• Năm 25 tuổi

    hoang-hai-thuy-25-tuoi.jpg

    Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sàigòn, Năm 1957.
  • Thể Loại

  • Được yêu thích …

  • Bài Cũ

TRĂM NĂM CÔ ĐƠN

tramnamcover

Một buổi sáng năm 1970, hay năm 1971 ở Sài Gòn — Trùng Dương đưa cho tôi quyển “One Hundred Years of Solitude,” Nàng nói:

“Truyện hay tuyệt. Sẽ được Nobel Văn Chương. Anh dịch. Nhuận và tôi chi tiền anh. Dịch xong Sóng Thần sẽ xuất bản.”

Nàng nói:

“Những người đàn bà trong truyện này đa tình, đam mê không thể tưởng..”

Lần thứ nhất tôi cầm quyển “One Hundred Years of Solitude” của Gabriel Garcia Marquez, lần thứ nhất tôi biết tên ông. Truyện tiếng Anh, khoảng 800 trang chữ nhỏ. Nếu dịch trọn truyện bản chữ Việt phải ít nhất là 2000 trang. Nhà văn viết “One Hundred Years of Solitude” bằng tiếng Espagnole: Spanish – Tây Ban Nha, Y Pha Nho –  tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Trùng Dương đồng ý với tôi là sẽ lược bớt đi, để bản in chữ Việt khoảng từ 800 đến 1000 trang.

Nàng nói:

“Có hai tên “Trăm Năm Cô Đơn, Trăm Năm Hiu Quạnh;” anh chọn tên nào?”

Gabriel Garcia Marquez

Gabriel Garcia Marquez

Lẽ ra phải chọn “Trăm Năm Cô Đơn,” cái tên Việt tuyệt đúng với tên Anh, tôi ngớ ngẩn chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh.” Ngớ ngẩn hết nước nói. Cảnh hiu quạnh, người cô đơn. Thay vì nói “Trăm Năm Cô Đơn” hay hơn, đúng hơn, Trùng Dương không nói, nàng để tôi chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh.” Chúng tôi thoả thuận về tiền công dịch. Tiền công tính theo trang đánh máy. Dịch dần, trả tiền dần.

Hôm nay – một ngày Tháng Tư 2014 – 44 năm sau tôi không nhớ công dịch một trang đánh máy “Solitude” của tôi 44 năm xưa là bao nhiêu, chỉ nhớ đại khái là dịch xong 100 trang, tôi đem đến đưa Trùng Dương; nàng ký cho tôi cái phiếu chi tiền – khoảng 70.000 đồng – tôi đưa phiếu cho Nguyễn Đức Nhuận, quản lý nhật báo Sóng Thần, Cơ Sở Nhân Chủ. Nhuận chi tiền. Tôi về nhà dịch tiếp. Những năm ấy tôi chưa vào làm ở USIS nên tôi ngồi nhà gõ máy chữ dịch suốt ngày. Nhuận hiện sống ở Cali, Trùng Dương ở Washington State.

Trước khi dịch, tôi để hai đêm đọc “One Hundred Years..” Tôi mê mẩn vì truyện. Những lời văn Anh bay như Thơ, đẹp như Hoa, mịn như Lụa. Nghe tôi ca tụng, có người bảo: “Đọc nguyên bản tiếng Ét-ba-nhon còn hay, còn mê hơn nhiều.” Tôi mê mải dịch. Tôi dịch xong trong khoảng 60 ngày. Việc dịch “One Hundred..” làm tôi có cảm giác trong hai tháng tôi già đi mười tuổi. Nhuận cho xếp chữ, làm thành bản in mẫu như quyển sách, khoảng 800 trang. Đưa đi Sở Phối Hợp Nghệ Thuật Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Sách kiểm duyệt về, tôi xem thấy bị cắt khoảng 60 trang – toàn những đoạn tả Tình Dục tuyệt tuyệt – tôi nghĩ:

“Truyện 800 trang, bị cắt 60 trang, như mất  một ngón tay. Được.”

Nhuận phải có một số tiền mua giấy in “Trăm Năm.” Khoảng mười tháng sau Nhuận có giấy in thì Sở Phối Hợp Nghệ Thuật có lệnh mới: “Sách đã kiểm duyệt quá sáu tháng chưa in phải kiểm duyệt lại.” Lần thứ hai ‘Trăm Năm” đến Bộ Thông Tinchịu kiểm duyệt, rồi Nhuận bảo tôi:

“Trăm năm bị cấm, không cho xuất bản.”

Tôi hỏi tại sao, Nhuận nói:

“Hoàng Đức Nhã không cho xuất bản vì tác giả thân bọn cộng sản, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ, là bạn thân của Fidel Castro.”

Trăm Năm Hiu Quạnh” bị chết khi chưa được chào đời. Tôi tiếc công tôi dịch. Nếu “Trăm Năm..” được in ngay sau lần kiểm duyệt đầu tiên.. Hay biết bao nhiêu.

Mùa thu lá bay.. Không hẹn nhau kiếp sau ăn gà xé phay.. Những ngày như lá, tháng như mây.. Thấp thoáng dzậy mà 40 năm.. Tháng Tư 2014, Gabriel Garcia Marquez giã từ trần thế. Tôi viết bài này. Tôi ngậm ngùi tiếc “Trăm Năm Hiu Quạnh” không được chào đời ở Sài Gòn những năm đầu 1970; tôi tiếc công tôi dịch.

Trăm Năm Hiu Quạnh là tác phẩm dịch duy nhất tôi dịch, được trả hết tiền công, được xếp chữ, được kiểm duyệt, chỉ còn chờ ngày lên máy in, đến những tiệm sách, đến tay người đọc; vậy mà bị cấm xuất bản. Ngày xưa đó nhật báo Sóng Thần – Cơ Sở Xuất Bản Nhân Chủ — đã đăng quảng cáo sắp có bán Trăm Năm Hiu Quạnh.

Năm 2005 một đêm mầy mò trên Web, tôi tình cờ tìm được bản quảng cáo Trăm Năm Hiu Quạnh trên báo Sóng Thần. Bản quảng cáo này đăng trong Trang “SáchXưa.net ” – nhà mua bán “sách xưa” trên Internet ở Sài Gòn. Đây là những dòng chữ quảng cáo:

Đón đọc TRĂM NĂM HIU QUẠNH, truyện dài của Gabriel Garcia Márquez, bản dịch Việt văn của Hoàng Hải Thuỷ

Tác phẩm đã được liệt vào một trong 12 cuốn tiểu thuyết giá trị nhất thế giới trong năm 1970 và đã đem về cho tác giả giải Văn Chương giá trị nhất của miền Nam Mỹ Châu, Romulo Galagos, trị giá 21.000 Mỹ kim ( khoảng 10 triệu bạc VN.)

Và được mô tả như: “Một  sáng thế kỷ náo nhiệt và đa tình của văn chương Mỹ hâu La Tinh. Một phần là lịch sử ký sự, một phần là huyền thoại vừa siêu thực, vừa hiện thực, tác phẩm ( Trăm Năm Hiu Quạnh ) viết về cuộc hình thành và tiêu diệt của một dòng họ điển hình và một thành phố.”

Cơ Sở NHÂN CHỦ ấn hành

Hơn bốn mươi năm đi qua đời tôi kể từ những ngày tôi dịch “One Hundred Years of Solitude” trong căn gác nhỏ ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn. Sang Mỹ tôi có quyển truyện của Garcia Marquez nhưng tôi không đọc lại. Hôm nay Nhà Văn Marquez qua đời, tôi viết bài này, tôi chỉ còn nhớ máng máng cốt truyện.

Truyện One Hundred Years of Solitude không thể kể lại được. Muốn biết truyện, muốn thấy cái Hay Tuyệt của truyện, phải đọc truyện. Truyện một dòng họ dài trong một trăm năm, năm thế hệ, nhiều nhân vật trùng tên, nhiều đoạn truyện kể chuyện đã xẩy ra trước đó – những đoạn gọi là “flasback” – làm người đọc rối trí, điên đầu.

o O o

tramnam

Đêm. Trong không gian tĩnh của Virginia Xứ Tình Nhân, tôi đọc lại đoạn tôi đã viết trong ngày về One Hundred Years of Solitude và về tác giả. Thấy đoạn viết không ra làm sao cả, tôi bỏ đi nửa bài. Tôi tìm trên Web những lời viết về tác phẩm và tác giả.

Năm 1996, trả lời một cuộc phỏng vấn, Gabriel Garcia Marquez kể về thời gian đầu làm báo, viết truyện của ông:

Marquez kể: “Tôi sống phóng túng với việc phóng viên nhà báo ở Cartagena. Xong việc ở toà báo lúc 1 giờ sáng, tôi ở lại toà soạn để sáng tác một bài thơ, hay viết một truyện ngắn. Đến 3 giờ sáng tôi ra tiệm uống bia. Tôi về nhà lúc 5 giờ sáng. Nhiều bà đi dâng Lễ Nhà Thờ thấy tôi đi tới vội đi sang vỉa hè bên kia, các bà, các cô sợ anh say làm bậy, cướp, hiếp.

Tôi đọc Hemingway, Faulkner. Twain, Melville, Proust, Sartre, Camus.. Tôi thán phục các ông nhưng tôi không bắt chước viết như các ông. Tôi làm đủ mọi cách tôi có thể làm để viết không giống các ông.”

Năm 1955 ký giả Garcia phỏng vấn một thuỷ thủ sống sót trong một vụ tầu Hải Quan Colombia bị chìm ngoài biển. Thuỷ thủ này cho ký giả trẻ biết tầu chở quá nặng những hàng hoá lậu thuế của quan chức nên tầu bị đắm. Phóng sự điều tra đăng lên báo, Tướng Gustavo Rojas Pinilla, Nhà Độc Tài Colombia, ra lệnh bắt ký giả Marquez. Ông phải trốn sang Âu châu. Ông phải làm nhiều nghề để sống; có lúc ông bán rượu lậu thuế, rượu lấy trộm, bán trên đường phố. Ông bắt đầu cuộc đời tiểu thuyết gia với truyện vừa “In Evil Hour.” Ông không bị choáng ngợp, bị hớp hồn vì văn minh Âu Châu như nhiều nhà văn Mỹ La Tinh sang sống ở Paris, Vienna, Roma.

Marquez ca tụng và bênh Fidel Castro. Ông tán thành cả việc Castro xử tử, giam tù chung thân những văn nghệ sĩ Cuba đòi tự do, nhân quyền. Trong 30 năm, chính quyền Hoa Kỳ không cho ông vào nước Mỹ. Lý do nêu ra Nhà Văn là đảng viên Đảng Cộng Sản. Nhưng lý do chính là Nhà Văn thân với Fidel Castro.

Susan Sontag viết: “Với tôi, việc đáng trách nhất là một nhà văn lớn như ông lại là người phát ngôn của một chính quyền cho nhân dân nước họ vào tù nhiều nhất thế giới – tính theo tỷ lệ dân số – một thứ chính quyền bạo ngược tước bỏ mọi quyền của người dân.”

Năm 1995, Tổng Thống Clinton bãi bỏ lệnh cấm Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez vào Mỳ Quốc bằng cách mời Nhà Văn đến thăm Nhà Martha’s Vineyard. Năm 1999 Marquez bị cancer. Tác phẩm cuối cùng của ông là tiểu thuyết “Memory of my Melancholy Whores;” đề tài của truyện là cuộc tình của ông già 90 tuổi với cô gái 14 tuổi.

Nhà Văn không cho One Hundred Years of Solitude làm thành phim.

o O o

Mở đầu: José Arcadia Buendia và cô em họ Ursula yêu nhau, kết hôn dù gia đình họ không bằng lòng. Dòng họ Buendia có truyền thuyết người trong họ lấy nhau là loạn luân – incest – con họ đẻ ra sẽ có cái đuôi như đuôi lợn. Vì vậy Ursula yêu chồng nhưng không cho chồng làm tình. Jose Arcadio thắng trận đấu gà. Anh bị Prudencio Aiguilar, chủ gà thua trận đấu, chế nhạo là bất lực. José đâm chết Aguilar rồi về nhà làm tình với Ursula. Họ sinh hai con trai: José Arcadio và Aureliano. Hồn ma Aiguilar theo ám José Asrcadio…

o O o

Đêm. Tôi lấy bản cốt truyện “One Hundred..” trên Internet định dịch để quí vị đọc, nhưng như tôi đã viết:  Không thể kể được truyên  “One Hundred ..” Dịch khó quá, mất công mà tôi có dịch ra quí vị đọc cũng không nắm được cốt Truyện, không thấy cái Hay, cái Kỳ Tuyệt của Truyện. Tôi ngừng dịch. Tôi lấy lại đoạn tôi đã viết về “One Hundred..” và đăng ở đây cùng một số Lời – gọi là “Quote” của “One Hundred Years of Solitude.” Mong quí vị đọc tạm.

Truyện một dòng họ dài trong một trăm năm, năm thế hệ, nhiều nhân vật trùng tên: Aureliano rồi Aureliano Secondo, tên bà nội tổ là Amaranta Ursula, tên cô chắt là Amaranta Remedios – tôi kể có thể không đúng tên – những nhân vật kỳ diệu, những cuộc tình lửa cháy, những người đàn bà đa tình làm người đọc những cuộc tình hoả diệm sơn của các nàng phải ngất ngư con tầu đi; có nàng đang đi trong cánh đồng bỗng bay lên trời, có nàng buộc dây vào cổ chồng dắt đi riễu phố, có nàng biệt hiệu là Voi Cái chuyên đi ăn thi xem ai ăn nhiều; nàng đến Macondo ăn thi với Aureliano Secondo; nàng ăn từ tốn đúng là một thiếu phụ quí phái trong khi Aureliano ăn lấy, ăn để. Nàng thắng, Aureliano bội thực, gục mặt xuống bàn ăn; có chàng trong họ Buendia – tôi không nhớ tên – đi khắp nước tìm người thiếu nữ đẹp nhất để cưới làm vợ, có vụ công nhân trồng chuối biểu tình đòi tăng tiền công bị lính bắn chết la liệt trên đường, một chú thiếu niên họ Buendia chạy kịp nên thoát chết; sáng hôm sau chú đói khát đi bộ mò về thầy nơi công nhân bị bắn hôm qua sạch boong, không một vết máu, không người dân Macondo nào biết gì về vụ công nhân đồn điền chuối bị bắn chết, chuyện một thanh niên Buendia chống chính quyền độc tài trốn cả mười năm trong một căn phòng kín, mỗi ngày người nhà chú đem đến cửa phòng cho chú đĩa cơm, trên đĩa có hai lát chuối. Chuyện này cho người đọc thấy dân Colombia ăn cơm với chuối. Chuyện làm tôi nghĩ nước Việt Nam có nhiều chuối như Colombia sao không thấy dân Việt ăn cơm với chuối. Trong phòng tối có sẵn cả ngàn cái hũ sành, người thanh niên ẩn trong phòng tiểu, đại vào những hũ sành ấy. Một hôm đội lính vào xét nhà. Viên sĩ quan bắt mở cửa phòng. Người đàn ba run rẩy mở cửa phòng nhìn thấy đôi mắt chàng thanh niên sáng quắc trong bóng tối nhưng viên sĩ quan không nhìn thấy; có chàng thanh niên bị đưa ra xử bắn, khi chờ chết ngửi thấy mùi nách người đàn bà cho chàng làm tình lần đầu, có những bà mẹ nhà quí tộc đêm đưa con gái đến xin ngủ với những người đàn ông được coi là anh hùng để lấy giống, cho dòng họ được mạnh, những người Buendia dự Lễ Tro, dấu tro trên trán họ ở mãi không phai, một số những người này bị kẻ thù bắn chết, những viên đạn đều bắn vào vết tro trên trán họ ..vv..vv..

Mời đọc mtộ số Lời Viết của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez:

*  Nobody deserves your tears, but whoever deserves them will not make you cry.

Không ai đáng để bạn khóc, người xứng đáng để bạn khóc không bao giờ làm bạn khóc.

Không ai xứng đáng với những giọt nước mắt của bạn, người xứng đáng không làm bạn khóc.

* It’s enough for me to be sure that you and I exist at this moment.

Anh thấy đủ cho anh khi anh biết chắc em và anh đang sống bên nhau.

* All human beings have three lives: public, private, and secret.

Mọi người đều có ba cuộc đời: đởi công, đời tư và đời bí mật.

* Nothing in this world was more difficult than Love.

Không gì khó hơn là Yêu trong cuộc đời này.

* Wisdom comes to us when it can no longer do any good.

Khôn ngoan đến với ta khi nó không còn giúp ích gì được ta.

* A lie is more comfortable than doubt, more useful than love, more lasting than truth

Lời dối trá dễ chịu hơn là ngờ vực, có ích hơn yêu, bền lâu hơn sự thật.

* Crazy people are not crazy if one accepts their reasoning.

Người khùng không khùng nếu ta chấp nhận những lý luận của họ.

* No matter what, nobody can take away the dances you’ve already had.

Bất kể có gì xẩy ra, không ai có thể lấy đi những sung sướng mà chúng ta đã được hưởng.

* Be calm. God awaits you at the door.

Bình tĩnh. Chúa chờ bạn ở cửa.

* Humanity, like armies in the field, advances at the speed of the slowest.

Nhân loại, như những đội quân trên chiến trường, tiến với tốc độ chậm nhất.

* The only regret I will have in dying is if it is not for Love.

Niềm tiếc hận duy nhất tôi có khi tôi chết là nếu tôi không chết cho Tình Yêu.

* A person doesn’t die when he should but when he can.

Người ta không chết khi nên chết mà chết khi người ta có thể.

* The heart’s memory eliminates the bad and magnifies the good.

Ký ức của Trái Tim loại bỏ cái dở và làm lớn lên những cái tốt, loại bỏ những cái Xấu, làm đẹp hơn những cái Tốt.

* No medicine cures what happiness cannot. 

Không thuốc nào chữa được nếu Hạnh Phúc chữa không được.

o O o

Một đoạn trích trong Diễn Văn Nhận Giải Văn Chương Nobel của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez:

Mười một năm trước, nhà thơ Chilê Pablo Neruda, một trong những nhà thơ xuất sắc của thời đại chúng ta, đã từng vén mở Sự Thật Châu Mỹ La Tình cho quí vị cử tọa ở đây thấy, qua bài diễn từ của ông. Kể từ bấy, những người Âu Châu có thiện ý — và đôi khi cả những kẻ ác ý nữa — đã được đánh động mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi những tin tức kinh hoàng của Châu Mỹ La Tinh, cái vương quốc bao la toàn những đàn ông bị ma ám cùng những phụ nữ lẫy lừng mà thói bướng bỉnh ngoan cố vô hạn đã trở thành huyền thoại ấy. Chúng tôi chưa được nghỉ ngơi lấy một chốc lát nào. Một vị Tổng thống đầu óc sáng tạo táo bạo, cố thủ trong dinh thự đang cháy rực của ngài, đã chết trong lúc một thân một mình chiến đấu chống lại cả một đạo quân; (Tổng Thống Allende của Chile) và hai tai nạn máy bay đáng ngờ kia, vẫn chưa ai giải thích được, đã khiến một vị Tổng thống dũng cảm khác, cùng một chiến sĩ phe dân chủ, người đã từng phục hồi phẩm giá cho dân tộc mình, phải đoản mệnh. Đã có năm trận chiến và mười bẩy cuộc đảo chánh quân sự; cũng đã nẩy nòi ra được một tên độc tài quỉ quyệt nhân danh Chúa thực thi chính sách diệt chủng đầu tiên ở châu Mỹ La Tinh đối với các nhóm sắc tộc. (Độc tài Pinochet ở Chile) Cùng lúc, hai mươi triệu trẻ con Châu Mỹ La Tinh đã chết trước khi đầy tuổi — nhiều hơn số trẻ chào đời ở Châu Âu tính từ 1970. Con số những người mất tích do đàn áp đã đạt gần một trăm hai mươi nghìn người; cơ sự này có lẽ rồi sẽ chẳng ai kê khai nổi toàn bộ cư dân của Uppsala. Vô số phụ nữ bị bắt bớ trong lúc bụng mang dạ chửa đã cho con mình chào đời trong các nhà tù ở Achentina, dù vậy chẳng ai biết được gì về chỗ ở lẫn lai lịch của con cái họ, những đứa trẻ đã được người lạ lén lút nhận làm con nuôi hoặc gửi vào cô nhi viện theo lệnh các nhà cầm quyền quân sự. Chính vì toan tính cải cách mà gần hai trăm nghìn người đã chết trên toàn châu lục, cũng như hơn một trăm nghìn người đã mất mạng trong ba quốc gia nhỏ bé và xấu số ở Trung Mỹ: Nicaragua, El Salvador và Guatemala. Nếu điều này đã xảy ra ở nước Mỹ, con số tương ứng sẽ là một triệu sáu trăm ngàn cái chết bạo liệt trong vòng bốn năm.

Một triệu người đã trốn khỏi Chilê, một quốc gia có truyền thống hiếu khách — nghĩa là, mười phần trăm dân số. Uruguay, một xứ sở tí hon chừng hai triệu rưởi dân, vốn tự xem mình là đất nước văn minh nhất châu lục, cũng đã có cứ năm công dân thì hết một bị lưu đầy. Kể từ 1979, cuộc nội chiến ở El Salvador đã sản sinh ra gần như cứ mỗi hai mươi phút một người tị nạn. Nếu một xứ sở nào chứa toàn những kẻ bị phát vãng hoặc bị buộc phải di cư từ Châu Mỹ La Tinh, xứ sở ấy sẽ có một dân số đông hơn số dân Na Uy.

Tôi dám cho rằng chính cái hiện thực ngoại cỡ này của Châu Mỹ La Tinh, chứ không phải sự biểu đạt văn chương của nó, mới đáng để Viện Hàn Lâm Văn Học Thụy Điển lưu tâm. Một hiện thực không phải trên giấy, mà sống động trong chúng tôi, và quyết định từng khoảnh khắc một của vô vàn cái chết mỗi ngày của chúng tôi; chính nó đã nuôi dưỡng cái ngọn nguồn sáng tạo không bao giờ no thoả, đầy sầu não cùng vẻ đẹp, mà từ đó cái gã người Colombia lang thang và hoài cổ trước mắt quí vị đây chỉ là một kẻ vô tích sự mà số phận đã chọn lấy. Là thi nhân hay hành khất, nhạc công hay tiên tri, chiến binh hay kẻ vô lại, — toàn thể tạo vật của cái hiện thực ngoài vòng cương tỏa ấy, – chúng tôi chẳng phải cầu viện gì nhiều đến óc tưởng tượng; trái lại, vấn đề then chốt của chúng tôi chính là thiếu phương tiện qui ước để diễn đạt cái hiện thực ấy sao cho người ta tin được. Điều này, thưa quí vị, chính là điểm khó khăn nhất trong nỗi cô đơn của chúng tôi.

Ngưng trích Diễn Văn.

Buồn và Nản. Nhà Văn nói như thế mà Nhà Văn sống như thế, làm như thế: Ủng hộ hết mình Độc Tài Fidel Castro! Tất cả những tội ác mà nhà cầm quyền các nước Châu Mỹ La Tinh làm với nhân dân của họ — được Nhà Văn kể trong Diễn Văn — đều xẩy ra ở Cuba; Fidel Castro là tên độc tài ác độc nhất, người dân Cuba bỏ nước trốn sang Mỹ nhiều nhất.

* Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Một giờ sáng. Tôi ngưng ở đây.

7 Responses

  1. Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
    xem

  2. Tuyệt diệu vô cùng.

  3. […] – TRĂM NĂM CÔ ĐƠN (Hoàng Hải Thuỷ). […]

  4. Anh HHThủy ơi, TD đây. Hôm qua, 17 tháng 4, 2014 Gabriel Garcia Marquez qua đời. Tôi đã viết một bài về ông, trong đó có nhắc tới bản dịch Việt ngữ “Trăm Năm Hiu Quạnh” do anh dịch. Có người nói với tôi là xưa đã “đọc bản dịch [Việt ngữ] hai, ba lần.” Tôi lấy làm lạ vì rõ ràng bản dịch đó bị cấm và đã không được chào đời, hay là có ai đó đã dịch. Nên lên Internet kiếm nó và tình cờ lạc vào trang này của anh. Vâng tôi vẫn nhớ bản anh dịch rất nhuyễn, nhiều chi tiết còn ghi đậm trong trí nhớ tôi, và tôi đã rất thú vị khi gặp lại chúng sau này khi đọc lại bản Anh ngữ gần đây. Và cái tựa “Trăm Năm Hiu Quạnh” thật hay, thơ nữa. Anh có thể vô link này đọc bài tôi viết về Garcia Remarque: http://www.hopluu.net/D_1-2_2-118_4-2259_5-4_6-1_17-18_14-2_10-92_12-1/
    Chúc anh an vui.
    TD

  5. […] – TRĂM NĂM CÔ ĐƠN (Hoàng Hải Thuỷ). […]

  6. […] – TRĂM NĂM CÔ ĐƠN (Hoàng Hải Thuỷ). […]

  7. Những người như nhà văn này thuộc về thế hệ đầu tiên ở thế giới
    nghèo đói từng tôn thờ lý tưởng công bằng mà 2 ông tổ CS.đã vẽ
    ra mà chưa có gì chứng minh là khả thi cả nhưng vì là nhà văn nên
    không ai có thể cấm họ thích mơ mộng hão huyền như thế.
    Nói cách khác là ông ta đã ngộ nhận giữa lý thuyết và thực tiễn và
    niềm tin cuống nhiệt ban đầu đã trở thành thuớc độc đối với họ mà
    họ không muốn thừa nhận là thuốc độc vì họ bị lậm độc qúa độ đến
    nỗi mất hết nhận thức và tình thần phục thiện.
    Tính cách tự cao tự đại của văn tài cũng góp phần dẫn đến cố chấp.

Leave a comment