• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Saigonmới Ngày Xưa

Ảnh Số 1: Nhật báo Sàigònmới bị đóng cửa năm 1964, trong trang báo Sàigònmới trên đây đăng tin “Tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi cơ năm 1970.”

Trước năm 1956 đường tên là đường Colonel Grimaud, tên một sĩ quan Pháp tham dự trận chiến Pháp xâm lược Nam kỳ hơn 100 năm xưa. Từ năm 1956 đến năm 1975, đường tên là đường Phạm Ngũ Lão.

Ðường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, khởi đầu từ Ngã Ba có Rạp Xi-nê Khải Hoàn, Trụ Sở Hội Dục Anh, nơi gặp nhau của ba đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Ðường có chợ Thái Bình, rạp xi-nê Thanh Bình, toà soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Ðình Vượng, xóm Sáu Lèo, một đoạn đường một bên là dẫy tường Nhà Ga Hoả Xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, toà soạn nhật báo, tuần báo. Ở đoạn đường này những năm 1970 có nhà in Thư Lâm Ấn Quán của ông con rể ông Ðông Hồ, toà soạn tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, với Thi Ðoàn Bạch Nga, một thời đặt trong nhà in Thư Lâm, toà soạn nhà in tuần báo Ðiện Ảnh của ông Mai Châu, toà soạn nhà in tuần báo Kịch Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, toà soạn-nhà in Thế Giới của ông Nguyễn Văn Hợi..vv… Trong những năm từ 1965 đến 1975 đường Phạm Ngũ Lão tập trung nhiều toà báo-nhà in báo nhất trong lịch sử báo chí Sài Gòn.

Toà soạn – nhà in nhật báo Sàigòn Mới ở số nhà 39 cuối đường Phạm Ngũ Lão, đoạn đường này nằm lửng lơ con cá vàng giữa ba đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Ðạo và Hàm Nghi. Dẫy nhà một tầng lầu, toà báo Sàigòn Mới gồm ba căn, ba căn tầng trệt là nhà in, bà căn tầng lầu là toà soạn và nơi cư ngụ của ông bà Bút Trà. Tuy có vi-la ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, sau năm 1963 đổi tên là đường Thích Quảng Ðức, ông bà Bút Trà vẫn sống ở toà báo đường Phạm Ngũ Lão.

Tại sao hôm nay, buổi chiều mùa thu, sống ở xứ người xa Sài Gòn, xa đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, không phải là một mà hai biển lớn, tôi bỗng dưng lại thấy hiển hiện bầu trời Sài Gòn chuyển mưa xanh sám buổi chiều những năm 1960?? Những năm tôi đang thời son trẻ, những năm phong độ nhất của đời tôi! Năm muơi năm xưa rồi còn gì?

Sáng nay, buổi sáng cuối năm ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Ðốn, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi đi môt đường cảm khái nhớ Sài Gòn xưa, nhớ toà báo cũ, là vì mới đây trong một bài viết của tôi, tôi đăng bức ảnh chụp trang nhất tờ nhật báo Sàigònmới.

Từ ngày sang Hoa Kỳ, tôi vẫn để nhiều thì giờ tìm trên Internet những tài liệu về tờ nhật báo Sàigònmới năm xưa. Nhưng tôi thất vọng. Có thể nằm ở đâu đó trong kho Internet Khổng Lồ Thế Giới có những tài liệu, hình ảnh về những tờ nhật báo của Sài Gòn trước năm 1975, như những tờ báo hàng đầu Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tia Sáng, Trắng Ðen, Bút Thép, Ðại Dân Tộc. Xong tôi không tìm thấy gì cả. Ngay cả một tấm ảnh của bà Bút Trà, bà chủ nhiệm nhật báo Sàigònmới, tôi cũng không tìm thấy trên Intrenet. Rõ hơn: tôi không có ảnh bà Bút Trà.

Ðã vài lần trong những bài viết của tôi, tôi ngỏ lời mong quí vị người đọc bốn phương vị nào có tài liệu về nhật báo Sàigònmới xin gửi cho tôi.

Tôi nhận được bản chụp trang nhất nhật báo Sàigonmới – tôi ghi ảnh này Số 1 – Sau khi đăng ảnh lên, xem kỹ lại tôi thấy có sự vô lý: Tuớng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi cơ trên mặt trận Cao Miên Ngày 19 Tháng Năm, 1970, nhật báo Sàigònmới bị chính phủ Nguyễn Khánh đóng cửa Tháng Tư 1964, làm sao báo Sàigonmới chết năm 1964 đăng được tin một vị Tướng Quân Ðội VNCH tử nạn năm 1970?

Một người nào đó đã làm giả tấm ảnh Nhật báo Sàigonmới Số 1 đăng cùng bài này. Vì vô ý tôi đã không thấy ngay sự vô lý của tấm ảnh ấy.

Tôi nêu thắc mắc đó lên. Tháng 11, 2010, bạn T.V. ở thành phố Milipitas, Cali, gửi cho tôi tấm ảnh nhật báo Sàigònmới Số 2. Cám ơn bạn T.V.

Ảnh Số 2: Trang nhất nhật báo Sàigonmới Tháng Giêng năm 1958: Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến thăm Ban Mê Thuột.

Và tôi nhận được thư của một bạn đọc:

Phạm Lộc,  August 19, 2010

Năm  1982 đi tù Lính về,  một hôm tôi đến đứng trước Nhà In Nguyễn Ðức, số 39 đường Pham Ngũ Lão. Tôi ngậm ngùi khi thấy nét chữ Nhà In Nguyễn Ðức đã phai mờ nhưng còn đọc được. Tôi nhìn lên cầu thang dẫn lên tầng trên nơi có tòa soạn báo Sàigonmới. Tôi nhớ lại chỗ này trước 1975 có Nhà Sách Lê Phan, Hàng Ăn Thanh Bạch. Bà má tôi là giáo viên dậy ở Trường Bình Dân Học Hội ở số 266 đường Tôn Ðản của BÀ BÚT TRÀ. Tôi phải viết hoa BÀ BÚT TRÀ vì nhờ mẹ tôi có việc làm ở trường của bà nên mẹ tôi mới có tiền nuôi tôi ăn học, tôi có bằng Tú Tài, vô lính lên đến Ðại Uý.

Tôi vẫn cám ơn BÀ BÚT TRÀ và cầu nguyện mong Bà được yên vui trong cõi vĩnh hằng.

Mong được CTHÐ cho đọc thêm về chuyện Nhà Báo Sàigonmới.

Hết thư của bạn Phạm Lộc.

Vì vậy chiều nay tôi viết bài này:

Lúc 11 giờ trưa ngày 11 Tháng 11, năm 1961, hay ngày 1 Tháng 11 năm 1961, khi những ông sĩ quan làm đảo chính Nguyễn chánh Thi, Vương văn Ðông, Phạm văn Liễu..vv.. đã lên phi cơ bay sang Nam Vang, một tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính được đưa tới toà báo Sàigòn Mới.

Tướng Nguyễn Viết Thanh, vị Tướng tử nạn phi cơ trực thăng trên mặt trận Miên năm 1970.

Tuyên cáo do một số nhân sĩ ký tên, trong số có các ông Nguyễn Tường Tam, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Ðán .. Báo Sàigònmới đăng Tuyên Cáo này hay không? Người quyết định đăng hay không là ông Bút Trà. Ông nói nhà báo không ủng hộ phe nào cả, có tin là nhà báo đăng. Và nhật báo Sàigòn Mới đã đăng bản Tuyên Cáo ấy.

Hình như cả làng báo Sài Gòn hôm ấy chỉ có báo Sàigòn Mới đăng Tuyên Cáo ủng hộ phe Quân Nhân Làm Ðảo Chính. Những người ký tên trong Tuyên Cáo ủng hộ phe đảo chính, không phải nhật báo Sài Gòn Mới ủng hộ, nhưng vì đăng bản Tuyên Cáo đó báo Sàigòn Mới “có tội” với chính phủ. Báo không bị đóng cửa nhưng bị một phen xính vính.

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị bắn chết, buổi trưa ngày hôm sau Tượng Ðồng Hai Bà Trưng ở Công Trường Mê Linh bị đám đông kéo xuống, Tượng Hai Bà bị cưa cổ, đầu Tượng bị cho vào xe xích lô chạy diễu trên đường Tự Do, cùng lúc ấy toà báo Sàigòn Mới bị một nhóm người kéo đến đập phá. Một anh nào đó, anh này mới thực là quân sư quạt mo, trong bọn cố vấn cho đám tướng lãnh làm đảo chính, biết lời chỉ thị của Lenin: “Khi ‘cách mạng’ thành công, nếu nhân dân có vì căm thù mà trả thù bọn cầm quyền cũ hay bọn nhà giàu thì đừng cấm. Cứ để họ làm.” Nhân dân Sài Gòn không căm thù, không trả thù thì bọn đảo chính cho bọn tay sai đi phá phách.

Khi bọn đập phá kéo vào toà báo Sàigònmới, chị hầu của bà Bút Trà đưa cho bà cái nón lá, bà đội nón theo chị đi ra khỏi toà soạn. Những người đi phá phách chắc cũng không hãnh diện chi lắm với việc làm của họ, nên họ chỉ đập phá qua loa rồi rút êm. Chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa nhật báo Sàigòn Mới. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa một nhật báo nào của Sàigón, chỉ có tờ báo Cách Mạng Quốc Gia tự đóng cửa.

Bốn tháng sau, khoảng Tháng Ba, Tháng Tư năm 1964, Nguyễn Khánh làm cuộc binh biến gọi là chỉnh lý. Trong cuộc họp báo thứ nhất của nhóm chỉnh lý, ủy viên của nhóm là Ðỗ Mậu – hình như lúc đó còn là Ðại tá – đọc lệnh đóng cửa ba nhật báo Sàigòn Mới, Ngôn Luận, Ðồng Nai vì “tội cấu kết với Ðộc Tài Nhà Ngô.”

Nhật báo Sàigòn Mới, nhật báo Ngôn Luận, hai tờ báo chính của tôi, bị đóng cửa, thời phong độ của tôi chấm dứt, cuộc đời tôi bắt đầu đi xuống.

Ơi.. Người đọc những dòng chữ này ở tám phương trời, mười phương đất, tôi mời Người đọc: TRUYỆN NGƯỜI THỢ NỀ VƯƠNG THỪA PHÚC, tác giả Hàn Dũ, theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê:

Nghề thợ nề hèn mọn mà lại khó nhọc. Có người làm nghề đó mà vẻ mặt lại như tự đắc, nghe lời nói thì giản ước mà thấu triệt. Hỏi thì đáp họ Vương, tên Thưà Phúc, đời đời làm nghề nông ở đất Tràng An, hạt Kinh Triệu. Hồi loạn Thiên Bảo, làm lính mộ, cầm cung tên mười ba năm, có công lao, có thể được thăng quan, nhưng bỏ mà về nhà; vườn ruộng mất hết, làm nghề thợ nề để nuôi thân, đã trên ba chục năm. Ở trọ một nhà tại chợ, mà trả tiền nhà, tiền cơm đều phải chăng. Tuỳ tiền nhà, tiền cơm đắt hay rẻ mà tăng hay hạ tiền công thợ nề, có dư thì cho những kẻ nghèo đói, phế tật.

Người thợ nề ấy nói:

– Nghề thợ nề dễ làm, tuy khó nhọc mà không có gì phải thẹn, lòng tôi được yên. Dùng sức thì dễ, dùng tâm thì khó mà cần có trí. Kẻ dùng sức để người ta sai khiến, kẻ dùng tâm sai khiến người, cũng là đáng vậy. Tôi chọn làm cái nghề dễ làm mà không xấu hổ.

Ôi..! Tôi cầm bay vô các nhà phú quí đã nhiều năm rồi. Có nhà tôi tới một lần, lần sau đi qua thì đã thành đất hoang, có nhà tôi tới hai, ba lần, lần sau đi qua thấy không còn nữa. Hỏi người láng giềng, có người nói: “Ôi..! Chủ nhà bị tội, chết rồi!” Có nơi đáp: “Chết rồi! Con cháu không giữ được gia sản.” Có người nói: “Chết rồi. Gia sản bị tịch thu!” Tôi lấy đó mà ngẫm thì chẳng phải ăn mà làm biếng nên bị vạ trời đấy ư? Chẳng phải là gắng dùng trí mà không đủ sức, không biết xét tài năng có xứng không mà mạo hiểm làm đấy ư? Chẳng phải là làm nhiều điều đáng xấu hổ, biết là không nên mà cứ làm đấy ư? Hay là phú quí khó giữ vì công lao thì ít mà hưởng thụ lại quá hậu chăng? Hay là thịnh suy có thời, hết thịnh đến suy không thể thịnh hoài được chăng? Nghĩ vậy tôi sợ lắm, cho nên tôi lựa cái nghề vừa sức tôi mà làm. Thích giầu sang mà ghét nghèo hèn, tôi nào có khác chi người.

Lại nói:

– Kẻ công lao nhiều thì cung phụng cho mình cũng nhiều; vợ con đều trông vào ta mà sống. Sức tôi yếu mà công tôi nhỏ, tôi không có vợ con cũng phải. Hạng người lao lực mà có vợ con thì thêm lao tâm. Một thân mà gánh vác hai việc, bực Thánh cũng không làm được.

Hàn Dũ tôi thoạt nghe còn nghi hoặc, sau ngẫm kỹ thì thấy người đó là bực hiền, là hạng mà người ta gọi là “độc thiện kỳ thân.” Nhưng tôi có chỗ chê người đó là vị mình thì quá nhiều, vị người thì quá ít. Người đó cho việc có gia đình là lao tâm, không chịu nhọc tâm để nuôi vợ con thì có khi nào chịu lao tâm vì người không? Tuy nhiên so với bọn người đời chỉ lo đắc thất, mong thoả mãn dục vọng một đời, tham tà mà quên đạo đến nỗi táng thân, thì người thợ nề đó còn hơn xa. Tôi lại nghĩ lời người đó có thể răn tôi được nên tôi chép lại truyện này.

Ngưng trích Hàn Dũ.

Từ năm 1960 khi tôi – CTHР– bắt đầu “ghi nhận được chuyện đời,” tôi thấy ở nước tôi không có nhà nào giầu sang được hai đời. Hai đời thôi, không lâu đến ba đời, nước tôi không có chuyện nhà quyền quí truyền đến năm đời như những nhà công hầu quí tộc thời Ðông Chu bên Tầu. Ở  nuớc tôi như nhà họ Hoàng, ông bố Hoàng Cao Khải, ông con Hoàng Trọng Phu, hai đời Tổng Ðốc Ðại Thần, nhưng đời Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu không được trọn vẹn. Chính quyền Nam Triều và Nhà Nước Bảo Hộ Ðại Pháp tiêu tán thoòng, quay cu lơ, ngủm cù đeo, phe lơ mò năm 1945 khi Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu còn sống. Năm 1942 ông Tổng Ðốc Hà Ðông Hoàng Trọng Phu về hưu, nhường chức Tổng Ðốc Hà Ðông cho ông Vi văn Ðịnh, rồi ông Hồ đắc Ðiềm. Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu qua đời không kèn, không trống ở Ấp Thái Hà năm 1946.

Sau năm 1945 những nhà giầu nước tôi, giầu thôi, không nói sang, không lâu được một đời. Như ông bà Bút Trà chủ báo Sàigòn Mới. Tờ nhật báo Sài Gòn ra đời từ những năm 1925, 1926, sau năm 1945 đổi tên là báo Sàigòn Mới. Báo sống được nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản mầu đủ thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sàigòn Mới tăng vọt số báo bán. Anh con thứ sáu là Sáu Khiết xuất bản Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Tiền đổ vào nhà Sàigòn Mới như nước. Bà Bút Trà xây và làm chủ Rạp Xi-nê Kim Châu đường Nguyễn Văn Sâm.

Giang sơn Sàigòn Mới chỉ thịnh được có bẩy, tám năm, từ 1957 đến đầu năm 1964. Rồi tan. Rồi nát. Rồi không còn qua một dấu vết. Sau ngày tờ báo bị bức tử, ông Bút Trà đi sống với bà vợ nhỏ, bà Bút Trà về sống với nhà bảo sinh có từ trước của bà ở gần Trường Tiểu Học Bàn Cờ đường Phan đình Phùng. Tôi nghe nói sau năm 1975, khoảng năm 1985, ông Bút Trà chết trong nghèo đói.

Ông bà Bút Trà không làm việc gì gian tham, thất đức, ông bà, những anh con của ông bà, không lười biếng, không phải là hạng người chỉ ăn mà không làm, không phải là những người làm mà không lượng sức, cũng không làm những trò gian dâm, không mê cờ bạc, không nghiện hút, không cả uống rượu, nhưng cuộc giầu có của họ vẫn không được bao năm. Ôi… Phải chăng như lời ông Thợ Nề Vương Thưà Phúc nói: “Thịnh suy có thời, không thể thịnh mãi!” Tôi chỉ ngậm ngùi vì chuyện ở đời tôi những thời gian Thịnh của những người sống cùng thời với tôi sao ngắn quá!

Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích năm 2010.. Chiều cuối năm, 4 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi. 

Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:

– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!

Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.

Năm nay tuổi đời qua giới hạn Thất Thập – nôm na là Bẩy Bó Lẻ Mấy Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.

Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi, trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.  

Cảm khái cách gì!

3 Responses

  1. Ôi Sàigòn Mới ngày xưa! Đọc lại mà sao lòng bồi hồi thổn thức, ngồi ngẩn ngơ suốt nửa tiếng đồng hồ…Nhớ từ chợ Bến Thành nhớ sang Bùng Binh, nhớ tới bến xe buýt, hồi 8 tuổi theo má đi Sài Gòn,chỗ đó gọi là ga Cuniac, rồi nhớ tới đường Phạm Ngũ Lão. Lại nhớ sang rạp Kim Châu, nhớ luôn ông tướng…Ông HHT thường viết về các nữ đọc giả “thơm như múi mít” là chuyện có thật 100%, tôi sẽ kể lại một chuyện riêng để chứng minh. Còn “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi!”cũng là chuyên có thật 1000%. Chúc CTHĐ sống dai, viết dài dài để đời thêm đẹp.

  2. Cháu không biết Công Tử đã đọc bài này chưa?
    Cháu mới được đọc ,kính gởi Bác HHT đọc chơi cho biết Saigon ngày nay.
    http://saigonecho.com/main/phim/cactacgia/33654-li-xa.html

  3. Ad có nội dung báo Sài gòn mới in năm 1958 kg ạ

Leave a comment