nhau vào Nursing Home, đứt ruột bỏ nhau nằm lại đó, một mình lủi thủi về căn phòng vắng góc trời xứ người. Ra đi thì ai cũng phải ra đi, ai mà không muốn ra đi nhẹ nhàng, nhanh gọn, nhưng muốn là một chuyện, nhưng mong ước thì ta cứ mong. Buổi sáng 9 giờ đang ngồi uống cà-phê, gục xuống bàn, ra đi như Chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng là Nhất. Nằm vài ngày trong hôn mê rồi lặng lặng tắt thở, như Nhà Văn Mai Thảo là Nhì. Với tôi, đó là An Khang. Về cái gọi là An Khang, tôi chỉ mong vợ chồng tôi được an khang như thế.

Thịnh Vượng? Chúng tôi có mần ăn gì đâu mà Thịnh với Vượng. Nhờ những ân nhân của chúng tôi — ân nhân của chúng tôi là những người Việt Nam đã chết trong trận đánh lại bọn Cộng sản làm cho người Mỹ thấy họ có món nợ với người Việt, họ cho chúng tôi sang sống nhờ ở nước họ, mỗi tháng họ cấp cho chúng tôi một khoản tiền chúng tôi đủ sống, họ lo cho chúng tôi có được những phúc lợi về y tế: đau ốm, đi bác sĩ, bệnh viện, giải phẫu, thuốc men họ trả tiền. Về khoản Sống thoải mái và tạm đủ, chúng tôi không mong gì hơn.

Phát Tài Phát Lộc. Tài Lộc của chúng tôi như tôi vưà viết trên đây là mỗi tháng vợ chồng tôi được cấp khoản tiền đủ sống, chúng tôi được bảo đảm có bệnh là được chữa trị tận tình, cứu chữa đến nơi, đến chốn, bất kể tiền bạc, tốn đến mấy trăm ngàn chúng tôi cũng không phải trả một đô. Nhưng việc tự dzưng chúng tôi Phát Tài là lôi thôi đấy. Tôi chẳng bao giờ mua vé số nhưng giả như có ai tặng cho cái vé số, trúng được 10.000 đô thôi, là ô-tô-ma-tít, lập tức, khoản tiền được Nhà Nước cấp gọi tắt là SSI hàng tháng của chúng tôi bị cắt ngay, việc được chữa bệnh không phải trả tiền của chúng tôi cũng bị mất. Cắt và mất tạm thôi. Bao giờ tiêu hết số tiền 10.000, tiền SSI, Thẻ Medicaid, Medicare sẽ được cấp lại. Do đó việc chúng tôi Phát Tài là việc chúng tôi không hào hứng được có.

Tôi nghe nói trong năm qua, Tử Vi của bạn có Sao Quả Tạ nó chiếu. Nhẹ thôi. Mệnh của bạn không đến nỗi gặp Địa Không, Địa Kiếp làm bạn bị nạo đến sát ván nhưng cũng làm cho bạn bị ngất ngư con tầu đi. Nghe nói bạn bị Công An Cộng đến nhà lấy đi hết dàn máy computer, cellphone, disket, bạn bị gọi đến Ty Công An Quận để khai báo về những gì bạn viết từ Sài Gòn gửi ra nước ngoài trong mấy năm nay, bạn không bị giam ngày nào, và tôi nghe nói gặp tai họa này, bạn nhắn ra nước ngoài với các ông bạn của bạn lời nhắn:

“Tôi được người ta đối xử tử tế, người ta không một lời nói nặng hay đe dọa tôi, người ta dzùng Văn xử với tôi nên tôi muốn dzùng Văn đáp lại.”

Do đó bạn muốn các ông bạn của bạn ở Mỹ, ở Úc đừng làm ồn vụ bạn ở quê nhà bị Công An Cộng “hỏi thăm sức khoẻ..” Bạn muốn như thế và các ông bạn của bạn ở Mỹ, ở Úc đã làm như ý bạn muốn. Tức là các ông im re.

Tôi lại ngậm ngùi. Chúng ta có thể tự nhận là những người cam phận nhất thế giới trong Thế Kỷ 20. Cam phận là cam chịu số phận hẩm hiu. Cam phận của chúng ta còn có sự nhẫn nnhục. Nhẫn và Nhục. Trong hoạn nạn, oan khiên, thù hận, chúng ta còn được sống là chúng ta mừng. Bị cấm hành nghề, bị tịch thu hết dụng cụ để làm việc, bị cấm viết, nhưng không bị giam tù, không bị người ta nói nặng, đe doạ, là chúng ta cám ơn. Chúng ta cám ơn những kẻ có thể vô cớ bỏ tù chúng ta đến chết, những kẻ có thể khơi khơi giết chúng ta.

Tôi là người trong 20 năm sống vất vưởng, vô vọng và tuyệt vọng trong lòng Sài Gòn điêu tàn, hai lần tôi bị bọn Công An Thành Hồ bắt, giam tù vì việc tôi viết những bài diễn tả nỗi sầu buồn của nhân dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trong gông cùm Bắc Cộng — tôi viết cho rõ là năm xưa ấy, tôi viết trước hết về nỗi sầu buồn của tôi, rồi nỗi sầu buồn của vợ con tôi, sau mới đến nỗi sầu buồn của đồng bào tôi — trong số những bài viết của tôi năm xưa gửi ra nước ngoài nhiều nhất là những bài than thở biệt ly, kẻ ở, người đi, than thân, trách phận, luyến tiếc dĩ vãng, nhớ thương dza dzít, hẹn nhau kiếp sau.. Trong những bài tôi viết có điểm những lời Thơ mà tôi cho là có âm điệu Ca Dzao Số Dzách, như:

Trời mưa bong bóng phập phồng.
Em đi theo chồng, anh sống với ai?

Và Nhớ và Thương, và.. và.. Và.. Hằm bà lằng síu oắt đủ thứ Và như:

Cam ngọt, cam cuả người ta.
Quýt chua nhưng cả cây là của Em.
Xứ người Bơ Sữa lem nhem,
Xa quê dưa muối có thèm môi ai?
Em đói thì Em ăn khoai,
Con Việt thì đẻ, con lai thì đừng.

Và:

Lương Mỹ được mấy trăm đồng?
Dzầu suơng, dãi tuyết, má hồng Nàng phai.
Đi lắm thì vú Nàng quai.
Chẳng thà ăn sắn, ăn khoai Thành Hồ.
Nàng đói thì Nàng bán đồ,
Để Anh cơm nước, chăm lo cửa nhà.
Riêu cua Nàng chan cơm ca,
Nàng mà đau bụng thì đã có Anh.
Nàng còn sẻo đất trồng hành,
Anh trui cá lóc nấu canh tập tàng.

Cá lóc còn ở trong hang.
Cái rau tập tàng còn ở ruộng sâu.
Thương Nàng, Anh chuốt cần câu.
Móc con cá lóc nấu rau tập tàng.

Tôi kể như trên để nói lên chuyện trong số những bài viết tôi gửi ra nước ngoài có rấi ít những bài tố cáo những tội ác bọn Bắc Cộng làm với dân Việt Nam Cộng Hoà, tôi không viết kêu gọi đồng bào liều mạng nổi dậy đập phá gông cùm cộng sản. Với những bài viết vô thưởng, vô phạt như dzậy tôi có tội gì?? Dzậy mà bọn Công An Thành Hồ bắt giam tôi, khép tôi vào “tội gián điệp”, chúng định cho tôi ở tù chung thân đến chết trong tù. Nhờ năm 1986 tượng Lenin, tượng Stalin bị dân Nga kéo đổ, lôi ra cho nằm ở những bãi rác, nhờ việc bọn đảng viên Cộng sản ở Ba-lan, Hung, Tiệp, Lỗ.. bị nhân dân những nước ấy lôi cổ ra trước chợ, đánh cho mỗi thằng năm, bẩy cái bạt tai, đá đít đuổi đi, tôi mới thoát chết trong ngục tù cộng sản. Tôi kể những chuyện của tôi để nói rằng tôi thông cảm với việc Viết và Bị Cấm Viết của bạn. Thông cảm quá nhẹ, phải nói là “thấm thiá”. Tôi biết đang viết nhiều như bạn mà đột nhiên bị Cấm Viết, bạn buồn, bạn bực lắm. Tôi sợ nỗi buồn, nỗi bực của bạn sẽ không vơi dần với thời gian mà càng lâu ngày, chầy tháng nó càng nặng hơn. Tôi muốn chia sẻ với bạn nỗi buồn bực của bạn nhưng tôi không biết phải làm sao, tôi cũng không biết tôi phải nói với bạn những lời gì.

Người già nhớ về dĩ vãng. Chuyện thường. Tôi ngừng viết trong mấy phút, hoài tưởng chuyện chúng ta gặp nhau lần đầu năm 1956, khi bạn là Trung úy, bạn mới có tác phẩm tiểu thuyết đầu tay được xuất bản, dường như là quyển Hồ Thuỳ Dương, hay quyển truyện gì có cái tên vẩn vương đại khái như thế. Dòng thời gian dài một ánh bay. Tôi nhớ một tối Ngọc Linh mời chúng ta ăn ở nhà hàng Động Phát, đường Hàm Nghi. Một tối năm 1960 chúng ta ba mươi tuổi. Trong bữa ăn, chúng ta nói lan man đến chuyện Vợ Bé, tôi hung hăng con bọ xít nói:

– Tao sẽ không bao giờ có vợ bé.

Tuyên bố hung hãn như vậy xong tôi còn nói thêm:

– Ông bố tao không có vợ bé. Tao không phải khổ vì ông bố tao có vợ bé nên tao cũng sẽ giữ cho tao không có vợ bé để cho các con tao khỏi khổ.

Nghe tôi nói dzậy, bạn nói:

– Nếu mày nói thế thì tao có quyền có vợ bé. ông bố tao nhiều vợ lắm.

Tôi rất yếu trong việc cãi lý hay trong việc bảo vệ những gì tôi nói, đang hào hứng nói về một chuyện gì đó mà bị người khác nói ngược lại, tôi cụt hứng, im luôn. Lời bạn nói tuy không công kích gì tôi nhưng cũng làm tôi ngồi bí sị một lúc. Sau đó, khi các bạn của chúng ta đã nói sang chuyện khác, tôi trở lại chuyện Vợ Bé. Tôi gọi tên bạn và nói:

– .. Nếu mày không phải khổ vì ông già mày có vợ bé thì mày cứ việc có vợ bé.

Bạn không nói gì nhưng Thanh Nam nhìn tôi, nói:

– Mày làm cái gì mà có vẻ cay cú thế? Đừng có nói chắc. Tao thấy những thằng nói như mày là những thằng có vợ bé trước hơn ai hết.

Trong chúng ta thời ấy Thanh Nam là đàn anh. Trong bữa ăn tối năm xưa ấy có từng này anh em đã chết: Thanh Nam, Nguyên Sa chết ở Mỹ, Sĩ Trung chết ở Pháp, Ngọc Linh, Trịnh Viết Thành chết ở Sài Gòn, tôi không nhớ còn anh em nào cùng ngồi với chúng ta ở Nhà Hàng Động Phát năm xưa ấy.

Thế rồi Định Mệnh An Bài, bạn trở thành Thuyền Trưởng Đa Tầu, tôi cầm Thẻ Hội Viên Hội Cơm Nhà, Quà Vợ — Hội Viên Chân Chính — Thuần Thành — Trung Kiên. Đời chúng ta êm đềm qua trong Quốc Gia của chúng ta, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Những ngày như lá, tháng như mây.. Năm 1974, 1975 bạn làm Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, tôi làm nhân viên USIS — United States Information Servive — Sở Thông Tin Hoa Kỳ, có lần tôi gọi điện thoại từ USIS sang Đài Phát Thanh Quân Đội, hỏi ông Trung Tá Quản Đốc:

– Cho tao biết Bốn Không của ông Thiệu là những cái Không gì?

Như nhiều người Việt thời ấy, tôi biết Tổng Thống Thiệu có Bốn cái Không Chơi với Cộng Sản nhưng tôi chỉ nhớ lõm bõm: Không công nhận Cộng Sản, Không Điều Đình với Cộng Sản, Không Cắt Đất cho Cộng sản. Tôi chỉ nhớ có Ba cái Không đó thôi. Có thể ông Quản Đốc Đài Phát Thanh cũng chỉ nhớ mang máng nên ông nói:

– Để tao nhờ Ngọc Hoán trả lời mày.

Ngọc Hoán năm 1975 là Đại Uý Dương Ngọc Hoán.

Những ngày 24, 25 Tháng Ba năm 1975, tôi phone đến Đài lần cuối, thấy bạn vẫn có giọng ung dzung tự tại, như không có chuyện gì đáng kể đang xảy ra, tôi hỏi:

– Mày có tính đi không?

Bạn chỉ trả lời ngắn, gọn

– Không. Tao không đi.

Rồi cuộc trời long, đất ngả nghiêng đến với chúng ta. Vào ngày 15 hay 20 Tháng Năm 1975 tôi đến Tiệm Hớt Tóc Đàm hớt tóc lần cuối và hỏi thăm anh em ai còn, ai chết, ai đi thoát. Ông Phó Đàm nói về bạn:

– Còn đây. Có đến tôi.

Tôi hỏi bạn có nói gì về công việc những ngày tới không, ông Phó Đàm mau mắn nói:

– ..Viết lại… Mời dzồi.. Mời dzồi..

“Mời dzồi..” ông Phó Đàm nói đây là “Người ta mời dzồi..” “Người ta” đây là bọn “Giải Phóng.”

Thời gian vỗ cánh bay như quạ.. Ngày.. tháng.. năm đưa chúng ta qua những nhà tù, những trại tù khổ sai. Mười lăm năm sau chúng ta mới gặp lại nhau. Bạn từ ngục tù miền Bắc trở về vỉa hè Sài gòn những năm 1987, 1988 — những năm này tôi nằm phơi rốn trong Lầu Bát Giác Chí Hòa. Đầu năm 1990, tôi từ Trại Tù Khổ Sai trở về mái nhà xưa dzột nát và Ngã Ba Ông Tạ quạnh hiu, bạn ta Thái Thủy, trở về từ Tù Ngục Gia Trung – Gia Lai cũng những năm 1987, 1988, đưa tôi đến gặp lại bạn trên căn phố lầu đường Sư Vạn Hạnh. Chúng tôi đi trên hai xe đạp. Bạn ở trong căn phố của một ông Thiếu Tá, căn nhà hẹp đất được cất lên năm, bẩy căn phòng nhỏ cho những em Me Mỹ mướn năm xưa nên cao lênh khêng. Bạn sống trong một căn phòng nhỏ chung với một ông sĩ quan cũng đi tù về như bạn. Mỗi ông một giường sắt cá nhân kê ở hai đầu phòng. Khi ông giường đầu phòng này có bà bạn nào đến thăm thì ông giường đầu phòng kia tạm lánh khỏi phòng hai, ba giờ đồng hồ. Bà vợ cuối cùng Ngày 30 Tháng Tư 1975 của bạn đã đi một đường vượt biên với các con, toà nhà lầu của bạn trong cư xá Chu Mạnh Trinh bị bọn cướp nước chiếm mất. Dường như tất cả những ông sĩ quan cựu tù sống trong căn phố lầu lênh khênh đường Sư Vạn Hạnh năm đó đều ở trong tình trạng như bạn: cựu sĩ quan đi tù về, mất vợ, mất nhà, ông nào cũng chỉ còn trên răng, dưới giép rách.

Gặp lại nhau sau mười lăm năm, tôi thấy bạn chẳng có gì thay đổi. Chỉ có cái khác là bạn hút thuốc lào, bạn rít thuốc lào ròn tan, cái điếu để trên cái bàn nhỏ cạnh giường. Những năm 1992, 1993 bạn và tôi sống bằng việc viết những tiểu thuyết tình ấm ớ hội tề, những truyện tình vẩn vương không ai biết xẩy ra đời nào, trước 1975 hay sau 1975, ký những bút hiện dzởm, bán cho những anh lái sách Sài Gòn.

Không phải vì ghét Mỹ, lại càng không phải vì có cảm tình với bọn Cộng, vì những lý dzo riêng bạn không đi HO sang Mỹ. Bạn cũng có nộp hồ sơ đi nhưng bạn kể khi được gọi đến văn phòng ODP phỏng vấn, bạn nói:

– Tao nói tao không đi, cho tao lại hồ sơ. Nó trả tao hồ sơ và nó nói: “Thank You.”

Rồi năm 1994 tôi đi khỏi nước, rồi bạn viết những bài kể những chuyện linh tinh xẩy ra ở Sài Gòn gửi qua Internet ra nước ngoài. Loạt bài của bạn được nhiều người Việt hải ngoại đón đọc. Tôi mừng khi thấy sinh kế và đời tư của bạn được dễ chịu. Bạn là “Thuyền Trưởng từng bỏ tầu theo nữ hải tặc,” nhưng thời gian qua, những oán hận trong tim những bà Chủ Tầu của bạn nhạt đi, “Án Thuyền Trưởng Bỏ Tầu Theo Nữ Hải Tặc” không thể tha thứ được của bạn được quên lãng. Tôi nghe nói từ sau năm 2000 nhiều Bà Chủ Tầu của bạn ở Mỹ nhân cuộc về thăm quê hương, đã đến thăm bạn, lại nghe nói có năm Tết đến, hai Bà Chủ Tầu từ Mỹ về cùng đến nhà thăm bạn một ngày, hai bà cùng với Bà Chủ Tầu hiện tại của bạn là ba.

Các con bạn nay đã trưởng thành cũng từ khắp mọi miền đất nước Kỳ Hoa về Sài Gòn thăm bạn, bố con thân thiết. Với các bà Chủ Tầu tôi không biết ra sao nhưng với các con bạn tôi chắc bố con um hun thắm thiết. Từ lâu rồi tôi vẫn nghĩ, và vẫn yên chí, làm Thuyền Trưởng mà chạy hai tầu cùng một lúc không những chẳng sung sướng gì mà còn rất khổ, bà Chủ Tầu nào cũng oán mình, các con mình nếu không oán mình cũng sẽ không nhìn nhận, không tha thiết với mình. Trường hợp của bạn cho tôi thấy tôi nghĩ như vây là lầm. Rồi tôi lại tự an ủi: “Người ta có số. Hắn ta may mắn.”

Rồi đến giữa năm 2009 bạn bị bọn Cộng cấm viết.

*****

Đầu năm tôi viết bài này vất vả, ì ạch. Khởi viết từ 9 giờ sáng Mồng Một Tết, giờ này 6 giờ tối Mồng Một Tết, tôi chưa viết xong.

Những khi hào hứng viết, tôi vẫn nhớ tự tốp bớt, đừng vì cao hứng mà phóng bút viết loạn cào cào, những khi viết mà thấy buồn, trái tim nặng, ý nghĩ đen tối, tôi thường ngừng viết vì tôi có kinh nghiệm viết trong tình trạng sầu não tôi sẽ viết những lời ai oán bi thương vẩn vương không ra nàm thao cả.

Tôi viết thêm những dòng nay lúc 11 giờ Đêm Mồng Một Tết.

Năm Mới Hạnh Phúc. Lời Chúc Tết Thứ Nhất của bạn tôi xin nhận. Hạnh Phúc tôi mong ước bi giờ nhỏ bé thôi, như đã trình bầy: Vợ chồng già không bệnh liệt, ra đi êm lặng.

Năm Mới tôi gửi bạn, và những vị đoc những dòng chữ này, bài Thơ Đường Không Có trong những bài Thơ Đường của Tầu:

Lạc tuyết Kỳ Hoa bạch.*
Hàn đăng độc dạ nhân.
Cố quốc thương tâm khách.
Minh nhật bất tri Xuân.

Lưu đày Đất Trích một thân.
Trâu đi, Hổ đến, thương ngần ấy thôi.

Chúc quí vị Năm Tới không phải chịu Những Thất Vọng Quá Nặng.

.

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG

—————————————————————

* Tuyết rơi, Kỳ Hoa trắng.
Đèn lạnh đêm một người.
Nhớ quê hương, tim người ấy cay đắng.
Sáng mai người ấy không biết Xuân đến.

3 Responses

  1. Dưới đây là câu trả lời lý do tại sao nhà văn Văn Quang chọn ở lại Viet Nam:

    Lê Thị Huệ: Nhà văn Văn Quang, Giám đốc đài phát thanh Quân Đội, viết tiểu thuyết Chân Trời Tím, đi cải tạo mút mùa lệ thủy, không đi Mỹ theo diện HO (mà những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên còn không cưỡng lại sự tự do ở chân trời kia), còn Văn Quang không đi. Ở lại Việt Nam. Văn Quang là ai thế?

    Văn Quang: Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình hơn lo cho chính bản thân mình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi, hầu như chẳng có lý do gì cả. Khi tôi ở trại tù ra, các con tôi đều đã định cư ở Mỹ, đi theo “diện vượt biên” và đi học ở Mỹ trước năm 75. Chỉ còn lại mình tôi. Đời sống kinh tế cũng lại bắt đầu ổn định, bằng việc học computer rồi ra “hành nghề” đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo. Những nhà xuất bản tư nhân, những nhà làm quảng cáo chuyên nghiệp và cả những ông làm “báo lẻ” như Thanh Thương Hoàng, Thái Phương cũng đều thuê “công ty gia đình” của tôi làm hết. Hồi đó Sài Gòn chỉ có rất ít computer và người làm được công việc này càng hiếm. Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa computer đầu tiên vào những năm1989-90-91. Kể về chuyện đi học computer của tôi chẳng qua cũng là chuyện “bất đắc dĩ” và khá dài dòng, cười ra nước mắt. Tôi sẽ kể lại vào một dịp khác. Sau khi học xong vài khóa, tôi đã được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái computer và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, bà xã của tôi và các cháu cũng đã “yên bề gia thất” nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân.

    Ở đây cũng còn một số anh em sĩ quan cũ, sau khi ở tù ra rồi, cũng không đi theo diện HO. Dường như vấn đề kinh tế quyết định tất cả. Hầu hết những người ở lại đều có một cuộc sống tương đối ổn định hoặc có những trở ngại về gia đình, như con cái có vợ có chồng rồi không được đi theo… Mỗi người một hoàn cảnh.

    Mặt khác, tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi, tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ… Cuộc sống “lên voi, xuống chó” quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gậm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên tôi quyết định ở lại.

    Mãi tới sau này, một số không ít những người bạn tôi cho rằng tôi đã lựa chọn đúng. Riêng tôi, cho là một điều may mắn chứ chẳng ai tiên đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu có sai, có bất cứ điều gì xảy ra, tôi không ân hận. Tôi hoàn toàn bằng lòng vì sự lựa chọn của mình. Và, tôi cũng vẫn cứ tiếp tục sống và viết như từ bao năm nay. Sẽ mãi mãi như thế cho đến khi bạn về đây sẽ gặp tên tôi với hai chữ “chi mộ”.

    Xin cảm ơn bạn đọc đã đọc những hàng này. Đây cũng là dịp tôi có cơ hội được tâm sự với bạn đọc. Tôi cũng xin nói thêm là một tờ báo của người bạn tôi, sau khi đã có bài phỏng vấn tôi, đã gửi thêm một số câu hỏi khác đến, nhưng tôi chưa trả lời được. Tôi không viết hồi ký như một số bạn tôi thúc giục, trong một ngày gần đây, tôi sẽ dành cho tờ báo của người bạn tôi những chi tiết khác trong cuộc sống của tôi, thay cho cuốn hồi kỵ

    Nguồn : http://www.gio-o.com/VanQuangPhongVan.html

  2. Trí khôn con người, nhất là người VN, đôi khi cũng có những cái vô cùng khó hiểu.!!!

    Lập trường bốn không của Cố TT Thiệu tuy ngắn, nhưng đã có mấy ai thuộc và làm theo. Vì giả sử nhân dân VNCH thời đó tuyệt đối ghi nhớ và thực thi bốn lập trường ấy thì mấy thằng ăn cướp đừng hòng léng phéng mò vào miền Nam, nói chi đến chuyện cướp ngang toàn bộ miền Nam tự do của chúng ta!

    Đến hai câu nói, cũng của TT Thiệu, tuy đơn giản vô cùng, nhưng là chân lý ngàn đời cho mọi dân tộc ở mọi thời đại :

    “Đừng nghe những gì cs nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cs làm!”

    “Đất nước còn, tất cả còn. Đất nước mất, mất tất cả.”

    Thiết tưởng, đến như Vạn Đại Quân Sư Gia Cát Lượng của mấy thằng tàu phù cũng không thấy phát biểu một chân lý đúng ngàn đời, tương đương như hai câu phát biểu trên.

    Còn mấy thằng ăn cướp thì bắt dân ta học tập hết chủ nghĩa này, chính sách nọ, đường lối kia từ năm này qua năm nọ. Tất cả những điều chúng muốn nhồi nhét vào đầu dân thật ra chỉ rặt những lập luận vừa dài dòng, vừa ngu xuẩn lại vừa láo khoét…

    Thế mà dân ta nhớ hết và làm theo răm rắp từ năm này qua năm khác, tôi mới thấy đó là chuyện lạ!

    Lạ là vì lời phát biểu của TT Thiệu, tuy rất đơn giản, rất dễ hiểu, rất dễ nhớ. Nếu hiểu và nhớ thì thực hành không khó lắm. Ấy vậy mà quân dân VNCH không hiểu thấu, không nhớ nổi và càng không làm được.

    Lạ hơn nữa là trong đám con dân ăn cơm quốc gia VNCH xưa cũng như nay, kể cả những nhà “đại trí thức”, vẫn có những người nhất quyết không tin theo lời TT Thiệu, dù sự thật đã quá rõ ràng và hiển nhiên mà vẫn cứ nhắm mắt tin theo bọn ăn cướp.

    Đã thế, bọn này còn chui cả vào đít bọn ăn cướp để thổi phồng chúng lên mới hãi chứ!

  3. Cuối tuần vừa qua, tôi cùng mấy người bạn tụ tập “đưa cay” vài cốc để chào đón ông Hổ. Lâu ngày không gặp, lại nhân ngày đầu năm chúng tôi chúc Tết nhau xối xả. Tôi chúc một anh bị mất việc cả năm nay:

    – Chúc mày năm mới bắt được cái róp thơm như mít trên cây hái xuống, để bớt thì giờ nghĩ bậy và làm bậy!

    – À, thằng này chúc nghe tạm được. Không như ông bà bạn quen đã chúc tao năm nay “tiền dzô ào ào như nước”. Mẹ, “nước” cứu đói cứu khát của dượng Obama thì chỉ nhỏ giọt như nước cà phê phin chứ lấy đâu ra mà “dzô ào ào”. Đểu thật!

    Một anh độc thân tại chỗ (vợ ly dị gần chục năm nay) chen vào:

    – Ăn thua gì!! Trước Tết tao nhận được một câu chúc trong cái thiệp “… Kính chúc hai ông bà đầu năm không sinh giai, cuối năm cũng sinh gái, hay giữa năm sẽ sinh đôi, con nào cũng được khai thêm vài bò!”. Đểu cực kỳ!

Leave a comment