• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

ĐÃ BAO GIỜ CÓ…

Hoàng Hạc Lâu. Thôi Hiệu

Hoàng Hạc Lâu. Thôi Hiệu

Bốn mươi năm đọc sách Việt, tôi tự cho là tôi đã đọc khá nhiều về văn thơ của ông Ngô Thời Nhiệm và những ông sống, viết văn, làm thơ cùng thời với ông, nhưng chưa một lần tôi đọc đến tên ông Ngô Thời Vị.

Tháng Tám 2014, bài viết của ông Phạm Trọng Chính, đăng trên Trang Văn Hóa Nghệ An, cho tôi biết về ông Ngô Thời Vị. Tôi trích bài viết của ông Phạm Trọng Chính:

Phạm Trọng Chính. Văn Hoá Nghệ An. Trích:

Ngô Thời Vị, một người được Vua Gia Long biết tài, đươc Vua  trọng dụng ngang với Nguyễn Du. Ngô Thời Vị  còn xuất sắc hơn  Nguyễn Du vì tuổi trẻ hơn, đỗ đầu bốn kỳ thi, nên được Nguyễn Du gọi là Ngô Tứ Nguyên. Ngô Thời Vị làm quan triều Nguyễn, hai lần đi sứ Trung Quốc. Năm 1809 ông làm Phó sứ, năm 1820 ông làm Chánh sứ thay Nguyễn Du, bị bệnh rồi qua đời. Ngô Thời Vị là tác giả chính của Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tác phẩm văn xuôi độc đáo nhất nước ta. Ngô Thời Vị là một trong An Nam Ngũ Tuyệt, một trong năm người văn chương một thời hay nhất nước Nam; bốn người kia là  Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Hành. Thế mà tên tuổi Ngô Thời Vị bị chìm trong quên lãng.

Ngô Thời Vị (hay Ngô Thì Vị) còn có tên Ngô Thời Hương, sinh năm Giáp Ngọ 1774, mất năm Tân Tị, 1821, tự Thành Phủ, hiệu Ước Trai, con út Ngô Thời Sĩ, em Ngô Thời Nhậm và Ngô Thời Chí, Ngô Thời Hoàng. Quê Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông. Mồ côi cha năm 6 tuổi, ông được ông anh cả Ngô Thời Nhậm nuôi dưỡng.  Gia Long lên ngôi, mời Ngô Thời Vị làm Hiệp trấn Lạng Sơn. Năm 1809 Ngô Thời Vị được cử làm Phó Sứ sang nhà Thanh, năm ấy ông 35 tuổi, lần thứ nhì ông thay Nguyễn Du làm Chánh Sứ, trên đường Trung Quốc về nước ông mất tại Quảng Tây ngày 1-1-1821, hưởng dương 47 tuổi.

Ông để lại hai tác phẩm chính là “Mai dịch thu dư” (Thơ làm khi đi sứ) và “Thành Phủ Công thi văn,” gồm hàng trăm bài thơ với nhiều đề tài thể loại khác nhau.

Thơ chữ Hán của Ngô Thời Vị cho thấy bản lĩnh của một người tự tin vào tài của mình, khác với mọi người ca tụng những gì mọi người đã ca tụng, ông đưa ý kiến bài bác những sai lầm của văn chương Tầu; ông viết:

“Thôi Hiệu đang ở trên quê hương mình còn nhớ nhà cái nổi gì, tôi đi sứ xa quê hương tôi mới là người nhớ nhà, nhớ quê. Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc, nói: Trước mắt có cảnh không làm thơ được, Vì đã có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu. Lý Bạch sợ chứ tôi đây là sứ thần nước Việt, tôi là Ngô Thời Vị, tôi đến Lầu Hoàng Hạc, tôi làm thơ đây, tôi chẳng sợ đời đã có thơ Thôi Hiệu!” Ông viết:

“Triều đình Trung Quốc đòi nước Nam cống nạp tượng vàng Liễu Thăng là ngu dốt, vì đòi như thế là nhắc cho mọi người nhớ cuộc bại trận thảm hại của Trung Quốc, Tướng Liễu Thăng  bị chết chém có gì vinh hiển mà đòi người  Nam năm năm phải cống nạp tượng người bằng vàng?” Năm 1809 Ngô Thời Vị làm Phó Sứ sang nhà Thanh, khi đến Hoàng Hạc Lâu, ông viết:

“Lầu bên sông mùa thu mịt mù bóng lá cây và bóng mây. Người tiên không thấy chỉ thấy mái lầu trơ trọi. Hạc vàng bên trời bao giờ trở lại, dòng sông như dành riêng phó mặc cho bầy âu trắng bơi lội. Nhà thơ Lý Bạch chưa hề chịu thua ai sao đến lầu này oàng Hạc lại không làm thơ được?”

Trước lầu Hoàng Hạc, Lý Bạch viết: Trước mắt có cảnh không tả được, Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu. Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

Lầu Hoàng Hạc ở Trung Quốc, Thôi Hiệu là người Trung Quốc, sao lại nhớ quê hương? Ông ở quê ông, ông còn nhớ quê cái nỗi gì? Tôi sứ thần nước Nam đi sứ qua đây,tôi  mới là người xa quê hương. Và ông ung dung xưng danh:

“Sứ thần nước Việt Ngô Thời Vị, Chẳng sợ làm thơ trước cảnh này.”

Lầu Hoàng Hạc. Vũ Hoàng Chương

Lầu Hoàng Hạc. Vũ Hoàng Chương

Thơ Ngô Thời Vị Lầu Hoàng Hạc

Bản dịch: Sông Hán, thành thu mơ lá, mây,
Người tiên chẳng thấy, thấy lầu đây.
Hạc vàng biết có bao giờ lại,
Âu trắng dành riêng dãi nước đầy.
Lý Bá cớ chi dừng bút lại,
Thôi Quân sao lại nhớ quê ngay.
Sứ thần nước Việt: Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ viếng cảnh này.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt

HOÀNG HẠC LÂU

Hán thủy thành biên vân thụ thu,
Tiên nhân bất kiến chỉ không lâu.
Hà thời thiên tế lai hoàng hạc,
Đề ý giang trung phó bạch âu.
Lý Bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác hương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.

Bài thơ của Ngô Thời Vị được gửi đến Nguyễn Du. Nguyễn Du viết thư trả lời:

“Gửi ông Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên: Còn nhớ đêm hôm nào hai chúng ta đàm đạo cùng nhau, trên bãi biển Quỳnh Hải thời Tây Sơn. Chúng ta là bạn từ thuở ấu thơ, hai gia đình thân thiết nhau, tình vẫn còn nguyên như cũ. Chúng ta cùng làm quan, cái cày là cái lưỡi, vẫn thường no đủ. Xa quê lòng già nào không muốn về quê. Bệnh tiêu khát của Tư Mã Tương Như anh mỗi ngày thêm nặng. Hồn mộng tôi đêm đêm nhập vào thơ Đỗ Phủ.”

Nguyễn Du tặng Thơ Ngô Thời Vị.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Ký Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên

Nhất dạ tây phong đáo hải mi,
Đồng niên giao nghị thượng y y.
Đại canh hữu thiệt sinh thường túc,
Khứ quốc hà tâm lão bất qui?
Tiêu khát nhật tăng Tư Mã bệnh,
Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi.
Lâm giang vị cảm đề Anh Vũ,
Hoàn hữu Trung nguyên nhất đại thi.

Thơ Hoàng Hạc Lêu của Thôi Hiệu làm cho Lý Bạch ngần ngại khi muốn đề thơ Lầu Hoàng Hạc. Nhưng các vị sứ thần Việt Nam qua đây ai cũng đề thơ Lầu Hoàng Hạc; chẳng có thi nhân sứ thần Việt Nam nào sợ thơ Thôi Hiệu!

Năm Kỷ tỵ 1809 Ngô Thời Vị làm Phó Sứ sang Bắc Kinh, đã đến Lầu Nhạc Dương, ông nhớ cách đó 17 năm, anh ông là Ngô Thời Nhậm từng làm Chánh Sứ đi sứ báo tang Vua Quang Trung mất năm 1793 đã đến  lầu này, Ngô Thời Vị viết:

“Năm Quý Sửu anh tôi đã lên lầu này, đến nay tôi đến lầu là mười bảy mùa thu qua. Ngoảnh đầu nhìn lại việc trước đáng ghê mình vì cuộc biển dâu, nay tôi nối gót anh tôi mà đi sứ thấy lòng hổ thẹn cho bao kiếp tu từ lâu đời. Người xưa đi qua rồi không trở lại nữa,  như đám mây bay đi mất. Cuộc đời thay đồi không ngừng như dòng nước chảy. Khâm phục lời nói hay của tiền nhân, càng nghĩ kỹ, càng cảm động: Có rút chân khỏi giang hồ, mới khỏi âu lo.”

Thơ Ngô Thời Vị làm ở Lầu Nhac Dương.

Anh tôi Quý Sửu thăm lầu này,
Mười bảy năm giờ em đến thay.
Dâu biển quay nhìn lòng sợ hãi,
Sứ trình tiếp bước hổ lòng nay.
Người xưa qua đó như mây nổi,
Đời đổi không ngừng nước chảy bay.
Khâm phục lời hiền nhân nghĩ kỹ,
Giang hồ rời gót mới an vui.

CTHĐ: Tôi không trích đăng bài Thơ Chữ Hán Đăng Nhạc Dương Lâu của Ngơ Thời Vị.

Một bài thơ khác của Ngô Thời Vị: Tuyết hay Bùn?

lauNâng lên tuyết trắng, xéo bùn đen,
Quý tiện do người dẫm bước lên.
Tiết sạch lẽ nào sa xuống thấp,
Cội tùng trăng xóa tuyết đầu non.

TUYẾT NÊ
Phủng vi băng ngọc, tiễn vi nê,
Quý tiện do nhân bộ bất tề.
Khiết tháo khởi nghi lưu hạ xứ.
Cô tùng tuyệt điến nhiệm quân thê.

Paris 18-10-2013

Ts Phạm Trọng Chánh

*

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu,
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du,
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu.

Ngô Tất Tố dịch:

Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người. 

Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? 
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ! 
Hạc vàng đi mất từ xưa, 
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. 
Hán Dương sông tạnh cây bày, 
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non. 
Quê hương khuất bóng hoàng hôn, 
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Trần Trọng Kim

Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu
Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hôm lai láng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.

Thanh Tâm Tuyền:

Người xưa rong chim hạc đi khuất, 
Đất cũ để trơ lầu vắng không.
 
Hoàng hạc thuở biệt rồi tuyệt dạng,
 
Mây nghìn kiếp trắng mãi bông lông.
 
Tạnh quang cây bến lung linh nắng,
 
Xanh ngát cỏ đồng thiêm thiếp hoang.
 
Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ?
 
Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng.

Nguyễn Du và Hoàng Hạc Lâu

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?

Do lưu tiên tích thử giang mi.

Kim lai, cổ vãng, Lư sinh mộng,

Hạc khứ, lầu không, Thôi Hạo thi.

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu.

Nhãn trung thảo thụ thượng y y.

Trung tình vô hạn bằng thùy tố,

Minh nguyệt, thanh phong dã bất tri.

Hoàng Hải Thủy dịch:

Thần tiên ở đâu, bao đời nay?

Dấu còn để lại bến sông này?

Lư sinh mộng đến mơ còn mỏi.

Thôi Hạo lầu không, hạc vẫn bay.

Ngoài hiên sóng cũ, mênh mang khói.

Trước mắt hoa xưa lả lướt bay.

Gió mát, trăng trong không thể hỏi.

Tình này chan chưá, nói ai đây!

Trong thư của Nguyễn Du gửi Ngô Thời Vị, có câu:

“Chúng ta cùng làm quan, cái cày là cái lưỡi, vẫn thường no đủ.”

“Cái cày là cái lưỡi..” Thành ngữ mới toanh, lần đầu tôi gặp. Nhưng với những ông Nguyễn Du, Ngô Thời Vị, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, cái cày của các ông là cái bút. Các ông viết, các ông có nói đâu. Các ông không phải là biện sĩ.

Nhưng cho qua tất cả. Tôi viết bài này vì bài thơ Cảm đề Hoàng Hạc Lâu của Vũ Hoàng Chương.

Đây là bài Thơ Vũ Hoàng Chương dịch bài Hoàng Hạc Lâu  của Thôi Hạo:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu hoàng hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây nước Hán dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi…

Đây là bài thơ Vũ Hoàng Chương Cảm đề Hoàng Hạc Lâu

Đã bao giờ có hạc vàng đâu!

Mà có người tiên để có lầu.

Tưởng hạc vàng đi, mây trắng ở

Lầm Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau

Hạc chưa bay khỏi Mê hồn kịch

Tiên vẫn nằm trong Vạn cổ sầu

Trăng gió hão huyền như khói sóng

Nồi kê chín tới nghĩ mà đau.

Chắc đã có ít nhất là cả ngàn thi sĩ làm cả ngàn bài thơ thật hay về bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, chắc chỉ có một mình Nhà Thơ Việt Vũ Hoàng Chương lên tiếng:

Đã bao giờ có hạc vàng đâu.
Mà có Người Tiên để có Lầu.

Thi sĩ không hỏi, Thi sĩ không nghi, Thi sĩ nói chắc:

“Làm gí có đạo sĩ tu thành tiên, hoá thành con chim hạc bay đến cái lầu bên sông..”

Cảm khái cách gì!

2 Responses

  1. […] ĐÃ BAO GIỜ CÓ… (Hoàng Hải Thủy). Mời xem lại: Nguyễn Du (1766-1820) và Ngô Thời Vị (1774 – […]

  2. […] ĐÃ BAO GIỜ CÓ… (Hoàng Hải Thủy). Mời xem lại: Nguyễn Du (1766-1820) và Ngô Thời Vị (1774 – […]

Leave a comment