• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

Từng Hẹn Mùa Xưa…

Những thiếu niên - nhi đồng trong Trung Đoàn Thủ Đô, Hà Nội năm 1947.

Những thiếu niên – nhi đồng trong Trung Đoàn Thủ Đô, Hà Nội năm 1947.

Tháng 12, 2015, tôi gửi bài Viết ở Rừng Phong này đến những vị quí bạn đọc năm nay tuổi đời Tám Bó. Tôi nghĩ quí vị phải là những thiếu niên 14, 15 tuổi năm 1946, sống ở miền Bắc, quí vị mới cảm khái khi đọc những dòng chữ này.

Tôi ghi lại trong bài này những bài hát tôi từng hát năm 1946, năm tôi 14 tuổi. Nếu ông bạn ở Kỳ Hoa năm nay Tám Bó, nếu ông bạn 14, 15 tuổi năm 1946, ông bạn sống ở Bắc Kỳ, tôi chắc ông bạn biết và ông bạn còn nhớ những lời ca này.

Chiến tranh Việt Pháp nổ ra ở Sài Gòn rất sớm, chiến tranh lan ra thật nhanh trong miền Nam Việt Nam. Thời ấy miền Nam gọi theo ngôn ngữ Việt Minh là Nam Bộ. Chỉ vài ngày sau ngày Quân Đội Pháp, theo chân Quân Đội Anh vào miền Nam tiếp nhận cuộc đầu hàng của Quân Đội Nhật, người Pháp đã gây chiến ở Sài Gòn. Viết “Quân Đội Pháp theo chân Quân Đội Anh vào miền Nam…” là không đúng. Những ngày cuối Tháng Tám 1945 có khoảng 5000 người Pháp – là lính Pháp, và công chức Pháp, thường dân Pháp, sống ở Việt Nam. Những người Pháp này bị Quân Đội Nhật bắt giam trong những trại tập trung. Quân Anh vào miền Nam giải thoát họ, cấp võ khí cho họ, và số người Pháp này dưới sự bảo vệ của quân Anh, đánh chiếm những công sở ở Sài Gòn.

Một số Tin trích trong tác phẩm “Hai Mươi Năm Qua. 1945-1954.” HMNQ. Tác giả Đoàn Thêm:

Ngày 3 Tháng 10, 1945. Một đoàn quân Pháp do Tướng Leclerc chỉ huy, đến Việt Nam. Ngày 5/ 10/ 1945 Tướng Leclerc đến Sài Gòn, tuyên bố “Sẽ bình định Nam Bộ.

CTHĐ viết thêm: Đây là đơn vị lính Pháp thứ nhất từ Pháp Quốc đến Việt Nam sau ngày kết thúc Thế Chiến Thứ Hai. Số lính này đến Sài Gòn bằng tầu biển, họ lên bộ ở Vũng Tầu. Trong số lính này có nhiều binh sĩ người da đen được Pháp tuyển ở những quốc gia châu Phi thuộc Pháp. Có ông lính về sau nổi tiếng là Tổng Thống Bokassa. Khi đến Việt Nam, Trung sĩ Bokassa trú đóng ở Gò Vấp. Ông lấy vợ Việt, có cô con gái Martine Bokassa. Mãn thời hạn đăng lính, Sergent Bokassa về nước. Ông bỏ bà vợ và cô con gái ông ở lại Gò Vấp. Năm 1970 Sergent Bokassa thành Tổng Thống. Ông tìm bà vợ Việt của ông và cô Martine Bokassa. Bà vợ Việt của ông đã có chồng khác, cô Martine được ông bố nay là Tổng Thống đón sang sống với ông.

Chú liên lạc viên đi công tác mùa mưa ở Bắc Việt năm 1948. Chiếc áo tơi này, hình như, chỉ có ở đồng quê miền Bắc.

Chú liên lạc viên đi công tác mùa mưa ở Bắc Việt năm 1948. Chiếc áo tơi này, hình như, chỉ có ở đồng quê miền Bắc.

Tiến trình Quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ.

9/10/1945. Quân Pháp chiếm đóng Tây Ninh.

20/10/1945. Quân Pháp chiếm đóng Mỹ Tho.

28/10/1945. Quân Pháp chiếm đóng Gò Công.

29/10/1945. Quân Pháp chiếm đóng Vĩnh Long.

30/10/1945. Quân Pháp chiếm đóng Cần Thơ.

19/11/ 1945. Quân Pháp chiếm đóng Nha Trang.

1/12/1945. Quân Pháp từ Nha Trang tiến lên chiếm đóng nhiều vùng ở cao nguyên.

20/1/ 1946. Quân Pháp chiếm đóng Rạch Giá.

4/2/1946. Quân Pháp chiếm đóng Cà Mâu.

7/4/1946. Quân Pháp đến Nam Định.

21/6/1946. Quân Pháp chiếm đóng Pleiku và Kontum.

8/7/1946. Quân Pháp chiếm đóng Lạng Sơn.

17/7/1946. Quân Pháp chiếm đóng Đồng Đăng.

18/12/1946. Tự Vệ Hà Nội và Lính Nhẩy Dù Pháp bắn nhau ở Chợ Đồng Xuân.

19/12/1946. 8 giờ tối, Nhà Máy Điện Hà Nội bị phá, thành phố tối đen. Súng nổ. Cuộc Chiến Việt Pháp nổ ra trên khắp nước Việt Nam.

o O o

Đầu Tháng 12, 1946, gia đình tôi tản cư về làng quê mẹ tôi – làng Hòa Xá, phủ Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Sống ở quê ngoại tôi ít ngày, thầy mẹ tôi biết không thể sống lâu đến mấy năm ở đây. Thầy mẹ tôi đưa anh em tôi trở về căn nhà ở tỉnh lỵ Hà Đông. Khi ấy chiến tranh đã nổ ra ở Hà Nội. Gia đình tôi không thể từ Hà Đông đi ra Hà Nội, qua Cấu Sông Cái để về quê nội tôi ở Gia Lâm, một làng quê ven bờ sông Đuống. Chúng tôi phải đi lên vùng gần Văn Điển, đi đò qua sông Hồng, sang phủ Văn Lâm ở bên kia sông, đi bộ về làng quê tôi ở phủ Gia Lâm. Ngày ấy đi trên cánh đồng, anh em tôi trông thấy những chiếc phi cơ Spitfire bắn phá những vùng quanh phi trường Gia Lâm. Nhìn lại, tôi thấy những vùng khói bốc lên ở Hà Nội.

Năm 1947, tôi ở trong Ban Kịch Thiếu Nhi Gia Lâm. Anh Dũng, người là Ủy Viên Thanh Niên Gia Lâm, tổ chức Ban Kịch này. Ban Kịch chỉ có 5 chú thiếu niên bằng tuổi tôi. Tôi mang theo được khoảng 10 số báo Thắng Tiến của Hội Hướng Đạo. Trong số có những vở kịch Ngắn Hướng Đạo. Ban Kịch chúng tôi diễn những vở kịch này ở những đình làng trong phủ. Diễn kịch ở làng nào, người làng ấy nuôi cơm chúng tôi. Khán giả toàn những người trẻ, dễ tính,không đòi hỏi gì nhiều.

Vài tháng sau, lính Pháp hành quân qua vùng làng tôi. Ban Kịch tan hàng.

Một chiều anh em chúng tôi được anh Dũng đưa đến gặp anh Đại Đội Trưởng Vệ Quốc Quân. Anh em tôi ngồi quanh anh nghe anh nói chuyện. Trong những lời anh nói có câu:

“Các anh chiến đấu dành đôc lập cho các em sống hạnh phúc.”

Bẩy mươi năm qua, hôm nay tôi nghe văng vẳng lời nói ấy.

Năm 1949 tôi được lên Việt Bắc dự Khóa Huấn Luyện Tình Báo. Tôi sống ít ngày ở Trạm Giao Liên chờ anh em từ miền suôi lên, cùng đi đến trường. Một chiều anh em tôi ra đồi đào sắn. Tối ấy sáng trăng, anh em tôi ngồi ngoài sân quanh rổ sắn luộc. Tôi là chú nhỏ trong anh em. Một anh lớn chỉ tôi:

“Bọn anh đi kháng chiến. Đó là bổn phận của các anh. Chỉ thương những em như em. Ở tuổi em giờ này em phải được sống trong tình yêu thương của cha mẹ em, em được đi học. Vậy mà em cũng đi chiến đấu như các anh.”

Khi Ban Kịch Thiếu Niên tan hàng, có một tổ tình báo đến ở nhà ông bác tôi. Tổ này có các anh Tường Lan, Quốc Bảo, Quốc Ấn, Trần Trung Thành. Toàn là bí danh. Anh Trần Trung Thành là anh họ tôi, anh được gọi là anh Ba Tê. Tôi có cảm tình với anh Tường Lan. Anh trạc 30, 35 tuổi, anh để râu như ông Hồ Chí Minh. Anh thường cho tôi đi theo anh trong những chuyến anh đi công tác trong vùng. Một hôm anh nói với tôi:

“Anh đổi công tác. Anh sẽ hoạt động ở nơi khác. Em có muốn đi theo anh không?”

Tất nhiên là tôi muốn, anh nói:

“Đi theo anh là em phải thoát ly gia đình. Em phải xin phép mẹ em.”

Tôi đi theo anh Tường Lan mà không nói gì với mẹ tôi. Tôi biết nếu tôi nói, mẹ tôi sẽ không cho tôi đi. Một đêm tôi theo anh Tường Lan đi qua sống Đuống. Khi ấy quân Pháp đã chiếm đóng vùng quê tôi, đã đóng đồn trên đê sông Đuống, bên kia sông là miền Việt Minh. Chỉ ban đêm mới có thuyền chở người qua sông Đuống. Tôi theo anh Tường Lan qua sông ban đêm. Qua sông, chúng tôi ngủ trong một quán trọ ven đường. Sáng dậy tôi nhìn thấy vầng mặt trời lên ở phương Đông. Buổi sáng nắng vàng tuyệt đẹp.

Trên đò đêm sang sông tôi thấy một thiếu nữ trạc tuổi tôi. Hình ảnh người thiếu nữ ấy làm tôi năm 1950 viết truyện ngắn “Người con gái áo xanh.” Truyện đoạt Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn năm 1950 của Nhật báo Tiếng Dội. Tiền của Truyện Giải Nhất là 3.000 đồng.

Anh Tường Lan để tôi ở lại cơ sở Ban Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm ở Yên Phong, Bắc Ninh. Anh không gọi tôi đi theo anh. Vài năm sau tôi được tin anh qua đời ở Lạng Sơn.

Đây là những bài ca tôi hát năm tôi 14 tuổi. Những bài hát của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi…

Bài hát thứ nhất “Thu trên Đảo Kinh Châu.” Năm nay – 2015 – tôi tìm bài hát trên Internet. Tác giả bài hát này là Nhạc sĩ Lê Thương.

Thu trên đảo Kinh Châu

Đàn chim bay thiết tha, trên núi cao miền xa 
Mang theo những nỗi buồn mộng mơ
Nguồn thảm sầu đã qua.
Khi ta đi liễu đang còn xanh lá
Trong đám cây oanh hót vài lời ca để chòng đám hoa

Ngày nay cúc đẫm thâu, hoa héo khô vì đâu.
Chim oanh nhắc tiếng một vài câu để thương đời cúc thâu
Sông Kinh Châu có con buồm trắng
Gió thu mang người biệt ly vào cảnh sầu đó chăng 

Tôi hát nhiều nhất những bài ca của Văn Cao.

Suối mơ
Bên rừng thu vắng,
giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.

Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến,
còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên.

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi .

Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.
Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.

Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu .
Với suối xưa trôi nơi đâu .

Ơi… Ông Bạn Tám Bó của tôi, tôi chắc ông – như tôi, – không nhớ toàn bài nhưng còn nhớ một số lời những bản nhạc này:

Thiên Thai.

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần

Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.

Với tôi, Thiên Thai là bài ca Tuyệt Nhất của Văn Cao.

Bẩy mươi mùa lá rụng trôi qua đời tôi, tôi còn nhớ lời bản Bắc Sơn của ĐỖ NHUẬN

Bắc Sơn

Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió
Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng
Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ
Rồi vùng đồi núi nhớ bao nhiêu hận thù
Dân quân du kích. Cách mạng bùng mùa thu
Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu

Bắc Sơn! Ðây hố sâu mồ chôn
Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn
Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương
Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn
Giặc Pháp tàn ác giày xéo
Từng xác ngập đất máu xương
Nhà đốt, cầm giáo cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường
Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa
Bắc Sơn! Ðây núi rừng chiến khu!
Bắc Sơn! Ðây hố sâu mồ chôn
Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn
Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương
Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn
Giặc Pháp tàn ác giày xéo
Từng xác ngập đất máu xương
Nhà đốt, cầm giáo cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường
Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa
Bắc Sơn! Ðây núi rừng chiến khu!

Và bài NHỚ CHIẾN KHU

Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều.
Bên đèo lắng suối reo ngàn thông réo.
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo đoàn quân réo đạn bay vèo.
Hôm nay đây vai vác súng trông mây, trăng gió buồn đứng.
Chiều vàng nhớ núi rừng.
Chiều nay xa chiến khu trên đường về.
Sương chiều lác đác rơi trời dần tối.
Rừng sâu xa, núi cao cao mờ.
Tiếng quân hò lời chưa dứt dưới bóng cờ.
Thôi chia ly vai vác súng trông mây trăng gió buồn đứng
Chiều vàng nhớ núi rừng.

 Đỗ Nhuận 

Một trong những bài được giới thiếu niên chúng tôi hát nhiều năm xưa ấy là bài DIỆT PHÁT XÍT củ Nguyễn Đình Thi:

Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than 
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình
Đồng bào tuốt gươm vùng lên
Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng
Tiến lên nền dân chủ cộng hòa
Mau mau mau, vai kề vai, không phân già trẻ trai hay gái.

Ta đi lên, ta tiến lên, ta diệt quân thù 

Việt Nam,Việt Nam,Việt Nam
Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm
Việt Nam,Việt Nam muôn năm

o O o

Tuổi Đời Tám Bó, sống ở quê người, tôi nhớ những bài ca tôi từng hát năm tôi 14 tuổi ở quê hương.

Cảm khái cách gì.

Ơi.. Những ông năm nay Tám Bó Tuổi Đời…. Những ông năm 1946, 1947 ..là những thiếu niên 15, 16, 17 tuổi.. Đọc bài viết này các ông có xúc động chút nào không?

CTHĐ

Đừng bao giờ ngừng Hy Vọng

Bưu thiếp của Amnesty International gửi gia đình Hoàng Hải Thủy, Tháng 12 năm 1985.

Bưu thiếp của Amnesty International gửi gia đình Hoàng Hải Thủy, Tháng 12 năm 1985.

Tôi nhìn thấy “Nó” vào một buổi sáng đầu năm 1986 trong phòng người tù gập mặt thân nhân trong Nhà Tù Chí Hòa.

“Nó” đây là tấm bưu thiếp của Amnesty International – thường được gọi tắt là Amnesty Intern – tên Việt Nam là Ân Xá Quốc Tế. Những người Việt thường nói đến Amnesty Intern là những người Việt Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa bị bọn Bắc Cộng giam tù, và vợ con họ.

Tôi bị bắt Tháng Tư năm 1984. Sau một năm ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của bọn Công An Thành Hồ, bọn Công An VC đưa tôi sang nằm phơi rốn chờ ra tòa trong Nhà Tù Chí Hòa.

Theo thủ tục giam giữ tù nhân của bọn Bắc Cộng, người tù chưa ra tòa, chưa có án, không được gặp mặt vợ con. Nhưng vợ con người tù biết chạy mánh: “có tiền, tìm gặp cán bộ, biếu xén quà cáp..v..v..” vẫn có thể xin được giấy phép vào Nhà Tù Chí Hòa gập người tù. Giấy phép này do bọn cán bộ ở Tòa Án Sài Gòn cấp. Một nhân viên Tòa Án giữ hồ sơ của một số tù nhân Chí Hòa. Nhân viên này có quyền phát giấy cho phép thân nhân người tù Nhà Tù Chí Hòa gập mặt người tù, dù người tù chưa có án.

Mấy tháng cuối năm 1985 mấy ông bị bắt cùng với tôi: Doãn Quốc Sĩ, Duy Trác, Trần Ngọc Tự.. đều được ra gặp mặt vợ con nhân Ngày Thăm Nuôi. Tôi nóng lòng muốn phát điên vì tôi muốn, tôi thèm gặp vợ con tôi mà tôi không được gập.

anxa4Gần đến ngày tôi phải ra tòa, tôi nhắn vợ tôi:

“Bằng mọi giá, cho anh được gặp mặt em.”

Năm 1990, mãn án tù 6 năm, trở về mái nhà xưa, vợ tôi kể:

“Em hỏi các bà ấy bằng cách nào xin được giấy phép gặp mặt, xin ở đâu. Không bà nào chịu nói. Sau Giang nó hỏi dò được biết giấy phép gặp mặt tù phải xin ở tòa án. Giang tìm được chị cán bộ giữ hồ sơ của anh. Nó làm quen với chị này, biếu quà..”

Nhờ con gái tôi, một buổi sáng đầu năm 1986 tôi nhìn thấy “Nó” trong Nhà Tù Chí Hòa. “Nó “đây là tấm bưu thiếp của Amnesty Intern – Ân Xá Quốc Tế – Vơ tôi – đứng bên kia lưới sắt – nhìn quanh thấy tên cai tù giải tù ra gặp mặt vợ con không để ý, nàng để tấm bưu thiếp lên tấm gỗ lưới sắt. Qua lưới sắt chia cách, tôi nhìn tấm thiếp mầu xanh, và – năm ấy mắt tôi còn sáng – tôi đọc được hàng chữ:

Never give up Hope, because we never will.”

Vợ tôi cất tấm thiếp đi ngay. Nếu tên cai tù trông thấy, nó sẽ tịch thu tấm thiếp. Tôi sẽ bị nó xét hỏi. Vợ tôi có thể bị cấm gửi thức ăn cho tôi vì “tội liên lạc với  tổ chức phản động  nước ngoài.”

Tôi được gặp vợ tôi trước ngày tôi bị đưa ra tòa. Qua lưới sắt, vợ tôi cho tôi thấy tấm thiệp Amnsety Intern. nàng nói với tôi:

“Anh nhớ nhé. Ra tòa dù chúng nó có tuyên án anh bao nhiêu năm tù, dù em có khóc, có ngất đi, anh cũng đừng xin chúng nó khoan hồng. Chúng nó sẽ đưa lời xin của anh lên báo.”

Anh Sáu Khôi, một bạn tù cùng phòng với tôi, đứng cạnh tôi, anh nghe được lời vợ tôi nói. Trưa ấy, trong lúc anh em tù ăn cơm, anh Sáu Khôi nói cho cả phòng cùng nghe:

“Làm vợ người làm chính trị phải như bà vợ ông Thủy. Bà ấy dặn ông chồng không được xin khoan hồng khi ra tòa. Vợ mấy ông khi gặp chồng thì khóc, trách làm chi để vợ con khổ, được cái gì..”

Những ngày như lá, tháng như mây..Buổi sáng năm xưa, năm1986 trong Nhà Tù Chí Hòa. Nay, khi tôi viết những dòng chữ này là 11 giờ đêm Tháng Mười năm 2015, tôi viết trong một tòa nhà dành cho người già thu nhập thấp ở Virginia, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi vừa ghi tấm thiếp vào computer của tôi. Tôi còn cái computer này, tôi còn “Nó”: Tấm thiếp Amnesty Intern.

December 1985 To the family of Hoang Hai Thuy. From Cristine Goyma, a member of Group 17 ( Geelong ) Australian Section of Amnesty International. Never give up Hope, because we never will!

December 1985
To the family of Hoang Hai Thuy.
From Cristine Goyma, a member of Group 17 ( Geelong ) Australian Section of Amnesty International.
Never give up Hope, because we never will!

1986 – 1996 – 2006 – 2015 ….Ba mươi năm.. Tấm thiếp Amnesty Intreen gửi đi từ thành phố Melbourn, Australia, đến nhà tôi trong Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, vào Nhà Tù Chí Hòa gặp tôi, nay đến với tôi ở Virginia, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Kiều Giang gửi thư cho tôi:

“Con mới tìm lại được tấm thiếp này trong số giấy tờ của con. Còn đã tưởng mất nó.”

Cùng với tấm thiếp là bức thư của cô Christine Goyma gửi cho tôi năm 1996 khi mãn tù tôi trở về mái nhà xưa. Cô Goyma cho tôi biết chi hội của cô được Tổng Đàn Ân Xá Quốc Tế chỉ định giúp đỡ người tù Hoàng Hải Thủy. Chi hội giúp tôi về tinh thần và cả tiền bạc. Biết vợ con tôi không có điều kiện gửi thực phẩm tiếp tế cho tôi, các vị trong chi hội góp tiền, tháng tháng gửi cho vợ tôi. Cô Goyma được các vị trong chi hội ủy quyền đại diện liên lạc với vợ con Hoàng Hải Thủy. Năm 1998, tôi được các bạn tôi bên Úc giúp phương tiện cho sang Sydney, Melbourn. Người bạn tôi ở Melboun đưa tôi đến trụ sở Amnesty Intern.

Năm 1986 những vị trong Amnesty Intern Melbourn đều làm việc tự nguyện, không có tiền lương. Nhân viên Amnesty Intern. trên khắp thế giới năm ấy chắc đều làm việc không lương như thế. Năm 1998, nhân viên Amnesty Intern — ở Úc — có lương tháng. Rất tiếc cô Goyma không còn ở Melbourn. Những vị trong chi hội năm xưa — chừng 10 vị — ký tên trong thư gửi tôi, đều đã chuyển đi làm việc và sống ở những nơi khác.

Amnesty International được thành lập ở Anh quốc năm 1961.

Người thành lập Amnesty Intrern là ông Peter Benenson, một luật gia người Anh. Lúc đầu hội chỉ lo việc xin khoan hồng, xin ân xá cho những người tù vì lương tâm, vì tranh đấu cho nhân quyền trong nước Anh. Năm 1963 hội phát triển trên khắp thế giới. Hiện có tới 1000 chi hội Amnesty Intern. hoạt động trên toàn cầu.

Ông Peter Benenson được gọi là:

“The man who fought for the forgotten.”

Người tranh đấu cho những người bị bỏ quên.

Ông Peter Benenson nói về biểu tượng của Amnesty Intern: Ngọn nến cháy trong vòng dây thép gai:

The candle burns not for us, but for all those whom we failed to rescue from prison, who were shot on the way to prison, who were tortured, who were kinapped, who “disappaered.” That what the candle is for.

Once the concentration camps and the hell-hole of world were in darkness. Now they are lit by the light of The Amnesty Candle, the candle in barbed wires.

When I first lit the Amnesty candle, I had in mind the old Chinese proverb:

“Better light a candle than curse in the darkness.”

Phỏng dịch:

Cây nến không cháy cho chúng ta, nó cháy cho những người mà chúng ta đã không cứu ra được từ những nhà tù, những người bị bắn trên đường đến nhà tù, những người bị hành hạ, những người bị bắt cóc, những người “biến mất.” Ngọn nến cháy cho những người đó.

Có thời những trại tập trung và những nơi là địa ngục của thế giới chìm trong bóng tối. Nay những nơi đó được soi sáng bởi ánh sáng của cây nến Ân Xá Quốc Tế, cây nến trong những vòng dây thép gai.

Khi tôi lần đầu thắp sáng ngọn nến Ân Xá, tôi nhớ câu cách ngôn Trung Hoa:

“Nên thắp sáng một cây nến hơn là nguyền rủa trong bóng tối.”

Peter Benenson.

Thư của Writers in Prison Committee – International PEN, gửi gia đình Hoàng Hải Thủy.

Thư của Writers in Prison Committee – International PEN, gửi gia đình Hoàng Hải Thủy.

Tháng Giêng  năm 1990 mãn hạn tù 6 năm, trở về mái nhà xưa, tôi được thư của cô Christine Goyma;

5 March 1990.

Dear Mr Thuy

How overjoyed I was to receive your letter written from freedom !..!. I was overwhelmed with happiness for you and your family. On behalf of the other friends you have here in Geelong we send our love and very best wishes to you and your family. Words can not adequately express our elation and joy upon your news.

I shall write to the other fiends you have to inform them of your home – coming, and will wait eagerly to receive more news from you.

I must ask, did your dear wife receive two amounts of money ( cash ) we sent her via Vietnam Diffusion? We are hesitate about sending more in case the other has not arrived safely.

What are your plans now? I have been making inquiries on your family’s behalf concerning the US, ODP. Is it your wish to seek a legal departure, or you wish to remain in your home? I hope it is safe to ask such questions in this letter.

How is your health? How is your wife’s health? I had so many questions to ask. Maybe one day we can meet in person and exchange stories about what have passed.

I remain your friend  always.

Christine Goyma.

Phỏng dịch:

Ngày 5 March 1990

Ông Thủy thân.

Tôi mừng quá khi tôi nhận được bức thư ông viết trong tự do. Tôi quá vui  cho ông và gia đình ông. Nhân danh những người bạn ông ở Geelong tôi gửi tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi đến ông và gia đình ông. Lời nói không đủ để diễn tả nỗi mừng vui của chúng tôi khi nhận được tin ông.

Tôi sẽ viết thư ngay cho những người bạn của ông để báo cho họ biết ông đã về nhà, chúng tôi mong nhận được nhiều tin khác của ông.

Tôi phải hỏi, bà vợ ông có nhận được hai khoản tiền ( tiền mặt ) chúng tôi gửi bà qua Vietnam Diffusion? Chúng tôi do dự trong việc gửi thêm vì ngại số đã gửi không đến nơi an toàn.

Nay ông có những dự định gì? Tôi đã hỏi, nhân danh gia đình ông, Hoa Kỳ và ODP. Ông muốn ra đi hợp pháp hay ông muốn sống trong nhà ông? Tôi mong không có gì phiền nhiều cho ông khi tôi hỏi ông những câu trong thư này.

Sức khỏe của ông ra sao? Sức khỏe của bà vợ ông ra sao? Tôi có nhiều câu để hỏi ông. Mong có ngày chúng ta gập nhau và nói cho nhau nghe những gì đã xẩy ra.

Tôi mãi mãi là bạn của ông.  

Christine Goyma.

Như đã viết: 8 năm sau ngày tôi nhận được lá thư của cô Chritine Goyma, tôi đến Melbourn, nhưng tôi không được gặp cô. Tôi rất tiếc.

Đây là thư của PEN Intern.

INTERNATIONAL P-E-N
Writers in Prison Committee
38 King Steet, London, England.

Mme Hoang Hai Thuy

259/29 A Cach Mang Thang Tam. Quan Tan Binh, Ho Chi Minh City.

Dear Madam,

The Writers in Prison Committee is anxious for news of your husband, anh hope that there is some way in which you can tell us how he is and how often you are able to visit him? We know that he is not at all well even in 1984, and we would like to know if there are any medecines which you need and which we could send you?

With best wishes to you and your family.

Yous sincerely.

K.V. Simson

Thưa bà,

Tiểu ban Văn Sĩ bị Tù lo âu muốn biết tin về ông chồng bà, chúng tôi mong bằng cách nào đó bà cho chúng tôi biết nay ông ấy ra sao, và bao nhiêu lâu bà được thăm gập ông ấy? Chúng tôi bết ông ấy không được khỏe lắm từ năm 1984, chúng tôi muốn biết những thứ thuốc bà cần mà chúng tôi có thể gửi đến bà?

Chúc bà và gia đình bà những lời chúc tốt đẹp nhất.

K.V. Simson

Là người tù Việt Nam được các vị trong Hội Amnesty Intern, Hội PEN Intern, thương và cứu giúp, tôi cám ơn các vị.

CTHĐ

Le Parisien: Hoang Hai Thuy a refusé de se taire

Dưới đây là bản dịch bài báo viết về “Biệt kích dzăng bút Hoàng Hải Thủy” đăng trên nhật báo Le Parisien, Tháng Tư năm 1988. Người viết là Nữ ký giả Catherine Monfazon:

Đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới – L’Association Reporters sans frontières – 38 cơ sở truyền thông Pháp quốc đã nhận bảo lãnh mỗi cơ sở một ký giả bị tù vì làm tròn công việc của mình. “Le Parisien” tự chọn tranh đấu cho sự tự do của Hoàng Hải Thủy, ký giả Việt Nam, hiện đang bị bỏ quên trong một trại lao động cải tạo.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp quốc không những chỉ vận động để đưa ông Thủy ra khỏi nhà tù mà còn, theo sự đòi hỏi của gia đình ông ta, đưa ông ta ra khỏi quốc gia của ông ta…

Hoàng Hải Thủy không chịu câm miệng

Đừng nói đến cái tên Hoàng Hải Thủy ở Việt Nam, nói đến cái tên đó trong điện thoại, đường dây sẽ bị cắt, trong đường phố những đôi mắt sẽ nhìn xuống đất. Được nhờ đến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được coi như là một động lực của công cuộc đổi mới của Việt Nam, sẽ bực bội gạt bạn sang Bộ Tư pháp, một cách từ chối, không tiếp khéo léo.

Hoàng Hải Thủy năm mươi chín tuổi, đêm đêm nằm ngủ trên tấm ván rộng năm mươi phân giữa ba ngươi người bạn tù chung phòng giam trong trại cải tạo Xuân Lộc, một nơi cách thành phố HCM (Sàigòn) một trăm hai mươi cây số. Những lời buộc tội thật mơ hồ “Lên tiếng chống chủ nghĩa cộng sản” Người ta trách ông ta đã gửi ra nước ngoài những bài thơ, bài viết không sao có thể đăng được trong những tờ báo Việt Nam bị rọ mõm.

Hoàng Hải Thủy biết rất rõ những người cộng sản. Bên cạnh họ ông đã tham gia kháng chiến năm 1945. Nhưng kề từ đó ông chỉ đi theo một con đường: nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, ký giả, dịch giả: ông được nhiều người biết vì tính tình hay nói thẳng, vì niềm hăng say tố cáo những sự bất công. Ông tự ý làm những việc ấy. Trước năm 1975 ông công khai chỉ trích chế độ cũ trên những tờ báo châm biếm như tờ Con Ong (nghĩa đen là con ong chuyên châm chích). Ông cũng là viên chức của Trung tâm Thông Tin Hoa Kỳ, USIS.

Năm 1974, ông dịch “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez. Bản dịch truyện này bị cấm xuất bản. Bản dịch “Quần đảo ngục tù” (Archipel du Goulag) cũng bị cấm. Lần này là đảng cấm. Sau năm 1975 Hoàng Hải Thủy phải sống nhịn nhục. Nhưng ông từ chối không chịu im tiếng. “Ông ấy không thể im lặng trước những đau khổ của đồng bào ông. Ông ấy tức giận khi thấy bọn cán bộ kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính chúng lại sống như vương giả”. Đấy là lời một người bạn của Hoàng Hải Thủy nói về ông.

Năm 1977 ông ta đã bị bắt lần thứ nhất, bị giam hai mươi ba tháng trong nhà tù Chí Hòa. Vừa ra khỏi tù, ông lại cầm bút. Ông bị bắt lần thứ hai năm 1984. Năm 1988, ông bị xử ở tòa án. Người bạn của ông nói tiếp về ông:

“Trong phiên xử, ông ấy có nói ông không viết vì thù hận chính quyền mà viết để chống lại tất cả những kẻ dối trá từ trong trái tim…”

Bị tuyên án sáu năm tù Hoàng Hải Thủy chỉ được trả tự do vào tháng Năm năm 1990. Ông còn phải chịu đựng nhiều tháng sống trong trại cải tạo vì thái độ tự do tư tưởng của ông, một thái độ mà cái chính phủ vẫn tự nhận là đã mở nắp nồi và đổi mới vẫn không thể chấp nhận được.

Nữ ký giả Catherine Monfazon
Nhật báo Le Parisien

Quý vị vừa đọc bản dịch bài báo của nữ ký giả Catherine Monfazon, Nhật báo Le Parisien, ấn hành ở Paris. Năm 1988, nữ phóng viên Monfazon đi Bắc Kinh, Trung Quốc, rồi đến Hà Nội và thành phố HCM. Vì nhật báo Le Parisien nhận bảo trợ và đòi trả tự do cho người viết Hoàng Hải Thủy, cô Monfazon tìm đường đến gặp vợ con Hoàng Hải Thủy. Khi cô thất vọng hoàn toàn và sắp lên phi cơ về Paris tình cờ cô gặp một người bạn của Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy cô đến được căn nhà nhỏ của vợ chồng Công Tử Hà Đông trong Cư xá Tự Do giữa Ngã ba Ông Tạ và Ngã tư Bảy Hiền.

Đây là bài báo Nữ ký giả Monfazon viết về vợ con Hoàng Hải Thủy đăng cùng trên trang báo Le Parisien với bài báo trên.

Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu ông ấy

Hoàng Hải Thủy và cả gia đình ông phải trả giá đắt vì niềm khao khát tự do của họ. Nhưng họ vẫn sát cánh với nhau và họ hy vọng.

Đêm đen như mực ở thành phố HCM. Cô con gái của Hoàng Hải Thủy, Giang, ba mươi hai tuổi, di chuyển vòng vèo giữa rừng xe đạp và xe xích lô trên chiếc xe gắn máy mua trả góp. Cô dừng xe trong một xóm đông dân cư. Con đường trở nên sình lầy. Im lặng. Giang dựng xe trước cửa vào nhà, cạnh mấy chuồng gà. Anh con và bà vợ Thủy chờ đón chúng tôi. Vài cái ghế, hai cái giường không nệm, một tủ lạnh rỉ sét, sân nhà lát gạch bông đỏ trắng rất sạch: tất cả toát lên một sự nghèo túng được che dấu cẩn thận.

Mái tóc bạc được chải tươm tất, xanh xao, rất gầy, rất đường hoàng, bà vợ của Thủy nói tiếng Pháp lần thứ nhất từ hơn hai mươi năm nay.

Một bức ảnh rất đẹp của ông chồng trang hoàng bức tường lở vôi, bên cạnh hai tờ thông cáo tuyên truyền của cộng sản mà nhà nào cũng phải dán. Đỗ Thị Thủy không được gặp mặt chồng từ hai tháng nay. “Ông bố tôi mạnh khỏe, bà mẹ tôi mới chịu không nổi. Bà mất mười ký lô,” anh con trai hai mươi tám tuổi nói nhỏ.

Họ nói đến ông bố và ông chồng của họ với niềm kiêu hãnh, họ nhắc đến những bài ông đã viết, những bài này đều bị công an tịch thu, những gì ghi lại nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ và cái đói của nhân dân. “Ông ấy nói ít, viết nhiều”. Bà Đỗ nói. Tôi hỏi:

 “Có bao giờ bà yêu cầu ông ấy đừng viết để cả nhà được an ninh không?”

“Không bao giờ…” bà trả lời ngay, gần như bà giận dữ vì câu hỏi ấy. Bỗng bà mỉm cười dịu dàng, xúc động:

“Chúng tôi đói, chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả những cái đó. Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu thương ông ấy, chúng tôi kiêu hãnh vì sự can đảm của ông ấy.”

Cái giá của sự tự do tư tưởng của Thủy là một giá đắt. Để có thể sống, họ phải bán hết. Nữ trang, đồ đạc, quần áo. Đến cả ba ngàn quyển sách của Thủy, từ tủ sách lớn ấy, họ còn giữ được khoảng trăm quyển cất kỹ trong một ngăn tủ nhỏ. Camus, Nabokov, Nietzche, Zola, Sacha Guitry… Những sách này đều được những người con của Thủy đọc đi, đọc lại. Từ nhiều năm nay các con của Thủy bán bánh ngoài đường. Tất cả việc học của họ đều bị cấm. Hiện nay họ đang muốn tin vào việc Thủy sắp được trả tự do. Rồi sau sẽ ra sao? Họ lo âu.

“Ông ấy lại sẽ bị kiểm soát, bị theo dõi khắp nơi. Lại có sợ hãi. Ông ấy có thể lại bị bắt. Chính phủ phải để cho chúng tôi ra đi. Không có tờ báo nào ở đây nhận cho ông ấy làm việc. Với cái tên ấy, ông ấy sẽ bị từ chối ở khắp nơi. Chúng tôi chỉ có thể có tự do ở một miền đất khác. Cô có thể làm gì được không? Ở đây người ta chỉ cho phép chúng tôi im lặng…”

Xin viết cho rõ: Người dịch The Gulag Archipelago của Alexandre Sozhenytsin ra bản Việt ngữ “Quần đảo Ngục tù” là Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú. Anh đã từ trần trong trại cải tạo Phú Khánh khoảng năm 1980. Tôi – HHT – dịch The First Circle của A. Sozhenytsin, “Tầng đầu Địa ngục,”” ấn hành ở Sài Gòn năm 1973.

Năm 1977 đến năm 1979, thời gian là hai mươi ba tháng tôi bị bắt lần thứ nhất ở trại giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Bị bắt lần thứ hai năm 1984 tôi sống bốn mùa lá rụng ngoài song sắt trong Thánh thất Chí Hòa. Nữ ký giả Monfazon viết nguyên văn trong bài “…la presse muselée vietnamienne…” tạm dịch: “… nền báo chí Việt Nam bị rọ mõm…

Năm 1994 nữ phóng viên Catherine Monfazon lại đến Sài Gòn, lần này tôi được gặp cô, được ăn với cô một bữa tối trong nhà hàng Mini của bà Nguyễn Phước Đại đường Nguyễn Du.

Từ năm 1990 tình hình kinh tế tài chánh của những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ ở Sài Gòn có vẻ khá hơn, tôi vẫn dùng xế đạp đi lại loanh quanh khu Ông Tạ, nhưng tôi đã có cái Honda 91. Tôi dùng Honda đến khách sạn đón cô Monfazon, chở cô trở lại căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, nơi cô đã đến năm năm trước. Cô kém Kiều Giang con gái tôi hai tuổi, cô nói thông thạo tiếng Anh. Catherine Monfazon là một trong những người đã đối xử ân cần và giúp đỡ vợ chồng tôi trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng tôi vẫn nhớ ơn cô.

Chúng tôi như những người sắp chết đuối vớ được cái phao – chúng tôi được ấm lòng và có thêm hy vọng để không chết nhờ rất nhiều người, những người bạn ở nước ngoài. Trong khi bọn Việt Cộng thù hận chúng tôi, chúng chỉ muốn chúng tôi khóc mếu, khổ sở, sợ hãi, hèn mạt, chúng cố tình đầy ải cho chúng tôi phải chết hoặc dở sống, dở chết, phải quỳ gối lậy van chúng, những người bạn không quen biết từ xa ngoài vạn dặm đã gửi tình thương cho chúng tôi.

Xin cảm ơn tất cả.

TRONG VEO CẶP MẮT..

Tôi đã viết một số bài về Mai Thảo. Những gì tôi viết về Mai Thảo trong bài Viết ở Rừng Phong hôm nay – Ngày 15 Tháng 10. 2015 – là những chuyện tôi viết lại.

Đêm. Mò trên NET, tôi thấy tấm ảnh của Mai Thảo. Ảnh quá đẹp. Tôi chắc tấm ảnh này được ghi ở Sài Gòn những năm 1955-1960. Năm ấy Mai Thảo trẻ tuổi. Nhìn ảnh Mai Thảo trẻ, tôi nhớ Thơ Thanh Nam:

Trong veo cặp mắt chưa vương bụi
Chăn chiếu còn thơm ngát mộng trai.

 maithaoẢnh Mai Thảo gợi hứng cho tôi viết bài này. Cùng trong đêm qua, tôi tìm thấy bài Mai Thảo viết về:

Những ngày tháng cuối cùng của Vũ Hoàng Chương.”

Bài viết dài, tôi trích vài đoạn đăng ở đây.

Tháng 12 năm 1994 khi những bước chân lưu vong thứ nhất của tôi – như mơ, như thực – đặt trên những thảm lá vàng Virginia. Nôm na là những ngày đầu tôi đến Mỹ. Kiều Chinh, Mai Thảo đang ở Virginia. Kiều Chinh đến đọc diễn văn ở Bức Tường Đen, Mai Thảo từ Cali sang chơi. Anh chị Lê Văn mời tôi đến nhà. Tôi gặp lại Kiều Chinh, Mai Thảo ở nhà anh chị Lê Văn.

Kiều Chinh bảo tôi ngồi bên. Đưa máy ảnh cho Lê Văn, Kiều Chinh nói:

“Chụp cho anh em mình cái ảnh.”

Mai Thảo đưa bàn tay anh ra:

“Bàn tay này của tao đã đẩy ba thằng bạn tao vào lò thiêu. Tao còn thiết gì nữa.”

Ba người bạn Mai Thảo nói đó là Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Hoài Bắc Phạm Đình Chương.

Mai Thảo, WEB

Mai Thảo (1927-1998), tên thật: Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng; là một nhà văn hiện đại Việt Nam.

thanggiengMai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại chợ Cồn, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong gia đình giàu có nhờ buôn bán và làm ruộng. Tuy nhiên, nguyên quán của ông là làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh), nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Mai Thảo học tiểu học ở trường làng, học trung học ở Nam Định rồi lên Hà Nội học ở trường Đỗ Hữu Vị; trường này sau đổi tên là trường Chu Văn An.

Năm 1945, ông theo nhà trường sơ tán sang Hưng Yên. Khi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ năm 1946, ông theo gia đình từ Hà Nội tản cư về quê là chợ Cồn (Nam Định). Sau đó, ông rời nhà vào Thanh Hóa tham gia kháng chiến. Ông viết báo, rồi theo các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên khu III, Liên khu IV đến chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn chương ông.

Năm 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành. Năm 1954, ông di cư vào Nam, gia nhập làng báo. Ông viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt… Trước kia, Mai Thảo làm nhiều bài thơ (có cả kịch thơ) từ năm 16, 17 tuổi, khi vào đây ông chuyên viết văn, không còn làm thơ nữa.

Năm 1956, ông chủ trương tạp chí Sáng Tạo, gây được tiếng vang. Năm 1966, ông chủ trương báo Nghệ Thuật, và từ 1974, ông trông nom tạp chí Văn. Ngoài ra, ông còn tham gia chương trình văn học nghệ thuật của Đài Phát Thanh Sài Gòn từ 1960 đến 1975.

Ngày 4 tháng 12 năm 1977, Mai Thảo vượt biển. Sau nhiều ngày đêm trên biển, thuyền đưa nhà văn tới Pulau Besar, Mã Lai.

Đầu năm 1978, ông được người em bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Ít lâu sau, ông cộng tác ở tờ báo Đất Mới với Thanh Nam, ở Seatle, và một số báo khác tại hải ngoại.

Tháng 7 năm 1982, ông tái bản tạp chí Văn, làm Chủ biên Văn đến 1996, vì tình trạng sức khỏe ông trao Văn cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Mai Thảo mất tại Santa Ana, California (Hoa Kỳ) ngày 10 tháng 1 năm 1998.

Thơ Mai Thảo. Tìm được trên NET.

hình tượng

Từ trong cửa tối nhìn ra
Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời
Lá lay, bóng cách ngăn đời
Biển im, hình tượng cõi người không ta.

thủy tinh

Trở mình chăn chiếu mênh mông
Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời
Mộng ta không xóa nổi người
Ðáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.

kim

Miếng da bịt mắt thành đêm
Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ
Tay chân, dây trói bao giờ
Da, kim, dây ấy bây giờ là ta.

MAI THẢO. Những ngày cuối cùng với Vũ Hoàng Chương.

Trích:

Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng, Khánh Hội, Sài Gòn. Đinh Hùng mất, vợ con ông vẫn ở, đây tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới.

Đó là Gác Bút.

Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh:

“Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa.”

Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải có chị Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ bảo nhau tới thăm ông đau yếu, đem thuốc thang tới nữa.

Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh. Những thiếu thốn vật chất, mặc dầu thi sĩ chẳng còn nhu cầu gì – ông đã bỏ thuốc phiện- càng làm trầm trọng mau chóng sự mong manh ấy. Ở Gác Bút, ông gầy teo, gần như không đi xuống tầng dưới nữa. Nhiều buổi chiều tôi tới, ông đắp một tấm chăn mỏng, nằm mỏi mệt thiêm thiếp trên mặt sàn trống trải, hình ảnh thi sĩ cuối đời hợp nhập với hình ảnh hoàng hôn thẫm mầu đang hắt hiu buông xuống ở chung quanh.

Điều này cũng là một lý do nữa để hàng ngày tôi lặn lội đạp xe sang thăm người Gác Bút. Thần trí ông vẫn minh mẫn, lấp lánh. Thần thái ông vẫn nhẹ nhàng ung dung. Nhưng thịt xương không phải là thần trí và thần thái. Thi sĩ đã hơn sáu mươi tuổi. Và không phải là linh cảm nữa mà là tôi đã nhìn thấy tài thơ cự phách, chẳng còn chịu ở hơn nhiều lắm nữa với đời. Những ngày tháng còn lại của Vũ Hoàng Chương ở Gác Bút là số ngày tháng cuối cùng.

Vậy mà, ngược nghịch, lạ lùng những ngày tháng cuối cùng này lại là thời kỳ sung sướng nhất của thi sĩ.

Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya, tới sát giờ giới nghiêm cộng sản. Xã hội thê lương nằm phục bốn chung quanh vách Gác Bút. Ông đưa tôi xem một lá thư của  Trần Dần.

Bị trừng phạt nặng nề, bị treo bút vĩnh viễn, nhà thơ Trần Dần, tài thơ trác tuyệt nhất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, không được vào Sài Gòn, đã gửi cho ông một lá thư đầy những lời lẽ kính trọng, như ông vẫn nguyên vẹn là thi bá của cả một thế hệ thi sĩ đã hai miền chia cách suốt 30 năm chiến tranh.

 Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này:

 “Thơ anh, thơ anh Hùng, sng muôn đi vi thi ca Vit Nam.”

Đêm đó, cầm nỗi kính phục của Trần Dần đối với ngôi sao Bắc Đẩu miền Nam trên tay, tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia xẻ được với thi ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả. Kính phục của Trần Dần chắc còn lớn lao gấp bội. Nếu nhà thơ miền Bắc nhìn thấy được cõi thơ cuối đời và cái hiện tượng thăng hoa của tâm thức phóng thoát, ở thi sĩ!

Ông đưa tôi coi tiếp những thư từ bạn ông ngày trước viết vào từ Hà Nội. Thư Lưu Trọng Lư. Thư Hoàng Lập Ngôn. Thư Hoàng Cầm. Lá thư ngắn nhất của Nguyễn Tuân.

Vỏn vẹn:

 “My li hi thăm c nhân. Thư bt tn ngôn.”

 Ông cười:

– Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ “thư bất tận ngôn.”

– Mày trả lời bọn họ không?

– Có. Thằng nào viết thư thăm, tao cũng viết lại cho phải lễ. Bằng một vài đoạn thơ.

Ông cười thành tiếng, ánh mắt tinh nghịch vui thú:

– Thằng Địch vào, nói bọn chúng nhận được thơ tao thích lắm, vác đi khoe cùng nhưng chỉ dám khoe với bạn thân. Tao trêu chúng mà. Với thằng Hoàng Lập Ngôn, tao hỏi mấy chục năm cộng sản, cái xe mê ly đãng tử có còn lăn bánh? Và bánh thực hay bánh vẽ. Thằng Tuân, tao gửi cho nó một bài thơ chữ Hán, lấy điển người xưa mừng nó vẫn là nó không bao giờ thay đổi. Nó đọc, nó hiểu, chắc  no buồn lắm. Đã đi theo Đảng, Nguyễn Tuân bây giờ còn là Nguyễn Tuân ngày trước thế nào được nữa

Có thêm rượu, tôi ở lại, hưởng thêm một lần nữa, cái thú ngất ngưởng ngồi xếp chân vòng tròn, đối diện với bạn, lây được cái phong cách coi đời như không của bạn, an nhiên trước mọi chuyện và thây kệ ngày mai. Kéo dài câu chuyện những lời thơ tiên tri như “Xiết bao ng vc kiếp người đó ư?”

 Tôi kể cho ông nghe về một Hoàng Hải Thủy mới. Từ sau ngày 30 tháng 4, Thủy đóng cửa nằm nhà và tìm được một nguồn vui mới: làm thơ. Thủy dịch thơ Mỹ thành thơ Việt, dịch thơ Thủy sang Anh ngữ, chép thành một tập nắn nót, mỗi lần tôi đến mang ra đọc, cười cười như có ý nói: với thơ, tao là một thằng ngoại đạo nhưng tao thích và thơ tao đây này, hay dở bất cần. Mỗi bài thơ, Thủy đề tặng một người bạn. Thơ Thủy, tinh thần và khí thơ Nguyễn Bính, rất minh bạch. Làm thơ về nhạc Hoài Bắc, tặng Hoài Bắc, về tiếng hát Thái Thanh, tặng Thái Thanh, về những ngày nắng chiều giữa trưa của Lê Trọng Nguyễn, tặng Lê Trọng Nguyễn. Vui lắm. Coi như mỗi bài thơ là một bức chân dung, vẽ xong tặng ngay cho người mẫu.

Ngưng trích.

Thơ HHT.

TIẾNG HÁT THANH

Tiếng Mẹ ru từ thưở nằm nôi
Mẹ thôi, Mẹ không hát nữa.
Tiếng Hát Mẹ nằm trong ký ức
Tung cánh bay khi Em hát cho đời.

Ngày xưa xa lắm ở bên trời
Có người xưa hát lúc đi rồi
Ba hôm tiếng hát còng vương vấn
Trên mái nhà xưa, âm chửa rơi.
Tiếng Em hát tim Anh nức nở
Hai chục năm trời Thanh chửa thôi.

Em hát khi Anh hồng tuổi ngọc.
Em hát khi Anh giấc ngủ vùi.
Em hát khi Anh chưa biết khóc.
Em hát khi Anh biết mỉm cười.
Em hát tan vàng, ca nát đá.
Em hát cho Anh thấy ngậm ngùi…

NẮNG CHIỀU

Xót mày dạ trúc, lòng tơ.
Họa cung đàn mọi, bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu.
Thương thì đã muộn, mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiếu mà gặp trời mưa thì phèo.

Khi được tin anh Vũ Hoàng chương tạ thế, tôi làm bài Thơ về Anh:

Một mảnh hồng tiên trĩu ngón tay.
Hương mùa thu mất ngậm ngùi bay.
Anh vẫn Hoàng Chương, Vàng với Ngọc.
Trần ai nào lấm được trời Mây.
Người về ngôi cũ, Thơ trầm Nhạc.
Tàn lửa hồng hoang, khói Mái Tây.
Chín ngục A Tỳ, ma sửa áo.
Chín tầng Địa ngục, quỉ cung tay.
Cười vang một tiếng tan tinh đẩu.
Sáu cửa luân hồi nhẹ cánh bay.

Mai Thảo là người bọn Công An Thành Hồ muốn bắt mà không bắt được.

Tên Công An Huỳnh Bá Thành rất cay cú vì bọn nó bắt hụt Mai Thảo.

THĂM DÂN CHO BIẾT SỰ TÌNH

uphill

Tháng 10, 2015, Uyên Thao, người chủ trương Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương, phát hành tác phẩm “VIỆT NAM Cuộc Chiến Leo Thang;” nguyên tác “Uphill Battle ” của Frank Scotton; bản tiếng Việt của Phan Lê Dũng.

Tôi không viết bài “điểm sách Uphill Battle,” tôi viết vì, và về những người Việt Nam được nhắc đến trong Uphill Battle.

Tôi được quen biết các ông Đỗ Minh Nhật, Ung Văn Luông, Hà Thúc Cần, Nguyễn Chánh Thi. Bốn ông trên được nhắc đến nhiều trong Uphill Battle.

Những năm 1960 ông Đỗ Minh Nhật, ông Frank Scotton là nhân viên USIS – United States Information Service – Sở Thông Tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ông Đỗ Minh Nhật đi khỏi Sài Gòn trước ngày 30 Tháng Tư 1975. Năm 1995 tôi gập ông ĐM Nhật ở Virginia. Những sáng Thứ Bẩy, Chủ Nhật, ông thường ngồi ở Phở Xe Lửa, Trung tâm Eden. Ông có vẻ người phong nhã, trang phục sang đẹp đúng số tuổi của ông. Tôi thấy ngườ đàn ông đẹp mã những năm ba mươi, bốn mươi tuổi không có gì lạ. Đàn ông ở vào số tuổi ba mươi, bốn mươi, nhiều người trông đẹp. Ông già bẩy mươi người không nhầu nát mới đáng kể. Ông Đỗ Minh Nhật là người phong nhã trong tuổi già.

Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn võ trang, giao tiếp với đồng bào.

Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn võ trang, giao tiếp với đồng bào.

Có lệnh Cấm Hút Thuốc trong những tiệm ăn ở Trung Tâm Eden,  hút thuốc lá trong tiệm ăn bị phạt rất nặng, nghe nói tiền phạt có thể lên tới ngàn đồng, nhưng tôi thấy ông Đỗ Minh Nhật hút thuốc lá đàng hoàng, không che dấu, hút liên tiếp; ông để gói thuốc bên cái bật lửa Dupont ngay trên bàn. Ông Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm Phở Xe Lửa, cứ để ông Nhật hút thuốc lá công khai trong tiệm. Ông Nhật từ trần khoảng năm 2000.

Trong Uphill Battle, tác giả Frank Scotton kể ông Đỗ Minh Nhật từng cùng với ông đi trong đêm trong vùng rừng núi miền Trung, đi để tìm dấu những toán quân Việt Cộng. Những chuyến đi của ông Scotton giống như những chuyến đi thăm dân cho biết sự tình. Tôi viết “giống như “vì tôi thấy ông Scotton thường mạo hiểm một mình, một súng carbin, đi qua rừng đêm mà không gặp dân, không hỏi chuyện người dân địa phương. Đi như ông Scotten không phải là đi thăm dân.

Những năm 1960 nhật báo Tự Do có mục “Thăm dân cho biết sự tình.” Mục này do ký giả Vũ Bình phụ trách. Anh là người đặt tên mục “Thăm dân cho biết sự tình.” Anh là người miền Nam. Tôi được gặp anh vài lần ở nhà anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Năm xưa ấy anh trạc 35 tuổi. Mỗi chuyến anh đi chừng hai, ba tháng. Không ai ở tòa báo biết anh đi đâu, bao giờ anh về. Đến khi anh đi và không thấy anh trở về tòa báo. Anh mất tích. Không ai trong tòa báo biết anh mất tích ở đâu. Người ta chỉ thấy anh đi mà không thấy anh trở về. Tôi nghĩ anh bị bọn Việt Cộng bắt, anh chết trong tù ngục của bọn Việt Cộng.

Người Việt Nam nhân viên USIS được Frank Scotton nhắc đến nhiều là ông Ung Văn Luông.

Uphill Battle. Ưng Văn Lương. Phụ tá cho ông Bumgardner, có tinh thần trách nhiệm và giỏi điều hành công việc văn phòng. Nhiều năm sau năm 1975, ông UV Lương vẫn tiếp tục làm việc để giúp những cựu nhân viên USIS bị kẹt ở Việt Nam được sang định cư Mỹ.

CTHĐ: Tên đúng của ông Ưng Văn Lương là Ung Văn Luông. Người Nam tránh tên Long nên gọi trạnh Long là Luông, như Vàm Luông. Ông UV Luông phụ trách Phòng Nhân Viên USIS. Vì phải lo cho đồng nghiệp sang Mỹ bằng máy bay Mỹ, ông  và gia đình ông phải đi bằng tầu biển trong đêm 29 Tháng Tư 1975. Sang Hoa Kỳ, ông làm nhân viên USIA ở Washington DC. Ông nhắc, ông yêu cầu những ông Mỹ USIA nhớ và cứu những nhân viên USIS bị kẹt lại ở Việt Nam. Trước Ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ có khoảng 1/3 nhân viên USIS được đưa sang Mỹ bằng máy bay.

Chương trình HO chỉ nhận đưa sang Mỹ những nhân viên chính phủ VNCH, từ cấp Trưởng Ty, bị tù khổ sai trên 3 năm, và những sĩ quan bị tù khổ sai trên 3 năm. Những người Việt bị tù vì chống đối bạo quyền Việt Cộng, vì đòi nhân quyền, dù có bị tù khổ sai đến 10 năm cũng không ở trong số người Việt được đi HO sang Mỹ. Nhân viên Việt Sở Mỹ không là nhân viên chính phủ VNCH nên không được đi HO. Nhờ ông UV Luông, nhiều cựu nhân viên USIS được chính phủ Mỹ nhận cho sang Mỹ, dù họ  không bị tù ngày nào.

Tôi – Hoàng Hải Thủy – và vợ con tôi được sang Mỹ như các ông HO nhờ công của ông Ung Văn Luông. Đã nhiều lần tôi viết cám ơn ông UV Luông, hôm nay, một ngày Tháng 10, 2015 tôi cám ơn ông lần nữa.

Nhiều ông Mỹ ở Sài Gòn có liên hệ tình cảm với phụ nữ Việt. Đây là một cuộc Tình Tay Ba Mỹ Việt xẩy ra ở Sài Gòn.

Việc từng ngày. Tác giả Đoàn Thêm.

Ngày 23 Tháng 7, 1965. Jack Ryan, chuyên viên an ninh thuộc Cơ Quan Viện Trợ Mỹ – USAID – bị bắn chết cùng với một phụ nữ Việt Nam tên là Nguyễn Thị Hải. Hai người bị bắn chết trong một xe ô tô ở đường Hiền Vương.

Ngày 24 Tháng 7, 1965. Jack Kimball, nhân viên USAID, bị bắt vì tội dùng súng bắn chết Jack Ryan và Nguyễn Thị Hải.

CTHĐ: Hai ông Mỹ cùng yêu một người phụ nữ Việt. Cô Nguyễn Thị Hải là cô gái Việt thứ nhất, có thể là duy nhất, chết thảm vì tình yêu của hai ông Mỹ.

Đoạn tin ngắn không cho biết ông Mỹ Jack Kimball, kẻ bắn chết cô Hải và ông Mỹ Jack Ryan, phải đền tội ra sao. Tôi không biết Jack Kimball bị ra tòa ở Việt Nam hay được nhà chức trách Việt Nam giao cho Tòa Đại Sứ Mỹ.

Frank Scotton kể trong Uphill Battle:

Về Tướng Nguyễn Chánh Thi:

Tôi gặp Nguyễn Chánh Thi ở Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 1, thoạt nhìn ông quả có vẻ là người “dữ dằn.” Vẻ dữ dằn đó bớt đi nhiều vì nụ cười thường xuyên của ông. ( .. .. .. ) Ông Thi tiếc nuối rất nhiều về cái chết của ông Ngô Đình Diệm. Ông nói  khi ông cầm đầu Lính Dù chống chính quyền năm 1960 thì ý định của ông chỉ là cải cách, và ông sẽ không bao giờ giết Tổng Thống Diệm.

Về Tướng Phạm Quốc Thuần;

Phạm Quốc Thuần: Sĩ quan VNCH, có nhận xét sâu sắc về ý định của địch, sẵn sàng trao đổi quan niệm với các sĩ quan Hoa Kỳ  và có khả năng tác chiến hữu hiệu trước khi ông được thay thế. Đến lúc này tôi vẫn chưa thể hiểu lý do thay thế ông Phạm Quốc Thuần.

Ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 tôi gặp vị Tham mưu trưởng Phạm Quốc Thuần, ông khoảng 35 tuổi, và theo giọng nói là người Bắc. Ông bảo ông là người Công Giáo, ghét Cộng sản, tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt năm 1952.

Về Hà Thúc Cần:

Cựu bộ đội Việt Minh và nhiếp ảnh viên CBS với kiến thức tự học, hiểu biết rộng về đồ sứ, điêu khắc, đồ đồng cổ và về tranh. Tác giả hai cuốn sách về trống đồng Việt Nam và hội họa hiện đại.

Hà Thúc Cần xuất thân từ một gia đình có tiếng ở Huế và từng là Việt Minh. Ông có bạn ở cả hai miền Nam Bắc. Ông dậy tôi về đồ sứ Việt Nam và điêu khắc Chàm. Qua ông, tôi gặp Vương Hồng Sển, cựu giám đốc Bảo Tàng Viện Quốc Gia; Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Minh, một nghệ nhân sơn mài và nhiều ca sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, sinh viên..nhiều khó kể hết. Họ giới thiệu tôi với Cải Lương, Hát Bội và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của tôi.

CTHĐ: Tôi muốn trích nhiều hơn những chuyện trong Uphill Battle, nhưng tôi không trích được. Tôi già rồi – Tám Bó Lẻ Ba Que  khả năng đọc, tìm, nhớ, trích, kể, viết lại  của tôi nay xuống thấp. Tôi vất vả khi tôi viết bài này. Một lần nữa tôi nói với quý vị đọc những dòng chữ này: VIỆT NAM Cuộc Chiến Leo Thang là tác phẩm quý vị nên đọc. Dù trong nó tác giả so sánh và kết luận: phẩm chất người Lính Bắc Việt Cộng cao hơn phẩm chất người lính Quốc Gia VNCH.

Nữ ca sĩ Kim Vui là người phụ nữ Việt được viết đến nhiều nhất trong Uphill Battle. Cô được viết đến trong 12 trang. Tôi trích vài đoạn:

kimvuiTrên WEB. Nguyễn Thị Kim Vui. Nữ ca sĩ và tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Sài Gòn vào cuối những năm 1960 và những năm trước năm 1975. Lúc nào cũng là người thanh nhã, hiện giờ bà chăm sóc một vườn cam ở California và đang viết hồi ký mô tả thời bà mới lớn trong thời gian hậu Đệ Nhị Thế Chiến, và những năm từ Thực dân Pháp sụp đổ qua Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.

Frank Scotton viết về Kim Vui:

Trang 159: Lúc này nếu phải xa Đà Lạt một thời gian dài là việc khó khăn với tôi, vì tôi bắt đầu có quan hệ tình cảm với cô Nguyễn Thị Kim Vui.

Trang 286. Tôi ở lại Sài Gòn để giữ liên lạc với JUSPAO và ở lại thêm một đêm với cô Kim Vui.

Trang 306. Nhớ lại những lần tắm vòi hoa sen nước lạnh ở biệt thự của cô, tôi rán lục lọi đánh đổi vài vũ khí tịch thu được  và một lá cờ Mặt Trận Giải Phóng để lấy một máy làm nước nóng ở sân bay quân đội ở Qui Nhơn. Ông Huddleston giúp tôi lên một phi cơ  Caribou để về Đà Lạt. Nếu cô Kim Vui bằng lóng nhận tôi, máy bay đó sẽ đưa cô và tôi đi Sài Gòn để gập ông Ev và gặp luật sư để làm thủ tục hôn nhân. Tôi đã gửi cái máy làm nước nóng đến nhà cô trước như món quà tặng mở đầu cho cuộc hôn nhân. Sự thể đau buồn cho tôi  thấy rằng tôi đến quá trễ. Tôi trở về Cam Ly, căm giận chính mình.

Trang 362. Cô thiếu nữ Việt Nam có đến thăm tôi và gia đình tôi ở Massachsetts. Chúng tôi dành thì giờ với nhau vài ngày ở Hoa Thịnh Đốn, rồi kết luận, mỗi người theo phương hướng lý luận riêng, rằng những tình cảm phát xuất từ những ngày ở Sài Gòn đang tàn lụi. Tôi cố miệt mài theo đuổi các môn học Hoa ngữ để có thể trở thành một người tương đối biết đọc, biết viết tiếng Tầu. Trong hai năm sau đó, thỉnh thoảng tôi cũng có gặp những thiếu nữ khác, nhưng không ai có thể so sánh được với cô Kim Vui. Việt Nam và Kim Vui lúc nào cũng ở trong tâm trí tôi.

Hồ Trường An viết về Kim Vui.

Kim Vui có thân hình tuyt đp 

Nhà văn kiêm nhà phê bình Hồ Trường An diễn tả vẻ đẹp của Kim Vui trong bài “Theo Chân Nhng Tiếng Hát” trên một ấn phẩm của  Tổ Hợp Miền Đông Hoa Kỳ, xb 1998:

“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc bợ ngực bó eo người mặc. Cái eo của chị thon, lưng chị dài, đùi chị cũng dài, ngực và mông chị đều cao và lồng lộng nét tròn mê hoặc. Chị mặc áo đầm hở vai, và mang găng tay kéo lên khuỷu tay, áo và găng đều bằng nhung đỏ hay nhung đen thì quá choáng lộn, quá bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda. Kim Vui cuốn tóc từng lọn boucles anglaises thì đẹp và sang như bà hoàng. Rất tiếc, khán thích giả thích xem nhan sắc của chị lúc chị hát chứ không kể số gì tới giọng hát có căn bản của chị.

Về phim ảnh, Kim Vui đóng ba phim: Chân Trời Tím, Thương Hận, và Cúi Mặt. Chính nhờ vai Liên trong Chân Trời Tím, chị đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc. Trong phim nầy, chị có dịp mặc áo tắm và có dịp khỏa thân trước giá vẽ của nhân vật họa sĩ để phô bày đường cong, nét lượn tuyệt mỹ trên thân thể chị. Hùng Cường, bạn đồng diễn của chị trong phim Chân Trời Tím có lần tuyên bố với báo chí rằng về điện ảnh, Kim Vui là bạn đồng diễn lý tưởng nhất của anh.

Ngoài tài năng nghệ thuật trình diễn đa diện, Kim Vui còn có tài vẽ tranh sơn dầu.”

Ký giả Trọng Minh, Cali, viết về Nữ Ca Sĩ Kim Vui.

Có lẽ hầu hết bạn đọc trưởng thành tại miền Nam Việt Nam trước tháng Tư năm 1975, đặc biệt là giới yêu chuộng nghệ thuật điện ảnh và ca vũ nhạc, không còn ai là không nghe danh, biết tiếng Nữ nghệ sĩ Kim Vui. Sở dĩ chúng tôi dùng danh xưng nghệ sĩ với Kim Vui mà không đặt cô vào vị thế nữ tài tử, ca sĩ hay vũ công v.v… vì cô là một người nghệ sĩ đa dạng, hơn thế nữa ở lãnh vực nào cô cũng được xem là sáng giá, tuy nhiên bộ môn nghệ thuật mà Kim Vui gây được ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả phải kể là điện ảnh, chỉ với một phim “Chân Trời Tím” đồng diễn với Hùng Cường, Bảo Ân, Ngọc Đức, và do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện theo văn phẩm cùng tựa của nhà văn Văn Quang, vậy mà hình ảnh “đẹp” của cô vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người cho đến ngày hôm nay. Sự kiện này được minh chứng một cách cụ thể qua sự việc, ở Cali, trong một dịp tình cờ, Kim Vui đi qua một khu phố có đông người Việt, một số các bà trông thấy Kim Vui, đã lao xao:

– Kim Vui đó, tôi coi cô ấy diễn trong phim Chân Trời Tím, cách nay mấy chục năm rồi, không hiểu cô ấy làm cách nào mà không thấy thay đổi gì hết, vẫn trẻ đẹp như thủa nào, giống hệt Sophia Loren hồi trẻ.

– Tuyệt phẩm nghệ thuật của trời mà. Tác phẩm nghệ thuật đắc ý của người còn được bảo vệ kỹ càng nữa là tác phẩm của trời.

Đã gọi là tác phẩm nghệ thuật thì dù là của nhân thế hay của Hóa công cũng có tác phẩm hài lòng và không hài lòng, có thể Kim Vui chính là tác phẩm đắc ý của Tạo hóa nên cô được chính Hóa công gìn giữ. Lập luận trên về nữ nghệ sĩ Kim Vui của người phụ nữ nọ quả là có lý.

Trường hợp mới đây, trong dịp đến tham dự một buổi ca nhạc tại San Jose, Kim Vui được một số khán giả mến mộ từ khi còn ở quê nhà nhận ra, tức thì họ rủ nhau đến thăm hỏi và khen tặng Kim Vui không tiếc lời,  có người còn nói:

“Từ khi còn ở Việt Nam, tôi đã ao ước được gặp cô một lần rồi chết cũng mãn nguyện, nay không những chỉ được gặp mà còn được chụp hình chung với cô, thực tình tôi hoàn toàn mãn nguyện, không còn ao ước gì nữa.”

Tuy được trời đãi ngộ, ban cho một nhan sắc đậm đà và một năng khiếu về nghệ thuật, nhưng Kim Vui không bao giờ tự mãn với những gì mình đã có, đã gặt hái được, cô luôn luôn nhìn xa, chuẩn bị cho những bước đường tương lai trước khi những bất trắc có thể xẩy đến. Chính đây là lý do cô đã sớm rời xa con đường nghệ thuật, hoặc chỉ coi nghệ thuật là bước đầu của con đường tiến thân, không thể coi đó là sinh kế, nhất là ở đất nước Việt Nam nhỏ bé và chiến tranh liên tục của chúng ta, để bước vào con đường kinh doanh. Từ trước năm 1975, cô đã thành lập một cửa hàng bán băng nhạc và một nhà in tọa lạc trên đường Nguyễn Cư Trinh góc đường Cống Quỳnh, phía bên hông rạp Hưng Đạo, quận Nhì, Sàigòn, không những thế, cô còn có những cuộc giao thương với nước ngoài, mở hãng xuất nhập cảng, đặt văn phòng tại đường Trịnh Minh Thế, quận Tư, Sàigòn.

Nhưng quyết định đúng nhất của cô phải kể là việc cô đưa toàn bộ gia đình cô qua Hoa Kỳ định cư trước biến cố 30 tháng 4-75 xẩy ra, mặc dù các dịch vụ thương mại của cô ở Sàigòn chưa được giải quyết ổn thỏa, nói rõ hơn, cô đã để lại cả một sự nghiệp lớn lao tại quê nhà khi ra đi, nhờ vậy mà cô đã có cơ hội giúp đỡ các thân hữu và một số đồng hương trên đường vượt biển tìm tự do, đến tạm trú tại đảo Guam. Ngoài việc giúp đỡ về vật chất cô còn thực hiện một chương trình phát thanh Việt ngữ trên đài phát thanh Guam (Kuam)  đây mới đích thực là chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên của người Việt trên đài phát thanh Mỹ ở đảo Guam và kể cả toàn quốc Hoa Kỳ, những đồng hương tỵ nạn, đã từng ở trại tạm trú Guam, như gia đình ký giả Việt Định Phương, ký giả Ngọc Hoài Phương, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan v.v… đều biết rõ sự kiện này  để an ủi đồng hương về phần tinh thần.

Trên đất Mỹ, Kim Vui được khá nhiều công ty điện ảnh, hãng video cũng như băng nhạc, kể cả Việt và ngoại quốc, mời hợp tác, nhưng cô đã dứt khóat từ giã con đường nghệ thuật để phát triển con đường kinh doanh, cô buôn bán lâm, hải sản, có cơ sở ở Anh quốc, Pháp quốc và châu Phi (Africa), gần đây người ta thấy cô thường xuyên xuất hiện tại miền Nam California, hỏi ra thì được biết cô đang tiến hành thêm một dịch vụ mới tại đây, đó là việc mua, bán bất động sản.

Mặc dù biết các cơ sở thương mại của cô ở hải ngoại (ngoài nước Mỹ) vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng sự hiện diện thường xuyên ở miền Nam California, ai cũng tưởng rằng “cánh chim giang hồ nay đã dừng lại ở đây”, nào ngờ, mới đây, người ta thấy cô tại miền Đông Hoa Kỳ, tiểu bang Virginia, hỏi ra thì được biết cô về đây để cắt băng khánh thành cơ sở thương mại Elany Image Inc (Salon & Day Spa) do người con trai lớn của cô làm chủ.

Kim Vui và phim Chân Trời Tím.

Nhân vật chính trong phim Chân Trời Tím là Hạ sĩ Phi, người lính  có biệt tài bắn súng, do bị thương nên Phi được đưa về lái xe cho Trung tá Trung đoàn trưởng. Hùng Cường trong vai Hạ sĩ Phi. Cô con gái xinh đẹp của ông Trung tá yêu Phi. Tên cô là Phượng. Thanh Lan trong vai Phượng. Nhưng Phi lại yêu Liên, một nữ ca sĩ. Kim Vui trong vai Nữ ca sĩ Liên. Sống giữa đô thành với người yêu, tức với Liên, Phi vẫn bất mãn với công việc anh làm, bất mãn với chính anh. Vết thương đã lành, anh xin trở lại mặt trận, đơn vị anh đóng tại tiền đồn hẻo lánh. Ở Sài Gòn, Liên, cô ca sĩ bị ép phải sống chung với một tay lái buôn giàu và hung hãn.

Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 xảy ra. Đơn vị của Phi được điều về tham gia cuộc trấn áp lực lượng đảo chính. Phi nghĩ rằng súng anh cầm chỉ nhả đạn vào quân thù, không thể bắn vào những người cùng hàng ngũ. Bị thương, Phi lết về nhà Liên. Gặp lại nhau sau cơn biến động, hai người quyết cùng nhau ra đi đến một chân trời mới, gây lại hạnh phúc. Nhưng tay buôn lậu xuất hiện, hắn biết Liên yêu Phi, nhân lúc Phi không ở bên Liên, trong cơn ghen tay buôn lậu giết Liên.

CTHĐ bàn loạn: Vài théc méc nhỏ: người lính bị thương mất khả năng chiến đấu trên mặt trận thường được cho về làm công việc văn phòng, gác kho, bán đồ Quân Tiếp Vụ. Thương binh phải làm tài xế quân xa là việc hình như ít có. Người lính bị thương khi chiến đấu, thường được đưa vào cứu cấp ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Riêng ông Cai Phi có số đào huê dễ nể, là lính mà được những em thơm như múi mít yêu lăn, yêu lóc. Cai Phi bị thương nhưng không vào Tổng Y Viện Cộng Hòa mà mò về nhà người yêu. Không thấy nói ông di chuyển bằng taxi hay xích lô, hay lô ca chân. Cũng không thấy diễn tả vết thương – đạn bắn – của ông làm sao ngừng chẩy máu, làm sao nó lành.

Cô ca sĩ Múi Mit yêu thầy Cai đào huê. Cô bỏ hết, cô bỏ Dancing, bỏ Đài TiVi, bỏ phấn son, cô hân hoan đi với người cô yêu đến những nơi văn huê cải lương là “chân trời, góc biển – cuối bãi, đầu ghềnh – sơn cùng, thủy tận.” Mê ly ra rít. Chỉ không biết cái nơi gọi là cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận ấy ở đâu? Ớ Đà Lạt, hay ở Nha Trang, ở Cà Mâu, Châu Đốc?

Nhưng thôi, théc méc như dzậy là lèm bèm, là làm hại đến tính lãng mạn của văn phẩm. Phim Chân Trời Tím – dường như: có bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau. Trong bản nhạc này có Chân Trời Tím.  – Nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương – mời quí vị thưởng thức Lời Ca Chân Trời Tím:

NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn héo thương đau.
Ôi sao nghìn trùng cách chia nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Anh ở đâu? Em ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu.

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất, và tiếng hát, và nước mắt.
Đôi khi em muốn tin. Đôi khi em muốn tin.
Ôi những người, ôi những người! Khóc lẻ loi một mình…

ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH

hoanghoa

Trong bày này – Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa ĐấtTrích, Tháng 10, 2015, – hai nhà Đạo Diễn Điện Ảnh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa được nói đến là:

  1. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.
  2. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

Hai nhà Đạo diễn Điện Ảnh cùng sống một thời, cùng làm phim xi-nê một thời, trong 20 năm Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, nhưng có hai cuộc sống thăng trầm khác hẳn nhau.

Tôi – CTHĐ – viết: Đạo diễn Lê Hoàng Hoa là người đẻ bọc điều. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc là người đẻ bọc than.

Đẻ bọc điều là tiếng dân gian gọi những người được sung sướng suốt đời, đẻ bọc than là những người sống vất vả suốt đời.

Lê Hoàng Hoa sống suốt đời yên ổn, no đủ, sang Hoa Kỳ học trước nhất, sau năm 1975 làm phim với bọn Bắc Cộng, sang Hoa Kỳ sống vài năm rồi lại về Sài Gòn, từng sống ở Ba Lan.

Hoàng Vĩnh Lộc suốt đời theo việc làm phim, bị tù giam năm 1976, chết trong nghèo nàn.

Đây là những lời viết về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa trên Internet.

Dạ Chung – Hoàng Vĩnh Lộc

Bích Huyền. VOA

Trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam, về tác phẩm, chưa kể đến thơ phổ nhạc, có rất nhiều bài hát gồm hai tác giả, người viết nhạc và người viết lời. Trong chương trình Thơ Nhạc của đài VOA hôm nay, Bích Huyền nói về Dạ Chung, người viết ca từ đẹp như Thơ trong nhạc Lâm Tuyền.

Một ca khúc hay cần hai yếu tố: nhạc và lời. Chuyển tới thính giả ca khúc ấy là giọng hát và nghệ thuật hòa âm, chưa kể đến kỹ thuật âm thanh. Thế nhưng, thường khi giới thiệu một bài hát, hoặc có nhiều CD phát hành hình như người ta chỉ chú ý đến ca sĩ, nhạc sĩ mà quên đi người viết ca từ. Như vậy có thiếu sự công bằng không?

Chẳng hạn như Vĩnh Phúc, một cựu nữ sinh trường Trung học Trưng Vương Sài Gòn, những năm đầu thập niên 60, Vĩnh Phúc đã viết rất nhiều lời ca cho những bản nhạc nổi tiếng của Hoàng Trọng, như: Ngàn thu áo tím, Hai phương trời cách biệt, Một thuở yêu đàn… Trong câu chuyện hôm nay, Bích Huyền giới thiệu một vài nét về Dạ Chung, người viết lời trong hầu hết những bản nhạc của Lâm Tuyền.

Lâm Tuyền-Dạ Chung, tên tuổi hai người gắn liền với nhau như Đoàn Chuẩn-Từ Linh vậy.

Một trong những ca khúc được yêu mến nhất của hai người là “Hình ảnh một buổi chiều.”

“Hình ảnh một buổi chiều thơ mộng,”  in đậm trong trí nhớ nhiều người, lại càng đẹp hơn, thơ mộng hơn, đáng nhớ hơn nhờ câu văn đẹp như thơ của Dạ Chung:

“Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả. Anh chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.”

Có một thời nhiều người trẻ đã chép trong tập sổ tay câu nói đẹp như thơ ấy.

Dạ Chung tức Hoàng Vĩnh Lộc, vừa là tài tử màn bạc vừa là đạo diễn phim nổi tiếng của miền Nam trước 1975. ( .. .. .. )

Thời ấy ngành Điện ảnh Việt Nam chưa thực sự gọi là trưởng thành, dù về diễn viên, chúng ta có những ngôi sao như Kiều Chinh, Đoàn Châu Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Quỳnh… Các nhà sản xuất phim xi nê thời ấy thiếu tiền mua phim trắng, máy thu hình, thu âm, dàn đèn. Tuy vậy, chúng ta vẫn có những nghệ sĩ hy sinh cho điện ảnh như Lê Dân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc… để Điện Ảnh Miền Nam có mặt tại các Festivals lớn ở Đông Nam Á.

Những bộ phim tiêu biểu nhất của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc như Xin nhận nơi này làm quê hương, Người tình không chân dung, Người về từ đỉnh núi… gây nhiều tiếng vang trên trường quốc tế. Phim “Con búp bê nhồi bông” đoạt Giải Điện ảnh Đông Nam Á.

Có một hình ảnh để lại ấn tượng đậm nét trong thời chiến: muôn ngàn tinh tú lấp lánh trên vòm trời cao phản chiếu vào vũng nước mưa trong chiếc nón sắt của người chiến binh tử trận nằm bên bờ lau sậy:

Trong cái nón sắt của anh, Mặt trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm, mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó… Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm. Tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ…

Với ca từ ấy của Dạ Chung Hoàng Vĩnh Lộc, với nhạc của Hoàng Trọng, “ Người tình không chân dung,” ca khúc chính trong cuốn phim cùng tên, đã làm khán giả rơi lệ.

Lâm Tuyền-Dạ Chung sáng tác không nhiều nhưng chỉ với Tơ Sầu, Trở về dĩ vãng, Hình ảnh một buổi chiều, Tiếng thời gian, Khúc nhạc ly hương… nghe một lần rồi nhớ mãi. Ca từ Dạ Chung đẹp như thơ, kết hợp với nhạc Lâm Tuyền, đã làm nên những bài thơ bằng âm nhạc. Thiên nhiên có mặt rất nhiều trong ca từ Lâm Tuyền-Dạ Chung. Tình yêu trong lời nhạc của Dạ Chung có một vẻ  kín đáo, nhẹ nhàng. Thiên nhiên thơ mộng huyền ảo “mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông…” như tô son điểm phấn cho Tình Yêu. Như một lời tỏ tình làm mềm lòng thiếu nữ. Trong bản Tơ sầu: Tơ dáng như mây chiều, tơ úa như lá vàng, tơ giống như trăng ngàn, nhiều khi tơ giống tóc người yêu… Hay trong bài Trở Về Dĩ Vãng: Anh thường khóc khi chiều xuống, Lòng nhớ nhung triền miên, Trăng xưa về khuya bẽ bàng, Dường như nhắn người yêu, Tình mây nước còn đâu…

Với những lời ca ấy của Dạ Chung, ai đang yêu cũng muốn được yêu như thế. Ai đang mong ước được yêu, đang mơ mộng thì cứ chép vào tập sổ tay của mình. Gửi cho nhau là đủ, không cần nói gì thêm nữa vì khó lòng có những lời tỏ tình đẹp hơn.Trong lời ca Dạ Chung, chỉ thấy một không gian thơ mộng, không gian của cái tuổi đẹp nhất đời người, cái tuổi thanh xuân vô cùng lãng mạn với bao ước mơ mộng tưởng tuyệt vời.

o O o

Trong biến cố 1975, nhiều văn nghệ sĩ miền Nam bị lùa vào trại tù Cộng sản. Đạo diễn điện ảnh bị bắt trong chiến dịch này là Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh. Bà vợ của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc là bà Hoài Hương, một cựu nữ sinh Trưng Vương, một mình nuôi đàn con bé thơ, nuôi chồng trong tù.

Hoàng Vĩnh Lộc, người nồng nhiệt đóng góp những tinh hoa cho văn học nghệ thuật, nồng nàn yêu thương cuộc sống, khát khao với ánh sáng hạnh phúc mà lại bị tù đày. Tinh thần, sức khỏe của Hoàng Vĩnh Lộc bị suy nhược. Khi trở về nhà chẳng được bao lâu ông qua đời. Bà Hoài Hương đưa sáu đứa con thơ ra khỏi nước giữa thập niên 1980 và gây dựng cuộc sống mới tốt đẹp ngày nay với mười đứa cháu nội ngoại. Mỗi năm, đến ngày giỗ chồng, bà Hoài Hương âm thầm nhỏ lệ, như câu hát trong bài Tiếng Thời Gian:

“Mưa đêm nay khóc thầm, cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian…” 
Biệt ly, tình đôi ta vời vợi
Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi
Người em sầu mộng của muôn đời
Thề ước guồng tơ thắm không bao giờ phai

Tình em như tuyết giăng đầu núi
Tình anh như ánh trăng trầm suối
Tình ta như áng mây chiều trôi
Về tràn trên gối chăn mờ phai

Biệt ly, ôi biệt ly…
Ngậm ngùi đêm thâu, âm thầm đôi câu
Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi
Phiêu du khắp bốn phương trời
Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi
Men say lấp kín môi cười
Biệt ly, sầu bi….

Chúng ta quý trọng Dạ Chung như một tài năng của đất nước, trong lúc ông lặng lẽ lìa đời ở một nơi chốn và hoàn cảnh mà chỉ được người ta xem như là kẻ vô danh. Đáng buồn thay!

Ngưng trích.

Phim Bến Cũ trình chiếu ở Hà Nội trước năm 1954. “Có thể” đây là rạp xi-nê Olympia, Phố Hàng Da.

Phim Bến Cũ trình chiếu ở Hà Nội trước năm 1954. “Có thể” đây là rạp xi-nê Olympia, Phố Hàng Da.

CTHĐ: Khoảng 4 giờ một buổi chiều Sài Gòn nắng vàng năm 1952, tôi nhìn thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc lần thứ nhất. Lần ấy tôi nhìn thấy anh mà không được nói chuyện với anh. Tôi mới là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng, tòa báo ở trên đường Bonard. Tôi đứng bên sạp báo bên cửa Hàng Ăn Kim Hoa, cạnh rạp xi-nê Casino. Tôi thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc đến trên chiếc xe Peugeot decapotable trắng sám. Anh đi vào Restaurant Kim Hoa. Anh bận y phục mầu trắng, đi giầy trắng. Khi ấy bộ phim Bến Cũ – Hãng Phim An Pha Thái Thúc Nha sản xuất, diễn viên Hoàng Vĩnh Lộc, nữ diễn viên Bích Ngà, đã được chiếu. Với tôi, anh Hoàng Vĩnh Lộc là một jeune premier của Xi-Nê Việt Nam. Tôi được gặp cô Bích Ngà vài lần nhưng không quen cô, không được nói chuyện với cô. Dường như cô kết hôn với một ông Pháp. Sau khi đóng vai nữ chính trong phim Bến Cũ, cô sang sống bên Pháp.

Khoảng 11 giờ một buổi trưa năm 1960, tôi chạy xe qua trước cửa rạp xi-nê Asam, nhìn thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc, anh Lê Quỳnh đứng bên đường, tôi tốp xe vào đứng nói chuyện với hai anh. Hai anh đang xem nhóm chuyên viên Pháp thu một ngoại cảnh cho phim Mort en Fraude. Người Việt có mặt trong đoạn phim này là anh Canh Thân. Lúc ấy anh Canh Thân đang đứng trước máy quay phim trên vỉa hè bên kia đường. Anh Hoàng Vĩnh Lộc biết tôi sẽ giữ một vai phụ trong bộ phim Hai Chuyến Xe Hoa sắp được thu hình, anh nói với tôi:

“Anh nên giữ cái đại danh văn sĩ của anh, anh đừng dại mà dính vào việc đóng phim. Người làm điện ảnh Việt Nam phải hy sinh nhiều lắm.”

Anh dùng tiếng “đại danh văn sĩ.” Tôi không hỏi anh tôi có nên đóng phim không, anh tự  ý nói lời khuyên tôi. Anh thật lòng với tôi biết là chừng nào, dù tôi không được thân với anh.

Những ngày như lá, tháng như mây…Một chiều Sài Gòn mưa tôi đến nhà anh đưa tiễn anh lần cuối. Đây là lần đầu tôi đến nhà anh, lần đầu mà cũng là lần cuối. Nhà anh trong một con hẻm đường Chi Lăng. Tôi ngồi dưới tấm bạt căng trước cửa nhà anh, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, nhìn quan tài anh kê trong nhà, vài ngọn nến leo lét. Chiều mưa lạnh, gió lạnh chiều gần tối.

o O o

Tài liệu trên WEB.

Lê Hoàng Hoa (1933-2012) là một trong những đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh miền Nam trước năm 1975.

Ông tên thật Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933 tại Nha Trang.Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, ông còn có nghệ danh là Khôi Nguyên.

Một số phim nổi tiếng của ông trước 1975 : Gác chuông nhà thờ, Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Con ma nhà họ Hứa… Và sau 1975 là: Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Vĩnh biệt mùa hè, Tình nhỏ làm sao quên, Vĩnh biệt Cali, Lệnh truy nã, Tây Sơn hiệp khách…

Trong đó, Ván bài lật ngửa được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Tên tuổi Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín gắn liền với bộ phim đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả.

Kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng. Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết khi đăng báo và xuất bản thành sách. Ván bài lật ngửa từng đoạt giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ sáu năm 1983, giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ bảy năm 1985.

Ông qua đời rạng sáng 31 tháng 7 năm 2012 tại TP HCM, thọ 79 tuổi.

CTHĐ: Tôi quen biết Lê Hoàng Hoa năm 1956 khi anh vừa từ Hoa Kỳ trở về. Dường như ông thân của Lê Hoàng hoa là một nhân sĩ có thế lực ở miền Trung. Lê Hoàng Hoa sang Hoa Kỳ du học rất sớm. Lê Hoàng Hoa sang Hoa Kỳ không phải để học về kỹ thuật Đạo diễn Xi-nê mà học về radio. Trong một số báo Thế Giới Tự Do thời ấy có bài và ảnh của anh khi anh học về radio ở Hoa Kỳ. Tôi thấy trang báo đó.

Có thể khi ấy Lê Hoàng Hoa có được học về kỹ thuật nhiếp ảnh. Anh đem về Sài Gòn cái máy ảnh Lindholf to tổ bố. Thời ấy máy ảnh Lindholf là hiện đại nhất. Máy ảnh Lindholf không nhập vào Sài Gòn, chỉ những người đi Mỹ về mới có thể có nó.

Tháng Ba 1976, các đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng khánh, Hoàng Anh Tuấn bị bọn VC bắt tù, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, đạo diễn Bùi Sơn Duân làm phim với bọn VC. Tôi chắc không một lần các anh Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Anh Tuấn, Minh Đăng Khánh đến Trụ Sở Hội Điện Ảnh Thánh Phố Hồ chí Minh.

Đạo diễn Thân Trọng Kỳ trên WEB.

Ông Thân Trọng Kỳ, có thể được coi là một trong những đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, tốt nghiệp khoa điện ảnh của University of Southern California.

Theo cáo phó gia đình cho biết, đạo diễn Thân Trọng Kỳ từng là hội viên Hội Kỹ Sư Ðiện Ảnh và Truyền Hình Mỹ (SMPTE), từng được giải thưởng đạo diễn xuất sắc phim “Chờ Sáng,” giải Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế Berlin.

Ông cùng từng là giảng sư Viện Ðại Học Minh Ðức và trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.

Ngoài phim “Chờ Sáng” (1967), ông  là đạo diễn phim “Cúi Mặt” (1970), phim được đưa đi dự Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế Berlin.

Năm 1994, ông định cư tại Hoa Kỳ, và bắt đầu tham gia nghiên cứu các công trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam như hát bội, hệ thống mặt nạ của kịch cổ truyền Việt Nam và nhã nhạc cung đình Huế, và xuất bản qua hình thức CD và video.

Trong những ngày cuối đời, ông bị ung thư tụy tạng.

Tang lễ cố đạo diễn Thân Trọng Kỳ  được cử hành tại Nhà Quàn National Funeral Home, 7482 Lee Highway, Falls Church, VA 22042. (Ð.D.)

Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn trên WEB:

Hoàng Anh Tuấn (7 tháng 5, 1932 – 1 tháng 9, 2006) là một nhà đạo diễn và nhà văn người Việt.

Hoàng Anh Tuấn sinh ra tại Hà Nội. Năm 17 tuổi ông sang Pháp học, đến năm 1958 ông trở về  Việt Nam sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh IDHEC (viết tắt tiếng Pháp: L’Institut des Hautes Études Cinématographiques) ở Paris.

Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh Việt Nam trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim do ông làm đạo diễn là

Ngàn năm mây bay(1963), theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng phim Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn

Hai chuyến xe hoa(1961) theo tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được

Nước mắt đêm xuânvới các diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.

Xa lộ không đèn(1972) với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu

Sau năm 1975 ông bị bắt đi tù cải tạo, đến năm 1979 ông  xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất ở San Jose, California.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân

Đạo diễn Điện ảnh Bùi Sơn Duân vừa là tên nghề nghiệp vừa là tên thật. Ông sinh năm 1932 tại Phú Yên và mất vào tháng 2 năm 2001 tại Hoa Kỳ. Trước 30/4/1975, Đạo diễn Bùi Sơn Duân cộng tác với Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh; Trung Tâm chuyên thực hiện phim tài liệu, sau ông làm đạo diễn phim truyện, và năm 1969 ông lập hãng phim riêng lấy tên Việt Ảnh, đặt văn phòng ở góc Pasteur – Hiền Vương Q3.

Trong quá trình nghề nghiệp, từ năm 1969 khi còn làm đạo diễn cho Trung tâm Quốc Gia Điện Ảnh, đạo diễn Bùi Sơn Duân đã làm một cuộc “cách mạng” bằng cách sắp đặt tất cả tài tử diễn viên là người của điện ảnh mới và cũ cùng diễn trong phim, đặc biệt vai chính ông thường chọn một nam hay nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó như Thanh Tú hoặc Bạch Tuyết. Trong phim Ba Cô Gái Suối Châu do Thanh Tú thủ vai chính;  trong phim Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya ông chọn nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, cùng những khuôn mặt mới gồm Như Loan, Tony Hiếu, Trần Hoàng Ngữ…. Thấy đường lối trên được khán giả hoan nghênh, đạt kết quả tốt đẹp về tài chánh, nhiều hãng phim khác đã đi theo, và nhờ đó mà một số nghệ sĩ cải lương được dịp chuyển sang lãnh vực điện ảnh và trở nên nổi tiếng hơn, như Hùng Cường, Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết v.v…

Khi đạo diễn Bùi Sơn Duân thành lập hãng Việt Ảnh, nhiều diễn viên trở thành “khuôn mặt tủ ” của hãng như Trần Quang, Tâm Phan, Đoàn Châu Mậu, Lý Huỳnh, Bạch Tuyết, Như Loan, Trần Hoàng Ngữ, Tony Hiếu, chuyên viên quay phim Trần Đình Mưu cùng nhiều diễn viên trẻ khác kết hợp thành nhóm, làm phim thể loại xã hội đen, buôn lậu, như ba phim Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Hải Vụ 709.

Như Hạt Mưa Sa là bộ phim đen trắng của hãng Việt Ảnh, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971, diễn xuất cùng Thẩm Thúy Hằng trong Như Hạt Mưa Sa là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều… “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị dịu hiền, nhiều nữ tính,  cô em  trẻ trung, hiện đại. Bộ phim khi công chiếu có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp Như Giọt Sương Khuya phần 2 bằng phim màu, in tráng phim tại Hồng Kông. Nhưng ở bộ phim Như Giọt Sương Khuya quay vào năm 1972, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vào vai chính với nam diễn viên Trần Quang. Như Giọt Sương Khuya được chuyển thể từ tác phẩm Đừng Gọi Anh Bằng Chú của Nhà văn Nguyễn Đình Thiều.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện bộ phim Hải Vụ 709  năm 1974, do hãng phim Việt Ảnh hợp tác với hãng phim Dan Thai của Thái Lan. Truyện phim và đạo diễn do Bùi Sơn Duân đảm trách. Các diễn viên trong phim phía Thái Lan có Apinya và Duang Jai. Về diễn viên Việt Nam có Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Tony Hiếu, Tâm Phan, Trần Hoàng Ngữ… Quay phim Trần Đình Mưu. Phim thu hình nhiều cảnh đẹp ở Thái Lan cũng như những phong tục cổ truyền của nước này. Các cảnh quay trong nước được thực hiện tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc. Một bộ phim màu hoành tráng và công phu, thuộc thể loại xã hội đen, buôn lậu.  Phim Hải Vụ 709 hoàn thành trước ngày 30/4/1975 nhưng chưa kịp chiếu ra mắt công chúng Sài Gòn.

Năm 1973, Liên Hoan Điện Ảnh Châu Á được tổ chức tại Sài Gòn. Nam tài tử Trần Quang ở trong ban đón tiếp phái đoàn điện ảnh các nước. Nhờ vậy, Trần Quang gặp Juisue Horikoshi, nữ diễn viên của Nhật Bản. Năm ấy cô 23 tuổi. Một tuần trôi qua thật nhanh, Liên Hoan kết thúc cũng là khi mối tình nảy nở nhưng chưa ai nói với ai lời nào. Khi tiễn đoàn Nhật Bản ra phi trường, diễn viên sân khấu điện ảnh Mộng Tuyền (lúc còn hát cải lương có tên Kim Loan) đưa cho Trần Quang một chiếc bông tai :

“Có người gửi cho anh cái này, mong có ngày đôi bông tai sẽ được tái ngộ.”

Trần Quang chạy như tên bắn lên máy bay, ôm hôn cô Horiiskoshi như một lời hẹn ước. Mối tình kéo dài đến năm 1974.

Năm đó đạo diễn Bùi Sơn Duân tính chuyện hợp tác với một hãng phim của Nhật làm phim Đôi Bông Tai dựa theo  chuyện tình của Trần Quang – Korishkoshi, dự định hai diễn viên cũng chính là người thật: Trần Quang và Horikoshi. Trần Quang và cô Horikoshi dự tính đến tháng 7 năm 1975 sẽ làm đám cưới và thực hiện bộ phim nhưng sau đó – Ngày 30 Tháng Tư đến – mọi chuyện đổi khác. Mối tình lãng mạn – điện ảnh Việt Nhật kéo dài trong ba năm kết thúc với những lời hẹn ước dang dở.

Trần Quang tâm sự:

“Sau này, nhiều lần tôi muốn qua Nhật tìm cô ấy, nhưng có cái gì níu bước chân tôi. Tôi muốn giữ lại trong nhau những hình ảnh đẹp nhất. Có thể cô ấy đã có chồng, đã có một cuộc sống hạnh phúc, tôi cũng đã có một cuộc sống khác.”

Bùi Sơn Duân vốn là một đạo diễn tâm huyết và rất yêu nghề. Sau năm 1975, với tên mới là đạo diễn Lam Sơn (như Lê Hoàng Hoa lấy tên Khôi Nguyên), ông đã thực hiện các bộ phim như: Giữa Hai Làn Nước, Bản Nhạc Người Tù, Đám Cưới Chạy Tang, Đường Dây Côn Đảo, Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Con Gái Ông Thứ Trưởng, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác, Ba Biên Giới.

Năm 1977, trong vòng mấy tháng, đạo diễn Bùi Sơn Duân và nhà quay phim Nguyễn Đông Hồng cùng với đoàn làm phim của Xưởng phim Tổng hợp Thành phố đã làm xong phim Giữa Hai Làn Nước và cho ra mắt khán giả, bộ phim được đánh giá cao.

Năm 1989, đạo diễn Bùi Sơn Duân làm cố vấn chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim vidéo Ba Biên Giới do Trần Quang ( khi ấy đang còn ở lại VN) muốn thử sức với vai trò đạo diễn.

Năm 1990, đạo diễn Bùi Sơn Duân xuất cảnh đi Mỹ. Năm 1993, ông nhận lời làm đạo diễn phim Gia Đình Cô Tư, một bộ phim hài với nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Túy Hồng, và đây cũng là cuốn phim cuối cùng của ông.

Sống tại Hoa Kỳ, Bùi Sơn Duân thành lập Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Hải Ngoại, tổ chức hằng năm các Ngày Điện Ảnh Việt Nam, ông từng tổ chức cuộc thi viết truyện phim với hy vọng khôi phục nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại, nhưng chưa làm được gì đáng kể thì ông đã vĩnh viễn ra đi vào năm 2001 tại Pomona.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân và cố nhạc sĩ Y Vân rất tâm đầu ý hợp nên bất cứ phim nào do đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện đều do nhạc sĩ Y Vân làm nhạc đệm cho phim  trước 1975 và sau 1975.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân còn là bác ruột của diễn viên điện ảnh Thương Tín, hầu như các phim do ông làm đạo diễn sau 1975 đều mời cháu ruột mình tham gia vai chính hoặc vai thứ ở các phim như Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác.

CTHĐ: Nhiều Ông Đạo Diễn Điện Ảnh Sài Gòn “cộng tác” với bọn “cướp nước.”

A CHÂU 2015

vuongngocyen

Như Tam Quốc Chí mở đầu với bài thơ “Kỷ Độ Tịch Dương Hồng” và kết thúc với ý Thơ “Kỷ Độ Tịch Dương Hồng,” Thiên Long Bát Bộ Luận Anh Hùng mở đầu và kết thúc với bài “Này Những Tình Oan, Những Thủy Chung”:

Thiên Long Bát Bộ luận anh hùng
Kỳ hiệp, quần ma kể chẳng cùng.
Ba mươi năm trước ai quên, nhớ
Những Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung?
Ai Hư Trúc Tử, ai Đồng Mỗ?
Đâu Thành Tây Hạ, Linh Thứu Cung?
Nhớ chăng Lục Mạch, Phù Sinh Tử?
Quên chưa Cực Ác với Cùng Hung?
Kìa Vương Ngọc Yến yêu Đoàn Dự,
Nọ chàng Đầu Sắt bắt băng trùng..
Chuyện xưa trong trí ta lần giở
Này những Tình Oan, những thủy chung.

Thơ làm năm 1980 ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa. Lời bình viết năm 1996 ở Rừng Phong, Virginia Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Viết thêm hôm nay một ngày Tháng 10/ 2015:

Tôi – HHT – gửi bài Viết ở Rừng Phong này đến các bạn 50 năm trước đọc Thiên Long Bát Bộ ở Sài Gòn.

Thiên Long kể lại chuyện xưa sau
Trọn tình, vẹn hiếu có A Châu…

A Châu, con gái của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, là nữ nhân vật có cuộc sống, và cuộc tình trong sáng nhất Thiên Long. Suốt một đời tôi quí trọng Tình Yêu, đề cao Tình Yêu, trái tim tôi bồi hồi trong những đêm buồn ghê gớm những năm 80 ở Thành Hồ, trằn trọc trong căn gác nhỏ, nghe tiếng thời gian chậm bước đi, tôi thao thức nhớ lại chuyện xưa, những cuộc tình Thiên Long Bát Bộ..

Chuyện xưa trong trí ta lần dở
Này những Tình Oan, những thủy chung…

tlbbCuộc tình của A Châu làm tôi xúc động, con người A Châu làm tôi yêu mến. Nàng xuất hiện lần đầu trong nhà của Mộ Dung Công Tử ở Cô Tô Yến Tử Ổ.

Cảnh sắc Trung Quốc diễn tả trong những tiểu thuyết võ hiệp thật thơ mộng. Không cần đến tận nơi, chỉ nghe tả và tưởng tượng thôi cũng đã thấy đẹp tuyệt vời. Đôi khi cảnh sắc trong tưởng tượng của ta còn đẹp, hùng vĩ hay thơ mộng gấp nhiều lần cảnh thật. Như cảnh Cô Tô Yến Tử Ổ Thiên Long chẳng hạn.

Cô Tô Yến Tử Ổ Thiên Long là một hòn đảo nằm giữa Hồ Động Đình. Người ngoài muốn vào ra Cô Tô Yến Tử Ổ phải được bầy chim yến dẫn đường. Không có chim yến dẫn đường, tức không được chủ nhân Yến Tử Ổ cho phép, không ai có thể vào hay ra khỏi Cô Tô Yến Tử Ổ.

Cưu Ma Trí, Quốc Sư nước Thổ Phồn, một vương quốc láng giềng của vương quốc Đại Lý, trên đường đi khắp giang hồ để sưu tầm võ công thiên hạ — nói cho rõ và đúng hơn là đi đánh cướp võ công của thiên hạ đem về làm của mình. Khi đến Chùa Thiên Long đấu chưởng vớùi các vị cao tăng trong chùa, tình cờ gập Vương tử Đoàn Dự đang ở trong chùa thăm ông bác Bảo Định Đế tu hành, Cưu Ma Trí bắt Đoàn Dự đem đi theo. Cưu Ma Trí đến Cô Tô Yến Tử Ổ và vì vậy Đoàn Dự cũng đến Cô Tô Yến Tử Ổ. Không có chuyện gì đáng nói xẩy ra trong vụ Cưu Ma Trí đến Cô Tô Yến Tử Ổ: Lão chủ nhân Mộ Dung Bác đi vắng, Thiếu chủ Mộ Dung Phục cũng không có mặt tại nhà.

Đoàn Dự lạc vào nhà bếp nhà Mộ Dung, nơi chàng thấy vui vui vì có mấy em nữ tì trạc tuổi chàng — Một Bó lẻ Năm, Sáu Que chi đó — rồi chàng thấy một lão bà tóc trắng, chống gậy trúc, đi vào. Đoàn Dự cung kính chào hỏi lão bà và chàng ngạc nhiên khi thấy mấy em nữ tì nói chuyện nhủng nhẳng như đùa rỡn với lão bà.

Lão Bà Đoàn Dự gặp trong nhà bếp Môï Dung phủ là A Châu hoá trang. Nguyễn Tử Trúc Lâm phu nhân sinh hai chị em A Châu, A Tử nhưng không biết vì sao bà không để cô nào sống yên lành trong Tử Trúc Lâm với bà. Bà cho A Châu vào sống trong phủ Mộ Dung, cho A Tử theo Tinh Tú Phái, làm đồ đệ Lão Quái Đinh Xuân Thu. A Châu học được thuật hoá trang thần kỳ. Không những nàng chỉ có thể giả làm lão bà, nàng còn có thể giả làm đàn ông, giả làm bất cứ ai y như người đó. Thuật hoá trang này chẳng giúp ích gì được cho A Châu, nó còn góp phần vào việc làm cho nàng chết thảm.

Ngày tháng qua đi, những trang truyện Thiên Long Bát Bộ theo nhau mở đóng, ta gặp lại A Châu khi Kiều Phong nửa đêm lọt vào Chuà Thiếu Lâm.

Khi ấy Kiều Phong đã biết mình là người Khiết Đan, cha mẹ mình bị một nhóm võ lâm cao thủ Trung Hoa phục kích, tấn công giết chết ở biên giới. Ông thân của chàng là Tiêu Viễn Sơn, quí tộc Khiết Đan,võ nghệ cao cường, một mình đánh ngang tay với cả chục cao thủ Trung nguyên. Nhưng khi thấy bà vợ yêu của ông bị chết trong trận kịch đấu, Tiêu Viễn Sơn đau khổ ôm đứa con trai nhỏ mới mấy tháng nhẩy xuống vực tự sát. Trên đường rơi xuống bỗng ông thấy ông không có quyền giết con, ông ném đưá nhỏ trở lên cho nó sống. Các cao thủ võ lâm tấn công biết họ giết lầm — đúng ra họ bị kẻ cho tin lừa gạt — các ông hối hận. Đứa nhỏ sống sót được giao cho Phương Trượng chuà Thiếu Lâm đem về nuôi. Đứa nhỏ Khiết Đan ấy ba mươi năm sau là Kiều Phong, Bang Chủ Cái Bang, người có võ công lệch đất, nghiêng trời.

Bây giờ Kiều Phong không còn ảo tưởng gì về việc chàng là người Hán nhưng bị kẻ thù vu cáo là người Khiết Đan, chàng đã biết chàng là người Khiết Đan. Và chàng đi tìm kẻ được gọi mơ hồ là Thủ Lãnh Đại ca, vị cầm đầu đám cao thủ võ lâm Trung nguyên đã giết cha mẹ chàng.

Và máu đổ trên đường Kiều Phong đi. Nói cho đúng hơn máu đổ ở những nơi Kiều Phong định đến, sắp đến. Bí mật dầy đặc bao quanh người hùng cô đơn. Có một nhân vật đi trước Kiều Phong, nhân vật này giết những người Kiều Phong đến gập để hỏi về thân thế chàng và về tung tích Thủ Lãnh Đại ca.

Phương Trượng Thiếu Lâm đem đứa nhỏ Khiết Đan về giao cho vợ chồng Kiều công, ông bà giữ vườn rau của nhà chùa, nuôi làm con. Vì vậy đứa nhỏ mang họ Kiều và yên trí nó là con ông bà họ Kiều. Người nuôi Kiều Phong là ông bà họ Kiều, người truyền thụ võ công cho Kiều Phong là một vị tăng chuà Thiếu Lâm.

Kiều Phong về đến vưòn rau lúc nửa đêm. Căn nhà nhỏ tối om không ánh đèn. Chàng bồi hồi gọi:

— Gia gia ơi.. Má má ơi.. Con về đây..

Ông bà Kiều đã bị người đánh chết. Ông bà mới bị giết cách đây chưa lâu, kẻ sát nhân chỉ đi trước Kiều Phong ít bước. Chưa hết bàng hoàng, chưa kịp đau thương Kiều Phong đã nghe tiếng ngươi hô hoán bên ngoài:

– Tên ác tặc Khiết đan đã giết ông bà Kiều.. Đừng để nó chạy thoát..

Võ lâm kết tội Kiều Phong đã hạ sát một số cao thủ. Tất nhiên Kiều Phong bị oan. Chàng thoát khỏi vườn rau để lọt vào chùa Thiếu Lâm, đến thiền phòng của Sư phụ chàng.

Lại một đoạn diễn tả những sự việc sôi nổi biểu lộ tài năng kể chuyện của Kim Dung. Vừa vào thiền phòng của Sư phụ, Kiều Phong trông thoáng thấy bóng một đại hán. Người này có hình dáng, khuôn mặt hao hao giống chàng. Định thần nhìn lại Kiều Phong thấy đó chỉ là hình chàng phản chiếu trên tấm gương đồng lớn — Thời này người Ai Cập chưa tìm được cách lấy thủy tinh từ cát biển để đúc gương, làm kiến lão–Việc nhìn thấy bóng người thoáng qua không làm cho Kiều Phong thắc mắc lâu. Chàng không có thì giờ để thắc mắc. Sư phụ chàng vẫn tọa thiền trên bồ đoàn, nhưng ông đã bị trúng thương nặng. Ông sắp thở hơi cuối cùng. Kiều Phong không hiểu gì cả khi vị đại sư mở mắt nhìn thấy chàng, nhận ra chàng, Ông chỉ thốt lên mấy tiếng:

— Con đấy ư ? Hay lắm.. Tốt lắm..

Rồi Đại sư viên tịch. Kiều Phong thấy nét mặt ông phảng phất ý vui mừng. Chàng không cả thì giờ xem xét hiện trường, tìm biết về cái chết của Sư phụ. Các nhà sư Thiếu Lâm thấy trong chuà có biến đã tới bên ngoài thiền phòng. Nhìn quanh Kiều Phong thấy một chú tiểu bị điểm huyệt nằm trong một góc thiền phòng. Chú tiểu chỉ bị điểm huyệt nằm bất động nhưng không bất tỉnh. Nghĩ rằng chú có thể kể lại có những chuyện gì xẩy ra trong thiền phòng Kiều Phong vác chú lên vai, thoát ra khỏi chùa Thiếu Lâm.

Lại một đoạn Kim Dung diễn tả thật gay cấn, hấp dẫn. Không muốn đối chưởng với vác vị sư chùa Thiếu Lâm, Kiều Phong tìm đường chạy. Trên đường ra khỏi thiền phòng của Sư phụ, chàng lấy tấm gương bằng đồng che lên chú tiểu nằm trên vai chàng. Chàng nhẩy lên mái nhà. Một vị tăng đánh chàng một chưởng với trọn mười hai thành công lực. Chưởng đánh vào tấm gương trên vai chàng, phát lên một tiếng choang. Chưởng lực làm một đầu gối Kiều Phong khuỵu xuống, nhưng chàng mượn sức đẩy của chưởng, phóng mình bay qua tường chuà ra ngoài…

Vác chú tiểu trên vai Kiều Phong chạy đến một dòng suối. Trời tảng sáng. Các vị sư chùa Thiếu Lâm đuổi theo đã bị chàng bỏ rơi. Chàng đặt chú tiểu trên vai xuống bờ suối. Đến lúc này chàng mới biết chú tiểu bị trọng thương. Vì nằm trên vai chàng, chú lãnh trọn phát chưởng nhà chùa đánh theo chàng. May chú được tấm gương đồng che cho, nếu không chú đã chết ngắc vì những oan khiên của người khác.

Nhưng chú bị thương rất nặng, chú chết ngất và chú chỉ còn thoi thóp thở. Kiều Phong vội truyền nội lực cưú chú. Chàng cởi áo chú và ngạc nhiên khi thấy chú không phải là chú tiểu mà chú là cô tiểu. Nói rõ hơn chú là Thiếu nữ.

Chú tiểu chùa Thiếu Lâm có uyên nguyên với Kiều Bang Chủ tên chùa là Trí Thanh, tên nhà là A Châu, người đã xuất hiện trên sân khấu Thiên Long trong đoạn Đoàn Dự bị Cưu Ma Trí đưa vào phủ Mộ Dung trong Cô Tô Yến Tử Ổ. Lần ấy Kim Dung chỉ cho nàng ra sân khấu thoáng qua để giới thiệu nàng. Đây là lúc A Châu chính thức bước vào tình sử Thiên Long.

Bên dòng suối khi trời mới bình minh, A Châu mở mắt và thấy Kiều Phong săn sóc, lo âu đến sự sống chết của nàng. Kim Dung ít cho nhân vật của ông nói những tiếng: “Em yêu anh.. Anh yêu em..” nhạt nhẽo và thực sự không nói lên được ký gì cả. Ông cho nhân vật của ông nói lên tình yêu của họ bằng việc làm. A Châu yêu Kiều Phong nhưng suốt thời gian ngắn ngủi nàng được sống bên chàng, không một lần ta nghe nàng nói :

“Anh ơi.. Em yêu anh..!”

— Cô nương là ai? Cô nương có thể cho tại hạ biết vì sao cô nương lại giả trang vào tu trong chuà Thiếu Lâm được không? Tại hạ thật có tội với cô nương. Vì tại hạ mà cô nương bị trúng thương. Xin cô nương đừng lo, cô nương không chết đâu, cô nương không chết được. Tại hạ sẽ đưa cô nương đi nhờ Thần Y cứu sống. Từ lúc này sự sống chết của cô nương sẽ là chuyện quan trọng nhất của tại hạ…

Đại hiệp oai phong, khôi vĩ, đường đường hảo hán, danh trấn giang hồ.. Đại hiệp nói những câu như dzậy mí em thì Đại hiệp giết em dzồi còn gì! Em mới mười bẩy tuổi, em còn nguyên bản — thuật ngữ quảng cáo hàng họ Phú Lang Sa là “Tú nớp, ja-me cát-xê” — Em chưa yêu ai, em chưa biết yêu là gì, em chưa biết hơi trai đừng nói gì đến hơi đàn ông.. Gặp trường hợp này em không yêu, em không mê Đại hiệp mới là chuyện lạ, em yêu, em mết Đại hiệp là chuyện thuờng tình, chuyện tự nhiên.

Và A Châu yêu Kiều Phong. Chàng lập tức đưa nàng đi chữa thương. Nàng bị thương rất nặng. Nàng còn sống được chỉ là nhờ Kiều Phong ngày ngày truyền công lực cho nàng. Nhưng chàng không thể cứ truyền công lực giữ cho nàng khỏi chết như thế mãi. Trên cõi đời này chỉ có một người có thể cứu mạng nàng. Người đó là Tiết Thần Y — tên cúng cơm là Tiết Mộ Hoa — Thầy lang họ Tiết trị bệnh thần sầu đến nỗi được giang hồ tôn xưng là Thần Y.

Kiều Phong tìm một chiếc xe ngựa, để A Châu trong xe, chàng cầm cương, đi về điạ phương của Tiết Thần Y. Họ ngày đi, đêm nghỉ ở quán trọ bên đường thiên lý. Những tác giả tiểu thuyết võ hiệp thường bị chế nhạo là luôn luôn cho nhân vật của mình ra đi không mang va-ly, cả quần áo cũng không thấy cắp nách, tức là đi chân tay không, không hành lý, không tiền.. Mà không phải là đi gần, đi xa vạn dậm, đi khắp trung nguyên, tức là đi ngang, đi dọc, đi lên, đi xuống khắp lãnh thổ Ba Tầu. Khi viết đến đoạn Kiều Phong đưa A Châu đi chữa thương, chắc Kim Dung nhớ đến lời phê bình trên nên ông tả Kiều Phong khi cần tiền, chờ đêm xuống, vào Kho Bạc Nhà Nước ở địa phương, bẻ khóa lấy bạc tiêu dùng. Đại hiệp cũng đạo chích như ai!

Có thể đây là những ngày sung sướng nhất của A Châu kể từ lúc nàng mở mắt nhìn thấy Kiều Phong bên bờ suối. Trên đường đi, nằm yên ổn trong xe, nàng nói chuyện với chàng. Nàng không nói cho chàng biết nàng là người của nhà Mộ Dung, được phái vào Chuà Thiếu Lâm để lấy trộm bí kíp võ công cất trong Tàng Kinh Các nhà chuà. Kiều Phong cũng không hỏi kỹ về lý lịch của nàng. Chàng còn nhiều chuyện bận tâm khác.
Trên đường họ đi đến nhà Tiết Thần Y nhiều nhân vật võ lâm đủ các bang phái cũng kéo nhau đi. Quần hùng đến Tụ Hiền Trang theo lời mời của Du Thị Song Hùng để dự đại hội bàn chuyện trừ diệt tên ác tặc Kiều Phong, tên Khiết Đan từng giữ chức Bang Trưởng Cái Bang sau khi bị lột mặt nạ đã giết quá nhiều nhân vật võ lâm, gây quá nhiều nợ máu. Kiều Phong biết chuyện ấy. Chàng đưa A Châu đi thẳng đến Tụ Hiền Trang vì chàng biết chàng sẽ gập Tiết Thần Y ở đấy.

Kiều Bang Chủ giao tình với Thần Y rất hậu. Nay hai người ở hai phe đối nghịch nhau nhưng Thần Y vẫn nhận lời yêu cầu của cố nhân một lần cuối. Ông nhận chữa thương cho A Châu. Kiều Phong giao nàng cho Thần Y. Chàng nói với nàng lời cuối:

— Thần Y đã nhận lời cứu cô nương, cô nương sẽ sống, Kiều mỗ yên lòng. Xin vĩnh biệt cô nương..

Khi nói với A Châu như thế Kiều Phong nghĩ chàng sẽ chẳng bao giờ gập lại nàng. Nhưng con người ta đâu có thể thoát ra khỏi lưới tình và định mệnh một cách khơi khơi, dễ dàng như dzậy được. Định mệnh an bài. Bao giờ định mệnh cũng an bài.., và khi định mệnh đã an bài, không ai có thể thoát…

o O o

Thiên Long Bát Bộ có nhiều trận kịch đấu trời long, đất lở. Trận kịch đấu ở Tụ Hiền Trang giữa một bên là Kiều Phong, một bên là quần hùng, là trận kịch đấu dữ dội, bi hùng tráng nhất Thiên Long.

Kiều Phong biết quần hùng tụ họp ở Tụ Hiền Trang để bàn chuyện giết chàng. Nhiều người trong số họ có người thân, sư huynh, sư đệ bị nhân vật bí mật giết chết trong thời gian gần đây — tất cả mọi người đều cho rằng nhân vật bí mật ấy là Kiều Phong — nên họ căm phẫn đến cái độ thấy Kiều Phong là phải giết để trả thù. Kiều Phong biết như thế, giao A Châu cho Tiết Thần Y xong, chàng đi thẳng đến Tụ Hiền Trang.

Không ai ngờ tên ác tặc lại dám ngang nhiên đến ngay nơi hội họp của quần hùng ở Tụ Hiền Trang. Người người căm hận chỉ muốn ăn gan, uống máu tên ác tặc nhưng khi Kiều Phong đến nơi, người ta không xô ra đánh chém loạn cào cào châu chấu ngay. Quân tử Tầu khi giết nhau cũng vẫn hành xử theo lối quân tử Tầu. Người ta vẫn lễ độ với nhau, vẫn mời nhau uống rượu trước khi giết nhau.

— Kiều mỗ mời các vị uống với Kiều mỗ một bát rượu đoạn tình, đoạn nghĩa…

Quân tử Tầu dùng rượu trong mọi trường hợp, mọi nơi, mọi lúc, mọi chuyện, mọi tình cảnh. Thi đỗ rượu, thi trượt rượu, đám cưới rượu, đám ma rượu. buồn rượu, vui rượu, gập nhau rượu, xa nhau rượu. thắng rượu, thua rượu, kết ngãi — tức kết bạn — rượu, đoạn ngãi — không còn bạn bè gì nữa — rượu… Và họ — ít nhất cũng là quần hùng trong tiểu thuyết võ hiệp — uống rượu bằng bát chứ không bằng ly, chén.

Và cứ như thế Kiều Phong mời những người bạn cũ uống rượu của anh em Du Thị Song Hùng. Chàng uống với mỗi ông bạn giang hồ một bát. Nhưng..không khí trầm trần theo đúng lễ nghi, đôi bên đối xử với nhau lịch sự, ôn hoà. Cũng có thể khi uống với nhau chán rồi người ta nói:

— Thôi.. Nghỉ uống. Ta đánh nhau.. Mời túc hạ xuất chưởng…

Viết như vậy cũng được nhưng viết như vậy là không có hay, là không có nghệ thuật. Phải có một động tác, một sự kiện nào đó làm hiện trường đột biến, từ hoà nhã chuyển sang dữ dội, để người ta có thể đang uống rượu với nhau quay ra đánh giết nhau. Kim Dung biết sự cần thiết ấy và ông đã làm sân khấu đột biến bằng cách cho một anh Ma giáo không giống ai ngất ngưởng bước ra đòi uồng rượu tay đôi với Kiều Phong.

Anh Ma giáo này chỉ có cái thuật gọi là phúc ngữ: nói bằng bụng. Thuật này tiếng Phú Lang Sa là ventriloque và là thuật chuyên để làm xiếc chứ không dùng được việc gì khác. Những người có thuật phúc ngữ thường làm xiếc với một hình nộm, khán giả tưởng như hình nộm nói cười nhưng thật ra là người làm xiếc nói cười mà không mở miệng.

Anh Ma giáo mặt mũi đen đủi, hình dung xấu xí, người không ra người, ngợm không ra ngợm, ngất ngưởng bước đến trước mặt Kiều Phong:

— Kiều Phong.. Ta uống với ngươi bát rượu chấm dứt tình bạn..

Trừng mắt nhìn gã, Kiều Phong quát lên:

— Ai là bạn của mày..?

Chàng đập mạnh bát rượu trên tay xuống đất.

Choang.!

Bát rượu vỡ. Cùng với tiếng choang Kiều Phong đánh ngay một chưởng vào ngực anh Ma giáo.Tội nghiệp. Chưa được uống tí rượu nào anh Ma giáo hộc máu chết ngay tại chỗ.

Và thế là người ta xông vào đánh nhau…

o O o

Vì mặc cảm là người Khiết Đan. Kiều Phong chỉ dùng cái gọi là Thái Tổ Trường Quyền đấu với quần hùng. Thời đó đang là triều nhà Tống. Thái Tổ đây là Tống Thái Tổ. Triệu Khuông Dẫn dùng võ nghệ dành được thiên hạ, lập lên nhà Tống, để lại cho đời quyền phổ mang tên Thái Tổ Trường Quyền. Những chiêu thức trong quyền phổ đều rất thường, không có gì bí hiểm, ác độc nhưng Kiều Phong có nội lực thâm hậu, chàng xử dụng những chiêu thức rất thường này mà quần hùng không áp đảo được chàng. Dùng Thái Tổ Trường Quyền, Kiều Phong có ý nói với quần hùng :

”Các người thù ta vì ta không phải là người Hán như các người. Nhưng ta chống lại các người không bằng võ công nào khác ngoài võ công của chính các người..”

Rồi máu chẩy, thịt rơi, người chết, trận kịch đấu trở thành ác liệt. Say máu, người ta trở thành điên loạn. Kiều Phong cũng phát điên. Chàng giết người không nương tay. Như đã nói: Đây là trận đấu mưa máu, gió tanh dữ dội nhất Thiên Long.

Kiều Phong, dù có nội lực kinh hồn, võ công lệch đất, bản lĩnh nghiêng trời, kể cả chàng có là Siêu nhân, cũng không thể đánh mãi với quần hùng. Trước sau, sớm muộn gì chàng cũng phải chết nếu chàng cứ một mình kịch chiến với quần hùng như thế trong Tụ Hiền Trang. Lại một trận kịch đấu mưa máu, gió tanh chính hiệu được Kim Dung diễn tả. Sự kiện bất ngờ xẩy đến người đọc không thể đoán trước được. Khi Kiều Phong đuối sức, mắt chàng đã mờ đi, những chiêu thức của chàng trở thành loạng quạng, Đại Hán Áo Nâu bí mật xuất hiện cứu chàng.

Đại hán ở trên ngọn cây tùng bên sân Tụ Hiền Trang tự bao giờ không ai biết. Đại hán tung dây cuốn vào đỉnh cột cờ giữa sân Tụ Hiền Trang, nắm dây bay xuống. Đại hán quét một vòng đường dây làm những cao thủ đang bao vây Kiều Phong lăn đùng, ngã ngửa. Đại hán ôm sốc Kiều Phong theo đường dây bay lên rồi đặt Kiều Phong nằm trên vai, thi triển khinh công chạy đi…

Khi đó Kiều Phong chưa ngất hẳn. Nằm trên vai người bí mật chàng biết mình được đưa lên núi. Rồi chàng được đặt cho đứng trước cửa động trên núi cao. Đại hán đứng trước mặt chàng. Người bí mật bận y phục nâu, mặt có khăn bịt kín nên Kiều Phong không biết tuổc tác của ân nhân, chàng chỉ thấy ánh mắt ông lóng lánh sáng trong hai lỗ mắt trên khăn bịt mặt, ông ta có khổ người cao lớn cũng như chàng.

— Thật ngốc dại.. Có võ công lệch đất, nghiêng trời mà đi chết vì một đưá con gái…

Đấy là lời Đại hán mắng Kiều Phong. Ông đưa tay lên tát chàng. Kiều Phong không né tránh cũng không đánh lại. Chàng chỉ đưa ngón tay trỏ lên đỡ. Nếu Đại hán tát chàng, bàn tay ông sẽ trúng chỉ của chàng và ông ta sẽ bị thương trước. Đại hán chuyển thế bàn tay của ông, Kiều Phong chuyển thế ngón tay của chàng.. Sau cả chục lần như thế Đại hán vẫn không tát được Kiều Phong. Cuối cùng ông ta buông tay, nhìn Kiều Phong, thở dài rồi quay mình nhẩy xuống núi.

Trong động có trữ thức ăn, có rượu, Kiều Phong ở lại đây dưỡng thương…

Rồi một hay hai, ba mùa lá rụng, hoa rơi, trăng soi, suối chẩy trên những trang tình sử Thiên Long — như đã nói yếu tố thời gian, không gian không được coi là quan trọng hay được ước lượng đúng trong tiểu thuyết võ hiệp Tầu — người đọc Thiên Long gập lại Kiều Phong khi chàng lên Nhạn Môn Quan ở biên giới thăm viếng chỗ cha mẹ chàng bị thảm tử ngày xưa.

Nhạn Môn Quan: Cưả quan chim nhạn, cửa thông sang nước Khiết Đan. Năm năm khi muà đông tới, chim nhạn ở miền Bắc tránh cái lạnh, bay xuống miền Nam ấm áp hơn, không thể bay vượt qua những đỉnh núi cao, phải bay vào con đường giữa hai thành núi có cửa quan này. Vì vậy cưả được gọi là Cửa Nhạn.

Đứng ở nơi cha mẹ chàng bị chết năm xưa Kiều Phong bồi hồi tưởng tượng trận phục kích tấn công. Rồi chàng nghe tiếng người gọi:

— Đại ca.. Đại ca..

Thiếu nữ chạy tới. Chàng nhận ra nàng là A Châu, nàng còn sống. Không những nàng chỉ còn sống suông mà thôi, nàng còn sống mạnh khỏe, hồng hào, tươi tắn. Hai người xúc động nhìn nhau:

— Thần Y đã cứu sống cô nương, tại hạ rất mừng…

Tại sao cô nương A Châu lại có mặt ở nơi biên ải khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối này? Cô nương có mặt ở đây không phải là sự tình cờ, cô nương cố tình đến đây chờ đợi người cô yêu.

— Em biết thế nào Đại ca cũng đến đây nên em tới trước, em đợi Đại ca..

Việc cho A Châu từ Hoa Nam một mình lên Nhạn Môn Quan chờ gập lại Kiều Phong là một điểm yếu trong tiểu thuyết võ hiệp Tầu nói chung, trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nói riêng. Đã viết rồi song để cho rõ hơn, nay viết lại: Vì đất nước quá rộng, vì có lịch sử quá dài, những người viết tiểu thuyết Trung Hoa có phản ứng ngược. Họ coi những nơi cách xa nhau vạn dậm như ở liền nhau, coi ba, bốn trăm năm ngắn gọn như giấc ngủ trưa.

Trong Ỷ Thiên Kiếm — Đồ Long Đao, Kim Dung cho Vô Kỵ 10 tuổi, dắt Dương Bất Hối, 8 tuổi, đi từ Hồ Điệp Cốc ở đâu đó trong vùng Hoa Nam — phiá Nam nước Tầu, thuộc địa phận Quảng Toóng, Phước Kiến, Phước Ong chi đó, đi lên tận Núi Côn Luân ở biên giới Tân Cương, hay Tây Tạng, Ấn độ cũng chi đó, để tìm cha của Bất Hối là Dương Tiêu, Tả Sứ Minh Giáo. Cảnh Vô Kỵ, Bất Hối gập Dương Tiêu trong rừng phong là một cảnh gợi cảm. Dương Tả Sứ người cao như khổ người ông Mai Thảo, mặt cũng dài và lạnh như mặt ông Mai Thảo, bận y phục toàn trắng, đôi mão trắng, đi hài trắng. Khi được Vô Kỵ báo cho biết mẹ của Bất Hối, cô Kỷ Hiểu Phù, đã bị bà Diệt Tuyệt Sư Thái giết chết, Dương Tả Sứ ngửa mặt lên trời, hú một tiếng dài. Lá vàng rơi lả tả…

Đẹp thì có đẹp nhưng chẳng cần phải xét nét ta cũng thấy cho hai đứa nhỏ dưới mười tuổi dắt nhau đi — đi bộ — xa không phải ngàn dặm mà là vạn dặm — mười ngàn dặm — là chuyện không thể nào xẩy ra được. Cũng như chuyện A Châu lên Nhạn Môn Quan chờ đợi Kiều Phong.

Đó là một trong vài ba nhược điểm của tiểu thuyết Kim Dung. Tác giả có cả trăm ưu điểm, trăm cái hay, ta hưởng những cái hay của Người, ta phải chấp nhận vài cái dở của Người.

A Châu đề nghị nàng cùng với Kiều Phong đi tìm tung tích Thủ Lãnh Đại ca. Vì quá cô đơn và cần có tình người Kiều Phong nhận lời. Từ Nhạn Môn Quan chàng và nàng đi trở về trung thổ.

Tôi không nhớ A Châu tỏ tình với Kiều Phong như thế nào, lúc nào, ở đâu? Tôi cũng không nhớ Kiều Phong biết A Châu yêu chàng lúc nào. Dường như Tình Yêu — Tình Yêu viết hoa cả bẩy chữ, hoa luôn dấu huyền, dấu mũ — Tình Yêu đến với họ thật êm và thật tự nhiên. Họ yêu nhau mà không cần nói là họ yêu nhau. Lần thứ nhất trong đời Kiều Đại hiệp, Kiều Bang chủ, có một phụ nữ ở gần. Với A Châu là Tình Yêu, với Kiều Phong — có lẽ — chưa hẳn là Tình Yêu mà chỉ là Tình Mến, Tình Nghĩa, Tình Người.

A Châu có linh tính nên luôn luôn sợ hãi trước hiện tại đầy bất trắc, nàng mơ được có một cuộc sống bình yên với người yêu. Nhiều lần nàng nói với Kiều Phong:

— Đại ca ơi.. Em sợ.. Em thấy giang hồ cứ ân oán, hận thù chém giết nhau mãi, không bao giờ ngừng. Em muốn chúng ta thoát ra khỏi cuộc ân oán triền miên ấy. Em muốn khi Đại ca trả xong được thù nhà, Đại ca đưa em về bên kia Nhạn Môn Quan. Chúng ta sẽ sống với nhau trên vùng tuyết trắng mênh mông ấy. Chúng ta vui với gió trăng, ta săn hươu, đuổi thỏ. Suốt đời ta sống yên lành bên nhau… Đại ca hứa với em nhé..

Mộng nhỏ thôi ! Đại ca hưá nhưng cuộc đời đầy những oan khiên tàn nhẫn không cho người thiếu nữ hiền hậu nhất Thiên Long được sống giấc mộng nhỏ của nàng. Vì muốn giúp người yêu tìm ra được kẻ thù, vì có tài hoá trang, A Châu bầy ra mưu nàng giả làm Bạch Thế Kính, Trưởng Lão Cái Bang, hóa trang cho Kiều Phong là gia nhân theo hầu, đến nhà Mã phu nhân, vợ goá Mã Đại Nguyên Phó Bang Chủ Cái Bang, hỏi dò bà này về vị Thủ Lãnh Đại Ca. Mưu lừa của A Châu làm sao đánh lừa được nàng Sương Phụ Đa Tình — Đa Dâm — Đa Đủ Thứ của Tình Sử Thiên Long. Mã phu nhân giả vờ bị lưà, tiết lộ vị Thủ Lãnh Đại Ca là.. Đoàn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, cha của A Châu.

A Châu lặng người. Nàng bị đẩy vào tình trạng bên hiếu, bên tình. Nói rõ hơn nàng bắt buộc phải chọn một là hiếu, một là tình, không thể lửng lơ con cá tai tượng có trọn vẹn cả hai. Trường hợp bắc cân Tình, Hiếu này chỉ xẩy đến với những phụ nữ sống trước đây hai, ba, bốn, năm, sáu, bẩy trăm năm. Phụ nữ thời gọi là Thế Kỷ Hai Mươi trần ai khoai hà này không phải bận trí, mất công, théc méc về việc phải chọn lựa. Khi cần chọn lựa, các nàng chọn liền tù tì tút suỵt. Và thường là các nàng chọn bên Tình, các nàng lơ bên Hiếu.

A Châu không thể ngăn người yêu trả thù, trước đó nàng không nói — vì thấy không cần phải nói — Đoàn Chính Thuần là cha nàng. Bây giờ nàng lại càng không thể nói. Kiều Phong không biết Đoàn Chính Thuần là cha A Châu. Nay được biết họ Đoàn là Thủ Lãnh Đại Ca, chàng đi tìm họ Đoàn để đòi nợ máu.

A Châu cũng không thể để cha nàng phải chết dưới tay người nàng yêu. Nhưng.. làm sao được! Nàng giải quyết bằng cách hy sinh. Nàng hoá trang thành Đoàn Chính Thuần, nửa đêm đến bên cầu đá xanh, đấu chưởng với Kiều Phong.

Một cảnh đặc biệt tiểu thuyết võ hiệp. Đêm mưa tầm tã, sấm rền, chớp nhoáng, hai cao thủ gập nhau thanh toán nợ máu. Tất nhiên Kiều Phong không biết A Châu giả làm Đoàn Chính Thuần. Đã biết nhà họ Đoàn Đaị Lý có võ công Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm, Kiều Phong xuất chưởng với tất cả công lực của chàng. Chưởng đánh vào ngực A Châu. Kiều Phong ngạc nhiên khi thấy Đoàn Chính Thuần không đỡ gạt, không tránh né, cũng không thấy có tí síu công lực nào hộ thân. Biết có chuyện gì đó chàng thu chưởng lại. Nhưng.. không còn kịp nữa…

Không còn kịp nữa bởi vì Định Mệnh đã an bài.. A Châu, dưới vóc dáng Đoàn Chính Thuần, đứng trên cầu đá xanh, trúng chưởng bay xuống bãi cỏ chân cầu, Kiều Phong bay theo ôm nàng lên. Nàng nói nàng là con gái Đoàn Chính Thuần, nàng xin chàng tha chết cho cha nàng, nàng đã chết thay ông. Nàng nhắc lại ước mơ:

“Đại ca ơi.. Em sợ giang hồ ân oán, mưa máu, gió tanh. Em muốn Đại ca đưa em về bên kia Nhạn Môn Quan. Chúng ta sống, chúng ta yêu nhau suốt đời ở đấy. Chúng ta có nhau, có gió, có trăng, có tự do.. Ta sẽ săn hươu, đuổi thỏ…”

Ba mươi mấy mùa thu vàng đi qua cuộc đời kể từ những đêm xưa tôi đọc Thiên Long Bát Bộ. Năm ấy cuộc tình và cuộc đời A Châu làm tôi xúc động. Năm nay sau cuộc biển dâu muời chìm, hai mươi nổi, ba mươi mấy cái lênh đênh, sau những ngày, những tháng năm ngồi rù gãi háng trong những nhà tù, những ngày đêm khắc khoải, tủi nhục, vô vọng sống trong thành phố thương yêu đầy cờ đỏ, sao vàng, hình Ông Hồ, khi mái tóc phong sương, những vết roi đời in hằn trên khuôn mặt não nề, ngồi bình an ở Rừng Phong sửa lại những trang bản thảo này để chuẩn bị xuất bản, cuộc tình và cuộc đời A Châu một lần nữa lại làm tôi bồi hồi cảm khái. Tôi nhớ lại những đêm buồn ghê gớm trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, trong một đêm buồn ấy tôi làm thơ vinh danh người thiếu nữ tôi yêu, tôi thương nhất Thiên Long:

A CHÂU

Thiên Long kể lại chuyện xưa sau
Trọn tình, vẹn hiếu có A Châu.
Hiếu để trên đầu, Tình ở ngực.
Chữ Tình Em nặng, Hiếu Em sâu.
Cô Tô mắt ngọc trong như nước,
Yến Tử Tình Châu trắng một mầu.
Ông già, bà lão Em chơi kịch,
Em vẫn cười vui, có khổ đâu.
Thiếu Lâm trúng chưởng, Em gần tịch,
Đời Em từ ấy biết thương đau.

Võ lâm, nưa máu, gió tanh hôi,
Hổ đấu, long tranh mãi chẳng thôi.
Em sợ giang hồ ân oán mãi,
Đưa Em về ải, Đại ca ơi !
Nhạn Môn ngày gió, đêm trăng dãi,
Săn hươu, đuổi thỏ, chúng ta chơi.
Mộng nhỏ nhưng đời oan với trái,
Em với Tình Em nát tả tơi !

Ngàn năm ải vắng trăng soi
Này hươu, này thỏ… đợi người, người đâu ?
Thiên Long tưởng nhớ A Châu
Lòng ta lẻ một nét sầu, Em ơi …

o O o

Cảnh tuyệt đẹp và bi tráng. Đêm thu mưa gió, dưới chân cây cầu đá — cầu đá nhưng không phải cầu đá thường mà là cầu đá xanh — chàng Đại hiệp ôm nàng Trinh nữ sắp chết. Nàng chết vì chàng. Nàng nói nàng muốn chàng đưa nàng về bên kia Nhạn Môn Quan. Ở đấy có gió trăng và Tình Yêu, ở đấy không có những trận mưa máu, gió tanh, giang hồ ân oán. Ở đấy họ sẽ yêu thương nhau, sẽ sống với nhau mãi mãi…Mộng ước đúng là nhỏ thôi. Chàng đưa nàng về Nhạn Môn Quan quá dễ. Nhưng dễ đây là dễ với ngày hôm qua, với sáng nay, trưa nay, không còn dễ với lúc này, không còn dễ trong đêm nay. Bởi vì nàng sắp chết. Bây giờ dù có võ công lệch đất, nghiêng trời chàng cũng không thể giữ cho nàng đừng chết.

Đại hiệp khóc. Không những Đại hiệp chỉ khóc mà thôi, Đại hiệp còn khóc mùi mẫn, khóc nghẹn ngào, khóc nức nở, khóc vỡ tim, khóc đứt ruột. Khi đau thương Đại hiệp cũng khóc như ai. Đừng nói gì đến Đại hiệp, khi đau thương thì đến Đại vương uy danh cái thế cũng khóc. Bằng chứng:

Ô Giang vó ngựa ngập ngừng
Cùng đường Hạng Vũ, đoạn trường Ngu Cơ…
Anh hùng lệ cũng sa mưa..

Hạng Vũ khóc khi Ngu Cơ tự sát.

A Châu tắt thở rồi, Kiều Phong ôm nàng ngồi dưới mưa khóc mãi. Chàng không nỡ rời nàng. Nhưng khi chàng chôn nàng, chàng dùng tay bới đất thật nhanh, chôn nàng bên bờ dòng sông trắng. Lấp đất xong chàng bỏ đi luôn. Kim Dung diễn tả hành động của Kiều Phong không những chỉ hay mà còn thật đúng. Người đa tình nhiều lúc hành xử giống như người vô tình. Người yêu đã chết, trái tim đã vỡ, cuộc tình đã đứt, thương khóc đã xong. Đi thôi, có còn gì đâu mà quyến luyến…

Đến đây ta làm một đọan trở về quá khứ, tức là rời hiện tại để trở lại với sự việc xẩy ra trước đó — thuật ngữ xi-la-ma gọi việc này là flashback — có sự théc méc:” Nếu Đoàn chính Thuần không phải là Thủ Lãnh Đại ca, tại sao ông ta lại nhận ông là Thủ Lãnh Đại ca và chịu để cho Kiều Phong đòi nợ máu? Tức là nhận lời đêm ấy ra Thạch Thanh Kiều đấu chưởng — Thanh toán OK Corral — với Kiều Phong?”

Đoàn Nam Vương — đúng ra — hổng có nhận mình là Thủ Lãnh Đại ca. Đôi bên có sự hiểu lầm. Người đòi nợ không nói rõ về khoản nợ, người mắc nợ cũng không hỏi rõ về nơ nần của mình. Đại khái nội vụ xẩy ra như vầy:

Kiều Phong gập Đoàn Chính Thuần ở đâu đó. Đôi bên thi lễ vv và vv… Kiều Phong nói:

— Ba mươi năm xưa ông đã làm một việc tồi bại ở Nhạn Môn Quan…

Lời kết tội mơ hồ đến cái độ có thể nói là mơ hồ nhất trên cõi đời đầy những chuyện mơ hồ này. Đoàn Chính Thuần, như đã nói, là Vua Playboy cơm hàng, cháo chợ, vợ mười phương, con rơi, con vãi loạn trên đường.. Vô phúc cho Đoàn Chính Thuần, đúng ra là không may cho A Châu, bị kết tội Đoàn Chính Thuần nhớ lại ba mươi mùa lệ chi chín đỏ trước đây ông ta có làm một chuyện bị gọi là “tồi bại” ở Nhạn Môn Quan. Kim Dung không viết rõ cái gọi là “việc tồi bại” ấy của Đoàn Chính Thuần là việc gì. Song người đọc chẳng cần tinh tế chi mấy cũng biết ngay, biết chắc cái “việc tồi bại” của Vua Ta chỉ là việc ba mươi năm xưa Vua từ nước Đại Lý ở tận cùng củ tỉ miền Nam bánh xe lãng tử lên tuốt tận Nhạn Môn Quan ở tít mú miền cực Bắc với mục đích thưỡng lãm phong cảnh biên thuỳ và thưởng thức phụ nữ biên thùy. Vua đã — nói huỵch toẹt ra cho nhanh gọn — gập một thiếu nữ biên thùy, Vua hứa cưới nàng, Vua phá trinh nàng và Vua phú lỉnh… Đoàn Chính Thuần chỉ có thể phạm cái tội đó thôi, Vua đâu có thể phạm cái tội nào khác. Nhớ lại cái gọi là “tội” đó, Vua nhận:

— Túc hạ nói đúng. Ba mươi năm xưa ta có làm một việc đáng xấu hổ ở Nhạn Môn Quan. Ta vẫn ân hận mãi…

Kiều Phong:

— Hôm nay tôi là người đến đòi Nhà Vua phải trả món nợ đó..

Đoàn Chính Thuần:

— Túc hạ cho ta biết ta phải gập túc hạ ở đâu?

— Đúng nửa đêm nay, tôi chờ Nhà Vua ở Thạch Thanh Kiều.

— Ta sẽ đến!

Thật là vớ vẩn, ấm ớ. Hà tiện tiền bạc, ai lại hà tiện lời nói. Chỉ vì không chịu hỏi lại cho kỹ, vừa nghe kể tội là nhận tội ngay nên Đoàn Nam Vương làm A Châu chết thê thảm, chết oan uổng. Phải chi cuộc đối thoại diễn ra như vầy:

— Ba mươi năm xưa Nhà Vua đã làm một việc tồi bại ở Nhạn Môn Quan..

— Túc hạ nói chi? Ký gì là việc tồi bại?

— Ba mươi năm xưa Nhà Vua là Thủ Lãnh Đại ca thống lãnh một đám cao thủ võ lâm lên Nhạn Môn Quan, phục kích giết chết cha mẹ Kiều mỗ. Nay Kiều mỗ yêu cầu Nhà Vua cho Kiều mỗ được báo thù..

— Ý chời.. Kiều bằng hữu nói chi? Lạ rứa? Bằng hữu nói ta là Thủ Lãnh Đại ca ư? Bằng hữu đừng có khôi hài, rỡn chơi chọc quê ta như dzậy chứ? Ta mà là Thủ Lãnh Đại ca ư? Ha.. Ha.. Sức mấy.. Không dám đâu.. Võ lâm trung nguyên có hết nhẵn cao thủ chức Thủ Lãnh Đại ca cũng chẳng có đến tay ta.. Võ công của ta chỉ xử dụng với đàn bà đẹp, đa tình thôi. Mà ta có oán thù gì với lệnh song thân mà ta lại vất vả lên tận Nhạn Môn Quan để hãm hại nhị vị? Cả đời ta có đánh nhau với ai bao giờ đâu? Bộ ta hết chuyện làm, chuyện chơi rồi hay sao mà ta lại đi giết người? Kẻ nào ác độc nói với bằng hữu ta là Thủ Lãnh Đại ca?

Bạn có thể nói nếu sự việc xẩy ra như vậy thì đó là chuyện khôi hài rồi, đâu còn là tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình long tranh, hổ đấu, mưa máu, gió tanh nữa? Đúng vậy. Tiểu thuyết khôi hài nhiều khi vô duyên nhưng được cái là không làm hại ai, không làm ai chết oan, chết lảng nhách. Việc hỏi kỹ cũng dzậy. Bài học Luân Lý Giáo Khoa Thư kiêm Công Dân Giáo Dục ta rút ra được đoạn Thiên Long này là: Người đi đòi nợ có thể không cần nói rõ từng chi tiết khoản nợ nhưng người bị đòi nợ thì không thể không hỏi thật kỹ về khoản nợ của mình. Khoan nói đến chuyện mình có thể bị mất mạng hay bị đánh hộc máu mồm, chỉ cần nói khi mình có thể bị tù tội vài niên vì cái gọi hết sứ mơ hồ là “việc tồi bại”, mình phải hỏi thật kỹ — mình có quyền, mình có bổn phận — cái “việc tồi bại” ấy là việc gì? Tại sao lại cho đó là việc tồi bại? Mình làm việc đó hồi nào? Ai làm chứng? Người làm chứng có thể tin được không? vv… Và việc ta phải làm khi ta bị kết tội là chối phắt đi. Đừng có nhận. Ít nhất cũng đừng có nhận tội ngay. Đợi đến lúc ta không sao còn chối được nữa, hoặc khi ta thấy ta chối ta sẽ bị thiệt hại hơn ta nhận, ta nhận cũng vừa.

Bài Công Dân Giáo Dục thứ hai là: Khi cần khóc ta cứ khóc. Đừng có mặc cảm. Anh hùng khí bạt sơn như Hạng Vũ lúc phải khóc cũng khóc, huống hồ là ta!

o O o

Tháng 10 năm 2007 sống ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, khi viết những dòng chữ quí bạn vừa đọc, có lúc tôi ngừng viết, tôi bùi ngùi nhớ lại năm xưa khi tôi đọc truyện Thiên Long Bát Bộ. Năm ấy tôi ba mươi tuổi.

Hôm nay, một ngày Tháng 10 năm 2015, cũng ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, khi viết những dòng chữ này, tôi ngậm ngùi nhớ lại tâm trạng tôi bẩy năm trước khi tôi viết Thiên Long Tình Sử. Cũng trên bàn này, computer này, trong căn phòng này.

Tôi tặng bạn những dòng chữ này, bạn là người 50 năm trước từng đọc Thiên Lòng Bát Bộ ở Sài Gòn của chúng ta.

www.hoanghaithuy.com

scorpion

Tháng Giêng năm 2008, BT, người bạn trẻ của tôi ở Hoa Kỳ — anh là độc giả tiểu thuyết phóng tác cuả tôi từ những năm 1970 xa xưa — bảo tôi:

– Em làm cho bác Trang Web, post toàn những bài viết của bác.

BT làm cho tôi trang “www.hoanghaithuy.com.” Thật đẹp, sang. Đẹp, sang ngoài sự mong đợi của tôi. Mở xem trang Web của mình, tôi — mượn ngôn từ Duyên Anh — “sướng rên mé đìu hiu.” Cho đến khi người bạn trẻ làm cho tôi Trang Web, tôi chẳng bao giờ mơ ước tôi có Trang Web của riêng tôi. Tôi cám ơn BT.

Như vậy là Tháng Giêng 2008 tôi có trang hoanghaithuy.com. Đến nay – September 2015 – trên hoanghaithuy.com có 600 bài Viết ở Rừng Phong.

Người đọc những trang Web Internet có cái thú mà người đọc báo giấy không có là có thể viết ngay ra ý kiến của mình về bài mình vừa đọc, gửi đăng lên Trang Web đó, đăng ngay dưới bài viết đó — khen, chê, chửi, góp ý, bàn loạn xây dựng, đả phá, nghiêm túc, ba lơn, ba đá, ba gai, ba xạo, tếu, tha hồ — hôm nay, tôi trích một số ý kiến của quí vị đọc tôi trên “hoanghaithuy.com.” Nhiều Thư hồi âm đến từ Sài Gòn, Hà Nội. Những thư gửi lại này cho tôi thấy hoanghaithuy.com được đọc ở Sài Gòn, Hà Nội

Mời quí vị đọc:

Thư gửi từ Sài Gòn.

linhCQD, September 14, 2008:

Con là độc giả của bác, con đang sống tại Sài Gòn (Thành Hồ). Hôm nay đọc bài bác viết về chuyện bọn Việt Cộng cướp đất của dân, con góp ý: Việc chiếm, cướp đất, cướp nhà, cướp tài sản của nhân dân do giới cầm quyền cộng sản làm là một chuyện dài, và là nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hành động của giới cầm quyền cộng sản. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua lịch sử cầm quyền của họ:

Trước tiên là cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, sau khi họ nắm được chính quyền năm 1954. Sau đó là các chiến dịch chống tư sản, mại bản sau 1975 tại Miền Nam, còn được biết dưới các tên như chiến dịch X1, X2: bằng cách tịch thu cơ xưởng, nhà cửa, phương tiện sản xuất của các nhà tư sản và các đợt đổi tiền, là cách cướp tài sản của toàn dân, chưa kể đến việc xẻ thịt các khu đất công, các doanh trại quân đội, các công sở — xẻ để chia chác –  dù sao đó cũng là “chiến lợi phẩm” của họ. Họ thắng, họ được hưởng.

Nhưng ngày nay, những thứ mật mỡ kể trên còn đâu nữa, và lấy cái gì để đáp ứng lòng tham không đáy của đám cộng sản mới lên, gọi là đám cán bộ kế cận, kế thừa! Thế là các đồng chí cộng sản mới đưa ra các biện pháp như sau:

Một: tìm mọi cách, mọi lý do để gây khó khăn trong việc cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho dân.

Hai: thực hiện triệt để các chiến dịch “giải tỏa, đền bù”, giống như những chiến dịch X1, X2: đuổi người dân đi chỗ khác để lấy nhà, đất của họ. Khi bị đuổi đi, người dân đâu dám hó hé gì vì họ chẳng có mãnh giấy lận lưng để chứng minh họ là chủ sở hữu căn nhà, mảnh đất. Thế thì đất đó đương nhiên là đất của toàn dân tức là của cán bộ.

Nhưng ngày nay, ngay cả những biện pháp cướp đất lưu manh như trên cũng có vẻ không thỏa mãn được các đồng chí cán bộ  của Đảng ta, thế là họ đưa ra một chiêu thức mới keng; hiện nay nhân dân ngụ tại đường Mai Văn Vĩnh, Phường Tân Kiểng, Q. 7, Tp. Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh màn trời chiếu đất bởi chiêu thức như sau:

Giới lãnh đạo “dựng” lên một tên đóng vai chủ đất, đi kiện những người làm nhà trên đất của hắn; tên tự nhận là chủ đất có thể là một tên xì ke lưu manh nào đó hoặc là con em của một trong các đồng chí lãnh đạo. Các đồng chí cán bộ “liêm chính” Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân, rất nhanh, xếp lịch lên ngày xử vụ kiện đòi đất, và đương nhiên là phía nguyên đơn thắng kiện. Đất phải trả lại cho chủ đất “hợp pháp” bao nhiêu nhà dân trên khu đất ấy đi đâu ở thì đi. Tiếp theo là việc thi hành án lệnh. Người dân đen “được” viên chức các ban ngành, đại diện đoàn thể dân, quân, chính đảng “mời” ra khỏi nhà. Không ai cần biết đến chuyện mất nhà, họ về đâu, đi đâu để sống.

Ai không tin chuyện này, mời ghé qua khu vực đường Mai Văn Vĩnh, phường Tân Kiểng, Q. 7, Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày của tháng 8, tháng 9 năm 2008 mà hỏi, mà xem.

Người cộng sản là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, họ là những người văn minh, tài giỏi nên họ luôn luôn sáng tạo ra các chiêu thức làm giàu mới, để ngõ hầu thay đổi thành phần giai cấp của họ, từ bần cố nông, công nhân, trở thành những nhà tư bản dân tộc, có máy bay riêng và xe hơi cả triệu đô la Mỹ!

Con đọc chuyện xưa, tích cũ của bác con thích lắm. Nhưng con nghĩ bên cạnh chuyện xưa, chúng ta cũng phải nói về chuyện nay, và tìm cách thông tin rộng rãi những chuyện đang xẩy ra hôm nay ở quê nhà cho đồng bào chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới đọc được và hiểu được tính “nhân văn, nhân bản” của giới cầm quyền ngày nay tai Việt Nam. Vì nếu không người dân, nhất là người dân Việt sống ở nước ngoài, có thể cứ tưởng rằng cộng sản ngày nay đã đổi mới, người cọng sản đã trở thành các ông tiên, bà tiên hết rồi!

Truc Thanh, Saigon, August 26, 2008:

Cám ơn Chú đã viết về Nữ Nghệ Sĩ Phượng Liên. Cháu không “mê” Cải Lương, nhưng trước 30/4/1975 tài nghệ diễn xuất điêu luyện của các cô Thanh Nga, Phượng Liên, Ngọc Giàu, các ông Thành Đươc, Thanh Tú, Thanh Hải thì dù trải qua bao nhiêu thời gian chúng ta không thể phai đi lòng ái mộ. Cô Phượng Liên, người nữ nghệ sĩ có vẻ đẹp sang cả, nụ cười dễ thương, bây giờ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, còn Nghệ sĩ Diệp Lang thì đã sớm “hội nhập” nên đươc làm “nghệ sĩ nhân dân.” Cũng tốt thôi. Cháu biết những chuyện về đời sống của những nghệ sĩ xưa qua những trang báo điện tử hải ngoại, sau ngày 30/4/75 cháu không theo dõi những chuyện văn học, nghệ thuật qua những tờ báo trong nước. Chú nhận xét rất đúng về diễn xuất của ông Diệp Lang, còn với cô Phượng Liên cháu rất ngưỡng mộ.

o O o

Đây là mấy lá Thư Chê, Thư Chửi đến từ Sài Gòn, Hà Nội:

* Thăng, April, 2008:

Bọn tụ tập trong Web này là mấy thằng điên

* Yêu nước, April 9, 2008:

Tại sao thế giới này lại có những người bẩn thỉu và nhơ nhuốc như cái bọn phản động chúng mày?  Sao chúng mày kô tự dí súng vào đầu mà làm đoàng 1 phát? Bọn bán nước, bán đồng bào!

* Vietnam_unity, July 17, 2008:

Đúng là càng già càng lẩm cẩm. Mơ cái gì thế, thưa cụ HHT? Cái ngày mà cụ đang mơ ấy nếu có xảy ra thì cụ cũng xuống ngủ với giun được vài thế kỷ rồi. Con cháu cụ nó còn chẳng nhớ đến cụ nữa huống chi là nhớ đến cái tên VNCH. Thôi, già rồi, còn hưởng được cái gì thì tranh thủ mà hưởng đi cho khỏi tiếc. Cái ăn được thì không ăn, ngồi đó mà mơ với chẳng mộng. Đúng là dở hơi!

o O o

Điện Thư hồi âm ở hải ngoại:

* Nguyễn Mai, August 16t, 2008:

Đọc bài viết của bác HHT về ông VHS quá xá đúng Chắc bà chủ bánh bao Cả Cần hồi trước 75 réo tụi VC ra chửi trên kịch Thép Súng quá trời quá đất, nên ông VHS sợ thành ra hèn (?) ông lập công với chủ mới mà phủi ơn chủ cũ. Tình đời !!! Còn một người làm văn nghệ cũng giống y hịch như dzậy. Đó là ông Sơn Nam, ngườu vừa mới đi theo “Bác Hồ.” Xin Bác HHT “chạy nhật trình” một bài về nhà văn SN. Đa tạ bác trước.

* datchau, July 5, 2008:

Bác viết hay quá xá là hay nhưng mà bác làm ơn ráng viết nhiều hơn nữa, vì năm nay bác nhiều tuổi rồi, chúng cháu không còn bao nhiêu thời gian dể đọc những bài viết đầy tình người của bác. Kính chúc bác và bác gái luôn bình an

* Topa, August 4th, 2008:

Nhìn bản đồ khu Lê Quý Đôn gợi tôi nhớ đến một chuyện xưa thật đau lòng, xin kể: Vì thời thế, vì công việc đưa đẩy tôi, Topa, đến với gia đình ông Tôn Ngọc Chắc, ông công chức cao cấp Bộ Nội Vụ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Chắc nghỉ hưu từ lâu trước ngày đại biến 30/04/1975. Ông là chủ nhân rạp hát Quốc Thanh và chung cư Quốc Thanh. Tôi đến với gia đình ông tại biệt thự số 41 đường Lê Quý Đôn, Quận 3, Sài Gòn.

Vài năm trước ngày 30/04/1975, một bọn cướp đột nhập biệt thự này, bọn cướp làm chết người vợ yêu quý của ông Tôn Ngọc Chắc. Thời đó báo chí Sài Gòn đăng tin về vụ này trong nhiều ngày. Sau ngày bi thương của đất nước, ông Tôn Ngọc Chắc bị Cộng sản bắt giam, có thể vì ông già và bệnh hoạn nên ông chỉ bị giam hơn một năm tại Nha Cảnh Sát Đô Thành đường Trần Hưng Đạo.

Ngày ông bị bắt, nhà cầm quyền Quân Quản cho một trung đội bộ đội đến chiếm đóng biệt thự số 41 đường Lê Quý Đôn của ông. Những người bộ đội đó đã đào, móc, bới tung lên từng viên gạch trong nhà, cạy phá nhiều mảng tường, trần nhà để tìm tài liệu và vàng.

Khi tôi đến biệt thự của ông, tôi phải cho sửa sang lại phần lớn toà nhà mới có thể tạm ở được. Một hôm, đứng trên ban-công nhà này, tôi thấy Lê Duẫn đến thăm bà Hai, tức là bà nhỏ, phòng nhì hay phòng ba, phòng bốn, phòng năm gì đó của ông ta, ở toà nhà đối diện với biệt thự số 41 Lê Quý Đôn.

Ông Tôn Ngọc Chắc có bốn người con, hai trai, hai gái, người con gái lớn tên là Tôn Thị Ngọc Phú có người chồng năm ấy đang bị tập trung trong trại cải tạo. Người con gái kế thì nửa tỉnh nửa mê vì bị tình phụ. Còn hai người con trai thì một người bị mất trí. Cuộc sống của gia đình ông quá đỗi bi đát và túng quẫn. Ông Chắc không muốn tiếp xúc với bất cứ một ai. Ngày ngày ông thả bộ đi trên các con đường xung quanh nhà như để suy ngẫm về những đổi thay của cuộc đời và sự đổi thay của lòng người. Người quản lý rạp hát Quốc Thanh và chung cư Quốc Thanh là tên Việt Cộng nằm vùng. Người con trai lớn của tên VC nằm vùng này tên là Hoàng, tự Hoàng Cao, là bạn thân của tôi trước ngày đau thương 30 Tháng Tư..

* Topa, August 12, 2008:

Công Tử Hà Đông viết: “Những tên Việt Cộng ác ôn hành hạ nhân dân ta, chúng tàn nhẫn giết hại anh em ta, con cháu ta. Bao nhiêu người đã chết cho chúng ta sống từ năm 1954, bao nhiêu người đã chết thê thảm từ sau Ngày 30 Tháng Tư 1975? Làm sao chúng ta quên tội ác của bọn Việt Cộng ác ôn? Quên thù hận chúng là ta phản bội những người đã chết.” Thảm thiết làm sao! Phẫn hận quá đỗi!

Trong số người Việt hải ngoại có nhiều người đã quên thù hận bọn VC, họ nâng bi chúng để rồi quay lại mạt sát những ai không chịu nâng bi VC như họ.

Tôi thương và nhớ ông Tôn Ngọc Chắc, người đã chết trong cô đơn và nghèo khổ. Ngày 16/07/1979 tôi đến và ở trong biệt thự số 41 đường Lê Quý Đôn, tại đây tôi thường gặp, tôi ăn uống thường xuyên gần như mỗi ngày với ba người rất nổi tiếng của miền Nam Việt Nam, và một người nổi tiếng khác tôi tình cờ được gặp. Ba người mà tôi thường gặp là anh Nguyễn Văn Ngôn “tả biên” của Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà, và vợ chồng nghệ sĩ Phương Hồng Ngọc & Ngọc Đức. Một hôm, tình cờ tôi gặp nữ danh ca Giao Linh, Nữ Hoàng Sầu Muộn, đến biệt thự nhận bộ dụng cụ tập thể dục do cô Tôn Thị Ngọc Phú, trưởng nữ của ông Tôn Ngọc Chắc, tặng. Nữ danh ca Giao Linh ngày hôm đó cho tôi thấy ngoài giọng ca làm muôn muôn triệu trái tim người hâm mộ nàng thổn thức, nàng còn có biệt tài “điều binh khiển tướng” nữa. (CTHĐ: Điều binh khiển tướng: đánh bài Chắn Cạ.)

Tại biệt thự này, lần đầu tiên tôi được nghe “Chuyện Buồn Ngày Xuân”của Nhạc sĩ Lam Phương qua giọng ca nức nở của Nữ danh ca Thanh Thúy.

Trong bốn người nổi tiếng của miền Nam Việt Nam mà tôi gặp năm xưa, ai là người hiện nay đã quên hận thù, quên Những Tháng Năm Phẫn Hận do kẻ thù gây ra biết bao nhiêu là thảm cảnh trên quê hương miền Nam thân yêu?

HHThủy viết: Không biết ông Topa hay bà Topa. Chỉ biết Topa là người hiện sống ở Sài Gòn, không biết ông đến nhà ông Tôn Ngọc Chắc với tư cách gì? Ông viết ông đến nhà ông TN Chắc “vì thời thế, vì công việc,” ông là người của chính quyền CS chăng?

Một buổi sáng không nhớ tháng mấy, năm 2005, tôi ngồi trong tiệm Phở Nguyễn Huệ, Chủ nhân Ông Cảnh Vịt, một ông đến bắt tay tôi, nói:

– Em là Ngôn, Minh Ngôn, cầu thủ banh tròn xưa. Em đồng ý với tất cả những gì anh viết.

Phải ông Ngôn này là ông Nguyễn Văn Ngôn, tả biên Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà trong điện thư Topa trên đây chăng? Túc Cầu VNCH chỉ có một Tả biên Nguyễn Văn Ngôn thôi. Làm sao có hai ông?

* Phạm Thái, July 15, 2008:

Kính gởi đàn anh CTHĐ. Trước 1975 đàn em quen một nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn ban Anh Văn, nàng nguyên là nữ sinh Trường Đầm Couvent Des Oiseaux trên Đà Lạt. Thấy nàng thích đọc tiểu thuyết tôi hỏi nàng thích nhà văn nào nhất, và được trả lời nàng thích nhất Nhà văn Hoàng Hải Thủy. Thế là vào dịp sinh nhật nàng, tôi mua quyển “Như Chuyện Thần Tiên” của HHT tặng nàng. Sau đó tình bạn của chúng tôi thân thiết hơn. Vì vậy hôm nay tôi có vài hàng chữ bày tỏ lòng biết ơn Nhà văn HHT, và để ghi lại một kỷ niệm có liên can tới Nhà văn.

HHThủy: Ông Phạm Thái Tiêu Sơn Tráng Sĩ ơi. Nàng Quỳnh Như của ông thích tiểu thuyết của Nhà Văn HHT, Nàng đâu có thích Nhà Văn. Tôi rất cảm khái khi đọc Thư ông, cảm khái vì được biết chắc tiểu thuyết Như Chuyện Thần Tiên, ít nhất, cũng có một người mua, một người đọc. Và Như Chuyện Thần Tiên, ít nhất, cũng giúp ích được cho một người.

* Topa, September 17, 2008:

Kính chào Công Tử,

Tôi là Topa đây, tôi  là đàn ông “một chăm phần chăm” tôi hiện đang sống ở hải ngoại chứ không phải ở Sàigòn  (may mắn thay ). Tôi cũng là bạn và là (vai) em của anh Ký giả Hồng Dương, vì tôi nhỏ tuổi hơn anh ấy nhiều lắm mà sự giao tiếp giữa anh ấy và tôi tuy không dài nhưng khá gắn bó, và đó cũng là: “vì thời thế vì công việc”mà ra. Vì thời thế: không còn thời của Việt Nam Cộng Hòa nữa. Vì công việc: Tổ chức vượt biên.

Nhà của Ông Tôn Ngọc Chắc mà tôi đến ở một thời gian cũng là “vì thời thế,vì công việc” là vậy.

Tôi là tên chống cộng sản Việt Nam (âm thầm) ngay từ ngày 30/04/75 nên vào năm 1978 công an phường đã đem tôi ra trước một số người dân thuộc liên phường (hai phường) anh công an nói:

“Từ ngày “giải phóng” đến nay anh… không tham gia bất cứ một công việc gì, kể cả làm vệ sinh phường, anh… chống lại cách mạng vì việc làm của anh trước đây là…. anh vẫn nuôi hy vọng bọn Mỹ sẽ quay lại với anh. Tôi nói cho bà con biết là: Cha của thằng Mỹ cũng không bao giờ dám vác mặt đến đây nữa; chúng tôi sẽ cho anh… đi học tập cải tạo trong một ngày gần đây…”

Từ đó mọi người xa lánh tôi vì sợ bị liên lụy. Ngày hôm đó cộng sản cũng đưa ông cựu Trưởng phường của VNCH ra đấu tố.

Sau này tôi đã chi nhiều tiền mua chuộc mấy tên cán bộ cấp cao để cho tên công an chuyên uống máu chó (tôi đã được một lần chứng kiến tên công an này uống máu chó từ cái cổ của con chó mới bị cắt) và hách dịch này ra khỏi ngành công an và chuyển qua quân đội rồi bị đưa qua Campuchia.

Có một điều thật lý thú là vào giữa Tháng Tư 75 tôi được nói cho nghe là miền Nam sẽ mất vào cuối tháng Năm (chứ không phải tháng Tư.) Sau đó Việt Nam sẽ đánh Campuchia, rồi Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam và, sau Hai Mươi Năm Nữa Mỹ Sẽ Trở Lại Việt Nam. Những ngày buồn thảm nhất trong cuộc đời vì phải bị sống dưới chế độ man rợ khát máu tôi đã sướng rên… hơn lần đầu khi hai phần ba chuyện đã xảy ra. Một phần còn lại thì cũng đã xảy ra như… đã nói.

Tôi lại có cái số được quen, được làm bạn với những người (cũng) làm lớn của chế độ cộng sản nên tôi biết nhiều chuyện lắm. Một ông đại sứ cộng sản đã làm bạn với tôi rồi nghe lời tôi (xúi dại) giúp một Việt kiều bị hại tại Việt Nam để rồi sau khi ông ấy mãn nhiệm kỳ và về nước, mọi chuyện bị vỡ lỡ ông ta bị bắt giam vào năm 2007. Tôi mất liên lạc với ông ấy từ năm đó.

Tại sao tôi lại gọi sự giúp đỡ đó là xúi dại? Vì tên Việt kiều đó sau khi được cứu đã phủi đít lại với tôi. Cũng như ngài Ngọc Đức vậy, tôi giúp con của ngài ra đi và tôi chỉ lấy tượng trưng có một cây thôi (vì mỗi ngày ngài ăn và uống bia của tôi còn hơn số tiền một cây đó) vậy mà khi con của ngài đến Nam Dương (sau này người con này đã bảo lãnh ngài qua Pháp) thì ngài trốn tôi luôn. P.H.Ngọc, vợ của ngài là người rất tốt và nhẫn nhịn nên có lẽ vì không còn chịu dựng được người đàn ông thô tục đó (nàng) phải chia tay ngài. Ngài về VN và vì ngài còn được cái tiếng tăm của những năm xưa nên được bà chủ tiệm hủ tiếu Nam Vang ở đường Trần Quý Cáp Quận Ba lấy làm chồng.

Nguyễn Văn Ngôn, tả biên, người không cao (có lẽ vì lùn nên chạy rất nhanh chăng và vì vậy rất nổi tiếng… một thời) Minh Ngôn, có lẽ không phải “Ngôn tả biên”, tôi nghĩ vậy và tôi tin vậy vì bao nhiêu tháng ngày qua lại với nhau “Ngôn tả biên” không bao giờ nói và có hành động như vậy.

* Thy Huynh, April 12, 2009:

Kính mong nhà văn Hoàng Hải Thủy luôn được an khang, trường thọ vì tác phẩm của ông lúc nào cũng hấp dẫn độc giả bốn phương từ mấy mươi năm trước cho đến bây giờ.
Saigon, tháng 4 , 2009

* Phương Lê:

Kính Bố Già CTHĐ,

Được đóng góp tí công lao để dựng lại màn ảnh chiếu lên một cuốn phim độc đáo mà Bố Già đã thực hiện, đã làm tôi vinh dự và sung sướng lắm rồi!

Hồi nhỏ, mỗi lần được thầy giáo sai ôm phụ tập vở mang về nhà cho thầy chấm đìểm, lúc nào tôi cũng cảm thấy “sướng rên mé đìu hiu” vì được thầy tin tưởng. Cảm giác được giao cho “gõ” quyển tiểu thuyết Như Chuyện Thần Tiên này cũng tương tự như thế.

Đọc lại “Như Chuyện Thần Tiên,” tôi như sống lại trong thiên đường nhỏ của quãng đời niên thiếu năm nào.

Một lần nữa, cám ơn Bố Già đã ban cho bọn nhóc chúng tôi cái thiên đường ảo đầy phiêu lưu và tình tứ này. Nó đã nhiều lần làm tôi tạm quên đi cái địa ngục có thật đã đày đọa tuổi trẻ chúng tôi ở VN vào cuối thập niên 70.

* Phương Lê:

Tôi còn nhớ năm xưa, đoạn văn này chính là kim chỉ nam nghệ thuật tán gái mà bất kỳ cậu trai nào mới nứt mắt ra cũng phải thuộc nằm lòng và biết áp dụng để cho đời khỏi cô đơn :

(Trích)… Nhưng để cho người đàn bà có chồng biết rằng nàng đẹp, nàng quyến rũ và cuộc đời còn có người đàn ông khác ngoài chồng nàng ao ước được gần nàng không phải là một trọng tội, miễn là thành thật. Nếu chúng ta không chịu nói ra những lời chúng ta muốn nói Thượng Đế còn sinh ra lời nói để làm gì ?… (ngưng trích).

Cậu trai mới nứt mắt ra đã được Bố Già “dậy dỗ” năm xưa ấy chính là … tôi !

Cám ơn công giáo dục của CTHĐ lần nữa !

* Phương Lê. April 28, 2010:

Xin đính chính : ý tôi muốn nói câu nói này áp dụng cho cả đàn bà có chồng và chưa chồng. Toàn bộ chân lý nó nằm ở câu cuối cùng đó, thưa các bác :

“Nếu chúng ta không chịu nói ra những lời chúng ta muốn nói (thì) Thượng đế  sinh ra lời nói để làm gì ?”

* Giang Anh, April 26, 2010:

Có lẽ công tử nhớ sai một chi tiết nhỏ và vô hại trong câu chuyện về Khổng Minh : Khổng Minh sang Đông Ngô thì không có Lữ Bố. Lữ Bố chưa bao giờ ở dưới trướng Tôn Quyền. Kẻ tranh biện với Khổng Minh ở Đông Ngô là Trương Chiêu (?). Nhưng dù là ai, chi tiết này không làm giảm tình tiết rất gay cấn và hấp dẫn của câu chuyện. Mong Công tử tha lỗi, nếu tôi nhầm.

CTHĐ: Năm xưa tôi viết “Tử Bố.” Thành ra “ Lữ Bố” có thể là do lỗi của anh em xếp chữ: Chữ T viết tháu giống chữ L. Bạn Giang Anh không lầm. Cám ơn bạn.

* namphục, April 26, 2010:

… Như Gia Cát Khổng Minh, sư phụ tôi, khi sang Đông Ngô dụ cho Đông Ngô đánh Tào Tháo, là một biện sĩ chứ không còn là mưu sĩ nữa. Nếu không chịu nổi những lời chết cây, gẫy cành, làm sao sư phụ tôi thuyết phục được Tôn Quyền, đánh đổ được lập luận chủ bại của bọn Lử Bố ?

Tôi đoán đây có thể là do lỗi ấn công. Thông bác kim cổ như Công Tử có lẽ không sai sót điều này!

“Lử Bố” trong đoạn trích ở trên có thể đã bị xếp lộn từ chữ Tử Bố, tên hiệu của Trương Chiêu, cũng như Tử Long của Triệu Vân, Vân Trường của Quan Công, Dực Đức của Trương Phi hay là … Công Tử Hà Đông của nhà văn Hoàng Hải Thủy!

Hiện tôi đang đánh máy lại truyện Người Vợ Mất Tích của CTHĐ. Việc tôi làm sắp xong. Tôi thấy lỗi chính tả do ấn công trong pho này cũng đầy rẫy như rươi!!

* bacthanApril 26, 2010:

Các bác nói đúng. Em có Như Chuyện Thần Tiên bản in gốc trong tay nên dò lại được và thấy lời truyện có lỗi nhiều quá. Câu trước dùng “xuồng” câu sau dùng “suồng” loạn cào cào. Những chỗ nào tác giả sửa em để nguyên, chỗ nào bản gốc khó hiểu em cũng để nguyên, chỉ sửa những lỗi xếp chữ và chấm phẩy.

Em cảm thấy hơi áy náy nhưng phải làm thôi.

* Phương Lê,  April 26, 2010:

– Bác NamPhuc : Xin bái phục và cám ơn bác đã chia sẻ nhận xét của bác về những lỗi ấn công trong truyện này. Riêng tôi, tôi không thể nào hiểu nổi một ngưòi có sở học uyên bác như Bố Già CTHĐ lại có thể lẫn lộn nghiêm trọng đến thế. Bởi vì Lữ Bố :

  1. Chưa bao giờ đầu quân cho nhà Ngô;
  2. Bị Tháo giết ở lầu Bạch Môn ở hồi thứ 19 Tam Quốc Chí sau khi thất trận ở thành Hạ Bì, có đâu mà ngồi ở triều đình nhà Ngô để hạch sách Khổng Minh ở hồi thứ 43 ?
  3. Là một võ tướng kiêu dũng, nhưng hữu dũng vô mưu, không thể lý sự tay đôi với Khổng Minh được.

Té ra, lỗi chính tả vì ấn công, không phải vì Bố Già lầm lẫn ! Tôi không nén nổi tiếng thở phào …

– Bác Bắc Thần và các bác nói quá đúng ! Tôi gõ “Như chuyện thần tiên” nên nhiều lần tôi  ngỡ ngàng vì những lỗi chính tả (suồng = xuồng, xong = song v v…) hoặc những lỗi văn phạm (chấm, phẩy) đầy dẫy! Những lỗi ấy đôi khi rất ngớ ngẩn ! Gặp thầy Việt Văn của tôi hồi đó mà tôi viết như thế, chắc chắn là ăn trọn một cặp hột vịt lộn ! Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức, có lỗi lầm đến mấy cũng không làm cho Như Chuyện Thần Tiên mất hấp dẫn tí nào. Truyện quá hay, cuộc tình quá đẹp nên làm tôi ngơ ngẩn lạc vào mê hồn trận, đến nỗi hồi đó, tôi cứ đọc đi đọc lại Như Chuyện Thần Tiên mà không thấy chán, cũng không thấy một nửa lỗi chính tả và văn phạm như khi tôi ngồi gõ lại từng chữ

* Giang Anh, April 27, 2010:

Như Chuyện Thần Tiên hay ngoài sức tưởng tượng của tôi. Hay quá là hay !!! Hồi hộp, gay cấn, kinh dị, lãng mạn… ! Tôi chỉ định đọc chơi vài đoạn, mà rồi rời ra không nổi, cứ phải đọc cho tới hết truyện, dù mệt và mỏi mắt quá trời. Tuyệt vời !!!

* Phi Tran, May 1, 2010:

Như Chuyện Thần Tiên thật hay. Cám ơn tác giả.

* Vincent Sou, November 21, 2008

Hoàng hải Thủy, tôi biết anh. Tôi thấy nay anh trẻ hơn lúc anh nằm trong biệt giam khu   C 1 Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu năm 1978. Năm ấy tôi ở phòng  giam tập thể C 1. tôi nhìn thấy anh những lần anh được ra sân ngồi cắt tóc, phơi nắng. Những lần ấy tôi thấy anh tàn tạ, khô héo như tầu lá chuối bị dội nước sôi, tôi nghĩ anh khó sống mà ra khỏi ngục tù. Mừng anh không chết trong ngục tù cộng sản. Chúc anh vui manh. Vincent Sou.

CTHĐ: “Tầu lá chuối bị dội nước sôi.” Đúng là hình ảnh tôi những ngày tháng tôi nằm sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Cám ơn ông Vincent  Sou.

* datchau, July 5, 2008:

Kính thưa bác Hoàng Hải Thủy.

Bác Thủy ơi, bác viết hay quá là hay. Nhưng mà bác làm ơn ráng viết nhiều hơn chút nữa. Vì năm nay bác nhiều tuổi rồi, chúng cháu sợ không còn bao lâu nữa chúng cháu sẽ không còn được đọc những bài viết đầy tình người của bác.

CTHĐ HOÀNG HẢI THỦY: Cám ơn các bạn.

Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích buổi sáng September 10, 2015.

THƠ và TÀI HOA

hoaTrước khi viết về Thơ và Tài Hoa, tôi viết về Thơ và Sự Cùng Khổ

Nhất cùng chí thử khởi công thi?

Nguyễn Du

Trong Bắc Hành Tạp Lục, tập thơ Nguyễn Du làm trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh năm 1813, có bài thơ về Nhà Thơ Ðỗ Phủ:

Lỗi Dương Ðỗ Thiếu Lăng Mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư

Bình sinh bội phục vị thường ly.

Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,

Thu mãn ngư long hữu sở ty (tư).

Dị đại tương lân không hữu lệ,

Nhất cùng chí thử khởi công thi?

Trạc đầu cựu chứng y thuyên vị?

Ðịa hạ vô linh quỷ bối xi.

Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

Văn chương muôn đời, thầy của muôn đời, Bình sinh tôi vẫn khâm phục. Cây tùng, cây bách đất Lỗi Dương không biết ở đâu, Giữa mùa thu rồng cá cũng thương nhớ. Sống khác đời nhau nên thương nhau chỉ biết rơi lệ, Một đời cùng khổ đến thế phải chăng là vì thơ? Cái chứng lắc đầu cũ chữa đã khỏi chưa? Chớ để dưới đất bọn quỷ nó cười.

Thơ phóng tác H2T:

Thơ muôn đời, người cũng muôn đời,

Kính phục thi nhân dạ chẳng rời.

Lỗi Dương tùng bách tìm đâu thấy,

Bến thu rồng cá nhớ khôn ngơi.

Khốn cùng đến thế thơ làm hại?

Xót thương về trước lệ thầm rơi.

Lắc đầu bệnh cũ còn hay khỏi?

Ðừng để Âm Ty quỷ chúng cười.

Qua Thơ Nguyễn Du ta thấy Ðỗ Thiếu Lăng – Ðỗ Phủ — bị bệnh Parkinson: đầu lắc lia lịa, có thể hai tay cũng run, và ta thấy Nguyễn Du bội phục Ðỗ Phủ, coi Ðỗ Phủ là bậc thầy văn chương không những chỉ của ông mà là của muôn đời. Suốt đời Nguyễn Du thán phục Ðỗ Phủ. Nguyễn Du làm bài thơ nhớ thương Ðỗ Phủ trên đường ông đi sứ sang Bắc Kinh, Trung Quốc năm Quí Dậu – 1813 – Có thể  Thi sĩ  đi qua vùng Lỗi Dương ở tỉnh Hồ Nam, ông biết ở đấy có mộ Ðỗ Phủ nên cảm khái mà làm thơ viếng Ðỗ Phủ.

Ðỗ Phủ chết trong một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo vợ con ông không đưa ngay được di hài ông về an táng ở quê nhà, phải tạm chôn ông ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau người cháu của Ðỗ Phủ là Ðỗ Tư Nghiệp dời hài cốt ông về Yển Sư, táng ở chân núi Thú Dương, Hà Nam. Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Ðỗ Phủ, do viên huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp xây để kỷ niệm nhà thơ lớn. Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả những nhân vật lịch sử họ kính trọng, như Quan Vân Trường có cả trăm ngôi mộ trên khắp nước.

Câu “Thu mãn ngư long hữu sở tư..” lấy ý từ hai câu trong bài Thu Hứng của Ðỗ Phủ: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh. Cố quốc bình cư hữu sở tư: Cá rồng lặng lẽ, sông thu lạnh. Nước cũ ngày nao cứ nhớ thương..”

Khốn cùng chí thử khởi công thi? Vì Ðỗ Phủ thơ hay tuyệt thế mà suốt đời nghèo khổ, nghèo đến không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn, Nguyễn Du đặt câu hỏi:

Ông khổ cùng đến thế phải chăng là vì Thơ? Phải chăng ta có thể quy tôi làm cho ông khổ cùng cho Thơ?

Trong quyển Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội ấn hành năm 1988, phần chú thích ghi như sau về câu “Khốn cùng chí thử khởi công thi?”

— Ý nói: do cảnh nghèo khổ quá mà thành thơ hay như thế chứ có phải vốn sinh ra đã làm thơ hay đâu.

Lời phụ chú ngớ ngẩn. Ý thơ rõ như ban ngày: Ông khổ cùng đến thế phải chăng là tại vì ông làm thơ hay? Ðến đây ta phải kể lời luận về Thơ và Sựï Cùng Khổ của Người Làm Thơ của Âu Dương Tu:

Bài Tựa tập Thơ Mai Thánh Du

Tôi nghe người đời nói: thi nhân ít người thành đạt mà lắm kẻ khốn cùng. Phải như vậy chăng? Chỉ vì là những bài thơ được truyền tụng phần nhiều đều do những người cùng khổ đời xưa làm ra. Phàm kẻ sĩ có điều gì uẩn súc mà không đem thi hành được ở đời, đều muốn phóng lãng ở ngoài cảnh núi gò, sông bến, ngắm hình trạng cá sâu, thảo mộc, gió mây, điểu thú, thường xét cái kỳ quái của những vật ấy, mà trong lòng lại uất tích những ưu tư, căm phẫn, mới phát ra những lời oán hận, chê bai, để than thở cho những kẻ ky thần, quả phụ, mà tả những cái khó nói của nhân tình. Vậy đời càng khốn thì thơ càng hay. Không phải thơ làm cho nguời ta khốn cùng, chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay.

Mai Thánh Du Thi Tập Tự. Âu Dương Tu. Nguyễn Hiến Lê dịch.

Âu Dương Tu nói rõ: “Không phải Thơ làm cho người làm thơ  cùng khổ, chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.” Nhưng người đời vẫn cứ cho là: Tại ông ấy làm thơ hay quá nên ông ấy cùng khổ. Nguyễn Du, khi thấy Ðỗ Phủ thơ hay mà suốt một đời nghèo đói thảm thê, cũng hỏi:

“Thầy cùng khổ đến thế phải chăng là vì Thơ?”

Lý Bạch bị đi đầy, Ðỗ Phủ nhớ thương làm bài thơ:

Thiên mạt hoài Lý Bạch

Lương phong khởi thiên mạt

Quân tử ý như hà?

Hồng nhạn kỷ thì đáo?

Giang hồ thu thủy đa.

Văn chương tăng mệnh đạt,

Lị vị hỉ nhân qua.

Ưng cộng oan hồn ngữ

Ðầu thi tặng Mịch La.

Cuối trời nhớ Lý Bạch

Gió mát thổi lên ở nơi cuối trời. Ý người quân tử nay thế nào? Hồng nhạn bao giờ tới? Sông hồ đầy nước thu. Văn chương ghen ghét người mệnh đạt – người thành công. Ma quiû mừng vì có người đi qua. Muốn cùng hồn oan trò chuyện, ném thơ tặng xuống sông Mịch La.

Ðỗ Phủ nhớ Lý Bạch, rồi nhớ Khuất Nguyên tự trầm ở sông Mịch La. Thi sĩ than thở: làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch, mà cuộc đời khổ sở. Ðó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt, văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.

Nguyễn Du coi Ðỗ Phủ là sư phụ, ông chịu ảnh hưởng Thơ Ðỗ Phủ rất nhiều nhưng ông không đồng ý với Ðỗ Sư phụ của ông về chuyện “Văn chương tăng mệnh đạt..”, ông bác bỏ cái thuyết ấy trong bài thơ:

Tự Thán

Tam thập hành canh, lục xích thân

Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.

Bản vô văn tự năng tăng mệnh,

Hà sự càn khôn thác đố nhân?

Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,

Xuân thu đại tự bạch đầu tân.

Hà năng lạc phát qui lâm khứ.

Ngọa thính tùng thanh hưởng bán vân.

Tự than

Ba mươi tuổi, thân sáu thước. Khiếu thông minh khoét đục làm hỏng tính thật của mình. Vốn không có chuyện văn chương có thể ghét được mệnh đạt. Cớ gì mà trời đất lại ghen ghét người? Nghiệp võ, nghiệp văn đều không thành, sinh kế khó khăn, Xuân thu đắp đổi, đầu thêm bạc. Ước sao có thể cắt tóc trở về rừng xưa Nằm nghe tiếng thông reo ở nửa từng mây!

Thân cao sáu thước, tuổi ba mươi,

Thông minh sai lạc hại cho đời.

Vốn chẳng văn chương nào ghét mệnh,

Có đâu trời đất lại ghen người?

Thư kiếm không thành, sinh kế quẫn,

Xuân thu cứ đến, bạc đầu rồi.

Bao giờ xõa tóc về rừng cũ

Nằm nghe gió thổi lá ngang trời!

Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của Ðỗ Phủ, thán phục Ðỗ Phủ, nhưng ông không làm nô lệ cho ý thức của Ðỗ Phủ. Ðỗ Phủ nói: Văn chương ghét mệnh, Nguyễn Du nói:

Làm gì có chuyện văn chương ghét mệnh..! Làm gì có chuyện Trời ghen với người ..!

Trong Kiều, Nguyễn Du nói:

Lạ gì bỉ sắc, tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Rõ ràng Thi sĩ nói:

“Trời – Tạo Hóa – ghen ghét những người đàn bà đẹp, Trời vì ghen mà làm cho những người đàn bà đẹp phải đau khổ.”

Nhưng trong Thơ Thi sĩ lại nói:

“Làm gì có chuyện Trời ghen người? Vì cớ gì mà Trời lại ghen người?” Ðây không phải là một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của Thi sĩ, không phải là Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng, lúc ta nghĩ thế này, lúc ta nghĩ thế khác. Ý thức và quan niệm của người thơ tài hoa Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.

Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không? Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc Viết truyện – Với tôi Viết là Hạnh Phúc, tôi đã sống để viết, viết để sống và trước 1975 tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975 ở Sàigòn, thủ đô Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi, trong hai mươi năm tôi đã sống để viết và tôi đã viết để sống. Sau 1975 tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết, dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi:

Thơ có làm cho người làm thơ cùng khổ hay không?”

Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi Thi sĩ nói: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần…

Ngu si hưởng thái bình. Người có tài thường gập tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời, nhất là trong thời loạn. Tôi “chịu” câu nói của Âu Dương Tu:

— Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ, chính vì có cùng khổ Thơ mới hay.

Nguyễn Du sinh năm 1765, mất ngày 16 Tháng Chín, 1820. Ðã 200 năm kể từ ngày Tiên sinh tạ thế. Những năm 1981, 1982, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, tôi phóng dịch khoảng ba mươi bài Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du. Những năm ấy trong một bài viết về Thơ Nguyễn Du gửi ra hải ngoại, tôi viết:

— Khi người cháu của Ðỗ Phủ đem hài cốt của ông về quê, trên đường đi gập Thi sĩ Nguyên Chẩn. Nguyên Chẩn viết trong bài minh đặt trên mộ Ðỗ Phủ:

— Từ ngày có Thơ không có nhà thơ nào vĩ đại bằng Ðỗ Phủ.

Hôm nay, sau Ðỗ Phủ hơn một ngàn năm, viết về Nguyễn Du, tôi viết:

— Từ ngày Việt Nam có Thơ không có nhà thơ nào tài hoa như Nguyễn Du!

Tôi đã viết những câu trên ở Sàigòn  hai mươi năm trước – những năm 1981, 1982 — Năm nay 2000, sống ở xứ người, tưởng niệm ngày tháng Nguyễn Du lìa đời, tôi viết:

— Từ ngày Việt Nam có Thơ, Nguyễn Du là Thi Sĩ Tài Hoa nhất.  

Rừng Phong. Tháng Chín 2000.

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

o O o

THƠ và TÀI HOA

Có thể nói  gần như tất cả những người đọc Kiều đều yêu Thúy Kiều, đều ca tụng Thúy Kiều. Người ta có thể chửi tất cả những nhân vật trong Kiều, trừ một mình Thúy Kiều. Cũng tất nhiên là Thúy Kiều, với tư cách là một người sống thực ở đời, không thể nào tồn bích được, và tôi – CTHĐ — cũng không quân tử Tàu đến cái độ đòi hỏi Thúy Kiều phải thánh thiện, phải dửng dưng trước Tình Yêu. Nhưng tôi cũng thấy có sự khôi hài ở chuyện Nguyễn Du diễn tả Thúy Kiều với những câu như:

Một tường tuyết chở, sương che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai…

Rõ ràng là Thúy Kiều chẳng thèm để ý gì đến những chuyện bướm ong, tức là chuyện tình ái. Thế nhưng sự thực có phải nàng dửng dưng như thế không? Những việc nàng làm cho chúng ta thấy nàng là một em “lẳng lơ hạng nặng.” Phải gọi là “lẳng lơ” vì hai tiếng “đa tình” quá nhẹ đối với những việc Kiều làm.

Việc Kiều vừa mới gặp Kim Trọng lần đầu ở nghĩa địa, chưa biết ất giáp gì về chàng thư sinh playboy này, nàng đã tình trong như đã, chỉ có mặt ngồi là còn e… cho ta thấy nàng là một em rất hào hứng với những chuyện ái tình, những chuyện được gọi bằng cái tên miệt thị là “chuyện bướm ong”. Không những chỉ hào hứng mà thôi, có thể nói Kiều còn rất đói ái tình nữa. Song, ta hãy bỏ qua cái vụ “tình trong như đã….” ngay từ buổi gặp trai đầu tiên ấy, cái việc nàng chui rào sang nhà Kim Trọng, không những chỉ chui một lần vào buổi chiều mà còn chui rào cả vào lúc nửa đêm là một việc mà không cần phải chi ly gọi là “lễ giáo phong kiến” không cho phép, bất cứ thứ lễ giáo nào cũng không cho phép người con gái làm như thế. Chỉ trừ những xã hội không có lễ giáo chi hết trọi mới coi việc đó là được mà thôi.

Lần thứ hai Kim Trọng rình rập chờ Kiều ở khu vườn sau, việc trai gái đứng tỏ tình với nhau qua hàng rào sau nhà là một việc nếu không thể cấm đốn được thì cũng là một việc không thể ca tụng. Nếu quả thật Kiều là người có thái độ “tường đông ong bướm đi về mặc ai” nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng thôi, khi nghe tiếng người con trai lạ cất lên từ nhà bên kia, nàng đã lẳng lặng bỏ về, làm sao chàng Kim hào hoa phong thấp có thể thả lời ong bướm với nàng được? Nhưng Kiều đã không “mặc ai”, nàng đã đứng lại, nàng đã bắt chuyện, và nàng tiếp nhận những lời ong bướm liền một khi. Cuộc tình của nàng với Kim Trọng đốt cháy mọi giai đoạn, nó tiến nhanh đến cái độ chóng mặt…

Vì vậy, Công tử Hà Đông khi tại ngục đọc Kiều bèn có thơ Tại ngục vịnh Kiều về chuyện này như sau:

Kiều và ong bướm

Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai…

Rằng hay thì thật là hay
Tin em thì sẽ cĩ ngày xót sa
Bướm ong khi của người ta
Thì em phớt tỉnh như là hổng ưa.
Đến khi nó đợi, nó chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.
Là em chẳng ngượng chẳng ngùng,
Dưới đào em đấu lung tung một lèo.
Lẳng lơ trướng rủ, màn treo,
Tường đông ong bướm xì xèo là em.

Chưa hết. Tôi thật không biết Nguyễn Du có tính chuyện khôi hài hay có ý mỉa mai hay không khi thi sĩ tả cảnh nhà ông Vương Viên Ngoại, tức là ông thân của nàng Vương Thúy Kiều, với những câu xanh rờn như sau:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh…

Chàng Kim khi lảng vảng tản bộ trước cửa nhà Thúy Kiều chỉ thấy:

Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

Nào là “kín cổng, cao tường”, nào là những “mấy lần cửa đóng, then cài”. Thâm nghiêm và kín đến như vậy thì đúng là thâm nghiêm và kín mít rồi, khơng còn nhà nào có thể thâm nghiêm và kín hơn được nữa! Thế nhưng… hỡi ơi… Khu đằng sau của tòa nhà thâm nghiêm hạng nhất ấy lại là một khu vườn nát. Và khu vườn nát ấy lại chỉ chia cách tòa nhà thâm nghiêm ấy với nhà bên cạnh bằng một dẫy tường đất cũng nát không kém. Thi sĩ tả đó là bức “tường gấm”:

Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa…

Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát, nó còn thấp lè tè nữa, thấp đến cái độ Thúy Kiều đi chơi ở trong vườn để cây thoa cài đầu vướng vào cành cây treo tòng teng và để cho cậu Kim Trọng từ vườn nhà bên cạnh có thể

Giơ tay với lấy về nhà…

Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát và thấp lè tè mà thôi, nó còn bị hổng một chỗ khá lớn phải lấy mấy cành cây rào lại một cách hết sức bôi bác. Chỗ rào ấy sơ sài bê bối đến cái nước thiên hạ chỉ cần xé nhẹ một cái là rách toang và người ta có thể thơ thới chui qua để sang với nhau được:

Lần theo núi giả đi vòng
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
Sắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.

Đời sau, vào khoảng giữa thế kỷ 20, tức là vào khoảng 150 năm sau ngày Thúy Kiều ra đời dưới ngọn bút tài hoa của Nguyễn Du, có những tên Việt Nam tán rằng bốn câu trên đây là câu tả cảnh chàng Kim “thám hiểm Ngọc Long Cung” Thúy Kiều. Cứ kể ra thì những tên ma giáo văn nghệ này gán cho những động tác trong bốn câu Kiều trên đây cái ý nghĩa đó cũng chẳng phải là nhảm nhí chi cho lắm. Và dù cho có tán nhảm đi nữa thì cũng chẳng có lỗi gì nhiều. Bởi vì họ tán nhảm là do họ quá yêu những câu thơ Kiều.

Dù có tán nhăng tán cuội, có xuyên tạc hay là không thì việc Thúy Kiều chui hàng rào sang nhà Kim Trọng cũng là chuyện có thật. Việc người con gái chưa chồng hay đã có chồng cũng vậy, nửa đêm chui rào, leo tường, sang nhà đàn ông lạ, là một việc mà từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, đời nào cũng không thể ca tụng được. Người ta chỉ vì yêu thơ Kiều, yêu mến tài hoa của Nguyễn Du, mà làm lơ đi cái trò bê bối đó của nàng Kiều.

Tôi thấy buồn cười, và thương hại nữa, khi mới đây tôi đọc vài lời phê bình Thúy Kiều của một vài người viết cùng thời với tôi, thấy có người ca tụng việc chui rào của Thúy Kiều bằng những lời đại khái như:

“… Với hành động tự ý sang nhà Kim Trọng tự tình, Thúy Kiều dẫm chân lên lễ giáo phong kiến… Đêm trăng ấy, khi Thúy Kiều băng lối vườn khuya một mình, những gót chân son của nàng đã đặt lên mặt những nhà đạo đức phong kiến…” Khi đọc những lời như thế, tôi mỉm cười và tôi tự hỏi:

“Những người viết những lời này ca tụng việc con gái và vợ người khác nửa đêm chui rào, leo tường sang nhà đàn ông lạ để tự tình, nhưng nếu như con gái anh ta, vợ anh ta nửa đêm làm cái việc ấy liệu anh ta có ngồi yên chỗ mà rung đùi ca tụng cái gọi là tự do luyến ái và giải phóng phụ nữ hay là anh ta sẽ nhảy nhổm lên, miệng sùi bọt mép, chân tay run lẩy bẩy? Khỉ ơi là khỉ! Vừa phải thôi!”

Về mục nhà ông Viên Ngoại họ Vương được tả là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Công tử Hà Đơng bèn có thơ rằng:

Thâm nghiêm kín cổng, cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai…
Mỉa mai nó mỉa mai ai?
Thâm nghiêm có cái mặt ngồi mà thôi.
Bề trong thì chán mớ đời
Cơ em trong trắng quá chời là trong!
Dưới hoa em kết giải đồng,
Cuối tường em lộn nẻo thông mới rào.
Sắn tay em cho nó mở khóa động đào,
Rẽ mây em cho nó trông tỏ lối vào thiên thai.
Con oanh nói mỉa, nói mai
Mỉa mai nó mỉa: “Nhà này thật thâm…”

Khi Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thì lúc đó trăng đã nhặt thưa gương rọi đầu cành, tức là vào khoảng 7, 8 giờ tối, giờ Tây dương – đêm trăng ấy lên sớm. Đến lúc đơi tình nhân diễn trò thề thốt dưới trăng thì trăng đã vằng vặc giữa trời, tức là trăng đã lên đến đỉnh trời. Thúy Kiều ở lại đó thề thốt, ký văn tự, đàn ca, uống rượu, đưa đầy với Kim Trọng mãi cho đến khi bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, tức là khi ánh trăng đã nhạt trên những tàu lá chuối trong vườn. Thời gian lúc trăng nhạt, trăng lặn đó phải là 3, 4 giờ sáng, giờ Tây dương. Như vậy là nàng đã qua gần một đêm trắng với Kim Trọng. Nếu không có tên gia đồng vào gửi tin nhà mới sang thì ta có thể nói mà không sợ mang lỗi vu oan cho nàng là nàng sẽ pass night với Kim Trọng. Khơôg những chỉ qua đêm mà thôi, nàng còn có thể ở đó tới trưa hôm sau mới trở về cái gọi là đài trang hết sức thâm nghiêm kín cổng cao tường của nàng.

Việc Thúy Kiều chui rào qua nhà Kim Trọng vào cái năm Gia Tĩnh triều Minh cách nay cả năm sáu trăm năm ấy là một việc mà tôi nghĩ rằng những thiếu nữ lương thiện đời nào cũng không nên làm. Nhưng việc Thúy Kiều lẻn sang nhà Kim Trọng vào buổi chiều và vào lúc nửa đêm cũng chưa ly kỳ bằng sau khi được tin “… thúc phụ từ đường. Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. Liêu Dương cách trở sơn khê, Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang…”, Kim Trọng đã cũng chui rào, hoặc leo tường, phăng phăng vào tận phòng ngủ của Thúy Kiều để chia tay. Tự do cứ như là nhà Thúy Kiều không còn một người nào khác ngòai Thúy Kiều. Luơng tuồng đến như vậy nhưng mỉa mai thay, tòa nhà Viên Ngoại họ Vương vẫn được mô tả là:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

Viết ở Sài Gòn năm 1991.

Sửa lại ở Kỳ Hoa Đất Trích năm 2015.

HÔN và HÍT

Hôn ở Ga Lyon Đèn Vàng: Ra ga tiễn Anh đi. Chưa bao giờ buồn thế. Em nói bằng tiếng Hôn…

Hôn ở Ga Lyon Đèn Vàng: Ra ga tiễn Anh đi. Chưa bao giờ buồn thế. Em nói bằng tiếng Hôn…

Chuyện tôi – CTHĐ – thấy lạ là ông Vũ Trọng Phụng, và ông Lê Văn Trương, hai ông viết tiểu thuyết nổi tiếng của nước tôi, hai ông cùng “đong thóc,” tức nghiện thuốc phiện, hai ông nghiện trong nhiều năm; nghiện như hai ông thuộc loại nghiện nặng,  vậy mà hai ông viết rất không đúng về tâm trạng, hành động của những đệ tử của Cô Ba Phù Dung.

Không phải bất cứ ông Hít Tốp nào cũng biết tiêm thuốc phiện, tiêm thuốc phiện không khó gì lắm xong cũng không phải dễ, không phải bất cứ ai cứ nằm vào bàn đọi, cầm cây tiêm là tiêm được thuốc phiện. Muốn tiêm được thuốc phiện người ta phải là dân nghiện thực thụ, cũng có người không nghiện nhưng biết tiêm thuốc phiện, số người này rất ít. Và những người không nghiện mà biết tiêm thuốc phiện phải là người lê la bên bàn đèn nhiều ngày, từng có nhiều giờ tập tiêm thuốc, từng làm cháy thuốc, làm rơi rớt thuốc, làm phí nhiều thuốc phiện.

Trong tiểu thuyết Giông Tố, tác giả Vũ Trọng Phụng cho anh thư ký Long vừa đến Ấp Vạn Lý Trường Thành đã phom phom lên sập nằm tiêm thuốc phiện cho Nghị Hách.

Giông Tố. Trích:

“Ngh Hách cm lá thư, li hi:

– Anh có biết tiêm thuc phin đy ch?

– Bm vâng.

–  Thế anh ci giày ra, lên sp.

Ngưng trích.

Và thế là anh thư ký chân chỉ hạt bột của trường Ðại Việt phăng phăng la tuy-líp bỏ giầy, lên sập nằm tiêm thuốc phiện.

 

Ảnh hôn nhau được người trên thế giới xem nhiều nhất: Người Lính Hải Quân Mỹ đi vào Time Square ở New York được tin Nhật đầu hàng, Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Mọi người vui mừng. Anh Lính Mỹ ôm hôn một nữ y tá anh không quen biết. 70 năm sau, ảnh được dùng lại nhân kỷ niệm V Day 1945. Người ta thắc mắc: Không biết tên anh Lính và cô y tá trong ảnh.

Ảnh hôn nhau được người trên thế giới xem nhiều nhất: Người Lính Hải Quân Mỹ đi vào Time Square ở New York được tin Nhật đầu hàng, Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Mọi người vui mừng. Anh Lính Mỹ ôm hôn một nữ y tá anh không quen biết. 70 năm sau, ảnh được dùng lại nhân kỷ niệm V Day 1945. Người ta thắc mắc: Không biết tên anh Lính và cô y tá trong ảnh.

Câu hỏi của Nghị Hách:

“Anh có biết tiêm thuc phin đy ch?

..thay vì câu hỏi:

“Anh có biết tiêm thuc phin không?

Cho tôi cái cảm nghĩ là tác giả Giông Tố mặc nhiên cho rằng ở cái thời Nghị Hách hiếp dâm Thị Mịch trong xe ô-tô, ngôn ngữ Bắc Kỳ thời ấy gọi là “xe hòm,” thời Mịch nằm nghiêng cho Long hưởng thụ ái tình; thời tôi – kẻ  viết dòng chữ này – 10 tuổi, việc biết tiêm thuốc phiện là chuyện rất thường với thanh niên Bắc Kỳ, cứ như thời ấy rất nhiều thanh niên Bắc Kỳ biết tiêm thuốc phiện.

Việc anh thư ký Long, không nghiện á phiện, nhưng biết tiêm thuốc phiện đã kỳ cục, việc ông Tú Anh, Hiệu Trưởng Ðại Việt Học Hiệu, một ông Tây học, trí thức, biết tiêm thuốc phiện, tiêm thuốc phiện lành nghề, là chuyện không còn kỳ cục nữa, nó là chuyện vô lý! Không những nó chỉ vô lý mà thôi, nó là chuyện tối vô lý.

Ông giáo Tú Anh đến tiệm thuốc phiện tìm Long, ông tỉnh queo nằm bên bàn đèn, tiêm thuốc cho Long hút.

Trong Giông Tố ông Vũ Trọng Phụng chỉ cho cậu Tú Anh không nghiện thuốc phiện mà biết tiêm thuốc phiện, ông Lê Văn Trưông đi xa hơn trong tiểu thuyết Trường Ðời. Trong Trường Ðời, ông Lê Văn Trưông cho tất cả những nhân vật chính, phụ hít tô phê ráo trọi. Cậu Trọng Khang nghiện dở  đi ngựa đường núi mỏi mệt tối đến cậu cần hít vài bi lấy lại sức không nói làm gì, trên đường qua biên giới sang Tầu làm đường, cậu ngả bàn đèn cho cô Marie Khánh Ngọc, cậu Francois Giáp, hai nhân vật “văn miêng” du học nhiều năm ở Pháp mới về nước, ông Nam Ðồng chủ nhà thầu –  ông Nam Ðồng là ông bố cô Khánh Ngọc –  ba người nằm vào bàn đọi hít tô phe tỉnh queo, như việc đi đường xa tối đến người ta hút thuốc phiện cho khỏe, cho lại sức, là chuyện tự nhiên nhất đời, là chuyện tất cả mọi người đều nên làm và có thể làm..

Cô Marie Khánh Ngọc là “tiến sĩ luật khoa” mới du học ở Pháp về, cậu Francois Giáp cũng mới du học ở Pháp về với cô Marie Khánh Ngọc; cậu Francois Giáp là “kỹ sư cầu cống”, thời xưa học vị ấy thường được kính trọng gọi bằng cái tên Tây là “anh-dzê-ni-ơ pông-shốt.”

Thời xưa ấy ông Nam Đồng  ít gì cũng phải năm bó tuổi đời, chắc từng đi hát cô đầu, từng hít tốp nên tối đến đoàn người đi ngừng lại, căng lều vải nghỉ bên đường biên  giới, nằm hít tốp không có gì lạ, chuyện cô Marie Khánh Ngọc và cậu Francois Giáp hồ hởi nằm vào bàn đọi, thơ thới ngậm mồm vào cái dọc tẩu lần đầu mà không thấy cảm giác gì lạ cả mới là chuyện lạ. Ông Lê Văn Trưông cho cậu Trọng Khang giới thiệu “ thoóc” :

– Thn dược đy. Ðang mi mt, làm vài khói là khe ngay…

Và Nữ tiến sĩ Luật Marie Khánh Ngọc, Kỹ sư Pông-Shốt Francois Giáp nghe theo, làm theo, nằm nghiêng bên khay đèn, mỗi người hít một cặp, tức hai bi, và thế là hai người thấy hết mỏi mệt, tinh thần sảng khoái đúng như lời cậu Trọng Khang nói!

Việc một ông Thầu Khốn Việt Nam ở Hà Nội trúng thầu làm một đoạn đường trên đất Tầu là chuyện khĩ tin. Ở đời cĩ nhiều chuyện “khĩ tin nhưng cĩ thật,” nhưng chuyện khĩ tin người Việt sang làm đường ở bên Tầu là chuyện khĩ tin mà không cĩ thật.

Đồn người sang Tầu đang đi, tối đến nghỉ, ăn, ngủ bên đường, ông Trọng Khang đào đâu ra bàn đèn thuốc phiện?? Ông Trọng Khang không thể mang bàn đèn theo. Đi bộ trên đường qua biên giới, dựng lều vải ngủ đêm ở dọc đường, ông không thể cho người vào trong xĩm mượn bàn đèn của dân địa phưông.

Vậy thì – trong Trường Đời – ông Trọng Khang lấy bàn đọi ở đâu ra?

Tôi sẽ viết về tiểu thuyết Trường Ðời và những chuyện “ đong thoóc” trong Trường Ðời. Ta trở lại tiểu thuyết Giông Tố:

Trích:

“..c tim lúc y li n ào lên vì nhng câu chuyn k l thú v đc bit khác. Vì l ai cũng ch nghĩ đến chuyn làm rm rĩ lên, ai cũng tranh ly nói mà không ai đ tai nghe…

Ngưng trích

Tôi – CTHĐ – lại phải lấy làm lạ vì ông Vũ Trọng Phụng tả cảnh tiệm hút á phiện không đúng,  không những chỉ không đúng thường mà là không đúng quá xá – quá đỗi. Sai không thể tha thứ được. Người hút á phiện xử sự  khác hẳn người uống ruợu, không chỉ khác mà còn có những cái tật trái ngược. Người uống rượu khi rượu bốc thích ồn ào, nói nhiều, nói lớn, la lối, lôi kéo người khác vào cuộc uống với mình, ép người khác phải uống, ép được người khác càng uống nhiều càng thú, dù là ép người khác uống ruợu của mình. Như vậy người uống ruợu khi say cởi mở, dễ dãi, có những bợm nhậu khi say ai nói gì cũng ừ, ai hỏi vay tiền cũng đưa ngay; người hút á phiện khi thuốc ngấm thì khép kín, đóng kín tình cảm, không cần biết đến ngoại cảnh;  các tiên ông thích tĩnh, tối kỵ ồn ào, ghét nói to, vì vậy bàn đèn còn được gọi là bàn tĩnh. Người nghiện á phiện bo bo giữ số thuốc của mình, không thích mời ai hút thuốc của mình, rất ghét bị người hút boóng. Người uống rượu khi say thường nói to, la lối om sòm, người hút thuốc phiên khi say nhắm mắt nằm lơ mơ, nằm phi, văn huê là đi mây, về gió. Cũng có những ông Hít Tốp khi đủ thuốc rồi thì hào hứng nói đủ thứ chuyện nhưng ông nào cũng chỉ nói đủ nghe với ông bạn trong bàn đèn của mình thôi, không ông nào la lối. Có những ông đủ thoóc là nói như khiếu, các ông làng Bẹp có một câu để gọi mấy ông hít vào nói như khiếu là:

“Hắn dùng Cao Xưông Khiếu nên hắn nói như khiếu hót..”

Về cái gọi là cao, có cao Hổ Cốt, cao Ban Long, các tiên ông thêm vào một thứ cao nấu bằng xưông chim khiếu gọi là Cao Xương Khiếu. Số tiên ông Cao Xương Khiếu này rất ít.

Giông Tố. Trích:

Long chưa hp ngay được vi bu không khí n ào y, tai còn đưông rn lên vì tiếng cười r, nhng cái ho khc, nhng tiếng nói bô bô, nhng điu văng tc ghê gm, thì mt anh bi tiêm sà ngay xung sp, hi Long cn dùng bao nhiêu. Ðon anh bi chy ngay đi ly thuc và đem v ch c mt m nước nóng giy..

Ngưng trích

Ðây là cảnh tiệm ăn, quán nhậu Ba Tầu, không phải là cảnh tiệm hút á phiện. Không ai “chạy” trong tiệm hút, những anh bồi tiêm lại càng không bao giờ chạy. Những anh bồi tiêm trong những tiệm hút công khai ngày xưa, khi việc hút thuốc phiện chưa bị cấm, chưa bị coi là một tội hình sư,ï người hút chưa bị bắt, bị ra tòa, bị có án, bị tù, là những người đáng thưông. Các anh nghiện hút nhưng không có tiền nên phải làm bồi tiêm. Các tiệm hút ngày xưa mở cửa tiếp khách suốt ngày đêm nên những anh bồi tiêm không đêm nào được ngủ, họ phải thức suốt đêm, đêm này qua đêm khác, nên lúc nào họ cũng phờ phạc, vật vờ nửa sống, nửa chết, họ như những xác ma cịn đi được. Tiệm hút nào cũng hẹp, họ không cần phải chạy, họ có muốn chạy cũng không được. Nói to, chạy, đèn sáng là những thứ cấm kỵ trong tiệm hút.

Ðến đoạn ông Vũ Trọng Phụng cho nhân vật tiểu thuyết của ông là Tú Anh nói loạn về tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ thi tôi không còn thấy lạ nữa, tôi ngạc nhiên. Ðây là nguyên văn đoạn đó:

Giông Tố. Trích:

“…Tôi xin nói thng rng nhng cái dây liên lc thiêng liêng nht đi, đi khái như tình mu t, tình ph t, tình huynh đ chng hn, cũng lm khi ch đáng đ dưới đt mà di dưới gót chân! Là vì trong sut mt đi người, thế nào ri b mình cũng có điu không tt vi mình, m mình thì cũng phi có điu ăn không ra sao vi mình, anh ch em mình th nào cũng phi có điu gì khn nn, đu cáng vi mình…

Ngưng trích.

Tôi không hiểu tại sao ông Vũ Trọng Phụng lại có thể hạ bút viết một đoạn kỳ cục như thế. Người như Tú Anh không thể mở miệng nĩi ra những lời như trên.

Những năm 1960 thời tôi viết trên nhật báo Ngôn Luận những cái tơi goi là phóng sự tiểu thuyết thời đại “ Ông Tây, Bà Ðm, Yêu Tì, Bà Ln, tôi bị một số người phê bình tôi là một tác giả đểu, văn HHT là Văn Ba Que. Năm ấy ông Trọng Lang viết về những phóng sự của tôi và cá nhân tôi như sau:

“Trước kia ch có nhng nhân vt trong phóng s đu thôi, bây gi c tác gi phóng s cũng đu.

Năm xưa ấy tôi tự bào chữa:

“Tôi không đu. Nhân vt trong phóng s ca tôi đu. Tôi không chu trách nhim gì v nhng li các nhân vt phóng s ca tôi nói, nhng vic các nhân vt phóng s ca tôi làm. Nhng nhân vt phóng s ca tôi nói nhng li đu cáng, làm nhng vic ti t, tôi có nói nhng li y, tôi có làm nhng vic y đâu..

Viết rõ: “Nhân vật “tôi” trong những phóng sự của tôi không phải là “tôi, HHT, tác giả.”

Sáu mươi năm sau ngày tôi đọc Giông Tố lần đầu, hôm nay tôi trách nhà văn lớn Vũ Trọng Phụng về việc ông đã cho nhân vật tiểu thuyết của ông nói những câu có thể gây hại cho người đọc, tôi muốn nói đến những người đọc trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những chuyện họ đọc trong tiểu thuyết.

Nhiều người trẻ tuổi đọc đoạn truyện Giông Tố trên đây có thể sẽ nghĩ như nhân vật Tú Anh:

“..b m mình ăn không phi vi mình, anh ch em mình đu cáng vi mình, đi không có th tình gì là thiêng liêng c.. Nghĩ như thế là sai, là bậy, là vô luân!

Tôi không nghĩ như thế. Ðây là trường hợp riêng của tôi nhưng tôi tin rằng trường hợp của nhiều người khác cũng giống tôi. Tôi thường nghe nói con người ta trong đời nên có, và cần có, những lúc hồi tưởng những ngày đã sống của mình, những việc mình đã làm, và đánh giá những ngày ấy, những việc làm ấy, xem đúng hay sai, xấu hay tốt. Có người nói những lúc tốt nhất để người ta nhớ lại là những lúc người ta đau ốm, nằm một chỗ. Tôi thấy khi ta đau ốm, thân thể ta bị bệnh tấn công, hành hạ, trí óc ta không thể sáng suốt được, thời gian hay nhất, tốt nhất để ta làm cái việc hồi tưởng, đánh giá ấy là lúc ta nằm trong tù. Tù mà phải là tù nằm sà-lim, tức nằm riêng một mình một chỗ. Tôi có kinh nghiệm ấy khi tôi bị bọn Công An Thành Hồ nhốt tôi nằm một mình 12 tháng 2 ngày  trong sà-lim số 15 Khu B rồi sà-lim số 6 Khu C Một Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu năm 1976-1977.

Bị nhốt một mình trong một sà-lim quá lâu, suốt ngày nằm ngủ lơ mơ, đêm tôi không ngủ được. Ðêm tôi nghe tiếng xe gắn máy cuối cùng lúc 1 giờ sáng chạy ngoài đường Chi Lăng, rồi tôi nghe tiếng xe ba bánh gắn máy, xe lam thứ nhất chạy trong ngày lúc 3 giờ sáng. Tôi phải nghĩ ra chuyện để nghĩ, để đầu óc tôi không bị trống rỗng, để tôi không bị phát điên. Tôi làm hiện ra trong óc tôi căn nhà của thầy mẹ tôi ở tỉnh lỵ Hà Ðông, tôi nhớ lại hình ảnh phòng khách nhà tôi với những sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, bộ sa lông Tầu, cái bàn học của anh em tôi bên cửa sổ, hai cái ghế để hai bên cửa ra vào, hai con voi bằng sứ .. vv..Và tôi nhớ lại những việc tôi đã làm với thầy mẹ tôi, với các em tôi.

Nghĩ, nhớ lại những việc ấy tôi chỉ thấy tôi hối hận. Tôi đã nhiều lần đối xử không tốt với thầy mẹ tôi, với các em tôi, kể cả những việc tôi làm tốt với thầy mẹ tôi, với các em tôi, tôi cũng thấy ân hận, tôi ân hận vì tôi thấy tôi có thể làm tốt hơn nhưng tôi đã không làm.

Bố mẹ tôi không làm qua một  điều gì không phải với tôi, chỉ có tôi đã làm rất nhiều điều không phải với bố mẹ tôi, anh chị em tôi không ai làm điều gì đểu cáng với tôi. Bố mẹ tôi đã yêu thưông tôi như bây giờ vợ chồng tôi yêu thưông các con chúng tôi. Gieo ý nghĩ bố mẹ mình, anh chị em mình đối xử đểu cáng với mình  vào óc người khác là một trọng tội.

o O o

Người Âu Tây “hôn,” người Việt Nam”hít.”

“Hôn” bằng miệng, bằng môi, “Hít” bằng mũi.

Theo tôi giống người da vàng dùng mũi hít mùi da thịt người mình yêu.

Tả người Việt – nhất là những người Việt xưa, những người Việt trước năm 1945 – khi làm tình với nhau, khi yêu nhau – hôn nhau là không đúng.

Như đoạn tả dưới đây trong tiểu thuyết Giông Tố:

Ban đêm Long về làng Mịch. Đang đi trong đêm giữa cánh đống, Long nghe tiếng người gọi tên chàng. Người gọi chàng là Mịch. Mịch đi đào trộm khoai. Mịch kể:

Giông Tố. Trích:

“ Chiều hôm qua u nhịn cơm, em phải nấu cám cho thầy ăn. Ngày hôm nay cả nhà nhịn đói. Tối nay làng vào đám, tuần tráng xem chèo ở đình, em phải liều ra đây.”

“ Trời ơi..! Làm sao lại đến nỗi thế?”

“ Nhà có mấy sào ruộng mầu thì đã bán hôm mồng bẩy Tết. Bây giờ nhà em chẳng còn gì, em phải đi ăn trộm thôi.”

“ Sao lại khổ đến thế được?”

“ Chứ anh tính.. Khốn nạn, nhà nào còn cái gì. Thầy u đinh bán cái nhà và mấy con lợn xong là ra tỉnh ở nhờ anh cả em. Ở làng thì chết đói.. Nhà có người hỏi mua nhưng người mua cãi vã một trận với thầy u em nên người ta lại thôi. Lợn có người định mua nhưng người ta đợi chúng lớn nữa người ta mới bắt. Anh tính bây giờ có ai còn đến học thầy nữa đâu. Rồi cứ cãi nhau luôn  nên u cũng không có ai mướn đi làm đồng nữa. Đã sống dở, chết dở lại thêm nỗi cả làng mai mỉa mình, đay nghiến mình. Khổ lắm, anh ạ.”

Long nghe xong cứ đứng đờ người ra. Rồi Long lôi Mịch về mình, ôm chặt lấy người yêu, in lên miệng Mịch một cái hôn đau thương, rỏ trên má Mịch mấy giọt lệ nóng.

Ngưng trích

Tôi thấy tả cảnh trai gái Việt Nam những năm trước 1945 ôm nhau, hôn lên miệng nhau như thế là không đúng. Viết cách khác: Trai gái Việt Nam trước năm 1945 không ôm nhau, không hôn lên miệng nhau như Long và Mịch trong tiểu thuyết Giông Tố.

Tôi nhắc lại và kết thúc bài Viết ở Rừng Phong này:

Người Việt xưa không hôn, người Việt thời Long và Mịch không hôn nhau. Long dùng mũi hít má Mịch, Long không dùng miệng hôn lên miệng Mịch.

DÂN ĐỘC LẬP, VUA NÔ LỆ

Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh đưa Quốc Trưởng Bảo Đại đi duyệt binh ở Hà Nội năm 1950. QT Bảo Đại; y phục trắng, kính đen to bản, giầy 2 mầu, thường gọi là giầy đơ cu-lơ, đóng ở Pháp.

Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh đưa Quốc Trưởng Bảo Đại đi duyệt binh ở Hà Nội năm 1950. QT Bảo Đại; y phục trắng, kính đen to bản, giầy 2 mầu, thường gọi là giầy đơ cu-lơ, đóng ở Pháp.

Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Tháng Tám 2015…

Mò trên Net, tôi thấy bản tin kể chuyện Phó Tổng Thống Mỹ Biden gặp Đầu Xỏ VC Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ. Với tư cách là Đầu Xỏ Đảng Cộng, không phải là Tổng Thống do dân Việt bầu cử, Nguyễn Phú Trọng không được Tổng Thống Obama đãi quốc yến ở Nhà Trắng. Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí Thư Đảng Cộng ở Nhà Trắng như nguyên thủ quốc gia đã là việc làm không đúng. Tổng Thống Hoa Kỳ không thể đãi quốc yến Tổng bí Thư Đảng Cộng Việt Nam. Do đó Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đãi tiệc TBT Nguyễn Phú Trọng ở một tiệm ăn dân thường.

Bản tin cho biết trong lời chào mừng. PTT Biden lẩy Kiều:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.”

baodai2Tôi không biết có thật là PTT Biden “lẩy Kiều” hai câu đó không. Hay người viết bản tin ấy bịa ra. Cứ cho là chuyện có thật, tôi théc méc:

Ông Mỹ Biden không đọc Truyện Kiều. Đúng hơn tôi phải viết  ông Biden không đọc được Truyện Kiều. Tôi viết chắc: PTT Biden không biết gì về Truyện Kiều.  Ông Biden không thể tự ông biết, hay tự ông tìm ra,  hai câu Kiều đó. Một ông Việt Nam đã mớm cho ông Biden hai câu Kiều đó. Tôi phục ông người Việt vô danh, tôi bốc ông:

“Lẩy Kiều như ông là nhất.”

Thưa ông Việt Lẩy Kiều: Xin ông cho chúng tôi được biết quý danh, và trong trường hợp nào ông chỉ cho Phó TT Mỹ dùng hai câu Kiều đó. Tuyệt hay, thưa ông.

Theo tôi, lẽ ra Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng phải là người “lẩy câu Kiều” đó.

Lan man tôi nhớ đến Lời Vua Bảo Đại trong Chiếu Văn Thoái Vị;

“Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ.”

Một câu nói tôi cho là hay tuyệt. Một câu nói để đời.

Tôi nghi Vua Bảo Đại không tự nghĩ ra lời nói trên đây. Có một ông Việt Nam nào năm đó mớm cho vua Bảo Đại nói lời đó.

Tháng Tám năm 1945 có một ông Việt Nam ở Huế viết Chiếu Văn Thoái Vị cho Vua Bảo Đại. Vua chỉ ký vào Chiếu Văn viết sẵn.

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt gần như suốt đời không viết gì cả. Hồi Ký của vua là do một ông Pháp viết.

Việc chuyên viên viết diễn văn cho Tổng Thống, Thủ Tướng là chuyện thường. Tên Mỹ của những chuyên viên Mỹ ấy là “ghostwriter.”

Tôi théc méc: Ông người Việt viết Chiếu Văn Thoái Vị cho vua Bảo Đại là ai?

Tìm trên Net tôi thấy ảnh ghi cảnh vua Bảo Đại duyệt binh ở Hà Nội năm 1950. Trong ảnh người hướng dẫn Vua Bảo Đại duyệt binh là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hình, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập.

Năm 1950 tôi – CTHĐ – có mặt trong đám dân Hà Nội đến Bờ Hồ Hoàn Kiếm xem Vua Bảo Đại duyệt binh. Dân bị chặn đứng ở xa nhìn tới. Năm 2000, ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi thấy tấm ảnh Vua Bảo Đại đi duyệt binh ở Hà Nội 65 năm xưa, năm tôi 17 tuổi.

Trên ảnh xưa có hàng chữ:

“Toàn thể các sĩ quan Quân Đội Quốc Gia triệt để – trung thành, hay tuân lệnh, chữ quá nhỏ, đọc không rõ – vi lãnh đạo tối cao của dân tộc.”

Năm 1961, Nhật báo Sàigònmới bị cái hố khi nhóm sĩ quan tạo phản đã bỏ nước ra đi, khi cuộc binh biến đã thất bại, báo đăng bản Tuyên Cáo của một số nhân sĩ ủng hộ cuộc đảo chính. Sợ bị chính quyền trù dập, Saigonmoi ra sức ca tụng, đề cao Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Một buổi trưa anh Năm Thành, anh con thứ năm của ông bà Bút Trà, giữ tôi ngồi cả giờ đồng hồ để tìm lời ghi dưới tấm ảnh TT Ngô Đình Diệm được báo đăng trong ngày hôm đó.

Sau khi tìm ra câu:

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh đạo tối cao của dân tộc.”

Đọc lại, Năm Thành nói:

Vị lãnh đạo tối cao của dân tộc..” Chưa được toa ạ, Toa nghĩ có danh từ nào ghi vào cho hay hơn không?”

Mười lăm phút sau chúng tôi tìm ra lời đề dưới ảnh:

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh đạo tối cao và duy nhất của dân tộc.”

Đến câu này – “vị lãnh đạo  tối cao và duy nhất ” – Năm Thành mới bằng lòng.

1961 Sài Gòn – 2015 Kỳ Hoa. Sáu mươi mùa thu lá bay qua đời tôi, tôi gặp lại danh từ “Lãnh đạo tối cao.”

Tờ Chiếu của Vua Bảo Đại sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Tháng Tám 1945.

Ba ngày sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và hai ngày trước khi Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội, Vua Bảo Đại tuyên cáo với quốc dân, xác định tư cách độc lập của Việt Nam, nhưng tiên liệu việc Pháp có thể theo chân Đồng Minh về tái chiếm Đông Dương. Ông kêu gọi tất cả mọi người yêu nước giúp ông lập chính phủ mới để “đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc.” (Khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim vừa từ chức.) Trước tình hình chính trị sôi động ở trong nước, Vua Bảo Đại có một lời nói lịch sử:

 “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ.”

VIỆT NAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU

Cuộc chiến tranh thế giới đã kết liễu. Lịch sử nước Việt Nam hiện tới một thời kỳ nghiêm trọng vô cùng.

Đối với dân tộc Nhật Bản, Trẫm có nhiệm vụ tuyên bố rằng: Dân tộc ta có đủ tư cách tự trị và nhất quyết huy động tất cả lực lượng, tinh thần và vật chất của toàn quốc để giữ vững nền độc lập cho nước nhà. Trước tình thế quốc tế hiện thời, Trẫm muốn mau mau có nội các mới.

Trẫm thiết tha hiệu triệu những nhà ái quốc hữu danh và ẩn danh đã nỗ lực chiến đấu cho quyền lợi dân chúng và nền độc lập nước nhà mau mau ra giúp Trẫm để đối phó với thời cuộc. Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hi sinh về tất cả các phương diện.

Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hi sinh như Trẫm.

Trong sự chiến đấu mà ta cần phải đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc, toàn thể dân tộc Việt Nam chắc chắn ở sự đắc thắng của công lý và nhân đạo và tin rằng chỉ một nước Việt Nam độc lập mới có thể cộng tác một cách có hiệu quả với tất cả các nước để gây dựng một nền hòa bình vững chắc ở hoàn cầu.

Khâm thử,

Phụng ngự ký: Bảo Đại

Ban chiếu tại Thuận Hoá ngày 10 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (Dương lịch ngày 17 tháng 8 năm 1945)

Số 181 CT Ngự tiền Văn phòng cung lục Thuận Hoá ngày 11 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (Dương lịch ngày 18 tháng 8 năm 1945)

Quan Tổng Lý

Ký tên: Phạm Khắc Hòe

Chiếu Thoái Vị của Vua Bảo Đại

Ngày 25 tháng Tám, 1945, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị để trao quyền cho chính phủ Hồ Chí Minh vừa được thành lập trước đó một ngày. Ông  nhấn mạnh rằng “sự hi sinh của trẫm phải có bổ ích cho tổ quốc.” Ông đưa ra ba điều mong ước cho chính phủ  mới, đối với tông miếu và tăng tẩm nhà Nguyễn, đối với các đảng phái quốc gia, và đối với quốc dân, tất cả đều hướng về chủ đề “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết ” 

VIỆT NAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU

  • Hạnh phúc của dân Việt Nam
  • Độc lập của nước Việt Nam

Muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hi sinh hết cả mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hi sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều có ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam, Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.

Cho nên, mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận-hoá tới Hà-tiên.

Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.

Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:

  1. Đối với Tông Miếu và Lăng Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
  2. Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
  3. Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ.
  4. Còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia để lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Dân chủ cộng hòa muôn năm!

Khâm thử

Phụng ngự ký: Bảo Đại

Ban chiếu tại lầu Kiến Trung ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20  (25 tháng 8 năm 1945)

Số hiệu 1871 GT

Ngự Tiền văn phòng cung lục

Dấu Ngự Tiền văn phòng

o O o

Tôi cảm khái vì Lời Văn Chiếu Thoái Vị. Tôi nhắc lại:

namphuong“Ông người Việt nào ở Huế năm 1945 viết Lời Chiếu Thoái Vị của Vua Bảo Đại.”

Vua Bảo Đại là lãnh tụ thứ nhất dùng thành ngữ: “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.”

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt Nam hai lần bị truất phế. Tháng Tám năm 1945 Vưa tự ý thoái vị. Nếu năm ấy Vua không thoái vị, có thể Vua bị Việt Minh giết chết. Tôi coi cuộc thoái vị đó cũng là cuộc truất phế. Vua bị truất phế lần thứ hai năm 1956.

Năm 1983 trong một số dân Sài Gòn truyền tai nhau chuyện Quốc Trưởng Bảo Đại sắp trở về nước chấp chính – tức nắm quyền. Nhiều người tin đây là chuyện thật. Người ta nói bọn Bắc Cộng sau khi chiếm miền Nam, đi vào ngõ cụt: “Tiến lên là Chết, lùi lại là Chết, đứng tại chỗ cũng Chết..” Tất cả các quốc gia trên thế giới có ác cảm với bọn Bắc Cộng, không quốc gia nào chịu giúp bọn Bắc Cộng, bọn Bắc Cộng bị bắt buộc phải mời Quốc Trưởng Bảo Đại về nước cầm quyền.

Năm 1964 ở Sài Gòn nhiều ông được cấp giấy phép ra nhật báo. Trong số những ông này có ông Ngô Đức Mão, được giấy phép ra nhật báo Tranh Đấu. Ông Chu Tử có lần mướn manchette tờ Tranh Đấu, nhưng Tranh Đấu do ông Chu Tử làm chỉ ra được khoảng một, hai tháng là bị đóng cửa. Năm đó tôi được gặp ông Ngô Đức Mão vài lần.

Ít người biết là dân Việt Nam có Hội Bảo Hoàng – Hội những người dân yêu vua, muốn nước có Vua – Hội Bảo Hoàng Việt Nam do ông Ngô Đức Mão làm Hội Trưởng. Ông Hội Trưởng Hội Bảo Hoàng Ngô Đức Mão từng được Hội Đồng Hoàng Tộc – theo lệnh bà Từ Cung – thường được gọi là Đức Từ – mời ra Huế để cám ơn.

Năm 1984 tôi bị bắt vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Qua cửa gió sà lim tôi nhìn thấy ông Ngô Đức Mão ở phòng Tập Thể Số 2 trước mặt. Ông và tôi trao đổi với nhau vài câu. Khi sang phòng tập thể, tôi được biết ông Ngô Đức Mão, bị bắt với khoảng bốn, năm ông bạn. Nhóm ông này “phấn khởi, hồ hởi” loan tin Quốc Trưởng Bảo Đại sắp về nước chấp chính. Các ông tụ họp ăn mừng tưng bừng. Tin này được gọi là tin “Ngài Ngự hồi loan.” Nghe nói bốn, năm ông này bị án tù khổ sai từ 3 năm đến 5 năm.

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt Nam cuối cùng chết ở nước người. Trước ông, dân Việt có bốn ông Vua chết ở nước ngoài : Vua Hồ Quí Ly, Vua Lê Chiêu Thống, Vua Duy Tân, Vua Thành Thái.

Tôi théc méc: Khi Vua Bảo Đại ra đời, Hoàng tộc chắc phải lấy Số Tử Vi của ông. Số Tử vi của Vua Bảo Đại chắc phải ghi người có số này sẽ nửa đời mất nghiệp, phải bỏ nước đi và chết ở nước ngoài. Một người có số mệnh xấu như thế không thể làm Vua. Hay Số Tử vi của Vua Bảo Đại không có ghi những sự kiện ấy?

Tôi không thấy người Việt nào théc méc về cái tên Bảo Đại. Bảo Đại tức Bại Đảo. Đã Bại còn Đảo, làm sao khá được. Chuyện được ghi trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí: Thời Vua Lê, Chúa Trịnh, có ông Án Đô Vương. Người đương thời bảo nhau: “Án Đô là Đố An. Ông Chúa này không khá được.” Quả nhiên Án Đô Vương chỉ ở ngôi được ít tháng là bị hạ bệ.

Bà Nam Phương là bà hoàng hậu cuối cùng của dân tộc Việt. Tôi – kẻ viết bài này – ca tụng bà là bà hoàng hậu đoan chính. Suốt một đời hoàng hậu không làm qua một việc gì, không nói một lời gì để người đời chê trách.

..Hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng, nuốt cay..”

Cảm khái cách gì!