• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

ÐỐNG ÐA MÙA XUÂN

money

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương…

Bà Huyện Thanh Quan

Ðọc “Thơ Chữ Hán” của Nguyễn Du tôi có một thắc mắc:

Tượng Vua Quang Trung ở Sài Gòn.

Tượng Vua Quang Trung ở Sài Gòn.

Nhà thơ lớn của chúng ta chứng kiến trận chiến thắng Ðống Ða vang danh trong lịch sử. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ thống lĩnh quân dân ta đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh năm Kỷ Dậu — 1789 Dương lịch. Thi sĩ Tố Như ra đời năm 1765, ông 23 tuổi năm 1788. Ông là một chứng nhân của trận chiến thắng oanh liệt này. Nhưng ông không làm qua một bài thơ nào về trận chiến thắng của dân tộc, ông không nhắc một lời về Vua Quang Trung tuy ông làm thật nhiều thơ, những bài thơ thật Hay, thật Thơ, thật cảm động về những nhân vật lịch sử Trung Quốc: Khổng Minh Gia Cát Lượng, Mã Viện, Nhạc Phi, Tần Cối, Văn Thiên Tường, Ðỗ Phủ.. vv…

Không chỉ riêng Nguyễn Du, những nhà thơ sống cùng thời với thi sĩ, những người cùng chứng kiến trận đánh Ðống Ða lịch sử với ông, cùng sống qua thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi rồi suy bại thảm thê của Nhà Tây Sơn, những thi sĩ thời ấy như Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm .. cũng không một ông nào làm một bài thơ nhỏ về Vua Quang Trung, về chiến thắng Ðống Ða. Văn học ta thời Vua Quang Trung và những năm sau đó không có một bài thơ — chỉ một bài thôi — ca tụng chiến thắng Ðống Ða, ta không có một bài thơ nào ca tụng Vua Quang Trung Nguyễn Huệ!

Ta có thể giải thích nguyên nhân sự không lên tiếng, thái độ của giới nhân sĩ Bắc Hà cố tình không biết, không nhắc đến Vua Quang Trung cùng chiến thắng lịch sử Ðống Ða là vì  nhân sĩ Bắc Hà vẫn trung thành với Nhà Lê — trung thành với Nhà Lê gần như đồng nghĩa trung thành với Nhà Trịnh — Nhà Tây Sơn diệt Nhà Lê, Nhà Trịnh nên Nhà Tây Sơn bị nhân sĩ Bắc Hà coi như kẻ thù. Nhà Tây Sơn là Vua Quang Trung, thù hận nhà Tây Sơn là thù hận Vua Quang Trung.

Nhưng không phải tất cả những nhân sĩ Bắc Hà đều như các ông Nguyễn Du, Phan huy Ích, Ngô thời Nhiệm, chừng ba mươi năm sau thời đại của ba vị văn thần kiêm thi sĩ trên đây — thời các ông trước ta hơn hai trăm năm xã hội ta chưa có những thi sĩ chuyên nghiệp, tức những người không làm gì cả ngoài việc làm thơ — một nhóm người con cháu của ông Ngô Thời Nhiệm — tên ông này được đặt cho một con đường ở Sài Gòn của ta — người đời sau gọi nhóm các ông này là Ngô Gia Văn Phái; các ông này ở làng Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông, đã chung sức viết ra tác phẩm lịch sử tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam: Hoàng Lê Nhất Thống Chí.

Tôi đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dich của Ngô tất Tố, những năm 1940, khi tôi tuổi đời mới tròn Một Bó. Ở vào số tuổi đó tâm trí tôi chỉ có thể thấy là hay những truyện như  Dế Mèn phiêu lưu ký, cao hơn nữa là những tiểu thuyết Trường Ðời, Giông Tố. Năm 1960 — hai mươi năm sau – năm 1960 tôi đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí lần thứ hai, bản dịch mới của một dịch giả tôi không nhớ tên, do Nhà Xuất bản Tự Do của Nhật báo Tự Do, Sài Gòn, ấn hành.

Trong lần đọc thứ hai này tôi thấy tác phẩm thật hấp dẫn, thật linh động. Tôi nghĩ đến chuyện những người viết HLNTC không phải là những người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp, họ không có qua một kinh nghiệm nào về việc viết tiểu thuyết lịch sử..; vậy mà tại sao các ông  hoàn thành được bộ tiểu thuyết lịch sử giá trị đến như thế ?? Các ông viết HLNTC vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 19 — khoảng những năm 1830 — kể từ ngày ấy tới nay đã  gần hai trăm năm trôi qua, tôi không thấy văn học ta có quyển tiểu thuyết lịch sử thứ hai nào xứng đáng gọi là tiểu thuyết lịch sử.

Rồi những mùa lá rụng theo nhau qua. Những người Việt Nam như tôi, cùng thế hệ tôi, ra đời trong nửa đầu thế kỷ 20, trưởng thành vào những năm giữa thế kỷ và suy tàn, già lão cùng với thế kỷ, không chỉ chứng kiến một cuộc biển dâu, mà là phải sống qua đến những hai, ba cuộc biển dâu. Cuộc biển dâu dữ dội nhất, tàn khốc nhất xẩy ra Tháng Tư 1975. Những năm 1996, 1997, sống yên lành ở Rừng Phong, Virginia Ðất Tình Nhân, những đêm êm vắng trong căn phòng ấm, đèn vàng, tôi đọc lại Hoàng Lê Nhất Thống Chí không biết đây là lần thứ mấy trong đời, tôi vẫn thấy tác phẩm thật hay, và lần này tôi thấy tôi cần phải viết ra, phải nói lên những cảm nghĩ của tôi khi đọc tác phẩm này.

Một trong những thắc mắc của tôi khi đọc HLNTC là: tại sao triều đại Nguyễn Tây Sơn nổi lên nhanh, mạnh, anh hùng đến như thế mà lại suy tàn, thảm bại cũng nhanh đến như thế ?Vua Quang Trung thống lãnh quân dân đánh tan bọn Mãn Thanh đầu năm Kỷ Dậu 1789 — Ra quân từ Phú Xuân những ngày cuối năm Mậu Thân 1788, tiến vào thành Thăng Long ngày Mồng Năm Tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Trước khi xuất quân vua lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân. Vua Quang Trung làm vua chỉ được có năm năm trời. Vua mất vào năm Quí Sửu 1793. Nguyễn Nhạc, cũng xưng hoàng đế, đóng đô ở Qui Nhơn, cũng tạ thế trong năm Quí Sửu 1793. Vua Quang Trung băng, con Vua là Quang Toản lên nối ngôi. Chưa đầy mười năm sau — năm Nhâm Tuất 1802 — Vua Gia Long bắt sống Quang Toản, chấm dứt triều đại Tây Sơn. Tính từ năm Vua Quang Trung lên ngôi năm Kỷ Dậu 1789 đến khi con vua là Quang Toản bị giết năm Nhâm Tuất 1802, Nhà Tây Sơn chỉ trị nước được có 13 năm.

Chẳng cần phải có kinh nghiệm chính trị hay kinh nghiệm sống, em nhỏ lên ba, cụ già chín bó cũng biết rằng không phải chỉ một mình Vua Quang Trung anh minh, hùng lược, tài tuấn  mà dân tộc ta có chiến thắng Ðống Ða. Tất nhiên bên cạnh, đằng sau Vua phải có thật nhiều những vị văn thần, dũng tướng giỏi, mạnh, những người tài cán thực hiện những sách lược, mệnh lệnh của vị chủ soái. Những vị tướng văn, tường võ này tuy không có năng lực và hùng lược như Vua nhưng cũng không phải là những người tầm thường. Nhà Vua mất sớm nhưng còn những võ tướng Ngô Văn Sở, Ðô Ðốc Long, những dũng tướng của trận Ðống Ða lịch sử, văn thần có Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích vv. Và còn biết bao nhiêu  người tài tuấn nữa?? Những vị này đi đâu hết, những vị này nghĩ gì, làm gì..? Tại sao các vị còn đó mà các vị để cho cơ nghiệp nhà Tây Sơn quang vinh bị suy bại thảm thê nhanh quá đến như thế ??

Và như vậy là trong những năm cuối thế kỷ 18 tình hình chính trị nước ta được hình thành giống như thời Tam Quốc bên Trung Quốc: Vua Quang Trung Nguyễn Huệ  giữ đất từ Phú Xuân — Thừa Thiên — đến Ải Nam Quan — lãnh địa Tây Sơn lớn và dài nhất — Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc đóng đô ở Bình Ðịnh — lãnh địa của Vua Thái Ðức nhỏ hẹp nhất, đã yếu lại bị hai mặt nam bắc tấn công, nhà Tây Sơn Bình Ðịnh bị diệt sớm nhất. Vua Gia Long Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Ðịnh. Vào thời này các ông Chúa nhà Nguyễn mới chiếm cứ và bắt đầu khai thác phần đất phì nhiêu bên dòng Cửu Long Giang.

Tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí  — HLNTC –– cho tôi thấy có thể Vua Gia Long thù hận Vua Quang Trung — cũng phải thôi. Hai ông vua này từng cầm quân xung đột với nhau nhiều trận, Vua Gia Long từng bị thảm bại nhiều lần — Nhưng các vua Minh Mạng, Tự Ðức tỏ ra có thái độ khoan dung hơn với triều đại Quang Trung. Hoàng Lê Nhất Thống Chí có nhiều trang tả chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung mà không bị triều đình Huế cấm dân lưu trữ hay làm khó dễ những người viết. Bộ tiểu thuyết lịch sử số một của ta không một lần được khắc bản gỗ để in, những bản truyền lại đời sau chỉ là những bản chép tay. Nhưng quả thật là triều đình nhà Nguyễn đã không làm một hành động nào để tiêu hủy tác phẩm này vì trong đó có những trang đề cao triều đại thù nghịch trước.

Tôi sẽ đăng  những trang Hoàng Lê Nhất Thống Chí cùng với lời bình luận của tôi. Tập sách sẽ có tên là Trăm Năm Binh Lửa. Tôi không làm việc này như việc phân tích lịch sử mà chỉ là viết ra những cảm nghĩ, những nhận xét của tôi, của một người đọc rất thường khi đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Mục đích của tôi chỉ là để giải trí cho quí vị bạn đọc và đem lại cho quý vị một dịp đọc lại Hoàng Lê Nhất Thống Chítác phẩm tiểu thuyết lịch sử giá trị của văn học ta.

Mời bạn đọc những trang đầu của Trăm Năm Binh Lửa:

CHIẾN THẮNG ÐỐNG ÐA. Trích “Hoàng Lê Nhất Thống Chí.”

Bắc Bình Vương cho đắp đàn trên Núi Bân, tế cáo Trời Ðất cùng các vị Thần Sông, Thần Núi, chế ra áo cổn, mũ miện, lên ngôi hoàng đế; đổi năm thứ 11 niên hiêu Thái Ðức của Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiêu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân. Hôm ấy là ngày 25 Tháng Chạp năm Mậu Thân — 1788.

Vua đốc xuất đại binh thủy bộ ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An Vua cho vời vị cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp đến gập và hỏi:

— Quân Thanh sang chiếm nước ta, tôi đem binh ra chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua, tiên sinh nghĩ thế nào ?

Nguyễn Thiếp nói:

— Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh, nên giữ ra sao. Chúa công ra Bắc chuyến này, không quá mười ngày giặc Thanh sẽ bị dẹp tan.

Vua rất mừng, liền sai Ðai tướng là Hám Hổ Hầu kén lính ở Nghệ An, cứ ba xuất đinh thì lấy một người làm lính, chưa mấy lúc đã được một vạn quân tinh nhuệ. Rồi Vua mở cuộc duyệt binh, đem số thân quân ở Thuận Hóa. Quảng Nam chia làm bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu, số lính mới tuyển ở Nghệ An làm trung quân.

Vua Quang Trung cưỡi voi ra doanh, truyền cho mọi người nghe lệnh:

— Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân định rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải cùng nòi giống dân ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay chúng đã nhiều phen tràn sang cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải; người mình ai cũng muốn đuổi chúng đi. Ðời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Ðạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các ngài không nỡ ngồi nhìn bọn giặc phương Bắc làm điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân chống địch. Các ngài chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương bắc. Ở các thời ấy Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Ðinh tới nay dân ta không còn quá khổ sở như thời bị nội thuộc trước đó. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy là những chuyện cũ rành rành của những triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh. Vì vậy ta phải đem quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy  cùng ta đồng tâm, hiệp lực, dựng nên công lớn. Chớ có quen thói ăn ở hai lòng, làm chuyện phản trắc, việc phát giác sẽ bị giết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước.

Quân sĩ đều nói:

— Xin vâng lệnh. Không dám hai lòng.

Hôm sau Vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân. Các đạo quân đều nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Ðến núi Tam Ðiệp, Sở và Lân ra đón, hai người mang gươm trên lưng mà chịu tội.

Vua Quang Trung nói:

— Các ngươi đem thân thờ ta, đã làm đến chức tướng soái. Ta giao cho quản trị cả mười một thừa tuyên, lại cho tùy tiện làm việc. Vậy mà giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe tiếng đã chạy trước. Binh pháp dậy: “Quân thua, chém tướng.” Tội các ngươi đáng chết vạn lần. Song ta nghĩ các ngươi đều là hạng võ dũng, chỉ biết đánh, tài tùy cơ, ứng biến thì không có. Nên ta đã để Ngô thời Nhiệm ở lại đấy làm việc với các ngươi, chính là lo về điều đó. Bắc Hà mới yên, lòng người chưa phục. Thăng Long là nơi bị đánh cả bốn mặt, không có sông núi để nương tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người trong kinh kỳ làm nội ứng, các ngươi làm sao mà giữ thành được. Các ngươi biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của giặc, lui về chặn giữ nơi hiểm yếu, trong thì kích thích lòng quân, ngoài thì làm cho giặc kiêu căng; kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói ta đã đoán việc lui quân về đây là do Ngô thời Nhiệm chủ mưu, sau hỏi Văn Tuyết thì quả đúng như vậy.

Thời Nhiệm lậy hai lậy tạ ơn. Vua nói tiếp:

— Lần này ta xuất quân, phương lược tiến đánh ta đã có sẵn. Chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được giặc Thanh. Nhưng ta nghĩ nước chúng lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua trận, chúng ắt lấy làm thẹn mà mưu sự báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Ðến lúc ấy chỉ có người khéo lời lẽ mới có thể dẹp được việc binh đao; việc ấy không phải Ngô Thời Nhiệm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn nuôi dưỡng lực lượng; bấy giờù nước giầu, dân mạnh, ta có sợ gì chúng.

Bọn Sở, Lân đều lậy tạ và nói:

— Chúa thượng thật là nhìn xa, chúng tôi ngu muội không thể nghĩ tới chỗ đó. Hiện nay phương lược tiến đánh ra sao xin Chúa thương chỉ rõ, chúng tôi nhất nhất tuân theo.

Vua sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm năm đạo. Hôm đó là ngày 30 Tháng Chạp. Vua nói riêng với các Tướng:

— Ta với các ông hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước, tối 30 Tết ta lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới ta vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ông hãy nhớ lời ta.

Vua truyền lệnh : Ðai tư mã Sở, Nội hầu Lân đốc xuất tiền quân làm tiên phong, Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân làm đốc chiến, Ðai đô đốc Lộ, Ðô đốc Tuyết đốc xuất tả quân; trong tả quân có thủy quân vượt biển vào sông Lục Ðầu. Ðô đốc Tuyết sẽ hành quân ở vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông, Ðô đốc Lộc kéo quân đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Báy chặn đường về của quân Thanh; Ðại đô đốc Bảo, Ðô đốc Long đốc xuất hữu quân, trong đó có quân voi và quân kỵ mã; Ðô đốc Long dẫn quân xuyên qua huyện Chương Ðức, đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, đánh ngang vào đồn quân Thanh ở Ðiền Châu, Ðô đốc Bảo dẫn quân voi, ngựa ra làng Ðại Áng, huyện Thanh Trì, tiếp ứng cho cánh hữu.

Năm đạo quân vâng lệnh, đúng ngày gióng trống lên đường ra bắc.

Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó chạy trước; khi quân đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi tuần thám từ xa trông thấy bóng đã bỏ chạy. Vua Quang Trung thúc quân đuổi theo, đến huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết bọn này, không một tên nào chạy thoát. Vì vậy không có quân về báo tin, những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi, Ngọc Hồi đều không hay biết gì cả.

Nửa đêm ngày Mồng Ba Tháng Giêng năm Kỷ Dậu — 1789 — Vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc. Vua cho quân  vây kín làng ấy rồi mới bắc loa truyền gọi. Tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran, nghe như đông đến vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời, sợ hãi, liền xin ra hàng; lương thực, khí giới trong đồn này bị quân Nam lấy hết.

Vua Quang Trung ra lệnh lấy 60 tấm ván, ghép ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín; tất cả là 20 bức. Kén lính khỏe mạnh, mười người khiêng một bức, lưng dắt dao ngắn, 20 binh sĩ khác theo sau mỗi bức, dàn hàng ngang thành trận chữ “Nhất”, tiến đến đồn Ngọc Hồi. Vua cưỡi voi đốc tiến. Mờ sáng ngày Mồng Năm quân đến đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh trong đồn nổ súng bắn ra, quân tiên phong nấp sau những bức ván nên không ai bị trúng đạn. Thấy có gió bắc, quân Thanh dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không trông thấy gì. Quân Nam bắt đầu bị rối loạn. Nhưng chỉ trong chốc lát trời trở gió nam, quân Thanh tự làm hại mình.

Vua Quang Trung hạ lênh đội khiêng ván xông thẳng đến đồn. Khi đến nơi đội quân này bỏ ván, rút dao ngắn chém giặc. Những binh sĩ theo sau nhất tề xông vào đánh.

Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Thái thú Ðiền Châu là Sầm Nghi Ðống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết, thây giặc nằm đầy đồng, máu chẩy thành suối, quân Thanh đại bại.

Trước đó Vua Quang Trung đã phái một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên, mở cờ, gióng trống làm nghi binh ở phía đông. Quân Thanh chạy về đến đó trông thấy cờ xí lại càng hoảng sợ. Lại thấy quân voi từ Ðại Áng tới, quân Thanh hết hồn, hết vía bị dồn chạy xuống Ðầøm Mực, làng Quỳnh Ðô. Quân Tây Sơn lùa voi giày đạp, quân Thanh chết đến hàng vạn người trong đầm này.

Giữa trưa hôm ấy — Ngày Mồng Năm Tết Kỷ Dậu — Vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long. Vua hẹn với tướng sĩ sẽ ăn Tết trong thành Thăng Long ngày Mồng Bẩy Tết. Chiến thắng diễn ra đúng như lời Vua nói trước.

Ngưng trích.

Lời bàn của Công Tử Hà Ðông :

Ðây là lần thứ hai Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long. Lần thứ nhất  Quân Tây Sơn ra Bắc là năm Bính Ngọ — 1786. Khi ấy Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Bình — một tên khác của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ — đem quân ra đánh lấy đất Thuận Hóa, thủ phủ của đất này là thành Phú Xuân, tức thủ đô Huế đời nhà Nguyễn Gia Long. Lần xuất quân thứ nhất này Nguyễn Bình có các tướnng Nguyễn hữu Chỉnh, Võ văn Nhậm phụ tá. Chỉnh là người Bắc Hà, có tài lược, mưu mô, lại biết rõ tình hình chính trị Bắc Hà, nên khuyên Bình nhân thắng lợi tiến quân ra Thăng Long diệt họ Trịnh. Bình làm theo lời khuyên của Chỉnh và thành công. Bọn tướng lãnh của Chúa Trịnh, đa số chỉ quen tranh quyền vị, đánh giết lẫn nhau, hà hiếp, bóc lột dân đen, thấy quân Tây Sơn kéo ra đều thi nhau bỏ chạy. Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Tông, tự tử chết trên đường chạy trốn. Chúa Trịnh bỏ chạy, Vua Lê vẫn ở kinh đô. Nguyễn Bình vào Thăng Long, tôn trọng Vua Lê, nói:

— Thiên hạ là của Chúa Trịnh thì một thước đất tôi cũng lấy, thiên hạ của Vua Lê thì một thước đất tôi cũng không lấy.

Tuy nói một thước đất của Vua Lê ông cũng không lấy, nhưng Nguyễn Bình có lấy nàng công chúa Ngọc Hân của Vua Lê. Hoàng Lê Nhất Thống Chí không cho ta biết khi tiến quân ra Bắc Vua Quang Trung, khi ấy mới là Nguyễn Bình,  bao nhiêu tuổi, trước khi lấy Công Chúa Ngọc Hân ông đã có vợ hay chưa. Lịch sử ta, theo kiểu viết sử của Trung Quốc, thường không viết gì về đời sống tình cảm vợ chồng của những nhân vật lịch sử.

Những cơn binh lửa, biển dâu trùng trùng nối tiếp nhau. Nguyễn hữu Chỉnh đưa quân Tây Sơn ra bắc, ở lại không theo về nam, trở thành Quận công, quyền nghiêng thiên hạ. Cuối cùng Chỉnh bị Tướng Tây Sơn Võ văn Nhậm bắt sống, giết một cách thê thảm : phanh thây, mổ bụng, moi ruột cho chó ăn. Trong HLNTC có nhiều người chết thê thảm, thê thảm nhất là cái chết của Vua Quang Toản, con Vua Quang Trung, và cái chết của Bằng quận công Nguyễn hữu Chỉnh.

Trong đoạn truyện trên đây tôi muốn các bạn cùng xét với tôi sự kiện :

— Ngày 29 Tết Vua Quang Trung đến Nghệ An, ra lệnh tuyển quân ở Nghệ An “cứ ba xuất đinh thì lấy một người lính, chưa mấy lúc đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ...” Tôi thắc mắc về chi tiết này.

Như trong truyện ta thấy Vua Quang Trung không ở Nghệ An lâu đến ba ngày. Mà dù có ở lại đấy ba ngày chăng nũa quân Tây Sơn cũng không thể có đủ thì giờ để tuyển nhập ngũ đến một vạn quân — 10.000 người –– Kể cả thời đại này, với cả trăm nhân viên hành chính chuyên về tuyển mộ binh sĩ, với những dàn máy vi tính hỗ trợ, sợ cũng khó có thể tuyển mộ được đến 10.000 người nhập ngũ trong ba ngày. Ðất Nghệ An lại không phải là đất đai nhà Tây Sơn. Dân Nghệ An tất nhiên không tuân phục ngay mệnh lệnh của những người xa lạ mới đến. Khi có giặc trai tráng địa phương, nếu không cầm võ khí chống địch, thường bỏ trốn để giữ mạng sống. Dân đất bị chiếm mới được tuyển vào lính, không được huấn luyện, không thể nào là “quân tinh nhuệ” được.

Dã sử ghi về chuyến tiến quân ra Bắc đánh quân Tôn sĩ Nghị của Vua Quang Trung thêm chi tiết :

— Vua Quang Trung cho quân lính cứ ba người một tốp, khiêng võng nhau đi — một người nằm võng, hai người khiêng, cứ thế thay đổi — thành ra quân trẩy liên miên không lúc nào ngừng mà mọi người vẫn được thay phiên nhau nghỉ. Do đó trong chuyến đi này quân Tây Sơn đã hành quân cực kỳ thần tốc.

Tôi thấy :

— Trước hết quân lấy võng đâu mà khiêng nhau? Ðể có thể đánh thắng 200.000 quân Mãn Thanh thuộc loại chính quy, tức lính nhà nghề, quân Tây Sơn ta phải có ít nhất là 100.000 người. Và phải có ít nhất là 20.000 cái võng.

Tôi nghi người sau chép sử phóng đại số quân Thanh sang Thăng Long. Quân Thanh sang nước ta không thể nhiều đến số 50.000 người. Họ lấy gì ăn? Họ không thể cướp gạo của dân Nam để ăn – họ có thể cướp gạo nhưng dân Nam ở quanh Thăng Long thời ấy không nhiều, không đủ gạo để nuôi bọn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị có thể cho tải gạo từ bên Tầu sang, nhưng đường quá xa, lính đi bộ, phải mất nhiều ngày quân tải lương mới từ Vân Nam sang đến Thăng Long. Ði đường, quân tải lương phải ăn. Ðường xa họ ăn gần hết số gạo họ mang theo. Số quân Nam của Vua Quang Trung cũng được phóng đại.

Cứ cho là Vua Quang Trung đã tính trước, đã cho quân nhu dệt võng trước — việc dệt một lúc 20.000 cái võng không phải việc dễ làm. Nhưnng cứ cho là có sẵn võng đi — Việc người lính hành quân đi xa vạn dặm, phải mang theo võ khí, lương thực, lại phải vừa đi vừa khiêng võng có người nằm.. có phải là việc nên làm chăng, có lợi chăng ? Hay việc đó chỉ làm cho cả ba người lính người nào cũng mất sức, thay vì họ được đi mà không phải khiêng võng ??? Hành quân đến nơi họ còn phải chiến đấu nữa ! Phải chăng chuyện lính khiêng võng nhau chỉ là một huyền thoại nhân dân thêm vào chiến dịch này???

Và đây là những ngày tàn thê thảm quá đỗi của Nhà Tây Sơn oai hùng một thưở:

Ngày 18 tháng Sáu năm Nhâm Tuất — 1802 — Vua Gia Lonng tiến quân ra Thăng Long, quân Tây Sơn  tan vỡ. Vua Quang Toản bỏ thành cùng với em là Quang Thùy và bọn Ðô đốc Tú qua sông Nhĩ Hà, chạy lên phía bắc.

Vài ngày sau Quang Thùy và vợ chồng Ðô đốc Tú cùnng tự thắt cổ chết. Quang Toản và một số triều thần bị thổ hào Kinh Bắc bắt sống, đóng cũi đưa đến nộp cho quân Gia Long.

Dẹp yên Bắc Hà Vua Gia Long ở lại thành Thăng Long một thời gian, hạ chiếu kêu gọi nhân dân yên ổn làm ăn, chia đặt quan văn, quan võ cai trị các trấn, lại mời nhiều quan chức cũ của nhà Lê ra làm việc, giảm bớt thuế khóa.

Vài tháng sau Vua Gia Long trở về kinh đô Phú Xuân, tổ chức đại lễ tế cáo trời đất cùng các vị  tiên vương, Vua Quang Toản cùng nhiều người khác theo Vua Quang Toản bị đem ra dùng cực hình giết chết trong lễ này… Nhà Tây Sơn tuyệt diệt.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương…

Vua Gia Long  vào thành Thăng Long năm 1802 thì năm 1802 — cũng năm 1802, ngay trong năm 1802 — Nguyễn Du chấm dứt cuộc bất hợp tác với nhà cầm quyền, cuộc bất hợp tác kéo dài hơn mười mùa lá rụng dưới triều Vua Tây Sơn, ra nhận quan chức của triều Vua mới…

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Mước còn trau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoan trường.

12 Responses

  1. Chuyện vua Quang Trung chiến thắng thần tốc quân xâm lăng Tàu, bao đời nay, đã làm cho dân Việt ta vô cùng tự hào. Có nhiều truyền thuyết về trận chiến lịch sử này. Một trong các truyền thuyết này là cách chuyển quân của nhà vua. Chuyện hai người lính cáng một người trên võng, để lính được ” nghỉ ngơi “, là chuyện quá vô lý ! Chúng ta có thể chứng minh điều này dễ dàng. Điều kiện cần và đủ là ba người thanh niên và một cái võng. Cứ cho 3 ông này thay phiên nhau khiêng cáng xem bao lâu thì các ông…ê mình ! vả chăng, nếu chuyện chuyển quân này là ưu việt, thì hậu thế và cả…tiền thế, sao chẳng thấy có ông tướng tư lệnh quân đội nào áp dụng ? Như thế là đã rõ, ông nào ” chế ” ra cái việc khiêng cáng này, chỉ nói bố láo !

    Việc nấu nướng, ăn uống dọc đường hành quân của Vua, thì có truyền thuyết rằng : bánh tráng vùng Bình Định, và mắm cua chua, là hai món fast food của quân ta. Mỗi ông lính được phát một bó bánh tráng và một hũ mắm cua chua. Bánh tráng nhúng nước cho mềm, chấm với mắm cua chua, đủ no và đủ bổ trong nhiều ngày. Cũng nghe nói ở vùng Bình Định ngày nay, vẫn còn truyền tụng hai câu thơ dân gian :
    ” Ai về, làm mắm cua chua,
    Gửi cho ông đội, khỏi mua tốn tiền ”
    Cua thì cánh đồng nào chẳng có. Muối Bình Định cũng có dư. Cua đem muối cho chua,chấm bánh tráng nhúng ướt, chắc cũng ngon !

    Việc tuyển lính của nhà vua, thì có truyền thuyết rằng: việc trưng binh này khá…tàn nhẫn. Một ông tướng trong đạo quân của vua được giao cho viếc bắt lính này. Ông tướng trèo lên môt đài cao, hay một gò, đồi cao nào đó, nhìn vào làng xã chung quanh, và đếm các nóc gia. Ông đặt ra lệ : cứ bao nhiêu nóc nhà, là những viên chức của làng đó phải cung cấp bao nhiêu người lính. Nếu không đủ số ấn định, viên chức làng, xã đó sẽ bị hình phạt kinh khủng, có thể bị chém đầu ! Nghe nói nhiều làng xã bị bức bách quá, phải bắt cả các thiếu nữ khỏe mạnh, mặc giả trai, để cho đủ số lính nạp cho vua. Đám lính ” tinh nhuệ ” tuyển cấp kỳ này, sau khi vua đánh xong giặc, cũng được cho giải ngũ cấp kỳ ngay tại trận tiền, mà chẳng được cấp cho tí phụ cấp, tiền hồi hương nào cả ! Họ họp nhau thành từng đám, xin ăn, cướp dựt dọc đường để có phương tiên về làng cũ !

    Quân Tây Sơn khi ra Bắc, chiếm Thăng Long, cũng cai trị dân đen Bắc Hà với bàn tay sắt : Họ trừng phạt nặng nề, có khi là tử hình tại chỗ, những kẻ được cho là gian phi, trộm cắp. Những người này, nhiều khi chỉ là đám dân đen, bị lâm cảnh chiến tranh, đói khát phải làm liều để sống còn, mà mất mạng oan uổng, rất đáng thương. Nói chung, dân Bắc Hà không khoái quân Tây Sơn. Phải chăng, đây cũng là một lý do khiến nhà Tây Sơn sụp đổ cấp kỳ, dù có danh tiếng đánh quân xâm lược. Chi tiết về việc vua Quang Toản bị dân đóng cũi đem nộp cho Vua Gia Long, là một chỉ dấu cho biết nhà Tây Sơn không được nhân dân tâm phục.

  2. […] được đọc lại áng văn tuyệt tác trên đây ở bài: Đống Đa Mùa Xuân của nhà văn Hoàng Hải Thủy. Đoạn văn với lời lẽ thật hào hùng, gợi lại […]

  3. Theo thiển ý của tôi thì nhà Tấy Sơn sụp đổ mau chóng vì chia rẽ nội bộ và sự kém cỏi của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Trước hết nói về vua Nguyễn Nhạc. Việc vua xưng vương ở vùng Bình Định là một trái độn an toàn cho Nguyễn Ánh khỏi bị vua Quang Trung tấn công sau khi mới từ Xiêm La về. Lúc ấy thế lực Ánh còn yếu, khi Gia định bị tấn công, Nguyễn Lữ cầu cứu Nguyễn Nhạc, nếu Nguyễn Nhạc xuất quân thì tất quân Ánh phải vỡ, nhưng Nhạc chỉ mong hưởng nhàn, án binh bất động. Thành Gia Định mất và Ánh có 1 thời gian dài để củng cố thế lực mà không sợ vua Quang Trung tấn công vì trái độn an toàn là Nhạc ở giữa (vua Quang Trung không nỡ tiêu diệt anh, còn nếu không đánh Nhạc mà kéo thẳng vào Gia Định thì không có đường vào và cũng sợ Nhạc đánh úp Phú Xuân). Về sự chia rẽ nội bộ, sau khi vua Quang Trung mất, các tướng chẳng ai phục ai. Thái sư Bùi Đắc Tuyên là cậu vua thì mặc sức tham nhũng hoành hành, còn các tướng khác như Trần quang Diệu (quan Thái phó) và Vũ văn Dũng (quan Tư Đồ) nhiều lần công khai tranh nhau trước mặt vua. Ở Bình Định, Nhạc lăm le muốn chiếm Phú Xuân. Sau khi Nhạc bị tấn công (bởi Ánh), vua Quang Toản lại phạm một sai lầm lớn là cứu Nhạc xong lại cướp luôn thành, khiến lực lượng theo Nhạc oán hận và càng thêm chia rẽ (sử ghi Nhạc đã uất ức mà chết vì chuyện này). Đó là lý do vì sao nhà Tây Sơn sớm mất theo thiển ý của tôi.
    Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự tàn bạo ghê tởm của Ánh, và chiến công hiển hách của nhà Tây Sơn mãi mãi là một điểm son.
    Về số quân Thanh (20 vạn) có thể là phóng đại. Nhưng với sự kiện là đạo quân đó do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, ta có thể kết luận đó không thể là một nhóm quân vài ngàn người được. Theo tôi nghĩ (có thể sai) thì đạo quân đó không thể dưới 50 ngàn người.

  4. […] ÐỐNG ÐA MÙA XUÂN (Hoàng Hải […]

  5. … bên cạnh, đằng sau Vua phải có thật nhiều những vị văn thần, dũng tướng giỏi, mạnh, những người tài cán thực hiện những sách lược, mệnh lệnh của vị chủ soái. Những vị tướng văn, tường võ này tuy không có năng lực và hùng lược như Vua nhưng cũng không phải là những người tầm thường. Nhà Vua mất sớm nhưng còn những võ tướng Ngô Văn Sở, Ðô Ðốc Long, những dũng tướng của trận Ðống Ða lịch sử, văn thần có Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích vv. Và còn biết bao nhiêu người tài tuấn nữa?? Những vị này đi đâu hết, những vị này nghĩ gì, làm gì..? Tại sao các vị còn đó mà các vị để cho cơ nghiệp nhà Tây Sơn quang vinh bị suy bại thảm thê nhanh quá đến như thế ??

    đọc chuyện xưa lại chạnh lòng nghĩ chuyện …

  6. […] Ghi chép (Trần Kỳ Trung). – KHÁNH TRƯỜNG – Ông Lê Cự Phách (Du Tử Lê). – ÐỐNG ÐA MÙA XUÂN (Hoàng Hải Thủy). – Trần Đình Hượu: Về đặc sắc văn hoá Việt Nam […]

  7. Chao cong tu khoe khong chong cong bay gio nhieu phe qua khong biet dau ma lan

    http://thongtanxavitco.blogspot.com/

  8. Tôi nghĩ nhà văn tiến bối Hoàng Hải Thủy quên mất một yếu tố lịch sử rất quan trọng,đó là Gia Long đã cầu viện Pháp và Pháp đã giúp đỡ rất hữu hiệu để chống nhà Tây Sơn trong cuộc tranh bá đó vương giữa nòi giống Việt với nhau. Vì vậy nếu trách móc hậu duệ của nhà Tây Sơn yếu hèn và với các văn thần võ tướng khá giỏi của nhà Tây Sơn thì sao lại để thua Gia long nhanh đến như thế? thì thật là bất công.

  9. Có một đoạn tôi đọc trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã lấu, và rất đỗi thắc mắc, nhân đoạn trích của Bố Già trên đây, tôi xin nhắc lại để hầu chuyện với các bác:

    (Trích): …”Ðại đô đốc Lộ, Ðô đốc Tuyết đốc xuất tả quân; trong tả quân có thủy quân vượt biển vào sông Lục Ðầu. Ðô đốc Tuyết sẽ hành quân ở vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông, Ðô đốc Lộc kéo quân đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Báy chặn đường về của quân Thanh…” (ngưng).

    Cách hành quân và hành binh của hai vị Đô Đốc Lộc và Tuyết trên đây phải chăng là của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (Marine) hiện nay? Như vậy thì nước ta chắc chắn là quốc gia đầu tiên trên thế giới có binh chủng TQLC, sao chắng thấy sử sách nào nói đến?

    (Trích):…”Ðô đốc Long dẫn quân xuyên qua huyện Chương Ðức, đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, đánh ngang vào đồn quân Thanh ở Ðiền Châu, Ðô đốc Bảo dẫn quân voi, ngựa ra làng Ðại Áng, huyện Thanh Trì, tiếp ứng cho cánh hữu.”… (ngưng).

    Cánh quân của Đô Đốc Long dụng binh nghe sao quá giống với binh chủng Nhảy Dù (Airborne) hoặc Biệt Động Quân (Rangers). Cánh quân của Đô Đốc Bảo nghe như một Lữ Đoàn Thiết Giáp (Panzer) với voi là phưong tiện xung trận chủ lực?

    Nếu vậy thì trong quân sử VN và cả thế giới, quân binh của Vua Quang Trung quả đã đi trước thời đại đến mấy trăm năm, nhưng (hình như) không co mấy sách sử VN nào nêu lên và khai thác sự kiện này để làm tài liệu học tập?

  10. Lịch sử quả có những sự lập lại kỳ quặc: Trong đám quân tướng qua đánh VN trận biên giới ngày 17 / 02 / 1979, Đặng Tiểu Bình cử Tướng Hứa Thế Hữu, Tư lịnh cánh quân từ hướng Quảng Tây, Tướng Dương Đắc Chí, đương kiêm Tư Lịnh Quân Khu Vũ Hán, chỉ huy cánh quân từ hướng Vân Nam.

    Tôi thấy cái tên Hứa Thế Hữu nghe ngờ ngợ giống một cái tên khác có đề cập đâu đó trong lịch sử VN. Thì ra, đó là nó giống với cái tên Hứa Thế Hanh, nguyên đề đốc tỉnh Quảng Tây năm 1788, dưới trướng vua Càn Long. Năm 1788, “đề đốc” Hứa Thế Hanh theo đoàn quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị, cũng xuất phát từ Quảng Tây, qua chiếm thành Thăng Long. Khi vua Quang Trung đem quân đại phá quân Thanh, tên đề đốc Hứa Thế Hanh bị giết trong đám loạn quân nhà Thanh, lúc bấy giờ đang trấn đóng ở bờ Nam sông Hồng. Xác của y chắc chắn đã làm môì cho cá sông Hồng năm ấy.

    Tên tướng Hứa Thế Hữu làm “tư lịnh” của cánh quân xuất phát từ Quảng Tây, chắc cũng vào hàng con cháu dây dưa của tặc tướng Hứa Thế Hanh. May mà hắn khôn hồn đấm gió từ đằng xa, chém vè loạn xạ và rút lẹ về tàu! Nếu không thí ắt số phận hắn cũng không mấy gì khá hơn ông cố nội Hứa Thế Hanh nhà hắn!

    Xin xem thêm về tặc tướng Hứa Thế Hanh trong link sau đây:

    http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%A9a_Th%E1%BA%BF_Hanh

  11. Những Bà vợ của Vua QUANG TRUNG
    bởi Ngô Kinh Luân | Nhận xét/bình luận (0)
    Các sách báo, tài liệu xưa nay, khi đề cập đến Vua Quang Trung, người ta thường viết về tài quân sự rất xuất sắc của Ông. Ngoài ra, Ông còn có các cải cách, xây dựng đất nước đáng quan tâm. Ông chỉ huy đánh dẹp loạn trong nước, đến những trận đánh lừng danh, tiêu diệt ngoại xâm, đều chiến thắng rất vẻ vang. Trăm trận trăm thắng, chưa thất bại bao giờ.
    Trong bài này, tác giả viết về “ Những Bà Vợ Của Vua Quang Trung” dựa theo các tài liệu, sử sách, tác gỉa đã tìm đọc, nghiên cứu, nhiều thập niên qua, từ quốc nội ra hải ngoại. Vua Quang Trung có bảy bà vợ.

    -1 : Bà Phạm Thị Liên : Bà Liên được sinh năm1758 ( có sách viết năm 1759), tại tỉnh Bình Định. Khi Bà 16 tuổi (1774), được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Nguyễn Huệ lớn hơn Bà 6 tuổi. Bà là em ruột của các ông : Hộ Giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái Úy Phạm Văn Tham, Thái Úy Phạm Văn Hưng. Bà còn là cùng mẹ khác cha với Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, Hình Bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật.

    Năm 30 tuổi (1788) Bà được phong làm “ Chánh Cung Hoàng Hậu”. Tánh tình Bà hiền lành. Bà luôn luôn gắn bó rất diệu hiền với Nguyễn Huệ, suốt những năm chồng khởi nghiệp, đến cuối đời. Vua Quang Trung rất thương yêu, trân quý Bà. Bà sinh 5 người con : 3 trai, 2 gái. Quang Toản được lập Thái tử. Về sau, kế tục sự nghiệp Vua Quang Trung. Nhưng Quang Toản chẳng có tài gì. Con trai kế là Quang Bàn, được phong làm Tuyên Công Lãnh Đốc, trấn Thanh Hóa. Con trai sau cùng là Quang Thiệu, được cử làm Thái Tể. Một con gái là vợ Nguyễn Văn Trị, Phò Mã, giữ cửa biển Tư Hiền. Năm 1801, bị quân của Nguyễn Ánh bắt giết. Các sách không đề cập đến con gái út.

    Theo thư của Giáo Sĩ Girard, đề ngày 25.11.1792, gởi Giáo Sĩ Boiret ở Nam Cao cho biết, khi Hoàng Hậu lâm bệnh, Vua Quang Trung cho mời thầy thuốc người Âu đến chữa bệnh cho Bà. Lúc Hoàng Hậu mất, Vua Quang Trung vô cùng đau đớn, quằn quại, đến phát điên cuồng ! Bà mất ngày 29. 03.1791. Vua Quang Trung truyền ướp thi hài của Bà, để trong quan tài. Gần ba tháng sau, đến ngày 25.06.1791, mới di quan chôn cất. Bà được truy tặng là “ Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Hoàng Chánh Hậu”. Mộ của Bà táng tại chân núi Kim Phụng, phía Tây thành phố Huế.

    -2: Công Chúa Lê Ngọc Hân : Công Chúa Ngọc Hân được sinh năm 1770. Con thứ 9 của Vua Lê Hiển Tông, tài sắc vẹn toàn. Năm 1786, Quang Trung đem quân ra đánh Thăng Long ( diệt Trịnh). Thế lực của Quang Trung lên như vũ bão. Thế của Lê Hiển Tông suy yếu. Cuộc hôn nhân chính trị “chẳng đặng đừng”, do Nguyễn Hữu Chỉnh đứng ra mai mối. Sau ba ngày, lễ cưới, của Vua Quang Trung với Công Chúa Ngọc Hân được tổ chức trọng thể, tại Thăng Long. Sau lễ cưới, Công Chúa xinh đẹp 16 tuổi rời cung cấm Nhà Lê, đến ở với Vua Quang Trung trong Phủ, bên bờ sông Nhị.

    Năm1789, Lê Ngọc Hân được phong làm” Bắc Cung Hoàng Hậu”. Bà sinh 2 người con với Vua Quang Trung, tên : Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Bà qua đời ngày 04.12.1799, tại Huế. Năm 1801 hai con của Bà bị Nguyễn Ánh bắt, xử tử tại Huế. Sau, một môn đệ cũ của Tây Sơn âm thầm đưa hài cốt ba mẹ con Bà về an táng tại quê ngoại, làng Phú Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Bị phát giác, vua Thiệu Trị ra lệnh phá huỷ đền thờ, đào hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đổ xuống sông.

    Vì tài sắc vẹn tòan, giỏi thơ văn, Ngọc Hân được Vua Quang Trung yêu say đắm. Ngọc Hân xem Quang Trung là một vĩ nhân hiếm có. Vua Quang Trung trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân coi giữ các văn thư trọng yếu. Phong cho Ngọc Hân chức Nữ Học Sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Ngọc Hân trở thành người cộng sự đắc lực của vủa Vua Quang Trung. Được tín cẩn về lãnh vực Văn hóa, Giáo dục, Ngọc Hân giúp, khuyên giải chồng nhiều việc quan trọng như: khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc v.v…Một số biểu văn ghi công việc triều chính trong Băc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân, tại Phú Xuân khi Vua Quang Trung còn sống, xin trích vài đoạn sau đây: “ Kính nghĩ Hoàng Hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng…Lúc gà gáy nửa đêm, Bà ân cần chăm sóc, giúp Hoàng Đế mặc thêm áo để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là Bà. Bà đã động viên, nhắc nhở quân binh: mang áo giáp ra chiến trường, phải mang vê chiến thắng. Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của Hoàng Đế. Bà khiêm nhường, hòa nhã, phát huy mãi phẩm chất trong sang, tự nhiên…” Một biểu khác có đoạn: “Hoàng Hậu của Bệ Hạ là dòng dõi Hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc Kinh Thi, giải Kinh Dịch, làm nền tảng cho việc tốt đẹp, dồi dào. Siêng cần, lo thành tựu nghiệp cả…”Các bài biểu trên do triều thần ghi dâng lên Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân.

    -3 : Bà Bùi Thị Nhạn : Bà Nhạn được sinh tại thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn ( nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Bà là em ruột của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cô của Nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà Nhạn rất giỏi võ nghệ.Sau khi bà Phạm Thị Liên qua đời, Bà Nhạn được Vua Quang Trung lấy làm vợ và Bà cũng được phong Chánh Cung Hoàng Hậu.

    Bà Nhạn rất chăm học văn và võ. Bà được tôn tặng là : Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Quan niệm về võ nghệ của Bà khác với bà Bùi Thị Xuân. Bà chủ trương: Phụ nữ học võ để phòng thân, không phải để làm nên nghiệp lớn.Sau khi kết duyên với Vua Quang Trung, Bà xuất ngũ, về chăm lo gia đình chồng.

    Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, Vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân đem quân ra Bắc chống giặc. Những người thừa cơ hội, mang vũ khí vào cướp phá kinh thành.Bà Bùi Thị Nhạn cầm gươm, lên ngựa đánh dẹp tan được quân cướp.Bà tổ chức lại cấm vệ quân để giữ thành Sắp xếp lại quân ngũ, vì nhiều quan văn võ bỏ trốn, thiếu người chỉ huy các cấp. Bà dẫn quân ra Bắc, yểm trợ Vua Cảnh Thịnh, đánh chống quân của Nguyễn Ánh. Khi Nhà Tây Sơn hoàn toàn thất thủ, Bà dùng gươm tự sát, ngày 16.06.1802.

    -4 : Bà Mẹ của Nguyễn Quang Thùy: Nguyễn Quang Thùy từng làm Tiết Chế, trấn nhậm cả Bắc Hà. Người ta biết Thuỳ là con của Vua Quang Trung nhưng, không phải là con của Bà Phạm Thị Liên ,cũng,không phải con của Ngọc Hân. Nhiều ngươi quan tâm đến gia thế của Vua Quang Trung, không biết Mẹ của Quang Thùy là ai ? đã gây ra nhiều ngộ nhận, kể cả vua Càn Long Nhà Thanh bên Tàu. Quang Thùy lớn tuổi hơn Quang Toản. có tên trong danh sách sứ bộ sang chúc thọ Vua Nhà Thanh 80 tuổi, năm 1790, khiến Vua Càn Long tưởng là con trưởng của Quang Trung,phong cho Quang Thùy làm Thế Tử. Sau, biết không phải, phong cho Quang Toản. Sau khi Vua Quang Trung thăng hà, một Giáo sĩ tiết lộ: Quang Thùy là con của một nàng hầu với Vua Quang Trung.

    – 5 : Bà Trần Thị Quy: Bà Quy người Quảng Nam. Bà được Vua Quang Trung chọn làm Thứ Phi. Bà bị quân của Nguyễn Ánh bắt, đem đến bãi cát Kim Bồng chém., thả xác trôi sông. Thi hài của Bà được một số dân bí mật vớt lên khâm liệm, mai táng trong cánh đồng làng Thanh Bồng, Quảng Nam.

    -6: Bà Phi Họ Lê: Bà Phi này người Quảng Ngãi, có một Hoàng Tử với Vua Quang Trung.. Năm 1801, Hòang Tử con của Bà cũng bị quân của Nguyễn Ánh bắt giết.

    -7: Bà Nguyễn Thị Bích : Bà Bích được sinh tại Quảng Trị. Con thứ 16 của một viên quan nhỏ , có sắc đẹp, được Quang Trung lấy làm Thứ Phi. Bà sinh một con trai với Vua Quang Trung. Sau khi triều Tây Sơn sụp đỗ, Bà trốn vô ở tại xã Cát Hanh, Phù Cát, tinh Bình Định. Sau khi chết Bà được chôn tại Gò Thơ Vĩnh Ân, tỉnh Bình Định.

    Ngô Kinh Luân

    Tài liệu tham khảo
    – Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện.
    – Tây Sơn Tiềm Long Lục
    – Những khám phám về Hoàng Đế Quang Trung
    – Các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà.
    – Các thư của Giao sĩ Girard gởi Giáo sĩ Boiret

    – Wikipedia.
    – Các sử sách khác.

  12. Biển lửa Thị Nại – ‘trận Xích Bích’ của người Việt
    Trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn vào năm 1801 có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ.

    Xét trên quy mô và tính chất quyết định, trận đánh diễn ra ngày 27/2/1801 ở đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn xứng đáng được ghi nhận như trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử các cuộc nội chiến ở Việt Nam.

    Bức tranh vĩ đại của trận đánh lịch sử

    Năm 1800, thế trận giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn rơi vào thế giằng co. Vào thời điểm này, thành Quy Nhơn – một địa điểm tối quan trọng về chiến lược do chúa Nguyễn kiểm soát đang bị quân Tây Sơn uy hiếp mạnh mẽ. Quân Nguyễn tại đây phải cố thủ trong tình cảnh ngặt nghèo. Quân tiếp viện cho thành không thể đến bằng đường thủy do phía Tây Sơn bố trí một đội thủy quân cực mạnh để bảo vệ cửa biển Thị Nại.

    Quyết cứu thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Ánh đưa hạm đội hùng hậu chưa từng có tiến ra phá vòng vây của Tây Sơn ở đầm Thị Nại. Đầm nước này trở thành chìa khóa quyết định cục diện quân sự trong tương lai của cả hai bên.

    Theo một số nguồn sử liệu, chúa Nguyễn đã huy động trên dưới 1.000 chiến hạm lớn nhỏ cho trận Thị Nại. Trong số đó có 5 chiếc mang được 46 khẩu đại bác, 18 chiếc khác mang được từ 20 đến 26 khẩu.

    Quân Tây Sơn cho án ngữ ở cửa biển Thị Nại 3 chiến hạm khổng lồ Định Quốc – loại chiến hạm “khủng khiếp” nhất của người Việt thời cận đại với trang bị hơn 60 hải pháo mỗi chiếc. Phía sau 3 chiến hạm Định Quốc là hạm đội đông đảo gồm gần 2.000 chiến thuyền lớn nhỏ, tập hợp gần như tất cả sức mạnh thủy binh của quân Tây Sơn. Lực lượng phỏng thủ được hỗ trợ bởi rất nhiều đại pháo đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai ở cửa ngõ vào Thị Nại.

    Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày nay. Đầm có diện tích khoảng 5.000 ha, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng khoảng 4 cây số. Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã, còn gọi là cửa Thị Nại. (Trong hình minh họa trên, màu vàng thể hiện những địa điểm tập trung lực lượng của chúa Nguyễn, màu đỏ là quân Tây Sơn).

    Trong những cuộc giao chiến đầu tiên, thủy quân tiên phong của Nguyễn Ánh luôn bị nghiền nát ngay tại cửa đầm bởi hỏa lực phòng thủ khủng khiếp của Tây Sơn. Thành Quy Nhơn ngày càng nguy ngập. Chúa Nguyễn quyết định thu quân về để họp bàn các tướng bàn kế tiêu diệt hạm đội Tây Sơn. Nhận định mùa gió đang thuận lợi, họ thống nhất sẽ dùng hỏa công.

    Đêm rằm tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, 1.200 quân nhà Nguyễn bí mật đổ bộ lên bờ, đánh úp các pháo đài của Tây Sơn nhằm hóa giải các cỗ đại pháo.

    Trước đó, nhánh quân tiên phong của chúa Nguyễn đã bắt được thuyền tuần tra Tây Sơn và và thai thác để lấy mật lệnh. Một đội chiến thuyền cái trang thành thuyền Tây Sơn dùng mật lệnh vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong bắn phá.

    Hai cánh đột kích trên đã trở thành chìa khóa để nhà Nguyễn xoay chuyển cục diện trận chiến. Trước sự bối rối cuả quân Tây Sơn, toàn bộ hạm đội của nhà Nguyễn được lệnh tổng tấn công.

    Sự yểm hộ của các cỗ đại pháo hai bên bờ giảm sút, 3 chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn bị trên 60 chiếc thuyền thuộc tiền đội thủy quân Nguyễn bao vây và đánh chìm. Toàn bộ hạm đội Nguyễn tràn vào dùng hỏa công đánh phá cạnh mẽ. Nhờ thuận hướng gió nên sức mạnh công phát huy tối đa, hạm đội Tây Sơn cháy phần phật từ chiếc này sang chiếc khác. Đêm ấy, một bức tranh khủng khiếp bao phủ lên toàn bộ đầm Thị Nại với lửa khói ngút trời.

    Trận Thị Nại đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhà Nguyễn. Quân Nguyễn mất hơn 4.000 cho cuộc chiến. Về phía Tây Sơn, thiệt hại nặng nề hơn nhiều lần. Toàn bộ hạm đội ở Thị Nại – xương sống của hải quân Tây Sơn bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo thống kê, Tây Sơn mất hơn 20.000 quân, 1.800 chiến thuyền, hơn 600 đại pháo…

    Thị Nại – Xích Bích của người Việt

    Trận thủy chiến Thị Nại có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ. Đó là trận Xích Bích ở cuối thời Đông Hán bên Trung Quốc.

    Xét về tính chất, cả hai trận đánh đều diễn ra trong các cuộc nội chiến giành quyền làm chủ đất nước. Nếu trận Xích Bích diễn ra là cuộc đối đầu giữa thế lực của Tào tháo nhân danh nghĩa triều đình và liên quân tôn quyền – Lưu Bị trong bối cảnh Trung Quốc đang bị chia rẽ bởi tình trạng cát cứ của các chư hầu thì trận Thị Nại là cuộc đọ sức giữa triều đại Tây Sơn và chúa Nguyễn, hai thế lực hùng mạnh còn tồn tại sau hàng thế kỷ nội chiến ở nước Việt.

    [img]http://blog.ngochieu.com/wp-content/uploads/2010/10/haichien.jpg[/img]

    Hàng triệu người Việt Nam biết đến trận Xích Bích qua tác phẩm văn học kinh điển Tam Quốc chí.

    Cả hai trận đánh đều diễn ra trên sông nước với quy mô rất lớn, quy tụ hầu như toàn bộ lực lượng của thủy quân của các bên tham chiến. Đây đều là những trận quyết chiến chiến lược mà bên nào thua sẽ mất hoàn toàn quyền kiếm soát mặt trận đường thủy về lâu dài, kéo theo sự thay đổi toàn diện cuộc chiến.

    Ở trận Xích Bích, sau trận thua thảm khốc trước liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị, Tào Tháo không còn bao giờ khôi phục được sức mạnh thủy binh để đánh bại đối thủ của mình. Kết quả của trận Xích Bích đã định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc của ba nước Tào Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô. Đây là một trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc.

    Với thật bại ở trận Thị Nại, thủy quân Tây Sơn hầu như đã sụp đổ hoàn toàn. Kể từ đó nhà Nguyễn nắm giữ quyền kiểm soát vùng biển, gần như tất cả tàu có thể tự do đi lại mà không chịu sự đe dọa của quân Tây Sơn. Trận Thị Nại đã làm xoay chuyển cục diện chiến sự, giúp cho việc kết thúc chiến tranh nhanh hơn. Sau trận đánh này, Nguyễn Ánh liên tiếp giành chiến thắng và nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

    Điều đặc biệt khiến cuộc chiến ở đầm Thị Nại giống trận Xích Bích là ở chiến thuật mà nhà Nguyễn đã sử dụng để giành chiến thắng. Đó chính là chiến thuật hỏa công dựa vào hướng gió được hiện với lối đánh tập kích thọc sâu bất ngờ làm đối phương không kịp trở tay.

    Trong trận Xích Bích, phe liên quân đã dùng kế trá hàng để dẫn một đội thuyền chất đầy vật liệu dễ cháy cùng cùng ngòi nổ đột nhập sâu vào căn cứ quân địch. Khi đội “hàng binh” đến giữa sông thì các con thuyền được châm lửa và theo gió lao thẳng vào hạm đội của Tào Tháo. Do gió lớn và bị xích vào nhau, hạm đội khổng lồ này nhanh chóng bị thiêu ra tro.

    Trong trận Thị Nại, đoàn thuyền ngụy trang của quân Nguyễn đã luồn sâu vào đội hình hạm đội Tây Sơn khiến hoạt động của hạm đội này bị rối loạn. Khi dính đòn hỏa công từ hạm đội chủ lực của chúa Nguyễn, các chiến thuyền Tây Sơn chỉ còn biết chống cự trong tuyệt vọng. Cũng như trận xích Bích, những làn gió “trời cho” đóng vai then chốt trong chiến thắng của chúa Nguyễn.
    Quốc Lê

    Nguồn : Báo Đất Việt

Leave a comment