• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

TRUYỆN CUỐI CÙNG

Lời ghi dưới ảnh: “Công Tử Hà Ðông Hoàng Hải Thủy  đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu nhưng không cờ bịch, có.. ..phí của giời không!” Nhà văn Văn Quang viết ở Sài Gòn.

Lời ghi dưới ảnh: “Công Tử Hà Ðông Hoàng Hải Thủy đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu nhưng không cờ bịch, có.. ..phí của giời không!” Nhà văn Văn Quang viết ở Sài Gòn.

Vê Cu,

Không biết tao đã gửi cho mày truyện này chưa? Ðây là truyện cuối cùng cuả tao. Hết xí quách rồi, không viết gì được nũa. Truyện này không dài mà cũng không ngắn, chỉ dở dở ương ương thôi. Tiện thể gửi  cho CTHÐ xem chơi. Khói.

Trên đây là đoạn thư  ngắn ông Nhà Văn Tạ Quang Khôi, hiện sống và viết ở Virginia, Kỳ Hoa, gửi qua I-Meo Internet cho bạn ông là ông Nhà Văn Quang hiện sống ở Sài Gòn, Việt Nam. Nhân tiện ông TQ Khôi gửi bản “Truyện Cuối Cùng” của ông cho CTHÐ – tức là Tui – nên tui mới được đọc truyện cuối cùng của ông Tạ, và sáng nay tôi viết bài này.

Ông TQ Khôi gọi ông Văn Quang là Vê Cu – VQ – như năm xưa – trước năm 1975 – các ông văn nghệ sĩ Sài Gòn thường gọi ông Nhà Văn Vũ Khắc Khoan là VêCaCa – VKK – tiếng gọi thân thương. Ông TQ Khôi vì nước da của ông trắng như bông bưởi nên được các ông văn nghệ sĩ gọi là Tạ Ống Khói. Ông TQK còn có cái tên thứ ba là TêCuKa. TQK. Ông ký tên là “Khói” dưới đoạn thư  ông gửi ông VQ như quí vị thấy trên đây.

Năm 1956 khi tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong – Chủ nhiệm Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng – Số 1 ra đời ở Sài Gòn, ông Tạ Quang khôi – thanh niên Hà Nội dzô Sài Gòn năm 1954 – viết truyện dài Mưa Gió Miền Nam trên VNTP. Cùng khi ấy ông Mai Thảo giữ Trang Thơ VNTP. Ông không ký tên Mai Thảo, ông ký tên gì tôi không nhớ, và ông chỉ giữ Trang Thơ VNTP chừng hai, ba tháng là ngừng để lo việc biên tập Tạp Chí Sáng Tạo. Cùng khi ấy tôi được viết phóng sự Vũ Nữ Sài Gòn trên VNTP.

Tôi gặp ông TêCuKa lần đầu trong tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong. Ngoài việc viết tiểu thuyết, ông là nhà giáo. Có lẽ vì nặng chất mô phạm nên ông TQK là người viết truyện có đời sống ngang bằng, sổ ngay – tức đàng hoàng — nhất trong giới viết truyện có nhiều người sống bê tha, bê bối.

Ngày vui, ngày buồn, tháng hồng, tháng sám, năm sớm, năm muộn rồi cũng qua mau. Ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh trong cuộc biển dâu quốc nạn, rồi tôi và vợ con tôi cũng sang được Kỳ Hoa. Tháng 10 năm 1994 khi tôi đến Virginia được khoảng 10 ngày, nhiều lúc tôi còn tưởng như tôi đang sống ở Sài Gòn, ông TQK – tức ông Tạ Quang Khôi – đến đón tôi, đưa tôi đi xem phong cảnh Washington DC. Sau 1975 bà vợ ông qua đời ở Sài Gòn, năm 1980 ông dắt các con ông vượt biên sang Mỹ. Ở Virginia, ông từng làm vài năm trong tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong. Nay ông đã retire. Trên xe đi, ông nói:

“Tao đưa mày đi mua quần áo. Ngày tao đến Mỹ, các bạn cho bố con tao quần áo cũ. Tao tủi thân lắm. Nay có bạn đến, tao đưa đi mua quần áo mới. Một bộ thôi, nhưng là đồ mới. Mày chọn cho mày một bộ, chọn cho vợ mày một bộ.”

Văn Quang, Uyên Thao và tôi ra đời năm 1933; Tạ Quang Khôi cao tuổi nhất trong ba chúng tôi. Tôi nghi ông vào cõi đời này năm 1930, có thể là năm 1928. Từ 10 năm nay ông sống một mình trong một apartment Bộ Xã Hội Mỹ dành cho những người già có tiền thu nhập thấp: Old Senior Low Income. Ông sống rất thư thái với hai dàn máy computer, một dàn để viết, một dàn để sơ-cua. Sống một mình nhưng ông không buồn một ly ông cụ nào. Mấy năm nay vì tuổi già, ông mắt mờ, tai điếc, tâm trí ông vẫn minh mẫn. Nay thấy ông cho biết ông ngưng viết vì tuổi cao, tôi bùi ngùi vừa thương ông vừa thương thân. Tôi cũng sắp không còn viết được nữa như ông. Thay vì viết tiếc thương ông khi ông không còn ở đời này, tôi viết về ông ngay khi ông còn sống.

o O o

Tháng Giêng 1990, sau sáu năm tù lần thứ hai, tôi từ Trại Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc, trở về Sài Gòn. Vài ngày sau tôi gặp lại một số các bạn tôi ở nhà Vương Ðức Lệ. VÐ Lệ cũng “oa-dzi-tô đờ luých: oasiteau de luxe” như anh em chúng tôi: không công ăn, việc làm, quanh năm không kiếm được xu teng, ngày tháng phất phơ toàn chủ nhật; tình trạng này kéo dài từ ngày 30 Tháng Tư 1975, nhưng VÐ Lệ có hai cô em ở Hoa Kỳ, hai cô em thương anh ra rít nên Lệ được chi viện đều đều và dài dài. Lệ và vợ con sống đỡ khổ hơn anh em chúng tôi. Có tiền và được vợ chiều, chỉ có một cháu gái còn nhỏ, Lệ có điều kiện tổ chức những buổi anh em gặp mặt chuyện trò có ăn nhậu tại gia. Gần như tuần nào anh em chúng tôi, đa số là những anh Con Trai Bà Cả Ðọi chính cống, cũng gặp nhau ở nhà Lệ.

Tôi gặp lại Thái Thủy ở nhà Lệ sau mười lăm năm trời xa cách. Thái Thủy bị bắt tháng Ba 1976, tù mút chỉ cà tha đến những năm 1986, 1987 mới trở về phố cũ Nguyễn huỳnh Ðức. Khi Thái Thủy trở về tôi đang ngồi rù nhìn thời gian đi qua hai lần song sắt trong Lầu Bát Giác Chí Hòa. Chúng tôi gặp lại nhau ở nhà VÐ Lệ vào buổi trưa, người tù mới trở về là tôi được chiêu đãi bia lon thoải mái. Tất cả anh em đều uống bia lon – dân Ngụy Thành Hồ năm 1990 mà uống bia lon ngoại quốc hách hơn Việt kiều ở Mỹ uống XO —  tôi được quyền “iâu tin” uống nhiều hơn anh em. Lúc ba, bốn giờ chiều, tôi sỉn sỉn, sương sương xuống đường ra về. Trời Sài Gòn u ám, lất phất mưa xuân, Lệ và Thủy đưa tôi ra tận vỉa hè. Lệ gọi xích lô, dặn:

Nhà Văn Tạ Quang Khôi, biệt danh Tạ Ống Khói.

Nhà Văn Tạ Quang Khôi, biệt danh Tạ Ống Khói.

— Ðưa ông bạn tôi về Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ. Nhiêu? Tiền đây. Ðưa ông ấy về đàng hoàng dùm…

Trên vỉa hè Bà Hạt, tôi nói với Thái Thủy:

— Tao có chuyện này muốn nói với mày đã lâu.. Tao có nợ mày một món..

Thái Thủy tỏ vẻ ngạc nhiên:

— Mày có nợ gì tao đâu?

— Mày quên. Hồi mày đi Sanh-ga-po về tao có lấy của mày cái đổng Seiko. Tao không trả tiền mày.

Vương đức Lệ hỏi chuyện gì thế? Tôi kể lại chuyện cái đổng Seiko Singapore, Thái Thủy nói:

— Mày nhớ làm gì. Quên chuyện đó đi.

Vương đức Lệ nói:

— Bây giờ chúng mình phải sống như thế này: cái gì trước kia lớn nay mình làm cho nó nhỏ lại, cái gì nhỏ mình cho đi luôn..

Năm tháng sau Thái Thủy, Vương Ðức Lệ và Mai Trung Tĩnh bị bắt, tội phản động, ông tù 5 năm, ông tù 4 năm. Khoảng năm 2000 ba ông sang Mỹ. Ba ông đã trăm năm hồng lệ ở Mỹ.

Hai mươi năm đã qua kể từ buổi chiều ra giêng trời mưa lất phất ở vỉa hè Bà Hạt, Sài Gòn, sáng nay khi nhớ và viết về các bạn tôi, tôi vẫn nhớ vẻ mặt và cái chặt tay của Lệ khi anh nói:

“…Cái gì nhỏ.. mình cho đi luôn..!”

Tôi kể rõ về chuyện cái đổng Seiko: Năm 1965, hay 1966, Thái Thủy, Trịnh viết Thành, được chính phủ cho đi sang Singapore du nhai. Trong số quà cáp Thái Thủy đem về còn dư cái đồng hồ Seiko dame. Loại đồng hồ đàn bà có mười cái dây đeo bằng nhung khác mầu nhau để thay đổi năm xưa ấy – 50 năm trước —  được kể là hiện đại. Thái Thủy đưa cho ai đem đi bán không đưa lại đưa ngay cho Hoàng Anh Tuấn. Năm ấy Tuấn và tôi làm trong tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến. Tuấn mang đồng hồ đến tòa soạn và Tuấn đưa cho ai không đưa lại đưa ngay cho tôi. Tôi nhận liền, Tuấn nói:

— Mày trả tiền cho Thái Thủy.

Tôi đem Seiko về tặng vợ tôi, nói tôi mua của Thái Thủy vừa đi Singapore về, và tôi quên luôn việc trả tiền.

Thái Thủy, Vương Ðức Lệ và tôi gặp lại nhau ở Kỳ Hoa. Rồi Thái Thủy ra đi lần cuối ở Cali, Vương Ðức Lệ lần cuối ra đi ở Virginia.

Bốn anh em chúng tôi: Tạ Quang Khôi, Uyên Thao, Vương Ðức Lệ và tôi tiễn đưa ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng đến nơi an nghỉ ngàn đời của ông. Trên xe trở về thành phố, tôi hỏi:

“Bốn thằng mình đây, thằng nào đi trước?”

TQ Khôi nói ngay:

“Tao đi trước.”

VÐ Lệ nói:

“Chưa chắc.”

Và sau đó Vương Ðức Lệ là người đi trước trong bốn anh em chúng tôi.

Tôi làm bài thơ:

ÐI TRƯỚC, ÐI SAU

Chưa biết thằng nào trước thằng nào,
Thằng nào đi trước, thằng nào sau.
Ði sau, đi trước cùng đi cả,
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Không thằng nào nói : Tao đi trước!
Không thằng nào nói: Tao đi sau!
Thằng đi trước đi lên tầu trước,
Thằng đi sau đi lên tầu sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước,
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Ði sau, đi trước rồi đi cả,
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Ðã không tránh được đi sau trước,
Bận trí làm chi chuyện trước sau!

o O o

Ðây là chuyện trao đổi – qua I-Meo Internet – giữa Nhà Văn Văn Quang và tôi:

CTHРgửi VQ:

Tôi gửi chú thư này để nếu tôi đi trước chú, chú có sẵn chuyện, ảnh về tôi để dùng viết điếu văn tôi. Nếu chú đi trước tôi chắc tôi không viết điếu văn chú đâu, có chuyện gì đáng viết về chú tôi viết hết cả dzồi.

Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích

Ngày 3 Tháng Giêng Tây 2006.

VQ trả lời: Tặng tất cả các vị bô lão lắm tài nhiều tật

ÐIẾU VĂN Gửi CTHÐ:

Nếu mày đi trước
Tao viết điếu văn
Nếu tao đi trước
Mày nói “Không viết.”
Ðồ đểu!

Khi viết điếu văn
Cần tí bốc thơm
Thêm tí bốc pét
Hạng bét!
Tao viết điếu văn
Kể toàn chuyện thật
Vợ mày mà biết
Mày chết!

VQ  Sài Gòn Ngày  04-Tháng Giêng Tây-2006

CTHÐ:

Tao  chít queo dzồi.
Kể tội tao, tao cóc sợ.

o O o

ÐẸP TRAI, HỌC GIỎI, CON NHÀ GIẦU

Văn Quang viết từ Sài Gòn Ngày 28 Tháng 8, 2013 bài “Cờ Bịch Ngày Xưa.” Trích:

Những ông văn nghệ sĩ không chơi Cờ Bịch:

Có những ông văn nghệ sĩ không bào giờ bén mảng đến bàn cờ bịch và sàn dancing. Ông Hoàng Hải Thủy, tức Công Tử Hà Ðông, viết “phóng sự ăn chơi rất ác liệt,” nhiều độc giả cứ tưởng ông “ăn chơi kinh lắm” nhưng ông là người không chơi bất kỳ môn nào. Ông là một ông chồng mẫu mực.

Ông Nhà văn Tạ Quang Khôi cũng vậy, ông tự nhận là Giáo Gian nhưng thật ra ông rất hiền, tốt tính, chỉ hay giận vặt, cũng giận bạn nhưng qua loa rồi quên ngay; ông không nhẩy đầm, không cờ bịch dù suốt đời ông chơi với anh em văn nghệ, ông từng có thời làm “nhớn” ở Phòng Văn Nghệ Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Ông Uyên Thao cũng là nhà văn “chân chỉ,” cuộc sống của ông là “cày” và “cày.” Ông làm việc nhiều đến nỗi anh em phát ghét. Ông Chú Tư Cầu Lê Xuyên hiền lành hơn, ông không cờ bịch, không rượu chè, thậm chí không bao giờ ghé vào phòng trà nghe nhạc.

o O o

Bạn Văn Băng Ðình, Wychita, Kansas, làm bài Thơ Một Vần về Hoàng Hải Thủy:

Bẩy Bó Gân Gà.

Bẩy Bó Gân Gà Hoàng Hải Thủy
Nhóc tì Sông Nhuệ, lớn sông Nhĩ
Thành danh Vàm Cỏ sông Sài Gòn
Lính tráng leo tới cấp Trung sĩ
Võ Trang Tuyên Truyền thưở bán khai
Tiền thân ngành Chiến Tranh Chính Trị
Thầy Ðội khó nuốt cơm nhà banh
Tháo lon tự  khoác nghiệp văn sĩ
Hóa thân bướm lượn cõi hoa hương
Làm văn chương ma, thi phú quỉ
Mà khiến người mê, khiến thần sầu
Chữ nghĩa vung vít thật phỉ chí
Sáng tác, tối tác, phóng tác luôn
Ngòi bút chẳng bao giờ tắc tị
Dẫu “Lời quê góp nhặt dông dài..”
Miễn góp tiếng cười vui một tí
Giặc vào.. ”Sắc đỏ rũa mầu xanh..”
Hoa tàn khám lạnh tưởng mút chỉ
Tại Ngục Vịnh Kiều thêm Phóng Dao
Chiếu phim bạn tù nghe mệt nghỉ
Mơ màng khói lửa hít tô phe
Tiên ông ép rệp bất đắc dĩ
Mấy bó cũng về một bó xương
Duy thưở trần ai có tri kỷ
Trẻ trung vay mượn lắm ân tình
Già lão nợ nần gậy với bị
Bánh xe lãng tử đến Rừng Phong
Hát Ô.. Hát Ô Vàng Mít Mỹ
Chữ nghĩa lại vào Hội Gió Mưa
Ðộc giả năm châu vẫn khoái tỉ
Xuân thu nhị kỳ gọi thăm nhau
Bạn rầu mần thơ sao vận bí
Này này ai có khác chi ai
Ta chán thi văn, nản hồi ký
Ta chán người, chán luôn cả ta
Cẩm như đồng bào chán đồng chí
Ta cũng nhiều phen bẻ bút thơ
Suy đi, xét lại song thầm nghĩ
Thân tàn, đời mạt kiếp lưu vong
Giấy rách khiến bao người hóa khỉ
Chỉ còn Nàng Thơ quấn quít ta
Chẳng rượu mà say đến túy lúy
Nhớ nhau gửi chút tình cho nhau
Bớ Hoàng Hải Thủy, chớ tịch hĩ !

BĂNG ÐÌNH. 30-3-2001

Nhà Thơ Băng Ðình làm bài thơ trên năm 2001. Năm ấy H2T Bẩy Bó. Năm nay 2013, H2T Tám Bó.

Cảm khái cách gì!

Virginia Ngày 1 Tháng Chín 2013.

4 Responses

  1. […] TRUYỆN CUỐI CÙNG (Hoàng Hải […]

  2. Ki’nh go’i Hoang huynh`,
    Toi dang co’ quyen? UN MILLION DOLLARS LE VIET cua JEAN LARTEGUY. Ben duoi co’ tua : LA DEUXIEME GUERRE D’INDOCHINE. Hinh nhu’ toi co’ nghe Hoang huynh no’i ve ta’c gia? na`y. Ne’u Hoang huynh thi’ch, toi se goi bieu. Toi dang o Paris.
    Ki’nh,
    Nick Phan ( Phan Si Nghi )

  3. Va`ne’u goi ve`PO BOX 5061 Falls Church VA 22044 USA co’ duoc khong? Ne’u Hoang huynh ko tra loi thi`toi se goi ve`do’, vi toi sap ve`Saigon, ko mang sa’ch do’ theo duoc! Ki’nh.

    • 10 gio toi Thu Ba 10 Septembre 2013. Cam on ong Nick Phan. Xin gui sach cho toi ve PO Box 5061 Falls Church. VA 22044. USA. HHT

Leave a comment