• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

MÙI PHẤN ÁI ÂN

Ngày xưa xa lắm tôi còn trẻ
Chưa biết đau thương, biết nợ nần,
Ðời chỉ có hoa và mật ngọt,
Da thịt thơm mùi phấn ái ân.

Căn Nhà Không Có Mùa Xuân. Thơ H.H.THỦY

coupleLàng Linh Qui, tổng Kim Sơn, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ðó là căn cước làng quê tôi. Một làng không giầu, không nghèo, một làng điển hình của một ngàn lẻ một làng quê đồng bằng Bắc Việt. Những năm xưa, cách đây hơn năm mươi năm, khi tôi có điều kiện tìm biết nguồn gốc làng tôi, dòng họ tôi, tôi đã không tìm – ngày xưa ấy tôi còn ít tuổi quá, năm 1945 tôi mới 14 tuổi. Khi tôi trưởng thành, muốn tìm biết thì không còn được nữa. Chỉ nhớ tôi nghe ông thân tôi nói họ Dương của tôi gốc ở Bần Yên Nhân, năm năm một lần đại biểu họ tôi vẫn về Bần Yên Nhân cúng tổ. Ông tổ năm đời của tôi thi không đỗ, rời làng quê đi tìm nơi dậy học. Ông dừng chân ở một khu dân cư nằm ven con đê sông Ðuống, một số người trong họ ông theo ông đến đây sinh sống, và các ông lập ra làng Linh Qui. Làng tôi không có người nào đỗ cao,  Hán học cũng như Tây học. Năm tôi biết ghi nhận làng tôi chỉ có hai ông Thông Phán: ông Dương Ðức Hiệp, ông  bác tôi, chi trên, thân sinh anh Dương Ðức Hiền, và ông Dương Hoằng Giản, ông bố tôi. Làng Kim Sơn ngay bên làng tôi, cũng không giầu, không nghèo như làng tôi, có ba, bốn ông tiến sĩ, làng Phú Thị, nổi tiếng văn học nhất vùng, cách làng tôi một cánh đồng, là làng ông Cao Bá Quát.

Ði từ Hà Nội, qua cầu Sông Cái, năm tôi nhỏ tuổi tên Tây là cầu  Pont Doumer – tên một ông Toàn Quyền Pháp ở Ðông Dương, Toàn Quyền Doumer xây cầu qua sông Hồng, một tên khác là Sông Cái – vào đường Số 5, đi về hướng Hải Dương, Hải Phòng, 19 cây số thì đến ga xe lửa Phú Thị. Rẽ trái vào con đường đất, đi qua trước làng Phú Thị, vào bên trong chừng ba cây số thì đến làng tôi.

Làng tôi nằm giữa đê sông Ðuống và đường số 5, con đường huyết mạch nối liền thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng. Chiến tranh nổ ra, quân Pháp chiếm phi trường Gia Lâm trước nhất, họ mở ngay những cuộc hành quân càn quét hai bên đường số 5 để bảo vệ con đường quan trọng ấy. Khói lửa, chết tróc, hoang tàn đến với làng quê tôi rất sớm. Cánh đồng làng tôi là nơi xẩy ra trận đánh đầu tiên trong vùng. Hai ngày sau trận đụng độ, tôi đi theo vết bánh xe thiết vận xa, hồi đó chúng tôi gọi là xe tăng, qua cánh đồng lúc ấy trồng ngô, thấy những vết máu đỏ trên những lá ngô.

Gia đình tôi ở thị xã Hà Ðông. Trước tháng 12 năm 1946 mỗi năm tôi chỉ được về làng một ngày, thường là ngày giỗ ông nội tôi, sáng về, chiều trở lại Hà Ðông. Chiến tranh đến, gia đình tôi về quê và ở lại đấy mấy năm trời. Những tháng đầu tôi theo Yên đi chơi quanh vùng. Yên là con ông chú ruột tôi, ông chú tôi mất sớm, Yên hơn tôi đến mười tuổi, làm hương sư, tức thầy giáo dậy bọn trẻ con mới học a, b, c…ở những trường làng, Yên quen ông Cao Bá Thao ở làng Phú Thị. Năm 1945 Thi sĩ Thao Thao, tên thật Cao Bá Thao, đã nổi tiếng. Dường như ông có một hai trang trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân. Tôi theo Yên đến làng Phú Thị, và tôi được gặp Thi sĩ Thao Thao.

Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính-Kháng Chiến xã Phú Thị cũng là người họ Cao, tên anh là Dinh, trước làm giáo viên, chắc cũng loại hương sư như Yên, nên thường được gọi là Giáo Dinh. Tôi gặp Giáo Dinh vài lần. Năm 1946 chủ tịch xã như Giáo Dinh có thể nói là “văn minh” nhất tỉnh, anh mặc sơ-mi kaki, áo có cầu vai, hai túi ngực, quần soóc kaki, đội ca-lo Mỹâ, đi săng-đan, và đặc biệt anh có khẩu súng lục. Súng do anh bỏ tiền nhà ra mua. Thời ấy rất có thể chủ tịch Ủy Ban Hành Chính-Kháng Chiến phủ Gia Lâm cũng không có súng lục, nhưng Giáo Dinh, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính-Kháng Chiến xã  Phú Thị, có súng lục.

Ðứng ở cổng làng Phú Thị người ta nhìn thấy Cầu Bây, cây cầu sắt bắc ngang dòng sông nhỏ, xe hỏa Hà Nội-Hải Phòng cùng xe ô tô chạy qua cầu này. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua cuộc đời tôi vẫn nhớ bài thơ Thi sĩ Thao Thao làm riễu anh Giáo Dinh. Không học mà thuộc, không có ý ghi nhớ mà qua năm mươi năm tôi không quên:

Tiếng súng Cầu Bây nổ đánh ình!
Ngoảnh ra thấy mất Bố Cu Dinh!
Hỏi xem mới biết vừa quăng súng,
Lõm bõm qua sông lội một mình!

Sau làng Phú Thị có con sông đào, sông không sâu, có chỗ người ta lội qua được. Con sông ấy nằm giữa làng tôi và làng Phú Thị. Tôi nhiều lần lội qua con sông này, những lần tôi đi đường tắt từ làng tôi sang làng Phú Thị.

backTừ năm xưa tôi mới mười mấy tuổi đó tôi đã thấy bài thơ riễu Bố Cu Dinh là bài thơ hay. Về sau mỗi lần hồi tưởng, tôi thấy năm ấy Thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao, con cháu Thi sĩ Cao Bá Quát, không chết vì bài thơ riễu đó là may. Có thể Chủ Tịt Bố Cu Dinh là người ngang hàng trong họ Cao, hay vai dưới Thi sĩ nên y không làm hại ông. Ông làm thơ như thế Bố Cu Dinh cũng đau chứ. Ðường đường là chủ tịch ủy ban hành chính-kháng chiến xã – chủ tịch xã cũng dư phương tiện thủ tiêu kẻ dám đem mình ra làm đề tài cười cợt. Chủ Tịt có súng lục đàng hoàng, Tây nó mới bắn mấy phát súng ở đường số 5 Chủ Tịt đã quăng súng, lội sông chạy. Ðã chạỵ mà còn chạy một mình, tức chạy lúc chưa có ai chạy cả. Rất có thể Chủ Tịt Bố Cu Dinh đã chạy như thế, nhà thơ không bịa chuyện để riễu Chủ Tịt.

Qua Yên, em tôi, tôi gặp anh Dũng, ủy viên thanh niên của phủ Gia Lâm. Anh Dũng trạc 25 tuổi, chưa vợ con, tính nết dễ thương. Là ủy viên thanh niên phủ mà anh nghèo rớt, không có qua một phương tiện gì để tuyên truyền. Anh tập hợp được 5 thiếu niên đồng tuổi tôi, chúng tôi đều mười bốn, mười lăm tuổi năm đó, cùng ở mấy làng gần nhau, và thành lập ban kịch thiếu niên. Tôi nguyên là hướng đạo sinh, tôi đem theo về quê được khoảng mười mấy số tuần báo Thẳng Tiến của Hội Hướng Ðạo. Trong những số báo Thẳng Tiến ấy có mấy vở kịch vui, và vở Kịch Thơ Hận Nam Quan, toàn những vở kịch hướng đạo dễ đóng, ít vai. Ban Kịch Tiền Phong của chúng tôi – cũng Tiền Phong như ai – trình diễn những vở kịch hướng đạo ấy. Cả ban chỉ có 5 anh em chúng tôi. Và anh Dũng trưởng ban. Chúng tôi đi đến những làng trong vùng diễn kịch, mỗi làng ở lại chừng ba, bốn ngày, người làng nuôi cơm. Kịch diễn tất nhiên là không bán vé, diễn ở đình làng, một ngọn đèn đốt sáng bằng khí đất là đủ cho sân khấu. Chỉ có một cái kèn harmonica do tôi thổi. Cũng chào cờ, quốc ca, mặc niệm đủ trò. Khán giả dễ dãi, được xem kịch là họ thích rồi. Thường thì chỉ có những người trẻ trong làng đến xem.

Một buổi tối cuối hạ, đầu thu, tôi đi trên đê sông Ðuống về làng tôi. Lúc ấy khoảng bẩy giờ tối, trăng lên, cả một con đê dài, những cồn cát, những bãi dâu, những bờ ngô, những bụi chuối, trên là trời trăng bao la, tôi đi một bên là dòng sông lớn, một bên là cánh đồng với những ruộng ngô, những làng mạc sau lũy tre xanh. Trong không gian chỉ có ánh trăng, tiếng gió, chỉ có một mình tôi giữa trời đất. Tối ấy tôi tự nhủ mai sau, những năm tôi ba mươi, bốn mươi tuổi, tôi sẽ trở về đi trên quãng đê này trong một tối trăng sáng như tối nay, để tưởng nhớ chú thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi là tôi tối nay đi trên con đê này.

Lính Pháp hành quân qua vùng tôi, ban kịch tan. Lần ấy lính Pháp chỉ đi qua, chưa đóng đồn trên đê sông Ðuống. Một số nhà bị cháy, một số người chết. Rồi cuộc sống trở về bình yên, một bình yên tạm bợ. Tôi gặp anh Tường Lan.

Tường Lan là bí danh của anh, anh trạc ba mươi tuổi, người trẻ mà để râu ba chòm như râu ông Hồ chí Minh, anh đến ở nhà ông bác tôi cùng với mấy anh nữa. Tôi đến chơi và thấy mến các anh. Các anh cũng mến tôi, rất tự nhiên và dễ dàng, tôi nhập vào nhóm các anh. Anh Tường Lan là tổ trưởng tổ tình báo ấy, tôi trở thành liên lạc viên của tổ.

Và tôi gặp người phụ nữ của đoạn truyện hồi ký này, đây là một đoạn trong Hồi Ký Hoài Niệm Cuộc Ðời mà từ lâu tôi định viết. Hồi ký hoài niệm đời tôi, sẽ có ba phần: Sáng, Trưa, Chiều. Sáng là thời gian những năm tôi từ 10 đến 20 tuổi, Trưa là những năm tôi 20 đến 40 tuổi, Chiều  là những năm tôi từ 40 tuổi đến bây giờ, tôi không thể viết đoạn Tối của đời tôi được.

o O o

Ðược nhận vào Ban Tình Báo, tôi lấy bí danh là Thành, Trần Chí Thành, tôi muốn lấy bí danh là Hồ Chí Thành nhưng không dám. Tình cờ bí danh của người chị diệu kỳ trong những ngày tôi mới lớn là Thanh. Thanh, Thành, như tên hai chị em ruột. Về sau, vì chị Thanh thương mến tôi, lo cho tôi,  nhiều người tưởng chúng tôi là chị em ruột, dù tôi nói tôi không phải là em chị, người ta cũng không tin. Khoảng hai mươi, hai mươi mốt tuổi, chị là cô gái nửa quê, nửa tỉnh, không phải là tiểu thư thành phố mà cũng không phải là gái quê làm việc ngoài đồng. Phụ nữ kháng chiến như chị thuộc loại gái văn minh, răng trắng, tóc thề, tức tóc cắt ngắn chấm vai, nước da trắng, ăn nói có duyên, bạo dạn. Nhưng chị không mặc áo nâu cổ vuông như những thiếu nữ thành thị tản cư hay như những em Việt Minh làm văn nghệ, chị mặc áo cánh, trong mặc yếm trắng. Chị mặc thế để giả dạng làm gái quê nhưng chỉ cần nhìn chị với hàm răng trắng, mái tóc cắt ngắn,  bất cứ anh sĩ quan Tây nào dù ngốc nghếch đến mấy cũng biết ngay chị là Việt Minh. Chị và một chị nữa không ở trong nhà ông bác tôi mà ở một nhà khác trong làng, hai bữa các chị ăn cơm chung với các anh trong tổ tình báo ở nhà ông bác tôi. Chưa phải là nhân viên Ban Tình Báo, tôi đã thường có mặt trong những bữa ăn ấy.

Anh Tường Lan cho tôi đi theo anh, và mấy anh lớn trong những chuyến đi công tác trong vùng. Tiếng là tình báo, thời ấy các anh làm quân báo thì đúng hơn, quân báo mà cũng là thứ quân báo hạng bét. Chẳng anh nào, kể cả anh Tường Lan, biết tình báo là gì. Một lần tôi theo một anh vào huyện Lang Tài, đến một làng ở gần núi Thiên Thai. Tây đã đóng đồn trên núi, anh tình báo đến điều tra về đồn lính ấy. Ban tình báo có một anh ở ngay trong làng. Hai anh gặp nhau. Giả làm nông dân, tôi theo hai anh đến một chỗ trong cánh đồng chỉ cách núi Thiên Thai chừng ba trăm thước. Không dám đến gần hơn, tất nhiên chúng tôi chẳng nhìn thấy gì nhiều. Hai anh tình báo ngồi đó nhìn lên đồn binh trên núi, sẵn sàng chạy nếu thấy bóng lính Tây xuống đồn, tưởng tượng  về đồn để về làm báo cáo.

Rồi một hôm anh Tường Lan cho tôi đi công tác với chị Thanh. Anh trao công tác cho chị Thanh, tôi chỉ đi theo học việc. Chúng tôi phải vượt qua Ðường số 5 – con đường chiến sự ác liệt nhất trong những năm đầu sau năm 1946 ở Bắc Việt – để sang vùng đất bên kia. Việc qua đường số 5 là việc nguy hiểm, ban đêm cũng như ban ngày, đã nhiều người bị bắn chết ở hai bên đường. Lính Pháp trên quân xa, tầu hỏa đi qua, thấy người là  bắn.

Chúng tôi ngồi dưới gốc đa trước cổng làng Phú Thị chờ trưa đứng nắng để qua đường. Những người qua đường số 5 những ngày  ấy truyền nhau kinh nghiệm: không qua đường ban đêm, bọn Tây hay phục kích ban đêm ở những đoạn người dân thường qua đường, ban đêm qua đường dễ bị Tây bắn chết, phải qua đường vào lúc giữa trưa. Thời gian đó quân xa Pháp ít chạy trên đường, chỉ có xe hỏa ngày nào cũng có chuyến lên, chuyến xuống. Xe hỏa từ Hà Nội sang Hải Phòng hay từ Hải Phòng sang Hà Nội thường chạy vào lúc 9, 10 giờ sáng, qua đường giữa trưa là an toàn nhất.

Áng chừng giữa trưa, tôi đi bên chị Thanh trên con đường đất song song với đường số 5 để đến chỗ lên đường, vượt đường nhựa, đường xe hỏa, qua bên kia. Con đường chúng tôi đi cách đường số 5 khoảng ba trăm thước.  Chúng tôi đi chân đất, tôi đeo vai cái bị trong có để hai bộ quần áo, khăn mặt của hai chị em. Ði bên nhau tôi mới thấy chị cao hơn tôi nửa đầu, mới mười lăm tuổi tôi chưa lớn hết chiều cao của tôi.

Trưa hè, nắng rát, trời không có gió, lưng dâm dấp mồ hôi, tôi không thấy sợ hãi hay hồi hộp, chỉ thấy một kích thích mơ hồ về việc  được cùng đi công tác với một phụ nữ như chị Thanh. Vẻ bạo dạn đầy thẩm quyền của chị làm tôi không thấy sợ.

Ði được nửa đường, trước mặt chúng tôi có một đoàn chừng hai mươi người dân quê đi tới,  họ đi buôn, môt số người gánh những thúng hàng, một số người cầm đòn gánh đi không. Họ cũng qua đường số 5 giữa trưa như chúng tôi và họ từ vùng bên kia đường đã qua được vùng bên này đường, họ đã qua được đoạn đường nguy hiểm.

Ðúng lúc chị em tôi gặp đoàn người thì tầu hỏa sình sịch đến, con tầu từ Hải Phòng lên. Súng nổ, lính trên tầu thấy người bắn xuống. Tôi chạy đến nằm nép vào cái mả. Nằm đấy tôi thấy chị Thanh nằm trên đường, nhưng chị nằm nghiêng, chị không nằm sấp úp mặt hay áp má xuống đất như mọi người, chị nằm nghiêng nhìn đoàn tầu. Tôi thấy rõ khoảnh yếm trắng trên ngực chị, và cánh tay phải của chị đỡ đầu chị. Và tôi thấy rõ những viên đạn bắn xuống ruộng nước quanh chỗ chị nằm làm nước tóe lên. Nhưng rõ ràng là chị vẫn nằm thoải mái, chị không ngán sợ.

Ðoàn tầu chạy qua, tôi trở lên đường. Không một ai bị thương. Nhiều chị trong đoàn người đi buôn nhào xuống ruộng, quần áo đầy những bùn nước. Chị Thanh của tôi sạch boong.

– Mình đi hay quay về, chị?

Tôi hỏi. Chị phủi bụi đất ở quần, trả lời:

– Ði chứ.

Và chị hỏi lại:

– Sao lại quay về?

Và thế là tôi theo chị đi. Tới đầu đường chúng tôi chạy lên đường số 5, theo lối mòn chạy lên đường tầu hỏa qua cánh đồng bên kia. Xuống đến đồng rồi chúng tôi vẫn chạy, chạy cho xa đường số 5. Khi chị ngừng chạy, tôi ngừng chạy, chị vừa đi vừa thở vừa cười. Ðến lúc ấy tôi mới nói:

– Lúc nó bắn, em thấy chị nằm nghiêng. Chị không sợ nó bắn trúng à?

Chị thản nhiên:

– Nó bắn mình nằm xuống đất rồi là không sợ.

Và chị cười, nói đến chuyện vừa qua như nói một chuyện rất thường:

– Tưởng tầu nó qua rồi, biết đâu hôm nay nó chạy muộn.

Ðồng đất bên này cũng như đồng đất vùng quê tôi ở bên kia đường, những làng thôn nằm sát nhau. Hình như chúng tôi đã đi vào huyện Văn Lâm chứ không còn ở trên đất Gia Lâm nữa. Trước mặt chúng tôi, mờ xanh xa kia là đê sông Hồng, sau lưng chúng tôi là đường số 5 và đê sông Ðưống,  phi trường Gia Lâm, những làng Bát Tràng, Thủ Khối, cầu sông Cái, Hà Nội ở bên tay phải chúng tôi.  Hai chị em tôi đi bên nhau chừng hai giờ nữa, nắng hè làm tôi quáng mắt, khát nước khô cổ họng, cuối cùng tôi theo chị vào một làng có cái tên đẹp là làng Ðào Nguyên.

Dòng thời gian dài một ánh bay.. Năm mươi năm dập dồn dâu biển..! Không biết hôm nay người chị ngày xưa còn hay đã mất, tôi vẫn nhớ tên làng Ðào Nguyên. Tên là Ðào Nguyên nhưng làng cũng chỉ giầu, chỉ nghèo giống như làng Linh Qui – làng Linh Qui của tôi có cái tên nôm là làng Vụi, hay làng Bụi, làng Phú Thị của ông Cao Bá Quát, Cao Bá Thao, tên nôm là làng Sủi – làng Ðào Nguyên hơn làng tôi vì làng có con sông chẩy quanh làng, cánh đồng Linh Qui không có sông cũng chẳng có qua một cái ao, cái chuôm nào.

Dường như Ðào Nguyên là làng quê ngoại của chị Thanh, ít nhất chị đã từng sống trong làng này trước đó. Chị quen biết nhiều người trong làng. Chúng tôi vào nhà một người quen của chị. Nhà gạch năm gian, sân gạch, bể nước mưa, cây mít, cây bưởi, một trong mấy nhà khang trang nhất làng.

Chúng tôi uống nước, ngồi nghỉ một lúc, rồi chị bảo tôi:

– Ði, chú.

Không biết đi đâu, chị bảo đi là tôi đội nón đi theo. Chị đưa tôi ra đồng qua một cổng làng khác với cổng làng có khúc sông chẩy ngang hồi nẫy chúng tôi vào làng. Chúng tôi đi về phía đê sông Hồng, đến một chỗ chúng tôi nhìn thấy đồn binh Pháp trên đê. Một đồn bốt nhỏ, một căn nhà gạch liền với lô-cốt, hai, ba hàng rào dây thép gai sơ sài. Nhiều năm sau nhớ lại hình ảnh cái đồn binh trên đê sông Hồng năm xưa, sống lại giây phút ngồi trên bờ ruộng bên người chị chỉ hơn tôi năm, sáu tuổi, ngửi mùi nước ruộng bị nắng hè hun nóng trong không khí phảng phất mùi tóc, mùi vải áo nâu đượm mồ hôi của chị, tôi thấy chẳng cần phải là tình báo viên, tình báo hòn, người có khả năng nhận xét bình thường cũng biết cái đồn ấy chỉ có thể chứa nhiều nhất là sáu anh lính, với sáu khẩu súng trường. Trong khoảng nửa giờ ngồi bên bờ ruộng quan sát đồn binh tôi không thấy bóng dáng một anh lính nào cả.

Nắng chiều nhạt dần, chúng tôi trở về làng Ðào Nguyên. Chủ nhà đãi chúng tôi bữa cơm. Rồi tối xuống.

– Chúng mình ra sông tắm.

Tôi theo chị đi. Chị không mắc áo, chĩ mặc có cái yếm. Trăng lên. Sáng trăng vằng vặc. Chị đưa tôi tới một khúc sông xa làng. Ðến đây tôi mới biết con sông này chẩy về Cầu Bây trên đường số 5, Cầu Bây trong thơ Thao Thao;

–  Tiếng súng Cầu Bây nổ đánh ình…

Tôi theo chị xuống một khúc sông có nhiều bụi lau sậy bên bờ, dường như chị đã tắm ở chỗ này trước đó nên chị biết đây là chỗ tắm tốt. Khúc sông này có cát nên nước trong. Tôi cởi áo để trên bờ, mặc quần cụt xuống nước, chị mặc quần dài đen. Chị bơi lọp bọp kiểu bơi nghển cổ ngửa mặt trên mặt nước, kiểu bơi  bọn trẻ chúng tôi gọi là bơi chó, bơi Tô-tô. Mùa hè một năm trước đó ở bãi sỏi sông Nhuệ Hà Ðông, ông Ðoàn Khê, ông cậu của nữ ca sĩ Linda, tức ông Khê Vinh, cầu thủ bóng tròn Hội Tuyển Túc Cầu Bắc Việt những năm 1952, 1953, người có danh hiệu là Thăng Long Xích Thố, đã dậy tôi bơi brasse, bơi crawl. Trên dòng sông Ðào Nguyên năm xưa ấy  tôi biểu diễn một đường bơi crawl. Khi trở lại chỗ chị, tôi thấy chị đã cởi yếm cầm ở tay

– Chú lội hay quá. Dậy chị nhá..

– Vâng.

Chị bảo gì tôi cũng nghe, chị làm gì tôi cũng thấy hay, có duyên, thấy đúng, nếu lúc ấy chị có cởi quần tắm truồng tôi cũng thấy không có gì lạ. Rồi nhìn lên bờ tôi thấy có người trên bờ sông. Không phải một người mà hai người, hai anh trai làng đến đây theo chị em tôi. Họ nhìn thấy chúng tôi dắt nhau ra khỏi làng, họ tò mò đi theo. Hai anh đến đây lúc nào tôi không biết. Thấy tôi nhìn hai anh rồi nhìn  chị, biết tôi nghĩ gì, chị cười, nói:

– Người ta ngồi đó mặc người ta, mình tắm mình cứ tắm.

Nước mát ơi là mát. Tắm đã rồi chúng tôi lên bờ. Chị nói:

– Mình về nhà hãy thay.

Chị đã mặc lại yếm, nhưng không mặc áo, để vai và lưng trần, mảng da thịt ngồn ngộn trắng vàng trong trăng đêm, quần đen ướt nước, tôi mặc quần đùi ướt, cũng không mặc áo, đi bên nhau về làng. Những giọt nước rơi đánh dấu những bước chân chị em tôi đi trên mặt đường đất mịn. Hai anh trai làng vẫn ngồi đó. Khi đi ngang mặt hai anh, chị cầm tay tôi kéo tôi đi sát vào chị, như muốn làm thế để nói với hai anh trai làng: “Chú này là em tôi..”

Không phải lòng bàn tay tôi mà là mu bàn tay tôi – nửa thế kỷ đã qua tôi vẫn nhớ đó là mu bàn tay phải của tôi – chạm vào bầu vú bên trái của chị.

Ông bà chủ nhà đãi chúng tôi ăn khoai lang luộc. Cũng chỉ hai chị em tôi ngồi bên nhau ăn khoai trên hiên nhà sáng ánh trăng. Rồi chúng tôi đi ngủ.

Chị ngủ ở nhà trên, tôi ngủ ở nhà ngang. Nhà này không có cửa. Tôi nằm trên cái phản, bên kia là cái bàn để bình nước, cái điếu thuốc lào, chắc là nơi tiếp khách của gia chủ. Thoáng mát nhưng muỗi nhiều quá. Tôi nằm chịu trận, lại không có cây quạt nan đuổi muỗi. Vì mệt có lúc tôi ngủ chợp đi nhưng không được lâu lại thức vì muỗi đốt rát mặt, muỗi vo ve bên tai..

Không biết mấy giờ đêm.. Ông chủ nhà, một ông chừng năm mươi tuổi, chắc đã ngủ được một giấc dài, đi vào ngồi ở bàn hút thuốc lào lọc sọc. Thấy tôi nằm mở mắt, qươ qươ bàn tay đuổi muỗi, ông nói:

– Muỗi quá làm sao ngủ được. Lên nhà ngủ với chị ấy, có màn.

Tôi đi lên nhà trên. Tôi biết chị Thanh ngủ trong cái chái bên trái. Ðây chắc là chỗ ngủ của bà chủ nhà, đêm nay được nhường cho khách. Nhà ở nhà quê miền Bắc chia ra từng gian, từng chái, gọi phòng là không đúng. Cái chái đêm xưa ấy  tôi đến có cửa nhưng không gài then, chỉ khép hờ. Nhìn vào, nhờ ánh trăng chiếu xiên trên hiên, tôi thấy cái màn nâu. Tôi đẩy cửa bước vào, đứùng bên giường, gọi:

– Chị… Chị.

Qua lá màn nâu, tôi thấy chị nằm, ở trần, mặc yếm. Tiếng muỗi vo ve trong bóng tối.

Tiếng chị âm ừ:

– Ừ.. Ừ..

Tôi gọi:

– Chị..

Chị hỏi:

– Thành hả em? Gì thế..?

– Cho em nằm mấy. Muỗi quá em không ngủ được..

– Ờ.. Ờ.. Vào đây…

Chị nằm dịch vào trong, tôi mở màn, ngồi xuống giường, đập đập hai bàn chân vào nhau để rũ bụi đất dính chân, rồi ngả người vào nằm bên chị.

……

Sáng tinh sương. Tôi chưa kịp rửa mặt, chưa kịp uống nước, kinh hoàng đến. Bà chủ nhà chạy về, nói:

– Tây nó vào làng.

Bà ra hiệu cho chúng tôi theo bà. Chạy ra vườn sau, chui qua hai ba khu vườn hoang, bà đưa chúng tôi đến một góc bụi tre. Ở đó dưới những lớp lá tre là một cửa hầm bí mật. Bà chủ nhà và chị Thanh bới đống lá nhấc lên tấm đan bằng tre cửa hầm. Bà chủ nói nhỏ:

– Ở dưới đó. Yên rồi tôi mở cho lên.

Tim tôi đập dữ dội. Tây nó vào làng là để bắt hai tên Việt Minh mới về làng. Hai tên Việt Minh ấy là chị Thanh và tôi. Tôi nhẩy xuống hầm trước, tối om, tôi lom khom mò vào trong. Chị Thanh nhẩy xuống sau tôi. Tôi nghe tiếng đậy nắp hầm. Hầm nhỏ, đào sơ sài vì mới đánh nhau chưa ai có kinh nghiệm đào hầm bí mật. Vào chừng hai thước là hết hầm. Tôi quay lại, chị Thanh ôm tôi. Không nhìn thấy chị, hơi thở của chị thoảng  vào mặt tôi, tiếng chị nói bên tai tôi:

–  Ðừng sợ. Ngồi xuống.

Chị biết trong hầm thiếu dưỡng khí nên kéo tôi ngồi xuống rồi, chị nói:

– Thở nhẹ thôi.

Và chị lại nói:

– Ðừng sợ.

Thời gian trôi qua, có những lúc nặng nề, có những lúc huyền diệu. Bên trên không một tiếng động. Chúng tôi cứ ngồi sát bên nhau như thế trong hầm tối. Miễn là không bị Tây bắt, tôi sẵn lòng ngồi như thế cả ngày, cả đêm…

Trời đã vào trưa khi chúng tôi được trở lên. Tôi nhìn chị và thấy mặt chị xanh đi vì thiếu dưỡng khí, chắc mặt tôi còn xanh hơn. Mồ hôi làm mấy sợi tóc của chị dính trên trán, sau ót. Tôi bồi hồi thương chị. Tôi cảm thấy chị thương tôi nhiều hơn, chị nhìn tôi, ánh mắt dịu hiền:

– Chú sợ lắm không? Chị quen rồi.

Lính Tây chỉ đi qua làng, chúng không vào để lùng bắt ai cả. Tây đi qua làng là chuyện thường với dân làng, nhưng không phải là chuyện thường với  tôi. Tôi vẫn cho là lính Tây trên đồn được báo có Việt Minh về làng, chúng vào để bắt Việt Minh. Có lẽ chị Thanh cũng nghĩ như tôi, hoặc chị không muốn làm phiền ông bà chủ nhà, Tây nó bắt được Việt Minh trong nhà ông, ông cũng chết, chị quyết định tối hôm đó chúng tôi trở về bên kia đường số 5.

Ăn xong bữa cơm chiều, chúng tôi chào ông bà chủ nhà, đi ra khỏi làng Ðào Nguyên, chúng tôi đi ngược lại con đường chúng tôi đi trưa qua. Sẩm tối chúng tôi đến bên đường số 5. Một số đồng bào qua đường số 5 ngồi lại trong một bãi tha ma ở giữa đồng. Họ bảo chúng tôi:

– Còn một bọn chúng nó chưa về đồn. Chờ một lúc nữa…

Trăng lên. Ðất trời long lanh sáng. Một trong những đêm trăng đẹp nhất đời tôi. Hai chị em tôi chuẩn bị chạy qua đường. Chị dợm chân chạy trước, tôi nắm tay chị, níu lại:

– Chị…

Chị đứng lại, nhìn tôi:

–  Em nói gì?

–  Ðể em chạy trước..

Tôi không nói để em chạy trước, chị chạy sau, nếu có nó phục, nó bắn em trước. Chị hiểu, chị nói:

– Hai đứa mình cùng chạy.

…..

Trên cánh đồng trước làng Phú Thị có cái hồ sen khá lớn, bên hồ có cái lều của những người chăn vịt. Chúng tôi tạt vào lều ngồi nghỉ. Cửa lều trải rơm như tấm thảm êm, khô, và sạch, mùi rơm phơi nắng hè cả ngày có mùi hăng hăng Tôi ngồi xuống nệm rơm, rồi thấy mệt rã rời, tôi nằm xuống, gối đầu lên cái bị hành lý trong chỉ có hai bộ quần áo.

Tôi ngủ đi. Có lúc mơ màng tôi thấy chị ngồi bên tôi, ngước mặt lên nhìn trời. Hình như chị khẽ hát một câu hát gì đó. Tôi lại ngủ đi.

Nhiều năm sau khi tôi mái tóc không xanh nữa, tôi đã đau thương, đã nợ nần, đọc Thơ Cao Chu Thần, tôi gặp bài thơ ông viết về một chuyến đi xa ông trở về làng ông, ông cảm động khi thấy cái hồ trong cánh đồng làng ông, ông gọi hồ đó là Hồ Ngựa Trời – Quán Cây Gạo đó sương còn đượm. Hồ Ngựa Trời kia nắng mới lên – tôi mới biết mùa hạ năm 1947 tôi đã nằm ngủ bên bờ Hồ Ngựa Trời của Cao Chu Thần, bên tôi có người con gái thứ nhất trong đời tôi.

Có hai người đàn bà nói với tôi:

– Da thịt anh thơm lắm.

Có một người con gái nói với tôi:

– Da thịt em thơm lắm.

Tôi nhớ Nàng khi tôi làm thơ, năm tôi năm mươi tuổi:

Ngày xưa xa lắm tôi còn trẻ
Chưa biết đau thương, biết nợ nần.
Ðời chỉ có hoa và mật ngọt
Da thịt thơm mùi phấn ái ân.

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

HOÀNG HẢI THỦY

Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân,  Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 22 Tháng 12, 2013.

60 năm sau buổi tối sáng trăng tôi một mình đi trên đê sông Ðuống, mơ nhiều năm sau tôi sẽ trở về con đê này, đi lại con đường này, nhớ lại hình ảnh tôi khi tôi là chú thiếu niên 14 tuổi. Chỉ là ước mơ. Tôi không một lần trở lại. HHT

2 Responses

  1. […] thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013: Thợ đãi vàng đãi được “vàng” (LĐ). – MÙI PHẤN ÁI ÂN (Hoàng Hải Thủy). – TẠ DUY ANH “KHAI TRƯƠNG” TỦ SÁCH VĂN HỌC “TUỔI HOA” […]

  2. Các bác muốn đọc thống kê năm 2013 cho vui thì bấm vào link dưới đây:

    https://hoanghaithuy.wordpress.com/2013/annual-report/

Leave a comment